Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:28:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 26982 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 09:09:38 am »


Câu hỏi 10: Trình bày diễn biến, kết quả những trận đánh của nghĩa quân do Đinh Công Tráng lãnh đạo đối phó với các đợt tấn công của địch vào căn cứ Ba Đình?
Trả lời:


Cả ta và địch đều gấp rút chuẩn bị cho đợt quyết chiến ác liệt. Theo kế của cha Sáu, giặc cho lập những pháo đài nổi bằng rơm bùn để tiến sát Ba Đình. Chúng khép chặt vòng vây, chặn hết các ngả chi viện của ta, thả quân càn quét các làng, cướp của giết người man rợ. Chúng thúc dân phu đào thêm hào, đắp thêm công sự chuẩn bị thuyền bè, xin cấp thêm vũ khí và hai tàu chở xăng dầu để thực hiện một trận chiến: Chặn viện - hỏa công - công thành.

Đinh Công Tráng củng cố hầm hào, công sự, bố trí lực lượng canh phòng ngày đêm nghiêm ngặt, chuẩn bị lương khô. Đinh Công Tráng còn cho người gặp Trần Xuân Soạn yêu cầu hỗ trợ, cử người về các làng vận động nhân dân khua trống mõ quấy rối phía ngoài khiến giặc mất ăn mất ngủ và bắn hao phí đạn dược. Đinh Công Tráng tổ chức các nhóm nghĩa quân lẻ dựa vào đầm lầy, đánh chớp nhoáng các toán quân và sĩ quan địch đi kiểm tra, tuần tiễu, khiến chúng không dám mạo hiểm tới gần cứ địa. Ông chuẩn bị cho một trận đánh lớn thắng lợi giòn giã khi giặc mở đợt tấn công đại quy mô vào Ba Đình rồi rút một cách bất ngờ ngay sau trận đánh đó.

Trận thứ nhất: Giặc tổng công kích từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 1 năm 1887. Sau khi có thêm viện binh, vũ khí và đạn dược, Brít-xô họp các tướng lĩnh tuyên bố: Hiện nay hai pháo hạm A-ra-lăng-sơ và Bốt-săng đang chở dầu tới, đạn sẽ có thêm nhiều. Pháo hạm Et-tôc và Ma-lông cùng các đơn vị pháo còn mười sáu nghìn quả đại bác và súng cối. Bắt đầu từ năm giờ sáng nay, mọi họng súng đều hoạt động. Bắn! Bắn liên tục! Bắn dồn dập! Bắn cho hết đạn thì thôi, bắn cho cái thành đất kia nát vụn không một cỏ cây, một sinh vật nào sống nổi. Khi có lệnh đánh thành chỉ có tiến không có lùi! Kẻ nào lùi bắn bỏ. Sĩ quan bỏ chạy tử bình! - Hắn nhấn mạnh từ "tử hình", có ý cảnh cáo trung tá Đốt ở trận trước đã bỏ chạy.

Giặc nói là làm. Đúng năm giờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 1887, Ba Đình đang tĩnh lặng bỗng rền vang như sấm sét. Lửa khạc ra từ bảy trận địa pháo và trên tàu chiến nhoang nhoáng. Đất trời Ba Đình nghiêng ngả như muốn tan vỡ ra từng mảng. Không khí cháy bỏng sôi sục quyện lẫn với ánh nắng trời làm cho không khí trở nên ngầu đục giữa những lớp khói và bụi đất vần vũ bay lên từng đợt. Giặc đã biến buổi bình minh êm ả của thiên nhiên thành buổi bình minh khói lửa chuyển đất long trời. Hai ngày đêm, tiếng rú và tiếng nổ của đại bác rền vang không ngớt. Hai ngày đêm, Ba Đình không thể trở mình được. Ba Đình nín thở trong cơn động đất man rợ. Ban đêm chớp lửa từ những nòng pháo như những thanh kiếm dài rạch nát đất trời. Ba Đình như một chiếc đe thợ rèn vĩ đại, lửa toé ra xé rách màn đêm. Đất trời rung lên bần bật. Brít-xô hy vọng bắn phá bằng pháo hạng nặng suốt 48 giờ cái thành đất kia sẽ tan tành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 09:10:10 am »


Trên mười lăm năm sáp trận đánh bọn Tây dương kể cả trận Cầu Giấy, giữ thành Sơn Tây, Nam Định và ở quê nhà, chưa bao giờ Đinh Công Tráng gặp một trận pháo kích ác liệt, man rợ như vậy. Đại bác xé tai, nhức óc không lúc nào ngừng. Người ông đầy bụi đất. Ông nhắc đốc Khế chú ý những nơi hiểm yếu. Nếu thành vỡ thì lấy sọt rơm bùn dự trữ đắp lên ngay, không để cho giặc nhìn thấy khoảng thành vỡ mà đổ quân lên. Hoặc có thể lừa giặc xem chúng bắn dồn vào đâu là chính thì làm như ta sơ hở để giặc đổ quân vào đó. Cần giữ chòi canh. Cái nào đổ cho dựng lại ngay. Chặt nhiều chuối đưa về chân thành. Đặc biệt là lá cờ Đại, linh hồn của cứ địa, không một lúc nào ngừng tung bay.

Đại tá Brít-xô không thể đứng yên một chỗ. Phía Ba Đình lửa khói bốc ngụt trời. Song cái thành đất kia vẫn sừng sững không một mảng tường đổ. Grô-phơ, đại úy công binh nói: Mọi loạt đạn đều rất chính xác. Trung tá pháo binh Xten-giơ chỉ huy thật cừ khôi. Thế nhưng cái thành quỷ quái vẫn đứng vững. Thần thoại chăng? Có thật thành kia chỉ xây bằng rơm bùn sọt đất chăng?

Những thùng dầu lửa từ các chiến hạm được dân phu chuyển đến. Bọn lính công binh nối các vòi rồng lại, phun dầu vào các hàng rào ngoại vi. Dầu lênh láng. Một chiếc thuyền chở đầy dầu lửa và chất dễ cháy lao vào phía hàng tre. Rồi lửa bùng lên lan rộng trên mặt đất, mặt nước. Lửa cháy thành một vòng đai từng đoạn, từng đoạn quanh Ba Đình. Trời khô hanh, lửa càng bốc mạnh. Cùng lúc, đại bác lại nổ từng loạt như sấm dậy. Trong Ba Đình lửa khói bốc lên cuồn cuộn lúc đỏ ngòm, lúc ngầu đục. Ngoài Ba Đình lửa cháy tới chân thành. Grô-phơ hết sức thoả mãn về trận công thành trong vòng đai lửa này. Thành đất kia dù cái gì ẩn náu bên trong cũng không chịu nổi những luồng pháo từ trên ập xuống và lửa nóng từ bên ngoài cháy vào. Ba Đình như trong một trận động đất, một núi lửa.

Quân giặc nhung nhúc ngập ngụa các chiến hào. Brít-xô muốn hắn phải là người đầu tiên vào Ba Đình, tận mắt nhìn xác Đinh Công Tráng và đếm xác các tướng Ba Đình. Nhưng khi hướng ống nhòm vào thì kỳ lạ thay! Lá cờ rộng bản dệt bằng cói Nga Sơn vẫn ngạo nghễ tung bay kiêu hãnh. Hắn buốt óc, đã pháo kích bao trận mà lá cờ vẫn vươn mình thách thức. Hàng rào tre cháy trụi, đen thui như lông nhím xù ra như những mũi lao sắp phóng vào mắt hắn. Hết hỏa công nhưng pháo kích vẫn điên cuồng dữ dội. Bụi khói vẫn cuồn cuộn ngút trời nhưng lá cờ vẫn ngạo nghễ. Hai dải lụa màu ghi hai câu đối tung cánh trên nền trời như hai thanh kiếm hộ cờ kiêu dũng.

Brít-xô rít lên ra lệnh bao vây ba chốt chính. Tập trung bắn phá và chiếm thành ngay, ai lùi bắn chết tại chỗ. Sau đợt đại bác cuối cùng, hắn ra lệnh nhất loạt nổ súng rồi tràn qua các hàng rào tre cháy trụi. Nhưng trước mặt chúng là những hàng chông ngập lút đầu người và bờ thành chông tre tụa tủa như gai bồ kết, dày đặc như giàn mướp. Ba tòa thành như con nhím khổng lồ xù lông chờ đối thủ. Thành vẫn im lặng. Im lặng một cách khủng khiếp! Quân giặc vón cục quanh thành. Brít-xô đâm hoảng. Chúng tìm cách vượt rào. Vẫn im lặng. Im lặng một cách đáng sợ. Im lặng đến rợn người!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 09:10:31 am »


Bỗng trong thành một tiếng pháo lệnh dậy trời. Tiếp theo là tiếng súng, tiếng mõ vang động cả một vùng, làm xáo động cả bầu không khí đang hầm hập khói đạn đại bác và súng trường. Tiếng hò reo như sấm dậy. Hàng loạt tên giặc vừa vượt rào ngã gục xuống. Chúng vứt cả thang, ván gỗ chạy nhào lại, bị trúng chông ngầm giãy giụa kêu khóc. Nước sủi lên ùng ục, đỏ ngầu máu. Hào, rào tre vừa cháy trụi trở thành kẻ phản giáo đâm vào lũ giặc. Chúng trở thành những bia thịt, hỗn loạn dẫm đạp lên nhau bỏ chạy. Grô-phơ một tay đẩy thuyền, một tay gạt bọn lính trở lại bị trúng đạn gục xuống thành thuyền. Cai Vinh phải cõng hắn vượt vòng tên đạn chạy về. Từ Thượng Thọ, quân ta hô to: Mở cổng thành tiêu diệt giặc. Nghĩa quân dùng đoản đao, kiếm, thanh quát lao ra như tên bắn, chém xa xả vào giặc. Lưỡi kiếm căm thù huơ lên chém xuống loang loáng trong ánh nắng. Giặc chạy tán loạn. Bọn sĩ quan bắn gục một vài tên lính để xốc quân trở lại nhưng không thể được. Chúng vẫn cứ chạy, dẫm đạp lên nhau, chen lấn nhau mà chạy, bất chấp lệnh của sĩ quan. Brít-xô - kẻ đã hạ lệnh "ai chạy bắn bỏ" cũng vội vã bỏ chạy. Trung tá Đốt hoảng quá cũng nhảy xuống chiến hào, rơi cả súng lục. Kết cục trận hỏa công - công thành - diệt viện mà Brít-xô rất đắc ý đã thất bại thảm bại. Trung tá Đốt báo cáo: 5 sĩ quan, 280 lính Âu bỏ mạng chưa kể lính triều đình và giáo dũng. Ngót hai vạn quả đại bác, xăng của hai tàu biến thành mây khói.

Brít-xô đã gọi Đinh Công Tráng là một con người đáng gờm. Nhất là cách bố trí quân phòng ngự. Hắn tham gia đã nhiều trận nhưng thật chưa đến mức gay go như Ba Đình. Hắn cho rằng cách phòng ngự của nghĩa quân thật kỳ lạ, độc đáo thì đúng hơn.

Tên Đốt phải công nhận rằng nghĩa quân Ba Đình đã chọn một địa điểm thật đặc biệt. Khi mới nhìn thì thấy đây là một căn cứ mà thủ lĩnh nghĩa quân tự tìm đến cái chết. Đó là một sai lầm nghiêm trọng về quân sự khi phải đối phó với đội quân viễn chinh của Pháp. Nhưng khi đi vào trận đánh thì cách bố trí kỳ lạ, độc đáo đó, tên Đốt mới thấy được nghệ thuật cầm quân của người chỉ huy căn cứ.

Brít-xô nói về Đinh Công Tráng: Đinh Công Tráng là người thế nào? Để tổng quát lại ta phải xem xét ông trong toàn bộ cuộc đời trận mạc và so sánh ông với bọn quan lại triều Nguyễn. Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng mà. Người An Nam có nhiều loại. Quan triều vua chúa thì nhát như thỏ đế. Họ cúi đầu, rụt cổ quy hàng, có bảo họ dâng cả đất nước, thậm chí dâng cả vợ và con gái cho ta họ cũng làm. Nếu cứ như chúng, chỉ mấy phát súng là đã chiếm thành dễ như trở bàn tay. Và những cuộc hành quân chiếm đất của chúng ta chỉ là buổi dạo mát. Nhưng dân An Nam quả là gan góc đáng sợ, nhất là bọn sĩ phu áo dài khăn lượt chỉ biết cầm bút lông nói lời Khổng Tử không hề được học binh thư võ trận, đấu kiếm múa gươm, vậy mà gan dạ mưu trí vô cùng. Đinh Công Tráng chỉ là một người bình dân ở hàng cai tổng, đâu đến tam trường, chưa học binh thư, chưa bày binh bố trận, vậy mà đi đến đâu cũng đứng đầu các hàng quan lại, làm thủ lĩnh. Tráng rèn binh nhanh chóng, kỷ luật nghiêm minh. Tướng sĩ dưới trên tử sinh một dạ. Tráng có kinh nghiệm đắp luỹ can thành độc đáo, sáng tạo, giỏi cả đánh đồn, giữ cứ, chống càn. Trong trận mạc, Tráng xông pha, dũng mãnh, biến hóa khôn lường. Nếu Tráng cũng có vũ khí hiện đại, có người cứng cáp phù trợ vị tất ta đã thắng nổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 09:10:50 am »


Trận thứ hai: Đánh giặc để rút khỏi Ba Đình đêm 20 tháng 1 năm 1887.

Sau nhiều trận chiến ác liệt, xác giặc không lấy hết bị thối rữa. Từ khi giặc phá cống Hối Cái, nước quanh Ba Đình càng hôi thối hơn. Nước trong thành cũng bị ô nhiễm, Đinh Công Tráng quyết định: Công để rút. Ông nói với các tướng lĩnh: Giặc như đó sa trà cuốn thì ta như cá lặn rồng bay. Lâm trận như thiêu thiên hỏa - Giả trận như vô hình và tấn như tẩu thạch phi sa la như thiên tàn địa ám.

Đêm khuya, Bọn Tây dương đang ngủ ngon giấc. Vào giờ Hợi, từ Giao Thụy có pháo lệnh, rồi Thạch Đàn, Sa Liễn tiếp theo. Kế đó là tiếng reo hò của quân quan Tả Dực và Cao Điền kéo về núi Sến, Thanh Đàn. Súng nổ loạn xạ vào sở chỉ huy của Mét-danh-giê. Cũng lúc đó, Xã Giã đánh vào Ngọc Lân, Tuấn Đạo, Nghi Vịnh. Lửa đuốc cũng rực lên ở Hợp Long, Hoàng Thổ cùng với chiêng trống, thanh la, mõ vang lên cả một vùng. Binh lính giặc bàng hoàng. Đinh Công Tráng truyền lệnh tung binh đánh thẳng vào Tuấn Đạo. Từ Ngọc Lân, Sa Liễn, Xã Giã đánh vào. Từ Thượng Thọ, Đinh Công Tráng đánh ra, Brít-xô bị kẹp giữa hai gọng kìm. Grô-phơ, Đốt, Mét-danh-giê, Mát-xông đều hoảng hốt. Ba cánh quân của nghĩa quân đánh thẳng vào sở chỉ huy giặc rồi như ba con rồng cất cánh bay đi giữa tiếng chuông, tiêng trống vang lừng. Lãnh Phi kịp đón phía Thạch Lôi. Lê Khắc Thảo khép hậu quân. Nghĩa quân vượt sông Hoạt về Mã Cao. Chờ khi đội thứ nhất vào trận, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Lê Toại lãnh đạo đội thứ hai gồm những người sức yếu sẽ rút lui về Hậu Lộc. Lãnh Khê kìm giặc bị hy sinh. Đêm 20 tháng 1 năm 1887, nghĩa quân rút lui theo chiến thuật "hỏa dậy long trầm" thắng lợi, để lại nhiều xác giặc chết, nhất là đầu cầu vải (cầu bắc bằng vải cho nghĩa quân qua sông) sau này gọi là cầu Tây, vì ở đây nhiều Tây chết. Bên ta thương vong một số. Riêng cụ đầu sứ Phan Cư quyết ở lại cứ địa, đốt lửa nhử giặc tử chiến với chúng, quyết chiến đấu tới cùng.

Ngày hôm sau, giặc vào phá thành, khủng bố nhân dân dã man. Đại úy Grô-phơ chỉ huy đốt thành bị thương nặng được phong thiếu tá. Tháng 1 năm 1922, tức là sau 35 năm, Grô-phơ vẫn không hiểu nổi cách bố phòng của Ba Đình, Grô-phơ quyết định trở lại Đông Dương để tận mắt nghiên cứu lại thành này. Y bắt dân Thanh Hóa đắp lại thành, khắc bia ca ngợi chiến công của hắn: Ngày 5 tháng 1 năm 1922, thống chế Grô-phơ - người đã chiến thắng quân đội Đức năm 1914 đã đến thăm nơi này để tưởng nhớ lại những chiến công đầu tiên của đại úy Grô-phơ vào tháng 1 năm 1887 tại Ba Đình.

Biết Đinh Công Tráng là một thủ lĩnh nghĩa quân có uy tín, tài ba - một mối nguy cho lũ bán nước và cướp nước nên kẻ thù quyết tâm truy kích tiêu diệt. Tới Mã Cao, Đinh Công Tráng cùng Hà Văn Mao củng cố hầm hào chuẩn bị đối phó. Biết Đinh Công Tráng rút về Mã Cao, giặc lập tức truy kích để tiêu diệt. Chúng chia thành hai đạo. Một đạo do trung tá Đốt chỉ huy gồm có 31 sĩ quan, 578 lính Pháp, 855 lính ngụy và 1.034 dân phu. Một đạo do trung tá Mét-danh-giê chỉ huy gồm 19 sĩ quan, 308 lính Pháp, 448 lính ngụy và 641 dân phu. Bộ chỉ huy truy kích gồm 9 sĩ quan với lực lượng 11 lính, 72 dân phu, một đại đội công binh do đại úy Grô-phơ chỉ huy.

Ngày 2 tháng 2 năm 1887, cuộc chiến diễn ra, Đinh Công Tráng, Hà Văn Mao chỉ huy bảo vệ cứ địa dũng liệt. Nhưng biết không giữ nổi, nghĩa quân phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Tối 2 tháng 2 năm 1887, giặc vào được thành thì nghĩa quân đã rút hết lên Thọ Xuân, Ngọc Lặc. Giặc tiếp tục truy kích, Đinh Công Tráng phải lánh sang Thượng Lào rồi về Nông Cống. Sau đó, ông vào Nghệ An liên hệ với Hương Khê đánh Pháp lâu dài nhưng bị đánh úp bất ngờ. Đinh Công Tráng đã anh dũng hy sinh đêm ngày 5 tháng 10 năm 1887 tại làng Trung Yên, Đô Lương, Nghệ An.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 09:11:47 am »


Câu hỏi 11: Trước tình hình bi đát của giặc Pháp tại Ba Đình, Chính phủ Pháp rất lo lắng chỉ thị cho Brít-xô phải hạ bằng được căn cứ Ba Đình. Cho biết hành động của quân Pháp và cuộc rút lui an toàn của nghĩa quân Ba Đình?
Trả lời:


Trước tình hình liên tục thất bại của Pháp tại Ba Đình như vậy, dư luận nước Pháp lại càng xôn xao. Chính phủ Pháp quyết định: Brít-xô chỉ được báo cáo về Pháp khi đã thắng lợi hoàn toàn. Bản thân Brít-xô cũng đã rất mệt mỏi, chán nản sau những ngày đêm chiến đấu căng thẳng, quyết liệt. Hắn lo sẽ bị đánh gục ở Ba Đình với khí hậu ẩm thấp và bệnh tật trước khi hạ được thành. Để khỏi ngã lòng binh sĩ đang hoang mang, hắn vẫn phải hàng ngày tự mình đi tuần tra xem xét các vị trí và động viên binh sĩ. Mặc dù vậy, tình hình đội quân xâm lược ngày càng thêm bi đát. Số bị thương và đau ốm tăng lên rất nhiều. Những người còn khỏe cũng không khỏi suy nghĩ đến số phận của mình khi thấy đồng đội ốm đau, bị thương mà thuốc men, lương thực đều thiếu thốn. Không khí ở trận địa lại càng khủng khiếp vì các xác chết không được chôn vùi, một số lớn đã trương lên và gây mùi hôi thối ghê tởm. Tình hình lính ngụy và dân phu lại càng bi đát hơn. Bị giặc Pháp đối xử tàn tệ lại luôn được nghĩa quân kêu gọi, một số trong họ - nhất là dân phu đã lợi dụng những đêm tối trời để bỏ trốn.

Nhận thấy không thể nào kéo dài được cuộc vây hãm Ba Đình, Brít-xô nghĩ đến những biện pháp táo bạo nhất để tiêu diệt căn cứ, mặc dù biết rằng sẽ bị tổn thất nhiều. Trong những ngày bao vây, chúng bắt được một số nghĩa quân và sau những cuộc tra tấn dã man đã khai thác được một số tài liệu và tin tức. Nhờ đó, chúng đã vẽ được sơ đồ chiến lũy Ba Đình và lấy được một số tình hình nghĩa quân. Đồng thời, nước trong cánh đồng chiêm đã bị tháo cạn, cuộc tấn công sắp tới vì vậy cũng thuận lợi hơn trước. Lần này, Brít-xô chủ trương thay đổi hướng tiến công ba mũi nhọn và tập trung tấn công vào vị trí bắc Thượng Thọ. Hắn ra lệnh cho pháo binh bắn dữ dội vào đó để phá vỡ chiến lũy và mở đường cho quân tiến. Nhờ có pháo binh, chúng hạn chế được phần nào hỏa lực của nghĩa quân.

Tuy vậy, trận địa của nghĩa quân vẫn không hề nao núng. Nấp kín sau lũy tre dày, nghĩa quân theo dõi nghiêm ngặt những hành động của bọn giặc bên ngoài và những loạt súng bắn trả lại họ tuy thưa nhưng rất chắc và trúng. Trong thư gửi vua Hàm Nghi, Đinh Công Tráng đã báo cáo lại diễn biến chiến sự tại mặt trận Ba Đình như sau: ''Tôi vẫn tiếp tục nấp kín trong đồn để nhằm bắn vào bọn chúng và bọn chúng chết nhiều đến nỗi không còn dám tiến vào đồn nữa". Đặc biệt, ngay trong lúc chiến đấu quyết liệt nhất, người ta vẫn nghe vang lên tiếng trống chèo và tiếng loa vận động ngụy binh, xen lẫn tiếng đạn đại bác nổ dữ dội. Các đồn tiền tiêu của địch không đêm nào không bị nghĩa quân tấn công. Cho nên, nếu ban ngày chúng tiến thêm được một đoạn thì đêm đến chúng lại phải lùi ra để khỏi bị nghĩa quân tiêu diệt. Dưới ánh lửa của những đám cháy, quân Pháp chiếu ống nhòm nhìn vào trong chiến lũy và thấy nghĩa quân vẫn còn đông và sẵn sàng chiến đấu. Tinh thần dũng cảm của họ đã làm cho quân thù hết sức khiếp đảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 09:12:13 am »


Sáng ngày 20 tháng 1, toán binh tiến sát đến phòng tuyến thứ nhất của chiến lũy tre bao quanh Ba Đình. Sau khi đã nổ rất nhiều mìn để phá vỡ được từng mảng rộng hàng rào tre, chúng liều mạng xông lên, hy vọng sẽ được giáp mặt với nghĩa quân để tiêu diệt họ trong một trận giáp lá cà ác liệt. Nhưng trước mặt chúng là một hào sâu đầy nước cắm chông tre nhọn dày đặc, không thể nào nhổ lên được. Bọn công binh Pháp dùng vòi rồng phun dầu đốt những bụi chông đó. Tiếng tre nổ hòa lẫn với tiếng súng trường và đại bác tạo thành một âm thanh náo động, hỗn độn. Trong khi đó, đạn đại bác, đạn lửa vẫn tới tấp bắn vào tàn phá và đốt cháy Ba Đình. Bọn lính địch tuy bị chết rất nhiều, nhưng bọn chỉ huy vẫn lùa chúng dẫm bừa qua các xác chết để xung phong. Một số trong bọn chúng núp sau những sọt rơm trộn bùn tiến dần vào sát pháo đài. Đại bác, lựu đạn, quả nổ của địch bắn vào chiến lũy trong ngày hôm đó lên tới 16.000 quả.

Cuộc chiến đấu đã bước sang giai đoạn vô cùng ác liệt. Quân địch liều chết để cứu vãn khó khăn của chúng. Về phía nghĩa quân, trong những ngày địch bao vây, họ đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ phi thường. Mặc dù bị thương vong nhiều nhưng những người còn lại không một ai chịu rời vị trí chiến đấu. Những đội quân cảm tử được thành lập nhanh chóng để kéo tới bổ sung cho những vị trí bị công phá mạnh nhất. Đại bác, đạn lửa, lựu đạn của địch phá hủy khá nhiều công sự của nghĩa quân nhưng họ đã nhanh chóng tu sửa khôi phục lại. Cuộc vật lộn của họ để xây dựng lại công sự trước hỏa lực mạnh mẽ của quân thù thật là gay go và ác liệt. Máu và mồ hôi của họ đã trộn với đất và bùn để tạo nên bức thành vững chắc mà vũ khí tối tân của địch không dễ gì khuất phục nổi. Nhưng cuối cùng để tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, nghĩa quân đã được lệnh bí mật lùi vào phía trong để chuẩn bị cho cuộc rút lui khỏi Ba Đình.

Theo thư của Đinh Công Tráng gửi lên Hàm Nghi thì ông chủ trương cố giữ Ba Đình đến cùng và muốn nhân đà địch lúng túng trên mọi chiến trường để phối hợp giữa trong và ngoài mà tiêu diệt chúng. Nhưng Trần Xuân Soạn, sau những trận đánh vào phòng tuyến ngoại vi của địch lại chủ trương rút khỏi Ba Đình để tránh bị tiêu diệt, nên chỉ đưa quân đến gần bắn thị uy hoặc dùng kế nghi binh để uy hiếp địch mà thôi. Do đó, tuy tinh thần chiến đấu của nghĩa quân vẫn được giữ vững và đạn dược, lương thực vẫn còn đủ để chiến đấu thời gian nữa, nhưng Đinh Công Tráng vẫn phải rút lui. Sự phối hợp tấn công giữa trong và ngoài như vậy đã không thực hiện được kết quả. Nghĩa quân Ba Đình cuối cùng đã bị cô lập, nằm trong thế bị bao vây.

Trong những ngày cuối cùng, mặc dù đêm nào nghĩa quân cũng phản công ra, nhưng không thể nào đánh lui được địch vì địch đã chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí và còn vượt hẳn nghĩa quân cả về số lượng, ít nhất số quân của chúng cũng hơn gấp mười lần số quân của ta. Đồn Thượng Thọ có nguy cơ bị vỡ, các công sự lại luôn luôn bị phá hủy vì đại bác và đạn lửa của địch. Mặt khác, hàng ngàn xác giặc chết không chôn được ngổn ngang ngoài thành ngày một rữa nát, gây mùi hôi thối nồng nặc đã làm cho không khí và nước uống trong vùng bị ô nhiễm, các loại bệnh dịch tả và kiết lỵ chớm nở.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 10:49:50 pm »


Trước tình hình đó, Phạm Bành và Đinh Công Tráng họp hội nghị cấp tốc bàn kế hoạch bí mật rút khỏi Ba Đình như sau: Cho người vượt vòng vây trốn ra ngoài báo cho Trần Xuân Soạn cùng phối hợp chi viện cho nghĩa quân rút lui. Trần Xuân Soạn sẽ bí mật đưa quân về đóng tại Nga Thôn, chờ khi nghĩa quân Ba Đình bắt đầu rút sẽ đánh thốc vào vị trí địch để làm lạc hướng và chia cắt lực lượng chúng. Đồng thời, nghĩa quân ở ngoài còn phải chặn đánh các đồn địch xung quanh Ba Đình để giữ chân không cho chúng truy kích nghĩa quân trên đường rút về các thôn xóm.

Nghĩa quân trong chiến lũy sẽ chia làm hai đội. Đội thứ nhất gồm những người khỏe mạnh, dũng cảm do Đinh Công Tráng và Nguyễn Khê chỉ huy, có nhiệm vụ mở một con đường máu theo hướng tây bắc vượt qua sông Đào lên mạn Hà Trung rồi kéo về Mã Cao tiếp tục kháng chiến. Đội thứ hai gồm những người bị thương và ốm yếu do Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Viết Toại chỉ huy, đợi khi nào phía tây bắc đã bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt kìm chân giặc về phía ấy thì bí mật bò qua cánh đồng bùn lầy ở phía nam, vượt sông Mã rút về Hậu Lộc, nhanh chóng phân tán trong nhân dân để tranh thủ dưỡng bệnh, nghỉ ngơi một thời gian, sau đó sẽ tìm đường lên Mã Cao. Để rút lui an toàn và ít tổn thất nhất, trước hết đại bộ phận đội thứ nhất sẽ theo Đinh Công Tráng vượt vòng vây ra ngoài, còn lại một bộ phận nhỏ gồm những người cảm tử do đốc Khê chỉ huy có nhiệm vụ chặn địch cho toàn đội quân rút. Đồng thời cũng lấy một số người xung phong ở lại trận địa, vừa giữ vững các vị trí, vừa nổi trống hát chèo như mọi hôm để làm kế nghi binh. Súng thần công và lương thực vì quá nặng không mang đi được sẽ đem chôn giấu hoặc vứt xuống nước để khỏi rơi vào tay địch. Nguyên tắc chung của việc chuẩn bị rút lui là phải thật bí mật, khẩn trương.

Chiều ngày 20 tháng 1 năm 1887, kế hoạch rút lui được phổ biến xuống tận các hiệp quản và nghĩa quân. Mọi người không khỏi nao nao buồn khi phải dời nơi họ đã đổ bao mồ hôi và xương máu để vật lộn sống mái với quân thù. Từng tất đất, từng gốc cây, ngọn cỏ cho đến những ụ súng, những chiến lũy đều ghi dấu chiến công của họ. Cảnh vật ở đây còn nhắc nhở họ nhớ đến sự hy sinh lớn lao của nhân dân địa phương, nhất là nhân dân Ba Đình, đã sẵn sàng dời đi nơi khác giao lại cho họ từ ngôi nhà nhỏ đến từng hạt gạo, hột muối, lọ mắm, vại cà để họ có thể chiến đấu với giặc. Khó xử nhất đối với người chỉ huy là những người xung phong vào toán quân cảm tử ở lại khá đông, vượt quá con số yêu cầu. Cảm động nhất là một số nghệ nhân chèo đã già yếu và một số nghĩa quân bị thương nặng không thể cùng rút lui theo đồng đội đã nhất thiết đòi ban chỉ huy phải đồng ý cho ra các vị trí chiến đấu làm nhiệm vụ nghi binh bảo đảm cho cuộc rút lui được thực hiện.

Đêm hôm đó là 27 Tết, trời tối đen như mực, mưa rét cắt da, nhưng cũng như mọi đêm, trong thành vẫn vang lên giòn giã tiếng trống chèo, tiếng hát, tiếng loa mắng giặc và vận động ngụy binh. Mọi đốm lửa bên phía công sự của giặc Pháp lộ ra đều bị bắn trả quyết liệt. Trên thành, nghĩa quân vẫn canh phòng như mọi ngày. Nhưng trong chiến luỹ, cuộc chuẩn bị rút lui được tiến hành rất khẩn trương. Toán này chôn cất vũ khí, lương thực; toán kia chuẩn bị cơm nắm ăn đường hoặc cùng nhau trao đổi kế hoạch rút lui.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 10:51:55 pm »


Bên ngoài, quân Pháp vẫn chưa hay biết gì về kế hoạch của nghĩa quân. Thường thường chúng bắn phá ban ngày, còn ban đêm thì chỉ lo canh phòng để ngăn chặn nghĩa quân rút lui. Thực ra chúng cũng rất sợ ban đêm, sợ nghĩa quân lợi dụng bóng tối để đột kích bất ngờ, nhất là từ khi những đồn tiền tiêu của chúng ngày càng áp sát chiến lũy. Cho nên chúng thường chúi đầu trong các công sự để vừa an toàn, vừa tránh được mưa rét, mỗi khi có động thì bắn loạn xạ để báo cho pháo binh từ xa bắn vào khống chế nghĩa quân.

Ở bên ngoài, việc thực hiện kế hoạch phối hợp cũng tiến hành thuận lợi. Chập tối, quân của Trần Xuân Soạn ăn mặc giả làm thường dân, từng toán vài ba người từ nhiều ngả đường đã bí mật kéo đến Nga Thôn.

Đợi đêm đã thật khuya - lúc đó vào khoảng canh ba - nghĩa quân Ba Đình có lệnh xuất phát. Lợi dụng mùa đông, trời mưa rét và tối đen như mực, họ lặng lẽ rút lui dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng. Những người dẫn đường đều là những nghĩa quân gan dạ, đã từng nhiều lần vượt phòng tuyến giặc ra ngoài liên lạc với Trần Xuân Soạn. Để khỏi lạc tuyến đường trong đêm tối, họ lần theo đường dây thừng mà đi1. Khi nghĩa quân bắt đầu rút thì đội quân cảm tử của đốc Khê bất thình lình dũng mãnh xung phong tấn công vào đồn địch. Bị tập kích bất ngờ, địch hoảng hốt vớ súng bắn loạn xạ vào nhau chết khá nhiều. Đốc Khê gan dạ, mưu trí, đã cùng đội quân cảm tử xung phong nhiều đợt và kiên quyết giữ vững vị trí đến cùng để chặn địch, bảo đảm cho đồng đội rút lui được an toàn. Bị thương nặng trong chiến đấu, ông vẫn cương quyết ở lại trận địa và bắn tới viên đạn cuối cùng mới chịu hy sinh. Còn phía bên ngoài, khi tiếng súng trong Ba Đình bắt đầu nổ giòn giã thì Trần Xuân Soạn cũng cho nghĩa quân xung phong tấn công các đồn ngoại vi của địch để chia rẽ lực lượng chúng. Cánh quân của Đinh Công Tráng nhờ đó đã vượt qua sông và rút lui lên được mạn bắc Thanh Hóa an toàn.

Lợi dụng lúc mạn tây bắc đang chiến đấu quyết liệt, Phạm Bành dẫn số quân còn lại vượt về làng Gũ (Cụ Thôn, Hà Trung) và được nhân dân địa phương vui mừng đón tiếp, đốt rơm cho nghĩa quân sưởi ấm và hong khô quần áo, dọn bánh chưng, thịt lợn chuẩn bị cho ngày tết mời nghĩa quân ăn. Nhưng Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Nguyễn Viết Toại đã buộc phải quyết định giải tán đội nghĩa binh, vì phần lớn anh em đều ốm yếu và bị thương sau một thời gian chiến đấu ác liệt. Trước khi chia tay với các chiến sĩ thân yêu đã từng chung lưng đấu cật với mình để sống mái với quân thù, các chỉ huy không sao tránh khỏi bùi ngùi và khuyên anh em hãy khôn khéo tránh khỏi sự theo dõi bắt bớ của giặc và giữ toàn khí tiết, để đợi lúc có thời cơ sẽ lại tiếp tục hành động. Sau đó, ngay trong đêm họ đóng những bè chuối hay tìm thuyền nan vượt qua sông trở về Hậu Lộc, từ đó tỏa về quê nhà cho kịp giờ đón giao thừa. Cuộc rút lui của nghĩa quân đã hoàn thành thắng lợi, âm mưu bao vây tiêu diệt nghĩa quân của địch đã thất bại.

Trong cuộc chiến đấu này, địch bị tổn thất lớn, xác chết ngổn ngang khắp các chiến hào. Bô lão trong vùng còn kể lại rằng để che giấu thất bại, chúng đã xếp xác xuống ba chiếc thuyền gỗ lớn che mui kín rồi chở đi nơi khác chôn, về phía nghĩa quân, theo tài liệu của Pháp, chỉ còn khoảng 150 người sống sót. Nhưng theo thư của Đinh Công Tráng gửi lên Hàm Nghi thì cho đến hôm rút lui, nghĩa quân hy sinh và bị thương chỉ khoảng 150 người2, trong đó có đề đốc Nguyễn Khế. Xác của đề đốc Nguyễn Khế, một trong những người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường nhất của Ba Đình, sau được tìm thấy tại vị trí cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất.

Tám giờ sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, sau những đợt tấn công dữ dội của đại bác, giặc Pháp mới dám lọt vào Ba Đình, khi tiếng súng của nghĩa quân đã im ắng từ lâu. Trong chiến lũy, địch không tìm thấy chút gì dùng được, từ một hạt gạo nhỏ đến một thanh mã tấu cùn, chỉ còn lại dăm ba nghĩa quân bị thương nặng không rút ra được.
____________________________
1. Có sách viết vì thiếu đay và cói, nghĩa quân đã xé nhỏ cả quần áo để bện thừng.
2. Mát-xông, Hồi ký về xứ An Nam và xứ Bắc Kỳ, tr. 225.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:34:31 pm »


Câu hỏi 12: Sau khi chiếm được Ba Đình, giặc Pháp đã ra sức đàn áp những người của nghĩa quân, hãy cho biết sự hèn hạ của bọn thực dân tay sai đối với nghĩa quân và tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân ta?
Trả lời:


Giặc Pháp sau khi chiếm được Ba Đình đã ra sức khoe khoang chiến công của chúng. Tướng giặc Brít-xô ra lệnh triệt hạ ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh. Hắn còn bắt bọn phong kiến Nam triều đầu hàng xóa bỏ tên ba làng trong bản đồ.

Nhưng “tên Ba Đình không những không thể bị xóa mà còn được nêu bật lên trên bản đồ lịch sử chống Pháp của dân tộc Việt Nam"1.

Sau khi triệt hạ Ba Đình, giặc Pháp lập tức thành lập hai đội quân nhỏ để tiến hành càn quét vùng xung quanh, từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 1. Nhưng không hề gặp được nghĩa quân, cuối cùng chúng đành phải để lại một đội để tiếp tục sục sạo khắp các hang hốc thuộc các ngọn núi quanh Ba Đình đến Đò Lèn. Mặt khác, chúng nối lại con đường giao thông Thanh Hóa - Ninh Bình, mà đường dây điện thoại đã bị cắt đứt có chỗ tới 10 kilômét. Chúng lập một đồn ở trên đường số 1 chỗ qua sông Đò Lèn để kiểm soát và bảo vệ con đường giao thông đó.

Không bắt được nghĩa quân, địch điên cuồng tiến hành một cuộc khủng bố trắng. Nguyễn Thượng Hiền kể lại: "Mùa xuân năm Đinh Hợi (1887), nghĩa binh Thanh Hóa đã bị tan, giặc Pháp hàng ngày tung quân ra sục tìm khắp nơi, thấy những người chạy trên đường hay ẩn trong núi đều bắt về cả, tra hỏi biết là nghĩa binh thì đem giết ở phía bắc tỉnh thành. Dân làng Thọ Hạc và những người già yếu thì bị xích tay điệu ra phía nam ngoài thành trên sông Bố Vệ (Cầu Bố), hai bên đầu cầu cắt lính canh giữ, cứ mỗi buổi chiều, viên quan binh Pháp lại đến hạ lệnh quang dần từng người xuống sông, thấy mỗi người chìm xuống nước thì lại vỗ tay vui cười, người nào còn ngoi ngóp vùng vẫy thì bắn luôn cho chết. Cứ như vậy, suốt 3, 4 tháng, nước sông Bố Vệ đỏ ngầu màu máu, không ai còn dám qua lại lối này"2.

Không bắt được Phạm Bành, chúng liền bắt mẹ và con ông giam ở Thanh Hóa để buộc ông phải ra hàng. Vì thương mẹ và con, ông đã giả vờ ra đầu thú để cứu mẹ và con, nhưng ngay sau hôm mẹ và con được tha ông đã uống thuốc độc tự tử để tỏ rõ khí tiết của mình, giữa sự tiếc thương của đồng bào3.
______________________________________
1. Trần Huy Liệu, Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr. 69.
2. Giọt lệ bể dâu - Sách đã dẫn, tr. 132-138.
3. Phạm Bành mất ngày 18 tháng 3 năm Đinh Hợi (11-4-1887). Nguyễn Đôn Tiết khóc ông:
        "Quân tử nhất sinh tâm khả bạch,
        Tướng quân tùy tử diện dơ hồng".

    Dịch:
        "Quân tử trọn đời lòng vẫn trắng,
        Tướng quân dù chết mặt còn hồng".
    Nguyễn Xuân Ôn, lãnh tụ phong trào chống Pháp ở Nghệ An lúc đó, đã ca ngợi ông như sau:
        "Khoa hoạn Thang châu đệ nhất môn,
        Gia huynh cựu thị cá kim côn.
        Thúy hoa thiên viễn ngô quân tại,
        Huyện thảo đường cao lão mẫu tồn.
        Nghĩ bả dư sinh phò quốc vận,
        Cánh tương nhất tử báo quân ăn.
        Anh hùng thành bại hà tu luận,
        Trực đắc cương thường vạn cổ tôn.

    Dịch:
        Khoa hoạn tỉnh Thanh bậc nhất nhà,
        Anh ông tiếng tốt nức gần xa.
        Phương trời cờ thúy vua ta đỏ,
        Nhà tá còn đây bóng mẹ già.
        Những muốn đem thân phò vận nước,
        Ngờ đâu một chết báo ơn vua.
        Cương thường giữ trọn ngàn đời kính,
        Xá kể anh hùng tiếng được thua.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 08:38:07 pm »


Lãnh binh Nguyễn Viết Toại chưa kịp trốn lên Mã Cao thì địch đã kéo tới làng vây bắt. Người anh hùng chẳng may sa cơ lọt vào tay giặc cũng không chịu khuất phục đầu hàng, ông đã hiên ngang cắn lưỡi tự tử. Nhân dân trong xã vô cùng cảm mến tấm gương yêu nước chống Pháp sáng chói của ông, sau Cách mạng tháng Tám thành công, đã lấy tên ông đặt tên làng1. Tán tương Hoàng Bật Đạt2 tạm lánh về quê nhà ở Hậu Lộc, bị giặc lùng bắt được đem về Thanh Hóa chém, rồi cắm đầu ông trên cây sào dài đưa về bêu ở đầu làng quê ông để uy hiếp tinh thần nhân dân. Một số chỉ huy nghĩa quân ở các huyện cũng bị bắn giết, ở Nông Cống, tán tương Nguyễn Phương tạm lánh ở rừng Như Xuân bị giặc bắt, đã cắn lưỡi tự tử3. Hai con ông, trong đó có đề đốc Nguyễn Quý, cũng hy sinh trong chiến đấu.

Ở Hoằng Hóa, Nguyễn Đôn Tiết4 bị bắt đày đi Lao Bảo và bị chết ở đó, con trai ông là Nguyễn Hiệu Tu trước đó đã hy sinh ở Ba Đình.

Ở Quảng Xương, tán tương Đỗ Đức Mậu ở làng Đông Đa cũng bị địch bắt chém đầu bêu ở đầu làng.

Nhưng bất chấp mọi thủ đoạn đàn áp tàn bạo của chúng, giặc Pháp vẫn không thể dập tắt được tinh thần yêu nước của nhân dân Thanh Hóa. Tên tuổi những chiến sĩ Ba Đình anh dũng vẫn mãi mãi ghi sâu trong lòng nhân dân Thanh Hóa và nhân dân toàn quốc đương thời cũng như về sau. Quân thù đã thú nhận lòng khâm phục của chúng trước tinh thần chiến đấu anh dũng và bất khuất của nghĩa quân Ba Đình. Tướng giặc Mát-xông đã phải ghi lại với những lời đầy cảm phục nhiều tấm gương chiến đấu ngoan cường của nghĩa quân hồi đó: Một ông hiệp quản đã anh dũng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, đến khi bị quân Pháp bắt chỉ xin được tự mình chôn cất thi thể chủ tướng của mình là đề đốc Nguyễn Khế, trước khi chịu chém. Một viên suất đội bị quân Pháp tra hỏi đã trả lời chúng: "Các ngươi đừng mất thì giờ tra hỏi ta làm gì vô ích vì không khi nào ta lại nói những điều có hại cho nước ta. Không may sa vào tay các người, các người muốn làm gì ta thì làm". Một vài nghĩa quân bị thương nặng lọt vào tay giặc, mặc dù bị tra tấn cực kỳ dã man, vẫn không chịu khai nghĩa quân chạy về hướng nào. Mát-xông đã phải kết luận như sau: Chúng tôi vừa kể một vài sự việc trong trăm ngàn sự việc như vậy mà chúng tôi đã được chứng kiến để nêu lên một ý niệm về tính cách của dân tộc Việt Nam và nếu chúng tôi chỉ nói đến sự dũng cảm của các tướng lĩnh thì cũng có thể nói thêm rằng dân chúng và những nghĩa quân bình thường cũng không thua kém các chỉ huy của họ chút nào về lòng dũng cảm và sự coi thường cái chết.

Quân thù đã dùng sắt và lửa để chiếm căn cứ Ba Đình. Nhưng chính chúng đã phải khiếp sợ trước tinh thần yêu nước mạnh mẽ và đã hoàn toàn thất bại trong âm mưu dùng vũ lực để hòng đè bẹp ý chí kháng chiến quyết liệt của nhân dân ta. Nhân dân Thanh Hóa với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm oanh liệt của mình đã không chịu khuất phục mà còn phất cao ngọn cờ kháng chiến một thời gian dài về sau, làm cho bè lũ cướp nước và bán nước phải bao phen thất đảm kinh hồn.
____________________________________
1. Xã Lĩnh Toại (lãnh binh Lê Toại), huyện Hà Trung. Nay chia ra làm 4 xã: Hà Lĩnh, Hà Toại, Hà Hải, Hà Phú.
2. Hoàng Bật Đạt sau khi Ba Đình thất thủ đã tạm lánh về quê một thời gian, sau cùng một tùy tướng là lãnh binh Lê Văn Cộc tìm đường sang Trung Quốc. Nhưng bị một tên phản bội báo địch, ông bị vây bắt ở Chi Nê, đưa về giam ở nhà lao Thanh Hóa, sau đó xử chém. Con trai ông là Hoàng Văn Viễn sau tham gia phong trào Đông du của Phan Bội Châu.
3. Sĩ phu có bài thơ khen Nguyễn Phương như sau:
        “Ơn trời hai chữ tú tài,
        Gánh giang sơn nặng một vai với đời
        Xưa nay hào kiệt trên đời
        Cương thường là trọng, công lời kể chi”.

                                                (Bài ngoại mậu kiến liệt truyện)

4. Nguyễn Đôn Tiết còn có một người con là Nguyễn Đôn Dự đậu giải nguyên và tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Ông Dự cùng với người đỗ đầu xứ Thanh là Nguyễn Tưu, tú tài Trương Như Kiều làng Cổ Định (Nông Cống) chuẩn bị tiền nong để xuất dương; công việc nửa chừng bị lộ, ba ông bị bắt và bị đầy đi Côn Đảo, rồi Lao Bảo và chết ở đây. Đầu xứ Nguyễn Tưu là con thứ hai của Nguyễn Sự Chí, ông này đậu cử nhân khoa Quý Mão (1842), làm tri phủ Lý Nhân (Hà Nam Ninh), sau giữ chức tán tương quân vụ trong nghĩa quân Hùng Lĩnh và là cháu gọi vợ Tống Duy Tân là cô ruột.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM