Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:53:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Hương Khê  (Đọc 29015 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:29:15 am »


Mặc dù vậy, việc xây dựng căn cứ địa của nghĩa quân Hương Khê vẫn còn có những hạn chế nhất định bởi tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Bởi căn cứ địa của nghĩa quân được xây dựng ở vùng rừng núi Hương Khê và Hương Sơn, một vùng núi non hiểm trở, dân cư thưa thớt có thể nói hầu như không có, việc tiếp tế tại chỗ không có mà hầu như từ bên ngoài vào. Nói là dựa vào dân nhưng thực tế là dân ngoài căn cứ vì vậy khi địch thực hiện âm mưu bao vây cắt đường tiêp tế thì lập tức nghĩa quân gặp khó khăn khó tránh khỏi bị tiêu diệt. Trong trường hợp ấy nghĩa quân phải tổ chức sản xuất tại chỗ nhưng nghĩa quân lại không làm được việc đó. Thực tế đã chứng minh khi thực dân Pháp tách được dân ra khỏi nghĩa quân thì nghĩa quân dễ dàng tan rã.

Việc bố trí lực lượng nghĩa quân trong căn cứ lỏng, bị dàn trải tuy phân tán được lực lượng địch nhưng nếu địch tập trung lực lượng lại dễ bị tiêu diệt và nhất là không có điều kiện mở những cuộc tấn công có quy mô lớn. Thực tế trận đánh của nghĩa quân chỉ là những trận đánh nhỏ ở quy mô chiến thuật, chưa có trận nào mang ý nghĩa chiến lược.

Khi cuộc khởi nghĩa đang trên đà phát triển, nghĩa quân chỉ ham đánh để tiêu hao, tiêu diệt địch mà không chú trọng đến việc mở rộng căn cứ địa xuống vùng có dân, nhất là xuống vùng đồng bằng nơi đông người nhiều của, phát động quần chúng biến khởi nghĩa vũ trang thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi. Bởi "cách mạng không phải là cuộc đảo chính, không phải là kết quả của những âm mưu, cách mạng phải dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân". Vì lẽ ấy cuộc khởi nghĩa không thể tạo cho mình một hậu phương vững chắc. Và nhất là từ cuối năm 1893 khi cuộc khởi nghĩa có chiều hướng đi xuống thì lẽ ra phải tập trung lực lượng phá vây để củng cố căn cứ địa thì các nhà lãnh đạo nghĩa quân lại quyết định đem quân tấn công thành Nghệ An làm đẩy nhanh quá trình tan rã của nghĩa quân.

Những hạn chế trên đây không thể tránh khỏi bởi những nhà lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê cũng như các cuộc khởi nghĩa khác của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đều là các sĩ phu, văn thân yêu nước, không phải là những nhà quân sự. Hơn nữa do những hạn chế về tư tưởng giai cấp, về thời đại họ không thể giải quyết được đúng đắn yêu cầu giải phóng dân tộc và dân chủ của lịch sử Việt Nam hồi đó. Cho nên các cuộc khởi nghĩa Cần Vương nói chung, Hương Khê nói riêng chỉ rầm rộ thời gian đầu do nhiệt tình tham gia ủng hộ của nhân dân rồi dần dần tan rã, mà không trở thành một phong trào dân tộc thực sự, không thể đi đến thắng lợi được. Mặc dù thất bại nhưng những kinh nghiệm về xây dựng căn cứ địa và những hạn chế của cuộc khởi nghĩa Hương Khê không những đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà còn góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam. Những bài học ấy đã được Đảng và nhân dân ta phát huy triệt để trong Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:49 am »


Câu hỏi 31: Khi Phan Đình Phùng tổ chức khởi nghĩa thi tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương đã được thể hiện như thế nào?
Trả lời:


Từ năm 1883, triều đình Huế hoàn toàn đầu hàng giặc. Trước nạn mất nước mà vua quan đã đầu hàng, nhân dân chỉ còn biết ủng hộ các cuộc khởi nghĩa ở địa phương để cứu nước, cứu làng.

Trong phong trào văn thân, ít nhiều các cuộc khởi nghĩa đều đã dựa được vào sức ủng hộ của dân chúng mà kháng chiến. Đinh Công Tráng được nhân dân Ba Đình và Nga Sơn đã tham gia nghĩa quân lại đem ủng hộ vật liệu và đến xây công sự Ba Đình vững chắc. Tống Duy Tân được dân chúng Thanh Hóa gia nhập hương binh đông đảo... Các nhà văn thân ai dựa được vào dân chúng thì cuộc chiến đấu được dẻo dai và lập được nhiều thành tích.

Tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương biểu lộ rõ rệt nhất trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Kể cả những ngày phong trào mới nhen nhóm lên, những ngày thắng lợi cũng như những ngày khó khăn nhất, nhân dân địa phương đều tích cực ủng hộ nghĩa quân, không sợ gian nan nguy hiểm, mặc dầu quân Pháp khủng bố dã man. Dân chúng chịu đựng khổ cực, thiếu thốn để ủng hộ nghĩa quân, nghĩa quân chịu đựng khó khăn gian khổ để đánh lại giặc Pháp.

Nhiều cụ già còn kể chuyện rằng: cuối năm 1885 khi Phan Đình Phùng khởi nghĩa ở làng Đông Thái, dân chúng quanh vùng rất phấn khởi. Quang cảnh thôn xóm vắng vẻ cũ biến đổi hẳn. Chỗ nào cũng thấy cờ quạt của nghĩa quân. Già trẻ trai gái đều vui vẻ múa hát. Người ta nô nức đem trâu, lợn, gà và gánh gạo đến ủng hộ cụ Phan. Trai tráng đua nhau nhập ngũ. Hàng trăm thợ rèn kéo đến suốt đêm ngày làm giáo mác cho nghĩa quân.

Rồi cuộc khởi nghĩa dần dần trưởng thành. Ba vấn đề khó khăn nhất đặt ra là: lực lượng nghĩa quân, lương thực và vũ khí. Nhưng nhờ có dân chúng, Phan Đình Phùng và Cao Thắng đã khắc phục được cả. Từ lúc tay không khởi nghĩa đến những năm 1890-1894, có hàng mấy nghìn người theo Phan Đình Phùng. Những ngày cuối cùng vẫn còn tới 2.700 quân sĩ quyết tâm theo cụ, dù sống chết thề không chịu đầu hàng giặc. Hàng trăm thợ rèn từ đồng bằng lên trại nghĩa quân để rèn đúc khí giới. Máy móc không có, nguyên liệu thiếu, nhưng với tinh thần yêu nước và hai bàn tay lao động họ đã tạo ra hàng trăm khẩu súng tinh vi, hiện đại. Dân chúng các làng đã đi bòn nhặt từ lưỡi dao, cuộc cùn, lọng ô, móng lừa, móng ngựa cung cấp cho nghĩa quân làm nguyên liệu đúc súng. Và sau cũng vẫn không đủ nhu cầu, dân chúng đã ủng hộ cả nồi đồng, mâm thau, xanh chảo đang dùng cho nghĩa quân làm đạn1.

Vấn đề lương thực là vấn đề sống còn của nghĩa quân. Nhưng nhân dân Thanh, Bình, Nghệ, Tĩnh đã vui lòng nộp thuế chính thức cho nghĩa quân, mỗi mẫu ruộng là một đồng bạc, mặc dầu họ đã bị giặc Pháp vơ vét bao nhiêu thứ thuế. Ngoài việc đóng thuế, dân chúng còn mang gạo, ngô cung cấp cho nghĩa quân. Người ta kể lại rằng ai ủng hộ nghĩa quân bị giặc Pháp làm tan nát cửa nhà ngay, nhưng những ngày đen tối nhất, nghĩa quân bị bao vây chặt, dân chúng bị khủng bố, vẫn có người vượt rừng qua suối gánh gạo lên trại ủng hộ nghĩa quân; đồng bào miền núi vẫn bán ngô cho nghĩa quân. Có những người già yếu, túng thiếu không có gì ủng hộ đã lên hẳn trại để suốt ngày xay lúa giã gạo cho nghĩa quân. Ngược lại nghĩa quân đối với dân chúng cũng đầy lòng thương yêu và có kỷ luật. Ai đóng góp và ủng hộ cho nghĩa quân những gì đều phải có sổ sách ghi chép cẩn thận. Cụ Phan ra lệnh cấm các quân thứ không được tham ô hà lạm, chiếm đoạt tài sản của dân chúng. Kỷ luật đó càng làm cho dân chúng yêu mến nghĩa quân.

Do đó, 12 năm kháng chiến là 12 năm nghĩa quân Hương Khê đã liên hệ mật thiết với nhân dân địa phương, dựa vào nhân dân địa phương mà giết giặc. Tất nhiên trong điều kiện các nhà văn thân lãnh đạo kháng chiến, họ không đủ khả năng tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân để chiến đấu thắng lợi hoàn toàn. Dù sao, tinh thần yêu nước của họ cùng với tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã ghi lại những trang lịch sử vẻ vang chống ách đô hộ của thực dân Pháp.
___________________________________
1. Thuốc đạn nghĩa quân chế lấy một phần nhưng không được tốt nên phải vượt qua Lào, sang Xiêm để mua thuốc súng. Đó là một việc rất khó khăn và nguy hiểm. Người có công nhất trong việc mua súng là cô Tám con gái ông Hoàng Văn Phúc, một lãnh tụ nghĩa quân ở Trung Kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2016, 11:32:57 am »


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Đình Phùng, một nhà lãnh đạo kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh, Đào Trinh Nhất, Nhà xuất bản Tân Việt.
2. Phan Đình Phùng - cuộc đời và sự nghiệp, Đinh Xuân Lâm, Chương Thâu, Nhà xuất bản Nghệ An, sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, 2007.
3. Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H. 2004.
4. Chống xâm lăng, Trần Văn Giàu, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh - 2001.
5. Tạp chí Lịch sử Quân sự - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng.
6. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử - Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Viện Sử học.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM