Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:04:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33689 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:08:33 pm »


XVI

        Tháng Bảy năm đó, nhân ngày kỉ niệm cách mạng Pháp ngày 14 tháng Bảy, bộ chỉ huy quân đội Pháp đề nghị với ta tổ chức duyệt binh trên các đường phố lớn ở Hà Nội.

        Ta chưa trả lời thì ngày 11 tháng Bảy, Thường vụ được các đồng chí ở Nha công an báo cáo: Bọn phản động Việt Nam quốc dân đảng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích rất nghiêm trọng. Chúng dự định sẽ cho tay chân phục sẵn dọc đường quân Pháp diễu qua, bắn súng, ném lựu đạn vào binh lính Pháp. Chúng kiếm cớ cho Pháp gây sự với ta, rồi tung truyền đơn hô hào lật đổ chính quyền và đứng ra bắt tay với Pháp. Hiện chúng đang in truyền đơn, sửa soạn vũ khí và ráo riết chuẩn bị.

        Chúng ta đã biết bọn Quốc dân đảng bề ngoài điên cuồng công kích những cuộc điều đình giữa ta và Pháp nhưng bên trong thì vẫn tìm mọi cách để bắt tay với Pháp. Chúng đã có liên hệ với Pháp từ lâu. Còn phía Pháp đã tiến hành đàm phán thương lượng với ta, nhưng vẫn nuôi những ý đồ đen tối. Trong bọn phản động Pháp không phải không có những kẻ mưu toan dùng bọn Việt gian để tính những chuyện phiêu lưu…

        Các đồng chí công an đã được chỉ thị theo dõi thật chặt chẽ mọi hoạt động của bọn phản cách mạng.

        Tổ chức Việt Nam quốc dân đảng hồi đó vốn là sự câu kết của hai nhóm phản động. Một nhóm do Vũ Hồng Khanh cầm đầu; bọn này ra nước ngoài từ lâu, được quan thầy Tưởng nuôi nấng, không có liên hệ gì với trong nước. Một nhóm thuộc bọn Đại Việt thân Nhật tổ chức từ năm 1939, trong đó có Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Thượng… Vào khoảng đầu năm 1945, nhóm Đại Việt biết là Nhật sắp thua nên kéo sang Vân Nam tìm gặp Vũ Hồng Khanh. Chúng hợp nhất lại dưới chiều bài Việt Nam quốc dân đảng để dễ bề làm ăn với Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch. Những tên cầm đầu Đại Việt tuy đi theo bọn tay sai của Tưởng, nhưng vẫn coi thường bọn này. Chúng chỉ tạm tìm chỗ ấn núp để khỏi bị truy tố về tội thân phát xít Nhật, và vẫn có những mưu đồ riêng. Khi Lư Hán rút quân, cánh thân Tưởng theo chân quan thầy chạy ra nước ngoài. Cánh Đại Việt phần lớn vẫn ở lại trong nước. Chúng nằm chờ cơ hội, rắp tâm thay thầy đổi chủ. Âm mưu mới do bọn này chủ trương.

        Sau khi đã nắm được rõ âm mưu của bọn phản động, Thường vụ chủ trương: Một mặt lấy lí do an ninh khước từ cuộc diễu binh của Pháp; một mặt, chỉ thị cho Nha công an nhanh chóng hành động, dập tắt từ trong trứng những mau đồ của bọn phản cách mạng.

        Mờ sáng ngày 12 tháng Bảy, một đơn vị công an xung phong bất thần vào khám trụ sở Việt Nam quốc dân đảng tại số nhà 132 phố Minh Khai. Bọn phản động bị bắt tại chỗ cùng với những tang vật khác: một chiếc máy in và những đống truyền đơn còn chưa ráo mực.

        7 giờ sáng, Sở công an Bắc Bộ cùng một lúc khám xét nhiều trụ sở của Việt Nam quốc dân dảng ở Hà Nội. Tại ba trụ sở của chúng ở hồ Thiền Quang, bọn phản động dùng trung liên chống trả. Tự vệ chiến đấu hợp sức với công an đặt hỏa lực từ các nhà chung quanh, uy hiếp, buộc chúng phải đầu hàng.

        Tại căn nhà số 7 phố Ôn Như Hầu1, ta tìm thấy một nơi làm giấy bạc giả và một căn buồng có nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm, búa… cùng với những vết máu trên tường. Công an ta đào ở vườn sau lên bảy xác chết. Có những xác chết bị chặt thành nhiều khúc. Hai người bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, được cứu thoát vào lúc chúng sắp đem đi thủ tiêu.

        Anh em kể lại khi đang khám xét khu nhà này thì một tên mặc quần soóc, đeo kiếm Nhật bước vào. Hắn làm bộ lớn tiếng tự xưng là một lãnh tụ của Việt Nam quốc dân đảng, có chân trong Quốc hội, không ai được quyền xâm phạm. Một người bị bắt cóc đã chỉ vào mặt tên này, nói chính hắn hôm qua đã kề gươm vào cổ mình, bắt viết thư về nhà đòi đem tiền chuộc.

        Đồng bào nghe tin đào được nhiều xác chết, kéo tới xem rất đông. Có người nhận ra người trong gia đình đã bị mất tích. Thật khó mà tưởng tượng ra hết những nguyên nhân đã dẫn bọn phản động tới chỗ giết người. Ngoài những cán bộ của ta bị chúng bắt nhằm thủ tiêu, còn có những chị phụ nữ đi ngang cửa bị chúng kéo vào hãm hiếp, móc túi lấy hết tiền, rồi giết chết. Có người kéo xe cho chúng đi đi dạo mát, nửa đêm về tới đây thì bị chúng giết đi để khỏi phải trả tiền thuê.

        6 giờ sáng hôm sau, công an ta tiếp tục khám những trụ sở của Việt Nam quốc dân đảng ở đường Quán Thánh. Khu vực này nằm sát nơi Pháp đóng quân. Bọn phản động tin rằng sẽ được Pháp che chở. Khi anh em ta tới, chúng dựa vào những bức tường dày, dùng trung liên và tiểu liên chống lại. Cuộc chiến đấu kéo dài. Hai giờ sau, Pháp đưa xe bọc thép đến để uy hiếp lực lượng an ninh ta. Đại biểu ta ở Ủy ban liên kiểm lập tức tới can thiệp. Quân Pháp đành phải rút xe bọc thép về thành. Anh em ta xông vào nhà, thu được nhiều tài liệu mà chúng chưa kịp thủ tiêu.

        Tại trụ sở trung ương Việt Nam quốc dân đảng ở phố Đỗ Hữu Vị (nay là phố Cửa Bắc), ta còn tìm được thêm nhiều xác đàn ông, đàn bà và cả những tử thi của binh lính Pháp. Bọn phản động đã giết những tên lính Pháp này để tạo ra những chuyện rắc rối giữa Pháp với chính quyền ta. Trong số tài liệu tịch thu, chúng ta tìm được một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc. Bọn Quốc dân đảng đã định tiến hành một đợt ám sát các sĩ quan, binh lính Pháp và bắt cóc phụ nữ, trem em Pháp ở ngay tại nội thành. Công việc này được trao cho một nhóm đặc vụ thực hiện trong khoảng thời gian từ mồng 10 đến 11 tháng Bảy.

        Cụ Huỳnh cùng chúng tôi tới xem căn nhà của Việt Nam quốc dân đảng tại phố Ôn Như Hàu.

        Vài ngày sau, mấy người trong Việt Nam quốc dân đảng kéo tới Bắc Bộ Phủ xin gặp cụ quyền Chủ tịch để thanh minh cho đường lối cách mạng của đảng mình. Khi cán bộ vào báo cáo, cụ Huỳnh hỏi ngay:

        - Chúng nó đâu?

        Và cụ đứng dậy, chống ba toong đi ra. Vừa nhìn thấy bọn họ ở cầu thang, cụ chỉ gậy vào mặt quát to:

        - Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia dân tộc gì chúng mày!

        Và cụ quay lưng, chống gậy trở về nơi làm việc.

        Sau vụ Ôn Như Hầu, những người ngây thơ nhất về chính trị, từ trước đến nay vẫn còn ít nhiều tin vào các luận điệu tuyên truyền bịp bợm của bọn Việt Nam quốc dân đảng, cũng đều tỉnh ngộ.

        Ngày 16 tháng Bảy, trong cuộc họp với các nhà báo, cụ Huỳnh nhân danh quyền Chủ tịch Chính phủ tuyên bố:

        - Đoàn kết là cần… để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi của quốc gia, tôi phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp. Những đảng viên Việt Nam quốc dân đảng chân chính, được bảo đảm sự tự do hoạt động trong vòng pháp luật. Pháp luật là pháp luật chung. Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát thì phải đem ra pháp luật nghiêm trị. Và mười điều trong Quốc lệnh mà cụ Hồ và cụ Nguyễn (Hải Thần) đã cùng kí có nói đến những trường hợp này, nay tôi chỉ theo đó mà thi hành. Đây không phải là vấn đề đảng phái. Việc khám xét vừa rồi là việc phải làm để bảo vệ trị an…

-----------------
        1. Nay là phố Nguyễn Gia Thiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:32 pm »


XVII

        Từ ngày Bác lên đường đi Pháp, trong các cuộc họp và hội ý của Thường vụ, anh Nhân và các anh thường xuyên đem trao đổi về tình hình cuộc đàm phán tại Pháp và tình hình trong nước mỗi ngày càng khẩn trương. Sự liên lạc của Bác và phái đoàn với chúng tôi ở nhà, đều phải qua tay người Pháp. Các điện của Bác gửi về đều đến rất chậm. Có bức điện đề ngày 5 mà ngày 15 chúng tôi mới nhận được. Đó là những khoảng thời gian căng thẳng. Ta đã nhiều lần phản kháng với Pháp về chuyện này. Do đó, chúng tôi thường phải theo dõi tình hình qua các đài phát thanh, các báo chí Pháp và phương Tây, những bản thông cáo chung rất vắn tắt về các phiên họp. Qua những tài liệu Bác còn để lại và các câu chuyện của một số đồng chí có may mắn được đi theo Người, chúng tôi giới thiệu sau đây một phần những hoạt động nhiều mặt, rất phong phú của Người cũng như những diễn biến chính của cuộc đàm phán. Mong rằng sau này, khi có dịp, các anh sẽ kể lại đầy đủ hơn với chúng ta.

        Bác trở lại con đường Người đã ra đi cách đây ba mươi lăm năm. Từ đó đến nay, dòng thác cách mạng không ngừng tuôn chảy. Người thanh niên Việt Nam mất nước, trên con tàu Latútsơ Tơrêvin đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,

        Ngày 31 tháng Năm, vì thời tiết xấu, các máy bay chở Hồ Chủ tịch và phái đoàn ta dừng lại ở Miến Điện. Hôm đó, Bác nghỉ lại ở Pêgu, một trường bay gần Rănggun.

        Ngày 1 tháng Sáu, máy bay đến Canquýtta. Đại biểu toàn quyền Anh và lãnh sự Pháp ra sân bay đón chào Người, đưa Người về khách sạn lớn Phương Đông (The Great Eastern Hotel), khách sạn lớn nhất của tỉnh. Hồ Chủ tịch nghỉ lại Canquýtta hai ngày. Kiều bào ta ở khắp nơi tại Ấn Độ nô nức kéo tới xin được gặp Bác, có những người đã phải đi xa hàng ngàn ki-lô-mét. Nhiều chị khi ra về đã khóc.

        Ngày 4 tháng Sáu, Hồ Chủ tịch tới Agra. Bác cùng các anh trong phái đoàn đi thăm những thắng cảnh nổi tiếng của thành phố.

        Ngày 5 tháng Sáu, Bác tới Karasi. Viên tổng đốc ở đây nói rằng ông đã được Chính phủ Anh ở Luân Đôn tin cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh sắp đi qua và chỉ thị cho ông đón cụ Chủ tịch.

        Ngày 6 tháng Sáu, Bác tới Habanha, thuộc Irắc. Thời tiết tại đây nóng đên nỗi cây cỏ không mọc được. Người ta phải làm những cây cỏ bằng kẽm, sơn màu xanh biếc để nhìn cho dịu mắt.

        Ngày 7 tháng Sáu, trên đường đi Lơ Ke, máy bay lượn một vòng trên Giêruydalem để Hồ Chủ tịch xem kinh đô cổ của sứ Palextin. Đoàn nghỉ lại Lơ Ke ba ngày. Người Ai Cập đang đấu tranh đòi quân đội Anh rút đi. Thành phố đẹp đẽ, phong quang, trên bến dưới thuyền, nhưng không khí có vẻ căng thẳng. Tại đây, Bác nhận được một bức điện từ Pari gửi tới: “Mời Hồ Chủ tịch đến Biarít nghỉ tạm, chờ Chính phủ Pháp thành lập xong sẽ đón Người về Pari”.

        Ngày 11 tháng Sáu, Máy bay từ Lơ Ke bay tới Brítka thuộc Angiêri.

        Ngày 12 tháng Sáu, máy bay hạ cánh xuống Biarít. Đây là một nơi nghỉ mát phong cảnh rất đẹp, trên bờ biển phía tây nước Pháp, gần Tây Ban Nha. Tại sân bay chỉ có những người thay mặt chính quyền địa phương ra đón, vì khi đó Chính phủ Pháp đã từ chức, chỉ còn ở lại để xử lí những công việc hằng ngày. Hồ Chủ tịch về nghỉ tại khách sạn Cáclơtông. Người ở lại đây trong khi đoàn đàm phán của ta tiếp tục đi thẳng tới Pari.

        Ngày hôm sau, kiều bào ta từ nhiều nơi trên nước Pháp, kéo tới Biarít chào Hồ Chủ tịch. Có người đưa theo cả vợ con. Nhiều đồng bào quyên tiền nhờ phái đoàn chuyển về giúp nước. Điện chào mừng Hồ Chủ tịch của kiều bào từ khắp các nơi gửi về tới tấp, từ Anh, từ Mỹ, từ Tân Calêđôni…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:40:59 pm »


        Nhiều đoàn thể chính trị tại nước Pháp tới Biarít gặp Bác như Đảng Cộng sản Pháp, Tổng công hội Pháp, Hội Pháp - Việt vừa thành lập cách đó mấy hôm… Bác gặp lại trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp một số đồng chí đã cùng hoạt động trước đây. Bác đã nói cho đoàn rõ những chính sách của Đảng ta trong tình hình phức tạp mấy năm qua và những chủ trương hiện nay.

        Báo chí Pháp bắt đầu đưa những tin tức về Việt Nam và bàn tán về cuộc đàm phán Việt - Pháp.

        Trong những gnày ở Biarít, Hồ Chủ tịch rất chú ý tìm hiểu tình hình xã hội Pháp lúc đó.

        Đời sống của người dân Pháp gần hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, còn rất khó khăn. Khẩu phần bánh mì hằng ngày là 300 gam. Mỗi người một tuần mới có 100 gam thịt, cả tháng mới có 50 gam bơ… Những người làm việc trong khách sạn nói với Bác, từ lúc chiến tranh đến giờ, họ chỉ mua được một bộ quần áo và một đôi giày. Người lao động Pháp đang đấu tranh quyết liệt đòi tăng lương 25%...

        Mười ngày sau khi Bác tới Biarít, Chính phủ Pháp mới thành lập xong. Chức chủ tịch chính phủ lâm thời đã chuyển sang tay Biđôn, một thủ lĩnh của Cộng hòa bình dân. Mutê vẫn giữ bộ nước Pháp ở hải ngoại và phụ trách những vấn đề thuộc khối liên hiệp Pháp.

        Ngày 22 tháng Sáu, Chính phủ Pháp mới Bác về Pari.

        Máy bay chở Hồ Chủ tịch mang cờ Việt Nam và cờ Pháp. Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trên bầu trời của nước Pháp.

        Tới Pari, máy bay lượn một vòng quanh thàn phố. Từ trên máy bay nhìn xuống, Bác đã nhận ra chiếc tháp sắt Ép-phen, lăng vua Napôlêông với cái nóc tròn màu kim nhũ, nhà thờ đạo Xacơre Cơ trên đỉnh gò Môngmác, Cửa Khải hoàn với nhiều con đường châu lại. Người đã lặng lẽ rời khỏi thành phố rất quen thuộc này một ngày mùa hè năm 1923. Pari vẫn còn nguyên vẹn. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Pháp đã tuyên bố thủ đô của mình là một thành phố bỏ ngỏ.

        Người ra đón Hồ Chủ tịch trên sân bay Lơ Buốcgiê rất đông. Một lá cờ đỏ sao vàng lớn phấp phới trên cột cờ cao nhất của sân bay. Xen lẫn với cờ ba sắc, rất nhiều cờ đỏ sao vàng.

        Máy bay vừa đỗ xuống, bộ trưởng bộ nước Pháp ở hải ngoại, vụ trưởng vụ lễ tân thay mặt cho Chính phủ Pháp, các tướng lĩnh thuộc hải, lục, không quân Pháp ra đón Hồ Chủ tịch, đưa Người vào ga. Qua việc nước Pháp cử bộ trưởng nước Pháp ở hải ngoại ra đón Hồ Chủ tịch, chúng ta có thể thấy được một phần thái độ của những nhà cầm quyền mới đối với vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, mọi lễ nghi vẫn được tiến hành trọng thể. Thảm nhung đỏ trải từ nhà ga ra đến xe hơi. Đại biểu các đảng phái, các đoàn thể quần chúng Pháp, kiều bào ta đứng đầy trên thềm ùa lại hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Đại biểu của phụ nữ Pháp mang hoa tới tặng Hồ Chủ tịch và ôm hôn Người.

        Quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp nổi lên. Nhiều kiều bào ta ra đón Bác tại sân bay đã không cầm được nước mắt khi nghe quốc thiều của ta lần đầu vang lên trên đất Pháp. Hồ Chủ tịch và đại biểu Chính phủ Pháp đứng chào cờ rồi đi duyệt đội danh dự. Hàng ngàn người thuộc   các tầng lớp nhân dân Pari tung hoa, vẫy chào, hò reo hoan hô Người. Khi tới chỗ của đại biểu các đoàn thể Việt kiều gồm những người thay mặt cho công nhân, sinh viên, trí thức…, Hồ Chủ tịch đã dừng lại rất lâu, chuyện trò thăm hỏi nhiều người, quên cả các quan chức Pháp đang đi theo phía sau. Những chiếc máy ảnh và máy quay phim hướng vào vị nguyên thủ quốc gia tới thủ đô Pháp với bộ quần áo vải thô màu vàng giản dị.

        Một phóng viên của hãng thông tấn Pháp đưa máy ghi âm lại, xin Hồ Chủ tịch nói mấy lời với dân chúng Pháp. Người nói: “Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đón tôi một cách long trọng. Mong sau này hai dân tộc Việt và Pháp cộng tác một cách bình đẳng thật thà và thân thiết”.

        Đoàn xe hơi và mô tô đưa Hồ Chủ tịch về khách sạn Roayan Môngxô, một khách sạn lớn ở gần phủ tổng thống Pháp. Suốt dọc đường, những người dân thủ đô Pháp vẫy cờ, vẫy khăn, hoan hô chào đón Người…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:45:07 pm »


XVIII

        Mười một ngày sau khi Hồ Chủ tịch đến Pari, Chính phủ Pháp làm lễ tiếp đón chính thức. Sự chậm trễ này là một dấu hiệu không thuận lợi đối với cuộc đàm phán.

        Đến đây, chúng ta hãy nhìn lại tình hình chung của nước Pháp vào thời kì đó.

        Chính quyền nước Pháp, từ nhiều năm, vẫn nằm trong tay một nhóm tư bản giữ vị trí độc quyền trong các ngành ngân hàng, kĩ nghệ và thương mại, chủ yếu là bọn trùm tư bản tài chính.

        Trước đây, Lênin đã từng nhận xét: “Khác với chủ nghĩa đế quốc thực dân Anh, chủ nghĩa đế quốc Pháp có thể gọi là chủ nghĩa đế quốc cho vay nặng lãi”.

        Những chính sách cổ truyền của nước Pháp là chú trọng đầu tư ngày càng nhiều tư bản ra nước ngoài để lấy lãi, bao vây thị trường Pháp và các nước thuộc địa bửi một hành rào thuế quan rất chặt chẽ, ngăn hàng hóa các nước tư bàn khác vào để cạnh tranh. Cách khai thác thuộc địa của Pháp là vơ vét tài nguyên ở các nước phụ thuộc đưa về chính quốc, bóc lột người bản xứ bằng đồng lương rẻ mạt và thuế khóa nặng nề. Chúng chủ trương duy trì nên kinh tế của các thuộc địa trong tình trạng lạc hậu.

        Giới đại tư bản Pháp vốn có tiếng là già đời, nhiều thủ đoạn, mánh lới. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, thái độ chính trị của giới cầm quyền Pháp là ủng hộ phát xít Đức và Ý. Chúng thấy ở chủ nghĩa phát xít con đường đàn áp người dân lao động Pháp vốn rất giàu tinh thần đấu tranh cách mạng. Chúng tán thành việc Hítle và Mútxôlini can thiệp vào Tây Ban Nha, giúp phát xít Phrăngcô đàn áp phong trào cộng hòa. Cùng với giai cấp tư sản Anh, chúng tính chuyện dùng bọn phát xít để tiêu diệt Liên Xô. Nhà cầm quyền Pháp đã để mặc cho Đức chiếm các nước Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan với âm mưu hướng bọn phát xít về phía Đông. Nhưng trước khi tiến xa hơn nữa về phía đông, phát xít Đức đã quay lại phía sau, ngốn gọn nước Pháp trong vài tuần lễ.

        Trong những năm Đức chiếm đóng, bọn đại tư sản Pháp giữ thái độ hai mặt. Một mặt, chúng bắt tay chặt chẽ với phát xít Đức, giúp cho Hítle tiếp tục chiến tranh xâm lược châu Âu, một mặt, chúng bắt tay với Anh, Mỹ, chờ đến thời cơ khi đồng minh thắng trận. Người tổ chức lãnh đạo nhân dân Pháp kiên quyết chống lại phát xít Đức xâm lược là Đảng Cộng sản Pháp. Không những chính quyền tay sai Visi giúp bọn phát xít Đức đàn áp những người du kích, mà cả Đờ Gôn cũng tìm cách kiềm chế phong trào kháng chiến tại nước Pháp.

        Sau đại chiến, Pháp tuy đứng trong hành ngũ Đồng minh chiến thắng, nhưng thực tế là một nước đã từng thua trận, kiệt quệ vì bị chiếm đóng. Giai cấp tư sản Pháp suy yếu, ảnh hưởng chính trị giảm sút. Sản xuất công nghiệp giảm nhiều so với trước chiến tranh. Các thiết bị từ lâu không được cải tiến, trở nên lạc hậu. Còn quân đội Pháp, như lời một nhà bình luận chính trị Pháp, đã trở thành “một  cái bào thai nằm trong quân đội Mỹ”. Thị trường Pháp ở châu Âu thu hẹp vì một số nước thoát ra ngoài quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Bọn đại tư bản Pháp mất nhiều nhà máy, hầm mỏ, nhà băng tại các nước Tiệp Khắc, Ba Lan… Trong khi đó, Đảng Cộng sản Pháp được tôi luyện thêm sau nhiều năm chiến đấu chống phát xít Đức, có uy tín lớn trong nhân dân. Lực lượng dân chủ đang phát triển không ngừng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã trở thành mối lo âu của bọn đại tư bản. Đó cũng là mối lo của các đế quốc Anh, Mỹ trước tình hình mới ở châu Âu.

        Đờ Gôn, người luôn luôn tự nhận là đứng trên các đảng phái, và cũng thường được nhiều báo chí tư sản tuyên truyền như vậy, thực ra chính là người đại diện quyền lợi của bọn tư sản tài phiệt. Dựa vào lưỡi lê của hàng chục vạn quân đội Mỹ và Anh trên đất Pháp, Đờ Gôn đã giải giáp lực lượng vũ trang cách mạng đã được tổ chức để chiến đấu chống phát xít Đức trong thời kì Pháp bị chiếm đóng. Mọi cố gắng của ông ta đều nhằm tiêu diệt thể chế dân chủ, dựng lên chế độ độc tài. Đảng Cộng sản Pháp đang ra sức lãnh đạo cuộc đấu tranh của những người lao động để bảo vệ lợi ích kinh tế và các quyền tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh giữa họ và bọn tư bản độc quyền thất thế đang tìm mọi cách trỗi dậy diễn ra rất gay gắt.

        Tháng Mười năm 1945, Đờ Gôn buộc phải tổ chức tổng tuyển cử bầu ra quốc hội lập hiến. Quốc hội này có nhiệm vụ dự thảo hiếp pháp của nền Cộng hòa thứ tư. Một chính phủ lâm thời được thành lập do Đờ Gôn làm chủ tịch. Các thành phần chủ yếu của chính phủ này thuộc ba tổ chức chính trị lớn nhất tại Pháp: Phong trạo cộng hòa bình dân, Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội.

        Đầu năm 1946, Đờ Gôn đột ngột từ chức. Y định gây nên một sự rối loạn về chính trị tại nước Pháp, tạo cơ hội trở lại cầm quyền với chế độ độc tài. Một chính phủ lâm thời được thành lập, do Phêlích Goăng, người của Đảng Xã hôi làm chủ tịch. Chính phủ này đã chuẩn y bản Hiệp định Sơ bộ kí giữa Pháp và Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp chủ trương nắm lấy cơ hội này liên minh với Đảng Xã hôi, tổ chức một chính phủ gồm những người cộng sản và xã hội, gạt bỏ phái hữu thân Đờ Gôn ra ngoài. Việc này trở thành khả năng thực tế vì hai đảng chiếm được đa số ghế trong Chính phủ Pháp. Nhưng những người cầm đầu Đảng Xã hội đã từ chối đề nghị này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:45:25 pm »


        Tháng Ba năm 1946, chính phủ Goăng cử Lêông Blum, một lãnh tụ Đảng Xã hội sang Oasinhtơn để vay tiền. Sau mười một tuần lễ đàm phán, Mỹ thỏa thuận cho Pháp vay 650  triệu đô la với điều kiện Pháp phải phá bỏ hàng rào quan thuế cổ truyền để cho hàng hóa Mỹ ùa vào đất Pháp. Dư luận rộng rãi còn cho rằng Mỹ đã đòi Pháp hứa phải gạt những  nghị sĩ cộng sản ra khỏi chính phủ trong vòng một thời gian ngắn. Để chống lại nhân dân Pháp, cứu vãn nền thống trị suy yếu của chúng, bọn tư bản tài phiệt chọn con đường dựa vào Mỹ, một đế quốc làm giàu trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã trở thành tên để quốc đầu sỏ.

        Tháng Năm năm 1946, bản dự thảo hiến pháp đầu tiên được đưa ra trong một cuộc trưng cầu ý dân. Đây là một bản hiến pháp dân chủ chứa đựng nhiều điểm tiến bộ. Trước ngày dân chúng bày tỏ ý kiến, Đờ Gôn mặc dù tuyên bố rút khỏi vũ đài chính trị, đã lên tiếng đả kích bản hiến pháp. Do cuộc vận động ráo riết của lực lượng phản động với áp lực của Đờ Gôn, bản hiến pháp này đã bị bác bỏ. Chính phủ Goăng đổ. Người dân Pháp phải tiến hành một cuộc tuyển cử mới để bầu ra một quốc hội lập hiến khác.

        Trong cuộc bầu cử đầu tháng Sáu, Đảng Cộng sản vẫn giữ một vị trí vững vàng. Đảng Xã hội do thái độ ngả nghiêng mất đi khác nhiều  phiếu. Nhưng điều đáng chú ý là Phong trào cộng hòa bình dân, chịu nhiều ảnh hưởng của Đờ Gôn cũng giành được thêm một số ghế. Do đó, chức chủ tịch chính phủ lâm thời cộng hòa Pháp rơi vào tay Biđôn, một người cầm đầu Cộng hòa bình dân, đã từng cộng tác nhiều năm với Đờ Gôn trong cương vị bộ trưởng ngoại giao. Chính phủ này mặc dù còn có một số đảng viên Đảng Cộng sản tham gia đã thiên về phía hữu với chiều hướng ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Nhà cầm quyền mới của nước Pháp đang tìm mọi cách để phá hoại Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba, không thực hiện những cam kết giữa Pháp với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, những điều mà bọn tư bản tài phiệt cho là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới sự suy sụp của cả đế quốc Pháp…

        Tuy vậy, chương trình tiếp đón Hồ Chủ tịch vẫn được tổ chức theo những nghi thức trọng thể.

        11 giờ sáng ngày 2 tháng Bảy, Bộ trưởng bộ lễ tân và các quan chức cao cấp của Pháp đến khách sạn Roayan Môngxô đón Hồ Chủ tịch tới dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Pháp.

        Một đoàn xe hơi, xe mô tô hộ tống Người trên những con đường cấm xe cộ không được qua lại.

        Lâu đài Matinhông treo cờ đỏ sao vàng và cờ ba sắc. Đội nhạc binh cử quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp. Hồ Chủ tịch duyệt đội danh dự trước khi vào nha. Chủ tịch Biđôn ra đón, đưa Người vào giới thiệu với các bộ trưởng trong chính phủ đã tề tựu đông đủ.

        Trước tiệc chiêu đãi, Chủ tịch Chính phủ Pháp đọc lời chào mừng:

        - Thưc Chủ tịch.

        Thay mặt dân chúng Pháp, tôi rất sung sướng được tiếp vị Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi tiếc rằng những việc ngoài ý muốn chúng tôi đã làm chậm trễ cuộc tiếp rước mà chúng tôi định dành cho Ngài, ngay từ khi Ngài mới đặt chân lên đất Pháp. Sự có mặt của Ngài ở đây làm cho dân Pháp thỏa mãn vô cùng. Sự có mặt ấy chứng thực tình thân thiện cổ truyền giữa hai dân tộc. Tình thân thiện ấy tuy có lúc bị mờ tối đi, nhưng nó phải trở lại mạnh mẽ hơn và thành thực hơn…

        Biđôn ca ngợi Hồ Chủ tịch đã có “những lời lẽ nhã nhặn và mặn mà rất thích hợp với sự tiếp rước mà Pari và nước Pháp đã dành cho những người bạn” ca ngợi khối liên hiệp Pháp là “một sáng tạo đặc biệt và rất nhân đạo”. Y nói đến “khung cảnh nên thơ và oanh liệt” của lâu đài Phôngtenblô, nơi phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp sẽ gặp nhau. Y nhắc tới sự gặp nhau của Khổng giáo và triết học phương Tây, tới những quan niệm mới mẻ về những quan hệ giữa những người tự do, đến lẽ tiến hóa và lí tướng của lời người, v.v.

        Trước những lời lẽ hào khoáng, trừu tượng, không chứa đựng một điều gì cụ thể của Chủ tịch Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch đáp lại:

        - Sự tiếp đón ân cần của nhân dân và chính phủ Pháp làm cho tôi cảm kích… Pari là thành phố bất hủ đã tìm ra những lí tưởng bất hủ cách mạng 1789, Pari vẫn trug thành với lí tưởng của  mình trong cuộc đổ máu giữa khối dân chủ và khối phát xít… Chắc hẳn nhiều khó khăn đang chờ đợi ở hội nghị Phôngtenblô là hội nghị có nhiệm vụ đặt nền móng cho sự giao thiệp giữa nước Pháp và nước Việt Nam mới. Nhưng sự thành thật và sự tin cậy lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Triết lí phương Đông và triết lí phương Tây đến tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Chớ làm cho người những điều mà mình không muốn người làm cho mình”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp…

        Ngày mồng Ba, Hồ Chủ tịch tới đặt vòng hoa tại mộ Người chiến sĩ vô danh ở Cửa Khải hoàn. Cùng ngày, Bác đến thăm cung điện Vécxây. Mùa hè năm 1919, Người dã có mặt ở đây khi các nước Đồng minh đang họp để kí hòa ước kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất; Người đã đưa kiến nghị đòi cho nước Việt Nam được độc lập.

        Ngày mồng Bốn, Hồ Chủ tịch tới viếng đài liệt sĩ trên đồi Valêriêng. Đây là nơi nhiều chiến sĩ du kích Pháp đã bị quân Đức xử bắn trong những năm kháng chiến. Đứng trên đồi Valêriêng, Hồ Chủ tịch đã tỏ vẻ rất xúc động. Chúng ta có thể hiểu được tình cảm của Người lúc đó qua những dòng bút kí sau đây: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập tự do mà bị người Đức tàn sát, khiến cho người thêm trỗi dậy cảm động ngậm ngùi. Quyền độc lập tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc mà xây dựng nên. Vậy nên những người chân chính ham chuộng độc lập tự do của nước mình thì phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 09:15:42 pm »


XIX

        Cuộc đàm phán chính thức giữa hai phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp chỉ bắt đầu vào ngày 6 tháng Bảy tại lâu đài Phôngtenblô, cách Pari 60kilômét.

        Đácgiăngliơ vội vã trở về nước trước khi Hồ Chủ tịch tới thủ đô Pháp một tuần lễ.

        Với việc chính phủ Goăng đổ, Biđôn vừa lên cầm quyền, Đácgiăngliơ cảm thấy đã có cơ hội thuận lợi để thực hiện đường lối chính trị của Đờ Gôn đối với các thuộc địa. Y đã chạy chọt khắp nơi, xin gặp những người lãnh đạo mới trong chính phủ để tranh thủ sự đồng tình của họ đối với những việc y làm ở Đông Dương. Đácgiăngliơ đã yêu cầu nhà cầm quyền Pháp cử y làm người khai mạc cuộc đàm phán tại Phôngtenblô. Viên cao ủy muốn chứng tỏ quyền lực của mình không những chỉ có ở Đông Dương mà còn ở cả thủ đô nước Pháp. Phái đoàn ta đã kiên quyết phản đối, không đồng ý để cho Đácgiăngliơ tói khai mạc hội nghị, một việc trước đây viên cao ủy đã không làm được tại Đà Lạt. Nhà cầm quyền Pháp e ngại phía ta có thể vì thế mà khước từ cuộc nói chuyện. Họ cũng nhận thấy làm như vậy không có lợi với dư luận trong khi Hồ Chủ tịch đang ở Pari với tự cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Họ đành khuyên viên cao ủy tốt nhất là hãy tạm lánh đi. Sau đó, Đácgiăngliơ hậm hực trở về Sài Gòn.

        Mãi tới mồng 5 tháng Bảy, một ngày truớc phiên khai mạc, chính phủ Pháp mới chỉ định xong danh sách những người tham dự cuộc đàm phán. Cầm đầu đoàn Pháp vẫn là Mắc Ăngđơrê, trưởng đoàn đàm phán Pháp tại hội nghị trù bị Đà Lạt. Thành phần của đoàn phần lớn gồm những nhân vật cũ, đã có mặt tại Đà Lạt: Métxme, Pinhông, Tôren, Gônông… Thêm một nhân viên quân sự tham gia phái đoàn cạnh tướng Xalăng, đô đốc Bácgiô. Viên đô đốc này vốn là người tin cẩn của Đờ Gôn. Để hạn chế bớt những lời chỉ trích. Chính phủ Pháp đã đưa thêm vào phái đoàn ba nghị sĩ thuộc ba đảng chính trong chính phủ là Đảng Cộng sản Pháp, Đản Xã hội và Cộng hòa bình dân. Đại diện cho Đảng Xã hội là giáo sự Pôn Rivê, một người có tư tưởng tiến bộ. Sau khi dự cuộc trao đổi riêng của đoàn để chuẩn bị cho phiên khai mạc, vị giáo sư này đã xin rút lui. Ông nói là không muốn trở thành đồng lõa với những kẻ định phản bội lại các điều khoản mà người thay mặt nước Pháp đã kí kết ngày mồng 6 tháng Ba năm 1946. Theo lời thú nhận của chính Mắc Ăngđơrê sau này thì trước khi đến Phôngtenblô, y đã được Biđôn chỉ thị: “giành cho được mọi sự bảo đảm để cho trên lãnh vực đối ngoại Việt Nam không thể trở thành một quân cờ mới trong ván cờ Xôviết”.

        10 giờ sáng, Đoàn đàm phán của ta và đoàn Pháp bước vào sân danh dự của lâu đài Phôngtenblô.

        Lâu đài Phôngtenblô treo cờ Việt Nam và cờ Pháp.

        Mắc Ăngđơrê đọc diễn văn khai mạc, chào mừng các vị khách thay mặt cho nước Việt Nam và cầu chúc hội nghị đạt được kết quả tốt đẹp. Chiến thuật của đoàn Pháp là dùng những lời lẽ chung chung, không đề cập đến một điều gì cụ thể.

        Trong lời đáp, anh Phạm Văn Đồng đã nói:

        “… Trong lúc nhân dân Việt Nam ra sức chống Nhật thì chính phủ Visi bán Đông Dương cho kẻ thù. Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã nổi dậy giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ ngày đó, nước Việt Nam đã là một nước độc lập… Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã bắt tay vào công việc kiến thiết Tổ quốc trong hòa bình…”.

        Đoàn ta đã vạch rõ chính vì việc Pháp đưa quân đội viễn chinh đến Việt Nam nên đã làm cho chiến tranh lại bùng nổ. Sau đó nước Pháp đã kí kết Hiệp định mồng 6 tháng Ba với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        “Nhưng hiệp ước này, nước Pháp có tôn trọng hay không? Chính là với sự phiền lòng sâu sắc mà chúng tôi phải nói với các ngài rằng, một số điều khoản đình chiến của bản Hiệp định đã không được các nhà chức trách Pháp ở Việt Nam thi hành…”.

        Đoàn ta đã tố cáo Pháp tiếp tục chiến tranh ở miền Nam, đưa quân lấn chiếm vùng Tây Nguyên, có nhiều hành động bạo lực ở miền Bắc, rõ ràng nhất mới đây là hành động chiếm phủ toàn quyền cũ tại Hà Nội. Đặc biệt, Đoàn ta phản kháng kịch liệt âm mưu chia cắt Tổ quốc Việt Nam, việc nhà chức trách Pháp ở Sài Gòn vừa cho ra đời một “nước Nam Kỳ tự trị” và tuyên bố thừa nhận cái gọi là “chính phủ lâm thời” của nó. Cuối cùng Đoàn ta nói thẳng:

        “ Hiệp định ngày mồng 6 tháng Ba không phải là để cho quân đội Pháp bình yên kéo vào miền Bắc và chính sách “việc đã rồi” của người Pháp ở Đông Dương không thể làm dễ dàng cho cuộc thương lượng…”.

        Lời phát biểu đanh thép của Đoàn ta đã nói lên sự thật về tình hình Việt Nam và gây nên một chấn động lớn. Bọn phản động kêu đó là những lời lẽ không ngoại giao, không thân thiện. Những người tiến bộ thấy thái độ của Đoàn ta một mặt tỏ rõ quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự thống nhất Tổ quốc của mình, một mặt vẫn muốn đi tới giải quyết tốt mối quan hệ giữa nước Việt Nam và nước Pháp.

        Phải mất mấy ngày sau, đôi bên mới thỏa thuận được nội dung chương trình nghị sự gồm các điểm chính:

        - Vị trí của Việt Nam trong liên hiệp Pháp và các mối quan hệ của nước Việt Nam với các nước ngoài.

        - Thống nhất ba kỳ bằng hiệp thương và trưng cầu ý dân.

        - Soạn thảo hiệp ước giữa Pháp và Việt Nam.

        Ngoài tiểu ban chương trình nghị sự, hội nghị lập ra các ban chính trị, quân sự, kinh tế tài chính, văn hóa để thảo luận.

        Qua các cuộc thảo luận, phái đoàn Pháp đã để lộ rõ chính sách của Pháp đối với các lãnh thổ hải ngoại. Tuy về tên gọi hoặc về hình thức tổ chức có ít nhiều thay đổi, chính sách đó về thực chất vẫn là duy trì chế độ thuộc địa cũ, ở Đông Dương thì đặt nhân dân ba nước trên bán đảo này dưới sự thống trị của một thứ chính phủ liên bang, đứng đầu là một viên toàn quyền.

        Trước những vấn đề cấp thiết do ta đưa ra như đình chiến tại Nam Bộ, thời hạn và cách thức tổ chức trưng cầu ý dân tại Nam Bộ…, đoàn Pháp đều tìm mọi cách lẩn tránh. Hội nghị giẫm chân tại chỗ nhiều ngày. Có buổi, một nửa số đại biểu của đoàn Pháp không tới dự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 09:19:52 pm »


XX

        Hồ Chủ tịch không dự cuộc đàm phán ở Phôngtenblô. Với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Người ở lại Pari.

        Bác làm việc gần như không nghỉ. Theo lời các anh trong phái đoàn kể lại, nhiều ngày Bác làm việc tới mười bốn tiếng đồng hồ.

        Hồ Chủ tịch đã gặp và nói chuyện với hầu hết các đoàn thể chính trị lớn tại nước Pháp. Ba đảng lớn đang cầm quyền đều cử những người thay mặt tới gặp Người. Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp khi đó có năm mươi vạn đảng viên, gồm những đồng chí lãnh đạo quan trọng: đồng chí Tôrê (khi đó là Phó chủ tịch Chính phủ Pháp), đồng chí Đuycơlô, đồng chí Casanh, đồng chí Biu… Nhiều đồng chí đã quen biết Bác từ những năm hai mươi, ba mươi trước đây tại Đại hội Tua, tại Mátxcơva, tại những cuộc họp của Quốc tế Cộng sản. Bác đã gặp nhiều tổ chức quần chúng quốc tế như Tổng liên đoàn lao động thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, Liên đoàn phụ nữ thế giới. Người đã giới thiệu những hoạt đọng của công nhân, thanh niên và phụ nữ Việt Nam. Các đoàn thể quần chúng này đều tuyên bố kết nạp các tổ chức của lao động, thanh niên và phụ nữ Việt Nam làm thành viên của mình. Nhiều thanh niên các nước được gặp Hồ Chủ tịch hồi đó đã gọi Người bằng hai tiếng đầy kính yêu: Bác Hồ.

        Bác đã gặp rất nhiều nhân vật tai mắt ở Pari, những nhà hoạt động chính trị, những nhà kinh tế, tài chính, những quân nhân, những nhà trí thức lớn, trong đó có nhiếu nhà báo, nhà văn như: Luy Argông, Ilya Erenbua, Anaxegơớc, Enxa Tơriôlê, Risa Bơlốc, Pie Manuyen…

        Bác đã nhận thấy điều quan trọng lúc này là làm cho những mọi người hiểu biết về nước Việt Nam, về phong trào cách mạng và nguyện vọng độc lập, thống nhất chính đáng của nhân dân ta. Công việc đó không thể chỉ làm trong một ngày, một tháng. Những nguời thay mặt cho nước Việt Nam mới đã có mặt ở Pari. Nhưng làm cho mọi người hiểu đúng những vấn đề cấp bách và những nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta thật không dễ dàng trong khi bọn phản động không ngừng tung ra những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc.

        Hồ Chủ tịch đã có một ảnh hưởng lớn đối với giới báo chí Pari. Phóng viên của báo Chiến đấu (Combat) đã kể lại cuộc gặp Người như sau:

        “Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp tôi một cách rất giản dị, cử chỉ của cụ bao giờ cũng giản dị như vậy. Cụ là một người đã có tuổi. Một cặp mắt tinh anh và hiền hậu. Nét mặt hiền lành nhưng có vẻ kiên quyết. Một bộ râu đen lại làm cho vẻ mặt cụ thêm Á Đông. Cụ mặc một bộ quân phục, không có trang sức gì cả, làm cho người ta nghĩ đến những người của Cách mạng tháng Mười. Cụ nói thong thả, rất thạo tiếng Pháp, biết cả mọi cái nhuần nhụy của nó. Giọng nói rõ ràng, minh bạch, không trau chuốt, không kiểu cách. Chung quanh cụ có những thanh niên thông minh và yêu nước. Cụ mang vững vàng trên vai cả vận mệnh của một dân tộc mà cụ là đại biểu những đức tính đặc biệt của dân tộc đó…”.

        Một số người viết báo xưa nay hay xuyên tạc cuộc đấu tranh của ta, qua đôi lần gặp Hồ Chủ tịch, đã có những bài viết đúng đắn hơn.

        Sau này, một nhà báo Pháp đã viết: “Vì ông (Hồ Chủ tịch) sử dụng tài khéo léo, tài hùng biện trữ tình và uy tín của mình, nên lời nói của ông vững mạnh và bay xa. Một số báo tán thưởng ông, một số khác chỉ trích ông. Nhưng toàn thế giới đều nói đến ông”.

        Hình ảnh Hồ Chủ tịch mà cá nhà báo thường tả lại một cách rất giống nhau: cặp mắt sáng, vừng trán rộng, chòm râu thưa, bộ quần áo vải thô cùng với những cử chỉ giản dị của Người, đã chinh phục tình cảm và để lại những nét sâu đậm trong lòng người dân Pháp. Hồi này, có đồng bào Việt kiều nhận thấy Hồ Chủ tịch từ ngày tới Pháp, chỉ mặc một bộ quần áo vải xuềnh xoàng, đã vội hỏi thăm kích thước, đinh đi may biếu Người một bộ quần áo mới cho hợp thời trang và cương vị của Người. Nhưng Bác biết kịp và ngăn không cho làm.

        Nhà cầm quyền Pháp không thể kiếm cớ gì ngăn cản những cuộc tiếp xúc giữa một vị thượng khách của chính phủ với các đoàn thể chính trị, với những người ta mắt và giới báo chí.

        Một tuần sau khi hội nghị Phôngtenblô khai mạc, Hồ Chủ tịch cho tổ chức họp báo tại Pari. Chủ tịch chính phủ Pháp Biđôn muốn bưng bít vấn đề Việt Nam, nên đã viện lí do cần chọn một nơi yên tĩnh cho cuộc nói chuyện để đưa hội nghị rời xa thủ đô Pháp 60 kilômét. Các nhà báo, nhà quay phim, nhà chụp ảnh không tìm được gì trước những hàng rào của cung cấm Phôngtenblô, kéo tới rất đông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 09:20:09 pm »


        Hồ Chủ tịch nêu ra 6 điểm trong lập trường đàm phán của Việt Nam:

        1) Việt Nam đòi quyền độc lập, độc lập nhưng không phải là hoàn toàn tuyệt giao với Pháp, mà ở trong liên hiệp Pháp, vì như thế lợi cho cả hai nước. Về kinh tế và văn hóa, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.

        2) Việt Nam quyết không chịu có một chính phủ liên bang.

        3) Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam, không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.

        4) Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam và Việt Nam giữ lại quyền mua những tài sản có quan hệ đến quốc phòng.

        5) Nếu cần đến cố vấn, thì Việt Nam sẽ dùng người Pháp trước.

        6) Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước.

        Hồ Chủ tịch nói:

        - Về phần chúng tôi, chúng tôi rất thật thà. Chúng tôi mong rằng, người khác cũng thật thà với chúngtôi. Chúng tôi quyết không chịu hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không muốn hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi muốn nói với họ: các người hãy phái đến nước chúng tôi những người biết yêu chuộng chúng tôi… Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác thật thà, bình đẳng thì mới đi đến kết quả thận thiện giữa hai nước.

        Trong khi cuộc đàm phán tại Phôngtenblô còn bị bưng bít, thì những lời tuyên bố chủ Hồ Chủ tịch đã đưa vấn đề ra trước ánh sáng. Giới báo chí Pháp bàn tán rất sôi nổi. Phần lớn các báo nhận xét lời phát biểu của Hồ Chủ tịch là đúng đắn và chân thành. Một tờ báo viết: “Những lời nói đó tỏ ra rằng Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam quyết tâm dàn xếp mọi quan hệ Việt - Pháp bằng cách hiểu nhau với lòng hữu ái giữa hai dân tộc”. Dư luận tiến bộ Pháp đứng về phía ta. Họ phê phán những luận điệu khiêu khích của một vài tờ báo phản động.

        Qua hơn nửa tháng trời, cuộc đàm phán tại Phôngtenblô vẫn không tiến triển. Ngày 23 tháng Bảy, các nhà báo ở Pari bỗng đưa tin: Cao ủy Pháp tại Đông Dương đã triệu tập một hội nghị liên bang ở Đà Lạt vào ngày 1 tháng Tám. Thành phần hội nghị này gồm các đại biểu của Lào, Campuchia, Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ và Tây Nguyên… Với thành phần hội nghị đã công bố, Đácgiăngliơ không những muốn tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, mà còn muốn chia rẽ Việt Nam ra thêm thành nhiều “nước”, nhiều vùng khác nhau. Ngay sáng hôm đó, Đoàn ta đưa ra tại hội nghị Phôtenblô lời phản kháng kịch liệt. Người Pháp lại lẩn tránh vấn đề bằng cách nói sẽ chuyển lời phản kháng đó lên chính phủ của họ.

        Do hành động của viên cao ủy với sự cố ý làm lơ của Chính phủ Pháp, tình hình hội nghị vốn đã căng thẳng càng trở nên bế tắc.

        Trưa ngày 26 tháng Bảy, Hồ Chủ tịch tới thăm Phôngtenblô, Đoàn Việt Nam và đoàn Pháp cùng đại diện chính quyền và nhân dân địa phương mang hoa ra đón Người. Sau bữa tiệc chào mừng của những người đứng đầu quận, ông giám đốc cung Phôngtenblô đưa Hồ Chủ tịch đi xem tòa lâu đài với kiến trúc thời xưa rất xa hoa, tráng lệ. Thăm lâu đài xong, Hồ Chủ tịch muốn ra dạo chơi ngoài rừng; ông giám đốc dẫn Người đi.

        Ở rừng Phôngtenblô về, Bác hỏi tình hình hội nghị, trao đổi ý kiến với các anh tỏng đoàn đàm phán của ta.

        Hội nghị đã thật sự bế tắc. Những người thay mặt cho chính phủ Pháp tại cuộc đàm phán, theo chỉ thị của nhà cầm quyền, đã ra mặt trốn tránh việc thực hiện Hiệp định, viện lí do không thể tạo ra một tiền lệ cho những thuộc địa khác của nước Pháp chống lại chính quốc. Họ vẫn bám lấy những tư tưởng phản động lỗi thời về vấn đề thuộc địa. Chế độ mà họ muốn thiết lập ở Đông Dương không khác mấy với cái chế độ mà người Pháp vẫn ấp dụng tại đây trước chiến tranh thế giới lần thứ hai.

        Chiều hôm đó, Bác trở về Pari.

        Chính phủ Pháp vẫn im lặng trước lời phản kháng của phái đoàn ta về việc Đácgiăngliơ triệu tập cái gọi là “hội nghị liên bang” ở Đà Lạt ngày 1 mồng tháng Tám. Đúng ngày mồng 1 tháng Tám, Đoàn ta tuyên bố đình chỉ phiên họp cho tới khi phản kháng của ta được giải quyết thỏa đáng. Đoàn đàm phán của ta rời lâu đài Phôngtenblô và không bao giờ quay trở lại đây nữa.

        Thời kì của những lừi chúc tụng và hứa hẹn hào nhoáng đã qua.

        Hội đồng liên bộ Pháp về vấn đề Đông Dương họp dưới quyền chủ tọa của Biđôn từ ngày 10 đến 12 tháng Tám do bàn về cuộc đàm phán đã bị bỏ dở. Trước ngày đó, Varen, một viên toàn quyền cũ ở Đông Dương, Quốc vụ khanh của chính phủ Biđôn, mới được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng liên bộ về Đông Dương, đưa ra một lời tuyên bố với báo chí:

        “Đệ tam cộng hòa đã sáng tạo được ở phía bên kia biển cả một sự nghiệp tráng lệ làm vinh hiển cho thiên tài nước Pháp. Chúng ta sắp từ bỏ và phá hoại sự nghiệp này chăng? Làm như vậy đối với người Pháp sẽ là một thảm họa không sao cứu chữa được. Chúng tôi là một số người hoàn toàn thông hiểu điều mà chính mình đang nói và sẽ làm mọi việc để tránh cho được thảm họa đó”.

        Ít ngày sau, Chính Đờ Gôn cũng lên tiếng. Trong khi công kích bản dự thảo hiến pháp sắp được đưa ra để trưng cầu ý dân. Đờ Gôn đã chỉ trích mạnh mẽ quy chế về liên hiệp Pháp được ghi trong bản dự thảo. Ông ta cho rằng nguyên tắc “tự quyết tự do” chỉ có thể đưa các lãnh thổ của Pháp ở hải ngoại đến chỗ rối loạn, phân liệt và cuối cùng rơi vào sự thống trị của nước ngoài.

        Mọi cuộc họp hành, bàn bạc, trao đổi suốt cả tháng Tám đã không giúp cho Hội nghị Phôngtenblô họp trở lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 09:24:45 pm »


XXI

        Đầu tháng Tám, các hãng thông tấn Pháp đưa tin không chính thức Hồ Chủ tịch sắp lên đường về nước. Tin này được đưa ra đồng thời với tin phái đoàn ta ngừng họp hội nghị Phôngtenblô. Chiều hướng cuộc đàm phán đã rõ ràng là không tốt.

        Cũng trong những ngày này, quân Pháp liên tiếp gây ra những vụ khiêu khích trên dọc đường Hà Nội - Lạng Sơn. Theo thỏa thuận giữa hai bên, quân đội Pháp được lên Lạng Sơn tiếp phòng quân Tưởng rút đi. Thể thức về việc tiếp tế cho quân Pháp ở những nơi xa Hà Nội, đã được đề ra rõ ràng. Nhưng các toán quân Pháp đi làm công việc tiếp tế cứ liên tiếp vi phạm những quy định. Chúng đưa theo trong đoàn tiếp tế cả những xe bọc thép. Và chúng liên tiếp gây chuyện với các trạm gác của bộ đội ta trên dọc đường.

        Ngày mồng 1 tháng Tám, một đoàn xe vận tải nhà binh Pháp từ Lạng Sơn chạy về Hà Nội. Trạm gác của ta ở Cầu Đuống hỏi giấy tờ. Bọn Pháp nói không mang theo. Các đồng chí yêu cầu chúng dừng lại, và điện báo cáo về Ủy ban liên kiểm Việt - Pháp trung ương. Nhưng bọn Pháp cứ cho xe chạy qua cầu. Anh em ta thổi còi bắt dừng lại. Bọn Pháp nổ súng làm cho năm chiến sĩ vệ quốc quân cùng hai người dân bị trúng đạn. Bộ đội ta bắn trả. Chiếc xe lao vội qua cầu, phóng về phía Gia Lâm.

        Chúng ta biết rõ bọn phản động Pháp đang cố tạo nên những chuyện rắc rối để phá vỡ cuộc đàm phán vốn đã gặp rất nhiều khó khăn tại Phôngtenblô. Vấn đề quan trọng lúc này là Bác và phái đoàn ta đang còn ở ngay trên đất Pháp. Trước những hành động khiêu khích của quân Pháp, ta một mặt kiên quyết đối phó, một mặt cố gắng tìm cách dàn xếp. Tuy nhiên, nhân dân ta căm thù giặc Pháp từ lâu, trước những hoạt động khiêu khích của binh lính Pháp, thường chống lại ngay, nhất là khi kẻ địch đã gây ra thiệt hại tới sinh mệnh và tài sản của đồng bào.

        Hai hôm sau vụ khiêu khích ở Cầu Đuống, ngày 3 tháng Tám, một đoàn hai mươi chiếc xe của Pháp chạy từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Qua cầu Đuống, lính Pháp chĩa súng bắn lung tung trên dọc đường. Cách Bắc Ninh hai kilômét, chúng bắn vào một trạm gác của ta. Một chiến sĩ vệ quốc quân hi sinh. Đoàn xe tiếp tục chạy vào thị xã Bắc Ninh, vừa chạy vừa nổ súng. Bộ đội và tự vệ ta bắn trả. Cuộc xung đột kéo dìa từ 7 giờ 30 sáng đến trưa.

        Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội không những không cùng ta tìm cách giải quyết mà còn điều thêm một đoàn quân tiếp viện có nhiều xe bọc thép đi kèm. Dọc đường, lính Pháp bắn cháy nhiều nhà ở Cầu Đuống, Yên Viên, Từ Sơn. 10 giờ sáng, bọn này tới Bắc Ninh làm cho cuộc xung đột càng mở rộng. Buổi chiều, Ủy ban liên kiểm Việt - Pháp trung ương tới can thiệp không có kết quả.

        Mồng 4 tháng Chính, viên quan tư người Pháp chỉ huy cuộc hành quân yêu cầu chính quyền ta ở Bắc Ninh để cho quân Pháp vào đóng ở trại lính khố xanh cũ. Ta bác bỏ đồi hỏi vô lí đó. Vài giờ sau, 4 chiếc máy bay Pháp tới ném bom vào trong thành và những nhà dân. Quân đội Pháp vẫn không chịu rút khỏi thị xã.

        Ngày mồng 6, Cơrêpanh, ủy viên cộng hòa Pháp ở miền Bắc, được ủy quyền thay Xanhtơni đã về Pháp, tới Bắc Bộ Phủ gặp chúng tôi. Y phản kháng ta đã gây nhiều thiệt hại về sinh mạng cho binh lính Pháp tại Bắc Ninh. Chúng ta nói: Vụ xung đột này xảy ra là do sự khiểu khích của quân đội Pháp. Phía Việt Nam đã đồng ý cử một ủy ban hỗm hợp đến điều tra tại chỗ để giải quyết. Việc rắc rối kéo dài vì quân đội Pháp không chịu rút khỏi thị xã Bắc Ninh, vi phạm nghiêm trọng những điều đã kí kết trong Hiệp định.

        Cơrêpanh nói:

        - Nếu các ông cứ để cho những hành động như thế này tiếp tục thì nhất định sẽ đánh nhau thội.

        Câu nói của y có vẻ là một lời dọa dẫm. Tôi đáp lại:

        - Các ông biết rõ nguyên nhân của các vụ xung đột này, kẻ chịu trách nhiệm chính là quân đội Pháp. Chúng tôi đã nhiều lần tỏ rõ thiện chí. Các ông muốn hòa bình thì sẽ có hòa bình, muốn chiến tranh thì sẽ có chiến tranh.

        Trước thái độ kiên quyết của ta, Cơrêpanh đấu dịu, nói qua chuyện khác. Y ngỏ ý muốn chuyển giúp ta một số gạo từ Nam Bộ ra.

        Cuộc xung đột ở Bắc Ninh lập tức được Đácgiăngliơ xuyên tạc và khuếch đại, báo cáo về Pari như một sự biến gây nhiều tổn thất cho quân đội Pháp, “liên can đến trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam”.

        Vài ngày sau, những vụ khiêu khích mới lại nổ ra dọc biên giới Việt-Hoa. Mồng 10 tháng Tám, quân Pháp vô cớ tiến công bộ đội ta ở Tiên Yên, Đầm Hà. Ngày 13, chúng đưa bọn thổ phỉ về đóng tại Lạng Sơn. Chúng khiêu khích đồng bào ta ở Vịnh Hạ Long và vùng ven biển Hòn Gai. Cùng thời gian, lại có tin quân Pháp từ Sơn La tiến xuống phía nam. Không lâu trước đó, Đácgiăngliơ đã để lộ ý muốn lập ngay tại miền Bắc một “nước cộng hòa Nùng Thái”, cùng một kiểu với “nước cộng hòa Tây Kỳ” ở Tây Nguyên. Những hoạt động của địch cùng lúc xảy ra chạy dài theo biên giới, từ vùng bển đến miền núi, từ Đông sang Tây, nói lên âm mưu này đang bắt đầu.

        Ngày 18 tháng Bảy, Lơcléc, viên tướng Pháp tỏ ra ít nhiều thức thời trong vấn đề Việt Nam, đã về Pháp. Người được Chính phủ Pháp chỉ định thay thế Lơcléc là Vanluy. Trung tuần tháng Tám, Vanluy rời Hà Nội. Cho đến lúc đó, mặc dù những vụ khiêu khích của quân Pháp đã liên tiếp nổ ra, Vanluy vẫn giữ một thái độ mềm mỏng. Tới Sài Gòn, y còn điện ra cảm ơn ta về một cuộc tiễn đưa và chúc tình giao hảo thân thiện giữa nước Việt Nam và nước Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 10:50:04 am »


XXII

        Mồng 2 tháng Chính năm 1946.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa đầy một tuổi.

        Những người dân đầu tiên xây dựng nền cộng hòa dân chủ tự tay trang điểm nhà cửa, đường phố chào mừng năm đầu tiên của chế độ mới. Phố xá chìm ngập trong biển cờ và hoa. Đâu đâu cũng thấy cờ, ảnh Bác Hồ, đèn lông, dây hoa và cổng chào.

        Ngày này mùa thu năm trước, cách mạng vừa thành công. Đêm dài thế kỉ của người nô lệ chấm dứt. Bác Hồ về trong ánh bình minh rạng rỡ của đất nước, mở đầi kỉ nguyên mới của Độc lập, Tự do. Một năm đã trôi qua với bao nhiêu biến cố lịch sử. Một năm đã nói lên sức sống của chế độ dân chủ cộng hòa, nói lên tài chèo lái của người đã đưa con thuyền Tổ quốc vượt qua bao nhiều ghềnh thác hiểm nghèo. Hôm nay, những người chủ mới của đất nước đã hiểu mình là ai, hiểu rõ trách nhiệm của mình, biết rõ khả năng của mình… Con đường cách mạng trước mắt còn dài và lắm gian nan. Nhưng ngọn lửa của hi vọng và niềm tin ngày càng rực sáng.

        Ngày kỉ niệm Quốc khánh đầu tiên đến trong lúc Bác Hồ đi xa. Nhưng lời Người dặn lại trước lúc lên đường đã được toàn dân ra sức thực hiện. Cuộc đàm phán giữa ta và Pháp đang trải qua những giờ phút rất khó khăn. Sắp đến ngày lễ, Hồ Chủ tịch đã gửi điện về nhắc nhở đồng bào hết sức tránh va chạm với người Pháp, để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc nói chuyện hiện nay giữa các đoàn đại biểu.

        7 giờ sáng, một hồi còi vang lên. Cả Thủ đô quay mặt về phương Nam, hướng về phần đất nước đang chiến đấu. Một phút im lặng để tưởng nhớ những người đã hi sinh vì nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa tròn một tuổi thì miền Nam của đất nước cũng sắp trải qua một năm chiến đấu. Ngày đầu khó khăn đã qua. Cuộc rút lui tạm thời trước sức tiến công ồ ạt của kẻ thù chấm dứt. Cả miền Nam đã lớn lên sau một năm chiến đấu, vùng dậy quật trả kẻ địch; chúng ngày càng có thêm nhiều sơ hở vì mở rộng phạm vi chiếm đóng và chia sẻ lực lượng kéo ra Bắc. Đoàn quân viễn chinh địch, lúc đầu, từ Sài Gòn tỏa về các đô thị rồi lan ra vùng nông thôn. Bây giờ, chúng đang bị đẩy lùi khỏi vùng nông thôn rộng lớn về các đô thị, đến tận Sài Gòn. Địch đã phải thú nhận chúng không kiểm soát được gì ngoài tầm súng những tên lính gác, ảo vọng của một số ngài chỉ huy quân sự Pháp về một cuộc đánh nhanh thắng nhanh tan vỡ. Miền Nam đã biết cách đánh địch, đang làm quân viễn chinh Pháp sa lầy vào một cuộc chiến tranh lâu dài.

        Mở đầu này vui lớn hôm nay, cả nước hướng về miền Nam, biết ơn miền Nam một năm qua đã chứng minh sức mạnh của chế độ mới, sức mạnh không thể nào khuất phục được của cả một dân tộc đã thức tỉnh, cầm vũ khí nhất tề đứng lên chiến đấu cho độc lập, tự do. Mở đầu cho ngày vui lớn này, cả nước đang giữ trọn lời thề sắt son, chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc.

        Dứt hồi còi, những dòng người trên các đường phố lại cuồn cuộn đổ về phía hồ Hoàn Kiếm, nơi sáng nay sẽ có một cuộc duyệt binh nhân ngày Quốc khánh. Một lễ đài lớn đã được dựng lên tại vườn hoa Chí Linh. Năm ngoái, trên lễ dài ngày 2 tháng Cính, ở vườn hoa Ba Đình, Hồ Chủ tịch cùng với Chính phủ ra mắt đồng bào. Người dân lần đầu được gặp Hồ Chủ tịch và những người lãnh đạo mới. Chính phủ còn là Chính phủ lâm thời, khách khứa nước ngoài hôm đó chưa có ai. Năm nay, thay mặt Hồ Chủ tịch trên lễ đài là cụ quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, cùng với các bộ trưởng trong Chính phủ do toàn dân bầu ra, đã trở thành quen thuộc với đồng bào. Ngoài ra còn có các đại biểu Anh, Mỹ, Hoa, Pháp… Moóclie cùng với một số võ quan Pháp đến dự lễ. Ban tổ chức dẫn họ vào vị trí đã quy định như những người khách nước ngoài khác. Ủy viên cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương, một người đã sống nhiều năm trong thời kì hoàng kim của chế độ thực dân, không tỏ vẻ khó chịu.

        Sau khi nghe Nhật lệnh của Quân ủy hội gửi bộ đội và dân quân, tự vệ, các lực lượng vũ trang bắt đầu cuộc biểu dương lực lượng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM