Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:33:35 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu  (Đọc 18233 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:04:33 am »


TRẬN TAM ĐƯỜNG CỦA CÁC ĐẠI ĐỘI 965, 513 (9 - 10.11.1953)

        Trận tập kích quân địch ở đồn Tam Đường của Đại đội bộ binh 965 tỉnh Lào Cai và Đại đội 13 Tiểu đoàn 183 Liên khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt quân địch ở đồn Tam Đường, cô lập địch ở phía nam, uy hiếp địch ở phía bắc, tiến tới giải phóng huyện Phồng Tô (tỉnh Lào Cai, nay là huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). 

        Địch xây dựng đồn Tam Đường trên một khu vực cao, có khả năng quan sát và khống chế các khu vực xung quanh, án ngữ trục đường chính từ Lào Cai đi Lai Châu.  Phía bắc và nam đồn có nhiều núi cao, rừng rậm, tiện giấu quân và tiếp cận đánh địch. Xung quanh đồn có tường xếp bằng đá, cao 1 mét, dày 0,8 mét. Công sự trong đồn là hầm đất có giao thông hào nối liền các hố bắn xếp bằng đá.

        Giữ đồn có các đại đội 1, 2 của quân phỉ; hai trung đội lính dõng (khoảng 250 tên). Trang bị có một khẩu cối 82mm, sáu khẩu cối 60mm, bốn khẩu đại liên, tám khẩu trung liên, còn lại là súng trường và tiểu liên. Tại đồi A có hai trung đội, đồi F có một trung đội của đại đội 1 chốt giữ’ Các đồi B, C, D, E do lực lượng của đại đội 2 giữ. Hai trung đội lính dõng giữ hai bản Tả Sìn Chải và Teo Sìn Chải. 

        Thực hiện nhiệm vụ trên giao, chỉ huy trận đánh tổ chức đội hình thành các bộ phận:

        - Đại đội 96 được tăng cường một tiểu đội du kích Hồ Thầu, có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở bản Teo Sìn Chải vào ngày 9 tháng 12, tiếp đó tập kích diệt địch ở đồi A vào ngày 10 tháng 12, ép địch ở đồi F đầu hàng, làm chủ hoàn toàn phía bắc đường.

        - Đại đội 513 được tăng cường một tiểu đội du kích Hồ Thầu, có nhiệm vụ tập kích tiêu diệt địch ở bản Tả Sìn Chải vào sáng ngày 9 tháng 12; tiếp đó tập kích địch ở đội B vào sáng ngày 10 tháng 12; cùng các bộ phận khác buộc địch ở các đồi C D, E đầu hàng, làm chủ hoàn toàn phía nam đường từ Lào Cai đi Lai Châu.

        - Đội công tác có nhiệm vụ hỗ trợ hai đơn vị tập kích địch ở hai bản. Sau khi làm chủ hai bản, đội giải thích cho nhân dân về việc bộ đội giải phóng bản, giải phóng đồng bào, hướng dẫn nhân dân sơ tán tránh thương vong. Đồng thời vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm nuôi quân và kêu gọi con em mang vũ khí trở về với nhân dân, với cách mạng.

        - Tổ đặc nhiệm gồm bốn trinh sát có nhiệm vụ bắt tên Hoàng Chi và làm hiệu lệnh nổ súng.

        2 giờ ngày 9 tháng 12, các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa.

        5 giờ 30 phút ngày 9 tháng 12, các đại đội 965 và 513 nổ súng diệt địch. Do trời tối, sương mù dày đặc, địch lợi dụng công sự ẩn nấp chống lại. Nhưng ta tiến công mạnh nên sau 30 phút, địch phải rút chạy ra cánh đồng về đồn.  8 giờ 30 phút, ta làm chủ hai bản; tiêu diệt 10, bắt và gọi hàng 10 tên địch, thu 25 súng trường, lương thực thực phẩm thu được khoảng sáu xe Ô tô. Biết ta chiếm được bản, địch dùng phi pháo đánh phá, làm cháy một nhà dân.

        14 giờ 30 phút, trung đội phỉ do Lò Văn Xuân chỉ huy từ xã Nậm Noọng về chi viện, bị tổ chốt của ta chặn đánh diệt hai tên, chúng phải trở lại nơi xuất phát. 22 giờ, các đại đội vào chiếm lĩnh trận địa tập kích các đồi A và B. Nhờ có Sùng A Sa (lính dõng đầu hàng) dẫn đường nên cả hai đại đội chiếm lĩnh vị trí an toàn, bí mật.

        4 giờ 30 phút ngày 10 tháng 12, tổ đặc nhiệm nghi binh kéo địch về một hướng, vào giao thông hào bắt chí huy đồn Hoàng Chi khi hắn vừa đi kiểm tra về và đưa ra ngoài. Sau đó một chiến sĩ đặc nhiệm hô lớn: “Hoàng Chi bỏ trốn, anh em bỏ súng về với vợ con mình thôi”, rồi ném lựu đạn làm hiệu lệnh. Bộ đội đồng loạt xung phong. Địch chống cự lẻ tẻ, một số bỏ chạy bị ta tiêu diệt và bắt. Ta làm chủ hoàn toàn các đồi A và B. 

        Ngay sau khi làm chủ các đồi A và B, ta triển khai bao vây các đồi C, D, E, F; kết hợp kêu gọi địch ra hàng với dùng hỏa lực cối, đại liên đặt trên các mỏm đồi A, B bắn vào các đồi còn địch. Trước sức mạnh của ta, địch lần lượt ra hàng và về khu tập trung theo chỉ dẫn của bộ đội, ta làm chủ đồn Tam Đường.

        Chiều cùng ngày, trung đội phỉ Lò Văn Xuân ở Nậm Noọng cũng hạ vũ khí đầu hàng và nộp cho ta bảy kiện hàng còn nguyên vẹn.  Sau hai ngày chiến đấu, ta diệt 33 tên; bắt và gọi hàng gần 200 tên, thu một khẩu cối 82mm, một khẩu cối 60mm, 12 khẩu đại liên và trung liên, hơn 100 súng trường các loại và khoảng bảy Ô tô lương thực.

        Chiến thắng Tam Đường đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch ở huyện Phồng Tô, cô lập hoàn toàn địch ở phía nam, tạo đà cho bộ đội địa phương và du kích giải phóng quê hương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:07:15 am »


TRẬN PÓ LUM CỦA ĐẠI ĐỘI 96 (12.11.1953)

        Trận phục kích của đại đội 96 bộ đội địa phương tỉnh 1 Yên Bái vào toán phỉ (34 tên) tuần tra, lùng sục vào các bản cướp bóc của cải của dân, phát hiện lực lượng ta. 

        Bản Pó Lum thuộc xã Hố Mít, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái, trên đoạn đường từ Pắc Ta đi Phiềng Phát. Tại đây hai bên đường là những dãy đồi nối tiếp nhau, xen kẽ có những vạt rừng già  rậm rạp; nhiều chỗ lượn hình cánh cung, một bên có ruộng bậc thang, tiếp đến là suối nhỏ, tiện quan sát, giấu quân, cơ động lực lượng. 

        Đại đội bộ binh 96 có bốn trung đội, nhưng khi chiến đấu chỉ có hai trung đội tham gia, còn hai trung đội đang đi làm nhiệm vụ khác.

        Đại đội tổ chức thành ba bộ phận: Bộ phận chặn đầu bảy người, có một khẩu trung liên, do Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Bộ phận khóa đuôi bảy người, có một khẩu trung liên, do Trung đội trưởng Hà Kim Oanh chỉ huy. Bộ phận diệt địch chủ yếu có 10 người với hai trung liên do Kim Khôi chỉ huy.

        1 giờ ngày 12 tháng 11, đại đội hành quân chiếm lĩnh trận địa. 9 giờ, có 34 tên địch từ Phiềng Phát lên, trang bị một trung liên, năm tiểu liên, còn lại là súng trường.

        Để địch lọt hết vào trận địa, đồng chí Hà Kim Oanh ra lệnh nổ súng. Tất cả hỏa khí của đại đội bắn vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, chúng đối phó lúng túng. Chớp thời cơ các chiến sĩ từ các hướng, các mũi, các vị trí chiến đấu ném lựu đạn xuống đường và nhanh chóng xông ra đường diệt những tên địch còn lại.

        Sau 10 phút chiến đấu, được tin ở phía Pó Lum, Pắc Ta có tiếng súng nổ, phán đoán thấy địch có thể từ Pó Lum, Pắc Ta lên ứng cứu, Đại đội trưởng ra lệnh thu dọn chiến trường và lui quân.

        Trận đánh diễn ra nhanh, ta diệt 29 tên địch, thu năm tiểu liên, ba súng trường, hai máy vô tuyến điện và một số tài liệu.

        Trận phục kích diệt phỉ của Đại đội 96 để lại nhiều kinh nghiệm tốt về khắc phục khó khăn,  đoàn kết, chủ động đánh địch của lực lượng vũ trang địa phương.


TRẬN YÊN DŨNG CỦA TIỂU ĐOÀN 28 (20 - 27.11.1953)

        Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bắc Giang, từ 20 đến 27 Tháng 11năm 1953, Tiểu đoàn 28 (thiếu một đại đội) và các đại đội 259, 239 Yên Dũng đã đánh lui nhiều đợt càn quét của bốn trung đoàn địch có xe tăng, pháo binh, tàu chiến, máy bay yểm trợ; diệt nhiều địch, phá nhiều phương tiện chiến tranh; bảo vệ được nhân dân và giữ vững khu du kích, phá cuộc tiến công ra vùng tự do của quân Pháp.

        Yên Dũng, một huyện trung du của tỉnh Bắc Giang, có vị trí quan trọng, là khu đệm giữa vùng tự do và vùng bị địch tạm chiếm, đồng thời là cửa ngõ của ta vào khu căn cứ Bắc Ninh, tả ngạn Liên khu 3. Yên Dũng có nhiều đồi núi xen kẽ và bị nhiều sông sâu, gấp khúc chia cắt như sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu. Yên Dũng nằm giữa các đường lớn như 1A, 13, 17 và 18. Đường sá thuận lợi cho cơ động lực lượng về mùa khô. 

        Nhằm tiêu diệt chủ lực và du kích, phá cơ sở cách mạng, tạo điều kiện củng cố phòng tuyến, lấy lại tinh thần cho binh sĩ đang đóng quân tại địa bàn; từ cuối tháng 10 năm 1953, Pháp tăng cường binh đoàn cơ động số 5 lên đóng ở đường 13 (từ Phủ Lạng Thương đi Thái Đào, Đồi Ngô). Ngày 20 tháng 11, binh đoàn cơ động số 2 được đưa lên phối hợp với các binh đoàn đang hoạt động tại đây mở cuộc hành quân càn quét khu vực Yên Dũng. 

        Để yểm trợ cho cuộc càn, địch sử dụng chín đại đội pháo 105mm, 155mm, 75mm cùng với các trận địa pháo ở Phả Lại, Đáp Cầu, Phủ Lạng Thương, Cầu Lồ, Nội Doi; cùng với 150 xe tăng, xe bọc thép, 33 tàu chiến, ca nô các loại hiệp đồng với các hướng, các mũi tiến công và chuyển quân càn quét.

        Tiểu đoàn 28 Bắc Giang có các đại đội 231 và 235, được các đại đội 239, 29 Yên Dũng phối thuộc chiến đấu. Vũ khí có năm đại liên, còn lại là súng trường lựu đạn.

        Sáng 20 tháng 1 1 năm 19ô3, Pháp sử dụng tiểu đoàn 1 dù và hai tiểu đoàn quân ngụy từ Bắc Ninh hành quân lên Đáp Cầu tiến vào Yên Lư. Bị chặn đánh, chúng cho quân chiếm các điểm cao tại Văn Cao, Văn Giáp, Bình An, Tiên Điền.

        Phối hợp với cánh quân trên còn có cánh quân (khoảng 500 tên, có 80 xe tăng) từ Đáp Cầu tiến vào Nội Doi và đến 17 giờ, cánh quân này rút về Đáp Cầu. Cùng thời gian này, một cánh quân khác do một tiểu đoàn ngụy từ đường 1A qua Hoàng Mai xuống Vân Cốc, đến 13 giờ chúng rút về thị xã Bắc Giang.

        Trong ngày, các mũi tiến quân càn quét của địch vào Thôn Ngõ, Trước Lường (Dĩnh Kê) vào tả ngạn và hữu ngạn sông Thương để thăm dò lực lượng ta, chiếm giữ một số vị trí để yểm trợ cho cuộc tiến quân, nhưng đi đến đâu cũng bị lực lượng vũ trang và bộ đội địa phương chặn đánh.

        Qua một ngày chống địch càn quét trên các hướng, Huyện ủy chủ trương phân tán cán bộ cơ quan về xã Trì Yên; về chỉ đạo, do chưa phán đoán được mục đích, tính chất và chiến thuật của cuộc càn, nên chưa chỉ đạo cụ thể.

        Ngày 23 tháng 1 1, sau khi đánh chiếm được toàn bộ huyện Yên Dũng, địch tập trung càn quét, hợp vây ở Xuân Phú, Đông Loan và một số nơi ở ngoài; thực hiện vừa càn quét khu vực hợp vây, vừa rút quân từng bộ phận, đồng thời điều thêm một bộ phận nhỏ từ phía sau lên thay thế.  Hoạt động của bô phận này chủ yếu là gài mìn ngăn chặn ta tiến công khi chúng rút lui.

        Trước sức tiến công ồ ạt của địch, lực lượng vũ trang địa phương một mặt vượt ra ngoài khu vực địch hợp vây, lợi dụng lợi thế của các làng chặn đánh địch, một số nơi địch không vào được làng.

        Từ ngày 24 đến 28 tháng 11 năm 1953, địch chuyển sang giai đoạn hai của cuộc càn quét: Chúng tiến hành đánh phá một số nơi trong huyện mà chúng cho là có lực lượng ta. Có nơi chúng chà đi xát lài nhiều lần nhằm triệt phá căn cứ du kích, làng chiến đấu của ta. 

        Chủ động đánh trả quân địch, đêm 24 tháng 11, Đại đội 235 tập kích địch ở Lũ Phú, Đại đội 231 tập kích địch ở Trại Kế, Đại đội 239 Yên Dũng tập kích địch ở Chợ Rào. Sáng ngày 25 tháng 11, các đại đội 235, 239, 231 tiếp tục đánh địch ở Trại Kế, Chùa Cao, Lũ Phú. Các đơn vị, bộ phận đã chiến đấu dũng cảm, diệt được địch, đánh lui nhiều đợt tiên công của địch, bảo vệ được lực lượng, trận địa.  Sau bảy ngày chiến đấu, ta tiêu diệt và làm bị thương khoảng 300 tên địch; phá hủy hai xe tăng, hai Ô tô, hai pháo 75mm.

        Nhân dân bị địch giết hại 70 người, 7 người bị thương, 50 người bị bắt. Chúng đốt cháy 1.000 nhà tranh, 200 nhà ngói, cướp khoảng 100 con trâu và giết 200 con, đốt 20  tấn thóc.

         Trận chống càn thắng lợi đã bảo vệ làng xóm, bảo vệ được căn cứ du kích Yên Dũng, để lại những kinh nghiệm quý về nắm địch, về tổ chức chỉ huy chống càn, về vận dụng cách đánh khi địch sử dụng lực lượng mạnh hơn ta gấp bội càn quét tìm diệt .lực lượng vũ trang và phá căn cứ du kích của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:10:18 am »


TRẬN PHƯƠNG ĐIẾM – ĐƯỜNG 17 CỦA TRUNG ĐOÀN 42 (6.12.1953) .

        Trận “đánh điểm diệt viện” của Trung đoàn bộ binh 42, khu Tả Ngạn, được đại đội địa phương huyện Tứ Kỳ và du kích các xã phối hợp chiến đấu, nhằm diệt địch ở Phương Điếm - Đường 17 (nay thuộc xã Phương Hưng, cách thị xã Hải Dương 10 kilômét về phía nam). 

        Phương Điếm là một cứ điểm mạnh, có lô cốt, boong ke, án ngữ đường 17, tuyến giao thông huyết mạch của địch nối tuyến bắc nam sông Luộc, đồng thời bảo vệ phía nam thị xã Hải Dương và đường chiến lược số 5. 

        Giữ Phương Điếm có đại đội Âu Phi 12 . (12 thuộc ¾ RTM) có 80 tên do quan ba Canuýt chỉ huy. Ngày 5 tháng 12 năm 1953, địch tăng cường một đại đội ngụy (100 tên) do Cađăng chỉ huy, bố trí ở các công sự vòng ngoài của Phương Điếm. 

        Phương Điếm được bố phòng cẩn mật, với hệ thống đồn binh, lô cốt gạch và lô cốt boong ke đan xen cùng với hệ thống vật cản dày đặc, liên kết bốn lô cốt bốn góc có tường gạch dày 0,8 mét cao 2,5 mét, có các lỗ bắn ra xung quanh, chân tường đắp đất dày 1,5 mét, bên ngoài tường có hào rộng từ 8 đến 10 mét, sâu 2 đến 2,5 mét. Bên ngoài hào có  tám lớp rào dây thép gai, mỗi lớp rộng 1,5 đến 4 mét, cách nhau 5 đến 20 mét. Trong đồn có một khẩu cối 120mm, một khẩu pháo 20mm và một khẩu 12,7mm. 

        Trung đoàn 42 có các tiểu đoàn 664, 652, 234 (thiếu một đại đội), các đại đội hỏa lực, trinh sát, thông tin.  Mỗi tiểu đoàn trung bình có 400 quân, ba đại đội bộ binh, một đại đội trợ chiến. Hỏa lực có bốn khẩu cối 82mm, bốn khẩu cối 60mm, bốn đại liên, hai đến ba khẩu PIAT, 16 trung liên, còn lại là súng trường. Ngoài ra còn có 500 kilôgam bộc phá trang bị cho Tiểu đoàn 64, sẵn sàng tiêu diệt cứ điểm .

        Đại đội hỏa lực của trung đoàn có một khẩu SKZ 120mm, bốn khẩu ĐKZ 57mm, hai khẩu 12,7mm.  Vào chiến đấu, trung đoàn được tăng cường đại đội bộ đội địa phương huyện Tứ Kỳ; dân quân các xã được huy động làm nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, phục vụ chiến đấu.

        Thực hiện nhiệm vụ, trung đoàn sử dụng lực lượng như sau:

        - Bộ phận cường tập đồn Phương Điếm do Tiểu đoàn 664, được tăng cường đại đội hỏa lực và một bộ phận trinh sát, thông tin của trung đoàn đảm nhiệm.

        - Bộ phận phục kích đánh viện trên đường 17 do hai tiểu đoàn 652 và 234 cùng đại đội bộ đội địa phương huyện Tứ Kỳ đảm nhiệm.

        19 giờ ngày 5 tháng 12, các bộ phận theo hiệp đồng đến vị trí tám dừng, chuẩn bị vào dò gỡ mìn, cắt và chống rào.

        19 giờ 30 phút, đột nhiên địch báo động, trung liên, đại liên, cối 120mm, bắn vu vơ ra xung quanh. Các bộ phận bí mật theo dõi hành động của địch.

        20 giờ, các mũi bắt đầu tiếp cận, dò gỡ mìn, phá gỡ vật cản, bí mật đặt bộc phá vào các hàng rào bên trong sát địch. Các bộ phận phía sau nhích đội hình lên vị trí tiến công.

        3 giờ 45 phút ngày 6 tháng 12, hướng thứ yếu đặt xong quả bộc phá cuối cùng. Nhưng do nghe không rõ lời đại đội trưởng báo cáo tiểu đoàn và đề nghị lệnh phát hỏa nên chiến sĩ bộc phá phụ trách rào hàng số 6 chạy lên giật nụ xòe; bộc phá phá hàng rào số 6 nổ, các hàng rào khác cũng đồng loạt nổ theo.

        Từ các hướng bộ đội nhanh chóng vượt qua cửa mở đánh chiếm đầu cầu. Địch từ trong các lô cốt ụ súng và trên một số nóc nhà bắn trả quyết liệt. Bộ đội ta được hỏa lực yểm trợ nhanh chóng dùng lựu đạn, bộc phá đánh vào các trận địa hỏa lực, phá các lô cốt, lần lượt chiếm các mục tiêu quy định.

        Đến 4 giờ 20 phút ngày 6 tháng 12, quân ta làm chủ chiến trường, tiếp tục truy quét tàn quân của địch. Trời sáng, máy bay địch đến chi viện, bộ phận cảnh giới không bắn trả mà lại rút nên dân công cũng rút theo, hạn chế kết quả thu chiến lợi phẩm.

        6 giờ ngày 6 tháng 12, ta lui quân xong, quân địch chạy trốn và số còn sống sót trong cứ điểm quay lại chiếm đồn.

        Cùng thời gian trên, địch cho pháo bắn mạnh hai bên đường 17 và xung quanh đồn Phương Điếm. 7 giờ, khoảng một tiểu đoàn địch có bốn xe tăng hộ tống và 10 xe cơ giới từ thị xã Hải Dương theo đường 17 xuống Phương Điên.  9 giờ 30 phút, cả tiểu đoàn địch lọt vào trận địa. Đại đội 17 dùng ĐKZ bắn chiếc xe tăng đi đầu, các đại đội từ các hướng vừa dùng hỏa lực chế áp, vừa nhanh chóng tiếp cận, thực hiện bao vây, chia cắt quân địch. Sau 30 phút chiến đấu, gần 200 tên địch bị tiêu diệt. Trận đánh kết thúc. 

        Bằng cách đánh điểm kéo địch ra để tiêu diệt, trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến 330 tên, bắt 88 tên; thu ba khẩu badôca, bốn khẩu đại liên, hai khẩu cối 81mm, 18 khẩu trung liên, 130 khẩu tiểu liên, phá hai xe tăng, sáu xe cơ giới, một khẩu cối 120mm, một khẩu pháo 20mm, một khẩu 12,7mm.

        Trận Phương Điếm - một trận đánh Trung đoàn 42 vận dụng khá thành công hình thức “đánh điểm, diệt viện”; trong đó dùng cường tập để tiến công cứ điểm, dùng vận động phục kích để tiêu diệt quân viện. Trận đánh thành công đã chặt đứt một mắt xích quan trọng bảo vệ nam thị xã Hải Dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:11:54 am »


TRẬN ĐÔNG HƯNG CỦA BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG THÁI NINH VÀ DU KÍCH XÃ TRỪNG HOÀI (27 - 28.12.1953)

        Trận tập kích của Trung đội 2 Đại đội 24 bộ đội địa phương huyện Thái Ninh và du kích xã Trừng Hoài (trang bị một khẩu cối 60mm, một khẩu trung liên, bốn khẩu tiểu liên, 39 súng trường; du kích có bốn khẩu súng trường, mỗi chiến sỹ hai quả lựu đạn, . . .)  nhằm đánh vào một trung đội địch nghỉ tập trung trong một nhà dân ở- xóm Đông Hưng, thôn Thuyền Quan, xã Trừng Hoài (nay là xã Thái Sơn và xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, Thái Bình). 

        17 giờ 30 phút ngày 27 tháng 9 năm !953, tiểu đoàn địch ở bắc sông Trà Lý càn đến thôn Thuyền Quan, xã Trừng Hoài.  Trời tối chúng buộc phải dừng lại ở thôn Thuyền Quan.  Tại xóm Đông Hưng, địch bố trí một trung đội phía trước để phát hiện, ngăn chặn ta từ hướng xã Phúc Khê và các thôn Kim Thành, Thanh Miếu đánh sòng. 

        Bám nắm được địch, đại đội quyết định sử dụng Trung đội 2, cùng với du kích xã tập kích địch ở Đông Hưng.  24 giờ ngày 27 tháng 12, Trung đội. 2 từ vị trí tập kết tiến vào Đông Hưng. Sau khi kiểm tra tình hình địch lần cuối, trung đội bộ đội và du kích chia thành ba mũi bí mật bao vây ngôi nhà.

        2 giờ 10 phút ngày 28 tháng 12, cả ba mũi đã bao vây, áp sát ngôi nhà địch đang ở. Do sơ suất khi tiếp cận, một chiến sĩ ta vấp ngã, lính gác phát hiện có lực lượng ta, hốt hoảng kêu lên và bỏ chạy.

        Ngay lập tức trung đội trưởng bắn theo tên lính gác và ra lệnh các mũi dùng lựu đạn, thủ pháo diệt địch. Các mũi ném lựu đạn rồi xông vào nhà, khi đó chỉ còn hai tên địch sống sót xin hàng, 27 tên bị tiêu diệt.

        Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trung đội nhanh chóng rời khỏi Đông Hưng, nhưng khi qua cánh đồng vào thôn Phúc Tiền, bị hỏa lực của địch ở xóm Nam Cường bắn ra nổ gần đội hình ta, trung đội trưởng bị thương nhẹ, nhưng vẫn chỉ huy đơn vị về Phúc Tiền an toàn. 

        Trận đánh thắng lợi để lại cho ta nhiều kinh nghiệm về chủ động, tích cực bám nắm địch; về chọn mục tiêu đánh phù hợp với khả năng của đơn vị, bảo đảm chắc thắng.


TRẬN HẢI YẾN CỦA TIỂU ĐOÀN 664 (17.1.1954)

        Trận tập kích của Tiểu đoàn 664 và Trung đoàn 421 vào quân địch hành quân càn quét, tạm dừng tại làng Hải Yến (làng Hời), huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, góp phần đánh bại cuộc càn của chúng.

        Từ ngày 7 tháng 1 năm l954, Pháp mở cuộc hành quân càn quét vào các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ (Hưng Yên, Thanh Miện, NInh Giang (Hải Dương).

        12 giờ ngày 16 tháng 1, tiểu đoàn 13 BVN trụ lại Hải Yến, tiểu đoàn Mường số 1 trụ lại Triều Dương, tiểu đoàn Âu Phi số 1 ở xung quanh Triều Dương.

        Tiểu đoàn 64 có các đại đội bộ binh 46, 53, 9 (được trang bị trung liên, tiểu liên và súng trường) và Đại đội trợ chiến 63, trang bị bốn khẩu đại liên, hai khẩu 81mm một khẩu 12,7mm và hai khẩu chống tăng PIAT. Vào chiến đấu, tiểu đoàn được tăng cường hai khẩu ĐKZ57MM, hai khẩu cối 81mm của trung đoàn.

        Để hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đoàn tổ chức đội hình thành các bộ phận:

        - Bộ phận tiến công trên hướng chủ yếu do Đại đội 9, được tăng cường một khẩu ĐKZ57MM, hai khấu PIAT đảm nhiệm từ bắc làng đánh thẳng vào khu nhà gạch, xen kẽ có vài nhà cao tầng (dự kiến có thể sở chỉ huy của địch ở đây) . 

        - Bộ phận tiến công trên hướng thứ yếu 1, do Đại đội 53 được tăng cường một khẩu ĐKZ 57mm. đánh địch dọc đường 200 .

        - Bộ phận tiến công trên hướng thứ yếu 2, do một trung đội của Đại đội 6 đảm nhiệm, tiến công từ phía đông làng vào đội hình địch.

        - Đội dự bị của tiểu đoàn do Đại đội 6 (thiếu một trung đội) đảm nhiệm. .

        - Bộ phận kiềm chế pháo binh địch ở Triều Dương và Chùa Bản, mỗi nơi dùng hai khẩu cối 81mm. 

        23 giờ ngày 16 tháng 1, các đơn vị từ vị trí tập kết vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công.

        4 giờ 5 phút ngày 17 tháng 1, tiểu đoàn ra lệnh nổ súng tiến công. Nhưng Đại đội trưởng Lê Huy Vinh đang dẫn một tiểu đội tiến về nhà gạch và bất ngờ bị trung liên địch bắn bị thương. Nghe tiếng súng, từ các hướng ta nổ súng dồn dập đánh vào các mục tiêu được phân công.

        Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng căn nhà, ngõ xóm. Đến 5 giờ, các mũi bắt được liên lạc với nhau ở khu đường ngang, kiểm soát hầu hết khu nhà gạch, trừ nhà 18 địch vẫn cố thủ. Tiểu đoàn quyết định đưa một tiểu đội dự bị của Đại đội ô6 và một quả bộc phá 5 kilôgam vào phá nhà. Sau tiếng nổ của quả bộc phá, nhà 18 bị sập, toàn bộ địch bị tiêu diệt.

        5 giờ 15 phút, trời sáng dần, nhận thấy cơ bản quân địch ở Hải Yến đã bị tiêu diệt, tiểu đoàn ra lệnh lui quân.  Sau hơn một giờ chiến đấu, địch chết và bị thương 250 tên, bị bắt 60 tên. Ta thu một ĐKZ 57mm, hai cối 81mm, một cối 60mm, ba đại liên, 9 tiểu liên.

        Nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, quyết tâm cao, dũng cảm, cơ động linh hoạt, có cách đánh phù hợp với quân địch tạm dừng, tích cực, chủ động hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng du kích là nét nổi bật của trận Hải Yến. 

        Thắng lợi của trận đánh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân nam bắc sông Luộc và góp nhiều kinh nghiệm quý trong đánh địch tạm dừng khi chúng càn quét ở đồng bằng tả ngạn sông Hồng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:14:11 am »


TRẬN MĂNG ĐEN CỦA TRUNG ĐOÀN BỘ BINH 108 (27 - 28.1.1954)

        Trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc của Trung đoàn 108 Quân khu 5 mở màn chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Xuân Hè 1954, nhằm tiêu diệt địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, cùng các lực lượng giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum. 

        Măng Đen là cứ điểm mạnh nằm trong tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên, cách thị xã Kon Tum 50 kilômét về phía bắc. Cứ điểm có hai khu. Khu A do hai đại đội lê dương đóng giữ. Khu B do một đại đội quân ứng chiến địa phương đóng giữ. Trong cứ điểm, các lô cốt, ụ súng được nối với nhau bằng đường hào nổi, ở giữa có lô cốt ‘ “mẹ” bằng bê tông cốt thép và hầm ngầm, có giao thông hào nối liền các lô cốt và các nhà với nhau. Nhà lợp tôn, âm xuống đất khoảng 1 ‘mét xung quanh có nhiều hàng rào dây thép gai rộng từ 30 đến 90 mét và một bức tường bao quanh khu A.

        Trung đoàn 108 có ba tiểu đoàn bộ binh (19, 79, 50) và các đơn vị trực thuộc. Sau khi nhận nhiệm vụ, hạ quyết tâm, trung đoàn sử dụng: Tiểu đoàn 19 (được tăng cường một đại đội bô binh, được hỏa lực của chiến dịch chi viện) làm nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu (vào khu A).  Tiểu đoàn 79 có nhiệm vụ tiến công trên hướng thứ yếu (vào khu B).

        Ngày 20 tháng 1 năm 194, quân Pháp mở cuộc hành quân Átlăng nhằm làm giảm sức ép cho mặt trận .Trung - Hạ Lào. Mở màn chiến dịch phản công, Khu 5 chủ trương tiêu diệt cùng một lúc cả ba cứ điểm Măng Đen, Mang Búk và Komp Rẫy, đập tan toàn bộ cụm phòng ngự hướng Đông Bắc Kon Tum của địch. 

        15 giờ ngày 27 tháng 1, trung đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công. 23 giờ 30 phút, khi tiếp cận, Tiểu đoàn 79 vấp mìn, nghe tiếng mìn nổ, các mũi hiệp đồng nổ súng.  Trên hướng chủ yếu các loại hỏa lực cối, ĐKZ bắn chế áp phá hủy công sự; đại liên kiềm chế hỏa lực địch trên các cửa mở, các tổ bộc phá đưa vào phá rào, tiếp đó các hướng liên tục phá rào, chiếm đầu cầu.

        Trên hướng Tiểu đoàn 19, Đại đội 213 (hướng chủ yếu) liên tục xông lên phá rào dưới làn đạn ngăn chặn quyết liệt của địch. Rào phá đến đâu, chiến sĩ bộc phá và tổ đánh chiếm đầu cầu nối tiếp nhau đánh chiếm đến đó. Bộc phá phá vỡ từng mảng tường, nhưng địch tập trung chống cự làm ta thương vong một số.

        Trên hướng thứ yếu, Đại đội 212 Tiểu đoàn 19 đã nhanh chóng nổ súng diệt ngay lô cốt, sau 9 phút đã mở xong các lớp rào, Đại đội trưởng đưa quả bộc phá 20 kilôgam lên đánh lô cốt B và đột nhập vào bên trong. 

        2 giờ ngày 28 tháng 1, Đại đội 213 vẫn chưa mở được cửa, mặc dù đã tăng cường thêm chiến sĩ bộc phá của thê đội 2 (dự bị) nhưng vẫn chưa giải quyết được lô cốt A, Đại đội trưởng bị thương.

        Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng đã chuyển Đại đội 212 sang hướng thứ yếu, chuyển hướng thứ yếu thành hướng chủ yếu. Các tổ đột kích được tổ chức lại, kiên quyết giữ vững đầu cầu, phát triển nhanh vào trong cứ điểm, đánh sang khu A.

        Trước những diễn biến gay go và phức tạp, trung đoàn cho Đại đội 215 Tiểu đoàn 50 (dự bị) vào chiến đấu để Tiểu đoàn 19 mở cửa mới.

        Trận chiến đấu trên các hướng diễn ra quyết liệt, các lô  cốt của địch lần lượt bị tiêu diệt. Cuối cùng địch vẫn giữ  được lô cốt A và lô cốt mẹ. Ta tiến hành bao vây chặt và kêu gọi địch đầu hàng. Không còn con đường nào khác,  chúng phải đầu hàng để cứu mạng sống. 

        Sau gần 8 giờ chiến đấu, ta diệt gần 100 tên, bắt hai đại đội địch, thu gần 300 súng các loại. Tiểu đoàn 19 bị tổn thất phải lui về sau củng cố, các tiểu đoàn 79 và 50 tiếp tục phát triển tiến công về Đắc Tô, Đắc Lây theo lệnh của trung đoàn và bộ chỉ huy chiến dịch.

        Trận Măng Đen để lại nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng quyết tâm, chuẩn bị tinh thần cho bộ đội; về chọn thời cơ nổ súng, về xác định mục tiêu và sử dụng lực lượng hợp lý; về giữ bí mật, tạo bất ngờ; về tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt và ý thức hiệp đồng chặt chẽ trong suốt quá trình chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:14:55 am »


TRẬN THÂN THƯỢNG CỦA TIỂU ĐOÀN 53 (28.1.1954)

        Trận kỳ tập của Tiểu đoàn 53 bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình phá đồn địch ở Thân Thượng, thuộc tổng Nam Huấn (nay là xã Quang Bình, huyện Kiến Xương), tỉnh Thái Bình nhằm tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân khỏi khu tập trung của địch.

        Sau ba năm, bằng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, khủng bố, đe dọa, nhất là sau trận càn Giécphô tháng 11 năm 1953, địch đã dồn gần bốn vạn người vào sống trong khu tập trung Thân Thượng.

        Thân Thượng, là đồn binh quan trọng án ngữ cửa ngõ ra vào Thái Bình, khống chế đường 39B đi Kiến Xương, Tiền Hải, như một cái chốt cắm giữ căn cứ du kích Vũ Tiên, Kiến Xương của ta. Nhổ được đồn Thân Thượng sẽ nối thông đường 39B, nối liền khu du kích, phá âm mưu lập khu tập trung của địch.

        Đồn Thân Thượng được bao quanh bằng các ao, bồ, sông ngòi, có lũy cao, hào sâu. Phía trước là hai bức tường song song với nhau dài 300 mét, có lỗ châu mai. Giữa hai bức tường là hào sâu, bên ngoài tường là hàng rào dây thép gai đến tận mép sông Chuồn. Dưới sông địch thả các loại mìn. Bên trong hàng rào là các ao hồ, mặt hồ thả chông nổi bằng nứa, đáy hồ cắm chông sắt. Ba mặt rào dây thép gai, xen kẽ rào tre ken dày. Lực lượng giữ đồn có 157 tên, chủ yếu là lính bảo an, vệ sĩ, dân vệ, do Nguyễn Văn Dậu làm đồn trưởng.

        Tiểu đoàn 53 có các đại đội bộ binh 153, 146, 125 và một phân đội trợ chiến, trang bị hai khẩu badôca, hai khẩu cối 60mm, hai khẩu đại liên; trung liên được trang bị tới tiểu đội bộ binh. Vào chiến đấu, tiểu đoàn được tăng cường Đại đội 25 bộ đội huyện Kiến Xương; Đại đội 50 bộ đội huyện Vũ Tiên và du kích xã làm nhiệm vụ dẫn đường, nắm địch, quấy rối các đồn bốt xung quanh, đánh địch ứng viện.

        Thực hiện nhiệm vụ trên giao, chỉ huy tiểu đoàn tổ chức lực lượng thành các bộ phận:

        - Mũi đột kích chủ yếu do các chiến sĩ nhanh nhẹn, dũng cảm của Đại đội 13 đảm nhiệm, bộ đội cải trang trà trộn vào người đi chợ, bí mật tiếp cận, bất ngờ đột phá qua cổng vào bên trong diệt địch.

        - Mũi tiến công thứ yếu do Đại đội 146 đảm nhiệm, bộ đội cải trang làm lính bảo an, dân vệ ém sẵn ở đình Ngái, khi được lệnh tiếp cận phía đông bắc Thân Thượng, cùng Đại đội 153 đánh vào đồn diệt địch.

        - Hướng đón lõng do Đại đội 125 đảm nhiệm, bộ đội ém sẵn tại thôn Thái Công, đánh địch chạy ra cầu Đá và chợ Bặt.

        - Đại đội 2 làm nhiệm vụ bao vây, quấy rối, kiềm chế địch ở bốt Ngái, chặn địch ở Kiến Xương lên.  Đại đội 50 đánh địch ở Phủ Sóc xuống chi viện; quấy rối, kiềm chế địch ở bốt Đông Quý, đón lõng địch ở thôn Ba tây bắc Thân Thượng.

        Sáng 27 tháng 1, ta cho một du kích mang lá thư mật bỏ ở cổng đồn. Trong thư nói đêm 27 tháng 1 bộ đội đánh bốt Thân Thượng. Xem thư, địch tổ chức tuần tra, canh gác cẩn mật suốt đêm. Khi mệt mỏi mà không thấy ta đánh, chúng sinh ra chủ quan.

        Sáng 28 tháng 1, Đại đội 146 cải trang thành lính bảo hoàng ém sẵn ở đình Ngái. 4 giờ, Đại đội 25 bí mật ém quân ở Thái Công. Cùng thời gian trên, các đại đội 50, 25 đã ém quân ở vị trí quy định. 8 giờ, Đại đội 153 lần lượt lọt vào chợ. Đi cùng mũi này có Tiểu đoàn trưởng. 8 giờ 4 phút, Tiểu đội trưởng Lung hóa trang vào, bất chợt gặp một tên lính người cùng làng, hắn nhận ra và kêu “Việt Minh”. Địch xúm lại, Tiểu đội trưởng Lung chạy xuống gầm cầu để tránh thương vong cho dân, đồng thời báo cho Tiểu đoàn trưởng biết có tình huống bất trắc xảy ra. Hai tên địch chạy theo, ôm choàng Lung, lựu đạn nổ và anh đã anh dũng hy sinh, hai tên địch chết tại chỗ.

        Sau tiếng lựu đạn nổ, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh nổ súng, bộc phá phá sập lô cốt, cả phân đội đột kích xông lên qua cổng đồn. Địch dồn lên, gác hai nhà tầng chống cự quyết liệt. Ta đánh chiếm tầng dưới, địch hốt hoảng chạy lên  tầng 2, tổ đồng chí Lộc yểm trợ, tổ Nuôi xung phong  đánh lên, bắt một số địch.

        9 giờ 5 phút, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh dùng bộc phá đánh sập cửa, bộ đội xung phong vào tiêu diệt những tên sống sót trên tháp canh, địch dùng tiểu liên chống trả, bị ta tiêu diệt. Bên ngoài, một số tên địch vứt súng, trà trộn vào dân chạy trốn.

        Ở hướng đình Ngái, Đại đội 146 phối hợp với Đại đội 153 nhanh chóng chiếm sở chỉ huy.

        Ở Thái Công, Đại đội 125 diệt địch chạy ra, bắt sống một số tên.

        Địch ở bốt Ngái và Đông Quý bị Đại đội 50 và 25 quấy rối nên không chi viện cho Thân Thượng được.  9 giờ 15 phút, trận đánh kết thúc, 50 tên bị diệt, 58 tên bị bắt. Ta thu ba trung liên, hai tiểu liên, 111 súng trường, một súng ngắn, một máy vô tuyến điện, 85 hòm đạn và nhiều quân dụng, giải phóng bốn vạn dân. 

        Hạ đồn Thân Thượng, ta đã phá vỡ ý đồ của địch xây dựng khu tập trung thí điểm để nhân ra toàn tỉnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:15:53 am »


TRẬN PHẠM XÁ CỦA BỘ ĐỘI VÀ DU KÍCH KIM THÀNH (31.1.1954)

        Trận phục kích của bộ đội và du kích huyện Kim Thành tại ga Phạm Xá (cách Hải Phòng 30 kilômét) do Huyện đội phó Nguyễn Văn Thòa chỉ huy, đánh đoàn xe lửa chở quân Pháp từ Hải Phòng đang trên đường tới Hải Dương; nhằm tiêu diệt quân địch, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

        Để bảo vệ ga Phạm Xá, địch đóng hai đồn cách nhau khoảng 600 mét. Phía đông ga là bốt Phạm, do một đại đội ngụy chiếm giữ. Vũ khí có đại liên, tiểu liên và súng trường. Phía tây là đồn Măng, do một trung đội ngụy và một trung đội địa phương quân canh giữ.

        Để tăng cường bảo vệ đường vào ban đêm, địch bố trí hai hệ thống đèn pha chiếu ngược chiều nhau. Phía nam đường sắt có hai hàng rào dây thép gai kiểu mái nhà, có gài các loại mìn chống bộ binh M2A1, MI6A2 và treo các ống bơ gây tiếng động. Ngoài hàng rào có hào rộng 3 mét, sâu 1,5 mét chạy từ xóm Măng tới ga. Ngày đêm địch tuần tra chặt chẽ từ bốt Phạm tới đồn Măng và ngược lại.

        Trung đội đánh mìn thuộc Huyện đội Kim Thành, do Huyện đội phó Nguyễn Văn Thòa trực tiếp chỉ huy, có công binh làm nòng cốt và hướng dẫn kỹ thuật. Lực lượng làm công tác chuẩn bị có 20 người, khi đánh địch có năm người, 15 người còn lại bố trí bên bờ sông Rang (cách trận địa 1.200 mét) sẵn sàng chi viện. Lực lượng tham gia trận đánh được trang bị tiểu liên. Toàn đội có 100 kilôgam thuốc nổ, năm kíp điện, 300 mét dây dẫn và 50 quả pin 1,5 von.

        Sau khi trinh sát, trung đội quyết định chôn mìn giữa hai đường ray ở cột đèn thứ ba tính từ trạm bẻ ghi ga Phạm Xá về hướng Hải Dương. Trạm gây nổ đặt ở khúc ngoặt đường ra chùa Phạm, cách vị trí đặt mìn khoảng 300 mét.

        Đêm 9 tháng 11 năm 1954, trung đội từ căn cứ Thanh Hà vào chuẩn bị đánh mìn.

        4 giờ ngày 15 tháng 1 , mọi công việc chuẩn bị chiến đấu hoàn thành. Trời rét nhưng toàn tổ thay nhau giấu mình dưới hầm đợi đoàn tàu địch.

        Hàng ngày địch vẫn cho quân đi dò, thuốn nền đường, dò xét, cày xới ven đường nhưng không phát hiện được vị trí đặt mìn của ta. Các đoàn tàu chở hàng, chở khách vẫn chạy bình thường.

        10 giờ 2 5 phút ngày 3 1 tháng 1, một đoàn tàu chở đầy quân Pháp tiến vào ga, lướt nhanh trên đường, không dừng lại.

        10 giờ 30 phút, đoàn tàu đến điểm đặt mìn, mạch điện đóng, khối thuốc nổ 100 kilôgam nổ làm rung chuyển cả khu vực, một số toa bị lật, một số toa xô chồng lên nhau. Quân địch một số chết, một số bị thương, số còn lại la hét bắn như đổ đạn ra các phía. Tổ đánh mìn bật nắp hầm, yểm hộ lẫn nhau rút lui. Do ngồi lâu trong hầm chật chội, ngập nước nên đồng chí Thòa một chân tê dại không chạy được, phải bò lên quãng đường cao, ngăn chặn địch, yểm trợ cho tổ rút.

        Phát hiện thấy quân ta, địch tập trung hỏa lực bắn dồn dập và xua quân đuổi theo. Lợi dụng địch đang nhốn nháo, quân ta ở chùa Phạm và bên bờ sông Rang bắn vào đội hình địch, yểm trợ cho lực lượng ta rút về căn cứ an toàn.  Trận đánh mìn đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá bốn toa xe, lật đổ bốn toa và đầu máy, làm gián đoạn vận tải bốn ngày.

        Trận đánh thắng lợi đã phối hợp nhịp nhàng với chiến thắng Tây Bắc, góp phần thúc đẩy phong trào du kích đường 5 phát triển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:17:00 am »


TRẬN NHÂN KIỆT CỦA DU KÍCH ĐỊA PHƯƠNG (6-7.2.1954)

        Trận chống càn của du kích thôn Nhân Kiệt xã Vạn Thắng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Đường chống lại binh đoàn cơ động số 3 (GM3) càn vào thôn, nhằm tiêu diệt địch, bảo vệ xóm làng.

        Ngày 6 tháng 2 năm 1954, địch dùng lực lượng GM3, có tám xe tăng yểm trợ, được phi pháo chi viện tiến công đánh chiếm bắc Bình Giang. Khi đến cánh đồng Nhân Kiệt, địch chiếm khu Mả Giàu, chùa Cả làm bàn đạp tiến công vào thôn Nhân Kiệt hòng triệt phá làng kháng chiến, xua giãn lực lượng ta, bảo vệ cho tuyến hành lang đường 5 của chúng.

        Lực lượng du kích thôn Nhân Kiệt có 46 người (34 nam, 12 nữ), bốn người là cán bộ chỉ huy xã, thôn đội. Trong thôn, mỗi du kích có ba hầm bí mật, ngoài ra còn có sẵn hầm bí mật cho bộ đội đến phối hợp chiến đấu. Lương thực thường xuyên dự trữ trong hầm từ bốn đến sáu ngày. 

        Khi địch tiến công vào Nhân Kiệt, lực lượng du kích có năm tiểu đội và một tiểu đội bộ đội huyện phối hợp chiến đấu Vũ khí có hai trung liên, ba tiểu liên, 40 súng trường, mỗi người hai quả lựu đạn và mỗi tiểu đội có 10 quả mìn muỗi. Tiểu đội bộ đội huyện phân tán vào các tiểu đội du kích cùng tham gia chiến đấu. Mỗi tiểu dội bố trí ở một xóm.  Tiểu đội 1 được tăng cường hai trung liên, bố trí tại xóm 4, có nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt địch tập hậu từ chùa Cả vào.

        Tiểu đội 2 bố trì tại xóm 5, đánh địch tiến công từ quán Năm Gian và Mả Giàu vào.

        Tiểu đội 3 bố trí tại xóm 3, sẵn sàng xuất kích diệt địch khi chúng tập kết ở khu Mả Giàu và đình làng.  Tiểu đội 5 bố trí tại xóm 2, ngăn chặn địch tập hậu từ cống Đường Di vào.

        Tất cả các cổng làng đều đóng chặt, rấp cành tre, gài chông, mìn, cạm bẫy.

        5 giờ ngày 6 tháng 2 năm 1954, pháo địch ở Sặt, Ghẽ bắn mạnh vào Nhân Kiệt. 6 giờ, địch cho tám xe tăng dẫn bộ binh chiếm Mả Giàu, chùa Cả.

        7 giờ, địch tiến công từ chùa Cả vào xóm 4, bị Tiểu đội 1 bất ngờ nổ súng vào đội hình khi đang ở cánh đồng trống, chúng buộc phải chờ xe tăng lên mở đường tiếp tục tiến. Nhưng xe tăng bị hồ ao, hào sâu ngăn chặn không tiến lên được, phải dừng lại dùng hỏa lực chi viện.  Du kích và bộ đội lợi dụng bờ tre, giao thông hào ngăn chặn các đợt xung phong của địch có xe tăng yểm trợ, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

        7 giờ 20 phút, địch tiếp tục mở đợt tiến công tiếp vào Nhân Kiệt, nhưng bị ta đánh bại. Đột phá chính diện không được, địch chuyển sang xóm 1 và xóm 3, nhưng vẫn bị bộ đội và du kích tập trung chặn đánh, chúng không vào được làng. Cứ như vậy, du kích cùng bộ đội lợi dụng địa hình làng mạc quen thuộc luồn qua các nhà, khóm tre, bờ ao, khi ẩn khi hiện, lúc đánh vào bên sườn, khi đánh vào sau lưng, làm cho chúng luôn bị động đối phó.

        Với sức mạnh tiến công của bộ binh và xe tăng, gần trưa địch chiếm được Nhân Kiệt khi du kích và bộ đội rút xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Đêm ngày 6 tháng 2, địch đóng lại Nhân Kiệt, lực lượng ta ở Nhân Kiệt định phối hợp với du kích thôn Tuấn tập kích, nhưng do trời mưa to không tiến hành được.

        7 giờ ngày 7 tháng 2, địch cho một đại đội từ Nhân Kiệt tiến sang thôn Tuấn. Lực lượng ta bố trí sẵn đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của chúng. Tiến công không thành, tìm du kích không thấy, đến 13 giờ, địch bỏ cuộc hành quân rút về căn cứ, mang theo 65 tên lính tử trận và nhiều tên khác bị thương.

        Nét nổi bật của trận chống càn Nhân Kiệt là cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang xây dựng được thế trận làng chiến đấu vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc; là vận dụng cách đánh sáng tạo, dựa vào ,thế trận chuẩn bị từ trước để đánh địch liên tục, chiến tháng vẻ vang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:19:47 am »


TRẬN NGUYÊN XÁ CỦA DU KÍCH ĐỊA PHƯƠNG (20 - 24.2.1954)

        Trận chống càn của du kích xã Nguyên Xá (còn gọi là làng Nguyễn), huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình đánh binh đoàn cơ động số 8 Âu Phi, được máy bay, pháo binh chi viện; nhằm tiêu diệt địch, giữ vững làng kháng chiến.

        Chiều 18 tháng 2 năm 1954, binh đoàn cơ động số 8 được phi pháo chi viện từ thị xã Thái Bình theo đường 10, rải quân chốt từ Đồng Nằm đến cầu Nguyễn, càn quét khai thông quốc lộ 10, giải vây cho các đồn bốt trong vùng đang bị ta vây ép, đồng thời đánh phá làng kháng chiến Nguyên Xá.

        Lực lượng vũ trang Nguyên Xá có 80 du kích tập trung, mỗi thôn có một trung đội dân quân, tổng số khoảng 120 người; trang bị một khẩu trung liên, một tiểu liên, 40 súng trường, còn lại là mã tấu, lựu đạn.

        Khi địch triển khai lực lượng từ Đồng Nằm đến cầu Nguyễn, lực lượng vũ trang địa phương được triển khai theo phương án tác chiến, kết hợp với lực lượng cơ động bỏ trí bên ngoài các xóm lân cận để đánh vào bên sườn, phía sau quân địch và giữ làng.

        Chiều 20 tháng 2 năm 1954, địch dùng một tiểu đội đánh thăm dò vào, xóm Nguyễn Trãi. Bị du kích đánh trả, phải bỏ chạy mang theo ba xác chết.

        4 giờ ngày 21 tháng 2, địch dùng hỏa lực bắn dồn dập vào làng. Sau đó cho một trung đội chia làm hai mũi tiến vào làng. Nhưng vừa bị du kích đánh, chúng bắn trả một hồi rồi bỏ chạy.

        Sáng ngày 22 tháng 2, địch thay đổi hướng tiến công, chúng cho hai đại đội bộ binh, chia làm hai mũi tiến vào Nguyên Xá, bị ta dử vào bãi mìn, chông, sa cạm bẫy, một số chết, một số bị thương, buộc chúng phải tháo chạy.

        1 giờ ngày 23, địch cho một đại đội bộ binh lợi dụng đêm tối bí mật bao vây thôn Đà Giang, một đại đội tiến đánh Đông Khê, còn đại bộ phận bí mật vu hồi hướng Nam Ninh. Nhưng ở tất cả các hướng địch đều bị du kích “xuất quỷ nhập thần” chặn đánh. Dân quân, du kích tích cực bám trận địa, đào hào, đắp lũy chuẩn bị chiến đấu tiêu diệt địch.

        4 giờ ngày 24, địch tập trung hơn 2.000 quân, được phi pháo, xe tăng yểm trợ tiến công theo hai hướng, chia làm nhiều mũi nhỏ, dàn theo đường 10, đường 39, Đông Khê, Bắc Lạng tiến vào xã; bộ phận còn lại vòng phía sau qua thôn Phạm, thôn Cốc thọc sườn vào Nam Ninh. 

        Sau những loạt pháo dừ dội chuẩn bị, địch ồ ạt tiến vào làng. Tổ du kích 12 người bố trí ở lại đợi địch đến gần, bắn tỉa diệt một số tên, sau đó rút xuống hầm bí mật. Thấy im tiếng súng, địch hò nhau đẩy cổng Phan Thanh, cổng đổ, mìn nổ, thêm một số tên bị diệt.

        Tìm mọi biện pháp, cuối cùng địch cũng vào được làng, nhưng đến đâu chúng cũng bị đánh. .

        15 giờ ngày 24, địch phải rút khỏi làng, mang theo 88 tên chết và bị thương.

        Trận chống càn Nguyên Xá thắng lợi đã đánh một đòn đau vào âm mưu của địch định dùng lực lượng chủ lực cơ động càn quét hòng tiêu diệt chủ lực ta, giải vây cho các lực lượng chiếm đóng, tái lập tề, bắt thanh niên đi lính, khai thông huyết mạch số 10.

        Thất bại cuộc càn của địch càng làm cho quân lính giữ các đồn bốt quanh vùng hoảng sợ đẩy địch ngày càng lún sâu vào bị động, lúng túng.


TRẬN GIA LÂM CỦA ĐẠI ĐỘI 26 BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG HÀ NỘI VÀ DU KÍCH HUYỆN GIA LÂM (3.3.1954)

        Trận tập kích của Đại đội 26 bộ đội địa phương Hà Nội và du kích huyện Gia Lâm vào khu vực để máy bay ở sân bay Gia Lâm (huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc thành phố Hà Nội); nhằm phá hủy máy bay và cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, gây khó khăn trong vận chuyển tiếp tế của địch cho Điện Biên Phủ.

        Đêm ngày 2 tháng 3 năm 1954, đơn vị hành quân từ Khoái Châu (Hưng Yên) về tập kết ở Thạch Cầu. 19 giờ ngày 3 tháng 3 năm 1954, các bộ phận bí mật tiếp cạn mục tiêu được phân công. 22 giờ, các tổ đánh phá máy bay tiến vào các mục tiêu. Do bị lộ, ta phải chuyển từ phương án bí mật phá hủy sang đánh địch, phá hủy máy bay, kho xăng rồi rút ra ngoài. Trận đánh diễn ra khoảng 5 phút, quân ta phá hủy 18 máy bay, một kho xăng, diệt 16 tên địch.

        Trận đánh thắng lợi để lại nhiều kinh nghiệm quý về xây dựng cơ sở quần chúng; về tổ chức nắm địch, địa hình, về chuẩn bị bộ đội và cơ sở vật chát cho trận đánh; về xây dựng phương án và thực hành tập kích vào một căn cứ quân sự lớn của địch trong khi chúng canh phòng cẩn mật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:22:15 am »


TRẬN CÁT BI CỦA BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG KIẾN AN (7.3.1954)

        Trận tập kích của bộ đội địa phương tỉnh Kiến An được các cơ sở địa phương Kiến Thụy, Tiên Lãng, Hải An giúp đỡ đánh vào sân bay Cát Bi thuộc huyện An Hải, tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng), nhằm tiêu diệt địch, phối hợp tác chiến cùng chiến trường Điện Biên Phủ.

        Sân bay Cát Bi là một trong những sân bay lớn nhất Đông Dương, được thiết bị hiện đại và bố phòng nghiêm mật.  Lực lượng bảo vệ sân bay gồm 3.000 quân với ba tiểu đoàn Bắc Phi và một tiểu đoàn lê dương, một tiểu đoàn ngụy, một tiểu đoàn công binh và đội tham mưu chỉ huy sân bay. Ngoài ra còn có hàng trăm phi công và nhân viên phục vụ cùng 50 cố vấn Mỹ. Trang bị có 25 trọng liên, 15 cối 81mm. Trong sân bay thường xuyên có khoảng 200 máy bay các loại đỗ thành hàng ngang, hàng dọc trên các đường băng chính, phụ, khu sửa chữa, chiếc nọ cách chiếc kia khoảng 50 mét.  Từng khu có lính bảo vệ suốt ngày đêm.

        Xung quanh sân bay có sáu hàng rào các loại, 77 lô cốt, tháp canh kiên cố, bố trí ở các vị trí quan trọng khắp sân bay; có 22 vị trí chiến đấu bên trong hàng rào thứ nhất từ ngoài vào, 38 vị trí rải ra giữa các hàng rào bên trong và trong sân bay, năm vị trí rải dọc đường 14 từ cầu Rào đến Quý Kim để bảo vệ vị trí xa.

        Ngoài ra còn có 13 khẩu trọng liên bố trí thành một cụm phòng không bảo vệ sân bay.

        Các đội tuần tra bằng xe cơ giới có chó nghiệp vụ lùng sục quanh sân bay, cứ 30 phút một lần. Ở các làng xã vòng ngoài còn có lực lượng tề, dõng địa phương, lực lượng của phòng nhì ở Cây Xanh, Đồng Xá chuyên điều tra phá cơ sở ta. Ngoài ra, địch còn thường xuyên càn quét sâu vào các thôn ở Kiến Thụy để lập tề, tạo vành đai ngăn cách sân bay với vùng tự do Tiên Lãng của ta.

        Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, khu Tả Ngạn chỉ thị cho Tỉnh đội Kiến An tổ chức lực lượng đánh vào sân bay Cát Bi để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ.

        Thực hiện nhiệm vụ của cấp trên giao, Tỉnh đội trưởng sử dụng 32 người, chọn từ Đại đội 295, Đội quân báo 208... tổ chức thành đội chiến đấu do Minh Khánh (Lê Thừa Giao) chỉ huy. Ta tổ chức thành hai mũi: mũi một có 17 người, mũi hai 15 người. Từng mũi tổ chức thành các tổ ba người, trang bị súng, lựu đạn, dao găm, mỗi người ba quả bộc phá. 

        Ngoài ra tỉnh sử dụng Đại đội 198 phá đường 14, Châu Điệp từ Hải Ninh xuống, từ đồn Riềng lên, không cho địch chặn đường vào ra của ta ở Hòa Nghĩa. Đại đội trợ chiến 29 và đội đánh thủy lôi được trang bị hai badôca và thủy lôi tự tạo đánh địch trên sông Văn Úc. 

        18 giờ ngày 5 tháng 3 năm 1954, lực lượng đánh địch từ Chử Khê, Hùng Thắng, Tiên Lãng vượt sông Văn Úc vào đóng quân ở Hợp Lễ, Hòa Nghĩa.

        19 giờ 45 phút ngày 6 tháng 3, đội từ Hòa Nghĩa hành quân tiếp cận mục tiêu.

        0 giờ ngày 7 tháng 3 mũi một đã ém quân cách máy  bay địch khoảng 50 mét, nhưng mũi hai khi vượt hàng rào thứ  năm thì gặp hồ rộng, nước sâu, bèo tốt không qua được, phải quay lại theo đường của mũi một vào trong sân bay. 

        0 giờ 45 phút ngày 7 tháng 3, các mũi đã triển khai xong.

        1 giờ, một tiểu đội Âu Phi đi tuần đến trước mũi một.  Nếu để địch phát hiện ra ta sẽ mất yếu tố bất ngờ, nên chỉ huy trận đánh ra lệnh nổ súng tiêu diệt đội tuần tiễu, đồng thời là hiệu lệnh tiến công. Được lệnh, các chiến sĩ ta xông vào khu để máy bay, dùng bộc phá phá hủy từng chiếc một. Hàng loạt tiếng nổ làm chấn động cả một vùng, lửa cháy sáng rực trời. Chiến sĩ ta thừa thắng đánh hết mục tiêu này đến mục tiêu khác.

        Sau 15 phút chiến đấu, sáu lính âu Phi bị diệt, 59 máy bay bị phá hủy.

        Trận đánh thắng lợi, đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh điện khen và tặng danh hiệu: “Đoàn dũng sĩ Cát Bi”, được Chính phủ tặng nhiều huân chương các loại.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM