Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:38:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 26969 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:43:49 pm »


Câu hỏi 24: Các nhà văn, các nhà sưu tẩm nghiên cứu lịch sử đã viết rất nhiều về Đinh Công Tráng và cuộc khởi nghĩa Ba Đình, cho biết đôi nét về điều này?
Trả lời:


Vào lúc Tôn Thất Thuyết đang ở Lào Cai, rồi cử người sang Vân Nam cầu viện nhà Thanh, vua Hàm Nghi đang ở Quảng Trị, trung tâm lãnh đạo kháng chiến đang ở hai đầu đất nước, do đó, Ba Đình được các nhà lãnh đạo coi như một bàn xoay để nối hai trung tâm kháng chiến.

Nhà cầm quyền Pháp rất lo sợ sau mỗi thắng lợi to lớn của nghĩa quân Ba Đình, vì những trận chiến đấu ở các địa phương khác sẽ được tập hợp xung quanh Ba Đình thành một phong trào rộng lớn. Trong khi những lực lượng do Nguyễn Quang Bích đang hoạt động tích cực ở Hưng Hóa; khởi nghĩa Bãi Sậy đang phát triển gây mất an ninh cho Pháp chỉ cách Hà Nội 20 kilômét; tình hình Nghệ An, Quảng Bình đang xáo động; Bình Định, Phú Yên đang sôi sục khởi nghĩa, những đạo quân Pháp đáng lẽ phải được chuyển tới nơi đó lại phải hành quân về Ba Đình. Với Ba Đình, cả hai phái kháng chiến và thực dân Pháp đều tung vào cuộc chiến những lực lượng và khả năng to lớn nhất1.

Trong trường hợp nan giải ấy, một bức công hàm từ bên Pháp gửi sang ra lệnh bằng bất cứ giá nào phải chấm dứt chuyện rắc rối ở Ba Đình và nhất là không được gửi về những tin tức ngoài tin báo thắng trận và sự thất bại hoàn toàn của quân phiến loạn hòng tránh cho nước Pháp khỏi kinh hoàng2.

Khi biết tin căn cứ Ba Đình được xây dựng, lực lượng Ba Đình được tổ chức, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương vô cùng lo lắng. Chúng coi Ba Đình là "cục bướu" vô cùng nguy hiểm trong kế hoạch xâm lăng, bình định của chúng. Vì vậy chúng lập tức tập trung binh lực và các phương tiện chiến tranh với những thủ đoạn khác nhau, quyết tiêu diệt bằng được Ba Đình3.

Khởi nghĩa Ba Đình là điểm khởi đầu buộc thực dân Pháp phải từ bỏ ý đồ và kế hoạch tập trung binh lực chuyển sang hình thức thiết lập đồn bốt, tổ chức các vị trí nhỏ ở khắp nơi chống lại phong trào chống Pháp ở mọi nơi, mọi lúc của nhân dân ta.
_______________________________
1. Nguyễn Duy Niên, Khởi nghĩa Ba Đình - tr. 11.
2. Phạm Viết Thường, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 14.
3. Hải Dương - Hồ Khang, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 20.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:47:54 pm »


Thế trận "Tam long đằng dượt vân tan vũ tiêu" của Đinh Công Tráng trong trận cuối giặc tấn công Ba Đình, từ 3 chốt, nghĩa quân mở cổng thành xông ra như 3 con rồng quẫy khúc xua tan đám mây mù đang vây quanh Ba Đình, làm cho giặc hoảng hốt bỏ chạy1.

Khi sáng rõ, Pháp đuổi theo thì nghĩa quân Ba Đình đã rút lui xa lên miền Yên Định, Vĩnh Lộc. Chúng đành quay lại và lợi dụng kết quả còn lại: Một thành không mà tuyên bố quân Ba Đình đã thua chạy và bị triệt hạ. Tuyên bố là thế, nhưng thực tế thì chúng khiếp hãi Ba Đình, đã bàn luận với nhau: Nếu có "một Ba Đình nữa" thì đành phải từ bỏ mộng xâm lăng nước Nam mà thôi. Cái thành "quái gở" mà bọn xâm lược đụng đầu vào là như vậy. Đạn bắn không vỡ. Lửa đốt không cháy. Có trăm ngàn con mắt nhìn ra ngoài và bắn là trúng2.

Thành đất được đắp toàn tre làm cột và bùn rơm, rạ, khi khô rất vững và rất xốp. Đạn đại bác chỉ găm vào mà không nổ3. Thành có 3 lớp. Ngoài cùng là lũy tre củng cố thêm, chỗ nào trống thì rào thêm cho kín, chỉ trừ lối vào của mấy con đường độc đạo băng qua đồng nước. Từng quãng lũy có lỗ châu mai như những ống ngắm từ trong nhìn ra, đặt nòng súng ở lỗ bắn là trúng, trăm phát trúng trăm. Đó là lý do làm giặc Tây kinh hoàng; kể cả, tre và bùn rơm làm nắp hầm trú ẩn, chỉ huy, kho lương thực, bịch đựng thóc gạo, mọi thứ lương thực, thực phẩm khác.

Ngay đến tận ngày Pháp quyết tâm bằng mọi giá diệt Ba Đình, lũy tre xanh của khu căn cứ vẫn che giấu được tất cả những gì mà địch cần biết về Ba Đình. Chúng chỉ thấy Ba Đình như "một con nhím khổng lồ lềnh bềnh trên mặt nước".

Nghệ thuật xây dựng pháo đài Ba Đình đã góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc và chính nó đã để lại kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng cứ điểm, làng chiến đấu trong các cuộc chiến đấu sau này4.
___________________________________
1-3. Chu Đình Lợi, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 43, 45.
4. Phạm Như Thơm, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 51
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:52:12 pm »


Sự chỉ đạo phong trào trong toàn tỉnh trên danh nghĩa được thống nhất nhưng thực tế thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau. Phong trào lại không có hậu phương vững mạnh làm hậu thuẫn. Mặt khác Ba Đình nằm giữa vùng đồng chiêm trũng ngập nước. Vị trí thuận lợi cho xây dựng căn cứ thủ hiểm gây khó khăn cho việc xây dựng công sự, kế hoạch bao vây công phá, nhưng lại hoàn toàn bất lợi khi thiếu sự hỗ trợ bên ngoài. Khi bị vây hãm, những cuộc tấn công phối hợp nhằm chia rẽ lực lượng Pháp từ bên ngoài hầu như rất ít. Ngay cả Hà Văn Mao, Tống Duy Tân, Trần Xuân Soạn ở gần cũng không hề hỗ trợ được gì. Riêng Trần Xuân Soạn có phối hợp ít nhiều, nhưng rất hạn chế. Đến khi nghĩa quân Ba Đình quyết định rút thì mới có sự phối hợp tương đối ăn ý. Như vậy, một cứ điểm chiến đấu nhất thiết phải có lực lượng hỗ trợ mạnh thì mới có thể tránh bị tiêu diệt1.

Khi giặc Tây dương kéo quân đánh Ba Đình, chánh sứ Sơn phòng Tống Duy Tân đã phúc thư cho Thống sứ Ha-lơ-manh, tự ý yêu cầu bọn giặc cướp nước "tạm đặt hạt (của T ống) ra ngoài vòng, đợi sau khi mọi việc yên ổn, sẽ xử trí thì may lắm, may lắm"2.

Thế trận được dàn ra từ Ba Đình đến làng Mã, kể từ tháng 9 năm Bính Tuất. Giặc tung quân lùng bắt Trần Xuân Soạn, đốt phá cướp bóc khắp nơi, nhất là những vùng chúng nghi có nghĩa quân đóng. Mặc dù có gửi một đội quân tới Ba Đình, nhưng Tống vẫn cùng tri phủ Lý Nhân Nguyễn Sự Chi mưu lập căn cứ lâu dài chống giặc ở vùng núi Thanh Hóa. Coi như quan hệ giữa Tống và Ba Đình chỉ có hạn. Đó là điều Đinh Công Tráng băn khoăn và mong kế sách chống giặc chung của phong trào Cần Vương Thanh Hóa phải được thống nhất. Đinh Công Tráng suy tư về thế trận chống giặc cứu nước và về những người cầm đầu phong trào Cần Vương của đất Thanh3.

Từ hàng chục thế kỷ, chúng ta chưa tìm thấy một làng chiến đấu nào như Ba Đình từ hình thức tổ chức, quy mô cấu trúc các hệ thống hào lũy, đồn quân, đến tổ chức lực lượng, chỉ huy và nghĩa quân. Kể ra các căn cứ chiến đấu của một số tướng lĩnh có tên tuổi trong lịch sử cũng không đạt được một quy mô hoàn hảo như Ba Đình. Ba Đình là làng chiến đấu kiểu mẫu số một trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, là biểu hiện tập trung nhất, quật cường nhất, đồng thời là kiểu mẫu cuối cùng của làng chiến đấu chống xâm lược... Hết thảy mọi người khâm phục tài chỉ huy và cường độ chiến đấu của nghĩa quân. Sự trụ lại của Ba Đình trong tình thế như chúng ta biết quả là phi thường4.
_______________________________________
1. Phạm Như Thơm, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 51
2. Trích đoạn cuối thư của Tống Duy Tân trả lời công sứ Pháp tỉnh Thanh Hóa. Thư này có trong gia phả họ Tống và tài liệu của nhóm nghiên cứu lịch sử địa phương Bồng Trung huyện Vĩnh Lộc (xem Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900), Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr. 270).
3. Thái Vũ, Ba Đình, tr. 268.
4. Bùi Thiết, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 57.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:54:00 pm »


Mỗi khi nói đến phong trào Cần Vương của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX đều dành phần quan trọng nói tới khởi nghĩa Ba Đình và phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa. Qua nhiều hình thức thể hiện khác nhau, các tài liệu đó đều cho thấy rằng đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, một trung tâm quan trọng trong phong trào chống Pháp của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX1.

Riêng Trần Xuân Soạn với cương vị đô đốc tổng chỉ huy phong trào Thanh Hóa như sứ mệnh của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đã giao phó, trước cục diện của phong trào Thanh Hóa, ông đã tỏ ra thiếu quán xuyến và không đóng được vai trò quan trọng của mình. Sự phối hợp giữa các cánh quân Thanh Hóa không đồng bộ, thiếu chặt chẽ, do đó, Trần Xuân Soạn phải chịu một phần trách nhiệm. Ngay đội quân Quảng Hóa dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình, Trần Xuân Soạn cũng không phát huy được đầy đủ tác dụng của nó để hỗ trợ cho Ba Đình. Điều đó là một hạn chế dẫn đến sự thất bại của Ba Đình.

Sau khi nghĩa quân rút khỏi Ba Đình, thực dân Pháp triệt hạ, xoá tên Ba Đình, nhưng cái tên Ba Đình không những không bị xóa mà còn được nêu bật trên bản đồ lịch sử chống Pháp của dân tộc Việt Nam2.

Điều kiện lịch sử mỗi nước một khác. Tuy nhiên, khi nhắc đến các nghĩa sĩ Ba Đình không thể không liên tưởng đến các nghĩa sĩ Hy Lạp do Lê-ô-ri-đat chỉ huy đã chiến đấu tại eo núi Téc-mô-phin chống lại đạo quân đông hàng vạn người của Hoàng đế Ba Tư Xéc-xét thời cổ đại và các chiến sĩ Xô Viết phòng thủ pháo đài Bơ-rét chống lại quân Đức quốc xã.

Chiến lũy Ba Đình với những chiến sĩ anh hùng đã đem trí tuệ, công lao, xương máu xây nên sự nghiệp muôn đời bất hủ. Sức mạnh và tài năng của những người yêu nước đã làm cho bọn xâm lăng chủ quan, hống hách phải trải qua những ngày đêm khốn đốn, hoang mang tuyệt vọng.

Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 (khi giặc Pháp nổ tiếng súng xâm lược đầu tiên ở Đà Nẵng) đến năm 1886-1887 (khởi nghĩa tại Ba Đình) chưa bao giờ có một cảnh vây hãm thành như Ba Đình. Chưa bao giờ giặc bị thảm hại, thương vong đến hàng nghìn như ở Ba Đình. Và có lẽ lịch sử thế giới chưa bao giờ có chuyện ly kỳ, công phá một đồn lũy - đúng ra là một vùng lầy ngập nước mà "thành quách" chỉ là bùn rơm, tre pheo khiến kẻ thù phải huy động cả một lực lượng hơn bảy nghìn nhân mạng.

Bọn sĩ quan Pháp là đàn sói biển khát máu có súng đạn hiện đại nhưng chúng vẫn lâm vào thế bí, lính bị chết, sĩ quan bị giết chết. Hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác đều bị đẩy lui. Hàng rào tre, thành trì, đất nhão vẫn thi gan dưới mưa đạn. Kẻ thù phải dùng máy bơm cho phun dầu gây hỏa hoạn. Tre cháy xém, tiếng nổ và tiếng súng của hai bên inh tai nhức óc nhưng "con nhím" Ba Đình vẫn nguyên vẹn.

Khởi nghĩa Ba Đình bùng nổ, cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở Thanh Hóa đã ngang nhiên chọn vùng đồng bằng huyện Nga Sơn để lập căn cứ địa công khai, dường như thách thức toàn bộ thế lực trong và ngoài nước.
_____________________________________
1. Phạm Quang Trung, Khởi nghĩa Ba Đình, tr. 63.
2. Trần Huy Liệu, Lịch sử 80 năm chống Pháp, Nxb Văn Sử Địa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:55:10 pm »


Câu hỏi 25: Tại sao nói Đinh Công Tráng là một trong những người Việt Nam đầu tiên lãnh đạo nhân dân chống kẻ thù xâm lược mới là chủ nghĩa đế quốc?
Trả lời:


"Vạn sự khởi đầu nan". Mọi việc khởi đầu đều khó, ví như lúc mới nhóm lửa. Lúc đầu bếp còn lạnh, củi chưa nóng, ngọn lửa leo lét, chỉ một cơn gió nhỏ lửa cũng tắt. Người nhóm phải khéo léo kiên trì mồi, nhóm, nhưng khi lửa đã cháy to, củi nỏ, than hồng, bếp nóng thì gió càng to lửa càng cháy sáng. Trong bài thơ "Nhóm lửa", Bác Hồ đã diễn tả một cách cụ thể, sinh động điều này. Việc nhóm lửa đã vậy, việc đời thường lúc đầu cũng khó là vậy. Huống hồ đánh giặc. Nhất là đánh một loại kẻ thù xâm lược mới. Đó là chủ nghĩa đế quốc.

Từ buổi vua Hùng dựng nước đến nay, chúng ta phải chống hai loại kẻ thù xâm lược. Đó là phong kiến phương Bắc, ta đánh trên 1.000 năm chống lại Tần, Triệu, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh từ thời vua Hùng đến Quang Trung. Loại kẻ thù thứ hai là chủ nghĩa đế quốc, trực tiếp là đế quốc Pháp rồi Nhật, Mỹ. Ta đánh chúng suốt từ năm 1858 đến năm 1954 mới đuổi được Pháp rồi đến năm 1973 mới tống cổ được Mỹ. Đối với kẻ thù thứ nhất là phong kiến phương Bắc ta có Đinh, Lý, Trần, Lê, v.v... gây nền độc lập cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng ta và địch cùng một phương thức sản xuất, một hình thái kinh tế xã hội. Kẻ thù dùng sức mạnh của nhà nước phong kiến đánh ta thì ta cũng dùng sức mạnh của nhà nước phong kiến chọi lại.

Từ năm 1858, chúng ta phải chống một loại kẻ thù xâm lược mới. Đó là đế quốc Pháp. Thời kỳ này chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao thành chủ nghĩa đế quốc, đua nhau đi chiếm thị trường. Xét về phương thức sản xuất thì đế quốc Pháp hơn ta một bậc. Lúc này Pháp đã là một cường quốc có nhiều thuộc địa.

Chúng dùng sức mạnh của một cường quốc tư bản đánh ta. Lực lượng quân đội của chúng từ huấn luyện, chỉ huy tác chiến, hậu cần, trang bị vũ khí đều là sản phẩm của một nền đại công nghiệp tiên tiến. Chúng có binh hùng tướng mạnh thiện chiến thao lược, vũ khí tối tân như tàu chiến, đại bác... Còn ta chế độ phong kiến đang suy tàn hấp hối, kinh tế suy kiệt, dân chúng đói khổ, vua quan hèn nhát, tham nhũng sa đọa, vũ khí thô sơ lạc hậu, lòng dân ly tán, tay sai và giáo sĩ phản động nhung nhúc.

Đinh Công Tráng là một trong những người Việt Nam đầu tiên chống Pháp trong điều kiện ấy. Nghĩa là chúng mạnh như sóng trào thác lũ, Đinh Công Tráng đánh giặc trong lúc đất nước ta như một con đê đầy tổ mối vừa vỡ toang. Bản thân ông khi khởi binh hoàn toàn là hai bàn tay trắng về mọi mặt. Vậy mà ông dám phất cờ khởi nghĩa đánh giặc. Đánh cả đế quốc Pháp lẫn phong kiến tay sai và giáo sĩ phản động ròng rã 15 năm trời.

Đinh Công Tráng cùng các vị thủ lĩnh khác như Trương Công Định, Phan Đình Phùng là người khỏi đầu đánh Pháp, chưa hiểu địch, chưa tích lũy được kinh nghiệm, lại vào lúc đất nước suy kiệt, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh. Thế lực giữa ta và địch một trời một vực. Thế mà ta dám đánh, đánh bền bỉ kiên cường. Đó là những người đầu tiên, những thuyền đá đầu tiên lao vào chặn dòng nước hung dữ khi đê vừa vỡ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:57:44 pm »


Câu hỏi 26: Tại sao nói Đinh Công Tráng là một thủ lĩnh nghĩa quân có uy tín, một vị tướng thao lược giỏi về tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ và tài chỉ huy tác chiến?
Trả lời:


Thủ lĩnh nghĩa quân là người phải có đức cả tài cao, uy tín lớn mới có khả năng quy tụ những bậc anh hùng hào kiệt, võ tướng văn quan, tập hợp được đông đảo nghĩa quân và các tầng lớp nhân dân dưới cờ đại nghĩa chiến đấu vì mục đích cao cả cứu nước, cứu dân khỏi họa ngoại xâm.

Người làm tướng phải trí dũng vẹn toàn, am tường binh pháp trận đồ, giỏi tổ chức rèn luyện quân sĩ, tài chỉ huy chiến trận trên mọi địa hình, trong mọi tình huống.

Có người làm được thủ lĩnh nhưng không hoặc không thể cầm quân đánh giặc được. Ngược lại, có nhiều tướng tài ba thao lược, bách chiến bách thắng nhưng không làm thủ lĩnh được. Chỉ một số người làm được cả hai cương vị trên, cả thủ lĩnh và tướng lĩnh. Đinh Công Tráng là một trong số những người làm được việc đó. Thuở ấy bậc đại quan, đại khoa thường được tôn lập làm thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa chống giặc. Vì họ là những người đã có uy tín lớn, ảnh hưởng lớn của cả một vùng. Đội Phán cầm quân đánh Pháp đã phải tìm đến và vời Phan Đình Phùng - quan Ngự sử triều đình làm thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hương Khê.

Đinh Công Tráng khi phất cờ tụ nghĩa chỉ là một cai tổng đậu đến tam trường (vẫn là một người bình dân) thì sao đủ uy danh tụ nghĩa bằng các bậc đại khoa như Phan Đình Phùng, thủ khoa Huân, đại quân như Trương Công Định, Nguyễn Thiện Thuật. Vậy mà ngay từ đầu ông đã được văn thân tám tổng trong huyện Thanh Liêm tôn phò, dưới cờ nghĩa của ông có cả đại khoa: tiến sĩ Lê Văn Mai, danh nho Tú Tốn, các cai tổng, sư sãi, phú gia địch quốc Thừa Phương, trong quân có lính Cờ Đen, lính Kinh, Mường, Thổ.

Khi giặc tiến đến sông Đáy, ông phải vào Ninh Bình, ở nơi đất khách quê người này ông cũng làm thủ lĩnh. Các ông Nguyễn Tử Tương, Đốc Ngữ đang đứng đầu các cánh quân chống giặc ở Ninh Bình, ông quan lang Tám Đập ở Nho Quan, ông đốc Đinh Trạch ở Nam Định, ông tú Thạch Giản ở Thanh Hóa cũng theo về giúp rập. Ở đây, ông được Tôn Thất Thuyết thay vua Hàm Nghi phong là Bình Tây Đại tướng quân. Còn ông Nguyễn Tử Tương là tán tương quân vụ, Đốc Ngữ là tán lý quân vụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:58:08 pm »


Năm 1886, ông lại là chủ soái cứ địa Ba Đình, Thanh Hóa. Còn Phạm Bành thủ lĩnh nghĩa quân Tràng Xá làm tán lý quân vụ, quan huyện Hoàng Bật Đạt thủ lĩnh nghĩa quân Hậu Lộc làm tán tương quân vụ. Dưới quyền ông còn có Phan Cư, cử nhân Lê Khắc Thảo, đốc Khế, lãnh Toại, v.v...

Rõ ràng là ở quê nhà Thanh Liêm hay quê người Ninh Bình, Thanh Hóa, lúc trong tay có nghĩa quân mạnh hay lúc bị giặc đánh bật khỏi quê hương, binh lính ít, ở đâu Đinh Công Tráng cũng được tôn phò là thủ lĩnh. Không có tài cao đức lớn vượt trội hơn người sao được như vậy. Thời ấy quan niệm về dòng dõi, về địa vị xã hội, khoa bảng và đầu óc cục bộ còn nặng nề. Đúng như một tên tướng giặc đã nhận xét: Tráng là một người bình dân nhưng đứng đầu các hàng quan lại... Nếu có người cứng cáp phù trợ, vị tất nước đại Pháp đã thắng nổi.

Đinh Công Tráng chẳng những là một thủ lĩnh có uy tín mà còn là một vị tướng tài ba thao lược. Khi tụ nghĩa khởi binh, Đinh Công Tráng chưa một ngày làm lính, chưa một buổi đến trường học tập võ bị, trong tay không một tấc sắt, một người quân... Vậy mà ông đã chỉ huy nghĩa quân đánh giặc ròng rã 15 năm trời. Lưỡi gươm giết giặc của ông tung hoành ngang dọc như chớp giật đêm giông suốt một vùng rộng lớn gần nửa giang sơn, lập nhiều chiến tích lẫy lừng.

Các trận chiến của ông biến hóa như thần. Vũ khí ít và thô sơ, quân đội chưa được rèn luyện lâu dài, bài bản, không cơ mưu linh hoạt xuất quỷ nhập thần, làm sao bảo tồn được lực lượng. Nếu so sánh lực lượng thì ta và địch như châu chấu đá voi. Tương quan lực lượng chênh lệch như vậy, Đinh Công Tráng không thể lấy lực lượng vật chất của mình đánh bại lực lượng vật chất của địch mà phải khơi dậy lòng yêu nước quật khởi, hùng khí dân tộc, mưu lược và các yếu tố tự nhiên tạo nên sức mạnh vật chất chống lại kẻ thù. Vậy nên, tuy chưa một ngày làm lính mà chỉ huy đánh giặc, ông như một vị tướng thao lược đã được học tập, rèn luyện quy mô, bài bản từ một trường võ bị cao cấp. Ông còn bày kế sách với tổng đốc Tam Tuyên Hoàng Kê Viêm. Tôn Thất Thuyết phải đến gặp Đinh Công Tráng bàn kế cứu nước khi nước nhà đã coi như vào tay giặc, rồi vời ông vào cứ địa Ba Đình, làm chủ soái. Tài năng của ông biểu hiện ở các mặt như sau:

1. Chiêu mộ quân sĩ, tổ chức quân đội

Lúc đầu khởi binh ông đã dựa uy danh của thầy học là Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị để thư đi tám tổng kêu gọi văn thân, chiêu mộ nghĩa quân. Sau khi đánh giặc ở Sơn Tây, Hà Nội, trở về quê hương ông đã dựng kế phá bùa độc yên lòng dân, tụ nghĩa quân. Kế này đã phá tan độc kế của kẻ thù. Nghĩa quân các nơi kéo về như nước, gạo thóc quân trang đổ về như củi lụt. Có quân rồi ông chia thành các đạo vệ binh, tả quân, hữu quân, kỵ binh, biên chế theo các đội: lính Cờ Đen, Kinh, Mường, Thổ; có chỉ huy sắc phục riêng. Ngoài các đơn vị tác chiến còn một hậu cứ chuyên rèn luyện binh lính để bổ sung cho các đội quân. Riêng ở cứ địa Ba Đình, ông đặc biệt chú trọng đội nữ binh do bà Sáu Nhung phụ trách để gây dựng cơ sở che chở nghĩa quân, khua trống mõ trợ oai khi lâm trận và quấy rối địch ban đêm để giặc bắn hao phí đạn. Đặc biệt là đơn vị này lo toan lương thảo, thuốc thang, phao tin giả, nắm tin tức địch. Trong thực tế, đội quân tóc dài này hoạt động rất hữu hiệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:58:51 pm »


2. Xây dựng căn cứ

Ở Thanh Liêm, Sơn Tây và Ba Đình, Đinh Công Tráng đều triệt để khai thác địa hình tự nhiên để xây thành đắp lũy, nhanh chóng, đỡ tốn kém, ngăn được giặc từ xa, chống được đạn pháo của giặc. Cụ thể là: Dựa vào lũy tre bao quanh làng để đắp lũy, xung quanh là đầm nước, biến các đồng nước, lũy tre thành những đạo quân ngăn giặc. Ở Ba Đình, ông dùng rơm trộn bùn nhồi vào sọt tre xây thành. Với nguyên liệu này, khi thành còn mềm nhũn đã có tác dụng ngăn đạn pháo giặc hơn cả thành đá. Với cách xây dựng này, lũy tre, đầm nước, rơm bùn đã trở thành những đạo quân hùng mạnh.

3. Chỉ huy tác chiến

Quân ít, vũ khí thô sơ chống lại giặc đông, vũ khí hiện đại, phải dùng mưu lược là chính. Trong mọi trận đánh, ông đều kết hợp được các yếu tố địa hình, thành luỹ, tinh thần nghĩa quân, nhân dân trợ oai với mọi loại vũ khí (súng đạn, chông tre, muối ớt, ổi xanh, móc câu, v.v...). Ông luôn gây cho giặc những yếu tố bất ngờ để vô hiệu chúng.

Trong trận giả gái đánh giặc: Ông cho một số nghĩa quân đóng giả các cô gái đi chợ. Lũ Tây dương nổi máu dê đuổi theo. Các cô giả vờ chạy luống cuống, quỳ lạy van xin để giặc tưởng rằng nhất định chúng sẽ tha hồ tận hưởng khoái lạc. Để thỏa mãn dục vọng và tiện lợi khi hãm hiếp, chúng vứt súng ở vệ cỏ, đuổi theo túm lấy các cô gái. Tới chỗ phục binh, các cô bất ngờ hất đổ ổi xanh hô "xung phong", vung đòn gánh quật. Nghĩa quân phục sẵn lao lên ném muối ớt, dùng đoản đao giết giặc. Những tên xâm lược mũi lõ bỗng nhiên thành bị thịt để các nghĩa quân như mãnh hổ xé xác. Đó là thế trận "tiên giả hậu công" hợp đồng tác chiến, với kế này giặc như những con hổ tự ra khỏi núi, tự nhổ nanh vuốt.

Ở đồn Bưởi, ông lại đánh một trận không dùng lính mà hiệu quả rất cao. Đó là kế dạ thủy ngư kết hợp với kế Khổng Minh lừa Tư Mã Ý. Biết không giữ nổi đồn, ông bí mật rút đi nhưng cổng thành trấn giữ vững chắc. Trong thành cờ xí la liệt, khói bếp vẫn bay, vẫn có ngựa hí, trống kêu và súng nổ. Ông đốt những đống rơm cho khói bốc lên, buộc dùi trống vào chân chó. Chó giãy đạp chân thì trống kêu. Ngựa buộc vào cột cò, khi khua chân gõ móng thì cò phất. Ông chắp những đoạn hương dài đang cháy vào pháo cối. Hương cháy bén ngòi thì pháo nổ. Giặc tưởng trong thành đóng quân nên bao vây 2 ngày, quyết tiêu diệt nghĩa quân. Ở cổng thứ chín, ông đặt địa lôi, ở các ao ông đặt các vòng câu và chông tre. Cổng bị phá thì địa lôi nổ, giặc nhảy xuống ao bên đường đâm phải chông ngầm, mắc vào lưỡi câu mà chết. Trận này ông không dùng một người lính mà giặc bắn như đổ đạn đi và chết khá nhiều.

Ở trại Thong, ông lại dùng kế ngược lại. Giặc đến vây, trong thành cũng có khói bếp, cờ xí, ngựa hí trống kêu, giặc tưởng cũng như ở Bưởi vội xua quân vào, chẳng ngờ ông phục binh đánh cho tơi bời.

Khi bị thương nặng phải điều trị ở Bình Lương, ông mật kế cho các tướng cai Ký, cai Hành tổ chức đám ma giả và phục binh đánh cho giặc một đòn đau. Đau đến mức chúng bắt Thừa Diệu đổ đầy bạc vào một hình nhân đan bằng tre to bằng thằng Tây mới được tha mạng.

Tóm lại, ông luôn luôn lừa được giặc, dồn chúng vào thế bất ngờ bị động để tiêu diệt chúng. Giặc bắn đạn bạc vào lũy tre ở cứ địa Chàng với ý đồ để nhân dân và nghĩa quân vì tham bạc sẽ tự đào bới phá lũy tre (thành lũy) và tranh nhau mà chém giết nhau. Chúng đâu có ngờ ông lại cho nghĩa quân đánh gốc các cây tre bìa ngoài, nhân ra trồng thêm lũy mới, thế là dùng kế giặc làm kế mình. Vậy là ngoài lũy tre cũ còn trồng thêm được lũy tre mới, lấy được bạc, giữ yên được dân và lính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:59:13 pm »


Quyết tiêu diệt Ba Đình, Brít-xô đã dùng thế trận hỏa công, diệt viện, công thành để hủy diệt mọi sinh vật trong chiếc thành đất này. Sau hai ngày đêm liên tục rót hai vạn quả đạn đại bác và phun dầu đốt thành, giặc tưởng rằng Ba Đình sẽ vụn ra từng mảng, tướng sĩ và mọi sinh vật trong thành sẽ bị cháy thui hoặc tan xác. Vậy mà dưới mưa bão đạn đại bác và biển lửa hung tàn, Đinh Công Tráng đã chỉ huy nghĩa quân không để một mảng thành vỡ và im lặng chờ giặc. Im lặng như vùng đất chết, khiến chúng phải bối rối hoang mang. Đột nhiên, đúng thời điểm, giặc leo lên thành thì pháo lệnh nổ vang, thây giặc rụng như sung. Nghĩa quân như mãnh hổ lao ra chém giặc. Các làng bên trống mõ vang rền. Giặc bị đánh trước mặt lại sợ bị vây sau lưng, tướng quân dẫm đạp lên nhau chạy tháo thân, 5 sĩ quan và 280 lính Âu bỏ mạng.

Thường khi rút lui khỏi vòng vây giặc, người ta phải bí mật và đi tránh nơi có giặc. Vậy mà đêm 20 tháng 1 năm 1887, Đinh Công Tráng lại đánh thức giặc dậy, đánh thẳng vào chỉ huy giặc để rút. Thật táo bạo bất ngờ. Đúng giờ, pháo lệnh từ Ngọc Liễn nổ xé trời rồi các làng bên nổ lọng óc. Chiêng trống khắp nơi vang dậy. Ba cánh quân từ cứ địa như ba con rồng lửa lao thẳng vào sở chỉ huy của giặc rồi cất cánh bay đi trong biển đêm vang rền súng nổ và trống mõ. Giặc hốt hoảng bắn loạn xạ. Nghĩa quân rút khỏi cứ địa an toàn.

Do tương quan lực lượng chênh lệch về mọi mặt, Đinh Công Tráng chưa thể có những trận đánh lớn, những chiến dịch như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Song với lối đánh nhỏ như vậy, ông đã làm cho giặc nhiều phen bạt vía, gây cho chúng những tổn hại nặng nề về người và của, phủ soái Pháp phải ra lệnh tảo thanh sông Đáy, nhổ gai Ba Đình. Brít-xô chỉ huy đánh Ba Đình được phong tướng, nhưng chết vì kiệt sức.

Khi cầm quân đánh giặc, Đinh Công Tráng không phải là một võ quan cao cấp như Trương Công Định, không là đại khoa như quan Ngự sử Phan Đình Phùng. Ông chỉ là một cai tổng, vậy mà chỉ huy chiến trận chẳng khác nào những võ quan cao cấp, thao lược tài ba.

Không là một thủ lĩnh nghĩa quân có uy tín, một vị tướng thao lược, làm sao Đinh Công Tráng có thể tập hợp được dưới cờ đại nghĩa của mình các quan ngự sử triều đình, quan huyện, quan lang, cai tổng, tướng Cờ Đen, tướng sĩ, danh nho, sư sãi, phú hộ, lính Cờ Đen, lính Kinh, Mường, Thổ và liên quân Thanh Hóa - Hà Nam suốt mười lăm năm trời. Đúng là:

"Một lưỡi gươm thiêng, giết giặc, trừ gian, thân dẫu nát tiếng thơm tồn muôn thuở.
Ba vuông cờ nghĩa, cứu dân, giữ nước, nhà dẫu tan tiết rỡ tỏ ngàn năm".


Tiếc rằng, thuở ấy vua Tự Đức đã ra lệnh giải giáp các toán nghĩa quân, trách phạt các quan chống giặc và các vua sau còn sai phái các quan lại cầm quân phối hợp với giặc đánh phá, tiêu diệt các cuộc khởi nghĩa và cứ địa Ba Đình của Đinh Công Tráng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 09:01:20 pm »


Câu hỏi 27: Trong quá trình khởi nghĩa, có thể nói Đinh Công Tráng, như một người kỹ sư công binh tài ba tổ chức đắp lũy can thành độc đáo, sáng tạo. Hãy chứng minh nhận định trên?
Trả lời:


Tính chất của từng cuộc chiến tranh và các lực lượng tham chiến có thể khác nhau, nhưng nó là sự tồn vong của cả hai bên. Vì vậy đôi bên đều phải huy động cao nhất lực lượng vật chất, bao gồm: Con người, của cải, thành lũy, vũ khí, v.v... và lực lượng tinh thần gồm đường lối chiến lược, chiến thuật, chính trị, ngoại giao binh vận, tinh thần tướng sĩ và nhân dân, mưu lược trong từng trận đánh, từng chiến dịch trong suốt cuộc chiến tranh. Lực lượng chiến đấu trực tiếp phải được bảo tồn và phát triển về mọi mặt. Để đảm bảo điều đó phải có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thành lũy là rất quan trọng.

Căn cứ vào yêu cầu của thành lũy, căn cứ vào nguyên liệu, thời gian và chi phí cho xây dựng thành, căn cứ vào lực lượng, vũ khí giữa ta và địch thì các làng chiến đấu ở Thanh Liêm và cứ địa Ba Đình của Đinh Công Tráng độc đáo và sáng tạo, vừa thể hiện ý chí quyết tâm đánh giặc vừa thể hiện cái tài của người làm tướng.

Một là, nó triệt để sử dụng yếu tố tự nhiên ở từng vùng, tạo nên những đạo quân vô hình và ngăn giặc hữu hiệu ở hậu cứ rừng Chàng, "đạo quân" ấy là sông Đáy, ruộng trũng, núi đá, đầm lầy. Đinh Công Tráng chỉ mất chút ít công sức đào hào ven núi, trồng tre và cây có gai làm lũy. Ở các làng đồng chiêm trũng Thanh Liêm thì đồng trũng, lũy tre, rơm bùn cũng là những "đạo quân" cản giặc. Ở Ba Đình, Thanh Hóa thì cả một đồng nước sâu và ruộng mênh mông cùng lũy tre ngăn giặc. Rơm bùn, rọ đất là thành lũy chống đạn pháo và lửa cháy, bảo vệ nghĩa quân và lương thảo. Cứ địa còn nằm trong thế trận chung, xung quanh có nhiều độc sơn làm vọng gác, nhiều dãy núi làm tường thành che đỡ đạn từ xa. Nếu được phối hợp chặt chẽ với Mã Cao, Thạch Bằng sẽ tạo thành những vòng ngoài khi giặc tấn công. Con mắt quân sự của Đinh Công Tráng đã giúp ông khai thác triệt để yếu tố thiên nhiên và thế trận chung.

Hai là, ông đã xây dựng được thành lũy lòng dân vô hình nhưng hữu hiệu. Đó là đội nữ binh gây dựng cơ sở ở các làng. Như vậy, xét cho cùng đó cũng là thứ lũy thép ngầm đánh giặc ở các mặt: Nắm được tin giặc để đối phó, ví dụ: Nhờ anh Khâm (giáo dân bị điều đến làm phu) báo tin mà nghĩa quân bố trí bẻ gãy đợt tấn công của kẻ thù. Nhờ cô Thắm (vợ Bát Vĩnh - tên tay sai tin cậy của Mét-danh-giê) mà nghĩa quân được bảo vệ nhiều lần, phao tin gây cho giặc hoang mang, đánh lạc hướng chú ý của giặc (phao tin đánh thị xã Thanh Hóa để nghĩa quân bí mật xây thành). Che chở nghĩa quân: Anh Trí (một nghĩa quân) đã được cô Thắm và nhân dân cứu thoát khi giặc truy đuổi, khua trống mõ ban đêm để giặc hoang mang bắn như đổ đạn đi và khi giặc tấn công thì khua trống, giặc tưởng bị đánh sau lưng phải vội vã rút lui. Đêm 20 tháng 1 năm 1887, nghĩa quân rút khỏi Ba Đình, các làng xung quanh khua trống mõ, giặc không hiểu thế nào mà đối phó, giúp nghĩa quân rút lui an toàn.

Ba là, nguyên liệu xây thành và cách xây thành thật độc đáo, sáng tạo. Đó là dùng rơm bùn nhồi vào sọt đất xếp tựa vào lũy tre, tạo nên thành lũy chống được đạn pháo giặc. Bùn rơm là thứ rất dễ kiếm. Sọt tre dễ đan. Lũy tre có sẵn. Đó là thứ nguyên liệu dễ kiếm, dễ làm, ai cũng xây được. Thành xây bằng rơm bùn nhồi sọt đất, đạn súng máy bắn vào bị găm lại, đạn đại bác không phá mạnh vì rơm và bùn nhão quấn lại. Có sọt rơm nào vỡ thì ngay trong lúc lâm trận nghĩa quân vẫn có thể đưa sọt khác lên thay thế. Các công sự, hào, hầm chứa lương bằng rơm bùn vừa có tác dụng chống phá vừa chống lửa cháy, bảo vệ được nghĩa quân và lương thảo. Chính vậy mà trận pháo kích ngót 2 vạn quả đạn đại bác suốt 2 ngày đêm và lửa xăng thiêu đốt mà thành không vỡ, quân không chết, lương không mất, giúp nghĩa quân giáng cho chúng một đòn chí tử: tướng và quân giặc chết ngổn ngang, dẫm đạp lên nhau mà chạy.

Đinh Công Tráng đã khơi dậy được hùng khí dân tộc, xây dựng được chiến lũy lòng dân mới giữ được thành. Nếu không thì thành nào cũng vỡ. Thành Hà Nội kiên cố là vậy, tướng tài quân đông mà cả hai lần giặc chỉ đánh bốn tiếng là tướng chết quân tan, thành bị rơi vào tay giặc.

Cái sáng tạo của Đinh Công Tráng là đã triệt để khai thác địa hình thiên nhiên và lòng người, đặc biệt là biết dùng rơm bùn, một thứ đơn giản, dễ kiếm để chống lại sắt thép lửa đạn, vũ khí hạng nặng của địch làm cho giặc hao tiền tốn của mà không phá được thành, không diệt được nghĩa quân khiến kẻ thù của ông - tướng giặc Brít-xô cũng phải khâm phục.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.
2. Trần Huy Liệu, Lịch sử 80 năm chống Pháp, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.
3. Vè yêu nước chống đế quốc Pháp xâm lược, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1967.
4. Phan Trần Chúc, Ba Đình - truyện ký, Hà Nội, 1951.
5. Phong trào văn thân khởi nghĩa, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.
6. Cách mạng cận đại Việt Nam, Ban nghiên cứu Sử Địa, Hà Nội, 1955.
7. Tạp chí Lịch sử quân sự.
8. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM