Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:15:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 26976 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:39:56 pm »


Câu hỏi 13: Sau khi rút khỏi Ba Đình, nghĩa quân đã hành quân lên Mã Cao. Cho biết về cách bố trí của hệ thống cứ điểm ở Mã Cao và vai trò của nó trong cuộc kháng chiến?
Trả lời:


Sau khi thực hiện trót lọt cuộc rút quân ra khỏi vòng vây dày đặc của quân thù, các chiến sĩ Ba Đình theo đúng kế hoạch đã hành quân cấp tốc về căn cứ Mã Cao. Băng qua một quãng đường dài 40 kilômét thuộc vùng đồng bằng và một phần của vùng trung du Thanh Hóa, nghĩa quân Ba Đình nhờ được nhân dân các địa phương hết lòng ủng hộ, bảo vệ chở che, đưa đường, cấp lương, đã nhanh chóng thực hiện cuộc chuyển quân về địa điểm tập kết.

Giữa năm 1886, tại hội nghị Bồng Trung (Vĩnh Lộc), các văn thân sĩ phu yêu nước tỉnh Thanh Hóa đã quyết định xây dựng hệ thống cứ điểm Ba Đình do Phạm Bành, Đinh Công Tráng phụ trách và hệ thống cứ điểm Mã Cao do Hà Văn Mao phụ trách. Nếu cứ điểm Ba Đình nằm gọn trong vùng đồng chiêm trũng là nơi hội tụ lực lượng nghĩa quân của các huyện vùng đồng bằng và ven biển thì hệ thống cứ điểm Mã Cao ở vùng đồi núi, sông suối lại là nơi tập trung các đội nghĩa quân miền núi và vùng trung du. Hai hệ thống cứ điểm trên nằm cách nhau khoảng 50 kilômét, nối liền hoạt động của những đạo nghĩa quân suốt từ vùng ven biển lên miền núi.

Hệ thống cứ điểm Mã Cao bao gồm nhiều đồn trại nằm sâu trong vùng đồi thấp, cây cối rậm rạp phía tây huyện Yên Định (nay thuộc huyện Thiệu Yên và huyện Thọ Xuân). Đồn Mã Cao là đồn lớn nhất, có nhiều đồn nhỏ bao quanh. Nếu lấy Mã Cao làm trung tâm và tính từ đó thì hệ thống cứ điểm này cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 40 kilômét về phía tây bắc, cách huyện lỵ Thọ Xuân 5 kilômét về phía bắc, cách huyện lỵ Yên Định 12 kilômét về phía tây. Nhiêu cứ điểm nằm tựa hẳn vào sông Cầu Chày, một con sông nhỏ chảy luồn qua vùng đồi núi nhấp nhô, dòng sông chảy xiết tạo thành những bờ dốc đứng. Một số cứ điểm khác nằm khuất trong những vùng đất cây cối rậm rạp có đầm lầy bao bọc.

Đồn lớn Mã Cao của hệ thống cứ điểm được dựng trên khu đất Bãi Xưa, cách làng Đa Ngọc (thuộc xã Yên Giang huyện Thiệu Yên) khoảng 400 mét về phía tây, hình sáu cạnh, chu vi 800 mét. Dòng sông Cầu Chày nhận nước từ những dòng suối ở rừng miền tây đổ về, tới đây uốn khúc ven theo chân đồi núi, tạo thành con hào tự nhiên có bờ đất sét pha sỏi rắn chắc cao khoảng 10 mét, rộng khoảng 30-40 mét.

Đồn Mã Cao thu hình trong vòng lượn của dòng sông như hình một cái khuyên tai chắc đỡ ba mặt tây, bắc, đông. Phía nam đồn nhìn ra cánh đồng rộng của huyện Thọ Xuân, bảo vệ mặt này có một chiến lũy hiện nay còn cao khoảng 2,50 mét, hai đầu lũy tiếp giáp với dòng sông. Phía bên trong đồn có lũy chạy dài ba mặt đông, tây bắc, tây nam, trong lũy có hào chạy quanh, chìm sâu trong lũy, còn ở mặt tây hào chạy dài phía ngoài lũy. Ở phía nam, đồn nhìn thẳng ra cánh đồng Khùa.

Để chặn địch tấn công mặt trống trải này, nghĩa quân tổ chức phòng bị khá chu đáo, trên sườn lũy dài 350 mét có những hố chiến đấu, dưới cánh đồng cao có hệ thống hào lũy hình vòng cung dài 260 mét, hai đầu nối liền với bờ sông Cầu Chày. Hào rộng từ 3 đến 4 mét, bên trên có mái che nghiêng chắc chắn và kín đáo, tạo điều kiện cho nghĩa quân vận động chiến đấu dễ dàng trong mọi hoàn cảnh và thời tiết. Lũy cao khoảng 1,50 mét, có bậc lên xuống và lỗ châu mai. Phía ngoài lũy, có bia chông dày đặc kéo dài trên đồng Khùa. Ở mặt bắc và tây có hai ụ súng lớn. Cứ điểm này còn được những lũy tre rậm rạp hai bên bờ sông che kín.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:40:25 pm »


Cứ điểm Bãi Xưa giữ vị trí quan trọng nhất, quanh đó còn có nhiều cứ điểm khác nằm ở phía tây và tây bắc, tạo thành một hệ thống đồn trại liên hệ chặt chẽ với nhau.

Chếch sang phía bắc và ngược lên phía tây theo triền sông Cầu Chày là một hệ thống đồn trại. Bên kia sông Cầu Chày về phía bắc là đồn Đồng Tăm nằm trên một đồi đất sỏi thấp, yểm hộ cho Mã Cao. Cách Mã Cao khoảng 500 mét về phía tây bắc là đồn Hồ Sen, vị trí này ở vào một khu đất cao giữa vùng hồ nước và đầm lầy, cây cối um tùm, chung quanh là những đồi đất thấp, bắc giáp làng Đa Nẫm, nam giáp làng Phúc Địa, tây giáp làng Cửa Bao, đông hướng về Mã Cao. Đồn Hồ Sen khuất sâu trong vùng đồi núi rất kín đáo, được sử dụng làm cứ điểm hậu cần. Từ cứ điểm này, nghĩa quân có thể liên lạc, tiếp viện cho các đồn Mã Cao, Thung Voi, Cửa Bao. Nghĩa quân và nhân dân không cần đắp lũy cao hào sâu để củng cố đồn Hồ Sen như các đồn trại khác, nhưng đã biết triệt để khai thác lợi thế của địa hình thiên nhiên trong vùng làm cho địch không sao đánh chiếm được đồn Hồ Sen. Phải đến sau khi nghĩa quân rút khỏi vùng này, chúng mới làm đường vào được đồn Hồ Sen để phá cơ sở hậu cần của nghĩa quân.

Ngược lên phía tây Hồ Sen khoảng 1 kilômét có cứ điểm Cửa Bao, gồm hai đồn Bù Quả và Bù Hàng nằm trên con đường lên Vực Lồi, Ngọc Lặc. Hai đồn nằm đối diện hai bên đường cách nhau 200 mét và đều được xây dựng theo hình vuông, tựa lưng vào rừng. Đồn Bù Quả có chu vi 120 mét, đồn Bù Hàng lớn hơn, chu vi 160 mét. Phía trước đồn Bù Quả, nghĩa quân đắp một lũy cao sát đường đi làm vật chắn đỡ làn đạn của địch và cũng là công sự của nghĩa quân tấn công địch. Để bảo đảm an toàn khi vận động chiến đấu, nghĩa quân đào một con hào nối liền đồn với lũy. Cứ điểm này cách làng Cửa Bao 500 mét, cách Mã Cao, Thung Voi 1 kilômét. Cụm cứ điểm này còn bao gồm cả ngôi đình làng Cửa Bao, một đồn tiền tiêu chặn đường binh lính địch từ phía đông kéo lên. Khi công phá cứ điểm này, địch mới phát hiện: "Cả khu rừng bên cạnh gọi là rừng Cửa Bao cũng đầy những chiến lũy". Từ Cửa Bao lên Vực Lồi có hệ thống hào chiến đấu hai bên dọc đường. Tất cả những đồn trại, hào lũy ở khu vực này tuy quy mô không lớn, nhưng đều đặt vào những vị trí quan trọng trên đường từ Mã Cao lên vùng núi rừng miền tây, bảo vệ mặt sau của cứ điểm chính và sẵn sàng đón đánh địch.

Trong chiến dịch đầu năm 1887, khi địch công phá hệ thống cứ điểm này, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân tại đây. Chúng đã bị kìm chân ở đây nửa tháng và sau khi nghĩa quân rút đi nơi khác chúng mới phá hủy được các công sự trên.

Cách Mã Cao 3 kilômét về phía tây có đồn Thung Voi ở cánh đồng làng Phúc Cường (nay thuộc xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân). Nền đồn là khu đất cao, bằng phẳng nằm gọn trong vòng uốn khúc của sông Cầu Chày, nơi hai dòng sông gần nhau nhất ở về phía nam. Đồn được che khuất bởi những bãi lau sậy rậm rạp bao quanh. Cách đồn khoảng 300 mét về phía nam có ngọn đồi đất làng Độ và cánh đồng Phái sâu lầy. Nền đồn hình năm canh khá cân đối, chu vi 400 mét bằng nửa đồn Mã Cao, chia thành năm ô, mỗi ô có thành đất bao quanh. Lũy, hào và nhất là dòng sông Cầu Chày sâu thẳm, chảy quanh đồn tạo thành một hệ thống công sự phòng thủ kiên cố. Đặc biệt ở phía nam còn có hai lớp hào, lũy vừa là công sự của nghĩa quân khi chiến đấu, vừa ngăn chặn quân địch đến gần cứ điểm. Lớp lũy thứ nhất cách đồn 100 mét, hiện nay còn cao 1,50 mét, chân rộng 6 mét, mặt rộng 4 mét, trước lũy có hào sâu, lớp hào lũy này dài 25 mét nối liền khoảng cách hẹp nhất của hai dòng sông Cầu Chày. Cách đó 60 mét về phía trước có một cái lũy lớn, hiện nay còn cao 1,50 mét, chân rộng 8 mét, mặt rộng 6 mét, chạy dài 1.200 mét như hai cánh tay dang rộng bảo vệ mặt nam đồn. Trong những trận chống địch công phá cứ điểm, nghĩa quân đã dựa vào những lớp hào này để phát huy sức mạnh chiến đấu của mình, gây cho địch nhiều tổn thất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:40:52 pm »


Hệ thống cứ điểm Mã Cao còn chạy dài về phía tây và dừng lại ở vị trí cuối cùng là đồn Thung Khoai (tên chữ là Thanh Khoái) nằm giữa Thọ Xuân và Ngọc Lặc (nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân), cách đồn Mã Cao hơn 3 kilômét. Khác với Thung Voi, đồn này không dựa vào địa hình hiểm trở của sông Cầu Chày và hào lũy, mà nằm sâu trong một khu rừng hẻo lánh, có cây cối um tùm che khuất và đầm lầy bao quanh. Thung Khoai liên lạc với các vị trí khác bằng những con đường nhỏ, kín đáo xuyên qua đồi núi và rừng dầy. Để ngăn chặn quân địch tấn công cứ điểm, nghĩa quân cắm những bãi chông dày đặc ở đầm lầy và ở chung quanh nơi đóng quân, họ còn dựng những bức phên lớn nghiêng mái ra ngoài có phủ một lớp bùn trộn rơm bên trên để cản đạn địch.

Hệ thống cứ điểm Mã Cao bao gồm nhiều đồn trại, trải rộng trên một vùng đồi núi của miền trung du, tiếp giáp với miền thượng du Thanh Hóa. Sự xuất hiện của hệ thống cứ điểm này bắt nguồn từ sức mạnh của cao trào khởi nghĩa đang lan tỏa mạnh mẽ ở đồng bằng, cũng như ở miền núi. Dưới sự lãnh đạo của Hà Văn Mao, người Mường và người Kinh cùng đoàn kết, chung sức xây dựng hào lũy, cung cấp lương thực, rèn đúc vũ khí, bảo đảm những điều kiện cần thiết cho cuộc chiến đấu quyết liệt chống Pháp xâm lược và bè lũ tay sai của chúng.

Do nhu cầu tập hợp lực lượng và thống nhất kế hoạch hoạt động của nghĩa quân mà hệ thống cứ điểm Mã Cao đã được xây dựng. Trong hoàn cảnh chiến đấu của nghĩa quân lúc bấy giờ, hệ thống cứ điểm Mã Cao tuy có nhiều hạn chế nhưng vẫn phát huy được tác dụng nhất định khi đọ sức với kẻ thù hung hãn, có vũ khí tinh xảo hơn. Các cứ điểm dàn trên một địa bàn rộng, nhưng từng cứ điểm không bị hãm vào thế đứng đơn lẻ, biệt lập mà có quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, hợp thành một hệ thống liên hoàn, có cứ điểm đóng quân, có cứ điểm hậu cần. Cứ điểm nào cũng đều được xây dựng phù hợp với địa hình núi đồi, sông suối, bãi lầy rừng rậm, triệt để sử dụng lợi thế sẵn có của tự nhiên, giảm bớt công sức xây dựng công sự. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường và biết dựa vào các cứ điểm, nghĩa quân đã đánh trả quyết liệt những cuộc tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Từ khi đảm nhiệm trọng trách xây dựng hệ thống cứ điểm Mã Cao và phối hợp hoạt động với những cánh quân khác, nhất là hỗ trợ mặt trận Ba Đình, Hà Văn Mao càng ra sức xây dựng và không ngừng tăng cường lực lượng nghĩa quân. Nhiều đội quân được hình thành từ các cuộc khởi nghĩa ở địa phương kéo về Mã Cao hoạt động dưới sự chỉ huy của ông, trong đó nổi bật lên những đội quân của quản Khới (làng Thành Hưng, xã Yên Tâm, Yên Định), Trịnh Văn Nghi, tú Vanh (làng Mao Lộc, huyện Yên Định), quản Bông, đội Kiên (người Mường, làng Mé, xã Yên Tâm, Yên Định), đốc Dộp, đốc Khoát (người Mường, xã Quang Trung, Ngọc Lặc). Cũng như ở Ba Đình, tại Mã Cao có rất nhiều phụ nữ tham gia chiến đấu, tiếp tế lương thực, vận chuyển vũ khí, đạn dược, bảo đảm giao thông, liên lạc.

Hệ thống cứ điểm Mã Cao xây dựng xong từ năm 1886, nhưng nhờ bảo đảm được bí mật, nên thực dân Pháp vẫn không hề hay biết gì. Phải tới khi chiếm được Ba Đình (1-1887), nhờ tịch thu được các thư từ của Đinh Công Tráng để lại, chúng mới được biết rằng nghĩa quân đã xây dựng một pháo đài thứ hai trong núi gần làng Mã Cao ở giữa các đồn Phủ Quảng (Quảng Hóa, tức Vĩnh Lộc ngày nay) và Phủ Thọ (Thọ Xuân) của Pháp và nghĩa quân thoát khỏi Ba Đình đều rút về pháo đài thứ hai này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:42:09 pm »


Câu hỏi 14: Phát hiện ra hệ thống cứ địa Mã Cao, giặc Pháp đã dồn quân và đạn pháo để tiêu diệt nghĩa quân. Chúng đã vấp phải sự chống trả kiên cường của nghĩa quân. Cho biết về những ngày chiến đấu cuối cùng của nghĩa quân tại cứ điểm Mã Cao?
Trả lời:


Vai trò quan trọng của Hà Văn Mao trong cao trào đấu tranh của nhân dân Thanh Hóa đã nổi bật từ nhiều năm trước. Cho nên vào cuối năm 1886, trên địa bàn Thanh Hóa, địch vừa tập trung quân và các phương tiện chiến tranh để công phá Ba Đình, vừa tìm cách đàn áp nghĩa quân Hà Văn Mao, trước hết là bắt giết vị thủ lĩnh kiên cường của phong trào này. Bước đầu chúng sai tên tri phủ Quảng Hóa kéo một toán lính đến Điền Lư bắt mẹ già và con trai Hà Văn Mao đưa về tỉnh lỵ Thanh Hóa làm con tin để buộc ông ra hàng. Nhưng ông không chịu khuất phục. Tương kế tựu kế, ông bắn tin sẽ ra hàng và hẹn đón mẹ già và con trai tại La Hán. Được tin ấy, tên công sứ Thanh Hóa vội cử đồn trưởng Pháp ở Điền Lư đem 100 quân, do tay sai dẫn đường đưa mẹ và con Hà Văn Mao đến đình La Hán để nhận sự đầu hàng của vị thủ lĩnh nghĩa quân.

Nghĩa quân đã bố trí lực lượng mai phục rất kín đáo. Khi bọn địch tới nơi, chúng được chức dịch và nhân dân địa phương cung kính đón tiếp. Nhưng đi đến đoạn đường hẻm thì bị nghĩa quân từ những nơi phục kích xông ra tiêu diệt.

Sau khi làm thất bại thủ đoạn xảo quyệt của địch, Hà Văn Mao tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân, vừa củng cố cứ điểm Mã Cao, vừa đưa quân đi hoạt động ở nhiều nơi. Tháng 12 năm 1886, nghĩa quân tấn công đồn Thọ Xuân, giết chết tên trung úy Ra-bi-ê chỉ huy đồn. Suốt thời gian từ cuối năm 1886 sang đầu năm 1887, hai đồn Pháp ở Quảng Hóa và Thọ Xuân liên tiếp bị nghĩa quân tấn công, mà địch không hề phát hiện được họ từ đâu tới, sau đó đi đâu và lực lượng ra sao.

Cuối năm 1886 là thời kỳ nghĩa quân Cần Vương ở Thanh Hóa hoạt động rất mạnh và đều khắp cả đồng bằng và miền núi, đe dọa nghiêm trọng chế độ thuộc địa mới dựng lên. Bọn thực dân Pháp tập trung binh lính và vũ khí hòng đàn áp các cuộc khởi nghĩa để sớm ổn định tình hình chính trị. Chiến dịch càn quét của quân đội Pháp ở Thanh Hóa vào thu đông năm 1886-1887 là chiến dịch lớn nhất mà chúng tiến hành ở Việt Nam lúc bấy giờ. Suốt trong thời gian này, nghĩa quân Mã Cao vừa ra sức tiếp viện, hỗ trợ cho cứ điểm Ba Đình, vừa gấp rút chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại quân đội thực dân Pháp khi chúng kéo tới.

Sau khi mở đường máu rút khỏi cứ điểm đêm 20 tháng 1 năm 1887 (tức vào đêm 27 tháng Chạp năm 1886), nghĩa quân Ba Đình dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng đã nhanh chóng vượt qua nhiều vòng vây ráp, truy lùng của binh lính Pháp và bọn phản động tay sai của chúng, mở một cuộc hành quân từ Ba Đình lên Mã Cao. Trải qua nhiều ngày chiến đấu gian khổ và ác liệt, nghĩa quân Ba Đình tuy có bị hao tổn một phần, nhưng khi tới Mã Cao, họ đã hòa nhập ngay vào nghĩa quân ở đây và khẩn trương chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới. Đinh Công Tráng, một thủ lĩnh nghĩa quân giàu kinh nghiệm và ý chí chiến đấu chống Pháp, đã cùng Hà Văn Mao chỉ huy nghĩa quân và nhân dân đào hào thêm sâu, đắp lũy thêm cao và bố trí thêm các công sự phản kích địch. Đồng thời hàng ngũ nghĩa quân cũng sắp xếp lại cho thích hợp với địa hình chiến đấu và vũ khí hiện đại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:48:05 pm »


Sau khi nghĩa quân rút khỏi Ba Đình, thực dân Pháp mới lập lại sự liên lạc giữa tỉnh lỵ Thanh Hóa và Ninh Bình. Để giữ đất và ngăn chặn nghĩa quân hoạt động trở lại, địch lập một đồn lính tại Đò Lèn, trên con đường thiên lý nối liền Ninh Bình với Thanh Hóa, đồng thời, thực hiện kế hoạch đàn áp nghĩa quân trên quy mô lớn. Đại tá Brít-xô bố trí binh lính Pháp làm ba đạo: một đạo do trung tá Đốt chỉ huy kéo ra Bắc, rồi nửa đường ngoặt lên phía tây, qua các huyện Hà Trung, Thạch Thành tới các huyện Quảng Hóa, Yên Định; một đạo do trung tá Mét-danh-giê chỉ huy đi về phía nam, rồi ngược theo hướng tây, theo bờ sông Chu lên huyện Thọ Xuân, rẽ sang huyện Yên Định; hai đạo quân này sẽ gặp nhau ở gần Mã Cao để cùng công phá hộ thống cứ điểm này. Còn đạo quân thứ ba do đại úy Giốp chỉ huy, dùng các thuyền bè chúng cướp được của nhân dân để chở lương thực, pháo binh và đạn dược ngược dòng sông Mã (nhánh sông Đò Lèn) lên ngã ba Bông vào sông Cầu Chày tới vùng Mã Cao để tiếp tế lương thực và vũ khí cho hai đạo quân trên.

Ba đạo quân địch hoạt động trong tình trạng đầy khó khăn nguy hiểm. Chúng hành quân qua những vùng mới lạ, không có bản đồ, không có người dẫn đường đáng tin cậy. Ba đạo quân này lại cách nhau rất xa và bị nhiều con sông ngăn trở. Sau sáu ngày đường, hai đạo quân của Đốt và Mét-danh-giê gặp nhau ở làng Bùi Hạ (xã Yên Giang, huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa) vào trưa ngày 2 tháng 2 năm 1887. Chúng lập tức tung quân đi điều tra địa hình hệ thống cứ điểm Mã Cao mà cứ điểm lớn nhất chỉ cách Bùi Hạ 3 kilômét về phía tây.

Thực dân Pháp tập trung vào trận đánh này một số lượng quân lính khá đông, bao gồm 63 sĩ quan, 897 lính Pháp, 2.333 lính tập, 1.747 phu, vượt hơn cả số quân của chúng ở Ba Đình đầu năm 1887 (lúc ấy cả lính Pháp và lính tập có 2.488 tên). Đó là một cố gắng lớn của thực dân Pháp để cứu vãn tình thế nguy ngập của chúng, do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Thanh Hóa nổ ra.

Địch tung quân đi trinh sát vị trí của nghĩa quân theo các con đường mòn chạy ngang dọc trong các bụi rậm và rừng cây. Nhưng chúng rất khó phát hiện những cứ điểm của nghĩa quân, vì những vị trí đó chìm sâu trong các thung lũng rậm rạp hoặc rừng dầy, mà chúng lại không hiểu địa hình vùng này. Trước khi đến Bùi Hạ, khi qua phủ Thọ Xuân, tên tri phủ giao cho Mét-danh-giê hai người Việt bị bắt từ mấy hôm trước để làm nhiệm vụ dẫn đường. Họ chính là nghĩa quân, nên cố tình dẫn địch tới những vị trí mạnh nhất của nghĩa quân. Đã vậy các toán quân địch lại rất khó hiệp đồng với nhau, vì bị ngăn cách bởi những cây cao bụi rậm khó phát hiện được hoạt động của nghĩa quân ở các cứ điểm. Cho nên khi hai nghĩa quân vừa dẫn binh lính địch đến sát bờ sông Cầu Chày thì những phát súng bắn từ vị trí tiền tiêu của nghĩa quân cũng nổ giòn. Brít-xô vội chia quân thành ba đạo, tên trung tá Đốt chỉ huy một đạo quân ở phía phải, tên trung tá Mét-danh-giê chỉ huy đạo quân phía trái và tên thiếu tá Đi-ghê chỉ huy đạo quân giữa. Ngoài ra còn có một số toán quân nhỏ vạch cây tìm lối leo lên núi chặn đường rút lui của nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:48:39 pm »


Tuy Brít-xô dàn quân và hùng hổ ra lệnh cho binh lính xông vào các lùm cây rậm rạp để phát hiện các vị trí và tấn công nghĩa quân nhưng tình hình chúng lúc đó rất khốn đốn: Tình hình khá nặng nề, vì súng nổ khắp mọi nơi, không thể nào xác định được điểm mạnh, điểm yếu của vị trí. Địch bị ám ảnh bởi cảm giác của một mối hiểm họa khó mà tránh được, cũng như khó mà liệu hiểm họa đó to lớn là nhường nào.

Brít-xô ra lệnh cho đạo quân giữa tiến lên liều chết vượt sông hòng chiếm đồn tiền tiêu bảo vệ lối vào căn cứ. Sau một giờ tiến quân, đội tiền đạo bị chặn lại trước một con hào có thành dốc thẳng và sâu, đầy gai góc và chông tre. Đội tiền đạo của địch phải nằm rạp dưới hào để tránh sự phản công của nghĩa quân lúc này tạm ngừng bắn để quan sát hoạt động của địch. Nhưng khi bọn chỉ huy của chúng cưỡi ngựa lao lên phía trước ra lệnh cho binh lính vượt lên thì từng loạt đạn ở phía con đê sông Cầu Chày sát sườn bên phải của địch và từ một pháo đài nhỏ bên kia hào cách đội tiền đạo khoảng 300 mét hướng về phía địch nổ giòn, một số binh lính và sĩ quan địch trúng đạn. Cũng chính vào lúc đó, hai nghĩa quân dẫn đường nhảy ngay xuống hào, kêu gọi nghĩa quân hãy tiến công quyết liệt, nhanh chóng bắt lấy tên tổng chỉ huy và bộ tham mưu của địch. Địch đã xả súng bắn và hai người đã anh dũng hy sinh. Bọn chỉ huy địch tung quân xông lên. Nghĩa quân chủ động rút vào pháo đài chính (cứ điểm Bãi Xưa) và tập trung lực lượng phản công địch. Tiếng chiêng trống nổi lên vang dội, cờ xí phất cao cổ vũ tinh thần chiến đấu của nghĩa quân. Từ cứ điểm Bãi Xưa, các loại súng của nghĩa quân bắn ra dữ dội, phản công lại những loạt sơn pháo của địch, Brít-xô thúc đạo quân giữa xông vào nhóm cứ điểm Bãi Xưa với nhiệm vụ phát hiện vị trí pháo của nghĩa quân.

Trong khi cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt ở giữa như vậy thì đạo quân địch ở bên trái đi vòng về phía nam để tăng cường hỗ trợ cho một toán quân trinh sát đang hoạt động ở đó. Còn đạo quân bên phải của trung tá Đốt có nhiệm vụ đi về phía tây để chặn đường rút của nghĩa quân, nhưng bị người dẫn đường cố ý đưa vào rừng già không tìm được lối ra, phải ngủ lại trong rừng, không đến được nơi quy định đúng hẹn để chặn đường rút của nghĩa quân.

Những trận phản công của nghĩa quân diễn ra rất quyết liệt suốt cả buổi chiều ngày 2 tháng 2 năm 1887. Tại cứ điểm chính và các cứ điểm phụ xung quanh, nghĩa quân dựa vào các công sự và với tất cả các loại vũ khí sẵn có trong tay đã ra sức chống cự. Dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng, Hà Văn Mao và các tướng lĩnh khác, nghĩa quân đã kiên cường chống lại quân địch có hỏa lực mạnh hơn. Nhưng cuối cùng nhận thấy không thể cố thủ ở các cứ điểm Bãi Xưa, Hồ Sen và Cửa Bao để tự hãm mình trong thế thụ động bị địch bao vây, bộ chỉ huy nghĩa quân đã quyết định chuyển toàn bộ lực lượng ra khỏi các cứ điểm trên khi trời gần tối. Cuộc chuyển quân đó được thực hiện có tổ chức và rất quyết liệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:48:58 pm »


Nghĩa quân đi về phía huyện Thọ Xuân, lên Ngọc Lặc, tỏa vào vùng rừng núi bao la miền tây. Mãi đến lúc trời tối, địch mới vào được cứ điểm Bãi Xưa. Trong cứ điểm chỉ còn lại một ít vũ khí đạn dược. Kết thúc trận công phá đầu tiên vào hệ thống cứ điểm này, địch bị tổn thất khá lớn.

Sau những trận phản công quyết liệt ngày 2 tháng 2 năm 1887 tại cứ điểm chính và các cứ điểm phụ cận, nghĩa quân Mã Cao còn tiếp tục những hoạt động phản kích địch tại các cứ điểm Thung Voi, Thung Khoai. Nghĩa quân đóng ở Thung Voi do Đinh Phú Tráng (quê ở làng Chỉ Tín, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân) chỉ huy đã nhiều lần chặn đánh binh lính địch từ đồn Phúc Đại sang huyện lỵ Thọ Xuân. Có lần, nhân đêm tối, họ đã đột kích đánh giết binh lính địch đóng tại đình làng Chỉ Tín. Nhờ nhân dân giữ bí mật vị trí kín đáo của Thung Voi, trước tháng 2 năm 1887, địch chưa phát hiện được cứ điểm này. Phải đến chiến dịch công phá hệ thống cứ điểm Mã Cao, do những hoạt động của nghĩa quân, địch mới biết nghĩa quân đóng ở Thung Voi và đưa quân tới đàn áp. Địch đổ quân tấn công từ phía nam. Song ở mặt này, các công sự phòng thủ của nghĩa quân rất bền chắc giúp cho sức chiến đấu của họ thêm hiệu quả. Cả hai lần địch tràn đến, chúng đều bị đánh bật ra. Lần thứ ba, rút kinh nghiệm thất bại của hai trận đầu, địch chỉ để lại một cánh quân nhỏ đánh nghi binh ở mặt nam, còn đại bộ phận binh lính dồn vào tấn công mặt đông bắc. Chúng bắt dân làm bè nứa để vượt sông Cầu Chày, xông vào cứ điểm. Nghĩa quân đã mau lẹ tăng cường lực lượng ở mặt xung yếu này. Họ chiến đấu rất dũng cảm, chủ động mở đường rút khỏi cứ điểm để bảo toàn lực lượng.

Những trận chiến đấu cuối cùng ở hệ thống cứ điểm Mã Cao diễn ra ở cứ điểm Thung Khoai. Cũng như đội nghĩa quân đóng tại Thung Voi, đội nghĩa quân đóng ở Thung Khoai đã lập được một số chiến công, trước khi bước vào những trận chiến đấu quyết liệt tháng 2 năm 1887, như trận phục kích địch tại Cầu Trê (Thọ Xuân). Lừa lúc địch sơ hở đề phòng, một toán nghĩa quân chớp nhoáng tấn công đồn Yên Lược, sau đó rút ngay. Địch bỏ đồn đuổi theo tới Cầu Tre thì lọt vào trận địa phục kích, nghĩa quân bất ngờ nổ súng tiêu diệt chúng.

Sau khi chiếm được Thung Voi, địch đưa quân tới vây đánh Thung Khoai. Chúng vừa tập trung quân tại đồi Cây Khế ở phía tây định tấn công cứ điểm này thì đã bị nghĩa quân nấp trong rừng bắn ra. Sức chiến đấu của nghĩa quân cùng với các bãi chông, đầm lầy đã cản bước chúng lại, buộc chúng phải rút lui, bỏ lại một số xác chết. Nhận thấy không thể đánh chiếm Thung Khoai từ phía tây, ngày hôm sau địch tìm đường từ Phúc Đại qua sông Cầu Chày, xuyên làng Mọ để tấn công từ phía đông bắc vào vì ở mặt này chúng dễ chiếm lĩnh những điểm cao gần cứ điểm, lại ít bị đầm lầy ngăn trở. Nhưng nghĩa quân đã anh dũng chống trả những đợt tấn công của địch trước khi rút quân về rừng Ngọc Lặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:34:08 am »


Câu hỏi 15: Sau khi rút khỏi Mã Cao, nghĩa quân đã gặp rất nhiều khó khăn, hãy cho biết về những tháng ngày cuối cùng của nghĩa quân Ba Đình và sự phát triển mới của phong trào Hùng Lĩnh – sự tiếp nối của Ba Đình?
Trả lời:


Sau những trận chiến đấu quyết liệt tại hệ thống cứ điểm Mã Cao, nghĩa quân chia làm hai bộ phận chuyển lên miền tây Thanh Hóa. Đinh Công Tráng đưa một bộ phận vượt núi rừng Thanh Hóa vào Nghệ An để gây dựng phong trào chống Pháp ở đây. Hà Văn Mao đưa một bộ phận trở lại vùng Điền Lư ra sức củng cố lực lượng để duy trì và phát triển cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

Đội nghĩa quân Đinh Công Tráng trên đường vào Nghệ An đã dừng lại làng Tang Yên thuộc huyện Đô Lương và chuẩn bị xây dựng đồn lũy. Nhưng tên lý trưởng làng này phản bội nghĩa quân đã báo cho thực dân Pháp biết nơi đóng quân của họ. Ngày 5 tháng 10 năm 1887, lính pháp từ đồn Đô Lương (đồn Lường) kéo đến làng Tang Yên lúc 3 giờ sáng. Đinh Công Tráng cùng hơn 30 nghĩa quân đã hy sinh trong trận chiến đấu cuối cùng này.

Đinh Công Tráng hy sinh, phong trào yêu nước mất một người lãnh đạo kiên cường, quả cảm, giàu nghị lực và mưu trí trong công cuộc xây dựng và tổ chức phong trào nhân dân kháng chiến. Trải qua chặng đường đấu tranh lâu dài từ năm 1873 đến năm 1887, ông đã để lại một tấm gương chói ngời về tinh thần yêu nước nồng nàn, về lòng trung thành mẫu mực và sự hy sinh cao cả vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để gánh vác nhiệm vụ lớn lao của mình, từ buổi đầu xây dựng phong trào nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đến trọng trách của một vị chủ tướng trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình, ở đâu ông cũng mang hết tâm trí và sức lực của mình để tổ chức lực lượng nghĩa quân, xây dựng cứ điểm, chỉ huy chiến đấu. Vì vậy, ông đã được nhân dân tin yêu và các thủ lĩnh nghĩa quân mến phục. Vai trò quan trọng, phẩm chất và tài năng xuất sắc của ông khiến bọn thực dân Pháp cũng phải thán phục.

Hà Văn Mao trở lại Điền Lư lần này tiếp tục liên hệ với Cầm Bá Thước ở Thường Xuân để phối hợp hoạt động. Ảnh hưởng của Hà Văn Mao ở miền tây Thanh Hóa vẫn không ngừng mở rộng. Qua vùng lưu vực sông Mã và sông Đà, ông đã liên hệ với nhiều toán nghĩa quân chống Pháp hiện tạm ẩn náu ở Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Địch biết được điều này qua nhiều nguồn tin, trong đó có những thư từ trao đổi giữa các toán nghĩa quân mà chúng bắt được. Hơn nữa, chúng cũng biết ở vùng thượng du Thanh Hóa có nhiều toán nghĩa quân hoạt động, đã từng phối hợp với lực lượng nghĩa quân Ba Đình và Mã Cao. Đây là địa bàn hoạt động quen thuộc của Hà Văn Mao và nhiều toán nghĩa quân khác. Vì vậy, mặc dù đã qua một chiến dịch lớn rất ác liệt ở Thanh Hóa cuối năm 1886 đầu năm 1887, sau khi trở về Hà Nội và Sơn Tây không bao lâu, vào đầu tháng 4 năm 1887, tên thiếu tướng Brít-xô (y mới được thăng cấp) đã cấp tốc tổ chức một đạo quân có đại bác yểm hộ và pháo thuyền bảo vệ, xuất phát từ Sơn Tây ngược sông Đà, qua Chợ Bờ, rồi đi xuyên vùng rừng núi đến Mai Châu vào Thanh Hóa. Chúng chia quân đi càn quét và đóng giữ những vị trí quan trọng ở vùng này.

Trước tình thế đó, tháng 5 năm 1887, Hà Văn Mao chỉ huy nghĩa quân tấn công đồn La Hán do Mét-danh-giê đóng giữ. Nghĩa quân còn đánh một trận phục kích khá lớn khi địch kéo đến Điền Lư, sau đó chuyển lên hoạt động ở vùng Nhân Kỷ (còn gọi là Mường Kỷ, nay thuộc hai xã Văn Nho và Kỳ Tân, huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Đây là vùng cư trú của đồng bào Thái và Mường có nhiều thung lũng mầu mỡ và kín đáo xen giữa những dãy núi đá vôi, những rừng cây rậm rạp. Biết Hà Văn Mao đã chuyển quân lên Nhân Kỷ, thực dân Pháp liền tổ chức một đạo quân do Mét-danh-giê chỉ huy, kéo đến càn quét vùng này ngày 11 tháng 8 năm 1887. Nghĩa quân đón đánh địch quyết liệt, họ vận động linh hoạt trong địa hình rừng núi hiểm trở, rồi bất ngờ nổ súng. Bị thiệt hại nặng, không thể kéo dài được cuộc càn quét, Mét-danh-giê đành phải rút quân về. Đến tháng 11 năm đó, tên thiếu tá Hen-lơ-boa và đại úy Pát-can lại chỉ huy một đạo quân tấn công Nhân Kỷ lần thứ hai. Lần này, bên cạnh Hà Văn Mao còn có Trần Xuân Soạn cùng phối hợp chỉ huy nghĩa quân phản kích mạnh mẽ những đợt tấn công của địch. Nhưng nghĩa quân bị thiệt hại nặng, sau các đợt tấn công dồn dập của địch, cuối cùng Hà Văn Mao phải rút khỏi Nhân Kỷ trở lại Điền Lư, còn Trần Xuân Soạn thì sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết để bàn kế cứu nước1.

Về Điền Lư, nghĩa quân Hà Văn Mao gặp rất nhiều khó khăn, hàng ngũ tan rã dần, thực dân Pháp và tay sai tăng cường đàn áp. Trước tình hình đó, nhận thấy không thể đưa phong trào đấu tranh tiếp tục phát triển lên được, Hà Văn Mao giải tán nghĩa quân, rồi vào rừng tự sát để khỏi rơi vào tay giặc2.
_________________________________________
1. Sau khi Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc thì ở trong nước, vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt (11-1888), đường biên giới Việt - Trung bị kẻ thù khóa chặt, ông đành ở lại Trung Quốc, rồi mất ở đó vào năm 1923.
2. Hiện nay, mộ ông đặt tại gò làng Mí, xã Điền Lư, huyện Bá Thước. Về cái chết của Hà Văn Mao, một số sách trước đây chép khác. Đại Nam thực lục chính biên (tập 37, tr. 258) chép Hà Văn Mao bị bắt và bị chém ở Thanh Hóa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:36:07 am »


Trải qua hơn mười năm khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến đầu hàng, Hà Văn Mao đã có những đóng góp lớn trong việc đề xướng tổ chức phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ông là một trong những người đầu tiên ở Thanh Hóa phất cao ngọn cờ yêu nước, tập hợp lực lượng quần chúng tổ chức nghĩa quân, xây dựng cứ điểm tại miền núi. Từ đó nghĩa quân đã mở rộng hoạt động xuống miền xuôi, tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa phong trào vùng thượng du và đồng bằng, trên cơ sở đó phong trào Cần Vương Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những đỉnh cao của phong trào cả nước. Nêu cao tấm gương yêu nước chống giặc của ông, ngươi đương thời có câu đối viếng:

"Vũ trụ tổng giai ngô phận sự,
Hào hùng chính tiện thổ man nhân"1.

(Việc trong vũ trụ ta phải gánh,
Người dân miền núi chí hào hùng).

Hệ thống cứ điểm Mã Cao bị phá, thủ lĩnh Hà Văn Mao tự sát, nghĩa quân và nhân dân trong vùng bị giặc Pháp tăng cường đàn áp khủng bố, đó là những tổn thất của phong trào. Nhưng nhân dân miền núi Thanh Hóa vẫn một lòng chống giặc. Vượt qua muôn vàn gian khó, nhiều người khác lại tiếp tục tổ chức công cuộc đánh giặc, giữ mường. Phong trào có lúc đã phát triển trở lại sôi nổi và rộng lớn với những thủ lĩnh mới như Hai Hiền, Cao Nho2... Trong khi đó thì tại vùng Thường Xuân, đội nghĩa quân người Thái dưới sự lãnh đạo của Cầm Bá Thước vẫn giữ vững ý chí quyết chiến, bám trụ quê hương, tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang trong những năm chín mươi của thế kỷ XIX. Chính nhờ vậy mà nghĩa quân Hùng Lĩnh - sự kế tiếp của nghĩa quân Ba Đình trong những năm chiến đấu cuối cùng đã có thể kéo lên vùng này hoạt động, gây dựng lại lực lượng, liên hệ với nghĩa quân vùng hạ lưu sông Đà, lập thêm chiến công mới.
___________________________________
1. Bài ngoạn mậu kiếm liệt truyện, Bản dịch của Trần Lê Hưu, Phòng tư liệu khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
2. Hà Văn Nho, dân tộc Thái, quê ở Nhân Kỷ nay thuộc xã Văn Nho, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 07:37:15 am »


Câu hỏi 16: Cho biết về các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, căn cứ địa Ba Đình và tinh thần kiên cường chống trả giặc Pháp của nghĩa quân Ba Đình?
Trả lời:


1. Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa

Đinh Công Tráng sinh ngày 14 tháng 1 năm 1842 tại thôn Nham Chàng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Cha là Đinh Văn Thành, một danh y nổi tiếng. Thuở nhỏ ông theo học cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đi thi đậu tam trường. Đinh Công Tráng từng tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước ở quê hương Hà Nam và sau đó rút vào Thanh Hóa tham gia xây dựng căn cứ chống Pháp. (Về Đinh Công Tráng, ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn ở các phần sau).

Phạm Bành sinh ngày 23 tháng 5 năm 1830, quê làng Trương Xá, xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là em trai bảng nhãn Phạm Thanh. Sau khi đậu cử nhân, Phạm Bành được bổ chức đốc học rồi được thăng án sát Nghệ An. Phong trào Cần Vương lên cao, cùng với nhiều sĩ phu đương thời, ông từ quan về tham gia nghĩa quân và được cử làm phó tướng nghĩa quân Ba Đình.

Hoàng Bật Đạt sinh năm 1842, quê làng Bộ Đầu, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Năm 1864, ông thi đậu giải nguyên được bổ làm giáo thụ huấn đạo huyện Ý Yên (Nam Định), rồi thăng chức tri huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Thực dân Pháp xâm lược miền Bắc, ông yêu cầu tuần phủ Bắc Ninh tổ chức chống giặc, nhưng không được chấp nhận. Ông từ quan về quê tập hợp nghĩa quân chống Pháp. Ông được cử làm phó tướng phụ trách quân lương của nghĩa quân Ba Đình.


2. Căn cứ Ba Đình

Căn cứ Ba Đình được xây dựng tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội chừng 150 kilômét về phía nam. Ba Đình là một địa bàn quan trọng của vùng Nga Sơn, có địa thế thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ kháng chiến. Đây là một vùng đồng trũng, nước ngập sâu, diện tích hơn 6,5 km2, chiều dài gần 3km, rộng trên 2km, ở giữa cánh đồng của ba làng Thượng Thọ, Mỹ Khê, Mậu Thịnh, nổi lên như một hòn đảo. Xung quanh mỗi làng có lũy tre kín mít. Vào ba làng chỉ có một con đường độc đạo chạy từ đê sông Hoạt, chạy qua phía bắc căn cứ Ba Đình. Trên khu đất tiếp giáp của ba làng, mỗi làng có một ngôi đình lớn, bởi vậy mà gọi khu này là Ba Đình.

Vào tháng 5 năm 1886, nhân lúc đồng ruộng khô ráo, lúa đã gặt xong, nghĩa quân tiến hành xây dựng căn cứ. Nghĩa quân đã cấp tiền cho dân làng, khuyên những người già, trẻ con, đàn bà tản cư sang các làng xung quanh, còn trai tráng ở lại chuẩn bị cuộc chiến đấu. Cùng tham gia xây dựng khu căn cứ với nghĩa quân, dân phu của các làng trong hai huyện Nga Sơn và Hà Trung đã về Ba Đình để đào hào, đắp lũy, xây dựng công trình phòng thủ xung quanh làng. Một con hào chạy bao quanh làng, ngăn cách làng với bên ngoài, hào rộng 4 mét, sâu 3 mét. Tiếp đến là thành đất. Thành dày từ 8-10 mét, mặt thành ngoài cắm chông, cứ 5 mét lại có một cọc nhọn là là trên mặt nước hào. Phía ngoài cùng là một hàng rào tre kín mít. Xung quanh là một bãi chông tua tủa, rộng đến 50 mét. Trên thành có lỗ châu mai đặt thần công bắn ra. Thành có ba cổng chính gọi là ba chốt do ba vị trong sở chỉ huy phụ trách. Giữa ba làng gộp thành một cụm có đường liên lạc với nhau. Toàn bộ công trình được tiến hành xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong hơn một tháng là xong. Từ Ba Đình, nghĩa quân có thể khống chế được đoạn đường từ tỉnh lỵ Thanh Hóa đi Hà Nội, lại có thể liên lạc với Lào bằng đường bộ và nhận tiếp tế từ biển vào bằng đường sông có điều kiện chiến đấu lâu dài. Từ vị trí chiến lược này nghĩa quân đã tiêu diệt nhiều đoàn xe và những đội quân của địch.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM