Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:57:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy  (Đọc 31586 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 10:53:04 pm »


Câu hỏi 13: Lãnh binh Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang) là người đức độ, võ nghệ siêu cường, một viên tướng xuất sắc của nghĩa quân Bãi Sậy. Cho biết đôi nét về Nguyễn Thiện Dương và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Lãnh Giang tên thật là Nguyễn Thiện Dương, em thứ tư của Nguyễn Thiện Thuật, ông đã cùng với hai anh là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển theo giúp việc quân cho anh cả từ năm 1881 khi Nguyễn Thiện Thuật làm Sơn phòng chánh sứ Hưng Hóa.

Lãnh Giang là người đức độ, võ nghệ siêu quần. Hồi còn ở tuổi thiếu niên, có lần ông đi trên con đường độc đạo, chợt thấy một con ngựa phi như bay về phía mình, đợi ngựa đến trước mặt, ông xuống tấn, dùng sức hai tay đẩy vào cổ ngựa. Ngựa đang chạy bị bật ngửa về phía sau, hai chân trước chới với. Ông bồi thêm một quả đấm thật mạnh vào bụng ngựa, ngựa mất thăng bằng ngã lộn nhào về phía sau.

Trong thời gian Nguyễn Thiện Thuật làm Tổng đốc Hải Yên, ông cũng theo giúp việc quân, góp phần quan trọng trong việc huấn luyện quân sĩ, chiêu tập các anh hùng hào kiệt, đưa họ vào con đường cứu nước. Khi Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Long Châu (Trung Quốc), Nguyễn Thiện Dương ở lại trong nước, cùng Nguyễn Thiện Kế hô hào nhân dân các phủ, huyện ở tỉnh Hải Dương bất cộng tác với Pháp, lên án bọn vua quan Tự Đức đầu hàng giặc, bán từng phần đất đai của Tổ quốc cho giặc Pháp. Nhờ đó, mặc dù Nguyễn Thiện Thuật không có mặt ở trong nước nhưng phong trào yêu nước chống Pháp do ông phát động từ năm 1883 vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy.

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, trở về nước đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích rồi về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh chuẩn bị cho việc phục hồi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vì Đổng Quế ốm nặng, phong trào đang sa sút. Lãnh Giang đã có mặt trong lễ tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân tháng 9 năm 1885, ông được phong chức lãnh binh1 và được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách vùng Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, phía thượng lưu và hạ lưu sông Cầu và vùng phụ cận. Ông chỉ huy nghĩa quân ở các làng xã mà người chỉ huy, nghĩa quân đều là người địa phương không thoát ly sản xuất, chiến đấu ngay tại quê hương, sống tập trung làm nhiệm vụ tác chiến lưu động suốt một dải từ Văn Giang qua Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du tới thị xã Bắc Ninh, Đáp Cầu. Đội quân thường trực này làm nhiệm vụ tấn công các đồn bốt, chi viện cho các làng xã bị tấn công. Ngoài nhiệm vụ xây dựng lực lượng và tổ chức tác chiến, ông còn lãnh trách nhiệm bảo vệ con đường bí mật chuyên chở vũ khí từ vùng biển Đông Hưng (Trung Quốc), vùng biên giới đông bắc do Lưu Kỳ mua và vận chuyển về căn cứ Đáp Cầu. Từ đây vũ khí được phân phối về căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Khoảng cuối năm 1886 đầu năm 1887, mẹ ông là người họ Phạm ở làng Dị Sử, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương qua đời. Ông cùng hai anh về chịu tang. Khi hai anh và các tướng lĩnh Bắc Kỳ trở về căn cứ, ông còn ở lại để chặn đánh quân Pháp. Hàng trăm quân Pháp kéo theo đến bủa vây kín chung quanh, một con chuột không qua lọt. Nghĩa quân tuy ít nhưng có lợi thế ở trên cao, nhìn rõ quân Pháp nên mỗi viên đạn là giết chết một tên. Quân Pháp liền phóng hỏa đốt đồi và thắt chặt vòng vây. Cỏ tranh gặp gió hanh bốc cháy đùng đùng, tưởng như chỉ trong chốc lát là thiêu hủy quả đồi cùng với Lãnh Giang và 20 nghĩa quân. Lãnh Giang tương kế, tựu kế, đốt một bãi lau sậy lớn ở giữa đồi cuối hướng gió cho cỏ tranh trụi hẳn đi một khoảng rộng. Nghĩa quân ẩn núp cả về phía ngược gió. Lửa ở trên đồi cao nhờ có sức gió cháy lan nhanh xuống chân đồi và gặp hỏa bên dưới cháy ở lưng chừng đồi nên không thể lan lên mặt đồi được nữa.

Nghĩa quân bò ra chỗ cháy ban đầu, lửa đã tắt ngấm, bắn quân Pháp không sai một phát nào. Quân Pháp chỉ bao vây không dám mạo hiểm leo lên đồi vì lửa cháy và những phát đạn của nghĩa quân bắn trúng đích. Quân pháp bị thiệt hại nặng nề, trời lại tối, đành khiêng những tên chết và bị thương rút lui. Lãnh Giang đưa quân về căn cứ an toàn.
__________________________________
1. Gia phả họ Nguyễn Xuân Dục chép ông được vua Hàm Nghi phong là Hải An Đề đốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 10:54:03 pm »


Trong năm 1887, Lãnh Giang hoạt động mạnh mẽ ở vùng bắc và tây Hải Dương, nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, quân lính hoang mang không dám càn quét.

Pháp và Hoàng Cao Khải nhiều lần đem quân đánh Lãnh Giang, nhưng không đánh được ông mà còn bị tiêu hao lực lượng, vì thế năm 1887 quân Pháp tăng cường lính khố xanh, riêng ở Hải Dương đưa lên 800 tên đóng ở các đồn bốt và hợp thành "đội Bảo an dân sự bản xứ” rải ra các bốt cố định và bốt lưu động. Công sứ Hải Dương còn rút lính chính quy ở các đồn về lập các đội quân cơ động. Bọn lính này đàn áp nghĩa quân, khủng bố các làng ủng hộ nghĩa quân, giúp quan huyện thu thuế.

Để chống lại lực lượng quân sự mới của quân Pháp, Tán Thuật, Lãnh Giang kết hợp với các toán khác hợp thành sức mạnh diệt nhiều đồn bốt Pháp.

Điển hình là ngày 6 tháng 10 năm 1887, Lãnh Giang, Đội Văn chỉ huy 300 quân vũ trang bằng 120 súng bắn nhanh đánh nhau dữ dội với lính của Ôbe.

Quân Pháp nghe tin Tán Thuật và Lãnh Giang hoạt động ở vùng giáp ranh Hải Dương - Bắc Ninh chiêu mộ quân liền đem quân đến đánh. Lãnh Giang cho quân tản ra tránh xung đột với lực lượng mạnh của quân Pháp, rồi cùng Đốc Lang, Đội Quý luồn về đánh phá các đồn binh Pháp ở huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quân Pháp phải gấp rút thành lập hai đội quân lưu động để đánh Lãnh Giang. Bọn này vừa đặt chân đến vùng nghĩa quân hoạt động đã bị Lãnh Giang đánh cho thua phải tháo chạy, sau đó nhanh chóng rút đi nơi khác. Khi hai đội quân lưu động rút khỏi huyện Thanh Hà, Lãnh Giang quay trở lại chặn đánh toán dân binh của Toà sứ Hải Dương và của quan huyện Thanh Hà ở làng Cay Nhất.

Về tài thao lược của Lãnh Giang, kẻ thù cũng phải thừa nhận: "Tán Thuật có hai tướng giúp việc là anh em của ông ta là Lãnh Giang và Hai Kế. Hai người này thực sự là những chỉ huy có tài, đã khiến cho cuộc nổi dậy này phải khó khăn và lâu dài mới đàn áp nổi"1.

Căn cứ vào các tin tức của trinh sát, Bộ Tham mưu nghĩa quân biết tin địch đang tập trung quân càn quét vào căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật quyết định triệu tập các tướng về bàn kế hoạch tác chiến đối phó với quân Pháp.

Ngày 9 tháng 2 năm 1888, nhận được lệnh của chủ soái, Lãnh Giang cùng 15 nghĩa quân từ Thị Cầu về gấp căn cứ Bãi Sậy. Trời sẩm tối, ông về tới Bần Yên Nhân, thấy quân mệt mỏi, ông vào nghỉ trong ngôi chùa Bần Yên Nhân. Bất chợt toán quân tuần tiễu Pháp do Filippi chỉ huy từ Kẻ Sặt về qua Bần Yên Nhân phát hiện ra toán của Lãnh Giang đang đóng trong ngôi chùa liền bao vây. Bọn Pháp nấp sau những cái mả người Trung Quốc cao tới 1 mét, rộng 2 - 3 mét và bắn vào trong chùa. Nghĩa quân bắn trả kịch liệt. Mấy tên lính Pháp đi đầu bị trúng đạn chết ngay, trận chiến đấu kéo dài đến 30 phút, quân Pháp đã núng thế thì tình cờ gặp hai toán quân do tên quản Sorle và tên quản Sumaren chỉ huy đi qua liền kéo tới vây chặt ngôi chùa, tấn công liên tục. Lãnh Giang chỉ huy quân sĩ nhiều lần đánh bật quân Pháp ra xa ngôi chùa, nhưng bọn chúng đông, nhiều súng đạn vẫn không ngừng tấn công, không may Lãnh Giang bị trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân mở đường máu đưa xác ông vào trong làng, được nhân dân giấu trong đống rơm, quân Pháp không tìm ra. Khi quân Pháp rút, nghĩa quân đưa xác ông về Bãi Sậy.

Tại đại bản doanh ở căn cứ Bãi Sậy vừa họp được một lúc thì quân canh cửa vào bẩm báo có một toán nghĩa quân khiêng một cái cáng đi vào. Nguyễn Thiện Thuật nhìn thấy viên tùy tướng vẫn đi bảo vệ Lãnh Giang đã đoán ra có việc không lành với em mình. Tuy vậy, ông vẫn nén lòng nghe viên tùy tướng bẩm báo. Đoạn ông lảo đảo bước đến bên cáng mở chiếc chiếu ra thì nhận ra đó là Lãnh Giang, ông thét lên một tiếng "Lãnh Giang" rồi ngất đi.

Tang lễ Lãnh Giang được cử hành trọng thể tại căn cứ, có đông đủ các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân trong vùng đến dự và đội khăn tang. Lửa đốt suốt đêm, sáng rực cả một vùng, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải ở các đồn chung quanh biết nhưng không dám đem quân đến đánh. Mộ của ông được đắp to trên một khu đất cao tại căn cứ2.

Nguyễn Thị Tú, vợ Lãnh Giang là một phụ nữ thủy chung như nhất. Bà lấy chồng, rồi ông đi chiến đấu, vợ chồng ít gần gũi nhau, lại chưa có con, nhưng được tin chồng tử trận, bà đã khôn khéo vượt qua các trạm kiểm soát vào căn cứ Bãi Sậy chịu tang chồng. Bà còn trẻ, nhiều người khuyên tái giá, bà vẫn một mực ở lại thờ chồng, nuôi mẹ già đau yếu.
_______________________________________
1. A de Miribel: La Pronnes de Hưng Yên.
2. Sau lại thiên di đi nơi khác, về sau con cháu đưa về táng tại khu Mả Quan, xã Xuân Dục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 10:55:32 pm »


Câu hỏi 14: Một trong những đề đốc khiến quân Pháp rất hoảng sợ đó là Đề đốc Đội Văn - ông được Nguyễn Thiện Thuật giao nhiệm vụ hoạt động ở nam Bắc Ninh. Cho biết đôi nét về Đề đốc Đội Văn và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Đội Văn tên thật là Vương Văn Giang, trong các bản Thông cáo của ông gửi nhân dân Yên Dũng (Bắc Giang) vào tháng 10 năm 1889 ông cũng thường xưng là "Đề đốc họ Vương". Chức Đề đốc là do ông Tán Thuật phong, ở quê ông, vùng nam Bắc Ninh gọi ông là Tuần Vang, Đề Vang, Đề đốc Vương Văn Vang. Ông là con cụ Vương Văn Gốc, quê ở thôn Thuận An, xã Chạm Lộ, tổng Tam Á, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 25 tháng 4 năm 1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai, rồi đánh rộng ra các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương. Nhiều lần tiến đánh Bắc Ninh không được, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè, Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy xây dựng Tam tỉnh nghĩa quân (Bắc Ninh - Hưng Yên - Hải Dương).

Khi gia nhập Tam tỉnh nghĩa quân, vũ khí chỉ là giáo mác, gậy gộc, Đội Văn cùng một số tráng đinh phải lội xuống sông từ Chạm Lộ đội bèo tây lên đầu tới tấn công bọn lính gác ở Cống Vực giết lính, cướp súng. Trong một trận đánh khác, ông cùng dăm nghĩa quân dùng đòn càn vót nhọn hai đầu gánh rơm đi nghênh ngang trên đường, gặp lính rút đòn càn, đoản đao ra giết, cướp súng. Ông còn tổ chức trận đánh lớn vào đồn Hồ cướp súng của quân Pháp trang bị cho nghĩa quân.

Cuối năm 1884, Tam tỉnh nghĩa quân tan rã, Đội Văn cùng Tuần Xô vẫn hoạt động ở nam Bắc Ninh. Khi Tuần Xô hy sinh trong trận Hà Mẫn thì Đội Văn vẫn hoạt động. Song để cung cấp quân lương cho gần 200 quân rất khó khăn, Đội Văn thường phải đi "làm lương", tức là thu thuế của dân, vận động nhân dân ủng hộ và cướp bóc của nhà giàu. Tại các xã Chạm Lộ, Ninh Xá, Gia Đông... nhân dân còn kể nhiều chuyện "Ông Đê Vang làm lương" như: "Ông bắt trẻ con lại cho chúng nhịn đói từ sáng đến trưa, nấu cháo nóng và múc vào bát cho chúng ăn. Đứa nào húp chung quanh, không xuýt xoa, chứng tỏ con nhà nghèo, ông tha ngay. Đứa nào húp một hơi dài bị bỏng, đó là con nhà giàu thì ông giữ lại, bắt gia đình đem tiền, thóc gạo đến chuộc". Các làng ở hai huyện Gia Bình, Lang Tài đều đóng thuế cho nghĩa quân, riêng làng Giao Phó, huyện Lang Tài lợi dụng có lũy tre, có thành đất cao, chỉ có hai cổng ra vào, không chịu nộp lương mà còn treo ở cổng một lọ kẹo, một lọ cứt, rêu rao: "vào được thì ăn kẹo, không vào được thì ăn cứt". Đề Vang tức giận lắm, liền cùng mươi nghĩa quân đóng giả làm phường chèo xin vào hát trong hội đình. Khi lên giáo đầu, ông xưng danh:

      "Trời cao lồng lộng
      Đất rộng thênh thang
      Ta đây chính thực Đề Vang...".


Vào thời đó, nhà thờ Xuân, xã Kim Trân, huyện Quế Võ, cha đạo người Tây Ban Nha thường xúi giục giáo dân chống nghĩa quân, không nộp thuế cho nghĩa quân, lại dò la các hoạt động của nghĩa quân báo cho giặc Pháp. Đề Vang chia quân làm ba toán, một toán đóng là phường chèo, một toán đóng là thợ gặt, còn một toán đóng người đi xem. Vào gần làng, hai toán, toán phường chèo và toán đi xem đánh nhau, toán thứ ba xúm vào can ngăn không được liền báo chánh tổng. Chánh tổng thấy họ đánh nhau trong địa phận mình liền đưa vào cha xứ xét xử. Vào tới nơi cha xứ ở, nghĩa quân rút đoản đao không chế cha xứ chặn các cửa ra vào, bắt cha xứ phải nộp hết tiền, bạc trắng. Không còn cách nào khác, cha xứ đành phải tuân lệnh. Lấy xong tiền bạc, nghĩa quân còn bắt cha xứ tiễn ra khỏi cổng làng mới tha.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:06 pm »


Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc) nhận được tin vua Hàm Nghi đã rời khỏi kinh thành Huế ra Sơn Phòng, Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương, ông liền về nước, đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư sung Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần nhận chiếu Cần Vương và được Nguyễn Quang Bích giao cho chủ trương đánh Pháp ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tháng 8, ông về vùng giáp ranh Hải Dương - Bắc Ninh - Hưng Yên gặp cử nhân Ngô Quang Huy và cử nhân Nguyễn Hữu Đức bàn kế hoạch phát triển cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, vì Đinh Gia Quế thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa đang bị ốm nặng mà quân Pháp thì liên tục tấn công vào căn cứ Bãi Sậy. Cũng trong tháng 8 năm 1885, vua Hàm Nghi phong Nguyễn Thiện Thuật là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, Gia chấn trung tướng quân, Ngô Quang Huy là Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ, Nguyễn Hữu Đức là Tán tương quân vụ. Ba ông đã triệu tập các tướng lĩnh đang chống Pháp ở Bãi Sậy và các phong trào khác cùng chống Pháp. Vương Văn Vang (Đội Văn) từng là viên dũng tướng trong Tam tỉnh nghĩa quân đã gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và ông về dự lễ tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân, Nguyễn Thiện Thuật phong cho Đội Văn chức Đề đốc và giao cho ông hoạt động ở nam Bắc Ninh dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ngô Quang Huy.

Tháng 7 năm 1887, Đội Văn tấn công Phố Bạc (Hưng Yên). Đội Văn cùng Lãnh Giang, Lãnh Khoát, Đội Quý phối hợp với nghĩa quân Ba Báo thành một đạo quân lớn tấn công các hạm tàu, xà lúc của quân Pháp, vận chuyển quân lính, khí tài, lương thực, thư từ trên sông Luộc. Kết quả ba chiếc xà lúc trên sông Luộc bị tấn công. Tất cả thủy thủ sợ hãi bỏ trốn, nghĩa quân chèo thuyền ra thu hết vũ khí, quân trang, lương thực, đốt phá xà lúc.

Trong một trận quân Pháp càn vào Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương), Đội Văn ở lại chặn giặc cho Tán Thuật rút lui an toàn.

Ngày 6 tháng 10 năm 1887, nghĩa quân Đội Văn có 300 người trang bị 150 súng bắn nhanh đã đánh nhau với 40 lính của Aubert gần căn cứ Bãi Sậy.

Tại làng Lang Khê ở ngã ba sông Thái Bình và sông Đuống, đội quân của trung úy Monghiô gặp một toán quân của Đội Văn, hai bên đánh nhau.

Ngay từ ngày 21 tháng 7 năm 1888, toán quân của thủ lĩnh Đội Văn (100 người, trong đó có 20 tay súng) đã cướp một cái trạm ở chỗ sông Đuống cắt ngang con đường Hải Dương đi Bắc Ninh1. Ngày 22 tháng 7 năm 1888, viên công sứ Bắc Ninh báo tin ngay trong vùng lân cận trung úy Teyssandier Laubarede cùng với 30 lính khố đỏ thuộc tiểu đoàn Bắc Kỳ số 3 và 40 lính khố xanh lập tức được cử đi thám sát vùng này2. Ngày 23 tháng 7 năm 1888, nghĩa quân Đội Văn có 500 quân, 200 tay súng đang tiến về làng Quảng Bố3 thì gặp một toán quân do trung úy Teyssandier Laubarede chỉ huy gồm có 40 lính khố đỏ và 30 lính khố xanh cũng đang đi "tìm và diệt". Hai bên đánh nhau ngay, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, trung úy Teyssandier Laubarede tử trận cùng với 1 trung sĩ Pháp. Ngày 31 tháng 9 năm 1888, Đội Văn chỉ huy 30 nghĩa quân cải trang làm lính khố xanh hoạt động ở vùng Dương Vi, huyện Tiên Du.

Đề Vang (tức Đội Văn) cho quân khai hoang được 300 mẫu đất hoang ở tổng Tam Á cấy lúa tự túc lương thực. Với âm mưu triệt nguồn lương thực của nghĩa quân, viên Tổng đốc (Bắc Ninh) dùng phu có lính khố xanh bảo vệ đến gặt. Ngày 4 tháng 11 năm 1888, một số người cải trang thành lính tập nói là từ đồn Lực Điền gửi lên tăng cường đến gần gí súng vào Tổng đốc và lính khố xanh giết chết 27 người, trong đó có phó quản Givener4.
____________________________________
1, 2. Lịch sử quân sự Đông Dương.
3. Huyện Lang Tài (Bắc Ninh).
4. Về số ruộng trên, cụ Hiện (tức Hiển) cán bộ Tiền khởi nghĩa 76 tuổi ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho biết cánh đồng đó nay gọi là Đồng Trầm, nghĩa quân khai hoang một ít còn là dân các xã cho nghĩa quân gặt lúa nuôi quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:02:29 pm »


Ngày 22 tháng 11 năm 1888, trung úy Monghiô lại gặp một toán khác ở làng Đại Vi có lũy bọc cách phủ Từ Sơn 5 kilômét về phía đông nam. Thiếu tướng chỉ huy Lữ đoàn 2 lúc đó hạ lệnh cho thiếu tá Servière đang hành quân cách làng ấy 12 kilômét về phía phủ Thuận Thành phải chuyển quân về Đại Vi để chỉ huy cuộc tác chiến. Thiệt hại của địch trong vụ này là 1 viên đội bị giết, 3 lính thủy đánh bộ và 1 xạ thủ bị thương. Monghiô bị thương nhẹ.

Trước sự truy kích ráo riết của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải, nghĩa quân do Đội Văn chỉ huy bị tổn thất nặng nề, một số vị thủ lĩnh dưới quyền ông và nhiều nghĩa quân hy sinh, dân chúng ở các làng ủng hộ nghĩa quân bị tàn sát, nhà cửa, đình chùa bị đốt phá. Hoàng Cao Khải biết Đội Văn lâm vào tình thế nguy ngập liền viết thư dụ hàng. Cùng đường, ngày 27 tháng 2 năm 1889, Đội Văn viết thư cho Hoàng Cao Khải xin đầu hàng. Hoàng Cao Khải chấp nhận, ngày 1 tháng 3 và ngày 14 tháng 3 năm 1889, (có tài liệu viết ngày 16-3-1889), do sự trung gian của một cố đạo người Tây Ban Nha ở thị xã Bắc Ninh, Đội Văn đưa 237 nghĩa quân và vũ khí ra hàng giặc Pháp.

Pháp và Hoàng Cao Khải rất mừng trao lại toàn bộ số vũ khí trên cho ông và cấp thêm 50 khẩu súng trường để ông đánh nghĩa quân1. Địch rất hí hửng vì Đội Văn ra hàng là coi như đã bình định xong Bắc Ninh vì Đội Văn chỉ huy số quân lớn nhất tỉnh Bắc Ninh2. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải rất mừng, chúng dự đoán Nguyễn Thiện Thuật cũng sẽ theo gương Đội Văn ra hàng. Ngày hôm sau tùy tướng của Đội Văn là Đốc Quang cũng đem 55 người về hàng. Vì thế, quân Pháp càng tích cực mua chuộc Đội Văn hòng biến ông làm tay sai để đánh phá phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Quân Pháp trả lương tháng cho Đội Văn 100 quan tiền, một số thủ lĩnh khác 30 quan, mỗi hiệp quản 25 quan, mỗi nghĩa quân 15 quan. Quân Pháp còn cấp thêm 15 súng bắn nhanh nữa3.

Đội Văn về hàng Pháp, chúng đưa ông đi đàn áp một số thủ lĩnh nghĩa quân, song điều ông quan tâm là chiến thuật bố trí binh lực của các sĩ quan Pháp theo chiến thuật hiện đại của Tây phương, nghĩa là trận địa có mũi chính diện, mũi phụ, có quân dự bị, khi tấn công có mũi chính diện, mũi vu hồi, tập hậu. Ông còn giao cho một số thủ lĩnh tin cậy học cách sửa chữa, chế tạo súng...

Với con mắt của người cầm quân có kinh nghiệm chỉ trong một thời gian ngắn, ông cùng một số thủ lĩnh đã học được cách chỉ huy quân đội trong tác chiến cũng như trong phương pháp huấn luyện quân sĩ một cách toàn diện.
_________________________________
1. Báo Tin tức Hải Phòng, số 250 thứ năm ngày 7 tháng 3 năm 1889.
2, 3. Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:28 pm »


Quân Pháp sau khi đẩy Đốc Tít vào thế cùng đường buộc ông phải ra hàng và đày ông đi Algéri, phá được căn cứ Trại Sơn, căn cứ Hai Sông, đẩy Lưu Kỳ ra khỏi Đông Triều, rồi chuẩn bị lực lượng tấn công vào căn cứ Bãi Sậy thì một sự kiện bất ngờ xảy ra với chúng. Đó là ngày 17 tháng 9 năm 1889, Đội Văn sau 6 tháng trá hàng, trong một trận quân Pháp sai ông đi đàn áp nghĩa quân, ông đã hẹn trước với một số đồng chí rồi bí mật đem 200 quân, 100 tay súng vượt sông Đuống nhập với toán quân của Lãnh Đội đã chờ sẵn theo mật ước từ trước. Nghĩa quân mặc quần áo lính theo đường số 1 qua sông Cầu để lên Yên Thế gia nhập nghĩa quân Đề Nắm (Lương Văn Nắm) tiếp tục đánh Pháp1.

Được tin Đội Văn đưa quân trở lại hàng ngũ kháng chiến, lập tức các tướng lĩnh cũ như Lãnh Giám, Lãnh Giới, Lãnh Thiết, Lãnh Bôi... cũng bỏ quân Pháp chạy lên Yên Thế đưa lực lượng của Đội Văn lên trên 400 người với trên 200 súng bắn nhanh.

Trong một thông báo gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng mình đã trá hàng để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ bảo đảm đánh được họ khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ sở Bắc Kỳ. Đội Văn thông báo rằng thời cơ ấy đã đến và đã quyết định với các bộ hạ trung thành với mình nơi tập hợp là khu rừng xứ Hữu Thượng mà Đội Văn sẽ đi đến để cầu cứu sự giúp đỡ của các toán giặc vùng Yên Thế mà từ lâu đã có sự liên lạc bí mật2.

Bọn chỉ huy quân sự Pháp ở Bắc Kỳ lập tức ra lệnh cho đồn binh Phủ Lạng Thương phải dò tìm đường hành quân của ông. Tên trung úy Meyer chỉ huy đồn Phủ Lạng Thương lập tức cho lính lùng sục vùng Phú Khê, Liên Bộ, Lán Tranh.

Đội Văn trở về Bắc Ninh là trở về quê hương của mình. Trong một bức thư gửi nhân dân Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh đề ngày 25 tháng 8 âm lịch năm Hàm Nghi thứ 5, Đội Văn nêu rõ: "Mục đích chiến đấu của ông là nhằm để đánh đuổi giặc xâm lược Pháp, khôi phục lại đất nước, mang lại hòa bình, yên tĩnh thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Cũng để đạt được mục đích trên, Văn đã chiêu mộ nghĩa quân tổ chức lực lượng quân sự chống Pháp. Văn kêu gọi nhân dân tích cực ủng hộ nghĩa quân"3.

Chiều ngày 18 tháng 9 năm 1889, quân trinh sát của Đội Văn phát hiện quân của Meyer có 51 lính đang đóng ở chùa Lang Tài bên bờ sông Thương thuộc huyện Yên Dũng. Ông quyết định phải tấn công bọn lính này, sau đó bình tĩnh dẫn nghĩa quân vẫn mặc quần áo lính khố đỏ tiến đến cách chùa 100 mét thì xung phong đánh vào chùa. Quân Pháp chống trả dữ dội, nghĩa quân chiếm được hai gò đất và bắn mãnh liệt vào chùa buộc quân Pháp phải cố thủ trong đó. Sau đó nghĩa quân chia làm ba mũi lợi dụng những mô đất tránh đạn tiến vào chùa. Cuộc chiến kéo dài đến nửa đêm, tên đội Gaudin phải mở đường máu rút ra ngoài, còn Meyer phải đợi trời sáng mới dám rút tàn quân chạy về Phủ Lạng Thương.

Quân Đội Văn cũng tranh thủ thời gian vượt lên Yên Thế Thượng.
____________________________________
1. Tập thể Bộ Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương. Năm 1889 Pháp chưa thành lập tỉnh Bắc Giang, phần đất của Bắc Giang ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
2. Fơrây: Giặc giã và thổ phỉ ở xứ Bắc Kỳ.
3. Theo bản dịch chữ Pháp, bức thư Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) - Theo Paul Isoart: Le phènomère national Việt Nam Miên, xuất bản ở Paris năm 1961.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:28 pm »


Cũng trong ngày 18 tháng 9 năm 1889, nghĩa quân Yên Thế do Đề Nắm chỉ huy đã bị một đạo quân Pháp do đại úy Gorse chỉ huy tấn công đang đóng ở trong làng Sặt. Sau một ngày kịch chiến, nghĩa quân Yên Thế đuối sức phải rút về Hữu Thượng lập chiến lũy trong rừng.

Nghĩa quân Đội Văn phải trải qua chặng đường hành quân vất vả, chịu đựng đói khát, phải né tránh quân Pháp đuổi theo, lại kịch chiến với quân Pháp nên vô cùng mệt mỏi. Song tình thế không cho nghĩa quân được nghỉ ngơi, ông lập tức tấn công quân Pháp. Được quân Đội Văn hỗ trợ, Đề Nắm tung quân ra đánh, hai bên không hẹn mà hợp đồng chặt chẽ, vì thế đại úy Gorse phải ngừng cuộc tấn công Hữu Thượng để đối phó với Đội Văn.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1889, Đội Văn phối hợp với nghĩa quân Yên Thế thượng, thế lực nghĩa quân mạnh hẳn lên. Mặc dù lực lượng nghĩa quân Yên Thế khi đó có khoảng 500 quân nhưng đã bị tổn thất nặng nề sau các đợt tấn công của quân Pháp; lực lượng Đội Văn có 500 quân, trang bị 250 súng bắn nhanh, nhưng cơ số đạn ít, quân lính mệt mỏi vì phải đối phó với các đợt truy kích liên tục của quân Pháp.

Mặc dù vậy, quân Pháp rất hoảng sợ vì "sự có mặt của Đội Văn đứng đầu một toán lớn và trang bị vũ khí đầy đủ đã đem lại cho bọn giặc (chỉ nghĩa quân Yên Thế) một chỗ dựa rất quan trọng khiến cho những đội quân nhỏ bé của ta (Pháp) từ nay khó lòng ứng chiến với chút thắng lợi. Vì thế đại úy Gorse được lệnh cắt những hoạt động chống các toán ở Hữu Thượng các đội quân phải rút lui về các đồn lính”1.

Trở lại hàng ngũ kháng chiến giải phóng dân tộc, Đội Văn coi đó là niềm tự hào của mình. "Trong một thông cáo chung gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng mình đã giả vờ hàng phục để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ bảo đảm đánh được họ khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ Bắc Kỳ. Đội Văn thông báo rằng thời cơ ấy đã đến và quyết định với các bộ hạ trung thành với mình nơi tập hợp là khu rừng xứ Hữu Thượng mà Đội Văn sẽ đi đến để cầu cứu sự giúp đỡ của các toán giặc (tức nghĩa quân) vùng Yên Thế mà từ lâu đã có sự liên lạc bí mật"2.

Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin cấp báo ngày 17 tháng 9 năm 1889 Đội Văn cùng số thủ lĩnh ra hàng Pháp 6 tháng trước đã bỏ hàng ngũ quân Pháp lên Yên Thế tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp và đang bị quân Pháp truy kích, ông lập tức lệnh cho các tướng đánh mạnh vào quân Pháp ở khắp nơi để "chia lửa" với Đội Văn.
_______________________________________
1. Tập thể Bộ Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương.
2. Fơrây: Giặc giã và thổ phỉ ở xứ Bắc Kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:08:28 pm »


Quân Pháp đã điều động một lực lượng lớn tràn lên Yên Thế để tiêu diệt lực lượng Đội Văn trước khi tập hợp được lực lượng từ đồng bằng lên hòa nhập vào phong trào Yên Thế, triệt phá các đồn lũy, các làng chiến đấu, chiếm lại đồn binh Tỉnh Đạo; triệt phá các cơ sở của nghĩa quân Yên Thế dọc sông Thương và ở khu vực Phủ Mọc, cầu Chay.

Đội Văn buộc phải chiến đấu ở vùng rừng núi mà quân của ông chưa quen, ngay từ khi đặt chân đến, cơ sở trong nhân dân không có, việc tiếp tế lương thực vô cùng khó khăn lại bị quân Pháp truy kích từ nhiều hướng rất dữ dội ở thượng Yên Thế nên trong các ngày 22 và 23 tháng 10 năm 1889 Đội Văn phải dẫn quân về huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Khi tới Sen Hồ, lỵ sở của huyện Yên Dũng khi đó, Đội Văn đã gửi thông cáo cho nhân dân huyện Yên Dũng, trong đó có lời tuyên bố sắt đá: "Không chịu sống đội trời chung với bọn quỷ Tây Dương" và kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ và đứng vào hàng ngũ nghĩa quân. Bên dưới ký tên: "Đề đốc họ Vương”, chức do ông Tán Thuật phong cho.

Nhân dân huyện Yên Dũng cũng như nhân dân Bắc Ninh lại gia nhập nghĩa quân của ông, tiếp tế lương thực, nhường làng xóm của mình cho nghĩa quân xây dựng căn cứ chống Pháp. Nghĩa quân của ông hoạt động mạnh trong một vùng rộng lớn giữa Phủ Lạng Thương - Bắc Ninh và Tỉnh Đạo. Địch phải thừa nhận: "Cách đây hai tháng người ta có thể ung dung đi trên con đường Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng nay thì người ta phải "vũ trang đến tận răng" thế mà cũng phải là người táo bạo lắm mới dám đi từ Đáp Cầu lên Phủ Lạng Thương”1.

Thấy địch không ngừng truy kích khắp nơi, Đội Văn phái 14 thủ lĩnh dưới quyền ông trở về đồng bằng để xây dựng lại lực lượng nghĩa quân làm cơ sở phát động một phong trào khởi nghĩa mới, nhưng tiếc thay cả 14 người ông phái đi đều bị quân Pháp chặn bắt. Đội Văn bị ốm từ lâu, lại bị thương trong chiến đấu với giặc, lực lượng nghĩa quân thì suy yếu, tan tác. Trước tình hình đó, Đội Văn đành rút về đồng bằng chờ thời cơ, nhưng ông về tới ngang tỉnh lỵ Bắc Ninh thì phát bệnh nặng rồi bị lọt vào tay bọn công giáo phản động. Ngày 31 tháng 10 năm 1889, cố đạo Tây Ban Nha Lê Vátcô làm trung gian, chúng đem nộp ông cho đồn binh Pháp ở Bắc Ninh. Mặc dù ông bị thương, bị ốm nặng chúng vẫn nhốt ông vào cũi, đeo gông cổ, xiềng tay chân giải về Hà Nội.

Bắt được Đội Văn, bọn xâm lược Pháp xử chém ông vào ngày 7 tháng 11 năm 1889 tại bãi đất trống cạnh hồ Hoàn Kiếm, nay là chỗ nhà kèn vườn hoa Găngđi Hà Nội. Khi ông chết, giặc Pháp vẫn sợ, chúng chặt đầu ông đưa về bêu ở Bắc Ninh, còn xác ném xuống sông Hồng. Sự kiện trên được báo Tương lai Bắc Kỳ viết lại như sau: "Nếu người ta trả xác Đội Văn cho gia đình ông thì sẽ có những cuộc tang lễ long trọng để làm vẻ vang cho Đội Văn. Người ta sẽ xây cho ông một đài kỷ niệm và sau này ngôi mộ của ông sẽ trở thành nơi hành hương, một nơi trung tâm tập hợp những cuộc khởi nghĩa mới. Chính vì những lý do này mà Thống sứ Bắc Kỳ Briviere dám kiên quyết trị Đội Văn theo luật An Nam"2.

Con cháu Đội Văn cúng giỗ ông vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Tại làng Bún, thôn Đông Côi, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành vẫn cúng giỗ ông vào ngày 15 tháng 10, vì khi còn sống ông mua gửi 15 mẫu ruộng vào đình để cúng hậu3.
_______________________________________
1. Báo Le Courieu d' Hải Phòng, năm 1889.
2. Báo Tương lai Bắc Kỳ (L'avenir du Tonkin), số 178 ra ngày 9-11-1889.
3. Tương truyền ở làng Xuân Lai (huyện Lang Tài) có đền thờ ông vì khi Pháp chém ông ở Hà Nội chặt đầu về bêu ở Bắc Ninh còn xác chặt làm mấy khúc vứt xuống sông Hồng. Nghĩa quân của ông bí mật đi theo, có một phần xác của ông dạt vào sông Đuống rồi trôi tới xã Xuân Lai, đến đây không sợ địch theo dõi, các nghĩa quân của ông vớt lên chôn cất rồi lập miếu thờ gọi là "Đền thờ ông Đề Vang". Hiện nay, ở thành phố Hải Phòng có phố Đội Văn theo Quyết định số 666-QĐ/UB ngày 28-11-1996 về việc đặt, đổi tên một số đường phố mới ở Hải Phòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:12:24 pm »


Câu hỏi 15: Cho biết đôi nét về cách vận động, tập hợp lực lượng nghĩa quân của các thủ lĩnh?
Trả lời:


Cũng như các cuộc khởi nghĩa chống Pháp diễn ra cuối thế kỷ XIX, phong trào Bãi Sậy đã tranh thủ được sự tham gia hết sức đông đảo của quần chúng nông dân nghèo khổ, nhất là trong những năm 1885-1889 khi cuộc khởi nghĩa phát triển khá mạnh mẽ, sâu rộng ở ba tỉnh vùng tả ngạn sông Hồng. Thực vậy, thời ấy hầu như ở bất cứ làng nào trong tỉnh Hưng Yên cũng có rất đông người tham gia nghĩa quân Bãi Sậy và thậm chí ở nhiều làng tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đều trở thành nghĩa quân1. Ngoài ra, còn có một số phụ nữ cũng tham gia khởi nghĩa; trong đó có một số người đã lập được nhiều thành tích chiến đấu khá xuất sắc mà đến nay nhân dân địa phương còn truyền tụng hoặc chính bọn sĩ quan Pháp phải thừa nhận2 như các bà Đốc Khuy3, Lãnh Túc, Cai Sinh, v.v...

Bên cạnh đội quân nông dân chủ lực trên, nghĩa quân Bãi Sậy còn thu hút được cả một số sĩ phu, tổng lý, kỳ hào và địa chủ yêu nước nữa như các ông cử nhân Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức, chánh tổng Nguyễn Đình Tiêm4, địa chủ Sái Văn Vện, v.v... Về số lượng nghĩa quân Bãi Sậy là bao nhiêu, hiện nay chưa biết rõ cụ thể, nhưng có một điều chắc chắn rằng số nghĩa quân ấy rất đông, hầu như ở các phủ huyện ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có. Ví như Đốc Sung, Đốc Quý và Đội Văn mỗi người thường xuyên có 300 nghĩa quân, Đốc Khoát có 500, Đốc Tích có 800, v.v...

Lại có nhiều trận, số nghĩa quân trực tiếp tham gia đánh địch cũng khá đông đảo, thí dụ ở Thanh Trì: 600 người, Quảng Bố: 500 người, Liêu Trung: 800 người, Hoàng Trạch: 700 người, v.v... Còn những trận chạm súng giữa hàng trăm nghĩa quân với địch trên đường đi hoặc trong làng xóm thì xảy ra thường xuyên.

Ở đây chúng ta cần chú ý thêm một điểm nữa là nghĩa quân Bãi Sậy thường sống phân tán trong nhân dân, làng xóm chứ không tập trung ở các công sự, pháo đài, thành lũy cố định nên càng không thể phân biệt được nghĩa quân với nhân dân. Thực ra nghĩa quân cũng chỉ là những người nông dân nghèo khổ sống ở ngay nơi quê hương mà thôi. Họ đều phải sản xuất lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình. Khi cần đi đánh nơi nào hoặc chống địch đến càn quét, đốt phá làng xóm, nghĩa quân mới tập trung lại theo lệnh của các thủ lĩnh chỉ huy. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, họ lại phân tán sống lẫn trong nhân dân, hoặc nói đúng hơn lúc ấy họ lại trở thành người nông dân bình thường. Động là quân, tĩnh là dân là một chủ trương rất tài giỏi và hiệu quả của nghĩa quân, nó được xuất phát từ hoàn cảnh thực tế chiến đấu của phong trào.

Nói về tình hình nghĩa quân Bãi Sậy thời ấy, một tác giả khuyết danh đã ghi lại trong mấy câu vè như sau:

      "Khắp mười tỉnh Bắc Kỳ sĩ thứ,
      Bất đế Tần5 mấy chữ không nao,
      Một lòng theo ngọn cờ đào,
      Thề cùng bạch quỷ, có tao không mày"6.


Qua đó chúng ta có thể thấy các tầng lớp nhân dân ở đồng bằng Bắc Kỳ đã hăng hái tham gia phong trào Bãi Sậy như thế nào, chính vì vậy mà lực lượng nghĩa quân rất đông đảo và ngày một lớn mạnh.
______________________________________
1. Theo De Miribel: tài liệu đã dẫn: tất cả những người nông dân vùng Bãi Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế khởi nghĩa chống Pháp.
2. Theo Frey: "Pirates et rebelles au Tonkin" (Nos soldats au Yên Thế), Nhà xuất bản Hachette, Paris, năm 1892: trong nghĩa quân Đội Văn có một người phụ nữ là vợ của Đội Văn. Bà đã cải trang thành đàn ông, cũng đeo súng, cưỡi ngựa, theo sát nghĩa quân trong từng trận đánh để úy lạo và cùng chiến đấu với họ.
3. Bà tên thật là Trần Thị Khuy, người làng Tiên Kiều (huyện Ân Thi, Hưng Yên), là con gái cả ông Lãnh Khuy (một lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy, không rõ tên thật của ông). Trong một trận đánh ở cầu Hà (giữa vùng giáp giới hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, nay không còn di tích), Lãnh Khuy bị tử trận, bà Khuy đã lên thay cha chỉ huy nghĩa quân và sau được phong chức Đốc binh. Vì vậy, nhân dân gọi bà là Đốc Khuy hoặc Đốc Huệ (Huệ là tên chồng bà). Sau khi nghĩa quân Bãi Sậy tan rã, bà trở về quê hương.
4. Nguyễn Đình Tiêm, người làng Mão Cầu (huyện Ân Thi, Hưng Yên), đã từng làm chánh tổng. Sau ông từ chức, tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy được phong chức Lãnh binh nên thường gọi là Lãnh Tiêm. Hoạt động đánh Pháp của ông chủ yếu là ở huyện Ân Thi (Hưng Yên). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Đình Tiêm chạy ra Hải Dương, rồi chết.
5. "Bất đế Tần" không chịu khuất phục nhà Tần, đây ám chỉ không chịu khuất phục giặc Pháp.
6. Khuyết danh: trích trong bài "Vè Tán Thuật" trong cuốn Vè yêu nước chống đế quốc Pháp xâm lược của Vũ Ngọc Khánh (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, năm 1967).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2016, 10:57:03 pm »


Câu hỏi 16: Khi đã vận động, tập hợp được lực lượng thì các thủ lĩnh phong trào đã tổ chức, trang bị cho nghĩa quân về y phục, vũ khí ra sao?
Trả lời:


Vào thời ấy, trong nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nghĩa quân thường được chia thành từng cơ, từng quân thứ có hàng mấy trăm người. Trái lại, nghĩa quân Bãi Sậy chỉ bao gồm từng toán nhỏ từ 15, 20, 25, 30 hoặc 50 người là nhiều nhất. Thí dụ mỗi toán nghĩa quân của Đốc Sung, Lãnh Điển có 50 người, còn mỗi toán của Đề Ban lại chỉ có 30. Với một tổ chức gọn nhẹ nói trên, nghĩa quân đã có thể dễ dàng đánh địch và hoạt động được trong nhân dân ở một vùng đồng bằng chỉ toàn là lau sậy. Chẳng hạn khi nhân dân cho biết tin Hoàng Cao Khải và Louis Ney đem quân tới gặt ở cánh đồng làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), Nguyễn Thiện Thuật đã nhanh chóng tập trung được các toán nghĩa quân của Đốc Sung, Lãnh Tháu1, Đề Ban, Hai Kế, Ngô Quang Huy, Đề Tính, v.v... ở trong tỉnh Hưng Yên tới ngay Liêu Trung. Rồi sau khi đánh thắng địch, 800 nghĩa quân ấy lại rút đi nơi khác. Và mãi tới ngày 24 tháng 11 năm 1888, tức là 13 ngày sau, trong một cuộc truy kích, 500 lính của đại tá Serviere mới gặp một vài toán nghĩa quân nhỏ ở tỉnh Hải Dương. Nhưng kết quả là sau một trận giao chiến dữ dội, Serviere chỉ bắt được mấy người và thu được một vài khẩu súng vứt dưới ao. Trong các trận đánh đồn Delaforge (1886), đồn Bình Phú (6-4-1889), v.v... chỉ với 50 người mà nghĩa quân cũng thắng2.

Đặc biệt là trong năm 1889, khi bị quân Hoàng Cao Khải không ngừng truy kích thì những toán nghĩa quân nhỏ của Đốc Sung, Đề Ban, Lãnh Điển, Lãnh Bảy, v.v... đã dễ dàng di chuyển được nay làng này mai làng khác và không ở đâu lâu quá một ngày đêm. Nhờ đó lực lượng nghĩa quân vẫn được duy trì để có thể tiếp tục đánh địch lâu dài hơn.

Về y phục của nghĩa quân cũng không giống nhau. Theo lời thuật lại của các phụ lão ở Hưng Yên thì nghĩa quân ai có gì mặc nấy và thông thường là quần áo nâu sồng của nông dân ta. Ở nơi này nơi khác, có cụ còn nói thêm một vài chi tiết nữa như khi ra trận nghĩa quân buộc một miếng vải đỏ hoặc thắt một cái thắt lưng màu đỏ để dễ nhận nhau; hoặc nghĩa quân mặc một cái áo giáp bằng giấy bản bồi rất dày, chân đi hải sảo, đầu chít khăn đầu rìu bằng vải đỏ. Nhưng về đại thể, y phục của nghĩa quân chỉ là những thứ quần áo của nông dân ta thời ấy.

Trong một bài viết đăng trên báo L' Avenir du Tonkin xuất bản ở Hà Nội, năm 1889, một tác giả người Pháp cũng nói rằng nghĩa quân Đề Tính, Đốc Cập ăn mặc như người nông dân bình thường. Còn Piglowski thì nói trong một trận đánh ở làng Đức Nhuận (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), bọn Pháp chỉ phân biệt được người chỉ huy tên là Sậy với nghĩa quân ông ở chỗ Sậy chít khăn xanh và thắt thắt lưng màu đỏ3.

Để trang bị vũ khí, nghĩa quân đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực như tự sản xuất lấy, cướp súng đạn của địch, hoặc mua lại của bọn ngụy binh, của nghĩa quân Lưu Kỳ từ biên giới Trung Việt chở sang và của thương gia Tây phương ở Hải Phòng4. Vì thế, bên cạnh những thứ vũ khí thô sơ là chủ yếu, nghĩa quân đã có thêm khá nhiều súng đạn kiểu mới. Ví như Đốc Khoát, Quý và Ba Giang có tới 700 nghĩa quân và 400, 500 súng, Đốc Sung cũng có 200, 300 nghĩa quân với hàng trăm súng. Nghĩa quân Đốc Tích thì đông hơn với 800 người và 500 súng. Ngoài ra, trong một số trận đánh, nghĩa quân đã không những hơn hẳn địch về số lượng người mà cả về vũ khí nữa như ở trận đánh Aubert (ngày 6-10-1887), Đội Văn có 300 người với 120 súng, trận đánh huyện Thanh Trì (ngày 8-7-1888) có 600 nghĩa quân với 300 súng, trận đánh Hoàng Cao Khải với Louis Ney (ngày 11-11-1888), nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật lên tới 800 người được vũ trang bằng 400 súng, v.v...

Tóm lại, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã tập hợp được đông đảo quần chúng nông dân nghèo khổ, kể cả một số phụ nữ, ở hầu khắp các phủ huyện tả ngạn sông Hồng tham gia nghĩa quân. Không những thế còn thu hút được nhiều người trong giai cấp phong kiến cũng trực tiếp đứng trong hàng ngũ chiến đấu hoặc thiết thực ủng hộ phong trào. Chính vì thế mà cuộc khởi nghĩa càng có tính chất nhân dân rộng rãi.
____________________________________
1. Ông tên là Lưu Ngọc Tháu, quê ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) thuộc gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy dưới quyền của Đốc Sung. Sau khi Sung chết, Tháu ra hàng và bị đày ra Côn Đảo.
2. Theo Masson: Souvenirs de l’Annam et du Tonkin (Nhà xuất bản Lavavuzelle, Paris, không có năm xuất bản) và báo L' Avenir du Tonkin, năm 1889.
3. Theo Piglowski: Histoire de la garde indigène du Tonkin (tome I) xuất bản ở Hà Nội, không có năm xuất bản.
4. Theo E. Bévin - Au Tonkin: "Milices et piraterie" (Nhà xuất bản Charles Lavauzelle, Paris, năm 1891).
    Theo Claude Bourrin: "Le vieux Tonkin Le Théatre - Le sport - la vic mondaine de 1884 à 1889" - Nhà xuất bản Aspar, Saigon năm 1935, L. Bonnafont: Trente ans de Tonkin xuất bản ở Paris năm 1933 và các báo Le Courrier d'Haiphong, L' Avenir du Tonkin ra năm 1889 và năm 1890 thì Gustave Oberg, một thương gia Thụy Điển trong một thời gian dài cũng cung cấp nhiều vũ khí, đạn dược cho Đốc Tích với giá 4 đồng một trăm viên đạn, 40 đồng một khẩu súng Carabine, và từ 8 đồng đến 10 đồng một khẩu súng lục. Việc buôn bán vũ khí này của Oberg lại được một số người Việt Nam và Trung Quốc làm trung gian như Lê Bá Bút... Và đặc biệt là nó cũng được bọn quan lại cao cấp Pháp ở Hải Phòng che chở để kiếm lợi. Khi việc "buôn bán lậu" nói trên bị phát giác ra, Oberg đã bỏ trốn về Hồng Kông.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM