Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:37:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy  (Đọc 31588 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:13 pm »


Với trách nhiệm chỉ huy các huyện phía nam Hưng Yên, Tán tương quân vụ Nguyễn Hữu Đức còn tới các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và cả phía nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương vượt sông Luộc sang các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà khi đó còn thuộc tỉnh Hưng Yên để phát triển lực lượng, xây dựng làng chiến đấu, giúp các tướng như Đề Tập ở Kim Động, giúp xã Tam Nông ở Tiên Lữ chống càn quét của giặc Pháp, bảo vệ được làng xóm, liên tục tập kích các đồn giặc, phục kích giặc trên đường 39, 38, đường đê sông Luộc. Ông còn tổ chức các trận đánh lớn ở đoạn giữa Dốc Lã - thị xã Hưng Yên.

Nguyễn Hữu Đức không chỉ tổ chức lực lượng kháng chiến, đột kích, tập kích, phục kích quân giặc, ông còn rất coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, vì ông hiểu rõ muốn nhanh chóng đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi thì cả dân tộc Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, sang hèn đều phải đồng tâm nhất trí nên rất coi trọng công tác tuyên truyền, vạch trần tội cướp nước của giặc Phalang (Pháp) và đám vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc, ông đã cùng cử nhân Ngô Quang Huy dẫn học trò của mình đi khắp các vùng họp các kỳ hào, tộc biểu, họp dân đọc chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, dán bố cáo ở khắp nơi kêu gọi mọi người góp sức, góp công của xây dựng căn cứ Bãi Sậy, các căn cứ ở vòng ngoài Bãi Sậy, các làng chiến đấu, các liên làng - liên xã chiến đấu. Ông không những là người đề ra chủ trương, chỉ đạo chung mà tự ông đã cùng các tướng Lãnh Tiêm, Lãnh Trứ, Đề Tập, Đề Ban, Đốc Khuy… xây dựng các làng chiến đấu, cùng các chiến sĩ xông pha nơi trận mạc.

Cuối tháng 11 năm 1889, nhận được tin vua Hàm Nghi bị tên phản bội Trương Quang Ngọc bắt nộp cho Pháp, nghĩa quân Bãi Sậy lúc đó cũng bị lâm vào tình thế nguy khốn: Ngô Quang Huy bị bao vây, truy bức đến phải tự tử, Đốc Tít cùng đường phải ra hàng, Đội Văn bị quân Pháp bắt được ở Bắc Ninh đưa về Hà Nội chặt đầu, Lưu Kỳ bị quân Pháp đánh bật khỏi Đông Triều, Lục Ngạn, phải chạy tới tận Tiên Yên, Bình Liêu, tỉnh Quảng Yên, căn cứ Bãi Sậy, các căn cứ của Hai Kế, Đốc Sung, Đốc Mỹ ở nam Bắc Ninh, bắc Hải Dương, căn cứ của Đề Ban ở bắc Ân Thi liên tục bị quân Pháp tấn công. Lực lượng chủ lực sau lần đưa đại quân đi hạ thành Hải Dương bị quân Pháp chặn đánh ở vùng Mao Điền rồi truy kích ráo riết, Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng phải rút vào vùng núi đá Đông Triều.

Khi cuộc khởi nghĩa thoái trào vào cuối năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc mưu cầu viện trợ để tổ chức lực lượng kháng chiến mới, giao binh quyền cho Nguyễn Thiện Kế giữ chức Tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Trong hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn cùng các tướng Đốc Cọp, Đề Tính, Đề Ban... tổ chức những trận tập kích vào đồn giặc, phục kích những toán quân tuần tiễu, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của quân Pháp và tay sai.

Khi cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thất bại (tháng 4 năm 1892) ông phải chạy sang các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam trong nhiều năm. Giặc Pháp bắt bớ, giam cầm nhiều người trong gia đình ông nhằm ép ông phải về hàng. Biết rõ uy tín của ông trong các tầng lớp nhân dân và giới khoa bảng, giặc Pháp và bọn quan lại dụ dỗ ông ra làm quan, nhưng trước sau ông đều từ chối, ở nhà dạy học.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:08:05 pm »


Câu hỏi 12: Đề đốc Lưu Kỳ là một trong những thủ lĩnh đánh du kích rất giỏi, biến hóa khôn lường, thông thạo lối tác chiến phục kích bất ngờ. Cho biết đôi nét về Đề đốc Lưu Kỳ và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Bố Lưu Kỳ là người Hoa, mẹ là người Việt, quê ở huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông là người võ nghệ giỏi, giao du rộng rãi trong giới quan lại người Việt và người Hoa ở tỉnh Hải Dương, vùng đông bắc tỉnh Bắc Ninh và cả quan lại Trung Hoa ở vùng biên giới Quảng Yên, Lạng Sơn - Quảng Tây. Ông cũng quen biết cả những tay anh chị trong giới lục lâm thảo khấu người Hoa ở miền núi và miền biển. Ông có ý chí căm thù giặc Pháp, khi giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), ông đã tập hợp các chiến hữu ở vùng Lục Ngạn, Đông Triều bàn kế đánh Pháp.

Sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (25-4-1882), tháng 3 năm 1883, quân Pháp chiếm đóng vùng mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả, tiếp đó đánh chiếm thành Hải Dương và nhiều tỉnh thành khác ở Bắc Kỳ.

Sau khi thành Hải Dương bị hạ lần thứ hai (ngày 9-8-1883, tức ngày 10-7 năm Quý Mùi) vua Tự Đức điều động Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật ở tỉnh Hưng Hóa về làm Tổng đốc Hải Yên kiêm Phó tướng miền Đông cho Thông tướng Hoàng Tá Viêm1. Nguyễn Thiện Thuật đóng đại bản doanh ở huyện Chí Linh và huyện Đông Triều rồi cùng hai em là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương, Đề Vinh đi các nơi chiêu mộ anh hùng hào kiệt, quan lại, binh lính hãy đoàn kết đánh Pháp.

Cũng trong thời gian này, các sĩ phu phe chủ chiến như Lã Xuân Oai, Nguyễn Quang Bích, Phạm Huy Quang cũng đến vùng người Hoa và các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, Hưng Hóa tuyên truyền chống Pháp.

Trong số các thủ lĩnh người Hoa, Nguyễn Thiện Thuật đặc biệt quan tâm đến Lưu Kỳ. Ông đã đến Lục Ngạn bàn bạc với Lưu Kỳ về việc thành lập một đội quân hỗn hợp người Việt, người Hoa, người dân tộc thiểu số ở vùng đông bắc thành một đạo quân để chiến đấu chống Pháp trên địa bàn quan trọng này. Nguyễn Thiện Thuật biết rõ mối quan hệ mật thiết giữa Lưu Kỳ với các quan chức hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và các thương nhân Trung Hoa nên đã bàn với ông thiết lập một đường dây mua vũ khí từ Hồng Kông, Quảng Đông, Quảng Tây về vùng biên giới Móng Cái - Tiên Yên - Lộc Bình rồi theo đường mòn vùng rừng núi đưa về Lục Ngạn để trang bị cho nghĩa quân.

Sau khi gặp Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, Lưu Kỳ đã khẩn trương thực hiện cả hai nhiệm vụ trên. Nghĩa quân Lưu Kỳ là những người đã từng quen với chiến thuật, biết võ thuật, thông thạo vùng rừng núi nên ngay khi mới thành lập đã tổ chức các trận tấn công quân Pháp. Nhờ có nguồn súng mua từ Trung Quốc, đội vũ trang của ông được trang bị nhiều súng bắn nhanh. Địa bàn hoạt động của ông là vùng Đông Triều, Lục Ngạn. Trong đội quân của ông có nhiều tướng lĩnh xuất sắc như Hoàng Tài Ngạn, Hoàng Thái Nhân, Đề Kỳ, Đô đốc Quý… Vợ Lưu Kỳ cũng là viên tướng xuất sắc.
______________________________________
1. Còn gọi là Hoàng Kế Viêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:13:05 pm »


Trong buổi đầu xây dựng lực lượng vũ trang, Nguyễn Thiện Thuật đã cử các tướng lĩnh giúp Lưu Kỳ biên chế đơn vị, huấn luyện quân sự cho tân binh, giúp đỡ lương thực. Đội quân của Lưu Kỳ được tổ chức rất chặt chẽ, có kỷ luật, thiện chiến.

Chính vì ông được Nguyễn Thiện Thuật khi đó là Tổng đốc Hải Yên kiêm Phó tướng miền Đông hết lòng ủng hộ, là đội quân có kỷ luật, thiện chiến nên ngay từ khi mới thành lập ông đã chủ động tìm giặc mà đánh và giành được những thắng lợi như:

Ngày 15 tháng 10 năm 1883, Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Harmand đầu hàng, lệnh cho Nguyễn Thiện Thuật và các quân thứ ở Bắc Kỳ đang kháng Pháp phải giải tán quân đội, về kinh đợi chỉ, Nguyễn Thiện Thuật chống lệnh, từ chức về Đông Triều mộ quân đánh Pháp, chẳng bao lâu ông đã có đội quân người Việt, người Hoa hùng mạnh. Mỗi khi Nguyễn Thiện Thuật đưa quân đi đánh các trận lớn, Lưu Kỳ đều cho quân đến phối hợp, trận đánh thành Hải Dương là một ví dụ.

"Ngày 17 tháng 11 năm 1883 Lưu Kỳ lại chỉ huy 3.500 quân Tàu tấn công quân Pháp do trung úy hải quân Bouet chỉ huy có tàu chiến Carbin yểm trợ. Trong khi đó, 2.000 quân Việt tấn công đại úy Bertin. Bertin cố mở một đường ra để cứu cho quân ta nhưng ông lại phải buộc quay về phía pháo đài"1.

Khi Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lên giữ thành Bắc Ninh, Hưng Hóa, Lạng Sơn, tập kích quân Pháp ở Tuyên Quang và đánh trận cầu Quan Âm (Lạng Sơn) đều có đội quân của Lưu Kỳ tham gia.

Ngày 2 tháng 10 năm 1884, trên sông Lục Nam, quân pháp dùng hai pháo thuyền Lahase, Lamashu khi đang xoay khẩu Hốtkít về phía địch (nghĩa quân) đã bị một viên đan bắn trúng cổ2 vội cầu cứu pháo thuyền Mutcơtông3, giặc bị giết 33 tên. Tướng Brière de Linni vội tung vào một binh đoàn gồm 4.800 quân do thiếu tá hải quân Donnier chỉ huy rời Đáp Cầu theo đường sông Chũ phối hợp với quân của thiếu tá De Miribel đang hoạt động ở Bảo Lộc và của tướng Négrier ở Kép4.

Ngày 5 tháng 10 năm 1884, các pháo thuyền Lahase, Lamashu yểm trợ, Donnier dẫn quân lên Chũ, bị chặn đánh ở Lầm "bởi một hỏa lực khủng khiếp"5 và bị diệt 41 lính, De Miribel phải đem quân đến cứu. Đến ngày 10 tháng 10 năm 1884, quân Pháp mới mở được đợt tấn công cao điểm ở Chũ để lại 110 xác chết. Cuộc tấn công của quân Pháp lên Lạng Sơn hoàn toàn bị bẻ gãy ở Kép bởi quân của Cai Biều, Tổng Bưởi và ở Chũ bởi quân của Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân6.

Négrier vẫn đeo đuổi mục đích đánh chiếm Lạng Sơn. Tướng Brière de Linni phải sang tận Thượng Hải (Trung Quốc) mộ phu vì không mộ được phu ở Bắc Ninh, Lạng Thương. Ngày 4 tháng 1 năm 1885, Négrier đem quân tấn công Lạng Sơn thì bị chặn lại ở núi Bóp, bị chết 100 tên, trong đó có 3 sĩ quan7.

Trước tình hình đó, quân Pháp phải rút lực lượng các nơi về Chũ tới 7.186 lính, 4.500 phu giao cho các tướng Négrier, Zovamenli, Crétin,... chỉ huy. Suốt 5 ngày, từ 3 tháng 2 năm 1885, nghĩa quân do Lưu Kỳ chỉ huy luôn luôn chặn đánh, tiêu hao giặc làm cho quân Pháp không tiến được, đến ngày 8 tháng 2 năm 1885, giặc Pháp chỉ tiến được 30 cây số. Ngày 28 tháng 3 năm 1885, quân Pháp phải rút chạy về Chũ.
______________________________________
1. P. Vital: Những năm đầu ở Bắc Kỳ.
2. Lịch sử quân sự Đông Dương.
3. Pháo thuyền này bị nghĩa quân chặn đánh ở Đức La.
4, 5. Lịch sử quân sự Đông Dương.
6, 7. Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang - Hội Khoa học Lịch sử xuất bản.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:16:21 pm »


Quân Pháp bị Lưu Kỳ đánh cho thua liên tiếp mặc dù binh lực và vũ khí hơn quân Lưu Kỳ gấp nhiều lần. Quân Pháp phải thú nhận: "Lưu Kỳ là một thủ lĩnh đánh du kích rất giỏi, biến hóa khôn lường, thông thạo lối tác chiến phục kích bất ngờ. Đội ngũ nghĩa quân phức tạp phần nào ảnh hưởng đến niềm tin trong nhân dân. Mặc dù vậy cuộc khởi nghĩa này vẫn làm cho kẻ thù "biết bao công sức, biết bao kiên nhẫn, biết bao thời gian đã tiêu phí một cách vô ích"1.

Ngoài Lục Ngạn, Lưu Kỳ còn trải địa bàn hoạt động của mình sang Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Yên Bác, Đông Triều2.

Nghĩa quân của Lưu Kỳ hoạt động mạnh mẽ liên tục tấn công quân Pháp ở Lục Ngạn, Đông Triều. Ông xây dựng một số cứ điểm ở vùng Bảo Đài, Đông Triều, phía đông tỉnh Bắc Giang. Đội quân của Lưu Kỳ đã nhiều lần phối hợp với các toán quân Bãi Sậy do Đội Văn, Đốc Tít, Ba Báo... chỉ huy hoặc các đội quân khởi nghĩa độc lập như Tổng Bưởi, Cai Kinh, Cai Biều ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn.

Tháng 4 năm 1885, binh đoàn Nevy càn quét vùng núi giữa Quynh và Mai Sưu nhưng bị nghĩa quân Lưu Kỳ đánh cho đại bại. Nghĩa quân vẫn làm chủ trong vùng thu thuế, tuyển mộ quân lính, cắt đặt người cai trị.

Tháng 6 năm 1885, Chính phủ Pháp bắt tay với triều đình Mãn Thanh ký "Hiệp ước Pháp - Thanh". Hiệp ước này buộc Lưu Vĩnh Phúc phải rút quân về nước, nhưng một số tướng lĩnh như Lục Đống Hoàn, Vương Ngọc Châu, Thanh Tông Chính, Chu Băng Thanh, Lục Văn Khiêm, Lưu Chí Hùng, Hoàng Tuấn Phương, Lương Mậu Lâm, Tả Bình An, Diệp Thanh Lâm đều bỏ Lưu và tự hùng3.

Ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23-5 Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa khâm sứ Huế không thành liền hộ giá vua Hàm Nghi ra Quảng Trị. Ngày 2 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ nhất (13-7-1885), vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương thông báo cho các khanh sĩ, bá quan văn võ lớn nhỏ và cho nhân dân trong nước mọi người đều biết.

Nhận được chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật từ Long Châu (Trung Quốc) về nước. Ông đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi phong Lễ bộ thượng thư Hồng Lô tự khanh, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần nhận chiếu Cần Vương về phát động phong trào Cần Vương ở vùng châu thổ sông Hồng và vùng đông bắc Bắc Kỳ. Sau cuộc gặp gỡ với hai cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật đã gặp Lưu Kỳ và phong Lưu Kỳ chức Đề đốc. Các tướng dưới quyền Lưu Kỳ được phong lãnh binh, phó lãnh binh, suất đội... Nguyễn Thiện Thuật chính thức giao cho Lưu Kỳ, vẫn đóng quân ở Lục Ngạn, Đông Triều, trấn giữ vùng đông Bắc Kỳ và bổ sung lực lượng cho đường dây mua và vận chuyển vũ khí từ miền Nam Trung Quốc về cung cấp cho nghĩa quân.
_______________________________________
1. Chabrone: Những cuộc hành quân tại Bắc Kỳ.
2. Huyện Phượng Nhỡn khi đó có 10 tổng.
3. Tức là các tướng trên chỉ huy một số quân không về Trung Quốc mà ở lại Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam đánh Pháp. Phần lớn các toán quân trên nhập vào đội quân của Lưu Kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:19:52 pm »


Tháng 9-1885 Lưu Kỳ nhận lệnh của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật về văn chỉ Bình Dân dự cuộc họp tướng lĩnh và tế cờ khởi nghĩa, Lưu Kỳ chính thức trở thành một thủ lĩnh xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương.

Với danh nghĩa Cần Vương cứu nước, bảo vệ vua Hàm Nghi, Lưu Kỳ đã tập hợp thêm được nhiều người dân tộc Hoa, dân tộc thiểu số, dân tộc Việt ở vùng đông bắc và cả quân lính, quan lại trong quân đội Pháp và Nam triều vào hàng ngũ kháng chiến. Một số toán tàn dư của các phong trào nông dân khởi nghĩa ở Trung Quốc như Thiên Địa hội, Thái Bình Thiên quốc bị quân đội nhà Thanh đánh đuổi tràn sang Việt Nam cũng được ông thu nạp vào nghĩa quân. Được sự giúp đỡ tích cực của các thổ ty và nhân dân các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Yên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Lưu Kỳ đã nhanh chóng xây dựng được đội quân mạnh, và có đủ lương thực cho đội quân đông đảo. Lưu Kỳ cũng đã tổ chức được đường dây mua, vận chuyển vũ khí từ đất Quảng Đông, Quảng Tây vượt qua đường biên vào hai tỉnh Quảng Yên, Lạng Sơn, rồi từ đó chuyển về Lục Ngạn để cung cấp cho nghĩa quân.

Những người tham gia vào đường dây vận chuyển vũ khí chỉ biết cung đoạn của mình, không biết đến các cung đoạn khác. Lưu Kỳ còn tổ chức một đội quân hộ tống được trang bị mạnh để tiêu diệt các toán quân Pháp, thổ phỉ chặn đường cướp vũ khí.

Về việc này chính quân Pháp cũng phải thừa nhận: "Đặc biệt cũng chính do Lưu Kỳ mà Bãi Sậy đã nhận được nhiều súng ống từ Trung Quốc chuyển sang với giá rẻ".

Từ khi Nguyễn Thiện Thuật về nước, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thì thế lực của Lưu Kỳ ngày càng lớn mạnh, khiến quân Pháp phải thừa nhận: "Mặc dù khác dân tộc, khác khuynh hướng, hai người thủ lĩnh (Nguyễn Thiện Thuật và Lưu Kỳ) đã phối hợp chặt chẽ trong mọi hành động""Ông có mối liên hệ rất mật thiết với Tán Thuật và đã được Tán Thuật phong chức Đề đốc".

Nghĩa quân Lưu Kỳ mở rộng phạm vi hoạt động khắp vùng đông bắc Bắc Kỳ và Quảng Yên (bao gồm Quảng Ninh ngày nay), Đông Triều tới Móng Cái, tới sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) và từ Lục Nam, Lạng Sơn đến Thái Nguyên. Và trong một chừng mực nhất định, ông cũng phối hợp với những toán nghĩa quân ở vùng Thái Nguyên, Cao Bằng1.

Tháng 5 năm 1886, nghĩa quân Lưu Kỳ ráo riết hoạt động, chủ động tấn công địch như trong trận đánh điểm De la Forge, nghĩa quân chỉ có 50 người vẫn thắng.

Ngày 9 tháng 9 năm 1886, Lưu Kỳ chỉ huy khoảng 1.100 nghĩa quân người Tàu và người An Nam đã lọt vào một làng gần Đông Triều. Nghĩa quân đã tung một cái tin giả dụ viên thiếu tá chỉ huy đồn điều quân đi đàn áp ở một nơi khác. Viên thiếu tá mắc mưu đi khỏi thì nghĩa quân tấn công đồn. Tên đại úy Bertrand thuộc đơn vị số 4 Bắc Kỳ chỉ huy đồn có khoảng 160 tay súng lại được sự hỗ trợ tích cực của thiếu úy Haroun thuộc đơn vị hải quân số 1 và toán quân của viên đội nhất Poulet, Blanchau Ricton thuộc đơn vị số 4 Bắc Kỳ chống lại quyết liệt nên sau vài giờ chiến đấu, nghĩa quân phải rút khỏi thị trấn Đông Triều2.

Ngày 3 tháng 1 năm 1888, Lưu Kỳ giết trung úy Marrou.

Ngày 10 tháng 7 năm 1888, một toán quân người Tàu đã tấn công đồn binh Đông Triều. Toán này từ An Châu kéo tới3.

Ngày 4 tháng 10 năm 1888, Lưu Kỳ tấn công Lạc Đạo. Các đạo quân Pháp do Servière Pretel Pégna đi đánh Lưu Kỳ không thắng.

Năm 1888, Lưu Kỳ hoạt động mạnh ở Mai Sưu, Đá Bạc, Lầm, An Châu, Biển Động.

Ngày 3 tháng 11 năm 1888, Lưu Kỳ đánh phá, cướp Biển Động. Để đối phó với nghĩa quân Lưu Kỳ, toàn quyền Đông Dương phải ra Nghị định thành lập đạo Lục Nam.

Hoàng Cao Khải đem quân đánh Lưu Kỳ không được phải rút lui.

Du Marde có 150 quân do các quản Monpayrát, Fèrrien Arlhac, Marsal chỉ huy tiến đánh Lưu Kỳ. Trong trận ở Bãi Táo, Arlhac bị thương nặng.
________________________________________
1. Đặng Huy Vận, Hoàng Đình Bình: Đề đốc Lưu Kỳ và những hoạt động chống Pháp của ông ở vùng đông bắc Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX, đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.
2. Báo Tương lai Bắc Kỳ, số 15 ra ngày 25-9-1886.
3. Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ (An Châu là căn cứ của Lưu Kỳ).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:21:15 pm »


Ngày 4 tháng 5 năm 1889, quân Pháp lại tấn công Lang Sa nhưng cũng như lần trước nghĩa quân làm chủ vùng Lục Ngạn, Bảo Đài. Địch phải thú nhận sự bất lực của chúng: "Ở đây Lưu Kỳ có 300 quân cùng với những đội quân người Việt của Tổng Bưởi, Đốc Nghi, Đốc Tiến hoạt động. Họ được nhân dân địa phương che chở, cung cấp tiền nong, lương thực. Nhiều đoàn xe địch bị chặn đánh, nhiều trạm liên lạc của địch bị phá. Họ làm chủ nhiều đồn trên đường giao thông và trên những đường vào căn cứ Bảo Đài đều có quân bố trí mai phục và có hầm chông cạm bẫy1.

Bọn xâm lược Pháp và tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải tập trung quân lực tấn công căn cứ Hai Sông đồng thời chúng mở một chiến dịch tấn công vào căn cứ Bảo Đài để hai cánh quân này bị động, không chi viện được cho nhau.

Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1889, quân Pháp mở chiến dịch lớn tấn công vào căn cứ của Lưu Kỳ. Lực lượng của chúng gồm hai binh đoàn:

Binh đoàn thứ nhất do thiếu tá Pretet chỉ huy gồm 350 tên đi từ Lầm đến đèo Quán để càn quét vùng Bắc Lệ cắt đứt đường rút lui của nghĩa quân về phía đông.

Binh đoàn thứ hai do đại úy Pégna chỉ huy gồm 230 tên đi từ Kép tấn công vào vùng Bảo Lộc cũng nhằm chặn đường rút lui của nghĩa quân về phía đông.

Đồng thời chúng cho một đội quân ngụy canh gác ở phía bắc, không cho nghĩa quân tiến sang hữu ngạn sông Thương. Ở phía nam, chúng dùng tàu chiến kiểm soát trên sông vùng Lục Ngạn.

Biết được tin này Lưu Kỳ đã tích cực chuẩn bị đối phó. Chủ trương của ông là hãy rút lui khi địch mạnh, hãy đợi cho chúng hành quân mệt mỏi trong núi rừng hiểm trở lúc đó mới đánh.

Đúng như dự tính của ông, địch đã phải len lỏi trong rừng rậm, dưới trời mưa to gió lớn chỉ tìm thấy những căn cứ bỏ không của nghĩa quân. Vì Đề đốc Lưu Kỳ chủ trương xây dựng căn cứ ở nơi hiểm yếu song đó chỉ là những nơi nghỉ chân sau các đợt hành quân dài ngày chứ không phải những doanh trại quy mô cố định.Nó gần giống như căn cứ của Đốc Ngữ, song khác với các căn cứ cố định kiên cố của Đề Thám, Phan Đình Phùng. Trong thực tế đó chỉ là những điểm tựa về phương diện tác chiến mà thôi. Còn con đường hành quân của ông cũng hoàn toàn bí mật, bất ngờ, chúng đã phải thú nhận: "Đó là một kẻ thù không sao nắm được".

Cũng chính vì chiến thuật của Lưu Kỳ như vậy nên quân Pháp không tìm thấy quân đội của ông. Chúng khủng bố nhân dân hòng buộc những người dân yếu đuối không tấc sắt trong tay khai ra nơi đóng quân của ông, khai ra những người tiếp tế lương thực, che giấu quân của ông. Nhưng dân chúng một lòng bảo vệ ông nên quân Pháp không thu được kết quả. Chúng đang thất vọng thì nhận được tin Lưu Kỳ vẫn còn ở căn cứ Bảo Đài. Ngày 27 tháng 8 năm 1889, quân Pháp tiến công Bảo Đài, Lưu Kỳ vận động nhân dân làm vườn không, nhà trống, còn ông thì rút quân khỏi Bảo Đài, nhưng cho người bám sát từng bước hành quân của chúng. Quân giặc tiến vào gần căn cứ không bắt được phu phục dịch, không tìm được người dẫn đường nên đi lạc trong rừng chịu đựng đói khát mệt mỏi. Lúc đó Lưu Kỳ mới chọn một địa hình hiểm trở là một con đường nhỏ, một bên là vách núi dựng đứng có cây cối um tùm, một bên là vực thẳm mà quân Pháp bắt buộc phải đi qua chỉ cách căn cứ Bảo Đài có 500 mét làm trận địa phục kích. Bọn giặc không ngờ đang dò dẫm trên đường thì bị tấn công, súng của nghĩa quân nổ dữ dội. Ngay từ loạt đạn đầu, tên trung úy Monterce đã bị thương ở tay, nhiều tên bị giết chết, số còn lại tháo chạy. Quân giặc sau phút kinh hoàng phản công lại một cách yếu ớt, song chúng càng đánh càng tổn thất nên buộc phải rút lui. Bọn chỉ huy sợ bị phục kích lần nữa nên không dám rút theo đường cũ mà đi đường xuyên qua rừng, nhưng rừng núi là địa bàn hoạt động của nghĩa quân nên chúng đi tới đâu cũng bị đánh. Trận phục kích thứ hai ác liệt không kém gì trận trước, quân Pháp lại bị giết, bị thương một số nữa.
________________________________________
1. Đặng Huy Vận, Hoàng Đình Bình: Tài liệu đã dẫn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:22:46 pm »


Ngày 31 tháng 8 năm 1889, toán quân Pháp hành quân ở Đèo Quán cũng bị phục kích trên một đoạn đường hiểm trở, vách núi dựng đứng, khi chúng vượt qua ngọn đèo cao 500 mét thì bị nghĩa quân nổ súng làm cho hàng ngũ rối loạn. Khi quân Pháp hoàn hồn tổ chức phản công thì nghĩa quân đã bí mật rút đi để rồi lại tổ chức một trận phục kích mới đón đầu chúng.

Quân Pháp liên tục bị phục kích, muốn tìm quân Lưu Kỳ đánh, nhưng không đánh được, nên hai binh đoàn do thiếu tá Pretet chỉ huy và binh đoàn do Pégna chỉ huy không gặp được nhau như kế hoạch tác chiến vạch ra.

Hai đạo quân Pháp vẫn tiếp tục càn quét đến giữa tháng 9 với hy vọng tiêu diệt được quân của Lưu Kỳ, vì chúng đã gặp phải một đối thủ có tài đánh du kích thiên biến, vạn hóa, lai vô ảnh, khứ vô hình. Khi địch mạnh, hung hăng thì ông khôn khéo rút lui để bảo toàn lực lượng cũng để cho địch khinh thường không phòng bị hoặc đã mệt nhoài, đói khát vì phải hành quân lâu trong rừng rậm, đến lúc đó ông mới tung quân ra đánh, khiến giặc trở tay không kịp.

Một trận đánh nữa diễn ra giữa nghĩa quân Lưu Kỳ với quân Pháp ở chùa Thượng Lẫm, kết quả là hai tên trung úy Pháp bị giết chết, hai tên trung úy khác bị trọng thương, còn lính Pháp và lính An Nam bị chết và bị thương rất nhiều.

Sau trận thắng bẻ gãy hoàn toàn hai đạo quân lớn mạnh của quân Pháp tấn công vào căn cứ Bảo Đài, nghĩa quân rút khỏi Bảo Đài về xây dựng căn cứ mới ở Lục Nam.

Ngày 28 tháng 3 năm 1890, quân Pháp đánh Lục Nam, Lưu Kỳ phải chạy tới Bảo Đài, ông đóng quân ở làng Vòi.

Trong tháng 10 năm 1890, trong khi Hai Kế và các tướng đánh địch quyết liệt ở Ân Thi, Khoái Châu, Bình Giang, nam Bắc Ninh thì Lưu Kỳ cũng có những hoạt động quân sự mạnh mẽ ở Lục Nam, Đông Triều, Uông Bí và vùng phụ cận, tiêu biểu như:

Ngày 11 tháng 10 năm 1890, nghĩa quân Lưu Kỳ tiến đánh thị xã Lục Nam. Nghĩa quân chia làm hai cánh, một cánh kiểm soát các làng vùng ven, một cánh đánh vào toà Công sứ.

Ngày 13 tháng 10 năm 1890, nghĩa quân chặn đánh quân của Duffoure.

Để đối phó với nghĩa quân Lưu Kỳ từng gây bao nỗi kinh hoàng cho quân Pháp, bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ phải thiết lập hàng loạt đồn bốt ở Chi Ngãi, Lục Nam, Lầm, Biển Động, Vi Loại, Uông Bí, Đông Triều, đưa sáu pháo thuyền ngày đêm tuần tra trên sông Lục Nam để cắt đứt đường tiếp tế của nghĩa quân và mở nhiều cuộc hành quân càn quét. Lưu Kỳ chuyển địa bàn hoạt động về Đông Triều.

Cuối năm 18911 quân Pháp lại tập trung lực lượng tổ chức một chiến dịch lớn tấn công vào căn cứ của Lưu Kỳ.
______________________________________
1. Từ tháng 10-1890, khi Nguyễn Thiện Thuật đi Trung Quốc thì Nguyễn Thiện Kế chỉ huy các đơn vị nghĩa quân ở Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Phúc Yên, Hà Đông, còn lực lượng nghĩa quân do Lưu Kỳ chỉ huy ở Lục Ngạn, Phủ Lạng Thương, Quảng Yên, Lạng Sơn do Lưu Kỳ trực tiếp vạch kế hoạch tác chiến và chỉ huy. Nguyễn Thiện Kế chỉ có sự phối hợp với Lưu Kỳ trong một số trận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:23:22 pm »


Các binh đoàn này do Raffanel, binh đoàn Dominé chỉ huy, lại được các công sứ Hải Dương, Quảng Yên, Lục Ngạn đưa quân đến giúp, dẫn đường, tiếp tế quân lương, song vẫn không thu được kết quả nào đáng kể.

Do được tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải mách nước cho bọn xâm lược Pháp rằng Lưu Kỳ là viên dũng tướng mưu lược, lại có quan hệ mật thiết với dân, được nhân dân các dân tộc thiểu số vùng đông bắc hết lòng giúp đỡ, che chở nên phải vừa càn quét, bao vây tiêu diệt sinh lực, vừa phải triệt đường tiếp tế, tách nghĩa quân ra khỏi dân.

Quân Pháp đề ra kế hoạch tác chiến là tìm mọi cách chiếm được vùng núi rừng Yên Tử, xây dựng một hệ thống đồn bốt nhằm thực hiện âm mưu nói trên.

Một loạt đồn bốt của quân Pháp được dựng lên ở Phả Lại, Chí Ngãi, Lục Ngạn, Lầm, Biển Động, An Châu, Na Peo, Keo Cô, Quán La, Đông Triều, Vĩ Loại... Quân Pháp còn thành lập các đội quân nhỏ khoảng 150 đến 200 tay súng liên tục tuần tra, thám báo, phục kích, khủng bố nhân dân ở vùng Lầm, Kép Ba, Vĩ Loại, Quán La, Đông Triều, bản Phung. Chúng còn cho tàu chiến trang bị đại bác hạng nhẹ ngày đêm tuần tiễu trên sông Lục Nam.

Sau khi đóng các đồn binh chung quanh căn cứ, thành lập các đội quân lưu động, quân Pháp điều động một lực lượng lớn với 600 quân giao cho trung tá Terrillon và thiếu tá Perraux chỉ huy. Lực lượng quân sự trên được bố trí như sau:

- Đạo quân thứ nhất do thiếu tá Tane chỉ huy.
- Đạo quân thứ hai do thiếu tá Duffbure chỉ huy.
- Đạo quân thứ ba do thiếu tá Morel chỉ huy.
- Đạo quân thứ tư do đại úy Lemoine chỉ huy.

Ngày 5 tháng 12 năm 1891, cả bốn đạo quân trên tập trung ở Công Lược. Chúng chia quân đi các ngả tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Quân Pháp tàn sát người và gia súc, cướp thóc lúa, trâu bò, lợn gà, đốt phá nhà cửa của nhân dân, không từ một thủ đoạn tàn bạo nào, riêng tại Công Lược, giặc Pháp đốt 54 nóc nhà.

Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 12, quân Pháp càn quét vùng núi nằm giữa Lục Nam và sông Kỳ Cùng. Lưu Kỳ đã khôn khéo tránh được các mũi tấn công của quân Pháp và rút về đóng trên núi Cơ Bằng, xây dựng trận địa phòng thủ. Quân Pháp dò biết lập tức kéo tới tấn công. Terrillon trực tiếp chỉ huy trận này. Hắn chia quân làm hai cánh Mê Sơn và Gia Mô tiến vào Kim Sen ngày 15 tháng 12 rồi đại bộ phận kéo vào Lam Xá, còn bộ phận nhỏ men dọc theo sườn núi Đông Sơn vượt qua núi, bí mật tấn công vào căn cứ.

Lưu Kỳ bố trí sẵn quân trên bốn cao điểm bình tĩnh đợi giặc đến thật gần mới nổ súng. Quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, hai tên trung úy cùng nhiều binh lính bị giết chết, nhiều tên bị thương. Trận đánh giằng co kéo dài đến 19 giờ, quân Pháp phải rút về Lam Xá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:24:45 pm »


Trong thời gian diễn ra trận đánh ở núi Cơ Bằng thì ngày 4 tháng 12 năm 1891 ở phía tây nam thiếu tá Tuornier nghe tin nghĩa quân Lưu Kỳ xuất hiện ở Uông Bí, lập tức đem một đạo quân nhỏ có 183 lính do 4 tên sĩ quan chỉ huy xuất phát từ Quán La tiến đánh. Quân Pháp phải nghỉ lại ở làng Đông Tham rồi hành quân tiến vào căn cứ. Đến 1 giờ chiều Tuornier dẫn quân vượt dãy núi cao làng Đông Tham, cho quân đốt làng này để uy hiếp nhân dân.

Nghĩa quân mai phục sẵn ở sườn núi đợi quân giặc đến sát gần mới nổ súng. Toán phu khuân vác đi đầu bỏ chạy tán loạn, 35 tên giặc ngã gục ngay từ loạt đạn đầu, trong số đó có tên trung uý Bethouard bị trọng thương. Ngay đêm đó, quân Pháp phải tháo chạy, chịu đựng đói khát tới 10 giờ đêm mới về tới nơi xuất phát.

Sau khi thất trận ở núi Cơ Bằng, trung tá Terrillon vẫn hành quân truy tìm đội quân do Lưu Kỳ chỉ huy trực tiếp. Ngày 25 tháng 12 năm 1891, Terrillon nhận được tin Lưu Kỳ trở về núi Quynh, hắn liền phái thiếu tá Guyonne phối hợp càn quét. Trong hai ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1891, Terrillon tập trung quân đánh vào căn cứ Hố Thuội và Kem An. Ở Hố Thuội, Lưu Kỳ đánh trả mãnh liệt gây cho chúng nhiều thiệt hại rồi rút lui.

Sang năm 1892, vẫn diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Ngày 12 tháng 1 năm 1892, quân Pháp bao vây căn cứ Chồi Xuân. Đội quân Morel từ Đông Triều đánh lên, đội quân của Galle từ Lục Nam đánh xuống.

Lưu Kỳ xét thấy lực lượng quân Pháp tuy mạnh nhưng phải hành quân nhiều ngày trên đường núi vất vả nên rất mệt mỏi liền bố trí trận địa phục kích. Đội quân Morel bị tổn thất nặng, tên đại úy Lemoine và tên trung úy Esierhazi đi đầu bị trúng đạn tử trận. Đội quân Galle khốn đốn mới chạy được đến nơi ứng cứu đem quân đi đánh trả thù, nhưng nghĩa quân đã rút lui an toàn.

Cuối tháng Giêng năm 1892, nghe tin báo nghĩa quân xuất hiện ở Hố Thuội, tên thiếu tá Guyonnet lập tức đem quân đi bao vây, song nghĩa quân đã rút lui, nhưng đến trận sau diễn ra tại Na Mâu thì tên trung úy Letardif đã bị tử trận.

Quân Pháp nhận được tin Lưu Kỳ chuyển quân về đóng trong thung lũng Cao Lão, núi Mẫu Sơn, binh đoàn Serviere liền tập trung 250 quân càn quét. Nghĩa quân rút về Ba Sơn. Ngày 22 tháng 4, quân Pháp tiến đánh Ba Sơn. Để tránh bị tổn thất như những trận trước, Serviere phái hai đội tiền vệ đi trước sục sạo, thám thính. Đội thứ nhất do thiếu tá Chabrol chỉ huy tiến về Cô Tam rồi theo đường Nachi đến gần vùng Bản Ngõa. Ở đây chúng có trách nhiệm thu nhập tin tức về nghĩa quân Lưu Kỳ. Đội tiền vệ thứ hai do trung úy Bertrand chỉ huy có nhiệm vụ thám sát vùng núi phía tây.

Đội tiên vệ do Chabrol chỉ huy bị nghĩa quân chặn đánh hồi 7 giờ sáng ở ngã ba đường Côn Lam - Bản Ngõa - Khô Khi. Nghĩa quân mai phục trên một mỏm núi rất có lợi thế, trận đánh kéo dài 9 giờ liền. Ngay từ loạt đạn đầu, một phần tư toán quân tiền vệ này bị tiêu diệt, loại ra ngoài vòng chiến đấu. Quân giặc hoảng sợ, phải ra lệnh rút quân.

Lưu Kỳ thoát khỏi vòng vây lại tiếp tục hoạt động. Ngày 22 tháng 2 năm 1892, ông đã phục kích thắng lợi đoàn xe địch tại cầu Bắc Lệ. Con đường Lạng Sơn thường xuyên có 500 lính gác, song địch vẫn không được yên ổn. Lần này đoàn xe 45 chiếc, trong đó có 5 xe chở vũ khí, các xe khác chở quân trang quân dụng và binh lính bị thương, có 70 con ngựa và một đội quân có 46 tên dưới quyền chỉ huy của đại úy Lamey và trung úy Renard rời Than Muội sáng sớm ngày 22. Khi chúng qua chiếc cầu thì nghĩa quân nổ súng tiêu diệt được một số tên, nhưng trước hỏa lực mạnh của địch, họ đã rút về Bảo Đài1.
______________________________________
1. Đặng Huy Vận, Hoàng Đình Bình: tài liệu đã dẫn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:25:59 pm »


Ngày 3 tháng 4 năm 1892, nghĩa quân Lưu Kỳ được công nhân (bị ngươi Pháp cưỡng bức) làm đường sắt Lạng Sơn phối hợp đã tập kích đội quân của tên đội Pháp trên tuyến đường từ Suối Ghềnh đi Bắc Lệ. Trong trận này, phía nghĩa quân hy sinh 2 người, trong đó có viên cai đường sắt.

Ngày 1 tháng 7 năm 1892 nghĩa quân Lưu Kỳ lại phối hợp với công nhân đường sắt Lạng Sơn bố trí các trận phục kích bắt cóc tên thầu khoán công trường Vezin ngay trên công trường đổi lấy 60.000 đồng tiền chuộc để mua vũ khí1.

Ngày 9 tháng 7 năm 1892, nghĩa quân Lưu Kỳ lại đánh một trận lớn ở Bắc Lệ do Lưu Kỳ trực tiếp chỉ huy, có 18 xe chở vũ khí và một đạo quân hộ vệ do bốn viên sĩ quan chỉ huy: thiếu tá Bonnard, đại úy Charpentier, trung úy Valton và bác sĩ quân y Menier. Ngay loạt đạn đầu tiên, thiếu tá và tên đại úy đã tử trận. Trời còn sớm, sương mù bao phủ núi đồi và địch không ngờ Lưu Kỳ lại dám phục kích ở ngay một địa điểm cũ và ngay sau khi chúng xuất phát lên đường. Trận đánh diễn ra ác liệt, địch gần như hoàn toàn bị tiêu diệt, 2 sĩ quan, 30 lính bị giết. Nhưng không may Lưu Kỳ cũng trúng đạn hy sinh trong khi chỉ huy trận đánh.

Lưu Kỳ hy sinh nhưng vợ ông, em trai ông và các tướng lĩnh vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Thời kỳ này quân Pháp đã tiêu diệt được các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, vùng Lục Ngạn, Đông Triều... căn cứ cũ của Lưu Kỳ đã bị quân Pháp chiếm đóng đặt các đồn binh, khủng bố nhân dân. Vợ Lưu Kỳ và các tướng phải chuyển địa bàn hoạt động lên trục đường số 4 đoạn Lạng Sơn - Đông Khê - Thất Khê. Từ căn cứ mới này, nghĩa quân liên tục tổ chức các trận tấn công quân Pháp.

Đầu năm 1894, quân Pháp tập trung 3 đạo quân lớn tấn công vào căn cứ, bị thiệt hại nặng. Nghĩa quân cũng bị tổn thất, thủ lĩnh Hoàng Tài Ngạn và một số chỉ huy xuất sắc hy sinh, nghĩa quân phân tán nhỏ rồi tan rã.
_____________________________________
1. Theo Quenec: Les provinces du Tonkin Bắc Giang, tạp chí Reveue Indochinoise, số 8 ngày 30-4-1904.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM