Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:42:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước  (Đọc 26337 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:09 am »


Chương chín

TÂY NGUYÊN MỞ MÀN CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC XUÂN 1975 ĐẠI THẮNG


1. CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG - KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN CỦA LỰC LƯỢNGVŨ TRANG NHÂN DÂN TÂY NGUYÊN XUÂN 1975

        Sau gần hai năm tiến hành kế hoạch “bình định”, lấn chiếm, quân địch đã bị ta giáng đòn nặng nề. Hè - Thu 1974, quân chủ lực ngụy bị tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận, quân số thiếu hụt, tinh thần chiến đấu sa sút. Chúng phải lùi về phòng ngự bị động để giữ những phần đất chúng tạm thời kiểm soát, nhất là đô thị. Trên toàn Miền lúc đó, lực lượng chủ lực ngụy có 13 sư đoàn chính quy, 18 liên đoàn biệt động, hơn 2.000 xe tăng, xe bọc thép, 1.500 khẩu đại bác, 6 sư đoàn không quân cùng hàng vạn bảo an, dân vệ, cảnh sát phải phân tán dàn mỏng, đối phó với ta suốt từ Trị - Thiện, Tây Nguyên đến Nam Bộ.

        Hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược dù và lính thủy đánh bộ bị giam chân ở Trị - Thiên, thường xuyên phải đối đầu với khối chủ lực Mặt trận Đường 9 của ta. Phần lớn lực lượng bộ binh, pháo binh, thiết giáp. không quân và lực lượng địa phương quân còn lại tập trung vào tuyến phòng ngự Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn - Gia Định và một phần ở Cần Thơ, Chương Thiện, đường số 4...

        Trên địa bàn quân khu 2, địch bố trí 2 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân, 14 tiểu đoàn và một số đại đội pháo binh, 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng, xe bọc thép, 2 sư đoàn không quân với 138 máy bay chiến đấu. Chúng phải rải lực lượng ra phòng giữ, chống đỡ với các cuộc tiến công của ta trong 12 tỉnh duyên hải và miền núi. Riêng ở Tây Nguyên, quân đoàn 2 đã tập trung hơn hai phần ba lực lượng bộ binh, pháo binh, hầu hết lực lượng thiết giáp và 1 sư đoàn không quân.

        Giữa tháng 12 năm 1974, tên chuẩn tướng Lê Văn Thân lên làm tư lệnh phó quân khu 2, phụ trách các “lực lượng an ninh lãnh thổ” và “công chức an ninh phát triển”, đi kiểm tra các tiểu khu và lập một “kế hoạch đặc biệt 3 tháng” đầu năm 1975 phòng giữ Tây Nguyên và đồng bằng. Thực chất là tăng cường lực lượng địa phương đánh phá cơ sở cách mạng trong vùng chúng kiểm soát, thực hiện “chiến dịch bình định cấp tốc, lập tức” trong 3 tháng đầu năm của Thiệu, ngăn ngừa và chống đỡ với các cuộc tiến công của ta.

        Xuất phát từ quan điềm quân sự tư sản phản động, máy móc và do không phán đoán được ý định, khả năng của ta, đồng thời bị tác động của nghệ thuật nghi binh chiến dịch của ta, địch đã tập trung lực lượng mạnh vào hướng bắc Tây Nguyên. Trên khu vực Công Tum, Plây Cu chúng bố trí sư đoàn 23 (thiếu), 6 liên đoàn biệt động quân, 2 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn và 21 tiểu đoàn bảo an. Đắc Lắc và Quảng Đức có trung đoàn 53, 1 thiết đoàn, 2 tiểu đoàn pháo binh, 12 tiểu đoàn bảo an và liên đoàn biệt động quân số 21. Phú Bổn có 4 tiểu đoàn bảo an.

        Cách bố trí lực lượng của địch bộc lộ nhược điểm rất lớn về thế trận phòng ngự. Quân chủ lực địch dễ bị giam chân, mắc kẹt ở Công Tum, Plây Cu khi ta thực hành chia cắt chiến dịch, cắt đứt đường 14, 19, 21. Trái lại ở Quảng Đức và Đắc Lắc, chủ yếu là Đắc Lắc, nơi ta có điều kiện phát huy sức mạnh của binh chủng hợp thành thì ở đó địch lại yếu và cô lập, dễ bị tiêu diệt vỡ tan vỡ nhanh chóng trước sức tiến công của ta. Đây là biểu hiện sự lúng tung, bị động, sự mâu thuẫn giữa ý đồ phòng ngự với khả năng, lực lượng có hạn trong thế bố trí trên một địa bàn chiến lược quan trọng của địch.

        Được Nghị quyết 21 của Trung ương soi sáng, ngay từ tháng 2 năm 1974, Bộ đã dự kiến phương hướng chiến lược trong hai năm 1975, 1976 và chỉ rõ “Đòn tiến công chính cửa chủ lực là ở Tây Nguyên”. Nên tập trung vào hai mức: “Tiêu diệt địch, giải phóng hai tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn. Cắt đường 19, bao vây, cô lập Công Tum, Plây Cu. Mức cao nhất tập trung giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, trước hết tiêu diệt địch, giải phóng Công Tum, Plây Cu”1.

        Như vậy, chẳng những Bộ xác định đòn tiến công chiến lược của ta ở Tây Nguyên mà còn dự kiến cả mức độ, hướng chính và yêu cầu từng mức phải đạt. Thực tiễn chiến trường chứng minh dự kiến phương hướng chiến lược của Bộ là có cơ sở vững chắc. Sự chỉ đạo kịp thời đó đã tạo thuận lợi cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận chủ động nghiên cứu, chuẩn bị trước về mọi mặt.

        Giữa năm 1974, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cử đồng chí Vũ Lăng làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy Mặt trận, thay đồng chí Hoàng Minh Thảo và đồng chí Trần Thế Môn đi nhận nhiệm vụ khác.

        Trước khi vào chiến trưởng, đồng chí Vũ Lăng được các đồng chí ở cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu trao đổi, gợi ý sơ bộ về nhiệm vụ năm 1975. Ý đồ chiến lược của trên và nhiệm vụ của khối chủ lực Tây Nguyên được rõ dần. Tháng 9 năm 1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh B3 mở chiến dịch nam Tây Nguyên. Khu vực tác chiến lúc đầu chủ yếu là Thuần Mẫn, Đức Lập. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận nghiên cứu quán triệt nhiệm vụ và phổ biến sơ bộ cho các ngành liên quan chuẩn bi trước.

--------------------------
        1. Điện số 01/TK-G6/1 của Quân ủy Trung ương, ngày 14 tháng 2 năm 1974.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:44 am »


        Giữa lúc toàn Mặt trận khẩn trương chuẩn bi theo nhiệm vụ Bộ giao lần thứ nhất thì tháng 10 năm 1974, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo về kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1975. Hội nghi đã phân tích sâu sắc toàn diện về tình hình miền Nam và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ khi ta đánh lớn, ngụy quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ. Hội nghị dã thống nhất một nhận định quan trọng: “Mỹ đã rút ra khỏi miền Nạm thì khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam, và dù chúng có can thiệp đến thế nào đi nữa cũng không cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”1. Sau khi phân tích, cân nhắc kỹ các mặt về tình hình trong nước và thế giới, Bộ Chính tri và Quân ủy Trung ương nêu quyết tâm: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975, 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta”2     …

        Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công có ý nghĩa chiến lược 1975 và nhấn mạnh: “Cần đánh mở rạ ở Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa”3. Ngoài kế hoạch hai năm, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương còn dự kiến phương án: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”4.

        Trong lúc địch tập trung lực lượng mạnh ở hai đầu (Trị - Thiên và vùng Sài Gòn - Gia Định), yếu và sơ hở ở giữa (quân khu 2), Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chính là một quyết đinh vô cùng sáng suốt và chuẩn xác. Đánh mở ra ở Tây Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng. Khi tập đoàn phòng ngự của địch ở Tây Nguyên bị tiêu diệt, ta cỏ điều kiện mở cuộc tiến công tiếp theo giải phóng vùng đồng bằng đông dân Trung Trung Bộ, thực hiện chia cắt chiến lược, cô lập quân khu 1 của địch, trực tiếp uy hiếp quân khu 3, nhất là Sài Gòn - Gia Định. Thế trận phòng ngự của địch trên toàn miền Nam sẽ nhanh chóng tan vỡ.

        Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ Bộ Chính trị đề ra cho quân và dân miền Nam, Ngày 13 tháng 11 năm 1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên lần thứ hai. Nhiệm vụ lần này được mở rộng phạm vi, quy mô và mục tiêu cụ thể của cuộc tiến công:

        - Tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, diệt, làm bị thương từ 4 đến 5 vạn tên, trong đó diệt từ 3 đến 4 trung đoàn, liên đoàn bộ binh, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng từ 1 đến 2 sư đoàn chủ lực ngụy, diệt nhiều tiểu đoàn bảo an, trung đội dân vệ, làm tụt nhanh quân số của chúng. Mở rộng hành lang chiến lược từ đường 14 qua Gia Nghĩa xuống đường 20 nối với miền Đông Nam Bộ và từ Tây Nguyên xuống ba tỉnh Khu 5.

        - Giải phóng nhân dân và phần lớn vùng đất bằng nam Plây Cu và Cheo Reo, xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch “bình định” nống lấn và thủ đoạn giải tỏa của địch, giữ vững, phát huy quyền làm chủ chiến trường, thực hiện chia cắt chiến lược. Tích cực phối hợp với mặt trận đánh phá “bình định” ở đồng bằng. Cụ thể diệt từ 3 đến 4 tiểu khu, chi khu, từ 1 đến 2 tỉnh lỵ (Gia Nghĩa, Cheo Reo).

        - Đánh phá giao thông và hậu cứ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho tiềm lực kinh tế địch giảm sứt trầm trọng. Khi có thời cơ, thực hiện chia cắt hẳn các đường 14, 19, 21, trọng điểm là đường 19.

        - Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã. Ra sức xây dựng cơ sở tự vệ mật, các tổ chức biệt động, diệt ác ôn đầu sỏ, tạo thế làm chủ cơ sở.

        - Xây dựng ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, đường chiến dịch, chiến lược, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.

        Những nhiệm vụ trên đều có liên quan mật thiết với nhau, nhiệm vụ này làm tiền đề, điều kiện cho nhiệm vụ kia phát triển và ngược lại. Nhưng nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, giải phóng địa bàn là nhiệm vụ trung tâm quan trọng số một có tính quyết định.

--------------------------
        1.  , 2. , 3. , 4. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 27, 33, 34, 35.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:41:13 am »


        Ngày 1 tháng 12 năm 1974, Đảng ủy Mặt trận họp mở rộng quán triệt nhiệm vụ Bộ giao và đề ra nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên. Trong 5 ngày làm việc, Đảng ủy tập trung nghiên cứu thảo luận tình hình địch, ta, nhiệm vụ chiến trường, phương châm và cách đánh. Về địch, Đảng ủy kết luận: “Quân ngụy đang có bước suy yếu mới toàn diện không gượng dậy được, xu thế của chúng là lùi về phòng ngự, bị động”. Về nhiệm vụ chiến trường, Đảng ủy nhấn mạnh phải nắm vững khâu chủ yếu là tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, giải phóng địa bàn. Để tiêu diệt lớn địch, phải chuẩn bị trước lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ở mức cao nhất, tốt nhất và phải có cách đánh thích hợp.

        Căn cứ vào phương châm chung của Bộ Chính trị đề ra, Đảng ủy Mặt trận nêu phương châm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến của chiến dịch nam Tây Nguyên: “Mạnh bạo, chắc thắng, chủ động, cơ động, linh hoạt, bí mật bất ngờ”. Trong tình hình quân Mỹ rút khỏi miền Nam, ngụy quyền Sài Gòn đang vấp phải những mâu thuẫn chồng chất và suy yếu, lực lượng cách mạng miền Nam lớn mạnh và ở thế áp đảo, thì đây là phương châm đúng đắn phù hợp với tình hình, mang tính cách mạng và khoa học cao. Để vận dụng tốt phương châm đề ra, Đảng ủy nhấn mạnh, trong chỉ đạo và thực hiện cần nắm vững những quy luật cơ bản của chiến tranh cách mạng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị với ngoại giao, phá hủy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân, tiến công địch bằng ba mũi giáp công ở cả ba vùng chiến lược, tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch.

        Để bảo đảm cho bộ đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ của chiến dịch, về công tác hậu cần, Đảng ủy nêu hai vấn đề lớn:

        Một là, bảo đảm vững chắc, kịp thời cho bộ đội có vũ khí, đạn dược, vật chất cần thiết và sức khỏe tốt.

        Hai là, tổ chức tốt việc bảo vệ, bảo quản, sửa chữa sản xuất, tích trữ lương thực, vũ khí, xe, máy... nhằm đáp ứng phục vụ nhiệm vụ trước mắt và có dự trữ cho nhiệm vụ tiếp theo.

        Nhiệm vụ do đòi hỏi phải xây dựng ngành hậu cần Mặt trận thành hậu cần của một binh đoàn cơ động phụ vụ tác chiến hiệp đồng bình chủng quy mô lớn.

        Năm 1975 là năm tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh toàn diện trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Do bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, cuộc đấu tranh sẽ quyết liệt, phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ rất cao, mang tính chất kiên quyết, khẩn trương. Do đó, Đảng ủy Mặt trận chủ trương: “Bằng mọi biện pháp thích hợp với tình hình cụ thể, tiến hành công tác tư tưởng và tổ chức một cách tích cực, kể cả phía trước và phía sau, cơ quan và đơn vị, nhằm tạo nên chuyển biến căn bản, toàn diện. có khí thế và hành động cách mạng sục sôi tự giác, bảo đảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, nhiệm vụ tranh thủ nhân dân”1. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương, Nghị quyết Quân ủy Trung ương và nhiệm vụ chiến trường, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên: “Vững vàng trước mọi diễn biến của tình hình, tích cực tiến công địch trong mọi hoàn cảnh; mục tiêu nào cũng đánh, lực lượng nào cũng đánh, đánh liên tục, dẻo dai, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm giành thắng lợi cao nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”2.

        Về xây dựng Đảng, phải xây dựng toàn diện, nhưng chú trọng phát huy sức mạnh của các cấp uy đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên. Đảng viên tiếp tục phấn đấu theo 5 yêu cầu của cuộc vận động rèn luyện nâng cao chất lượng đảng viên. Xây dựng chi bộ thực sự  vững mạnh về chính tri, tư tưởng, tổ chức, có năng lực lãnh đạo toàn diện”3.

        Trong công tác cán bộ, hướng vào việc bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy đơn vị chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Trên cơ sở đó, đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ “có phẩm chất, tài năng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có nhiệt tình cách mạng cao, có đầy đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ”4.

        Nghị quyết Đảng ủy tháng 12 năm 1974 đã vạch ra những nhiệm vụ cụ thể về quân sự, chính trị, hậu cần và tạo nên sự nhất trí cao độ đối với chủ trương chiến lược của Đảng trong toàn đảng bộ Mặt trận.

        Giữa lúc Tây Nguyên đang khẩn trương chuẩn bị thì ngày 13 tháng 12, một tin vui từ miền Đông Nam Bộ đưa tới: đêm 12 bộ đội ta tiến công chi khu Bù Đốp ở tỉnh Bình Phước, đến ngày 16 đã quét sạch hệ thống đồn bốt từ đông bắc Đồng Xoài đến Kiến Đức và từ ngã ba Liễu Đức đến cầu Phước Tín. Thừa thắng, ngày 26 tháng 12, ta diệt gọn chi khu Đồng Xoài, ngày 30 diệt gọn chi khu Phước Bình và ngày 6 tháng 1 năm 1975, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Mỹ - Thiệu làm rùm beng “sự kiện Phước Long”. Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Ô-ki-na-oa đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp; một bộ phận hạm đội 7 được điều đến bờ biển nam Việt Nam; quân chủ lực ngụy ồ ạt phản công “tái chiếm Phước Long”. Nhưng bị thất bại thảm hại, cuối cùng cả Mỹ lẫn ngụy phớt lờ đi “sự kiện Phước Long”.

        Qua sự kiện Phước Long, ta thấy quân ngụy đang suy yếu nghiêm trọng không đủ sức phản kích chiếm lại những vùng đã mất và Mỹ khó có khả năng can thiệp bằng lực lượng quân sự trở lại vào miền Nam. Thời cơ trực tiếp giải phóng Tây Nguyên đã mở.

--------------------------
        1. , 2. , 3. , 4. Trích Nghị quyết Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 12 năm 1974.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:42:09 am »


        Ngày 21 tháng 1 năm 1975, đồng chí Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng vào phổ biến chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương ngày 9 tháng 1 năm 1975 về nhiệm vụ chiến dịch Nam Tây Nguyên. Cụ thể là phải tiêu diệt từ 4 đến 5 trung đoàn bộ binh, từ 1 đến 2 trung đoàn thiết giáp, nhiều tiểu đoàn bảo an, trung đội dân vệ. Cố gắng đánh quy hoặc tiêu diệt 1 sư đoàn, đánh thiệt hại nặng quân đoàn 2. Giải phóng phần lớn hoặc hoàn toàn các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức, gồm ba thị xã Cheo Reo, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột. Trọng điểm là tỉnh Đắc Lắc, mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột, mục tiêu quan trọng là ba quận ly Đức Lập, Thuần Mẫn, Kiến Đức. Hướng phát triển là Cheo Reo, Gia Nghĩa. Cheo Reo là hướng phát triển chủ yếu.

        Sau Tết âm lịch, trời xuân nắng dịu, tại sở chỉ huy của đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tồng tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, theo quyết định của trên tuyên bố thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận1      Tây Nguyên.

        Trung tướng Hoàng Minh Thảo: Tư lệnh.

        Đại tá Đặng Vũ Hiệp: Chính ủy,

        Thiếu tướng Vũ Lăng và các đồng chí đại tá Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang: Phó Tư lệnh.

        Đại tá Phí Triệu Hàm: Phó Chính ủy.

        Bên cạnh Bộ tư lệnh chiến dịch, có đồng chí Bùi San dại diện Thường vụ Khu ủy Khu 5 cùng một bộ phận cơ quan. Ở các hướng chiến dịch, tỉnh ủy và tỉnh đội Đắc Lắc, Gia Lai, Công Tum thành lặt các ban chỉ đạo tác chiến phổi hợp. Các đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến, cung cấp nhiều tin tức cho Bộ tư lệnh chiến dịch và chỉ đạo lực lượng địa phương hoạt động từ đầu cho đến kết thúc chiến dịch.

        Từ ngày 17 đến 19 tháng 2, Bộ tư lệnh chiến dịch họp mở rộng, xác định phương án tác chiến chính thức. Trên cơ sở quyết tâm của Đảng uý, Bộ tư lệnh Mặt trân Tây Nguyên, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về so sánh lực lượng, bố trí thế trận và cách đánh.

        Hội nghị quyết định: tập trung lực lượng chủ yếu của chiến dịch vào khu vực Buôn Ma Thuột, Đức Lập. Thuần Mẫn, tiêu diệt địch, giải phóng địa bàn. Mục tiêu then chốt quyết định là Buôn Ma Thuột. Sau đó phát triển thắng lợi, tiêu diệt địch, giải phóng Cheo Reo, Gia Nghĩa và các quận lỵ, chi khu trong ba tỉnh, Đắc Lắc là trọng điểm. Cách đánh chung của chiến dịch là: bí mật triển khai lực lượng cắt đường giao thông 14, 19. 21, ngăn chặn lực lượng cơ động chiến dịch, chiến lược của quân ngụy ứng cứu, tăng viện cho Buôn Ma Thuột. Đồng thời thực hiện hai trận đánh then chốt ở Thuần Mẫn, Đức Lập, kéo địch ở Buôn Ma Thuột ra tiêu diệt, làm cho Buôn Ma Thuột sơ hở, suy yếu, cô lập, dừng lực lượng binh chủng hợp thành mạnh đánh trận then chốt quyết định giải phóng Buôn Ma Thuột.

        Kế hoạch tác chiến được dự kiến theo hai phương án:

        Một là, đánh địch khi chúng chưa tăng cường phòng ngự dự phòng.

        Hai là, đánh địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng.

        Về chỉ đạo, Bộ tư lệnh chiến dịch nêu rõ: trong công tác chuẩn bị, lấy phương án thứ hai làm cơ bản; nhưng trong thực hiện phải hết sức tạo thời cơ đánh địch theo phương án thứ nhất.

        Để thực hiện tốt phương án tác chiến đề ra, thủ đoạn tác chiến của ta là chia cắt, cô lập quân địch ở Tây Nguyên với đồng bằng Khu 5,. chủ yếu là cắt tập đoàn phòng ngự địch ở Công Tum, Plây Cu; nhử địch và hãm chúng ở Công Tum, Plây Cu làm cho Buôn Ma 'Thuột sơ hở, tiêu diệt gọn quân địch ở Buôn Ma Thuột, giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắc Lắc. Sau đó, tiến công tiêu diệt địch ở Cheo Reo, Gia Nghĩa, giải phóng ba tỉnh nam Tây Nguyên, tạo ra một thế trận mới, phát triển tiến công trên các hướng khác, trói chặt địch ở Công Tum, Plây Cu làm cho chúng rã rời, suy yếu, đánh đòn tiêu diệt nhanh chóng, giải phóng Tây Nguyên.

        Đêm 25 tháng 2, giữa tiếng đại bác cầm canh, tiếng bom của không quân địch ngăn chặn các tuyến quân ta triển khai và dưới ánh sáng đèn dù, trong một khu rừng bên bờ sông Đắc Đam, Bộ tư lệnh chiến dịch họp thông qua phương án tác chiến và quyết tâm chiến dịch trước đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh.

        Trên tấm bản đồ quyết tâm có ghi rõ nhiệm vụ, lực lượng tham gia chiến dịch, và nổi bật lên những mũi tiến công của quân ta vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột. Đồng chí Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh và đồng chỉ Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy thay mặt lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên ký quyết tâm bên cạnh bản đồ. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ký phê chuẩn.

        Đây là sự thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm và niềm tin mãnh liệt của cán bộ, chiến sĩ toàn Mặt trận.

        Một phong trào thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân đại thắng, quét sạch quân thù, giải phóng nhân dân” được phát động.

        Số phận quân thù đã được quyết định!

--------------------------
        1. Bộ tư lệnh Mặt trận, tính chất là Bộ tư lệnh chiến dịch. Để khỏi trùng tên với Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên trước đó, từ đây, chúng tôi dùng: Bộ tư lệnh chiến dịch - (B.T.).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:30 am »


2. CHUẨN BỊ CHO CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN THẮNG LỚN - ĐIỀU ĐỊCH VÀO PHƯƠNG ÁN

        Những cơn mưa cuối mùa ở Tây Nguyên còn đang trút nước. Nước xói mòn sườn đồi, đường sá, làm thành vô số những dòng chảy nhỏ đổ về các con sông. Sông, suối như rộng thêm, nước chảy xiết. Không đợi cho mùa mưa dứt, Tây Nguyên đã bắt tay vào chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1975.

        Chấp hành chủ trương chiến lược của Đảng, đầu tháng 9 năm 1974, các đoạn tiền trạm, trinh sát thuộc bộ tham mưu, cục hậu cần và các binh chủng đã lần lượt lên đường vào nam Tây Nguyên. Nhiệm vụ của người đi trước là trinh sát địa hình, nắm địch, nghiên cứu, xác định các vi trí kho, bến vượt, cung trạm và các tuyến tập kết của bộ đội. Các chiến sĩ trung đoàn 29 thông tin cũng được lệnh vào nam Tây Nguyên phục vụ cho công tác chuẩn bị và nghiên cứu triển khai mạng thông tin chiến dịch.

        Ngày 12 tháng 9, trung đoàn 7 công binh chính thức được giao nhiệm vụ xây dựng mạng đường sá Đức Lập. Tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 và 1 đại đội tân binh mới bổ sung, cùng với tiểu đoàn 17, sư đoàn 10 xuất phát từ vùng núi cao phía bắc và đông bắc Công Tum, các đơn vị công binh khắc phục mưa lũ, mang nặng, vượt gần 300 ki-lô-mét đường rừng đến khu vực Đức Lập. Ngày 28 tháng 10, các đơn vị nhập tuyến triền khai nhiệm vụ làm các con đường 6B, 2B, N1, N5 phía bắc Đức Lập và các con đường 14C, 22, 23, 128 phía tây bắc Đức Lập.

        Hướng vào mặt trận nam Tây Nguyên, đầu tháng 10 các đơn vị còn lại của trung đoàn 7 và các trung đoàn pháo cao xạ, pháo mặt đất 234, 40, trung đoàn xe tăng 273, sư đoàn bộ binh 10 gấp rút sửa chữa, khôi phục các trục đường từ vị trí đóng quân ra dấn đường 1B. Mạng đường sá xây dựng năm 1972, qua mưa lũ bị xói mòn hư hỏng. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phải lao động cật lực một ngày chín, mười tiếng đồng hồ. Tháng 11, công việc sửa chữa đường cũ đã hoàn thành.

        Ngày 10 tháng 11, tiểu đoàn 4 cầu phà trung đoàn 7 bắt đầu thi công bắc cầu Pô Cô Hạ, Diên Bình, Đắc Mót. Sau khi bắc xong cầu trên đường 14, 18, tiểu đoàn 4 tiếp tục lên đường vật lộn với sông nước suốt chặng đường dài từ Công Tum vào Đặc Lắc. Tây Nguyên đã vào mùa khô, nhưng sông Pô Cô, Sê Rê Pốc nước vẫn lớn. Lưu tốc nước trung bình 1 mét/giây, có nơi 2 mét/giây. Các chiến sĩ công binh đi xa từ 3 đến 5 ki-lô-mét khai thác vật liệu làm cầu. Anh em dùng ca nô chuyên chở vật liệu về bến và chỉnh cầu, ghép phà. Ngày 12 tháng 12, chiếc cầu phao trọng tải 50 tấn được bắc qua sông Pô Cô. Bốn ngày sau, chiếc cầu phao thứ hai lại nối liền hai bờ sông Sê Rê Pốc, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến dịch. Đại đội 18 trinh sát công binh và tiểu đoàn 4 cũng triền khai xong 8 trạm chỉ huy giao thông, sẵn sàng đón bộ đội. Nhưng lúc đó có lệnh hoãn cuộc hành quân đến ngày 13 tháng 1 năm 1975.

        Lúc này, hậu cần chiến lược bắt đầu giao hàng ở Công Tum, Gia Lai. Theo kế hoạch, đầu tháng 1, đoàn vận tải quân sự Quang Trung sẽ giao hàng ở Đắc Lắc. Số hàng hóa hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa chu viện cho Mặt trận lên đến hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men.

        Chưa bao giờ Tây Nguyên tiếp nhận khối lượng vật chất kỹ thuật nhiều và lớn đến thế. Vừa tiếp nhận, vừa chuyển giao hàng tận kho cho các đơn vị, lại phải bảo đảm cho bộ đội hành quân, hàng trăm khó khăn, phức tạp mới đẻ ra. Hậu cần Mặt trận như người chị đảm đang, cần mẫn lo toan mọi công việc. Các đồng chí đại đoàn tổ chức bố trí các cụm kho đồng bộ, liên hoàn chi viện cho nhau trên từng hướng chiến dịch, hảo đảm phục vụ kịp thời tác chiến ở các hướng và cả khi đánh phát triển sang mùa mưa. Lực lượng vận tải, quân nhu, quân giới, quân y được tổ chức thành hai hộ phận, có bộ phận phục vụ tương đối ổn định, có bộ phận cơ động bám sát các đơn vị chiến dấu. Hậu cần chiến dịch đã huy.động toàn bộ xe cơ giới, xe đạp thồ và lực lượng gùi ra mặt đường. Nơi nào xa địch, có điều kiện giữ bí mật tốt thì tận dụng xe cơ giới, xe đạp thồ, nơi nào gần địch phải sử dụng lực lượng gùi bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:55 am »


        Vật chất và phương tiện kỹ thuật Trung ương chi viện cho chiến dịch và dự trữ cả năm được Đoàn 559 chuyển nhanh, kịp thời, đầy đủ đến chiến trường. Trên đường mòn Hồ Chí Minh, hàng nghìn xe ô tô phủ kín bạt, tươi lá ngụy trang, ngày đêm hối hả đến Tây Nguyên. Các chiến sĩ công binh, anh chị em thanh niên xung phong tấp nập đào đất, chặt cây, sửa đường thông tuyến cho xe ta qua. Không một phút ứ đọng, ngừng trệ, những đoàn xe vận tải mang quyết tâm của Đảng, tình nghĩa của hậu phương nối đuôi nhau chảy vào chiến dịch như một dòng nước vô tận. Các cụm kho ở Công Tum, Gia Lai, Đắc Lắc hàng đầy ắp. Mỗi cụm kho trung bình trong một đêm phải tiếp nhận 120 xe. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ bốc xếp lao động cật lực suốt đêm. Ban đầu cứ 6 chiến sĩ bốc xong một xe từ 3 đến 4 tấn hàng mất 15 phút; về sau với tinh thần giải phóng xe nhanh, không đểt ứ đọng hàng ở bến bãi, anh em đã nâng năng suất bốc xếp lên 7 phút một xe. Nhờ sự nỗ lực của Đoàn 559 và cán bộ, chiến sĩ hậu cần, nên trước ngày nổ súng, hậu cần chiến lược đã giao đủ só hàng dự trữ cho chiến dịch và vượt 10% kế hoạch. Đoàn 559 còn vận chuyển toàn bộ vật chất, kỹ thuật dự trữ cả năm cho Tây Nguyên. Từng đoàn xe chở nặng lại tiếp tục đổ về mặt trận phía nam.

        Cùng thời gian này, từ các cụm kho chiến dịch, hàng trăm xe vận tải chở đầy hàng theo những con đường quân sự làm gấp, chuyển hàng đi các hướng sư đoàn 10, 320, 316, trung đoàn 95, 25, 198... Riêng các đơn vi pháo binh, xe tăng có phương tiện thì “tự túc” vận chuyển cho đơn vi mình. Lúc đầu ô tô chỉ chạy ban đêm, về sau chạy lấn sang ngày, rồi chạy cả ngày lẫn đêm. Các chiến sĩ lái xe thiếu ngủ, căng thẳng, nhưng vẫn vững tay lái trên những đoạn đường đèo. Ở các tuyến sâu, các chiến sĩ vận tải, tiểu liên AK khoác trước ngực, quân đùi áo cộc, hăm hở gùi, thồ đạn, gạo ra tận trận địa cho các đơn vị.

        Dưới tán lá xanh của rừng và trên những con đường đổ ra phía trước hầu như cả mặt trận đều làm nhiệm vụ vận chuyển. Đầu tháng 3, hậu cần Mặt trận hoàn thành cơ bản vận chuyển hàng dự trữ cho các đơn vị đạt 78% kế hoạch, trong đó lương thực, thực phẩm đạt 114%, vũ khí dạt 83 %, xăng dầu đạt 24%. Hàng dự trữ ở các tuyến sư đoàn, trung đoàn đã nhận đến tháng 3 năm 1975. Sư đoàn 320 và trung đoàn 593 đã nhận đủ lương thực, thực phẩm hết tháng 8 năm 1975.

        Bộ đội trước khi xuất kích được lĩnh mọi người hai bộ quân phục; 50% quân số được cấp phát bổ sung giày, dép, mũ cứng; 30 % quân số được phát ni-lông đi mưa. Tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng đối với Tây Nguyên, những con số trên là biểu hiện sự cố gắng rất lớn của cán bộ, chiến sĩ hậu cần chiến lược và chiến dịch.

        Bên cạnh những đoàn ô tô vận tải nối đuôi nhau chạy ra tiền tuyến, là những đơn vị bộ binh, pháo binh, đặc công, thông tin và những đoàn cán bộ tăng cường cho Tây Nguyên cũng nườm nượp hành quân. Xe vào chiến trường chở đầy bộ đội và đạn gạo nặng trĩu. Con đường chiến lược 1B suốt ngày nhộn nhịp những đoàn quân, đoàn xe kéo pháo, xe vận tải hối hả tuôn vào chiến dịch.

        Đầu tháng 12, sư đoàn 968 trước đây theo yêu cầu của bạn, sang hoạt động ở Hạ Lào, nay cũng bắt đầu hành quân vào Tây Nguyên. Sự đoàn đã đi bộ vượt qua vùng núi biên giới Việt - Lào gian khổ đến vị trí tập kết T73 Tây Nguyên ngày 15 tháng 1 năm t975. Xe, pháo an toàn, bộ đội khỏe mạnh.

        Cuối tháng 12 năm 1974, Bộ Tổng tư lệnh quyết định điều thêm sư đoàn 316 từ Nghệ An vào Tây Nguyên. Được vào chiến trường, cán bộ, chiến sĩ nắm chặt tay hô vang khẩu  hiệu “quyết đi xa, đi sâu, đi cho đến, đánh cho thắng”. Vào những ngày giáp Tết, hơn 500 xe ô tô chở cán bộ, chiến sĩ sư đoàn rời khỏi Nghệ An, hướng ra tiền tuyến với bao xúc động, tin tưởng. Sư đoàn 316 đến chiến trường thì đất nước đã vào Xuân, chiến dịch đang ở giai đoạn chuẩn bị nước rút.

        Từ đầu tháng 1 đến trước ngày nổ súng, lực lượng của Bộ bổ sung liên tiếp vào Tây Nguyên. Trung đoàn 95B, sư đoàn 325 - đơn vị đã từng lập công oanh liệt giữ thành Quảng Trị; 1 tiểu đoàn đặc công của Bộ, trung đoàn cao xạ 232, trung đoàn công binh 575 thuộc đoàn 559 và 1 tiểu đoàn cầu phà, 1 tiểu đoàn và 1 đại đội thông tin, 1 tiểu đoàn vận tải, 1 đại đội trinh sát, 1 trung đội khí tượng, 3 trạm sửa chữa xe, pháo, đội điều trị 48 và 8.000 quân bổ sưng lần lượt đến Đắc Lắc. Ngoài ra còn có các đơn vị phối hợp và phối thuộc ở các hướng: sư đoàn 3 Quân khu 5 đến khu vực đường 19 đông An Khê, trung đoàn 271 bộ binh, tiểu đoàn 14 đặc công của Miền đến Gia Nghĩa, tiểu đoàn 21 sư đoàn 470 Đoàn 559 đến Bản Đôn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:45:22 am »


        Chưa bao giở lực lượng Tây Nguyên hùng hậu như năm 1975. Cả nước dồn sức chi viện nhân, tài, vật lực cho Tây Nguyên thắng lớn. Quân đông, mỗi tiểu đoàn bộ binh được biên chế trên dưới 400 người - một kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay ở chiến trường, lại được trang bị vũ khí kỹ thuật tương đối hiện đại và dồi dào. Các đơn vị cũ của Mặt trận đã qua chiến đấu và đã huấn luyện tác chiến hiệp đồng bính chủng quy mô lớn. Các đơn vị bổ sung, tăng cường và phối hợp đã từng lập công trong các chiến dịch lớn ở Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ, Khu 5 được chuẩn bị tốt mọi mặt trước khi vào chiến dịch.

        Quân ta trội hơn hẳn quân địch về số lượng và chất lượng, bố trí trong thế trận liên hoàn và hiểm, hình thành những quả đấm mạnh ở những khu vực tác chiến then chốt của chiến dịch, lại được đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo và sự chi viện dồi dào của hậu phương lớn. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ binh, binh chủng và cơ quan đều phấn khởi, tin tưởng, có quyết tâm cao, hăng hái thi đua lập công.

        Trong lúc các đơn vị tăng cường, bổ sung từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa ùn ùn vào Tây Nguyên thì tại mặt trận phía nam, sau những ngày lao động cật lực, trung đoàn 7 và tiểu đoàn 17 (sư đoàn 10) mở xong hệ thống đường tiến công ở phía bắc và tây bắc Đức Lập. Công binh sư đoàn 10 tiếp tục mở thêm 8 ki-lô-mét đường mới, sửa chữa 34 ki-lô-mét đường cũ cho pháo kéo vào trận địa bắn thẳng.

        Mạng dường sá Đức Lập vừa làm xong, công binh Mặt trận chuyển sang xây dựng hệ thống đường cơ động vào Buôn Ma Thuột.

        Ngày 31 tháng 1, tiểu đoàn 47 trung đoàn 575 từ bắc Đức Lập mang theo 2 máy húc vượt qua tai mắt địch, hành quân sang phía bắc Buôn Ma Thuột, sửa chữa, khôi phục con đường 50 và 48. Giữa tháng 2, tiểu đoàn chuyển sang mở tuyến đường mới 50B và 2 nhánh 50C, 50D dài 61 ki-lô-mét. Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm mở tuyến đường 11 và 2 nhánh 57B, 57C dài 75 ki-lô-mét.

        Hệ thống dường phía bắc Buôn Ma Thuột, đỉa hình trống trải. qua nhiều suối, bùn lầy. Vào mùa phát rẫy, nhân dân trong các “ấp chiến lược” đi lại nhiều dễ lộ. Trung đoàn 575 vừa làm, vừa trinh sát nắm tuyến, chỉnh hướng tránh nương rẫy. Các chiến sĩ công binh phải đi xa 4, 5 ki-lô-mét chặt gỗ, nứa mang về chồng lấy, sửa ngầm. Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động được phát động. Tốc độ thi công tăng lên, chất lượng được bảo đảm. Đến ngày 28 tháng 2, trục đường 50B và 51 đã thông đến nam Buôn Giua và bắc ngầm Ca Tun, cách Buôn Ma Thuột khoảng 30 ki-lô-mét. Trung đoàn 53 ngụy mở cuộc càn vào khu vực suối Ca Tun, cắt ngang có hai trục đường 50B và 51. Trung đoàn 575 tạm dừng mở đường, ngụy trang và tổ chức bám địch.

        Để thu hút dịch về hướng bắc Tây Nguyên, giữ bí mật chiến dịch, tạo điều kiện cho hướng Buôn Ma Thuột chuẩn bị, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đẩy mạnh chiến dịch hoạt động nghi binh được tiến hành ngay từ đầu năm lên mức cao hơn. Các đơn vị được lệnh sử dụng lực lượng đánh nhỏ, lẻ ở hướng bắc, và cử cán bộ xuống bàn bạc với tỉnh ủy, tỉnh đội Công Tum, Gia Lai huy động lực lượng dân công làm đường vào thị xã, phao tin ta chuẩn bị đánh Công Tum, v.v.

        Chấp hành chủ trương trên, sư đoàn 10 dùng pháo, cối bắn vào thị xã Công Tum; sư đoàn 320 đánh nhỏ ở khu vực đường 19 tây; pháo binh bắn vào La Sơn, Thanh An; trung đoàn 95 chặn tránh các tốp xe quân sự tập kích các chốt địch trên đường 19 đông Plây Cu, trung đoàn 198 đặc công tập kích kho xăng Plây Cu. Dân công các huyện 40, 67, 30, 80, Diên Bình - Tân Cảnh (Công Tum), huyện 4, huyện 5 (Gia Lai) được huy động rầm rộ đi làm đường. Đồng bào, bộ đội, gái trai đủ các lứa tuổi cơm nắm, nước ống, thi nhau chặt cây, đào đất làm con đường nghi binh chạy vào thị xã Công Tum và Plây Cu.

        Những hoạt động đó đã thu hút tai mắt bọn tình báo CIA và tình báo ngụy. Chúng bám sát bước đi của sư đoàn 10 và sư đoàn 320. Nhưng sư đoàn 10 và 320 vẫn đứng nguyên vi trí cũ, thường xuyên tăng cường sức ép vào các căn cứ của chúng. Địch lại phát hiện sư đoàn 10 và 320 ăn Tết trước để chuẩn bị tiến công vào dịp Tết. Chúng đoán ta sẽ mở chiến dịch bắc Tây Nguyên; Công Tum sẽ là mục tiêu chủ yếu. Các liên đoàn biệt động quân số 21 22, 23, 6 được tập trung về Công Tum sẵn sàng đối phó với ta. Bước đầu ra quân, đích đã bị động về mặt chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:47:04 am »


        Giữa lúc địch bị hút vào hướng bắc Tây Nguyên, thì sư đoàn 968 bí mật vào thay chân sư đoàn 10 và sư đoàn 320. Sư đoàn 968 bắt đầu hoạt động tích cực trên cả hai hướng Plây Cu, Công Tum. Địch phát hiện ta có thêm sư đoàn 968 ở Hạ Lào về, phán đoán ta đánh Plây Cu Chúng lại vội vã điều liên đoàn biệt động quân 23 ở Công Tum về Plây Cu cùng với trung đoàn 44, 45 phòng giữ Plây Cu.

        Đầu tháng 2, sư đoàn 320 và các trung đoàn binh chủng bí mật rời khỏi khu vực đường 19, Đức Cơ, hành quân vào vi trí tập kết chiến dịch. Mùa khô, rừng rụng hết lá, nước suối cạn khô, sư đoàn tổ chức cho bộ đội mang theo nước ăn, nước uống dọc đường. Trải qua 5 ngày đi bộ dưới cái nắng gay gắt của rừng khôộc Gia Lai, sư đoàn 320 đã đến vị trí tập kết ở phía tây Thuần Mẫn an toàn. Sư đoàn 10 cũng bí mật rời khỏi tuyến phòng thủ Võ Định. Đêm đến, đoàn ô tô nổ máy bật đèn gầm, chở sư đoàn 10 theo đường 1B lao vào hướng nam. Hậu cần Mặt trận tổ chức 3 trạm tiếp xăng dầu, 2 trạm kích kéo, sửa chữa dọc đường ở ngã ba 90, nam đường 19 và nam Chư Pông, bảo đảm cho bộ đội hành quân Trong lúc đó, bệnh viện Z100 ở Tân Cảnh được lệnh hành quân vào hướng Võ Định. Ban ngày người ta thấy những chiến sĩ quân y gái, trai mang nặng dụng cụ chữa bệnh, thuốc điều trị, v.v. đi bộ vào hướng thị xã Công Tum. Tin đồn ta sắp đánh Công Tum càng được lan rộng. Đêm đến, những chiến sĩ quân y Z100 lại bí mật đi tắt qua dãy Ngọc Blốc để hôm sau lên xe vào Đắc Đam tây Buôn Ma Thuột.

        Ba cơ quan của Mặt trận cũng được lệnh di chuyển vào Đắc Đam phục vụ cho Bộ tư lệnh chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị

        Trên đường 1B ở những trạm ba-rí-e, bến phà, ngầm, các chiến sĩ công binh, thông tin, trinh sát thức suốt đêm để chỉ đường, hướng dẫn bộ đội hành quân.

        Nhìn bề ngoài, Tây Nguyên dường như im lặng, nhưng bên trong cái màu xanh mượt mà của núi rừng, Tây Nguyên đang bừng lên một sức sống mãnh liệt, một khí thế ngút trời.

        Sư đoàn 10, sư đoàn 320 và các binh chủng đã hành quân vào vi trí tập kết chiến dịch, nhưng mạng thông tin cũ vẫn dược duy trì. Các đài vô tuyến của các đơn vị vẫn phát sóng như thường lệ. Hàng ngày mạng thông tín nghi binh của ta cứ đúng giờ là đều đặn phát lên không trung những bức điện báo cáo, mệnh lệnh giả. Bộ tư lệnh chiến dịch dùng đường dây và hệ thống đài vô tuyến của sư đoàn 470 Đoàn 559 chỉ huy các đơn vị. Mạng thông tin nghi binh của ta đã góp phần tích cực đánh lạc hướng sự chú ý của địch. Tên tướng hai sao Mỹ Sác-lơ Tim-mét, cố vấn quân sự cho Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên, phải thú nhận: “bằng biện pháp nghi binh qua làn sóng điện này, phía Việt Cộng đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa thuộc quân khu 2 ở tỉnh Plây Cu, Công Tum” (Bài của Sác-lơ Tim-mét đăng trên Tập san quân sự Mỹ).

        Ngày 22 tháng 1, phân đội trinh sát Mặt trận cùng cán bộ các đơn vị bộ binh, binh chủng chia làm 3 cánh bắc, tây, nam đi trinh sát Buôn Ma Thuột. Tiếp đến, ngày 8 tháng 2, đồng chí Phó tư lệnh chiến dịch, chi huy một bộ phận trinh sát hưởng chủ yếu ở phía bắc và tây bắc Buôn Ma Thuột. Các đồng chí sư đoàn trưởng, sư đoàn phó sư đoàn 316 chi huy trinh sát hướng tây và nam. Hướng đông và mục tiêu trong thi xã do cán bộ trung đoàn 198 đặc công đảm nhiệm. Hầu hết các mục tiêu bảo vệ vòng ngoài và một số mục tiêu quan trọng trong thị xã, trinh sát ta nắm chắc, cụ thể nên dã giúp cho Bộ tư lệnh chiến dịch tính toán phương án, hạ quyết tâm chính xác.

        Bên cạnh các đoàn trinh sát nắm địch, cơ quan chiến dịch còn cử những đoàn cán bộ tham mưu, chính tri, hậu cần xuống các đơn vị, theo dõi, phát hiện tình hình, giúp Bộ tư lệnh chỉ đạo kịp thời. Bộ phận ở sở chỉ huy tỉếp tục chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Khẩu hiệu cổ động, truyền đơn binh, dịch vận, các tài liệu về chính sách đối với vùng giải phóng, đối với ngoại kiều và tư sản dân tộc, lệnh giới nghiêm được gấp rút biên soạn.

        Công nhân nhà in Mặt trận thức thâu đêm in các tài liệu, mệnh lệnh để kịp phát hành trước ngày bộ đội xuất kích.

        Các chiến sĩ thông tin đêm ngày bám dây, canh máy, nhận hàng trăm bức điện từ các đơn vị báo cáo về và phát đi hàng chục chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch.

        Cả Mặt trận đang dồn sức chuẩn bi cho trận then chốt Buôn Ma Thuột.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:48:12 am »


        Ngày 23 tháng 1, tình báo địch phát hiện trung đoàn 25 của ta đang di chuyển sang đường 21 và sư đoàn 10 đang di chuyền về phía nam. Chúng đoán ta đánh Đức Lập, Gia Nghĩa, mở thông hành lang chiến lược vào Nam Bộ. Trung đoàn 53 ngụy liền được điều động lên Đức Lập sẵn sàng đối phó với ta. Nhưng theo nguồn tin địa phương thu thập được, chúng đoán ta đánh Buôn Ma Thuột. Vì vậy trung đoàn 53 lập tức mở cuộc càn ra vùng Quảng Nhiêu, Buôn Hồ, trung đoàn 45 lùng sục phía tây Thuần Mẫn. Biệt kích, thám báo đổ xuống khu vực đóng quân của sư đoàn 320.

        Tình hình càng trở nên phức tạp. Bộ Tư lệnh chiến dịch suy nghĩ, phán đoán, phân tích kỹ từng hành động của địch và đi đến kết luận: Những hoạt động lùng sục của địch hiện nay mới có tính chất thăm dò rời rạc, cục bộ, chúng chưa tìm ra được lực lượng của ta và hướng chính của chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Kiên trì, khôn khéo, giữ bí mất ý định và lực lượng ta ở khu vự tác chiến chủ yếu. Tích cực hoạt động nghi binh trên hướng Công Tum, Plây Cu để thu hút trung đoàn 45, giữ chân trung đoàn 44 và lực lượng khác. Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho sư đoàn 320 hành quân sâu lên phía tây, tránh đụng độ với địch, giữ bí mật lực lượng, đồng thời lệnh cho sư đoàn 968 hoạt động ráo riết ở hướng Công Tum, Plây Cu.

        Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch, sư đoàn 320 nhanh chóng hành quân lên hướng tây đường 14, chỉ để lại những tổ trinh sát bám địch. Sư đoàn 968 tiến công tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút đồn Tầm và đánh chiếm dãy điểm cao 605, Chư Kra, Chư Gôi, nằm trong tuyến phòng thủ dường 19 tây nam Plây Cu của địch. Căn cứ Thanh Bình, quận lỵ Thanh An bị uy hiếp mạnh. Hướng Công Tum, sư đoàn 968 tổ chức đánh vào các căn cứ địch và cho một bộ phận cắt đoạn đường 14 nam Tân Phú.

        Những hoạt động đó buộc địch phải tăng cường lực lượng phòng giữ bắc Tây Nguyên . Trung đoàn 45, sư đoàn 23 bỏ dở cuộc lùng sục ở tây Thuần Mẫn, vội vã về Thanh An.

        Sau những cuộc lùng sục không phát hiện được dấu vết sư đoàn 320 và sư đoàn 10, địch đâm lúng túng. Bị đánh mạnh ở hướng bắc, càng lúng túng, chúng càng tăng viện bình cho Plây Cu.

        Trước mười ngày nổ súng, địch càn vào vùng Chư Nga phía bắc Buôn Ma Thuột. Các chiến sĩ trung đoàn 675 đánh địch, bảo vệ trận địa pháo. Một chiến sĩ bị thương nặng, địch bắt dược mang về Plây Cu khai thác. Nhưng đồng chí này bất tỉnh. Ngày 4 tháng 3, một bộ phận sư đoàn 316 hành quân sang nam đường 14 (đoạn đông bắc Đức Lập), chiến sĩ ta đánh rơi cuốn nhật ký và tiền miền Bắc. Địch bắt được. Nhật ký có ghi “đêm 14 tháng 3 vượt đường 14 vào Buôn Ma Thuột”. Địch lại nhặt được mũ cứng, dây điện thoại của bộ đội ta đánh rơi.

        Đây là những sơ suất, thiếu sót của đơn vị, đã gây ra “một trò chơi ú tim” căng thẳng. Tuy vậy, đến lúc này địch vẫn chưa phát hiện được gì về sư đoàn 10 và sư đoàn 320.

        Thời gian còn lại cho công tác chuẩn bị rất ngắn. Phải thúc đẩy nhanh công tác mở đường ở hướng tây bắc và tây nam Buôn Ma Thuột và mọi việc chuẩn bị khác. Phải hết sức giữ bí mật và tiếp tục tạo thời cơ cho trận then chốt. Bộ tư lệnh chiến dịch điều khiển các đơn vị tiến vào vị trí tập kết và theo dõi chỉ đạo trung đoàn 95A ở đường 19 đông nổ súng đúng kế hoạch.

        Sau khi các đơn vị bộ binh và binh chủng triển khai ở hướng chính an toàn, đêm 3 rạng ngày 4 tháng 3, theo đúng kế hoạch, trung đoàn. 95A bất ngờ tiến công địch trên đường 19 phía đông thị xã Plây Cu. Các chiến sĩ trung đoàn 95A ngoan cường, chỉ trong một đêm đã tiêu diệt hệ thống đồn bốt địch từ ngã ba Plây Bôn đến ấp Phú Yên, làm chủ đoạn đường dài 20 ki-lô-mét.

        Trên đoạn đường 19 từ An Khê đến Bình Khê, hồi 5 giờ 30 phút cùng ngày, sư đoàn 3 Quân khu 5 tiến công các cứ điểm và chốt địch phía tây bắc Che Chẻ, Truông Ổi, Cột Cờ, cầu 13, chốt lăng Mai Xuân Thưởng, đồi Đá, các chốt nam Cây Rui, Chóp Nón, điểm cao 309, 334, Định Quang. 8 giờ, sư đoàn 3 tiếp tục tiến công địch ở Tiên Thuận, các vị trí địch ở phía đông điểm cao 334, 309 và khu vực sông Côn. 12 giờ, sư đoàn 3 Quân khu 5 làm chủ các mục tiêu trên.

        Đường 19 từ Plây Cu đi Quy Nhơn bị cắt đứt.

        Chiến dịch Tây Nguyên mở màn!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:48:32 am »


        8 giờ ngày 4 tháng 3, Thường vụ Đảng ủy chiến dịch họp phân tích tình hình, nhận định: Ta vẫn giữ được bí mật, bất ngờ và đã chủ động điều địch vào đúng ý đồ của ta. Thường vụ Đảng ủy chiến dịch hạ quyết tâm: Đánh địch theo phương án thứ nhất: địch chưa tăng cường phòng ngự dự phòng.

        Căn cứ vào nhận định và quyết tâm của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch đề ra biện pháp kiểm tra và chỉ huy chặt chẽ sư đoàn 320; lệnh cho sư đoàn 968 tích cực hành động, tăng thêm đạn pháo đánh vào Công Tum, Plây Cu; lệnh cho trung đoàn 149 sư đoàn 316 nhanh chóng vượt đường 14 vào nam thị xã Buôn Ma Thuột; tiểu đoàn 6 trung đoàn 24 chuẩn bi đánh Mê Van; 1 tiểu đoàn của trung đoàn 95B chặn địch ở Bản Đôn. Đồng thời, đề nghị đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chi thị cho sư đoàn 3 Quân khu 5 ở An Khê, Bình Khê hoạt động mạnh.

        Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 3, trung đoàn 25 cắt đường 21, diệt đoàn xe địch, làm chủ đoạn đường phía đông Chư Cúc. Tập đoàn phòng ngự địch ở Tây Nguyên bị cắt rời và cô lập khỏi đồng bằng Khu 5. Đường chiến lược 19 và 21 không còn là nguồn sống chính của quân ngụy ở Tây Nguyên nữa.

        Ngày 5 tháng 3, một đại đội của trung đoàn 45 ngụy có cả pháo 105, cùng tên phó tư lệnh sư đoàn 23 từ Plây Cu về Buôn Ma Thuột.

        Sư đoàn 320 trải qua một thời gian căng thẳng giấu quân ở tây đường 14 chờ thời cơ, bắt đầu hành động. Khi đoàn xe 14 chiếc của địch đến phía bắc Thuần Mẫn (Cẩm Ga), trung đoàn 9 nổ súng diệt 8 xe, thu 2 pháo 105, bắt tên trung úy pháo binh. Đường 14 đoạn bắc Buôn Ma Thuột bi cắt đứt.

        Thực hiện quyết tâm của Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch, đại đội 9 và tiểu đoàn 4 trung đoàn 7 công binh lót sẵn lực lượng mở đường 20C hướng tây bắc Buôn Ma Thuột và chuẩn bi bắc phà 3A, 3B trên sông Sê Rê Pốc. Ở hướng bắc Buôn Ma Thuột, trung đoàn 575 tiếp tục làm những đoạn đường còn lại.

        Ngày 8 tháng 3, mạng đường sá cánh Bắc còn cách Buôn Ma Thuột từ 10 đến 12 ki-lô-mét. 23 giờ ngày 9, trung đoàn 575 khai thông trục đường 50B và hai nhánh 50C, 50D với đường xuất phát tiến công của xe tăng. Cùng thời gian này, trung đoàn 7 cũng hoàn thành trục đường 51, 57B, 57C. Còn lại dốc nam ngầm Kơ-muya, khi nổ sủng, công binh sẽ dùng bộc phá giải quyết. Hoàn thành hệ thống đường sá Buôn Ma Thuột là sự nỗ lực cao độ của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 7 và trung đoàn 575. Vừa đánh địch, vừa dò gỡ mìn, và hộ tống cho xe tăng đột kích trên cả 4 hướng. công binh ta đã mở mới và khôi phục 336 ki-lô-mét đường vào Buôn Ma Thuột, bắc 3 phà, làm 2 bến vượt cho xe tăng, pháo, bộ binh qua sông. Riêng tuyến đường phía tây và tây nam, Bộ tư lệnh chiến dịch giao cho trung đoàn 7 chỉ được thí công trước lúc bộ đội xuất kích khoảng 5 tiếng đồng hồ. Khó khăn thì khắc phục, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 7 thấy được ý nghĩa quan trọng của việc giữ bí mật, tạo thời cơ, nên không xin thêm thời gian. Bộ đội đã bí mật cưa trước ba phần tư đường kính những cây trên dọc đường rồi ngụy trang lại, liên kết bộc phá sẵn ở các bến vượt, dốc có khối lượng độ đá lớn. Khi xe tăng, bộ binh xuất kích, công binh cũng khai thông tuyến đường vào Buôn Ma Thuột.

        Trung đoàn 29 thông tin gấp rút mắc dây cho trung đoàn 148 (sư đoàn 316), trung đoàn 198, 95B, 25, 273, 675, 575 và cụm kho 10B hướng bắc. Đồng thời chuẩn bị nối sở chỉ huy chiến dịch với sư đoàn 320 và mắc mạng dây cho lực lượng sư đoàn 10 đánh Đức Lập, sư đoàn 316 ở phía tây. Mùa khô thường gây ra nạn cháy rừng đe dọa đường dây, các chiến sĩ trung đoàn 29 phải rải các tổ chốt ở những nơi xung yếu, tổ chức tuần tra bảo vệ. Thời gian này, thông tin mắc xong đường dây liên lạc cho Khu ủy Khu 5 và tinh ủy Đắc Lắc. Riêng đường dây qua sông Sê Rê Pốc về sở chỉ huy chiến dịch chậm hơn so với quy định. Tổng cộng độ dài các dường dây điện thoại phục vụ cho chiến dịch lên đến 470 ki-lô-mét.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM