Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:16:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33495 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 01:12:12 am »


        Quân và dân Hà Nội được trao nhiệm vụ nếu kẻ địch làm nổ ra chiến tranh, thì phải tiêu hao một bộ phận quan trọng quân địch, chia cắt và bao vây chúng, tìm mọi cách giam chân địch trong một thời gian nhất định, tạo điều kiện ch hậu phương hoàn thành công công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng chuyển vào trạng thái thời chiến. Để đạt được mục đích đó, cần phải tiêu diệt từng bộ phận quân địch, lợi dụng địa hình thành phố mà chặn những bước tiến của chúng, gây tổn thất cho sinh lực của chúng, đồng thời giữ gìn và phát triển lực lượng của ta, giữ vững một số khu vực và vị trí then chốt, thực hiện cho được chủ trương phối hợp tác chiến giữa các đơn vị chiến đấu ở trong thành phố và các đơn vị từ ngoài đánh vào, gây cho kẻ địch thế lúng túng vì phải đối phó cả hai mặt; do đó mà kéo dài cuộc chiến đấu giam chân kẻ địch.

        Một kế hoạch chiến đấu bảo vệ Hà Nội đã được vạch ra khá cụ thể.

        Thành bộ Việt Minh Hoàng Diệu hiệu triệu các hội viên và toàn thể đồng bào đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, tích cực chuẩn bị hơn nữa để sẵn sàng đứng lên khi có lệnh. Các khu phố ở nội thành, các làng xã ở ngoại thành đều họp mít tinh ra quyết nghị đòi quân Pháp phải rút về các vị trí trước ngày 20 tháng Mười Một, yêu cầu Chính phủ kiên quyết đối phó với cuộc xâm lăng của phản động Pháp, báo cáo với Chính phủ và Hồ Chủ tịch là nhân dân Hà Nội đã chuẩn bị để bảo vệ từng góc phố, từng ngôi nhà của Thủ đô.

        Những lời hiệu triệu và kêu gọi chuẩn bị kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh đưa ra hằng ngày trên báo Cứu quốc được toàn thể đồng bào Thủ đô sôi nổi hưởng ứng. Khẩu hiệu xuất hiện trên tường, trên cửa mỗi căn nhà: “Thà chết không làm nô lệ!”, “Chết vinh hơn sống nhục”… Người đã có súng cố tìm thêm cho nhiều đạn. Người chưa có súng thì kiếm lựu đạn, rèn dáo, mác, mã tấu… Hằng ngày, đồng bào kéo đến các ủy ban khu phố đông nghịt, xin ghi tên vào các đội bảo vệ, cứu thương, hỏa thực (nấu ăn). Phụ nữ cất bỏ những chiếc áo dài tha thướt, cắt tóc ngắn, mặc quân phục, vác súng, đeo gươm tham gia các cuộc tuần tra canh gác. Theo lệnh của ủy ban tản cư, người già và trẻ em phải rời khỏi Thủ đô. Nhưng nhiều cụ già vẫn đòi ở lại. Các cụ lập thành những nhóm phụ lão, đi khắp nơi động viên con cháu chuẩn bị chiến đấu. Các bà mẹ, các chị quyên bông, vải len, sợi may chăn, đan áo gửi tới các chiến sĩ đang sẵn sàng diệt giặc. Người chờ thóc, gạo, kẻ mang thuốc men tấp nập kéo đến góp vào quỹ kháng chiến.

        Cuộc chuẩn bị chiến đấu tại Liên khu I, nằm tiếp giáp với nơi Pháp đóng quân, đặc biệt sôi nổi. Ngày đêm vang lên khắp nơi tiếng búa, tiếng choòng cậm kịch. Những con đường mới xuất hiện trong lòng các ngôi nhà với những bức tường đục xuyên thông. Sân thượng, bao lơn, cửa sổ trở thành những vị trí bắn. Tường nhà được khoét ra làm lỗ châu mai. Nền nhà được đào lên làm hố chiến đấu và nơi ẩn nấp. Các gia định nhắm trước những đồ đạc để khi cần là tung ngay ra mặt đường, lập thành những chiến lũy cản địch. Đồng bào trong Liên khu chuẩn bị ba tháng lương ăn. Liên khu I được phân phối một nửa tổng số vũ khí chiến đấu của Hà Nội.

        Đầu tháng Chạp, các đội quân quyết tử tổ chức lễ tuyên thệ, nhận vũ khí, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ này sẽ ôm bom ba càng lao vào phá xe tăng, xe bọc thép địch.

        Cơ quan Nhà nước, kho tàng, các xí nghiệp như nhà bưu điện, nhà in giấy bạc, viện bào chế trung ương, các xưởng công binh… lần lượt bí mật chuyển ra ngoài. Những bệnh vện, quân y viện cũng được chuyển ra vùng chung quanh.

        Tuy vậy, ta vẫn chủ trương không tạo thêm cớ cho chúng vin vào đó gây chuyện với ta. Việc xây đắp các chiến lũy chỉ làm vào những ngày tình hình đã trở nên khá gay go. Ngay cả đến khi đó, chúng ta cũng chỉ mới bít những con đường ra vào các khu phố quân đội Pháp không cần phải qua lại. Tuy nhiên, bộ chỉ huy quân đội Pháp đã phản ứng mạnh khi thấy những ụ đất với những cột gỗ, những thành sắt tua tủa dựng lên ở nhiều nơi trong thành phố. Chúng đã nhiều lần viết công văn phản kháng. Một bữa, Moóclie gặp đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Y hỏi mát:

        - Ông thị trưởng, có phải các ông đang xúc tiến việc sửa sang các đường phố ở Thủ đô?

        Đồng chí Chủ tịch đáp:

        - Vâng. Vì xe xích của các ông đi lung tung quá!

        Các cây to dọc hè phố đã được khoan lỗ đăt mìn. Công nhân xe lửa và xe điện chuẩn bị sẵn những toa xe khi cần sẽ đánh đổ bít kín nốt những con đường vẫn còn để chừa cho quân Pháp qua lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 01:13:11 am »


XXXIV

        Trước tình hình rất nguy hiểm do bọn phản động Pháp ở Đông Dương gây nên, Bác đã tìm mọi cách để ngăn chặn bàn tay tội ác của chúng.

        Ngày 6 tháng Chạp, đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời Hồ Chủ tịch kêu gọi quốc hội Pháp. Người nhắc lại một lần nữa sự mong muốn thành thật hợp tác của nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp. Hồ Chủ tịch tố cáo một số người Pháp ở Đông Dương đang phản lại tinh thần bản Tạm ước 14 tháng Chín, theo đuổi chính sách dùng võ lực. Người kêu gọi quốc hội và Chính phủ Pháp ra lệnh cho nhà chức trách Pháp ở Việt Nam phải rút quân về các vị trí truốc ngày 20 tháng Mười Một để có thể thực hiện các điều khoản của bản Tạm ước, tránh một cuộc đổ máu vô ích.

        Một tuần đã qua, lời kêu gọi khẩn thiết của Hồ Chủ tịch vẫn không được đáp lại.

        Ở Pháp đang diễn ra cuộc tranh đua gay gắt giữa các đảng phái để chiếm chiếc ghế chủ tịch chính phủ lâm thời.

        Trong cuộc bỏ phiếu lần đầu ngày 4 tháng Mười Hai, đồng chí Tôrê, ứng cử viên của Đảng Cộng sản Pháp dẫn đầu, nhưng không trúng cử vì chưa được quá nửa số phiếu. Lần bỏ phiếu thứ hai cũng không có ứng cử viên nào giành được đủ số phiếu cần thiết. Đảng Đảng Cộng sản Pháp không đưa người ra tranh cử nữa, nhưng tuyên bố sẽ không tham gia một chính phủ nào do Cộng hòa bình dân cầm đầu.

        Đảng Xã hội đưa Lêông Blum ra ứng cử. Trước ngày bỏ phiếu, Blum phát biểu chính kiến của mình về vấn đề Đông Dương: “Chỉ có một cách duy trì nền văn minh Pháp ở Đông Dương là thỏa hiệp thành thật trên lập trường độc lập với nhân dân Đông Dương (…), quyền định đoạt về vấn đề Việt Nam không phải ở các quân nhân và kiều dân Pháp ở Việt Nam mà phải ở trong tay chính phủ Pari!”. Ông Blum đòi Chính phủ Pháp phải được thành lập ngay để giải quyết vấn đề Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Blum, nhưng không phải là sau này thái độ của chúng tôi nhất định là tán thành ông Blum!”.

        Ngày 13 tháng Chạp, quốc hội Pháp bỏ phiếu lần thứ ba. Blum thắng cử, nhưng chỉ hơn Suman, ứng cử viên của Cộng hòa bình dân do bọn đại tư bản đưa ra, 7 phiếu.

        Ngày 15, Hồ Chủ tịch gửi một bức thông điệp cho chủ tịch mới của Chính phủ Pháp. Người nhắc lại lập trường cơ bản của chúng ta và đề ra một số điều kiện cụ thể để giải quyết tình hình bế tắc trước mắt:

        - Phía Việt Nam: Đưa dân tản cư trở lại các thành phố, ngừng tiến hành những biện pháp phòng ngừa tự vệ, khôi phục lại tình trạng binh thường trên các trục đường giao thông Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lạng Sơn.

        - Phía Pháp: Đưa bộ đội Pháp trở về những vị trí cũ trước ngày 20 tháng Mười Một tại Hải Phòng và Lạng Sơn, rút những viện binh đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, đình chỉ càn quét, khủng bố tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

        - Cả hai bên: Lập ngay những ủy ban đã dự kiến để thi hành tạm ước, ngừng công kích nhau trên đài và trên báo chí…

        Nhưng bức điện này cũng như tất cả những bức điện khác của Người gửi Chính phủ Pháp đều bị bộ chỉ huy quân đội viễn chinh giữ lại ở Sài Gòn một thời gian. Nó chỉ được chuyển về Pari mười một ngày sau khi chiến tranh đã lan rộng.

        Lêông Blum sẽ làm ăn ra sao để thực hiện những lời tuyên bố của mình về vấn đề Đông Dương?

        Ngay sau khi Blum vừa trúng cử, một tờ báo phái hữu ở Pháp đã viết: “Thực tế sẽ vượt qua lí thuyết và ông Lêông Blum khi nắm quyền, sẽ không dám bỏ rơi Đông Dương cũng như Cơlêmăngxô mới lên cầm quyền cũng không dám bỏ rơi Marốc, trái với lí tưởng mà ông đã có”. Chúng ta cũng chẳng trông chờ gì ở Blum. Đảng Xã hội Pháp của ông ta đang ở trên đường đi ngược lại quyền lợi của người lao động Pháp… Blum tuy đôi lúc đã nói những lời tương đối tiến bộ đối với chính sách thuộc địa nhưng lại là một người ra mặt chống Đảng Cộng sản. Nửa năm trước đây, chính Blum đã được bọn đại tư bản cử đi Mỹ đàm phán đế vay tiền.

        Blum vấp phải sự phản đối từ nhiều phía trong việc thành lập chính phủ mới. Đảng Cộng sản yêu cầu một số điều chỉnh trong chương trình của ông ta. Các đảng phái hữu đòi ông ta phải có một đường lối chính trị cứng rắn đối với ván đề khối liên hiệp Pháp. Dự kiến phân chia các bộ của Blum bị Cộng hòa bình dân bác bỏ.

        Sáng ngày 17, Blum đưa ra thông qua trước quốc hội một chính phủ mới gồm toàn bộ thành phần là người của Đảng Xã hội. Mutê vẫn giữ bộ nước Pháp ở hải ngoại. Lần đầu tiên từ ngày Đờ Gôn tổ chức tuyển cử đến giờ, Đảng Cộng sản không có chân trong chính phủ, mặc dù trong cuộc tổng tuyển cử vừa rồi, Đảng Cộng sản đã giành được số ghế nhiều nhất so với các chính đảng khác tại quốc hội. Phải chăng những dư luận về chuyện mặc cả hồi tháng Ba giữa Blum với Mỹ không phải là không có căn cứ?

        Có tin Đácgiăngliơ đã rời Pari để trở lại Sài Gòn. Y vẫn tiếp tục được trao nhiệm vụ làm cao ủy tại Đông Dương. Mutê tuyên tố: “Tôi có cảm giác là chưa bao giờ đô đốc Đácgiăngliơ tỏ dấu hiệu bất đồng với tôi về chính sách mà chúng tôi vẫn thi hành ở Đông Dương. Nếu nước Pháp lưỡng lự hay trù trừ thì sẽ mất lòng tin ấy. Chúng ta phải đánh dấu ý muốn bằng cách duy trì lực lượng của ta ở đó”. Viên cao ủy đã nhắc đến chủ trương “biểu dương lực lượng” của Lôtây, một viên tướng thực dân Pháp khét tiếng tàn bào trong cuộc viễn chinh xâm lược Marốc.

        Vẫn là những con người cũ và những chính sách cũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:38:34 am »


XXXV

        Từ trung tuần tháng Chạp, sự khiêu khích của quân Pháp ở Hà Nội chuyển sang một bước mới.

        Ngày 15 tháng Chạp, quân Pháp nổ súng ở nhiều nơi trong thành phố. Chúng bắn vào các chiến sĩ công an quận Tám tại vườn hoa Hàng Đậu. Chúng ném lựu đạn làm bị thương hai chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở phố Hàm Long. Chúng khiêu khích anh em tự vệ ở phố Trần Quốc Tuấn, và cướp một chiếc xe tay ở đây mang về nhà thương Đồn Thủy.

        Sang ngày 17, máy bay thám thính của Pháp lượn suốt buổi trên bầu trời Hà Nội.

        Mười giờ sáng, lần đầu, quân đội Pháp cho xe bọc thép tới phá những công sự của ta tại phố Lò Đúc. Chúng khuân những cột gỗ lên xe đưa đi. Người của Ty liên kiểm đến can thiệp. Lính Pháp trả lời chúng thi hành theo lệnh của cấp trên.

        Cũng thời gian đó, tại đầu phố Hàng Bún, một chiếc xe nhà binh thả xuống một toán lính lê dương. Bọn này nhảy lên ụ đất, xả súng bắn vào đồng bào. Tự vệ của ta bắn trả. Lính Pháp kéo tới đông thêm, ùa vào những nhà dân, tàn sát đàn bà trẻ em. Hàng chục người chết và bị thương. Có người bị lính Pháp dùng dao găm cứa cổ rồi để nằm thoi thóp trên vũng máu. Chúng bắt một số đàn bà mang đi. Chúng lùng sục các nhà dân, bắn chết và làm bị thương thêm nhiều đồng bào.

        Buổi trưa, Pháp dàn quân từ cổng thành đến cầu Long Biên. Chúng đưa quân bao vây đồn công an quận Hai.

        Tại nhà máy điện Yên Phụ, nơi một tổ canh gác hỗn hợp vừa được tổ chức cách dây vài ngày, một lính Pháp bất thần quay sung bắn chết đồng chí bộ đội cùng đứng làm nhiệm vụ. Tất cả công nhân trong nhà máy lập tức rầm rộ biểu tình lên án hành động của quân Pháp.

        Buổi chiều, quân Pháp bắn nhiều phát súng cối vào phố Hàng Bún. Bọn lính lê dương kéo đi từng toán trên đường phố, đập phá cửa kính nhiều ngội nhà.

        Bộ đội và các chiến sĩ tự vệ nghiêm chỉnh chấp hành lệnh chưa nổ súng. Anh em tiếp tục đắp thêm những vị trí phòng thủ, bình tĩnh theo dõi một hoạt đông của kẻ thù.

        Sau này, chúng ta đươc biết trong ngày 17, Vanluy đột ngột từ Sài Gòn ra Hải Phòng gặp Đépbờ. Moóclie và Xanhtơni cũng được gọi xuống để nhận những chỉ thị mới.

        Sang ngày 18. Cả buổi sáng, thành phố có vẻ yên tĩnh. Những cán bộ của ta làm việc tại Ty liên kiểm Hà Nội không bị bận rộn vì những hồi chuông điện thoại khẩn cấp từ các nơi gọi về như ngày hôm truớc. Cuối giờ làm việc, bỗng viên đại úy Đờ Satiông, trưởng ty liên kiểm của Pháp chuyển cho ta một lá thư. Lời lẽ trong thư như sau:

        “Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở đây sẽ bắt buộc phải dùng những phương tiện để đảm bảo sự an toàn của quân đội, của thường dân Pháp và của ngoại kiều. Vì vậy, bộ chỉ huy Pháp sẽ đem quân đến đóng ở Sở tài chính và nhà viên giám đốc giao thông ở đường Pátkiê1”.

        “Những thứ gì có thể làm cản trở sự đi lại của quân đội Pháp sẽ phải phá hủy nếu không thì quân đội Pháp sé tự phá lấy”.

        Đây là bức tôi hậu thư thứ nhất của quân Pháp ở Hà Nội.

        Hai giờ sau, ngay giữa trưa, những xe ô tô chở binh lính Pháp có nhiều xe tăng và xe bọc thép đi kèm, kéo ra nhiều phố gần khu thành. Chúng bao vây khu phố Hồng Hà, Cửa Đông và phố Hàng Chiếu. Chúng dùng xe bọc thép phá chiến lũy và những hầm hố của ta ở phố Hàng Bút.

        Buổi chiều vào cuối giờ làm việc, liên kiểm Pháp chuyển cho ta lá tối hậu thư thứ hai của bộ chỉ huy quân đội Pháp.

        “Trong ngày 18 tháng Mười Hai năm 1946, công an thành phố Hà Nội đã không làm tròn nhiệm vụ. Nếu tình trạng đó kéo dài thì quân đội Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội chậm nhất là vào sáng 20 tháng Mười Hai năm 1946”.

        Liên kiểm ta lập tức trả lời:

        “Cái cớ bảo rằng Công an Việt Nam không làm tròn nhiệm vụ là hoàn toàn vu khống. Quân đội Pháp không thể vin vào cớ ấy để phạm đến quyền trị an của chúng tôi, quyền tối cao của nước Việt Nam tự do”.

        Cũng vào những ngày đó, trong lúc máy bay trinh sát địch bắt đầu bay lượn trên bầu trời Hà Nội, tại một làng nằm bên một con sông nhỏ thuộc tỉnh Hà Đông, Trung ương Đảng ta đã có một cuộc hội nghị quan trọng để đánh giá tình hình và đề ra chủ trương mới.

---------------------
        1. Tên đặt từ thời Pháp thuộc. Nay là đường Điện Biên Phủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:38:55 am »


        Trước khi vào cuộc họp, Bác hỏi chúng tôi:

        - Tình hình mùa màng năm nay ra sao? Dân có đói không?

        Các anh đáp:

        - Năm nay mưa nắng thuận, nhiều nơi được mùa lớn. Dân ta no hơn năm ngoái.

        Người có vẻ vui, hỏi tiếp:

        - Nếu chiến tranh nổ ra, các chiến sĩ có đủ gạo ăn không?

        - Các huyện quanh Hà Nội và các tỉnh đều đã lập kho lương thực để cung cấp cho bộ đội. Các làng đều có ủy ban tiếp tế.

        - Công tác phá hoại giao thông đã làm đến đâu?

        - Các đường lớn quanh Hà Nội đều được phá hoại, cơ giới của địch không thể đi được. Riêng những đường đê ta không phá hoại mà chỉ đắp ụ nên phải có thêm thời gian.

        Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Người nhận định:

        - Âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh nay đã chuyển sang một bước mới. Thời kì hòa hoãn đã qua. Chúng ta đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Nhân dân ta không thể trở lại cuộc đời nô lệ một lần nữa. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ trường kì và gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi…

        Sáng sớm ngày 19, chúng ta nhận được một tối hậu thư nữa của bộ chỉ huy quân đội Pháp, bức tối hậu thư thứ ba trong vòng hai ngày. Những yêu cầu của chúng đặt ra cho ta là: - Phải tước vũ khí của tự vệ Hà Nội - Phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến - Phải trao cho quân đội Pháp việc duy trì an nình trong thành phố.

        So với những điều mà chúng đã nêu với chúng ta chiều hôm trước, quân Pháp đã tiến thêm một bước: đòi tước vũ khí lực lượng tự vệ của ta.

        Những gì đã xảy ra ở Hải Phòng hạ tuần tháng Mười Một đang diễn lại ở đây. Tại Hải Phòng, Đépbờ cũng nêu ra cho ta một số điều kiện mà chúng biết ta không thể nào chấp nhận được trước khi cúng mở cuộc tiến công chiếm đoạt thành phố.

        Hồ Chủ tịch viết thư cho ủy viên cộng hòa Pháp tại miền Bắc Đông Dương một lá thư ngắn:

        “Những ngày vừa qua tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thực là rất đáng tiếc. Trong khi chờ đợi quyết định của Pari, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giám tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”.

        Bác trao thư này cho anh Hoàng Minh Giám. Liên kiểm ta báo cho liên kiểm Pháp: anh Giám yêu cầu gặp ủy viên cộng hòa Pháp ngay chiều hôm đó. Xanhtơni khước từ, nói phải đợi đến ngày hôm sau.

        Ngày hôm sau, 20 tháng Chạp, là ngày Moóclie đã tuyên bố quân đội Pháp sẽ “hành động” nếu ta chưa trao quyền trị an cho chúng. Phải chăng là Pháp muốn từ chối mọi việc dàn xếp? Trong một bài trả lời phóng vấn của báo Pari - Sài Gòn cách đó ít hôm, ủy viên cộng hòa Pháp đã nói là Pháp đứng trên thế mạnh và sẽ bình tĩnh chờ đợi với cái thế của kẻ mạnh. Từ nửa tháng nay, toàn thể binh lính Pháp, trừ những tên được tung ra các phố để phá phách, khiêu khích, đều được lệnh cấm trại. Thời gian đang trôi đi rất nhanh. Chúng sẽ bắt đầu vào lúc nào? Ngày mai - hay sớm hơn nữa?

        Chiều ngày 19, tôi cùng anh Trần Quốc Hoàn và anh Vương Thừa Vũ đi thăm bộ đội và nhân dân chuẩn bị chiến đấu.

        Dọc phố Ô Chợ Dừa, nhiều nhà cửa đóng kín. Tàu điện vẫn chạy. Những toa tàu từ phía Hà Đông chạy về, khách vắng tanh. Một số cụ già và trẻ em tiếp tục rời Hà Nội bằng xe tay. Trên xe, những gói quần áo, chăn màn chất đống trước sau. Những người đi tản cư chắc không mấy ai nghĩ còn phải nhiều năm họ mới trở lại những đường phố thân yêu này. Mấy anh tự vệ, người treo trên vai một khẩu súng bắn chim, người giắt ở thắt lưng một trái lựu đạn lọ mực, đang đi kiểm tra những lỗ đặt mìn đục ở các thân cây.

        Đều đầu Ô, chúng tôi phải trèo qua một ụ đất khá cao để vào trong phố Khâm Thiên. Khác với Ô Chợ Dừa vắng vẻ, đường phố Khâm Thiên hiện ra đông vui, tấp nập. Những nhóm tự vệ có xen một, hai đồng chí Vệ quốc quân, mũ ca lô gắn sao vàng, vừa đi vừa trao đổi. Từ trong ngõ, những chiếc xe bò chở đất đang tiếp tục được đẩy ra. Thanh niên trai, gái vừa đun xe vừa vui vẻ la hét mọi người tránh đường. Một số ngôi nhà ăn, giải khát vẫn còn mở cửa.

        Chiến lũy ở đầu phố Khâm Thiên, phía nhà ga rất nhộn nhịp. Thành đất đắp cao. Những thanh đường sắt đâm tua tủa về phía trước. Hai anh tự vệ cầm súng đứng gác trong công sự. Nhà dầu Sen ở trước họ mấy chục mét, có quân Pháp đóng. Không xa đó là nhà ga, cũng có bọn Pháp. Các chiến sĩ tự vệ đóng những cọc gỗ và tiếp tục đắp đất vào chiến lũy. Những chị phụ nữ gánh đất và khuân thêm những phiến tà vẹt đến. Một tổ úy lạo đang hát để động viên họ. Từ phía nhà ga, thỉnh thoảng lại vọng đến tiếng rú của xe bọc thép.

        Chúng tôi đến xem những vị trí bắn, rồi hỏi chuyện các đồng chí tự vệ. Anh em vui vẻ kể lại trưa nay, một chiếc háptơrắc của Pháp đến đây. Khi tên lái xe nhìn thấy những chiếc nồi đất úp trước chiến lũy của ta, nó đã phải cho xe lùi lại.

        Lớp người trẻ tuổi này đang khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, còn rất xa lạ với chiến tranh. Nhưng qua câu chuyện với anh em, tôi đã thấy mọi người đang đón nó với niềm lạc quan tin tưởng. Họ chưa biết những gì sẽ đến với họ ngày mai. Nhưng nhìn vẻ mặt của họ, ta biết rồi đây họ sẽ vượt qua mọi thử thách.

        Hoàng hôn xuống nhanh. Các đường phố im ắng lạ thường. Trời rét khô. Những ngôi nhà như thu mình lại đứng sưởi ấm dưới ánh điện màu vàng nhạt.

        Bề ngoài, thành phố như có vẻ ngại tiết trời lạnh, đi ngủ sớm. Nhưng bên trong, đang dấy lên những đợt sóng ngầm. Các chiến sĩ đều có mặt tại chiến lũy. Có tin báo cáo về, ở các tiệm ăn uống, giải khát và trên khắp các đường phố, đều không còn bóng một tên lính Pháp. Những xe bọc thép của địch đã tiến ra đứng chặn ở một số ngả đường…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:12 am »

        
XXXVI

        Một tối mùa đông, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đề ngày 20 tháng Chạp năm 1946 được đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi từ một địa điểm tạm thời, cách Hà Nội không xa, trên đường di chuyển về khu căn cứ.

        “Hỡi đồng bào toàn quốc!

        “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

        “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

        “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

        “Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

        “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

        “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

        Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

        Từ đêm hôm trước, đêm 19 tháng Chạp lịch sử, chiến tranh đã lan rộng ra cả nước ta. Hơn một năm sau ngày Nam Bộ kháng chiến, tiếp theo các cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Son La, Lạng Sơn, ở thành phố Cảng Hải Phòng, nay đến lượt quân và dân ta ở Hà Nội nổ súng đánh quân xâm lược. Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Huế, Đà Nẵng… cũng đã vùng dậy chiến đấu cứu nước diệt thù. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ.

        *

        *   *

        Ngày nay, tại Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể đọc một bản bút tích của Hồ Chủ tịch với tiêu đề: “Công việc khẩn cấp bây giờ” có ghi ngày mồng 5 tháng Mười Một năm 1946. Với bản tài liệu quý giá này, chúng ta có thể biết, ngay sau khi ở Pháp trở về nước, Hồ Chủ tịch đã nhận thấy nhân dân ta rất khó tránh một cuộc chiến tranh rộng lớn do đế quốc Pháp gây ra. Người đã tự tay vạch ra những điều cơ bản để đối phó với tình ình có thể đột biến, một kể hoạch vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

        Về cuộc Trường kì kháng chiến, Người đã viết:

        “Ta phải hiểu và phải cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ.

        “Dù địch thua đến 99 phần trăm, nó cũng ráng sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc của nó sẽ tan hoang(…).

        “… Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật len lỏi trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân. Nam Bộ, địa thế khó, chuẩn bị kém, mà kháng chiến đã hơn một năm. Nhìn chung cả nước thì địa thế tốt, lực lượng kháng chiến nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi”.

        *

        *   *

        “Chúngta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới…”. Tất cả những cố gắng của Người cho đến những giờ phút cuối cùng đã không ngăn chặn được bàn tay tội ác của kẻ thù. Ngọn lửa chiến tranh xâm lược đã lan rộng khắp đất nước ta.

        “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên!...”.

        Mùa đông năm ấy, năm mươi sáu tuổi, với cây gậy trúc và đôi dép cao su, Người lên đường đi kháng chiến, cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất.

        “Cố rán sức quan khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa Xuân”1.

        Cả dân tộc ta đã đứng lên theo tiếng gọi của Người, và một quyết tâm lớn, một khí thế mạnh, một tinh thần diệt thù cứu nước, hi sinh dũng cảm tuyệt vời, lập nên những chiến công lớn ngay trong những ngày màu đông giá lạnh đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc.

        Từ đó, dưới ngọn cờ của Hồ Chủ tịch, của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ trong suốt ba ngàn ngày đêm chiến đấu, càng đánh càng mạnh, càng thắng, tiến lên mãi trên con đường dẫn tới một mùa xuân của dân tộc, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

-------------------------
       1. Công việc khẩn cấp bây giờ - Bút kí của Hồ Chủ tịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:42:48 am »

        
XXXVII

        Tập bút kí này được viết từ mùa xuân năm 1970, không lâu sau ngày Bác Hồ qua đời. Tôi đã không có điều kiện để hoàn thành sớm hơn.

        Với những tư liệu thu thập được và sự đóng góp nhiệt tình của nhiều đồng chí, tôi dã cùng bạn đọc ôn lại những hoạt động của Hồ Chủ tịch trong một thời kì lịch sử, tuy ngắn nhưng rất quan trọng, của cách mạng ta.

        Những năm đầu của thế kỉ hai mươi, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam mang trái tim nồng cháy đi giữa đêm dày của chủ nghĩa đế quốc, tìm con đường cứu nước cứu giống nòi, đã nhìn thấy ánh sáng của vừng đông ở chân trời. Kỉ nguyên mới của loài người đã bắt đầu với Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Nguyễn Ái Quốc là người dân thuộc địa đã sớm tìm ra con đường cứu nước trong thời đại mới là con đường cách mạng vô sản, con đường của chủ nghĩa Lênin.

        Hơn bốn chục năm đấu tranh cách mạng của ta đã chứng tỏ “Đường kách mệnh” Người đã lựa chọn cho dân tộc là con đường duy nhất đúng đắn để giành độc lập, tự do, hành phúc thực sự. Đó cũng là con đường giải phóng của biết bao dân tộc, đang còn sống đọa đày dưới ách thực dân, đế quốc.

        Bác Hồ là Nhà yêu nước vĩ đại. Tình yêu nước thương nòi của Người sâu sắc, bao la, không thể lấy gì so sánh được. Bác đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cứ nước cứu dân.

        Bác Hồ là Người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Tình yêu thương đồng bào của Bác gắn liền với tình yêu thương những người lao động, những người nghèo khổ. Sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Bác không tách rời khỏi sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng loài người đang còn rên xiết vì những nỗi bất công trong một xã hội còn bóc lột, áp bức.

        Bác Hồ là Lãnh tụ của Đảng ta, của nhân dân ta. Những hoạt động cách mạng của Người trong sáu mươi năm qua đã chứng tỏ Bác là nhà chiến lược vô cùng sáng suốt, là con người của những bước ngoặt vĩ đại. Những quyết định của Người và của Đảng có tầm quan trọng lịch sử về chính trị cũng như về quân sự, đã đưa Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đếu thắng lơi khác ngày càng to lớn, rực rỡ hơn.

*

*      *

        Những cuộc tấn công vũ bão của Hồng quân Liên Xô, trên đường đuổi đánh bọn phát xít Đức đến tận sào huyệt cuối cùng của chúng, đã tạo điều kiện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở nhiều nước Đông Âu khởi nghĩa giành chính quyền. Bọn đế quốc điên cuồng lên trước sự xuất hiện của hệ thống xã hội chủ nghĩa rộng lớn, trước bước phát triển của trào lưu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng đã tính đến chuyện trang bị lại những đạo quân phát xít bại trận, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Chiến tranh lạnh của phương Tây với phương Đông bắt đầu.

        Vào lúc đó, Đảng ta mới mười lăm tuổi, với năm ngàn đảng viên, đã lãnh đạo toàn dân làm Cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành lấy chính quyền từ bọn phát xít Nhật và lũ tay sai, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

        Lá cờ đỏ giải phóng dân tộc tung bay trên nước Việt Nam giải phóng, hiên ngang hiện giữa vùng đất cấm mênh mông của chủ nghĩa đế quốc, trước đó còn chưa ai có thể xâm phạm. Cách mạng Việt Nam đã báo hiệu với năm châu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa, sự phát triển mới của dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc.. Đây không những là một sự thách thức mà còn là một mối đe dọa đối với chủ nghĩa đế quốc.

        Những đạo quân đủ mọi màu da, những kẻ thù của độc lập, tự do của dân tộc cùng một lúc ùn ùn kéo tới, có mặt trên khắp đất nước ta. Mười tám vạn quân Tưởng, những tên lính chống cộng hèn hạ nhất, đóng dày đặc tại Thủ đô ta và các thành phố lớn, nhỏ trên miền Bắc. Chúng đã chuẩn bị cả một lũ tay sai nguy hiểm, rắp tâm lật đổ chính quyền cách mạng đang còn non trẻ. Đạo quân viễn chinh Pháp được đế quốc Mỹ trang bị, đế quốc Anh mở đường, bắt đầu cuộc xâm lăng, mưu chiếm lại miền Nam bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng. Sáu vạn quân phát xít Nhật hung bạo, đã từng lật đổ chính quyền của thực dân Pháp trên bán đảo này trong một đêm, vẫn còn nằm rải suốt từ Bắc chí Nam.

        Có lẽ chưa bao giờ lời nói của Lênin có ý nghĩa như lúc này: “Giành chính quyền đã là khó khăn nhưng giữ chính quyền còn khó hơn”.

        Vận mệnh của Tổ quốc từng ngày từng giờ bị đe dọa, có lúc như ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ cần thiếu tỉnh táo một chút, chỉ cần chần chừ trong giây lát, cách mạng sẽ khó vượt qua được những giừ phút cực kì khó khăn. Đây chính là lúc mà tình thế đòi hỏi một sự lãnh đạo hết sức sáng suốt và vô cùng nhạy bén:

                      Tấn công, thoái thủ nhanh như chớp
                      Chân lẹ, tài cao ắt thắng người1.


        Có Đảng, có Bác Hồ bấy giờ là một hồng phúc cho nhân dân ta, cách mạng ta.

----------------
       1. Hồ Chí Minh, “Học đánh cờ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:44:04 am »


        Đường lối chính trị của Đảng và của Bác vừa cứng rắn về nguyên tắc vừa mềm dẻo về sách lược đã được thực tiễn lịch sử chứng minh là vô cùng đúng đắn. Đúng như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, giành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta đã biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kì sáng suốt đó được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc”1.

        Nếu chế độ sở hữu của giai cấp tư bản đã có lúc “biến chúng từ chỗ là những người bạn đồng minh trở thành những con dã thú đối với nhau”3thì ở đây, người cộng sản Hồ Chí Minh với trí tuệ của chủ nghĩa Mác - Lênin, với đạo đức, tác phong cao thượng đã làm cho những con vật có thể ở chung với người, và đôi khi sử dụng được chúng vào những việc đem lại lợi ích cho cách mạng. Do đó, Người đã bảo vệ được nước Việt Nam dan chủ cộng hòa mới sinh giữa bầy sói dữ, qua khỏi được thời kì trứng nước.

        Nhờ các sự lãnh đạo của Đảng và của Người, Cách mạng Việt Nam đã đứng vững trước những thử thách hiểm nghèo buổi đầu, tiến lên hoàn thành những nhiệm vụ trọng đại mà lịch sử đã trao cho nhân dân ta.

        *

        *   *

        Bọn đế quốc và những kẻ đại diện quyền lợi cho chúng ở chính quốc cũng như ở thuộc địa đã không muốn nhận thấy mà cũng không thể nhận thấy được những sự đổi thay tận gốc trến bán đảo này trong những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai.

        Đờ Gôn tưởng là đã “ban rất nhiều ơn mưa móc” cho nhân dân các nước Đông Dương với bản tuyên ngôn ngày 24 tháng Ba năm 1945. Số đông chính khách, tướng lĩnh tư sản Pháp tin là có thể dùng sức mạnh quân sự để lập lại nền thống trị của chúng ở Đông Dương, chúng chủ trương cứu vãn địa vị suy yếu của Pháp trên trường quốc tế bằng cách cố duy trì các thuộc địa. Trong khi đông đảo nhân dân Pháp lên án chủ nghĩa thực dân, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất chính đáng của nhân dân ta, thì trong hàng ngũ của bọn thực dân, những kẻ nhìn ra được phần nào tình hình mới ở đây, chủ trương bảo vệ quyền lợi của chúng bằng một cách khác, như Lơcléc, khi đó còn rất hiếm. Chỉ đến lúc quân đội viễn chinh PHáp đã hoàn toàn thất trận, Đờ Gôn mới chịu thú nhận là đối với vấn đề Đông Dương, trước đây, y đã lầm.

        Chủ nghĩa đế quốc tham lam, tàn bạo và mù quáng đã trở thành một vết nhơ mà loài người cần rửa sạch. Toàn thể dân tộc Việt Nam ta muôn người như một, quyết không để cho kẻ thù cướp nước ta một lần nữa. Mùa đông năm đó, Người đã nói lên nguyện vọng sâu xa và cũng là ý chí của cả dân tộc:

        “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

        Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

        Cuộc chiến đấu mà kẻ thù buộc chúng ta phải chấp nhận cũng là cuộc chiến đấu đào mồ chôn chúng. Bài học thật thích đáng đã đến với đế quốc Pháp tám năm sau đó ở Điện Biên Phủ. Chúng ta đã chứng minh một chân lí mới của thời đại mới: “Một dân tộc dù nhỏ bé, khi đã có một đường lối đúng, quyết tâm cầm vũ khí đứng lên đánh trả bọn xâm lược, hoàn toàn có khả năng đánh bại cả những tên đế quốc hùng mạnh”.

        Người thương lượng với nhà cầm quyền Pháp và mùa thu năm 1946 tại Pari, đã trở thành “Người đánh đắm chủ nghĩa thực dân Pháp”.

        Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã giành lại được nửa nước. Miền Bắc giải phóng vững bước tiến lên con đường của chủ nghĩa xã hội, làm thành trì vững chắc của sự nghiệp cách mạng cả nước.

        Đế quốc Pháp già nua bị loại ra ngoài vòng chiến đấu. Giờ cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ đã điểm. Nhưng trận đánh lâu dài và gian khổ giữa nhân dâ ta với chủ nghĩa đế quốc chưa kết thúc. Đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, vẫn quyết bám lấy miền Nam đất nước ta. Với tiềm lực kinh tế và quân sự khổng lồ, chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, gian ngoan hơn và cũng bội phần tàn bạo hơn, còn chưa rút ra được bài học cần thiết. Cuộc chiến tranh trên bán đảo này bắt đầu bằng những loạt súng của bọn binh lính Pháp được quân đội Anh đưa ra khỏi các nhà tù của Nhật ở Sải Gòn, đã không chấm dứt với thất bại nhực nhã của đội quân viễn chinh Pháp; nó vẫn còn tiếp diễn trên một nửa đất nước của ta, và ngày nay, đã trở thành cuộc chiến tranh lớn nhất, quyết liệt nhất, kéo dài nhất kể từ sau đại chiến lần thứ hai.

        Để thực hiện chiến lược toàn cầu của chúng, đế quốc Mỹ đã huy động cho cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam nước ta trên một triệu rưởi quân Mỹ, chư hầu và tay sai. Chúng muốn dập tắt phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ngày càng sôi sục ở đây, đang thổi luồng gió mạnh vào ngọn lửa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đã bùng cháy ở khắp nơi, đe dọa làm sụp đổ toàn bộ cơ đồ của bọn đế quốc. Chúng đã huy động tới đây những phương tiện giết người hiện đại nhất của thế giới phương Tây. Chúng đã trút xuống bán đảo này một số lượng bom đạn lớn hơn số bom đạn chúng đã ném xuống các chiến trường trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những tên rợ “hung nô” của thế kỉ này đã tiến hành trên đất nước ta một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử của loài người.

-----------------
        1. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mớiI.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:46:32 am »


        Lời hịch chống Mỹ của Hồ Chủ tịch lại vang dậy núi sông:

        “ Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nửa để đẩy mạnh chiếntranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có htể dùng hàng ngàn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc… chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”.

        Đáp lại lời kêu gọi của Người và của Đảng, toàn quân và dân ta không sợ gian khổ, không ngại hi sinh, nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời, quyết tâm thực hiện lừoi dạy của Người: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

        Miền Nam đi trước về sau, bền bỉ kiên cường, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng của Tổ quốc”, càng đánh càng càng mạnh, càngthắng, đã làm cho đạo quân xâm lược được trang bị đến tận răng, ngày càng lún sâu trong vũng lầy của cuộc chiến tranh tội lỗi. Từ trong ngọn lửa chiế đấu trường kì quyết liệt, chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam đã ra đời, Chính phủ cách mạng lâm thời công hòa miền Nam Việt Nam đang làm nhiệm vụ lịch sử lãnh đạo quân và dân ta đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

        Miền Bắc đứng vững trước những trận mưa bom, đánh ta tác bọn giặc trời đến gây tội ác, dốc lòng dốc sức chi viện miền Nam, tiếp tục tiến lên từng bước vững chắc trên cong đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

        Chúng ta đã liên tiếp đánh bại những chiến luộc chiến tranh cướp nước của kẻ thù. Những đạo quân xâm lược thừa bom đạn của đế quốc Mỹ chắc chắn sẽ không tránh khỏi số phận bi thảm đã dành cho những đội quân xâm lược trên đất nước này.

*

*      *

        Hơn bốn chục năm đấu tranh cách mạng của nhân dân từ ngày có Đảng sẽ mãi mãi được khắc bằng những chữ vàng chói lọi trong lịch sử đất tranh oanh liệt hàng ngàn năm dựng nước và chiến đấu giữ nước của dân tộc ta. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng ta và nhân dân ta đã vượt lên trên ý nghĩa của một cuộc chiến đấu chống xâm lược ở một nước vì nó chứng minh những chân lí mới của thời đại mới.

        Trong sự nghiệp vĩ đại đó hiện lên hình ảnh của Hồ Chủ tịch, hùng vĩ mà giản dị, thiêng liêng mà gần gũi, rực rỡ mà thuần khiết như ánh ban mai.

        Khoảng thời gian ngắn từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19 tháng Chạp năm 1946 là một thời kì rất quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta. Chỉ riêng trong những năm tháng không thể nào quên đó, chúng ta có thể thấy được một hình ảnh khá trọn vẹn của Bác Hồ.

        Hồ Chủ tịch là Người con ưu tú nhất của Tổ quốc Việt Nam.

        Hồ Chủ tịch là Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế,

        Hồ Chủ tịch là Nhà chiến lược vĩ đại đã đưa con thuyền các mạng Việt Nam vượt qua biết bao bão táp phong ba, đi đến những bến bờ thắng lợi.

        Hồ Chủ tịch là con người mới Việt Nam. Bác là lãnh tụ, là người thầy, là đồng chí. Ở Bác tập trung những phẩm chất, đạo đức của con người mới của một xã hội mới vừa bắt đầu hình thành.

        Hồ Chủ tịch là con người của thời đại mới.

        Với Đảng, với Hồ Chủ tịch, một thế hệ đã ra đời: Thế hệ Hồ Chí Minh.

        Thế hệ đó đã đảm đương nhiệm vụ làm người chiến sĩ xung kích chiến đấu cho một kỉ nguyên mới của đất nước, của loài người: kỉ nguyên của độc lập, tự do, của chủ nghĩa xã hội.

        Thế hệ đó được rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại, đang không ngừng tiến lên thực hiện lí tưởng của Người, của Đảng là: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

        Thế hệ đó đang tiếp tục đi lên theo tiếng gọi của Người.

        
“Tiến lên!
        Toàn thắng ắt về ta!”.

Mùa xuân 1972        

-----------------
        3. V.I.Lê-nin, Toàn tập, t.30l, tr.570, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM