Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:38:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 10:50:25 am »


        Từ ngày thành lập chế độ Cộng hòa, đây là lần thứ hai có một cuộc duyệt binh lớn. Mồng 2 tháng Chín năm ngoái, trước lễ đài, một chi đội Quân giải phóng vừa ở chiến khu về, cầm trong tay các vũ khí chiến lợi phẩm đủ loại, đứng sắp hàng sẵn từ trước. Một cuộc diễu binh lúc đó chưa thể tổ chức được. Các chiến sĩ đã trải qua nhiều trận đánh, nhưng chưa có dịp làm quen với điều lệnh đội ngũ. Năm nay, cùng với cuộc duyệt binh, lần đầu ta tổ chức diễu binh. Một trung đoàn Quân đội quốc gia Việt Nam trang bị tề chỉnh, quần áo màu xanh lá cây, mũ ca lô gắn sao vàng, chân đi giày da, súng trên vai, hiên ngang rầm rập diễu qua lễ đài trong nhịp kèn mạnh mẽ của đội nhạc binh. Đi đầu mỗi đơn vị là sĩ quan chỉ huy đeo kiếm dài, đội trưởng sát cánh bên chính trị viên.

        Chỉ sau một năm vừa xây dựng vừa đánh giặc, quân đội ta đang báo cáo với chính quyền mới, báo cáo với đồng bào mình đã lớn lên vượt bậc, sẵn sàng đi vào một cuộc chiến đấu lâu dài nếu kẻ thù mở rộng chiến tranh. Thực ra, bộ đội ta ngày hôm đó chỉ mang toàn vũ khí nhẹ. Ngoài súng trường, mỗi đại đội chỉ có từ một tới hai khẩu trung liên, vài khẩu tiểu liên. Và đây đã là cố gắng cao nhất của ban tổ chức cuộc duyệt binh. Sự ra mắt của một trung đoàn quân chính quy hôm nay cũng giống như sự xuất hiện kịp thời của một chi đội Quân giải phóng ở Hà Nội sau ngày Cách mạng vừa thành công. Nó có những ý nghĩa đặc biệt khi những tên lính lê dương mũ đỏ đang gõ giày đinh trên vỉa hè và những chiếc xe bọc thép của sư đoàn thiết giáp số 2 hằng ngày nghiến xích sắt trên các đường phố Hà Nội.

        Và đây cũng là lời báo cáo của quân đội ta trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc trường kì. Cuộc diễu binh lần thứ hai tại Thủ đô chỉ được tổ chức chính năm sau đó, khi trận đánh cuối cùng với đội quân viễn chinh Pháp kết thúc thắng lợi tại Điện Biên Phủ.

        Buổi chiều là cuộc mít tinh lớn. Các đoàn người cùng với những rừng cờ, biển đã nối theo nhau dồn về quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Những chiếc xe hoa mọi hình dáng, mọi màu sắc xuất hiện, biến quảng trường thành một vườn hoa. Năm mươi vạn đồng bào miền xuôi, miền ngược đến đây hôm nay để nghe chính quyền mới kiểm điểm những gì đã làm được sau một năm đoạn tuyệt với chế độ cũ, xây dựng cuộc sống mới.

        Bản báo cáo của Chính phủ cũng là sự kiểm điểm kết quả một năm toàn dân thực hiện ba nhiệm vụ lớn của Hồ Chủ tịch đã đề ra: Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm để xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

        Chính quyền mới hôm nay đã có thể nêu ra trước nhân dân nhiều điều khá cụ thể.

        Chính sách bắt nộp thóc lúa của Pháp - Nhật đã cướp không của nhân dân ta hàng chục vạn tấn thóc, gây ra nạn đói khủng khiếp. Cách mạng thành công khi nước sông Hồng lên tới 12 mét 60, một mức nước cao trước đó chưa từng thấy. Nạn lụt tháng Tám lại cướp thêm của đồng bào ta ở miền Bắc 40 vạn tấn thóc nữa. Diện tích trồng lúa thu hẹp nhiều vì việc Nhật bắt trồng đay và thầu dầu.

        Công thương nghiệp hoàn toàn đình đốn. Thủ công nghiệp phá sản.

        Chính quyền mới thành lập khi ngân khố Đông Dương còn 1.230.000 đồng thì một nửa là giấy hào nát. Mùa thuế trực thu đã qua. Thuế quan không còn gì vì thương nghiệp đình trệ. Trong khi đó, giá trị của một đồng bạc Đông Dương trước kia là 500 đồng tiền đồng Thanh Hóa1 nay chỉ còn bằng 10 đồng. Tháng Mười Một, ngân hàng Đông Dương của người Pháp đã không chịu ứng tiền trước cho Chính phủ ta, còn hủy bỏ giá trị của đồng bạc 500 đồng một cách bất hợp pháp. Cộng thêm vào khó khăn đó là việc lưu hành tiền quan kim của quân Tưởng không có kiểm soát.

        Nhân dân đứng trước một nạn đói trầm trọng, lại phải nuôi thêm gần hai chục vạn quân Tưởng và sáu vạn quân Nhật.

        Đó là tình hình kinh tế tài chính của ta vào những ngày đầu xây dựng chế độ mới. Giữa lúc đó, trên miền Bắc, bọn Việt gian phản động dựa vào lưỡi lê của quân Tưởng lăm le lật đổ chính quyền cách mạng; tại miền Nam đất nước, cuộc xâm lăng của đế quốc Pháp bắt đầu.

------------------------
        1. Có trước thời Pháp thuộc, chủ yếu lưu hành ở một số tỉnh từ Thanh Hóa trở vào. Từ khi Nhật chiếm nước ta, được coi là đồng tiền có giá trị ổn định nhất. Tháng 4 năm 1948, Chính phủ ta đã ra Sắc lệnh 167/SL bãi bỏ việc lưu hành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 10:52:34 am »


        Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, đồng bào ta đã xây đắp, bổ trợ thêm cho những con đê dài hàng trăm kilômét, đẩy lùi nạn lụt.

        Lời kêu gọi tăng gia sản xuất chống giặc đói của Hồ Chủ tịch đã đem lại những kết quả diệu kì. Diện tích trồng lúa mở rộng gấp rưỡi. Diện tích trồng khoai tăng gấp ba, số khoai thu hoạch tăng gấp năm. Diện tích trồng ngô tăng gấp năm, số ngô thu hoạch tăng gấp bốn. Tháng Bảy năm nay, giá gạo tại Bắc Bộ từ bảy trăm đồng trước đây, đã hạ xuống hai trăm đồng một tạ. Cách mạng đã chiến thắng nạn đói: một kì công của chế độ dân chủ cộng hòa ngay từ những ngày đầu xây dựng.

        Với sự sửa đổi thuế khóa cho nhẹ và công bằng, với sự kêu gọi lòng hi sinh của anh em viên chức và bộ đội, với việc lạc quyên và gần đây, với việc cho lưu hành giấy bạc Việt Nam, chính quyền ta đã có thể trang trải được các món chi tiêu, đặc biệt là những chi tiêu lớn về quốc phòng.

        Về giáo dục, cuộc chiến đấu chống giặc dốt đã đạt được một kết quả chưa từng thấy. Tám vạn giáo viên nam nữ không lấy tiền lương, phụ trách sáu vạn lớp học, đã giúp cho một triệu rưỡi người thoát khỏi nạn mù chữ.

        Cuộc đấu tranh chống giặc ngoài thù trong đã được tiến hành một cách rất quyết liệt và giành được những thắng lợi to lớn. Hai chục vạn quân Tưởng bị đẩy lùi về nước. Những mưu đồ đen tối của bọn tay sai phản động đã ta vỡ hoàn toàn. Tại miền Nam, quân dân ta càng đánh càng mạnh, đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch. Chính quyền cách mạng vẫn đứng vững tại hai mươi tỉnh trong số hai mươi mốt tỉnh ở Nam Bộ.

        Nền dân chủ cộng hòa đã được củng cố. Chính quyền mới trong một năm đầy khó khăn và biến động, đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử của đất nước, đã triệu tập Quốc hội, thành lập Chính phủ chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử của đất nước đã được khởi thảo xong chỉ còn chờ Quốc hội thảo luận và thông qua. Hầu hết các Ủy ban hành chính và Hội đồng nhân dân từ xã đến tỉnh ở Trung và Bắc Bộ đã bầu lại chính thức. Nhân dân dược hưởng các quyền tự do, dân chủ. Báo chí ở Trung và Bắc Bộ trước cách mạng chỉ có trên hai mươi tờ, nay đã tăng lên tới một trăm hai mươi tờ. Hơn mười triệu người đã gia nhập các đoàn thể và tổ chức cứu quốc.

        Không phải là một niềm vui bình thường mà mọi người dân hôm nay, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, đến dự ngày hội kỉ niệm một năm thành lập nền Cộng hòa dân chủ.

        Sau buổi mít tinh, là cuộc tuần hành của năm mươi vạn đồng bào kéo dài trên năm kilômét. Chiếc xe hoa của Tổng bộ Việt Minh với lá cờ đỏ sao vàng dựng nước vĩ đại dẫn dầu. Một chiếc xa hoa mang mô hình đài Độc lập năm trước, nơi Hồ Chủ tịch lần đầu ra mắt quốc dân, đọc bản Tuyên ngôn lịch sử. Trên xe hoa của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là mô hình trái đất, nói lên phong trào rộng lớn của giai cấp công nhân và lao động trên toàn thế giới. Một chiéc xe hoa có con chim vàng dang rộng đối cánh, tượng trưng hình ản chế độ mới đang phát triển. Rất nhiều xe hao mang khẩu hiệu: “Hoan nghênh Việt Minh, biết ơn Mặt trận đã giải phóng dân tộc, dựng nền độc lập cho đất nước”. Trời đang nắng bỗng đổ mưa. Nhưng những rừng người man theo cờ, biểu ngữ, ảnh Hồ Chủ tịch và hoa, không kể nắng mưa, vẫn cuồn cuộn kéo đi mang niềm vui bất tận đến các đường phố của Thủ đô cũng đầy cờ, hoa và ảnh Bác Hồ.

        Trời tối, cả thành phố bừng lên một màu hồng với hàng vạn chiếc đèn lồng treo trước mỗi hiên nhà. Một đoàn thanh niên của Thủ đô giương cao cây đuốc tượng trưng cho ngọn lửa cách mạng, chạy quanh Hồ Gươm giữa những tiếng hò reo hoan hô. Đồng bào bày tiệc liên hoan ngay trên hè phố. Những người ở tỉnh xa về, đi ngang đường, được mời vào dự bữa cơm vui. Cả Thủ đô biến thành một phòng tiệc liên hoan không lồ vẫn không chứa hết được niềm vui lớn của dân tộc trong ngày kỉ niệm Quốc khánh đầu tiên. Những cuộc biểu diễn văn nghệ tại các khu phố: hòa nhạc, ca múa, diễn kịch, tuồng, cải lương… kéo dài đến rất khuya.

        Như khi ăn trái chín nhớ đến kẻ trồng cây, uống nước ngọt nhớ người xây giếng, trong niềm vui lớn hôm nay, mỗi người không thể không nghĩ tới cội nguồn hạnh phúc của mình. Đó chính là lúc mà hình ảnh của Hồ Chủ tịch lại hiện ra, một hình ảnh đậm đà màu sắc dân tộc, giản dị và đầm ấm, mộc mạc mà sáng tươi. Trong ngày vui lớn này, Người còn đang ở phương xa bận rộn với muôn ngàn nỗi lo toan vì dân tộc, vì đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:37:47 am »


XXIII

        Từ cuối tháng Tám, báo chí phương Tây đã đưa tin Hồ Chủ tịch gửi cho Pháp một bức công hàm. Sau đó, lại có tin Mutê và Varen tuyên bố: “Hội nghị Phôngtenblô có thể họp lại”.

        Nhưng đầu tháng Chín, cuộc họp vẫn chưa tiếp tục được vì quan điểm giữa ta và Pháp còn có nhiều chỗ rất xa nhau. Điều này đã được xác nhận qua bức công hàm của Chính phủ Pháp trả lời công hàm của Hồ Chủ tịch ít ngày sau đó: “Những sự khác nhau quá sâu xa giữa hai quan điểm về những vấn đề cơ bản làm cho hội nghị không họp được vì có họp lại cũng không đi đến kết quả nào”.

        Trường họp mà chúng tôi vẫn thường lo ngại đã tới. Nếu đôi bên không đi đến thoả thuận, bọn phản động Pháp tất nhiên biết rõ chiều hướng sự việc sẽ xảy ra ở Đông Dương, chắc sẽ gây khó khăn cho Bác và phải đoàn ta khi trở về. Nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là Bác sẽ tìm ra một cách giải quyết.

        Mấy ngày sau, tin tức đến dồn dập. Ngày 10, báo chí Pháp đưa tin Hồ Chủ tịch và phái đoàn sửa soạn về nước vào ngày 14 tháng Chín. Ngày 12 và 13 có tin phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp đang nghiên cứu để kí một bản hiệp định đại cương. Nhưng hôm sau, 14 tháng Chính, các hãng thông tấn Pháp đều nói phái đoàn ta gồm mười lăm người đã đi cảng Tulông từ ngày 13 để xuống tàu về nước. Đồng thời cũng có tin Hồ Chủ tịch ngày 14 sẽ rời Pari trở về Việt Nam bằng một chiếc chiến hạm của Pháp. Như vậy, bản hiệp định đại cương mà chúng tôi dự đoán là một việc làm để hòa hoãn của phái đoàn ta trước khi về, sẽ không có.

        Ngày 15, theo tin cuối cùng của hãng thông tấn Pháp thì một bản hiệp định giữa Việt Nam và nước Pháp đã được kí kết vào đêm 14 tháng Chín và sáng thứ hai, 16 tháng Chín, Hồ Chủ tịch đã rời Pari. Tuy nội dung hiệp định chưa được công bố nhưng chúng tôi đều cảm thấy phần nào nhẹ nhõm.

        Vài ngày sau, báo Người du kích (Franc - Tireur) đang một bài tường thuật về việc kí Tạm ước 14 tháng Chín. Bài báo viết đại khái như sau:

        Cuộc tiếp xúc giữa Hồ Chủ tịch và ông Mutê đêm 14 tháng Chín đã diễn ra rất gay go. Những khó khăn lớn đều do vấn đề Nam Bộ. Mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu hai bên Việt Nam và Pháp cùng tham gia vào việc dàn xếp vấn đề Nam Bộ thì người thay mặt cho Chính phủ Pháp trả lời: “Như vậy là một điều vi phạm tới chủ quyền của nước Pháp, không thể nhận được”. Mutê tỏ vẻ rất kiên quyết, ông nói: “Ngài kí cho, nếu không là tan vỡ”. Đáp lời ông Mutê, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại là Người đã quyết lên đường về nước vào 8 giờ sáng thứ hai, rồi đứng dậy ra về. Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông bộ trưởng lạnh lùng chia tay nhau lúc 11 giờ đêm.

        Tình hình đã trở nên rất căng. Các nhân viên cùng đi với Hồ Chủ tịch đều cho rằng bản hiệp định sẽ không được kí kết.

        Ở nhà ông Mutê trở về, Hồ Chủ tịch vào phòng riêng suy nghĩ. Hồi 12 giờ rưỡi đêm, khi tất cả các nhân viên đã đi nghỉ thì Người và ông Mutê lại gặp nhau. Ngừoi lại kiên quyết nêu lên vấn đề Nam Bộ. Người đã giải thích cho ông Mutê bằng cái giọng dễ cảm kích của Người. Hồ Chủ tịch đặt ra nhiều câu hỏi:

        - Tại sao Chính phủ Pháp lại không nhận cho các đại biểu Chính phủ Việt Nam cộng tác trong việc tổ chức đình chiến ở Nam Bộ?

        Và nguyên tắc sẽ có một đại diện Việt Nam bên cạnh ông Đácgiăngliơ đã được thỏa thuận. Người lại hỏi:

        - Như vậy thì tại sao lại không thể đồng ý được là người đại diện ấy có nhiệm vụ công tác để thi hành bản Tạm ước?

        Điều này cũng đi đến thỏa thuận.

        - Nhưng người đại diện ấy rồi đây có quyền đi đến Nam Bộ hay không?

        Ông Mutê im lặng. Nhưng về một mặt khác, ông Mutê đã thỏa thuận là người Việt Nam có quyền tự do đi lại ở Nam Bộ và quân đội Việt Nam sẽ vẫn ở Nam Bộ. Tuy vậy, việc định rõ sự đi lại của người đại diện Việt Nam bên đô đốc Đácgiăngliơ vẫn chưa giải quyết dứ khoát. Nhưng cuối cùng đôi bên đi đến kí kết bản tạm ước…

        Chúng tôi đọc bài báo này qua bản tin của một hãng thông tấn Pháp, chưa hiểu thực hư thế nào. Sau đó hai ngày, bản Tạm ước được công bố. Những điều báo Người du kích đã đưa không có gì trái với nội dung. Nhưng tình hình kí kết đã diễn biến ra sao thì phải tới khi Bác và các anh về nói lại mới rõ. Cuộc đàm phán giữa ta và Pháp đã trải qua những ngày hết sức căng thẳng. Và cũng như lần kí Hiệp định Sơ bộ nửa năm trước đây, Bác đã đi tới quyết định vào những giây phút cuối cùng.

        Cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Pháp đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước mỗi thắng lợi mới của lực lượng dân chủ thì sự trỗi dậy của bọn phản động càng mạnh. Bọn tư bản tài phiệt trước sau vẫn không hề buông lỏng bộ máy chính quyền. Ngay sau khi Đờ Gôn từ chức, chúng vẫn nắm chắc các vị trí chủ chốt trong chính phủ Pháp. Với việc Biđôn lên cầm quyền trong tháng Sáu vừa qua, quyền thống trị của chúng càng được củng cố. Riêng về vấn đề các lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại thì tất cả các chính phủ kế tiếp đều chưa hề nêu lên một sửa đổi gì trong chính sách của Pháp ngoài những điều Đờ Gôn đã tuyên bố ngày 24 tháng Ba tại Bờragiavin. Đặc biệt, hội đồng liên bộ về Đông Dương, từ trước tới nay, vẫn nằm trong tay các phần tử tán thành chính sách của Đờ Gôn đối với các thuộc địa, như là Biđôn, Misơlê…, rất gần đây là Varen. Đó chính là chỗ dựa của Đácgiăngliơ sau khi Đờ Gôn rút lui khỏi chính phủ.

        Tình hình đó nói lên tại sao cuộc đàm phán giữa ta và Pháp trước đây tại Đà Lạt đã không giải quyết được gì, tới hội nghị Phôngtenblô càng bế tắc. Trong một hoàn cảnh như vậy, Bác đã kí bản tạm ước 14 tháng Chính, một bản “Modus vivendi” (Tiếng La tinh, có nghĩa là một sự thỏa thuận tạm thời giữa hai bên đang có tranh chấp). Các điều khoản của bản Tạm ước đúng như tên gọi của nó chỉ có tính cách tạm thời. Nó không đề ra những quyết định có tính nguyên tắc. Những quyết định này đôi bên đồng ý sẽ tiếp tục bàn vào đầu năm 1947 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp. Một điều quan trọng là Hồ Chủ tịch đã đòi được ghi vào trong văn bản: “Pháp cam kết thi hành những quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, sẽ đình chỉ mọi hành động võ lực”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:40:08 am »


XXIV

        Ngày 16 tháng Chín năm 1946, chiếc chiến hạm Đuymông Đuyếcvin chuẩn bị rời cảng Tulông sang Đông Dương. Viên chủ huy bỗng được lệnh chuyển ngay tất cả những người đi tàu và hàng lên bờ để nhận nhiệm vụ mới.

        Chính phủ Pháp đã quyết định dùng chiếc tàu này đưa Hồ Chủ tịch về nước. Cùng đi với Bác, ngoài những đồng chí phục vụ còn mấy anh em Việt kiều.

        Sáng ngày 18 tháng Chín, chiếc chiến hạm nhổ neo chạy ra Đại Trung Hải.

        Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên chiến hạm Pháp, còn lạ mắt đối với những người dân ở các nước Phi châu.

        Tàu qua kênh đào Xuyê rồi vào Biển Đỏ. Nhiều hải cảng trên dọc đường bắn súng chào vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam tự do.

        Bác thăm Gibuti theo lời mời của viên toàn quyền Pháp đã được Chính phủ Pháp báo trước chuẩn bị đón tiếp Hồ Chủ tịch. Tàu ghé cảng Côlômbô năm giữa Ấn Độ Dương. Bác lên bờ thăm Xâylan một ngày. Cụ Găngđi và ông Nêru cử người thay mặt tới thủ đô Xâylan gặp Bác, trạo tặng Bác lá cờ của Quốc hối Ấn. Tháng trước, nhân dân Án vừa mừng kỉ niệm lần thứ bảy mươi bảy ngày sinh của cụ Găngđi, Bác đã gửi điện chúc cụ sống hai lần bảy mươi bảy tuổi.

        Chiếc chiến hạm chạy khá chậm. Dường như người Pháp muốn kéo dài thời gian đi đường của Bác. Có nơi tàu ghé vào nghỉ hàng mấy ngày để “bảo quản”. Nó tiến hành cả những cuộc bắn tập trên biển, gọi là “tập dượt thường ki”. Trước việc trì hoãn này, Bác vẫn giữ thái độ bình thản, ung dung.

        Các thủy thủ trên tàu đều ngạc nhiên vì sự giản dị lạ lùng của vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người đi thăm nước Pháp không đem theo hành lí. Người chỉ có hai bộ quần áo thay đổi và người nói là mình tự giặt lấy. Những thủy thủ Pháp phục vụ Hồ Chủtịch thấy Người hầu như không bao giờ sai bảo gì mình. Hồ Chủ tịch bỏ nhiều thời giờ để trò chuyện với các sĩ quan và binh lính trên tàu, thăm hỏi hoàn cảnh gia đình từng người. Qua các câu chuyện của Người, họ hiểu biết thêm về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hơn.

        Suốt thời gian ở trên tàu, gần như là ngày nào cũng vậy, Bác dành ba buổi, sáng, chiều và tối để nói chuyện với anh em Việt kiều. Có người sau này nghĩ lại, mới nhận ra trong thời gian đó mình đã được dự một lớp học đặc biệt do chính Hồ Chủ tịch hướng dẫn.

        “Học viên” có bốn người. Anh em đều là trí thức sống xa đất nước từ lâu. Đây là những người may mắn nhất trong số đông kiều bào ở Pháp đã bày tỏ nguyện vọng được theo Bác và phái đoàn trở về phục vụ Tổ quốc. Bài giảng là những câu chuyện. Tàu qua sứ nào, Bác nói chuyện về xứ ấy. Tàu tới Gibuti, Bác nói về sự bóc lột của thực dân Pháp ở châu Phi, về đời sống của người da đen và cuộc đấu tranh của họ. Tàu tới Côlômbô, Bác nói về những chinh sách khác nhau đối với thuộc địa của thực dân Pháp và thực dân Anh, về phong trào đấu tranh đòi gải phóng của nhân dân Xâylan. Tàu qua biển Ấn Độ, Bác nói về sự đồng lõa của đế quốc Anh và đế quốc Pháp trong việc đán áp cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Ấn Độ. Ở một vài nơi, Bác nói cách mạng hiện nay chưa mạnh lắm, nhưng tương lại nhất định sẽ phải mạnh. Ngày nào Bác cũng nói về cuộc đấu tranh giành độc lập ở nước nhà. Bác kể rất nhiều chuyện về Cách mạng tháng Tám. Bác nêu gương những người lao động ngèo khổ đi theo cách mạng được tôi luyện và trưởng thành trong đấu tranh, đã trở nên những cán bộ xuất sắc, lập nên sự nghiệp vẻ vang.

        Bác không chỉ chú ý đến sự hiểu biết mà còn săn sóc cả sinh hoạt, tác phong của anh em. Ở tàu, không có việc gì làm, mọi người hay dậy muộn. Sáng sớm, Bác đến, tất cả còn nằm. Bác hỏi thăm đêm qua ngủ thế nào. Từ đó, cứ tảng sáng là mọi người gọi nhau dậy. Bác hay nhắc chú ý làm công tác quần chúng. Việc này đối với anh em rất mới. Mọi người đều cảm thấy khó. Bác dẫn anh em đi gặp gỡ thủy thủ. Bác nói chuyện với họ để mọi người rút kinh nghiệm rồi theo cách đó mà làm.

        Một hôm, Bác hỏi anh Phạm Quang Lễ:

        - Chú về nhà sẽ có cơ hội phục vụ tốt, song sẽ phải chịu khổ, chịu khó nhiều, có chịu nổi không?

        - Thưa Bác chịu nổi.

        - Có thể có kháng chiến. Cơ sở vật chất của ta còn khó khăn rất lớn, có quyết tâm giải quyết nổi không?

        - Thưa Bác, cháu quyết tâm.

        Mấy tháng sau, an Lễ trở thành Cục trưởng Cục Quân giới của quân đội ta.

        Trước khi tàu ghé bến Hải Phòng, lớp học đã hoàn thành.

        Những người trí thức lâu năm xa Tổ quốc, xa phong trào cách mạng trong nước, đều cảm thấy mình bớt bỡ ngỡ nhiều, đều mong muốn bắt tay vào làm việc ngay.

        Đúng một tháng sau khi rời cảng Tu lông, chiếc chiến hạm Đuymông Đuyếchvin đi vào vùng biển miền Trung Việt Nam. Đácgiăngliơ và cả Moóclie mới từ Hà Nội vào, đã có mặt trên tuần dương hạm Xắpphơrơn (Suffren) để đón Hồ Chủ tịch. Nhiều nhà báo cũng được mời đến đây.

        Thủy thủ Pháp, đứng xếp hàng trên boong tàu hô “huara”, nhiều lần khi Hồ Chủ tịch bước lên tàu. Viên thủ sư đô đốc tiến lại chào Người. Hồ Chủ tịch duyệt đội hải quân danh dự, rồi vào dự tiệc chiêu dâĩ.

        Đácgiăngliơ nâng cốc rượu chúc mừng sức khỏe của Hồ Chủ tịch, rồi hỏi thăm Người về hành trình. Hồ Chủ tịch nói:

        - Xin lỗi đô đốc, tôi nói tiếng Pháp không thạo nhưng tôi chắc lời tôi nói rất thành thật. Tôi đặt hi vọng vào cuộc đàm phán tới. Dân chúng Pháp đã hiểu chúng tôi nhièu, kể cả giới báo chí. Cũng có một vài tờ báo công kích tôi nhưng điều đó cũng chẳng làm hại tôi.

        Hồ Chủ tịch trao đổi với viên cao ủy trong hai giờ liền về việc thi hành Tạm ước 14 tháng Chín. Người đã yêu cầu Đácgiăngliơ tổ chức ngay ủy ban hỗn hợp để giải quyết vấn đề xung đột tại Nam Bộ như trong điều khoản của Tạm ước đã quy định. Đácgiăngliơ thỏa thuận với Người về việc cử một đại biểu của Chính phủ Việt Nam cạnh viên cao ủy.

        Sau cuộc nói chuyện, Hồ Chủ tịch và viên cao ủy cùng gặp các nhà báo. Hồ Chủ tịch khuyên các báo hãy góp phần vào việc làm ngừng những cuộc xung đột hiện nay và thi hành các điều đã được thỏa thuận trong Tạm ước để chuẩn bị tốt cho cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tháng Giêng năm sau.

        Sau lời phát biểu của Hồ Chủ tịch với các nhà báo, viên cao ủy tươi cười nói bằng một giọng ngọt ngào: “Tôi tin rằng đã có một bước tiến thật sự trên con đường hợp tác”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:43:21 am »


XXV

        Phái đoàn đàm phán của ta rời cảng Tulông trước Bác hai hôm, đã về đến Hải Phòng vào ngày 5 tháng Chín. Chúng tôi ở nhà đã biết rõ hơn tình hình cuộc đàm phán. Sự sốt ruột của mọi người càng tăng khi thấy mười ngày sau, chiếc chiến hạm Đuy mông Đuyếchvin vẫn còn chậm chạp trên Ấn Độ Dương. Tin con tàu đưa Bác trở về đã đi vào bờ biển Việt Nam và chẳng còn bao lâu nữa sẽ cập bến Hải Phòng, làm vợi nỗi lô âu trong lòng mọi người. Cả nước rộn ràng lên trong niềm vui sướng.

        Đoàn đại biểu Chính phủ và các đoàn thể xuống Hải Phòng đón Bác từ chiều ngày 19. Cùng đi với chúng tôi còn có viên đại diện của tướng Moóclie, ủy viên cộng hòa Pháp tại miền Bắc Đông Dương. Dọc đường 5, các thành phố, thị trấn, làng mạc đầu tiên cũng đỏ rực màu cờ.

        Các đồng chí Hải Phòng đã chuẩn bị đón Bác khá chu đáo. Trong chương trình nghi lễ có phần của bộ đội. Một đơn vị quân đội Pháp tham gia lễ đón tiếp dưới quyền chỉ huy của ta. Toàn bộ lực lượng vũ trang tại Hải Phòng được huy động để làm nhiệm vụ giữ trật tự và đề phòng mọi chuyện bất trắc.

        Chiều 20 tháng Chín, khi chúng tôi ra bến, đồng bào Hải Phòng, Kiến An và các vùng quê chung quanh đã đứng kín hai bên dọc các phố Phạm Hồng Thái, Hồ Chí Minh, Trần Phú. Tự về và công an sắp thành hàng rào suốt dọc đường.

        4 giờ chiều, tàu chạy vào Bến Ngự. Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên lá cờ ba sắc trên cột tàu cao chót vót. Con tàu rúc một hồi còi dài. Chưa bao giờ ở bến cảng này lại có một hồi còi tàu làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy.

        Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Chủ tịch thành phố, viên đại tá Đépbờ chỉ huy quân đội Pháp ở Hải Phòng xuống tàu đón Bác và báo cáo về lễ đón tiếp. Hình dáng quen thuộc của Bác với bộ quần áo kaki bạc trắng hiện ra trên cầu tàu. Bác kia rồi! Tiếng hò reo, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” lập tức rền vang.

        Hồi còi Nhà hát lớn Hải Phòng dõng dạc cất lên, báo tin vui đi khắp thành phố giờ phút Bác rời cầu tàu, đặt chân lên đất Cảng. Sau những ngày dài trên biển, nước da Bác đỏ thắm. Bác có vẻ khỏe. Bác tươi cười gật đầu chào đoàn đại biểu Chính phủ và các tỉnh đứng chờ Người.

        Quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp nổi lên. Bác dự lễn chào cờ rồi đi duyệt đội danh dự. Các chiến sĩ ta giản di trong bộ quân phục xanh, đầu đội ca lô, súng cắm lưỡi lê, cùng với những sĩ quan mũ gắn sao vành vàng, tay cầm gươm tuốt trần, đã có vinh dự được chuyển tới Bác lời chào mừng của đất nước hôm nay được gặp lại Người. sau đó, Bác đi tới chỗ quân đội Pháp. Theo tiếng hô của một sĩ quan Việt Nam, đội danh dự Pháp mặc lễ  phục trắng hạ ngang lá cờ ba sắc để chào Người.

        Phần nghi lễ đã xong, Bác quay lại Bến Ngự cảm ơn các đoàn đại biểu, nhận bó hoa của nhân dân Hải Phòng và ôm hôn hai em thiếu nhi chạy tới đón Bác.

        Tiếng hò reo nổi lên như sấm rền trên suốt các đường phố xe Bác đi qua. Nhiều người trào nước mắt khi nhìn Bác.

        Bác về Ủy ban hành chính thành phố. Sau bữa cơm chiều, Bác kể lại vắn tắt cho anh em chúng tôi nghe về cuộc hành trình. Thái độ của Bác bình dị, thanh thản như thường khi Bác ở nhà ngồi nói chuyện với chúng tôi sau mỗi bữa cơm. Bác hỏi thăm sức khỏe của các anh và tình hình ở nhà. Vì Bác mới đi về nên chương trình tối đó là để Bác nghỉ ngơi, không có tiếp khách. Bác đang ngồi với chúng tôi trên gác thì một đồng chí cán bộ trong ủy ban lên báo cáo, có một cụ già hỏng mắt nhất định xin được lên gặp Bác. Bác nói với đồng chí cán bộ mời ông cụ lên. Trời hôm đó không lạnh, nhưng ông cụ mặc một bộ quần áo dạ lạ mắt, giống như một bộ lễ phục nhà binh.

        Vừa nhìn thấy ông cụ, Bác vội đứng lên ra đón, dắt ông cụ lại ngồi xuống ghế. Cụ già ba mươi lăm năm trước đã có thời gian cùng làm việc với Bác dưới tàu biển. Hôm nay được tin Bác trở về, qua Hải Phòng, cụ mặc lại bộ quần áo hồi còn làm việc dưới tàu và bắt đứa cháu dẫn tới để gặp Người. Ông cụ vừa nói: “Thưa Hồ Chủ tịch…” thì Bác ngắt lời: “Cứ gọi tôi là Ba như trước”. Bác ngồi với ông cụ ngồi lâu. Ông cụ cảm động quá hầu như không nói được gì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:43:51 am »


        5 giờ sáng ngày hôm sau, Bác đi dạo một vòng quanh thành phố. Trở về, Bác tiếp khách. Khách tới rất đông. Đại biểu các đoàn thể, đảng phái từ Hà Nội xuống. Đại biểu các cơ quan, đoàn thể ở Hải Phòng. Đại biểu của các tỉnh Kiến An, Hòn Gai, Quảng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh… Một cụ phụ lão tặng Bác một bức thêu trên có bốn chữ: “Nhất ngôn hưng bang”. Một cụ khác tặng Bác cây gậy làm bằng một trăm đốt xương của một con trăn.

        10 giờ sáng, chuyến tàu đặc biệt đưa Bác về Hà Nội bắt đầu chuyển bánh.

        Suốt dọc đường xe lửa, chỗ nào cũng có đồng bào đứng đón. Mỗi ga là một cuộc mít tinh với rừng người, rừng cờ và biểu ngữ: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Nam Bắc thống nhất!”… Nơi nào cũng thấy cổng chào. Tàu dừng lại ở thị xã Hải Dương. Đồng bào Hải Dương tổ chức một cuộc mít tinh lớn ngay tại sân ga để đón Bác. Trên đoạn đường sắt dài một trăm kilômét, con tàu đặc biệt đã chạy mất 5 giờ đồng hồ. Bác đứng suốt thời gian đó, bên cửa sổ mở rộng, vẫy chào mọi người.

        Hà Nội lại có một ngày thu rất đẹp. Nắng vàng rực rỡ. Cờ bay đỏ thắm trên những mái nhà rêu phủ và những lùm cây xanh ngắt. Hơn 3 giờ chiều, đoàn tàu nổi một hồi còi dài khi bắt đầu chạy qua cầu Long Biên. Các cụ phụ lão đã bày hương án trên càu. Chiếc lư trầm bốc khói nghi ngút. Bác chắp tay đáp lễ mấy cụ già tóc bạc phơ, mặc áo thụng lam, đứng kính cẩn chào Người.

        15 giờ 30, tàu đến ga Hàng Cỏ. Cả Hà Nội hôm nay nghỉ việc để đi đón Người. Cụ Huỳnh dẫn đàu đoàn dại biểu Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể đứng đón Bác trên sân ga. Đồng bào đứng kín trước cửa ga và trên dọc hai bên đường về Bắc Bộ Phủ. Nổi lên giữa rừng người là những chiến sĩ mang quân phục màu lá cây, đội nhạc binh với những chiếc kèn đòng, các cô thanh nữ mặc theo kiểu Đời sống mới, áo trắng, váy xanh.

        Moóclie mới từ Cam Ranh trở về, đã có mặt ở sân ga. Bộ chỉ huy Pháp cũng cử tới một đội danh dự và một đội nhạc binh.

        Bác dự lễ đón mừng ở ga rồi lên xe trở về Bắc Bộ Phủ. Đoàn xe chạy trên những con đường đầy cổng chào. Hà Nội thay mặt cho cả nước hò reo, vẫy cờ, tung hoa đón chào Người.

        Cả nước đang trào lên một niềm vui. Niềm vui đó cũng rạng rỡ trên khuôn mặt của Người. Người đã bình an, mạnh khỏe trở về! Có bàn tay chèo lái của Người, con thuyền Tổ quốc sẽ vững vàng lướt tới bất chấp mọi phong ba! Nắng vàng rực rỡ hơn. Màu cờ tươi thắm hơn. Những lùm cây xanh hơn. Vòm trời cao rộng hơn.

        Bác gặp anh Nhân và đông đủ các đồng chí Thường vụ tại Bắc Bộ phủ. Hồi này vì cuộc đấu tranh đang diễn biến phức tạp nên có những đồng chí lãnh đạo còn chưa ra hoạt động công khai. Đã gần bốn tháng nay, chúng tôi lại mới có dịp quây quần chung quanh Bác. Bác ân cần thăm hỏi trò chuyện với từng người.

        Chỉ trong chốc lát, đồng bào đã dồn đến trước Bắc Bộ Phủ. Bác ra đứng bên cửa sổ, vẫy chào đồng bào. Người kéo đến mỗi lúc càng đông. Các em thiếu nhi diễu qua, đánh trống, hô to: “Bác Hồ đã về! Bác Hồ đã về!” Tiếng hô của các em hay chính là lời đất nước vang vọng trong ngày vui lớn đón Người về.

        Ngày 23 tháng Mười, Hồ Chủ tịch ra lời tuyên bố với quốc dân:

        “… Tôi qua Pháp đáp lại thịnh tình của Chính phủ Pháp đã mời tôi, mục đích cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung Nam Bắc thống nhất. Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp mà hai vấn đề chưa giải quyết được, còn phải chờ. Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung Nam Bắc nhất định thống nhất…”.

        Người đã nói với đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ.

        “Trung Nam Bắc đều là đất nước Việt Nam.

        “Chúng ta đều có chung một tổ tiên, dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung Nam Bắc cũng như nhà có ba anh em.

        “Không ai có thẻ chia rẽ con một nhà… thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta…

        “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ yêu quý nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:45:28 am »


XXVI

        Kể từ ngày Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba được kí kết, hơn bảy tháng đã qua. Tiếng súng xâm lăng trên đất nước ta chưa lúc nào ngừng nổ. Lợi dụng tình hình chính trị rối ren tại chính quốc, dựa vào thế lực tài phiệt có quyền lợi ở thuộc địa, những phần tử “gôlít” tại Đông Dương, đứng đầu là Đácgiăngliơ, tiếp tục thực hiện mưu đồ xâm lược, theo đuổi chính sách “việc đã rồi”. Đácgiăngliơ đã vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản của Hiệp định mồng 6 tháng Ba; và chưa bao giờ vì vậy mà y bị chính phủ Pháp khiển trách, ngay cả sau khi Đờ Gôn rời khỏi vũ đài chính trị. Chắc chẳng khó khăn gì mà viên thầy tu phá giới xảo quyệt lại không nhận thấy mọi hoạt động của mình tại Đông Dương không hề đi ngược lại chủ trương của những nhà cầm quyền mới tại nước Pháp. Y đã tìm được một sự đảm bảo vững vàng tại hội đồng liên bộ về Đông Dương dưới quyền điều khiển của Biđôn.

        Trên miền Bắc, sau khi Tưởng rút quân, Đácgiăngliơ bắt đầu thực hiện chính sách “tằm ăn lá”, lấn chiếm từng bước lãnh thổ của ta. Y ra sức củng cố và mở rộng những địa bàn đứng chân, đồng thời ráo riết tìm kiếm bọn phản động tay chân cũ ở các địa phương, mưu toan lập nên những khu vực tự trị để hình thành thế vây ép lực lượng cách mạng, tạo thời cơ lật đổ chính quyền ta. Tại miền Nam, Đácgiăngliơ tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược. Y công khai phủ nhận các điều khoản về Nam Bộ trong bản Hiệp định, trắng trợn tuyên bố Nam Bộ về mặt pháp lí vẫn là một thuộc địa của Pháp. Y đã ra lệnh cho Nyô, chỉ huy quân đội viễn chinh ở miền Nam Đông Dương, phải tìm mọi cách đánh phá chính quyền cách mạng; đàn áp dân chúng, nhanh chóng lập lại bộ máy cai trị thực dân theo kiểu trước năm 1939.

        Trong thời gian qua, chúng ta một mặt đã đấu tranh đòi đối phương phải tôn trọng Hiệp định, ngăn chặn kẻ địch thực hiện âm mưu gặm dần, một mặt kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược của chúng. Vừa tranh thủ hòa hoãn, vừa chiến đấu kiên quyết, chúng ta đã chú trọng củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt, sãn sàng đối phó với mọi tình thế.

        Cuộc nổi dậy liên tục và rộng khắp của nhân dân miền Nam trong những tháng qua đã làm cho cục diện chính trị, quân sự tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ thay đổi.

        Kháng chiến vẫn tiếp tục tại miền Nam.

        Tại Nam Bộ, lực lượng vũ trang của ta phát triển rất nhanh. Trong tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy, ta đã xây dựng thêm nhiều chi đội mới. Cũng như ở miền Bắc, bộ đội Nam Bộ phần lớn là nông dân. Riêng tại miền Đông Nam Bộ, nơi có nhiều xí nghiệp và đồn điền cao su, anh em công nhân tham gia bộ đội rất đông. Có chi đội như chi đội 13, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều là công nhân. Cán bộ các chi đội phần lớn là cán bộ chính trị được các đảng bộ cử ra để nắm lực lượng vũ trang. Một số đồng chí đã hoạt động từ hồi Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940.

        Nam Bộ ít rừng núi, không có nhiều địa thế hiểm trở. Nhưng Đảng ta đã chỉ ra từ đầu: Địa thế thuận lợi là quan trọng nhưng điều căn bản là lòng người. Vì được nhân dân ủng hộ, biết dựa chắc vào dân nên các lực lượng vũ trang của ta có thể đứng vững trên mọi đại bàn hoạt động và ngày càng lớn mạnh về tổ chức, trang bị. Với phương châm đoạt súng giặc giết giặc, nhiều đơn vị đã thay đổi hầu hết các vũ khí lúc ban đầu.

        Kháng chiến đã có những căn cứ lớn nằm trên nhiều tỉnh như Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, rừng U Minh. Các tỉnh đều có những căn cứ vừa và nhỏ, chạy dài trên hai, ba huyện hoặc năm, sáu xã. Ở nhiều vùng, những căn cứ lớn, nhỏ liên hòa với nhau. Sài Gòn trở thành nơi cung cấp cho các chiến khu từ vũ khí, thuốc nổ, máy móc, thuốc men, dụng cụ y tế đến những công nhân kĩ thuật, nhân viên y tế, bác sĩ. Lực lượng vũ trang ta vẫn thường xuyên có mặt ngay tại đây. Đông bào đô thị tổ chức ra những hội đỡ đầu từng đơn vị bộ đội. Các chiến khu, các trung đoàn đều xây dựng xưởng quân giới.

        Tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ, với những đơn vị tăng cường thêm từ vùng tự do Khu Năm, Khu Sáu vào hồi tháng Bảy, chúng ta đã thành lập một số trung đoàn.

        Ở Tây Nguyên, trung đoàn chủ lực đầu tiên hoạt động ở đây, đã có một tiểu đoàn gồm toàn anh em dân tộc ít người: Tiểu đoàn M’Tranglơn.

        Nhiều căn cứ du kích nhỏ mọc lên ở vùng nông thôn đồng bằng và các vùng rừng núi du kích các tỉnh cực Nam Trung Bộ.

        Các lực lượng vũ trang của ta đẩy mạnh chiến tranh du kích khắp nơi. Bộ đội phối hợp cùng du kích, tự vệ tập kích, phục kích, chống giặc càn quét, tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ gìn người và của của ta, mở rộng vùng giải phóng. Lực lượng vũ trang ta khống chế nhiều đường giao thông chiến lược, đột nhập vào các đô thị, các trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:19:25 pm »


        Chiến tranh du kích phát triển mạnh buộc địch đối phó ở khắp các nơi. Quân địch phải tuần tiễu ngày đêm chúng quanh những căn cứ đóng rải rác. Lực lượng cơ động của địch không nhiều, phải chuyển từ vùng này qua vùng khác trong những cuộc càn quét liên miên để làm công việc “bình định” một cách vô hiệu quả.

        Cách đánh địch của các lực lượng vũ trang ta cũng dần dần phát triển. Nhiều đơn vị đã có kinh nghiệm đánh các đồn bốt nhỏ bằng lối tập kích bất ngờ, phục kích địch trên bộ, trên sống. Chúng ta tiến lên đánh bại những trận càn quét lớn và chặn đứng nhiều cuộc tấn công của quân địch ra vùng tự do.

        Tại Nam Bộ, ngày 28 tháng Chín, địch kéo hai ngàn quân có máy bay, xe tăng, xe bọc thép yểm hộ, mở trận càn ở Đức Hòa. Bộ đội và du kích chặn đánh địch suốt một ngày, từ sáng đến tối, phá hàng chục xe tăng, xe vận tải, giết nhiều địch, thu nhiều súng và bắn rơi một máy bay (phải chăng đây là chiếc máy bay đầu tiên của quân địch bị bắn rơi bằng súng bộ binh trên chiến trường Việt Nam?). Tại Vĩnh Lộc, địch định vây bắt một bộ phận chi đội 12. Ta biết trước, lặng lẽ rút ra ngoài. Chờ cho địch vào rồi, ta bao vây lại, đánh địch, làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Tại miền cực Nam Trung Bộ, bộ đọi cùng nhân dân bẻ gãy các trận tấn công của giặc ở Đèo Cả (An Khê) và Kon Tum. Tiếp đó, ta mở nhiều đợt tấn công vào các hệ thống đồn bốt địch mới lập nên; đáng kể là các trận vùng Kimbơrai, trận Vạn Giã. Ở Tây Nguyên, chiến tranh du kích bước đầu phát triển.

        Có thể nói là cuộc kháng chiến ở miền Nam đã bắt đầu chuyển sang một thời kì mới.

        Ngày 13 tháng Chín, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 182 quyết định cải tổ Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hơn một tuần sau, ngày 22 thang Chín, Ủy ban kháng chiến lâm thời miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập và là chính quyền hợp pháp duy nhất tại miền Nam Việt Nam. Ủy ban tuyên bố sẵn sàng thành thật thi hành những điều khoản trong Tạm ước 14 tháng Chín mới được kí kết giữa Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Pháp.

        Với bản Tạm ước 14 tháng Chín, chính phủ Pháp đã cam kết sẽ thực hiện đình chiến, thực hiện những quyền tự do, dân chủ tại Nam Bộ và mở cuộc trưng cầy ý dân ngay sau khi có điều kiện. Cũng giống như Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba trước đây, bản Tạm ước này một lần nữa lại gây những hoang mang lớn cho hàng ngũ bọn Việt gian làm tay sai cho địch. Phong trào đấu tranh chính trị từ sau ngày mồng 6 tháng Ba vốn đã mạnh, giờ lại có thêm điều kiện mới để phát triển. Báo chí mở những đợt công kích dữ dội vào bọn chính phủ bù nhìn. Hàng trăm trí thức, trong đó nhiều người có tên tuổi, hô hào đánh đổ Nguyễn Văn Thinh. Cuộc đấu tranh mạnh mẽ đến nỗi không đầy hai tháng sau đó, Nguyễn Văn Thinh phải tự thắt cổ kết liễu đời mình. Pháp và tay sai hoảng hốt trước cao trào đấu tranh chính trị tại các đô thị, vội ra lệnh cấm tất cả những cuộc rước xách, hội họp, biểu tình.

        Đồng thời với phong trào đấu tranh chính trị, các lực lượng vũ trang ta ở miền Nam mở một đợt tấn công ở khắp mọi nơi. Nhiều mảng tề ngụy rộng lớn bị quét sách. Thêm nhiều tề và ngụy binh bỏ hàng ngủ địch chạy ra đầu hàng cách mạng. Cuộc vận động binh lính người Âu đã có kết quả tốt. Tại Thủ Đức, Gia Định, ta đã tổ chức được một đại đội gồm các hàng binh Âu Phi. Ở Hóc Môn, có lần cả một tiểu đội người Âu cùng kéo ra hàng ta.

        Trong cuộc gặp Hồ Chủ tịch tại vịnh Cam Ranh, Đácgiăngliơ tất nhiên không đả động tới những hoạt động phá hoại điên cuồng Hiệp định mồng 6 tháng Ba và Tạm ước 14 tháng Chín của quân đội Pháp, nhưng y đã nói: “Sự khủng bố (tức là những hoạt động diệt tề trừ gian của ta) đã tăng gia lên một mức ghê gớm tại Nam Kỳ từ sau ngày kí Tạm ước”. Viên cao ủy đã thú nhận sự lo lắng của y trước cuộc tấn công mới của đồng bào miền Nam.

        Tuy vậy, đúng ngày 30 tháng Mười, theo thỏa thuận giữa đội bên đình chiến, Bộ Quốc phòng ta đã ra lệnh cho quân dân ta ở miền Nam ngừng bắn. Mệnh lệnh đã được thi hành nghiêm chỉnh ở khắp Nam Bộ và miền Nam.Trung Bộ. Một lần nữa kẻ địch lại bị bất ngờ và hoang mang. Chúng đã thấy chính quyền tại miền Nam hiện thời nằm trong tay ai. Điều mà chúng vẫn rêu rao: “Hà Nội không kiểm soát được gì ở Nam Bộ” nếu không phải là bịp bợm thì cũng là mù quáng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:21:22 pm »


XXVII

        Sau khi về nước, Bác đã cùng Thường vụ điểm lại tình hình đấu tranh của nhân dân ta về mội mặt quân sự, chính trị, ngoại giao trong cả thời gian qua.

        Những hành động phá hoại hiệp định có hệ thống của bọn cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, tiếp tục chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đẩy mạnh lấn chiếm trên miền Bắc, rõ ràng là được sự đồng tình, khuyến khích của nhà cầm quyền Pháp. Cuộc điều đình giữa ta và Pháp đã bế tắc chính vì bọn đại tư bản Pháp chưa từ bỏ tham vọng duy trì quyền thống trị của chúng trước đây tại các nước thuộc địa và phụ thuộc. Chiều hướng chính trị hiện nay tại nước Pháp càng tạo thêm điều kiện cho bọn phản động ở Đông Dương mở rộng chiến tranh. Nhưng ta vẫn thấy cần tranh thủ mọi khả năng để duy trì sự hòa hoãn. Bọn tư bản tài phiệt Pháp đang gặp phải nhiều khó khăn. Cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ tại Pháp còn tiếp diễn. Tình hình chính trị ở nước Pháp vẫn chưa ổn định. Chính phủ Pháp hiện nay còn là một chính phủ lâm thời. Bản Tạm ước kí kết giữa ta và Pháp vừa qua tuy không chứa đựng những quyết định có tính nguyên tắc, nhưng đã buộc Pháp một lần nữa phải khẳng định lại tinh thần “hòa giải và hợp tác” của Hiệp định mồng 6 tháng Ba trước đây, phải cam kết thực hiện những quyền tự do, dân chủ ở miền Nam và hứa sẽ cùng với chúng ta ấn định thời gian và thể thức cuộc trưng cầu ý dân tại Nam Bộ.

        Ta chủ trương kiên trì đấu tranh buộc kẻ địch phải tôn trọng và thực hiện những điều chúng đã cam kết, đồng thời kiên quyết đánh trả mọi hành động phá hoại, lấn chiếm của chúng. Chúng ta đã động viên đông đảo nhân dân ráo riết xây dựng và phát triển lực lượng của ta về chính trị, quân sự, kinh tế, luôn luôn theo dõi sát âm mưu của địch, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế, kể cả trường hợp địch mở rộng chiến tranh ra cả nước.

        Vấn đề triệu tập Quốc hội được đặt ra khẩn trương.

        Rất nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra từ sau cuộc họp hồi đầu tháng Ba đến giờ. Nhiều hoạt động của Chính phủ cần báo cáo trước Quốc hội. Bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được khởi thảo xong, đang chờ Quốc hội họp để thông qua. Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập đầu tháng Ba đã được tổ chức ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Thành phần của Chính phủ đã đáp ứng yêu cầu lúc đó, nhưng một số người có chân trong Chính phủ không hề được nhân dân bầu ra. Sau khi quân Tưởng rút, nhiều phần tử Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội bỏ chạy theo quan thầy, đã để lại trong Chính phủ và Quốc hội những chỗ trống. Hơn bảy tháng qua, tình hình đất nước thay đổi nhiều. Bác và Thường vụ nhận thấy đã đến lúc phải có một chính phủ mạnh, đủ uy tín, năng lực để làm trọng nhiệm vụ lãnh đạo quốc dân trước tình hình mới.

        Quốc hội họp vào sáng ngày 28 tháng Mười tại Nhà hát lớn của thành phố.

        Sự sắp xếp chỗ ngồi trong phiên họp lần này hơi khác với phiên trước. Ngồi đầu phía ta, là nhóm mácxít gồm một số đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ đã hoạt động công khai. Rồi đến những đại biểu Đảng Xả hội đeo cavát đỏ và những đại biểu thuộc Đảng Dân chủ. Ngồi ở hàng giữa là những người không đảng phái đã tham gia Mặt trận Việt Minh. Bên cách hữu, là những đại biểu của Việt Nam quốc dân đảng  và Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Việt Nam quốc dân đảng ngồi ở đầu cùng phía hữu. Số bảy mươi ghế dành cho các tổ chức này trong kì họp Đại hội đâu tiên, nay đã để trống gần một nửa.

        Khách nước ngoài gồm các lãnh sự Anh, Mỹ, Hoa, người thay mặt cho tướng Moóclie cùng ngồi với các nhà báo trong các lô dành riêng ở tầng hai.

        Chương trình làm việc gồm có:

        1. Nghe báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ.

        2. Thảo luận và thông qua dự thảo Hiến pháp.

        3. Thành lập Chính phủ mới.

        Bác Tôn, đại biểu của Nam Bộ, được bầu làm Trưởng đoàn chủ tịch của Đại hội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:21:51 pm »


        Đại biểu của tỉnh Rạch Giá, đồng chí Nguyễn Văn Tạo, lên diễn đàn thay mặt Nam Bộ chào mừng Đại hội. Anh nhắc tới các đại biểu của miền Nam hôm nay vắng mặt: Luật sư Thái Văn Lung đã bị địch tra tấn chết trong khám lớn Sài Gòn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và nhiều nhà yêu nước khác đang còn bị giam cầm tại địa ngục Côn Đảo. Khi đồng chí Tạo bước xuống diễn đàn, Hồ Chủ tịch đứng dậy ôm hôn anh. Những giọt nước mắt chảy ròng trên gò má Người.

        Đại biểu Nam Bộ đề nghị toàn thể Quốc hội bày tỏ lòng tin nhiệm và ủng hộ Hồ Chủ tịch, Người công dân thứ nhất đã sáng suốt đưa nước nhà ra khỏi vòng nô lệ. Toàn thể các đại biểu đứng lên vỗ tay hoan hô hồi lâu.

        Đại hội nghe báo cáo của Chính phủ về những công việc đã làm từ ngày thành lập, trong đó có cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp tại Phôngtneblô và việc kí Tạm ước 14 tháng Chín.

        Ngày 31, các đại biểu chất vấn Chính phủ. Có 88 câu hỏi nêu lên thuộc các vấn đề quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chính, tư pháp, nội vụ. Những câu hỏi được chuyển tới các Bộ hữu quan. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời về chính sách ngoại giao của Chính phủ, việc kí Tạm ước 14 tháng Chín, việc Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh tự ý bỏ đi.

        Người nói:

        - Về chính sách ngoại giao của Chính phủ và bản Tạm ước kí kết ngày 14 tháng Chín… trong các báo cáo trước đã  nói nhiều… Tóm lại, đối với các nước dân chủ, hết sức gây thiện cảm. Các nước ấy tuy chưa công khai thừa nhận ta, nhưng rất có thiện cảm với ta. Còn về ngoại giao với Pháp thì từ khi kí kết Hiệp định mồng 6 tháng Ba, qua các Hội nghị Đà Lạt và Phôngtenblô đến Tạm ước 14 tháng Chín, Chính phủ quyết tâm giữ vững nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, đồng thời cộng tác thật thà và thân thiện với Pháp. Cố nhiên người Pháp cũng phải cộng tác lại với chúng ta trên nguyên tắc bình đẳng…

        Người nói tiếp:

        - Tạm ước này có ảnh hưởng đến các hiệp ước sau không?... Trong xã hội loài người, cái gì mà không có ảnh hưởng đến cái khác. Tuy vậy, những sự điều đình sau đây không thể vì bản Tạm ước này mà bì ràng bó. Bản Tạm ước này, tùy theo thi hành thế nào, sẽ tạo điều kiện đẩy cho những cuộc điều đình sau chóng đạt tới kết quả…

        Người chuyển sang vấn đề khác:

        - Về ông Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam và về ông Phó chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh… Các ông ấy không có mặt ở đây… Lúc nước nhà đương gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào trao cho người ấy công việc lớn mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Những người đã bỏ đi kia, họ không muốn gánh việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ năng lực mà gánh vác! Nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta chũng cứ gánh vác được như thường.

        Tiếng vỗ tay nổi lên, Bác lại nói tiếp:

        - Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại, đối không nổi với lương tâm, với đồng bào, với Tổ quốc mà trở về, thì chúng ta vẫn hoan nghênh.

        Trước khi bước xuống, Người lại nói với các đại biểu:

        - Nếu trong Chính phủ có những người khác lầm lỡ, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào.

        Buổi chiều và buổi tối, các Bộ trưởng trả lời những điều Đại hội đã hỏi. Nhưng khi các Bộ đã giải đáp xong, nhiều đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn. Chờ một người nêu hết những câu hỏi, một lần nữa, Hồ Chủ tịch lên thay mặt Chính phủ để trả lời. Vẫn bằng những lời lẽ giản dị, ôn tồn, Người nói:

        - Về vấn đề quốc kì, Chính phủ không bao giờ dám đòi thay quốc kì. Có một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy, nên Chính phủ phải đệ qua Thường trực Quốc hội xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM