Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:42:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước  (Đọc 26319 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:07 pm »

         
        - Tên sách: Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản: 1980
        - Số hóa: macbupda, ptlinh


        Trong quá trình viết cuốn “Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên cũ, các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, các đồng chí cán bộ ở tỉnh ủy và tỉnh đội Gia Lai - Công Tum, Đắc Lắc và nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã đóng góp ý kiến và cung cấp, bổ sung tư liệu

        Xin chân thành cảm ơn các đồng chí và các bạn.

        “… Quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

HỒ CHÍ MINH        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:39 pm »

       
Chương mở đầu

TÂY NGUYÊN - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI

        Tây Nguyên gồm nhiều cao nguyên và rừng núi trùng điệp nối tiếp nhau chạy dài theo hướng bắc nam, ở về phía tây Trung Bộ. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam nối liền với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, phía đông giáp các tỉnh đồng bằng Khu 5 và phía tây tiếp giáp nước Lào và Cam-pu-chia anh em, với đường biên giới chung dài khoảng 700 ki-lô-mét.

        Diện tích Tây Nguyên khoảng 67.000 ki-lô-mét vuông, chiều dài từ bắc xuống nam 450 ki-lô-mét và từ đông sang tây 150 ki-lô-mét. Phạm vi chiến trường Tây.Nguyên trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước gồm ba tỉnh: Công Tum, Gia Lai và Đắc Lắc, có diện tích gần 36.000 ki-lô-mét vuông.

        Dân số Tây Nguyên khoảng 1 triệu người, gồm ngót 30 dân tộc anh em, đông hơn cả là các dân tộc Xơ Đăng, Dê Triêng, Cơ Giông (Công Tum), Gia Rai, Ba Na (Gia Lai), Ê Đê Mơ Nông (Đắc Lắc), Cơ Ho (Lâm Đồng). Đồng bào Thượng chiếm độ 64% dân số. Đồng bào Kinh sống phần lớn ở các thi xã, quận lỵ, chiếm khoảng 36%.


Sơ đồ Tây nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

        Các dân tộc ở Tây Nguyên đoàn kết gắn bó với nhau trong cộng đồng chung, có nền văn hóa lâu đời, có truyền thống đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chống kẻ thù để tồn tại và phát triển. Năm 1973, cán bộ Viện khảo cơ học đã phát hiện dược những công cụ lao động bằng đá thuộc thời kỳ đồ đá mới ở vùng Mê Van (Đắc Lắc) chứng tỏ từ thời xa xưa, Tây Nguyên là một trong những cái nôi của loài người trên đất nước ta.

        Đây còn là một vùng đất giàu có và tươi đẹp của Tổ quốc. “Tây Nguyên là một vùng được thiên nhiên ưu đãi: có chất đất màu mỡ, có khí hậu thuận hòa, có nắng trời đầy đủ, có lượng mưa khá lớn, có sông suối và mạch nước ngầm khá nhiều. Bình nguyên, đồi núi, rừng cây, đồng cỏ… tất cả đều là những tài nguyên rất đủ tạo ra cuộc sống ấm no cho đồng bào địa phương và góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân cả nước, vào việc đẩy mạnh xuất khẩu, vào sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà”1.

        Tây Nguyên có khoảng 1 triệu héc-ta đất trồng trọt. So với cả nước, vùng đất đỏ ba-dan ở đây chiếm tỷ lệ cao hơn cả, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp như: cao-su, cà-phê, chè, canh-ki-na, đay, dâu tằm... Tây Nguyên nhiều đồng cỏ, có thể cải tạo thành những vùng chăn nuôi quy mô lớn.

        Rừng Tây Nguyên chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên, phần lớn chưa được khai thác. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý như: trắc, gụ, cẩm lai, mun, sao, giáng hương, kiền kiền, săng lẻ… và nhiều động vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao như : voi, hổ, báo, hươu, nai, bò tót, trâu rừng, lợn rừng, gấu ngựa, sóc bay, thằn lằn bay, chồn bay... Rừng còn có nhiều dược liệu quý như: sâm bố chính, hồng đằng sâm, sa nhân, mã tiền, hà thủ ô, mật ong... Rừng chằng những là nơi kín đáo cất giấu kho tàng, vũ khí, mà còn là nguồn tài nguyên vô tận để ta khai thác phục vụ chiến dấu và dời sống. Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Tây Nguyên đã phát rừng làm rẫy, sản xuất tự túc một phần lương thực để duy trì lực lượng, bám giữ chiến trường.

        Tâỵ Nguyên có nhiều sông suối dọc ngang, dáng kể hơn cả là các sông Sê-rê-pốc, Pô Cô, Sa Thầy, sông Ba và các con suối lớn như Ia Đrăng, Ia Mơ, Ia Súp,.. Sông suối lắm thác nhiều ghềnh, không thuận tiện cho việc vận chuyển. Về mùa mưa lũ, nước dâng cao và chảy xiết nên đi lại gặp nhiều khó khăn. Sông suối Tây Nguyên có nguồn dự trữ thủy điện lớn. Thác Đa Nhim (Lâm Đồng), thác Gia Li (Gia Lai) vừa có giá trị về thủy diện, vừa là thắng cảnh.

        Tây Nguyên có nhiều suối nước nóng nổi tiếng, có các hồ thiên nhiên xinh đẹp như Hồ Lắc (Đắc Lắc), Biển Hồ (Gia Lai).

        Thời tiết ở Tây Nguyên chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến thảng 10. Những tháng mưa lớn thường gây ra lũ lụt, việc đi lại cũng như hoạt động quân sự gặp nhiều trở ngại. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5, đất se cứng lại, nhiều sông suối khô cạn, trời trong xanh, thời tiết đưa lại nhiều thuận lợi cho việc giao thông.

        Thiên nhiên không chỉ đem lại cho Tây Nguyên những tiềm năng kinh tế dồi dào, mả còn tạo nên những đặc điểm hình thành một khu vực quân sự có tầm chiến lược rất quan trọng đối với Tổ quốc Việt Nam.

        Tây Nguyên núi non trùng điệp, nối lièn một dải. Các cao nguyên có độ cao trung bình từ 500 đến 1.000 mét, phía đông như một bức trường thành, phía tây nghiêng mình thoai thoải về triền sông Mê Công, liên kết với các cao nguyên Hạ Lào và vùng dông bắc Cam-pu-chia tạo thành một vùng đất đai rộng lớn nhô lên như một chóp nhọn của bán đảo Đông Dương. Tây Nguyên có nhiều núi cao quanh năm mây mù bao phủ, cao hơn cả có các đỉnh Ngọc Lĩnh 2.598 mét, Ngọc Nay 2.259 mét (Công Tum), Chư Yang-sin 2.442 mét (Đắc Lắc)... Tây Nguyên thế đất rất cao, có thể khống chế hầu như toàn bộ khu vực xung quanh. Đây là một thế đứng vô cùng lợi hại.

----------------------
       1. Trích bài nói của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc mít tinh do tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tinh Đắc Lắc tổ chức ngày 11-4-1978 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Báo Nhân Dân số 8731, ngày 23-4-1978.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 04:07:36 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:07:40 pm »


        Ở thế cao, lại nằm vào trung độ của cả nước, từ Tây Nguyên, các lực lượng vũ trang ta có thể cơ động vào nam, ra bắc, tiến về đồng bằng, duyên hải đều dễ đàng. Người ta ví Tây Nguyên là “mái nhà” của miền Nam, “lưng tựa” của Khu 5, là “cửa ngõ” đi vào Sài Gòn, Nam Bộ. Tây Nguyên còn là hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn míền Nam anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với hai nước láng giềng anh em chống kẻ thù chung, từ Tây Nguyên, ta đã tiến sang phối hợp với bạn, giải phóng A-tô-pơ (Hạ Lào) và vùng Đông Bắc Cam-pu-chia.

        Với những đặc điểm về địa lý và mối liên quan với các chiến trường, Tây Nguyên dã trở thành một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng của Tổ quốc. Ngay từ buổi đầu đặt chân xâm lược nước ta, thực dân Pháp trước đây cũng như đế quốc Mỹ sau này đều rất chú ý đến địa bàn chiến lược có tính chất sống còn này.

        Thực dân Pháp chiếm Tây Nguyên vào khoảng năm 1890. Chúng ra sức khai thác tài nguyên trên những vùng đất đai màu mỡ, đồng thời lập ngay các đồn binh để cai trị. Tiếp đó, chúng đặt vấn đề “ra sức phòng thủ Tây Nguyên để bảo vệ Đông Dương”. Năm 1928, chúng thành lập các tiểu đoàn bộ binh miền núi. Trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, vào khoảng giữa năm 1946, thực dân Pháp liền tổ chức các lực lượng vũ trang cao nguyên “Forces armées des hauts piateaux) nhằm phục vụ. cho ý đồ chính trị lâu dài của chúng. Lực lượng này có bộ phận tập trung hoạt động công khai, có bộ phận bí mật hoạt động ngấm ngầm trong nhân dân để bám giữ Tây Nguyên một cách lâu dài.

        Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ càng chú trọng đến địa bàn Tây Nguyên hơn. Chúng cho rằng: muốn chiến thắng ở miền Nam Việt Nam thì phải kiểm soát bằng được Cao nguyên Trung phần. Đế quốc Mỹ dùng chính sách thực dân kiều mới, thông qua bọn tư sản mại bản và phong kiến phản động tay sai để nắm Tây Nguyên.

        Về quân sự, dế quốc Mỹ và bọn tay sai muốn biến Tây Nguyên thành tuyến phòng thủ để bảo vệ Dông Dương và là một trung tâm chiến lược nằm trong kế hoạch khống chế toàn bộ vùng Đông - Nam châu Á . Mỹ - ngụy tổ chức các “lực lượng đặc biệt”, biệt kích, đưa lên Tây Nguyên nhiều trung đoàn, sư đoàn, lập các hệ thống chiếm đóng kiên cố, nhiều tuyến, nhiều vòng từ biên giới Lào, Cam-pu-chia đến các trung tâm thị xã, thị trấn để ngăn chặn các cuộc tiến công từ ngoài vào và dàn áp phong trào đấu tranh của các dân tộc. Ngoài việc đầu tư, tăng cường về quân sự, như xây dựng các căn cứ dự trữ lớn, lập đường ống dẫn dầu lên Tây Nguyên, mở rộng các đường chiến lược, nắm chắc và đào tạo các “lực lượng đặc biệt”... đế quốc Mỹ vả bọn tay sai còn ráo riết thi hành chính sách chia để trị bằng mọi thủ đoạn răn đe, mua chuộc hòng thôn tính Tây Nguyên một cách lâu dài.

        Cuộc chiến đấu chống xâm lược, giữ vững cao nguyên miền Tây thiêng liêng của Tổ quốc đã diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt suốt gần một phần ba thế kỷ. “Hết Pháp đến Mỹ đã ra sức giành giật, bình định Tây Nguyên hòng đè bẹp các lực lượng cách mạng. Nhưng Tây Nguyên đã đứng vững như núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Tây Nguyên luôn luôn gắn bó với cả nước, và cả nước đã kề vai sát cánh với Tây Nguyên chiến đấu lâu dài và anh dũng, biến Tây Nguyên thành một căn cứ địa thần thánh của cuộc kháng chiến ở miền Nam”1     .

        Mỗi khi nói đến Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay tới những con người thật thà, trung thực, cần cù, thông minh và đầy lòng dũng câm, không hề khuất phục trước thiên nhiên, không quỳ gối trước kẻ thù, có một tâm hồn sôi nổi và phong phú. Các bản trường ca Đam San, Sin Nhã... giàu tính chiến đấu và trữ tình; tiếng đàn tơ-rưng, klông-pút... trầm hùng, giéo giắt như tiếng suối xa, tiếng gió ngàn thủ thỉ; cái không khí hào hùng của những đêm vừa kể “khan” vừa mài gươm giết giặc bên ánh lửa bập bùng; mái nhà Rông cao vút trông xa như một tượng đài chiến thắng vẫy gọi mọi người đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ… đã phản ánh một phần tính cách và tâm hồn người Tây Nguyên.

        Sống trên địa bàn đất rộng, người thưa, núi rừng hiểm trở ở các dân tộc Tây Nguyên sớm có truyền thống đoàn kết chế ngự, chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm để tồn tại, phát triển. Từ xa xưa, người Tây Nguyên đã có truyền thống thượng võ. Từ cụ già đến em nhỏ đều ưa thích phóng lao, luyện tập cung tên và ở đâu cũng mang theo vũ khí bên người. Săn bắt voi, cưỡi ngựa đuổi thú rừng... đã trở thành tập quán cổ truyền lý thú của nhiều buôn làng. Đồng bào các dân tộc ở dây đều khá thành thạo trong việc gài bẫy, đào hố cắm chông, thò... chống thú dữ phá hoại sản xuất.

        Nhân dân Tây Nguyên đã từng nổi dậy mạnh mẽ dưới ngọn cờ của nghĩa quân Tây Sơn, liên kết với đồng bào Kinh ở các tỉnh miền xuôi, hưởng ứng các phong trào Văn Thân, Cần Vương chống xâm lược. Trong những năm sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, tiếng sủng cứu nước của nhân dân Tây Nguyên không bao giờ ngừng nổ. Các cuộc đấu tranh chống Pháp cướp đất lập đồn điền, chống sưu thuế, chống đi phu làm đường... đã diễn ra liên tiếp. Nhiều cuộc đấu tranh dã diễn ra quyết liệt: cuộc khởi nghĩa của đồng bào Gia Rai do Pa Tơ Pun lãnh đạo, đã giết chết tên quan cai trị Ô-dăng-đan ngày 7 tháng 4 năm 1904 và cuộc nổi dậy của đồng bào Ba Na chống Pháp cướp đất lập đồn điền ở vùng An Khê. Thực dân Pháp đã phải dùng máy bay ném bom triệt hạ hai làng Đê-ba và Đê-cờ-rúi vào ngày 20 tháng 3 năm 1929. Nhiều nơi, nhân dân dã tự tay châm lửa đốt làng, vào rừng sâu lập căn cứ kháng chiến, quyết không đội trời chung với quân xâm lược.

--------------------------
       1. Trích bài nói của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc mít tinh do tinh ủy vả ủy ban nhân dân tinh Đắc Lắc tổ chức ngày 11-4-1978 tại thị xã Buôn Ma Thuột, Báo Nhân Dân số 8731, ngày 23-4-1978.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:08:47 pm »


        Tiêu biểu cho ý chí bất khuất, quật cường của các dân tộc Tây Nguyên là cuộc khởi nghĩa của A-ma Trang Lơn - người anh hùng đã phất cao ngọn cờ chống thực .dân Pháp khi chúng vừa đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt 20 năm (1914 - 1934) và lan rộng từ Đắc Lắc đến Lâm Đồng. Bọn thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã ra sức dàn áp, nhưng vẫn không dập tắt được tinh thần yêu nước của quần chúng. Đền nay bản anh hùng ca của nghĩa quân vẫn còn vang dội trong lòng nhân dân Tây Nguyên:

                                             Dân Mơ Nông ơi, vùng lên đi!
                                             Con gái đánh bằng chày giã gạo
                                             Con trai cầm dao găm, giáo mác
                                             Tất cả giơ lên như bông lau lách
                                             Giết bằng được tên Hăng-ri Mét.

        Đó là lời thề chiến đấu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với quân xâm lược.

        Từ khi ra đời, ánh sáng của Đảng đã chiếu rọi đến rừng núi Tây Nguyên xa xôi, đến với đồng bào các dân tộc qua hình ảnh các chiến sĩ cộng sân ở các nhà lao Công Tum, Đắc Tô, Đắc Lây, Buôn Ma Thuột... Nhờ những tấm gương yêu nước thương nòi, trung thành, bất khuất và vô cùng xúc động ấy mà đồng bào Tây Nguyên sớm có niềm tin ở Đảng, ở cách mạng. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, những hiểu biết và niềm tin về Đảng đã được biểu hiện tập trung vào Bók Hồ kính yêu. Những tiếng “muối Bók Hồ”, “chữ Bók Hồ”, “bộ dội Bók Hồ”... đã trở nên gắn bó, sâu nặng biết bao trong lòng người Tây Nguyên.

        Chính sách đại đoàn kết dân tộc đúng đắn của Đảng, sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ và của Chính phủ đã đáp ứng nguyện vọng sâu xa từ bao đời nay của các dân tộc sống trên dải đất cao nguyên miền Tây xa xôi của Tổ quốc. Chính sách đoàn kết, tôn trọng và bình đẳng giữa các dân tộc đã làm khơi dậy những truyền thống tốt đẹp, đã tập hợp và phát huy cao độ sức mạnh to lớn của các dân tộc Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Hoảng sợ trước sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhan dân Tây Nguyên, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc nhằm chia rẽ Kinh - Thượng, gây hận thù giữa các dân tộc để dễ bề thống trị. Song chúng đã bị thất bại. Khối đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc Tây Nguyên vẫn vững bền như dải Trưởng Sơn muôn đời của Tổ quốc.

        Thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, khắp buôn làng, rừng núi Tây Nguyên đã anh dũng đứng dậy cùng cả nước đánh giặc suốt hai cuộc kháng chiến. Bằng các loại vũ khí thô sơ: chông, thò, cạm bẫy kết hợp với vũ khí được trang bị và với cách đánh thông minh, độc đáo, nhân dân Tây Nguyên đã lập nên những làng chiến đấu anh hùng, những căn cứ du kích bất khả xâm phạm như Xi-tơ, Xốp-dui, xã Gào, xã B5, Đắc Uy, Khuê Ngọc Điền - những pháo đài của lòng yêu nước mà không một thứ vũ khí nào của giặc Pháp, giặc Mỹ có thè đè bẹp nổi.

        Những con đường chiến lược 14, 19..., những đỉnh đèo An Khê. Măng Giang, những thung lũng Ia Đrăng, Sa Thấy, những cánh rừng Plâỵ Me, Đức Cơ, những vùng núi Chư Pa. Đắc Tô và biết bao địa danh khác ở Tây Nguyên đã trở thành tên của những chiến công bất diệt. Chiến thắng Buôn Ma Thuột (3-1975) mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một khúc ca hùng tráng, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cửa nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

        Nhân dân Tây Nguyên chẳng những cầm vũ khí phối hợp với bộ đội đánh giặc giữ làng, mà còn tích cực sân xuất lương thực nuôi cán bộ, bộ đội, đi dân công cáng thương, gùi đạn, đào hầm đắp ụ, cung cấp tình hình địch và dẫn đường cho bộ đội... “Làm Cách mạng”, ba tiếng thiêng liêng và quen thuộc ấy đã trở thành nguyện vọng, niềm tự hào và là nghĩa vụ chung của mọi người dân, không phân biệt gái trai, lớn nhỏ. Dù đói cơm, nhạt muối, gian khổ, ác liệt đến đâu, đồng bào vẫn một lòng trung thành với cách mạng, luôn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

        Những ai dã từng sống và chiến dầu ở Tây Nguyên trong những tháng năm gian khổ sẽ còn mãi mãi mang theo trọn cuộc đời mình những kỷ niệm sâu sắc về nghĩa tình quân dân cá nước. Có người con gái Gia Rai đã nghiến răng tự cắt tay mình cho bật máu, kiếm cớ vào đồn giặc xin bông băng về cứu chữa cho thương binh dưới hầm bí mật. Biết bao dồng chi thân yêu từ mọi miền của đất nước đã ngã xuống được mồ yên mả đẹp nhờ bàn tay vun đắp và tấm lòng che chở nâng niu của đồng bảo các dân tộc.

        Trong cuộc chiến đấu lâu dài và anh dũng, nhiều người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân : Anh hùng Núp, Kpa Kơ-lơn. A Xâu, Y Buông...

        Kiên cường, bất khuất trước quân thù, thủy chung son ắt với cách mạng. tin yêu Đảng, tôn kính Bók Hồ, săn sàng hy sinh tất cả đề giành độc lập, tự do đã trở thành phẩn chất tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Tây Nguyên luôn luôn xứng dáng với niềm tin yêu của Tổ quốc.

        Khi còn sống, Bác Hồ vô cùng thương nhớ Tây Nguyên! Trung ương Đảng. Chính phủ và nhân dân cả nước đánh giá cao sự hy sinh không bờ bến và lòng dũng cảm tuyệt vời của đồng bào Tây Nguyên… Tổ quốc ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau đời đời biết ơn các liệt sĩ từ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên, mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng bào các dân tộc... đã cùng cả nước viết nên những trang sử chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”1     .

        Truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, thế trận chiến tranh nhân dân vĩ đại cùng với vị trí địa lý quan trọng của Tây Nguyên là những điều kiện rất thuận lợi để lực lượng vũ trang cách mạng không ngừng lớn mạnh và cuối cùng đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử mà Tổ quốc giao phó: giải phóng Tây Nguyên, góp phần cùng cả nước đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

--------------------------
        1. Trích bài nói của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc mít tinh do tỉnh ủy vả ủy ban nhân dân tinh Đắc Lắc tổ chức ngày 11-4-1978 tại thị xã Buôn Ma Thuột, Báo Nhân Dân số 8731, ngày 23-4-1978.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:13:31 pm »


Chương một

MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐẤU TRANH MỚI CỦA NHÂN DÂN TÂY NGUYÊN

1. CAO TRÀO ĐỒNG KHỞI

        Ngày 7 tháng 5 năm 1954, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta trong 9 năm đã kết thúc thắng lợi. Quê hương được giải phóng. Hòa bình được lập lại. Nhân dân trong cả nước mừng vui.

        Trong niềm vui chung của cả nước, đồng bào miền Nam lưu luyến tiễn đưa con em mình đi tập kết ra Bắc theo điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Người ra đi đinh ninh hai năm sẽ trở về, kẻ ở lại nguyện son sắt, thủy chung tranh đấu...

        Nhưng, niềm vui và ước mơ như bình minh vừa lóe sáng dã bi mây đen bao phủ. Hiệp định Giơ-ne-nơ bị phá hoại. Mỹ hất cẳng Pháp, dưa Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng bù nhìn, thiết lập ở miền Nam Việt Nam một chính quyền tay sai thân Mỹ, độc tài và phát xít. Nỗi đau chia cắt lại trùm lên cả dân tộc. Và, tiếng thét căm thù, tiếng gọi dấu tranh một lần nữa lại vang lên mạnh mẽ từ mũi Cà Mau đến vùng cực bắc của Tổ quốc.

        Ngày 2 tháng 2 năm 1955, Ngô Đình Diệm ban hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, mở đầu một thời kỳ vây quét tàn sát dã man nhất của chúng. Đi dôi với chính sách “tố cộng, diệt cộng” tàn bạo, đẫm máu, Mỹ - Diệm ráo riết cướp đất, dồn dân vào các “khu trù mật”, “dinh điền” với chiêu bài “cải cách điền địa”, “tái định cư”. Mỹ - Diệm đã biến miền Nam thành địa ngục trần gian, hàng vạn người yêu nước đã bị giam căm và giết hại.

        Tây Nguyên là trọng điểm thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” và “tái định cư” của Diệm. Thủ đoạn của chúng là vừa dụ dỗ mua chuộc, vừa khủng bố tàn sát. Năm 1956, 1957, địch đã đem xe ủi đất phá sạch các buôn làng, nương rẫy. Chúng đã giày xéo lên mảnh đất thân thương đã gắn bó với đồng bào các dân tộc suốt nhiều thế hệ liên tục dấu tranh với thiên nhiên, với thú dữ và giặc ngoại xâm để tồn lại. Đồng bào các dân tộc đã bị dồn vào những “khu trù mật”, “dinh điền” bao quanh các căn cứ quân sự, dọc đường chiến lược. Với “chiến dịch Thượng du vận”, đêm ngày những cuộc vây ráp, bắt bớ, truy nã, chém giết diễn ra khốc liệt. Mỹ - Diệm còn dùng thủ đoạn chia để trị, kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ người Kinh với người Thượng, giữa các dân tộc với nhau, gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” thâm độc. Nhiều cán bộ Đảng và quăn chúng trung kiên bị bắt hoặc bật ra khỏi cơ sở. Thực chất chính sách “tố cộng, diệt cộng” và “tái định cư” của Mỹ - Diệm là nhằm quét sạch lực lượng cách mạng khỏi Tây Nguyên, kẹp chặt quần chúng, chiếm cứ địa bàn chiến lược quan trọng để đánh phá phong trào cách mạng miền Nam mà trực tiếp là Khu 5.

        Âm mưu thâm độc và hành động man rợ của Mỹ - Diệm càng khơi sâu lòng căm thù giặc của nhân dân Tây Nguyên. Vốn rất quý trọng độc lập, tự do, từng theo Đảng và Bác Hồ cùng cả nước chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã nhận thức được: “Nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải đã hoàn thành. Cuộc đấu tranh ái quốc không vi đình chiến mà kết thúc. Cuộc chiến tranh đó còn dang tiếp tục”1     .

        Trong những ngày cuộc chuyển quân tập kết dang diễn ra sôi động, mọi người đều hướng về miền Bắc và Bác Hồ kính yêu, mong được gặp Bác, được nghe Bác dặn dò thì một số đồng chí cán bộ, đảng viên được phân công ở lại làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh mới. Họ đã nén ước mơ cháy bỏng được gặp Bác Hồ, để nhận lấy phần gian khổ, hy sinh. Cán bộ, đảng viên người Kinh, người Thượng được tăng cường cho các dâng bộ địa phương ở Tây Nguyên đã sát cánh lên nhau xuống các buôn làng, tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng. Những đảng viên người Kinh đã cà răng, xâu tai, đóng khố và trở thành những “cán bộ nằm vùng”, những người con, những người đồng chí tin yêu của nhân dân Tây Nguyên. Đồng bào các dân tộc đã ra sức che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ hoạt động với tất cả tấm lòng tin tưởng sắt son vào cách mạng. Đường lối của Đảng. ánh sáng của cách mạng qua đội ngũ cán bộ, đảng viên “nằm vùng” đến với đồng bào các dân tộc, giữ vững lòng tin cho họ, khơi dậy trong họ lòng yêu nước và căm thù Mỹ - Diệm. Nhờ đó, những cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà ngay từ cuối năm 1954 đã dấy lên sôi nổi, mạnh mẽ bằng nhiều hình thức phong phú như biểu tình, tuần hành, cử đại biểu đến chất vấn địch, v.v. Phong trào đấu tranh đó đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, kể cả học sinh và binh lính người Thượng. Ở Công Tum, Plây Cu, An Khê, Buôn Ma Thột, đàng bộ các địa phương đã tổ chức cho hàng vạn lượt người kéo vào thị xã, thị trấn, quận lỵ đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân các dân tộc, tên Peo tỉnh trưởng Pkây Cu và nhiều tên tay sai khác hốt hoảng chạy trốn.

--------------------------
        1. Trích Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 9 năm 1954.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:47 pm »


        Quyết liệt và gian khổ nhất là cuộc đấu tranh chống “tố cộng”, chống cướp đất dồn dân, lập “Khu trù mật” từ năm 1957 đến năm 1960. Đây là thời kỳ cao điểm Diệm thực hiện chính sách phản động này ở Tây Nguyên. Chúng kiểm soát gắt gắt mọi sinh hoạt, đi lại của nhân dân, nhằm cắt đứt liên lạc; triệt nguồn tiếp tế cho cán bộ. Chúng tăng cường quân đội, cảnh sát thẳng tay khủng bố đồng bào với khẩu hiệu “bắn nhầm hơn bỏ sót”. Chúng treo giải thưởng 5.000 đồng (tiền ngụy) một đầu cán bộ. Sự tàn bạo của kẻ thù đã lên đến tột đỉnh. Cuối năm 1958, địch tàn sát một lúc 80 đồng bào ở Plây Ngo huyện 5 (Gia Lai). Chúng đã đốt sạch nhà cửa, phá sạch nương rẫy và công cụ lao động, chêm giết cả người già, phụ nữ, trẻ em, hòng làm cho nhân dân khiếp sợ, khuất phục chúng. Song, kẻ thù càng tàn bạo thì sự vùng dậy của nhân dân Tây Nguyên càng mãnh liệt. Nhân dân Tây Nguyên có câu phương ngôn “Muốn thành tre, măng phải đội đất mà lên”. Và họ đã “đội đất” đứng dậy quyết sống mái với quân thù. Ngọn lửa đấu tranh chống “tố cộng”, chống cướp đất dồn dân bùng cháy, lan rộng toàn Tây Nguyên. Nhân dân vùng Krông Pách (Đắc Lắc), huyện 4, huyện 5, vùng Hờ Nừng (Gia Lai), huyện 40, 67, 80, (Công Tum) đã nổi dậy diệt ác ôn, tề điệp, rào làng chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “tố cộng”, “dồn dân” của địch. Những tên tay sai ở các nơi địch đưa về lập ấp, kìm kẹp quần chúng đều bị thủ tiêu. Cán bộ đảng và cơ sở cách mạng được bảo vệ. Trước sự khủng bố khốc liệt và truy nã ráo riết của địch, cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng đã nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, vượt mọi gian nguy, kiên trì bám sát quần chúng. Nhiều đồng chí bị địch bắt tra tấn chết đi sống lại vẫn không một lời xưng khai, trước lúc hy sinh còn tìm cách tiến công lại kẻ thù. A Vừu bị địch bắt; chúng chặt tay, xẻo tai, khoét mắt, rút từng mảng thịt hòng khuất phục anh. Nhưng anh đã gan góc chống lại kẻ thù đến hơi thở cuối cùng, bảo vệ được bí mật của Đảng, bảo vệ những đồng chí, đồng bào của anh tiếp tục hoạt động. Anh đã nêu một tấm gương sáng chói về ý chí kiên cường, phẩm chất cách mạng cao đẹp của người cộng sản. Những tấm gương như thế đã giữ vững niềm tin, nâng cao tinh thần đấu tranh cho quần chúng và làm cho Đảng ngày càng bám rễ vững chắc ở Tây Nguyên. Tin yêu Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc đã đặt tất cả lòng tin yêu của mình vào cán bộ đảng. Những năm đen tối nhất của cách mạng, Tây Nguyên thiếu muối, thiếu gạo, đồng bào phải ăn tro tranh thay muối, củ mài thay cơm, bệnh tê phù, mờ mắt, bướu cổ phát triền. Nhưng bà con vẫn chắt chiu, dành dụm từng hạt muối, lon gạo, lựa thời cơ mang tiếp tế nuôi dưỡng cán bộ, gây dựng phong trào, phát triển lực lượng.

        Tháng 4 năm 1959, nhân dân lâng Tà Boóc huyện 40 (Công Tum) đã lập mưu chuốc rượu diệt gọn tốp địch 4 tên, thu 3 súng. Chị Y Ngã là người phụ nữ dũng cảm lập công đầu. Nhân lúc địch say rượu, chị xông đến ôm chặt tên trung úy ngụy cho chồng chém đầu hắn. Không đội trời chung với giặc, không uống chung con nước với lũ ác ôn, diệt xong tốp địch, nhân dân Tà Boóc đã nổi lửa đốt làng, kéo vào rừng sống “bất hợp pháp” với địch. Tiếp theo Tà Boóc, tháng 11, tại Gia Lai, một tiểu dội địch vào cướp phá làng Xung Ia O, chị Rơ Chăm Panh đã huy động dân làng dùng gậy đập chết cả bọn, thu 7 súng, rồi đốt làng kéo vào rừng lập làng mới. Noi gương Tà Boóc, Xung Ia O, đồng bào Mang Khênh (Công Tum), buôn Sâm (Đắc Lắc) và nhiều làng ở Gia Lai đứng lên díệt tề điệp ác ôn, dời làng vào rừng, chống địch.

        Cuộc nổi dậy của đồng bào Tà Boóc, Xung Ia O là hồi trống trận vang rền trên núi rừng Tây Nguyên, giục giã người người kiên quyết đứng lên cầm vũ khí đánh giặc với tinh thân thà hy sinh tất cả chứ không đi cùng đường với Mỹ - Diệm. Tấm gương các chị Y Ngã, Rơ Chăm Panh tiêu biểu cho truyền thống bất khuất kiên cường của nhân dân Tây Nguyên, là biểu tượng đẹp đẽ về lòng dũng cảm, mưu trí cửa phụ nữ các dân tộc ít người.

        Trước sức đấu tranh kiên quyết của nhân dân, địch đã thất bại. không lập được chính quyền tay sai trên hai phần ba số xã. Phong trào đấu tranh của quần chúng được giữ vững. Lực lượng lãnh đạo phát triển. Các khu căn cứ cách mạng được hình thành. Các đội du kích ra đời. Đây là nhân tố quyết định sự phát triển của các phong trào đấu tranh thắng lợi của nhân dân Tây Nguyên.

        Chính sách “tố cộng”, “tái đinh cư” của Mỹ - Diệm mới ra đời đã vấp phải làn sóng chống trả quyết liệt, và những thủ đoạn nham hiểm của chúng từng bước bị nhân dân Tây Nguyên đánh bại. Lầu năm góc Mỹ phải cay đắng thú nhận: “Chính sách định cư sớm gây ra những phản ứng chính tri không ngờ của người Thượng ở Tây Nguyên. Các bộ lạc thù ghét chống lại chính sách của chính phủ Việt Nam” (Diệm)1     .

--------------------------
        1. Theo tài liệu của bộ quốc phòng Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:16:39 pm »


        Tháng 5 năm 1959, Nghi quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời. Nghị quyết vạch rõ phương hướng cho cách mạng miền Nam là: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam lả con dường bạo lực”. Phương châm đấu tranh lúc này là: “Chính trị là chủ yếu có vũ trang hỗ trợ”. Về vấn đề dân tộc, Nghị quyết 15 của Trung ương chủ trương: “Các dân tộc thiểu số bao gồm trên một triệu người sống trên một vùng rừng núi rộng lớn (hai phần ba ở miền Nam) ở vào một vị trí chiến lược quan trọng. Họ có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm và kiên quyết dấu tranh chống Mỹ - Diệm”. Đảng phải có chính sách dân tộc đúng đắn, đoàn kết các dân tộc thiều số đấu tranh chống đế quốc, phong kiến ở miền Nam, nâng cao tinh thần cửa họ chống Mỹ - Diệm”

        Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của tình hình và nguyện vọng bức thiết của đồng báo các dân tộc Tây Nguyên. Nó là ánh sáng chói lọi xuyên qua bao lớp mây mù, chiếu rọi xuống các buôn làng, nương rẫy, làm bùng cháy trong lòng nhân dân Tây Nguyên ngọn lửa đồng khởi vốn đã được nhen nhóm. Cái “cẩm nang” thần kỳ mở đường cho dân tộc ta đi tới tương lai đây rồi! Đảng bộ Công Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và những cán bộ, đảng viên “nằm vùng” xây dựng cơ sở sung sướng, xúc động đến chảy nước mắt, và đã nhanh chóng tiếp thụ Nghị quyết với lòng tràn dầy phấn khởi. lạc quan, tín tưởng. Cả Tây Nguyên dâng lên cao trào “làm cách mạng” của quần chúng. Cán bộ, đảng viên đưa nhau đi tìm đào vũ khí chôn giấu sau ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, để trang bị cho dân quân du kích, thành lập lực lượng vũ trang. Những lò rèn trước đây rèn dao rựa phát rẫy, giờ đây được mở rộng rèn thêm giáo mác đánh giặc. Khắp các buôn làng, nam nữ thanh niên nô nức gia nhập lực lượng vũ trang. Các ban quân sự tỉnh, huyện gấp rút được thành lập do các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư làm trưởng ban. Ở các xã, thành lập ban chỉ huy xã đội. Các tiểu đội, trung đội dân quân du kích ở các buôn làng được thành lập. Thời cơ cách mạng đã điểm, các đảng bộ địa phương quyết từ hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ, đã nhanh chóng xây dựng các trung đội bộ đội địa phương huyện. Trang bị chủ yếu là giáo mác, cung tên. Mỗi trung đội chủ lực được ba, bốn khẩu súng trường cũ vừa tìm dược. Riêng trung đội bộ đội địa phương huyện 5 (Gia Lai) được 9 khẩu súng trường lấy của địch. Tỉnh ủy Đắc Lắc xây dựng được tổ đặc công 9 đồng chí và một trung đội chủ lực của tỉnh (tiền thân của tiểu đoàn 301 Đắc Lắc). Đồng bào góp vải may quần áo cho bộ đội. Các chiến sĩ đã lấy da thú khâu bao đựng đạn, lấy mây rừng bện thành dây mang súng. Lương thực nuôi bộ đội, gạo tính từng lon, muối đếm từng hạt. Ngô, sắn là nguồn sống chính. Gian nan vất vả, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn vững niềm tin.

        Mới thành lập, nhưng các đội dân quân du kích xã, bộ đội địa phương huyện đã hỗ trợ tích cục cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, thúc đẩy phong trào diệt ác, phá kìm phát triển. Du kích xã A3 (Gia Lai) sau hai tháng thành lập đã diệt gọn một tiểu đội địch đi lùng sục. Du kích và bộ dội địa phương huyện 7 phục kích đánh tan cuộc vây ráp của địch, giết chết tên Cay ác ôn, bảo vệ được cơ sở cách mạng. Được lực lượng vũ trang hỗ trợ đắc lực, khí thế cách mạng của quần chúng sục sôi. Tình thế cách mạng đã chín nuồi. Sau những năm đấu tranh giữ gìn và phát triển lực lượng, giờ dây phong trào cách mạng Tây Nguyên đã chuyển lên thế tiến công, mở đầu bằng cuộc đồng khởi Đắc Tả oanh liệt.

        Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, ngày 2 tháng 1 năm 1960, cuộc đồng khởi Bến Tre bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Nắm lấy thời cơ, Khu ủy Khu 5 đã phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Trung Trung Bộ. Như mạch nước được khơi nguồn, ngày 20 tháng 10 năm 1960, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh ủy Công Tum, quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt tiến công và nổi đậy, tiêu diệt các đồn Đắc Rú, Đắc Lây, Đắc Bung, Đắc Tả, bắt 300 tên địch, thu 50 súng. Ở phía đông Công Tum, lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt vị trí Măng Đen, Măng Bút, chặn đánh địch trên đường số 5 diệt 7 xe quân sự. Kết hợp với đòn tiến công quân sự, nhân dân các dân tộc vùng bắc và đông Công Tum nổi dậy chặt rào phá banh các “ấp chiến lược” giành quyền làm chủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:18:17 pm »


        Cuộc đồng khởi Đắc Tả như ngọn lửa rừng gặp gió đã bùng cháy khắp Tây Nguyên. Ở Gia Lai, Đắc Lắc, dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy, lực lượng vũ trang và quần chúng nồi dậy áp đảo địch. Ngày 23 tháng 10 năm 1960, lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai tiến công tiêu diệt đồn Can Nác, sau đó đánh chiếm khu dinh điền Lệ Thanh. Địch đóng ở đồn bót lẻ hoảng sợ co về các quận lỵ. Nhân dân huyện 4, huyện 5 nồi dậy phá banh các “ấp chiến lược”, khu dồn, mở rộng vùng căn cứ. Ở Đắc Lắc, sau cuộc biểu tình lớn 2.000 người chống Diệm ở Ea Nu, đêm 27 tháng 10 năm 1960, quân và dân trong tỉnh đánh chiếm đồn Plây Lốc, Ea Nu, Ea Thu, hỗ trợ cho nhân dân vùng đông và bắc thị xã Buôn Ma Thuột nổi dậy giành quyền làm chủ.

        Qua cuộc đồng khởi, Tây Nguyên đã giải phóng 53 ngàn dân, hình thành thêm nhiều căn cứ “ lõm” cách mạng, vừng giải phóng mở rộng liên hoàn.

        Ngày 20 tháng 10 năm 1960 là cái mốc lịch sử mở đầu cao trào đồng khởi của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, báo hiệu sự phá sản tất yếu của những chính sách phản động của Mỹ - Diệm trên dải đất miền Tây rực lửa của Tổ quốc.

        Ngày 20 tháng 12 năm 1960, mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam. Khí thế cách mạng của quần chúng dược cổ vũ dâng lên mạnh mẽ.

        Tháng 1 năm 1961 Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp nhận định: “Thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ - Diệm đã chấm dứt và thời kỳ khủng hoảng triền miên đã bắt đầu. Các hình thức du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện, mở đầu cho cao trào cách mạng ở miền Nam”1     . Bộ Chính tri chỉ rõ phương châm đấu tranh trong thời gian tới là “đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt trận chính trị và quân sự”2     .

        Thời gian này ở Tây Nguyên, địch tập trung quân đánh phá vào các khu căn cứ của ta và ráo riết thực hiện kế hoạch xúc dân, lập “ấp chiến lược” với quy mô lớn, tàn bạo, hòng lập lại thế trận đã mất. Ta gặp khó khăn về kinh tế, lực lượng cách mạng còn non yếu, nên địch đã lấn lại một số “vùng lõm” ta giành được trong cuộc đồng khởi. Những vừng địch tạm thời kiểm soát, chúng dùng thủ đoạn vừa mua chuộc vừa khủng bố đánh phá cơ sở cách mạng. Phong trào đấu tranh chính trị bị đich thẳng tay đàn áp đẫm máu, một số nơi bị chừng lại.

        Thấu suốt phương châm đấu tranh mới của Đảng, đứng trước tình hình phức tạp cửa chiến trường Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương dùng lực lượng chủ lực mở đợt tiến công vào quân địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, củng cố phong trào.

        Lúc này, Bộ Tổng tư lệnh bổ sung cho Tây Nguyên tiểu đoàn 200 pháo binh. Giữa tháng 1 năm 1961, tiểu đoàn vào đến chiến trường. Đơn vị gồm 148 cán bộ, chiến sĩ được chọn từ hai tiểu đoàn pháo của sư đoàn 324 và 305, trang bị sơn pháo 75, cối 81 và 60 mi-li-mét, một ít tiểu liên cải tiến. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của Tây Nguyên, tuy lúc đầu lực lượng ít, trang bi còn nghèo, những tiền đồ của nó rộng lớn, đầy hứa hẹn.

        Đến chiến trường, tiểu đoàn 200 được Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở huyện 40 (Công Tum), để củng cố căn cứ đứng chân cho lực lượng lớn của ta sau này, đồng thời gấp rút mở hình lang chiến lược Bắc - Nam và bí mật “xoi” các con đường từ bắc Công Tum xuống căn cứ Khu 5.

        Chấp hành chủ trương của Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5, tháng 9 năm 1960 bộ đội chủ lực Quân khu từ đồng bằng hành quân lên Tây Nguyên mở đợt tiến công tiêu diệt cứ điểm Đắc Hà nằm trên dường 14 phía bắc thị xã Công Tum. Đang mùa mưa lớn, địa hình mới lạ, hiểm trở, lực lượng chủ lực Quân khu đã phải khắc phục nhiều khó khăn, nổ súng đúng quy định. Chỉ sau ít gìờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch chiếm đóng Đắc Hà, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Công Tum và quần chúng diệt ác ôn, phá “ấp chiến lược” mở rộng vùng căn cứ phía bắc. Đắc Hà là chiến thắng lớn nhất ở Tây Nguyên năm 1961, đã tạo đà cho quân và dân huyện 67, 30, 29 (Công Tum), huyện 5, 7, An Khê (Gia Lai), huyện Buôn Hồ, Phước An (Đắc Lắc) tiến công và nổi dậy tiêu diệt, lâm tan rã từng đơn vị trung đội dân vệ, bâo an của địch, giải phóng hàng chục “ấp chiến lược”, “dinh điền”.

        Chiến thắng Đắc Hà dã củng cố và giữ vững niềm tin cho quần chúng trước làn sóng khủng bố của địch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiều đoàn 200 cùng với cấp ủy địa phương nhanh chóng xây dựng các tổ chức quần chúng, chính quyền ấp, xã và các đội du kích ở huyện 40, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở hành lang chiến lược Bắc - Nam.

        Trên chiến trường toàn miền, nhân dân ta liên tỉếp giành những thắng lợi lớn. Địch bị giáng những đòn nặng đề. Ngụy quân, ngụy quyền ở khắp các nơi hoang mang, dao động có nguy cơ dẫn đến tan rã lớn.

--------------------------
       1, 2. Trích Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1961.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:21:26 pm »


        Để cứu vãn tình thế, ngày 16 tháng 11 năm 1961, tổng thống Mỹ Ken-nơ-di quyết định đẩy cuộc “chiến tranh đặc biệt” lên nấc thang cao hơn. Ken-nơ-di đã cử Xta-lây và Tay-lo lần lượt sang miền Nam Việt Nam nghiên cứu vạch kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự cho ngụy quyền Sài Gòn, đưa thêm “cố vấn”, quân chiến dấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Tính đến tháng 5 năm 1963, lực lượng Mỹ ớ miền Nam lên tới 13 nghìn 500 tên, trong đó có 13 đại đội máy bay phân lực chiến đấu1     . Cùng thời gian này, quân ngụy tăng lên 385 nghìn tên. Chúng bắt đầu mở những cuộc càn quét lớn với chiến thuật “Phượng hoàng bay”, “Thiết xa vận” hòng “bình định” miền Nam trong vòng 18 tháng.

        Hành động của Mỹ, ngụy đã bị các cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam chặn đứng. Các chiến thuật “tân kỳ” và âm mưu thâm độc của Mỹ, ngụy liên tiếp bí phá sản trước các cuộc tiến công của ta, nhất là sau cbiến thắng Ấp Bắc vang dội.

        Được chiến thắng toàn miền cổ vũ và hỗ trợ, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5, Tây Nguyên tiếp tục tiến công dịch trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự, binh vận. Đảng bộ các tinh Tây Nguyên đã tổ chức gần ba nghìn cuộc đấu tranh chính trị với hàng chục vạn lượt người tham gia. Bên cạnh các cuộc đấu tranh chính trì, binh vận, lực lượng vũ trang đã mở những trận tiến công địch thắng lợi. Đặc biệt là những hoạt động của bộ đội chủ lực, tuy mới thành lập, lực lượng ít nhưng đã tỏ rõ là đội quân trăm trận trăm thắng, khiến cho địch nơm nớp lo sợ.

        Lúc này chủ lực Tây Nguyên có thêm tiểu đoàn 40 đặc công của Quân khu 5 tăng cường.

        Tiểu đoàn 200 sau những nám phân tán làm nhiệm vụ mở dường, xây dựng cơ sở, được tập hợp lại, ổn định tổ chức và huấn luyện, bước vào đợt “thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” do Quân khu 5 phát động. Tháng 5 năm 1963, tiểu đoàn ra quân dùng súng cối 81 bắn phả đồn Đắc Pét, chi viện cho lực lượng địa phương Công Tum đột nhập phá “ấp chiến lược” Đắc Tung, Đắc Rú. .. trên dường 14. Lần đầu tiên pháo, cối ở Tây Nguyên xuất hiện, hệ thống dồn bốt địch khu vực Đắc Tô, Đắt Pét trực tiếp bị uy hiếp. Trung đoàn 42 ngụy liền mở cuộc hành quân càn quét sâu vào vùng căn cứ bắc Công Tum nhằm giải tỏa sức ép của ta, yểm trợ cho bảo an, dân vệ dồn dân lập “ấp chiến lược”. Các chiến sĩ tiểu đoàn 200 pháo binh và tiều đoàn 407 đặc công đã chặn đánh quyết liệt, phá tan cuộc càn của trung đoàn 42 ngụy, diệt hàng trăm tên.

        Tháng 6 năm 1963, tiểu đoàn 200 và tiểu đoàn 407 bí mật hành quân vào Gia Lai tiến công trại biệt kích Plây Mơ-rông. Nhờ chuẩn bị chu đáo, hiệp đồng chặt chẽ giữa pháo cối và đặc công, giữ dược bí mật, bất ngờ, ta đã tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn địch, làm chủ trận địa. Đây là trận đánh xuất sắc đạt hiệu suất chiến đấu cao. Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội ta tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc. Trận thắng Plây Mơ-rông đã gây tác động lớn về tâm lý và chính trị đối với địch, nhất là bọn ngụy quân, ngụy quyền ở các quận, huyện.

        Sau trận thắng Plây Mơ-rông, các chiến sĩ tiểu đoàn 200 và 407 lại hành quân ra bắc Công Tum, bao vây tiến công căn cứ Đắc Pét đêm 11 tháng 11 năm t963. Trận đánh thắng lợi giòn giã. Quân địch đóng ở Đắc Pét hoàn toàn bị tiêu diệt. Vừa tập trung lực lượng diệt đồn. đánh giải tỏa, ta còn tổ chức các đội vũ trang tuyên truyền đột nhập vào các “ấp chiến lược” dọc đường 14 và ven thị xã Công Tum, diệt bọn ác ôn đầu sỏ, cảnh cáo bọn bảo an, dân vệ; giác ngộ nhân dân, tổ chức các tổ tự vệ mật. Nhân đà lực lượng vũ trang ta thắng lớn, Diệm bị lật đổ (tháng 11 năm 1963), bọn bảo an dân vệ, cảnh sát các nơi hoang mang, các đảng bộ Tây Nguyên đã phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, bung về làng cũ. Nhân dân các huyện 40, 67, 80, 29 nổi dậy phá banh hệ thống “ấp chiến lược” chung quanh thị xã Công Tum. Ở Gia Lai, đồng bào ven sông Ea Dun, huyện 6 và xung quanh An Khê nppri trống mõ vây bắt tề điệp, ác ôn, phá các khu dồn dân, bung về làng cũ. Ở Đắc Lắc, tỉnh ủy huy động hàng nghìn dân đi phá đường, đắp ụ chướng ngại, ngăn chặn các cuộc càn quét, dồn dân của địch, v.v.

        Toàn Tây Nguyên 40% “ấp chiến lược”, “dinh điền” bị phá banh. Vùng giải phóng bắc Công Tum, tây Gia Lai, nam Đắc Lắc được mở rộng và củng cố. Qua các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận và tiến công quân sự. quần chúng được tổ chức chặt chẽ, thống nhất, tạo nên khí thế mới ở vùng căn cứ, khơi dậy và củng cố được phong trào ở vùng ven và đô thị. Ba thứ quân của ta hình thành và phát triển. Vùng căn cứ mỗi xã đã có từ 1 đến 2 trung đội du kích, mỗi huyện có 1 đại đội hoặc trung đội bộ binh, mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đại đội bộ binh.

        Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cuộc dấu tranh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã tiến những bước nhảy vọt, từ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ tiến lên đấu tranh vũ trang là chủ yếu. Trong đó, bộ đội chủ lực đã phát huy dược vai trò nòng cốt, liên tục tiến công tiêu diệt và tiêu hao lực lượng quân sự địch, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang địa phương cùng lực lượng chính tri của quần chúng đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở một sổ vùng, giành quyền làm chủ, tạo dược địa bàn đứng chân cho lực lượng chính tri và quân sự.

--------------------------
        1. Theo tài liệu của bộ quốc phòng Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 11:30:34 pm »


2. THÀNH LẬP MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN ĐẨY MẠNH TIẾN CÔNG QUÂN SỰ

        Nhận rõ vi trí chiến lược Tây Nguyên ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong báo cáo của Tổng Quân ủy được Bộ Chính trị thông qua ngày 27 tháng 11 năm 1953 đã chi rõ: “Lực lượng ta có phát triển vào Tây Nguyên thì mới giành dược thế chiến lược quan trọng nhất ở miền Nam. Nếu thế chiến lược đó ở trong tay địch thì cục diện miền Nam rất khó cải biến”. Tháng 1 năm 1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình cách mạng miền Nam sau cao trào đồng khởi, đề ra phương châm đấu tranh ba vùng, đã xác định: “Ở vùng rừng núi lấy đấu tranh quân sự làm chủ yếu và phải có nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch và xây dựng lực lượng của ta”. Nghị quyết 9B của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 năm 1963 vạch phương hướng đấu tranh cho cách mạng miền Nam trong tình hình mới đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất, quyết định nhất trong bất cứ trường hợp nào cũng phải nỗ lực tăng cường lực lượng của ta về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng quân sự”.

        Cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đang đứng trước thời cơ chiến lược mới. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề. Lực lượng cách mạng miền Nam phát triển mọi mặt, có khả năng giáng những đòn tiêu diệt lớn để đưa cách mạng tiến lên.

        Thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng, trên chiến trường Tây Nguyên, chiến tranh du kích được mở rộng, có điều kiện thuận lợi để tiến lên xây dựng những binh đoàn chủ lực tập trung.

        Ngày 1 tháng 5 năm 1964, Mặt trận Tây Nguyên được thành lập, lấy phiên hiệu là “Chiến trường B3”.

        Quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng, Tây Nguyên luôn gắn chặt với sự lãnh đạo của đảng bộ Khu 5, Quân khu 5 đã thành lập bộ phận tiền phương ở Tây Nguyên do đồng chí Hà Vi Tùng và Dương Liên phụ trách. Mặt trận Tây Nguyên chính thức ra đời. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 cử đồng chí Nguyễn Chánh làm Tư lệnh, đồng chí Đoàn Khuê làm Chính ủy cùng một số cán bộ cao cấp, trung cấp hình thành ba cơ quan. Mặt trận Tây Nguyên thành lập đánh dấu giai đoạn phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng của nhân dân Tây Nguyên và lực lượng vũ trang trên chiến trường, là yêu cầu khách quan của lịch sử, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh giải phóng ở nước ta.

        Vừa thành lập, Mặt trận Tây Nguyên đã bắt tay vào thực hiện sứ mạng vẻ vang của Quân ủy Trung ương, Bộ Tồng tư lệnh giao cho chiến trường: Xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn, có đội quân chủ lực mạnh làm nòng cốt thúc đẩy ba thứ quân phát triển; tiêu diệt, tiêu hao nhiều và rộng rãi sính lực, phương tiện chiến tranh của địch; thu hút và giam chân lực lượng chủ lực cơ động Mỹ, nguỵ, tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nổi dậy; phối hợp chặt chẽ với Trị - Thiên, Đông Nam Bộ và các chiến trường khác tiến công địch trong những thời điểm chiến lược.. Đồng thời xây dựng hậu phương trực tiếp của chiến trường thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền Nam và Đông Dương, xây dựng, bảo vệ hành lang chiến lược nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, phá thế chia cắt của địch, tiến lên chia cắt địch.

        Đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng nhiệm vụ của chiến trường, Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên khẩn trương ổn định tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy đợt chiến đấu Hè - Thu theo chỉ thị của Quân khu 5.

        Bước vào chiến dấu, lực lượng chủ lực Tây Nguyên ngoài tiểu đoàn 200 pháo binh, tiểu đoàn 407 đặc công, còn có thêm tiểu đoàn 303 súng máy của Quân khu bổ sung.

        Thời tiết dã vào mùa mưa. Đất rừng sũng nước, lầy lội. Dân công huyện 4ỏ, huyện 67 được huy động phục vụ cho trận đánh mở màn Plây Cơ-rông ở phía bắc Công Tum. Không có ni-lông che mưa, dân công và bộ đội tìm chặt những tàu lá chuối rừng che cho hàng và súng đạn. Gian nan, vất vả, nhưng không ai sờn lòng nản chí, vì họ hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của trận mở đầu.

        Đêm 3 rạng ngày 4 tháng 7 năm 1964, các chiến sĩ tiểu đoàn 200 và tiểu đoàn 407 nổ súng đánh địch. Trận đánh kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ. Tiểu đoàn bảo an số 104 và 9 tên cố vấn Mỹ bị tiêu diệt. Ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Plây Cơ-rông được giải phóng. Chiến thắng Plây Cơ-rông được Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba. Đây là tấm Huân chương Quân công đầu tiên của bộ đội chủ lực Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của bộ đội ta.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM