Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:59:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy  (Đọc 31803 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:03:44 pm »


Ngày 26 tháng 10 năm 1884, Nguyễn Thiện Thuật cùng Lã Xuân Oai (tuần phủ Cao Bằng - Lạng Sơn), Đề đốc Tạ Hiện, Ngự sử Phạm Huy Quang, cùng 18 thân hào tỉnh Hải Dương phối hợp với quân Cờ Đen do các tướng Đường Cảnh Tùng, Hoàng Quế Lan chỉ huy phục kích quân Pháp ở cầu Quan Âm (Bắc Lệ, Lạng Sơn) giết chết 21 tên Pháp, trong đó có các tên trung úy Zannin, Clécou, bắn bị thương 71 tên, bắt 2 quan tư, 1 quan hai, 200 lính, trong đó có 40 lính Pháp. Tàn quân Pháp phải lùi về giữ thành Bắc Lệ.

Trận thắng ở cầu Quan Âm khiến cho khí thế của nghĩa quân ở Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Ninh lên cao, các tầng lớp nhân dân nô nức gia nhập nghĩa quân, tiếp tế cho nghĩa quân. Nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật thắng nhiều trận ở Hải Dương, Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn.

Ngày 28 tháng 3 năm 1885, nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật, Cai Kinh, Tổng Bưởi, Lưu Kỳ phối hợp với quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy chặn đánh quân Pháp. Quân Pháp đại bại, chết 100 tên, tướng Négrier bị thương nặng ở ngực tại Kỳ Lừa, quân Pháp phải rút chạy về Chũ.

Cuối tháng 3 năm 1885, Chính phủ Pháp ký với triều đình Mãn Thanh Hiệp ước "Hòa bình", tướng Lưu Vĩnh Phúc buộc phải rút quân về nước. Quân Pháp huy động tổng lực đánh phá Lạng Sơn, Nguyễn Thiện Thuật và các cánh quân khác thế yếu phải rút vào rừng. Bị quân Pháp truy kích gắt gao, Nguyễn Thiện Thuật giao cho Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương trở về Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Yên tập hợp lực lượng, Đề Vinh ở lại Lạng Sơn giữ mối liên lạc với ông, còn ông tạm lánh sang Long Châu (Trung Quốc)1.

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương, liền về căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần đại diện nhà vua chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông được Nguyễn Quang Bích trao cho chiếu Cần Vương và giao trách nhiệm tổ chức phong trào chống Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Ít ngày sau, theo lời tâu của Nguyễn Quang Bích, vua Hàm Nghi phong ông là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, Gia chấn trung tướng quân. Sau đó Đề Vinh đưa ông về căn cứ của Nguyễn Thiện Kế, ông nhận được tin Đinh Gia Quế lâm bệnh nặng đang nằm dưỡng bệnh ở làng Dương Trạch trong căn cứ Bãi Sậy. Căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp và quân Nam do Hoàng Cao Khải chỉ huy liên tục đánh phá, ông liền mời cử nhân Ngô Quang Huy ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, cử nhân Nguyễn Hữu Đức ở làng Mễ Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bàn bạc, 3 vị thống nhất khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy và phát triển lực lượng mới.

Tháng 9 năm 1885, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật tổ chức lễ tế cờ khởi nghĩa và hội nghị tướng sĩ ở văn chỉ xã Bình Dân, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Tới dự có Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy, Tán tương quân vụ Nguyễn Hữu Đức, Đô thống Tạ Hiện, Đốc binh Nguyễn Ngọc Tiết (Đốc Tít), Đề đốc Lưu Kỳ, Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính, Đề đốc Phạm Văn Ban, Lãnh binh Nguyễn Đình Xuyên, Lãnh binh Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang), Đề đốc Nguyễn Văn Sung, Đề đốc Trương Đình Tuyển, Đốc Khuy, bà Đốc Huệ, Lãnh binh Nguyễn Túc, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên, Đề đốc Vũ Văn Đồng, Hành tả tướng quân Nguyễn Đình Tiêm, Đề đốc Vương Văn Vang (Đội Văn), Đề Tập, Lãnh binh Nguyễn Đình Mai và nhiều tướng lĩnh khác2.

Sau lễ tế cờ, tuyên đọc chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật hội nghị với các tướng lĩnh nghe các tướng phát biểu về lực lượng của nghĩa quân, của địch ở từng vùng, từng địa phương: Ông giao nhiệm vụ cho các tướng củng cố vững chắc căn cứ địa Bãi Sậy, căn cứ cù lao Hai Sông và nhiều căn cứ khác; các tướng đóng ở đâu chiêu mộ quân ở đó, tự túc hoàn toàn lương thực, tự trang bị một phần vũ khí; mở các trận tập kích vào đồn địch, chặn đánh các toán quân tuần tiễu, tăng cường công tác binh vận, tiễu trừ Việt gian.
_______________________________________
1. Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, cách Lạng Sơn 50 kilômét.
2. Vua Hàm Nghi phong cho Ngô Quang Huy là Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ; phong cho Nguyễn Hữu Đức là Tán tương quân vụ, phong cho Tạ Hiện chức Đô thống, phong cho Nguyễn Thiện Kế chức Hồng Lô tự khanh Tán tương quân vụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:08:12 pm »


Câu hỏi 5: Sau khi đã ổn định lực lượng, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy nghĩa quân tiến công địch như thế nào? Cho biết diễn biến một số trận đánh chính và kết quả của nó?
Trả lời:


Sau lễ tế cờ và giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh, Nguyễn Thiện Thuật đã cho quân vượt sông Hồng đánh sang các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cao Xuân Dục đem lính từ Hà Nội tới đánh bị thua phải bỏ chạy về Hà Nội1.

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 9 năm 1885, quân Bãi Sậy tấn công thành Hải Dương. Bọn chỉ huy Pháp ở Hải Dương phải đưa quân ra ngoài thành chặn đường nghĩa quân. Nghĩa quân đụng độ với pháo hạm La Massue ở làng Mao Điền. Quân Pháp phải điều thêm hai pháo hạm tuần tiễu trên sông Thái Bình để bảo vệ thành phố Hải Dương. Tháng 10 năm 1885, thống tướng De Courcy giao cho thiếu tướng Négrier, trung tá Donnier, trung tá Godard, Hoàng Cao Khải mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho các tướng bí mật đồng loạt tấn công vào các đồn bốt địch, chặn đường hành quân của chúng, mặt khác tăng cường phòng thủ căn cứ Bãi Sậy nhiều vòng. Sau đó, các tướng nhử địch vào sâu nơi đặt trận địa mai phục, khi địch biết bị mắc lừa, rút thì cờ đỏ phất lên, nghĩa quân từ các hầm ngầm, địa đạo trong các đám lau sậy um tùm nhất tề nổ súng; quân địch đang rối loạn đội hình thì nghĩa quân xông ra dùng đoản đao, mã tấu đánh giáp lá cà. Négrier phải liều chết mở đường máu, nhờ quân Hoàng Cao Khải dẫn đường chạy thoát; để lại trận địa nhiều xác chết và vũ khí.

Quân Pháp trả thù bằng hành động tàn sát dã man nhân dân các huyện Mỹ Hào, Văn Giang.

Không khuất phục được Nguyễn Thiện Thuật bằng vũ lực, cuối năm 1885, giặc Pháp đến huyện Mỹ Hào dùng một người làm gián điệp để phá cuộc khởi nghĩa từ bên trong, tìm cơ hội ám sát Nguyễn Thiện Thuật. Chúng đến làng Xuân Dục tập trung dân làng hỏi lý trưởng mộ tiền nhân họ Nguyễn ở đâu. Lý trưởng không trả lời, chúng bắn chết ông. Chúng bắt một thiếu niên 16 tuổi kề gươm vào cổ mà hỏi mồ mả họ Nguyễn ở đâu. Thiếu niên lắc đầu không đáp, giặc vung gươm đâm, chém thiếu niên, máy chảy ròng ròng từ đầu đến gót chân. Chàng thiếu niên anh dũng thét lên: "Đồ giặc dữ. Quan Hiệp thống Nguyễn Thiện Thuật hết lòng vì nước, ta tiếc rằng không thể cầm roi ngựa mà đi theo ngài lẽ nào lại giúp bay làm điều bạo ngược".

Quân giặc không khai thác được gì ở chàng thiếu niên dũng cảm, lại bị chàng sỉ nhục, bọn dã man lấy vải quấn quanh người thiếu niên tẩm dầu, châm lửa đốt. Chàng thiếu niên anh dũng bất khuất vẫn chửi mắng giặc cho tới lúc chết2.

Dư luận Pháp sôi nổi bàn cãi về vấn đề Bắc Kỳ và Trung Kỳ "cho đến trước thế kỷ XX vấn đề Bắc Kỳ đã chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nền "Đệ tam cộng hòa Pháp"3. “Việc xâm lược Bắc - Trung Kỳ cũng gây ra sự xáo trộn mạnh mẽ trong đời sống chính trị của nước Pháp”4. Vì vậy, ngày 16 tháng 2 năm 1886, thống tướng De Courcy đã bị Chính phủ Pháp bãi chức tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm tổng trú sứ Trung và Bắc Kỳ, Chính phủ Pháp cử tướng Varnet sang đảm nhiệm hai chức vụ đó.

Tướng Varnet đã phải thay đổi chiến thuật càn quét quy mô lớn của tướng De Courcy bằng chiến lược phân tán quân đội, thiết lập các đồn binh nhỏ ở khắp nơi, dùng chính sách "người Việt đánh người Việt”. Varnet cũng chuyển chế độ cai trị quân sự sang dân sự. Công sứ đầu tiên của Hưng Yên là Thureau, công sứ đầu tiên của Hải Dương là Aumoitte.
_____________________________________
1. Quốc triều chính biên toát yếu, quyển VI, xuất bản ở Huế năm 1923.
2. Nguyễn Thượng Hiền: Giọt lệ bể dâu.
3, 4. Những cuộc tiếp xúc của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ từ năm 1885 đến năm 1886 (Lés conlacrs Française VietNamien et du Tonkin de 1885-1886).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:10:42 pm »


Nguyễn Thiện Thuật còn phái các đội vũ trang tuyên truyền đi dán các bản tuyên cáo ở khắp các thôn xóm, kêu gọi lính An Nam đào ngũ, bắn vào đầu bọn chỉ huy Pháp, bọn quan chức Việt Nam theo Pháp lập công trở về với hàng ngũ kháng chiến.

Qua hai tháng nhận chức, không đánh bại được cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và các cuộc khởi nghĩa khác ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Chính phủ Pháp đã cách chức Varnet. Ngày 8 tháng 4 năm 1886, tổng thống Pháp phải cử Paubert - Bộ trưởng Bộ Giáo dục sang làm tổng trú sứ dân sự Trung Kỳ và Bắc Kỳ do Varnet bàn giao. Varnet phải bàn giao chức tổng chỉ huy quân đội Pháp Trung - Bắc Kỳ cho trung tướng Zamont và bị triệu hồi về Pháp, kết thúc cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi ở Việt Nam.

Ngày 1 tháng 5 năm 1886, Zamont đã ra lệnh bổ sung lính, vũ khí cho các tên Rouchaud, Fouque, Bellemare, Bazné chỉ huy. Bốn đạo quân này có tới 27.539 tên. Hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thuộc đạo quân thứ tư do tên Bazenet chỉ huy có 6.860 tên, trong đó có 5.000 tên là lính tập, 1.860 tên lính phục dịch1. Quân Pháp liên tục đánh phá Lục Ngạn, căn cứ của Đề đốc Lưu Kỳ, không thu được kết quả, nhưng chúng đóng quân ở chung quanh để khống chế hoạt động của nghĩa quân2.

Dưới sự lãnh đạo của Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật và Bộ Tham mưu, nghĩa quân vẫn đánh thắng nhiều trận lẫy lừng như các trận do Đốc Tít, Lưu Kỳ, Hai Kế, Lãnh Giang, Đội Văn, Đốc Cọp, Đốc Sung chỉ huy. Quân Pháp phải thú nhận: "Trong khi đó ngày lại ngày bọn phản nghịch đã thu được thắng lợi. Các quan chức và những viên chức phản nghịch chiến đấu nhằm đích lật đổ vị Hoàng đế do Pháp lập nên (Đồng Khánh) có hại cho Hàm Nghi - một ông vua hợp pháp của họ. Ở Bắc Kỳ, lũ phản nghịch sống trong vùng đầm lầy bãi sậy gồm những tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Từ nơi này họ có thể tổ chức và chuẩn bị cho những vụ thâm nhập vào địa bàn của những tỉnh lân cận"3.

Tháng 1 năm 1887, Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp xin với Đồng Khánh đổi Tổng đốc Hưng Yên Phạm Văn Chuẩn là vị quan rất tâm huyết với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, cho Hoàng Cao Khải thăng từ Tuần phủ Hưng Yên lên Tổng đốc Hưng Yên kiêm Tuần phủ hai tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, kiêm chức Tiễu phủ sứ đặc trách đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy4.

Hoàng Cao Khải trổ tài đánh phá điên cuồng cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nhưng hắn cũng chịu nhiều đắng cay. Có lần Khải cùng tên Blanchat đánh vào Bãi Sậy, bị thua chạy đến cánh đồng Bông (Kim Động) may có người đàn bà tên là Bông đem giấu; để trả ơn, Khải đã lấy người đàn bà đó.

Ngày 9 tháng 2 năm 1888, Lãnh Giang trên đường về Bãi Sậy họp, tới Bần Yên Nhân xảy ra cuộc tao ngộ chiến, Lãnh Giang hy sinh.

Ngay đêm đó, Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho Tuần Vân, Đề Tính tấn công đồn Ghênh và đồn Bần Yên Nhân. Nghĩa quân giết chết 21 tên, nhưng Filippi và Sorle trốn thoát. Nghĩa quân còn tấn công nhiều đồn bốt khác. Các hoạt động của nghĩa quân mạnh mẽ đến nỗi tháng 6 năm 1888, Nuynét được bổ nhiệm làm công sứ Hải Dương (từ tháng 8-1887), hắn là tên tàn ác khét tiếng đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã phải báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương: "Tôi về nhậm chức ở Hải Dương là một tỉnh rối loạn cực độ".
____________________________________
1, 2. Báo L'avenir du Tonkin, tháng 5-1886.
 3. R. Ronnal: ở Bắc Kỳ 1872-1881-1886.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:12:37 pm »


Hoàng Cao Khải mượn danh Đồng Khánh viết thư dụ hàng, thư đại ý: "Khải đại diện cho hai Chính phủ Pháp và Nam triều khuyên ông Thuật nên đem tướng sĩ ra hàng để nhân dân được yên ổn làm ăn và hứa đề nghị với hai chính phủ khôi phục lại chức vụ cũ cho ông". Nguyễn Thiện Thuật viết thư đại ý: "Tôi không thể tuân theo lời khuyên của Khải hứa dành cho và quyết chí theo đuổi mục đích tới cùng”. Ông nhờ Khải gửi mấy chữ về kinh "Bất khẳng thụ chỉ" (Không chịu nhận chỉ) vào tờ thư dụ hàng của triều đình kèm theo thư trả lời của Khải"1.

Không khuất phục được ông, giặc Pháp và Hoàng Cao Khải đã trả thù một cách hèn hạ "Đơn hẹn ra hàng của Tham Tán Thuật không được Thuật thực hiện, mặc dù có sự phúc đáp ưng thuận của ngài tổng trú sứ, người ta xử trí bằng cách hành hình hai người cháu của Tán Thuật bị bắt giam tại nhà lao ngày 2 tháng 9 năm 1888, ngày hết hạn chờ Tán Thuật của ngài tổng trú sứ"2.

Tối 11 tháng 11 năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin Hoàng Cao Khải cùng giám binh Louis Ney chỉ huy đồn Mỹ Hào đưa lính về gặt lúa ở làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương. Ông lập tức lệnh cho các tướng Nguyễn Thiện Kế, Ngô Quang Huy, Đề đốc Nguyễn Văn Sung, Đề Vinh, Đốc binh Vũ Văn Đồng, Lãnh binh Lưu Ngọc Tháu... đưa 800 quân, trang bị 400 súng bắn nhanh bố trí trận địa phục kích ở cánh đồng Liêu Trung. Trận địa vừa bố trí xong thì Hoàng Cao Khải, bang tá Hải Dương Nguyễn Hữu Hào, giám binh Louis Ney đem quân đến gặt lúa của dân. Quân ta nổ súng giết chết 31 tên, trong đó có Louis Ney và Nguyễn Hữu Hào. Vì có lệnh của Nguyễn Thiện Thuật bắt sống Hoàng Cao Khải, hắn được lính Pháp, lính Nam bảo vệ, nghĩa quân không tiếp cận được nên hắn chạy vào chùa Liêu Trung lột quần áo của người đánh giậm trốn thoát về đồn Mỹ Hào. Nghĩa quân đuổi đến nơi hắn chạy vào nhà thờ Kẻ Sặt và được dân công giáo thân Pháp đưa đường chạy về tỉnh lỵ Hải Dương.

Một tuần sau hoàn hồn, Hoàng Cao Khải điều quân 5 tỉnh, 2 đại đội Ả Rập, một đại đội lê dương về tàn sát, đốt phá 28 làng, giết hàng trăm người dân, riêng ở làng Trai Trang chúng giết 62 người.

Nguyễn Thiện Thuật viết hai lá thư giao cho thân tín đưa đến cho toàn quyền Đông Dương Piqueut và Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ cực lực lên án hành động tàn sát dân thường, đốt phá làng mạc của giặc Pháp, tay sai và tuyên bố: "Không phải cứ đốt nhiều, giết nhiều mà bức được ta hàng đâu, ta sẽ không ngừng chiến đấu, không bao giờ khuất phục, nguyện trung thành mãi mãi với nhà vua” (chỉ vua Hàm Nghi).

Toàn quyền Piequet phải ra lệnh rút quân, ngừng cuộc tàn sát.

Quân Pháp thay đổi chiến thuật, cuối tháng 2 năm 1889, thông sứ Bắc Kỳ Parreau ra sắc lệnh thành lập đạo quân bình định để thay thế cho các binh đoàn Âu - Phi, lê dương, lính khố xanh, lính khố đỏ, và giao cho Hoàng Cao Khải làm tư lệnh trưởng có hai giám binh Branchard và Laura chỉ huy. Dưới quyền bộ tư lệnh có 14 viên quản người Pháp, 600 lính khố xanh, 800 lính cơ. Thông sứ Bắc Kỳ còn cho Hoàng Cao Khải được mộ thêm quân. Binh đoàn còn được sự chi viện đắc lực của các binh chủng pháo binh, công binh, các pháo hạm gắn đại bác và lính thủy đánh bộ đóng ở Hà Nội, Hải Dương, Phả Lại, Hải Phòng.
_____________________________________
1, 2. Báo Tương lai Bắc Kỳ, ra ngày 8-9-1888.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:15:08 pm »


Tổ chức quân sự mới của Pháp làm cho thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật không tập trung được những toán quân lớn, mà phải phân tán lực lượng nhỏ hơn, tiến hành chiến tranh du kích, đồng thời bao vây các vị trí, chặn đánh các toán quân tuần tiễu, chỉ riêng trong tháng 3 năm 1889 đã diễn ra một số cuộc tấn công như ngày 3 tháng 3, đánh đồn Lực Điền, chặn đánh Sorle ở gần căn cứ Bãi Sậy1. Ngày 20 tháng 3, nghĩa quân đánh trả dữ dội quân bố chánh Bắc Ninh ở làng Phổ Lộng và làng Đẩu Thao. Quân bố chánh mất một phó quản và một lính khố xanh. Ngày 20 tháng 3, tấn công quân Pháp do cai Sorle chỉ huy ở làng Hoàng Trạch, tổng Mễ Sở, Khoái Châu. Ngày 23 tháng 3, chặn đánh vệ binh đồn Đào Xá, tổng Huệ Lai, Hoàng Cao Khải đưa quân từ Bắc Ninh đến cứu viện thì bị nghĩa quân do Lãnh Phong, Lãnh Bay chặn đánh. Hoàng Cao Khải sợ nghĩa quân tấn công lên Bắc Ninh đã phải tăng cường lính, vũ khí cho các đồn Đống Mối, Đình Tổ, cầu Bà Sinh, lại cho xà lúc Doudard de Ladrée tuần tiễu trên sông Đuống từ Hà Nội đến Ba Tổng2. Ngày 24 tháng 3 năm 1889, một toán quân do Tán Thuật chỉ huy được quân của Đốc Sung tăng cường đóng ở Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ trong phủ Từ Sơn đem 100 lính, súng tốt và điều đội tuần tra cảnh sát do hai viên vệ binh chính chỉ huy có 150 lính đến Mẫn Xá với lệnh chỉ được trở về khi đánh tan Tán Thuật hoặc Tán Thuật phải ra hàng. "Nhưng từ đó cho tới ngày 31 tháng 3 năm 1889 và sang cả đầu tháng 4 năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung thoắt ẩn, thoắt hiện, liên tục đánh quân Pháp ở Bắc Ninh, Phúc Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây khiến cho quân Pháp khốn đốn rồi kéo xuống mạn Thanh Trì, Thường Tín vượt sông Hồng về căn cứ Bãi Sậy an toàn”3.

Trong tháng 6 năm 1889, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải mở nhiều chiến dịch lớn tấn công vào các căn cứ của nghĩa quân ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phúc Yên, Lục Ngạn. Nghĩa quân đánh bại nhiều cuộc tấn công của địch gây cho chúng tổn thất nặng nề, song nghĩa quân cũng bị tiêu hao lực lượng, một số thủ lĩnh xuất sắc hy sinh như Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy hoạt động ở phía nam Bắc Ninh, phía bắc Hải Dương, phía bắc Hưng Yên. Bị quân Pháp tấn công bao vây, quân ông tan tác, ông phải chạy lên Bắc Giang. Địch truy bức, ông tự vẫn vào ngày 1 tháng 4 âm lịch (khoảng ngày 1-5-1889)4.

Tháng 6 năm 1889, thống sứ Bắc Kỳ Briere ra sắc lệnh thành lập "Binh đoàn Cảnh sát" do Hoàng Cao Khải khi đó được Đồng Khánh thăng chức khâm sai Bắc Kỳ làm tư lệnh trưởng, Museller với danh nghĩa ủy viên chính phủ, binh đoàn có cả tòa án quân sự để xét xử "những vụ án phản loạn”. Binh đoàn có 1.000 dân vệ, 500 lính cơ do các cai đội Pháp chỉ huy.
___________________________________
1. Báo Tin tức Hải Phòng, số 250 ngày 7-3-1889.
2. Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ - Báo Tương lai Bắc Kỳ, ngày 6-4-1889.
3. Piglowsiki: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ - Báo Tương lai Bắc Kỳ, số 147 ngày 6-4-1889; Báo Tin tức Hải Phòng, số 258 ngày 4-4-1889.
4. Theo gia phả họ Ngô Quang ở thôn Thái Lạc, xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:16:21 pm »


Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1889, quân Pháp đem bốn đạo quân lớn đánh phá căn cứ Hai Sông ở huyện Thủy Nguyên, tỉnh Quảng Yên (sau cắt về Hải Phòng). Đốc Tít cầm cự được từ ngày 8 tháng 6 đến ngày 12 tháng 8 năm 1889 thì phải giải tán nghĩa quân rồi ra hàng. Pháp đày ông đi Algéri. Ngày 17 tháng 9, Đội Văn đưa 200 quân, 100 súng bắn nhanh lên Yên Thế phối hợp với Đề Nắm đánh Pháp. Cuối tháng 10 năm 1889, Đội Văn bị ốm nặng rồi lọt vào tay bọn công giáo phản động. Chúng bắt ông nộp cho Pháp, ngày 17 tháng 11 năm 1889, chúng xử chém ông ở Hà Nội, Lưu Kỳ cũng bị quân Pháp đánh bật khỏi Lục Ngạn, quân Pháp liền tập trung 3 binh đoàn do thiếu tướng Négrier, trung tá Godard, Hoàng Cao Khải chỉ huy có công binh, pháo binh, hạm tầu yểm trợ tấn công căn cứ Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuật đang ốm vẫn cùng các tướng chỉ huy nghĩa quân đánh bật nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Tên quản Legllere bị giết chết, quản Aubert bị trọng thương. Quân Pháp tháo chạy, quân ta thừa thắng truy kích. Bỗng quân Pháp được tăng viện đánh mạnh vào phía sau quân ta. Quân ta bị kẹp giữa hai luồng đạn, phải mở đường máu rút về căn cứ Bãi Sậy. Quân Pháp không đánh chiếm được Bãi Sậy phải rút quân, song nghĩa quân cũng bị tổn thất nặng nề.

Đầu năm 1890, nghĩa quân đã được phục hồi. Tháng 3 năm 1890, Đốc Sung, Lãnh Mỹ, Quản Dây hoạt động mạnh mẽ ở Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du, Lang Tài, Quế Võ, Gia Bình. Tại Hải Dương, Đề Quý cùng Lãnh Pha, Lãnh Hai, tướng của Đốc Tít hoạt động mạnh ở Đông Triều, Chí Linh, chung quanh tỉnh lỵ Hải Dương. Nghĩa quân Bãi Sậy cũng hoạt động ráo riết, các đồn binh đóng trong tỉnh, đường số 5, đường 39 bị nghĩa quân khống chế. Trước tình hình đó, ngày 25 tháng 12 năm 1890, toàn quyền Đông Dương Piquet ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy. Đạo có 3 huyện mới cắt từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Văn Lâm, Yên Mỹ, Cẩm Lương và huyện Mỹ Hào của tỉnh Hải Dương. Quyền cai trị đạo do công sứ Hưng Yên Maselier nắm, trực tiếp là phó công sứ Morel, dưới quyền có 2 phó quản đạo, 1 thanh tra lữ đoàn, 1 giám binh, 8 quản chỉ huy, 380 lính cơ. Nhiệm vụ của nó là đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Quân Pháp còn thiết lập nhiều đồn bốt mới quanh căn cứ Bãi Sậy, các toán quân lưu động mạnh không ngừng truy kích các thủ lĩnh Lãnh Điển, Chánh Tín, Đốc Sung, Đề Ban...

Tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế có nhiều khó khăn, ông trao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế rồi sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới. Song tình thế đã khác trước, việc không thành, ông đành ở lại nhà tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc.

Nơi ông ở cũng là nơi các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm, Mai Lão Bang... sang Đông du ở Nhật dừng chân và lập hội Duy Tân ăn, ở, hội họp tại đó. Tháng 2 năm 1908, Nguyễn Thiện Thuật cùng Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm in và phát hành "Chương trình hội Duy Tân" và cuốn "Việt Nam vong quốc sử” do Phan Bội Châu sáng tác gửi về nước1.

Nguyễn Thiện Thuật còn là nhà thơ, ông để lại nhiều tác phẩm như "Cảm tác", "Đề đền Yên Mô", "Đề đền Trần Hưng Đạo", "Vịnh bánh trôi", "Á tế Á ca", "Gửi bạn trong nước"...

Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 26 tháng 5 năm 1926 (tức ngày 15 tháng 4 âm lịch). Hiện nay, ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trên đỉnh núi Vạn Hoa Cương còn có di tích ngôi mộ Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật. Trên tấm bia đá có dòng chữ: "Việt Nam cố tướng quân Nguyễn công Thiện Thuật chi mộ".
_________________________________________
1. Theo Gia phả họ Nguyễn Xuân Dục và có đối chiếu với nhiều tư liệu khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:17:36 pm »


Câu hỏi 6: Cho biết đôi nét về quan hệ dòng họ giữa Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Cừ?
Trả lời:


Năm 1442, Nguyễn Trãi và cả họ đều bị giết, duy nhất chỉ có một người thiếp của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn, đương có mang đang đi chợ xa vắng nhà nên may mắn thoát khỏi nạn tàn sát khủng khiếp đó. Sau đó, bà Phạm Thị Mẫn sinh ra Nguyễn Anh Vũ, đó cũng là người con duy nhất còn nối dõi trong gia đình Nguyễn Trãi. Từ đấy đến các đời sau, con cháu ngày càng nhiều, dòng họ Nguyễn Trãi đông mãi lên, dần dần tách thành nhiều chi họ, di cư và lập nghiệp ở nhiều nơi.

Về dòng dõi trực hệ của Nguyễn Trãi, ngoài chi chính ở Nhị Khê (Hà Tây), còn có các chi ở Phù Khê (Hà Bắc), Xuân Dục (Hải Hưng), Dự Quần (Thanh Hóa) và một chi ở Thụy Phú (Hà Tây). Chi ở Thụy Phú, quê hương của bà Phạm Thị Mẫn, đã đổi thành họ Phạm, theo họ bà Phạm Thị Mẫn, để ghi nhớ công ơn bà, người đã phục hồi dòng họ Nguyễn Trãi.

Ngoài những chi trong dòng họ trực hệ Nguyễn Trãi, còn có chi họ gốc của tổ tiên dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại (Côn Sơn, Chí Linh, Hải Hưng) và các chi họ là con cháu của các em Nguyễn Trãi như các chi ở Cẩm Nga, Lan Trà, Hào Vịnh, làng Bông, làng Mía (Thanh Hóa), Phổ Môn (Nghệ An), v.v...

Dòng họ Nguyễn Trãi không những ngày càng đông đúc mà trong quá trình đấu tranh đánh giặc cứu nước của dân tộc từ sau Nguyễn Trãi, nhất là trong thời kỳ chống đế quốc xâm lược, dòng họ Nguyễn Trãi cũng đã cung cấp cho Tổ quốc nhiều người con ưu tú, đã hy sinh cho độc lập tư do của dân tộc, tên tuổi còn mãi mãi ghi trong lịch sử, như Nguyễn Văn Cừ - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, là con cháu Nguyễn Trãi thuộc chi Phù Khê, Nguyễn Thiện Thuật - lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy, là người chi Xuân Dục, v.v...

* Chi họ Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê và đồng chí Nguyễn Văn Cừ:

Trước Cách mạng tháng Tám, những bản gia phả của chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê, ghi khá kỹ về thời kỳ chuyển cư từ Nhị Khê sang Phù Khê. Nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vùng này bị giặc chiếm đóng, con cháu trong chi họ Phù Khê phần đông đi công tác hoặc tản cư nơi khác, những bản gia phả đầy đủ ấy đã bị thất lạc. Hiện nay, chưa kê cứu lại được chính xác thời kỳ chuyển cư này mà chỉ áng chừng khoảng đời thứ 3 hoặc thứ 4, sau Nguyễn Trãi, trong dòng họ có một người, hiệu là Huệ Tính, đã di cư từ Nhị Khê sang Phù Khê. Có lẽ ông sang Phù Khê làm nghề dạy học, rồi ở hẳn lại đó, lập thành chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê. Về sau, con cháu đời đời vẫn giữ nghiệp Nho, nhưng là một dòng họ rất nghèo trên đất Kinh Bắc xưa. Hiện nay, con cháu trong chi họ này đã tới gần 20 đời (tính từ Nguyễn Trãi là đời thứ nhất), ở đời thứ 15, nhiều người trong dòng họ này đã tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp khoảng đầu thế kỷ XX, như các ông cử Linh, cả Châu v.v..., đều hy sinh, hoặc mất tích, hoặc bị thực dân Pháp cầm tù đến chết. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là con cháu Nguyễn Trãi ở đời thứ 16 (kể từ Nguyễn Trãi trở xuống) thuộc chi họ Phù Khê.

Thân thế và hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được nhiều tập hồi ký cách mạng ghi lại. Ở đây chỉ nói thêm một vài chi tiết về thuở nhỏ của đồng chí Cừ.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tý, tức ngày 9 tháng 7 năm 1912, được ghi theo gia phả của chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là con cụ Nguyễn Văn Quán, thường gọi là cụ Hai Quán hay cụ Đồ Quán. Mẹ là cụ Nguyễn Thị Khuyến, người thôn Cẩm Giang, xã Đồng Nguyên, huyện Tiên Sơn. Gia đình đồng chí Nguyễn Văn Cừ rất nghèo, không có một thước ruộng và cũng không có một nghề nghiệp gì đủ sinh sống hàng ngày, mặc dầu cha mẹ đồng chí Cừ chỉ có hai người con, là đồng chí Cừ và một người em trai nữa. Người em trai này đã phải bỏ học từ nhỏ để đi làm phó nhỏ thợ mộc. Lớn lên, người em làm thợ mộc và đi lang bạt sang tận Campuchia để kiếm ăn. Còn đồng chí Nguyễn Van Cừ, nhờ sự cố gắng phi thường của gia đình và với nỗ lực bản thân đã chật vật lắm mới học được tới trường Bưởi, là trường cấp II ở Hà Nội thời bấy giờ. Trước ngày đồng chí Cừ vào trường Bưởi, cụ Hai Quán đã chạy vạy khắp nơi trong họ mới có được món tiền vài chục đồng để mua sắm giấy bút, sách vở và may mặc lành lặn cho đồng chí Cừ vào ở nội trú trong trường, theo như quy chế của nhà trường. Trường Bưởi học 4 năm, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ học tới nửa chừng thì bị thực dân Pháp đuổi ra khỏi trường, vì hoạt động cách mạng. Từ đấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoàn toàn thoát ly trường học và gia đình để hoạt đông cho Đảng. Có tài liệu ghi rằng: Khi đương học ở Bưởi, vào hồi tháng 3 năm 1926, đồng chí Cừ đã tham gia vận động tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và lãnh đạo cuộc bãi khóa để phản đối nhà trường đã đuổi một số học sinh. Có lẽ ghi như thế là lầm. Năm 1926, đồng chí Cừ mới 14 tuổi, làm thế nào lãnh đạo được một cuộc bãi khóa của học sinh trường Bưởi thời bấy giờ, phần đông là lớn hơn tuổi 14 rất nhiều. Vào khoảng năm 1927-1928, đồng chí Cừ mới bắt đầu vào học trường Bưởi. Đồng chí bị đuổi vì những hoạt động cách mạng khác, chắc không phải vì lãnh đạo bãi khóa nhân dịp lễ truy điệu Phan Chu Trinh năm 1926. Khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới khoảng 26, 27 tuổi, một lãnh tụ rất trẻ của Đảng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:18:20 pm »


* Chi họ Nguyễn Trãi ở Xuân Dục và Nguyễn Thiện Thuật:

Gia phả chi họ Xuân Dục có ghi rõ gốc tích họ là ở Chi Ngại, rồi chuyển về Nhị Khê, sau dần dần mới tách thành một chi về Xuân Dục. Gia phả cũng ghi các tổ tiên xa đời là Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Tổ Giám, v.v... như các chi họ khác. Theo gia phả thì chi họ này không phải một lúc chuyển thẳng từ Nhị Khê và Xuân Dục mà đã di cư dần dần qua nhiều nơi. Thoạt đầu, một người trong chi họ Nhị Khê di cư về làng Cổ Hiền, thôn Thái Công (tức Phụng Công). Về sau, một người trong chi họ Cổ Hiền, tên là Nguyễn Gián di cư về phường Hòe Nhai, Thăng Long, tức phố Hòe Nhai, Hà Nội bây giờ, lập thành một chi ở đây. Nguyễn Gián có 3 con trai. Người con thứ hai tên là Nguyễn Át, khi lên 3 tuổi, Nguyễn Gián đem cho làm con nuôi một người bạn thân ở Xuân Dục. Nguyễn Át về ở hẳn Xuân Dục với cha mẹ nuôi, lập thành một chi họ Nguyễn Trãi tại đây. Nguyễn Át lớn lên, được đi học và ra làm quan. Năm 70 tuổi, Nguyễn Át còn làm Đồng tri phủ phủ Thăng Hoa. Chi họ Xuân Dục từ khi thành lập tới Nguyễn Thiện Thuật mới được 5 đời.

Nguyễn Thiện Thuật có 3 em trai là Nguyễn Kế, Nguyễn Hiển và Nguyễn Dương. Nguyễn Thiện Thuật, lúc trẻ tên là Nguyễn Thuật, cũng không có chữ đệm ở giữa như tên các em. Theo gia phả thì khi đi thi ông có thêm một chữ đệm vào tên là Nguyễn Văn Thuật. Cách đặt tên của chi họ Xuân Dục từ xưa cho tới mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật cũng giống như chi họ Nhị Khê, vốn chỉ có hai chữ: họ và tên, không có chữ đệm ở giữa. Thí dụ: cha sinh ra Nguyễn Thiện Thuật tên là Nguyễn Tuy, ông nội là Nguyễn Trọng, cụ nội là Nguyễn Quý, đi ngược lên nữa là Nguyễn Át, Nguyễn Gián như đã nói ở trên, cho tới ông tổ 4 đời ở Nhị Khê là Nguyễn Giáp, tức cháu gọi Nguyễn Trãi bằng cụ, cách đặt tên chỉ có hai chữ, không có đệm, giống như cách đặt tên Nguyễn Trãi. Sau khi đã ra làm quan, Nguyễn Thiện Thuật quyết định đặt thêm chữ đệm là "Thiện" vào tên của mình và cùng các em trai nhất trí đề ra một thể thức quy định chặt chẽ cách đặt tên cho chi họ mình, kể từ Nguyễn Thiện Thuật trở đi.

Nguyễn Thiện Thuật lúc nhỏ tên là Nguyễn Thuật, khi đi thi đã đổi là Nguyễn Văn Thuật, nay muốn đổi là Nguyễn Thiện Thuật thì phải xin phép triều đình và việc này đã được triều đình chuẩn y. Không rõ Nguyễn Thiện Thuật đã lấy lý do như thế nào để xin đổi tên, nhưng biết rằng trong triều lúc ấy có một người cũng tên là Nguyễn Thuật, đương làm quan tại nội các. Có lẽ sự trùng tên trùng họ ấy đã khiến triều đình chuẩn y việc đổi tên của Nguyễn Thiện Thuật. Sở dĩ đi sâu vào việc đổi tên và thể thức đặt tên của Nguyễn Thiện Thuật là vì những sử sách của ta từ mấy chục năm nay, khi ghi tên các em, con, cháu của Nguyễn Thiện Thuật, phần nhiều là sai chệch, không đúng với tên thật, theo như thể thức đặt tên của chi họ này.

Sau khi Nguyễn Thiện Thuật đã được phép đổi tên thì các em Nguyễn Thiện Thuật cũng đặt thêm chữ "Thiện" vào tên mình, thành Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển, Nguyễn Thiện Dương. Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Thiện Kế đã quy định thể thức đặt tên rất cụ thể, chi tiết, cho từng ngành, từng phân chi họ. Thí dụ: ngành con cả của Nguyễn Thiện Thuật sẽ đặt tên theo bộ tẩu; ngành con thứ của Nguyễn Thiện Thuật theo bộ mã; ngành con cả của Nguyễn Thiện Kế theo ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; ngành con thứ của Nguyễn Thiện Kế, theo bộ mịch, v.v... Cách đặt chữ đệm thì căn cứ vào một câu thơ bảy chữ, mỗi đời lấy một chữ làm đệm, lần lượt tới hết bảy chữ, lại quay trở lại chữ đầu trong câu thơ. Câu thơ bảy chữ ấy là: "Thiện chi gia tất hữu dư khương".

Mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật đều lấy chữ đệm là "Thiện". Các con của mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật đều lấy đệm là "Chi". Các cháu lấy đệm là "Gia", các chắt lấy đệm là "Tất"..., các đời sau cứ lần lượt theo thứ tự như thế mà đặt chữ đệm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:18:51 pm »


Nguyễn Thiện Thuật sinh ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thìn, tác ngày 24 tháng 3 năm 1844. Sau này, Nguyễn Thiện Thuật chết tại Trung Quốc, các con cháu không biết rõ ngày chết nên từ bấy đến nay vẫn lấy ngày sinh của Nguyễn Thiện Thuật làm ngày giỗ. Sinh năm Giáp Thìn 1844, ghi trong gia phả chi họ Xuân Dục là phù hợp với năm sinh của Nguyễn Thiện Thuật ghi trên bia mộ của ông. Khi Nguyễn Thiện Thuật chết, mộ đặt tại gần thành Nam Ninh về phía tây. Trên mộ có dựng một tấm bia đá, khắc dòng chữ: "Việt Nam cố tướng quân Nguyễn công Thiện Thuật chi mộ". Trên bia có ghi năm sinh Nguyễn Thiện Thuật là 1844, năm chết là 1926. Như vậy, theo năm ghi trong bia, Nguyễn Thiện Thuật thọ 82 tuổi.

Nguyễn Thiện Thuật lấy tự là Mạnh Hiếu. Vì thế trong thơ văn Nguyễn Thượng Hiền, mỗi khi nói tới Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thượng Hiền thường viết là Nguyễn Mạnh Hiếu hoặc Mạnh Hiếu tiên sinh. Trong sách Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Đoàn Bằng, bản dịch tiếng Việt, xuất bản năm 1959, ở truyện "Khởi nghĩa Móng Cái" có chú thích một câu, đại ý là: theo Phan Bội Châu niên biểu, sau khi nhận được tiền viện trợ thì Nguyễn Mạnh Hiếu được phân công về Đông Hưng đánh Móng Cái. Chú thích như thế là lầm lẫn. Nguyễn Mạnh Hiếu là Nguyễn Thiện Thuật, khi ấy đã ngoài 70 tuổi, không thể hoạt động quân sự được nữa, mà người nhận nhiệm vụ đó, như Phan Bội Châu niên biểu đã nói rõ, là Nguyễn Trọng Thường, tức con Nguyễn Thiện Thuật.

Nguyễn Thiện Thuật đỗ tú tài năm Canh Ngọ 1870, đỗ cử nhân năm Bính Tý 1876 và được bổ Tri phủ Từ Sơn. Năm 1879 thăng Tán tương quân thứ, năm 1881 thăng Hưng Hóa Sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thứ.

Năm 18B3, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, ông được lệnh về Hải Dương, chiêu mộ thêm quân sĩ, mưu phục Hải Phòng, nhưng việc không thành, ông lại đem quân lên Đan Phượng trợ chiến cho Hoàng Tá Viêm. Trong khi đó triều đình nhà Nguyễn thương nghị đầu hàng với Pháp và hạ lệnh cho các tướng lĩnh ở ngoài Bắc phải rút quân để mặc cho quân Pháp tự do hành động. Nguyễn Thiện Thuật không nhận lệnh, cương quyết kháng chiến. Ông phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc đem quân về Đông, mộ thêm nghĩa dũng, đánh thành Hải Dương, lấy được thành nhưng thế không giữ được nên phải rút. Cuối năm 1883, triều đình lại hạ lệnh cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Thiện Thuật và một số tướng lĩnh khác phải về kinh (Huế). Bất chấp mệnh lệnh triều đình, Nguyễn Thiện Thuật đem quân bản bộ lên giúp sức giữ thành Bắc Ninh. Tháng 3 năm 1884, thành Bắc Ninh thất thủ, ông lui quân lên đóng giữ Lạng Sơn. Tháng 4 năm 1884, triều đình nhà Nguyễn lại hạ lệnh bắt buộc các quan lại tướng lĩnh yêu nước chống nhau với Pháp ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ phải lập tức về kinh. Bọn Hoàng Tá Viêm, Lương Tư Thứ, Ngô Tất Ninh đã tuân lệnh về kinh. Nhưng các ông Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Đình Nhuận cương quyết chống lại lệnh triều đình, vẫn tiếp tục chiến đấu tại các mặt trận của mình. Mấy tháng sau, Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật phải tạm lánh sang Long Châu. Tháng 7 năm 1885, tin Huế thất thủ và Hàm Nghi xuất bôn tới Long Châu, Nguyễn Thiện Thuật lập tức từ Long Châu lên đường về nước, vận động nhân dân vũ trang khởi nghĩa đánh Pháp, lấy Bãi Sậy làm căn cứ địa. Trong 5 năm hoạt động, nghĩa quân Bãi Sậy dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Thuật đã làm cho quân Pháp phải nhiều phen khốn đốn. Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế kháng chiến có nhiều điều không thuận lợi, nên tháng 10 năm ấy, ông tạm giao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế và một số tướng lĩnh nghĩa quân, sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới để phục hồi lực lượng. Nhưng sang tới nơi, thấy chí nguyện khó thành mà trở lại nước cũng khó khăn, ông đành ở lại Trung Quốc cho đến ngày chết. Trong thời gian ông ở Trung Quốc, nhiều nhà hoạt động cách mạng ở các thế hệ sau như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, v.v... khi sang Trung Quốc đều có tới thăm ông và đều được ông khuyến khích động viên rất nhiều.

Quá trình hoạt động chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật ghi trong gia phả, tuy sơ lược nhưng tương đối chính xác, phù hợp với những điều ghi chép trong chính sử của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Quốc triều chánh biên toát yếu và những tài liệu của bọn thực dân Pháp thời bấy giờ biên chép.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:20:03 pm »


Câu hỏi 7: Gia đình Nguyễn Thiện Thuật có một điểm rất đặc biệt là cả nhà đánh giặc, cả nhà quyết tâm cứu nước. Tất cả các em và con của ông đều vũ trang chiến đấu chống Pháp và phần lớn đã hy sinh vì nước. Cho biết đôi nét về các em, con, cháu Nguyễn Thiện Thuật?
Trả lời:


Nguyễn Thiện Thuật có 3 em:

1. Nguyễn Thiện Kế, thường gọi là Hai Kế. Ông đã cùng anh trai của mình là Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo phong trào nghĩa quân Bãi Sậy. Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, còn Nguyễn Thiện Kế tiếp tục lãnh đạo phong trào cho tới cuối năm 1892 là lúc phong trào tan rã hẳn. Theo Huỳnh Thúc Kháng, người đã gặp Nguyễn Thiện Kế tại nhà tù Côn Đảo thuật lại trong Thi tù tùng thoại thì sau khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu, Nguyễn Thiện Kế cải danh, cải dạng làm người bán thuốc rong, bôn tẩu khắp nơi. Ông nhiều lần qua lại Trung Quốc thăm anh và đã từng dẫn đường cho nhiều người yêu nước xuất dương, Đông du. Nguyễn Thiện Kế sống bôn ba như thế khoảng 30 năm. Tới ngoài 70 tuổi, ông sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa ông ra đày ở Côn Đảo. Tới khi ông ngoài 80 tuổi, chúng mới đem ông về an trí ở quê nhà. Theo gia phả thì Nguyễn Thiện Kế chết ngày 22 tháng 9 năm Đinh Sửu, tức 25 tháng 10 năm 1937, thọ 88 tuổi (tính theo dương lịch). Như vậy, Nguyễn Thiện Kế sinh năm 1849.

2. Nguyễn Thiện Hiển, giỏi võ nghệ, dũng cảm, mưu trí, tính tình độ lượng, rộng rãi. Mọi việc nhà, việc nước đều không quản ngại khó khăn, vất vả. Nguyễn Thiện Hiển thường theo anh là Nguyễn Thiện Thuật đi quân thứ các nơi, lập nhiều chiến công xuất sắc. Khi Nguyễn Thiện Thuật đi làm sơn phòng chánh sứ Hưng Hóa, Nguyễn Thiện Hiển cũng đi theo và bị ốm chết trong lúc đi quân thứ Đồn Vàng khi tuổi còn rất trẻ.

3. Nguyễn Thiện Dương, thường gọi là Lãnh Giang, em út Nguyễn Thiện Thuật. Lãnh Giang đã cùng các anh trai tham gia chống Pháp và là một tướng giỏi của nghĩa quân Bãi Sậy. Mùa xuân Kỷ Sửu năm 1889, ông đi đánh trận Yên Phú, bị thương vào đùi rồi chết. Theo tài liệu của Pháp, cuốn Lịch sử quân sự Đông Dương (Histoire militaire de l’Indochine): trận đánh diễn ra vào ngày 9 tháng 2 năm 1889, một toán quân Pháp bị Lãnh Giang và 300 nghĩa quân vây đánh tại đây trong 3 giờ liền, sau nhờ có hai toán quân Pháp khác tới cứu nguy, toán quân này mới chạy thoát. Để trả thù cho em bị tử thương, mấy ngày sau, Nguyễn Thiện Thuật mở một cuộc tiến công mạnh vào một toán quân địch, do tên Ney, đồn trưởng Pháp ở Mỹ Hào chỉ huy và giết tại trận tên đồn trưởng Ney, tên thượng tá ngụy Hải Dương và 21 lính ngụy.

Nguyễn Thiện Thuật có 2 con trai là Nguyễn Tuyển Chi và Nguyễn Thạc Chi. Theo thể thức đặt tên như đã nói trên, các con của mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật đều lấy đệm là "Chi" và chữ đệm đặt ở sau tên.

1. Nguyễn Tuyển Chi, thường gọi là Cả Tuyển, tự là Thận Sinh hoặc Thận Sinh phủ quân. Vì thế, Nguyễn Thượng Hiền trong Nam chi tập của ông, gọi Cả Tuyển là Nguyễn Thận Sinh, cũng như gọi Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Mạnh Hiếu, về tên Nguyễn Tuyển Chi, các sách của ta trước đây thường viết chệch. Phan Bội Châu niên biểu viết là Nguyễn Tuyển, Việt Nam nghĩa liệt sử viết là Nguyễn Bá Tuyển. Như thế không đúng với thể thức đặt tên của gia đình Nguyễn Thiện Thuật.

Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, Nguyễn Tuyển Chi mới 18 tuổi. Theo Việt Nam nghĩa liệt sử kể lại thì sau khi phong trào Bãi Sậy tan rã, Nguyễn Tuyển Chi đã thay tên đổi họ, trốn đi học với một ông thầy ở Đông Thành. Mãi sau thực dân Pháp dò biết và bắt được Nguyễn Tuyển Chi, đem ra đày ở Côn Đảo 10 năm. Hết hạn tù, Pháp đưa ông về quản thúc ở quê nhà. Mặc dù vậy, Nguyễn Tuyển Chi vẫn nung nấu chí tiếp tục sự nghiệp cứu nước của cha. Năm 1908, Nguyễn Tuyển Chi cùng một số đồng chí tìm đường lên gia nhập nghĩa quân Yên Thế và trở thành một tướng lĩnh tin cậy của Hoàng Hoa Thám. Mùa hè năm Kỷ Dậu 1909, trong một trận đánh, vì hết thuốc đạn, Nguyễn Tuyển Chi bị giặc bắt và đem giết. Theo gia phả thì Nguyễn Tuyển Chi hy sinh ngày 21 tháng 3 năm Kỷ Dậu, tức ngày 10 tháng 5 năm 1909, thọ 37 tuổi. Như vậy, Nguyễn Tuyển Chi sinh năm 1872.

2. Nguyễn Thạc Chi là con thứ Nguyễn Thiện Thuật, thường gọi là Hai Thạc. Nguyễn Thạc Chi còn tên nữa là Nguyễn Quýnh Chi, tự là Thường Sinh hoặc Thường sinh phủ quân, về tên Nguyễn Thạc Chi, các sách thường viết chệch là Nguyễn Trọng Thường, hoặc Nguyễn Trọng Thạc. Năm 1911, Nguyễn Thạc Chi sang Trung Quốc cùng Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Trọng Mậu thành lập Việt Nam Quang Phục hội. Theo Phan Bội Châu niên biểu, mùa thu năm 1912, Nguyễn Thạc Chi cùng Nguyễn Hải Thần đem tiền 300 đồng và 6 quả tạc đạn theo đường Lạng Sơn về Bắc Kỳ để vận động vũ trang khởi nghĩa ở trong nước. Theo gia phả thì trong một hội nghị với các đồng chí của mình họp tại xã Đồng Trung, Nguyễn Thạc Chi đã bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Sau đó Nguyễn Thạc Chi chết tại Côn Đảo.

Khi sang Trung Quốc, Nguyễn Thạc Chi có đem theo một con trai là Nguyễn Gia Câu và để ở với ông là Nguyễn Thiện Thuật tại Quảng Đông. Nguyễn Gia Câu lúc ấy 11 tuổi. Phan Bội Châu niên biểu có nói đến người con này của Nguyễn Thạc Chi, nhưng viết là Nguyễn Văn Cầu (Tên cháu, đệm chữ "Gia'' mới đúng với thể thức đặt tên của gia đình Nguyễn Thiện Thuật). Theo Phan Bội Châu niên biểu, khoảng những năm 1908-1909, Nguyễn Gia Câu đang học tiếng Anh ở Hương Cảng nhưng sau không thấy sử sách nói gì thêm nữa.

Phan Bội Châu niên biểu cũng nói tới một người cháu nữa, tên là Nguyễn Thiện Tổ, cháu đích tôn Nguyễn Thiện Thuật. Nếu là cháu đích tôn thì tức là con trai Nguyễn Tuyển Chi. Nhưng gia phả chỉ nói tới một người con của Nguyễn Tuyển Chi sinh năm 1906 là Nguyễn Gia Đích, không nói tới Nguyễn Thiện Tổ. Có thể Nguyễn Thiện Tổ là con lớn Nguyễn Tuyển Chi, nhưng tên viết ở đây chắc không đúng chữ đệm phải là chữ "Gia". Theo Phan Bội Châu niên biểu, Nguyễn Thiện Tổ theo học trường sĩ quan học hiệu Bắc Kinh, học xong đã giữ chức thượng hiệu (tức thượng tá) trong quân đội Trung Quốc, sau đó bị chết vì bệnh phổi.

Như vậy là cả gia đình Nguyễn Thiện Thuật đều tham gia chống Pháp và tất cả mấy anh em, con, cháu đều hy sinh hoặc mất tích.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM