Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:36:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 26968 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:08:49 pm »


Ba Đình cách huyện lỵ Nga Sơn 4 kilômét, tây bắc giáp huyện Hà Trung, đông bắc cách thị xã Thanh Hóa 40 kilômét. Vây quanh Ba Đình có mấy con sông. Sông Hoạt (còn gọi là sông Tống vì chảy suốt huyện Tống Sơn - là tên cũ huyện Hà Trung ngày nay) ở mạn bắc Ba Đình; đoạn cuối sông này gọi là sông Chính Đại đổ ra biển dọc theo địa giới hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình (hay còn có tên là sông Đào vì có lần được đào sâu rộng hơn cho thuyền bè đi lại dễ dàng). Sông Hoạt (còn gọi là sông đào Ninh Bình) rộng độ 20 mét và rất sâu, từ xưa đã là con đường thuỷ quan trọng Nam - Bắc. Nối liền sông Lèn ở phía nam với sông Hoạt ở phía bắc và bao kín căn cứ Ba Đình về phía tây là sông Cầu Choàn (khúc dưới giáp sông Lèn có tên là sông Báo Văn).

Lập căn cứ ở Ba Đình, nghĩa quân có thể kiểm soát con sông đào Ninh Bình, đồng thời có thể dễ dàng kéo quân lên mạn Bỉm Sơn, Đồng Giao không chế đường số 1 - là con đường đi lại yết hầu của địch giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Mặt khác, đóng căn cứ tại Ba Đình nghĩa quân còn có thể từ đấy tỏa ra ngăn chặn những hoạt động của các đồn địch ở Tam Cao, Điền Hộ, Phú Điền. Hơn nữa, địa thế Ba Đình lại rất thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ phòng ngự kiên cố. Phía bắc, ngay gần làng Thượng Thọ có núi Thúc; phía đông nam có các núi Xa Liễn (núi sến), Chiêm Ba, Tam Lênh. Ngọn núi Xa Liễn cao nhất vùng này cách Ba Đình một cánh đồng chiêm rộng hơn 3 kilômét, trước đây nghĩa quân Thanh Hóa thường từ núi Xa Liễn tiến ra Nho Quan, Phát Diệm, tấn công địch trong các đồn bốt hoặc chặn đánh địch trên đường số 1.

Ba Đình lại nằm giữa một cánh đồng chiêm trũng giữa hai con sông Hoạt và Chính Đại, cách xa các làng xóm. Những làng Tuân Đạo, Nghi Vịnh, Ngọc Lâu, Phúc Thọ ở phía bắc gần nhất cũng cách Ba Đình một cánh đồng chiêm dài 3 kilômét và chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp từ đê sông đào đi vào. Phía nam Ba Đình có con đường hẹp chạy đến làng Nga Bàng. Từ tháng 6, nếu không vít nước sông lại thì khu đồng chiêm bị chìm ngập dưới dòng nước lũ, Ba Đình trở thành hòn đảo chơ vơ giữa cánh đồng nước mênh mông, cách biệt với các làng lân cận, nếu muốn đi lại phải dùng thuyền nan. Tiếp viện cho Ba Đình có thể bằng đường núi vì Ba Đình cách dãy núi Tam Điệp 5 kilômét, hoặc bằng đường sông Mã từ Mã Cao xuống. Khi bị tấn công, Ba Đình cũng có thể theo đường núi rút lên mạn thượng du Thanh Hóa.

Hội nghị còn quyết định Tống Duy Tân, Cao Bá Điển đóng quân ở Phi Lai (xã Hà Thái, Hà Trung) và Trần Xuân Soạn đóng ở phủ Quảng Hóa (Vĩnh Lộc) hỗ trợ cho Ba Đình và giữ mối liên hệ giữa Ba Đình với căn cứ Mã Cao phía sau lưng do Tôn Thất Hàm và Hà Văn Mao giữ. Cùng với việc xây dựng hai căn cứ Ba Đình và Mã Cao, các căn cứ nghĩa quân khác trong tỉnh cũng được củng cố.

Căn cứ Ba Đình cũng có nhược điểm. Cánh đồng chiêm ngập nước thuận lợi cho việc xây dựng một cứ điểm thủ hiểm và gây khó khăn cho địch trong việc xây dựng công sự để thực hiện kế hoạch bao vây công phá, nhưng địa thế xung quanh Ba Đình lại bất lợi cho các cuộc tấn công hỗ trợ của các đội quân bên ngoài. Vì vậy Ba Đình rất dễ dàng trở nên cô lập và đó là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của cứ điểm này trong vòng vây ngày càng siết chặt của giặc Pháp.

Theo quyết định của hội nghị Bồng Trung thì Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt được phân công xây dựng và chỉ huy căn cứ Ba Đình, về danh nghĩa, Phạm Bành là người lãnh đạo chung, nhưng trụ cột lại là Đinh Công Tráng. Do đó, trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:

      "Đinh Công chủ tướng là quan
      Phạm Bành phó tướng luận bàn quân cơ".

                                                   (Vè Ba Đình)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:10:01 pm »


Câu hỏi 7: Cho biết về cách xây dựng, bố trí của căn cứ Ba Đình? Nghĩa quân Ba Đình được tập luyện và phân công hoạt động như thế nào?
Trả lời:


Đinh Công Tráng là một cựu chánh tổng người làng Tràng Xá. Khi giặc Pháp kéo ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai (9-1882), ông đã chiến đấu trong đội quân của Hoàng Tá Viêm và đã tham gia trận đánh bại tên Ri-vi-e ở Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883. Trong quá trình chiến đấu, ông đã từng bị thương và bị bắt hai lần, nhưng ông đều tìm cách trốn thoát để trở về với hàng ngũ kháng chiến. Năm 1885, ông chống Pháp ở vùng hữu ngạn sông Hồng cùng với Đinh Gia Quế, Đinh Hân, Quách Tế Ngân. Năm 1886, phong trào ở đồng bằng Bắc Kỳ bị đàn áp, ông vào Thanh Hóa bắt liên lạc với Trần Xuân Soạn tiếp tục chống Pháp.

Vào vụ gặt chiêm (5-1886), Đinh Công Tráng, Phạm Bành kéo quân về đóng ở núi Sến. Các ông vận động nhân dân dời đi nơi khác vào mùa khô sắp tới. Nhân dân Ba Đình giàu lòng yêu nước đã sẵn sàng dời bỏ nhà cửa để nghĩa quân xây dựng căn cứ. Khi di chuyển, họ để lại thóc lúa, lợn gà cũng như dưa cà mắm muối cho nghĩa quân dùng. Một số nam nữ thanh niên còn tình nguyện ở lại xây dựng căn cứ và chiến đấu. Công việc xây dựng căn cứ Ba Đình là công lao chung của nhân dân hai huyện Nga Sơn và Tống Sơn (nay là Hà Trung). Mỗi làng đã góp 30 cái rọ lớn cao 2 mét (4 thước ta), 100 cây tre tươi còn nguyên cả cành và 10 gánh rơm. Chỉ sau một thời gian ngắn, nghĩa quân và nhân dân đã đào đắp xong các hào luỹ, rồi tháo nước vào trong đồng tạo thành một tòa thành nổi trên mặt nước.

Công sự được xây dựng kiên cố và được ngụy trang rất khéo, khiến địch ngạc nhiên và buộc phải khen ngợi. Căn cứ được bao bọc bởi một vòng thành đất có công sự chiến đấu, chân thành rộng từ 8 đến 10 mét. Trên mặt thành xếp hàng ngàn sọt rơm trộn bùn, cao 2 mét, chỉ chứa những khe hở làm lỗ châu mai và vị trí quan sát. Qua khe hở giữa các sọt, người bên trong có thể thấy người ở ngoài mà người ngoài lại không thấy được người bên trong. Dưới chân thành bên ngoài có cắm nhiều cọc nhọn tà tà mặt nước trên một bề rộng tới 50 mét tạo nên một rừng chông tre làm cho việc tiến vào sát thành trở nên vô vàn khó khăn. Phía ngoài bãi chông là một luỹ tre dày đặc còn nguyên cành lá tươi xanh, che kín toàn bộ công sự.

Sự bố trí rất kín đáo và khéo léo, nếu đứng bên ngoài quan sát thì thấy Ba Đình chỉ như một làng quê bình thường. Địch phải thú nhận: Một luỹ tre kín che giấu hoàn toàn thành luỹ, vì vậy trong buổi đầu chiến dịch, khi các cây tre còn tươi, chúng đã đơn giản tưởng rằng đó chỉ là một làng được phòng thủ theo kiểu An Nam.

Chính nhờ có hàng rào tre này che kín mà trong những ngày đầu nhiều toán trinh sát địch đã không đánh giá chính xác được căn cứ của nghĩa quân. Cuối cùng phía ngoài hàng rào tre, cũng trên một chiều rộng hơn 50 mét, lại có một rừng cọc tre cắm tà tà mặt nước như những mũi tên nhọn chọc thẳng lên trời.

Sự sắp xếp các công sự và các hầm chiến đấu chữ chi bên trong căn cứ cũng làm cho địch khâm phục. Phía trong thành, nghĩa quân đào một đường hào nhỏ, nếu gặp hồ ao hoặc nơi đất trũng sâu thì bắc cầu. Con đường hào này vừa là đường nghĩa quân di chuyển, vừa là đường tiếp tế lương thực, cũng là giao thông hào chiến đấu. Những vị trí xung yếu có công sự kiên cố đều có mái che nghiêng về phía trong rất chắc chắn và không dễ bắt cháy. Như vậy, cách xây dựng chiến luỹ vừa đảm bảo được phương châm tác chiến linh hoạt, vừa có thể giúp nghĩa quân chiến đấu liên tục trong mưa nắng mà không hại sức khỏe.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:11:58 pm »


Thành được xây dựng dựa vào địa thế ba làng, chứ không theo một hình dáng nhất định; chỗ giáp hai làng Mỹ Khê và Mậu Thịnh, vì dọc đất hẹp, nên nghĩa quân đắp thêm một lần thành bên ngoài cho vững chắc.

Trong thành có ba đồn, xây dựng ngay trên vị trí sẵn có của ba đình làng1 và đều có giao thông hào dẫn ra các công sự chiến đấu. Đồn Thượng ở Thượng Thọ, đồn Trung ở Mậu Thịnh, đồn Hạ ở Mỹ Khê. Ba đồn này có thể hỗ trợ tác chiến cho nhau mỗi khi một đồn bị tấn công, đồng thời vẫn có thể tác chiến độc lập khi hai đồn kia bị hạ. Ngoài ra còn một tiền đồn ở trại Thượng Thọ đóng trên núi Thúc2. Nhận xét cách bố trí công sự bên trong Ba Đình địch phải tỏ lời thán phục: Việc nghiên cứu bên trong Ba Đình chứng tỏ các công sự đã được xây dựng với một kỹ thuật cao. Đường các công sự đã được xây gấp khúc để tạo thành khắp nơi những ổ tác chiến chắc chắn và cả ba làng đều có các công sự bố trí khéo léo để trong trường hợp hai làng đã bị chiếm thì làng kia vẫn có thể dùng làm pháo đài chiến đấu.

Nghĩa quân còn chú ý thu dọn, cất giấu tất cả những vật dễ cháy nên khi chiếm được vị trí, địch đã rất sửng sốt vì thấy tuy đạn đại bác và đạn lửa bắn vào rất nhiều mà nghĩa quân bị thiệt hại rất ít.

Nhưng Ba Đình không chỉ là một cứ điểm thủ hiểm đơn độc, nó còn được bảo vệ khá cẩn mật bằng một hệ thống các đồn tiền tiêu và viễn vọng tiêu bao quanh.

Một căn cứ lớn như Ba Đình được xây dựng xong chỉ trong vòng một tháng, đó chính là nhờ lòng yêu nước căm thù giặc sâu sắc của nghĩa quân và nhân dân địa phương đã làm cho họ phát huy sáng tạo, khẩn trương lao động, cũng như dũng cảm trong chiến đấu. Đặc biệt hơn nữa, căn cứ Ba Đình còn là trung tâm của phong trào chiến đấu rộng rãi trong tỉnh Thanh Hóa, có cả một mạng lưới thôn trang chiến đấu dày đặc bảo vệ mặt ngoài và hỗ trợ cho bên trong.

Nếu như trong những ngày đầu phong trào còn mang tính chất tự phát thì giờ đây đã có tổ chức chặt chẽ hơn. Từng phủ huyện có các tham tán như Nguyễn Phương (Phụng Liên, Văn Trường, Tĩnh Gia), Hoàng Bật Đạt (Hà Sen, Bộ Đầu, Hậu Lộc), các tán tương quân vụ như Lê Trí Thực (Phú Khê, Hoàng Hóa), Đỗ Đức Mậu (Đông Đa, Quảng Xương), Lê Ngọc Toản (Cổ Định, Nông Cống), Tống Duy Tân (Bồng Trung, Vĩnh Lộc), Lê Khắc Tháo (Đông Sơn), Cầm Bá Thước (Trịnh Vạn, Thường Xuân)... Dưới tán tương quân vụ lại có các bang biện quân vụ ở ngay các xã, các tổng, hình thành như vậy cả một hệ thống căn cứ phối hợp khá chặt chẽ với nhau trên một địa bàn rộng lớn hầu như khắp tỉnh Thanh Hóa.
__________________________________
1. Hiện nay đình làng Mỹ Khê là trường cấp 1 Ba Đình, đình làng Mậu Thịnh là nhà kho của hợp tác xã, còn đình làng Thượng Thọ là trại chăn nuôi. Những đình đó cũng mới được xây dựng lại về sau này, các đình cũ đã bị địch phá huỷ ngay sau khi giặc chiếm Ba Đình.
2. Núi Thúc hiện nay chỉ còn lại một ít dấu vết, vì bị nhân dân phá lấy đá dùng vào công việc xây dựng. Theo các cụ bô lão ở Ba Đình, đồn núi Thúc hồi đó còn gọi là "đồn ngoài" hay "đồn hờ".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:12:16 pm »


Chỉ huy Ba Đình, như chúng ta đã biết, có tán lý Phạm Bành, tham tán Hoàng Bật Đạt, các lãnh binh Đinh Công Tráng, Nguyễn Viết Toại, đề đốc Nguyễn Khế. Lãnh binh Nguyễn Viết Toại chỉ huy đội quân giữ đồn Thượng, Đinh Công Tráng ở đồn Trung, Phạm Bành và đốc Khế ở đồn Hạ. Về danh nghĩa, lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa là Phạm Bành, một vị văn thân có uy tín trong tỉnh. Nhưng trong thực tế thì linh hồn của Ba Đình là Đinh Công Tráng vì ông là người chỉ huy quân sự chính.

Nghĩa quân Ba Đình gọi là tráng, chủ yếu được tuyển mộ ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, nhưng các huyện khác như Quảng Xương, Nông Cống, Hoằng Hóa cũng đã hăng hái lựa chọn những thanh niên khỏe mạnh để đóng góp vào. Trong hàng ngũ nghĩa quân còn có cả những dân tộc ít người như các đồng bào Mường, Dao và Thái. Vũ khí chủ yếu là cung nỏ được nghĩa quân miền núi sử dụng rất thành thạo nên được mệnh danh là thiện đội (đội quân thiện xạ).

Lực lượng nghĩa quân Ba Đình lúc đầu khoảng 300 người, sau đó được bổ sung thêm, cùng với nhân dân địa phương tình nguyện ở lại chiến đấu. Rất nhiều phụ nữ, thanh niên đã xung phong ở lại cùng nghĩa quân làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương. Nghĩa quân chia làm 10 toán, mỗi toán do một hiệp quản chỉ huy. Mỗi người có một miếng vải ghi rõ tên tuổi, quê quán, đơn vị. Tuy vậy, để tránh kẻ gian lợi dụng sơ hở trà trộn vào, mỗi khi có lệnh ra ngoài thành trở về, họ vẫn phải có hiệp quản trực tiếp chỉ huy đến nhận diện mới được vào thành. Nghĩa quân còn phân nhỏ ra thành từng đội để thay nhau chiến đấu. Ngoài cung nỏ, khí giới của nghĩa quân phần lớn là súng hỏa mai, khoa sơn và giáo mác. Cũng có một số đại bác đúc bằng gang, trước kia thường gọi là thần công, khi bắn phải nhét thuốc và đạn vào miệng súng rồi châm mồi. Lương thực, ngoài phần do nhân dân Ba Đình để lại, còn do các phủ huyện gửi về. Trong chiến đấu, cơm nước cho nghĩa quân đều do chị em phụ nữ nấu từ đồn Trung, rồi chuyển ra tận các chiến hào.

Kỷ luật của nghĩa quân hết sức nghiêm minh. Các hiệp quản và người lãnh đạo đều có sổ ghi công để thưởng phạt, ai có công tức thời được biểu dương, người có lỗi thì bị cảnh cáo, những người rời bỏ vị trí hay lùi bước trong chiến đấu bị trừng trị. Để động viên tinh thần chiến đấu giết giặc của quân lính, trong thành thường xuyên có hai gánh hát chèo chia nhau diễn để giải trí cho nghĩa quân trong lúc xa gia đình, vợ con và trong những ngày chiến đấu căng thẳng. Trong những giờ phút quyết liệt nhất, tiếng trống chèo vẫn vang lên cổ vũ tinh thần quân sĩ.

Quan hệ giữa các chỉ huy với nghĩa quân trong chiến đấu vô cùng gắn bó, họ thường tham gia việc tuần tiễu quanh thành. Đặc biệt, tuy tuổi già sức yếu, Phạm Bành vẫn hăng hái cùng nghĩa quân lăn lộn trong chiến đấu. Hình ảnh một vị tướng tóc bạc, mình mặc áo tứ thân nâu, lưng thắt nhiễu đỏ, vai đeo kiếm, vác loa đi thăm từng vị trí, từng công sự dưới làn mưa đạn của quân thù, đã có tác dụng nâng cao thêm tinh thần chiến đấu đoàn kết trong nghĩa quân, vì vậy đã gây cho địch khá nhiều tổn thất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:13:18 pm »


Câu hỏi 8: Cho biết về diễn biến và kết quả của cuộc tấn công lần thứ nhất vào căn cứ Ba Đình của giặc Pháp?
Trả lời:


Xây dựng xong căn cứ, nghĩa quân thường từ đó tỏa ra đánh địch. Đồn Pháp đóng gần Ba Đình nhất là Tam Cao, ở ngay địa đầu tỉnh Thanh Hóa, sát đường số 1, do trung úy Gia-nê đóng giữ với 250 lính. Hàng ngày, địch vẫn đi tuần tiễu các miền xung quanh đồn. Đi đến đâu, chúng cũng sục sạo vào các xóm làng để vơ vét lương thực, bắt gà lợn, hiếp tróc phụ nữ, đánh đập dân chúng. Gần Bỉm Sơn, ngay trên đường cái có xóm nhỏ Phố Cát, ở đó có quán bán nước và thức ăn cho khách bộ hành qua lại. Bọn lính tuần tiễu đi qua đó thường nghỉ lại, ăn uống và hạch sách nhân dân.

Đã từ lâu, nghĩa quân Ba Đình muốn diệt đồn Tam Cao để làm chủ con đường số 1. Nhưng vì đồn của chúng xây dựng trên núi cao hiểm trở, lại có hỏa lực mạnh bảo vệ nên nghĩa quân chưa dám hành động. Được biết tin những toán lính tuần tiễu lẻ tẻ của địch thường qua lại Phố Cát, Đinh Công Tráng liền phái đề đốc Lê Văn Kiến mang một trăm quân tới phục kích. Ngay giữa phố, đốc Kiến cho đặt một án thư trên để chuối, dừa, trứng gà và giao cho mấy nghĩa quân tháo vát và dũng cảm ăn mặc giả làm kỳ hào đứng chờ toán địch đến. Đến trưa, khi bọn chúng kéo tới; người giả đóng kỳ hào ra chào đón và mang cho các thức ăn và nước giải khát. Đang lúc đi đường mệt vì đói và khát, tên đội Pháp không chút nghi ngờ, cho lính gác súng một nơi rồi vào uống nước dừa và ăn uống phè phỡn. Vào đúng lúc đó, nghĩa quân phục kích hai bên đường đổ ra xung phong bắn giết. Trận đánh đã diễn ra nhanh gọn, nghĩa quân thu được toàn bộ súng đạn, cả toán địch không tên nào chạy thoát. Đốc Kiến khuyên số lính ngụy bị bắt về quê làm ăn, không được làm tay sai cho địch nữa, họ đều vui vẻ nghe theo. Sau đó, ông còn cảnh giác khuyên nhân dân di chuyển nơi khác để tránh địch khủng bố trả thù, rồi mới thu quân về Ba Đình. Đốc Kiến còn lập mẹo cho một người lính giả cách chạy thoát được trong trận phục kích chạy về đồn báo cho Gia-nê biết toán lính của hắn đã bị nghĩa quân tiêu diệt. Được tin, Gia-nê tức tốc mang 200 quân đến Phố Cát, nhưng đến nơi thì nghĩa quân đã rút lui từ lâu. Hắn tức giận ra lệnh đốt phá dãy phố, rồi trở về đồn. Chiến công ban đầu tuy nhỏ, nhưng đã làm cho nghĩa quân hết sức phấn khởi.

Sau trận đánh Phố Cát, nghĩa quân còn phục kích tiêu diệt nhiều đoàn quân vận tải của địch. Đường giao thông của chúng ở vùng này hầu như bị tê liệt. Những toán quân tuần tiễu, thám báo ở đồn Tam Cao và các đồn xung quanh luôn luôn bị chặn đánh. Địch phải thừa nhận: Bắt đầu từ tháng 10 năm 1886, người ta nhận thấy rằng tất cả những đường giao thông trong vùng đều không còn bảo đảm và những đoàn xe vận tải luôn luôn bị tấn công, nhưng không thể thăm dò vùng này với một lực lượng ít ỏi. Người ta phải đợi đến lúc có thể đưa tới đây những binh đoàn khá mạnh để bẻ gãy mọi trở ngại.

Không những vậy, có lần nghĩa quân lợi dụng ban đêm tấn công đồn Tam Cao, địch phải liều chết cố thủ. Ngày mồng 2 tháng 10 năm 1886, nghĩa quân Ba Đình đột nhập thị xã Ninh Bình làm cho đội lính khố xanh do tên Cát-xê chỉ huy bị thiệt hại nặng. Phối hợp nhịp nhàng với các hoạt động của nghĩa quân Ba Đình, nghĩa quân đóng ở ngoài đã đánh một trận phục kích lớn ở phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình khiến tên trung úy Phu-giê cùng với một tên đội Pháp và 50 lính đi tuần tiễu bị tiêu diệt. Đồng thời, ở các nơi khác trong tỉnh Thanh Hóa, nghĩa quân đều tăng cường hoạt động. Nghĩa quân với vũ khí thô sơ chưa thể tiến đánh những đồn có hỏa lực mạnh nhưng họ đã bao vây chặn đánh những toán quân lẻ khiến địch ở các đồn bị cô lập và không hỗ trợ cho nhau được.

Trong tình trạng đó, đồn trưởng Tam Cao Gia-nê phải cấp báo ra Hà Nội. Thống soái Gia-mông liền ra lệnh cho trung tá Mét-danh-giê - tư lệnh vùng Thanh Hóa và trung tá Đốt - tư lệnh vùng Nam Định cấp tốc tổ chức một binh đoàn có nhiệm vụ lập lại đầu mối giao thông giữa hai vùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:14:13 pm »


Ngày 16 tháng 10 năm 1886, Mét-danh-giê kéo quân từ Thanh Hóa đến Hà Trung, lấy thêm lính rồi liên hệ với Gia-nê để nắm tình hình. Sau đó hắn cùng với Đốt bàn kế hoạch tấn công nghĩa quân. Chúng đều nhận thấy muốn kiểm soát được con đường "cửa ngõ" Thanh Hóa thì trước tiên phải tiến đánh Ba Đình. Nhưng chúng vẫn chưa nắm được tình hình nghĩa quân ở đó. Theo những tin tức đầu tiên chúng nhận được, Ba Đình chỉ là một làng bình thường, có luỹ tre rào kín như trăm ngàn làng mạc khác của Việt Nam mà thôi. Chúng liền tổ chức một đội quân nhỏ tiến về Ba Đình từ phía Cầu Cừ (Hà Trung) với mục đích thăm dò lực lượng và quan sát địa hình, nhưng bị Phạm Bành chỉ huy nghĩa quân bố trí đánh úp buộc phải rút lui. Sau đó, chúng lại tổ chức một cuộc tấn công thăm dò lần thứ hai. Quân của chúng từ Thạch Bằng kéo xuống cánh đồng Mậu Yên. Lần này, gặp phục binh của Nguyễn Viết Toại, chúng bỏ chạy vào rừng. Sau hai trận thăm dò, tuy bị thất bại và chưa nắm được thật rõ lực lượng nghĩa quân, chúng vẫn chủ quan cho rằng có thể nhanh chóng tiêu diệt Ba Đình với sự yểm hộ của đại bác.

Sau khi đã chuẩn bị chu đáo, ngày 18 tháng 12, quân Pháp bắt đầu mở cuộc tấn công thứ nhất vào Ba Đình. Lực lượng của chúng được phân bố như sau: Cánh quân do Mét-danh-giê chỉ huy gồm 167 lính vừa Pháp vừa ngụy, có một cỗ đại bác 80 ly yểm hộ; cánh quân của Đốt có 350 lính.

Sau những đợt đại bác công phá dữ dội, chúng bắt đầu tấn công, ở phía đông bắc, cánh quân của Đốt chia làm 3 mũi tiến đánh đồn tiền tiêu nghĩa quân trên núi Thúc, mũi bên phải do tên đại úy Nuy-giăng chỉ huy; mũi ở giữa và bên trái do Đốt trực tiếp chỉ huy. Nghĩa quân đợi địch đến gần mới bắn xả xuống làm chúng thương vong rất nhiều. Bọn chỉ huy Pháp ra sức đốc thúc bọn lính lội nước bùn tiến lên chiếm vị trí. Nhờ có đại bác, chúng đã phá hủy gần hết các công sự của đồn tiền tiêu, do đó Nguyễn Viết Toại phải ra lệnh cho nghĩa quân vừa đánh vừa rút về đồn Thượng (Thượng Thọ). Địch tuy chiếm được tiền đồn nhưng phải thú nhận bị tổn thất rất lớn.

Từ đồn tiền tiêu, địch tiến lên đánh chiếm Thượng Thọ. Nghĩa quân chờ địch tiến lại thật gần công sự mới bắn làm cho chúng bị chết rất nhiều nên phải dừng lại.

Về phía tây nam, cánh quân của Mét-danh-giê cũng bị thất bại nặng. Đội quân đi đầu của địch do hai trung úy Gia-nê và Túy-phi-ê chỉ huy, mặc dù nước ngập tới vai, vẫn cố sống cố chết xung phong, ở đây, nghĩa quân cũng đợi cho chúng ngoi vào gần vị trí mới nhằm thật trúng mà bắn, khiến chúng bị chết khá nhiều. Tên Gia-nê liều chết vừa tiến gần tới chân hào thì trúng đạn, bị vùi xuống bùn sâu. Một số lính cố theo sát hắn cũng chịu chung một số phận. Nhưng tên Túy-phi-ê, một tay cầm súng, một tay cầm lao, vẫn liều mạng dẫn đầu toán lính tiếp tục xung phong. Dưới làn mưa đạn và tên độc, hắn cùng binh lính cố tìm một con đường giữa rừng cọc tre nhọn cắm tà tà trên mặt nước. Nhưng chúng không thể nào tiến lên được trong nước bùn đầy chông dưới hỏa lực dày đặc của nghĩa quân.

Đang khi tiến thoái lưỡng nan thì Túy-phi-ê trúng đạn bị thương nặng, binh lính của hắn hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Tên đại úy Bơ-le-dơ yểm hộ cho binh lính rút lui cũng bị thương nốt. Sau đó chúng phải dùng đại bác 80 ly bắn chặn nghĩa quân trong thành xông ra truy kích mới tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Đốt và Mét-danh-giê đành phải ra lệnh lui quân, cố thủ một nơi để chờ viện binh. Cuộc tấn công lần thứ nhất của giặc Pháp vào căn cứ Ba Đình đã thất bại thảm hại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:16:13 pm »


Câu hỏi 9: Các đợt tiến công tiếp theo của quân Pháp vào căn cứ Ba Đình tiếp tục gặp thất bại nặng nề, nghĩa quân đã mưu trí và dũng cảm chiến đấu với vũ khí và đạn dược hiện đại của quân địch như thế nào?
Trả lời:


Hoảng sợ trước những thất bại nặng nề, giặc Pháp chủ trương tập trung binh lực để bao vây tiêu diệt cứ điểm Ba Đình. Mục tiêu của chúng là gấp rút nối liền con đường giao thông giữa hai miền Trung - Bắc để tiến lên hoàn thành bình định miền đồng bằng.

Nhằm mục đích trên, chúng đã điều vào Thanh Hóa những toán lính Pháp đóng trên vùng biên giới phía Bắc, huy động một nửa số lính của các đồn binh Bắc Kỳ và phải cầu cứu để đoàn lính thuỷ đóng tại vùng biển Trung Quốc, kể cả những đội lính Ả-rập đã mãn hạn được phép về nước cũng bị giữ lại để ném vào những cuộc chiến đấu mới.

Vào cuối năm 1886, số quân địch tập trung ở Ba Đình lên tới 2.250 tên, thuộc đủ mọi binh chủng. Chúng còn điều các pháo hạm Ét-tốc, Bốt-săng, A-va-lăng-sơ vào để yểm hộ cho các đường tiếp tế. Đặc biệt, chúng đã phải cố gắng rất nhiều trong việc tập trung pháo binh và cũng đã không từ chối cả những khẩu thần công cổ lỗ do "quan lại An Nam" cung cấp. Ngoài ra, cha Sáu còn cung cấp cho chúng thêm 5.000 phu và ba thuyền lớn để chuyên chở lương thực. Địch cũng đã phải điều tên đại tá Brít-xô, một tên sĩ quan Pháp có nhiều kinh nghiệm trong việc bao vây và công phá thành Puy-ê-bla ở Mê-hi-cô năm 1863 về cầm đầu cuộc đàn áp1. Một ban chỉ huy mặt trận được thành lập và đóng ở làng Tuân Đạo cách Thượng Thọ một cây số.

Như vậy là giặc Pháp đã phải tập trung tại mặt trận Ba Đình một số quân rất lớn (2.488 tên). Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Đông Dương nghĩa quân đã giam chân được một số địch đông và trong một thời gian lâu như vậy. Chính giặc Pháp phải thừa nhận: Trong chiến dịch thu đông 1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là cuộc chiến đấu nghiêm trọng nhất. Cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân nhất và làm cho cấp chỉ huy lo ngại nhất.

Sau khi tìm hiểu tình hình và quan sát vị trí Ba Đình, Brít-xô đã vạch ra một chương trình tổng công kích. Cha Sáu quê ngay ở làng Dừa (Hà Trung) nên nắm rất vững địa thế Ba Đình đã góp nhiều ý kiến cho bọn Pháp trong việc vạch ra kế hoạch đánh phá nghĩa quân. Chiến thuật chủ yếu của chúng là dựa vào những công sự, tiến dần từng bước tới sát vị trí của nghĩa quân, rồi tập trung lực lượng công phá.

Thoạt tiên, chúng cho công binh đào chiến hào dọc theo bờ đê để tránh những luồng đạn của nghĩa quân từ trong bắn ra hoặc từ ngoài bắn vào. Nhưng khó khăn của chúng là nước ngập đồng chiêm cản trở rất nhiều đến việc đào công sự. Theo lời khuyên của cha Sáu, chúng lợi dụng thuỷ triều xuống để xẻ đường tháo nước trong đồng ra, đến khi nước triều lên thì lại bít đê lại, ngăn nước vào đồng, còn ở những chỗ nước quá trũng thì chúng xây những công sự nổi trên bè nứa. Để xây dựng các công sự, địch phải lấy đất cách xa hàng trăm mét và cần rất nhiều tre gỗ. Theo lệnh của chúng, cha Sáu đã mang lính vào các làng xóm gần đấy cưỡng bức nhân dân đi phu gánh đất và vác tre nứa cho chúng.
_____________________________________
1. Theo Chabvol, trong Các cuộc hành quân ở Đông Dương thì Brít-xô trong trận ngày 15 tháng 1 năm 1887 mới có mặt ở Ba Đình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:18:12 pm »


Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1887, sau những đợt pháo bắn dữ dội, quân Pháp chia làm 3 mũi tấn công Ba Đình. Chỉ huy sở của chúng đặt ở làng Tuân Đạo. Cả ba đạo quân tiến rất chậm, mãi đến 2 giờ chiều mới tới các công sự trên mặt đê. Nhưng từ đây trở vào, cuộc chiến đấu càng thêm ác liệt. Đội quân thứ nhất liều mạng tiến dần đến chiến luỹ của ta vẫn không thể nào vượt qua được luỹ tre gai dày đặc và kiên cố. Chúng phải dùng búa và cốt mìn để phá huỷ luỹ tre nhưng những làn lửa đạn và tên độc từ trong vun vút bắn ra dữ dội gây nhiều thương vong, buộc chúng phải lùi lại phía sau.

Đội quân thứ hai ở giữa có nhiệm vụ phối hợp tiến công bên phía trái của đội quân thứ nhất. Trời mùa đông giá lạnh mà chúng phải dầm mình trong ruộng bùn đầy nước nên tên nào tên nấy đều rét run lên, nhưng vì bị bọn sĩ quan thôi thúc nên vẫn phải xung phong. Khi chúng tiến tới gần hàng rào tre thì bị bắn chặn lại. Hỏa lực của nghĩa quân không lấy gì làm mạnh vì vũ khí chủ yếu là cung nỏ nhưng họ bắn rất trúng, những tên địch trúng tên độc chỉ 5 - 10 phút sau là ngã gục. Phần lớn những lính Pháp dẫn đầu đã bị loại ra vòng chiến.

Đội quân bên trái tấn công mạn Thượng Thọ. Cũng như hai đội trên, dẫn đầu đội này là các công binh mang mìn và một số phu mang sọt tre đựng đất và các vật liệu, dụng cụ để xây dựng công sự. Dựa vào con đê, chúng tiến được đến gần chân thành và định tập trung lực lượng tấn công tiêu diệt đồn tiền tiêu của nghĩa quân ở núi Thúc. Nhưng nghĩa quân đã rút lui trước về đồn chính. Đồn Thượng Thọ do lãnh binh Nguyễn Viết Toại đóng giữ. Theo lệnh của ông, nghĩa quân bình tĩnh đợi địch tới gần mới bắn chéo cánh sẻ chặn lại. Một số người trong đội cảm tử nấp ở bên trong, tay cầm mã tấu, chờ chúng mạo hiểm leo lên thành là nhảy ra tiêu diệt. Một số lớn binh lính trong toán quân dẫn đầu của chúng đã bị chết và bị thương. Lá cờ tam tài của địch được bọn lính lê dương mang cắm trên bờ thành đã bị nghĩa quân chém văng xuống đất cùng với xác những kẻ liều lĩnh.

Để lừa giặc dẫn thân vào chỗ chết, Nguyễn Viết Toại cho cắm lá cờ đỏ trên cành cây đa trong thành vừa tầm mục tiêu của ụ súng nghĩa quân. Quân địch đóng ở phía ngoài tưởng rằng các toán trước đã đột nhập được vào thành nên hăm hở tiến lên theo hướng đó nhưng bị tiêu diệt nặng. Tên trung tá Đốt chỉ huy mặt trận phía bắc phải ra lệnh lui quân. Nhưng cánh quân ở giữa lúc đó đã bị sa lầy, không thể rút lui được an toàn nếu không có viện binh. Ruộng nước bùn sâu, lại bị nghĩa quân bắn rát, nhất là vào những nơi tập trung lính Pháp, nên toán quân cứu viện không thể nào tiến lên được. Trong lúc địch bị lúng túng hoảng hốt, đồng thời cũng là lúc pháo binh của địch chưa dám phát hỏa vì sợ bắn vào nhau, thì đội cảm tử của nghĩa quân đã dũng cảm xung phong ra ngoài thành tiêu diệt thêm một số.

Kết thúc trận đánh này, địch đã bị tổn thất nặng, 4 sĩ quan Pháp bị thương và bị chết cùng một số đông binh linh1.

Sau trận đánh lần này, địch nhận thấy không thể dễ dàng tấn công chiếm lĩnh nhanh chóng trận địa của nghĩa quân. Tên tổng chỉ huy Brít-xô rút kinh nghiệm việc đánh thành Puy-ê-bla ở Mê-hi-cô năm 1863, chủ trương bao vây nghĩa quân chặt chẽ bằng hai phòng tuyến. Tuyến ngoại vi dọc theo bờ đê sông Đào có nhiệm vụ che chở cho quân địch những cuộc tấn công phối hợp của nghĩa quân từ bên ngoài vào. Tuyến tiền tiêu bên trong dùng làm bàn đạp để dần dần thắt chặt vòng vây lại.
_______________________________________
1. Theo lời các cụ bô lão ở Ba Đình kể lại thì địch đã phải dùng tới 10 thuyền ván để chở xác chết và binh lính bị thương trong trận này. Tuy vậy, một số lớn xác chết địch vẫn không lấy được. Về sau nhân dân lấp mỗi hố vài chục tên chung quanh làng, gọi là mả Tây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:20:38 pm »


Chúng một mặt đưa nhiều dây thép gai từ Hà Nội vào, mặt khác ra lệnh cho cha Sáu phải ra sức cướp tre gỗ ở các nơi về để chúng lập hai phòng tuyến. Với sự cố gắng của tên tay sai đắc lực này, trong một thời gian ngắn chúng đã có đầy đủ nguyên liệu để xây dựng công sự kiên cố có mái che bên ngoài để có thể vây hãm được cứ điểm lâu dài, đồng thời có thể đứng vững được trước những cuộc tấn công của nghĩa quân từ bên ngoài đánh vào phối hợp. Theo kinh nghiệm của cha Sáu, đối với các đồn tiền tiêu chỉ cần xếp những sọt tre đựng rơm trộn bùn làm bờ tường của công sự cũng đủ chịu đựng sức công phá của hỏa lực nghĩa quân. Những nơi nào đồng chiêm ngập sâu thì chúng xây dựng công sự trên những bè nổi, từ bè này đến bè kia chúng dùng những cọc tre nhọn cắm dưới bùn để ngăn cản nghĩa quân vượt khỏi vòng vây và buộc nhiều đạc ngựa, chuông đồng vào dây thép, ban đêm hễ nghe tiếng động là bắn ra liên hồi. Có một vài chỗ quá sâu, chúng phải dùng thuyền hoặc tàu bọc sắt. Việc lợi dụng thuỷ triều xuống để rút hết nước trong cánh đồng chiêm đã giúp chúng có nhiều thuận lợi trong việc tiến hành xây công sự.

Rút kinh nghiệm đợt tấn công vừa qua, chúng biết rằng nghĩa quân bắn rất trúng. Nhưng vì tầm đạn của họ yếu, nên với hệ thống công sự của tuyến tiền tiêu này chúng có thể tiến sát được vào hàng rào tre để quan sát bên trong Ba Đình. Đồng thời, chúng còn cho chiến thuyền tuần tiễu suốt đêm ngày trên dòng sông Đào.

Tuy vậy, qua đợt tấn công vừa rồi, binh lực của chúng bị hao hụt nhiều, chúng chưa dám chắc lực lượng của chúng đã có thể đè bẹp được nghĩa quân. Cho nên Brít-xô đã nhiều lần điện về bộ tổng chỉ huy xin thêm quân, nhất là xin thêm đại bác để bước vào đợt công phá mới. Ngoài ra, chúng còn ra lệnh cho các đồn ở Thanh Hóa phải tăng cường càn quét bên ngoài, nhằm mục đích vừa gây hoang mang trong nhân dân, vừa giam chân những toán nghĩa quân bên ngoài để hạn chế sự chi viện của họ đối với Ba Đình. Chúng còn ra sức khủng bố gia đình những người lãnh đạo nghĩa quân và không từ một thủ đoạn hèn hạ nào để uy hiếp tinh thần họ. Chúng đã đào hai ngôi mộ ông và cha của Trần Xuân Soạn lấy xương xếp ở giữa đường, rồi sai người đến dọa ông: "Nếu không ra hàng thì hủy hết những mớ xương ấy". Nhưng ông đã không thèm trả lời và chúng liền đem tất cả xương quăng xuống sông1. Tinh thần bất khuất của Trần Xuân Soạn đã cổ vũ rất nhiều nghĩa quân đóng bên ngoài Ba Đình. Họ đã hoạt động khá mạnh để ủng hộ Ba Đình. Trần Xuân Soạn đã cho nghĩa quân dưới quyền gồm 300 người đóng ở Thạch Bằng (Quảng Hóa) và hàng trăm người đóng ở Mã Cao phục kích những toán quân lẻ hoặc chặn đánh các đoàn tiếp tế của địch, một mặt để gây khó khăn cho địch về lương thực ở Ba Đình, mặt khác để hạn chế những hoạt động của chúng ở các đồn lẻ. Ông cũng đã cho quân tấn công vào phòng tuyến ngoại vi của địch. Nhưng các trận tấn công đó không có kết quả mấy, vì phòng tuyến của chúng khá kiên cố, chúng lại có hỏa lực mạnh để yểm hộ. Tuy vậy, việc giao thông và tiếp tế của địch cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Chúng đã phải thú nhận rằng chỉ có những đội liên lạc do cha Sáu tổ chức mới được an toàn, tên này rất xảo quyệt bao giờ cũng tổ chức những toán giao thông ít nhất là hai người, nếu người này bị bắt thì vẫn còn người kia để tiếp tục làm nhiệm vụ. Địch cũng thừa nhận rằng những trận tấn công của Trần Xuân Soạn vào phòng tuyến ngoại vi và những trận phục kích các toán quân lẻ và các đoàn xe tiếp tế của chúng từ ngoài Bắc vào đã làm chúng lo ngại. Nhưng sau đó Trần Xuân Soạn không biết phát huy các kết quả đầu tiên mà chỉ cho nghĩa quân đứng cách xa Ba Đình bắn vào thị uy hoặc dùng kế nghi binh để uy hiếp tinh thần địch. Trong thư gửi lên vua Hàm Nghi, Đinh Công Tráng tỏ ý trách Trần Xuân Soạn đã không tích cực chi viện cho Ba Đình.
_______________________________________
1. Nguyễn Thượng Hiền, Giọt lệ bể dâu trong thơ văn Nguyễn Thượng Hiền (Lê Thước - Vũ Đình Liên dịch, chú thích và giới thiệu), Hà Nội, 1959, tr. 136.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 08:20:59 pm »


Địch vẫn không bị ngăn trở nhiều trong việc tổ chức bao vây căn cứ và kết quả là Ba Đình đã trở thành một hòn đảo bị cô lập và tách rời khỏi nhân dân. Nắm được nhược điểm đó, địch càng kiên trì kế hoạch bao vây. Mặc cho nghĩa quân khiêu khích, dùng loa thách đánh, xỉ vả thậm tệ, chúng vẫn tiếp tục đào công sự dưới sự yểm hộ của đại bác. Cha Sáu còn bày kế cho chúng dùng những bồ lớn nhồi đầy rơm nhào bùn rồi lăn về phía trước cho quân của chúng tiến sát theo sau và từng ngày, từng giờ vòng vây của chúng xung quanh căn cứ Ba Đình càng thắt chặt lại.

Tuy vậy, địch cũng gặp rất nhiều khó khăn. Quân lính của chúng phải nằm suốt ngày đêm trong các công sự dưới trời mưa rét, lương thực, thuốc men đều thiếu thốn, cho nên sức khỏe của chúng bị sút kém khá nhanh, tỷ lệ đau ốm khá cao. Nỗi kinh sợ lớn nhất của chúng là phải dầm mình dưới bùn lầy trong những ngày mưa dầm gió bấc, hoặc phải chịu đựng những đêm đông rét thấu xương trong những chiến hào đầy muỗi và hôi thối. Tư tưởng bi quan, tinh thần mệt mỏi ngày một lan tràn trong hàng ngũ binh lính địch. Đồng thời, những tin tức bại trận bay về Pháp cũng làm cho dư luận bên đó xôn xao.

Để che giấu những thất bại của chúng, bọn thực dân Pháp ở thuộc địa ra lệnh cho Brít-xô phải tiêu diệt Ba Đình bằng bất cứ giá nào. Để thực hiện được ý đồ đen tối đó, chúng đã gửi cho hắn thêm viện binh và đại bác. Lực lượng của địch lúc này lên tới 78 sĩ quan, 3.530 lính Pháp và ngụy. Có thêm viện binh, Brít-xô tăng cường bắn đại bác, vừa để phá huỷ công sự của nghĩa quân, vừa để bảo vệ cho công binh của chúng đang ngày đêm đào công sự tiến dần vào vị trí. Rồi từ những chiến hào đó, địch chia thành 3 mũi nhọn tiến sát thành luỹ nghĩa quân: hai mũi ở khu vực Mét-danh-giê và một mũi ở khu vực Đốt. Ngày 15 tháng 1, những toán công binh dẫn đầu các mũi nhọn chỉ còn cách độ vài trăm thước thì đến vị trí nghĩa quân.

Nhưng địch vẫn chưa nắm được sự bố trí công sự bên trong vị trí nghĩa quân ra sao. Luỹ tre xanh lá rào kín khu căn cứ vẫn che giấu toàn bộ các công sự bên trong, bề ngoài trông giống một con nhím khổng lồ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cho đến lúc đó, chúng cũng chỉ mới phỏng đoán được rằng chiến luỹ dài độ 1.200 mét, rộng độ 400 mét. Nhưng đến đây, địch bắt đầu bị chặn lại vì luồng đạn bắn rát và chính xác của nghĩa quân từ bên trong bắn ra. Chúng chỉ còn biết chúi đầu trong các công sự hay nằm dí sau những sọt rơm trộn bùn. Hễ tên nào liều lĩnh nhô đầu ra khỏi công sự là lập tức bị trúng đạn. Chúng muốn nhặt để chôn cất những xác chết trong những trận đánh đầu tiên đã thối rữa ở chân các hào tre cũng không tài nào làm được. Do đó, mặc dù bọn sĩ quan hết sức đốc thúc dân phu và binh lính, công việc đào công sự tiến triển rất chậm. Không những vậy, thừa lúc đêm tối, để giành phần chủ động nghĩa quân còn bất thần phản công cực kỳ mạnh mẽ từ trong ra. Để đôi phó lại, chúng chỉ còn cách nằm cố thủ trong các công sự hay trong chiến hào và dùng ưu thế của hỏa lực để khống chế nghĩa quân nhưng cũng không tránh khỏi bị nhiều tổn thất nặng nề.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM