Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:37:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33697 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2016, 04:56:26 am »


        Tháng Ba năm 1946, Đảng mở Trường Quân chính Bắc Sơn. Tháng Năm, Bộ Quốc phòng khai giảng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Tháng Sáu, Ủy ban kháng chiến miền Nam mở Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi. Các trung đoàn cũng tổ chức trường quân chính bổ túc và đào tạo cán bộ trung đội, tiểu đội.

        Nội dung giáo dục chính trị có: Tình hình nhiệm vụ, chính sách Việt Minh, cộng sản sơ giải, sơ lược về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, công tác chính trị trong quân đội cách mạng. Trường Quân chính Bắc Sơn được các đồng chí Trung ương tới trực tiếp giảng các bài chủ yếu.

        Về quân sự, các trường huấn luyện chiến thuật du kích và động tác đội ngũ, động tác chiến đấu từ cá nhân lên tới đại đội. Chiến thuật du kích học theo tài liện: “Cách đánh du kích” được soạn từ hồi đánh Nhật ở chiến khu. Về cách đánh chính quy, vì chưa có kinh nghiệm, còn phải học góp nhặt chiến thuật của nước này, nước khác.

        Ngày 22 tháng Năm năm 1946, Bác lên Sơn Tây dự lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Tự vệ, thanh niên của tỉnh ra đón Bác, đứng dàn suốt dọc đường.

        Trên chiếc sân rộng của nhà trường, học sinh quân mặc quân phục ka ki đồng màu, tập hợp chờ nghe Hồ Chủ tịch huấn thị.

        Sau khi căn dặn các học viên phải thực thà đoàn kết, cố gắng học tập, kết sức tôn trọng kỉ luật, Bác nói: “Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta…”.

        “Trung với nước, hiếu với dân”, câu nói của Người giờ đây đã trở thành lịch sử. Ngay từ những ngày còn thơ ấu, quân đội ta đã được Người chỉ rõ ranh giới gạch ròi giữa những quân đội cũ từng xuất hiện trong lịch sử và quân đội mới của cách mạng. Lời nói lịch sử đó được thêu thành những chữ vàng trên lá quân kì dẫn đường các chiến sĩ ta tiến lên hoàn thành những nhiệm vụ vẻ vang. Trăm trận đánh trăm trận tháng.

        Từ những ngày cuối tháng Mười Một năm 1945, tình hình rất căng thẳng, các hoạt động của Đảng tạm rút vào bí mật, Bác đã nêu ý kiến với Thường vụ là đồng thời với việc chăm lo củng cố và mở rộng Mặt trận Việt Minh, cần tổ chức một mặt trận dân tộc thống nhất thật rộng rãi để thu hút tất cả những tầng lớp và những cá nhân đến lúc đó còn đứng ngoài Việt Minh. Tư tưởng đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết được để chống lại kẻ thù là một tư tưởng lớn, quán xuyến trong suốt quá trịnh hoạt động cách mạng của Người.

        Bác đề nghị đặt tên cho tổ chức mới này là Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của hội là: độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội đều có thể tham gia vào hội. Các đảng phái đấu tranh cho độc lập và dân chủ đều đứng trong Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam. Về cách gọi tên hội, Bác nói có thể gọi tắt là Liên Việt cho dễ nhớ, cũng như trước đây ta đã gọi Việt Nam độc lập đồng minh hội là Việt Minh.

        Ngày 27 tháng Năm, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập. Hồ Chủ tịch được bầu làm Chủ tịch danh dự. Ban chấp hành hội do cụ Huỳnh Thúc Kháng là Chủ tịch, Bác Tôn làm Phó chủ tịch. Các đoàn thể chính trị tham gia Liên Việt gồm có: Việt Minh, Đảng Dân chủ, Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng. Các đoàn thể tôn giáo, công đoàn cũng đứng trong hội. Ngoài ra, còn có nhiều cá nhân yêu nước trước đây chưa ở đoàn thể nào, giờ cũng vào Liên Việt. Mặt trận thống nhất dân tộc được mở rộng theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch từ đó đã ngày càng phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và dân chủ của nhân dân ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:22:40 am »

         
XI

        Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ tịch và Đácgiăngliơ trên Vịnh Hạ Long, đầu tháng Tư, hãng thông tấn Roitơ đưa tin: Đácgiăngliơ được cử làm người cầm đầu phái đoàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa… Thành phân của phái đoàn này gồm có đại biểu của các bộ kinh tế, tài chính, quốc phòng và bộ thuộc địa…

        Nếu tin này đúng thì đây là một âm mưu của bọn phản động Pháp. Đácgiăngliơ là tín đồ trung thành của chủ nghĩa thực dân cũ xấu xa nhất. Cuộc nói chuyện giữa chúng ta với y sẽ không thể nào dẫn tới kết quả tốt. Việc chúng đưa đại biểu bộ thuộc địa vào trong phái đoàn có hàm ý: Việt Nam vẫn bị coi như một thuộc địa của Pháp.

        Báo chí ta lập tức lên tiếng tố cáo đây là thủ đoạn của bọn phản động nhằm phá hoại Hiệp định. Chúng ta đòi cuộc đàm phán chính thức cần được tiến hành ở Pari theo nguyên tắc bình đẳng. Người Pháp phải từ bỏ ý định cử vào trong phái đoàn này một đại biểu của bộ thuộc địa. Người có quyền thay mặt cho Chính phủ Pháp trong cuộc nói chuyện với nước Việt Nam đã tự giải phóng phải là người trong bộ ngoại giao Pháp… Tin của hãng Roitơ không được xác nhận, cũng không bị cải chính.

        Bác và các anh bàn việc tổ chức các phái đoàn đi Pháp và đi Đà Lạt. Phái đoàn Quốc hội đi thăm hữu nghị quốc hội và nhân dân Pháp do anh Đồng làm trưởng đoàn. Tôi được chỉ định là Phó trưởng đoàn trong phái đoàn Chính phủ tới Đà Lạt để dự cuộc đàm phán trù bị.

        Đoàn này do Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ liên hiệp làm Trưởng đoàn.

        Ngày 16 tháng Tư, hai phái đoàn cùng lên đường một lúc. Phái đoàn đi Đà Lạt khởi hành từ Bắc Bộ Phủ lúc 6 giờ sáng. Bác có mặt từ sớm để tiễn đưa đoàn. Một lần nữa, Bác nhắc cúng tôi: “Cần đặt vấn đề Nam Bộ và vẫn đề đình chiến lên đầu chương trình nghị sự”. Bác bắt tay từng người trước khi ra đi.

        Trời mưa lâm thâm. Phố xá còn yên tĩnh. Vì đồng bào được báo giờ lên đường của hai phái đoàn quá muộn nên không kịp đi tiễn. Từ mấy ngày hôm trước, khắp nơi đã tổ chức những cuộc mít tinh lớn để ủng hộ các phải đoàn sắp sửa lên đường.

        Một số nhà báo kéo đến phỏng vấn phái đoàn về triển vọng của cuộc đàm phán. Thực khó trả lời. Mọi câu trả lời còn ở phía trước. Ta muốn đi đến một giải pháp chính trị với Pháp nếu Pháp thành thật thi hành những điều đã cam kết, tôn trọng những quyền cơ bản của nước Việt Nam tự do. Nhưng sự thành công của cuộc đàm phán không chỉ tùy thuộc vào ta mà còn ở cả đối phương. Cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng tiến bộ và phản động tại Đông Dương và tại nước Pháp đang diễn ra gay gắt. Những dấu hiệu đầu tiên không hứa hẹn gì nhiều. Đã có tin phái đoàn đàm phán của Pháp do Mắc Ăngđơrê làm trưởng đoàn. Chính phủ Pháp đã chịu làm theo yêu cầu của ta cử những người thay mặt từ nước Pháp sang. Nhưng Mắc Ăngđơrê lại là người của nhà băng, một người thuộc phong trào cộng hòa bình dân. Phong trào này vốn là đảng thiên chúa giáo Pháp trước kia. Cầm đầu phong trào là những đại biểu của giới tư bản lũng đoạn có mối liến hệ chặt chẽ với Mỹ và tòa thánh Vanticăng. Với một người đối thoại như vậy, không thể trông đợi hội nghị sẽ diễn ra một cách thuận buồm xuôi gió. Còn về phía ta, thành phần phái đoàn đàm phán không thuần nhất. Nguyễn Tường Tam, tháng trước đã không chịu kí tên vào bản Hiệp đinh. Đến giờ phút chót, Vũ Hồng Khanh phải kí thay. Ngoài ra, một số đại biểu Nam Bộ, tên đã được công bố trong danh sách phái đoàn, nhưng vào giờ phút lên đường vẫn chưa có mặt.

        7 giờ, máy bay cất cánh. Từ trên cao nhìn xuống, dưới các tầng mây, lúc là màu xanh ngọc lấp lánh của biển với những gợn sóng trắng, lúc là màu xanh lá cây rậm rì của núi rừng Trường Sơn trùng điệp. Có lúc là một dòng sông vàng rực ánh mặt trời, quanh co lượn khúc. Người xưa nói: Non sông gấm vóc. Đó chính là hình ảnh đất nước của ta hiện ra dưới cánh bay.

        Ngày hôm dó, chúng tôi chỉ tới được Pắc Xế. Chiếc đakôta dừng lại đây để lấy xăng, nhưng khí sắp cất cánh đi tiếp thì máy móc trục trặc. Đoàn phải ở lại chờ máy bay dự bị ở Sài Gòn lên thay. Chúng tôi đi dạo quanh các phố, vào thăm một ngôi chùa cổ, rồi ra bờ sông Mê Công. Dòng sông rộng, đỏ quánh phù sa chia đôi hai nước Lào, Thái Lan, ở cả đôi bờ đều là những dải đất bằng phẳng. Việt kiều trong thành phố nghe tin phái đoàn Chính phủ qua, kéo đến thăm rất đông. Những cuộc gặp gỡ không chờ đợi, rất cảm động.

        Ngày hôm sau, máy bay bay tiếp đến Đà Lạt. Xuống sân bay, thấy thời tiết khác hẳn. Khi chúng tôi ở Pắc Xế, trời nóng bức. Không khí ở đây thì mát lạnh như một ngày cuối thu. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát, một thành phố du lịch dành cho người Pháp và những người Việt Nam thuộc giới gọi là “thượng lưu”. Khắp nơi đều thấy những biệt thự lớn, nhỏ, những khách sạn, những con đường để dạo chơi ngắm cảnh. Chung quanh thành phố là những đồi thông nối tiếp. Một thành phố xinh đẹp.

        Đoàn ta ở khách sạn Lang Biang. Khách sạn này trông ra một cái hồ yên tĩnh, có những hàng cây bao quanh. Hồ đẹp, nhưng lại mang tên do người Pháp đặt là hồ Than Thở (Lac des soupirs). Bên kia hồ là núi.

        Ngày 18 tháng Tư, hồi 9 giờ sáng, phía Pháp cử người tới báo với ta: 10 giờ 15 phút, Đácgiăngliơ sẽ gặp các trưởng đoàn của hai phía tại dinh thự của y, sau đó viên cao ủy sẽ gặp cả hai phái đoàn đẻ giới thiệu phái đoàn Pháp  và trưởng đoàn mới được chỉ định là Mắc Ăngđơrê. Việc này phía Pháp không hề bàn bạc trước với ta. Viên đô đốc đã chơi lối trịch thượng. Y muốn lấy danh nghĩa cao ủy Pháp để tiếp hai đoàn đại biểu trong một dinh thự của liên bang Đông Dương. Người Pháp còn nói thêm, sau khi các đoàn đại biểu gặp nhau thì cao ủy sẽ khai mạc ngay phiên họp toàn thể đầu tiên. Việc này cũng do phía Pháp tự ý định ra. Lẽ tất nhiên, chúng ta không thể tán thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:23:53 am »


        Để đáp lại, chúng ta cử đồng chí thư kí của phái đoàn sang báo với phía Pháp là trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị gặp Đácgiăngliơ để thương lượng về những vấn đề do phía Pháp vừa nêu ra.

        10 giờ, phái đoàn Pháp đã có đủ mặt tại dinh thự của Đácgiăngliơ. Phóng viên các báo cũng kéo tới đông. Tất cả cứ ngồi đó đợi ta đến 11 giờ trưa. Đoàn ta kiên quyết bác bỏ cuộc gặp mặt trịch thượng của ông đô đốc. Không khí trở nên căng thẳng.

        Phía Pháp thấy khó xử, bèn nghĩ ra một cách giải quyết cho đỡ bẽ mặt là mời đoàn ta tới dự một bữa tiệc. Thế là cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai phái đoàn và ông cao ủy diễn ra quanh bàn ăn. Đácgiăngliơ hết cơ hội lấy danh nghĩa cao ủy để khai mạc hội nghị.

        Tôi gặp Đácgiăngliơ lần đầu. Ông thầy tu phá giới này có cặp mắt nhỏ sắc sảo, tinh ranh nằm dưới vầng trán đầy nếp răn, và đôi môi mỏng dính. Ngồi với y một lát đã thấy ngay y là một con người từng trải và xảo quyệt, tự phụ và nhỏ nhen. Một con người như vậy chỉ có thể là con người của dĩ vãng, của chính sách thực dân.

        Đácgiăngliơ tự khoe là đã biết nhiều về chúng tôi. Y hỏi thăm tôi về gia đình, về những năm hoạt động bí mật, về thời kì Nhật khủng bố và hẹn sẽ còn gặp để nói chuyện nhiều. Y rủ tôi chủ nhật tới sẽ cùng đi trèo núi. Hai bên cũng đề cập đến tương lai cuộc bang giao Việt - Pháp. Tôi nói: “Thế nào cũng còn gặp nhiều khó khăn nhưng đó là những khó khăn để mà vượt qua.Chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn đố nếu có được sự cố gắng của cả hai bên”.

        Trong câu chuyện, Đácgiăngliơ nói có người đã gọi y là “con người của im lặng và khổ hạnh”. Chắc viên cao ủy muốn khoe mình vốn là một nhà chân tu. Thực ra, y là một chính khách nham hiểm hơn là một kẻ thủ hành.

        Qua cuộc gặp này, hai bên thỏa thuận sẽ họp phiên toàn thể vào ngày hôm say. Phiên khai mạc sẽ do người của phái đoàn Việt Nam chủ tọa. Đây là sự nhượng bộ đầu tiên của Pháp. Nhưng sự nhượng bộ này hoàn toàn không có ý nghĩa là những khó khó khăn đã giảm bớt, đôi bên đã nhích lại gần nhau hơn.

        Hội nghị đàm phán trù bị giữa Việt Nam và Pháp họp phiên toàn thể đầu tiên vào sáng ngày 19 tháng Tư tại trường trung học Yécxanh. Trong đoàn Pháp có mặt nhiều viên quan cai trị cũ như: Métxme, Bútxkê, Pinhông… Một số người đã tới Đông Dương từ hồi đầu Cách mạng tháng Tám. Riêng Métxme, được thả dù xuống miền Bắc hồi tháng Chín năm 1945, bị dân quân ta bắt nhưng sau đó đã trốn thoát.

        Ngày 20 tháng Tư, tiểu ban chính trị họp. Cúng tôi đòi phải ghi ngay vào chương trình nghị sự vấn đề thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho cuộc đàm phán, và ván đề đình chiến tại Nam Bộ. Phía Pháp bắt đầu có những luận điệu quanh co. Họ lẩn tránh yêu cầu của ta bằng cách nói những vấn đề này vượt quá thẩm quyền của hai phái đoàn. Ta đã viễn những cơ sở pháp lí của Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba và những lẽ phải thông thường buộc Pháp phải nhận. Tranh cãi hồi lâu, Pháp nhượng bộ một phần. Họ đồng ý ghi vấn đề: “Thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho cuộc đám phán”. Ta đòi phải ghi cả vấn đề định chiến tại Nam Bộ.

        Trong giờ giải lao, người Pháp bàn bạc với nhau. Khi cuộc họp tiếp tục, Pinhông, cố vấn chính trị của phái đoàn Pháp, lại nói là họ không có đủ quyền hạn để xét vấn đề đình chiến tại Nam Bộ. Chúng tôi hỏi lại Pinhông:

        - Ông hãy cho biết phái đoàn Pháp có đủ quyền hạn để thảo luận những vấn đề ghi trong Hiệp định mồng 6 tháng Ba không?

        Pinhông đáp lại một cách miễn cưỡng:

        - Có.

        - Vậy trong Hiệp định phải chăng là đã ghi: “Hai chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ cuộc xung đột”?

        Người Pháp bị đẩy vào một thế lúng túng. Chờ đến hết giờ là việc buổi sáng, họ vẫn chưa tìm ra cách trả lời. Vấn đề đành để gác lại.

        Buổi chiều, tôi đi dạo một lát trên bờ suối Cam Ly. Đã có thể thấy rõ thái độ phản động của người Pháp. Không thể trông đợi gì nhiều ở cuộc đàm phán này. Dù sao, cuộc thương lượng giữa ta và Pháp vẫn còn tiếp tục… Đường đi ngập lá thông. Bên bờ suối, nhiều hoa sim dại. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành, quang cảnh lại đẹp. Đà Lạt thật là một thắng cảnh của đất nước ta. Chỉ muốn đi mãi trên con đường có gió mát và tiếng thông reo. Trời sắp tối, tôi quay về khách sạn. Ngồi vào bàn làm việc vừa ghi chép thì có tiếng gõ cửa gấp. Tôi chưa kịp đứng dậy, cửa đã mở. Một đồng chí ngó đầu vào, nói vội vàng:

        - Mời anh lên phòng trên, anh Thạch tới rồi!

        Đồng chí Phạm Ngọc Thạch đang chiến đấu tại Nam Bộ. Tên anh đã được công bố trong danh sách của phái đoàn, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là anh sẽ không có mặt trong cuộc đàm phán. Không hiểu anh Thạch đã tìm cách nào tới được đây đúng vào lúc cuộc họp bắt đầu. Bọn Pháp cũng chưa biết anh tới.

        Chỉ một lát sau, cả đoàn, trừ Nguyễn  Tường Tam, đều kéo đến. Người anh Thạch đen sạm, gầy, nhưng rắn rỏi. Chúng tôi ôm chầm lấy anh. Mừng rỡ, cảm động. Giọng nói của anh còn mang khí thế chiến đấu của Nam Bộ. Anh Thạch kể lại chuyến đi tự Sài Gòn lên. Một cuộc đi mạo hiểm. Anh nói về tình hình Nam Bộ, những gương hi sinh dũng cảm của chiến sĩ và đồng bào. Chúng tôi hàn huyên với nhau đến rất khuya.

        Ngày hôm sau, anh Thạch bị bọn Pháp bắt trước khách sạn Parc. Đoàn ta phản kháng mạnh mẽ. Chính phủ ta lên tiếng phản đối việc làm trái phép của Pháp. Đồng bào ở nhiều nơi họp mít tinh đòi Pháp phải trả lại tự do cho anh Thạch. Nhưng anh Thạch chỉ được chúng thả ra sau khi cuộc đàm phán kết thúc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:28:58 am »

       
XII

        Hội nghị tiến hành khẩn trương. Ngoài những phiên hop toàn thể, những phiên họp ở các tiểu ban, còn có nhiều cuộc trao đổi cả ngoại hành lang. Mắc Ăngđơre, Métxme, Buốcgoanh… đôi khi có cả Đácgiăngliơ cũng dự vào những cuộc trao đổi ý kiến không chính thức này. Tuy vậy, trên tất cả các vấn đề được đặt ra, cuộc đám phán hầu như không tiến triển.

        Đoàn ta đã giữ được sự nhất trí trong tất cả các buổi thảo luận. Riêng Nguyễn Tường Tam đã lẩn tránh phần lớn các phiên họp, và cũng ít tham gia và các cuộc bàn bạc trong đoàn.

        Vấn đề đình chiến dây dưa nhiều buổi. Không khí hội nghị trở nên nặng nề. Phía Pháp biết rằng nhất định phái đoàn ta sẽ không bỏ qua. Chúng ta đã nêu lên vấn đề định chiến tại Nam Bộ một cách kiên quyết, và có lí lẽ. Người Pháp tỏ ra khó xử. Buốcgoanh, một chuyên viên về kinh tế ở Đông Dương, phải thốt ra: “Vấn đề đó gây phiền toái cho chúng tôi ghê quá. Họ (ý muốn chỉ chúng ta) rất có lí”. Một vài người Pháp cũng có ý nghĩ như Buốcgoanh.

        Sau mấy phiên họp, người dân ở Đà Lạt bắt đầu bàn tán xôn xao về những lập luận vô lí của phía Pháp. Ngay trong phái đoàn Pháp cũng có người nói thẳng với chúng ta: “Các ông có những nhà biện chứng đáng gờm”.

        Phía Pháp không viện được lí lẽ gì để bác bỏ yêu cầu của ta, nhưng vẫn không chịu ghi vấn đề này vào chương trình nghị sự. Rõ ràng là Pháp không muốn đình chiến tại Nam Bộ.

        Một câu hỏi được đặt ra trong đoàn ta: Nên tiếp tục cuộc đàm phán hay nên cắt đứt?

        Ngày 23 tháng Tư, hai phái đoàn họp phiên toàn thể. Đoàn ta lại đưa ra vấn đề đinh chiến ở Nam Bộ ra trước cuộc họp. Người Pháp có một nhượng bộ. Họ đề nghị thành lập một ủy ban hỗn hợp hạn chế, gồm những người không có chân trong hai phái đoàn hiện nay, để thực hiện ngừng bắn ở Nam Bộ đòng thời giải quyết những vấn đề có tính cấp bách khác. Ủy ban này lúc đầu sẽ đóng ở Đà Lạt, sau đó sẽ đóng ở Hà Nội.

        Ta biết đây là một cách trì hoãn. Tuy nhiên, cũng do sự nhượng bộ này của phía Pháp mà các phiên họp vẫn tiếp tục.

        Cuối tháng Tư, tướng Gioăng, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp trên đường từ Nam Kinh trở về Pari, ghé thăm hội nghị Đà Lạt. Trong cuộc gặp Gioăng khoảng hai mươi phút, tôi đã nói thẳng:

        - Người Pháp phải thực hiện đình chiến ở Nam Bộ theo đúng tinh thần của bản Hiệp định. Nếu không, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Tôi muốn nói với ông điều này với tư cách là một người kháng chiến.

        Ngoài những cuộc tranh luận gay gắt tại tiểu ban chính trị, ở tất cả các tiểu ban quân sự, kinh tế, văn hóa đều có những cuộc tranh cãi giằng co.

        Về kinh tế, ta chủ trương giữ vững những quyền lợi kinh tế có bản của ta, bảo đảm điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển, đồng thời có những nhân nhượng nhất định đối với quyền lợi kinh tế Pháp ở Đông Dương. Những vấn đề được đặt ra trong tiểu ban này là:

        - Vấn đề thuế quan.

        - Vấn đề tiền tệ.

        - Vấn đề những doanh nghiệp hiện tại của Pháp ở nước ta.

        Những bất đồng lớn xoay quanh vấn đề tiền tệ và việc kinh doanh của người Pháp tại Việt Nam.

        Về văn hóa, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận. Ta chỉ còn không đồng ý việc Pháp đòi đặt một số cơ quan văn hóa ở Đông Dương trực thuộc với liên bang và đè nghị dùng tiếng Pháp làm tiếng chính thức thứ hai sau tiếng Việt.

        Về quân sự, qua nhiều buổi trao đổi, không giải quyết được gì. Vấn đề quân sự phải phụ thuộc vào vấn đề chính trị. Không thể nào có được những thỏa thuận về quân sự chừng nào vấn đề chính trị còn chưa giải quyết xong.

        Vấn đề chính trị là cơ bản, gay go, chiếm nhiều thời gian nhất trong suốt quá trình đàm phán.

        Lập trường có tính nguyên tắc của ta là: Nước Việt Nam phải là một nước tự do. Liên bang Đông Dương chỉ mang tính chất kinh tế không được phương hại đến những quyền cơ bản của Việt Nam.

        Về mối quân hệ giữa các nước trong liên bang Đông Dương với Pháp, đoàn ta tuyên bố chấm dứt chế độ toàn quyền. Ta chủ trương tổ chức một liên bang thực tế chỉ có tính chất kinh tế. Đại diện của Pháp ở liên bang chỉ có tính cách một nhân viên ngoại giao. Liên bang Đông Dương sẽ phối hợp về chính sách thuế quan và tiền tệ, về việc đặt kế hoạch kiến thiết cho các nước trong liên bang theo nguyên tắc không làm phương hại đến chủ quyền của các nước.

        Phía Pháp chủ trương viên cao ủy Pháp vừa là đại diện cho liên hiệp Pháp vừa là chủ tịch liêng bang Đông Dương. Họ đòi các ngành tư pháp, ngoại thương, tài chính, hối đoái, vận tại, y tế, các cơ quan nghiên cứu và phát minh về văn hóa, khoa học, kinh tế, viện thống kê, nhà bưu điện và vô tuyến điện, cơ quan phụ trách di dân đều phải thuộc về liên bang… Với chủ trương này, người Pháp đã để lộ rõ ý đồ muốn làm sống lại chế độ toàn quyền trước đây.

        Người Pháp đề nghị Việt Nam công nhận bản tuyên ngôn về quyền lợi của người dân trong liên hiệp Pháp. Ta hoan nghênh nguyên tắc dân chủ của bản tuyên ngôn nhưng chưa công nhận nó. Chính dân chúng Pháp cũng chưa công nhận bản tuyên ngôn này. Thực ra, người Pháp cũng chưa xác định được cái “liên hiệp Pháp” họ đưa ra là thế nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:29:18 am »


        Về ngoại giao, lập trường của ta là Việt Nam sẽ có đại sứ ở Pháp và viên cảo ủy Pháp ở đây là đại diện của Pháp ở Việt Nam. Nước Việt Nam tự do phải có quyền đặt đại sứ ở các nước trong liên hiệp Pháp và ở các nước ngoài. Pháp chủ trương người đại diện Pháp ở Việt Nam là một viên chức Pháp do viên cao ủy Pháp cử ra và nước Việt Nam chỉ có đại diện ngoại giao với các nước khác thông qua liên hiệp Pháp.

        Về vấn đề Nam Bộ, Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba đã đề ra sẽ giải quyết bằng một cuộc trưng cầu ý dân. Ta chủ trương mục đích bỏ phiếu không phải là để hỏi chủ quyền Nam Bộ thuộc về đâu vì lãnh thổ Việt Nam không phải gồm có ba kỳ; cuộc đầu phiếu chỉ nhằm hỏi ý kiến nhân dân Nam Bộ có muốn giữ giới hạn “kỳ” hay không trong khuôn khổ nước Việt Nam thống nhất. Pháp chủ trương đầu phiếu để hỏi cả chủ quyền Nam Bộ thuộc về đâu.

        Theo quan điểm của ta, và đó cũng là lẽ đương nhiên, cuộc trưng cầu ý dân chỉ tiến hành ở Nam Bộ. Nhưng Pháp đòi phải bỏ phiếu ở cả Trung Bộ và Bắc Bộ để hỏi chủ quyền từng kỳ thuộc về đâu.

        Muốn cho cuộc bỏ phiếu được hợp pháp, công bằng, ta chủ trương bảo đảm tự do cho những người dân bỏ phiếu. Ta đề nghị một chế độ chấp chính tạm thời của một hội đồng ba mươi người ở Nam Bộ. Hội đồng bầu lên ủy ban chấp hành, có nhiệm vụ trong một thời gian ngắn thực hiện đình chiến triệt để, thả hết tù chính trị, đình chỉ hết khủng bố, làm cho các tổ chức chính trị của nhân dân đươc hoạt động tự do. Phía Pháp trả lời một cách mơ hồ là sẽ bảo đảm tự do cho cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; họ không đồng ý để người Việt Nam tham gia vào việc chấp chính hiện thời ở Nam Bộ.

        Lập trường của ta và của Pháp rõ ràng là khác xa nhau. Những người thay mặt cho nước Pháp mới tới dự cuộc đàm phán đã tỏ ra rất lạc hậu trước tình hình đã đổi thay tận gốc trên bán đảo này. Họ vẫn còn mang nặng tư tưởng chủ nghĩa thực dân cổ truyền của đế quốc Pháp. Trưởng  phái đoàn của Pháp là Mắc Ăngđơrê ngày càng bộc lộ bản chất phản động. Có lần trong một bữa tiệc, y đã nói: “Với Việt Nam, người Pháp đã tỏ ra rất rộng rãi, Pháp nhượng bộ như thế là đã quá lắm rồi, không thể cứ nhượng bộ mãi, không thể theo truyền thống Muyních”.

        Cũng vào những ngày đầu tháng Năm này, tại Pháp, bản dự thảo hiến pháp mới đã bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân. Đây lại là một khó khăn lớn nữa đối với phong trào đấu tranh cho các quyền dân chủ ở nước Pháp. Phái hữu đã giành được môt thắng lợi. Bọn phản động Pháp ở thuộc địa sẽ ngóc đầu dậy. Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

        Ngày 10 tháng Năm, lại họp phiên toàn thể. Đoàn ta tiếp tục nêu lên chủ trương của mình về việc thực hiện trưng cầu ý dân tại Nam Bộ. Các đại biểu Pháp vẫn giữ thái độ ngoan cố. Chúng ta đã nói thẳng với họ là một số người Pháp có âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, âm mưu đó không thể dung thứ, nhất định sẽ thất bại. Sau một cuộc tranh luận gay go, cả đoàn ta đứng dậy bỏ phòng họp.

        Đêm hôm đó, sau buổi hội ý trong đoàn, tôi thức khuya. Nhìn ra cửa sổ trời tối đen. Không còn nhận ra đâu là hồ, đâu là núi. Những  quả đồi thông xinh đẹp, những cánh rừng hoang vu của cao nguyên Lang Biang chìm trong bóng đêm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta, của các chiến sĩ du kích trong những mỏm núi cao, những khu rừng rậm nơi xa kia đang tiếp tục và sẽ còn phải tiếp tục. Từ hôm đi đến giờ, chúng tôi vẫn thường xuyên báo cáo tình hình hội nghị với Bác và các anh. Báo chí và đài phát thanh của ta đã phản ánh kịp thời cuộc đấu tranh của phái đoàn ta tại hội nghị. Bác và các anh ở nhà đang theo dõi rất sát diễn biến của cuộc đàm phán. Trong phiên họp sáng nay, tôi đã nói với đoàn Pháp: “Các chiến sĩ Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc chiến đấu giành tự do cho Tổ quốc, chỉ có thể chấp nhận hòa bình trong công bằng và danh dự… Nhân danh một dân tộc đã có hàng ngàn năm tôi luyện trong lao động và đấu tranh, tôi khẳng định với các ông rằng: Ngày nào Nam Bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam Bộ trở về trong lòng Tổ quốc. Nếu tiếng nói của chúng tôi không được đáp lại, bản Hiệp định không được tôn trọng thì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trong tương lai… Lịch sử sẽ chứng minh lời nói của chúng tôi là đúng…”. Chúng ta đã nói với người Pháp những điều cần nói. Nhưng người Pháp vẫn giữ nguyên lập trường thực dân của họ. Ta đã đánh giá thêm được sức chống đối quyết liệt của bọn phản động. Qua cuộc đàm phán này, càng thấm thía một điều: Trong đấu tranh chính nghĩa đòi đôc lập, tự do cho đất nước, ngoại giao nhất thiết phải dựa trên lực lượng của nhân dân. Mỗi người dân Việt Nam cần phải có đầy đủ nghị lực và quyết tâm bồi bổ thực lực của mình. Dân tộc ta phải mạnh. Công việc ngoại giao phải bắt đầu từ đó. Lại nhớ lời Bác nói hôm trước: “Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng; chiêng có to tiếng mới lớn”…

        Phiên họp sáng nay đã trở thành phiên họp cuối cùng của hội nghị Đà Lạt. Dù sao cuộc đàm phán này cũng chỉ mới là cuộc đàm phán tại chỗ có tính cách trù bị. Sợi dây liên lạc giữa ta với Pháp chưa hoàn toàn bị cắt đứt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:34:25 am »


XIII

        Chúng tôi ở Đà Lạt về tới Hà Nội ngày 13 tháng Năm. Phái đoàn Quốc hội ta đi thăm quốc hội và nhân dân Pháp vẫn chưa về. Một tuần sau phái đoàn Quốc hội ta rời Hà Nội, các hãng thông tấn Sài Gòn đưa tin: “Một phái bộ Nam Kỳ đã lên đường qua Pháp để gặp Chính phủ Pháp báo cáo tình hình và xin cho Nam Kỳ tự trị”. Nhóm người này do Nguyễn Văn Xuân cầm đầu. Đây lại là một thủ đoạn mới nữa của viên cao ủy.

        Ngày 18 tháng Năm, báo Cứu quốc xuất bản ỏ Thủ đô có bài “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”.

        Bài báo viết:

        Ngày 19 tháng Năm này, năm mươi sáu năm trước đây (1890) đã ra đời một con người: Hồ Chí Minh.

        Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc…”.

        Bài báo đã nói những cống hiến của Hồ Chủ tịch đối với cách mạng, ca ngợi Người là linh hồn, là hiện thân của Cách mạng Việt Nam và nêu ý nghĩa lớn của ngày 19 tháng Năm.

        Lần đầu tiên, toàn dân tộc Việt Nam được biết ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Người đã có công lớn đối đời cho cuộc sống của nhân dân ta. Chúng ta chuẩn bị tổ chức kỉ niệm ngày sinh của Người. Anh em đều biết ý Bác nên đã làm thật đơn giản.

        Cũng ngày hôm đó, Đácgiăngliơ tới Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, viên cao ủy Pháp đến Thủ đô nước ta. Mục đích của cuộc viếng thăm này cũng mờ ám như những mưu đồ của y. Trong cuộc gặp gỡ ở Vịnh Hạ Long, viên cao ủy thỏa thuận với Hồ Chủ tịch muộn nhất vào ngày 31 tháng Năm, phái đoàn đàm phán chính thức của Chính phủ ta sẽ lên đường sang Pháp. Ngày 31 tháng Năm sắp tới. Tình hình chính trị tại nước Pháp còn bê bối. Các đảng phái đang lao vào cuộc vận động tranh cử. Chức chủ tịch chính phủ lâm thời Pháp trong thời gian tới còn chưa biết vào tay ai. Đácgiăngliơ không muốn để phái đoàn của Chính phủ Việt Nam tới đàm phán ở nước Pháp trong một tình hình như vậy. Mặt khác, các vai tuồng của Xêđin chưa sẵn sàng đề diễn trò “Kam Kỳ tự trị”. Chính phủ Pháp cũng chưa chính thức phê chuẩn giải pháp chính trị của viên cao ủy ở Nam Kỳ. Do những lời lẽ đó, Đácgiăngliơ muốn đề nghị Hồ Chủ tịch hoãn ngày lên đường của phái đoàn ta qua Pháp. Y còn gian ngoan định nhân chuyến ra Hà Nội này, đánh tiếng với ta về việc “nước Nam Kỳ tự trị” sắp thành lập nay mai…

        6 giờ chiều hôm đó, Đácgiăngliơ cùng tướng Vanluy và Cơrêpanh đến Bắc Bộ Phủ để chào Hồ Chủ tịch.

        Cụ Huỳnh, cụ Tố và một vài anh em chúng tôi cùng dự buổi tiếp khách với Bác. Khi nâng cốc chào mừng ông cao ủy, Bác nói:

        - Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp. Sau cuộc hội thương tại Vịnh Hạ Long, hội nghị trù bị tại Đà Lạt và cuộc giao hảo của phái đoàn Quốc hội Việt Nam với quốc hội Pháp tại Pari, hôm nay, với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt - Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới.

        Đácgiăngliơ đáp lại với một thái độ rất nhã nhặn:

        - Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc Chủ tịch trường thọ, và tôi tin rằng từ đây tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa.

        Sáng ngày 19 tháng Năm, các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ tới chúc thọ Bác. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà chúng tôi được quây quần đông đủ quanh Bác vào đúng ngày sinh của Người. Trong mọt bài thơ tưởng niệm Người làm đầu mùa xuân năm 1970, anh Tố Hữu đã viết:

                                       Chắc như thường lệ, Người đi vắng
                                       Để mọi lời ca tặng nước non…

        Bác thường vắng nhà trong những dịp kỉ niệm ngày sinh của mình.

        Bác đã cố gắng từ chối, cố gắng gạt bỏ những vinh quang mà mọi người dành cho riêng Bác. Người không thích nói về những việc của mình và cũng không thích nghe lời ca ngợi công lao của Người.

        Tiếng trống ếch rộn ràng trước cửa Bắc Bộ Phủ. Các cháu đã tới. Bác Hồ ra đón các cháu vào. Hơn một chục em bé gái, trai thay mặt cho toàn thể thiếu nhi nội, ngoại thành đến chúc thọ Bác. Trong các em, có em hằng ngày vẫn phải đi bán báo, có em là trẻ mồ côi ở trường trẻ em mồ côi Hàng Bột. Các em đua nhau gắn huy hiệu măng mọc thẳng lên áo Bác, tặng Bác những chữ “i”, “t” tượng trưng cho phong trào Bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in điều lệ và bài hát của Hội nhi đồng cứu quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:15:26 am »


        Quà của Bác Hồ cho các cháu bé năm đó là một cây bách tán. Bác trỏ cái cây nhỏ lá rất xanh, trồng trong chậu nói:

        - Bác có cây này tặng cho các cháu. Mai sau cái cây này sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!

        Các em vui mừng hát một bài ca cám ơn Bác. Khi các em vừa khênh chậu cây bách tán đi ra thì một đoàn hơn năm chục anh, chị bước vào phòng. Các anh đều bặc quần áo ka ki, các chị vận quần áo bà ba đen. Đây là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc thọ Bác.

        Sau khi nghe lời chúc mừng của các anh, các chị, Bác nói:

        - Tôi xin chân thành cảm ơn các anh, các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình.

        Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác. Các anh, chị Nam Bộ đều rưng rưng nước mắt.

        Lát sau, Ban vận động trung ương Đời sống mới vừa thành lập tháng trước theo sắc lệnh của Bác, các đại biểu đề nghị đề nghị Bác nêu ra cho cuộc vận động mới một khẩu hiệu. Bác nói:

        - Các chú muốn có một khẩu hiệu ư! “Cần kiệm liêm chính”, “Chí công vô tư”. Khẩu hiện đó!

        Một đại biểu đó thưa với Bác khẩu hiệu này đã quen thuộc, xin bác một khẩu hiệu mới cho hợp với cuộc vận động Đời sống mới.

        Bác cười rồi nói:

        - Hằng ngày ta phải ăn cơm, uống nước, phải thở khí trời để mà sống. Những việc đó, ngày sưa ông cha ta phải làm, bây giờ chúng ta phải làm, con cháu ta sau này cũng phải làm. Vậy ăn cơm, uống nước và thở khí trời để đem lại cuộc sống cho con người thì đó là những việc không khi nào trở thành cũ cả. “Cần kiệm liêm chính”, “Chí công vô tư” đối với Đời sống mới cũng như vậy.

        Cũng ngày hôm đó, một phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP tới xin phỏng vấn Bác về cuộc hội nghị đã bị đứt quãng ở Đà Lạt. Bác trả lời:

        - Đại biểu của hai nước đã nói rõ lập trường của mình một cách trung thực, thẳng thắn đôi khi đến tàn nhẫn. Đó là một phương pháp hay. Vì nhờ vậy, bây giờ chúng ta đã hiểu nhau hơn trước. Về một vài điều, hai bên đã thỏa thuận. Vẫn còn có những sự bất đồng ý kiến. Nhưng cuộc hội nghị vừa qua chỉ là một cuộc hội nghị trù bị. Nhiệm vụ của hội nghị ở Pari là phê chuẩn những thỏa thuận đã thực hiện được ở Đà Lạt và dung hòa các quan điểm xung đột nhau. Cuộc xung đột ý kiến không đến nỗi không giải quyết được. Hai dân tộc phải thỏa thuận với nhau để thực hiện một cuộc hợp tác thân thiện. Chúng ta sẽ đặt một nền tảng vững chắc cho cuộc đàm phán sau này.

        Trước những hoạt động phá hoại của bọn phản động Pháp, Người vẫn tìm mọi cách ngăn chặn để nếu không tranh được một cuộc chiến tranh thì ít nhất cũng kéo dài được thời gian hòa hoãn.

        Suốt mấy này ở Hà Nội, Đácgiăngliơ ra sức trình bày với Hồ Chủ tịch nên lui lại một thời gian nữa ngày lên đường của phái đoàn Việt Nam đi sang Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức. Đácgiăngliơ cố chứng minh rằng sở dĩ phải làm như vậy chính là vị lợi ích của cuộc đàm phán và của nước Việt Nam. Trong câu chuyện, Đácgiăngliơ đã khéo đả động tới một “khó khăn” hiện tại là y “không thể cứ tiếp tục cản trở nguyện vọng đòi tự trị của người dân Nam Kỳ”. Y muốn biện bạch trước cho việc làm phản bội của mình nay mai đối với bản hiệp định mồng 6 tháng Ba.

        Tất cả những lời lẽ khôn khéo không che đậy được những mưu mô và những việc làm xấu xa quá lộ liễu của y. Chúng ta biết rõ một ngày chậm đi đến cuộc đàm phán chính thức là thêm một ngày cho Đácgiăngliơ và bọn phản động tại Đông Dương thực hiện chính sách “việc đã rồi”. Bác kiên quyết đòi viên cao ủy phải để nguyên thời hạn lên đường của phái đoàn Việt Nam như đã thỏa thuận từ trước tại Vịnh Hạ Long, chậm nhất là vào cuối tháng Năm năm 1946.

        Công việc thuyết khách làm không xong, ngày 22 tháng Năm, Đácgiăngliơ thất vọng trở về Sài Gòn.

        Các báo chí tại Hà Nội đưa tin: Ngày 31 tháng Năm, phái đoàn Việt Nam sẽ lên đường đi Pháp dự cuộc đàm phán chính thức.

        Thời giờ đối với viên cao ủy không còn nhiều. Mọi cố gắng của bọn phản động ở Sài Gòn là phải đưa kịp lên sâu khấu tấn trò “Nam Kỳ tự trị” trước khi phái đoàn đàm phán của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt chân lên đất Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:20:40 am »


XIV

        Bọn đế quốc phải che giấu bộ mặt xấu xa của chúng trước loài người bằng cách giăng khắp nơi một tấm man dối trá. Khi diện tích thuộc địa Pháp đã rộng khắp hai mươi lần nước Pháp, Cơlêmăngxô, bộ trưởng bộ chiến tranh, một chính khách có tên tuổi, vẫn ra sức chứng minh với thế giới nước Pháp không phải là một đế quốc. Pháp là cường quốc thực dân số 1 biết cách thực dân. Việc bòn rút người dân thuộc địa tới xương tủy, đầu độc họ bằng rượu và thuốc phiện, kìm hãm họ trong tối tăm, qua lời của các nhà thực dân, đã trở thành một sự nghiệp hết sức nhân đạo: khai hóa và đem lại văn minh cho các dân tộc chậm tiến.

        Bọn thực dân và bọn quan cai trị ở thuộc địa thi hành “chính sách của loài đà điểu”1, ra sức vơ vét với một lòng tham không đáy, trực tiếp nhúng tay vào vô vàn tội ác đã quay lại lừa dối đồng bào mình và đôi lúc lừa dối cả những kẻ cầm quyền ở chính quốc. Trong những năm ở nước ngoài, Bác đã thấy rõ điều đó. Đành rằng người dân Pháp không hiểu gì về việc làm của những kẻ thay mặt cho nước Pháp ở nơi xa xôi, nhưng ngay cả nhiều người trong Chính phủ Pháp nhiều khi cũng chỉ hiểu về việc làm của bọn này một cách mơ hồ. Bác đã nhận xét là “giai cấp vô sản ở hai đàng đều không hiểu biết lẫn nhau, nên đã xảy ra những thành kiến” và “chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản không bỏ lỡ dịp lợi dụng sự nghi kị lẫn nhau đó… để ngăn cản việc tuyên truyền và để chia rẽ những lực lượng đáng lẽ phải đoàn kết lại”. Đối với Người, chủ nghĩa đế quốc là “con đỉa hai vòi”, một vòi ở các nước thuộc địa, một vòi ở chính quốc; muốn tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc ta phải cắt cả hai cái vòi của nó.

        Vì muốn xé toang tấm màn dối trá của chủ nghĩa đế quốc, nên từ lâu nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nhà báo, nhà diễn thuyết, có khi thành cả người viết kịch. Riêng về mặt báo chí, Bác đã có những hoạt động phong phú và độc đáo. Những bài báo sắc bén viết bằng chữ Pháp của Người đã lột trần lớp phấn son dày cộp của chủ nghĩa thực dân. Nhưng bọn thồng trị với mọi phương tiện tuyên truyền hiện đại trong tay và những mánh khóe xảo quyệt vẫn không ngừng tung ra vô vàn điều dối trá.

        Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đế quốc Pháp đã tung ra luận điệu: người Pháp trở lại Đông Dương để giải phóng cho dân ở đây thoát khỏi ách nô lệ của phát xít Nhật. Bọn thực dân còn dựng đứng lên rằng chính Việt Minh là tổ chức của những kẻ phiến loạn làm tay sai cho phát xít Nhật. Phái đoàn Quốc hội ta vừa ở Pháp về, cũng cho biết không riêng nhiều người Pháp chưa hiểu ta, mà ngay cả nhiều kiều bào ta ở Pháp cũng chỉ hiểu một cách sơ sài về tình hình nước nhà.

        Trong hoạt động cách mạng, Bác luôn chỉ rõ phải dựa vào sức mình là chính, nhưg đồng thời, Người cũng rất chú ý giành lấy sự đồng tình, giúp đỡ của bạn bè. Người đặt lòng tin sâu sắc ở nhân dân nước mình và Người rất tin vào nhân dân lao động các nước. Ngay sau ngày cách mạng thành công, Bác thường nhắc cần làm thế nào cho nhân dân các nước hiểu cách mạng Việt Nam và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta. Bác đã gặp hầu hết những nhà báo nước ngoài tới thăm Hà Nội. Những nhà báo đã được gặp Bác đều tỏ ra rất cảm phục, và qua Người, họ hiểu chúng ta hơn.

        Với việc kí Hiệp định Sơ bộ, Bác đã nhìn thấy một cơ hội mà ta cần hết sức tranh thủ để mở rộng sự tuyên truyền quốc tế. Chỉ thị của Ban thương vụ Trung ương ngày 9 tháng Ba còn nêu ra: “Liên lạc mật thiết ngay với Đảng Cộng sản Pháp để thực hiện sự hành động chung giữa ta và các đồng chí Pháp”. Trong những năm nước Pháp bị chiếm đóng, những người cộng sản Pháp đã dẫn đầu phong trào nhân dân chiến đấu chống bọn phát xít Đức để giải phóng đất nước. Đảng Cộng sản Pháp đã có uy tín lớn trong quần chúng. Mặc dù vấp phải sức chống trả mạnh mẽ của lực lượng phản động, cuộc đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ ở nước Pháp đang giành được những thắng lợi. Bác hiểu rõ phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp có liên quan mật thiết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta.

        Vì những lí do trên, Thường vụ đã nhận thấy cần đòi Pháp phải mở đàm phán chính thức ở Pari. Cuộc đàm phán mở ra tại Pari chắc chắn sẽ giành được sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ Pháp, sẽ đỡ được sự gây rối của một số tên thực dân và bọn quan cai trị mà quyền lợi gắn liền với chế độ thuộc địa. Dù cho cuộc đàm phán không đạt kết quả mong muốn thì cũng là một dịp để có thêm nhiều người hiểu cách mạng Việt Nam. Điều đó sẽ có lợi cho cuộc đấu tranh lâu dài của ta về sau này.

        Tuy nhiện, chọn Pari làm nơi mở đám phán, ta cũng có những khó khăn. Nhiều đồng chí lãnh đạo phải đi xa trong cùng một thời gian. Cuộc đàm phán chắc sẽ kéo dài trong khi tình hình ở nhà có thể xảy ra những đột biến. Bác đã trao đổi với cấc anh về việc Bác có nên đi Pháp trong dịp đàm phán này không. Trước đây, Bác đã có lần bị bọn phản động Pháp kết án tử hình. Trong trường hợp cuộc điều đình gặp khó khăn, nếu Pháp trở mặt thì không phải không đáng ngại. Sau khi cân nhắc, Bác và các anh nhất trí, Bác sẽ cùng đi với phái đoàn.

-------------------
        1. Lời của Bác đã dùng, dựa theo ngạn ngữ Pháp: “Dạ dày của loài đà điểu”, để chỉ lòng thàm không đáy của đế quốc Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:21:04 am »


        Đoàn đại biểu của ta do anh Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn gồm các anh: Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính… Nguyễn Tường Tam có tên trong phái đoàn nhưng cuối cùng y cáo bệnh không đi. Mấy ngày sau, Quốc dân đảng giải thích Tam làm như vậy là để tỏ thái độ không đồng tình của chúng với việc thương lượng giữa ta và Pháp.

        Bác cùng đi nhưng không ở trong phái đoàn. Bác tới nước Pháp với tư cách là thượng khách do Chính phủ Pháp mời.

        Ngày lên đường của Bác và phái đoàn đã tới.

        30 tháng Năm. Dưới trời mưa tầm tã, năm vạn đồng bào Thủ đô đội ngũ chỉnh tề, kéo tới Việt Nam học xá dự cuộc mít tinh. Mọi người giương cao những khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn tự chủ”, “Đất nước Việt Nam toàn vẹn”, “Ủng hộ Hồ Chủ tịch”, “Ủng hộ phái bộ”, “Gửi lời chào nhân dân Pháp”…

        Lần đầu, trong một chuyến Người đi xa, đồng bào đến tiễn đưa Người.

        7 giờ 30, Bác và phái đoàn cùng tới. Cùng dự mít tinh hôm đó có Xalăng, người đã được cao ủy Pháp chỉ định đi theo Bác trong cuộc hành trình. Bác nói:

        - Theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân, tôi cùng đoàn đại biểu sẽ đi Pari để mở cuộc đàm phán chính thức… Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó, Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc chung, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng, cũng vì mục đích đó. Bất kì bao giờ, bất kì ở đâu, tôi chũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm cho ích nước lợi dân. Lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ cố gắng làm cho khỏi phụ lòng tinh của quốc dân…

        Bác đề ra bốn điều cần làm để giúp cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi:

        - Một là đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ.

        - Hai là ra sức tiết kiệm cho khỏi nạn đói khó.

        - Ba là ra sức giữ gìn trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.

        - Bốn là đối với các kiều dân nước ngài phải tử tế, ôn hòa.

        Suốt buổi chiều và đêm hôm đó, những đoàn xe từ các ngả đường nối nhau chạy vào Hà Nội. Các tỉnh cử đại biểu về Thủ đô tiễn Bác và phái đoàn Chính phủ sớm hôm sau lên đường. Mỗi xe đều mang ảnh Hồ Chủ tịch và dán đầy khẩu hiệu.

        Sáng 31, Bác dậy rất sớm. Người viết một bức thư gửi cho đồng bào Nam Bộ:

        “… Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi!

        Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng yêu nước. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

        Các anh trong phái đoàn đến Bắc Bộ Phủ với trang phục tề chỉnh. Bác ở buồng bên đi ra, vẫn bộ quần áo vải vàng thường ngày, chỉ khác một chút là bữa đó Bác đi một đôi giày da màu đen.

        Tờ mờ sáng, đồng bào mang theo cờ, ảnh nườm nượp kéo sang Gia Lâm. Cờ bay đỏ cầu Long Biên. Thời tiết vẫn xấu. Bầu trời mây phủ kín, dường như cũng chia sẽ nỗi lòng của người dân đất nước sáng nay tiễn Bác đi xa.

        Sân bay đông nghịt người. Hồ Chủ tịch đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người trước khi ra đi.

        Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói:

        - Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn vạn thay đổi).

        Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

        Bỗng Bác gọi các đại biểu trong phái đoàn lại. Các anh tới đứng vây quanh Người. Một phút im lặng trang nghiêm. Bác nói:

        - Anh em chúngta mang trọng trách ra đi, đứng trước mặt quốc dân đồng bào đây, chúng ta phải hứa dù gặp gian nan thế nào, chúng ta cũng phải nhất trí đôàn kết để làm trọn nhiệm vụ đối với Tổ quốc.

        Các anh cùng giơ tay hô to: Xin thề!

        Đất nước tiễn đưa Người ra đi gửi gắm vào Người một niềm tin toàn vẹn.

        Hai chiếc máy bay quân sự chở phái đoàn nối nhau rời sân bay, khuất dần vào nền trời đầy mây.

        Riêng chúng tôi hôm ấy còn có thêm một nỗi lo lắng mà không ai dám nói ra. Hồi đó luôn luôn xảy ra những tai nạn máy bay. Duy Tân khi được Pháp đưa về nước cũng bị tai nạn máy bay ở dọc đường.

        Dường như Bác hiểu rõ nỗi lo âu canh cánh của đồng bào và chúng tôi nên qua mỗi chặng đường Bác lại gửi điện về. Bức điện đầu tiên của Bác đề ngày 2 tháng Sáu năm 1946, khi Bác tới Ấn Độ. Bác viết: “Chúng tôi đã tới Canquýtta, được bình yên cả sau một đêm ngủ ở Pêgu (Rănggun). Hôm tới chúng tôi sẽ lên đường. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:25:53 am »


XV

        Hồi tháng Tư, tổng tham mưu trưởng Pháp là Gioăng trên đường đi Trùng Khánh, dừng chân ở Canquýtta. Đácgiăngliơ ngầm cử người đem thư cho Gioăng yêu cầu triệu hồi Lơcléc với lí do là viên tổng chỉ huy không chịu tuân lệnh cấp trên. Vì có đề nghị này, Gioăng đã phải quyết định Lơcléc về làm tổng thanh  tra quân đội Pháp ở Bắc Phi. Thế là viên đô đốc đã gạt xong đối thủ chủ yếu của mình tại Đông Dương để có toàn quyền hành động.

        Tuy bọn phản động Pháp ở Sài Gòn đã tìm mọi cách để trì hoãn cuộc hành trình, nhưng hai chiếc máy bay chở Bác và phái đoàn đã ở trên đường bay tới thủ đô nước Pháp. Thời giờ đối với viên cao ủy đã trở nên cấp bách. Y chỉ còn cách tiếp tục chính sách “việc đã rồi”. Đácgiăngliơ không đợi Chính phủ Pháp trả lời, đưa ngay lên sân khấu tấn tuồng “Nam Kỳ tự trị” mà Xêđin đã chuẩn bị rất vội vàng.

        Mồng 1 tháng Sáu, chỉ ngày sau hôm Bác lên đường, cái gọi là “chính phủ lâm thời của nước cộng hòa Nam Kỳ” ra mắt tại Sài Gòn, đứng đầu là đốc tờ Thinh. Để tạo nên sự lẫn lộn trắng đen, cũng có một hiệp định kí giữa người thay mặt nước Pháp với người thay mặt cộng hòa Nam Kỳ. Trong bản hiệp định này, viên cao ủy đã cho sao lại gần như văn bản điều khoản I của Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba: “Chính phủ Pháp công nhận nước cộng hòa Nam Kỳ là một quốc gia tự do có chính phủ của mình, nghị viện của mình, quân đội của mình, tài chính của mình, và là một bộ phận trong liên bang Đông Dương và trong khối liên hiệp Pháp”. Bản hiệp định này cũng được kèm theo một bản phụ khoản. Nếu có điều không thể che giấu được bộ mặt tay sai của cái “chính phủ lâm thời cộng hòa Nam Kỳ” thì đó là ở chỗ nó có một viên cố vấn người Pháp là Xêđin, được tuyên bố công khai là người chịu trách nhiệm về an ninh bên trong và bên ngoài của nước “cộng hòa”.

        Thường vụ nhận thấy rõ ràng là bọn phản động Pháp ở Đông Dương đang trắng trợn đẩy mạnh những hoạt động phá hoại nhằm gây trở ngại cho cuộc đàm phán, nhất là trong khi tình hình nước Pháp không ổn định về mặt chính trị. Cuộc đấu tranh trong những ngày sắp tới chắc chắn sẽ diễn ra rất phức tạp. Chúng ta càng phải hết sức cảnh giác.

        Ta đã biết Đácgiăngliơ sẽ không chịu dừng lại ở đây.

        Buổi sáng ngày 21 tháng Sáu, tôi đang làm việc tại Bắc Bộ Phủ thì có người vào báo Vanluy đến yêu cầu cho gặp.

        Vanluy bước vào, giơ tay chào theo kiểu nhà binh rồi nói luôn:

        - Tôi là một người lính có nhiệm vụ phải chấp hành mệnh lênh của cấp trên. Tôi tới để chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam một bức công hàm.

        Tôi đã nhiều lần gặp và làm vệc với Vanluy trong những cuộc họp bàn về quân sự. Vanluy là một người thâm độc nhưng bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra hòa nhã, cởi mở, lịch thiệp. Trong bữa tiệc tiễn đưa Bác lên đường, Vanluy đã đưa con gái mới từ Pháp sang, tới để giới thiệu. Hôm đó, y tự nhận mình đã già rồi và nói: “Chúng ta hãy để những người trẻ tuổi cùng ngồi với nhau”.

        Thái độ lần này của Vanluy lần này hơi khác thường. Cảm thấy đây lại là một chuyện khiêu khích, tôi nói:

        - Ông hãy đưa bức công hàm cho tôi.

        Vanluy trao tôi phong thư rồi vẫn đứng chờ. Tôi mở thư ra xem. Đó là một bức công hàm gửi cụ quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lời lẽ rất vắn tắt: “Ông cao ủy Pháp ở Đông Dương, đô đốc Đácgiăngliơ đã ra lệnh cho quân đội Pháp chiếm đóng cao nguyện Mọi1 như ông đã nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông ở Hà Nội”.

        Vanluy dường như chăm chú theo dõi thái độ của tôi sau khi xem thư. Đây lại là một bước xâm lược mới của lão thầy tu phá giới nham hiểm. Tôi nói với Vanluy:

        - Nếu ông chỉ tới để làm nhiệm vụ của cấp trên giao, thì công việc của ông đã xong.

        Vanluy ra về.

        Tối hôm đó, chúng ta được tin 4 giờ sáng, Pháp đã bất thần điều quân lên đánh Tu Bông gần Đèo Cả. Máy bay của chúng bay rất thấp, bắn phá. 10 giờ, chúng đổ quân vào Đại Lãnh. Gặp sức chống trả của ta, địch đã phải rút lui.

        Ngày hôm sau, 22 tháng Sáu, Pháp đưa quân đánh các vị trí của ta ở Củng Sơn, bị ta đánh trả, địch lại rút lui.

        Ngày 23 tháng Sáu, quân Pháp đánh úp bộ đội ta ở Pleimedden trên đường từ Plây Ku sang Campuchia.

        Chiến sự đang lan rộng tại Tây Nguyên.

        Mưu mô lấn chiếm vùng Tây Nguyên của Đácgiăngliơ để chuẩn bị tiếp tục cho ra đời một “nước cộng hòa Tây Kỳ” đã rõ ràng. Các lực lượng vũ trang của ta ở Tây Nguyên đã được lệnh kiên quyết đánh trả mọi hành động kẻ cướp của quân đội Pháp. Cụ quyền Chủ tịch gửi công hàm bác bỏ mọi luận điệu xảo trá của Pháp và kiên quyết phản đối việc làm trái phép của chúng. Bức công hàm viết: “Hồ Chủ tịch không bao giờ được người Pháp cho biết trước là người Pháp sẽ chiếm đóng miền Tây Nguyên và Chủ tịch cũng không hề bao giờ, bằng bất cứ cách nào, lại đồng ý cho một sự chiếm đóng như vậy”.

        Cũng trong thời gian này, ngày 25 tháng Sáu tại Hà Nội, xảy ra vụ Pháp cho quân chiếm giữ phủ toàn quyền cũ.

        Từ trước khi Tưởng rút quân khỏi đây, chúng ta và phía Pháp đã nhiều lần trao đổi về việc tiếp quản khu vực này. Vanluy thỏa thuận với ta là sẽ chờ quyết định của cuộc đàm phán chính thức tại Pari. Nhưng khi Lư Hán vừa rời phủ toàn quyền cũ, thì lập tức phía Pháp điều quân đội tới đóng. Ta phản kháng với Vanluy. Vanluy chối quanh, nói rằng đó chỉ là một bộ phận tới để làm công việc bảo quản.

        Pháp lấn chiếm phủ toàn quyền cũ đã gây nên một sự phẫn nộ lớn trong nhân dân.

        “Không thể để cho bọn phản động Pháp, thức dân Pháp được đằng chân lân đằng đầu, phải chặn tay chúng lại”, ngày 27 tháng Sáu, các đảng phái, các đoàn thể kêu gọi đồng bào tổng bãi công, bãi chợ ở Hà Nội, Hải Phòng và các nơi có mặt quân Pháp. Chính phủ ta đồng ý để nhân dân tỏ thái độ phản đối với việc làm trái phép của quân đội Pháp. Riêng các công sở và các ngành điện, nước được lệnh tiếp tục làm việc.

        Ngày phản đối Pháp đã diễn ra cùng một lúc trên tất cả các nơi có quân Pháp đóng. Thái độ kiên quyết của Chính phủ và nhân dân ta làm cho Pháp lo ngại. Vanluy buộc phải tuyên bố quân Pháp tới phủ toàn quyền cũ chỉ là để nhận bàn giao khi quân đội Tưởng rút đi, sau thời gian này, phủ toàn quyền sẽ do quân đội hai bên cùng canh gác cho tới khi có quyết định tại cuộc đàm phán chính thức ở Pari.

-----------------
        1. Tức Tây Nguyên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM