Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:59:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy  (Đọc 31607 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:40 pm »


Câu hỏi 8: Với vai trò lãnh tụ giai đoạn thứ ba của cuộc khởi nghĩa, cho biết đôi nét về Nguyễn Thiện Kế?
Trả lời:


Nguyễn Thiện Kế là em thứ hai Nguyễn Thiện Thuật, quê làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Xuân Dục, xã Lê Hồng Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Nguyễn Thiện Kế sinh ngày 28 tháng 6 năm Kỷ Dậu (1849) tự là Trung Khả, hiệu là Đường Dân tiên sinh.

Nguyễn Thiện Kế theo anh làm việc quân từ năm Bính Tý (1877) khi Nguyễn Thiện Thuật đỗ cử nhân được bổ làm Tri phủ Từ Sơn. Ngay từ khi đến Từ Sơn, ông được biết có một tên cường hào ỷ thế quen biết nhiều quan to, ức hiếp dân, vơ vét của dân thường thượng vàng hạ cám. Dân oan ức không biết kêu vào đâu vì quan trên che chở cho hắn. Trong nhà hắn có đủ kho tàng lụa vải, thóc gạo, tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể. Hắn còn là con quỷ dâm dục, hễ thấy nhà nào có gái đẹp dù có chồng hay chưa có chồng là hắn cho đàn em đến cắm chiếc gậy trước cửa nhà. Đêm hôm đó, cha mẹ, chồng con người con gái đó phải đi nơi khác và phải để lại cô gái cho hắn chiếm đoạt. Nhà nào trái lệnh lập tức bị tàn hại, người bị bắt về tra khảo, gia tài bị tịch biên.

Ông Thuật một mặt bẩm lên quan trên, một mặt cho Nguyễn Thiện Kế họp dân thu thập tội ác của tên cường hào, bảo dân kiện tên cường hào rồi ký tên vào. Sau đó ông cho Nguyễn Thiện Kế đem quân vây nhà tên cường hào, bắt được rồi giết ngay. Các kho tàng được giữ lại làm chứng cứ để khép tội ngấm ngầm mưu phản. Những tên cường hào, trộm cướp bắt được cũng giết luôn. Từ đó dân cư mới được yên ổn làm ăn. Khi Nguyễn Thiện Thuật được thăng Hưng Hóa Sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thú Sơn Tây, Nguyễn Thiện Kế cùng Nguyễn Thiện Hiển giúp anh tiễu trừ giặc Khách từ Bắc Giang đến Sơn La. Khi Nguyễn Thiện Thuật được phong chức Khanh sứ coi việc 16 châu thuộc hai tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, ông lại giúp anh chiêu tập dân nghèo li tán, kể cả những thổ phỉ giặc cướp đã đầu hàng, giúp đỡ cấp tiền, gạo để họ khai hoang lập làng bản, an cư lạc nghiệp, nhờ đó kinh tế phát triển, dân được sống bình an, không còn trộm cướp.

Khi thành Hải Dương thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật được vua Tự Đức phong chức Tổng đốc Hải Yên ông lại theo anh về dẹp giặc Khách, đánh quân Pháp. Cuối tháng 8 năm 1883, quân Pháp tấn công cửa Thuận An. Triều đình phải ký Hiệp ước Harmand nghị hòa với Pháp, đòi quan lại đang kháng chiến ở Bắc Kỳ "phải lập tức triệt binh dũng lui để tỏ điều tin đối với đại Pháp"1, Nguyễn Thiện Thuật chống lệnh, bỏ chức Tổng đốc Hải Yên về Đông Triều chiêu mộ quân đánh Pháp. Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương lại sát cánh cùng anh đánh Pháp. Chiều ngày 12 tháng 11 năm 1883, Nguyễn Thiện Thuật cùng Nguyễn Thiện Kế về đánh thành Hải Dương. Quân ta đã áp sát chân thành thì cánh quân bên ngoài do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy chạm trán với quân Pháp đi tuần nên buộc phải bắn nhau. Trận chiếm thành Hải Dương không thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế phải rút quân. Từ đó ông theo sát bên anh đánh quân Pháp ở Hải Dương, Hà Nội, Phả Lại, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn.

Ông không những chỉ giỏi việc quân mà còn là người hiếu thuận, dũng cảm, tài năng xuất chúng, võ nghệ siêu cường, độ lượng, rộng rãi, giao nạp rất rộng.
____________________________________
1. Đại Nam thực lục, tập 35 - Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:39 pm »


Khi thành Lạng Sơn thất thủ (3-1885) Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Long Châu (Trung Quốc) để mưu tính cuộc vận động cách mạng mới thì Nguyễn Thiện Kế cùng Đề Vinh ở lại trong nước phối hợp với nghĩa quân ở Ninh Giang (Hải Dương), Ba Báo ở vùng sông Kinh Thầy, Đốc Tít ở vùng Hai Sông, Lưu Kỳ ở Lục Nam, Lục Ngạn, Nguyễn Cao ở Bắc Ninh... tấn công các đồn binh, các toán quân tuần tiễu Pháp và chuẩn bị lực lượng, vũ khí, lương thực chờ Nguyễn Thiện Thuật ở Trung Quốc về là phát động cuộc kháng chiến chống Pháp mới.

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật ở Long Châu nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, mặt khác Đổng Quế - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đang bị ốm nặng nằm tại Dương Trạch1 liền về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Ông cùng với em trai Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang) và các ông cử nhân Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức đã hết lòng cùng Nguyễn Thiện Thuật khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy và đưa lên quy mô rộng lớn hơn, quyết liệt hơn.

Nguyễn Thiện Kế trực tiếp phụ trách phía nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên, tây bắc Hải Dương. Với tài thao lược của mình, ông lập được nhiều chiến công, có uy tín rất lớn với các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân.

Khoảng cuối năm 1885, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi phong ông chức Hồng Lô tự khanh, sung Bắc Kỳ Tán lý quân vụ, ông dâng sớ cáo từ, nhận lấy chữ Đường Dân làm hiệu2.

Khi Tổng Khấu ở xã Ngọc Cục làm phản nghĩa quân, Nguyễn Thiện Kế lệnh cho Đốc Khuy giết chết. Tháng 1 năm 1890, căn cứ Bãi Sậy bị bao vây, Nguyễn Thiện Kế, Đề Ban, Đốc Sung tấn công đồn Kẻ Sặt. Ngày 21 tháng 2 năm 1890 Nguyễn Thiện Kế ở lại cùng Đốc Sung, Lãnh Mỹ tấn công đồn Iakmon (Hải Dương).

Ngày 4 tháng 4 năm 1890, Nguyễn Thiện Kế cho quân trừng trị tên tri huyện Nguyễn Như Bích thường đem quân đánh phá nghĩa quân3.
_____________________________________
1. Từ trước tới nay, các tài liệu của Pháp đều viết Đổng Quế ốm chết vào giữa năm 1885. Các công trình nghiên cứu của ta cũng viết như vậy. Tài liệu Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử viết: “Đến tháng 7-1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương thì ở khắp 2 xứ Trung - Bắc Kỳ, các văn thân, sĩ phu yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương đã nổi lên mạnh mẽ. Riêng ở Hưng Yên, lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy lại ốm chết". Khi về Thọ Bình quê Đinh Gia Quế dọc gia phả thì ông chết vào ngày 22-11-1885 (âm lịch), tức là cuối tháng 12-1885. Như vậy, Nguyễn Thiện Thuật về trong lúc ông Quế ốm nặng.
2. Theo gia phả họ Nguyễn Xuân Dục.
3. Trịnh Như Tấu, Hưng Yên địa chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:10:43 pm »


Tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc giao cho Nguyễn Thiện Kế quyền Tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa, tuy các tướng lĩnh hy sinh, bị bắt nhiều, song quân Pháp cũng phải thừa nhận dưới quyền Nguyễn Thiện Kế còn bảy tướng chủ yếu là: Đề đốc Nguyễn Văn Sung người làng Dịch Trì (Yên Mỹ); Đề đốc Ban, người làng Bối Khê (Ân Thi); Đề đốc Nguyễn Đình Tính, người làng An Vĩ (Khoái Châu); Đề đốc Cọp, người làng An Xá (Kim Động); Lãnh binh Dương Văn Điển, người làng Phù Sa (Khoái Châu); Tuần Vân1, người làng Như Quỳnh (Văn Lâm); Đề đốc Mỹ, người làng Xuân Cầu (Văn Giang).

Bảy người này có trên 600 khẩu súng. Súng của họ phần lớn có Carabine, Wunchester, súng trường Carabine, Mile 1894 kiểu Mỹ, súng Remainton, súng Mauser dùng đạn Mile 1873 và một số súng hỏa mai2.

Từ tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Kế và các tướng vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính, nhưng hoạt động quân sự chủ yếu ở các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Lang Tài (nam Bắc Ninh), Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang (bắc Hải Dương), Ân Thi, Mỹ Hào (Hưng Yên).

Nguyễn Thiện Kế vẫn cho dán các bản Thông cáo, Tuyên cáo kể tội giặc Pháp và tay sai, kêu gọi nhân dân tham gia nghĩa quân và tiếp tục thu thuế của nhân dân. Nghĩa quân cũng nhận được vũ khí của Lưu Kỳ chuyển đến sau thời gian bị gián đoạn. Nghĩa quân vẫn uy hiếp đường 5, đường 39, đường 38 Quán Gỏi - Sặt - Trương Xá; và phục kích các toán quân Pháp đi tuần tiễu, đánh úp các đồn bốt.

Để dễ vận động, Nguyễn Thiện Kế chia quân thành các toán nhỏ từ 20 người đến 25 người hoạt động lưu động từ làng này qua làng khác. Chính các toán quân nhỏ này đã liên tục tập kích vào các đồn địch ở Khoái Châu, Hà Tiên (giáp ranh huyện Ân Thi của Hưng Yên và Thanh Miện của Hải Dương), Phúc Trạch (tổng Mễ Sở, Khoái Châu), gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.

Trong các giấy tờ quân Pháp bắt được của Hai Kế thường có chữ ký, có dấu là "Thượng biên biện nguyên”.

Sang năm 1891, giặc Pháp tập trung quân điên cuồng khủng bố phong trào Bãi Sậy, nhưng chính lúc đó nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo vẫn hoạt động mạnh mẽ. Trước sự hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân đến nỗi Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã phải mật báo với quân Pháp là: "Phải đón trước một cuộc tấn công bất ngờ của nghĩa quân Bãi Sậy ngay tại Hà Nội"3.
______________________________________
1. Tuần Vân,người làng Xuân Quan, Văn Giang, Bắc Ninh.
2. Miribel: La Pronnes de Hưng Yên, xuất bản năm 1901.
3. Đại nam thực lục chính biên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:13:33 pm »


Nghĩa quân đã được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và của các hào lý. Để cắt đứt sợi dây liên lạc này, "chỉ trong vòng 15 ngày của tháng 2 năm 1891 viên thanh tra dân binh đã hành hình 75 hào mục ở khu vực Bãi Sậy"1. Chúng còn tàn phá nhiều làng xóm như Lê Xá, Hành Lạc, khu đền Ghềnh, các đình Ngọ Cầu, An Xuyên thuộc tổng Như Quỳnh (Văn Lâm); tàn sát các gia đình có người tham gia nghĩa quân như Quản Chén, Bang Chu, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Văn Cốc thuộc xã Như Quỳnh2. Quân Pháp cũng đốt phá đình Muồng, nay thuộc xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ngay các quan chức Pháp đương thời cũng phải thừa nhận: "Nhiều làng xã bị đốt cháy bốn bề. Nhiều người nhà quê bị bắt, bị giết và những đồn binh của chúng ta thì bị tấn công. Nhìn chung tình hình không ổn định. Chính thức thì chúng ta nói không bị cướp bóc, xứ này đã bình định được rồi!"3"Giữa vùng đồng bằng trong khu Bãi Sậy, bọn cướp bóc lại tổ chức và đe dọa nghiêm trọng các con đường giao thông chính như Hà Nội - Hải Dương và Nam Định - Hà Nội. Đầu năm 1891 một toán quân này đã dám tấn công Hà Nội phía tả ngạn sông Hồng, tức là giữa đồn binh từ Bắc Ninh về Hà Nội"4.

Địch còn thú nhận: "Sau tết âm lịch, nghĩa quản tập trung lực lượng lớn tại căn cứ Bãi Sậy đến hợp tác với quân Lưu Kỳ. Có rất nhiều toán nghĩa quân đi lại từ Hưng Yên sang Hải Dương, Bắc Ninh. Các đội quân trên, khi đi riêng biệt, khi được những người nông dân che chở, họ trở thành những người nông dân chất phác, khiến bọn lính không sao phân biệt nôi đâu là nghĩa quân, đâu là dân thường. Tên tuổi, hành động của họ các quan chức An Nam đều biết rất rõ nhưng sợ không dám báo cho quân Pháp vì họ sợ bị trả thù"5.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Kế, nghĩa quân Lưu Kỳ, Tiền Đức đã tấn công các tàu thuyền của quân Pháp trên sông Thái Bình và sông Văn Úc. Lãnh Quý cũng trở lại chiến trường cũ là Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành tổ chức lại đội ngũ liên tục đánh quân Pháp. Tại huyện Năng Yên, Thanh Lâm lại xuất hiện các đạo quân khác liên tục sẵn sàng chiến đấu6.

Để đối phó với nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy, tòa sứ Hải Dương thực hiện gợi ý của Paubert tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ đã có ý định tổ chức lực lượng dân binh người bản xứ như người Anh và đã có kết quả ở Ấn Độ, Miến Điện, tòa sứ thành lập đạo quân này gọi là "lính cơ"; lại cho quan phủ, huyện được tuyển lính, được trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh phá nghĩa quân, đàn áp các làng ủng hộ nghĩa quân.

Việc xuất hiện đội lính cơ ở tỉnh là lính của các quan phủ, huyện gây khó khăn cho nghĩa quân. Chúng còn tung nhiều toán thám báo, mật vụ vào vùng nghĩa quân kiểm soát và dụ dỗ, mua chuộc nghĩa quân ra đầu hàng.

Nghĩa quân đã vượt qua những khó khăn đó, tiếp tục tấn công địch, tiêu biểu là trận "đêm 4 tháng 3 năm 1891, nhờ có nội ứng, một toán nhỏ nghĩa quân lọt được vào một đồn địch ở Khoái Châu, giết chết 1 lính, làm bị thương 1 lính, lấy 12 súng, 50 bao đạn”7.

Ngày 17 tháng 3 năm 1891 nghĩa quân chịu một tổn thất là Đề đốc Nguyễn Văn Sung bị Lãnh Vắn và tên Kha làm phản đưa đường cho quân Pháp do tên Moliuer chỉ huy bao vây chùa Đống Long, nơi Đốc Sung đóng quân, ông trúng đạn, bị thương nặng và đã tự tử.

Để trả thù cho Đốc Sung, Nguyễn Thiện Kế lệnh cho các tướng dồn dập tấn công quân Pháp. Tiêu biểu là các trận: "Ngày 24 tháng 3 năm 1891, Hai Kế đã đánh nhau quyết liệt với thanh tra Lamber với sự hỗ trợ của các đồn Mỹ Hào, Đỗ Mỹ, Phong Cốc. Cùng ngày, đồn binh Phong Cốc đụng độ với 5 nghĩa quân đi trên một cái thuyền". "Đầu tháng 4 năm 1891 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Hai Kế, Đề Vinh, Đốc Mỹ, Đề Quý kéo đi rất đông tấn công các đồn binh Pháp"8. "Đầu tháng 7 năm 1891, Nguyễn Thiện Kế phái Ba Giang phối hợp với Đề Hiệu, tướng cũ của Tạ Hiện và Đốc Nhưỡng, Đề Gạo mặc quần áo lính khố xanh tiến đánh tỉnh lỵ Thái Bình. Nghĩa quân đóng quân ở đình Thần Khê (huyện Duyên Hà) thì bị Việt gian báo cho quân Pháp chặn đường. Đốc Nhưỡng, Đề Gạo bị thương. Đốc Nhưỡng rút quân lên Sơn Tây thì bị quân Pháp bắt xử tử, Ba Giang trở lại Hưng Yên hoạt động"9.

Quân Pháp tập trung lực lượng quân sự mạnh đàn áp dữ dội hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nhưng phong trào chỉ tạm thời lắng xuống. Hai Kế, Đề Ban, Đề Vinh vẫn duy trì phục hồi phong trào, phát triển lực lượng nghĩa quân ở một số vùng, bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng.
____________________________________
1. Sabronne: Những cuộc bình định tại Bắc Kỳ.
2. Lịch sử Đảng bộ xã Như Quỳnh.
3. Sabronne: Những kỷ niệm ở Trung Quốc và Bắc Kỳ.
4. Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử quán triều Nguyễn.
5, 6. Dilleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc
7. Albert de Pouvourville: Classeur de Pirtes, xuất bản ở Paris, 1928 - Báo cáo chính trị của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương năm 1891.
8, 9. Nghiên cứu lịch sử số 6-1989.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 07:37:35 pm »


Câu hỏi 9: Cuối giai đoạn thứ ba của cuộc khởi nghĩa, do lực lượng và vũ khí không cân sức, nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy đã gặp khó khăn. Trước khi đưa ông về quản thúc ở quê nhà, bọn quan cai trị Pháp và Nam triều dụ dỗ, mua chuộc, ông đã có những hành động gì làm cho quân Pháp kinh hoàng?
Trả lời:


Mặc dù Hai Kế, Đề Ban, Đề Vinh vẫn duy trì, phục hồi phong trào, phát triển lực lượng nghĩa quân ở một số vùng để bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng. Song có những đợt chúng huy động lực lượng lớn như: "Ngày 10 tháng 10 năm 1891, nghe tin nghĩa quân do Hai Kế chỉ huy hoạt động ở Mao Điền (huyện Cẩm Giàng), lập tức Lambert, Fourré và Filippi vội mang 80 lính đến đánh. Nhưng lực lượng nghĩa quân ở đây khá mạnh, quân Pháp phải lấy thêm lính ở đồn Trâu Quỳ (thuộc tổng Tràng Kỹ, huyện Cẩm Giàng) đến tiếp viện, lúc đó nghĩa quân mới chịu rút lui".

Đầu năm 1892, nhiều tướng như Đốc Cọp, Đề Tính, Đốc Sung, Lãnh Điển hy sinh, Lưu Kỳ bị đánh bật ra khỏi Đông Triều, Lục Ngạn, Nguyễn Thiện Kế và các tướng phải luôn luôn di chuyển từ làng này qua làng khác, từ tỉnh Hưng Yên đến Bắc Ninh, sang Hải Dương rất vất vả. Lực lượng và vũ khí ngày càng hao hụt, có những trận nghĩa quân phải rút lui.

Tuy bị địch truy bức liên tục nhưng chỉ trong tuần lễ đầu tháng 4 năm 1892, nghĩa quân Hai Kế, Đề Vinh đã hạ liền 5 đồn lính khố xanh và uy hiếp nhiều đồn binh khác.

Hoàng Cao Khải và thanh tra Blanchard được tin báo vô cùng hốt hoảng, vội vàng điều 600 dân binh, 800 lính lệ đi chặn đánh nghĩa quân.

Ngày 10 tháng 4 năm 1892, Hai Kế cùng Đề Vinh chỉ huy hơn 200 quân đóng ở đình Mậu Duyệt, huyện Văn Lâm. Được bọn gián điệp mật báo, công sứ Hưng Yên Muselier cùng các tên Lambert, Mitiler, Simon đưa 409 lính đến bao vây, nhưng nghĩa quân đã chia làm hai hướng rút lui, Hai Kế rút theo hướng khác, Đề Vinh rút về làng Ngô Phần. Hai bên kịch chiến suốt ngày 11 tháng 4 năm 1892, quân Pháp bao vây Ngô Phần, hai bên xung chiến, viên đội Desmot tử trận, cai Lambert bị trọng thương. Quân Pháp được tiếp viện tiếp tục tấn công. Song lợi dụng mưa to, gió lớn, đêm đó nghĩa quân đã rút sang Bích Khê (Lang Tài). Ngày 12 tháng 4 năm 1892, quân Pháp đưa đại bác từ Bắc Ninh đến bắn phá. Đề Vinh chỉ huy một đội quân cảm tử xông ra, ông cùng trên 30 chiến sĩ tử trận. Nguyễn Thiện Kế gặp nhiều khó khăn, buộc lòng phải giải tán nghĩa quân1.

Sau trận này quân Pháp tung toàn bộ lực lượng truy quét nghĩa quân. Nguyễn Thiện Kế phải cải trang trốn tránh. Theo tài liệu của quân Pháp: "Năm 1895, Hai Kế cùng Ba Giang chỉ huy một lực lượng khoảng 80 tay súng trở lại đánh Pháp ở huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh".

Từ đó Nguyễn Thiện Kế cải trang làm người bán thuốc bôn tẩu khắp nơi, thường qua lại Trung Quốc thăm anh, đưa đường cho nhiều người trong nước xuất dương Đông du.
_______________________________________
1. Theo Miribel và Trịnh Như Tấu - Theo Dilleman viết trong cuốn Nhiệm vụ bình định... và cuốn Tán Thuật - Bãi Sậy của Vân Hà thì “Trong vòng tháng 8-1897, Tán Thuật, Hai Kế vẫn còn ở Mỹ Hào". Theo chúng tôi thì chỉ có khả năng có Hai Kế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 07:38:26 pm »


Ngày 14 tháng 3 năm 1913 và ngày 26 tháng 4 năm 1913 xảy ra hai vụ ném lựu đạn giết chết tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn và làm bị thương một số sĩ quan Pháp khác ở Hà Nội. Hội đồng đề hình Pháp họp ngày 5 tháng 9 năm 1913 nghi ông tham gia vào vụ này và đã kết án chung thân vắng mặt. Năm 1914, khi ông đã ở tuổi 65, nhà cầm quyền Pháp bắt được ông ở chợ Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông tự tử nhưng có người cứu nên không chết, Pháp đầy ông đi Côn Đảo. Khi ông ngoài 80 tuổi, chúng mới đưa ông về an trí ở quê nhà1. Theo Huỳnh Thúc Kháng trong "Thi tù tùng thoại" thì năm 1921 ông được tha, vài năm sau Hai Kế cũng được tha2.

Trước khi đưa ông về quản thúc ở quê nhà, bọn quan cai trị Pháp và Nam triều dụ dỗ ông ra làm quan với chúng. Họ nói: "Ông không thức thời, ruột còn tối tăm". Căm giận và khinh ghét thái độ của chúng, ông tự tay cấu rốn rút ruột cho chúng xem, miệng quát lớn: "Chúng bay xem, ruột ta trắng như ngó cần đây!". Bọn chúng kinh hoàng bỏ chạy. Sau ông được cứu thoát, con cháu kể lại rốn ông có cái sẹo to bằng cái bát ăn cơm.

Khi ở Côn Đảo về, nhà cửa bị tàn phá, tài sản bị cướp hết, ông lại bị quản thúc, cứ 7 ngày phải lên đồn Bần Yên Nhân trình diện một lần, ông phải sống trong cảnh bần hàn, nhưng ông vẫn thường nói với con cháu: “Nếu ta còn sức khỏe ta sẽ tiếp tục đánh Tây đến cùng!“3

Khi ông bị quản thúc ở quê, Phạm Văn Thụ, người làng Bạch Sam, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1891), đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 4 (1892) được bổ làm Liêm phong sứ ở phủ Thống sứ Pháp, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Binh triều Khải Định thường qua lại biếu quà, ông không nhận. Có lần ông sai con cháu đun nước lá dâu để mời, ông nói: “Quan lớn thiếu gì trà ngon, tôi mời quan lớn uống nước lá dâu cho sáng mắt!”, còn ông Cửu Vòi cắp tráp theo hầu thì cụ lại pha trà mời uống.

Ông là một nhà hung biện thuyết phục được nhiều quan lại theo hoặc ủng hộ nghĩa quân và còn là một nhà thơ sáng tác nhiều thơ văn, trong đó có bài thơ dài “Chinh phụ ngâm” ca ngợi Nguyễn Thị Tú là vợ Lãnh Giang, chồng chết trẻ vẫn ở lại nuôi mẹ chồng ốm yếu, gia tài khánh kiệt, giặc luôn khủng bố mà không tái giá. Nay con cháu còn nhớ được một phần bài thơ.

Khi sắp mất, ông viết vào gia phả như sau: “Anh em ta mồ côi từ thuở nhỏ, nhờ mẹ dạy bảo… Khi trưởng thành nhà cửa ở chung. Trong nhà anh em có lầm lỗi điều gì cũng đều bảo nhau, khoan thứ bỏ qua. Trong lòng chỉ biết có trung, tín, hiếu, nghĩa, từ ái, hữu cung. Gặp lúc phú quý thì xử cách phú quý, gặp lúc bần hàn thì xử cách bần hàn, gặp lúc hoạn nạn thì xử cách hoạn nạn... Vậy con cháu sau này nên bắt chước tấm lòng của anh em ta mà liệu cư xử với nhau. Phải vui với cảnh ngộ, thề chớ tha tâm. Đối với gia đình phải lấy chữ nhân, chớ có tranh giành, đối với thân mình phải lấy chữ kính, chớ có gian tà. Đối với họ hàng phải tương kính, tương ái. Đối với hàng xóm phải hết lòng hòa nhượng: Ấy là lòng mong muốn của chúng ta vậy!"4.

Nguyễn Thiện Kế mất ngày 22 tháng 9 năm Đinh Sửu (25-10-1937) hưởng thọ 88 tuổi tại làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, an táng tại làng Xuân Dục.
________________________________________
1. Đông Dương tạp chí, số 18 ngày 11-8-1913.
2. Phan Bội Châu: Thi tù tùng thoại.
3, 4. Theo gia phả họ Nguyễn Xuân Dục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:09:12 pm »


Câu hỏi 10: Một trong những tướng lĩnh xuất sắc được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách phía nam Bắc Ninh, phía bắc Hưng Yên và phía bắc Hải Dương là Ngô Quang Huy, ông được nghĩa quân và nhân dân coi là nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Cho biết đôi nét về Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Ngô Quang Huy biệt hiệu Quang Hiên, sinh năm 1835, ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ngô Quang Huy là người thông minh, nổi tiếng hay chữ một vùng. Năm 17 tuổi ông đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) tại trường thi Hà Nội1. Tài học của ông truyền đến kinh đô Huế nên ông vừa thi đỗ, vua Tư Đức triệu ông vào kinh. Trên đường đi, người hầu của ông bị chết, ông cho đó là điềm gở, dâng sớ về triều xin tạ tội không vào kinh được. Vua Tự Đức ban thưởng ông 6 đồng tiền vàng. Ngô Quang Huy được bổ làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1883, triều đình Huế ký Hòa ước với Pháp và ra lệnh bãi binh. Nguyễn Thiện Thuật đang giữ chức Tổng đốc Hải Yên cùng một số quan lại phe chủ chiến như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Huy Quang, Nguyễn Cao... chống lệnh bãi binh. Nguyễn Thiện Thuật bỏ quan về huyện Đông Triều chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867) tại trường thi Hà Nội đang làm Huấn đạo huyện Mỹ Đức đều bỏ quan chiêu mộ được hơn 100 quân đến Đông Triều gia nhập đội quân khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật.

Ngô Quang Huy là nhà nho từng làm đốc học nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ông đã thành lập một đội tuyên truyền do các nho sinh là đội viên đi khắp vùng Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn hô hào đồng bào gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Nghĩa quân do các ông chỉ huy hoạt động mạnh ở các huyện Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Mỹ Hào và vùng chung quanh tỉnh lỵ Hải Dương. Chiều 12 tháng 11 năm 1883, nghĩa quân do Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế, Đề Vinh chỉ huy xuất phát từ Đông Triều về hạ thành Hải Dương. Đánh nhau đến gần sáng ngày 13 tháng 11, nghĩa quân không hạ được thành, phải rút lui. Ngô Quang Huy trở về An Lạc cùng một số người yêu nước thành lập "Tam tỉnh nghĩa quân"2 còn gọi là "Đại nghĩa đoàn". Nghĩa quân có 5.000 người. Tam tỉnh nghĩa quân có nhiều tướng giỏi như Đội Văn (Vương Văn Vang). Nghĩa quân Tam tỉnh đánh quân Pháp nhiều trận như trận ở làng Ngọc Trì, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Nghĩa quân lập đồn trại ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) uy hiếp khu vực sông Cà Lồ (Phúc Yên), xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền (Yên Dũng, Bắc Giang) và các căn cứ ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng khống chế vùng ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp lưu của các sông Lục Nam - sông Thương - sông Cầu.

Sau vài tháng bị quân Pháp liên tục tấn công, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thiếu súng đạn, bị quân Pháp truy kích, nghĩa quân tan rã, ông trở về An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang chờ thời, bí mật liên kết với các nghĩa sĩ.
________________________________
1. Tính đến Ngô Quang Huy là dòng họ có 12 đời đỗ từ cử nhân đến tiến sĩ ra làm quan, tên được ghi ở bia văn chỉ thôn An Lạc. Cụ bà Ngô Quang Huy tên là Nguyễn Thị Quý, hiệu An Trai, người Thị Trung.
2. Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:11:33 pm »


Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc) nhận được tin vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, ông lập tức về nước. Ông đến căn cứ Tiên Động (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) gặp Nguyễn Quang Bích và được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư, sung Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, tước Thần trung hầu đai diện nhà vua chủ trương phong trào chống Pháp tại Bắc Kỳ để nhận chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh cho người mời cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức tới bàn bạc. Nhận được tin, Ngô Quang Huy lập tức đến gặp Nguyễn Thiện Thuật. Ba ông đã nhất trí phải khôi phục phong trào Bãi Sậy và mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân sang Bắc Ninh, Hải Dương và các tỉnh khác. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Ngô Quang Huy phụ trách miền nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên và bắc Hải Dương.

Sau đó không lâu, năm Bắc Hồng Kỳ niên hiệu Hàm Nghi, Ngô Quang Huy nhận được sắc của vua Hàm Nghi phong cho ông là "Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ". Nghĩa quân và nhân dân coi Ngô Quang Huy là nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nên thường gọi ông là “ông Tán Bắc", "ông Tán Thái Lạc", "ông Tán Ngô".

Tháng 9 năm 1885, tại văn chỉ Bình Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thiện Thuật họp các tướng tế cờ khởi nghĩa và bàn định kế sách đánh Pháp, chia các tướng đi đóng giữ các nơi. Ngô Quang Huy vẫn phụ trách nam Bắc Ninh, bắc Hải Dương, bắc Hưng Yên.

Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, Tuần Vân người xã Xuân Quan, huyện Văn Giang đã dấy binh từ năm 1883 theo Đổng Quế, Đốc Sung, trợ thủ của Tuần Vân, Đội Văn (Vương Văn Vang) vốn là tướng giỏi của Tam tỉnh nghĩa quân năm 1884, cả hai ông đều được Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật phong là Đề đốc.

Với lòng căm thù giặc Pháp cướp nước và bọn vua quan Nam triều bán nước, nhân dân trong vùng, kể cả tổng lý đương chức, các nhà địa chủ cũng gia nhập lực lượng nghĩa quân, nhiều sinh đồ từng là học trò của Ngô Quang Huy vốn chỉ ngâm thơ đọc sách, nay cũng "xếp bút nghiên theo việc đao cung", quân đông tới vài ba nghìn. Các làng đều rào làng, trồng thêm tre vào lũy cho dày, đắp lũy, đào hào, các lò rèn đỏ lửa rèn vũ khí.

Trong quá trình huấn luyện, chiến đấu, nhiều nghĩa quân trở thành tướng lĩnh xuất sắc được phong chức tước để chỉ huy nghĩa quân.

Ngô Quang Huy thành lập một đội quân tuyên truyền do các nho sinh là đội viên trống giong, cờ mở đi dọc đường số 5 từ chợ Đường Cái tới gần Như Quỳnh, Ghênh Sủi, Dâu Keo, từ chợ Đường Cái tới gần Bần Yên Nhân, sang Kênh Cầu, Tráng Vũ, Giai Phạm gọi loa tố cáo tội ác của giặc Phalang (Pháp) và quan lại Nam triều, họp các kỳ hào và dân chúng, tuyên đọc chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi1.

Ngô Quang Huy cho đắp đê, trồng tre dọc sông Nghĩa Trụ kéo dài từ xã Ngọc Kinh, qua Tuấn Dị, Vĩnh Bảo đến các xã Đông Khúc, Vĩnh Khúc, Tráng Vũ, Kênh Cầu dài gần 20 cây số, một con đê khác từ Nghĩa Trai đến cầu Ghênh (Nhạc Miếu) dài 4 cây số làm tuyến phòng thủ2. Ông cho đắp nhiều gò đống, đắp nhiều bờ ruộng cao, khơi sâu kênh mương ở dọc đường 5 để quân sĩ ẩn núp phục kích quân Pháp Nhiều làng đã xây dựng thành làng chiến đấu như Đại Từ (Văn Lâm), Đông Khúc, Khúc Lộng, Xuân Quan (Văn Giang)... quân Pháp đánh nhiều trận không vào được.
_______________________________________
1. Theo gia phả dòng họ Ngô Quang ở Thái Lạc.
2. Con đê trên đến năm 1956 khi làm công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải mở rộng sông Nghĩa Trụ mới phá. Các gò đống dọc đường 5 phá khi cải tạo đồng ruộng cho cơ giới hóa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:20 pm »


Nghĩa quân do Ngô Quang Huy chỉ huy đánh nhiều trận như trận tấn công đồn Bần Yên Nhân, nhiều trận phục kích quân Pháp ở đồn Ghênh, đồn Bần Yên Nhân, đồn Đống Mối (Nghĩa Lộ, Đại Từ, Văn Lâm). Các trận càn của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải vào An Lạc, Đình Dù, Đại Từ, Nghĩa Trai, Đông Khúc, Khúc Lộng... đều bị nghĩa quân đánh bật ra và bảo vệ được căn cứ. Song cũng có những trận nghĩa quân bị thua như trận tấn công vào đồn Bần Yên Nhân lần thứ hai, nghĩa quân chém phải ngựa gỗ, bị lộ, quân Pháp bắn ra dữ dội, nghĩa quân phải rút. Có trận Hoàng Cao Khải đóng ở đình Tam Liên, Ngô Quang Huy cho đốt đình, nhưng trời mưa, đình không cháy. Trận đánh quân Pháp ở đình Như Phương, Ngô Quang Huy sai Quản Huống đánh. Quản Huống cho quân cưa ống tre và trẩy ổi xanh đổ ra đường để chúng chạy trượt chân ngã rồi xông ra chém. Quản Huống còn lấy mâm thau làm lá chắn đạn nhưng đạn từ súng bắn nhanh của địch bắn thủng mâm làm một số nghĩa quân hy sinh.

Ngày 12 tháng 11 năm 1888, khi vừa nhận được lệnh của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy cùng các tướng dẫn hơn 200 quân về cánh đồng Liêu Trung để đánh quân Pháp và bắt sống Hoàng Cao Khải về tế vong hồn Lãnh Giang bị quân Pháp giết ngày 9 tháng 2 năm 1888. Đội quân của Ngô Quang Huy cùng các đội quân khác chỉ thực hiện được mục tiêu giết chết tên giám binh Louis Ney, còn Hoàng Cao Khải thì may mắn chạy thoát, nhưng quân ta cũng giết chết 27 tên lính Pháp, lính Nam, trong đó có cả tên bang tá tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Hào.

Từ đầu năm 1889, khi căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải tấn công liên tục, Ngô Quang Huy cùng các tướng Tuần Vân, Đốc Sung, Lãnh Mỹ, Trương Đình Tuyển, Hiệp Hanh... đã tăng cường các hoạt động quân sự ở nam Bắc Ninh, Phúc Yên và ở bắc Hải Dương để phân tán lực lượng của quân địch.

Hoàng Cao Khải viết thư dụ hàng, ông khảng khái vạch mặt hắn là kẻ phản bội Tổ quốc, tiếp tay cho giặc tàn sát đồng bào, còn ông vẫn giữ vững ý chí kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược tới cùng.

Tháng 3 năm 1889, Hoàng Cao Khải được bọn mật vụ báo tin lực lượng nghĩa quân do ông chỉ huy đang hoạt động ở nam Bắc Ninh liền báo cho quân Pháp tập trung binh lực ở đồng bằng Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải đưa toàn bộ đạo quân bình định do hắn làm tư lệnh đến đánh phá với mưu đồ bắt hoặc diệt được ông và các tướng dưới quyền ông như Đội Văn, Tuần Văn, Lãnh Mỹ, Trương Đình Tuyển, chia làm nhiều cánh quân bao vây, liên tục tấn công.

Trước sức mạnh của các binh chủng bộ binh, công binh, pháo binh có sự yểm trợ của các chiến hạm gắn đại bác, đạo quân bình định và toàn bộ quân lính ở tỉnh Bắc Ninh lại được trang bị mạnh và tàn bạo nên chỉ sau một tuần tác chiến, nghĩa quân bị đánh bật ra khỏi các căn cứ. Để chặn đường nghĩa quân rút về căn cứ Bãi Sậy, quân Pháp lập thêm nhiều đồn bốt mới, tung nhiều toán quân lưu động mạnh chặn các ngả đường từ Hải Dương, Hưng Yên tới Bắc Ninh để cô lập cánh quân của Ngô Quang Huy. Vì thế nhiều cánh quân từ căn cứ Bãi Sậy do chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật phái đi, cánh quân của Nguyễn Thiện Kế, Đề Vinh, Quan Bá Học đang hoạt động ở Cẩm Giàng (Hải Dương), Lang Tài, Gia Bình (Bắc Ninh) tới cứu viện đều bị quân Pháp chặn lại. Riêng cánh quân của Ba Phi, con út Lý Tích ở Ngọc Truyền đánh sang tới gần phủ lỵ Thuận Thành thì bị tri phủ Từ Sơn và viên vệ binh chính Chiapadi chỉ huy 50 lính chặn lại1.

Nguyễn Thiện Thuật liều thân đi cứu, ông vượt qua các toán quân chặn đường, các tháp canh của quân Pháp tới Đình Tổ, trên bờ tả ngạn sông Đuống, huyện Thuận Thành thì bị bọn mật thám báo cho quân Pháp. Giám binh Branchard, Hoàng Cao Khải sai phân đội Phú Thị (Gia Lâm, trước thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội) và phân đội Corre hỗn hợp tiên đánh làng Đình Tổ mà chúng xác định là làng này thông đồng với nghĩa quân2. Hoàng Cao Khải còn đe nếu làng xã nào chứa nghĩa quân, để nghĩa quân xây dựng làng chiến đấu, tiếp tế cho nghĩa quân, thấy nghĩa quân mà không báo, quân Pháp sẽ triệt hạ làng. Mặc cho quân Pháp đe dọa và đốt phá, tàn sát một số làng, đồng bào vùng nam Bắc Ninh vẫn tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh, báo cho nghĩa quân biết nơi địch mai phục. Nhiều làng thấy nghĩa quân đến, người già, đàn bà, trẻ em đã rời khỏi làng, nhường làng cho nghĩa quân xây dựng thành pháo đài chiến đấu, trai tráng đều ở lại cùng nghĩa quân xây dựng công sự và chiến đấu như các làng Tam Á, Hà Mãn, Lệ Chi, Đình Tổ (Thuận Thành), Quan Đình, Quan Độ, Thúy Lâm (huyện Yên Phong).

Ngô Quang Huy cùng các tướng đã chỉ huy nghĩa quân dũng cảm đánh trả quân Pháp, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Ông phái nhiều toán quân đi liên lạc với đội quân cứu viện do Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung chỉ huy, nhưng đều bị quân Pháp bắt và giết.

Các toán quân cứu viện do Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung chỉ huy cũng bị quân Pháp bao vây, chặn đánh như ở Nghĩa Lộ, Đại Từ, Mễ Đậu (Thuận Thành). Các ông đã khôn khéo tránh các mũi tấn công chính diện, tập kích các đồn binh, phục kích các toán quân đi lùng sục, nghi binh, lừa địch rồi quay về đánh phá hậu phương của chúng. Khi chúng quay trở lại thì nghĩa quân đã rút lui an toàn và lại tấn công chúng ở nơi khác, khiến chúng phải phân tán lực lượng, không tập trung đánh nghĩa quân Ngô Quang Huy được.

Mặc dù đã nhiều cố gắng, song các cánh quân do Nguyễn Thiện Thuật và Đốc Sung chỉ huy không sao tiếp cận được để giải vây cho Ngô Quang Huy. Bị quân Pháp liên tục bao vây, truy kích, nhiều chiến sĩ hy sinh, bị thương, bị bắt, lạc đơn vị. Đạn dược, lương thực cũng cạn kiệt, Ngô Quang Huy đành phải giải tán nghĩa quân rồi cùng em là Ngô Quang Chước và mươi nghĩa quân thân tín chạy lên phía Phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Giang ngày nay). Quân Pháp vẫn đuổi sát phía sau, để giữ trọn danh tiết không sa vào tay giặc, ngày 1 tháng 4 năm Kỷ Sửu (khoảng 1-5-1889), Ngô Quang Huy đã tự tử. Ngô Quang Chước cùng mấy nghĩa quân chôn cất, rồi san bằng mặt ruộng cho mất dấu tích. Mươi năm sau, ông Chước quay lại tìm mộ thì không thấy3.
______________________________________
1, 2. Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
3. Theo gia phả họ Ngô Quang do ông Ngô Quang Vi cung cấp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:17:47 pm »


Câu hỏi 11: Đinh Gia Quế khi đang làm Chánh tuần huyện Đông Yên, căm thù giặc Pháp và quan lại triều đình Huế, ông bỏ quan về chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Hữu Đức là người ủng hộ và tham gia ngay từ đầu. Cho biết đôi nét về Tán tương quân vụ Nguyên Hữu Đức và những công lao của ông về vận động, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức lực lượng nghĩa quân trong quá trình khởi nghĩa?
Trả lời:


Nguyễn Hữu Đức còn gọi là Nguyễn Đức, người làng Mễ Xá, tổng Nhân Vũ, huyện Ân Thi. Ông đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học, ngấm ngầm nuôi chí đánh Pháp. Vợ ông là Nguyễn Thị Âu, người thôn Đệu (Xuân Dục), cùng quê với Nguyễn Thiện Thuật. Con trai ông là Nguyễn Hữu Hạnh lấy con gái ông Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thị Trúc.

Ông Hạnh cũng có chí hướng chống Pháp như cha.

Ngày 28 tháng 3 năm 1883, thành Hưng Yên bị quân Pháp hạ một cách dễ dàng vì quan quân ươn hèn không dám đánh chúng. Đinh Gia Quế đang làm Chánh tuần huyện Đông Yên, căm thù giặc Pháp và quan lại triều đình Huế, ông bỏ quan về chuẩn bị khởi nghĩa. Nguyễn Hữu Đức là người ủng hộ và tham gia ngay từ đầu. Con trai ông cũng tham gia cuộc khởi nghĩa của Đinh Gia Quế. Nguyễn Hữu Đức đã vận động con cháu, môn sinh và trai tráng trong vùng gia nhập nghĩa quân.

Đầu tháng 8 năm 1885 Hoàng Cao Khải đưa quân tấn công căn cứ Bãi Sậy, Đổng Quế chỉ huy nghĩa quân đánh bật chúng sang bên kia sông Hồng, sau đó Đinh Gia Quế, Lãnh binh Nguyễn Xuân Mai vượt sông Hồng đuổi Hoàng Cao Khải tới tận làng Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Khi các ông đưa quân về đến bến đò Vạn Phúc thì bị quân Pháp phục kích, nghĩa quân tan rã. Lợi dụng cơ hội đó Hoàng Cao Khải ráo riết đánh phá phong trào Bãi Sậy, Nguyễn Hữu Đức ẩn náu chờ thời.

Cuối tháng 6 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc) nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi đã trở về nước gặp Lễ bộ thượng thư Nguyễn Quang Bích nhận sắc vua Hàm Nghi phong cho là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần. Sau đó Nguyễn Thiện Thuật trở về vùng giáp ranh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh mời ông và cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức đến bàn cách khôi phục cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nguyễn Hữu Đức được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách miền nam Hưng Yên và làm sớ dâng vua Hàm Nghi phong ông là Tán tương quân vụ. Vì thế, nghĩa quân và nhân dân gọi ông là ông "Tán Nam". Từ khi nhận trách nhiệm phụ trách nam Hưng Yên, ông đã cùng con trai là Cả Hạnh, Lãnh binh Nguyễn Đình Tiêm ở Mão Cầu, Lãnh binh Lê Công Trứ ở xã Gạo Bắc và những tướng lĩnh của Đổng Quế trước đây tập hợp các tướng lĩnh cùng nghĩa quân đang trốn tránh ở các nơi hoặc nằm im đợi thời để khôi phục và mở rộng phong trào. Nguyễn Hữu Đức còn cùng các ông Cù Văn Hiên, Trần Văn Biền, Quản Lâu, Quản Nhân cùng chỉ huy nghĩa quân các xã Nhân Vũ, Nhân Lý, ấp Nhân Lý củng cố liên làng chiến đấu mà các ông vẫn giữ vững được khi phong trào Bãi Sậy bị khủng bố dữ dội.

Lực lượng nghĩa quân được phục hồi và còn phát triển mạnh ở các xã phía Nam Ân Thi. Ngoài liên làng chiến đấu Mễ Xá - Nhân Lý - Nhân Vũ còn có căn cứ Thủy Trúc - Trúc Cầu-Tượng Cước nằm giữa vùng Bãi Sậy tiếp giáp với Hoàng Vân, nơi cả làng làm nghề rèn đã trở thành xưởng quân giới sản xuất vũ khí cho nghĩa quân. Tại đây, những người thợ rèn còn chế tạo được súng thần công bắn đạn ghém đạt hiệu quả sát thương địch cao. Phong trào kháng chiến ở nam huyện còn liên kết được với các xã phía bắc do Đề đốc Phạm Văn Ban chỉ huy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM