Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:54:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước  (Đọc 26338 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 05:50:43 am »


5. CHUẨN BỊ CHO MÙA KHÔ TIẾP THEO

        Khối chủ lực Tây Nguyên đã qua “mùa làm ăn”, tập trung về hậu cứ để củng cố, huấn luyện. Trên chiến trường chỉ còn tiếng súng của bộ đội địa phương, dân quân du kích và một số rất ít những đơn vị bộ đội chủ lực đang làm nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ địa phương và tiếp tục duy trì tiến công vào các hậu cứ, kho tàng, đường giao thông, buộc địch phải căng kéo lực lượng ra đối phó tạo điều kiện cho khối chủ lực củng cố, huấn luyện.

        Thực tế ở Tây Nguyên trong suốt những năm qua đã chứng minh rằng chất lượng của bộ đội tốt, sức chiến đấu càng cao, hiệu suất chiến đấu càng lớn, thắng lợi càng to. Đó là cơ sở để thực hiện tư tưởng chỉ đạo tác chiến lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng dông. Đánh những trận thắng lớn bằng binh lực nhỏ là phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của chiến trường.

        Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng bộ đội một cách toàn diện: chính trị tư tưởng, tổ chức và kỹ thuật, chiến thuật. Việc nâng cao chất lượng chính trị của bộ đội được tiến hành bàng nhiều biện pháp, nhiều hình thức phong phú nhưng tựu trung là làm cho bộ đội hiểu được sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược: giải phóng miền Nam và bảo vệ miền Bắc; hiểu được mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ thấy rõ con đường của cách mạng miền Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội. Các chiến sĩ Tây Nguyên đều nhận thức rằng đối với họ, giải phóng miền Nam, trước hết là giải phóng Tây Nguyên, giải phóng đồng bào các dân tộc Xê Đăng, Gia Rai, Mơ Nông, Ê Đê, Việt... đang bị địch kìm kẹp khổ cực ngay trên mọi vùng đất của Tây Nguyên này.

        Đó là nhiệm vụ, đồng thời là lòng tin sắt đá của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên đối với cách mạng. Việc giáo dục trách nhiệm, tình cảm gắn bó với Tây Nguyên, chiến đấu giải phóng Tây Nguyên là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu. Chính những cái đó làm cho người chiến sĩ Tây Nguyên vượt qua được mọi khó khăn, gian khổ, yên tâm, phấn khởi, kiên cường bám trụ chiến đấu trên chiến trường.

        Trong khi giáo dục nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang, các đơn vị không coi nhẹ việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, vận động nhân dân. Những cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất dã được các đơn vị cử về địa phương tổ chức vận động, xây dựng con người mới, nếp sống mới, cách làm ăn tập thể - mầm mống của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

        Ngay trong những tháng mùa khô, từng đoàn cán bộ của Mặt trận đã về các huyện, xã cùng địa phương kiện toàn ban cán sự, cơ quan huyện đội. Số cán bộ người dân tộc dược Mặt trận đào tạo bổ sung cho cơ sở địa phương đã đạt tới tỷ lệ 74,13 %. Qua hai lớp tập huấn ở Mặt trận và 18 lớp tập huấn ở huyện, trình độ chính trị, quân sự của các cán bộ huyện đội, xã đội được nâng lên đã có thể bảo đảm tốt được nhiệm vụ chỉ đạo phong trào và chỉ huy chiến đấu. Nhiều đại đội huyện đã diệt được trung đội địch. Nhiều xã như xã Gào, xã Reo, Đê Kia, Chiu Riu, B6, B7, Đắc Ui... đã chống càn thắng lợi, bắn rơi được máy bay, bảo vệ được buôn làng, nương rẫy.

        Bộ đội và nhân dân gắn bó với nhau như ruột thịt. Đơn vị và địa phương đoàn kết, thống nhất cùng chỉ đạo chiến đấu, sản xuất và công tác.

        Qua những chiến dịch, qua thực tế các trận chiến đấu càng chứng minh vai trò quan trọng của công tác xây dựng và huấn luyện trong việc nâng cao sức chiến đấu cho các lực lượng vũ trang.

        Địch có xu hướng ngày càng đi sâu vào phòng ngự, lấy hỏa lực và công sự vững chắc làm chủ yếu, kết hợp cơ động phản kích chống đỡ với ta. Do đó, huấn luyện nâng cao trình độ đánh công sự vững chắc của bộ đội là một đòi hỏi cấp bách.

        Trong phản kích, địch thường dùng đội hình dày đặc, sử dụng lực lượng lớn và khi bị đánh đau thì co lại thành những cụm lớn nên công tác huấn luyện lần này ta chủ trương đi sâu huấn luyện chiến thuật bao vây công kích với lực lượng lớn, từ một đến hai trung đoàn.

        Địch đã hạn chế những cuộc hành quân xa căn cứ, các trận đánh thường diễn ra gần tuyến phòng ngự cơ bản của chúng, trên các trục giao thông, nên phải chú trọng huấn luyện cho chiến sĩ giải cách đánh tăng, đánh xe bọc thép.

        Một số đơn vị bộ binh còn huấn luyện kỹ chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt, đánh địch trên các địa bàn trống trải, tập luyện thêm cách đánh tập kích ban đêm có trụ bám lại, tiêu diệt triệt để quân địch và xử trí tình huống khi phải chuyển sang đánh ngày.

        Các đơn vị binh chủng học cả ba cách đánh: cách đánh của binh chủng mình, cách đánh của bộ binh và đánh máy bay để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của binh chủng và hợp đồng tốt với đơn vị bạn trong các tình huống chiến dịch, phát huy cao độ sức mạnh của binh chủng, phát huy được toàn bộ thế trận tổng hợp của chiến dịch. Riêng pháo mặt đất, pháo cao xạ với yêu cầu chi viện chặt chẽ, kịp thời và có hiệu lực cho bộ bình nên đã tập trung luyện cách đánh gần, nằm ngay trong đội hình của bộ binh, tích cực tiến công, bám trụ kiên cường, bắn trúng, bắn đúng thời cơ, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh trong từng tình huống chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 05:51:26 am »


        Tư tưởng chiến thuật được quán triệt trong mọi hành động chiến đấu của bộ đội, xây dựng tác phong chiến đấu tốt rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật phân đội giỏi đồng thời phát huy cao độ tinh thần chủ động, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo của mỗi cá nhân.

        Tư tưởng tiến công, tư tưởng đánh tiêu diệt được thể hiện trong rèn luyện:

        “Xuất kích kiên quyết - Xung phong mạnh mẽ - Bám trụ kiên cường - Tiêu diệt triệt để - Đoàn kết và chủ động hiệp đồng”.

        Công tác tổ chức, biên chế được tiến hành theo phương châm gọn nhẹ, bảo đảm cơ động thuận lợi và tăng quân số chiến đấu, thể hiện được tư tưởng chỉ đạo chiến thuật và cách đánh của ta, phù hợp với diều kiện và khả năng của chiến trường.

        Các trung đoàn bộ binh được trang bị thêm súng cối, ĐKZ, 12,7 và một số B40, B41.

        Do lực lượng pháo binh được tăng cường nên Bộ tư lệnh Mặt trận lập thêm cơ quan tư lệnh pháo binh để chỉ huy thống nhất pháo binh.

        Lực lượng đặc công dược tổ chức thành hai bộ phận chuyên trách với hai nhiệm vụ khác nhau.

        - Đặc công cơ động chuyên đánh công sự vững chắc, chi khu quận lỵ, sở chỉ huy trung đoàn địch ở sâu trong hậu cứ, diệt vị trí tiểu đoàn địch, trong tuyến phòng ngự hoặc đánh sở chỉ huy chiến đoàn, trận địa pháo địch ở dã ngoại.

        - Đặc công căn cứ có nhiệm vụ chuyên đánh các cơ quan đầu não, đánh sân bay, kho tàng, bãi xe địch... Mỗi đội có thể bám chặt một mục tiêu, vừa đánh vừa xây dựng cơ sở.

        Lực lượng hậu cần tổ chức thêm đoàn 671 để “tạo thêm một khốỉ lượng vật chất dự trữ chiến lược cho Mặt trận” .

        Mùa huấn luyện vừa xong cũng vừa đến mùa thu hoạch lúa. Bộ đội còn đang nhộn nhịp tuốt lúa trên những nương rẫy cuối cùng, cán bộ chỉ huy các đơn vị đã bắt đầu tính toán đến kế hoạch làm đường vận tải phục vụ cho chiến dịch trong mùa khô sắp tới.

        Tháng 10 năm 1971, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị chiến trường.

        Cả Tây Nguyên dấy lên một khí thế cách mạng mới: “Trường Sơn chuyển minh, Pô Cô dậy sóng”.

        Trong các buôn làng, nhịp chày giã gạo vang lên suốt ngày đêm. “Kho cách mạng” được lập thêm nhiều. vượt ngoài kế hoạch để tiếp nhận những gùi gạo nuôi quân của bà con tự nguyện bớt khẩu phần ăn tiếp tục mang tới đóng góp. Những nương sắn bạt ngàn được chăm sóc, dọn cỏ, chuẩn bị cho “bộ đội nó ăn đỡ đói khi về đánh giặc gần làng mình”.

        Trước sân nhà Rông các làng, nhân dân tụ tập xin tình nguyện di phục vụ bộ đội. Cụ già tóc bạc trắng cũng nhất quyết không nhường phần “công tác cách mạng” cho con cháu. Các em còn bé không mang được nặng cũng “xin mang một quả đạn cối 82 cho các chú bắn vỡ cái đồn thằng giặc”. Thế là cả già trẻ, gái trai đều lên đường và đội quân ấy đã đông gấp hai, ba lăn số lượng điều động của huyện, xã.

        Các đơn vị công binh, bộ binh, binh trạm đều lao vào khẩn trương mở đường. Chỉ có cuốc xẻng, choòng, đục, các chiến sĩ đã bạt núi san đèo, đưa năng suất làm đất vượt 1,4% , năng suất phá đá vượt 1,5% mức chỉ tiêu hàng ngày. Hơn 12 vạn công đã đổ ra để lập nên 508 ki-lô-mẻt đường mới và sửa chữa 480 ki-lô-mét đường cũ. Không chỉ có mồ hôi mà cả máu đã đổ xuống. Đại đội 9 (trung đoàn công binh 83) vừa mở dường vừa phải đánh địch, chịu đựng hàng chục tấn bom của chúng ném xuống:

        Một mạng đường dọc ngang trong vùng căn cứ đã hình thành. Một số con đường khác ngụy trang kín đáo cũng đang bí mật bò dần ra phía trước theo những phương án tác chiến. Một số đường thồ đã trở thành đường ô-tô. Riêng đoàn 671 đã san núi phá ngầm mở dược 300 ki-lô-mét đường bộ, đường sông, đưa hàng về các cánh Trung, cánh Nam. Theo các trục đường mới, những cho hàng phía trước như Đ27, Đ28, Đ51, Đ74, H35... đang bắt đầu mọc lên. Một số kho nhỏ trước kia, cũng được mở rộng.

        Các đồng chí chủ trì cơ quan chính trị, hậu cẩn Mặt trận ra cả mặt đường chỉ huy đôn đốc việc mở đường thông xe. Chiến dịch vận chuyển đã huy động một lực lượng nhân lực lớn. Ngoài các đơn vị vận tải chuyên nghiệp, các đơn vị bộ binh, trường quân chính, trường quân y và cả các bác sĩ, y tá, hộ lý của các viện, các đội điều trị cũng đều đi vận chuyển, gùi hàng. Chiến sĩ Nguyễn Công Thức luôn nghiên cứu cải tiến cách thồ hàng, đưa trọng lượng thồ tăng dần từ 300 ki-lô-gam lên tới 420 ki-lô-gam, thậm chí 450 ki-lô-gam, có lần đồng chí thồ cả 2 phuy xăng, nêu kỷ lục cao nhất về vận chuyển xe thồ trên chiến trường. Chiến sĩ lái xe đại đội 4, đại đội 141 “có lệnh là đi, có hàng là chở” bất kể ngày đêm, chẳng quản bom đạn địch, khép kín vòng quay xe nhanh. Chiến sĩ Hà Văn Thêm, ô-tô bị máy bay địch đuổi bắn, xe bốc cháy, toàn thân anh bị bỏng rộp vẫn giữ vững tay lái đưa hàng tới vị trí bàn giao. Còn biết bao tấm gương đẹp đẽ khác nữa xuất hiện trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch. Tất cả mọi người đều muốn góp sức vào để thực hiện trọn vẹn khẩu hiệu hành động “Trường Sơn chuyển mình, Pô Cô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên” trong mùa thi đua giết giặc, lập công Xuân - Hè 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:49:51 pm »


Chương bảy

CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC QUY MÔ LỚN
ĐẦU TIÊN TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN

        Sau mùa xuân năm 1971, quân ngụy mất khả năng tiến công, buộc phải đi vào phòng ngự chiến lược trên toàn chiến trường. Trong lúc đó, lực lượng ta lớn mạnh về mọi mặt, thế chiến lược phát triển có lợi cho ta. “Ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống”1.

        So sánh về thế và lực trên chiến trường lúc đó rất thuận lợi cho ta mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn vào năm 1972 nhằm đánh bại căn bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo nên so sánh lực lượng mới, cục diện mới, dẫn đến một bước ngoặt trong chiến tranh, đưa cuộc cách mạng tiến lên những bước phát triển cao hơn.

        Bộ Tổng tư lệnh xác định Tây Nguyên là một hướng tiến công của bộ đội chủ lực trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với nhiệm vụ:

        “Tiêu diệt địch, giải phóng vùng Đắc Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Công Tum. Hướng phát triển cỏ thể là hướng Plây Cu, có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng tây Plây Cu, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”2.

        Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5 có quan hệ mật thiết với nhau, nên nhiệm vụ của bộ đội chủ lực Tây Nguyên là phải tiêu diệt cho được lực lượng quân sự của địch, thu hút, giam chân lực lượng cho lực của chúng, tạo cơ sở cho phong trào tiến công và nổi dậy ở đồng bằng Khu 5.

        Vùng ba biên giới như bừng lên một sức sống mới. Bộ đội lại nhộn nhịp. Nhiều khu trú quân mới mọc lên và đêm đêm, từ hành lang chiến lược, những chiếc xe tăng, xe kéo pháo, vận tải nối đuôi nhau rẽ vào chiến trường. Sau khỉ điều trung đoàn 24 A đi nơi khác, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Tây Nguyên sư đoàn 2 (thiếu) và bổ sung thêm sư đoàn 320 A, trung đoàn 24 B bộ binh, tiểu đoàn 20 B đặc công, cùng một số lớn các đơn vị binh chủng và đơn vị chuyên môn, kỹ thuật.

        Lần đầu tiên, khối chủ lực Tây Nguyên có một bước phát triển nhảy vọt cả về chất và về lượng.

        Thấy ta ráo riết chuẩn bị chiến trường và cơ động những lực lượng lớn, địch phán đoán đòn tiến công chiến lược chủ yếu, hướng tiến công chủ yếu của ta trên toàn Miền là Tây Nguyên. Do đó, từ đầu năm 1972 chúng đã điều trung đoàn 47 lên, cùng với trung đoàn 42 tăng cường phòng thủ khu vực Tân Cảnh, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, cho máy bay đánh phá kho tàng và các tuyến đường vận chuyển của ta. Trung bình mỗi ngày các đường 128, 70, 60, 50 K bị từ 15 đến 29 lần chiếc máy bay ném bom, bắn phá. Chỉ tính riêng 5 ngày từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 2 đã có “hàng nghìn chiếc máy bay đủ loại của Mỹ ném bom ở Tây Nguyên” (AFP, 13-2-1972).

        Cuối tháng 2, chúng phát hiện được một bộ phận của sư đoàn 320 ở phía đông điểm cao Chư Mom Rây và thấy ta dang làm đường 70 B qua dãy núi phía tây sông Pô Cô để tiến sang Võ Định. Địch tin chắc hướng tiến công của ta sẽ là hướng này, và không còn tin tưởng vào khả năng chống giữ của quân đoàn 2, chúng phải vội vã điều lực lượng dự bị chiến lược ra tăng cường.

        Lữ đoàn dù số 2 vừa cập rập đến Công Tum, lập tức bị ném ra dãy điểm cao phía tây sông Pô Cô để cùng với tiểu đoàn 11 biệt động và tiểu đoàn 3 (trung đoàn 47) hình thành một tuyến phòng ngự lâm thời, ngăn chặn từ xa.

        Lực lượng chủ lực còn lại của địch ở Tây Nguyên là sư đoàn 23 và một bộ phận của liên đoàn 2 biệt động quân cũng đã phải bị động rải quân ra đôi phó với 2 trung đoàn 66, 95 của ta trong giai đoạn đánh nhỏ, giai đoạn chuẩn bị chiến dịch ở đường 14 và đường 19.

        Như vậy, địch đã hình thành hệ thống phòng ngự theo một tuyến dài dọc hai trục đường 14, 19. Hai khu vực Đắc Tô - Tân Cảnh và thị xã Công Tum là hai trung tâm phòng ngự mạnh. Thêm vào đó, do không đánh giá được khả năng của ta, chúng cho là ta chỉ có thể mở được hướng tiến công từ phía tây nên chỉ tổ chức thêm những tuyến phòng ngự vòng ngoài ở hướng này. Toàn bộ tuyến phòng thủ từ thị xã Plây Cu đến Tân Cảnh đều bị bỏ ngỏ ở hướng đông. Riêng đoạn phòng ngự từ bắc thị xã Plây Cu đến nam thị xã Công Tum không được bảo vệ cả phía đông lẫn phía tây.

        Đó chính là nhưng điểm yếu của địch, ta phải nắm khi đánh chúng cũng như khi chọn mục tiêu đột phá.

        Nhiệm vụ chiến dịch của lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên là tiến công vào tuyến phòng ngự của địch, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự của chúng, giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân. Muốn giải phóng được đất đai, vấn đề quan trọng là phải tiêu diệt được lực lượng địch. Ta rất quen cách lừa nhử địch ra ngoài công sự và có kinh nghiệm tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng ở dã ngoại. Bây giờ địch đã đi vào phòng ngự, liệu những kinh nghiệm đó có còn sử dụng được không? Chẳng lẽ tiêu diệt địch lúc này chỉ còn có một cách duy nhất là đột phá vào công sự của chúng?

        Qua tình hình thực tế của chiến trường trong năm, ta thấy địch không đủ sức đối chọi với ta ở bên ngoài, nhưng chúng cũng chưa chịu mất một điểm nào trong tuyến phòng ngự. Chúng còn dựa được vào quân dông, hỏa lực nhiều, phương tiện cơ động nhanh nên chưa phải đã hoàn toàn cố thủ. Nếu ta đánh vào chỗ “tất phải cứu”, địch sẽ ra ngăn chặn, cứu viện. Ta còn có thể nhử địch ra ngoài công sự, lừa chúng vào thế trận của ta mà tiêu diệt. Vì vậy Bộ tư lệnh Mặt trận đề ra cách đánh của chiến dịch là “vây hãm diệt sinh lực kết hợp với đột phá”. Trước tiên ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng của địch ở vòng ngoài, vây hãm những khu trung tâm phòng ngự làm cho lực lượng chiến dịch của chúng bị suy yếu, sứt mẻ. Tiếp theo ta siết chặt, vây hãm làm cho địch trong công sự suy yếu, khó khăn, lúc đó mới tiến hành đột phá. Làm như vậy sẽ tạo được thời cơ, tạo được điều kiện tốt cho đột phá nhanh chóng và chắc thắng.

--------------------------
        1. Trích điện số 236 của Bộ gửi Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 5 và Miền, ngày 10 thagns 9 năm 1971.

        2. Trích điện số 236 của Bộ gửi Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 5 và Miền, ngày 10 thagns 9 năm 1971.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:06:20 am »


1. TIÊU DIỆT SƯ ĐOÀN 22 - GIẢI PHÓNG KHU VỰC ĐẮC TÔ - TÂN CẢNH

        Ngày nổ súng đã tới gần, đường sá mở chưa xong, địch lại đánh phá ngày càng quyết liệt, sức vận chuyển bi hạn chế rất nhiều. Gạo, đạn, xăng dầu chưa đủ. Đến ngày 15 tháng 2, số gạo dự trữ cho chiến dịch do Đoàn 559 chuyển vào vào mới chỉ được 35% kế hoạch. Khó khăn chồng chất tưởng chừng không thể nào vượt nổi. Đảng ủy Mặt trận kiên quyết tung người đi mở thêm cửa khẩu thu mua, tập trung mọi phương tiện đưa nhanh gạo từ các nơi về, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan kinh tài của các tỉnh để động viên mọi nguồn nhân, vật lực.

        Đến cuối tháng 3, do sự nỗ lực của Mặt trận và Đoàn 559, những yếu tố cơ bản để triển khai chiến dịch cũng tạm ổn, mặc dù chỉ mới đủ cho giai đoạn đầu.

        Cùng một lúc với các chiến trường toàn Miền, Quân giải phóng Tây Nguyên mở đầu cuộc tiến công chiến lược bằng trận nổ súng vào bọn lính dù. Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 3, trung đoàn 52 và một tiểu đoàn của trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 bắt đầu vây ép tiểu đoàn dù 2 ở điểm cao 1049 và các chốt lẻ phụ cận.

        Bi ép mạnh, địch co dần lại. Đến ngày 2 tháng 4, ta tổ chức tiến công, tiểu đoàn địch bị thiệt hại nặng. Bọn địch thấy nếu để mất khu vực này thì từ đây đối phương có thể chọc thẳng sang đường 14, cắt đôi thế trận phòng ngự ở bắc Công Tum, cô lập cụm phòng ngự Tân Cảnh và uy hiếp trực tiếp thị xã Công Tum.

        Bọn chỉ huy ngụy điều tiếp lữ đoàn dù sổ 3 cùng với sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn dù ra khu vực Công Tum. Lữ đoàn dù 3 tung lực lượng ra phía tây sông Pô Cô thay thế cho tiểu đoàn 3 (trung đoàn 47) và tiểu đoàn 2 (lữ đoàn dù 2).

        Cuộc giao tranh mới bắt đầu, sư đoàn dù (thiếu) - lực lượng dự bị chiến lược của quân ngụy đã phải làm nhiệm vụ thê đội 1 chiến dịch. Điều đó chứng tỏ sự suy yếu mới của quân ngụy và thế bị động lúng túng của bọn chỉ huy của chúng.

        Để nhanh chóng đập vỡ tuyến ngăn chặn vòng ngoài, Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trương tiêu diệt tiểu đoàn dù số 11 ở điểm cao 1015 và giao cho trung đoàn 64 (sư đoàn 320) đảm nhiệm. Đợt chiến đấu đầu tiên không thành công vì tổ chức chỉ huy và sử dụng cách đánh không tốt. Với tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh và quyết tâm thực hiện bàng được nhiệm vụ đã được phân công, ban chỉ huy trung đoàn kịp thời rút kinh nghiệm, động viên bộ đội kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, ác liệt để tổ chức đánh lại.

        Trận đánh được tiếp tục từ sáng ngày 14 tháng 4: Các cỡ pháo của trung đoàn 675 vả các loạt hỏa lực của trung đoàn 64 (sư đoàn 320) bắn trúng sở chỉ huy địch, đốt cháy hai kho và phá hủy tới 50 - 60 % số hầm hào, công sự dã chiến. Bọn địch không chịu nổi, một số phải trồi lên mặt đất, phá chạy ra xung quanh nhưng đều bị đánh bật trở lại.

        17 giờ, bộ đội bắt đầu xung phong. Mũi thọc sâu của các chiến sĩ đại đội 9 đánh đúng sở chỉ huy và bắn chết tên tiểu đoàn trưởng của địch. Bọn địch bị chia cắt và bị tiêu diệt từng bộ phận, một số tên lợi dụng đêm tối trốn được ra ngoài, nhưng chúng mới tới Ngọc Đi Ốc đã rơi vào trận địa đón lõng của tiểu đoàn 2 (trung đoàn 48).

        Tiểu đoàn dù số 11 bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong số 166 tên bị bắt làm tù binh, có gần đủ mặt số sĩ quan từ cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn. Đây là tiểu đoàn dù đầu tiên của địch bị tiêu diệt gọn trên chiến trường. Uy thế của lực lượng dự bị chiến lược, con cưng của quân ngụy Sài Gòn giảm sút một cách nhanh chóng và thảm hại.

        Trận đánh tuy phải kéo dài nhưng đã thu được thắng lợi lớn. Trung đoàn 64 (sư đoàn 320) đã từng tiêu diệt 2 tiểu đoàn và lữ đoàn bộ lữ dù 3, xích tay tên đại tả lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ ở Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, lần này lại hoàn thành tốt trận then chốt thứ nhất của chiến dịch. Trung đoàn phát huy được truyền thống “dũng cảm đánh hăng” và tạo được cơ sở tốt để xây dựng tác phong chiến dấu của một đơn vì chủ lực. Thành tích này của trung đoàn được đánh giá cao. Một lần nữa, trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:06:47 am »


        Mất điểm cao 1015, tên Ngô Du - tư lệnh quân đoàn 2, hớt hải lên Võ Định để cùng với bọn chỉ huy sư đoàn dù bàn cách chiếm lại.

        Tiểu đoàn dù số 3 vừa mò ra khỏi vị trí Đắc Keng Peng, chưa kịp đi phản kích đã bị chặn đánh, thiệt hại nặng phải ôm đầu chạy về. Sở chỉ huy của cả 2 lữ đoàn dù cũng bị no đòn pháo kích của các chiến sĩ trung đoàn 28. Thế là, tướng tiếp tục ra lệnh nhưng quân nhất định không đi nữa. Kế hoạch phản kích không có người thực hiện nên chúng phải hủy bỏ.

        Tuyến ngăn chặn ở phía tây sông Pô Cô bị chọc thủng. Sư đoàn dù phải rút bỏ một số vị trí, co về cùng với lực lượng quân đoàn 2 giữ lấy tuyến phòng ngự cơ bản từ Võ Định đến thị xã Công Tum.

        Phối hợp với sư đoàn 320 đánh quân dù, trên các hướng khác, các đơn vi đều hoạt động tích cực.

        Ở phía bắc, sư đoàn 2 (thiếu), tiểu đoàn 3 (trung đoàn 400) một số phân đội nhỏ của trung đoàn 40 cùng với một số đơn vị của tỉnh đội Công Tum tiến hành vây hãm trung tâm phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh. Các đơn vị phá hủy, phá hỏng 36 máy bay, 36 xe tăng, xe bọc thép và 39 khẩu pháo, cối. Sư đoàn 2 còn bố trí sẵn thế trận, lừa địch ra vùng Ngọc Tụ, vùng tây bắc sân bay Đắc Tô 2, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn và đánh tan 2 tiểu đoàn khác. Một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trong khu then chốt phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh và vùng xung quanh bị diệt.

        Trên đường 14, trung đoàn 28 tập kích diệt trận địa pháo địch ở Công-trăng Lăng-loi, đánh thiệt hại tiểu đoàn 23 biệt động quân và diệt gọn 2 chi đội xe bọc thép thuộc trung đoàn thiết giáp 14, làm gián đoạn sự vận chuyển, ứng cứu của địch từ Công Tum đi Tân Cảnh.

        Trung đoàn 95 đánh địch ở nam thị xã Công Tum, tổ chức 7 chốt hỏa lực ở Chư Thoi, hình thành những mũi chặn địch từ Plây Cu lên Công Tum. Các chiến sĩ trung đoàn 95 đã kiên cường bám trụ dưới tầm phi pháo ác liệt liên tiếp đánh giao thông diệt nhiều đoàn xe tiếp tế của địch, trong đó có đoàn xe 40 chiếc và 120 chiếc. Địch phải dùng trung đoàn 45 và trung đoàn 53 cùng với 2 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép phản kích hòng đánh bật trung đoàn 95 của ta ra khỏi khu vực đường 14 và các chốt Chư Thoi. Nhưng các chiến sĩ trung đoàn 95 vẫn giữ vững trận địa và biến Chư Thoi thành bức tường thép sừng sững chặn đứng mọi cuộc phản kích của địch. Hàng trăm xe quân sự và hàng chục đại đội địch bỏ xác tại khu vực này.

        Trung đoàn 28 và trung đoàn 95 đã góp phần siết chặt thêm thế vây hãm chiến dịch đối với các cụm phòng ngự của địch ở Công Tum.

        Thời gian này trên chiến trường toàn Miền, quân và dân Trị - Thiên đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở Quảng Trị, đánh chiếm và làm cho các căn cứ Ái Tử, La Vang, Đông Hà, Thành Quảng Trị buộc địch phải lùi về phía nam sông Mỹ Chánh.

        Ở miền Đông Nam Bộ, quân và dân ta đã giải phóng huyện Lộc Ninh và đang tiến công vào thị xã An Lộc, cửa ngõ tây bắc Sài Gòn. Địch bị thiệt hại nặng. Chương trình “bình định” của chúng bị quét sạch khỏi nhiều vùng rộng lớn và phá sản ngay trên những khu vực chúng đã chà đi xát lại nhiều lần trong suốt mấy năm trời.

        Bọn chỉ huy địch đã thấy được hướng tiến công chiến lược chủ yếu của đối phương không phải là Tây Nguyên nên mặc dù tuyến ngăn chặn phía tây sông Pô Cô bị chọc thủng, chúng vẫn buộc phải điều bộ chỉ huy nhẹ sư đoàn dù và lữ đoàn dù số 2 vào Bình Long.

        Qua bước một của chiến dịch, địch bị tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận, lực lượng quân dù rút đi quá nửa, lực lượng nòng cốt chiến dịch của địch đã suy yếu, mất sức phản kích. Cánh cửa chiến dịch dược mở toang ở hướng tây. Sư đoàn 320 đang tràn qua sông Pô Cô. Đường 14 và thị xã Công Tum bị uy hiếp trực tiếp, cụm Đắc Tô - Tân Cảnh bị bao vây khốn đốn. Thời cơ chiến dịch xuất hiện, điều kiện để đột phá đã đến lúc chín muồi. Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định bỏ qua bước hai không cần kéo địch ra bắc Võ Định để tiêu diệt như đã dự kiến lúc đầu, nhanh chóng thực hiện luôn bước ba: tiến công địch giải phóng vùng Đặc Tô - Tân Cảnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:07:07 am »


        Cụm phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh so với cụm phòng ngự ở thị xã Công Tum thì nhỏ hơn, lại ở một vị trí đột xuất nên dễ bị cô lập, dễ bị bao vây, chĩa cắt. Đích tập trung ở đây 13 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp và 3 tiểu đoàn pháo.

        Trong cách bố trí phòng ngự, địch cũng tập trung sức mạnh về hướng tây, hướng bắc. Sở chỉ huy của cụm nằm trong căn cứ 42 cũng đặt lại sâu về hướng đông là hướng bị bỏ trống, không có gì che đỡ.

        Khi phân tích tình hình cụ thể, Bộ tư lệnh Mặt trận quyết đinh lợi đụng điểm yếu cơ bản đó của địch để đánh địch. Phải tập trung lực lượng vào hướng địch sơ hở và từ đó đánh vào chỗ hiểm yếu nhất của chúng.

        Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Mặt trận từ lâu đã chuyển sang dãy núi Ngọc Tơ Lum để chỉ đạo việc chuẩn bị cho trận đột phá.

        Hơn 400 tấn vật chất đã được chuyển sang lót sẵn ở hướng đông.

        Trung đoán 66 được tăng cường thêm tiểu đoàn 37 đặc công nằm trong đội hình chiến đấu của sự đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ 42. Các chiến sĩ phải tự xoi một con đường dài gần 200 ki-lô-mét len lỏi qua những khu rừng rậm, núi cao để vận chuyển đạn, gạo tới vị trí tập kết. Vào những đêm trước trận đánh, từ các cánh rừng xa 2, 3 ki-lô-mét, họ lặng lẽ vác những đoạn gỗ đến bí mật chôn giấu ngay gần hàng rào của địch để khi chiến đấu sẽ có gỗ làm hầm. Những hoạt động của ta ở phía tây và phía bắc đã thu hút hết sứ chú ý của kẻ địch. Thế trận của trung đoàn 66 giữ được bí mật, an toàn.

        Ngày 17 và 18 tháng 4, đánh hơi thấy có lực lượng của ta ở hướng đông, chúng cho lực lượng ra thăm dò. Từ sở chi huy tiền phương, Bộ tư lệnh Mặt trận kịp thời lệnh cho các đơn vị ở hướng đông chỉ được phép tổ chức những bộ phận nhỏ đánh dịch, còn tất cả đều phải cố tránh để giữ bí mật lực lượng. Đồng thờ lệnh cho sư đoàn 2 ép mạnh vào phía bắc sân bay Đắc Tô 2. Bọn địch hoang mang không phán đoán được tình hình, không nắm được cụ thể lực lượng và ý đồ của ta ở hướng đông.

        Các lực lượng của ta trên đường 14 được lệnh đẩy mạnh cường độ hoạt động. Trên đoạn đường phía nam thị xã Công Tum, hàng trăm dân quân và đồng bào huyện 3, huyện 4 (Gia Lai) sát cánh cùng bộ đội đắp ụ, chôn mìn, xây dựng những trận địa chốt ngay sát mép đường, trên các khu vực Chư Thoi, cầu Ia Tô Ve. Đường 14 bị cắt đứt hẳn ở cả hai phía bắc và nam thị xã Công Tum. Trung đoàn 95 và tiểu đoàn 1 (trung đoàn 24) chịu đựng hàng trăm tấn bom đạn đủ loại của địch (kể cả bom 7 tấn có sức công phá lớn) để dựng một cánh cửa thép đóng chặt con đường vận chuyển huyết mạch của dịch trong suốt 67 ngày đêm liên tiếp.

        Những đơn vị địch nằm ở hướng đông căn cứ 42 bị quét sạch trong lúc các cụm pháo của trung đoàn 40 và trung đoàn 675 bắn dữ dội phá hoại các mục tiêu bên trong căn cứ.

        Đại đội 29, lần đầu tiên xuất trận đã điều khiển những quả đạn B72 bay vào phá hủy hầu hết tuyến công sự ở cả hai phía đông, đông nam, diệt gọn hai khẩu ĐKZ đặt cao tít trên tháp nước.

        Kho xăng địch bốc cháy, kho đạn địch nổ tung. Khu trung tâm thông tin chỉ còn trơ lại một đống gạch vụn. Bọn chỉ huy sư đoàn 22 phải nhờ mạng thông tin của lũ cố vấn Mỹ để điều khiển quân lính.

        Tên đại tá Tòn Thất Hùng được quân đoàn 2 cử lên cùng với sư đoàn 22 quyết “tử thủ” ở Đắc Tô - Tân Cảnh, bám được một chiếc máy bay lên thăng Mỹ chuồn vội về Plây Cu, bỏ mặc đám quân tướng của sư đoàn 22 ở lại chịu đòn.

        Trong khói lửa mù mịt, các chiến sĩ trung đoàn 66 và tiểu đoàn 37 áp sát vào hàng rào căn cứ địch.

        Từ vị trí tạm dừng bí mật ở ngầm Pô Cô Hạ; đại đội 7 thiết giáp xuất kích. 9 chiếc xe tăng T54 của ta như những con mãnh hổ ầm ầm chạy dọc theo đường 14, lướt qua quận lỵ Đắc Tô rồi lao về căn cứ 42.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:07:49 am »


        Địch đã hoảng hốt về sự xuất hiện bất ngờ cửa một lực lượng lớn bộ binh tinh nhuệ của ta ở hướng đông, nay lại đột ngột thấy thêm mũi vu hồi mạnh của xe tăng cũng dang lao vào hướng này. Tên sư đoàn trưởng sư đoàn 22 Lê Đức Đạt không còn cách nào xoay chuyển được tình hình. Tự lượng sức không thể chống đỡ nổi đòn tiến công mạnh mẽ, bất ngờ và hết sức hiểm hóc này, hắn khẩn thiết xin cấp trên cho rút. Tên Ngô Du, tư lệnh quân đoàn 2 cũng đang bí kế đành phải nghe theo, nhưng khốn nỗi, ý kiến của chúng không được quan thầy Mỹ chuẩn y.

        Từng đàn máy bay đủ loại từ các sân bay ở Plây Cu, Công Tum liên tiếp lao lên. Bầu trời đêm Đắc Tô - Tân Cảnh sáng trắng những đèn dù và vang động tiếng bom nổ, đạn réo.

        Vỏ thép của những chiếc xe tăng T54 chốc chốc lại lóe lên sáng chói vì mảnh của những quả bom nổ gần đập vào. Ngồi trong xe, nhìn qua lớp kính dày, các chiến sĩ lái vẫn thấy thấp thoáng trong khói bom những chiến sĩ bộ binh. Trần Minh Dần, Phan Bá Nhân, Mai Xuân Hóa... bình thản đi trước mũi xe để dẫn đường. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn 66 do đồng chí tham mưu phó Hoàng Anh Tài phụ trách đã làm thành những lộ tiêu sống cho xe đi. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, nhiều đồng chí bị thương không đi được nữa vẫn cố leo lên ngồi trên thành xe để tiếp tục chỉ đường.

        Xe tăng ta vào đúng vị trí chiến đấu, đúng thời gian quy định nhờ công lao thầm lặng của các chiến sĩ trung đoàn 7 công binh mở đường số 50 K, làm ngầm Pô Cô Hạ và của các chiến sĩ bộ binh dẫn đường dũng cảm.

        Bọn địch trong căn cứ 42 chống cự quyết liệt và gọi pháo từ các nơi bắn về. Đại đội 8 (trung đoàn 40), đại đội 4 (trung đoàn 675), những đơn vị có truyền thống “đã nổ súng là trúng mục tiêu”, lập tức khóa chặt miệng các khẩu pháo của địch. Pháo thủ Lương Văn Căm một mình đảm nhiệm tất cả các số của khẩu pháo cho anh em đi vận chuyển, vẫn bắn kiềm chế dịch kịp thời.

        Trong suốt quá trình chiến đấu, các chiến sĩ đại đội 33 thông tin của Mặt trận thoăn thoắt vượt qua các bãi bom, bãi pháo nối các mối dây đứt, giữ vững dường dây liên lạc thông suốt từ sở chỉ huy Mặt trận tới tận các đơn vị đang ở trên các chiến hào.

        Ở hướng đông căn cứ 42, đại đội 3 (trung đoàn 66) đã phá xong các lớp rào.

        Ở hướng bắc, địch chống trả quyết liệt, một số chiến sĩ bộc phá hy sinh. Đại đội trưởng đại đội 6 (trung đoàn 66) Nguyễn Phước Hậu và trung đội trưởng Vinh gương mẫu ôm mìn định hướng lao lên dưới sự yểm hộ của các chiến sĩ xe tăng. Địch phản kích định bịt tại cửa mở. Nằm cùng đồng đội ngay sát lớp rào trong cùng, chiến sĩ Bùi Viết Nhần thoáng nghĩ: nếu mình cứ nằm mà bắn B 40 thì luồng lửa phụt ra phía sau có thể làm thương vong đồng đội. Không chần chừ, anh đứng thẳng người lên trước làn đạn dày đặc của kẻ địch, bình tĩnh giương súng ngắm và bóp cò. Quả đạn của anh bay vào phá tan chiếc xe tăng phản kích. Bùi Viết Nhần cùng đồng đội đã giữ vững được cửa mở, đợi giờ phút xung phong.

        5 giờ 10 phút ngày 24 tháng 4, ba phát pháo hiệu màu bay vút lên không trung vẽ thành những dường cong mờ trên màn sương buổi sớm.

        Từ các hướng, bộ đội nhất tề xung phong.

        Người trước ngã, người sau tiến lên, tiều đoàn 7 đánh chiếm đầu cầu. Xe tăng ta bắn mạnh vào hai bên sườn đội hình phản kích của địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong vào bên trong. Đạn pháo xe tăng, đạn B 40 và thủ pháo của bộ binh lần lượt phá sập từng lô cốt của địch. Xích xe tăng chà nát nhiều ụ súng kháng cự. Tiểu đoàn trưởng tiều đoàn 7 Phạm Văn Vượng với tác phong chỉ huy sâu sát, xông xáo, dũng.câm luôn luôn cỏ mặt ở những nơi ác liệt nhất, mưu trí giải quyết kịp thời các tình huống khó khăn cho bộ đội, dẫn tiểu đoàn cùng với xe tăng nhanh chóng chọc một mũi thọc sâu vào tận khu trung tâm chỉ huy địch. Phạm Văn Vượng vinh dự được Đảng và Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Địch dùng dàn phóng chất độc hóa học bắn hơi ngạt, hơi cay hòng chặn bước tiến các cánh quân của ta. Đã được chuẩn bị sẵn, các chần sĩ rót nước trong bi-đông vào khăn mặt và khẩu trang mang bên mình, buộc che mồm, mũi rồi tiếp tục chiến đấu.

        Ban chỉ huy trung đoàn 66 lệnh cho tiểu đoàn 37, đang gặp khó khăn chưa vào được, chạy qua cửa mở của tiểu đoàn 7 để đánh vào. Đại đội 29 bắn 5 phát B72 yểm hộ. Hai xe tăng dự bị củng tiến.

        Đến 9 giờ 30 phút, những tốp tù binh bị ta bắt, lũ lượt theo cửa hướng đông đi ra.

        Các đơn vị địch hầu như bị khóa chặt cả chân tay, nằm nguyên một chỗ, nhìn bọn chỉ huy đang giãy chết trong căn cứ 42.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:08:13 am »


        So sánh lực lượng trong khu vực, ta ít hơn địch nhiều lần, nhưng do khéo chia cắt địch và biết tập trung lực lượng thích đáng để giành ưu thế tuyệt đối ở trận đánh then chốt, nên ta đã nhanh chóng đè bẹp được địch trong căn cứ 42.

        Đúng 11 giờ trưa, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 42. Tên Lê Đức Đạt cùng với tên đại tá cố vấn Mỹ bi bắn chết. Tên sư đoàn phó Vi Văn Bình chạy trốn cũng bị tóm cổ cùng với số sĩ quan tham mưu, lũ cố vấn Mỹ và hơn 400 binh lính của hắn.

        Ở trung tâm căn cứ 42, lá cờ Giải phóng do tỉnh ủy Công Tum trao cho trung đoàn 66 hôm làm lễ xuất quân được Nguyễn Xuân Hòa, tiều đội trưởng tiểu đội 4 đại đội 2 mang vào trận đánh, đang tung bay, báo tin chiến thắng với mọi người.

        Thế trận ngầm từ lâu vẫn giấu kín ở hướng đông, bất ngờ bật dậy, kết hợp với mũi xe tăng vu hồi và các cụm pháo chiến dịch gây thành giông bão lớn trên khu vực hiểm yếu nhất của địch, chỉ trong chốc lát phá tan tành khu phòng ngự then chốt của trung tâm Đắc Tô - Tân Cảnh. Hãng thông tin nước ngoài đưa tin “Đây là một sở chỉ huy cỡ sư đoàn lần đầu tiên bị đánh chiếm trong cuộc tiến công kéo dài đã 26 ngày qua của Cộng sản” (AFP, 24-4-1972).

        Nói về thế bất ngờ của mũi xe tăng vu hồi, một phóng viên phương Tây khác mô tả:

        “Xe tăng Cộng sản vòng qua các tiền đồn bảo vệ, đánh thọc vào sở chi huy tiền phương của sư đoàn bộ binh số 22”, và đến khi “các nòng pháo cửa xe tăng hầu như chĩa thằng vào các boong ke chi huy, các cố vấn Mỹ mới giật mình không hiểu xe tăng từ đâu tới” (Báo Diễn đàn thông tin quốc tế, 26-4-t972).

        Pháo chiến dịch của ta chuyển làn bắn sang căn cứ Đắc Tô 2.

        Lúc 8 giờ sáng, khi thấy khả năng tiêu diệt căn cứ 42 đã rõ ràng, Bộ tư lệnh Mặt trận chủ trương nhanh chóng và táo bạo phát triển tiến công vào Đắc Tô 2.

        Trung đoàn 1 (sư đoàn 2) tăng cường thêm tiểu đoàn 10 làm nhiệm vụ ngăn chặn ở giữa Đắc Tô và Tân Cảnh được lệnh đánh thẳng vào sào huyệt của trung đoàn 47 ở căn cứ Đắc Tô 2.

        4 xe tăng T54 và 1 pháo cao xạ tự hành 57 mi-lí-mét cũng được lệnh rời căn cứ 42 sang phối hợp chiến đấu.

        Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy chiếc xe tăng số 377 lao vào giữa bầy xe tăng địch, tả xung hữu đột diệt hết chiếc này đến chiếc khác. Tổ chiến đấu của Nguyễn Nhân Triển đã nêu kỷ lục diệt liền một lúc 5 xe địch trong một trận đánh của binh chủng thiết giáp trên mặt trận Tây Nguyên.

        Sức chống cự của dịch nhanh chóng bị đè bẹp. Quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Đắc Tô 2.

        Đêm hôm đó, trung đoàn 2 (sư đoàn 2) và tiểu đoàn 3 (trung đoàn 400) lại tập kích căn cứ Diên Bình, diệt gọn 2 liên đội bảo an, thu nguyên vẹn 6 khẩu pháo lớn, 7 ô tô và 2 máy bay lên thẳng.

        Hai căn cứ trụ cột đã bị diệt, cộng thêm căn cứ Diên Bình cũng bị phá nát, cụm phòng ngự phía bắc tỉnh Công Tum của địch bị đổ sụp rất nhanh. Bọn địch ở hai căn cứ hỏa lực trên Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rình Rua bị cô lập phải rút về Plây Cần. Bọn ở Trí Lễ, quận lỵ Đắc Tô và trên dãy điểm cao ở bờ tây sông Pô Cô bị uy hiếp phải chạy hết về khu vực Công Tum. Sở chỉ huy của lữ đoàn dù 3 cũng vội lùi vào phía trong thị xã.

        Trung đoàn 28 và một bộ phận của sư đoàn 320 đón lõng bắt được hầu hết bọn tàn binh chạy trên đường và cả những vùng ở hai bên trục đường. Lực lượng kìm kẹp của địch trong vừng bị tan rã hoàn toàn. Hơn 25 nghìn đồng bào các dân tộc mấy năm nay phải sống đọa đày trong các trại tập trung, các “ấp chiến lược” dọc hai bên đường 14, 18 từ Võ Định lên Tân Cảnh, từ Đắc Tô về Đắc Mót được giải phóng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ “bộ đội B3” về giúp đồng bào dựng lại nhà cửa, đào hầm hào phòng tránh bom đạn địch, ổn định nhanh mọi sinh hoạt bình thường. Các đội công tác của trung đoàn 24, 40 sát cánh cùng cấp ủy địa phương giữ gìn trật tự, trị an, giúp địa phương xây dựng chính quyền, tổ chức các đoàn thể quần chúng. Trên mảnh đất này, một cuộc sống mới đang bắt đầu.

        Chiến thắng ở Đắc Tô - Tân Cảnh, lần đầu tiên lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên tiến công bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh trong vòng 10 tiếng đồng hồ đánh ngã toàn bộ một lực lượng tương đương 1 sư đoàn tăng cường của địch, phá vỡ toàn bộ một trung tâm phòng ngự mạnh, giải phóng một vùng tương đối rộng. Chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh mở ra cho các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên khả năng đánh tiêu diệt lớn. Việc giải phóng Tây Nguyên đã trở thành một khả năng thực tế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:08:47 am »


        Sau khi Đắc Tô - Tân Cảnh bị tiêu diệt, lực lượng địch ở thị xã Công Tum rất mỏng yếu. Trong thi xã chỉ có 2 tiểu đoàn chủ lực và một số đơn vị bảo an. Đại bộ phận sư đoàn 23 và liên đoàn 6 biệt động (mới ở Nam Bộ ra thay cho lữ đoàn dù 2) vẫn phải rải quân ra đối phó trên đường 14.

        Về phía ta, đường 50 K chưa nối thông được với đường 14 ở phía bắc, đường 70B cũng chưa vượt qua dãy điểm cao phía tây sông Pô Cô. Việc vận chuyển đạn, gạo và cơ động binh khí kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Cân nhắc thấy tuy địch ở Công Tum sơ hở nhưng ta chưa có đủ điều kiện để phát triển tiến công một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, Thường vụ Đảng ủy Mặt trận quyết định phải khẩn trương đánh địch để mở đường vận chuyển và cơ động lực lượng.

        Ngày 4 tháng 5, liên đoàn 6 biệt động quân bị đánh thiệt hại nặng. Sư đoàn 320 cùng với trung đoàn 28 phá vỡ được tuyến phòng ngự Võ Định - Công Trăng Klả.

        Ngày 9 tháng 5, trung đoàn 52 có pháo binh chi viện và 5 xe tăng của đại đội 2 thiết giáp tham gia cùng đột phá, trong 45 phút đã tiêu diệt tiểu đoàn 62 biệt động, đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn vi trí Kleng. Trong trận đánh, do bố trí trận địa ở một địa điểm bất ngờ ngay trên sân bay, 4 khẩu súng máy cao xạ 12,7 của tiểu đoàn 16 (sư đoàn 320) đã bắn rơi 8 máy bay địch đủ loại. Sau đó, trên đường cùng bộ binh hành quân vào hướng Công Tum, các đồng chí lại giá súng ngay trên mặt đường trống trải kịp thời bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay khác, bảo vệ được đội hình của bộ binh.

        Ở Chư Pao, làng Rệp, các chiến sĩ trung đoàn 95 đánh tiêu hao lữ đoàn dù 3 trên đường rút khỏi Công Tum. Sở chỉ huy hành quân của lữ đoàn dù cũng bị tiểu đoàn 20 tiêu diệt gọn trong căn cứ Ia Con cùng với hơn một tiểu đoàn pháo, 3 đại đội vừa lính dù, vừa bảo an, thám báo. Khắp cả ba tỉnh, nhân dân có điều kiện thuận lợi đang nổi dậy cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích diệt ác, phá kìm. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các chi Hơ Phênh, Hơ Bi đã kiên trì bám đất, bám dân hoạt động, vận dụng sáng tạo phương châm đấu tranh hai chân, ba mũi. Các chị đã cùng với đội công tác vận động và làm tan rã 1 đại đội địch, cùng với nhân dân làm tan rã 1 trung đội phòng vệ dân sự, tranh thủ được sự đồng tình của 1 đại đội bảo an khác, tạo diều kiện thuận lợi cho 4.000 nhân dân ở khu đồn Ia Bi nổi dậy phá tan toàn bộ khu dồn của địch, bung về làng cũ.

        Cả phía trước, phía sau, bọn địch đều bị ba thứ quân của ta tiến đánh. “Tình hình Công Tum, đường 14 và toàn quân khu 2 là vô cùng nguy hiểm, rối mù!” (AFP, 8-5-1972).

        Bọn cố vấn Mỹ trong thị xã Công Tum đã “di tản” về Plây Cu.

        Tên Ngô Du bất lực đã bị cách chức. Tên Nguyễn Văn Toàn, thiếu tướng tư lệnh mới của quân đoàn 2 cho điều chỉnh lại lực lượng và đội hình phòng ngự.

        Địch bỏ vị trí Krông, bỏ quận lỵ Công Tum. Toàn bộ sư đoàn 23 rút hết về để dăng thành một tuyến phòng ngự mới khá chặt chẽ ở ngay sát phía bắc thị xã.

        Điều kiện thực tế lúc đó về ta và về địch không cho phép ta đánh thẳng được vào thị xã nữa. Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định phải đánh địch bằng hai bước: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của sư đoàn 23 ở vùng ven, sau đó mới tiến công địch trong thỉ xã.

        Một số đơn vị xe tăng, pháo binh (có cả những đơn vị mới thành lập, được trang bị pháo 105, 155 vừa thu được của địch) đã tiến tới các khu vực gần thị xã.

        Qua 12 ngày chiến dấu, sư đoàn 320 và trung đoàn 28 phá vỡ dược một khu vực phòng ngự của địch ở tây bắc thị xã từ quận ly Công Tum đến ngã ba Trung Tín. Địch phải co về phía đông suối Đắc Lây.

        Địch dùng thủ đoạn bố trí thành nhiều điểm tựa nhỏ, dựa vào công sự vững chắc, liên kết với nhau chặt chẽ để chống đỡ, sơ tán đội hình để tránh đạn mỗi khi pháo ta bắn mạnh. Đồng thời chúng tăng cường các hoạt động của pháo binh, không quân, đặc biệt là tăng cường ném bom rải thảm của máy bay B52.

        Trước thủ đoạn mới của địch, ta chưa diệt gọn được những đơn vị lớn. Thế trận phòng ngự của địch chưa bị đập nát, lực lượng địch chưa suy yếu nghiêm trọng nên không tạo được thời cơ đột phá vào trong thị xã.

        Bọn địch ở thị xã Công Tum đã bị vây hãm. Đường bộ bị cắt đứt. Một số kho tàng bị phá hủy. Trung tâm phòng ngự cửa địch gồm nhiều vi trí công sự vững chắc, liên hoàn trên một phạm vi rất rộng, nên ta khó triệt được tiếp tế đường không. Địch ở trong thị xã đã khốn quẫn nhưng chưa bị kiệt quệ, vì vậy điều kiện đột phá cũng chưa chín muồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 12:14:45 am »


        Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy Mặt trận chủ trương bằng mọi cách cố gắng đưa gạo, đạn đến cho bộ đội và kiên quyết vừa đánh vào thị xã, vừa đánh ở vòng ngoài để tiêu diệt toàn bộ quân địch.

        Đêm 24 và 25 tháng 5, từ các hướng địch sơ hở và phòng ngự yếu, sư đoàn 2 và đại đội 209 của thị đội Công Tum cùng với đơn vị xe tăng đã chọc những mũi rất mạnh vào trong thị xã. Các đơn vị đánh chiếm phía nam khu hành chính tỉnh, khu vực sân bay, sở chỉ huy của trung đoàn 44, kho 40 - 41, bệnh viện dã chiến và hai phần ba biệt khu 24.

        Tên Giôn Pôn-van trùm cố vấn Mỹ ở quân đoàn 2 lên thị sát và chỉ thị cho sư đoàn 23 chống cự đến cùng. Hắn chưa kịp quay trở về, chiếc máy bay lên thẳng của hắn đã bị bắn lộn cổ trên đường 14. Nhân vật quan trọng số ba của nước Mỹ ở Việt Nam sau Bân-cơ và Oét-mo-len, người trực tiếp điều hành mọi hoạt động quân sự, chính trị của quân đoàn 2, bi tan xác đã làm cho Ních-xơn hết sức đau đầu.

        Bọn địch chống cự điên cuồng, chúng tập trung ném bom phá, bom cháy, hóa chất độc, tập trung bắn pháo, tung xe tăng, bộ binh liên tiếp phản kích giành giật với ta từng căn nhà, góc phố.

        Bộ tư lệnh Mặt trận cho điều chỉnh lại đội hình chiến đấu và cho thêm trung đoàn 66 vào bên trong thị xã để tiếp tục tiến công, cố nối liền các khu đã chiếm thành một khu vực lớn liên hoàn.

        Biết bao gương chiến đấu kiên cường bất khuất đã xuất hiện trong các đơn vị đang đánh dịch ở trong và ngoài thị xã.

        Trên khu vực Ngọc Bay, khẩu đội 12,7 do Anh hùng Trần Phúc Yên chỉ huy đã góp phần khống chế máy bay địch, yểm hộ đắc lực cho bộ binh. Trong mấy mùa chiến dịch trước, anh đã từng bắn rơi 4 máy bay và góp phần chủ yếu cùng khẩu đội bắn rơi 31 chiếc khác. Lần này với kỹ thuật điêu luyện và tài chi huy mưu trí, sáng tạo anh lại cùng khẩu đội đánh tan nhiều cuộc tiến công bằng không quân của địch, bắn rơi nhiều chiếc và diệt gọn cả một tốp 6 chiếc trực thăng vũ trang. Dùng máy bay không đẩy được khẩu đội của Trần Phúc Yên ra khỏi khu vực này, địch phải đưa bộ binh đến tiến công. Trần Phúc Yên bình tĩnh chỉ huy khẩu đội dùng súng 12,7, tiểu liên, lựu đạn chiến đấu và chiến thắng một lực lượng địch đông hơn gấp 30 lần.

        Trong trận chiến đấu ác liệt, Trần Phúc Yên đã anh dũng hy sinh, nhưng hình ảnh người đại đội phó trưởng thành từ một xạ thủ súng máy cao xạ mưu trí, dũng câm và có kỹ thuật điêu luyện ấy không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các chiến sĩ Tây Nguyên.

        13 ngày chiến đấu quyết liệt đã trôi qua.

        Tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch chưa bị phá vỡ, chúng còn tập trung dược lực lượng đối phó với ta ở bên trong thị xã. Các đơn vị vẫn giữ vững những vị trí đã chiếm, nhưng sức chiến đấu bị giảm dần, vì việc tiếp tế bị mưa lũ cán trở, gạo đạn dự trữ mang theo còn ít.

        Đêm ngây 5 tháng 6, xét thấy những điều kiện để tiêu diệt hoàn toàn quân địch trong thị xã không còn nữa, Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định cho các đơn vị lui quân.


Diễn biến chiến dịch giải phóng Đắc Ioo - Tân Cảnh (twf 30-3 đến 25-4-1972)

        Đợt hoạt động Xuân - Hè trong chiến dịch tiến công chiến lược năm 1972 ở Tây Nguyên đã kết thúc. Tuy còn một số thiếu sót chưa hoàn thành nhiệm vụ giải phóng thị xã Công Tum, nhưng “... chiến trường Tây Nguyên đã giành được thắng lợi to lớn về tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung... Sự chỉ đạo có ưu điểm là kiên quyết và sáng tạo, ra sức khắc phục khó khăn, giành được thắng lợi to lớn...”1.

--------------------------
       1. Trích điện số 442 của Thường vụ Quân ủy Trung ương gửi Trung ương Cục, Khu ủy Khu 5 và Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, ngày 16 tháng 6 năm 1972.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM