Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:29:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy  (Đọc 31608 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:29 pm »


Câu hỏi 17: Cho biết đôi nét về địa bàn hoạt động của nghĩa quân?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gồm có ba giai đoạn chính và trong đó giai đoạn thứ hai là quan trọng nhất, cho nên địa bàn hoạt động của nghĩa quân cũng thay đổi theo từng giai đoạn.

Vào những năm 1883-1885 khi Đinh Gia Quế đang lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thì căn cứ địa chính của nghĩa quân là ở vùng Bãi Sậy với khu vực trung tâm của nó là "tam thiên mẫu" nằm trong huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đổng Quế đã xây dựng ở làng Thọ Bình (quê hương ông) một cái đồn chu vi rộng khoảng 5 mẫu, có tường gạch vây quanh và một số nhà kho, trường tập bắn, tập luyện võ nghệ. Đồn xây dựng không kiên cố lắm và thực sự nó chỉ là nơi làm việc của Đổng Quế, nơi hội họp của các thủ lĩnh trong vùng, nơi tập luyện và đồn trú của một số nghĩa quân. Xung quanh đồn có đào nhiều hầm hố và giao thông hào tỏa rộng ra khắp các nơi để giúp nghĩa quân có thể ẩn nấp, vận động mỗi khi tấn công, hoặc phòng ngự, bảo vệ căn cứ địa. Còn đại bộ phận lực lượng nghĩa quân vẫn đóng ở khắp các làng trong vùng Bãi Sậy, kể cả những nơi sát tỉnh lỵ hoặc đồn bốt địch. Tuy lấy khu "tam thiên mẫu" làm căn cứ chính, nhưng nghĩa quân đã hoạt động lan rộng ra nhiều phủ huyện ở Hưng Yên như Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, v.v... Nghĩa quân còn khống chế được cả con đường số 5 Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng.

Lúc ấy mặc dù đã chiếm được tỉnh Hưng Yên, Pháp mới chỉ làm chủ được tình thế ở một số nơi, còn đại bộ phận vùng nông thôn rộng lớn vẫn do nghĩa quân kiểm soát: thu thuế má, chiêu mộ nghĩa quân, quyên góp lương thực. Thí dụ, về thuế ruộng, có nơi nhân dân nộp một mẫu 1 hộc thóc, có nơi là 3 phương1.

Nói chung lại, hoạt động của nghĩa quân Đổng Quế mới chỉ phát triển được trong một số phủ huyện ở Hưng Yên.

Nhưng từ khi Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tuy vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính, nghĩa quân đã mở rộng hoạt động ra hầu khắp ba tỉnh tả ngạn sông Hồng và nhiều trận đánh cũng diễn ra trong vùng này như Lực Điền, Bình Phú, Liêu Trung, Hoàng Trạch, v.v... (Hưng Yên); Quảng Bô, Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ, Mễ Đao, v.v... (Bắc Ninh); An Định, Đông Triều, v.v... (Hải Dương). Ngoài ra, nghĩa quân còn hoạt động mạnh ở các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, các phủ Ứng Hòa, Thường Tín (Hà Đông) và có nhiều lần đã tiến sát đến Gia Lâm (gần Hà Nội) (năm 1888). Các con đường giao thông chính như Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng và Hà Nội - Hưng Yên - Thái Bình cũng bị nghĩa quân kiểm soát. Các đoàn xe vận tải của Pháp đi trên hai con đường này luôn bị phục kích.

Nếu so sánh với giai đoạn khởi nghĩa trước của Đổng Quế thì nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã có một địa bàn hoạt động khá rộng lớn ở nhiều phủ huyện, bao gồm cả vùng đồng bằng lẫn vùng rừng núi như Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Chí Linh, Đông Triều, v.v... Nhờ vậy, Nguyễn Thiện Thuật đã có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển lực lượng nghĩa quân, tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đặng duy trì được cuộc khởi nghĩa dài hơn mặc dù trong giai đoạn này phong trào Bãi Sậy bị địch khủng bố rất ác liệt.

Đến cuối năm 1889, khi cuộc khởi nghĩa bước vào thời kỳ thoái trào và Nguyễn Thiện Kế lên thay Tán Thuật chỉ huy phong trào thì nghĩa quân cũng phải thu hẹp địa bàn hoạt động. Trong giai đoạn này, nghĩa quân chỉ còn hoạt động mạnh ở tỉnh Hưng Yên và trong một số phủ huyện Bắc Ninh và Hải Dương, ví như các trận Kẻ Sặt, Đồng Ngư, Quang Xá, Phù Sa, Ninh Võ, La Mát, Đào Xá, Tiểu Quan, v.v...

Một điểm đáng chú ý thêm là vì đường số 5 và số 39 đều đi qua vùng lau sậy tỉnh Hưng Yên nên nghĩa quân Hai Kế cũng thường xuyên uy hiếp hai con đường này để hạn chế địch hành quân càn quét, đàn áp.
_____________________________________
1. Theo tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:20 pm »


Câu hỏi 18: Khi đã mở rộng được địa bàn hoạt động, nghĩa quân đã có lợi thế và thu được những kết quả gì trong quá trình khởi nghĩa?
Trả lời:


Trong 10 năm hoạt động chống Pháp từ Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật cho đến Nguyễn Thiện Kế, mỗi khi thấy lực lượng nghĩa quân lớn mạnh, các ông đều quan tâm đến vấn đề mở rộng địa bàn hoạt động để phát triển quy mô, thanh thế của phong trào. Cho nên trong thực tế không phải bọn thực dân Pháp chỉ phải đánh nhau với nghĩa quân ở khu trung tâm Bãi Sậy và một vài vùng lân cận; trái lại địch đã thực sự phải đàn áp cả một phong trào đấu tranh khắp trong ba tỉnh. Nếu theo dõi những cuộc hành quân "bình định" và "trị an" của Hoàng Cao Khải trong năm 1889 và 1891, chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này.

Không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động là một ưu điểm lớn của phong trào Bãi Sậy. Nhờ đó nghĩa quân thoát được khỏi tình trạng bó hẹp, cô độc, không bị địch tiêu diệt nhanh chóng khi chúng thẳng tay khủng bố. Hơn nữa, nghĩa quân còn có thể xây dựng lại phong trào để tiếp tục đánh Pháp. Ví như, gần cuối năm 1889, sau khi đánh bại được một số lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy ở Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên, Pháp cho rằng đã đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, nên vội giải tán ngay đạo quân Hoàng Cao Khải.

Nhưng thực ra ở những nơi khác, lực lượng nghĩa quân vẫn chưa bị giảm sút hẳn, nên các thủ lĩnh địa phương đã tranh thủ thời gian xây dựng lại lực lượng, rồi từ đó tiến lên khôi phục được phong trào. Sự hoạt động trở lại của nghĩa quân Hai Kế trong những năm 1890-1891 đã chứng minh sự thực trên.

Có một lực lượng mạnh, lại có một địa bàn khá rộng, nghĩa quân Bãi Sậy đã đánh Pháp rất tích cực ở khắp nơi, gây nên một phong trào khởi nghĩa sôi nổi nhất ở đồng bằng Bắc Kỳ trong nửa thế kỷ XIX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:55 pm »


Câu hỏi 19: Cho biết quá trình chiến đấu của nghĩa quân ở giai đoạn thứ nhất (1883-1885) cuộc khởi nghĩa của Đinh Gia Quế?
Trả lời:


Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai và triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc, thì lập tức một phong trào kháng Pháp của nhân dân nổi lên rất rầm rộ ở khắp nơi, trong đó có cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế.

Lợi dụng những cánh đồng lau sậy hoang vu của Hưng Yên, nghĩa quân Đổng Quế đã xây dựng căn cứ địa chính ở vùng Bãi Sậy và dùng chiến thuật du kích để đánh địch.

Để đàn áp phong trào Đổng Quế, Pháp bèn đóng một số đồn bốt ở Hưng Yên như Úng Lôi, Đình Cao, Bằng Ngang, Phó Nham, An Vỹ, Bình Phú, Lực Điền và Thổ Hoàng1. Đồng thời Pháp có nhiều đạo quân mở những cuộc tấn công vào vùng Bãi Sậy hòng tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng vì không hiểu tình hình trong vùng, lại không được nhân dân cung cấp tin tức và bị nghĩa quân dùng chiến thuật du kích chống lại nên chúng đều bị thất bại nặng nề. Còn nghĩa quân không những không bị tiêu diệt mà ngược lại đã hoạt động mạnh hơn, luôn luôn tấn công các đồn bốt lẻ, phục kích các đoàn xe và các toán quân tuần tiễu thám báo của địch. Pháp đã phải thú nhận rằng nghĩa quân vẫn thực sự cai trị các làng, còn bọn quan lại phủ huyện do Pháp đặt lên để cai trị nhân dân thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, chúng đều bỏ trốn vào trong tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ cuộc khởi nghĩa.

Sau đó Pháp giao cho Hoàng Cao Khải đang làm tuần phủ Hưng Yên đi đàn áp nghĩa quân. Khải đã chỉ huy cả quân ngụy và quân Pháp mở cuộc tấn công vào căn cứ Bãi Sậy. Nhưng khi vào đến nơi địch chỉ thấy những cánh đồng lau sậy hoang vu rộng mênh mông với thân sậy cao vút đến 3 mét và một màng lưới giao thông hào hầm hố chằng chịt chạy khắp vùng, chứ không tìm thấy một nghĩa quân nào. Địch như lạc vào một "mê hồn trận" và chúng luôn luôn bị nghĩa quân nấp kín trong giao thông hào, bụi rậm, hầm hố bắn ra, giết chết nhiều tên. Bị thất bại, Hoàng Cao Khải phải rút quân về phủ lỵ Khoái Châu.

Rút kinh nghiệm, một mặt địch tăng cường khủng bố nhân dân để ly gián giữa nghĩa quân với nhân dân; mặt khác chúng đánh phá ác liệt, triệt phá căn cứ Bãi Sậy bằng cách đốt cháy cả vùng.

Vì thế, đến năm 1885, cuộc khởi nghĩa tạm thời bị lắng xuống.
____________________________________
1. Theo Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí (Nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội, năm 1937).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 07:35:22 pm »


Câu hỏi 20: Cho biết những bước đầu của quá trình chiến đấu ở giai đoạn thứ hai (1885-1889) cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật? Nguyễn Thiện Thuật đã xây dựng phong trào, tập hợp nghĩa quân như thế nào và những hành động đối phó của địch?
Trả lời:


Chính trong lúc nghĩa quân Đổng Quế đang thiếu người chỉ huy thì Nguyễn Thiện Thuật trở về nước, hợp lực cùng với một số người thân tín để xây dựng lại phong trào, tiếp tục sự nghiệp của họ Đinh.

Sẵn có uy tín lớn nên Nguyễn Thiện Thuật đã nhanh chóng tranh thủ được nhiều thủ lãnh nghĩa quân ở Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đi theo, kể cả những người đã từng khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1883, 1884 như Đốc Khoát, Đốc Tích, v.v... Số thủ lãnh nghĩa quân tăng lên nhiều và bất cứ ở huyện, tổng, xã nào cũng có người chỉ huy nghĩa quân. Họ đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự lãnh đạo chung của Nguyễn Thiện Thuật1. Cũng trong giai đoạn này, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc đã xuất hiện như Đốc Sung, Đề Tính, Đề Ban, Đội Văn, Hai Kế, Lãnh Điển, Đốc Cập, v.v... Khác với giai đoạn trước, trong những năm này (1885-1889) nhiều trận đánh nhau với địch có hàng trăm nghĩa quân tham gia đã diễn ra ở nhiều nơi. Nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã thực sự đóng quân và hoạt động khắp trong ba tỉnh tả ngạn sông Hồng.

Trước tình hình đó, địch tìm cách đối phó lại. Ngày 1 tháng 5 năm 1886, theo lệnh của tướng Jamont, hàng loạt đồn bốt đã được thành lập ở Hưng Yên, Hải Dương, Kẻ Sặt và Bắc Ninh như các đồn Phó Nham, Cao Xá, Phù Cừ, Cửa Luộc, Định Đào, phủ Ninh Giang, Tống Long, chợ Huyền, Ghềnh, Văn Giang, Bình Phú, phủ Khoái Châu, Lực Điền, Bần Yên Nhân, Cẩm Giàng, phủ Thuận Thành, Phú Dương, Hương Gia, phủ Đa Phúc, Hà Châu, v.v... 2. Những đồn này đều do lính Pháp, lính Phi châu và ngụy binh đóng giữ. Pháp còn thường xuyên cho quân tuần tiễu khắp trong vùng và tổ chức nhiều toán quân cơ động để sẵn sàng đi đàn áp bất cứ nơi nào khi chúng phát hiện thấy nghĩa quân. Đồng thời các đạo quân của Négrier, Donnier, Mourlan, Neny, Falcon - Faure (năm 1885), Rouchaud, Fouquet, Bellemare, Bazinet (năm 1886), Pyot (năm 1887), Spitzer, Monguillot, Servière (năm 1888), Blanchard - Hoàng Cao Khải, Picquet - Dumont (năm 1889) luôn truy kích nghĩa quân, càn đi quét lại khắp tả ngạn sông Hồng.

Để phối hợp với Pháp, năm 1887, quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Trọng Hợp đã xin Đồng Khánh cho tuần phủ Hưng Yên là Hoàng Cao Khải được thăng chức Tổng đốc và kiêm chức Tiễu phủ sứ mang quân đi đánh nghĩa quân Bãi Sậy3.

Còn bọn quan phủ huyện thì được giao quyền chỉ huy các toán lính lệ, lính cơ và bọn tổng lý cũng được cấp phát súng, cùng với "quân chính phủ" - đánh dẹp "giặc".

Đối với nhân dân và các kỳ hào yêu nước, địch vừa dụ dỗ, mua chuộc vừa đàn áp khủng bố.
____________________________________
1. Theo Journal officiel de l'Indochine Française 2è partie: Annam et Tonkin, số 72 (ngày 9-9-1889) thì cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy "tuân theo một khuynh hướng chính trị và đặt dưới quyền chỉ huy chung của Tán Thuật".
2. Theo báo L' Avenir du Tonkin, tháng 5-1886.
3. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: Quốc triều chính biên toát yếu, quyển VI, Nhà xuất bản Đắc Lập, Huế, năm 1923.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 07:36:29 pm »


Tháng 8 năm 1888, tên Parreau, quyền Tổng sứ Trung - Bắc Kỳ sau khi thảo luận với bọn quan lại cao cấp Pháp và Nam triều đã ra thông tri quyết định cấp phát không phải trả tiền những đất hoang cho bất cứ ai muốn xin để canh tác. Bằng biện pháp trên, Parreau muốn ngăn cản nhân dân ta tham gia nghĩa quân và lôi kéo nghĩa quân mau chóng rời bỏ hàng ngũ chiến đấu trở về quê hương. Hắn cũng kêu gọi nhân dân hãy cộng tác với Pháp trong việc tiêu diệt nghĩa quân để mọi người được "an cư lạc nghiệp". Parreau còn nêu lên những biện pháp mị dân như giảm bớt nạn phu phen, tạp dịch, phù thu lạm bổ; cho nhân dân có quyền khiếu nại về sự lộng hành của bọn tay sai, v.v... Nhưng mặt khác chính hắn lại thi hành một loạt hình phạt khắc nghiệt như phạt tiền, triệt hạ làng xóm, bắt đi đày từ 2 đến 20 năm, v.v... để khủng bố những làng xóm và những cá nhân nào, kể cả các tổng lý, kỳ hào đã ủng hộ nghĩa quân chống Pháp1.

Những thủ đoạn tàn bạo ấy đã được thực hiện đối với một số làng như Châu Cầu, Đào Viên, Long Khám, Văn Trinh, Trúc Ổ, Nghĩa Chi, Phù Lập, v.v... (Bắc Ninh), Văn Xuyên, Quảng Xuyên, Lập Lễ, Mai Động, v.v... (Hải Dương), Ông Đình, Dị Sử, v.v... (Hưng Yên). Dã man hơn, sau thất bại ở trận Liêu Trung, Hoàng Cao Khải đã triệt hạ toàn bộ 28 làng trong vùng để trả thù. Đến tháng 7 năm 1889, khi mang quân ra đánh Đốc Tích, Khải lại thẳng tay đốt phá 50 làng nữa ở vùng Hai Sông và bắt nhân dân ở đây phải tản cư đi nơi khác, nếu ai không tuân lệnh sẽ bị coi như là kẻ "nổi loạn".

Nhưng chưa đủ, nhiều nông dân, nhiều kỳ hào yêu nước còn bị địch bắt giam, tra tấn, giết hại dã man. Tháng 12 năm 1888, khi kéo về làng An Vỹ (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nhằm bắt Đề Tính nhưng không được, địch đã bắt giam luôn 15 kỳ hào ở làng này. Nhân dân và 60 kỳ hào ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) bị tàn sát cũng vì "tội" "là quân ông Tán Thuật". Theo lời thuật lại của nhân dân làng Lôi Cầu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), thì vào ngày 21 tháng 10 âm lịch, địch về càn quét làng này đã giết đến 221 người. Hiện nay, nhân dân Lôi Cầu vẫn tổ chức "giỗ trận" hàng năm để tưởng nhớ2.

Song, vượt qua những thử thách ác liệt nói trên, nghĩa quân Bãi Sậy vẫn tồn tại và hoạt động ngày một mạnh.
___________________________________
1. Theo báo L' Avenir du Tonkin, tháng 8 và tháng 10-1888.
2. Theo tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 08:41:39 am »


Câu hỏi 21: Nguyễn Thiện Thuật đã chỉ huy nghĩa quân từ năm 1885 đến năm 1888 như thế nào? Khi Lãnh Giang hy sinh, nghĩa quân Bãi Sậy và Nguyễn Thiện Thuật đã báo thù vào dịp nào, thu được những kết quả gì?
Trả lời:


Năm 1885:

Tháng 9 âm lịch, nghĩa quân kéo về hoạt động ở Hà Nội, bố chánh Cao Xuân Dục phải mang quân đi đánh1.

Cuối năm ấy, địch bắt đầu mở cuộc tấn công lớn vào nghĩa quân Đốc Tích ở căn cứ Trại Sơn. Vùng này có nhiều núi đá, hang đá, lại có 3 con sông bao bọc là sông Kinh Thầy, sông Hán và sông Con nên địa thế rất hiểm trở. Ngày 30 tháng 11, hai đại úy Falcon và Faure được lệnh mang quân đánh vào Trại Sơn. Địch bắn đại bác trước, cho công binh sửa sang đường sá, rồi bộ binh mới dám tiến vào. Để tránh bị phục kích, địch chiếm đóng các dốc đá hiểm trở, đóng quân lại, sau mới tỏa đi đánh nghĩa quân. Trong 12 ngày đêm, 600 nghĩa quân đã chiến đấu hết sức dũng cảm, sau phải rút đi nơi khác. Ngày 11 tháng 12, địch phá được căn cứ Trại Sơn2.

Năm 1886:

Ngày 10 tháng 6, nghĩa quân mang một lực lượng lớn (1.100 người) tấn công vào đồn Đông Triều do đại úy Berbrand chỉ huy, có 160 lính đóng giữ. Trước đó, nghĩa quân đã đánh lừa được địch, dụ chúng đem một toán quân đi đàn áp nơi khác. Cuộc chiến đấu kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ. Địch còn tiếp tục truy kích nghĩa quân thêm 3 giờ nữa. Cuối cùng nghĩa quân phải rút.

Vào cuối năm này, nhân một phiên chợ, 50 nghĩa quân giả làm phu khuân vác, mỗi người mang một bó củi đến đồn của Delaforge để "cung cấp" củi cho binh lính dùng trong mùa đông. Nhờ đó "anh em phu" được tên gác cổng cho "ung dung" đi vào đồn. Khi vào tới bên trong, nghĩa quân vứt bó củi xuống, rút gươm giáo đã giấu kín xông vào chém giết bọn lính ở trong đồn, rồi tới kho vũ khí địch cướp súng đạn3.

Năm 1887:

Trong năm này, phong trào bị sút kém.

Ngày 6 tháng 10, 300 nghĩa quân Đội Văn được vũ trang bằng 120 súng đã đánh nhau với 40 tên lính của Aubert4.
____________________________________
1. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: tài liệu đã dẫn.
2. Theo Hồ Sanh: Việt Nam dưới cờ Cần Vương (xuất bản ở Sài Gòn, năm 1948).
3. Theo Masson: Souvenirs de l’ Annam et du Tonkin: trận này xảy ra ở vùng Bãi Sậy. Theo De Minbel: tài liệu đã dẫn: trận này xảy ra ở đồn Ứng Lôi (hay còn gọi là "poste des Bambous") thuộc huyện Tiên Lữ (Hưng Yên).
4. Theo Daufès: La garde indigène de l' Indochine de sa création à nos jours (tome I) (Le Tonkin), Nhà xuất bản Séguin-Avignon, năm 1933.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 08:56:49 am »


Năm 1888:

Nghĩa quân Bãi Sậy lại hoạt động mạnh, đánh địch ở khắp nơi và đã có những trận thắng lợi vẻ vang như ở Thủy Động, Quảng Bố, Liêu Trung, v.v...

Chính Parreau cũng phải thú nhận rằng trong năm 1888, tình hình ở Hải Dương và Bắc Ninh luôn luôn bị "rối   loạn", nghĩa quân đã hoạt động mạnh trong hai tỉnh này và các đạo quân đàn áp của địch thì đều bất lực1.

Sau đây là mấy trận chính:

Trong tháng 4, ở Hưng Yên cùng lúc nghĩa quân tấn công cả ba đồn lính cơ là Lực Điền, Thung Linh và Bình Phú. Riêng ở Bình Phú, 20 nghĩa quân mặc giả làm cu ly, giấu kín súng trong người đã vào đồn "làm việc". Địch không một chút ngờ vực. Bất thình lình, một mật hiệu giơ lên, 20 nghĩa quân bèn xông vào tước vũ khí bọn lính đang trông coi "cu ly" làm việc. Có 2 tên lính bị chết. Đồn bị chiếm và đốt cháy. Địch ở Lực Điền và Thung Linh phải đến cứu viện. Nghĩa quân và địch đánh nhau, lại có 3 lính cơ bị chết, 3 tên bị thương và 1 tên bị bắt sống, mất một số súng. Sau trận tấn công này, báo chí Pháp đề nghị phải tăng cường lực lượng lính cơ ở các đồn bốt thì mới có khả năng chống lại nghĩa quân, mỗi đồn phải có khoảng 50 - 60 lính cơ2.

Tiếp theo đó là trận Thủy Động ở vùng Hai Sông.

Ngày 8 tháng 6, 102 lính cơ ở Hải Dương và Quảng Yên đã tấn công nghĩa quân Đốc Tích ở Thủy Động. Hai bên đánh nhau trong 8 giờ liền và nghĩa quân bắn hết 20.000 viên đạn. Đốc Tích tự mình chỉ huy trận đánh. Địch bị thất bại: 4 tên chết, 13 tên bị thương và quân lương bị cạn. Nhưng sợ địch tấn công lần thứ hai, Đốc Tích phải rút về Lục Nam, Đông Triều để hợp lực với nghĩa quân Lưu Kỳ đang đóng ở đây.

Sang tháng 7 có hai trận đáng chú ý:

Ngày 8 tháng 7, 600 nghĩa quân có 300 súng mặc giả làm ngụy binh do ba "sĩ quan Pháp" chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Bãi Sậy đã vượt qua sông Hồng tấn công vào một đồn lính ở huyện Thanh Trì (nay là ngoại thành Hà Nội). Chỉ có một số địch dám chống lại, còn phần lớn đều chạy trốn. Nghĩa quân chiếm được kho vũ khí, rồi nhờ đêm tối và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đã rút lui an toàn.

Ngày 23 tháng 7, nghĩa quân lại thắng một trận lớn nữa ở làng Quảng Bố (huyện Lang Tài, Bắc Ninh).

Hôm ấy, 500 nghĩa quân Đội Văn có 200 súng đang tiến về làng Quảng Bố thì gặp một toán quân do trung úy Teyssandier Laubarede chỉ huy gồm có 30 lính khố đỏ và 40 tên lính khố xanh cũng trên đường đi "tìm diệt" nghĩa quân. Hai bên đánh nhau ngay và địch bị thiệt hại nặng. Chính tên Teyssandier Laubarede cũng phải đền tội ác3.

Tháng 11 được đánh dấu bằng trận Liên Trung thắng lợi rất vẻ vang.

Sau khi Lãnh Giang bị hy sinh, nghĩa quân Bãi Sậy cũng như Nguyễn Thiện Thuật hết sức thương xót và luôn tìm dịp báo thù. Dịp đó đã đến.

Ngày 11 tháng 11, tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải và trưởng đồn Mỹ Hào (Hưng Yên), Louis Ney đem 100 lính về gặt lúa của nghĩa quân trồng ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Khi được nhân dân địa phương báo tin, Nguyễn Thiện Thuật rất vui mừng, bèn trực tiếp chỉ huy 800 nghĩa quân có 100 súng cải trang là lính tập và thợ gặt tiến về Liêu Trung tấn công địch. Nghĩa quân đã thắng lợi lớn, giết chết 31 tên, trong đó có tên "tây cạp dâm" Louis Ney (một danh từ khinh miệt mà nhân dân Hưng Yên đương thời đặt cho nó) và tên bang tá Nguyễn Xuân Hào, làm bị thương 16 tên khác và lấy được 23 súng các loại; lại suýt bắt sống Hoàng Cao Khải. Sau đó nghĩa quân còn tấn công đồn Mỹ Hào4.

Vào tháng 12, 500 nghĩa quân đã tấn công đồn Voi (Hải Dương) suốt từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
________________________________________
1. Theo báo L'Avenir du Tonkin, tháng 8 và tháng 10-1888.
2. Theo báo Le Courrier d' Hai Phong, tháng 4-1888.
3. Theo Daufès: sách đã dẫn. Theo Trần Văn Giàu – Chống xâm lăng... quyển thứ ba: Phong trào Cần Vương (Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, năm 1957) và Lịch sử cận đại Việt Nam tập II (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 1961); trận đánh xảy ra ở làng Quan Độ (phủ Từ Sơn, Bắc Ninh), chưa được đúng.
4. Theo Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, quyển I (in lần thứ hai, Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa, Hà Nội, năm 1957) Chống xâm lăng, Phong trào Cần VươngLịch sử cận đại Việt Nam (tập II), thì trận đánh xảy ra ở làng Sài Trang (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) và "đã tiêu diệt hoàn toàn một toán quân đi tuần của địch". Có sách còn ghi trận đánh xảy ra vào tháng 3, tháng 4-1889, hoặc ghi trong trận này có 300 nghĩa quân tham gia chống với quân của tên Louis Ney, trưởng đồn Dương Hòa (Hưng Yên) và tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải; đều chưa được đúng.
    Qua một số sách báo của Pháp để lại và tài liệu dân gian sưu tầm ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) thì trận đánh đã xảy ra ở làng này với những diễn biến chính như đã nêu trên.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:07:04 pm »


Câu hỏi 22: Năm 1889 là năm cuối giai đoạn thứ hai của cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Đây là năm có nhiều diễn biến phức tạp trong quá trình chiến đấu. Cho biết diễn biến những trận chính và kết quả của nó?
Trả lời:


Sang năm 1889, hoảng sợ trước những hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân Bãi Sậy, đầu tháng 2 năm ấy, thống sứ Bắc Kỳ phải ra lệnh thành lập "đạo quân bình định" giao cho tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải và hai giám binh Blanchard, Laune chỉ huy. Dưới quyền ba tên này lại có 14 viên quản người Pháp với 600 lính khố xanh và 800 lính lệ. Về nhiệm vụ của "đạo quân bình định” thì thông sứ Bắc Kỳ đã nêu rõ trong bức thư gửi cho toàn quyền Đông Dương như sau: "Hắn (chỉ Hoàng Cao Khải) được đứng đầu một đội quân do tự hắn tuyển mộ và được sự giúp đỡ của lính khố xanh để đi càn quét những tỉnh rối loạn, một mặt tập hợp dân chúng lại, mặt khác ra sức khủng bố và truy kích không ngừng những toán nghĩa quân để tiêu diệt hoặc bắt đầu hàng; sau đó thu thuế ở những nơi chưa thu được"1.

Kể từ ngày 8 tháng 2 năm 1889 đến khoảng tháng 9 năm 1889, sau khi đàn áp xong nghĩa quân Đốc Tích, đạo quân này đã đi khắp trong ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Vì thế, cũng trong năm này, ta và địch đánh nhau rất nhiều trận lớn nhỏ suốt từ Bắc Ninh, Hưng Yên cho tới vùng Hai Sông.

Vào tháng 2, có hai trận chính như sau:

300 nghĩa quân đã bao vây tấn công đội quân Filippi khi bọn này trở về đồn Ghềnh. Hai viên quản Aubert và Sorle phải cứu viện.

Đến ngày 16 tháng 2, trung úy Le Corre chỉ huy 225 tên lính đến bao vây nghĩa quân ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Không rõ số lượng nghĩa quân là bao nhiêu và trận đánh diễn ra ác liệt như thế nào, nhưng địch buộc phải cho Aubert, Sorle, Perraudin và Vincillioni mang thêm lính đến tiếp ứng.

Trong tháng 3 lại xảy ra hàng chục trận đánh nhau ở Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ (phủ Từ Sơn, Bắc Ninh), Hoàng Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), Phổ Lộng, Đan Tảo (phủ Đa Phúc, Phúc Yên), v.v... Nhưng đáng kể nhất là trận tấn công của 300 nghĩa quân Đội Quý vào 30 tên lính của Soler đang tuần tiễu vùng Bãi Sậy; trận đánh ở Hoàng Trạch với 700 nghĩa quân tham gia và trận tấn công của 300 nghĩa quân vào chùa Phương Lâm.

Đến tháng 4 có 4 trận chính ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) (ngày 3-4), ở đồn Bình Phú (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) (ngày 6-4), ở làng Mễ Đao (phủ Thuận Thành, Bắc Ninh) (ngày 23-4) và ở Thung Quan (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) (ngày 25-4).
___________________________________
1. Theo Báo cáo chính trị số 2, ngày 27-3-1889 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:09:39 pm »


Song đáng chú ý là hai trận ở Bình Phú và ở Thung Quan.

Ngày 6 tháng 4, nhân tên Soler, trưởng đồn Bình Phú đi vắng, giao quyền chỉ huy cho tên cai ngụy binh, 50 nghĩa quân đã cải trang làm phụ nữ mang rau khoai đến chợ bán, gần sát đồn. Một người trong bọn lại giả vờ trò chuyện với tên lính gác rồi bất thình lình cướp súng của hắn. Lập tức những người khác nhanh chóng xông vào chiếm đồn và cướp được 12 khẩu súng. Địch ở các đồn lân cận phải đến giải vây cho đồn Bình Phú, lúc đó nghĩa quân mới chịu rút lui.

Tiếp theo ngày 25 tháng 4, vào khoảng 9 giờ tối, 300 nghĩa quân có vũ trang đầy đủ lại tấn công làng Thung Quan, cách một đồn địch đóng ở phủ lỵ Khoái Châu (Hưng Yên) chừng 600 mét. Trong khi đó một số nghĩa quân khác mai phục ở cách đồn 100 mét và bắn vào trong đồn, ngăn cản địch không cứu viện được cho Thung Quan.

Sang tháng 7, xảy ra mấy trận nhỏ ở Thanh Trì, Hải Dương và Hoàng Vân.

Đêm 7 rạng ngày 8 tháng 7, từ căn cứ Bãi Sậy, lần thứ hai nghĩa quân lại đánh chiếm một đồn lính ở huyện Thanh Trì (nay là ngoại thành Hà Nội).

Ngày 23 tháng 7, 300 nghĩa quân Hai Kế tiến sát đến tỉnh lỵ Hải Dương, định tấn công nhưng không thành vì địch được tin báo trước đã chuẩn bị đón đánh.

Nhưng một ngày sau ngày 24 tháng 7, nghĩa quân Đốc Sung lại thắng địch trong trận Hoàng Vân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên)1, giết được viên quản Escot. Sau đó quân của Samaran, Sorle và Aubert phải đến cứu viện.

Cũng trong tháng 7, ngày 14, "đạo quân bình định" bắt đầu bao vây và tấn công nghĩa quân Đốc Tích bằng bốn mặt:

- Đạo quân thứ nhất của Tán lý Cao Xuân Dục đóng đồn ở xã Mai Động, chặn một đường ra vào của nghĩa quân.

- Đạo quân thứ hai của Tán lý Đào Trọng Kỳ đóng đồn ở xã Quỳ Khê chặn đường sau lưng của nghĩa quân, ngăn lối Đốc Tích rút vào rừng núi Đông Triều.

- Đạo quân thứ ba của Tán tương Nguyễn Hữu Vịnh đóng đồn ở xã Dương Động, chặn đường cửa sông.

- Đạo quân thứ tư của Hoàng Cao Khải đóng phía trước mặt của nghĩa quân.

Ngoài ra, địch còn sử dụng 10 pháo hạm để trợ chiến nữa2.
_____________________________________
1. Pigolowski: sách đã dẫn và theo tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên. Theo Lịch sử tám mươi năm chống Pháp quyển I thì trận Hoàng Vân xảy ra ở tỉnh Bắc Giang và do Đốc Súng chỉ huy, chưa đúng.
2. Theo Lịch sử cận đại Việt Nam, tập II. Dẫn theo báo cáo của Trần Lưu Huệ, tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, quyển Kinh lược sứ Bắc Kỳ, gửi thống sứ Bắc Kỳ về việc bắt Đốc Tích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:11:33 pm »


Suốt trong một tháng, địch liên tiếp tấn công nghĩa quân bằng những đợt xung phong hoặc những loạt đạn đại bác bắn dữ dội vào căn cứ. Nhưng dựa vào địa thế hiểm trở, lại có những núi đá, hang đá che chở nên nghĩa quân đã đánh bật được địch ra ngoài. Ngày 26 tháng 7, ở hang Hoàng Tranh, 500 nghĩa quân có vũ trang đầy đủ đánh thắng địch, làm hai tên chết, viên quản Dominic và 7 tên khác bị thương. Đến đêm ngày 2 tháng 8, lợi dụng đêm tối, 200 nghĩa quân lại bất thình lình tấn công một đồn địch khi bọn lính đang ngủ say. Cuộc chiến đấu kéo dài trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi Đốc Tích nổi hiệu kèn thu quân. Trong trận này, giám binh Laune chỉ huy cuộc "bình định" Hai Sông bị thương nặng phải đưa về Hải Phòng và giao quyền chỉ huy lại cho Vincillioni. Ngoài ra, còn có 6 tên lính bị chết, 3 tên bị thương nặng và 11 tên nữa bị thương nhẹ, một số súng bị gãy vì trúng đạn của nghĩa quân.

Sau đó địch phải chuyển sang hình thức vừa tấn công vừa dụ hàng Đốc Tích. Cuối cùng ngày 12 tháng 8, Đốc Tích và Đốc Lan (tức Nguyễn Hữu Lan) phải mang 200 nghĩa quân với 120 súng trường, 15 súng lục và hơn 300 viên đạn ra hàng1.

Còn một số thủ lĩnh khác như Đề Hải, Đề Quý, Đốc Bẩm, Quản Bảo đã mang nghĩa quân rút về Đông Triều (Hải Dương) tiếp tục đánh Pháp.

Tuy phá được nghĩa quân Đốc Tích, song địch cũng bị thiệt hại khá lớn; tiêu tốn từ 6.000 đến 7.000 đồng, viên quản bị chết và 100 tên lính chết và bị thương.

Sau khi cánh quân Đốc Tích bị tan rã, địch lại chuyển sang tiêu diệt nốt nghĩa quân Đội Văn.
___________________________________
1. Đốc Tích tên thật là Nguyễn Tất Thắng, còn có tên là Nguyễn Ngọc Tích hoặc Nguyễn Đức Thiệu, người làng Yên Lưu thượng (phủ Kinh Môn, Hải Dương). Từ năm 1882, ông đã bắt đầu khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Hai Sông. Có lần ông lại cùng với Nguyễn Thiện Thuật diệt trừ những bọn giặc cướp ở phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) và huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) nên được triều đình nhà Nguyễn phong chức Hiệp quản tinh binh suất đội rồi Cấm binh suất đội, Đốc binh. Khi Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương, Tích lại tham gia phong trào Bãi Sậy và đến tháng 10 âm lịch năm 1886, nhà vua phong chức cho ông là Chưởng vệ, Lãnh đề đốc quân vụ tỉnh Hải Dương; nhân dân vẫn gọi ông là Đốc Tích. Ông chuyên hoạt động ở vùng Hai Sông. Đốc Tích đã tiến hành thu thuế của nhân dân trong vùng để nuôi nghĩa quân và tích trữ được rất nhiều vũ khí, quân nhu trong các hang đá. Nhờ đó, Tích đã đánh nhau được với Pháp trong nhiều năm và sau này khi chiếm được căn cứ Hai Sông, Pháp vẫn còn tìm thấy một số lớn lương thực, vũ khí của Tích trong các hang đá. Trải qua 7, 8 năm chống Pháp quyết liệt, đến năm 1889, khi thấy phong trào Bãi Sậy bắt đầu thoái trào và lực lượng nghĩa quân Tích cũng giảm sút nhiều, Đốc Tích và Đốc Lan phải ra hàng. Nhưng lúc ấy nói chung phong trào chống Pháp ở Trung, Bắc Kỳ vẫn tồn tại nên Pháp rất sợ nếu để Đốc Tích ở lại trong nước thì nghĩa quân sẽ lợi dụng danh nghĩa của ông để tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp trong nhân dân, đặng phát triển những cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở khắp nơi. Mặt khác, Pháp lại sợ Đốc Tích có thể trốn thoát khỏi nhà tù của chúng, quay trở lại kháng Pháp. Vì hai lý do trên, tháng 1-1890, Pháp phải đẩy Đốc Tích và gia đình ông sang Algéri. Sau ông chết ở đây.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM