Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:09:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình  (Đọc 26985 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 09:55:10 pm »

Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




Ban biên soạn:
Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
Trung úy NGUYỄN MINH THỦY


LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn xâm lược phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng di sản vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể theo dạng hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam" nói chung và cuốn sách “Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Ba Đình" nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 09:59:13 pm »


Câu hỏi 1: Cho biết tình hình đất nước Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX và tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta?
Trả lời:


Cuối thế kỷ XIX trở đi, chế độ phong kiến Việt Nam ngày càng suy yếu, mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến ngày càng gay gắt, dẫn đến cuộc chiến tranh "nồi da nấu thịt", "cốt nhục tương tàn" Trịnh - Nguyễn thảm khốc. Các cuộc khởi nghĩa đàng trong, đàng ngoài xảy ra liên tiếp, dẫn tới sự quật khởi của phong trào Tây Sơn. Vì quyền lợi ích kỷ, năm 1873, Nguyễn Ánh nhờ hai giáo sĩ Tây Ban Nha cứu giúp không thành. Năm 1874, Nguyễn Ánh dựa vào Bá Đa Lộc ký với Chính phủ Pháp hiệp ước: "Ánh nhượng cho Pháp quyền sở hữu cảng Hội An, Côn Đảo, độc quyền buôn bán ở Việt Nam; gửi binh lính, lương thực, tàu chiến và mọi trang bị cho Pháp khi chúng đánh nhau với các nước khác. Pháp giúp Nguyễn Ánh diệt Tây Sơn khôi phục quyền thống trị của nhà Nguyễn"1.

Mục đích đạt được, Nguyễn Ánh phong Bá Đa Lộc là Thái tỷ thái phó bí nhu quận công và cho giáo sĩ Pháp được tự do hoạt động, lưu các sĩ quan Pháp ở lại làm quan trong triều. Bọn này đã hoạt động gián điệp ngay trong lòng nước ta. Chúng chia rẽ giáo - lương, kích động các cuộc nổi dậy, do thám tình hình đất nước, gây cơ sở, làm cho các mâu thuẫn vốn có của dân tộc thêm gay gắt. Mặt khác, Ánh trả thù man rợ những người từng theo Tây Sơn, đàn áp đẫm máu các phong trào nổi dậy, xây dựng một chế độ phong kiến tàn bạo, phản động nhất trong lịch sử nước ta. Mối mâu thuẫn xã hội càng thêm gay gắt. Mọi tiềm năng của dân tộc suy kiệt. Đặc biệt là nửa sau thế kỷ XIX, tình hình càng thêm nghiêm trọng. Tôn ty trật tự xã hội đảo lộn. Vua chúa, quan lại mục nát không còn phẩm giá. Nhiều tên mưu đồ "rước voi giày mả tổ”.

Trong khi đó chủ nghĩa tư bản châu Âu phát triển mạnh. Chúng đua nhau xâm lược các nước phương Đông để tìm kiếm thị trường, vơ vét tài nguyên và nhân công rẻ mạt đem về siêu lợi nhuận cho chính quốc. Việt Nam trở thành miếng mồi béo bở trước lũ sói săn mồi.

Âm mưu xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam là lâu dài và liên tục, bắt nguồn từ những năm đầu thế kỷ XVII và ngày càng được đẩy mạnh trắng trợn, song song với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Pháp. Sau một quá trình ráo riết điều tra thám sát tình hình, khi ngấm ngầm, lúc công khai, thông qua hoạt động của bọn gián điệp đội lốt thầy tu và con buôn, sáng ngày mồng 1 tháng 9 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tại cửa biển Đà Nẵng, công khai phát động chiến tranh xâm lược nước ta.

Lúc này chế độ phong kiến Việt Nam đang đi sâu vào giai đoạn khủng hoảng suy vong, với biểu hiện tập trung và đầy đủ nhất là sự bột phát chiến tranh nông dân, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn, dưới ngọn cờ đào của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Nhưng dựa vào thế lực của tư bản Pháp sẵn sàng nhảy vào mưu lợi, Nguyễn Ánh đã đánh thắng triều đại Tây Sơn để lên ngôi hoàng đế từ năm 1802. Triều Nguyễn2 - chính quyền mới của tập đoàn phong kiến tối phản động, đối lập sâu sắc ngay từ đầu với nhân dân đã được thiết lập trên phạm vi cả nước. Chế độ phong kiến Việt Nam vì vậy ngày càng dấn sâu hơn cái thế suy yếu trầm trọng, lực lượng vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng bị sự thống trị của nhà Nguyễn hủy hoại trầm trọng.

Việt Nam lúc đó đã trở thành một miếng mồi ngon đối với các nước tư bản phương Tây nói chung, đặc biệt đối với tư bản Pháp. Đã vậy, khi tiếng súng xâm lược của kẻ thù nổ ra thì giai cấp thống trị lại nhanh chóng phân hóa, một bộ phận bao gồm phần lớn bọn đại phong kiến và quan lại do chính vua Tự Đức cầm đầu quay ra làm tay sai cho chúng để đàn áp và bóc lột nhân dân cả nước. "Giai cấp phong kiến thoạt tiên có mâu thuẫn đối kháng với đế quốc đã trở thành mâu thuẫn không đối kháng và câu kết với đế quốc thành một khối chống lại dân cày, chống lại những người yêu nước"3.

Kết quả là hết vùng này đến miền khác, từ Nam ra Bắc bị giặc Pháp chiếm, triều đình Huế liên tiếp ký hai hòa ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 và ngày 6 tháng 6 năm 1884 - thực chất là hàng ước - xác nhận quyền đô hộ lâu dài của tư bản Pháp ở nước ta. Nhà nước phong kiến Việt Nam sụp đổ, nước Việt Nam đã trở thành một xứ thuộc địa nửa phong kiến của chủ nghĩa đế quốc Pháp.
________________________________
1. Lịch sử Việt Nam, tập 2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1985, tr. 30.
2. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long. Tiếp theo là các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Việt Nam vào đời Tự Đức.
3. Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1968, tr. 6.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 10:02:30 pm »


Triều đình Huế đã ký giấy bán nước ta cho giặc Pháp, đó là tội lớn của phong kiến nhà Nguyễn trước dân tộc, trước lịch sử. Nhưng nhân dân ta ở các địa phương không vì hành động phản bội đầu hàng giặc của những người cầm quyền mà chịu hạ vũ khí. Trái lại, phong trào yêu nước chống xâm lược của nhân dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ do đế quốc và phong kiến tay sai gây nên, vẫn tiếp tục phát triển.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp diễn ra trong bối cảnh đế quốc Pháp hùng mạnh và xảo quyệt; triều Nguyễn mục nát và ươn hèn; lòng dân ly tán, kinh tế kiệt quệ, nhân dân khốn cùng. Tự Đức chỉ lo làm thế nào để Pháp vừa lòng, không dám kêu gọi kháng chiến, thậm chí còn ra lệnh bãi binh hoặc đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Rõ ràng, nhà Nguyễn là kẻ đã tạo điều kiện cho Pháp xâm lược Việt Nam. "Đó là một tai họa mà một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến phải chịu đựng vô cùng oan ức"1.

Ngay tại triều đình, một nhóm quan lại yêu nước tập hợp xung quanh Tôn Thất Thuyết bí mật chuẩn bị lực lượng để hành động khi thời cơ tới. Biết rõ điều đó, ngày 27 tháng 6 năm 1885, tướng giặc Đờ Cuốc-xi kéo đại đội binh thuyền từ Hải Phòng vào với nhiệm vụ bóp chết lực lượng kháng chiến đang nhen nhóm ở Huế. Trước sự uy hiếp ngày càng lớn và lộ liễu của kẻ thù, Tôn Thất Thuyết đã quyết định nổ súng trước để giành thế chủ động, mặc dù sự chuẩn bị về các mặt cho một hành động vũ trang chưa thật đầy đủ. Đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885 (đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu), thừa lúc giặc Pháp có phần chủ quan sơ hở, ông đã ra lệnh cho quân lính bất ngờ nổ súng tấn công các căn cứ chiếm đóng của chúng tại kinh thành Huế. Tướng giặc Đờ Cuốc-xi đã phải xác nhận là suốt trong đêm hôm đó bọn chúng đã phải "liên tiếp đương đầu với những đợt tấn công can đảm"2 của quân ta. Nhưng do sự chuẩn bị còn thiếu sót, giặc Pháp lại có ưu thế rõ rệt về vũ khí, cuộc phản công cuối cùng đã thất bại. Kẻ thù sau thời gian hốt hoảng ban đầu đã lấy lại tinh thần, bố trí lực lượng cố thủ trong các căn cứ, chờ tới trời sáng thì phản công lại và tràn vào chiếm luôn Hoàng thành.

Sau khi kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra Bắc để tính chuyện tiếp tục kháng chiến lâu dài. Ngày 13 tháng 7, từ núi rừng miền tây Quảng Trị, lời kêu gọi toàn dân đứng dậy chống Pháp được phát đi rộng rãi đã dấy lên một cao trào yêu nước trên khắp mọi miền đất nước.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Một số quan trong triều như Trương Công Định đã đứng về phía nhân dân và trở thành lãnh tụ của nghĩa quân. Một số sĩ phu yêu nước không cam tâm nhìn giang sơn chìm đắm trong khói lửa chiến tranh, dưới gót giày của bọn xâm lược đã gióng trống phất cờ chống Pháp, rửa cái nhục “vong quốc nô". Tâm tình của họ không chỉ trên lời thơ cảm khái mà còn bằng lưỡi kiếm, đường gươm diệt thù cứu nước. Họ đã trở thành thủ lĩnh nghĩa quân, những anh hùng của dân tộc Việt Nam quang vinh.

Trong cao trào yêu nước chống xâm lược Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, nhân dân Thanh Hóa đã có sự đóng góp to lớn, tô thắm thêm truyền thống chống ngoại xâm lâu dài và oai hùng của dân tộc. Ngay sau khi tiếp nhận Chiếu Cần Vương, dưới sự lãnh đạo của các văn thân sĩ phu yêu nước, nhân dân các địa phương đã hăng hái đứng dậy tập hợp đội ngũ, tổ chức lực lượng, sẵn sàng tiêu diệt giặc khi chúng xâm phạm tới quê hương. Trên phạm vi toàn tỉnh, từ miền biển lên miền núi, từ đồng bằng tới trung du đã nhanh chóng hình thành một mạng lưới các làng xã kháng chiến. Nổi bật trong số đó có Đinh Công Tráng (còn gọi là cai Chàng, lãnh Chàng) người làng Nham Chàng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp vẻ vang đó.
_____________________________________
1. Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 16.
2. Nhật lệnh ngày 7 tháng 7 năm 1885 của tướng Đờ Cuốc-xi (dẫn theo "Xứ An Nam từ ngày 5 tháng 7 năm 1885 đến ngày 4 tháng 4 năm 1886" của Pruy-đom).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:28:13 pm »


Câu hỏi 2: Cho biết vị trí chiến lược của Thanh Hóa trong phong trào Cần Vương và phong trào kháng Pháp của nhân dân Thanh Hóa?
Trả lời:


So với các tỉnh khác của miền Trung, Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi cho phong trào phát triển sớm và mạnh. Thanh Hóa là một tỉnh lớn với miền đồng bằng rộng rãi, dân cư đông, mật độ dân số cao; trước mặt có miền biển dài rộng nằm trên các trục giao thông chính bắc nam và đông tây; sau lưng có rừng núi bạt ngàn, địa thế hiểm yếu, đã từng là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến và khởi nghĩa trong lịch sử dân tộc.

Vị trí chiến lược quan trọng của Thanh Hóa đã được ghi nhận: "Bờ cõi tỉnh Thanh Hóa bốn mùa cao sâu, mà đường thuỷ, đường bộ thông đến tám cõi trùng hiểm bao bọc phía ngoài, còn phía trong thì bằng phẳng, rộng rãi. Cùng với các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh đều là hạng châu quận có hình thắng ở phương Nam từ xưa. Thiệt là chỗ làm cuống họng cho các tỉnh Bắc Kỳ hiện nay, mà tỉnh Thanh Hóa lại là nơi hình mạnh hướng vào, thế lớn nhóm lên vậy"1.

Hơn nữa, đây vốn là đất quê hương của nhà Nguyễn nên đối với cuộc kháng chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu đã có nhiều văn thân sĩ phu trong tỉnh sẵn sàng Cần Vương cứu nước. vả lại, Tôn Thất Thuyết có thời gian làm quan, rồi lui về dưỡng bệnh tại Thanh Hóa nên đã có cơ hội bắt mối liên lạc với những người có tâm huyết trong tỉnh và có kế hoạch xây dựng cơ sở kháng chiến từ rất sớm. Chính trong thời gian lui về dưỡng bệnh ở tỉnh lỵ Thanh Hóa (1879), Tôn Thất Thuyết đã gặp Tống Duy Tân, sau đó đã đặc cách bổ dụng ông giữ chức đốc học, rồi chánh sứ sơn phòng ở Quảng Hóa (Vĩnh Lộc) để lo liệu việc tuyển quân tích lương, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu nhất định phải bùng nổ2.

Chính vì những lẽ trên mà ngay từ đầu Tôn Thất Thuyết đã rất chú ý tới Thanh Hóa. Ngay sau khi kinh thành Huế bị giặc chiếm, ông đã định đưa vua Hàm Nghi chạy ra Thanh Hóa dựa vào các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài. Nhưng bị bọn Pháp chặn đường, vua Hàm Nghi và tuỳ tùng chỉ ra được tới Hà Tĩnh thì phải dừng lại. Tại sơn phòng Phủ Gia, vùng Âu Sơn (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), vua Hàm Nghi đã ra Chiếu Cần Vương lần thứ hai ngày 19 tháng 9 năm 1885, chỉ thị cho quan lại, binh sĩ và dân chúng: "Khi nào trừ khử được chúng (chỉ giặc Pháp) thì đến gặp trẫm. Trẫm sẽ đóng đô tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là một địa điểm quý"3.
__________________________________
1. Thanh Hóa tỉnh chí, Bản dịch chép tay của Phòng tư liệu khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tr. 17.
2. Sau khi nhận chức chánh sứ sơn phòng Quảng Hóa, để che mắt địch và bọn quan lại đầu hàng trong tỉnh, Tống Duy Tân phải mượn tiếng bảo vệ làng xóm chống lại trộm cướp để tuyển mộ trai tráng trong vùng và tiến hành luyện tập sẵn sàng chiến đấu.
3. Chiếu Cần Vương lần thứ hai ngày 11 tháng 8 năm Hàm Nghi thứ 1 (19-9-1885), Nghiên cứu lịch sử số 140, tháng 9 - 10 năm 1971, tr. 54-56.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:29:24 pm »


Cũng phải nói rằng không phải bọn quan lại đầu hàng ở tỉnh Thanh Hóa không có những hành động bất lợi cho phong trào. Sau khi nghe tin kinh thành Huế thất thủ và vua Hàm Nghi phải chạy ra Bắc; tổng đốc Nguyễn Thuật và án sát Vương Duy Trinh ngày càng lộ rõ bộ mặt đầu hàng, ngày đêm mong chờ quân Pháp kéo tới. Chúng đã ngăn cản không cho bố chánh Nguyễn Khoa Luận1 tiến hành những chuẩn bị cần thiết để đánh giặc khi chúng kéo tới, như dân quân và súng ống trên mặt thành tỉnh, đắp ụ và mai phục quân trên đường từ Hàm Rồng vào tỉnh lỵ. Đoạn sau đây trích trong bài vè "Tây đến tỉnh Thanh" đã phản ánh thực trạng tư tưởng đầu hàng và tâm lý thất bại của bọn quan lại đứng đầu tỉnh và bè lũ tay chân hồi đó:

"Giặc này mà đụng gươm dao
Mang đồ tiến cống thế nào ta xem.
Thanh Hóa là tỉnh đàn em (!)
Kinh đô đã mất tỉnh xem ra gì!".

Nhưng bất chấp ý định đen tối của bọn chúng, văn thân sĩ phu và nhân dân các địa phương ở Thanh Hóa đã nhất tề vùng dậy, quyết sống mái với quân thù. Một số phong trào khởi nghĩa tiêu biểu thời kỳ này:

1. Phong trào của Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt:

Nếu điểm từ miền biển lên và từ ngoài Bắc vào thì phải nói tới phong trào khởi nghĩa ở huyện Hậu Lộc bùng nổ sớm và mạnh dưới sự lãnh đạo của Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt.

Phạm Bành quê làng Tương Xá (nay thuộc xã Hòa Lộc), đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864). Làm án sát tỉnh Nghệ An, ông từng nổi tiếng thanh liêm và biết quan tâm đến đời sống nhân dân. Năm 1885, khi có Chiếu Cần Vương, ông bỏ quan về quê cùng Hoàng Bật Đạt là bạn và cũng là anh em "cọc chèo" mộ quân khởi nghĩa.

Hoàng Bật Đạt quê làng Bộ Đầu (nay thuộc xã Thuần Lộc). Sau khi đậu giải nguyên năm 1858, ông ra làm giáo thụ huyện Phong Doanh, rồi tri huyện Lương Tài. Khi giặc Pháp kéo ra đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, xâm phạm tới Bắc Ninh, ông định đưa quân ra chống cự nhưng không được trên chấp nhận, ông chán nản bỏ quan về quê chuẩn bị lực lượng chống Pháp (4-1884).

Tại quê nhà, Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt đã nhanh chóng thống nhất lực lượng để đánh Pháp có hiệu quả hơn. Nghĩa quân đã làm lễ tế cờ ở nghè Lục Trúc (xã Phú Lộc) vào ngày 16 tháng 1 năm Bính Tuất (1886), sau đó mở rộng hoạt động sang các vùng lân cận, có sự phối hợp với các toán nghĩa quân huyện khác.
___________________________________
1. Nguyễn Khoa Luận người xã Nam Phổ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi làm bố chánh Thanh Hóa, ông có ý định chuẩn bị chống Pháp nhưng bị Nguyễn Thuật và Vương Duy Trinh ngăn cản, nên bỏ quan về quê vào ở chùa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:31:14 pm »


2. Phong trào của Nguyễn Đôn Tiết:

Huyện Hoằng Hóa cũng không kém phần sôi nổi, tiêu biểu nhất là phong trào do Nguyễn Đôn Tiết phụ trách. Ông sinh năm 1831 tại làng Thọ Vực (nay thuộc xã Hoằng Đức). Sau khi thi đậu phó bảng khoa Kỷ Mão (1879), ông ra làm tri huyện Thọ Đức, tỉnh Hà Tĩnh được ít lâu thì bọn quan lại thân Pháp trong tỉnh tìm cách mưu hại, giáng xuống làm huấn đạo cùng huyện. Nhận được Chiếu Cần Vương, ông bỏ quan lên đường về quê vào đúng lúc phong trào trong huyện đang sục sôi.

Với uy tín lớn lao của mình, ông nhanh chóng tập hợp đông đảo văn thân sĩ phu và nhân dân trong vùng, như tán tương Lê Trí Thực1, đốc học Lê Khắc Quỳnh2, án sát Nguyễn Xuân3, cử nhân võ Lê Tánh4 và thống nhất được các toán nghĩa quân trong huyện về một mối.


3. Phong trào của Nguyễn Phương:

Cùng lúc đó Nguyễn Phương ở Tĩnh Gia giương cao cờ nghĩa, ra sức tập hợp lực lượng, ráo riết rèn sắm vũ khí sẵn sàng hành động. Ông sinh năm 1832 tại làng Hương La (Phụng Liên), thi đỗ tú tài và làm nghề dạy học. Năm 1885, tham gia phong trào Cần Vương, ông được phong chức tán tương quân vụ chịu trách nhiệm phong trào toàn huyện, có bố chánh Ngô Xuân Quỳnh, đề đốc Nguyễn Quế phụ tá. Tháng 1 năm Bính Tuất (1886), sau khi làm lễ tế cờ ở chợ Nồm (Phụng Liên), nghĩa quân kéo lên núi Ổn Lâm xây dựng căn cứ. Nghĩa quân Nguyễn Phương hoạt động trên một phạm vi rất rộng, bao gồm huyện Tĩnh Gia và một nửa huyện Nông Cống và Quảng Xương, chuyên phục kích chặn đánh các tốp lính Pháp và ngụy đi tuần tiễu, các đoàn xe vận tải lương thực, vũ khí trên các đường giao thông, quấy rối các đồn bốt địch. Nghĩa quân cũng thường xuyên cử người đi vào các huyện miền tây Nghệ An để mua lưu huỳnh và chế thuốc súng.


4. Phong trào của huyện Nông Cống:

Huyện Nông Cống cũng có những phong trào riêng, tuy quy mô nhỏ hơn, phạm vi hoạt động hẹp hơn. Như phong trào của cử nhân Lê Ngọc Toản  người quê Cổ Định (nay là xã Tân Ninh), huyện Triệu Sơn. Nghĩa quân dưới quyền ông đã biết dựa vào Ngân Nưa để xây dựng căn cứ chiến đấu. Ngoài ra còn đội nghĩa quân của Tôn Thất Hàm  cũng đẩy mạnh hoạt động trong vùng, gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất về người và vũ khí.
_______________________________________
1. Lê Trí Thực sau bị Pháp bắt ở xã Phú Khê (Hoằng Hóa) và bị chém.
2. Lê Khắc Quỳnh: chưa rõ tiểu sử.
3. Nguyễn Xuân quê làng Tào Xuyên (xã Hoằng Lý), huyện Hoằng Hóa. Đậu cử nhân, làm quan tới chức án sát tỉnh Quảng Bình (Bình Trị Thiên) thì xin về nghỉ. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, ông phất cờ chống Pháp ngay tại quê nhà. Thất bại, ông tự sát ngày 5 tháng 11 năm Bính Tuất (1886) để khỏi rơi vào tay kẻ thù.
4. Lê Tánh quê làng Tào Xuyên (xã Hoằng Lý), huyện Hoằng Hóa. Đậu cử nhân võ, ông là một võ quan của triều đình Huế. Sau khi tham gia cuộc tấn công giặc Pháp ở Huế, ông theo vua Hàm Nghi ra Bắc, rồi về quê khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:32:03 pm »


5. Phong trào của huyện Quảng Xương:

Huyện miền biển cuối cùng có phong trào mạnh là Quảng Xương. Tại đây, Đỗ Đức Mậu - người làng Đông Đa (nay thuộc xã Quảng Phong) đã kịp thời vận động nhân dân đứng dậy chống xâm lược Pháp và bè lũ tay sai. Ông thi đậu tam trường, ra Thái Bình dạy học và đã tham gia chiến đấu tại đây khi giặc Pháp kéo ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai (1882). Sau khi trở về tỉnh nhà và nhận được Chiếu Cần Vương, ông cùng đề đốc Nguyễn Ngọc Lưỡng quê ở Hòa Trường (nay thuộc xã Quảng Phúc) ra sức tập hợp lực lượng, rèn luyện chiến đấu. Trong hoạt động, nghĩa quân của ông đã liên kết các nghĩa quân của Đinh Văn Phiên (lãnh Phiên) ở Quảng Thọ, Nguyễn Văn Nhất (đốc Nhất) ở Quảng Hợp, đồng thời còn phối hợp cả với nghĩa quân các huyện Tĩnh Gia, Hoằng Hóa. Nghĩa quân Quảng Xương đã đánh địch nhiều trận, như các trận Sầm Sơn (thị trấn Sầm Sơn); nghè Gây (nay thuộc xã Quảng Ninh).


6. Phong trào của huyện Hà Trung:

Huyện Hà Trung có Nguyễn Viết Toại (lãnh Toại), Đỗ Văn Quýnh (lãnh Phi), Đông Sơn có Lê Khắc Tháo (Tám Tháo) đều hăng hái mộ quân ứng nghĩa từ ngay sau khi phong trào Cần Vương bùng nổ đến khi về chiến đấu bảo vệ cứ điểm Ba Đình. Cùng thời kỳ này, suốt một vùng tả ngạn sông Mã, từ Yên Định lên Vĩnh Lộc và mở rộng cả tới Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, tiếp giáp với các châu miền núi, nghĩa quân Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân - Cao Điển cũng đẩy mạnh hoạt động làm cho giặc Pháp và tay sai nhiều phen khiếp đảm kinh hồn.

Nhìn chung, trên toàn tỉnh lúc đó đã hình thành một hệ thống các làng xã kháng chiến dày đặc. Đặc biệt, từ đầu năm 1886, khi Trần Xuân Soạn được Tôn Thất Thuyết ủy nhiệm phụ trách chung, ông đã lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi phong chức cho các văn thân sĩ phu yêu nước trong tỉnh. Trên hết là các tán lý quân vụ. Mỗi huyện có một hay hai tán tương quân vụ. Dưới tán tương quân vụ, có các bang biện quân vụ ở ngay các xã, các tổng. Trong số các tán tương quân vụ lại chọn một số tham tán để giúp đỡ tán lý hay thay thế khi khuyết. Bên cạnh tán lý và tán tương quân vụ còn có các chức đề đốc, lãnh binh, quản cơ, hiệp quản trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, cũng như các đốc vận quân lương phụ trách việc tiếp tế hậu cần cho nghĩa quân.

Nghĩa quân gọi là tráng được tổ chức thành cơ từ 200 người trở lên cho mỗi huyện và lấy tên huyện để gọi. Như Tống Thanh Cơ của Hà Trung, Nông Thanh Cơ của Nông Cống.

Giặc Pháp đã đẩy mạnh khủng bố trên phạm vi toàn tỉnh để hòng bóp chết phong trào. Các làng có phong trào mạnh như Cổ Định (Triệu Sơn), Bồng Trung (Vĩnh Lộc), Hà Ngoại (Hậu Lộc), Bút Sơn (Hoằng Hóa) đều bị triệt hạ. Kẻ thù đã không từ một thủ đoạn man rợ nào. Chúng đã nã súng bắn vào dân chúng làng Vân Đài (nay thuộc xã Quảng Hòa), huyện Quảng Xương, giết hại nhiều người vào giữa ngày mồng 1 Tết năm Bính Tuất. Chúng ra sức bắt bớ chém giết trên quy mô lớn, thủ lĩnh nghĩa quân Hoằng Hóa là Nguyễn Đôn Tiết bị bắt sau trận Bút Sơn đã bị chúng đày ra Côn Đảo, rồi mất ngoài đó. Nhưng bất chấp muôn vàn thủ đoạn ác độc của kẻ thù, nghĩa quân các vùng trong tỉnh vẫn tiếp tục tìm cách duy trì hoạt động và phát triển lực lượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:37:02 pm »


Câu hỏi 3: Cho biết về cuộc đấu tranh của đồng bào miền núi do Hà Văn Mao lãnh đạo - một bộ phận góp phần làm nên nét hùng tráng trong phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX?
Trả lời:


Sự hùng tráng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của Thanh Hóa hồi cuối thế kỷ XIX là sự đóng góp to lớn và hiệu quả của đồng bào miền núi từ những ngày đầu đến những ngày cuối cùng.

Miền rừng núi phía tây Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng, phía đông đổ xuống vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ với dân số đông đúc, phía nam liền với các cánh rừng già chạy thẳng vào Nghệ An, phía bắc theo dòng sông Mã có thể liên lạc với các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, phía tây giáp nước Lào. Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người, chủ yếu là ngươi Mường và người Thái.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng, lâu dài và gian khổ của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thanh Hóa nói riêng đặc biệt là sự đóng góp tích cực của đồng bào miền núi. Tinh thần yêu nước cùng ý chí đấu tranh của nhân dân các dân tộc ít người miền núi Thanh Hóa càng có dịp phát huy trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX. Có thể khẳng định rằng chính nhờ có sự phối hợp chặt chẽ và bền bỉ của phong trào miền núi với phong trào miền xuôi mà cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Hóa đã phát triển được suốt trong nhiều năm và trở thành một trong những đỉnh cao của phong trào cả nước.

Ngay từ trước khi thực dân Pháp kéo tới Thanh Hóa, đồng bào Mường, dưới sự lãnh đạo của Hà Văn Mao đã ráo riết chuẩn bị lực lượng để hành động khi cần thiết. Hà Văn Mao người dân tộc Mường, quê ở Điền Lư, châu Quan Hóa (nay là xã Điền Lư, huyện Bá Thước), tỉnh Thanh Hóa. Ông đã từng giữ chức cai quản, vì vậy còn được gọi là cai Mao nhưng nhờ có tính tình hào nghị, giàu lòng thương dân, lại rất quan tâm đến thời thế, ông được nhân dân trong vùng kính trọng và tin yêu. Năm 1884, khi thực dân Pháp dùng sức mạnh quân sự và chính trị buộc triều đình Huế thừa nhận chế độ thuộc địa của chúng thì ông đã sẵn sàng hành động. Lấy Mường Khô làm trung tâm, cuộc khởi nghĩa của ông nhanh chóng tập hợp đông đảo nhân dân các địa phương trong vùng, từ Mường Kỷ1, Mường Ông2 của Bá Thước đến Mường Danh của Cẩm Thuỷ và các bản làng của Lang Chánh.
_______________________________________
1. Tức Nhân Kỷ, nay thuộc xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước.
2. Nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:39:18 pm »


Để mở rộng ảnh hưởng, Hà Văn Mao còn liên hệ với nhiều lực lượng yêu nước khác lúc đó cũng đang trong thời kỳ nhen nhóm ở núi rừng miền Tây, nhất là với Cầm Bá Thước, thủ lĩnh đồng bào Thái vùng Thường Xuân. Đồng thời còn vươn xuống phối hợp với các lực lượng nghĩa quân các huyện đồng bằng.

Chính nhờ có sự chuẩn bị từ trước như vậy nên ngay sau khi vua Hàm Nghi chạy tới sơn phòng Quảng Trị, ra lời kêu gọi nhân dân toàn quốc nổi dậy chống xâm lược Pháp, đồng bào miền núi Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Hà Văn Mao đã kịp thời đứng dậy.

Tiếng gọi cứu nước của Hà Văn Mao nhanh chóng được đông đảo nhân dân miền núi và miền xuôi nhiệt liệt hưởng ứng và biến thành hành động cụ thể. Chỉ trong một thời gian ngắn, dựa vào địa thế núi rừng, sông suối hiểm trở và kín đáo, cả một hệ thống đồn luỹ được xây dựng trên vùng đất rộng lớn ven theo bờ sông Mã từ Yên Định (Thiệu Yên) lên Cẩm Thuỷ, tới La Hán (Bá Thước). Có trên mười vị trí đóng quân chốt giữ trên quãng đường đó để ngăn chặn giặc Pháp thọc sâu vào hậu phương của ta. Kể từ dưới đồng bằng lên, trước tiên là đồn tiền tiêu Đan Nê do Trịnh Văn Nghi1 đóng giữ, có nhiệm vụ kiểm soát cả hai mặt đường thuỷ và đường bộ. Tiếp đó là các đồn Mường Cơi (Cẩm Tâm), Mù Cuội (giữa hai xã Cẩm Thạch và Cẩm Thành) thuộc huyện Cẩm Thuỷ. Từ hướng Ngọc Lặc lên có đồn Dấu Tiền thuộc Mường Rặc2. Phía tây bắc đồn Dấu Tiền có đồn Đà Gấm3 rộng ra các cánh rừng chung quanh. Vùng gần Điền Lư tập trung nhiều đồn nhất, bao gồm các đồn Mù Cuội, Bãi Má (Điện Thượng), Biến Chiềng (Điền Lư), Bãi Tráng, Biến Dầu, Biến Ái (Long Vân) và La Hán. Mọi nẻo đường vào Điền Lư đều có đồn trại và các công sự chiến đấu phòng giữ, nhân dân và nghĩa quân đã đào những hố sâu hai bên đường, kéo dài suốt từ làng Én (xã Cẩm Thành, Cẩm Thuỷ) lên tới làng Xịa (xã Điền Lư, Bá Thước) để phục kích địch.

Sau một thời gian ráo riết chuẩn bị, nghĩa quân nhanh chóng bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt, mặt đối mặt với quân thù. Từ đầu tháng 7 năm 1885, họ đã triển khai các hoạt động vũ trang ở huyện Cẩm Thuỷ. Bọn quan lại đầu hàng Pháp ở tỉnh nghe tin vội phái binh lính lên trấn áp nhưng chúng bị nghĩa quân đánh cho phải rút chạy tan tác.

Nghĩa quân không bị động chờ địch tới tấn công mới phản kích lại mà chủ động tìm địch đánh. Mở đầu là trận đánh đồn Bái Thượng trên bờ sông Chu, thuộc huyện Thọ Xuân cách thị xã Thanh Hóa 60 kilômét về phía tây bắc. Cắm chốt ở đây, thực dân Pháp có thể khống chế miền tây Thanh Hóa, án ngữ con đường từ đồng bằng lên, cắt đứt mọi liên lạc giữa nghĩa quân hai miền trong tỉnh và cả với nghĩa quân Nghệ An. Đêm mồng 8 tháng 11 năm 1885, Hà Văn Mao bí mật đưa quân luồn rừng tới tấn công đồn Bái Thượng, cuối cùng nghĩa quân không chiếm được đồn giặc, nhưng sau trận thử thách đầu tiên đó, họ mở rộng hoạt động trên khắp hai huyện Thọ Xuân và Cẩm Thuỷ.
_________________________________________
1. Còn gọi là cai Văn, quê làng Đan Nê Hạ, xã Yên Quý, huyện Thiệu Yên.
2. Nay thuộc làng Suối, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc.
3. Nay thuộc xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Là nơi tiếp giáp giữa hai huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thuỷ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 10:41:03 pm »


Bước vào những tháng cuối năm 1885, phong trào yêu nước chống Pháp của các tỉnh phía bắc miền Trung phát triển mạnh, uy hiếp trầm trọng chế độ thuộc địa của đế quốc Pháp mới dựng lên trong vùng. Để đối phó lại, sau khi chiếm kinh thành Huế ngày 5 tháng 7 năm đó, tướng Đờ Cuốc-xi đã cho đại tá Péc-nô đưa quân ra đánh chiếm Quảng Bình và đại tá Sô-mông dùng tàu chiến chở quân từ Huế đổ bộ ra chiếm Nghệ An, chặn đường không cho vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết và đoàn tuỳ tùng chạy ra Thanh Hóa xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài theo dự kiến từ đầu.

Trong khi đó thì ở phía bắc, từ Ninh Bình, thiếu tá Mi-nhô cũng được lệnh kéo quân vào. Xuất phát từ Ninh Bình ngày 22 tháng 11, đạo quân này tới Thanh Hóa ngày 25 và dừng lại đó mười ngày để thực hiện mục đích chiếm đóng và bình định miền đồng bằng, càn quét miền núi, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân địa phương. Kế hoạch hành quân của địch nhằm tạo ra hai gọng kìm để bóp nát bộ phận đầu não của phong trào và tiêu diệt lực lượng nghĩa quân ở khu vực quan trọng này. Cứ điểm Điền Lư của Hà Văn Mao nhanh chóng trở thành một trung tâm lớn của phong trào chống Pháp ở trung du và thượng du. Đạo quân chiếm đóng của Pháp bị đặt vào tình thế nguy khốn, vừa phải đối phó chật vật với các cuộc khởi nghĩa vùng đồng bằng, vừa phải dốc lực lượng vào việc mở đường lên miền núi.

Cuối năm 1885, tên trung tá Boa-le-vơ có sự phối hợp của triều đình bù nhìn Đồng Khánh hùng hổ kéo quân lên công phá cứ điểm Điền Lư. Nhưng bọn chúng đã hoàn toàn bất lực trước sức chiến đấu quyết liệt và linh hoạt của nghĩa quân. Bước sang đầu năm 1886, phong trào Cần Vương Thanh Hóa càng phát triển sôi nổi và mạnh mẽ trên cả hai miền đồng bằng và miền núi. Tình hình đó đòi hỏi cấp thiết phải sớm thống nhất lực lượng, liên kết đội ngũ củng cố tổ chức để có thể đối phó với các mưu đồ ác độc của kẻ thù. Cũng chính trong thời gian này, Tôn Thất Thuyết sau khi đưa vua Hàm Nghi ra miền tây Quảng Bình - Hà Tĩnh xây dựng cơ sở kháng chiến trong vùng, đã lên đường sang Trung Quốc với hy vọng tranh thủ sự giúp đỡ của nhà Thanh (12-1886)1.

Cùng đi với ông còn có đô đốc Trần Xuân Soạn, quê làng Thọ Hạc (Đông Thọ), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trên đường ra Bắc, khi dừng lại Thanh Hóa, Tôn Thất Thuyết đã gặp nhiều nhà lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp, trong đó có Hà Văn Mao, để bàn kế hoạch đẩy mạnh cuộc đấu tranh. Sau đó, Tôn Thất Thuyết đã quyết định để Trần Xuân Soạn ở lại trực tiếp chỉ đạo phong trào chung trong tỉnh, tập hợp các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ ở các địa phương về một mối, thống nhất sự chỉ đạo về phối hợp hoạt động giữa các toán nghĩa quân.

Trên cơ sở đó, phong trào Cần Vương Thanh Hóa có thêm điều kiện để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với quy mô lớn hơn, khí thế rầm rộ hơn, trở thành một trong những trung tâm lớn tiêu biểu của phong trào cả nước, với đặc điểm nổi bật là sự phối hợp giữa miền núi và miền đồng bằng càng được thắt chặt thêm một bước so với trước. Lúc này Hà Văn Mao được Trần Xuân Soạn thừa ủy quyền của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phong chức tán lý quân vụ phụ trách phong trào miền núi đã gấp rút tăng cường lực lượng, củng cố cứ điểm Điền Lư, rồi ra sức đẩy mạnh hoạt động. Thực dân Pháp phải xác nhận nghĩa quân Hà Văn Mao "tràn xuống đồng bằng thành một cuộc chiến tranh lớn"2. Vai trò và ảnh hưởng của Hà Văn Mao và Trần Xuân Soạn lúc này rất lớn.
_____________________________________________
1. Sự thật thì lúc này triều đình phong kiến Mãn Thanh đã đầu hàng chủ nghĩa tư bản phương Tây, trong đó có tư bản Pháp, nên chuyến đi "cầu viện" của Tôn Thất Thuyết đã thất bại. Sau đó không có điều kiện về nước, ông đã chết già tại Long Châu (3-1913), thọ 74 tuổi.
2. Sa-brôn, Các cuộc hành quân ở Bắc Kỳ, Paris, 1896, tr. 32.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM