Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:09:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 27130 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:02 pm »


Câu hỏi20: Gia đình đã có tác động, ảnh hưởng tích cực đến nhân cách của Đinh Công Tráng từ khi còn nhỏ cho đến khi trở thành thủ lĩnh nghĩa quân như thế nào?
Trả lời:


Đinh Công Tráng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc dòng tộc Đinh có từ lâu đời. Thân phụ là Đinh Văn Thành - một danh y nổi tiếng tâm phúc, nhân từ. Khi hành nghề, cụ lấy con bệnh làm trọng, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Người nào đến trước hoặc bệnh nặng chữa trước. Người đến sau, bệnh nhẹ chữa sau. Gia đình nghèo, cụ lấy giá phải chăng. Con bệnh quá nghèo khổ, cụ không lấy tiền. Cụ dặn dò cẩn thận người bệnh phải kiêng cữ gì khi uống thuốc. Cảm sốt nhẹ, cụ bày cho cách lấy lá quanh vườn tự chữa. Nhà giàu, kẻ có chức quyền hống hách, cụ khéo léo nhắc nhở cho bớt thói kiêu căng. Cụ cho rằng, với người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, điều quan trọng là làm cho họ tin tưởng và được thầy thuốc an ủi, thông cảm động viên. Cụ được mọi người kính trọng nên ngay từ khi tuổi chưa cao, bà con trong tổng đã gọi là cụ lang, tỏ ý tôn trọng.

Một phú ông ở thôn Bạc lâm bệnh nặng, chạy chữa nhiều nơi không khỏi, tưởng rằng chỉ nằm chờ chết. Còn nước còn tát, gia đình mời cụ lang Thành tới chữa. Sau một thời gian điều trị tận tình, phú ông khỏi bệnh. Như được tái sinh, cảm phục trước lòng tốt và tài năng của thầy thuốc, phú ông gả con gái út đang xuân cho cụ. Lúc này cụ lang đã ngoài bốn mươi tuổi vẫn muộn đường tử tức.

Đinh Công Tráng tướng mạo dĩnh ngộ, khỏe mạnh nhanh nhẹn, khẩu khí rắn rỏi nên cụ lang Thành rất yêu quý và ông đã trở thành người dạy chữ, dạy thuốc, dạy nhân cách đầu tiên của cậu.

Những ngày còn nhỏ, Đinh Công Tráng sáng đi học, chiều chăn trâu cắt cỏ. Ruộng đồng, rừng núi, đầm Chàng trở thành giang sơn hấp dẫn của cậu và đám trẻ trong làng. Tráng nổi lên như một người đứng đầu trong nhóm. Cậu bày đủ thứ trò chơi như đuổi bắt vịt trên sông, đứng trên mình trâu lội qua sông và đánh trận giả. Trẻ trâu làng Chàng thường đánh trận với trẻ làng Bạc, làng Hang hoặc làng Tâng. Và thường là trẻ làng Chàng thắng vì có Tráng chỉ huy. Có điều là khi bắt được "tù binh", cậu không đánh đập như trẻ làng khác, mà thường phạt bằng cách giam đứng trong vòng tròn hoặc trông trâu cho trẻ làng Chàng, hoặc giải thích như người lớn rồi cho về. Thấy bạn nghèo đói hơn mình, cậu thường lấy gạo nhà đem cho.

Lớn lên, Tráng theo học cụ Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị - một sĩ phu yêu nước. Qua việc giảng bài và việc thầy chiêu mộ 365 sĩ tử vào kinh xin vua Tự Đức cho đi đánh giặc ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng rất nhiều đến cậu. Bạn học của Đinh Công Tráng cũng nhiều người nghĩa khí. Đinh Công Tráng học giỏi, khẩu khí khác thường, được thầy yêu, bạn mến. Tuy vậy, cậu cũng chỉ học đến tam trường thì nghỉ về nhà theo cha làm nghề thuốc. Có lẽ vì chán cảnh quan trường mục nát mà Đinh Công Tráng bỏ đường khoa cử, chọn đường trị bệnh cứu người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:23 pm »


Từ nhỏ, Đinh Công Tráng đã nhiều lần theo hầu cha đi chữa bệnh. Vốn sáng ý, ham học hỏi lại có vốn chữ Hán nên cậu được cha tin cậy truyền nghề một cách trực tiếp. Cụ hướng dẫn tỉ mỉ cách nhận dạng thuốc lúc tươi, lúc khô, cách thu hoạch, sao tẩm, chế biến, bảo quản. Cụ đưa sách cho Tráng đọc trước rồi giảng giải sau. Cụ cho Tráng đi học cách bắt mạch, chẩn đoán bệnh, bốc thuốc, kê đơn.

Tráng cũng có thái độ đối xử với bệnh nhân và sự cẩn trọng như cha. Có con bệnh mê tín nghe theo lời bói lễ lạy rất tốn kém, ông khuyên họ muốn khỏi bệnh phải điều trị bằng thuốc. Nếu cần chỉ nên trầu nước, đèn hương kêu cầu phật thánh, tổ tiên phù hộ. Phật thánh ở trong ta, hiểu được thiện, ác trong từng người. Người tốt sẽ được phù hộ, người ác sẽ bị trừng phạt. Kêu cầu lễ lạy mà làm điều ác sẽ bị trừng phạt. Đinh Công Tráng luôn nhớ lời cha dạy. Thầy thuốc phải lấy y đức làm gốc và phải rất cẩn trọng. Chỉ sơ suất cắt nhầm thuốc, người bệnh có thể chết, dao cầu biến thành máy chém, thầy thuốc biến thành đao phủ giết bệnh nhân.

Cha Tráng là một người rất giỏi môn ngoại khoa và các bài thuốc trị bệnh phong sương, tả và ung nhọt, tinh thông nhâm cầm độn đoán.

Tóm lại, thuở nhỏ Đinh Công Tráng chịu ảnh hưởng tốt của gia đình, thầy học, bạn bè và quê hương. Ở nhà Tráng học được lối sống cần cù giản dị, chất phác của người nông dân, tiếp thu lòng nhân nghĩa, ý thức làm việc cẩn trọng của cha. Tới trường, Tráng học được nghĩa khí cao đẹp của thầy học "Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách". Đối với bạn bè, Tráng là thủ lĩnh tý hon của đám trẻ làng trong các trò chơi kích thích sự khỏe mạnh, lanh lẹ, thông minh.

Những điều đó như mầm mống khỏe mạnh, gieo trên mảnh đất trấn Sơn Nam giàu truyền thống bất khuất, nuôi lớn lên nhân cách của người lý trưởng, cai tổng, người thủ lĩnh nghĩa quân Ba Đình sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:40:17 pm »


Câu hỏi 21: Thầy học và bạn học đã có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của Đinh Công Tráng như thế nào?
Trả lời:


Thầy học của Đinh Công Tráng là cụ Phạm Văn Nghị, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1805 (tức ngày 4 tháng 11 năm Ất Sửu) tại thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Gia đình cụ Phạm Văn Nghị có truyền thống nho giáo, hiếu học, sống thanh bạch. Cụ đi học từ năm tám tuổi. Thầy dạy không ai là khoa bảng lớn, học vị cao nhất là cử nhân. Cụ vừa học vừa làm gia sư. Cụ kết bạn với danh sĩ Phạm Đức và tú tài Vũ Duy Thanh. Cụ học giỏi, thông minh nhưng thi cử không hanh thông, bốn kỳ thi hương mới đạt cử nhân. Năm ba mươi tám tuổi cụ thi hội, thi đình đậu liền Hoàng giáp thứ hai, chỉ kém Đình nguyên Cửu trường. Người đương thời gọi cụ là Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị. Phạm Văn Nghị mất ngày 11 tháng 01 năm 1881 (tức ngày 12 tháng Chạp năm Canh Thìn). Sinh thời cụ thành đạt ở nhiều lĩnh vực. Cụ là một vị quan thanh liêm thương dân. Năm 1839, cụ được bổ làm quan tri phủ Lý Nhân (gồm năm huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân - tức là cả tỉnh Hà Nam ngày nay). Sau đó cụ làm đốc học tỉnh Nam Định rồi làm doanh điền sứ. Trước thời kỳ này cụ chăm lo việc nông tang, cụ khai khẩn đất hoang, đê điều, học hành và trị an nên được nhân dân kính mến.

Cụ là một nhà giáo tận tụy với sự nghiệp, đào tạo được nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Cụ mở một trường học đặc biệt: Dạy cả văn võ (thuở ấy chưa ai mở loại trường này). Học trò của cụ nhiều người đỗ đạt cao, danh vọng lớn như: Tam nguyên Trần Bích San, Nguyễn Khuyến, Song nguyên Đỗ Huy Liệu, tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, Tống Duy Tân, phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Lã Xuân Oai, cử nhân Hiệp biện đại học sĩ, đại thần viện cơ mật Phạm Thận Duật, thủ khoa Nguyễn Cao... Nhà cụ có năm con trai thì một người theo nghiệp võ còn lại đều đỗ cử nhân, phó bảng. Nhiều học trò của cụ có chí khí và sự nghiệp lẫy lừng như: Đinh Công Tráng, Phạm Nhân Lý, Đỗ Huy Liệu, Đỗ Hữu Lợi, Hoàng Văn Tuấn, Trần Văn Gia, Lê Văn Tốn đều đỗ đạt cao, sau làm quan rồi làm thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp xâm lược. Nguyễn Khuyến làm Tổng đốc Tam tuyên (gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa). Khi nước mất, triều Nguyễn trở thành tay sai cho giặc, cụ cáo quan tỏ ý bất hợp tác với giặc. Thuở ấy cả nước có ba vị Tam nguyên thì trường của cụ có hai vị, Nam Hà có năm vị Hoàng giáp thì trường của cụ có bốn vị.

Cụ là một sĩ phu yêu nước. Năm 1858, giặc Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) xâm lược Việt Nam, thì ngày 29 tháng 2 năm 1860 (khi cụ đã 56 tuổi), cụ tổ chức đoàn nghĩa dũng gồm 365 người trong đó có 5 cử nhân, 8 tú tài và nhiều học trò vào kinh đô Huế xin vua đánh giặc với bản "Trà Sơn kháng sớ" nổi tiếng. Không được vua Tự Đức chấp nhận, cụ trở về dựng cờ nghĩa. Ngày 10 tháng 12 năm 1873, cụ đánh giặc ở Độc Bộ, bắn tàu giặc, giết chết ba tên lính Âu. Cụ còn cấp vũ khí, binh quyền cho Đinh Công Tráng đánh giặc ở Thanh Liêm. Sau đó cụ về Yên Hòa cùng học trò là Phạm Nhân Lý tổ chức nghĩa quân chống giặc ở Ý Yên.

Ngoài ra, cụ còn là một nhà thơ của dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:40:43 pm »


Bạn học của Đinh Công Tráng có rất nhiều người đỗ đạt cao danh vọng lớn, có nghĩa khí. Nhiều bạn học của ông tham gia trong đội nghĩa dũng vào Huế xin đánh giặc. Một số người trở thành những vị quan có chí cứu nước như:

Trần Bích San (1840-1877): quê Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định, đỗ đầu thi hương, thi hội, thi đình (Tam nguyên), muốn mang tài năng giúp nước, vạch rõ nạn tham nhũng, đề xuất cải tổ giáo dục, tuyển chọn nhân tài, phòng bị đất nước.

Vũ Hữu Lợi (1846-1887): quê Dao Cù, xã Đông Sơn, Nam Ninh, Nam Định. Đỗ tiến sĩ năm 1875, đốc học Nam Định, thương biện Nam Định, tả ty Bộ binh. Năm 1884, nhà Nguyễn đầu hàng Pháp, ông bỏ quan chuẩn bị khởi nghĩa, bị bạn là án sát Nam Định Vũ Văn Báo phản bội, ông bị bắt và bị xử tử vào ngày 30 Tết năm Bính Tuất.

Hoàng Văn Tuấn (1823-1892): quê Đô Hoàng, Ý Yên, Nam Định, đỗ giải nguyên. Năm 1873, Hoàng Văn Tuấn tham gia tập hợp văn thân đánh giặc ra khỏi Thanh Liêm, Phủ Lý, sau bị phát vãng 10 năm.

Trần Văn Gia (1836-1892): quê Hải Trung, Hải Hòa, Nam Định, đỗ cử nhân năm 1868, làm quan nhà Nguyễn. Năm 1884, Trần Văn Gia cáo bệnh về nhà dạy học, sau lên Bắc Giang theo Đề Thám.

Đỗ Huy Liệu (1844-1891): quê Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định. Năm 1867, Đỗ Huy Liệu đỗ giải nguyên. Sau vụ đánh úp Huế không thành, ông bỏ về quê. Gia đình tan nát vì bọn phản động trả thù. Nước mất, nhà tan, ông nhẫn nhục nuôi mẹ. Khi mẹ chết ông cũng chết theo.

Lê Văn Tốn: quê Kinh Truật, Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam, theo Đinh Công Tráng đánh giặc. Sau khi bị giặc bắt, trên đường ra pháp trường ông đã ngâm một bài thơ tự sáng tác nói lên khí phách của mình.

Phạm Nhân Lý: quê An Hòa, Ý Yên, Nam Định. Phất cờ khởi nghĩa cùng Đinh Công Tráng và thầy học đánh giặc ở Nam Định, sau vào Ba Đình theo Đinh Công Tráng.

Tống Duy Tân: Đỗ tiến sĩ, sau làm quan Chánh sứ Sơn phòng, là thủ lĩnh nghĩa quân Hùng Lĩnh giai đoạn III của phong trào Cần Vương Thanh Hóa.

Vũ Ngọc Thìn: Em của Vũ Hữu Lợi, vào Ba Đình theo Đinh Công Tráng chống giặc.

Nguyễn Khuyến (1835-1899): quê thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Năm 1871, đỗ đình nguyên (3 lần đỗ đầu) làm quan triều Nguyễn, bất mãn với triều đình, ông không nhận Tổng đốc Tam nguyên, tỏ thái độ bất hợp tác với giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:42:03 pm »


Câu hỏi 22: Khi làm lý trưởng, cai tổng, Đinh Công Tráng đã thể hiện là một vị chức sắc thương dân như thế nào?
Trả lời:


Triều đình nhà Nguyễn ngày càng mục nát. Bọn quan lại địa phương và địa chủ cường hào câu kết với nhau ức hiếp, bóc lột dân lành. Người nghèo cực khổ, điêu đứng. Đinh Công Tráng nhận thấy làm thuốc chỉ chữa được bệnh chứ không trị được lũ ác bá. Muốn bênh vực được người nghèo, che chở cho dân làng cũng phải có vị trí trong xã hội. Vậy nên ông xếp dao cầu ra tranh chức lý trưởng rồi đắc cử cai tổng.

Thời kỳ này ông đã làm được một số việc có lợi cho dân làng. Ông khôn khéo gạt bỏ lũ sâu mọt, đưa người được dân tin cậy vào chính quyền hương lý; lập lại các loại sổ đinh, sổ điền, sổ quỹ; quy định cách thức làm việc và phân công rõ ràng chức trách từng chức dịch.

Dựa vào hội đồng hương lý và hội đồng tộc biểu, ông quy định cụ thể, công khai việc khai thác tận dụng mọi loại đất đai ngoài thổ canh, thổ cư và các mối quan hệ giữa dân làng với nhau, giữa dân với chức dịch.

Ông lập đội tuần phu mạnh đánh cướp giữ làng, sẵn sàng trừng trị kẻ phá hoại, răn đe bọn nhà giàu ức hiếp người nghèo. Tuần phu là những chàng trai khỏe mạnh được luyện tập võ gậy. Ông còn tổ chức cho nam giới từ mười tám tuổi đến bốn mươi lăm tuổi học võ gậy. Hàng năm vào ngày lễ hội có thi đấu, ông quy định khi có trống ngũ liên, tù và rúc liên hồi, mỗi nhà ít nhất phải có một người khỏe mạnh mang theo gậy gộc, giáo mác tới góp sức. Thuở ấy giặc cướp như rươi. Chúng kéo từng đoàn đánh trói người, cướp thóc lúa, trâu bò, nồi niêu. Có khi chúng cướp cả ban ngày. Làng bên thấy vậy không dám đến cứu giúp. Nhưng bọn cướp đi cướp nơi khác về qua khúc sông Chàng cũng bị đánh tơi bời. Chúng phải đem trầu rượu đến lễ thánh, xin phép cho đi qua khúc sông Chàng và hứa nội gia cư, ngoại đồng điền thuộc địa phận làng Chàng không dám xâm phạm. Truyền thống đánh cướp và võ gậy được duy trì đến năm 1947.

Ông tổ chức khơi ngòi từ sông Đáy vào đầm Chàng, chia cánh đồng nơi đây thành hai nửa. Đồng làng cũng có ngòi chạy từ cống Chàng tới cống Tâng. Hai ngòi này tiện lợi cho dẫn thủy nhập điền, vận chuyển phân tro, thóc lúa... Tháng ba mưa rào cá từ sông Đáy vào hai ngòi, đầm và đồng Chàng biến thành chậu cá buông. Cá từ sông Đáy và cánh đồng cả huyện dồn về, cống Chàng trở thành cái đó đơm cá.

Ông cho dân được trồng tre ven đường sau đồng (phía đông) và bờ ngòi (phía nam) làng, cho dân được khai phá cánh đồng lầy thụt Dải Cờ, nhưng hàng năm phải nộp cho làng từ một đến hai phần mười hoa lợi. Như vậy dân có ruộng cấy, có tre làm nhà, đan lát mà làng cũng có thu nhập chút ít cho công quỹ. Đầm Chàng là nơi thả trâu cắt cỏ. Cuối tháng Chạp hoặc tháng Giêng, làng tát đầm, mở hội. Tại núi Đá Rãi, ông đặt lệ hai hoặc ba năm mới được đốn củi một lần. Từ đó gọi là rừng Cấm, cây cối um tùm, chim, thú kéo về làm tổ sinh con. Tre quanh làng mọc thành lũy dày, chim cò kéo về sinh sống, đêm hôm trộm cướp khó vào làng. Trong bia thờ ở đình làng có ghi: Ông xuất mấy ngàn quan tiền của gia đình giao cho vợ cả là Nguyễn Thị Chủ tu sửa đình chùa, tôn lập văn chỉ các tòa nguy nga đường bệ, định lễ nhạc, đắp bồi phong tục thuần hậu. Ông còn mở chợ Chàng giao lưu buôn bán. Thuở ấy trong vùng rất ít chợ. Ông hiến cho làng 8 mẫu ruộng giao cho ba giáp cày cấy, hàng năm dùng vào việc chung.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:42:31 pm »


Thuở ấy dân tình khốn khổ. Trước công đường, ông cự lại nạn sưu dịch, phù thu lạm bổ nặng nề. Bọn quan lại tuần thú, các làng phải phục dịch đón tiếp tốn kém. Ông tìm cách bỏ lệ đó. Mỗi khi quan lại qua sông Đáy gõ trống "Tong! Tong!", ông cho tuần phu nổi hiệu lục soát rồi vin cớ bây giờ "trộm cướp giả dạng thầy tu" mà bỏ lệ đón tiếp.

Bọn cố Tây lợi dụng sự mê tín của giáo dân mà bãi bỏ thờ phụng tổ tiên, chia rẽ giáo lương, mưu đồ xâm lược. Ông căm ghét bọn chúng. Một lần lên thăm nhà bố vợ là Lý Đồng ở Võ Giang, ông đã bắt giữ một cố Tây ba ngày. Nhà xứ Kẻ Sở phải huy động tay chân mang giáo mác, gậy gộc đến giải vây.

Ông ghét thói gian lận bóc lột dân nghèo. Một lần sang nhà bố vợ ở thôn Mụ, xã Thanh Tâm, thấy vợ mình dùng thủ đoạn lừa gạt tá điền đến nộp tô để bóc lột, ông đã trách mắng vợ. Những năm mất mùa, đói kém, ông tổ chức phát chẩn cho dân nghèo.

Hàng năm vào ngày đại kỳ phúc, ông thường mở lễ hội tôn vinh các bậc anh hùng thờ ở đình làng, tổ chức các trò chơi hoặc thi đấu gậy, cờ tướng, bơi lội, diễu lâu thuyền (theo tích Quý Minh Đại Vương dẹp tặc binh). Những ngày ấy, ông đặt ra lệ mới: Cho đàn bà quyền được tới dự và hưởng cốc bàn trước cả quan viên. Ông giải thích với kỳ hào, kỳ lý rằng: "Đàn bà phải suốt đời phục dịch chồng con, không bao giờ được ra chốn đình trung miếu sở".

Nhờ các việc làm đó, ông được dân làng mến phục, nghe theo, đồng tâm hiệp lực tạo nên sức mạnh đánh cướp, chống tham nhũng.

Cha con Thừa Diệu ở thôn Yên Phú, xã Thanh Hương là một địa chủ cường hào gian ác, lợi dụng chức quyền lộng hành, tham nhũng. Đinh Công Tráng vận động dân làng chống lại. Cuộc đấu tranh âm ỷ lâu dài. Diệu dựa thế quan trên và cố Tây, thách thức ngang ngược dẫn tới cuộc tranh tụng quyết liệt. Diệu vu cho Đinh Công Tráng đóng cống Chàng làm ngập cánh đồng hơn trăm mẫu của hắn. Đinh Công Tráng tố cáo Diệu: Đánh dân trái phép, trốn lậu thuế nhà nước, cướp đoạt ruộng đất làng Chàng, chứa chấp giáo sĩ ngoại bang, chia rẽ giáo lương, mưu đồ bán nước. Cuộc tranh tụng kéo dài. Cuối cùng vào tới Bộ Hình xét xử, biết Diệu nhiều tiền đút lót quan trên lại có thế cố Tây từ trong kinh, ông đi trước và lập kế "Ve sầu thoát xác" để lừa đối thủ. Trên đường vào kinh theo kiện, Diệu thấy mộ Đinh Công Tráng bên đường ở Tam Điệp, hắn bèn hỏi dân tình rồi hý hửng trở về mở tiệc ăn mừng. Trong khi đó Đinh Công Tráng lẳng lặng vào kinh. Diệu bị Bộ Hình xử phạt: Phải trả ruộng cho làng Chàng và "Thượng nhất bách đồ tam thiên lý" (Đánh trăm gậy đày ba ngàn dặm). Nghe tin đó, Diệu trốn vào Kẻ Sở, nhờ cố Pháp (gọi là cha Liêu) cấp giấy và tiền đi đường cho hắn trốn vào Nam.

Thể theo ý dân, Đinh Công Tráng chia đều số ruộng trên theo suất đinh, gọi là ruộng "Phạm sản”. Thắng lợi này làm cho bọn cường hào, địa chủ, quan lại tham nhũng khiếp uy, nông dân thoát ách tô cắt họng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 10:43:05 pm »


Sau khi Đinh Công Tráng thất bại ở Ba Đình, hội truyền giáo dựa thế Tây trắng trợn chiếm lại số ruộng trên giao cho tá điền công giáo với mức tô cắt cổ: Mỗi mẫu năm mươi thúng thóc. Đúng như cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Bên cạnh các thế lực phần đời còn có các đấng cứu thế phần hồn nữa. Các đấng này trong khi truyền bá đức nghèo cho người Việt Nam cũng không quên tìm cách làm giàu bằng mồ hôi nước mắt người bản xứ".

Từ khi Đinh Công Tráng làm lý trưởng, cai tổng, xóm làng đã bình yên. Dân làng đỡ khốn khổ vì nạn trộm cướp, bóc lột áp bức của bọn cường hào ác bá và đấu tranh chống tên Thừa Diệu tham nhũng thắng lợi.

Có được kết quả trên trước hết là do Đinh Công Tráng ra làm quan (chỉ là cai tổng) với mục đích che chở bênh vực dân làng, nhất là người nghèo. Với địa vị xã hội và quyền hạn của mình, ông đã thực hiện được một số việc làm tốt đẹp:

Một là, gạt bỏ được bọn sâu mọt, xây dựng được bộ máy chính quyền hương lý có uy lực; Hai là, thực hiện được dân chủ cộng đồng làng xã. Tuy hình thức dân chủ đó chưa được như nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và quy chế dân chủ (Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra) như chúng ta ngày nay nhưng ông đã dựa vào ý dân thông qua hội đồng tộc biểu; Ba là, do điều kiện lịch sử, việc xây dựng làng xóm của ông chưa thể toàn diện và ở mức cao như chúng ta ngày nay nhưng ông đã triệt để khai thác những điều kiện tự nhiên của quê hương để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp, chú ý xây dựng xóm làng khá toàn diện: kinh tế, trị an, văn hóa xã hội, phong tục tập quán; Bốn là, các việc làm của ông đều kết hợp được lợi ích nhiều mặt, lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích giữa từng gia đình với cả làng. Một số việc làm khá tiến bộ, gần gũi với những việc đang làm của chúng ta hiện nay.

Việc cho dân trồng tre bên đường, bên bờ ngòi giúp cho bản thân người trồng có lợi, dân làng cũng có lợi, ngoài ra còn tạo cảnh quan môi trường, cân bằng sinh thái và ngăn được trộm cướp, phong cảnh làng xanh đẹp thanh bình. Việc khơi ngòi đồng núi lợi về dẫn thủy nhập điền phục vụ sản xuất nông nghiệp, lợi giao thông vận chuyển, lợi cho việc dẫn cá vào đầm. Như vậy ông đã triệt để khai thác được các nguồn lợi tự nhiên phục vụ dân sinh một cách có tổ chức, có kế hoạch. Việc đặt quyền lợi mới cho phụ nữ được tới dự những ngày đại kỳ phúc và hưởng cốc bàn trước cả quan viên khiến ta liên tưởng tới ngày 8 tháng 3 hiện nay.

Ở thời kỳ ấy, một lý trưởng, cai tổng có tấm lòng thương dân, yêu làng và làm được như vậy quả là đáng quý, đáng ca ngợi và noi theo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:39:17 pm »


Câu hỏi 23: Lòng yêu nước thương nòi của Đinh Công Tráng được thể hiện ngay từ khi còn nhỏ và phát triển mạnh mẽ cho đến khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, điều này được thể hiện như thế nào?
Trả lời:


Yêu nước thương nòi là phẩm chất cao quý của các bậc anh hùng. Nhưng ở mỗi thời đại, mỗi con người cụ thể, phẩm chất đó được biểu hiện ở những mức độ khác nhau.

Dưới chế độ phong kiến, lòng yêu nước được thể hiện ở tư tưởng trung quân ái quốc, hôn quân bạo chúa hay thánh đế minh vương, lão quân hay ấu chúa bảo gì nhất nhất quan lại phải theo, không được trái lời. Vua đã xuống chiếu, thần phải tuân chỉ, bất luận đúng hay sai "quân xử thần tử thần bất tử bất trung", vậy nên mới có chuyện Lý Trần Quán tự chôn sống mình vì học trò bắt chúa Trịnh nộp cho Tây Sơn. Ông ta cho việc làm của mình là trung quân ái quốc.

Ngày nay quan niệm của chúng ta yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, thương nòi là thương nhân dân lao động. Yêu nước đúng đắn, triệt để, tính tích cực của chúng ta là: Đấu tranh để bảo vệ và xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta, để xây dựng một xã hội không có áp bức bóc lột, nước mạnh dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Do hoàn cảnh lịch sử lúc đó, cũng như những thủ lĩnh khác, lòng yêu nước thương nòi của Đinh Công Tráng không thể như chúng ta ngày nay được nhưng rất nồng nàn sâu sắc, mang yếu tố tích cực, triệt để, gần gũi quan niệm của nhân dân lao động và của chúng ta ngày nay.

Từ thuở còn là cậu bé chăn trâu, Đinh Công Tráng chưa hiểu thế nào là yêu nước thương nòi nhưng chắc chắn cánh Rỉnh, mả Giô, đầm và rừng Chàng mà ông cùng các bạn chăn trâu tập trận, vật võ, bắt sáo, đuổi chim, bơi lội là giang sơn đầy hấp dẫn, yêu thích. Ông đã yêu "đất nước" nhỏ bé và thương những "đồng bào" nhỏ bé ấy. Bạn nào nghèo đói ông thường lấy gạo nhà mình đem cho. Lòng yêu nước, yêu đồng bào thuở thiếu thời của Đinh Công Tráng được bắt nguồn từ những điều bé nhỏ đó.

Tình yêu nước thương dân lớn dần theo năm tháng. Lớn lên ông theo cha làm thầy thuốc, hết lòng cứu chữa bệnh nhân, nhất là những người nghèo khổ. Việc làm này phần nào làm vơi đi nỗi khổ đau của người bệnh và gia đình họ. Thế nhưng thầy thuốc không trị được căn bệnh tham nhũng - ung nhọt của xã hội thời Tự Đức, bảo vệ dân lành nên ông xếp dao cầu ra làm lý trưởng rồi đắc cử cai tổng. Ông cho rằng muốn bảo vệ được dân làng cũng phải có chức quyền, có thế lực mới chống được cường bạo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:39:47 pm »


Nhà nước nào cũng có hệ thống quan lại, nhưng khác nhau ở mục đích làm quan. Có kẻ làm quan để vinh thân phì gia, vơ vét của công, bóc lột nhân dân. Có người làm quan để khỏi mang tiếng "dựa cột đầu sai phận bạch đinh", nhưng cũng có người làm quan để che chở mưu lợi cho dân, phò nghiêng chữa lệch cho nước. Thời nào cũng có quan thanh liêm, cương trực, ích quốc, lợi dân; cũng có quan tham bạo, sâu dân, mọt nước. Ngay cả dưới chế độ ta, được Đảng giáo dục rèn giũa mà cũng không ít quan chức, cán bộ, đảng viên dựa vào chức quyền để đục khoét của công, bóc lột, hà hiếp nhân dân dưới nhiều hình thức, thủ đoạn.

Ở thời ấy, Đinh Công Tráng làm lý trưởng, cai tổng để bảo vệ xóm làng, che chở cho dân. Cụ thể là: Dám cự lại quan trên về phù thu lạm bổ; xây dựng đội tuần phu mạnh, đánh cướp, giữ làng; tự bỏ tiền nhà tu bổ đình chùa, lập văn chỉ, đắp bồi văn hiến, khuyến khích đạo học, mở chợ Chàng để lưu thông hàng hóa, thông chế định việc khai thác các loại đất đai tài nguyên; hiến ruộng cho làng cấy cày dùng vào việc công ích; cao hơn cả là tố cáo Thừa Diệu về tội đánh dân trái phép, trốn lậu thuế nhà nước, cướp đoạt ruộng đất của làng, chứa chấp giáo sĩ ngoại bang, mưu đồ bán nước.

Rõ ràng thời kỳ này, lòng yêu nước thương nòi của ông là ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp bình yên, chống tham nhũng, bảo vệ dân lành và phép nước. Lòng yêu nước thương nòi thật thiết thực, gắn bó với nhau.

Biết con đường đánh giặc của mình là lâu dài, hiểm nguy nên khi phải rút khỏi Thanh Liêm, ông khuyên các bà vợ đi lấy chồng khác để các bà đỡ thiệt thòi đường con cái, gia đình.

Ông cũng nhìn ra năng lực của họ nên đã trao quyền cho bà Sáu Nhung - người vợ trẻ đẹp, giỏi giang - chuyên lo việc binh lương. Vào Ba Đình, bà trở thành một "nội tướng" có uy tín. Bà lo lương thực, thuốc men ở cứ địa và đội nữ binh bí mật dò xét tin tức địch suốt từ thị xã Thanh Hóa đến Ninh Bình, gây cơ sở ở các làng quanh Ba Đình để che chở nghĩa quân, khua trống mõ trợ oai và quấy rối địch. Đội quân này hoạt động khá hiệu quả làm cho giặc mất ăn mất ngủ, tốn phí đạn dược. Có lần ông nói với bà Sáu Nhung: Nước ta từ xưa đến nay đánh giặc, người đàn bà anh hùng đâu phải hiếm. Kể mấy tên như Bà Trưng, Bà Triệu thì đã đành rồi, nhưng bao nhiêu người khác tài sức tuy có kém hơn mà sử sách không hề nhắc tới thì thật vô lý. Những người lo toan việc nuôi quân vất vả như bà, tôi nghĩ sau này người viết sử cũng phải ghi vào đôi ba dòng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 08:40:22 pm »


Biểu hiện cao nhất thể hiện lòng yêu nước thương nòi của Đinh Công Tráng là tinh thần xả thân cứu nước. Trước nạn ngoại xâm, triều đình hèn nhát bán nước, tay sai phản động nhung nhúc, quan lại phân hóa rã rời. Người bỏ chạy, kẻ theo Tây như Trần Tiến Thành. Cũng có người cáo quan về ở ẩn tỏ thái độ bất hợp tác với giặc và triều đình tay sai. Có người dùng ngòi bút của mình vạch mặt kẻ thù, lên án lũ tay sai, ca ngợi nghĩa quân như Nguyễn Đình Chiều:

"Thà cho trước mắt mù mù
Chẳng thà ngồi ngó kẻ thù muôn dân".

Có người khi giặc đến thì vào sinh ra tử, dũng cảm chiến đấu chống giặc, nhưng khi giặc tan, quốc thái dân an lại quan niệm: "Tướng là chim ưng, dân là vịt”. Vậy thì vịt phải làm mồi cho chim ưng ăn là lẽ đương nhiên rồi. Thế là yêu nước thương nòi tách nhau.

Ở Đinh Công Tráng, lòng yêu nước thương nòi cũng mang yếu tố tích cực, đáng để chúng ta và con cháu muôn đời noi theo. Hồi làm cai tổng, ông là một vị quan thanh liêm cương trực, ra sức xây dựng xóm thôn giàu đẹp bình yên, đấu tranh chống bọn cường hào ác bá, quan lại tham nhũng, bảo vệ dân lành, giữ gìn phép nước.

Khi giặc Pháp xâm lược tràn đến quê hương thì ngay lập tức ông chiêu mộ nghĩa quân, kêu gọi văn thân đánh giặc suốt 15 năm trời. Thua trận này bày trận khác, mất nơi này đến nơi khác. Đâu có người nghĩa khí là tìm đến liên kết. Đâu có giặc là tìm đến đánh giặc. Chỉ là một cai tổng binh thư chưa học, võ trận chưa tường, không quân đội, không vũ khí, thành lũy, lương thảo, quân trang, vậy mà ông đã dựng cờ nghĩa đánh lại một kẻ thù to lớn, giàu có, binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân, lại có triều đình phong kiến tay sai và giáo sĩ phản động hiệp sức. Lá cờ đại nghĩa, lưỡi kiếm diệt thù của ông đã tung hoành ở Thanh Liêm - Hà Nam, Nam Định, Sơn Tây, Bảo Hà, Phú Thọ, Sông Thao rồi về Hà Nội, Hà Đông - Hà Nam, Ninh Bình, Hoà Bình và tỏa sáng ngời ngời ở Ba Đình - Thanh Hóa, lấp lánh ở Thượng Lào - Nghệ An. Ông đã khơi dậy được hùng khí trong lòng nghĩa quân, biến những nông dân nghèo khổ thành những dũng sĩ diệt thù. Ông đã biến rơm bùm, rọ đất, hòn đá, bờ tre, muối ớt, ổi xanh thành vũ khí hữu hiệu chống lại đại bác, thần công của giặc, biến những làng xóm đồng lầy thành pháo đài, thành lũy diệt thù.

Từ trong cuộc đấu tranh vệ quốc đó ta thấy bật lên lòng yêu nước thương nòi triệt để của ông. Thời ấy, trung quân ái quốc là tư tưởng, là ý thức chủ đạo của quan lại, sĩ phu. Đinh Công Tráng cũng nhận thức được điều đó. Nhưng ông không trung quân một cách mù quáng. Ông không trung với vua hèn nhát đầu hàng nên ông trả lại chức tước triều đình, đi tìm người cứu nước khi triều đình ký hiệp ước 1874. Rõ ràng là ông bất tuân lệnh Tự Đức. Nhưng khi Tôn Thất Thuyết thay vua Hàm Nghi thảo hịch Cần Vương thì Đinh Công Tráng sẵn sàng vào Ba Đình ứng chiếu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM