Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:32:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến đấu  (Đọc 18238 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:37:25 am »


TRẬN KHAU CHỪN - VÀNG CHỪN CỦA DU KÍCH XÃ CAO HÒA (14.10.1947)

        Trận tập kích tài tình, táo bạo của Tiểu đội du kích xã 1 Cao Hòa do Nguyễn Văn Sù chỉ huy diệt quân Pháp trên đường số 3 ở kilômét 23 (đoạn Bắc Cạn - Chợ Mới), gây nhiều tổn thất cho địch.

        Đoạn kilômét 23 chạy qua xã Cao Hòa (nay là xã Cao Kỳ, huyện Bạch Thông), địa hình khá hiểm trở, hai bên rừng cây rậm rạp, có nhiều “cua” gấp dọc triền núi đá Khau Chừn, các mỏm hơi nghiêng ra mặt đường rất chênh vênh. Trên các vách đá có nhiều hang, hốc nhỏ, giấu quân kín đáo. 

        Ngày 7 tháng 10, quân Pháp bắt đầu cuộc hành binh lớn lên Việt Bắc. 14 giờ cùng ngày, 300 lính dù của binh đoàn đổ bộ đường không Sôvanhắc nhảy dù chiếm Chợ Mới, xây dựng thành cứ điểm lớn khống chế con đường huyết mạch Thái Nguyên - Cao Bằng. Từ đây, hàng ngày địch tỏa ra xung quanh lùng sục đảm bảo an toàn cho vị trí đóng quân.

        Ngày 14 tháng 10, khoảng hai đại đội quân Pháp hành quân từ Chợ Mới lên Bắc Cạn. Chúng chia thành hai tốp, mỗi tốp một đại đội. Do thường xuyên bị phục kích nên địch hành quân thận trọng.

        Đại đội du kích tập trung xã Cao Hòa do Nguyễn Văn Sù làm đại đội trưởng, có một trung đội thường trực chiến đấu, ém quân ở Nguôi Phai (nay thuộc xã Cao Kỳ). Trang bị có bốn súng kíp, ba súng khai hậu, hai súng Dóp 5 thu được của địch mỗi du kích được trang bị năm đến sáu quả lựu đạn do công binh xưởng của ta chế tạo. 

        6 giờ ngày 14 tháng 10, được tin địch từ Chợ Mới lên, Bắc Cạn. Chỉ huy đại đội quyết định phục kích quân địch nhằm cản trở cuộc hành quân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại khu vực núi đá Khau Chừn - Vàng Chừn (đoạn kilômét 23).

        Lực lượng tham gia đánh địch được tổ chức thành ba tổ: Tổ 1 chặn đầu; tổ 2 khóa hậu; tổ 3 đánh giữa đội hình địch.  7 giờ, tiểu đội hành quân chiếm lĩnh trận địa, chờ địch .

        Khoảng 14 giờ, hai đại đội địch từ Chợ Mới đến Bắc Cạn. Đại đội đi đầu đến trận địa của ta, các đội viên trên vách núi nghe tiếng ngựa hý, tiếng ồn ào. Đợi quân địch lọt hẳn vào trận địa, đồng chí Sù đập kíp lựu đạn và thả xuống mặt đường làm lệnh phát hỏa. Trên đoạn đường ngót 100 mét, tiếng lựu đạn rền vang. Sau ít phút bị bất ngờ, địch cố sống chạy vượt ra ngoài trận địa.  Khoảng l giờ, trận đánh kết thúc, 15 tên địch bị diệt và một số bị thương.

        Đây là trận đánh đầu tiên của du kích Cao Hòa thực hiện “Chỉ thị cần kíp” của Trung ương Đảng và chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Cạn về nhiệm vụ tác chiến trong những ngày đầu địch tiến công lên Việt Bắc Thu Đông 1947.


TRẬN VÀNG CHỪN CỦA ĐẠI ĐỘI DU KÍCH CAO HOÀ (19.l0.1947)

        Để góp vào chiến công chung - đánh địch tiến công lên Việt Bắc - Thu Đông 1947, du kích xã Cao Hòa đã tổ chức trận phục kích bằng địa lôi, diệt một tốp xe địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Vàng Chừn là đoạn đường ở kilômét 23 trên đường số 3 (từ Bắc Cạn xuống) chạy qua địa bàn xã Cao Hòa (nay là xã Cao Kỳ, huyện Bạch Thông). Đây là đoạn đường cua theo sườn núi, một bên là vực Vàng Chừn, có nhiều khe đá, dốc đứng, từ dưới đường khó có thể leo lên được núi đá. 

        Sau khi chiếm đóng Bắc Cạn và Chợ Mới. Để kiểm soát giao thông và triệt đường tiếp tế quan trọng của ta, địch thường tổ chức các cuộc hành quân bằng bộ binh từ Chợ Mới lên thị xã Bắc Cạn. Do bị ta phục kích nhiều, nên những cuộc hành quân quan trọng, địch thường bắt đồng bào ta đi cùng để nếu bị phục kích, hạn chế thiệt hại của chúng.

        Đại đội du kích xã Cao Hòa có một trung đội du kích thường trực chiến đấu.

        Tiểu đội trực tiếp đánh địa lôi do Nguyễn Văn Lú làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội được trang bị ba quả địa lôi cải tiến từ đầu đạn pháo, nặng 25kg, 30 quả lựu đạn, một khẩu Dóp  và bốn súng kíp. Được tổ quân giới của công trường 50 đến hướng dẫn cách sử dụng địa lôi ngay tại trận địa phục kích.

        Để thực hiện tốt nhiệm vụ, lực lượng tham gia trận đánh được chia thành bốn tổ chiến đấu và một tổ quan sát: Tổ địa lôi số 1 bố trí ở cuối đoạn “cua” đường có nhiệm vụ đánh chiếc xe thứ tư. Tổ địa lôi số 2 bố trí ở đoạn giữa “cua”, đánh chiếc xe thứ năm. Tổ địa lôi số 3 bố trí ở đầu “cua”, đánh chiếc xe thứ sáu. Tổ lựu đạn bố trí ở giữa tổ 2 và 3, có nhiệm vụ đánh địch bảo vệ cho các tổ đánh địa lôi rút lui, hoặc đánh địch khi có lệnh xung phong.

        Đài quan sát có nhiệm vụ khi địch vào trận địa đúng kế hoạch hiệp đồng, dùng mõ báo cho nổ địa lôi diệt địch.  Trưa 19 tháng 10, nhận được thông báo có sáu xe địch hành quân từ Bắc Cạn xuống Chợ Mới. Từ bản Hùa Phai, tiểu đội lên đường đánh địch.

        15 giờ, địch đến cánh đồng Tổng Sâu dừng lại, dùng cối và súng máy bắn lên núi Khau Chừn. Sau đó, lính dõng lên dọn các cây ngả chắn đường. Dọn xong chúng ngồi đợi ngay ở vị trí quả địa lôi của tổ 1 và cử ba tên quay lại đón đoàn xe tiếp tục hành quân.

        Từ đài quan sát ta phát hiện ba xe đi đầu chở một số lính và một số lớn nhân dân nên cho đi qua. Hai chiếc tiếp theo vừa đến trận địa. Nghe ba tiếng mõ, đồng chí Nguyễn Văn Hổ điểm hỏa, địa lôi nổ; tiếp đó, các quả địa lôi số 2, số 1 tiếp tục nổ phá hủy một số xe và diệt một số lính địch.

        Sau năm phút chiến đấu, khoảng 60 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ta thu tám thùng đựng xăng và một số quân trang, quân dụng khác.

        Chiến thắng Vàng Chừn động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của dân quân du kích và nhân dân xã Cao Hòa, quân và dân Bắc Cạn; củng cố lòng tin của các dân tộc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:39:28 am »


TRẬN LÃO HOÀNG CỦA DU KÍCH XÃ CHÍ ĐÁM (24.10.1947)

        Trận phục kích của du kích xã Chí Đám huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ phối hợp với lực lượng vũ trang Khu 10 đánh địch cơ động trên sông Lô, góp vào chiến công chung cùng các lực lượng tham gia chiến dịch bẻ gãy gọng kìm phía tây của quân Pháp trong chiến dịch Việt B ắc Thu Đông 1947 .

        Thôn Lão Hoàng nằm sát bờ sông Lô, vùng đất trung du có nhiều cây lau sậy, tre mọc trên các đồi, núi có độ cao trung bình 40 đến 50 mét, có núi Đán cao đột xuất 204 mét. Sát bờ sông có các cây si, cây đa, cây gạo rất to, có thể lợi dụng để quan sát địch dưới sông. Phía nam thôn, sông Lô chảy sát và ôm lấy một phần thôn.

        Đội du kích xã Chí Đám có 36 người do Phùng Văn Sửu chỉ huy. Trang bị năm khẩu tiểu liên Ten và 50 quả lựu đạn, còn lại là súng kíp, mã tấu, chông, mìn.  Đội nhận lệnh cùng bộ đội xây dựng trận địa phục kích từ thôn Chí Đám đến thôn Ngọc Chúc, trận địa chính ở thôn Lão Hoàng.

        Đội hình chiến đấu được tổ chức thành ba bộ phận: chủ yếu chặn đầu, khóa đuôi (trận địa do bộ đội xây dựng).  Đội du kích xã được chia thành hai bộ phận: một bộ phận tham gia đánh địch trên hướng chính diện, một bộ phận nghi binh lừa địch.

        Bộ phận chiến đấu được trang bị ba khẩu tiểu liên, một số lựu đạn, chông, mìn, cạm bẫy, có nhiệm vụ phối hợp với hai trung đội bộ đội trên hướng chủ yếu, sẵn sàng hiệp đồng với các bộ phận khác tiêu diệt địch giữ vững trận địa. 

        Bộ phận làm nhiệm vụ nghi binh lừa địch có nhiệm vụ làm thủy lôi giả bằng quả bưởi và nùn rơm, bố trí thành hai khu vực, tại bến Bà Tam kéo ngang qua sông sang bãi Chảy thôn Hữu Đô.

        Du kích dùng rơm cuộn to cùng thủy lôi thật và một số quả bưởi thả nổi giữa sông, buộc tàu địch phải dạt vào bờ thôn Lão Hoàng, tạo điều kiện cho pháo binh bắn thẳng; tổ chức một tiểu đội du kích trang bị hai khẩu tiểu liên làm nhiệm vụ lừa địch ở trên tàu và máy bay trinh sát ở Hữu Đô (đối diện với thôn Lão Hoàng); bố trí năm bãi nghi binh, mỗi bãi cách nhau 50 mét, dùng củi, nứa đốt cho cháy gây nổ để thu hút máy bay địch về những bãi đó và buộc tàu địch phải dạt sang bờ phía thôn Lão Hoàng để pháo binh tiêu diệt. 

        Khoảng 14 đến 1 giờ ngày 24 tháng 10 năm 1947, đoàn tàu địch có năm chiếc được máy bay yểm trợ từ Tuyên Quang về lọt vào trận địa, khẩu pháo cao xạ 37mm bắn ba phát trúng chiếc ca nô đi đầu, làm nó chìm ngay. 

        Tiếp đó, ta chuyển bắn vào chiếc LCT, tàu trúng đạn bốc cháy kèm theo những tiếng nổ lớn, tàu chết máy và dạt vào bờ phía xã Hữu Đô rồi chìm dần cùng với số địch còn lại trong tàu; số địch nhảy xuống sông sống sót vội bơi lên bờ.

        Ngay khi ta nổ súng chiếc ca nô đi sau vội quay mũi chạy trở lại Tuyên Quang. Hai chiếc còn lại cập bờ, đổ quân tiến công vào thôn Lão Hoàng. Quân ta ở trận địa phục kích bẻ gãy nhiều đợt tiến công của chúng, nhiều tên chết ngay tại bờ sông.

        17 giờ 30 phút, địch phải bỏ ý đồ tiến công, thu quân lên tàu chạy xuôi tới thôn Ngọc Chúc bị lực lượng chặn đầu với một khẩu pháo cao xạ 75mm và một khẩu sơn pháo 75mm bắn trọng thương, phải chạy về bên xã Hữu Đô. 

        Sau hơn hai giờ chiến đấu, quân ta bắn chìm hai tàu chiến và làm bị thương nặng hai chiếc khác, gần 250 tên địch bị diệt, phá hủy nhiều vũ khí, đạn dược, bắt một sĩ quan Pháp.

        Chiến thắng địch ở Lão Hoàng đã góp cùng chiến công chung ở sông Lô của các lực lượng vũ trang mặt trận Sông Lô, bẻ gãy gọng kìm phía tây của quân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:41:44 am »


TRẬN BẢN SAO - BÔNG LAU CỦA TIỂU ĐOÀN 249 TRUNG ĐOÀN 28 LẠNG SƠN VÀ ĐẠI ĐỘI BỘ ĐỘI ĐỊA PHƯƠNG THẤT KHÊ (30-10-1947)

        Trận phục kích trên đường số 4 đoạn từ đèo Bông Lau đến cầu Bông Lau (từ điểm cao 459 đến điểm cao 420) của Tiểu đoàn 249 (gồm ba đại đội bộ binh, một đại đội trợ chiến; trang bị một đại liên, bốn trung liên, một cối 60mm, còn lại là súng trường, lựu đạn và Đại đội bộ đội địa phương huyện Thất Khê đánh vào đoàn xe vận tải của địch, tiêu diệt lực lượng, phá hủy phương tiện chiến tranh, góp phần cùng quân và dân Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công mùa đông của quân Pháp vào căn cứ địa cách mạng. 

        Đoạn đường số 4 từ Bản Sao đến Bông Lau nhiều đèo dốc, quanh co, gấp khúc, có chỗ gập lại nhơ chữ U, rất hiểm trở, xe cơ giới qua đây thường phải giảm tốc độ làm đội hình hành quân dễ ùn tắc. Hai bên cây cối rậm rạp, tiện giấu quân. Sườn núi hai bên đường có thể bố trí hỏa lực nhiều tầng, bắn chéo, bắn thẳng xuống đường, bắn lên các mỏm trên điểm cao. . . khống chế toàn bộ khu vực phục kích. 

        19 giờ ngày 29 tháng 10 năm 1947, từ Bản Ca các đơn vị hành quân theo đường mòn, vượt qua các khe suối của dãy Khau Pia vào chiếm lĩnh trận địa. 5 giờ ngày 30 tháng 10, các đơn vị đã sẵn sàng đánh địch.

        17 giờ ngày 30 tháng 10, một đoàn xe 33 chiếc (gồm GMC, Đốt, Háptơrắc) của trung đoàn Ma rốc thứ năm (5è RTM) chở binh lính, vũ khí, trang bị từ Cao Bằng chạy về Lạng Sơn lọt vào trận địa.

        Bộ phận chặn đầu do thiếu kinh nghiệm nên không kịp điểm hỏa để chiếc đi đầu chạy thoát. Khi chiếc thứ hai đến, mìn nổ, bị lật nghiêng sang mép đường, buộc đoàn xe phải dừng lại. Ngay lúc đó, khẩu badôca bắn cháy chiếc thứ ba.

        Bị đánh bất ngờ, quân địch hốt hoảng nhảy xuống đường tìm cách đối phó. Trong lúc chúng đang rối loạn, các loại hỏa lực của ta từ các hướng bắn vào đội.hình địch. ở vào thế bất lợi, lái bi đánh phủ đầu, địch chống cự yếu dần. Chớp thời cơ, tiểu đoàn ra lệnh cho các đơn vị xung phong xuống đường tiêu diệt quân địch. Được hỏa lực chi viện đắc lực, các chiến sĩ ta từ hướng chính và hướng đối diện xông thẳng vào các xe tìm diệt địch. Những tên sống sót lẩn trốn đều bị bắt.

        Phát hiện có tiếng súng 12,7mm và đại liên địch bắn vào trận địa ta, Đại đội phó Đại đội 185 đã chỉ huy một tổ tiếp cận địch, nhưng do vừa tiến vừa bắn nên địch phát hiện và dùng hỏa lực ngăn chặn không tiến lên được. Chủ động hiệp đồng đánh địch, một tổ khác đã nhanh chóng lợi dụng địa hình, bí mật vu hồi theo đường tắt về sau địch, dùng lựu đạn tiêu diệt hỏa điểm.

        Sau hơn một giờ chiến đấu, ta diệt 94 lính âu Phi,  lính ngụy bắt 101 tên, thu 600 chiếc dù và toàn bộ vũ khí, phá 27 xe.

        Trận phục kích lớn đầu tiên trên đường số 4 thắng lợi . .  đã góp phần vào chiến công chung đánh bại cuộc tiến công mùa đông của quân Pháp vào căn cứ địa Việt Bắc; mở ra nhột giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng các đơn vị đánh tập trung, đánh tiêu diệt. Sau trận đánh, lòng tin vào cách mạng của nhân dân được củng cố, tạo đà cho hoạt động du kích chiến tranh trên đường số 4 phát triển.


TRẬN HÙNG TIẾN CỦA DU KÍCH ĐỊA PHƯƠNG (9-11-1947)

        Trận chống càn của du kích xã Hùng Tiến (nay là xã Vĩnh Lại), huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chống lại một tiểu đoàn quân Pháp, được pháo binh yểm hộ càn quét vào xã nhằm ngăn chặn, tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ nhân dân và cơ sở cách mạng.

        Hùng Tiến là một xã đồng bằng của huyện Lâm Thao có các thôn Văn Điển, Trịnh Xá, Vĩnh Lại.(Sau năm 1947 đổi thành xã Lê Tính, đến năm 1964 đổi thành xã Vĩnh Lại). Xã có một trung đội du kích (95 người), do Lê Tính là Trung đội trưởng. Trang bị ba khẩu súng trường, 65 quả lựu đạn, còn lại là giáo mác, mã tấu và một ít vũ khí tự tạo.

        Thực hiện chủ trương của Huyện ủy và Ban chỉ huy quân sự huyện, du kích và nhân dân xã khẩn trương tổ chức xây dựng trận địa, bố trí vật cản, rào làng chiến đấu, bám đất, bám dân đánh giặc giữ làng.  Để chống lại cuộc càn, trung đội tổ chức đội hình đánh địch trên ba hướng:

        - Hướng nam của xã bố trí Tiểu đội du kích (13 người),  do Trung đội trưởng Lê Tính trực tiếp chỉ huy, chuẩn bị trận địa phía nam thôn đánh địch tiến công trên hướng chủ yếu, đồng thời sẵn sàng chi viện cho Tiểu đội 2 đánh địch ngược sông Hồng lên.

        - Hướng đông nam xã bố trí Tiểu đội 2 (11 người), chuẩn bị trận địa phía đông nam xã, sẵn sàng đánh địch vượt ngã ba sông và từ Việt Trì lên, sẵn sàng chi viện cho Tiểu đội 1 đánh địch từ phía nam vào thôn.

        - Hướng tây nam bố trí Tiểu đội 3 (11 người), chuẩn bị trận địa phía tây nam, phối hợp với các tiểu đội 1 và 2 đánh địch khi chúng tiến công vào thôn, sẵn sàng cơ động - lực lượng chi viện cho các tiểu đội bạn chiến đấu. 

        5 giờ 30 phút ngày 9 tháng 11, quán Pháp dùng một đại đội cối và đại liên vượt sông Đà chiếm bãi Gót Nung triển khai trận địa hỏa lực chuẩn bị tiến công. 7 giờ, chúng dùng cối bắn mạnh vào Hùng Tiến. Cùng thời gian này, một tiểu đoàn bộ binh địch vượt sông, triển khai đội hình tiến công ở bãi Gót Nung.

        7 giờ 30 phút, được hỏa lực chi viện, địch chia làm hai mũi đánh vào Hùng Tiến. Mũi một do hai đại đội bộ binh vượt sông Thao đánh vào hướng Tiểu đội du kích 1 . Mũi hai do một đại đội bộ binh vượt sông Thao đánh vào trận địa của Tiểu đội du kích 2.  Ngay khi quân địch vào gần bờ, các tiểu đội đã nổ súng làm 3 thuyền của địch bị chìm.

        Bị đánh bất ngờ và thiệt hại, địch dùng hỏa lực bắn mạnh vào thôn đồng thời cho bộ binh ồ ạt tràn lên bờ, tiến công vào các trận địa của Tiểu đội 1 và 2. Dựa vào công sự, các tiểu đội 1 và 2 kiên quyết chặn địch.  Tiểu đội 3 nhanh chóng cơ động chi viện cho Tiểu đội 1 chiến đấu .

        Nhờ lực lượng đông và hỏa lực mạnh, địch nhanh chóng vượt qua trận địa của du kích và chiếm được làng. Mặc dù mất trận địa chính, nhưng du kích vẫn len lỏi trong làng quần nhau với địch, làm chậm bước tiến của chúng. Quá trình chiến đấu, địch bắt được Trung đội trưởng Lê Tính, chúng dụ dỗ, tra tấn nhưng không khuất phục được, sáng ngày 10 tháng 11 năm 1947, quân địch giết hại người trung đội trưởng du kích dũng cảm.

        Trận đánh kết thúc, ta bắn chìm ba thuyền; loại khỏi vòng chiến đấu tám tên địch.

        Trận đánh đã kìm chân, làm chậm bước tiến của địch về hướng Hạc Trì, tạo điều kiện cho cấp trên chuẩn bị lực lượng tiến công chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:44:03 am »


TRẬN PHỦ THÔNG CỦA ĐẠI ĐỘI 395 VÀ TRUNG ĐỘI DU KÍCH THỊ XÃ BẮC CẠN (30.11.1947)

        Trận tập kích của Đại đội 39 Trung đoàn 72 và Trung 1 đội du kích thị xã Bắc Cạn tiêu diệt quân địch ở đồn Phủ Thông đã góp phần phá cuộc tiến công mùa đông của quân Pháp lên Việt Bắc.

        Giữ đồn Phủ Thông có một đại đội lính Pháp và lê dương thuộc trung đoàn lê dương số 3 (3è REI), quân số khoảng 100 đến 120 tên. Trang bị sáu khẩu súng máy, hai khẩu súng cối, còn lại là tiểu liên và súng trường. Xung quanh đồn có tường dày 80 xăngtimét, cao 1,5 mét, hai bên tường được ghép bằng các thân cây gỗ, tre. Trong tường có các lỗ châu mai. Đồn có một cổng đi thẳng ra chợ Phủ Thông. Trong đồn có một nhà gạch, còn lại là các lều bạt bố trí rải rác. 

        Đại đội 395 có hai trung đội tham gia trận đánh, vũ khí có một súng máy, còn lại là súng trường, dao, kiếm, mỗi người có hai quả lựu đạn. Trung đội du kích thị xã có ba tiểu đội quân số 30 người, trang bị một khẩu trung liên, năm khẩu súng trường, còn lại là lựu đạn và gậy tre vót nhọn.  Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch - ta, địa hình, đại đội hạ quyết tâm tổ chức tiến công địch từ hai hướng. 

        Hướng chủ yếu gồm một trung đội của Đại đội 395, được tăng cường hai tiểu đội du kích thị xã Bắc Cạn và một khẩu súng máy; đột kích từ phía sau vào đồn Phủ Thông. 

        Hướng thứ yếu gồm một trung đội bộ đội chủ lực, được tăng cường một tiểu đội du kích và một khẩu súng máy; đột kích chính diện vào cổng đồn và sườn tây nam đồn. 

        21 giờ ngày 30 tháng 1 1 năm 1947, từ rừng Địa Cắt (xã Vi Hương), các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị tiến công.

        23 giờ 30 phút, sau tín hiệu nổ súng, bộ đội xung phong diệt địch. Trên hướng chủ yếu, quân ta đồng loạt ném lựu đạn vào đồn. Tiếp đó, nhanh chóng vượt qua tường, đoạt vũ khí địch đánh địch. Sau ít phút chiến đấu, ta chiếm được hai phần ba đồn, tiếp tục lùng sục diệt địch và thu thêm súng đưa ra ngoài cho đồng đội.

        Ở hướng thứ yếu, tiểu đội đột kích đã đồng loạt ném lựu đạn vào đồn rồi vượt tường, vượt cổng xung phong vào đồn. Địch bắn trả ác liệt, bộ đội ta không vào được đồn.

        Sau một giờ chiến đấu, chỉ huy cho lui quân nhưng chỉ những người ở ngoài đồn nhận được lệnh, người đang đánh địch trong đồn không nhận được nên tiếp tục chiến đấu.  Khi đạn và lựu đạn hết, bộ đội lui quân về vị trí hiệp đồng.  Ta diệt được 15 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, thu hai súng máy, một súng trường.

        Đánh giá thắng lợi của trận Phủ Thông, báo Vệ quốc quân số ra ngày 15 tháng 2 năm 1948 viết: “Trận Phủ Thông là trận xung phong sát địch gương mẫu. Trong đó, các chiến sĩ đã anh dũng thực hiện cướp súng giặc giết giặc. Gan dạ của họ đã làm cho địch bạt vía, kinh hồn và thấy ràng: Trên núi rừng Việt Bắc chỗ nào cũng có thể là mồ chôn của chúng”.


TRẬN SĂNG KHEO - NÀ KENG CỦA ĐẠI ĐỘI 670 (3.12.1947)

        Thực hiện quyết tâm: “Tích cực đánh địch bằng mọi hình thức, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, đập tan âm mưu xảo quyệt và cuộc hành quân Lêa của Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc” của cấp trên, Đại đội 670 Trung đoàn 74 Cao Bằng được dân quân, du kích phối hợp đã phục kích địch ở Sằng Kheo - Nà Keng thắng lợi.

        Đoạn quốc lộ 4A nối hai bản Sằng Kheo và Nà Keng cách Đông Khê 5 kilômét về phía bắc, tương đối hiểm trở, có chỗ vách đứng cao 2 đến 3 mét. Xen kẽ giữa các mỏm đồi nhô ra sát đường có những bãi rộng hàng trăm mét vuông, nhiều gò đống mấp mô.

        Do phải thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm và phương tiện chiến tranh cho Cao Bằng, nên việc bảo vệ các đoàn vận chuyển trên đường 4A đề phòng ta phục kích được địch đặc biệt chú ý.

        Đại đội 670 có ba trung đội bộ binh, được trang bị hai trung liên, hai tiểu liên, còn lại là súng trường, súng khai hậu và một số lựu đạn. Vào chiến đấu, đơn vị được một trung đội dân quân tập trung của huyện Thạch An phối thuộc, vũ khí của trung đội chủ yếu là súng khai hậu và một số ít súng kíp.

        Nắm được quy luật hoạt động của địch, đại đội tổ chức lực lượng thành ba bộ phận: Bộ phận chủ yếu gồm Trung đội 3, trung đội dân quân và hai tiểu đội của Trung đội 2, bố trí diệt địch ở khu vực chủ yếu. Bộ phận chặn đầu và khóa đuôi gồm Trung đội 1 và một bộ phận của trung đội dân quân. Bộ phận hỏa lực gồm hai khẩu trung liên và khẩu thần công.

        Trưa ngày 2 tháng 12 năm 1947, được trinh sát báo khoảng 9 giờ có một đoàn xe địch từ Đông Khê lên Cao Bằng. Buổi chiều đơn vị từ bản Căm xã Thị Ngân đến bản Lũng Lăng tiếp tục nắm địch.

        6 giờ ngày 3 tháng 12, đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa và sẵn sàng đánh địch.

        Khoảng 8 giờ ngày 3 tháng 12, một trung đội địch hành quân từ Đông Khê lên, chúng thận trọng dò xét từng dấu hiệu khả nghi có ta phục kích. Khi tên lính đi sau cùng vào trận địa, Đại đội phó Nông Trung Ngọc lệnh nổ súng. Từ các hướng, quân ta bắn dồn dập vào đội hình địch.

        Địch dùng hỏa lực bắn trả ác liệt. nhưng không phát hiện chính xác được ta nên hiệu quả bắn thấp. Trong khi đó ta bắn tiết kiệm đạn, bắn phát nào chắc phát ấy. Trận đánh kéo dài khoảng 20 phút, ta loại khỏi vòng chiến đấu 11 tên địch. Trận đánh thắng lợi, góp phần cổ vũ phong trào chiến tranh du kích ở địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:46:24 am »


TRẬN THÔN MỸ CỦA ĐẠI ĐỘI 524 (31.12.1947)

        Trận phục kích của Đại đội 524 Tiểu đoàn bộ binh 111 tỉnh Yên Bái đánh quân địch hành quân từ Trấn Yên vào Nghĩa Lộ nhằm tiêu diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí. 

        Thôn Mỹ thuộc xã Chấn Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nằm trên trục đường 13A từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ. Đây là một thung lũng hẹp, tương đối bằng, phía đông có một số mỏm đồi thấp ôm sát mặt đường. 

        Đại đội 524 Tiểu đoàn 115 do Nguyễn Tiến Vinh làm Đại đội trưởng, quân số 65 người, biên chế thành ba trung đội vào chiến đấu được tăng cường 10 du kích của xã.  Trang bị gồm một khẩu sơn pháo, hai khẩu trung liên, 35 súng trường, ba súng khai hậu, hai súng kíp và 1 mã tấu. 

        Thực hiện trận phục kích, đại đội tổ chức thành ba bộ phận: Bộ phận chặn đầu do một trung đội bộ binh và một tổ du kích đảm nhiệm. Bộ phận chủ yếu do một trung đội bộ binh tăng cường một tiểu đội bộ binh đảm nhiệm. Bộ phận khóa đuôi do một trung đội bộ binh (thiếu một tiểu đội) và một tổ du kích đảm nhiệm.

        22 giờ ngày 30 tháng 12, đại đội vào chiếm lĩnh trận địa; chuẩn bị công sự chiến đấu.

        13 giờ ngày 31 tháng 12, Đại đội trưởng biết có 75 tên địch từ Trấn Yên vào Nghĩa Lộ đang tiến vào trận địa.  Khoảng 20 phút sau, chúng đến giữa thôn Mỹ và dừng lại nghỉ. Giữa lúc địch đang đứng ngồi lộn xộn, quân ta từ các hướng nổ súng tiến công. Bị đánh bất ngờ, một số tên chết, số còn lại hô nhau chạy. Thấy địch bỏ chạy không kịp nổ súng, Đại đội trưởng lệnh tạm ngừng bắn và kêu gọi địch đầu hàng trở về với gia đình, với kháng chiến. Một số tên giơ tay hàng, những tên ngoan cố chống cự bị ta tiêu diệt.

        Sau 15 phút chiến đấu, 20 tên địch bị diệt, 20 tên bị bắt. Ta thu hai trung liên, một tiểu liên, một khẩu phóng lựu, 33 khẩu súng trường và một số đồ dùng quân sự.  Trận phục kích thắng lợi đã động viên nhân dân và du kích các xã xung quanh tạo cơ sở cho việc tăng cường bám trụ, xây dựng làng xã chiến đấu và tiêu diệt sinh lực địch.


TRẬN BÓ CỦNG - LŨNG VÀI CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 223 (08-01-1948)

        Trận phục kích của Tiểu đoàn 223, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương, đánh vào đoàn xe của địch trên đường 4 nhằm tiêu diệt địch, phá hành lang vận chuyển tiếp tế của chúng trên tuyến biên giới. 

        Đoạn đường từ Bó Củng đến Lũng Vài thuộc huyện Thoát Lãng, tỉnh Lạng Sơn dài khoảng 6 kilômét; đường hẹp, nhiều đoạn gấp khúc theo sườn núi; một bên đường vách đứng. một phía là khe sâu. Cơ giới khó vượt qua các “cua tay áo” thường phải đi chậm, nếu bị đánh dễ ùn tắc. 

        Nhìn chung địa hình trên đoạn Bó Củng - Lũng Vài tiện cho ta triển khai lực lượng bí mật, dễ bố trí hỏa lực, giữ bí mật, tạo bất ngờ; nhưng đội hình chiến đấu phải bố trí dài, thông tin liên lạc khó khăn.

        Tiểu đoàn 223 gồm các đại đội 140, 141, 143; vũ khí có một khẩu badôca, hai khẩu đại liên, còn lại là súng trường và lựu đạn.

        Đêm 6 tháng 1 năm 1948, đơn vị từ xã Văn Mịch hành quân vào chiếm lĩnh trận địa, mai phục sẵn sàng đánh địch.

        14 giờ ngày 8 tháng 1, bốn xe vận tải của địch đi qua trận địa Đại đội 143, tới Bó Củng, chúng dừng lại kiểm tra cầu không phát hiện được ta tiếp tục hành quân. 

        14 giờ 10 phút, chúng đến Lũng Vài, khoảng 60 tên địch xuống lùng sục sau đó dỡ nhà dân lấy làm củi. Đang dỡ nhà, một tên trông thấy dây giật địa lôi của ta. Địch nhanh chóng triển khai chiến đấu, sau đó ba tên xông lên núi. Một chiến sĩ của ta bắn chết một tên địch, số còn lại chạy xuống đường.

        Địch dùng hỏa lực bắn mạnh và cho bộ binh xung phong vào trận địa ta. Đại đội 141 chặn đánh địch, nhưng do hỏa lực của ta hạn chế nên chúng chiếm được một phần trận địa của Trung đội 5 và phát triển lên. Bị Trung đội 6 chặn đánh, buộc chúng phải lui xuống. Ta thu một khẩu các bin. Tiếp đó, địch ba lần xung phong vào trận địa, nhưng đều bị đánh bật ra, 10 tên bị chết.

        14 giờ 50 phút, địch thu quân và tiến về Thất Khê.  Đoàn xe đi chậm và lọt vào trận địa của Đại đội 141. Khi ta nổ súng, trinh sát địch hốt hoảng bỏ chạy, xe địch vừa lùi lại vừa bắn. Khi đến trận địa của Trung đội 5, bộ đội ta xung phong, ném lựu đạn lên xe, nhưng không diệt được xe địch.

        15 giờ 5 phút, bốn xe địch chạy gần đến Lũng Vài, Đại đội 140 giật địa lôi nhưng không diệt được xe địch. Địch vừa chống trả, vừa cố lùi về Na Sầm, tới lô cốt Lũng Vài bị Trung đội 1 Đại đội 140 giật địa lôi diệt một xe. Bộ đội xung phong xuống đường đuổi theo xe địch, ném lựu đạn vào xe.

        Bị đánh liên tiếp, địch vừa chống trả vừa chạy về Bó Củng.  Khi chiếc đi đầu đến vị trí chôn địa lôi của Đại đội 143, chiến sĩ ta giật nhưng địa lôi không nổ. Đại đội trưởng ra lệnh tập trung hỏa lực bắn vào đội hình địch. Xe địch qua cầu nhưng không vượt được dốc.

        Đến đoạn đường ngoặt, một xe trúng đạn phải dừng lại. Địch dùng 12,7mm, đại liên bắn vào trận địa hỏa lực của Đại đội 143.  Đại đội 143 được lệnh xung phong, Trung đội phó Phạm Vân Quyển chỉ huy hai tiểu đội lợi dụng địa hình vượt qua làn đạn địch, chiếm vị trí có lợi đánh vào địch đang bắn 12,7mm; chiếm được xe, thu vũ khí và bắt được một tên Pháp. Cùng lúc đó, hai xe địch từ Thất Khê xuống, đến trận địa của Trung đội 7, bị trúng địa lôi của ta hỏng phải nằm lại. Tiếp đó, địch đưa bảy xe từ Na Sầm lên ứng cứu cho quân đang bị đánh.

        20 giờ 30 phút, tiểu đoàn được lệnh thu dọn chiến trường và lui quân.

        Sau 6 giờ chiến đấu liên tục, ta diệt gần hai trung đội địch (có hai sĩ quan Pháp); phá hỏng bốn xe, thu một khẩu 12,7mm, một khẩu trung liên, hai khẩu súng cồl, ba khẩu các bin và nhiều đạn dược.

        Trận đánh thắng lợi, đẩy địch vào thế bế tắc trong bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược trên tuyến biên giới. Sau trận đánh, tiểu đoàn được Bác Hồ gửi thơ khen và được Bộ Tổng chỉ huy tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Lũng Vài”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:47:33 am »

       
TRẬN HÙNG THẮNG CỦA DU KÍCH ĐỊA PHƯƠNG (25.2.1948)

        Trận chống càn của du kích xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng), do Phạm Văn Tiệp chỉ huy đánh vào hai tiểu đoàn Âu Phi thiện chiến, nhằm tiêu diệt địch, bảo vệ làng xã. 

        Ngay khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, xã Hùng Thắng đã tích cực xây dựng lực lượng, đến cuối năm 1947, xã có 64 du kích và sáu trung đội dân quân; tổng số trên 300 người. Lực lượng vũ trang của xã đã nhiều lần đánh bại các cuộc hành quân càn quét quy mô trung đội, đại đội của địch, đã tích lũy được một số kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ quê hương. 

        Tối 23 tháng 2, được tin địch tập trung quân ở núi Đối, Kim Sơn, bến Đáy, chuẩn bị càn vào Hùng Thắng mà mục đích chủ yếu là xóa làng chiến đấu Chử Khê, cấp ủy và ủy ban, xã đội đã họp bàn kế hoạch chiến đấu, tổ chức sơ tán cho dân.

        Quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và xã đội là dựa vào công sự, làng chiến đấu Chử Khê, kiên quyết bám trụ đánh địch, ngăn chặn chúng. Nếu địch vào được làng thì du kích lùi về giữa thôn, đánh địch đến cùng.

        Để thực hiện quyết tâm trên, chỉ huy trận đánh bố trì Tiểu đội du kích 2, trang bị bốn khẩu súng trường và hai quả mìn bố trí ở đầu thôn, tây nam Chử Khê. Tiểu đội trang bị hai khẩu súng trường, còn lại là mìn và lựu đạn bố trí hướng đông bắc.

        8 giờ ngày 25 tháng 2, địch từ Thái Hòa sang lọt vào cổng, du kích giật mìn và nổ súng diệt một số tên. Bị đánh bất ngờ địch lùi ra, dùng cối bắn vào thôn. 

        9 giờ địch tiến công lần thứ hai, du kích giật mìn và ném lựu đạn, một số tên chết, số còn lại xông tới. Các chiến sĩ du kích vừa đánh địch vừa rút về tuyến 2, dựa vào từng căn nhà, bờ tường dùng lựu đạn, mã tấu diệt địch; cướp súng địch tiếp tục đánh trả chúng. Bị thiệt hại, địch điên cuồng dùng hỏa lực, binh lực tiếp tục tiến công. Du kích lui về tuyến 3. Địch tiếp tục dùng cối bắn mạnh vào khu vực du kích vừa lui về.

        Riêng tiểu đội vũ trang tuyên truyền khi địch đánh vào làng không kịp tổ chức chiến đấu, rút xuống hầm bí mật, bị địch phát hiện, chúng phá hầm, bắn chết bốn người, lấy sáu khẩu súng trường. Trong khi địch gọi hàng, đồng chí Gõ bình tĩnh tiến lên khỏi hầm, bất ngờ dùng lựu đạn đập vào mặt một tên địch và chạy. Không kịp đối phó, địch nằm rạp tránh lựu đạn, sau đó đuổi theo, nhưng không kịp vì Gõ đã len lỏi sang các nhà khác. Ba cán bộ tuyên truyền nhân lúc địch đuổi theo đồng chí Gõ đã lên khỏi hầm rút lui an toàn.

        Ở hướng bắc, du kích chặn đánh, nhưng do lực lượng địch đông, du kích vừa chiến đấu, vừa lui dần về tuyến 2 và 3. Địch ào ạt đánh tới. Du kích nhất loạt dùng những quả lựu đạn cuối cùng, chớp thời cơ chúng đang hốt hoảng, vượt ra ngoài vòng vây về vị trí an toàn. 

        17 giờ, địch rút khỏi thôn Chử Khê và xã Hùng Thắng, mang theo 42 tên chết và 45 tên bị thương.  Để giữ làng thắng lợi, tiêu diệt được địch, lãnh đạo và nhân dân Hùng Thắng đã hết sức tận dụng và cải tạo địa hình, địa vật sẵn có; bố trí hệ thống vật cản, chông mìn, cạm bẫy dày đặc và có trọng điểm; chú trọng ngụy trang, nghi binh, bảo đảm bí mật, tạo bất ngờ; chủ động bố trí lực lượng đánh địch từ ngoài làng để vừa tiêu hao địch, vừa dụ địch vào thế trận của ta.

        Trong chỉ huy chiến đấu, ta vừa chủ động linh hoạt tiến công địch, vừa tích cực chặn địch từ xa kết hợp với vu hồi tập kích vào đội hình địch khi có thời cơ. Những kinh nghiệm xây dựng làng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:48:27 am »


TRẬN BẢN NẰM CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 48 (16.3.1948)

        Trận phục kích của Tiểu đoàn 48 được tăng cường một 1 đại đội độc lập Bắc Sơn và du kích địa phương đánh vào một đoàn xe của quân Pháp ở dốc Bản Nằm trên đường 4A, nhằm tiêu diệt địch, triệt phá vận chuyển tiếp tế trên tuyến hành lang biên giới của chúng. 

        Bản Nằm thuộc xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Đoạn đường qua Bản Nằm rộng ba đến bốn mét, hai bên có ruộng bậc thang, dốc từ tây sang đông và trống trải. Đông và đông bắc, cách khoảng 200 mét có điểm cao 262. Từ điểm cao quan sát được toàn bộ khu vực Bản Nằm, tổ chức hỏa lực khống chế được mặt đường.  Phía tây là bình độ 200 của điểm cao 304 chạy sát đường, rừng cây kín đáo, tiện triển khai lực lượng, giấu quân được bí mật .

        Tiểu đoàn bộ binh độc lập 48 có ba đại đội bộ binh và một đại đội trợ chiến. Vũ khí trang bị rất thiếu, toàn tiểu đoàn có một khẩu badôca, một khẩu súng cối 60mm và hai khẩu đại liên, còn lại chủ yếu là súng khai hậu và mã tấu. 

        Đại đội độc lập Bắc Sơn và du kích địa phương là cón em các dân tộc ít người, tinh thần diệt giặc cao, nhưng mới chỉ đánh du kích phân tán, chưa quen đánh phối hợp với bộ đội hủ l trang bị chủ yếu là súng trường, lựu đạn, mã tấu.

        5 giờ 30 phút ngày 16 tháng 3 năm 1948, một đoàn xe địch gồm bảy chiếc chở khoảng 180 quân (có 80 lính Pháp, còn lại là lính khố đỏ, lính dõng), vũ khí có hai khẩu 12,7mm, hai đại liên, hai súng cối, còn lại là tiểu liên, hành quân từ Thất Khê xuống lọt vào trận địa của tiểu đoàn. 

        Do một chiến sĩ ta sơ suất làm cướp cò, súng nổ. Địch dừng xe, dùng 12,7mm bắn sang hai bên đường. Tiểu đoàn ra lệnh nổ súng, badôca, đại liên, súng trường đồng loạt bắn vào đội hình địch.

        Ngay viên đạn đầu, badôca đã bắn trúng xe chỉ huy, diệt toàn bộ quân địch trên xe, trong đó có hai sĩ quan Pháp. Xe đi đầu của địch dùng súng máy 12,7mm, đại liên, súng cối bắn mạnh vào trận địa ta. Bộ binh địch xuống đường, triển khai chiến đấu chống trả quyết liệt ở hướng đông bắc, ta giật nổ ba quả địa lôi, diệt một số địch.

        7 giờ 30 phút, đại liên của ta hết đạn. Tiểu đoàn ra lệnh lui quân. Nhưng do đang hăng hái đánh địch và hỏa lực bắn mạnh nên các đơn vị không nhận được lệnh lui quân.  8 giờ 50 phút, địch cho máy bay từ Lạng Sơn đến bắn phá vào trận địa của ta. Do chuẩn bị công sự tốt nên lực lượng ta giữ vững được trận địa.

        9 giờ, năm xe địch từ Thất Khê xuống tiếp viện. Tới Bản Trại, một xe trúng địa lôi của ta bị đổ, bốn xe còn lại tiếp tục chạy về phía trận địa ta. Vừa đến bộ phận khóa đuối, địch dùng pháo 37mm và súng cối bắn chi viện cho bộ binh thành hai mũi xông vào trận địa của ta. 

        Mũi thứ nhất vu hồi đánh vào trận địa hỏa lực để bảo vệ đội hình, không cho ta dùng hỏa lực diệt chúng. Mũi thứ hai tiến theo tây nam đường, định bao vây và đánh vào sau lưng bộ phận chủ yếu của ta. Ta đánh trả quyết liệt, buộc địch phải lui.

        9 giờ 50 phút, bốn xe địch từ Na Sầm lên tiếp viện.  Địch chia thành ba mũi tiến công vào trận địa ta, nhưng bị ta đánh mạnh nên không tiến lên được; sau khi chiếm được vị trí của tiểu đoàn, địch dùng pháo binh, súng cối bắn mạnh vào khu vực giấu quân của bộ phận chủ yếu.  Lợi dụng thời cơ không có máy bay địch hoạt động, ta tổ chức lui quân.

        Sau nhiều giờ chiến đấu, ta diệt 88 tên địch (có sáu sĩ quan), làm bị thương 54 tên; phá hủy bảy xe, một khẩu pháo 20mm, một khẩu 12,7mm, bốn đại liên và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

        Trận Bản Nằm đã góp phần cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế cô lập các cứ điểm của địch trên tuyến phòng thủ biên giới Việt Bắc của chúng, củng cố lòng tin của nhân dân địa phương vào thắng lợi của cách mạng, của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:49:15 am »


TRẬN CẠM NGẦN - NÀ KENG CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 73 (4-7.4.1948)

        Trận phục kích của Tiểu đoàn 73 Trung đoàn 74 Liên 1 khu 1 từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 4 năm 1948 là trận mở màn đợt hoạt động hè năm 1948 của liên khu. Nhờ tận dụng được lợi thế của địa hình, vận dụng cách đánh linh hoạt, khoét sâu được chỗ yếu của địch, tiểu đoàn đã đánh thiệt hại nặng hai đoàn xe của địch vận chuyển trên đường 4A.

        Đoạn đường từ Cạm Ngần đến Nà Keng (thuộc huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng) nhiều đèo dốc quanh co, góc cua hẹp; hai bên đường chủ yếu là núi đá, nhiều hang hốc, cây cối rậm rạp. Trên đường có nhiều cầu và ngầm; các suối đều nhỏ và nông, khi cầu hỏng có thể làm ngầm để xe qua lại.

        Nhìn chung, địa hình thuận lợi cho việc chọn trận địa phục kích, giấu quân được bí mật, bố trí binh hỏa lực thuận lợi, dễ cải tạo địa hình làm công sự trận địa. Tuy vậy do vách núi đứng và cao, cây cối rậm rạp nên hạn chế quan sát và phạm vi bắn, thông tin liên lạc khó khăn. 

        Nhận nhiệm vụ, Tiểu đoàn 73 sử dụng hai đại đội (671 và 674), một trung đội trợ chiến, một trung đội chống chiến xa. Vũ khí có 10 súng máy, bốn tiểu liên và 11 súng trường, 24 quả địa lôi và 14 quả lựu đạn; phục kích quân địch vận chuyển tiếp tế trên đoạn đường 4. 

        16 giờ ngày 3 tháng 4, Đại đội 674 và trung đội chống chiến xa hành quân bí mật, chiếm lĩnh trận địa an toàn.  Đại đội 61, sau khi tập đồn Kích Nậm, quay về vào vị trí mai phục quân địch. Riêng trung đội trợ chiến do cự ly cơ động gần, trận địa bố trí sát đường, nên khi địch sắp đi qua mới chiếm lĩnh để bảo đảm bí mật.

        Sáng 4 tháng 4, một đoàn xe vận tải của địch từ Thất Khê đi Cao Bằng. Đi đầu là xe bọc thép và một xe chở quân hộ tống đoàn xe, chạy cách đoàn xe chính 400 mét.  Đoàn xe chính gồm 60 chiếc, các xe cách nhau từ 40 đến 50 mét. Cứ 5 đến 6 xe chở hàng lại có một xe chở quân hộ tống. Trên xe có cối 81mm, trọng liên 12,7mm, đại liên . . .

        10 giờ, đoàn xe lọt vào trận địa của trung đội trợ chiến.  Được lệnh nổ súng, một loạt đạn 12,7mm dài trúng xe làm một số tên chết và bị thương. Xe dừng lại, địch từ trên xe nhảy xuống hai bên đường triển khai đội hình chiến đấu, dùng 12,7mm, súng cối 81mm và các loại súng bộ binh bắn xối xả vào trận địa ta khoảng 15 phút. Thấy ta không bắn lại tưởng ta rút, địch lên băng bó cho những tên bị thương và thu tử sĩ. Chờ cho địch lên đông, ta lại bắn mấy loạt diệt thêm một số tên.

        Khoảng 20 phút, địch cho từng tốp khoảng 3 đến 4 tên lên khiêng cáng những tên bị thương và chết. Khi xe tập trung lên để đi tiếp, ta bắn mạnh vào các xe chở lính, địch phải dừng lại, tổ chức đánh trả.

        Khoảng 11 giờ 30 phút, địch cho hai máy bay từ hướng Thất Khê tới dùng hỏa lực đánh vào trận địa ta. Pháo địch tử Đông Khê và cối bắn xối xả vào trận địa. Tiếp đó, chúng cho bộ binh chia làm hai mũi đánh vào cạnh sườn đơn vị.  Khi địch đến chân núi, các tiểu đội bố trí sẵn ở đây nổ súng, buộc địch phải quay lại mặt đường.  Trận chiến đấu kéo dài suốt chặng đường khi chúng qua Lũng Mười, Tông Và, Lũng Nhọc. Đến 19 giờ 55 phút, ta ngừng bắn.

        Nắm được quy luật của địch là mỗi đoàn xe lên thường nghỉ lại Cao Bằng hai ngày, bảo dưỡng xe rồi quay trở về, tiểu đoàn tổ chức đánh đoàn xe của địch khi chúng quay về.

        13 giờ ngày 6 tháng 4, địch dùng hai xe bọc thép trinh sát từ Cao Bằng về Đông Khê. 14 giờ, địch tới trận địa của Đại đội 671 ở Khui Đăm. Đại đội nổ súng nhưng không diệt được xe. Địch đi qua nhưng Đại đội 674 không nổ súng để giữ bí mật trận địa. 

        Ngày 7 tháng 4, đoàn xe về Đông Khê, số lượng gần 100 xe vận tải có một đại đội bộ binh hộ tống. 11 giờ 30 phút, đoàn xe địch tới Nà Keng. Trung đội 353 chặn đánh gần một giờ, diệt và làm bị thương nhiều địch. Qua được Nà Keng tới Sằng Kheo lại bị Trung đội 32 chặn đánh tiêu hao thêm một số tên.

        14 giờ đoàn xe mới vượt qua được trận địa của Trung đội 352, ta kết thúc trận đánh.

        Qua hai ngày chiến đấu, ta đánh thiệt hại nặng hai đoàn xe vận chuyển; làm bị thương trên 100 tên địch, phá hủy tại chỗ bảy xe, làm hỏng 50 xe vận tải, thu một khẩu pháo 37mm và một số đồ dùng quân sự.

        Trận đánh thắng lợi để lại nhiều kinh nghiệm quý về chọn cách đánh; về vận dụng thủ đoạn chiến đấu phù hợp với nhiệm vụ và so sánh lực lượng địch - ta; về chọn trận địa phục kích hiểm hóc bí mật, tạo được bất ngờ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:50:26 am »


TRẬN NA KHƯA CỦA ĐẠI ĐỘI 1 TIỂU ĐOÀN 48 (24.4.1948)

        Trận tập kích của Đại đội 1 Tiểu đoàn bộ binh 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh vào 45 quân của tiểu đoàn 103 dù (ngụy Lào) giữ đồn Na Khua án ngữ đường 13 thuộc Tà Xẻng Nậm Thon, huyện Hiu Bun, tỉnh Bô Li Khăm Xay (Lào) nhằm tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo lòng tin trong nhân dân vào thắng lợi của cách mạng. 

        18 giờ ngày 23 tháng 4, các mũi bắt đầu tiềm nhập, đến 5 giờ ngày 24 tháng 4, các mũi đã vào vị trí chiếm lĩnh bí mật, an toàn. Khi các mũi tiềm nhập vượt qua hàng rào, trong đồn có hai tên lính mang đèn pin cùng hai con chó đi kiểm tra xung quanh đồn.

        Khi chúng soi đèn và hai con chó chạy về hướng tiến công thứ yếu, lập tức đồng chí Tính ném hai miếng lương khô cho hai con chó, chúng vồ lấy và chạy về phía hai tên lính. Chớp thời cơ, mũi này nổ súng diệt hai tên gác và hai con chó, đồng thời lấy đó làm hiệu lệnh tiến công.

        Tuy bị đánh bất ngờ, nhưng quân địch đã kịp xuống hào, dựa vào công sự ngăn chặn ta tiến công. Chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh cho cối 82mm bắn chi viện, đạn cối rơi trúng vị trí chỉ huy, đài 15W và khẩu ĐKZ, tạo điều kiện để bộ binh xông lên tiêu diệt địch.

        Sau 40 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt 21 tên, bắt tên tiểu đoàn phó tiểu đoàn 103 chỉ huy đồn, thu một ĐKZ 57mm, 15 súng các bin, bốn súng AR- 15 (?), 50 quả mìn Claymo và một số quân trang, quân dụng khác.

        Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm quý về hành động chiến đấu bí mật, về nghi binh lừa địch, tạo bất ngờ và hành động quyết đoán, mau lẹ của người chỉ huy.


TRẬN POỌNG NƯA CỦA ĐẠI ĐỘI BỘ BINH 57 (8.6. 1948)

        Trận tập kích của Đại đội bộ binh 57 Tiểu đoàn 337 (do 1 Võ Tá Lân chỉ huy, được tăng cường một trung đội của Đại đội bộ binh 40, một tiểu đội du kích huyện Quan Hóa) vào khoảng 50 đến 60 thôn binh do 3 đến 5 tên Pháp chỉ huy giữ đồn Poọng Nưa (thuộc xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhằm tiêu diệt địch, thu vũ khí, xây dựng lòng tin của đồng bào dân tộc ít người với bộ đội. 

        2 giờ 45 phút ngày 8 tháng 6, các đơn vị đã vào đến tuyến xuất phát xung phong, có bộ phận cạch hàng rào 3 mét, sẵn sàng nổ súng diệt địch.

        3 giờ, được lệnh nổ súng, các loại hỏa lực của đại đội đồng loạt nhả đạn vào các mục tiêu trong đồn. Bị tập kích bất ngờ, địch chưa kịp đối phó, các chiến sĩ của ta được hỏa lực chi viện nhanh chóng ném lựu đạn vào các vọng gác diệt tại chỗ một số tên địch.

        Sau ít phút lúng túng, địch bắt đầu chống trả quyết liệt Trung đội 32 nhanh chóng dùng lựu đạn diệt hỏa điểm súng máy, tổ cảm tử nhanh chóng thọc thẳng vào các khu nhà để tiến sâu vào đồn địch, nhưng do hỏa lực địch bắn mạnh nên không tiến lên được.

        Tiểu đội trưởng thọc sâu bị thương, lựu đạn hết, các chiến sĩ dùng giáo mác, kiếm đánh địch nhưng không có hiệu quả. Địch chuyển từ nhà này sang nhà khác và bắn mạnh vào đội hình của Trung đội 32, đơn vị không phát triển được. 

        Trung đội bộ binh 30 được hỏa lực chi viện đồng loạt xung phong nhưng bị hỏa lực địch ngăn chặn, quân ta phải dừng lại ngoài hàng rào. Tổ cảm tử men theo sông vòng về phía sau đánh địch trong khu nhà.

        Phát hiện ta đánh vào vườn phía sau, một số tên vội lùi về phía sau để chống cự. Trung đội 30 nhanh chóng chiếm được một số nhà. Đạn nổ, nhà cháy sáng, địch phát hiện được đội hình ta, chúng tập trung hỏa lực đánh chặn, ta thương vong một số cán bộ, chiến sĩ. Cùng lúc đó, súng FM bắn trúng hai hỏa điểm của địch, nhưng không diệt được mục tiêu, cả ba khẩu súng máy của ta bị tắc.

        Trung đội 28 xung phong đánh chiếm được một số nhà, nhưng bị hỏa lực bắn vào đội hình làm bị thương một số, không đủ sức phát triển tiếp.

        5 giờ, trời gần sáng, số quân thương vong nhiều, vũ khí hỏng, lựu đạn hết, sức chiến đấu của đơn vị giảm sút. Đại đội quyết định lui quân.

        Sau 2 giờ chiến đấu, ta diệt 12, làm bị thương 20 tên địch, trong đó có hai tên lính Pháp; phá một khẩu súng máy, đốt cháy một nhà có nhiều súng, đạn của địch. 

        Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức hiệp đồng giữa hỏa lực và bộ binh; về nắm các thủ đoạn của địch trong quá trình chiến đấu; về hành động đánh địch của cán bộ chiến sĩ khi tập kích vào đồn địch do quân địa phương đóng giữ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 04:53:35 am »


TRẬN PHỦ THÔNG CỦA TIỂU ĐOÀN BỘ BINH 11 (25.7.1948)

        Trận tập kích đồn Phủ Thông nằm trong chiến dịch1  Đường số 3. Đây là trận cường tập quy mô tiểu đoàn duy nhất trên địa bàn Bắc Cạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trận đánh vừa thực hiện nhiệm vụ của chiến dịch, vừa tập dượt chiến thuật “công kiên” của quân đội ta.

        Đồn Phủ Thông được xây dựng trên một mỏm của núi Nà Cọt, có độ cao 198 mét, thuộc xã Phương Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Đồn do một đại đội bộ binh và một trung đội trợ chiến thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn Âu Phi chiếm giữ (3è REI). Quân số khoảng 150 tên. Vũ khí có một khẩu 12,7mm, ba khẩu cối 81 và 60mm, một khẩu đại liên, 10 khẩu trung liên, một số tiểu liên và súng trường. 

        Bao quanh đồn là tường đất dày một mét, cao hai mét, trong và ngoài tường ghép gỗ và có các lỗ châu mai. Bốn góc có các lô cốt lớn xây cao hai tầng bằng gạch, đá dày 40 xăngtimét. Giữa đồn là nhà chỉ huy xây bằng gạch. Nhà lính, nhà kho, nhà an được xây bằng gạch hoặc đắp tường đất dàv xung quanh. Tường có lỗ để thả lựu đạn và bắn ra ngoài.  Địch đào hầm ngầm từ nhà chỉ huy, nhà lính thông đến các lô cốt ở các góc đồn. Từng đoạn có lỗ châu mai bắn quét trên mặt đất.

        Ngoài tường có ba lớp rào tre, nứa mỗi lớp cách nhau ba mét, lớp trong cùng cách tường khoảng 10 mét.  Để bảo đảm an toàn, ban ngày địch phải hai đến ba tổ tuần tiễu dọc đường số 3 và đường đi Chợ Rã; ban đêm gác ở các lô cốt, cổng ra vào và các chòi canh. Thỉnh thoảng đích cho một trung đội sục vào các làng như Vi Hương, Phương Thông.

        Đồn Phủ Thông án ngữ, bảo vệ Bắc Cạn từ phía bắc,  giữ liên hệ với thủ phủ ở Chợ Rã, uy hiếp Na Rì từ phía tây và bảo vệ đoạn quốc lộ số 3 đi Bắc Cạn.  Tiểu đoàn 11 do Tiểu đoàn trưởng Vũ Yên chỉ huy, có các đại đội 122, 120, 124 và một đại đội trợ chiến. Vũ khí có một khẩu 37mm, một khẩu 12,7mm, một badôca, một khẩu cối 60mm, hai khẩu cối 50,8mm, bảy khẩu trung  liên, còn lại là súng trường, mỗi người có 4 đến 5 quả lựu đạn. Vào chiến đấu được tăng cường một đại đội pháo binh  (hai khẩu 75mm, một khẩu 37mm) của Tiểu đoàn 410.   

        Trên cơ sở quyết tâm chiến đấu, tiểu đoàn tổ chức lực  lượng thành hai bộ phận: bộ phận trợ lực gồm đại đội pháo  binh và một đại đội bộ binh, bộ phận xung phong gồm hai  đại đội bộ binh 122, 124 và đại đội trợ chiến. 

        17 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1948, tiểu đoàn ra lệnh bộ  phận xung phong xuất phát; 24 giờ, tới vị trí chiếm lĩnh; 3 giờ ngày 2 triển khai đội hình chiến đấu xong. 

        12 giờ ngày 2õ tháng 7, bộ phận trợ lực bắt đầu hành quân, 18 giờ 15 phút chiếm lĩnh trận địa xong, sẵn sàng chiến đấu.

        18 giờ 35 phút ngày 25 tháng 7, pháo binh bắt đầu bắn. Sau những quả đầu sửa bắn, pháo binh bắt đầu bắn cấp tập. Đến 19 giờ 10 phút, pháo bắn một quả đạn nổ trên không báo hiệu pháo binh bắn xong. Sau đó bắn thêm 10 quả đạn vào đồn. Phối hợp với pháo binh, 18 giờ 40 phút, Đại đội 126 dùng hỏa lực bắn vào nhà số 1, lô cốt góc tây bắc.

        Trong khi pháo bắn, bộ binh lợi dụng địa hình triển khai đội hình xung phong bên ngoài hàng rào. Riêng Đại đội 122 thấy pháo trúng phía tây nhiều nên đại đội cho triển khai ở hướng này.

        Sau phút, địch bắt đầu phản ứng; trung, đại liên ở hướng tây và nam bắn mạnh về đồi H và I, nơi pháo binh ta bố trí. Tổ địch vận của ta bố trí cùng đại đội trợ chiến ở đồi A dùng loa gọi to nên lộ vị trì, địch tập trung hỏa lực bắn mạnh về phía này. 

        19 giờ 20 phút, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh xung phong.  Từ các hướng bộ đội vượt rào, vượt tường lần lượt đánh chiếm các ụ súng, lô cốt. Cùng lục đó, một trung đội của Đại đội 120 nhanh chóng đánh chiếm khu chợ và phố Hoa kiều. Sau 15 phút, trung đội làm chủ được các mục tiêu.  Củng cố đội hình chờ lệnh trên.

        Sau khi ta mở cửa vào đồn, địch dựa vào các ụ súng chống cự quyết liệt. Khi ta diệt được các hỏa lực chủ yếu và phát triển tiến công mạnh, những tên còn sống chạy về góc tây bắc, dựa vào nhà số 2 và lô cốt góc, hầm ngầm chống cự quyết liệt. Hỏa lực ngầm bố trí sát mặt đất làm ta bị thương ở chân nhiều. Chúng tập trung hỏa lực bắn mạnh vào khoảng giữa các nhà 7 - 8; 8 - 4; 2 - 4. Địch ở góc tây bắc còn giữ được lô cốt và nhà ngoan cố chống cự. 

        22 giờ ta và địch hình thành ranh giới các khu vực chiếm giữ. Địch không ra phản kích, ta tiến công nhiều lần nhưng không thành công. Ta và địch ở thế cầm cự.  Trong khi bộ đội xung phong theo kế hoạch thì Tiểu đoàn trưởng tiến theo Đại đội 122. Chính trị viên đi cùng Đại đội 120 nên không liên lạc được với nhau, chỉ huy gặp khó khăn.

        Thấy tình hình kéo dài trận chiến đấu không có lợi, 23 giờ, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh lui quân.

        Sau sáu giờ liên tục chiến đấu, tiểu đoàn loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch, phá hủy nặng hệ thống công sự, trận địa, nhà ở trong đồn.Ta thu năm khẩu trung liên, bốn tiểu liên, 10 súng trường . . .

        Trận Phủ Thông, một trong những trận công kiên có hỏa lực chuẩn bị quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên. Nó là trận tập dượt của quân đội ta nhằm chống lại chiến thuật phòng ngự cứ điểm của quân Pháp. Nó là mốc son đánh dấu bước trưởng thành về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng bộ binh với pháo binh của quân đội ta.

--------------------
        1. Đây là trận tập kích lần thứ 3. Lần 1 vào ngày 30 tháng 11 năng 1947; lần 2 vào ngày 20 tháng 2 năm 1948; lần 4 vào ngày 14 tháng 8 năm 1948.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM