Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:36:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33659 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:59:21 am »


        XXV

        Quốc dân đại hội đầu tiên của nước Viêt Nam dân chủ cộng hòa được triệu tập vào ngày mồng 2 tháng Ba. Đại hội họp sớm hơn một ngày so với thời gian đã định từ trước.

        Tình hình rất khẩn trương. Ban tổ chức đại hội đã chuẩn bị một địa điểm họp thứ hai tại Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Cuối cùng, Thường vụ quyết định đại hội cứ họp ở Hà Nội. Bác đã nói với các đồng chí trong Ban tổ chức phải làm cho tốt và gọn, hoàn thành đươc chương trình đã đề ra và kết thúc trong một buổi.

        Đêm trước, Bác thức khuya, hút thuốc lá nhiều. Sáng nay, mgồi trong xe, Bác vẫn hút thốc. Nét mặt Bác lặng lẽ, bình thản. Riêng đội mắt Bác, rất sáng, nói lên Người đang suy nghĩ. Từ ngày Bác về Hà Nội, đồng bào đã bàn nhiều, về đội mắt của Bác. Đôi con mắt mà người ta đã nhìn thấy có hai chấm sáng qua các tấm ảnh. Bác đamg đêm cả nghị lực, cả thiên tài để cống hiến cho đất nước một quyết định trước một bước ngoặt lịch sử. Ngày nào, khi còn ở trong nhà ngục, Bác đã làm những câu thơ:

                                        “Phải nhìn cho rộng, suy cho kĩ,
                                        Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
                                        Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
                                        Gặp thời, một tốt cũng thành công
1.

        Con thuyền Tổ quốc đang lao tới một ngọn thác cực kì nguy hiểm. Người cầm lái không được phép sai lầm dù chỉ là tơ tóc.

        Nhà hát lớn rực rỡ cờ nước. Lá cờ xuất hiện từ trong cuộc tổng khởi nghĩa Nam Kỳ, thắm máu bao chiến sĩ cách mạng, đã trở thành thiêng liêng, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh quật cường của cả dân tộc. Mấy ngày vừa qua, trong những cuộc hiệp thương, bọn phản động vẫn lớn tiếng đòi phải thay đổi quốc kì và quốc ca. Ta đã cự tuyệt yêu sách của chúng.

        Quốc dân đại hội đã cử hai người thay mặt, một đại biểu cao tuổi nhất, cụ Ngô Tử Hạ và một đại biểu ít tuổi nhất, anh Nguyễn Đình Thi, đứng chờ đón Bác trước cửa Nhà hất lớn.

        Những người của Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng còn ở cả buồng chờ. Một đám người quần áo sang trọng, đứng ngồi lố nhố, ngơ ngác như những con dê lạc bầy. Họ phải chờ sự ưng thuận của đại hội mới được phép vào phòng họp. Họ cố vơ vét đưa đến đủ số người, lấp hết bảy mươi ghế ta đã định đề nghị với Quốc hội dành cho họ.

        Bác mỉm cười, gật đầu chào, rồi dẫn đầu Chính phủ liên hiệp lâm thời bước vào hội trường. Nguyễn Hải Thần cáo ốm không đến họp. Không hiểu có phải vì y ngại nổ ra những cuộc tranh cãi tại đại hội, buộc y phải dùng đến tiếng mẹ đẻ.

        Khóa họp Quốc hội lịch sử này vắng mặt các đại biểu của Nam Bộ đang chiến đấu chưa ra kịp.

        Gần ba trăm đại biểu cùng với nhiều khách và các nhà báo trong nước, ngoài nước, đứng dậy hoan hô không ngớt. Trăm cặp mắt đều đổ dồn về phía ông cụ trán cao, mặc bộ đồ ka ki. Nhiều đại biểu chưa được gặp Bác bao giờ, nhưng đã nhận ngay ra Người. Tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô chỉ dứt khi ban âm nhạc Vệ quốc đoàn mặc đồng phục trắng, bắt đầu cử quốc ca.

        Bác bước đến trước máy phóng thanh. Người đứng im lặng một lát, đưa cặp mắt trìu mến nhìn các đại biểu thay mặt cho các tầng lớp nhân dân miền xuôi, miền ngược về họp đại hội. Bằng một giọng xúc động, Người nói:

        - Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hi sinh tranh đấu của tổ tiên ta. Nó là kết quả của sự đoàn kết toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả những tôn giáo, tất cả các dân tộc, trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, không sợ hi sinh, nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc…

        Bác chuyển lời đề nghị của Chính phủ với đại hội xin mở rộng số đại biểu thêm bảy mươi người nữa, số ghế này dành cho Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội. Lời đề nghị này được đại hội chấp thuận.

        Đại biểu của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội lục tục kéo vào. Họ ngồi ở những ghế còn trống. Trong khi chuẩn bị đại hội, có ý kiến đề nghị chia chỗ ngồi thành hai bên tả, hữu, và để nhóm bảy mươi người này ngồi bên hữu. Bác đã nói là không cần thiết.

---------------
        1. “Học đánh cờ”, Nhật kí trong tù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:59:41 am »


        Chờ những người mới vào ngồi yên chỗ, Bác nói tiếp:

        - Vừa mới giành được chính quyền, vừa lập nên Chính phủ thì chúng ta đã gặp nhiều sự khó khăn, miền Nam bị nạn xâm lăng, miền Bắc bị nạn đói khổ. Song nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được đôi việc:

        Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.

        Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.

        Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử.

        Việc thứ tư là do kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay…

        Những việc làm to lớn của Chính phủ suốt trong sáu tháng trời đầy biến động vừa qua, đã được Bác nói gọn trong mấy câu. Người chuyển sang nói về nhiệm vụ quan trọng trước mắt:

        - Việc hệ trọng trước nhất bây giờ là kháng chiến. Từ tháng Chín năm ngoài xảy nạn xâm lăng miền Nam, một mặt Chính phủ đã hô hào quốc dân sẵn sàng chuẩn bị cuộc trường kì kháng chiến, và mọt mặt đã điều động bộ đội để tăng viện cho những nơi bị xâm lăng. Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn nhưng toi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công. Bây giờ Chính phủ lâm thời xin giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: Một Chính phủ kháng chiến kiến quốc.

        Hồ Chủ tịch kết thúc bản báo cáo cô đọng và hết sức giản dị của Người giữa những tràng pháo tay nổ ran.

        Từ ngày Bác về Hà Nội, chưa bao giờ có một cuộc gặp mặt đông đảo các đại biểu trong nước - kể cả những người thuôc đảng phái phản động - và nhiều khách khứa nước ngoài như lần này. Người vẫn giữ nguyên những lời nói, những cử chỉ quen thuộc hằng ngày. Phong thái đó mà chỉ riêng Người mới có, đã tạo cho đại hội một không khí đặc biệt, không khí đoàn kết, đầm ấm, thân mật như ở gia đình. Đó là điều rất khó có trong một cuộc họp đông đảo lần đầu của các đại biểu cả nước, lại phức tạp vì sự có mặt của bọn phản động. Không khí đó cũng là không khí của những phiên họp Quốc hội về sau và trong tất cả những cuộc họp mỗi lần Bác xuất hiện.

        Đại hội chấn nhận lời xin từ chức của Chính phủ liên hiệp lâm thời và nhất trí cử Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch.

        Quốc hội nhiệt liệt tán thành khi cụ Chủ tịch lâm thời của Quốc hội đề nghị mời Hồ Chủ tịch thành lập Chính phủ mới. Hồ Chủ tịch đi qua phòng Hội đồng giữa những tiếng hoan hô.

        Đại hội tạm nghỉ một lát, rồi họp trở lại. Hồ Chủ tịch ra mắt cùng các vị trong Chính phủ mới. Người nhanh nhẹn đi đến bên máy phóng thanh. Người nói:

        - Bây giờ tôi xin báo cáo về việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Chắc Quốc hội cũng biết rằng Chính phủ này ra mắt gồm có đại biểu các đảng phái và anh em không đảng phái trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy, sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế…

        Bác giới thiệu danh sách của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng được giao cho những người trung lập. Hai Bộ dành cho Nam Bộ, vì các đại biểu của Nam Bộ chưa ra kịp, nên tạm trao cho các đảng phái. Mặt trận Việt Minh và Đảng Dân chủ giữ bốn Bộ: Tài chính, Giáo dục, Tư pháp, Giao thông. Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội giữ bốn Bộ: Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông.

        Bác nói tiếp:

        - Phó chủ tịch do Quốc hội cử ra là cụ Nguyễn Hải Thần. Còn Chủ tịch là tôi đây.

        Tiếng hoan hô lại nổi lên.

        Danh sách Chính phủ được Quốc hội thông qua.

        Bác giới thiệu tiếp với Quốc hội việc thành lập Ủy ban kháng chiến kiến quốc chịu trách nhiệm điều khiển quân và dân đánh giặc cứu nước, và thành lập Đoàn Cố vấn quốc gia do Vĩnh Thụy đứng đầu.

        Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Ủy ban kháng chiến và Đoàn Cố vấn lần lượt đứng ra tuyên bố nhậm chức.

        Đại hội chuyển sang thảo luận về quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cuộc tranh cãi bắt đầu diễn ra giữa những ý kiến khác nhau của các đại biểu. Giải quyết được các vấn đề này là một khó khăn trong khi còn chưa có Hiến pháp.

        Bác ngồi nghe chăm chú. Thỉnh thoảng Bác giơ tay xin phát biểu. Đôi lúc, một đại biểu có ý kiến khác. Bác lắng nghe, và khi cần. Người từ tốn nói rõ thêm. Bao giờ cũng vậy, trong công việc, Bác luôn luôn tạo một không khí thoải mái, khuyến khích mọi người mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

        Hạm đội Pháp đang rong ruổi trên biển Đông với những nòng đại bác hướng về miền Bắc.

        Nhiều đại biểu chưa hiểu được giá trị của từng phút, từng giây trong lúc này. Bác đã nhiều lần nhắc nhở cho ngời điều khiển những vấn đề nên rút ra để sớm đi đến biểu quyết.

        Một giờ trưa, đại hội đã có thể kết thúc. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ, đại hội đã thôngqua việc lập Chính phủ mới, lập Ủy ban kháng chiến, lập Đoàn Cố vấn của Chính phủ, quyết định quyền hạn của Ủy ban thường trực Quốc hội, và thành lập Ủy ban dự thảo Hiến Pháp.

        Các đại  biểu cần trở về địa phương ngay để tiếp tục công việc chuẩn bị kháng chiến. Giờ phút chia tay đã tới. Bác trở lại máy phóng thanh, kết thúc đại hội bằng mấy lời vắn tắt:

        - Bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một không khí đoàn kết, một không khí kháng chiến, một không khí kiên quyết, một không khí nhất định thành công về các địa phương mà công tác. Trước khi bé mạc, tôi xin thay mặt Chính phủ cảm ơn các đại biểu. Đồng thời, chúng ta chũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ sẽ là Chính phủ thắng lợi.

        Vào những giờ phút khó khăn, Bác muốn truyền cho tất cả mọi người một tinh thần đoàn kết, kiên quyết chiến đấu. Bác còn muốn truyền tới mọi người niềm lạc quan, niềm tin tưởng vào thắng lợi, vào tương lai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:56:26 am »


XXVI

        Những ngày đầu tháng Ba, cuộc đàm phán giữa ta với Pháp vẫn chưa đi tới thỏa thuận.

        Bọn thực dân Pháp vẫn ngoan cố, không chịu nhận những yêu cầu cơ bản của ta. Những tên thực dân mù quáng còn cho rằng, với những hoạt động quân sự mấy tháng vừa qua, chúng đã chiếm lại được phần lớn Nam Bộ. Mặt khác, chúng còn tin, với hiệp ước Hoa - Pháp, chúng đã có cơ sở pháp lí và điều kiện thuận lợi để trở lại miền Bắc.

        Tướng Lơcléc và những người thương lượng Pháp ở Hà Nội có thể hiểu biết tình hình thực tế ít nhiều, thấy hiểm họa của một cuộc chiến tranh kéo dài, nếu cuộc điều đình thất bại. Nhưng họ vẫn đàm phán theo những chỉ thị của chính phủ Pháp ở Pari: tại đó, những xu hướng ngoan cố của chủ nghĩa thực dân cũ vẫn chiếm ưu thế.

        Về phía ta, nếu cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra vào lúc này, thì ta sẽ gặp khó khăn lớn, cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù. Nhưng ta không thể nhân nhượng trên những vấn đề có tính nguyên tắc. Nay mai, nếu chưa đi đến một hiệp nghị, mà quân Pháp đổ bộ vào Cảng Hải Phòng, thì dù chúng đã được phép của quân Tưởng, bộ đội và nhân dân ta nhất định sẽ kiên quyết kháng chiến. Tình hình sẽ trở nên rất phức tạp.

        Sau khi hiệp ước Hoa - Pháp được chính thức công bố, các báo tại Hà Nội xin gặp Hồ Chủ tịch, đề nghị Người cho biết ý kiến. Hồ Chủ tịch trả lời: “Hiệp ước này có thể chia làm hai phần. Một phần là Pháp chịu trả lại các đặc quyền ở Trung Hoa. Một phần khác liên quân đến nước ta. Với phần trên, không những dân chúng Trung Hoa bằng lòng mà dân Việt Nam chúng ta cũng hoan nghênh. Còn phần dưới thì hiện giờ chưa phải là lúc phê bình”. Rồi Bác nói: “Dù sao mặc lòng, hầu hết người Trung Quốc từ nhỏ tới lớn, từ trước tới nay, đều biểu đồng tình với phong trào quốc gia của ta”.

        Khi các báo hỏi về tình hình kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã nói vắn tắt: “Điều mà chúng ta chú trọng đến nhất là chuẩn bị, bình tĩnh, giữ vững tinh thần”.

        Các báo đều công khai tỏ thái độ với hiệp ước Hoa - Pháp bằng một loạt bài phản đối,

        Báo Cứu quốc viết: “Không ai có thể mặc cả nền độc lập của Việt Nam”. Về những quyền lợi kinh tế mà Pháp hứa sẽ dành cho Tưởng tại miền Bắc Việt Nam, một bài báo viết: “Chỉ có Chính phủ Việt Nam mới đủ tư cách để định đoạt những quyền lợi này”. Chúng ta đã công khai nói rõ cho kẻ thù biết: “Từ chỗ hiệp ước đó kí đến chỗ hiệp ước đó thi hành, còn có cả dân tộc Việt Nam đang chiến đấu…”.

        Toàn thể các lực lượng vũ trang, đặc biệt là ở những nơi quân Tưởng đóng hoặc quân Pháp có thể tiến vào, được lệnh sẵn sàng chiến đấu và hết sức cảnh giác. Các cơ quan trọng yếu đều đã chuẩn bị chu đáo.

        Tại Hà Nội, một số đông người già và trẻ em đã rời khỏi Thủ đô. Những chiến sĩ tự vệ thành đã đục lỗ đặt mìn ở các thân cây và chuẩn bị đánh gãy những cột đèn, lật đổ những toa xe điện khi có lệnh. Việc điều tra các vị trí đóng quân trọng yếu của tưởng tại Hà Nội cũng đã tiến hành. Những đội tự vệ chiến đấu đều có kế hoạch tác chiến.

        Trong khi đó, tại Trùng Khánh, một chuyện lủng cũng đã xảy ra giữa Pháp và Tưởng.

        Tối mồng 1 tháng Ba, viên đại tá Cơrêpanh tới bộ tổng tham mưu quân đội Quốc dân đảng để kí kết những thể thức về việc thay quân. Bọn cầm đầu bộ tổng tham mưu Quốc dân đảng đã lánh mặt. Một viên phụ tá báo cho phái đoàn Pháp biết: Quân đội Tưởng chỉ có thể chấp nhận việc thay quân theo lệnh của tướng Mắc Áctơ1.

        Những người thương lượng Pháp ở Trùng Khánh đã kí được bản hiệp ước Hoa - Pháp với sự thỏa thuận của Tưởng Giới Thạch và bộ ngoại giao của Tưởng. Nhưng việc thay quân lại do bộ tổng tham mưu của Tưởng thi hành. Hà Ứng Khâm và bọn tướng lĩnh tại đây có quyền lực riêng của chúng. Chúng thấy chả dại gì mà cho quân đội chúng vội vã rời khỏi miền Bắc Đông Dương… Lư Hán khi ấy vừa được gọi về họp, đang có mặt tại Trùng Khánh. Có người nói chúng muốn nấn ná ở lại qua vụ thu hoạch thuốc phiện.

        Hạm đội Pháp đang trên đường ra Bắc. Ngày mồng 2, Cơrepanh vội cử người về, báo cáo tình hình mới cho Xalăng biết. Xalăng lập tức đến thương lượng với bọn Tưởng ở Hà Nội.

        Chu Phúc Thành thay Lư Hán vắng mặt, nói hắn chưa hề nhận được lệnh để quân Pháp vào thay thế tại miền Bắc, nếu quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng thì hắn sẽ ra lệnh nổ súng. Ngoài ra, hắn còn bịa thêm một cớ khác: phía Pháp chưa đạt được thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, nên hắn không thể cho quân Pháp vào. Vì nếu làm như vậy, khi quân đội Tưởng rút đi, những Hoa kiều ở lại miền Bắc có thể bị người Việt Nam trả thù (!).

        Cuộc thảo luận giữa bọn quân phiệt Tưởng với các tướng tá Pháp kéo dài cả đêm mồng 4 tháng Ba, vẫn không kết quả.

        Ngày mồng 5, hạm đội Pháp do Lơcléc chỉ huy đã tới Vịnh Bắc Bộ.

        Lơcléc bảo viên trung tá Lơcôngtơ viết cho Xanhtơni một bức thư với giọng hốt hoảng:

        “… Biết rằng tình hình đang nghiêm trọng và cuộc xung đột có thể xảy ra sẽ rộng lớn… Tôi yêu cầu ông làm mọi việc ông có quyền làm để đi đến một hiệp ước trong thời gian nhanh nhất…”.

        Các tướng tá Pháp lại tới gặp Chu Phúc Thành và bọn cầm đầu cơ quan tham mưu của quân đội Tưởng tại Hà Nội. Cuộc thảo luận, mặc cả giữa hai bên tiếp tục. Nếu không thỏa thuận đươc, ngày mai, hạm đội Pháp vào Hải Phòng, chắc chắn bọn chúng sẽ có va chạm.

        Cũng trong ngày mồng 5 tháng Ba, Ủy ban kháng chiến toàn quốc vừa được thành lập, ra lời kêu gọi:

        “Đồng bào hãy đứng dậy đánh giặc!

        “… Giờ nghiêm trọng của Tổ quốc đã đánh!

        “… Toàn quốc kháng chến ủy viên hội gồm có đủ đại biểu của các đảng phái có trách nhiệm thống nhất quân đội, điều khiển quân dân xông ra giết giặc, chống giữ bờ cõi cho Tổ quốc.

        Đồng bào hãy nhiệt liệt ủng hộ nó, sẵn sàng nghe theo mệnh lênh của nó, để đem thắng lợi cho quân dân, giành độc lập cho Tổ quốc”.

---------------
        1. Tướng Mỹ, tư lệnh lực lượng Đồng minh ở Thái Bình Dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:57:47 am »


XXVII

        Ngay tối hôm đó, bọn Tưởng đến xin gặp Hồ Chủ tịch.

        Chúng tin cho ta biết, hạm đội Pháp đã vào vịnh Bắc Bộ. Lần đầu, chúng hỏi vì sao ta và Pháp chưa thỏa thuận với nhau. Chúng khuyên ta không nên quá găng. Chúng nói nếu ta kí vào một bản thỏa ước để Pháp đưa quân và làm nhiệm vụ tiếp phòng, thì chúng sẽ ủng hộ.

        Bọn Tưởng ra về, thì tới lượt những người thương lượng Pháp kéo đến. Họ đề nghị được thảo luận tiếp về những điều còn vướng mắc. Phái bộ Pháp bày tỏ nguyện vọng muốn thỏa thuận với Chính phủ ta ngày trong tối hôm đó để đi đến kí  kết một bản Hiệp định sơ bộ.

        Rõ ràng là có chuyện gì mới xảy ra giữa Tưởng và Pháp.

        Từ khi hiệp ước Hoa - Pháp được kí kết, quan hệ giữa Tưởng và Pháp ở Hà Nội đã có lúc căng thẳng. Bọn Tưởng cho quân lính chuẩn bị. Chúng nói với ta là sẽ không rút quân. Có những tên sư trưởng tuyên bố, nếu Pháp đổ bộ vào miền Bắc, thì chúng sẽ đánh. Mặt khác, chúng tung lũ tay sai đi tìm mọi cách phá những cuộc nói chuyện giữa ta và Pháp. Trong khi đó, người Pháp vẫn luôn lui tới cơ quan chỉ huy của quân đội Tưởng tại Hà Nội.

        Với cái nhìn sâu sắc của Hồ Chủ tịch, Người đã thấy có sự căng thẳng trong bọn chúng lúc này có chăng cũng chỉ là tạm thời. Những tên cầm đầu đã mua bán với nhau xong ở Trùng Khánh. Dù thế nào, cũng không thể có xung đột lớn giữa Pháp và Tưởng. Sớm muộn, chúng cũng sẽ dàn xếp với nhau. Tuy nhiên, chừng nào mà những mâu thuẫn, dù nhỏ, của chúng vẫn còn, thì  ta vẫn cần lợi dung.

        Đến nay, quả nhiên giọng lưỡi của bọn Tưởng đã đổi khác. Điều làm Bác chú ý là thái độ vội vã trong một lúc ở cả Tưởng và Pháp.

        Cuộc trao đổi giữa ta và Pháp tối hôm đó lại xoay quanh hai vấn đề lớn: Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

        Tiếng Độc lập đối với nhà cầm quyền Pháp là mọt điều đáng sợ. Bọn thực dân lo nó sẽ gây một phản ứng dây chuyền, làm nổi lên một phong trào đấu tranh đòi độc lập trên toàn bộ các nước thuộc địa. Chính phủ Pháp chỉ đồng ý thừa nhận ta là một nước “tự trị”. Pháp muốn kìm ta trong một khuôn khổ nhất định của chủ nghĩa thực dân.

        Về vấn đề thống nhất giữa ba “kỳ”, thực dân Pháp có thái độ rất phản động. Bản tuyên ngôn của Đờ Gôn trước đây đã chia Việt Nam làm ba “nước”: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trước mắt, chúng đang cố khôi phục lại nền thống trị thực dân ở Nam Bộ và tìm mọi cách tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.

        Đối với chúng ta, độc lập và thống nhất là nguyện vọng thiết tha, là tình cảm sâu sắc của cả dân tộc. Ta không thể nhận “tự trị”, vì như thế có nghĩa là từ bỏ một phần những quyền tự do chúng ta đã đổ bao máu xương mới giành lại được, là chấp nhận ở một mức độ nào đó, trở về cuộc sống nô lệ. Nam Bộ là một phần đất của Việt Nam - là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam - không thể để bất cứ kẻ thù nào có thể cắt rời. Dù ở hoàn cảnh hiểm nghèo hiện nay, tất cả những mục tiêu đấu tranh cơ bản đó đều không thể nào nhân nhượng.

        Lập trường trước sau của ta là phải đi tới một giải pháp toàn bộ: Pháp phải thừa nhận nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lập trường có tính nguyên tắc đó đã được Bác khẳng định lại một lần nữa, tối hôm đó.

        Trong suốt quá trình cuộc đàm phán, Pháp đã nhiều lần tìm cách né tránh thảo luận vấn đề Nam Bộ. Chính phủ Pháp mới chỉ chịu công nhận nước Việt Nam là một quốc gia có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính của mình. Cuối cùng, về vấn đề thống nhất ba kỳ, Pháp cam kết là sẽ thừa nhận kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân.

        Nhưng Pháp vẫn chưa chịu thừa nhận nền độc lập của ta. Vấn đề này lại dẫn cuộc thảo luận tối hôm đó tới bế tắc.

        Đến khuya, những người thương lượng Pháp ra về. Trước khi từ biệt, họ ngỏ ý mong Hồ Chủ tịch hãy cân nhắc thêm về những đề nghị của họ. Thái độ của họ tỏ ra rất lo lắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:58:59 am »


XXVIII

        Ngày 6 tháng Ba năm 1946.

        Sáng sớm, hạm đội Pháp từ Vịnh Bắc Bộ bắt đầu tiến vào Cảng Hải Phòng. 8 giờ 30, chiếc tàu đổ bộ đầu tiên của chúng xuất hiện trên sông Cửa Cấm. Quân Tưởng đóng ở dọc sông nổ súng. Mười lăm phút sau, bọn Pháp bắn trả. Kho đạn của quân Tưởng ở Cảng bốc cháy. Một số tàu Pháp bị bắn thủng. Nhiều lính Pháp chết và bị thương. Cuộc đấu súng kéo dài đến gần 11 giờ trưa.

        Bọn quân phiệt Tưởng và lũ tay sai lợi dụng xung đột giữa ta với Pháp. Nhưng trớ trêu, kẻ đầu tiên xung đột với Pháp lại chính là chúng. Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội đã chuẩn bị những hoạt động phá phách lớn, nêu ta và Pháp đi đến dàn xếp. Nhưng sự dàn xếp giữa ta và Pháp lúc này, đã trở thành một yêu cầu của chính quan thầy chúng. Sáng hôm đó, bọn Tưởng lại đề nghị với ta một lần nữa, nên sớm thảo thuận với Pháp để tránh một cuộc chiến tranh rộng lớn có thể xảy ra.

        Trước mắt, vẫn là một bế tắc lớn: Ta kiên quyết gạt bỏ chữ “tự trị” của Pháp đưa ra; nhưng độc lập còn là một điều mà chính phủ Pháp chưa chịu thừa nhận.

        Hồ Chủ tịch thấy đã đến lúc cần đi đến một quyết định. Sau khi hội ý với Thường vụ, Người đưa ra một cách giải quyết: “Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do…”.

        Phái bộ Pháp ưng thuận.

        Những người thương lượng Pháp sau này kể lại: Đó là những giây phút chờ đợi rất căng thẳng họ đã phải chịu đựng.

        Thế là trong tình hình hết sức rối ren, phức tạp lúc bấy giờ, cuộc đàm phán giữa ta và Pháp đã đạt được một Hiệp định Sơ bộ. Đây là bản hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kí với một nước ngoài.

        Lễ kí kết đươc cử hành vào lúc 4 giờ chiều tại một ngôi nhà số 38 phố Lý Thái Tổ.

        Những người thay mặt cho nước Pháp, những người đứng đầu bộ tư lệnh quân đội Tưởng ở miền Bắc Đông Dương, đại diện phái bộ Mỹ, lãnh sự Anh lục tục kéo đến ngôi biệt thự ở cách Bác Bộ Phủ một khu vườn hoa.

        Gian phòng nhỏ, bài trí đơn giản. không có cờ.

        Chủ khách đều đứng chung quanh một chiếc bàn lớn.

        Có đủ mặt tại đây, những người thuộc tất cả những “cường quốc” của thế giới tư sản sau đại chiến lần thứ hai. Hình dáng một cụ già mảnh khảnh, râu đen, mặc bộ ka ki đã phai màu, đi đôi giày vải chàm, nổi bật lên giữa đám người to béo, sang trọng, số đông là quân nhân. Một hình ảnh thu gọn: nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giữa vòng vây trùng điệp của chủ nghĩa đế quốc.

        Anh Hoàng Minh Giám lần lượt đọc to bản Hiệp định Sơ bộ và bản phụ khoản.

        Nội dung tóm tắt như sau:

        - Nước Pháp công nhận nước Việt Nam dân củ cộng hòa là một nước tự do, có cính phủ, có nghị viện, có quân đội, tài chính của mình, ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp.

        - Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cùa ý dân về vấn đề thống nhất ba kỳ.

        - Nước Việt Nam thuận để 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ thay thế quân dội Trung Hoa. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết sau một thời gian quy định.

        - Hai bên đình chiến để mở một cuộc đàm phán chính thức. Trong khi đàm phán, quân hai bên ở đâu vẫn cứ đóng đấy.

        Bản Hiệp định và các phụ khoản được đọc xong.

        Mọi người đều hướng về phía Hồ Chủ tịch. Người nhìn lướt các điều khoản của bản hiệp đinh. Với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chủ tịch kí đầu tiên.

        Sau đó, Người chuyển bản hiệp định cho Vũ Hồng Khanh đứng gần đấy. Trước áp lực của quan thầy Tưởng, Vũ Hồng Khanh phải ngậm bồ hòn làm ngọt, kí tiếp theo, dưới danh nghĩa người đại diện đặc biệt cho Hội đòng Chính phủ.

        Xanhtơni, người được ủy quyền thay mặt chính phủ nước Cộng hòa Pháp, kí sau cùng.

        Sáu mươi ba năm trước đây, với ít cỗ đại bác và mấy ngàn quân xâm lược, một tên Hácmăng nào đó, đã đưa cho nhà Nguyễn bản dự thảo hòa ước gồm 27 điểm, buộc triều đình Huế hoặc chấp nhận cả, hoặc bác cả, chứ không được thay đổi điểm nào. Vua tôi nhà Nguyễn đã phải cúi đầu nhận bản hòa ước sỉ nhục năm 1883. Một năm sau, triều đình Huế kí tiếp bản hòa ước Patơnốt. Đó là bản hòa ước bán nước, đặt nước ta hoàn toàn dưới sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp. Từ đó, mọi quyền tự do độc lập của dân tộc đã mất, kể cả quyền bang giao với nước ngoài.

        Cách mạng tháng Tám đã mang lại những đổi thay kì lạ. Cả dân tộc Việt Nam từ bùn lầy, ngục tù, đau thương đứng dậy. Người Việt Nam nô lệ tạo thành người Việt Nam tự do. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới sinh ra đã đứng vững trong bảo táp phong ba.

        Hôm nay, kẻ thù có sau lưng những đội quân đông đảo với đủ máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, đã phải tiến hành đàm phán với ta một cách bình đẳng. Chính phủ Pháp đã buộc phải chấp nhận cả những điều mà thâm tâm họ không muốn.

        Kẻ đầu tiên thừa nhận nước Việt Nam tự do, lại chính là kẻ sáu mươi ba năm trước đây đã tước mọi quyền tự do của nước ta.

        Ta nhận cho mười lăm ngàn quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam trong một thời gian được quy định, để tống đi khỏi đất nước mười tám vạn quân Tưởng tàn ác, đã từng tuyên bố ở lại đây vô thời hạn.

        Hồ Chủ tịch đã thay mặt nhân dân ta bày tỏ với nhân dân thế giới nguyện vọng chân thành mong muốn có hòa bình, một nền hòa bình chân chính, trong độc lập và tự do. Và nếu hòa bình chưa thể có ngay được vì lòng tham và sự mù quáng của chủ nghĩa đế quốc thì đây là những giây phút hòa hoãn để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, mà chúng ta tin nhất định sẽ giành được thắng lợi.

        Lễ kí kết đã xong.

        Đại diễn nước Pháp nâng cốc chúc mừng Hồ Chủ tịch, ngỏ ý vui mừng vì đã đẩy lùi được bóng ma của một cuộc xung đột vũ trang. Bằng một giọng điềm đạm mà kiên quyết, Người nói: “Chúng tôi không thỏa mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng rồi chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”. Kẻ thù đã chịu lùi một bước cơ bản. Nhưng với ta, thắng lợi này mới chỉ là thắng lợi đầu tiên. Bến bờ thành công vẫn còn xa. Người đã nói cho đối phương biết là cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 02:12:18 am »

       
Phần thứ hai

 
“CỐ RÁN SỨC QUA KHỎI MÙA ĐÔNG LẠNH LẼO THÌ TA SẼ GẶP MÙA XUÂN”

 
I

        Sau buổi lễ kí Hiệp định Sơ bộ, Bác trở về Bắc Bộ Phủ.

        Các nhà báo trong và ngoại nước được tin này đã kéo đến khá đông. Thấy Bác về, mọi người đổ xô tới chung quanh. Hồ Chủ tịch cho biết ta đã kí một bản Hiệp định Sơ bộ với Pháp. Bằng một giọng chậm rãi, Người thông báo vắn tắt những điều khoản chính của bản Hiệp định. Người nhấn mạnh đây mới chỉ là những thỏa thuận bước đầu; cuộc đám phán chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp sẽ được mở nay mai tại Hà Nội, Sài Gòn hoặc Pari. Người cho các nhà báo biết là đại biểu Mỹ, Anh và Trung Hoa đã có mặt tại buổi kí kết.

        Cách mạng lại chuyển sang một chặng đường mới. Cuộc đấu tranh tiếp tục chắc chắn sẽ không kém phần gay go, phức tạp. Hàng loạt công tác mới mẻ cùng một lúc đòi hỏi nhanh chóng được triển khai.

        Thường vụ trao đổi thêm ý kiến về việc giải thích Hiệp định trong Đảng và trong nhân dân. Cần phải làm cho toàn Đảng và toàn dân hiểu rõ đường lối đúng đắn của ta, thắng lợi của cách mạng, đồng thời nhận thấy tình hình còn hết sức phức tạp, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó ngay nếu quân Pháp giở giáo. Chiều hôm đó, Bác và các anh bàn cử người đi các nơi để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Anh Hoàng Quốc Việt sẽ dẫn đầu một phái đoàn vào Nam Bộ khi có phương tiện giao thông. Sáng hôm sau, anh Hoàng Minh Giám đáp máy bay đi Đà Nẵng. Tôi được phân công xuống Hải Phòng ngay tối hôm đó. Lơcléc đã đề nghị cho gặp người thay mặt Chính phủ ta. Theo ý Bác, tôi sẽ dự buổi mít tinh giải thích hiệp định tại Hải Phòng, nơi quân Pháp được phép đổ bộ đầu tiên trên miền Bắc.

        Hà Nội vắng hơn mọi ngày vì lệnh tản cư. Tối hôm đó, trên các đường phố im lặng bỗng vang lên nhữngg tiếng loa. Các đội viên tuyên truyền xung phong ho hào đồng bào đón đọc báo Cứu quốc sáng hôm sau có đăng những tin quan trọng. Quá nửa đêm, tiếng gõ cửa làm thức giấc những nhân viên tòa soạn báo Cứu quốc. Mấy anh tự vệ đi tuần tra ghé vào yêu cầu cho biết tin quan trọng vừa loan báo đó là tin gì.

        Đồng bào ta nói chung còn chưa biết rõ về cuộc thương lượng giữa ta và Pháp. Mấy hôm đó, những làn sóng mít tinh nổi lên ở các tỉnh; thư và điện tới tấp bay về Thủ đô nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến đứng đầu là Hồ Chủ tịch. Một khí thế chiến đấu hừng hực dâng lên khắp nơi. Ai nấy đều bày tỏ quyết tâm sẵn sàng hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đất nước.

        Mờ sáng ngày mồng 7, nhiều người đã đứng ở các ngả đường chờ mua báo. Tin về bản Hiệp định Sơ bộ vừa kí giữa Chính phủ ta và chính phủ Pháp được đưa trên tờ Cứu quốc bằng những hàng chữ lớn. Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do. Đôi bên sẽ ngừng chiến. Một đội quân gồm 10.000 người thuộc Quân đội Viêt Nam và 15.000 quân Pháp làm nhiệm vụ tiếp phòng thay cho 180.000 quân Tưởng rút về nước.

        Cũng trên tờ báo hôm đó, có đăng lời hiệu triệu của Ban thường trực Quốc hội nhân dịp thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Ban thường trực kêu gọi đồng bào đã chuẩn bị càng phải chuẩn bị hơn nữa, đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, cần trấn tĩnh, tránh mọi sự khiêu khích, triệt để tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Trong tình hình mới, những lời kêu gọi này vẫn giữ nguyên giá trị.

        Hành động xâm lăng của thực dân Pháp tại Nam Bộ đã gây căm phẫn từ lâu trong nhân dân. Mội người đều mong mỏi cơ hội chiến đấu tiêu diệt lũ giặc nước. Tin mười lăm ngàn quân Pháp sẽ tới miền Bắc có phần đột ngột đối với đồng bào ta. Và mặc dầu có chữ kí của Vũ Hồng Khanh ở bên dưới, bản hiệp định vẫn bị bọn Việt Nam quốc dân đảng xuyên tạc. Tuy nhiên, không hề có dấu hiệu của mọt sự xao xuyến lớn trong nhân dân. Đồng bào đã thấy người thay mặt chính của nhân dân ta kí hiệp định này là Hồ Chủ tịch. “Chắc là Cụ Hồ đã tính kĩ rồi”, đó là ý nghĩ đầu tiên của đồng bào.

        Buổi sáng, Xanhtơni lấy tư cách người thay mặt chính phủ Pháp tới Bắc Bộ Phủ thăm Hồ Chủ tịch. Đây là cuộc thăm viếng chính thức phản ánh mối quan hệ mới giữa nước Việt Nam và nước Pháp.

        Một cuộc mít tinh lớn toàn thành được triệu tập vào 4 giờ chiều.

        Tôi từ Hải Phòng về, tới điạ điểm mít tinh trước cửa Nhà hát lớn thì thấy đồng bào đã đứng tràn khắp các ngả đường chạy vào quảng trường. Các đồng chí công an, tự vệ giữ trật tự phải khá vất vả mới mở được một lối cho đoàn xe cua Chính phủ. Khác với mọi lần, trên nét mặt những người dự mít tinh biểu đều lộ vẻ chờ đợi. Thực ra không mấy ai hiểu rõ hết tình thế phức tạp và hiểm nghèo của đất nước vào lúc đo. Mặc dù đã đặt mọi niềm tin tuyệt đối vào người lãnh đạo của mình, đồng bào ta vẫn có những băn khoăn, suy nghĩ. Tại sao Pháp mới chỉ công nhân nước ta là một “Quốc gia tự do”? Liên bang Đông Dương là thế nào?... Liệu quân Tưởng có chịu rút thật hay không? Từ trước tới giờ chúng làm như sẽ ở lại mãi mãi trên đất nước này… Những băn khoăn đó đều chính đáng và cũng dễ hiểu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 02:13:01 am »


        Biển người im lặng. Tin tức về cuộc xung đột ở Hải Phòng sáng hôm qua đã bay về Hà Nội. Có những người biết lúc này đây, hạm đội Pháp đã thả neo trên sông Cửa Cấm. Cũng có tin Lư Hán đã rời Trùng Khánh đáp máy bay sang Việt Nam. Mội người đều hướng về phía bao lơn Nhà hát lớn, chờ đoàn chủ tịch buổi mít tinh ra mặt. Bỗng phía bên trái quảng trường xôn xao. Một tên phá hoại đã tung ra một trái lựu đạn. Vì hoảng hốt, nó quên mở chốt hãm. Thủ phạm bị tóm ngay tại chỗ. Theo lời khai của nó, bọn phản động đã đưa tới bốn nhóm tay sai để phá cuộc mít tinh. Thấy một tên trong bọn vừa hành động đã bị bắt quả tang, những tên kia vội vàng lẩn trốn.

        Hồ Chủ tịch và Thường vụ nhận thấy cần nói rõ với đồng bào vì sao chúng ta đã kí Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba. Đại diện của Chính phủ trình bày trước cuộc mít tinh những thuận lợi và khó khăn của ta trong hoàn cảnh quốc tế rất phức tạp lúc đó. Do cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bảo ta, bọn thực dân phải từ bỏ ý định trước đây chỉ coi Việt Nam là một nước tự trị. Chính phủ Pháp buộc phải thừa nhận nước ta là một “Quốc gia tự do”. “Tự do” khác nhiều với “tự trị”. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có Chính phủ, Quốc hội, tài chính và quân đội của mình. Có quyền tự do đã giành được, chúng ta sẽ tiến tới giành độc lập, giành lấy độc lập hoàn toàn. Pháp muốn chiếm giữ Nam Bộ, coi đó là một chuyện đã rồi. Chính phủ ta đã vạch trần âm mưu này và kiên quyết lên án. Cuối cùng, Pháp chịu sẽ mở một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề thống nhất ba kỳ và cam đoan sẽ thừa nhận những kết quả của nó. Chúng ta đặt lòng tin vững chắc vào nhân dân ta, vào những người đang cầm vũ khí anh dũng đánh trả bọn cướp nước. Cuộc đấu tranh còn phải tiếp tục. Nhưng Nam Bộ nhất định sẽ trở về trong lòng Tổ quốc. Việc quân Pháp vào miền Bắc thay thế quân Tưởng là một điều được thỏa thuận giữa các nước đồng minh. Ta không muốn có bất cứ một quân đội nước ngoài nào trên đất nước ta. Nhưng hơn một vạn quân Pháp vào thì gần hai chục vạn quân Tưởng sẽ phải rút đi. Và quân Pháp cũng sẽ phải rút khỏi nước ta. Chúng ta điều đình với Pháp để tạo những điều kiện thuận lợi mới cho cuộc đấu tranh sẽ còn phải lâu dài, chúng ta sẽ tìm mọi cách củng cố và phát triển vị trí chính trị, lực lượng quân sự và kinh tế của ta để tiến tới giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho đất nước.

        Đồng bào nghe giải thích rõ chủ trương kí Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng Ba đã biểu lộ sự đồng tình bằng những tràng pháo tay kéo dài.

        Sau đó, đến lượt Vũ Hồng Khanh phát biểu ý kiến. Y chậm chạp bước ra trước máy phóng thanh. Đứng trước đồng bào, Khanh buộc phải hô hào dân chúng ủng hộ những hoạt động ngoại giao của Chính phủ. Giọng nói của y rời rạc, lạt lẽo. Người nghe đáp lại bằng những tiếng vỗ tay lẻ tẻ, chiếu lệ.

        Đột nhiên, tiếng hò reo vang dậy cả quảng trường. Hồ Chủ tịch với vầng trán cao, chòm râu đen, dáng người mảnh khảnh, vừa xuất hiện trên bao lơn Nhà hát lớn. Trong chương trình, không báo trước sự có mặt của Người. Tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài rất lâu. Người phải nhiều lần giơ tay ra hiệu đề nghị đòng bào im lặng.

        Người chỉ nói ít lời ngắn gọn.

        Nước ta tuyên bó độc lập từ tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một sự thắng lợi lớn về mặt chính trị. Chúng ta đã trở thành một quốc gia tự do trên thế giới. theo hiệp định thì quan Pháp sẽ lần lượt phải rút hết khỏi Việt Nam. Điều đình với Pháp là chứng tỏ sự khôn ngoan về chính trị của chúng ta. Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỉ luật. Chúng ta luôn luôn coi người Trung Hoa là anh em. Chúng ta có nhiều bè bạn… Và trên hết, chúng ta có một Chính phủ được toàn dân ủng hộ. Tuy vậy, chúng ta phải cảnh giác và sẵn sàng…

        Người im lặng giây lát rồi nói tiếp:

        - Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho nền độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước.

        Đồng bào chăm chú lắng nghe từng lời của Bác. Nhiều người ứa nước mắt. Hồ Chủ tịch đã nói trước dân tộc một lời thề. Cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, có quan hệ lớn đến vận mệnh của dân tộc đang còn tiếp diễn. Những người lãnh đạo không thể nói công khai tất cả mội tình hình, mọi chủ trương. Trước một hoàn cảnh như vậy, vấn đề chủ yếu là giữ vững lòng tin.

        Đồng bàota đã biểu lộ một niềm tin tuyệt đối ở Hồ Chủ tịch. Những tiếng hô khẩu hiệu dồn dập vang lên trên quảng trường: “Kiên quyết tranh đấu giành độc lập và thống nhất hoàn toàn”, “Kiên quyết tuân theo mọi mệnh lênh của Chính phủ và Hồ Chủ tịch”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 02:16:17 am »


II

        Tối mồng 6 tôi xuống Hải Phòng.

        Thành phố Cảng còn khét mùi thuốc súng. Kho đạn của quân Tưởng ở bến thỉnh thoảng vẫn phát ra tiếng nổ. Buỏi sáng, khi cuộc xung đột bắt đầu, đồng bào đã tự động khiêng giường, tủ, bàn ghế ra chặn các ngả đường. Ở vùng ngoại ô, các đội tự vệ đã chặt cây cối, dựng vật chướng ngại. Xe chúng tôi chạy qua những phố vắng lặng. Nhiều ngôi nhà, cửa đóng im ỉm. Tự vệ mặc quân phục màu nâu, đứng gác ở đầu phố. Hải Phòng sẵn sàng đi vào cuộc chiến đấu.

        Chúng tôi về thành bộ Việt Minh. Bí thư thành ủy là anh Lê Quang Đạo. Các đồng chí ở thành ủy cho biết buổi chiều, bọn Quốc dân đảng tại trụ sở xế cửa Nhà hát thành phố Hải Phòng đã treo cờ và dùng loa om sòm quảng cáo “chiến công” của quan thầy Tưởng.

        Tại đây cũng giống như ở Hà Nội, từ hồi tháng Chín năm trước, để tránh va chạm với quân Tưởng, các đơn vị Vệ quốc đoàn đã tạm giãn ra vùng chung quanh. Trong thành phố chỉ có những đồng chí cảnh vệ và các đội tự vệ. Lực lượng tự vệ phần lớn gồm anh em công nhân và dân nghèo, được tổ chức theo từng khu phố. Nơi nhiều, có một đại đội. Nơi ít, có một trung đội. Vũ khí do anh em tự xoay sở, mua của Nhật, của Tưởng hoặc tìm cách lấy của chúng. Có những đội tự vệ được trang bị khá mạnh như đội tự vệ khu Bảy. Các đoàn thể công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc… cũng tổ chức ra những đội vũ trang tự vệ. Toàn thành có một đại đội tự vệ chiến đấu gồm hai trăm người, ở tập trung. Ngoài ra, nhiều đồng chí không đứng trong các tổ chức tự vệ, cũng tự động mua súng ngắn, lựu đạn phòng khi giặc đến.

        Hải Phòng nhận được thông báo của Thường vụ về tình hình nghiêm trọng từ mấy ngày trước. Nhiều người già và trẻ em đã tản cư. Thành ủy chuẩn bị kế hoạch đưa toàn bộ đồng bào ra ngoài và tiến hành tiêu thổ khi có lệnh. Những mũi súng đã sẵn sàng ở khắp nơi, chờ đợi quân địch xuất hiện. Khi cuộc xung đột Tưởng - Pháp nổ ra, thái độ của mọi người rất bình tĩnh. Anh em tự vệ ở Cảng đã nhân lúc kho đạn của quân Tưởng bị cháy, kiếm thêm một số vũ khí.

        Sáng mồng 7, phía Pháp chưa tổ chức kịp cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ ta với tướng Lơcléc, đề nghị chuyển đến chiều. Nhưng tôi mắc dự mít tinh với đồng bào Hải Phòng và sau đó phải trở về ngay Hà Nội theo lời dặn của Bác, nên hẹn hôm sau. Anh Phan Mỹ ở lại làm công việc chuẩn bị.

        Cuộc mít tinh của đồng bào Hải Phòng được tổ chức tại bến xe cạnh sông Lấp. Một lễ đài khá cao được dựng lên. Thành phố vắng vẻ nhưng người đến dự mít tinh rất đông. Đây là những người có nhiệm vụ ở lại để bảo vệ thành phố. Dân Hải Phòng gồm phần lớn là những người lao động. Đội ngũ của những người đến dự mít tinh ít màu sắc nhưng rắn chắc và đầy khí thế chiến đấu. Tôi trình bày với đồng bào vì sao Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã đồng ý mở cuộc điều đình với Pháp, giải thích nội dung bản hiệp định và yêu cầu đồng bào đoàn kết chặt chẽ, hết sức cảnh giác, triệt để chấp hành mọi mệnh lệnh, chính sách của Chính phủ và Hồ Chủ tịch.

        Những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang tới sông Cửa Cấm, nơi có những tàu chiến Pháp. Vũ Hồng Khanh cùng đi với tôi xuống Hải Phòng, hôm đó cũng đến dự mít tinh. Khanh được mời phát biểu, nhưng y từ chối với cớ ít thời giờ.

        Chiều hôm đó, anh Phan Mỹ gặp Lơcléc. Viên tướng này đã nói một cách ngạo mạn: “Chúng tôi đã ra đi và chúng tôi vẫn cứ đến mặc dầu có sự ưng thuận của các ông hay không”. Y nói bọn Tưởng tại đây đã đồng ý cho quân Pháp đổ bộ và yêu cầu phía Việt Nam cũng làm như vậy. Anh Phan Mỹ đã từ chối trả lời mọi đề nghị của Lơcléc.

        Ngày mồng 8, tôi trở lại Hải Phòng.

        Một số quân Pháp do được bọn Tưởng thỏa thuận cho lên bờ, căng lều ở dọc sông. Chúng đổ bộ nhiều xe tăng và xe bọc thép. Hầu hết trang bị của quân Pháp đều do Mỹ chế tạo, từ xe bọc thép, pháo lớn đến quần áo, ba lô. Rồi đây nếu cuộc kháng chiến nổ ra, chúng ta sẽ đánh với quân đội viễn chinh Pháp được trang bị bằng vũ khí Mỹ.

        Một viên tướng đứng tuổi, dáng người to lớn, thái độ mềm mỏng, lịch thiệp lên bến đón đại diện của Chính phủ ta. Đó là Vanluy.

        Một chiếc tàu nhỏ đưa tôi ra gặp Lơcléc. Viên tổng chỉ huy của quân đội viễn chinh Pháp là một trong số những viên tướng hiếm hoi nổi tiếng ở nước Pháp trong mấy năm vừa qua. Báo chí Pháp ca ngợi y đã cầm đầu một sư đoàn xe bọc thép đổ bộ vào bờ biển Noócmăngđi và sau đó đã chiến đấu tại Đức. Đờ Gôn trao trách nhiệm mang quân chiếm lại các thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Dương.

        Lơcléc đứng đợi trên boong con tàu Xênêgale được thả neo ở sông Cửa Cấm. viên tướng bốn sao này từ dáng dấp đến lời ăn tiếng nói đều biểu thị một phong cách nhà binh chuyên ngiệp. Lơcléc cao và gầy trong bộ quân phục dã chiến. Trên khuôn mặt xương xương, một cặp mắt sâu, một bộ râu mép lấm tấm điểm bạc. Nét tươi cười của y dường như dễ nhanh chóng chuyển sang cau có.

        Sau cái bắt tay và mấy câu nghi lễ xã giao, với một giọng không lấy gì làm nhã nhặn, Lơcléc nói:

        - Tôi yêu nước Pháp. Tôi muốn bất kì ở đâu danh dự của nước Pháp cũng được tôn trọng.

        Tôi thấy khó chịu, tự kiềm chế, đáp:

        - Tôi là một người cộng sản chiến đấu cho độc lập của đất nước chúng tôi. Tôi nghĩ rằng những người yêu nước chân chính thì bao giờ cũng biết tôn trọng lòng yêu nước của những người khác.

        Không khí cuộc nói chuyện dịu dần. Tôi nhắc đến cuộc chiến đầu cực kì anh dũng của nhân dân ta chống phát xít Nhật để tự giải phóng khỏi xiềng nô lệ, rồi nói tiếp:

        - Ông đã từng chiến đấu chống phát xít Đức, tất nhiên cũng có chỗ để chúng ta hiểu nhau.

        Lơcléc đưa tôi vào căn buồng khách của con tàu. Y giới thiệu những sĩ quan có mặt. Cuộc trao đổi ý kiến tiếp tục. Lơléc hứa sẽ cố giữ vững tình giao hảo Pháp - Việt. Y hay nhấn mạnh đến vai trò cá nhân của mình. Trong lúc chờ đợi một hiệp nghị chính thức giữa hai chính phủ, cần phải xác định những địa điểm, ấn định số quân Pháp được tới ở từng nơi khi quân Pháp cùng bộ đội Việt Nam tiếp phòng quân Tưởng.

        Quan cuộc gặp này, chúng ta và bộ chỉ huy quân đội Pháp đã đồng ý sẽ mở những phiên họp liên tịch để đi tới thỏa thuận về tổ chức, hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tiếp phòng và vấn đề thực hiện ngừng bắn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 02:17:41 am »


III

        “Con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh…”. Những dự kiến đề ra trong bản chỉ thị “Tình hình và chủ trương”  ngày 3 tháng Ba đã được thực tế chứng minh là hoàn toàn chính xác. Với Hiệp định mồng 6 tháng Ba, cách mạng lại đứng trước một khúc ngoặt. Ngay sau khi kí hiệp định, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp để đánh giá lại tình hình và đề ra chủ trương mới.

        Những nguyên nhân nào đã dẫn tới việc Pháp phải từ bỏ bản tuyên ngồn ngày 24 tháng Ba năm 1945 của Đờ Gôn để kí hiệp định này?

        Trước hết là do sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta. Đó là nhân tố quyết định quan trọng bậc nhất. Những năm đánh Nhật của ta, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám vĩ đại và cuộc kháng chiến anh dũng tại Nam Bộ gần sáu tháng qua đã làm cho kẻ thù nhận thấy sức mạnh mới đó. Đứng trước cả một dân tộc đã vùng dậy khỏi nghĩa giành lấy chính quyền, cầm vũ khí quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, ngay cả những viên tướng của thực dân như Lơcléc cũng phải suy nghĩ trước khi có những hành động phiêu lưu quân sự mới. Mặt khác, cần kể tới những khó khăn của bản thân chủ nghĩa đế quốc Pháp. Giai cấp tư sản Pháp đã bị suy yếu sau những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong nước, chúng phải đương đầu với phong trào đấu tranh ngày càng lớn mạnh của các lực lượng dân chủ. Tại Đông Dương, mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng nhin chung có chiều dịu đi, những vẫn làm cho Pháp e ngại. Tình hình trên đã buộc Pháp trước mắt phải tìm một giải pháp mới với chúng ta.

        Hiệp định mồng 6 tháng Ba đối với chúng ta mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Cuộc đàm phán giữa ta và Pháp đang tiếp tục. Toàn Đảng, toàn dân cần phải làm gì trong lúc này?

        Pháp chưa chịu công nhân nền độc lập của các nước Đông Dương. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tại các nước Đông Dương chưa hoàn thành. Mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này vẫn hoàn toàn là giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, củng cố chế độ dân chủ cộng hòa. Chính phủ Pháp đã kí Hiệp định Sơ bộ, tình hình có chỗ khác. Về sách lược ,chúng ta cần xác định rõ kẻ thù cụ thể lúc này để tập trung mũi nhọn vào chúng.

        Ba tháng trước đây, trong bản chỉ thị “Kháng chiến và kiến quốc” ngày 25 tháng Mười Một năm 1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau khi phân tích tình hình đã xác định: Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Trong tình hình mới, Thường vụ chỉ ra: Kẻ thù cụ thể trước mắt lúc này là bọn phản động Pháp. Bọn phản động này đang tìm mọi cách chống phá phong trào dân chủ tại Pháp. Chúng chủ trương câu kết với đế quốc Mỹ và đế quốc Anh để bao vây Liên Xô. Chúng vẫn mưu toàn đặt lại nền thống trị thực dân tại Đông Dương. Trước mắt, chúng đang phá hoại sự thống nhất của Việt Nam, ngăn cản cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn của nhân dân ta.

        Từ khi Pháp quyết định dùng võ lực để đánh chiếm Nam Bộ, ta đã nêu lên việc tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Trước tình thế mới, Mặt trận dân tộc thống nhất phải chĩa mũi nhọn vào bọn phản động Pháp.

        Một số khẩu hiệu được nêu lên: “Liên hiệp và bình đẳng với nước Pháp mới”, “Hai dân tộc Việt - Pháp liên hiệp chống bọn phản động Pháp”.

        Về quân sự, chúng ta phải ra sức giữ vững và bồi đắp thực lực, đề phòng mọi bất trắc. Đồng thời ta phải đầy mạnh đấu tranh trên các mặt trận mới: chính trị, kinh tế và văn hóa.

        Từ sự chuyển hướng về chiến thuật nói trên, Ban thường vụ dự kiến những điều có thể xảy ra và nêu lên một số công tác.

        Cần phải giải thích thật sâu rộng để cho đòng bào hiểu rõ kí Hiệp định Sơ bộ là một chủ trương đúng đắn, thấy đây là một thắng lợi của ta. Lại phải chống tư tưởng cho rằng kí xong với Pháp là đã hết mọi khó khăn, lơ là việc chuẩn bị chiến đấu.

        Ta phải thiết thực đề phòng thực dân Pháp bội ước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 02:18:11 am »


        Chúng có thể không chịu thi hành những điều khoản đã cam kết hoặc xuyên tạc nội dung của bản hiệp định. Cũng có thể là sau khi quân Pháp đổ bộ, đóng tại một số căn cứ rồi, bọn thực dân sẽ trở mặt kiếm chuyện tấn công ta nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Bảo vệ những thành quả mà cách mạng đã giành được là một nhiệm vụ cơ bản hết sức trọng yếu. Thường vụ nhấn mạnh phải tiếp tục những việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ở những nơi quân Pháp đến đóng, ta nên giữ thái độ bình tĩnh và tổ chức ra ủy ban liên lạc để giải quyết những vấn đề có liên quan giữa hai bên. Ta phải nhanh chóng tổ chức, giáo dục nhân dân địa phương luôn luôn cảnh giác đề phòng, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động binh lính Pháp làm cho quân Pháp hiểu được cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

        Đối xử với bọn Tưởng lúc này cần hết sức khéo léo. Hiệp định mồng 6 tháng Ba đã đặt chúng trước một tình thế mới. Chúng thấy rõ sẽ không duy trì được như cũ các quyền lợi của chúng ở Đông Dương. Ta phải chống lại mưu mô của chúng nhằm kéo dài thời gian đóng tại đây, muốn kiểm soát Đông Dương thành một xứ nằm dưới quyền quản trị của quốc tế.

        Bọn phản động trong nước đang có những thủ đoạn và mưu mô mới. Chúng ra sức xuyên tạc viêc kí hiệp định. Chúng tìm cách gây ra những vụ khiêu khích, tạo điều kiện cho thực dân Pháp kiếm cớ lấn bước ta hoặc xóa bỏ những điều đã kí kết. Bọn Quốc dân đảng tay sai của Tưởng vẫn mưu toan tiến hành một cuộc đảo chính phản cách mạng. Nhân lúc bọn chúng hoang mang vì cảm thấy sắp bị Tưởng bỏ rơi, ta cần tìm cách phân hóa chúng, kéo những người lầm đường quay trở về với nhân dân. Bọn Việt gian thân Pháp có thể ngóc đầu dậy, câu kết với Pháp phá hoại cuộc đấu tranh giành độc lập của ta. Ta phải tìm mọi cách có hiệu lực ngăn ngừa không để chúng làm hại sự nghiệp chung.

        Ban thường vụ đã chỉ ra dã tâm của thực dân Pháp đối với vấn đề Nam Bộ.

        Chúng sẽ cho rằng Hiệp định mồng 6 tháng Ba chỉ ấp đụng cho Bắc Bộ và phần lớn Trung Bộ, Chúng sẽ xúc tiến trò hề “đòi tự trị”, cố gắng tạo nên một chính phủ bù nhìn ở Nam Bộ nhằm tiếp tục chia cắt nước ta, đặt chúng ta trước một “việc đã rồi”.

        Đối với cuộc trưng cầu ý dân ở Nam Bộ đã nêu trong hiệp định, chúng sẽ tìm cách kéo dài thời gian trước khi tiến hành để đàn áp phong trào kháng chiến, tăng cường lực lượng của bọn ngụy quân, ngụy quyền. Đồng bào ta sẽ không còn được tự do bày tỏ nguyện vọng của mình trong một cuộc trưng cầu ý dân dưới lưỡi lê của bọn xâm lược.

        Chúng sẽ lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng trước khi hiệp định đình chiến được thực tế thi hành trong Nam Bộ mà lấn bước về quân sự và tiến công về chính trị. Chúng sẽ làm cho đồng bào ta chán nản, tạo cơ hội cho bọn phản cách mạng hoạt động.

        Chủ trương của ta là kiên quyết đòi Pháp phải thi hành nghiêm chỉnh hiệp định đình chiến, phải thừa nhận quyền hoạt động của Việt Minh ở các vùng do quân Pháp tạm chiếm trong khi chờ đợi hiệp ước chính thức giữa ta và Pháp. Tại các thành phố tạm chiếm, sẽ dấy lên một phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ đòi thống nhất đất nước.

        Việc kí Hiệp định Sơ bộ đã tạo ra một thời kì hòa hoãn. Ta cần hết sức lợi dụng thời gian quý báu này để củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt làm chơ sở cho cuộc đấu tranh lâu dài.

        Những điều trên đây đã được đề tra trong bản chỉ thì “Hòa để tiến”, của Ban thường vụ Trung ương ngày 9 tháng Ba năm 1946. Bản chỉ thị kết thúc bằng câu:

        “Các đồng chí!

        Tổ quốc đang gặp những khó khăn. Nhưng con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới. Chúng ta HÒA với nước Pháp để giành lấy thời gian, bảo toàn thựclực, giữ vững lập trường đặng mau TIẾN tới độc lập hoàn toàn".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM