Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:32:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33486 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:22:13 pm »


        Đôi mắt sáng rực, bằng giọng nói nhấn mạnh, Người tiếp:

        - Bây giờ thì trừ hai mươi lăm triệu đồng bào ra còn không ai có quyền gì mà đòi thay đổi quốc kì.

        Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, Bác nói tiếp:

        - Về vấn đề liêm khiết của Chính phủ thì Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban làng đông lắm… Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kì hết.

        Tiếng vỗ tay hoan nghênh lại nổi lên.

        - Còn có đại biểu nói rằng bản Tạm ước 14 tháng Chín là bất bình đẳng thì Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy, mỗi bên đều nhân nhượng ít nhiều, ta bảo đảm cho Pháp một phần những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải bảo đảm thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp có thành thật thi hành Tạm ước hay không thì chúng ta cần hiểu rằng Pháp cũng có người tốt, có người xấu. Tôi có thể quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất lãnh thổ…

        Bằng lời nói thật giản dị nhưng cũng thật sáng rõ, khúc chiết, chặt chẽ, Bác tiếp tục trả lời tất cả những vấn đề các đại biểu đã nêu ra. Người nói xong, không ai hỏi gì thêm. Cuộc chất vấn kết thúc vào đúng nửa đêm.

        Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ tuyên bố xin từ chức, trao quyền lại cho Quốc hội. Quốc hội chấp thuận đề nghị từ chức của Chính phủ, và sau đó, nhất trí ủy nhiệm Người đứng ra lập Chính phủ mới.

        Bác trở lại diễn đàn cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội rồi nói:

        - Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách thành lập Chính phủ. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kì Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải cố gắng mà làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được “thăng quan phát tài”. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân ta không phân đảng phái… Tuy trong quyết nghị của Quốc hội không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết. Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, gan góc, quyết tâm đi vào mục đích vừa kiến thết vừa tranh thủ độc lập, thống nhất cho nước nhà. Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và Quốc dân, dầu nguy hiểm mấy, cũng đi vào mục đích mà Quốc dân và Quốc hội trao cho.

        1 giờ đêm hôm đó, buổi họp này mới kết thúc.

        Từ ngày 1 tháng Mười Một, Đại hội bắt đầu thảo luận về bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi.

        Chiều mồng 2 tháng Mười Một, Đại hội được Hồ Chủ tịch báo tin đã thành lập xong Chính phủ.

        5 giờ chiều, Hồ Chủ tịch tới Đại hội. Người bước lên diễn đàn giữa những tiếng hoan hô. Người nói:

        - Chính phủ này tuy chưa được mười phần như ý nguyện của Quốc hội nhưng gần đúng phương châm của Quốc hội đã vạch ra. Chính phủ mới gồm đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Cụ Huỳnh vì tuổi già sức yếu xin rút lui nhưng do lời tôi đề nghị đã vui lòng ở lại tham gia thêm một nhiệm kì nữa.

        Quốc hội đón bản danh sách Chính phủ do Hồ Chủ tịch trình bày bằng những tràng pháo tay kéo dài. Bác báo cáo tiếp chương trình làm viẹc của Chính phủ.

        Toàn thể Đại hội bỏ phiếu tán thành Chính phủ mới. Không đầy bảy tuần sau đó, do chính sách xâm lược của kẻ thù, chiến tranh đã lan rộng trên cả nước. Chính phủ đã được Hồ Chủ tịch thành lập đầu tháng Mười Một, là Chính phủ sẽ đảm đương lãnh đạo quốc dân trong cuộc kháng chiến toàn quốc kéo dài suốt tám năm sau này.

        Quốc hội tiếp tục thảo luận bản dự thảo Hiến Pháp. Ngày mồng 8 tháng Mười Một năm 1946, bằng 240 phiếu thuận đối với hai phiếu chống, Quốc hội đã chuẩn y Hiến pháp chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Trong buổi kết thúc cuộc họp của Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã nói về bản Hiến pháp mới:

        “Sau khi nước nhà mới tự do được mười bốn tháng, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử… Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, dân tộc Việt Nam có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền của công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:23:56 pm »


XXVIII

        Trong Tạm ước 14 tháng Chín, Chính phủ Pháp đã nhận thi hành những điều chính sau đây tại Nam Bộ:

        1. Thả những người Việt Nam bị bắt vì chính trị và vì kháng chiến.

        2. Người Việt Nam ở Nam Bộ được hưởng các quyền tự do dân chủ như là tổ chức, hội họp, viết báo, đi lại…

        3. Hai bên thôi đánh nhau.

        Ngày 26 tháng Mười, Quân ủy hội của ta gửi thư cho tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đề nghị quân đội Việt Nam và quân đội Pháp sẽ cùng ngừng bắn vào 0 giờ ngày 30 tháng Mười. Vài ngày sau, Vanluy trả lời đã hạ lệnh cho quân đội Pháp ở miền Nam ngừng bắn vào đúng thời gian ta đã đề ra. Đầu tháng Mười Một, Đácgiăngliơ tuyên bố với các báo chí ở Sài Gòn, các cuộc xung đột đã đình chỉ từ 0 giờ ngày 30 tháng Mười. Y nói đã trả tự do cho hơn hai trăm “tù chính trị”, hồ sơ của những người khác đang được tiếp tục xét và y đã phái tướng Nyô ra Hà Nội gặp Chính phủ Việt Nam, bàn việc thành lập một ủy ban quân sự Việt-Pháp. Đácgiăngliơ gửi Hồ Chủ tịch một bức thư xác nhận lại những điều trên.

        Ngày 4 tháng Mười Một, Moóclie đưa Nyô đến chào Hồ Chủ tịch tại Bắc Bộ Phủ. Cùng tiếp khách với Bác có tôi và đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Nyô được giới thiệu là trưởng phái đoàn quân sự Pháp do cao ủy chỉ định. Bác và chúng tôi đã thỏa thuận với Moóclie sẽ thành lập ngay ủy ban quân sự hỗn hợp và tiến hành gấp những cuộc trao đổi nhằm thực hiện và kiểm soát đình chiến ở Nam Bộ.

        Nhưng đồng thời với việc Nyô ra Bắc, có tin quân Pháp lại nổ súng ở nhiều nơi tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Các lực lượng ũ trang ta buộc phải có hành động tự vệ.

        Ngày 7 tháng Mười Một, Ủy ban quân sự Việt - Pháp họp phiên đầu tiên tại phòng thương mại cũ. Nyô cầm đầu phái đoàn Pháp. Phía ta đã lên án những hành động vi phạm lệnh ngừng bắn của Pháp, tố cáo quân đội Pháp ở miền Nam không những đã không ngừng những hoạt động khủng bố mà lại còn tiếp tục với một quy mô ngày càng rộng lớn. Ta chủ trương ổn định tình hình bằng cách đưa vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ một ủy ban đình chiến hỗn hợp. Nyô khước từ. Ta nêu tiếp việc cử người đại diện của Chính phủ Việt Nam bên vên cao ủy như tạm ước đã quy định; việc này cũng đã được thỏa thuận giữa Hồ Chủ tịch và cao ủy Pháp trong cuộc trao đổi tại Vịnh Cam Ranh. Nyô nói vấn đề đó vượt quá thẩm quyền của y. Cuộc họp không giải quyết được gì. Hai bên đồng ý sẽ bàn tiếp vào những ngày sau.

        Cùng ngày hôm đó, Chính phủ ta nhận được thư của Đácgiăngliơ. Viên cao ủy phản kháng về việc có một Ủy ban hành chính lâm thời của ta ở miền Nam Việt Nam. Y cho đó là một điều không hợp với tinh thần Tạm ước 14 tháng Chín, những hoạt động của ủy ban này có thể phương hại đến sự thi hành tạm ước.

        Hồ Chủ tịch trả lời viên cao ủy:

        “Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ thành lập từ tháng Tám năm 1945 dưới quyền chỉ huy của Chính phủ trung ương và vẫn tiếp tục làm việc cho tới ngày nay. Ủy ban đó lại đã từng giao thiệp chính thức với các nhà cầm quyền quân sự Đồng minh và Pháp hồi tháng Mười năm ngoái.

        Việc ở Nam Bộ vừa có quân đội chiếm đóng vừa có các cơ quan hành chính và quân sự Việt Nam đã được bản Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba và bản Tạm ước 14 tháng Chín công nhận. Theo các bản thỏa hiệp đó thì tình hình Nam Bộ phải để nguyên cho đến ngày trưng cầu ý dân. Những hoạt động của Ủy ban hành chính lâm thời và các cơ quan quân sự Việt Nam chỉ là để đi đến sự thi hành triệt để các điều khoản về chính trị và quân sự của khoản 9 trong bản Tạm ước nói về Nam Bộ và chỉ có thể giúp cho chính sách hợp tác thân thiện mà cả hai chính phủ ta đều mong muốn có thể thực hiện dễ dàng”.

        Ngày 12 tháng Mười Một, Moóclie chuển cho ta một thông điệp của Đácgiăngliơ. Theo vên cao ủy thì Nam Bộ là đất của Pháp, chính thể Nam Bộ chỉ nghị viện Pháp mới có thể quyết định thay đổi được bằng cách duyệt y kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Ủy ban hành chính Nam Bộ là một tổ chức bất hợp pháp mà hồi tháng Mười năm 1945, Xêđin đã phải giao thiệp vì muốn tránh đổ máu. Chính phủ Việt Nam thi hành những thỏa hiệp đã kí thì phải ngừng ngay những hành động kia hoặc là phủ nhận những hành động đó.

        Trước những luận điệu trắng trợn của viên cao ủy, Hồ Chủtịch đã gửi cho Đácgiăngliơ một bản thông điệp lời lẽ vắn tắt:

        “Chính phủ Việt Nam nhắc lại cho ông cao ủy Pháp biết ủy ban hành chính đó không vươitj ra ngoài phạm vị điều 9 của bản Tạm ước 14-9-1946 mà mục đích chỉ là để theo đuổi việc lập lại cho Nam Bộ một nền hòa bình theo công lí và bền vững mặc dầu gặp trở lực khó khăn thế nào và bất cứ ở đâu lại.

        Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tin rằng muốn thực hiện nền hòa bình hằng mong ước đó cho hai dân tộc thì những phương pháp vũ lực không những hoàn toàn vô ích mà chỉ đe dọa đưa đến chỗ đình chỉ việc thi hành tạm ước và trách nhiệm đó Chính phủ Việt Nam hoàn toàn không nhận”.

        Thái độ của những người cầm quyền Pháp tại Đông Dương đối với việc thi hành tạm ước đã bộc lộ khá rõ ràng.

        Theo tài liệu của những người viết sử Pháp ghi lại sau này thì vào đầu tháng Mười Một, Đácgiăngliơ đã có những ngày rất bận rộn. Viên cảo ủy phải chuẩn bị để đối phó với một tình thế bất lợi cho y nếu các lực lượng dân chủ tiến bộ Pháp giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Vào trường hợp đó, những chính sách của Đờ Gôn chỉ có thể tiếp tục bằng cách làm nổ ra tại Đông Dương một cuộc chiến tranh rộng lớn. Y gặp gỡ lần lượt tất cả các quan chức hành chính và quân sự ở Sài Gòn để khẳng định: Chỉ có một tình thế quân sự mới cho phép ngăn chặn được sự bại hoại của tình hình có lợi cho Hà Nội.

        Người tiếp thụ đầy đủ ý đồ của viên cao ủy là Vanluy. Vanluy đã viết trong chỉ thị mật gửi cho cấp dưới của mình: “Những mưu toan thỏa hiệp đáng kinh không còn thích hợp nữa rồi mà phải cần đến một “bài học khắc nghiệt”. Ngày 21 tháng Mười Một, khi Vanluy báo cho ta biết y đã hạ lệnh cho quân đội Pháp tại Nam Bộ ngừng bắn thì cũng là lúc y chỉ thị cho Đépbờ ở Hải Phòng phải thực hiện quyền kiểm soát thành phố này để làm tê liệt sự phản kháng của ta tại đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 09:12:37 am »


XXIX

        Ngày 11 tháng Mười Một, Hồ Chủ tịch gửi cho chính phủ Biđôn lời phản kháng kiên quyết về việc Pháp đơn phương tổ chức phòng thuế quan và kiểm soát ngoại thương tại Hải Phòng.

        Trước khi tạm ước được kí kết, ngày 10 tháng Chín, từ Sài Gòn, Đácgiăngliơ đã ra lệnh cho Moóclie phải thiết lập quyền kiểm soát thế quan trong khu vực Hải Phòng kể từ ngày 15 tháng Mười trở đi.

        Trong cuộc đàm phán tại Phôngtenblô, Pháp đã nhiều lần nêu ra vấn đề thuế quan. Vấn đề này cũng được Mutê nêu ra trong những cuộc trao đổi với Hồ Chủ tịch ở Pari. Thuế quan vốn trước kia chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng thu nhập của toàn Đông Dương. Bác đã nói với Mutê đó không phải là một vấn đề không thể giải quyết bằng thương lượng. Cuộc trao đổi giữa Bác và người thay mặt cho Chính phủ Pháp, đã dẫn đến điều 6 trong bản Tạm ước:

        “Nước Việt Nam cùng với các nước trong Liên bang họp thành một thuế quan đồng minh… Một ủy ban dung hợp về thuế quan và ngoại thương sẽ nghiên cúu những phương sách thi hành cần thiết và chuẩn bị việc tổ chức thuế quan Đông Dương…”.

        Điều khoản này lập tực bị nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn xuyên tạc. Chúng tuyên bố là nước Việt Nam đã thừa nhận tính chất liên bang của thuế quan. Ủy ban dung hợp sẽ chỉ có nhiệm vụ ấn định những thể thức kiểm soát việc trao đổi và phân tích các khoản thuế đã thu được. Ngày 14 tháng Mười, một tháng sau khi bản Tạm ước được kí kết, bọn Pháp ở Sài Gòn lại cho ra một bản thông tri nhắc lại quyết định ngày 10 tháng Chin của viên cao ủy về thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 15 tháng Mười. Bất chấp các điều khoản của bản Tạm ước, phía Pháp tự ý đơn phương quy định nhiều thứ hàng của ta như: than, quặng, xi măng, kim khí, gỗ, ngũ cốc, muối, giấy, v.v. nếu đem xuất cảng đều phải được phép của chúng. Việc làm của chúng hết sức thô bạo. Hồi đó Bác chưa về, cụ Huỳnh nhân danh quyền Chủ tịch đã gửi cho Pháp một lời kháng nghị kịch liệt. Trong cuộc gặp tại Vịnh Cam Ranh, Hồ Chủ tịch đã trao đổi với Đácgiăngliơ về vấn đề thuế quan. Người cho rằng chuyện này có thể giải quyết với những ủy ban dung hợp đã đề ra trong Tạm ước. Người thấy cần họp ngay các ủy ban này tại Hà Nội. Đácgiăngliơ đòi họp ở Đà Lạt để kéo chuyện này vào khuôn khổ các vấn đề liên bang. Cuối cùng, Đácgiăngliơ phỉa đồng ý sẽ họp ở Hà Nội. Nhưng từ đó, các ủy ban này chưa họp được lần nào.

        Biết bọn phản động ở Sài Gòn mưu toan gay ra một việc đã rồi, Hồ Chủ tịch đã gửi cho chính phủ Biđôn lời phản kháng ngày 11 tháng Mười Một. Nhận được bản thông điệp này, Moóclie chuyển về Sài Gòn. Nhưng nó đã bị giữ lại Sài Gòn một thời gian. Lời phản kháng của Chính phủ ta chỉ được chuyển về Pháp vào ngày 26 tháng Mười Một. Sự chậm trễ này không phải là vô tình. Cuộc gây hấn ở Hải Phòng đã xảy ra sáu ngày trước đó.

        Sự việc bắt đầu từ một cuộc va chạm nhỏ.

        Sáng 20 tháng Mười Một, một chiếc ca nô của người Trung Hoa có giấy phép của Sở thuế quan Việt Nam, chở xăng vào bến Cửa Cấm Hải Phòng. Quân Pháp kéo xuống ca nô lúc soát, giữ ca nô lại, tuyên bố tịch thu số xăng trong đó, lấy cớ là hàng lậu thuế. Hành động này vi phạm chủ quyền của ta. Nhân viên công an trật tự của ta tới can thiệp. Chỉ chờ có một cơ hội, quân Pháp nổ súng. Một đồng chí công an hi sinh. Các chiến sĩ tự vệ của ta ở gần đó bắn trả. Cuộc xung đột bắt đầu.

        11 giờ trưa, một đơn vị xe bọc thép của quân đội Pháp tiến đánh vào khu vực nhà ga. Địa điểm này cách xa nơi có chuyện rắc rối về thế quan buổi sáng. Quân Pháp gặp sức kháng cư của các lực lượng tự vệ. Tiếng súng bắt đầu nổ ran khắp thành phố.

        Những vụ xô xát giữa quân đôi Pháp và các lực lượng tự vệ ta không phải mới xảy ra lần đầu ở Hải Phòng. Mọi lần, Ty liên kiểm Việt- Pháp đều dàn xếp được một cách ổn thỏa. Nhưng lần này, khi nhân viên liên kiểm tới, viên đại tá Đépbờ, chỉ huy quân đội Pháp ở Hải Phòng, tỏ thái độ rất ngang ngược. Y đòi ta phải thả hết những lính Pháp bị bắt, đòi triệt bỏ các trạm công an và phá hết những chướng ngại vật ở các phố; láo xược hơn nưa, y đòi các lực lượng vũ trang của ta phải rút khỏi các vị trí ở phố Hoa kiều.

        Buổi trưa, Đépbờ gửi một tối hậu thư đòi ta phải thi hành những điều kiện y đề ra trước lúc 14 giờ. Ta trả lời đồng ý thả năm binh lính Phápbị bắt trong cuộc xung đột sáng nay, nhưng Pháp cũng phải trả lại ta mười người bị chúng bắt cóc từ mấy ngày hôm trước. Những yêu cầu vô lí khác của Đépbờ bị ta bãi bỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 09:12:59 am »


        2 giờ chiều, quân Pháp lại tiến công. Lần này, chúng huy động lực lượng lớn. Quân đội Pháp có xe tăng trợ lực, tiến đánh vào Nhà hát lớn ở trung tậm thành phố. Các chiến sĩ tự vệ giữ Nhà hát lớn Hải Phòng đã chến đấu rất anh dũng, đánh bật nhiều đợt xung phong của quân địch có xe bọc thép yểm hộ.

        Bọn Pháp vu cho ta đã bắn chết Camoăng, trưởng ty liên kiểm của Pháp, để cự tuyệt mọi cuộc điều đình. Viên thiếu tá này trước tới nay tỏ ra có tinh thần hiểu biết.

        Tại Hà Nội, chúng tôi được tin về cuộc xung đột này ngay sau khi mới xảy ra. Đại diện ta ở Ủy ban liên kiểm trung ương đã yêu cầu bộ chỉ huy quân đội Pháp can thiệp, tránh để cuộc xung đột lan rộng. Người Pháp tỏ vẻ ngạc nhiên, nói ta không nên quan trọng hóa sự việc này, và cuộc xung đột sẽ không thể lan rộng. Nhưng chiều hôm đó, cuộc xung đột tại Hải Phòng đã thực sự lan rộng.

        Đẻ tạo điều kiện cho cuộc dàn xếp, 3 giờ chiều hôm đó, Bộ Quốc phòng ta một mặt điều thêm lực lượng bộ đội ở vùng chung quanh về tăng viện cho Hải Phòng, một mặt ra lệnh cho bộ đội chỉ nên có những hoạt động tự vệ.

        Buổi chiều, Moóclie cử viên đại tá Lami đến gặp ta. Lami là người phụ trách vấn đề chính trị của quân đội Pháp. Đồng chí trưởng phái đoàn quân sự của ta gặp Lami bàn việc đình chỉ xung đột ở Hải Phòng. Đôi bên đi tới một bản thỏa thuận gồm các điều: Ngừng bắn ngay, Bộ đội Việt Nam và quân đội Pháp phải trở về vị trí cũ trước cuộc xung đột. Một ủy ban hỗ hợp được thành lập do đồng chí Hoàng Hữu Nam và Lami cầm đầu sẽ có mặt vào sáng hôm sau ở Hải Phòng.

        Moóclie tán thành những thỏa thuận này và thông báo những quyết định trong đó cho Đépbờ.

        8 giờ tối hôm đó, các đòng chí ở Hải Phòng báo cáo là bộ đọi ta đã ngừng nổ súng. Nhưng quân Pháp vẫn không chịu ngừng bắn. Chúng dùng cả đại bác ở Cát Bi. Tiếng súng nổ rải rác suốt đêm.

        Sáng ngày 21, phái đoàn hỗn hợp Việt- Pháp dùng ô tô ray xuống Hải Phòng. Đến cây số 0, lính Pháp báo hiệu cho xe dừng lại vì đường không đi đuợc. Đoàn phải dùng ô tô đi từ Thượng Lý vào thành phố. Cả Hải Phòng sặc mùi thuốc súng. Tiếng súng vẫn nổ ở nhiều nơi. Phái đoàn tới cơ quan chỉ huy của Đép bờ và nhận thấy đúng là lệnh ngừng bắn vẫn chưa được chấp hành. Đoàn thấy cần phải thực hiện ngừng bắn ngay và cho bộ đội cua hai bên rút về vị trí cũ.

        Đại diện của ta tới cơ quan Thành ủy, được biết bộ đội và tự vệ của ta đã nghiêm chỉnh thực hiện lệnh ngừng bắn từ tối hôm trước.Những tên lính Pháp bị ta bắt đã được trao trả lại cho phía Pháp. Chúng ta gọi điện báo cho Lami biết.

        Mãi tới 2 giờ chiều, tiếng súng trong thành phố mới tạm ngừng. Nhưng Đépbờ không chịu cho quân đội trở về vị trí cũ trước khi xảy ra xung đột. Hắn nói không thể thi hành mọi mệnh lệnh của cấp trên ở Hà Nội và Hà Nội không nắm được tình hình. Quân đội Pháp không thể rời bỏ những vị trí mà họ đã phải đổ máu mới giành được. Người thay mặt cho Moóclie không thuyết phục được viên đại tá. Thái độ ương ngạnh của hắn đối với mệnh lệnh cảu cấp trên có phần khó hiểu.

        Trong khi chờ đợi những chỉ thị mới của Chính phủ, đại diện của ta trao đổi với Lami và thỏa thuận về một số điểm cụ thể:

        1. Cấm ngặt đôi bên không vì bất cứ một lí do nào mà nổ súng.

        2. Quân đội Pháp đưa hết xe bọc thép về trại.

        3. Hạn chế sự đi lại ban đêm.

        4. Tổ chức một bộ đội hỗn hợp làm nhiệm vụ canh gác tại nhà ga Hải Phòng để đảm bảo giao thông như cũ.

        Đépbờ từ chối thi hành điểm thứ tư. Hắn còn đòi để quân đội Pháp chiếm Nhà hát lớn Hải Phòng và bộ đôi ta phải rút khỏi khu phố người Âu đã ở ngày trước.  Đại diện của ta bác bỏ yêu cầu đó. Cuối cùng, hai bên chỉ thỏa thuận được ai hiện ở đâu cứ ở đó, không được di chuyển vị trí hoặc có hành động khiêu khích.

        Tuy vậy, từ chiều ngày 21, tiếng súng ở Hải Phòng đã ngừng.

        Chiều ngày 22, phái đoàn hỗn hợp trở về Hà Nội để báo cáo tình hình. Dọc đường, Lami nói với ta là người Pháp muốn dàn xếp.

        Cũng trong ngày 20 tháng Mười Một, giữa lúc cuộc xung đột nổi ra ở Hải Phòng thì Hồ Chủ tịch tiếp Đờla Sarie, người được Sài Gòn cử ra để bàn về vấn đề thuế quan. Hồ Chủ tịch đã nêu ý kiến là ủy ban hỗn hợp về thế quan và ngoại thương cần họp ngay tại Hà Nội. Sarie đã chuyển gấp đề nghị này về Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 09:16:53 am »


XXX

        Tình hình Hải Phòng có chiều hướng đi đến chỗ dàn xếp.

        Đột nhiên, 7 giờ sáng ngày 23 tháng Mười Một. Đépbờ gửi cho Ủy ban hành chính Hải Phòng một bức tối hận thư. Hắn đòi quân đội Việt Nam phải rút ngay khỏi phố Hoa kiều, khu phố người Âu ở trước kia và đòi tước vũ khí của các đội tự vẹ tại khu phố Lạc Viên (Khu Bảy), nơi chúng đã bị đánh những đòn đau. Hắn đòi những yêu cầu này phải được thi hành trước 9 giờ, nếu không, quân đội Pháp sẽ tấn công. Những yêu sách này đều bị ta bác bỏ. Pháp gia hạn thêm bốn mươi nhăm phút.

        Đúng 9 giờ 45, trọng pháo của quân Pháp nổ. Quân Pháp với sự yểm trợ của xe tăng và xe bọc thép tấn công vào khu phố Hoa kiều. Máy bay của chúng giội bom xuống thành phố và thị xã Kiến An. Bộ đội và tự vệ nấp sau những chiến lũy làm bằng giường, tủ, bàn ghế ở các đầu phố, bắn vào quân địch. Những chai cháy, những trái lựu đạn từ trên tầng gác, trên sân thượng ném xuống các xe bọc thép. Cuộc chiến đấu diễn ra ở từng góc phố, từng khu nhà.

        Tại Hà Nội, 9 giờ sáng ngày 23, đồng chí trưởng đoàn quân sự của ta tới bộ chỉ huy quân đội Pháp để gặp Moóclie. Moóclie lánh mặt, cử viên đại tá chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội ra tiếp. Ta yêu cầu y giải thích về bức tối hậu thư của Đépbờ sáng nay ở Hải Phòng. Viên đại tá nói bức thư đó đã được cấp trên ở Sài Gòn chuẩn y. Viên đại tá nói thêm, nếu phía Việt Nam không  thuận thì quân đội Pháp ở Hải Phòng được phép dùng võ lực. Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội đã đột ngột thay đổi thái độ.

        Theo những tài liệu đã được công bố sau này, chúng ta biết sự việc xảy ra như sau: Từ chiều ngày 21, Vanluy từ Sài Gòn đã chỉ thị cho Đépbờ cần lợi dụng tình hình hiện tại để mở rộng phạm vi chiếm đóng của quân dội Pháp ở Hải Phòng. Với chỉ thị này, Đépbờ đã kiên quyết bác bỏ những điều Moóclie ở Hà Nội đã thỏa thuận với người đại diện của ta. Ngày 22, Vanluy chỉ thị cho chính Moóclie đòi các lực lượng vũ trang của ta phải hoàn toàn rút khỏi thành phố Hải Phòng. Moóclie nhận thấy yêu cầu này là một “tối hậu thư”, có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Moóclie không truyền đạt điều đó cho Chính phủ ta mà đề nghị Vanluy cần cân nhắc kĩ những hậu quả do sự việc này có thể đem lại. Moóclie chưa biết là đồng thời với chỉ thị gửi cho mình, viên tổng chỉ huy mới của quân đội viễn chinh Pháp cũng trực tiếp ra lệnh cho Đépbờ phải dùng mọi phương tiện có trong tay để làm chủ hoàn toàn thành phố Hải Phòng. Đácgiăngliơ đã trở về nước trước đó một tuần. Những việc làm của Vanluy chỉ là sự thực hiện những chỉ thị chặt chẽ của viên cao ủy trước khi ra đi.

        Trưa ngày 23, Hồ Chủ tịch trực tiếp kêu gọi trên đài Tiếng nói Việt Nam:

        “Tôi kêu gọi tướng Vanluy, tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm chức cao ủy và các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam, phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt.

        “Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo bệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của ngoại kiều.

        “Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước:

        “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!”.

        Cuộc tấn công của quân Pháp ở Hải Phòng mang một tính chất tàn bạo. Binh lính Pháp được lệnh thiêu trụi những ngôi nhà mà chúng gặp phải sức kháng cự trên đường tiến quân. Nhưng trong ngày đầu chúng đã bị chặn lại. Đépbờ phải cầu cứu đến cả sự chi việc của hải quân bằng trọng pháo.

        3 giờ chiều, bộ đội ta mở đợt phản công, xung phong vào giành lại Nhà hát lớn đã bị quân đội Pháp chiếm giữ từ trước đó mấy ngày. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trên từng đường phố, từng ngõ ngách, từng ngôi nhà. Các đội tự vệ, đặc biệt là tự vệ Khu Bảy đã chiến đấu rất dũng cảm.

        Ngày 25 tháng Mười Một, ta mở một trận tấn công lớn vào trường bay Cát Bi. Các chiến sĩ ta phá kho đạn, đốt kho xăng, hoàn toàn làm chủ sân bay.

        Trận chiến đấu anh dũng tại Hải Phòng đã có tác dụng của một cuộc tổng diễn tập thực sự chuẩn bị cho trận đánh kéo dài nhiều ngày ở Thủ đô Hà Nội xảy ra sau đó một tháng. Ngày 28 tháng Mười Một, bộ đội ta và các lực lượng tự vệ rút về tuyến chiến đấu mới bên ngoài thành phố. Ở một số nơi, nhiều ngày, sau khi các đội tự vệ đã rút đi, những toán tuần tiễu Pháp vẫn chưa dám lui tới.

        Ngày 27 tháng Mười Một, Moóclie gặp chúng tôi, Y truyền đạt yêu cầu của bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp đòi chúng ta phải phá bỏ những vật chướng ngại trên các đường nối liền những đồn binh Pháp với nhau, bảo đảm cho quân đội Pháp được tự do đi lại trên đường Đồ Sơn Hải Phòng. Moóclie nói tất cả những việc quân đội Pháp đã làm ở miền Bắc Đông Dương đều là những chỉ thị của cấp trên. Tôi nhớ lại lần Vanluy đến gặp ta trao bản thông điệp báo tin quân đội Pháp bắt đầu đánh chiếm Tây Nguyên, y đã nói mình đến để thi hành một mệnh lệnh của cấp trên. Giờ đây, Moóclie lắp đúng lời của Vanluy. Cấp trên của Vanluy ngày ấy là Đácgiăngliơ. Cấp trên của Moóclie ngày nay lại chính là Vanluy.

        Sáng ngày 28, Moóclie gửi tới Bộ Quốc phòng một bản thông điệp với những lời lẽ y đã nói với chúng tôi hôm trước: “Hôm nay tôi xác nhận với ngài những điều kiện quân sự do bộ tổng chỉ huy Pháp đặt ra…” trong đó, Moóclie nêu ra vùng giới hạn những nơi quân Pháp đã chiếm đóng ở Hải Phòng bao gồm cả thành phố và một số vùng lân cận. Y nhắc lại yêu cầu bảo đảm tự do đi lại cho quân đội Pháp trên những con đường nối liền các đồn binh và đường Hải Phòng - Đồ Sơn.

        Tình hình trở nên nghiêm trọng. Để tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị cho bộ đội và đồng bào Hải Phòng, chúng ta đã trả lời vắn tắt là đề nghị của quân đội Pháp có tính chất rất quan trọng nên hai bên cần lập một ủy ban hỗn hợp để thỏa thuận.

        Chiều hôm ấy, Moóclie gửi tiếp cho cúng ta một bức thông điệp khác, bức thông điệp thứ hai trong một ngày: “… Tôi xin báo để Ngài biết rằng những điều kiện trong thư ngày 28 tháng Mười Một của tôi là do những chỉ thị rất rõ ràng mà tôi đã nhận được. Vậy không thể lập ủy ban hỗn hợp xét những điều như Ngài đề nghị và tôi cho rằng ủy ban đó lập ra vô ích trừ phi để định rõ những phương thức thi hành các điều kiện mà tôi đưa ra”.

        Đáp lại những bản thông điệp cùng các yêu cầu mở rộng phạm vi chiếm đóng của quân đội Pháp, chúng ta đã ra lệnh cho bộ đội và dân quân tự vệ bao vây chặt chẽ quân địch trong thành phố Hải Phòng, phá hoại triệt để những con đường liên lạc giữa các đồn binh Pháp, đặc biệt là con đường từ Hải Phòng đi Đồ Sơn.

        Trận Hải Phòng là trận đánh mở đầu cho một quy mô mới của cuộc chiến tranh cướp nước. Kẻ thù đã mở rộng chiến tranh xâm lược trên nửa phần phía nam của đất nước ta ra toàn cõi Việt Nam, đồng thời đưa ra toàn bán đảo Đông Dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:23 am »


XXXI

        Ở Pháp trong tháng Mười, cuộc đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ, tiến bộ và bọn tư bản phản động tiếp tục diễn ra quyết liệt chung quanh việc thông qua hiến pháp của nền Cộng hòa thứ tư.

        Bản dự thảo hiến pháp này so với bản dự thảo đã bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng Năm là một bước thụt lùi. Tuy nhiên, nó vẫn còn chứa đựng nhiều điểm tiến bộ. Nó chủ trương quyền lập pháp thuộc về quốc hội do dân chúng bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu; các hội đồng cộng hòa do đại biểu của các hội đồng hàng xã, hàng quận cử ra chỉ có quyền tư vấn. Nó bảo đảm những quyền lợi mới về xã hội và kinh tế của người dân, quyền binh đẳng giữa đàn ông và đàn bà trên mọi lĩnh vực. Nó chống lại những cuộc chiến tranh cướp phá và sự đàn áp ở thuộc địa; nó cam kết tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc phụ thuộc. Nếu bản dự thảo này được thông qua thì vẫn có thể nói đây là hiến pháp dân chủ tư sản tiến bộ nhất từ khi nước Pháp thành lập chế độ Cộng hòa.

        Do đó, giai cấp tư sản Pháp tìm mọi cách chống lại việc thông qua hiến pháp. Chúng muốn kéo dài tình trạng lâm thời. Một tình hình không ổn định sẽ tạo ra tâm lí lo lắng trong quần chúng, chứng minh sự bất lực của nền dân chủ, mở đường cho chúng dựng nên một chế độ độc tài. Đờ Gôn lại tiếp tục lên tiếng đả kích rất mạnh bản hiến pháp mới. Ông ta cho rằng quyền của quốc hội được quy định quá to, quyền hành chính không còn gì, những nguyên tắc tự do về khối liên hiệp Pháp sẽ dẫn đến sự tan vỡ của đế quốc Pháp. Thậm chí, ông ta còn nói: “Nếu bản hiến pháp được thừa nhận sẽ có nội loạn ngay”. Lời đe dọa của Đờ Gôn đã có ảnh hưởng đến các tầng lớp trung gian trong dân chúng Pháp.

        Đảng Cộng sản Pháp chủ trương đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng đấu tranh duy trì và bảo vệ thể chế dân chủ.

        Ngày 23 tháng Mười, bản Hiến Pháp được đưa ra trưng cầu ý dân. Gần một phần ba cử tri không đi bỏ phiếu. Tuy vậy, bản hiến pháp đã được thông qua: chín triệu năm mươi vạn phiếu thuận trên tám triệu mười vạn phiếu chống. Lực lượng dân chủ đã thắng một keo chật vật.

        Đa số cử tri Pháp ở các thuộc địa bỏ phiếu không tán thành bản dự thảo hiến pháp. Riêng ở Đông Dương, số cử tri Pháp theo Đờ Gôn chống lại hiến pháp mới rất đông. Cả Đông Dương chỉ có một ngàn bảy trăm linh một phiếu thuận đối lại với tám ngàn ba trăm mười ba phiếu chống. Điều này đã nói lên xu hướng chính trị phản động của những người Pháp ở thuộc địa nói chung và ở Đông Dương nói riêng.

        Ngày 10 tháng Mười Một, nước Pháp mở cuộc tổng tuyển cử để bầu ra quốc hội. Nhiệm kì của quốc hội này là năm năm. Đảng Cộng sản Pháp lại dẫn đầu về số phiếu, giành thêm 24 ghế. Đảng Xã hội mất 20 ghế. Thắng lợi của Đảng Cộng sản khá rõ rệt. Nhưng sự trỗi dậy của các lực lượng phản động như: Cộng hòa tự do, Liên minh tả đảng (hữu)… giành được thêm khá nhiều phiếu. Các lực lượng chính trị của nước Pháp đã tập trung thành hai khối đối lập.

        Trước tình hình đó, vấn đề Đông Dương không những đã không bị lu mờ đi mà còn nổi lên thành một vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính sách của Pháp. Các lực lượng tiến bộ chủ trương tôn trọng nguyên tắc dân chủ và tự quyết trong mối quan hệ với các nước liên kết, phải thay đổi chính sách bạo lực, đàn áp bằng chính sách “hòa giải và hợp tác”. Các lực lượng phản động cho rằng nếu nước Pháp muốn phục hồi sức mạnh và uy tín của mình trên trường quốc tế, thì phải giữ cho được các thuộc địa; do đó, cần áp dụng một đường lói cứng rắn để duy trì quyền thống trị của Pháp tại các lãnh thổ ở hải ngoại.

        Điều đáng chú ý là do bọn đại tư bản và những chính khách của chúng đang nắm giữ quyền hành ở nước Pháp, hầu như không hiểu biết gì về những sự biến đổi to lớn và sâu sắc đã diễn ra tại Đông Dương mấy năm qua. Chúng vẫn còn say sưa với giấc mộng vàng đế chế. Đông Dương về đất đai tuy chỉ chiếm một phần mười sáu toàn bộ diện tích thuộc địa Pháp, nhưng lại có một số dân bằng hai phần năm tổng số dân của tất cả các thuộc địa của Pháp. Đó là nơi hằng năm cung cấp cho bọn tư bản độc quyền trên một tỉ phơrăng tiền lời. Từ năm 1900 đến năm 1945, số tiền lãi của ngân hàng Đông Dương đã tăng lên gấp ba mươi lần. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đông Dương là nơi được bọn tư bản đặc quyền đầu tư nhiều nhất, trên năm mươi hai tỉ phơrăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:42 am »


        Bon tư bản tài phiệt tin tưởng một cách mù quáng là với sự giúp đõ tiền bạc và vũ khí của các nước đế quốc đồng minh, chúng sẽ không gặp khó khăn gì nhiều trong việc vãn hồi lại trật tự ở Đông Dương. Thái độ của Mỹ, Anh trong vấn đề Đông Dương đang có chiều hướng thuận lợi đối với Pháp. Sau khi hất cẳng Pháp ra khỏi Xiri và Libăng, Anh đã quay lại dàn hòa với Pháp, giúp đõ quân Pháp trong bước đầu trở lại Đông Dương. Tại Mỹ, Rudơven đã chết; Toruman lên cầm quyền đang tìm cách vỗ về Pháp; Đờ Gôn đã được mời sang Oasinhtơn, Chính phủ Pháp đã cử người tham gia lễ đầu hàng của Nhật Bản, và sau đó là việc Mỹ cho Pháp vay tiền. Thực ra lúc này, Mỹ đang có âm mưu tìm cách nô dịch Pháp bằng kế hoạch viện trợ kinh tế Mácsan, nhằm biến nước Pháp thành một căn cứ chống cộng tại châu Âu. Riêng về vấn đề Đông Dương, Mỹ đã nhòm ngó dải đất ở Đông Nam Á này từ lâu. Mỹ đã nhiều lần công kích chính sách của Pháp tại Đông Dương, khi thì đòi Pháp phải mở rộng quyền hạn cho các nước ở đây, khi thì đòi quốc tế hóa bán đảo này trong năm mươi năm. Các đề nghị này bị Pháp phản đối, còn Anh thì không đồng tình. Mỹ đã tính chuyện dùng Tưởng để hất cẳng Pháp, nhưng Tưởng bất lực. Lúc này, Mỹ muốn giúp Pháp đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương trong khi Mỹ cần có thời gian để chuẩn bị một âm mưu lâu dài.

        Bọn đại tư bản Pháp đã ngã theo con đường lệ thuộc vào Mĩ.

        Sau cuộc tổng tuyển cử, Biđôn phải trao lại quyền cho quốc hội. Bản hiến pháp đã được thông qua giữa tháng Giêng năm 1947 mới bắt đầu có hiệu lực. Trong khi chờ đợi thành lập chính phủ chính thức, quốc hội cử ra một chính phủ lâm thời để điều khiển công việc. Các đảng phái chính trị lại lao vào cuộc tranh giành chiếc ghế chủ tịch lâm thời sẽ diễn ra vào thượng tuần tháng Chạp.

        Trung tuần tháng Mười Một, Đácgiăngliơ về Pháp. Bản Tạm ước 14 tháng Chín được Chính phủ Pháp thông qua về mặt nào đó đã giáng một đòn khá nặng vào chính sách của bọn thực dân phản động ở Đông Dương. Chính phủ Pháp đã nhắc lại sự tôn trọng đối với tinh thần và một số điều khoản của Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba. Điều này đã làm cho bọn tay sai ở Sài Gòn một lần nữa hết sức hoang mang. Những việc diễn ra liên tiếp gần dây tại chính quốc: bản hiến pháp mới được thông qua, Đảng Cộng sản dẫn đầu số phiếu trong tổng tuyển cử… đã làm cho Đácgiăngliơ và bọn phản động ở Đông Dương lo lắng. Viên cảo ủy đã bàn tính kĩ lưỡng công việc với Vanluy trước khi rời Sài Gòn.

        Trong khi chờ chính phủ mới thành lập, chính phủ Biđôn tuy đã từ chức nhưng vãn còn ở lại để giải quyết công việc hằng ngày. Viên cao ủy vẫn tìm được những chỗ dựa cũ. Đácgiăngliơ đã sớm cảm thấy cái tâm trạng lo lắng trong giới cầm quyền về sự suy yếu và vai trò mờ nhạt của Pháp trên trường quốc tế. Phụ họa với luận điệu của những thế lực phản động Pháp, viên cao ủy cố làm cho nhiều người tin rằng Việt Minh đang tìm mọi cách để tống cổ người Pháp ra khỏi Đông Dương; chỉ có một chính sách cứng rắn mới duy trị được đế quốc Pháp; một sự nhân nhượng đối với cộng sản ở Đông Dương, với Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đe dọa cả khối liên hiệp Pháp.

        Vụ xung đột ở Hải Phòng đem lại cho Đácgiăngliơ một cơ hội tốt. Hành động xâm lược của Vanluy được viên cao ủy trình bày như một bằng chứng về việc người Việt Nam đang dùng sức mạnh để đẩy người Pháp đi. Các báo chí phái hữu ở Pháp lập tức làm rùm beng. Chúng la ó: Quân đội viễn chinh Pháp một lần nữa là nạn nhân của một âm mưu Việt Minh! Cần phải có một chính sách cứng rắn thay thế cho chính sách thỏa hiệp, chính sách rút lui…

        Ngày 23 tháng Mười Một, hội đồng liên bộ về Đông Dương, vẫn ở dưới quyền điều khiển của Varen, được triệu tập. Sau khi nghe viên cao ủy báo cáo, hội đồng quyết định khi cần có thể dùng đến sức mạnh để đối phó với sự vi phạm các thỏa hiệp. Đácgiăngliơ lập tức đánh điện báo tin cho Vanluy là đường lối chính trị cứng rắn ở Đông Dương đã được chính phủ và tất cả các đảng phái tán thành…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 01:09:22 am »


XXXII

        Trong cuộc chiến đấu ở Hải Phòng, chúng ta đã lấy được một bản thông tri quan trọng của địch đề ngày 10 tháng Tư năm 1946. Các viên chỉ huy quân sự của Pháp đã đươc lệnh ngay sau khi tới đồn trú ở một địa phương, phải hoạch định một kế hoạch an ninh gồm việc bảo vệ nơi đóng quân và nhất là việc di chuyển trong khắp thành phố. Kế hoạch ban đầu này phải được nhanh chóng bổ sung bằng sự nghiên cứ một loạt biện pháp để chuyển hình thức từ một kế hoạch tấn công thuần túy quân sự thành “dàn cảnh một cuộc đảo chính” (Scesnario de coup d’Etat). Các viên chỉ huy quân sự đã được chỉ thị phải thu thập những tài liệu về các cơ cấu tổ chức trong thành phố, điều tra, theo dõi thật chặt chẽ những người lãnh đạo của ta từ lí lịch, thói quen đến nơi ăn chốn ở, lập ra những đội biệt kích cải trang để khi có lệnh sẽ bất thần hoặc bí mật thủ tiêu các cán bộ cả ta… Bản thông tri mật này đã bộc lộ dã tâm của bọn phản động Pháp và phơi bày ra ánh sáng những hành vi đen tối của chúng từ trước đến giờ.

        Với việc Vanluy cho quân đánh chiếm cảng Hải Phòng, thành phố lớn thứ hai trên miền Bắc, cuộc xâm lăng của quân Pháp đã bước sang một thời kì mới. Những đám mây đen báo hiệu một cuộc chiến tranh rộng lớn đã hiện ra ở chân trời. Những ngày sau đó, sự việc diễn ra dồn dập, tác động tới nhau giống như một phản ứng dây chuyền.

        Các nhà viết sử sau này sẽ đi sâu vào nghiên cứu các sự kiện, phân tích đầy đủ chủ trương và hành động của quân thù, nêu rõ đường lối sáng suốt cũng như những chỉ thị cụ thể, kịp thời của Đảng ta, tinh thần yêu nước cao độ và công cuộc chuẩn bị kháng chiến rộng lớn của nhân dân và quân đội ta. Tôi không có ý định làm thay công việc của người viết sử. Tôi chỉ điểm lại những diễn biến chính mà phần đông chúng ta đã biết, trên bối cảnh đó, nói lên hoạt động của Bác trong tháng Chạp năm 1946, tháng cuối cùng của giai đoạn lịch sử này.

        Bản thông điệp Moóclie trao cho ta ngày 28 tháng Mười Một, rõ ràng mang tính chất một tối hậu thư. Những điều kiện quân sự mà bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp nêu lên trong đó, ta không thể nào chấp nhận. Và Moóclie đã từ chối mọi cuộc dàn xếp.

        Đầu tháng Chạp, Xanhtơni tới Hà Nội. Y đến Bắc Bộ Phủ chào Hồ Chủ tịch. Từ ngày Xanhtơni về Pháp, chức ủy viên cộng hòa tại miền Bắc Đông Dương luôn nằm trong tay bọn võ quan. Đácgiăngliơ không muốn dùng những người trực tiếp liên quan đến việc kí kết Hiệp định mồng 6 tháng Ba. Xanhtơni trở lại Đông Dương là do một quyết định của Mutê hồi tháng Mười Một. Trước khi đến Hà Nội, y đã bị lưu lại ở Sài Gòn một thời gian.

        Hồ Chủ tịch đã nói là chúng ta nghiêm chỉnh thực hiện những điều đã thảo thuận trong Tạm ước 14 tháng Chín. Người đòi quân đội Pháp ở Hải Phòng và Lạng Sơn phải quy về vị trí của chúng trước ngày xảy ra xung đột. Xanhtơni hứa báo cáo gấp về nước và sẽ chuyển cho ta sớm những quyết định mới của Chính phủ Pháp.

        Quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh những hoạt động khiêu khích tại Hà Nội. Bọn lính lê dương mũ đỏ kéo đi hàng bầy trên phố Tràng Tiền. Chúng xông vào các hiệu buôn, cướp hàng hóa. Chúng xé báo, xé ảnh trưng bày tại Nhà thông tin. Có lần chúng giật cả một lá cờ Việt Nam treo trên tường. Lính tuần cảnh Pháp phóng mô tô bừa bãi giữa các phố đông. Chúng cố tình gây tai nạn và khiêu khích công an giao cảnh của ta. Một chiếc xe jeep đang chạy, bất thần dừng lại. Bọn lính Pháp đội mũ nồi đen nhảy xuống, lôi tuột một người đi đường lên xe. Chúng cho xe chạy vụt vào thành. Những vụ bắt cóc đã chấm dứt sau khi quân Tưởng rút khỏi miền Bắc, giờ được quân Pháp diễn lại. Có tên lính Pháp còn đứng trên nhà gác, chĩa súng xuống, bắn vào tàu điện đang chạy qua. Vòng xích xe bọc thép của Pháp ngày đêm nghiến mặt đường. Dường như bất cứ lúc nào cũng có thể nổ ra xung đột.

        Ngày 7 tháng Chạp, quân Pháp ở Hải Phòng tiến hành một cuộc tiến công mới để mở đường ra Đồ Sơn. Quân ta chặn đánh kịch liệt. Cuộc tiến công thất bại.

        Ngày 8, Pháp tăng quân trái phép vào Hải Dương.

        Ngày 9, Pháp đổ bộ trái phép 800 lính lê dương vào Đà Nẵng. Hồ Chủ tịch đã gửi công hàm phản dối cho Đácgiăngliơ và Chính phủ Pháp.

        Ngày 12, quân Pháp tấn công bộ đội ta ở Tiên Yên và Đình Lập. Tiếng súng đã lan rộng tại vùng Đông Bắc.

        Ngày 13, một tuần dương hạm lớn của Pháp cập bến Đà Nẵng.

        Ngày14, Pháp đưa thêm 400 lính lê dương vào Hải Phòng.

        Ngày 15, hãng AFP báo tin nhiều binh lính Pháp ở Angiêri đang được chuyển gấp về cảng Mácxây để xuống tàu sang Đông Dương.

        Đảng ta đã nhận thấy với chiều hướng phát triển của tình hình hiện nay, một cuọc chiến tranh rộng lớn là khó tránh. Trong khi vẫn hết sức tranh thủ khả năng hòa hoãn, chúng ta đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị mọi mặt đã được tiến hành từ trước cho một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 01:10:19 am »


        Ngày mồng 7 tháng Chạp, phóng viên báo Pari - Sài Gòn tới xin phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Trong khi trả lời, Người đã nói: “Đồng bào tôi và tôi muốn hòa bình, thành thật mong muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh, và tôi biết nhân dân Pháp cũng không muốn chiến tranh. Nhưng nếu người ta bắt buộc chúng tôi, thì chúng tôi phải kháng chiến… Cuộc chiến đấu sẽ tàn khốc, nhưng nhân dân Việt Nam sẵn sàng chịu đựng tất cả chứ không chịu mất tự do”.

        Trên cả nước, từ Bắc chí Nam, đã dấy lên một phong trào phản đối bọn phản động Pháp gây hấn tại Sơn La, Lạng Sơn, Hải Phòng, Kiến An… Tổng bộ Việt Minh thay mặt chín triệu hội viên, gửi thư ngỏ tới hồ Chủ tịch và Chính phủ, yêu cầu Chính phủ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, và tuyên bố sẵn sàng đem xương máu để giữ gìn từng tấc đất của ông cha. Các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, giáo viên… đều ra hiệu triệu kêu gọi các hội viên hăng hái góp phần cùng toàn dân phá tan âm mưu xâm lược của quân đội Pháp.

        Những khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến”, “Trường kì kháng chiến”, “Tích cực chuẩn bị kháng chiến”, “Kháng chiến là sống, không kháng chiến là chết”… xuất hiện hằng ngày trên báo cứu quốc. Các ủy ban bảo vệ với thành phần quân, dân, chính được tổ chức ở các khu, tỉnh, thành phố (những ủy ban này về sau trở thành ủy ban kháng chiến). Điện văn của nhân dân từ khắp nơi tới tấp gửi về Thủ đô, bày tỏ niềm tin tuyệt đối ở Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nguyện chiến đấu đến cùng để bảo vệ Độc lập Tự do của Tổ quốc.

        Người già và trẻ em bắt đầu rời Hà Nội và những thành phố có quân Pháp đóng, đề phòng kẻ địch bất thần mở cuộc tiến công.

        Bộ đội ta lúc này đã phát triển khá rộng lớn. Vệ quốc đoàn được củng cố, chấn chỉnh về tổ chức, biên chế để trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đơn vị pháo binh đầu tiên được thành lập.

        Từ trung tuần tháng Mười, Đảng ta đã triệu tập hội nghị quân sự toàn quốc. Hội nghị đã đánh giá tình hình quân sự trên cả nước, đề ra nhiều nghị quyết quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường sức chiến đấu của lực lượng vũ trang.

        Hệ thông tổ chức Đảng trong quân đội được kiện toàn. Từ trước, Trung ương đã lập ra Quân ủy trung ương để lãnh đạo lực lượng vũ trang. Đồng thời với việc thành lập các chiến khu, các Quân khu ủy được tổ chức. Nhiều đảng viên và cán bộ của Đảng được điều thêm vào quân đội.

        Chế độ đội trưởng cùng chính trị viên phụ trách đơn vị được thực hiện trong toàn quân. Ở khu có chính trị ủy viên, từ trung đoàn đến trung đội có chính trị viên. Hệ thống cơ quan công tác chính trị được kiện toàn từ trên xuống dưới. Sau đó, một thời gian, anh Văn Tiến Dũng được chỉ định phụ trách công tác chính trị trong quân đội.

        Đảng ta giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối các lực lượng vũ trang và thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp đối với quân đội. Các cấp ủy ở địa phương có trách nhiệm lãnh đạo các lực lượng vũ trang địa phương.

        Hàng ngũ dân quân du kích được củng cố. Số lượng quân du kích lúc này đã phát triển khá đông, tới gần một triệu người. Công việc xây dựng làng chiến đấu được tiến hành khẩn trương.

        Bộ đội và dân quân du kích luyện tập ngày đêm, ra sức nâng cao trình độ chiến đấu, sẵn sàng ứng phó với tình thế nếu chiến tranh nổ ra.

        Chúng ta đã kịp thời rút kinh nghiệm những trận đánh ở Nam Bộ, đặc biệt là cuộc chiến đấu mới đây tại Hải Phòng, Lạng Sơn để vạch ra một kế hoạch kháng chiến chung và chỉ đạo việc chuẩn bị kháng chiến ở các địa phương. Chúng ta cũng đã đề ra một kế hoạch phá hoại đường sá, cầu cống, “làm vườn không nhà trống”, quyết không để cho một thức gì lọt vào tay quân địch nếu chúng mở rộng chiến tranh.

        Nhiều nhà máy, xưởng cơ khí của thực dân Pháp trước đây được chuyển thành xưởng quân giới. Với tinh thần của những người chủ mới, anh em công nhân cùng với những cán bộ kĩ thuật phần lớn xuất thân từ các trường kĩ nghệ thực hành của Pháp, hăng say lao vào việc sửa chữa các loại súng và pháo hư hỏng. Chúng ta cũng bắt đầu sản xuất một số vũ khí cần thiết cho bộ binh, đạn, lựu đạn, mìn, bom ba càng…

        Theo chỉ thị của Bác, căn cứ địa Việt Bắc vấn được tiếp tục củng cố. Nhiều nhà máy, kho tàng của ta ở thành phố được đưa dần về vùng căn cứ. Bác trao nhiệm vụ cho anh Sao Đỏ1 trở về Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi cần.

        Một hôm, sau cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, khi mọi người đã ra về, Bác hỏi tôi:

        - Nếu địch mở rộng chiến tranh trên mièn Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?

        Tôi thưa với Bác:

        - Có thể giữ được một tháng.

        Bác lại hỏi:

        - Các thành phố khác thì sao?

        - Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn.

        - Còn vùng nông thôn?

        - Vùng nông thôn nhất định ta giữ được.

        Người suy nghĩ giây lát rồi nói:

        - Ta lại trở về Tân Trào.

-----------------
        1. Tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 01:11:48 am »


XXXIII

        Vấn đề chiến đấu bảo vệ Thủ đô được nêu ra gấp rút từ tháng Mười Một, khi tình hình Hải Phòng đã trở nên căng thẳng. Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Hà Nội, do anh Nguyễn Văn Trân làm Bí thư; ủy viên có anh Đạo, anh Tiến… Anh Trần Quốc Hoàn được cử làm phái viên chỉ đạo và trực tiếp tham gia Đảng ủy. Khu XI, tức khu Hà Nội, được thành lập. Anh Vương Thừa Vũ được chỉ định là Chỉ huy trưởng, anh Trần Độ là Chính trị viên.

        Lực lượng quân Pháp tại đây gồm các đơn vị lính lê dương mới từ Pháp sang đến Hà Nội sau ngày kí Hiệp định mồng 6 tháng Ba, và bọn lính lê dương ở thuộc địa bị Nhật cầm tù đã được quân Đồng minh giải phóng. Trang bị của chúng gồm nhiều súng tự động mới của Mỹ. Địch còn có pháo nặng, xe tăng, xe bọc thép và máy bay.

        Phần lớn quân Pháp đóng tại khu thành. Ngoài ra, chúng còn đóng tại nhà thương Đồn Thủy, phủ toàn quyền cũ, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) và sân bay Gia Lâm. Theo điều tra của ta thì chúng còn bố trí một số quân ở khách sạn Mêtơrôpôn (nay là khách sạn Thống Nhất). Ngôi nhà này ở ngay xế cửa Bắc Bộ Phủ. Bọn lính Pháp ở đây mặc giả thường dân. Theo sự thỏa thuận giữa đôi bên, với danh nghĩa quân tiếp phòng, quân Pháp còn có những đơn vị nhỏ gác chung với bộ đội ta ở nhiều nơi xung yếu như: cầu Long Biên, nhà ga, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà băng Đông Dương… Tất cả các gia đình Pháp kiều với tổng số khoảng tám ngàn người ở những khu phố người Âu cũ và rải rác trong thành phố, đều được quân đội Pháp phát súng đạn.

        Cách bố trí quân của Pháp không dày đặc, vòng trong vòng ngoài như quân Tưởng trước đây. Nhưng nếu không đề phòng cẩn mật, khi trở mặt, chúng có thể bất thần đánh vào các cơ quan đầu não của ta và gây thiệt hại nặng cho bộ đội. Với sức cơ động của xe tăng, xe bọc thép, chúng có thể nhanh chóng bít các đường ra vào của Thủ đô và chia cắt thành phố ra nhiều khu vực để tiêu diệt dần lực lượng đề kháng.

        Lực lượng ta ở Hà Nội lúc bấy giờ bao gồm các đơn vị bộ đội, các tổ chức tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, các đội bảo vệ mới thành lập ở khắp các khu phố.

        Bộ đội ta bố trí một bộ phận ở bên trong thành phố, một bộ phận ở ngoài. Số lượng bộ đội ở trong thành phố tuy không lớn lắm nhưng là những đơn vị đã được lựa chọn, trong đó có những đơn vị đã từng tham gia kháng Nhật ở chiến khu làm nòng cốt. Các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn đều là những người đã được thử thách trong chiến đấu. Tuy vậy, số đông các chiến sĩ là những thanh niên nhập ngũ chưa lâu.

        Bộ đội ta đóng tập trung ở Bắc Bộ Phủ, trại Vệ quốc đoàn trung ương và một số trọng điểm khác; ngoài ra còn có những đơn vị phải phân tán để bảo vệ các cơ quan nhà nước, các công xưởng và canh gác chung với quân Pháp.

        Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng nhằm tăng cường trang bị cho bộ đội. Tuy nhiên, trong tình hình chung, súng đạn vẫn còn thiếu thốn. Với số pháo thu được của Pháp và của Nhật, chúng ta đã tổ chức ra những đại đội pháo binh đầu tiên. Một số pháo cao xạ 75 li được chuyển thành pháo mặt đất. Trước ngày nổ súng, quân giới cung cấp cho bộ đội được tám chục trái bom ba càng để phá xe tăng.

        Lực lượng tự vệ chủa ta ở Hà Nội khá mạnh, gồm tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, khoảng tám ngàn rưởi người. Anh em có mặt ở khắp nơi trong thành phố, rất thông thạo đường đi lối lại và các ngõ ngách. Với tinh thần yêu nước hết sức sôi nổi, những người thanh niên thuộc mọi tầng lớp này của thành phố, ngày đêm ra sức luyện tập, có tinh thần kỉ luật và tinh thần chiến đấu cao, được trang bị phần lớn bằng vũ khí do anh em tự mua sắm hoặc chế tạo, hăng hái học hỏi, cố tìm ra những cách đánh địch có hiệu lực tốt. Từ lâu, các chiến sĩ “sao vuông” đã trở thành đối thủ đáng gờm của binh lính địch.

        Việc xây dựng các trận địa chiến đấu ở Hà Nội chủ yếu do tự vệ cùng với nhân dân đảm nhiệm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM