Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:29:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 26967 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:37:39 am »


3. Tinh thần kiên cường chống trả giặc Pháp

Một chiến lũy lợi hại như căn cứ Ba Đình là cái gai nhức nhối trước mắt thực dân Pháp. Bởi vậy mà chúng quyết tâm tiêu diệt bằng được khu căn cứ. Người Pháp đã tập trung lực lượng mở những cuộc càn quét và bao vây nghĩa quân. Ngày 18 tháng 12 năm 1886, quân Pháp đã mở đợt đại tấn công lần thứ nhất bằng pháo lớn. Kết quả chúng đã phải trả một giá rất đắt, chiếm được mấy làng nhỏ thuộc phòng tuyến thứ nhất nhưng binh lính chết khá nhiều. Sau đợt thua đau này, chúng trở lại với cách bao vây như cũ nhằm ngăn chặn việc tiếp tế từ ngoài vào trong và mọi con đường từ trong ra ngoài. Đồng thời chúng huy động thêm nhiều lực lượng từ nơi khác về để đối phó với nghĩa quân.

Đầu năm 1887, quân Pháp tập trung một lực lượng lớn chuẩn bị tấn công khu căn cứ lần thứ hai. Đợt tấn công này do đại tá Brít-xô làm tổng chỉ huy. Toàn bộ lực lượng gần 3.400 quân lính, trong đó có tới 1.580 lính Pháp; 10 cỗ đại bác 81 ly, 4 cỗ đại bác 95 ly, 4 cỗ đại bác 65 ly và 4 khẩu súng thần công cổ xưa. Lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của 14 sĩ quan cấp tá và 5 sĩ quan cấp úy. Ngoài ra còn 4 pháo hạm từ ngoài biển yểm hộ cho đường tiếp tế của quân Pháp.

Ngày 6 tháng 1 năm 1887, quân Pháp nổ pháo tấn công căn cứ của nghĩa quân Ba Đình. Nhưng khi tiến sát tới chiến lũy, quân giặc đã gặp phải các hàng rào tre và sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân nên đành phải rút ra, bỏ lại xác chết của 4 sĩ quan và nhiều binh lính.

Sau lần ấy, người Pháp đã phải bỏ cái mộng xung phong vào chiến lũy của ta, xoay sang chiến thuật khác. Chúng bao vây chặt chẽ, không cho trong đánh ra và đối phó với ở ngoài đánh vào. Đồng thời chúng tập trung pháo lớn bắn vào phía trong căn cứ. Nhờ vậy chúng đã tiến sát dần vào chiến lũy. Ngày 20 tháng 1 năm 1887, chúng cho vòi rồng phun xăng vào các bụi tre và đốt cháy. Ngọn lửa lan nhanh, nghĩa quân không thể dập tắt hết đành phải chuyển sâu vào phía trong. Đại bác của địch lại rót mạnh hơn. Thừa thế, quân Pháp giẫm lên xác lính của chúng tiến sâu vào pháo đài. Đã đến lúc nghĩa quân phải mở một con đường máu để thoát ra. Chập tối hôm ấy, lãnh tụ của nghĩa quân là Đinh Công Tráng hạ lệnh cho nghĩa quân thoát ra ngoài, hợp với lực lượng ở bên ngoài đánh vào. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, một số lớn quân Pháp bị tiêu diệt. 8 giờ sáng hôm sau, quân Pháp lọt được vào trong căn cứ. Để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân lại cùng với lãnh tụ Đinh Công Tráng tạm rút về một căn cứ mới là Mã Cao.

Ngay sau khi phá căn cứ Ba Đình, chỉ huy Pháp Brít-xô đã cho triệt hạ ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê và đòi Nam triều xóa tên ba làng trên bản đồ. Nhưng giặc Pháp dù có đe dọa, đàn áp dã man đến đâu cũng không dập tắt được tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Tuy cuộc khởi nghĩa không thành công nhưng tinh thần dũng cảm và trí sáng tạo của nghĩa quân Ba Đình mãi mãi là niềm kiêu hãnh của dân tộc ta trong lịch sử oanh liệt chống giặc ngoại xâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:40:39 am »


Câu hỏi 17: Đinh Công Tráng đã làm cho giặc Pháp khiếp sợ về sự dũng cảm và mưu trí của ông, chúng đã liên tục bị Đinh Công Tráng làm cho thất bại trong âm mưu xóa bỏ Ba Đình, những đánh giá của chúng về Đinh Công Tráng và căn cứ Ba Đình đã dần thay đổi như thế nào?
Trả lời:


Trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Thanh Hóa đánh nghi binh vào phố Găng, cầu Cừ, Tam Cao và phao tin đánh thành Thanh Hóa. Giặc tưởng Trần Xuân Soạn từ Vĩnh Lộc, Yên Định hợp quân với Tống Duy Tân, Cao Điền, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước đánh thật nên dồn quân về giữ. Trong khi đó Đinh Công Tráng yên trí xây dựng căn cứ ở Ba Đình. Đó là sơ hở lớn nhất của giặc đã khiến chúng ân hận, tức tối.

Tháng 8 năm 1886, xứ Dừa bị nghĩa quân triệt hạ. Cô Phước, cha Sáu phải kêu lên "quân phiến loạn hoàn toàn làm chủ Thanh Hóa". Khi Ba Đình xây dựng xong, Phước, Sáu hoảng hốt coi như bị một cái đinh cắm vào cổ họng địa phận Phát Diệm.

Tháng 9 năm 1886, cố Phước viết thư "chỉ cần một đại đội quân viễn chinh cũng đủ hạ quân phiến loạn ở Ba Đình... Cuộc khởi loạn có nhiều căn cứ kháng chiến nhưng Ba Đình là chính, một khi bị triệt hạ, những căn cứ khác khắc bị diệt gọn trong một vài ngày"1.

Trước tình hình các cuộc khởi nghĩa ở Thanh Hóa đang phát triển sôi nổi, cha Sáu liên tiếp viết thư thúc giục cố Phước xin thống sứ Pháp cấp súng cho giáo dũng Phát Diệm, Thanh Hóa và đem quân chinh phạt Ba Đình. Phước trả lời Sáu:

"... Khi quan thống sứ ra Kẻ Sở dự lễ sắc phong, tôi đã tường trình với ngài về việc quân phiến loạn mở rộng địa bàn hoạt động... Tôi đã xin quan thống sứ cấp thêm súng ống cho dân bổn đạo, nhưng khi về Hà Nội quan đã trả lời là: Nếu nhận lời thỉnh cầu của tôi chỉ gây thêm một cuộc chém giết vô ích... Đó là một lời lẽ khó hiểu khi chúng ta đang cần nhiều tay súng để trấn áp tận gốc quân phiến loạn... Theo tôi, nếu các nhà cầm quyền chưa chịu hành động thì ta cứ hành động trước".

Ngày 24 tháng 10 năm 1886, Phước lại năn nỉ thống sứ Pôn-be. Pôn-be trả lời: "Việc cấp súng cho cha Sáu sẽ có nhưng tôi còn bàn thêm với tướng Vác-nơ, e không được như yêu cầu... Việc chinh dẹp quân phiến loạn, đức cha cứ để bên tướng Vác-nơ toàn quyền sử dụng quân đội của mình, không nên làm vướng chân họ..."2.

Thống soái Gia-mông điều trung tá Đốt vào tiêu diệt Ba Đình, có kèm theo một bức thư: "Một cuộc nổi loạn như Ba Đình sẽ hết sức nghiêm trọng. Phải gấp rút tiêu diệt Ba Đình để chúng ta nhanh chóng đặt một nền bình trị Pháp trên toàn bộ xứ Bắc Kỳ này ăn thông với xứ Trung Kỳ, mà Thanh Hóa là một dẫn chứng không tốt đẹp gì cho chúng ta nếu bên Pháp, Quốc hội bắt phải điều trần. Nếu không được như thế sẽ mất hết cả vùng đất mà chúng ta đã phải kéo dài bao nhiêu năm mới chinh phục nổi"3.

Sau hai ngày đầu chiếm được Nghi Vịnh, Tuấn Đạo, Sên, Sa Loan, Hoàng Thổ, trung tá Mét-danh-giê nói với Đốt: "Đánh Đinh Công Tráng trong cái thành Ba Đình này không khó. Nó mời ta đến vây đánh, lại nằm yên tại chỗ giữa đồng nước mênh mông để cúi đầu chịu đòn. Đúng là một tay mù tịt về quân sự, dám cả gan dàn trận địa trước nòng súng đại bác, khi nó chỉ có súng nạp hậu và gươm đao. Ngày mai ta dàn sẵn trận ra, căng Đinh Công Tráng lẫn lũ nho sĩ ngu dốt kia mà nã cho một hồi đại bác là sập đổ hết thôi. Ta sẽ chơi một bản đại hợp xướng vang dội tới Pa-ri"4.
______________________________________
1, 2. Tiểu thuyết Ba Đình, tr. 223, 130.
3, 4. Tiểu thuyết Ba Đình, tr. 236, 237.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:44:03 am »


Trong chiến dịch công phá Ba Đình, tại buổi tiếp kiến với thống soái Gia-mông, cố Phước bực dọc khi nhớ lại những cuộc tiếp xúc với thống sứ Pôn-be trước đây, Phước nói: Cái việc mà quan binh ngày nay mới thấy tầm quan trọng và bắt đầu lo lắng thì từ tháng ba vừa rồi (1886), cha Sáu đã bao lần cấp báo. Các ngài đã coi là thường cho đó chỉ là đám phiến loạn nhỏ, ngay khi giáo phận Dừa bị triệt hạ, tôi từng cho thống sứ Pôn-be biết mức độ nghiêm trong, xin thêm súng đạn và chỉ cần một đại đội lính Pháp cũng đủ đánh tan. Ngài thống sứ cho rằng những người nép dưới chân thánh giá là quá khiêu khích, từ chối cung cấp thêm súng đạn. Khi tôi báo trước cho ngài Pôn-be về cơn bão lửa đó đang bùng lên thì ngài đã bị buốt đầu nặng. Mạch máu ngài đập mạnh, dồn dập. Thần kinh ngài căng lên và chính ngài đã chết vì đứt mạch máu não... Một cái chết bất đắc kỳ tử khi ngài mới 53 tuổi. Ngài Pi-ke sang thay thì Ba Đình không còn nằm trong phạm vi của Thanh Hóa nữa. Nó trở thành vấn đề toàn cõi Đông Dương, thành vấn đề lớn đối với nước đại Pháp chúng ta... Nếu chính phủ Pháp nhận và làm theo kế hoạch mà tôi hân hạnh nhiều lần được trình lên cũng như bàn bạc với các ngài thì không bao lâu nữa xứ Bắc Kỳ sẽ trở thành cái nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông.

Cha Sáu thì nói với đại tá Brít-xô: Nếu dẹp xong Ba Đình coi như phong trào Cần Vương kia sẽ không tồn tại bao lâu nữa. Như thế có nghĩa là sau Ba Đình khó có thể có một cuộc nổi loạn nào có một tầm quan trọng hơn... Nhưng với điều kiện là diệt gọn Ba Đình và không cho Đinh Công Tráng thoát bằng bất cứ giá nào...

Sau những thất bại nặng nề, giặc điều tên đại tá Brít-xô vào Ba Đình và tăng quân số, đạn dược. Thống soái Đa-mông nói với Brít-xô: "Đại tá biết đấy, ngài thống sứ Pi-ke rất lo ngại về sự kiện Ba Đình, điều mà Quốc hội Pháp hết sức chú ý. Đây không còn là một canh bạc đỏ đen mà là cả vận mệnh chúng ta. Bởi rằng, Ba Đình là một cuộc chiến đấu nghiêm trọng nhất, quyết liệt nhất. Bằng mọi cách dù phải hy sinh đến đâu ngài phải triệt hạ bằng được Ba Đình, triệt hạ một cách tàn bạo. Bao vây, phá hủy Ba Đình, bắt sống và giết hết nếu có thể từ Đinh Công Tráng đến tên lính cuối cùng của ông ta. Không cho chúng rút lui, chúng có cánh như chim cũng không cho chúng thoát khỏi Ba Đình"1.

Sau khi nghiên cứu thực địa, Brít-xô nói: "Sao có những bọn ngu ngốc không hiểu nổi tầm quan trọng của cánh đồng nước này với cái thành đất kia, dám báo cáo láo là Ba Đình nằm giữa một vùng đất trũng không có lợi, cô lập và còn gì ngu ngốc hơn khi có kẻ còn cho Ba Đình chỉ là một "công sự dã chiến" với lại là “một làng chiến đấu mang tính chất cụm cứ điểm được che chở bằng một đường hào tiền duyên”. Mời những kẻ đó hãy nhìn tận mắt hơn cái thành đất này. Cứ là từ xa tán láo... "Đường hào tiền duyên" nghĩa là thế nào? Chữ với nghĩa. Ôi, Đinh Công Tráng! Là một người đã từng dự nhiều trận đánh, tôi chân thành cảm phục ông!"2.

Sau khi bị thua đau trong trận ngày 6 tháng 1 năm 1887 và trận Mậu Yên, ngồi nói chuyện với Đốt, Grô-phơ, Mát-xông, tên Brít-xô mệt mỏi bộc lộ tâm trạng của mình: "Các ngài có nghĩ rằng ta sẽ thắng không? Tôi dự trận đã nhiều, gặp lắm đối thủ ngoan cường nhưng chưa đến lúc gay go như bọn trong Ba Đình. Ngay đến cách bố trí phòng ngự của họ cũng thật kỳ lạ, hầu như là độc đáo thì đúng hơn"3.

Mát-xông, sĩ quan tham mưu cho Brít-xô, sau này là nhà sử học nước Pháp, trong nhiều tài liệu đã viết như sau: "Mặc dù quân của chúng ta (Pháp) và bọn cu ly (dân phu của cha Sáu) còn hăng hái, việc bao vây Ba Đình vẫn chậm chạp một cách thất vọng và ai nấy tự hỏi đến bao giờ và như thế nào, những chuyện đó sẽ kết thúc. Tình cảnh chúng ta trước Ba Đình hồi đó đã đến nỗi chúng ta không thể trông cứ điểm ấy đầu hàng, cũng như không thể trông mong bên địch rộng lượng một khi chúng ta bại trận. Việc nghiên cứu Ba Đình khiến chúng tôi (Pháp) hết sức ngạc nhiên vì chứng tỏ các công sự đã được xây dựng với một kỹ thuật cao như thế nào! Các công sự đã được xây dựng theo đường gấp khúc để tạo thành khắp nơi những ổ tác chiến vững chắc"4. "Chúng tôi (Pháp) cũng hết sức kinh ngạc khi nhận thấy sức phá hoại của đại bác hầu như là con số không. Và những người bị bao vây đã thận trọng rời hết tất cả các vật liệu dễ cháy đi nơi khác nhờ các con đường có mái che kín, trong đó họ đã đào sâu các nhà kho và nhà trú. Phần lớn đạn trái pháo cắm xuống đất không nổ. Nổ cũng chỉ gây ra một hố nhỏ mà thôi. Và khi đất bắn lên đã lấp kín cái hố ấy lại. Chắc chắn rằng với lương thực và đạn dược đầy đủ, những kẻ phiến loạn có thể chống cự được nhiều tuần nữa. Và khi mùa nóng nực tới sẽ gây ra cho những người mới đến chúng tôi những bối rối nghiêm trọng"5. Người ta chỉ thấy những mớ hàng rào tre ngổn ngang lộn xộn hay rừng cọc nhọn làm cho thành lũy bề ngoài trông như một con nhím khổng lồ bồng bềnh trên mặt nước.
________________________________________
1, 2. Tiểu thuyết Ba Đình, tr. 356, 384.
3, 4. Tiểu thuyết Ba Đình, tr. 429, 223.
5. Mát-xông, Hồi ký về xứ An Nam và xứ Bắc Kỳ, tr. 224.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:45:03 am »


Về Đinh Công Tráng, Mát-xông viết: Cựu chánh tổng Đinh Công Tráng là linh hồn của việc phòng thủ ngoan cường này. Ông ta đã vây hãm Sơn Tây và đã chiến đấu chống ta cùng quân Cờ Đen dưới quyền điều khiển của Lưu Vĩnh Phúc. Và cũng từ trường học này mà ông đã biết tiến hành chiến tranh du kích và vững thêm bằng cách lợi dụng khôn khéo những tài nguyên tại chỗ. Đã bị thương, hai lần bị bắt làm tù binh nhưng lần nào ông cũng tìm cách trốn thoát được. Vào năm 1886, thấy không thể làm gì được ở Bắc Kỳ, ông đã chuyển vào tỉnh Thanh Hóa để nhen nhóm một cuộc nổi dậy ở đấy cùng đề đốc Soạn, người giúp việc cho Tôn Thất Thuyết. Là người có kỷ luật và chính trực, ông biết giữ kỷ luật trong quân ngũ của mình và nghiêm trị những quân đi nhiễu khắp làng. Có óc quan sát và nhẫn nại, ông hiểu biết khá tường tận những binh lính dưới quyền mình cũng như chúng ta để không tiến hành một cuộc tiến công vô ích. Nhưng ông biết chọn lựa tuyệt vời trận địa của mình, chuẩn bị cho một trận địa và dẫn chúng ta vào cạm bẫy mà ông đã giăng sẵn bằng cuộc tháo lui giả vờ. Ông luôn đi đầu lúc hiểm nguy, khôn ngoan khi bàn soạn, quyết đoán khi hành động, biết khơi dậy lòng quả cảm của người khác. Do những điều này, một con người bình dân đã buộc các quan lại kiêu ngạo phải khâm phục1. Chỉ có ông ta, nhờ vào sự thông minh và nghị lực của mình mới có thể kéo dài cuộc phiến loạn như vậy. Nếu được phụ tá tốt hơn, ông còn có thể bắt chúng ta phải thất bại lâu hơn nữa.

Đại úy Mát-xông đã viết cuốn "Hồi ký về xứ An Nam và xứ Bắc Kỳ". Trong lời tựa hắn đã thú nhận: Tướng Brít-xô mà tôi tặng cuốn sách này đã chết ngay sau khi chúng tôi trở về Pháp, kiệt sức do hậu quả thời gian chiến đấu ở Đông Dương mà rõ ràng Ba Đình là chiến cục gay go, ác liệt nhất.

Quân giặc khiếp hãi Ba Đình, đã bàn luận với nhau: Nếu có một "Ba Đình" nữa thì đành phải thủ tiêu mộng xâm lăng nước Nam thôi.

Tổng kết những hoạt động quân sự của Pháp ở Đông Dương, trong cuốn "Lịch sử quân sự Đông Dương” có viết: Trong chiến dịch thu đông năm 1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là cuộc chiến đấu nghiêm trọng nhất. Cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân nhất và làm cho cấp chỉ huy lo ngại nhất.
__________________________________________
1. Ba Đình - Nga Sơn, tr. 14.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 11:08:53 am »


Câu hỏi 18: Trình bày nguyên nhân thắng lợi và thất bại một số bài học kinh nghiệm qua cuộc khởi nghĩa Ba Đình?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa Ba Đình chỉ tồn tại trong hai năm (1886-1887) nhưng đã để lại một dấu son lịch sử, một bản anh hùng ca hùng tráng về truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Nó như một cái gai cắm vào cuống họng kẻ thù, như một lưỡi kiếm chặn ngang cửa ngõ miền Trung, khiến giặc phải tập trung một lực lượng lớn binh lực, hỏa lực, phải hao binh tổn tướng, hao tài tốn của lớn. Nó tạo điều kiện và cổ vũ phong trào nổi dậy chống Pháp ở khắp nơi trong cả nước. Nó đã tạo nên đỉnh cao của phong trào yêu nước, góp phần xứng đáng vào phong trào Cần Vương và để lại những kinh nghiệm, bài học quý cho chúng ta.

Những mặt thành công của khởi nghĩa Ba Đình:

Trong điều kiện địch cơ động và mạnh gấp bội ta về binh hỏa lực, việc xây dựng căn cứ ở đồng bằng Nga Sơn là cực kỳ nguy hiểm, chấp nhận sự đối đầu khốc liệt. Vì thế Đinh Công Tráng đã lựa chọn và xây dựng Ba Đình thành một cứ địa mà giặc Pháp phải thừa nhận là một công trình khoa học. Trên thực tế nó đã triệt tiêu khá lớn khả năng cơ động và sức công phá của đại bác giặc.

Ba Đình nằm giữa đồng nước rộng mênh mông, làng gần nhất cũng cách cứ địa 3 kilômét, xung quanh lại có những ngọn độc sơn để lập các đồn tiền tiêu, viễn tiêu đánh giặc từ ngoại vi. Xa hơn nữa là vùng núi và căn cứ của các cánh nghĩa quân khác như Bồ Giông, Chuông Phi Lai của đốc Kiên, lãnh Phi; Cao Điển, Thạch Bằng của Trần Xuân Soạn; Mã Cao của Hà Văn Mao; Thanh Xá của Cầm Bá Thước; Bồng Trung của Tống Duy Tân. Những căn cứ đó như tấm lá chắn bảo vệ Ba Đình. Khi giặc tấn công vây hãm, nếu Trần Xuân Soạn chỉ huy ngoại viện hữu hiệu thì Đinh Công Tráng cùng nghĩa quân Thanh Hóa sẽ giữ được Ba Đình và tạo nên những thắng lợi to lớn, giòn giã hơn nữa.

Đinh Công Tráng đã triệt để khai thác những yếu tố địa hình, nguyên liệu tại chỗ (tre pheo, rơm bùn) dễ kiếm, rẻ tiền và văn hóa làng, xây dựng nhanh chóng và bí mật một tập đoàn thành lũy vững thủ mạnh công, chiến đấu hiệu quả cao.

Nếu xây thành Ba Đình bằng gạch, đá, vôi, cát thì phải tốn hàng ngàn mét khối đá, hàng ngàn tấn vôi, hàng ngàn mét khối cát; phải mất rất nhiều mìn phá đá, phải hàng vạn người khai thác, vận chuyển, xây dựng trong nhiều năm và ít nhất cũng hàng năm sau vôi vữa mới đông kết, cứng rắn. Mà giặc không thể để cho ta mở công trường hàng vạn người xây dựng nhiều năm trời. Và trận pháo kích gần 2 vạn quả đại bác dồn dập, liên tục hai ngày đêm thành đá sẽ sập đổ, nghĩa quân sẽ không thể sống sót nổi bởi hầm sập, đá văng và mảnh đạn.

Đinh Công Tráng dựa vào văn hóa làng để xây dựng thành lũy, công sự, sở chỉ huy, v.v... vừa tiện lợi, nhanh chóng, vừa bảo vệ được cảnh quan làng xóm, tạo tâm lý cho nghĩa quân trong cứ địa như ở nhà mình, làng mình, v.v... sẽ gắn bó và yên tâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 11:09:20 am »


Với đội ngũ tướng sĩ quả cảm, Đinh Công Tráng là vị chủ soái dũng cảm, tài giỏi nên chỉ có một thành bằng bùn rơm, tre pheo, tráng binh ít ỏi, vũ khí rất thô sơ (vỏn vẹn bốn khẩu thần công, một số súng trường, hỏa mai, còn lại là cung nỏ, giáo mác, đao kiếm) đã bẻ gãy sáu đợt tấn công lớn của trên ba ngàn lính Âu, hơn ngàn giáo dũng, hơn ngàn lính triều đình, năm nghìn dân phu với 6 tàu chiến, 25 cỗ đại bác, còn lại là súng máy, súng trường và rút lui an toàn thắng lợi. Tài chỉ huy của Đinh Công Tráng thể hiện ở những mặt: Xây dựng cứ địa khoa học, chiến đấu hiệu quả; bố trí trận địa: kéo giặc vào sát thành để đánh nhưng giặc không thể vào thành được. Bố trí Nghi Vịnh, Tuấn Đạo để đơm đó giặc; xử lý rất khéo léo với Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt - hai vị quan, hai vị khoa bảng, hai thủ lĩnh của Thanh Hóa, làm cho họ phải nể phục; xử lý rất nghiêm, thân thiết và tin tưởng tướng sĩ, điều động tướng sĩ trong từng trận đánh linh hoạt, đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời trong từng trận đánh; chuyển bị động thành chủ động.

Trận ngày 6 tháng 1 và ngày 20 tháng 1 năm 1887, đang lúc quyết liệt, Đinh Công Tráng quyết định mở cổng thành đuổi giặc khiến lũ giặc hoảng loạn dẫm đạp lên nhau mà chạy. Sau hai ngày pháo kích dồn dập, giặc tràn vào nhung nhúc sát thành nhưng trong thành vẫn im lặng. Im lặng đến rợn người khiến giặc hoang mang. Bất ngờ pháo lệnh nổ vang, tráng binh bắn ra tới tấp, giặc chết như ngả rạ.

Đêm 20 tháng 1 năm 1887, khi giặc đang ngủ, Đinh Công Tráng dùng thế trận "tam long đằng dượt, vân tan vũ tiêu" đánh thẳng vào giặc mà rút lui. Tới sông Cầu Choàn, giặc chặn viện, không có thuyền, Đinh Công Tráng hạ lệnh lấy thắt lưng nối thành năm cầu vải cho nghĩa quân vượt sông an toàn. Giữ được thành và đánh thắng trận tấn công của giặc là kỳ diệu, nhưng đánh và rút lui vượt vòng vây dày đặc, sông sâu cách trở càng kỳ diệu hơn.

Phép dùng binh của Đinh Công Tráng không ngoài truyền thống đánh giặc của ông cha: Lấy đoản binh chế trường trận, lấy thô sơ chống hiện đại, lấy yếu đánh mạnh. Ông triệt để khai thác tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của tướng sĩ, đảm bảo bí mật tuyệt đối và đánh cũng như rút rất bất ngờ, làm cho lũ giặc binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân thất điên bát đảo và chưng hửng nhiều phen. Bài học quan trọng nhất là ông đã xây dựng được khối đoàn kết tướng sĩ, khơi dậy được truyền thống yêu nước bất khuất của quân dân.

Do những hạn chế về lịch sử, Đinh Công Tráng và các thủ lĩnh nghĩa quân chưa thể có một đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện như cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) của Đảng ta, nhưng chúng ta đã thấy hình bóng chiến tranh nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Bởi vì nó đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân (sĩ phu, quan lại, buôn bán nhỏ, nhà giàu, nông dân) và mọi lứa tuổi (cụ già, trẻ em, nam nữ) làm các nhiệm vụ: Xây dựng cứ địa, đánh giặc, ca hát, hậu cần, lấy tin tức địch, khua trống mõ trợ oai, v.v...

Thật cảm động trước cảnh nhân dân ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê đã từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa nơi sinh tụ làm ăn thiêng liêng đi tản cư sang các làng bên. Nhân dân các làng bên đã nhường nhà cửa ruộng vườn cho đồng bào tản cư. Hàng vạn người gánh rơm rạ, vác tre pheo cả gốc cả ngọn đến xây dựng cứ địa và tình nguyện vào Ba Đình đánh giặc, rèn đúc vũ khí, hậu cần, ca hát hoặc thông tin liên lạc. Trong cảnh giặc dữ, lửa đạn, bé Chép vẫn lao đi truyền mệnh lệnh chiến đấu. Cô Thắm vợ ba Bát Vĩnh từ bỏ sự giàu sang và tên chồng bán nước, theo nghĩa quân và dũng cảm chống lại tên trung tá Mét-danh-giê hãm hiếp. Cảnh 12 nong cơm cao ngút, những sanh canh, cà muối thôn Quý Chữ do bà chánh hộ Gồm tổ chức thiết đãi 200 nghĩa quân từ phía nam Thanh Hóa qua đó vào ứng nghĩa Ba Đình, v.v... Tất cả những cảnh đó rất gần gụi với khung cảnh những ngày đầu chín năm chống Pháp của nhân dân Hà Nam - quê hương Đinh Công Tráng. Đó là cảnh rào làng kháng chiến; cảnh gánh rơm đốt hầm giặc ở nhà máy chai Nam Định; cảnh vác tre, gộc cắm chông chống quân nhảy dù tại cánh đồng Đại Vương, xã Thanh Tân và đốn những cây đại thụ đắp kè lấp sông Đáy chặn tàu chiến, ca nô ở Đoan Vĩ, xã Thanh Hải. Đặc biệt là cảnh bà con tản cư và đón đồng bào tản cư, cảnh dân làng đón và thiết đãi bộ đội đánh giặc.

Những cảnh đó là sự tiếp nối và lớn rộng lên từ cuộc khởi nghĩa Ba Đình, như mầm cây còn ẩn mình trong lớp vỏ cuối đông để rồi đâm chồi nảy lộc bừng lên khi mùa xuân đến.

Ba Đình trụ vững và bẻ gãy sáu đợt tấn công lớn, ác liệt của địch rồi đánh thẳng vào chúng để rút lui an toàn là một kỳ tích. Đó là thắng lợi của lòng quả cảm và tài trí tuyệt vời của tướng sĩ nghĩa quân. Từ thực tế cuộc chiến đấu bảo vệ cứ địa của Đinh Công Tráng, ta có thể khẳng định: Việt Nam một nước nhỏ yếu về sức mạnh quân sự, vật chất vẫn có thể đánh thắng được giặc Pháp xâm lược có binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại nếu như có một đường lối đúng đắn và bộ chỉ huy tài năng đủ sức quy tụ nhân tài và lãnh đạo cả nước chống giặc. Bài học này đã được Đảng ta khẳng định trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 11:09:55 am »


Nguyên nhân thất bại:

Việc giữ đồng bằng Nga Sơn tạo nên một lưỡi kiếm chĩa vào Phát Diệm, cắt ngang thế trận tung đồ của giặc, khơi lửa cho cả nước là cần thiết. Nhưng trong điều kiện ta chỉ có vũ khí rất thô sơ, ít ỏi, giặc có binh hùng tướng mạnh, vũ khí hiện đại (tàu chiến, đại bác) mà xây dựng thành lũy giữa đồng bằng có khác nào dàn trận trước mũi đại bác của kẻ thù.

Các thủ lĩnh nôn nóng, nặng về quân sự, chưa chú trọng xây dựng lực lượng chính trị ở các làng. Về quân sự cũng nặng về xây dựng thành lũy, bảo vệ thành lũy, coi nhẹ việc tiêu diệt sinh lực địch. Chưa phát động được cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ. Các căn cứ co lại, tuy có đồng nước cản giặc nhưng khi bị bao vây lâu dài và pháo kích liên tục thì trở nên cô lập, bất lợi. Nếu không có cách xây dựng hệ thống chông ngầm nhiều vòng, thành luỹ, hầm hào, công sự sáng tạo vững chắc, bí mật, khoa học và sự chỉ huy giữ thành, rút lui cực kỳ tài giỏi của Đinh Công Tráng, sự chiến đấu ngoan cường của tướng sĩ thì Ba Đình đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trong hội nghị ở chùa Trang Các, các văn thân Thanh Hóa quyết định xây dựng thế trận mới. Thế trận hoành đồ cắt đôi thế trận tung đồ của giặc. Trong thế trận này, Ba Đình là căn cứ chủ yếu nằm trong hệ thống các căn cứ khác. Các thủ lĩnh cũng đã biết giặc nhất định sẽ bao vây tiêu diệt Ba Đình. Và như vậy phải có sự chi viện tích cực, hữu hiệu của cánh quân khác. Lúc đó lực lượng bên ngoài sẽ là chính yếu tấn công vào kẻ địch để bảo vệ Ba Đình.

Trong suốt thời kỳ giặc bao vây, tấn công Ba Đình, các cánh nghĩa quân khác như Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước... vẫn án binh bất động, Trần Xuân Soạn ở Thạch Bằng với ba nghìn quân đêm đêm chỉ chi viện ít ỏi hoặc bắn vài loạt đạn từ xa. Do đó, Brít-xô không phải đối phó với quân ứng cứu bên ngoài, càng yên tâm bao vây tiêu diệt Ba Đình. Chỉ đến khi Đinh Công Tráng tấn công vào giặc để rút mới có sự chi viện của Trần Xuân Soạn. Tuy vậy, đoàn thuyền để nghĩa quân qua sông cũng bị giặc chặn lại. Có người dân đã bật khóc khi thấy nghĩa quân đã chọc chủng vòng vây giặc nhưng không có thuyền qua sông trong đêm giá rét. Kẻ thù truy kích tới chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Trước tình hình đó, Đinh Công Tráng đã cho nối các thắt lưng của tráng binh thành 5 chiếc cầu vải. Khi Brít-xô truy kích tới thì nghĩa quân đã qua sông. Như vậy, giặc thất bại khi bao vây, tấn công thành nhưng thành công trong chặn viện. Nếu các cánh quân khác và Trần Xuân Soạn ứng viện hữu hiệu kịp thời thì khởi nghĩa Ba Đình của nhân dân Thanh Hóa đã có những thành công vang dội khác. Cũng nhờ thành lũy hầm hào vững chắc, nghĩa quân ngoan cường, Đinh Công Tráng tài giỏi nên khởi nghĩa Ba Đình mới không bị chìm trong biển máu của bọn thực dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 11:10:57 am »


Xin trích mật số của Đinh Công Tráng gửi vua Hàm Nghi mà giặc Pháp thu được và phúc thư của Tống Duy Tân gửi giặc.

a. Mật sô': "Đề đốc Soạn cùng ba nghìn quân đóng ở Thạch Bằng với ý định cứu giúp chúng tôi. Từ đó tới Ba Đình chỉ cách nửa ngày đường, mỗi đêm ông ta phái lính bắn từ xa - nơi mà họ bắn lại cách chúng tôi đến 1-2 tổng. Vì thế bọn Pháp tịnh không đáp lại một thứ tấn công như vậy. Trái lại, chúng càng bắn dữ dội vào Ba Đình. Với sự trợ giúp như vậy thì làm thế nào có thể thống nhất giữa những lực lượng bên trong với bên ngoài để có thể đẩy lùi địch đang vây hãm chúng ta".

Qua thực tế chiến đấu rõ ràng là Trần Xuân Soạn và các cánh quân bên ngoài đã không ứng cứu được Ba Đình. Giặc thất bại trong tấn công nhưng thành công trong chặn viện.

b. Phúc thư: Khi giặc tấn công Ba Đình thì Tống Duy Tân phúc thư cho thống sứ Ha-lơ-manh, yêu cầu giặc- "Tạm đặt hạt (của Tống) ra ngoài vòng, đợi sau khi mọi việc yên ổn sẽ xử trí thì may lắm, may lắm!".

Bên cạnh quân đội Pháp còn có lực lượng quân đội của triều đình tay sai, trên một nghìn giáo dũng, năm nghìn dân phu do cha Sáu điều đến. Đặc biệt phản động là những tên như cha Sáu, án sát Vương Duy Trinh, Bát Vĩnh. Tên cha Sáu ngoài việc thành lập các đội quân tuẫn đạo chống lại nghĩa quân, hắn còn bày kế tháo cống Hối Cái cho cạn nước Ba Đình, lập những công sự nổi bằng rơm bùn trên thuyền và bè bương để giặc Pháp tiến sát chân thành. Đây là những tên chó săn rất nguy hiểm góp phần đắc lực vào cuộc công phá Ba Đình của giặc Pháp. Đại tá Brít-xô - kẻ rất kiêu ngạo, coi thường người da vàng và cha Sáu đã phải thừa nhận: "Đội quân viễn chinh có súng ống mạnh, có tướng lĩnh tài ba nhưng nếu không có loại người này, cái loại như cha Sáu và cả cái loại như Vương Duy Trinh thì khó giải quyết chóng vánh vấn đề thuộc địa cũng như Ba Đình..."1.

Suy cho cùng là do điều kiện lịch sử, thời đại; ông vua nhỏ Hàm Nghi, các quan triều chủ chiến, các thủ lĩnh văn thân chưa có được một tầm nhìn mới, chưa đủ tầm vóc vĩ mô chỉ đạo kháng chiến, chưa có được một đường lối chiến lược và năng lực quy tụ cả nước tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện chống lại kẻ thù.
___________________________________________
1. Tiểu thuyết Ba Đình, tr. 395.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 11:14:44 am »


Câu hỏi 19: Cho biết về con người và quê hương của Đinh Công Tráng?
Trả lời:


Đinh Công Tráng sinh ngày 14 tháng 1 năm 1842 tại thôn Nham Chàng, xã Nham Kênh, tổng Cẩm Bối, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Lãnh địa làng nằm ở hai bờ sông Đáy. Bờ tây là cánh đồng bãi cao, tiếp theo là khu ruộng trũng và vùng đất rất lầy thụt sát chân núi hiểm trở chạy tới Ba Sao, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa. Cửa rừng có nhiều ngọn núi, dãy núi lẻ như tấm cửa đá, thanh long đao và những chàng hiệp sĩ. Phía trong là đầm Chàng, đầm Nam Công. Mỗi đầm rộng chừng một kilômét vuông bùn lỏng như cháo loãng, lầy lội. Nước từ lòng núi liên tục chảy ra đồng, hợp lưu theo một con ngòi nhỏ uốn khúc như rồng bơi đổ ra sông Đáy, chia đôi cánh đồng thành hai nửa. Người ta gọi hai đầm đó là hai bầu sữa mẹ. Trong rừng có nhiều thung lũng, hang động rộng đẹp, gắn liền với những huyền thoại làm cho cảnh vật có hồn, huyền ảo, linh thiêng như: núi Tay Ngai (linh đàm), núi Ba Thang (thang lên trời), Rồng Ông (mình rồng đầu hổ - gắn liền với tích ông Hổ thọt - Sơn Thần), núi Mốc (thanh long đao), núi Rùa (rùa mẹ tìm con), Đá Bàn (bàn cờ tiên), Quèn Võng (võng tiên)...

Rừng Chàng thế con Phúc (con dơi), gọi là Phúc Sơn. Đầu dơi là núi Đá Rãi. Chân và cánh bám vào bờ sông Đáy. Những đêm trăng sáng sông lấp lánh vàng, các làng hai bên bờ mờ mờ xanh; rừng Chàng như một con dơi khổng lồ treo mình vào cành vàng lá ngọc ngắm nhìn chị Hằng Nga. Nơi đây hùng vĩ và thơ mộng như một vùng thánh địa đủ cả linh đài võng tiên, long chầu, hổ phục, bàn cờ bầu rượu, giáo dựng, gươm trần tề chỉnh uy nghiêm của các bậc tiên thánh đế vương. Tương truyền đây là nơi vua Đối ngự1. Trước thời Đinh Công Tráng nơi đây còn là sơn trại của Bách Ngoi, Kà Miêng, Kà Thự - thủ lĩnh một toán nông dân chống lại triều đình.

Bờ đông sông Đáy là làng Chàng và đồng Chàng. Làng Chàng như một cánh cung đã lắp tên. Dây cung là đê sông Đáy, mũi tên là đường ngõ Cái ra Tâng. Cạnh đường phía đông nổi lên một khu đất bằng phẳng, vuông vức, rộng hơn một sào, cao khoảng từ 40 đến 50cm, cỏ dày mọc xanh rì. Dân làng gọi là Thiên An, không ai dám khai phá gieo trồng. Một con ngòi lớn từ giữa huyện ra cống Tâng uốn khúc chia đôi cánh đồng Chàng chảy ra sông Đáy, đối diện với ngòi bên núi. Cửa ngòi nổi lên một gò lớn gọi là mào Rồng. Các cụ gọi hai ngòi này là "Lưỡng Long Phún Thủy" rất tiện cho dẫn thủy nhập điền và giao thông vận chuyển. Tháng ba, tháng tư có mưa rào, cá từ sông Đáy tiến sâu vào rừng và đồng ruộng Thanh Liêm. Đầm Chàng, đầm Nam Công như chậu cá buông. Cống Chàng thành đó cá của huyện.

Với vị trí và địa hình trên, Nham Chàng có thế đất tuyệt kỳ, cảnh quan tuyệt mỹ, đủ cả: Long, Ly, Quy, Phượng, Thiên An, Long Đao, sơn quần thủy tụ rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp toàn diện, chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá, khai thác lâm thổ sản, giao thông buôn bán, tụ nghĩa dấy binh mở mang nghiệp lớn. Theo đường sông, đường số 1 có thể thông thương với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ra Bắc vào Nam. Theo đường rừng có thể tiến sâu vào rừng Bồng Lạng, Thanh Thủy, Ba Sao tới Hòa Bình hoặc vào Ninh Bình, Thanh Hóa. Khi mạnh có thể chiếm giữ đồng bằng, lúc yếu có thể lui vào rừng cố thủ lâu dài. Nham Chàng đã một thời hưng thịnh. Nhưng trước thời Đinh Công Tráng thì dân làng rất nghèo khổ. Nhiều người dân bị chằng trói đánh đập. Nhiều em nhỏ phải đi ở, bị chủ hành hạ khổ sở.

Làng thờ hai vị anh hùng và một thục nữ có công với làng. Những ngày lễ hội rước thánh đáp nghĩa tri ân, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền thống bất khuất, dân làng thường tổ chức diễu thuyền trên sông để mô tả cảnh thủy chiến của Quý Minh Đại Vương dẹp tặc binh. Những cảnh đó cùng các chuyện về Liễu Đôi, Đinh Bộ Lĩnh đã kích thích tính hiếu kỳ của Đinh Công Tráng. Cậu thường tổ chức đánh trận giả, bơi lội, phi trâu trên bãi cát, cưỡi trâu lội qua sông theo tích cờ lau tập trận, cưỡi rồng qua sông Hoàng Long.
_______________________________________
1. Theo truyền thuyết, vua Đối là một vị thần có tài đối đáp, thường được Ngọc Hoàng vời lên viết các câu đối trên thiên đình, giải các câu đối hiểm hóc hoặc đối đáp với sứ thần từ các vì tinh tú, từ âm ty địa ngục đến thiên cung. Ngài được phái xuống trần giúp người giải đố. Ngài ngự ở núi Tay Ngai, nằm nghỉ ở Quèn Võng, chơi cờ ở Đá Bàn, nghe hát ở hang Phường Chèo, hang Trống, cầu phúc cho dân ở hang Chùa. Khi có việc thiên cung ngài cưỡi Phượng Hoàng Linh hoặc lên núi Ba Thang bay về trời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 11:15:19 am »


Từ ngày đi học rồi theo cha làm thuốc, Đinh Công Tráng hiểu thêm nhiều điều về lịch sử Thanh Liêm (Hà Nam), Nam Định, Ninh Bình. Đây là nơi đất rộng người đông, đồng ruộng mênh mông, núi rừng trùng điệp, có vị trí rất quan trọng trong chiến tranh giữ nước cũng như trong hòa bình xây dựng. Thiên nhiên ban tặng cho con người biết bao điều kiện để làm ăn sinh sống, nhưng phải biết hợp lực cùng nhau, chống chọi lại kẻ thù hung bạo và bão lụt khủng khiếp. Trong cuộc đấu tranh dai dẳng quyết liệt ấy, con người được tôi luyện cứng cáp, dẻo dai, kiên cường bất khuất, giàu lòng nhân nghĩa, làm nên những kỳ tích lẫy lừng, sản sinh các bậc hiền tài, phát tích đế vương, minh thánh. Xung quanh Nham Chàng dày đặc những dấu tích anh hùng thấm đượm trong các đền đài, miếu mạo, thành quách, lăng tẩm hoặc trong kho tàng truyện kể dân gian.

Cách làng chừng từ 3 đến 5 kilômét về phía nam là rừng Bồng Lạng, căn cứ chống quân Hán của các nữ tướng Hai Bà Trưng, về phía bắc là thành nhà Hồ, căn cứ chống Nguyên, Mông của Phạm Ngũ Lão ở Kiện Khê. Về phía đông là vùng trầm tích văn hóa Liễu Đôi nổi tiếng, giàu nhân văn thượng võ. Tiếp đó là Bảo Cái xã Liêm Cần, quê hương của đức vua Lê Đại Hành từng thắng giặc Tống, bình Chiêm, giữ yên Đại Việt. Xa hơn một chút là căn cứ của Lê Chân, Lý Thường Kiệt, Đinh Lôi, Cao Thị Liên và Đọi Sơn - nơi vua Lê tịch điền khuyến khóa việc nông tang; Thành Cách, Kinh Thanh là mồ chôn lũ giặc Minh. Cách chừng trên 20 kilômét về phía tây nam là Hoa Lư - nơi phát tích nhà Đinh - kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt. Phía đông bắc là Thiên Trường, Tức Mạc - nơi phát tích nhà Trần hùng mạnh ba lần đánh bại giặc Nguyên Mông.

Nham Chàng đã từng lung linh bóng thuyền rồng, cờ quạt rợp sông Đáy của vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long và vang dội tiếng quân reo ngựa hý, rầm rập bước chân thần tốc của binh hùng tướng mạnh Quang Trung ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh.

Đinh Công Tráng muốn nối chí tiền nhân làm việc có lợi cho dân cho nước. Ông bỏ nghề thầy thuốc ra tranh chức lý trưởng xã Nham Kênh để che chở cho dân, xây dựng xóm làng giàu đẹp, bình yên.

Quê hương - con người - gia đình - thầy học và bạn bè cùng với sự tôi luyện của bản thân đã hun đúc nên tính cách anh hùng của Đinh Công Tráng. Đó là lòng yêu nước thương nòi nồng nàn sâu sắc và tinh thần dũng cảm ngoan cường xả thân vì nghĩa lớn. Khát vọng đó đã đưa ông từ một người dân bình thường thành một lý trưởng, cai tổng giỏi giang, một thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp lỗi lạc - người anh hùng của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình, quê hương và thầy học, trong bối cảnh suy tàn của nhà Nguyễn, Đinh Công Tráng sớm nhận ra nỗi thống khổ của người dân lao động trước bọn địa chủ, cường hào, ác bá và nạn ngoại xâm. Ông đã đứng về phía họ và trở thành anh hùng của họ.

Ông ra làm lý trưởng để che chở cho dân làng. Thời kỳ này ông đã ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp bình yên, đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ dân lành, góp phần gìn giữ kỷ cương phép nước.

Khi kẻ thù như đàn sói đói săn mồi tràn đến, ông lập tức phất cờ đại nghĩa chống giặc, cứu nước, một mình gan góc chống lại ba thế lực, đó là đế quốc Pháp hùng mạnh, tàn bạo; triều đình phong kiến tay sai bán nước và giáo hội phản động xảo quyệt. Thua trận này, bày trận khác, mất nơi này tìm đến nơi khác. Đâu có người nghĩa khí chống giặc là ông tìm đến liên kết. Đâu có giặc là xốc tới tiêu diệt. Ông đánh giặc ròng rã mười lăm năm trời suốt chiều dài gần nửa đất nước (từ Bảo Hà sát biên giới Việt - Trung đến Thanh Hóa, Nghệ An).

Với lòng yêu nước thương nòi nồng nàn, triệt để, ông đã trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược mới: Đó là chủ nghĩa đế quốc, cụ thể là thực dân Pháp xâm lược. Kẻ thù này mãi tới năm 1954 chúng ta mới tống cổ được ra khỏi miền Bắc. Trong cuộc đấu tranh sinh tử đó, ông trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân có uy tín, một vị tướng thao lược, một kỹ sư công binh đắp lũy can thành độc đáo, sáng tạo.

Mặc dầu việc xây dựng quê hương còn dang dở, sự nghiệp chống giặc cứu nước chưa thành công nhưng ông đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng làng quê và đánh giặc, giữ nước, xứng đáng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM