Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:06:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước  (Đọc 26321 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:18:32 am »


3. TRẬN QUYẾT CHIẾN CUỐI CÙNG

        Quân đoàn tiến vào Sài Gòn qua những vùng có truyền thống cách mạng Trảng Bàng, Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm. Sức mạnh của dân tộc ta, được hun đúc trong bốn nghìn năm đấu tranh giữ gìn nền độc lập, thống nhất toàn vẹn cho Tổ quốc, dâng lên với khỉ thế lay trời chuyến đất. Một cảnh tượng hùng vĩ của đất nước đang diễn ra hào hùng và sôi động. Từng đoàn xe tăng, xe chở bộ đội nối đuôi nhau tiến vào Sài Gòn như những dòng thác cuồn cuộn chảy. Hai bên đường, từng đợt sóng người dào lên vẫy tay vẫy mũ, hoan hô cách mạng, đón chào những chiến sĩ quân đội nhân dân trở về giải phóng Sài Gòn với bao niềm vui sướng, xúc động, bồi hồi. Từ ngày Nam Bộ đứng lên vát nhọn tầm vông đánh Pháp, trải qua 30 năm đấu tranh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đến nay nhân dân ta mới dược chứng kiến sức mạnh kỳ diệu của dân tộc.

        Ngược chiều với đoàn quân chiến thắng là hàng ngàn hàng vạn sĩ quan, binh lính ngụy quyền Sài Gòn, quần đùi, áo cộc nhàu nát được nhân dân tha tội chết, lủi thủi trở về quê nhà sau những năm làm lính .đánh thuê cho Mỹ, mà vẫn chưa hết bàng hoàng.

        Trong cơn hấp hối, đế quốc Mỹ và bọn tay sai vẫn ngoan cố bày mưu tính kế đẩy binh lính chống lại cách mạng. Lúc nhân dân cả nước đang phấn khởi đứng lên tự giải phóng mình và làm chủ đất nước thì quân địch ra sức đào hào, đắp ụ, xây thành trên đường số 1, ngăn chặn cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta. Chúng dùng máy bay, pháo binh ném bom, bắn phá ngay trên đường phố, gây thêm tội ác đối với đồng bào ta. Chúng điều lính dù, thiết giáp chốt chặn ở ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền. Chúng hy vọng sẽ lật ngược được vòng quay của bánh xe lịch sử. Nhưng tất cả tham vọng ngông cuồng đó của bọn cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đã bị đổ sập nhanh chóng được sức tiến công thần tốc và nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân ta.

        Bộ tư lệnh Quân đoàn dự kiến đánh chiếm sân hay Tân Sơn Nhất từ hai hướng tây và bắc, là những hướng phòng thủ hiểm yếu của địch. Trong tình hình, trên các hướng chiến dịch, thế tiến công của các quân đoàn bạn như chẻ tre, địch đang tan rã lớn, sư đoàn 25 ngụy phòng thủ phía tây bắc Sài Gòn đã bị tiêu diệt, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của sư đoàn 10 sẽ nhằm vào nơi địch tập trung lực lượng tương đối mạnh để tiến công. Đánh trúng và tiêu diệt lực lượng chủ yếu của địch trên hướng tây và tây bắc, ta sẽ nhanh chóng làm chú sân bay Tân Sơn Nhất, phát triển tiến công sang các mục tiêu khác thuận lợi, vì sức đề kháng mạnh của địch đã bị đập tan. Đó là một quyết định rất táo bạo, nhưng chắc thắng.

        Theo hướng tiến công dã dự kiến, chiều ngày 29, ban chỉ huy trung đoàn 24 dùng một đại đội và 3 xe tăng phối hợp với 1 tiểu đoàn đặc công thuộc đoàn 115 đánh chiếm trại huấn luyện Quang Trung, còn đơn vị vẫn tiếp tục tiến vào ngã ba Bà Quẹo. Tại đây, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. 20 chiến sĩ của đơn vị bi thương vong và một số xe thiết giáp bị cháy. Trung đoàn cao xạ 234 kéo pháo sát theo đội hình hành tiến của bộ binh và xe tăng, bắn rơi 3 máy bay địch, diệt 7 ổ đại liên trên các nhà tầng, bảo vệ tốt cho trung đoàn 24 tiến công vào lữ đoàn dù số 4 ngụy

        Với quyết tâm “phất cao ngọn cờ đầu thọc sâu đánh thành phố”, các chiến sĩ trung đoàn 24 bộ binh và tiểu đoàn 1 xe tăng liên tục đột kích vào quân dù, diệt các cụm hỏa lực của chúng. Quân dù ngăn chặn ở ngã ba Bà Quẹo bị đánh tan. Ban chỉ huy trung đoàn 24 liền điều 1 đại đội bộ binh, đưa súng ĐKZ ém sát ngã tư Bảy Hiền, chuẩn bị tiến công vào mục tiêu chinh.

        Đúng 21 giờ ngày 29 tháng 4, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn tiến cách sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy khoảng 3 ki-lô-mét.

        Lúc này trên các hướng chiến dịch, cuộc tiến công của các quân đoàn bạn đều phát triển  thuận lợi, không một sức mạnh nào ngăn nổi.

        Ở phía bắc Sài Gòn, Quân đoàn 1 đã bao vây Phú Lợi, tiêu diệt một bộ phận tàn binh của sư đoàn 25 từ Bến Cát chạy về Bình Dương. Đơn vị đi đầu của Quân đoàn đã đế bắc Lái Thiêu 3 ki-lô-mét. Tại khu vực Búng nằm trên đường 13, địch rút chạy về Lái Thiêu, Quân đoàn 1 đã bao vây tiêu diệt và bắt khoảng 7.000 tên. Cánh quân phía bắc còn cách Sài Gòn 30 ki-lô-mét.

        Ở hướng đông nam Sài Gòn, quân ta đánh chiếm và làm chủ Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và đang tiến về Cát Lái, cầu xa lộ Đồng Nai. Đặc công đã đánh chiếm căn cứ Nước Trong, ngã ba Long Bình. Biên Hòa đang kịch chiến, vì địch ở Hố Nai còn chống cự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:18:53 am »


        Ở phía nam và tây nam, quân ta làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, quận IV Đức Hòa, bức rút Đức Huệ, mở thông sông Vàm Cỏ Đông. Quân ta đánh chiếm ngã ba Vĩnh Lộc, cầu Sáng, lộ 10, cắt đứt lộ 4, phát triển tiến công địch ở Cần Giuộc và Hưng Long.

        Nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã nổi dậy diệt bọn ác ôn đầu sỏ, chiếm các công sở, đồn bốt địch dọc đường số 1 và nội thành. Công nhân xưởng dệt Vi-na-tếch-cô đấu tranh bắt bọn phá hoại, tề điệp, bảo vệ an toàn máy móc và tò chức tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Cả Sài Gòn dang rùng rùng nổi dậy.

        Giờ tận số của chế độ Sài Gòn đã điểm!

        Đêm 29 tháng 4, sở chỉ huy Quân đoàn nhộn nhịp hẳn lên. Những chiếc máy điện thoại réo vang, báo tin chiến thắng dồn dập của các mũi, các hướng. Tổng đài điện thoại và chiến sĩ cơ yếu nhận điện và dịch điện luôn tay từ phía trước gửi về và từ Quân đoàn gửi đi. Sư đoàn 10 báo tin vui đã chiếm xong ngã ba Bà Quẹo và đề nghị cho đánh chiếm Tân Sơn Nhất ngay trong đêm. Cán bộ, chiến sĩ ở sở chỉ huy vô cùng phấn chán, tin tưởng, lao vào chuẩn bị mọi mặt suốt đêm hôm ấy để kịp 4 giờ sáng ngày 30 hành quân vào Hóc Môn phục vụ cho Bộ tư lệnh chỉ huy đột phá vào nội thành. Cái tin quan trọng của sư đoàn 10 được cấp tốc báo lên sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

        23 giờ, Bộ tư lệnh Quân đoàn nhận được chỉ thị của Bộ tư lệnh chiến dịch: Quân đoàn 3 dùng lực lượng đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy, coi đó là nhiệm vụ chính thức của Quân đoàn, không phải nhiệm vụ phát triển hiệp đồng.

        Chỉ còn khoảng 6 tiếng đồng hồ nữa là cuộc Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn bắt đầu. Quân đoàn vinh dự nhận thêm nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Bộ tự lệnh Quân đoàn nghiên cứu, tính toán lực lượng, giao cho trung đoàn 28 đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, và lệnh cho các cụm pháo Quân đoàn, sư đoàn nhanh chóng hoàn thành mọi mặt chuẩn bị, sẵn sàng đánh vào mục tiêu.

        Mọi công việc chuẩn bị của các đơn vi cho giờ Tổng công kích vào nội thành đã xong, chỉ còn chờ lệnh hiệp đồng chung của Bộ tư lệnh chiến dịch.

        4 giờ ngày 30 tháng 4, pháo chiến dịch và ĐKZB bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy. Hòa trong tiếng nổ vang trời của pháo binh chiến dịch, các cụm pháo binh Quân đoàn và sư đoàn 10 cũng thi nhau trút đạn xuống bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân, bộ tư lệnh thiết giáp và sư đoàn 5 không quân ngụy trong sân bay. Sài Gòn rung chuyển trong tiếng nổ của các loại pháo tiến công của quân ta.

        Trên các đường phố, xe nhà binh, cảnh sát và xe chở những người “di tản” hốt hoảng lao vùn vụt. Trong các  công sở ngụy quyền, nhân viên, công chức bỏ trốn. Bọn lính và cảnh sát hàng ngày nhan nhản, hách dịch dọa nạt nhân dân, giờ đây lột vội bộ quân phục, khoác chiếc áo thường dân, tìm đường tẩu thoát.

        Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4, từng đàn máy bay lên thẳng Mỹ bật đèn sáng, hớt hải, bay rối loạn trên bầu trời Sài Gòn. Rồi từng chiếc lén lút đỗ xuống những mái nhà bằng, chở người đi tản tháo chạy vội vã. Nhân viên tòa đại sứ Mỹ cùng sĩ quan, binh lính và gia đình của chúng tranh cướp nhau lên máy bay với bọn tay sai Sài Gòn. Chúng bắn súng thị uy chửi bới, văng tục, ẩu đả loạn xị. Tiếng kêu khóc của trẻ con, phụ nữ bị chìm lắng trong mớ âm thanh hỗn độn, sợ hãi của quang cảnh Sài Gòn hấp hối.

        Ở bộ tổng tham mưu ngụy, bọn tướng tá cuống quít gọi điện đi các nơi nắm tình hình, tìm cách đối phó. Nhưng ở quân khu 3, tên tướng ngụy Nguyễn Văn Toàn đã chạy, binh lính tan rã. Sư đoàn 18 ở Đồng Nai thương vong quá nửa, số còn lại tinh thần hoang mang. Lữ đoàn 3 kỵ binh hết đạn, hết xăng Tên Niêm, tư lệnh sư đoàn 22 ở Long An chạy trốn. Lái Thiêu bị tràn ngập. Chỉ còn Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4 hứa sẽ tuân lệnh bộ tổng tham mưu, nhưng sau đó vài giờ y đã tự sát. Vĩnh Lộc ra lệnh cho thiết giáp, lính dù chặn ở Gò Vấp, ngã tư Bảy Hiền, không quân ném bom từ ngã tư Bảy Hiền đến trại huấn luyện Quang Trung. Nhưng rồi y cũng trốn nốt Thế là chút hy vọng mỏng manh của bạn tay sai Sài Gòn ngoan cố chống cự để tìm giải pháp thương lượng, ngừng bắn trong cơn hấp hối đã tan biến trong tiếng gầm của đại pháo và tiếng tiểu liên AK, tiếng pháo xe tăng T54 của mũi thọc sâu của quân ta ở ngã tư Bảy Hiền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:19:18 am »


        Đêm đã qua. Nắng sớm chan hòa trên thành phố Sài Gòn. Trung đoàn 24 bắt đầu tiến cộng tiêu diệt địch ở ngã tư Bảy Hiền. Máy bay địch giội bom xuống đường phố từ cổng số 5 đến ngã ba Bà Quẹo. Một tiểu đoàn dù từ hướng “dinh Độc Lập” ra phản kích. Trung đoàn 24 dùng đại đội 7 bộ binh và 8 xe tăng., xe bọc thép đột kích mở đường, nhưng không dứt điểm. Hỏa lực ngăn chặn của địch vẫn mạnh. Đại đội trưởng đại đội 7 cho trung đội 1 mở một mũi lên hướng bệnh viện “Vì dân” thọc vào sườn địch, tạo đà cho đơn vị tiến công vào chính diện. Nguyễn Hồng Tư dã dùng khẩu đại liên lấy được của địch ở ngã ba Bà Quẹo đặt lên xe bọc thép quét mạnh vào đội hình địch, yểm hộ cho bộ binh tiến, diệt từng cụm địch. Đại đội trưởng xe tăng Nguyễn Xuân Trường chỉ huy đơn vị táo bạo mở mũi đột kích mạnh chi viện đắc lực cho bộ binh. Nguyễn Xuân Trường đã hy sinh anh dũng, hành động của anh đã cổ vũ đơn vị xốc tới đánh thẳng vào bọn địch phản kích. Xe tăng số 985 bị hỏng pháo. Trưởng xe Mai Trọng Hoạt lệnh cho Tính lái xe tiến lên lao vào đội hình xe tăng địch. Tính dấn mạnh “ga”, mở hết tốc độ cho xe 985 vọt lên. Chiếc M48 của địch hốt hoảng, quay ngang định chạy. Nhưng Tính đã cho xe của mình lao vào chiếc xe tăng địch. Chiếc M48 không kịp bắn đã đổ nhào. Các chiến sĩ trong xe 985 choáng váng, nhưng sau giây lát định thần, Tính lại cho xe 985 tiếp tục xung phong.

        Quân địch cố thủ ngã tư Bảy Hiền bị đánh tan. Trung đoàn 24 và tiểu đoàn 1 xe tăng phát triển đánh chiếm cổng số 5, đột phá vào sân bay. Pháo binh chiến dịch và Quân đoàn ngừng bắn vào Tân Sơn Nhất.

        Công nhân xưởng dệt Vi-na-tếch-cô, nhân dân ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền vượt bom đạn giặc, đổ ra đường tiếp tế cơm nước cho bộ đội, băng bó cho thương binh và đưa vào nhà nuôi dưỡng. Nhờ đó đã tạo thêm đà cho trung đoàn 24 phát triển tiến công nhanh.

        Tại cổng số 5, các loại súng chống tăng và đại liên địch từ trong sân bay tuôn ra như vãi cát. 3 xe tăng T54 dẫn đầu của ta bị cháy nằm cản giữa đường. Đại đội 7 bộ binh tiến lên bị hỏa lực địch chặn lại. Tình hình rất gay cấn. Ban chỉ huy trung đoàn 24 điều thêm pháo 85 lên đột phá, yểm hộ cho tiều đoàn 1 và xe tăng tiến công. Nguyễn Trần Đoàn chiến sĩ lái xe tăng đại đội 1 bị thương giập nát một cánh tay vẫn không rời vi trí chiến đấu. Đoàn đã nhờ y tá cắt cánh tay cho khỏi vướng, tiếp tục cùng đơn vị đánh chiếm Tân Sơn Nhất. Hành động quả cảm của Nguyễn Trần Đoàn, biểu hiện tinh thần quyết thắng của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên, đã cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị xốc tới đánh tan quân địch ngăn chặn, mở toang cổng số 5 tiến vào sân bay.

        9 giờ 45 phút, được chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Trung Kiên dẫn đường, trung đoàn 24 và tiểu đoàn 1 xe tăng trung đoạn 273 chia làm hai mũi đánh vào Tân Sơn Nhất. Các chiến sĩ tiểu đoàn 5 tràn vào cổng số 5 tiến công khu truyền tin, bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân. Tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 6 mở cửa sổ 4, đánh chiếm bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân và các mục tiêu xung quanh, bắt liên lạc với Phái đoàn quân sự hai ba của ta ở trại Đa-vít.

        11 giờ 30 phút, trung đoàn 24 làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất và kéo lá cờ chiến thắng lên đỉnh cột cờ cao vút trong sân bay.

        Giữa lúc cuộc chiến đấu của trung đoàn 24 diễn ra gay go ở cổng số 5, các chiến sĩ trung đoàn 28 và tiểu đoàn 2 xe tăng trung đoàn 273 nổ súng đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.

        10 giờ, cổng chính vào bộ tổng tham mưu ngụy vẫn còn đóng kín. Đại đội 10 anh hùng cùng với tiểu đoàn 2 xe tăng, 2 đại đội công binh, trinh sát, tiểu đoàn cao xạ tổ chức đột phá vào cổng chính. Từ trong bộ tổng tham mưu ngụy, xe tăng và bộ binh chúng bò ra bịt cổng chính kết hợp với mũi phân kích từ phía nam tới. Chiến sĩ ta đã cắt địch ra từng cụm tiêu diệt. Bị đánh cả phía trước và phía sau, một đại đội địch hạ vũ khí đầu hàng. Thừa thắng, trung đoàn 28 chia hai mũi, một mũi đánh tràn vào cỏng chính, một mũi vòng sang phía đông nam. 3 xe M41 cuối cùng của địch tiến ra phản kích bị ta bắn cháy tại chỗ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:19:33 am »


        Vượt qua cổng chính, chiếc xe tăng mang số hiệu 001 do Nguyễn Bá Lưu chỉ huy, cùng tổ cắm cờ Trần Lựu và Nguyễn Duy Tân đại đội 10 Anh hùng, tiến thẳng vào tổng hành dinh quân ngụy. Xe tăng 001 đã lăn vết xích đầu tiên lên thềm nhà bộ tổng tham mưu ngụy. Trung đội phó Trần Lựu dùng AK yểm hộ cho tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Tân mang cờ chạy lên tầng gác. Lá cờ 3 que còn ủ rũ, Trần Lựu và Nguyễn Duy Tân giật cờ xuống, thay vào đó lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ tung bay trên tổng hành dinh quân ngụy, báo tin toàn thắng đã về ta.

        Lúc này đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4. Các chiến sĩ trung đoàn 28 sư đoàn 10 chia nhau tiến vào kiểm soát các phòng làm việc của tòa nhà bộ tổng tham mưu quân ngụy. Cao Văn Viên và đồng bọn đã chạy ra nước ngoài và lẩn trốn, nhưng căn phòng làm việc của y vẫn còn nguyên những hiện vật của tội ác bán nước. Biển đề bàn khắc tên “đại tướng Cao Văn Viên”, con dấu bộ tổng tham mưu, thanh kiếm chỉ huy khắc đậm nét “Cao Văn Viên”.

        Chiến sĩ trung đoàn 28 phát triển chiếm nhà ở của Nguyễn Văn Thiệu. Thiệu đã chạy ra nước ngoài, nhưng giấy thông hành, gậy chỉ huy, lon vai trung tướng ngụy, con dấu “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” vẫn nằm kín trong tủ. Trung đoàn 28 sư đoàn 10 đã thu toàn bộ. Đó là bằng chứng một thời của chế độ bán nước do Mỹ dựng lên đầy tội ác, đã sụp đổ tan tành  trước sức mạnh tiến công thần tốc của quân và dân ta.

        Cùng một thời điểm của lịch sử, hai lá cờ mang truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay rực rỡ ở dinh lũy cuối cùng của quân ngụy Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất là sự thể hiện sinh động tinh thần chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn.

        Cũng ở thời điểm này, các chiến sĩ trung đoàn 64 sư đoàn 320 được lệnh nhanh chóng phát triển sang quận 1, hiệp đồng với đơn vị bạn đánh chiếm “dinh Độc Lập”. Nhưng trung đoàn 64 đến nơi, đơn vị bạn đã chiếm xong dinh tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và nội các bù nhìn Vũ Văn Mẫu đã tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Ban chỉ huy trung đoàn 64 cho một đại đội đánh chiếm khu cư xá sĩ quan Mỹ. Quá trình phát triển chiến đấu ở đây, bốn chiến sĩ trung đoàn 64 đã anh dũng ngã xuống, mười hai chiến sĩ khác bị thương. Đó là những giọt máu cuối cùng của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đổ xuống đường phố Sài Gòn, góp phần cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

        Trải qua 10 ngày đêm chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh (kể từ ngày trung đoàn 174 nổ súng đánh chiếm Trà Võ, cắt đường 22 và quốc lộ 1), Quân đoàn đã tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng 19 nghìn tên địch (không kể lực lượng địch ở trại Quang Trung). Tiêu diệt 1 sư đoàn, 1 thiết đoàn xe tăng, 3 liên đoàn biệt động quân; tiêu diệt và làm tan rã lữ đoàn dù số 4, trại huấn luyện Quang Trung 2 vạn tên và 14 tiểu đoàn bảo an, 1 liên đoàn công binh. Quân đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng cảnh sát, dân vệ quận Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ (Tây Ninh), Củ Chi, Hóc Môn (Gia Định), Phú Hòa (Bình Dương). Quân đoàn đánh chiếm và làm chủ Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Đồng Dù, Hóc Môn, Thành Quan Năm, trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu, quận 3 Sài Gòn.

        Tại hội nghị tồng kết của Quân đoàn tháng 6 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến  Dũng, ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh chiến địch Hồ Chí Minh đã đánh giá và biểu dương: “Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:20:39 am »


KẾT LUẬN

        Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, dược nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, từ những đơn vị nhỏ bé ban đầu, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó trên một địa bàn chiến lược quan trọng của Tổ quốc. Với chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột tháng 3 năm 1975 và những trận vang dội tiếp theo, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 giành toàn thắng trong cả nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

        Chặng đường đã qua là chặng đường đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, nhưng cũng là một chặng đường lịch sử đầy thắng lợi, tự hào của Tây Nguyên. Như đại bàng băng qua bão tố để đi tới chân trời tươi sáng, quân và lân Tây Nguyên đã vượt qua bao hy sinh, thử thách để giành lấy đỉnh cao của thắng lợi huy hoàng.

        Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đã thể hiện lòng trung thành vô hạn của mình đối với Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân.

        Trong quá trình chiến đấu và xây dựng, các lực lượng vũ trang nhàn dân Tây Nguyên luôn luôn quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự phương châm và phương pháp tiến hành chiến tranh của Đảng vào điều kiện cụ thể của chiến trường. Luôn luôn kết hợp giữa khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận; kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài đồng thời biết tạo thời cơ và nắm vững thời cơ cùng quân và dân cả nước mở những trận tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện Tổng tiến công vả nổi dậy đè bẹp quân địch để giành thắng lợi cuối cùng.

        Trong quá trình tiến hành chiến tranh, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đã quán triệt và thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, luôn luôn gắn liền chiến đấu với xây dựng, vừa đẩy mạnh hoạt động quân sự, vừa ra sức tăng gia sản xuất tự túc lương thực, giữ vững hành lang chiến lược và xây dựng hậu phương tại chỗ của chiến trường. Quá trình ấy đã thể hiện rõ quy luật phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên là luôn luôn giữ vững và phát huy quyền chủ động tiến công trên chiến trường, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành.

        Trên địa bàn chiến lược hệ trọng này, Mỹ - ngụy đã tập trung mọi cố gắng quyết giành ưu thế. Chúng đã sử dụng nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại với khối lượng tập trung lớn, từ máy bay chiến lược B 52 được sử dụng khá sớm trong chiến dịch Plây Me (1965), bom 7 tấn ở bắc Công Tum (1971) bom điều khiển bằng tia la-de (1972)... đến các loại pháo và xe tăng hạng nặng. Chúng cũng điều lên Tây Nguyên nhiều đơn vị sừng sỏ thiện chiến như sư đoàn kỵ binh không vận số 1 - “sáng kiến vĩ đại” của Mác Na-ma-ra, sư đoàn bộ binh số 25 “Tia chớp nhiệt đới”, sư đoàn bộ binh số 1 lữ đoàn dù 173 “Thiên thần mũ đỏ”, sư đoàn dù 101... cùng nhiều đơn vị thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân ngụy. Tây Nguyên cũng là chiến trường được địch chọn làm nơi thí điểm nhiều âm mưu chiến lược và thủ đoạn chiến thuật mới.

        Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra ở Tây Nguyên rất quyết liệt và liên tục. Đó là một cuộc đọ sức gay gắt và toàn diện. Việc đánh bại quân dịch ở Tây Nguyên, giải phóng địa bàn chiến lược quan trọng của Tổ quốc là một sứ mệnh lịch sử đặt ra cho nhân dân và lực lượng vũ trang Tây Nguyên. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị to lớn đó, đòi hỏi lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyyên không những cần có quyết tâm cao, tinh thần chiến dấu dũng cảm mà còn phải có trình độ tác chiến và nghệ thuật đánh địch giỏi.

        Tây Nguyên đã khắc phục mọi khó khăn, ra sức xây dựng khối chủ lực tập trung tác chiến hiệp đồng binh chủng, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực là nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, vì nó là những đơn vị tập trung, tinh nhuệ, thiện chiến, có sức mạnh chiến dấu lớn. Trong suốt chặng đường đã đi, kể cả những lúc chiến trường gặp nhiều khó khăn nhất, Tây Nguyên vẫn luôn luôn kiên trì, tập trung mọi cố gắng để xây dựng khối chủ lực theo phương hướng tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, không ngừng nâng cao trình độ và chất lượng đánh tiêu diệt lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng. Sau khi giải phóng địa bàn Tây Nguyên, từ những đơn vị chiến đấu tại chỗ, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đã nhanh chóng chuyển thành quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ. Và, ngay sau khi vừa ra đời, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là một quá trình xây dựng rất công phu, gian khổ, đồng thời cũng là một thành công quan trọng trong việc thực hiện phương châm: vừa xây dựng vừa chiến đấu, xây dựng để chiến đấu, chiến đấu để xây dựng của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:21:00 am »


        Để tiêu diệt các bình đoàn chủ lực của địch, Tây Nguyên đã tổ chức và tiến hành nhiều chiến dịch. Do đặc điềm của địa hình Tây Nguyên và do quân địch ở xa hậu phương chiến lược của chúng, nên trong chiến dịch, ta có điều kiện chia cắt, vây hãm, nhử đích vào bẫy, vào thế của ta để tiêu diệt. Nghệ thuật chiến dịch ở Tây Nguyên được hình thành trên cơ sở đó. Ta thường kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, phối hợp chặt chẽ hoạt động của ba thứ quân đánh địch bằng cách lừa nhử, chia cắt căng kéo, vây hãm kết hợp với đột phá, tạo ra hình thế mỏng yếu trong thế trận của địch, làm đảo lộn thế trận của chúng để tiêu diệt và làm tan rã đích, mở rộng địa bàn, giải phóng nhân dân. Nét nổi bật cửa nghệ thuật chiến dịch ở Tây Nguyên lả nghệ thuật đánh địch bằng mưu và bằng thế.

        Trong việc giành thắng lợi về chiến dịch thì chiến thuật có một vị trí quan trọng, vì vậy ngoài việc nghiên cứu nghệ thuật chiến dịch, Đảng uy và Bộ tư lệnh Tây Nguyên rất coi trọng nghiên cứu phát triển chiến thuật. Tây Nguyên vận dụng hai chiến thuật cơ bản tương đối tốt là đánh địch trong công sự vững chắc và đánh địch trong vận động tiến công. Hai chiến thuật này trong quá trình vận dụng luôn luôn được rút kinh nghiệm, bổ sung và phát triển, nâng lên trình độ đánh tiêu diệt tương đối cao.

        Khi trình độ đánh tiêu diệt của bộ đội đã được nâng cao và diễn ra một cách phổ biến, liên tục thì bộ mặt chiến trường thay đổi rõ rệt, thế tiến công của ta càng phát triển mạnh mẽ, vùng giải phóng càng được mở rộng liên hoàn và không ngừng được củng cố.

        Trong cuộc chiến đấu giáp mặt với quân thù trên chiến trường, hơn ai hết, các chiến sĩ là người đầu tiên đón nhận và có phản ứng nhạy bén trước mọi thủ đoạn mới cửa địch. Vượt khó nên khôn, qua thực tiễn chiến đấu mà trưởng thành, bộ dội Tây Nguyên đã vận dụng sáng tạo linh hoạt và tìm ra nhiều cách đánh phong phú, bẻ gãy các thủ đoạn của địch để giành thắng lợi trên chiến trường. Từ những mầm mống đầu tiên xuất hiện trong các trận đánh của bộ đội, Mặt trận đã kịp thời đúc kết kinh nghiệm, không ngừng bổ sung qua thực tiễn và đã trở thành các chiến thuật hoàn chỉnh.

        Tây Nguyên còn được thể nghiệm là một chiến trường tác chiến hiệp đồng binh chủng sớm. Từ năm 1968, Bộ tư lệnh Mặt trận đã mạnh dạn chỉ đạo sử dụng các loại pháo cơ giới. Năm 1972 đã sử dụng rộng rãi pháo mặt đất, pháo cao xạ và xe tăng, xe bọc thép. Nhờ vậy đã đẩy mạnh được tác chiến quy mô lớn, đẩy nhanh việc hình thành nghệ thuật chiến dịch của các binh đoàn chủ lực, phát triển thế trận tiến công và trình độ đánh tiêu diệt, đẩy mạnh được nhiệm vụ giải phóng đất đai, xây dựng và mở rộng căn cứ.

        Trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang ở chiến trường, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận đặc biệt coi trọng và thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng và nhiệm vụ của chiến trường, luôn luôn gắn chặt nhiệm vụ giải phóng miền Nam, giải phóng Tây Nguyên với nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và nghĩa vụ quốc tế. Trên cơ sở đó, xây dựng sự nhất trí cao độ về chính trị, củng cố và nâng cao ý chí, quyết tâm, giữ vững và phát huy bản chất tốt dẹp của quân đội ta.

        Đảng úy và Bộ tư lệnh, Mặt trận luôn luôn chăm lo xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, cấp ủy đảng và trình độ tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ, xem đó là khâu quyết định trong việc thực biện thắng lợi đường lối nhiệm vụ của Đảng trên chiến trường. Nhở đó, suốt cuộc kháng chiến chổng Mỹ, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đã đoàn kết gắn bó với đảng bộ và đồng bào địa phương, vượt qua muôn vàn thử thách ác liệt, trụ bám địa bàn, không ngừng giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến trường, càng đánh càng trưởng thành và đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

        Hoạt dộng trên một địa bàn đất rộng người thưa, núi rừng hiểm trở, nền kinh tế chưa phát triển, đời sồng nhân dân còn nhiều khó khăn, lại ở xa hậu phương chiến lược và cuộc chiến đấu giữa ta với địch diễn ra rất quyết liệt, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, biết bao câu hỏi và sự việc mới mẻ, khó khăn đã dặt ra cho các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên. Phát huy tinh thần tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đã luôn luôn chủ động đón nhận và sẵn sàng làm tất cả một công việc cần thiết để xây dựng lực lượng, vươn lên chiến thắng kẻ thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:21:58 am »


        Cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên đã không ngừng rèn luyện, xây dựng cho mình một bản lĩnh vững vàng, một tinh thần tích cực, chủ động về mọi mặt và có ý chí, nghị lực khắc phục khó khăn, cải tạo hoàn cảnh, tự làm mọi việc để giữ vững và từng bước cải thiện dời sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của cuộc chiến đấu.

        Ngoài nhiệm vu huấn luyện và tác chiến, bộ đội còn sản xuất lương thực, thực phẩm, làm công tác vận chuyển, mở mang đường sá, thiết bị chiến trường, cáng thương, dẫn khách ra vào, hướng dẫn, giúp đỡ đảng bộ và chính quyền địa phương xây dựng cơ sở, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang quần chúng. Các đơn vị còn tự lo liệu mọi công việc trong cuộc sống hàng ngày như làm nhà, gặt hái, xay giã, chế biến lương thực, thực phẩm, khâu vá, rèn nông cụ... Công việc quanh năm của bộ đội Tây Nguyên diễn ra như một vòng quay khép kín, chiến đấu ở phía trước về là bắt tay vào đốt rẫy, gieo trồng, làm cỏ, xây dựng lán trại, huấn luyện quân sự, học tập chính trị, làm đường sá, gùi gạo đạn... chuẩn bị cho chiến dịch, rồi lại bước vào chiến đấu.

        Các đơn ví bộ đội từ các nơi vào sống và chiến đấu ở Tây Nguyên đều phải trải qua một giai đoạn vật lộn đầy gian nan, thử thách để thích nghi với hoàn cảnh mới của chiến trường. Nhưng rồi, càng ở lâu càng thiết tha gắn bó và yêu mến Tây Nguyên, càng tự hào về sự trưởng thành toàn diện và nhanh chóng của mình. Dù rời khỏi chiến trường, các đơn vị vẫn giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình chiến đấu gian khổ nhưng rất giàu tình cảm và kỷ niệm ở Tây Nguyên.

        Nhiệm vụ, hoàn cảnh và đặc điểm của chiến trường đã rèn luyrện cho người chiến sĩ Tây Nguyên những đức tính đáng quý. Đó là sự cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, tiết kiệm, khiêm tốn, giản dị, rất mực yêu thương đồng chí, đồng bào và luôn luôn có ý chí, nghị lực vượt qua gian lao, thử thách để vươn lên chiến thắng kẻ thù.

        Để khẳng định và phát huy truyền thống đó, ngày 26 tháng 3 năm 1976, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Quân đoàn, tại Thủ Dầu Một, hội nghị Đảng ủy Quân đoàn 3 đã đúc kết lại khái quát .truyền thống chiến đấu vẻ vang của các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên bằng 12 chữ vàng: “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, tự lực”.

        Quân đoàn 3 đã có vinh dự kế tục truyền thống tốt đẹp của các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên. Truyền thống 12 chữ vàng đó là tinh hoa được xây đắp trong quá trình đấu tranh để tồn tại và chiến thắng kẻ thù. Nó là sản phẩm được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu và không ngừng được phát huy phát triển qua thực tiễn chiến trường. Truyền thống ấy cũng chính là di sản tinh thần quý giá của những người đã mất, của những người đã từng chiến đấu và chiến tháng để lại cho lớp đàn em mai sau đang kế tục sự nghiệp chiến đấu và lao động dựng xây trên dải đất cao nguyên miền Tây của Tổ quốc.

        Truyền thống vẻ vang của các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên bắt nguồn từ bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng: “Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Truyền thống đó được vận dụng và phát huy trong hoàn cảnh cụ thể ở chiến trường Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. cứu nước vĩ đại.

        Tây Nguyên nằm trong thế trận chung của cả nước, mỗi gian nan, vật lộn, mỗi thắng lợi, trưởng thành của Tây Nguyên đều gắn liền với bối cảnh chung của cách mạng cà nước. “Tây Nguyên luôn luôn gắn bó với cả nước và cả nước đã kề vai sát cánh với Tây Nguyên chiến đấu lâu dài và anh dũng, biến Tây Nguyên thành căn cứ địa thần thánh của cách mạng ở miền Nam”1.

        Trong quá trình tiến hành chiến tranh, lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên luôn luôn nhận dược sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và sự chỉ dạo chặt chẽ kịp thời của Bộ Tổng tư lệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã dành cho đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên sự săn sóc ân cần và tình thương yêu ấm áp. Người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, nhịp thở của chiến trường và đã nhiều lần gửi thư động viên, có vũ quân và dân Tây Nguyên tiến lên giành thắng lợi. Ánh sáng và niềm tin yêu của Đảng, của Bác là nguồn sức mạnh để quân và dân Tầy Nguyên vững bước vượt qua mọi thác ghềnh, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

--------------------------
        1. Trích bài nói của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc mít tinh do tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc tổ chức ngày 11 tháng 4 năm 1978 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Báo Nhân dân số 8731, ngày 23 tháng 4 năm 1978.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:22:41 am »


        Tây Nguyên còn luôn luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao và quan tâm giúp đỡ của Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5.

        Tấm lòng hậu phương và nguồn chi viện sức người, sức của vô tận của miền Bắc xã hội chủ nghĩa; thế trận hiệp đồng chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân các nước Đông Dương, mà trực tiếp là chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia; sự phối hợp nhịp nhàng, chia lửa với Tây Nguyên của các chiến trường đồng bằng Khu 5, Nam Bộ, Trị - Thiên... đã góp phần vô cùng quan trọng để quân và dân Tây Nguyên giành thắng lợi.

        Mỗi viên đạn, hạt muối. kiện hàng... từ hậu phương lớn gửi vào tiếp sức cho chiến trường gắn liền với bao mồ hôi, xương máu của cán bộ và chiến sĩ đoàn Trường Sơn. Những chiến sĩ vô danh ấy đã góp phần không nhỏ vào thẳng lợi của Tây Nguyên và các chiến trường.

        Trong những năm tháng chiến gian khổ, quyết liệt, Tây Nguyên luôn luôn nhận được sự chi viện, động viên thắm tình kết nghĩa của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc anh em. Nhiều con, em các dân tộc ít người, quanh năm quen sống trên các triền núi cao ở địa đầu phía bắc Tổ quốc, chưa một lần rời bản, xa quê đã nghe theo tiếng gọi chống Mỹ, cứu nước thiêng liêng của Đảng, hành quân xa ngàn dặm vào tham gia chiến đấu trên quê hương kết nghĩa Tây Nguyên.

        Thắng lợi giành được trên chiến trường Tây Nguyên còn quyết định bởi ý chí cách mạng kiên cường và sự đóng góp hy sinh không bờ bến của đảng bộ lực lượng vũ trang địa phương và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thấm nhuần sâu sắc chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã dũng cảm vượt qua mọi gian kho, thiếu thốn và ác liệt, kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang kiên trì chiến đấu cho tới thắng lợi cuối cùng. Lòng dân Tây Nguyên là pháo đài vững chắc, là chiếc nôi nuôi dưỡng để lực lượng vũ trang đứng vững và chiến thang trên chiến trường.

        Tinh thần đoàn kết keo sơn, chung sức chung lòng tất cả vì thắng lợi của cách mạng và tình yêu thương son sắt, thủy chung giữa lực lượng vũ trang với đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Nguyên là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng đã làm nên thắng lợi. Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên, mà Quân đoàn 3 là người kế tục, nguyện nâng niu, giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó, mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn to lớn của đảng bộ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

        Thắng lợi vẻ vang trên còn do tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời và sự hy sinh to lớn của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ nhiều thế hệ, nhiều dân tộc từ mọi miền đất nước theo tiếng gọi thiết tha của Tổ quốc đã về đây cùng sống và chiến đấu. Họ sẵn sàng ăn lá rừng, uống nước suối, chịu đựng thiếu thốn, bệnh tật và bom đạn ác liệt cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp giải phóng và tương lai tươi sáng của Tây Nguyên. Biết bao người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do muôn đời của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhan dân, vì nghĩa vụ thiêng liêng đổi với dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

        “Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, những người con trung hiếu mẫu mực của nhân dân, gương trung liệt nghìn thu sáng mãi!”1.

        Năm tháng qua đi, lịch sử tiến nhanh về phía trước. Một chặng đường đầy sóng gió và hiển hách chiến công chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Tây Nguyên đã đi vào quá chứ. Những chiến thắng sôi động, những tên người, tên đất mới mẻ hôm qua, giờ đây đã đi vào lịch sử. Những cánh rừng, ngọn núi ngùn ngụt lửa đạn, những chiến địa loang máu giặc đã trở thành nông trường, nhà máy... Những địa danh gợi lên biết bao kỷ niệm: “Cầu Lầy”, “Bãi C1”, “Cây đa gió lộng”, “Cổng trời”, “Dốc Hồ Minh Nhật”... và biết bao câu ca dí dỏm, thông minh của chiến sĩ, phân ánh từng chặng đường gian khổ mà rất đỗi lạc quan của chiến trưởng sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của cán bộ và chiến sĩ.

        Những chiến công bất diệt, những phẩm chất, truyền thống và những bài học lớn của Tây Nguyên sẽ còn sống mãi và âm vang trong lịch sử như một bài ca không tắt. Nó là mạch nước ngầm chảy mãi, bồi đắp cho lớp lớp thế hệ hiện tại và mai sau.

--------------------------
        1. Trích diễn văn của đồng chí Lê Duẩn đọc tại mít tinh mừng thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta, ngày 15 tháng 5 năm 1976.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:25:09 am »

         
        Trong đội ngũ lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên, giờ đây nhiều đồng chí đã trưởng thành lên những cương vị mới: các cán bộ lãnh đạo, các vị tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân dội. Nhiều đồng chí đã chuyển ra hoạt động trên các lĩnh vực và địa phương khác nhau. Không ít đồng chí đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình trong hai cuộc trường chinh của dân tộc và biết bao lớp lớp chiến sĩ đi đầu đánh Mỹ, diệt ngụy trên chiến trường năm xưa đã trở lại ruộng đồng, công trường, nhà máy trên mọi miền đất nước. Dù ở cương vị công tác nào và ở vùng quê nào, Tây Nguyên vẫn hiện lên gần gũi thân thương:

                            “Tây Nguyên, đi một lần qua đó
                             Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau”
1.

        Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dân tộc ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới, theo tiếng gọi của Đảng, hàng trăm cán bộ và chiến sĩ thuộc Binh đoàn Tây Nguyên đã rời đồng bằng, đô thị, khoác ba lô ngược đường 19, 21… trở về với các buôn làng Tây Nguyên, chung tay xây dựng cuộc sống mới trên dải đất vừa sạch bóng quân thù. Lại một lần nữa họ từ giã gia đình quê hương ra đi sau bao năm chiến tranh xa cách, tiếp tục cống hiến sức lực của mình vì ấm no, hạnh phúc và tương lai tươi sáng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Như dũng sĩ năm xưa trong trận đánh, họ lại xông xáo đi đầu trên mặt trận xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu đầy phức tạp khó khăn và không kém phần thử thách. Tình sâu nghĩa nặng với Tây Nguyên, truyền thống đoàn kết, quyết thắng, sáng tạo... của chiến trường xưa đang tiếp sức cho họ hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận mới.

        Tây Nguyên là niềm tự hào của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Lớp lớp thế hệ trẻ từ mọi miền đất nước sẽ về đây khai phá, dựng xây làm giàu cho Tổ quốc. Bước chân của họ sẽ đặt lên nền đất cũ chiến hào - nơi những người thân của họ đã từng sống, chiến đấu và nhiều người đã anh dũng ngã xuống.

        Trên mảnh đất này, cái quá khứ anh hừng trong chiến tranh giải phóng Tổ quốc đang tiếp sức cho hiện tại xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoàn cảnh mới đã khác. nhưng trên con đường lao động sáng tạo cũng như trong chiến đấu bảo vệ biên cương, nhiều khó khăn, thử thách mới đang đặt ra. Bài học về ý chí, nghị lực cách mạng, dũng khí tiến công và truyền thống quyết thắng, sáng tạo, tự lực vẫn có giá trị lớn đổi với họ.

        … “Cả trăm nghìn người đã ngã xuống trên miền đất thân thương này của Tổ quốc, nếu không làm cho rừng núi Tây Nguyên trở nên tươi đẹp, giàu có, vững mạnh thì chúng ta có tội biết bao với các liệt sĩ, với những bà mẹ đã cống hiến những đứa con yêu quý cửa mình. Chúng ta tin chắc, ngày mai, hàng trăm nghìn thanh niên trai, gái sẽ nối gót lớp trẻ hôm nay đến đây tiếp tục sự nghiệp xây dựng và khai phá ở Tây Nguyên, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự vững mạnh muôn đời của Tổ quốc Việt Nam”2.

        Ngày nay trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Tây Nguyên vẫn giữ một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Tây Nguyên sẽ mãi mãi là pháo đài vững chắc, là căn cứ hùng mạnh và bất khả xâm phạm của Tồ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        Được vinh dự kế tục truyền thống tốt đẹp và lịch sử chiến đấu vé vang của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên, lớp lớp cán bộ và chiến sĩ trong đội ngũ Quân đoàn 3 hôm nay đang ra sức: “Xây dựng Quân đoàn 3 thành một quân đoàn chính quy hiện đại, có sức cơ động nhanh, đột kích mạnh, sẵn sàng chiến dấu cao và chiến đấu giỏi, sản xuất, đoàn kết và vận động nhân dân giỏi - là một trong những quân đoàn mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam”3.

        Nối tiếp những chiến công hiển hách năm xưa, Quân đoàn đã chiến đấu anh dũng và lập công xuất sắc trên mặt trận Tây Nam, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc. Trong nghĩa vụ quốc tế của mình, với sức cơ động nhanh, đột kích mạnh và tinh thần chiến đấu ngoan cường, Quân đoàn và các đơn vị bạn đã sát cánh chiến đấu cùng với quân và dân Cam-pu-chia anh hùng, tiêu diệt tận gốc chế độ độc tài, phát xít tay sai Bắc Kinh của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xa-ry, đưa dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi nguy cơ diệt chủng.

        Dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đang ra sức bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, giữ vững và phát huy truyền thống quý báu, sẵn sàng cùng toàn quân và toàn dân ta đập tan mọi mưu đồ khiêu khích và xâm lược của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn Trung quốc câu kết với chủ nghĩa đế quốc quốc tế bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn mọi nghĩa vụ quốc tế, nguyện mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân.

Viết xong vào dịp kỷ niệm lần thứ 5        
Ngày thành lập Quân đoàn             
(26/3/1975 – 26/3/1980)             

--------------------------
       1. Thơ chiến sĩ.

        2. Trích bài nói của đồng chí Lê Duẫn trong cuộc mít tinh do tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc tổ chức ngày 11 tháng 4 năm 1978 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Báo Nhân dân số 8731, ngày 23 tháng 4 năm 1978.

        3. Trích nghị quyết Đảng ủy Quân đoàn 3 về phương hướng và nhiệm vụ xây dựng Quân đoàn, tháng 3 năm 1976.


HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM