Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:02:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33680 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:52 pm »


        Ngày 20, vô Huế.

        Vùng ngoại ô của thành phố hiện ra với những ngôi nhà xinh xắn, những vườn chè tươi tốt. Xe chạy giữa hai rặng cây ngô đồng mọc rất đều và thẳng, như sắp hàng bên đường nhựa.

        Đi khỏi quãng thành ngoài ở mặt Tây môn, đã nhìn thấy sông Hương êm đềm dưới ánh nắng chiều. Núi Ngự cao cao sau khu người Âu ở cũ. Sông núi này đã là của ta. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ cao ngất ở thành nội, sau Phú Văn Lâu. Vệ quốc quân đứng gác trước cửa thành.

        Trong thành, những dinh thự, những ngôi nhà trọ của các quan thị lang, tham trị ngày trước, đã thành những cơ quan của chính quyền, mặt trận. Tôi gặp anh Nguyễn Chí Thanh tại trụ sở Việt Minh. Tôi nói lại anh Thanh rõ chủ trương của Bác và Thường vụ. Hai anh em cùng trao đổi ý kiến, bàn bạc công việc, hàn huyên kể lại cho nhau nghe những đổi thay của đất nước từ sau ngày gặp nhau lần đầu, ở Đại hội Tân Trào.

        Huế phong kiến đã trở thành dĩ vãng. Huế lúc này là hậu phương trực tiếp của nhiều mặt trận. Các bộ ở mặt trận Nam Bộ, Nam Trung Bộ, mặt trận Lào về. Người ra công tác. Người ra chữa bệnh. Thương binh cũng được chuyển về đây. Nhiều người, bệnh chưa thực khỏi, vết thương chưa lành hẳn, đã nằng nặc đòi trở ra mặt trận. Vệ quốc quân luyện tập ngày đêm, tranh thủ từng giờ, từng phút trước khi đi chiến đấu. Ở bất kì cơ quan nào, nhà nào, người nào, cũng thấy sự bận rộn chăm lo cho kháng chiến. Tại đây, bọn đảng phái phản động không có đất để hoạt động. Các quân quan Tưởng cũng tỏ ra biết điều hơn, không dám giở những trò ngang ngược.

        Anh chị em xúm quanh hỏi thăm sức khỏe của Bác, tin tức miền Bắc, tình hình chống phá của quân Tưởng và bọn phản động tại Thủ đô. Nhiều người nói lại khi được tin Bác trúng cử tại Hà Nội với số phiếu cao nhất, đồng bào Huế rất phấn khởi.

        Huế là nơi Bác đã ở trong những ngày thơ ấu và buổi thiếu thời.

        Vào những năm cuối của thế kỉ trước, khi còn là một cậu bé đầu để trái đào, Bác đã tới Huế với gia đình. Cụ phó bảng sinh ra Bác ngày đó mới thi đỗ, được gọi vào kinh đô, Cũng tại đây, năm 1900, trong một căn nhà nhỏ trước Viện đô sát, cậu Cung - tên gọi của Bác lúc còn nhỏ - đã chứng kiến những phút cuối cùng của bà mẹ. Sau khi mẹ mất, cậu Cung trở về Nam Liên.

        Năm năm sau, trở lại Huế, cậu Cung đã trở nên anh thanh niên Nguyễn Tất Thành.

        Vào thời kì này, phong trào đấu tranh tại Huế rất sôi nổi. Pháp buộc Thành Thái phải nhường ngôi cho con là Duy Tân, khi đó mới lên tám tuổi. Đồng bào các nơi kéo về Huế mấy ngày liền, đòi giảm thuế. Pháp đưa lính Tây từ đồn Mang Cá lên, xả súng bắn vào những người dân tay không. Nhiều người bị đẩy xuống sông. Máu đổ đỏ loang trên cầu Tràng Tiền.

        Ở dây, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu ra đi chặng “đường muôn dặm”.

        Trước ngày tôi tới Huế một tháng, anh Lê Văn Hiến cũng được Chính phủ phái vào Nam công tác, đã qua Huế. Theo lời căn dặn của Bác, anh Hiến đã tới thăm bà Thành Thái và bà Duy Tân.

        Hai bà vợ của những ông vua nhà Nguyễn bị thực dân Pháp truất phế, rất bất ngờ và cảm kích trước sự quan tâm của Hồ Chủ tịch. Bà Thành Thái nói từ khi Chính phủ ta lên, hằng ngày tụng kinh, bà đã thay những lời cầu chúc cho hoàng tộc bằng lời cầu chúc cho Chính phủ và Cụ Hồ. Người con dâu của bà, vợ vua Duy Tân, nói là từ ngày chồng bị Pháp đưa đi đày đến giờ, bà không hề được hoàng tộc nhòm ngó tới.

        Tôi ở lại Huế hai ngày, bàn bạc với các anh việc thi hành những chỉ thị của Trung ương, thực hiện quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, ráo riết chuẩn bị trường kì kháng chiến, đề phòng giặc Pháp mở rộng chiến tranh ra cả miền Trung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:56:17 pm »

         
XIX

        Suốt dọc đường đi vào, đâu đâu đồng bào cũng yêu cầu nói về tình hình sức khỏe và những hoạt động của Bác, tỉnh nào cũng hỏi thăm bao giờ Bác vô. Các đồng chí lãnh đạo địa phương thì băn khoăn về sự chống phá của quân Tưởng và bọn tay sai ở Hà Nội, e ngại những nguy hiểm có thể xảy đến với Bác và Trung ương. Trong các buổi mít tinh, nơi nào cũng có những thanh niên và thiếu niên hỏi vì sao mình chưa được đi tòng quân, các chiến sĩ hỏi vì sao đơn vị mình chưa được lệnh Nam tiến.

        Càng đi về phía Nam, không khí kháng chiến càng sôi nổi.

        Tinh thần của đồng bào hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi rất cao. Ai cũng nói quyết tâm đánh Pháp, cũng đòi ra mặt trận diệt quan thù. Các cô gái đều cắt tóc ngắn. Hoạt động của kẻ địch, của bọn phản động, cái tơ cái tóc cũng không qua mắt nhân dân.

        Tại Quảng Nam, cứ một trăm Vệ quốc quân thì đã có ba mươi bảy người đi chiến đấu ở miền Nam.

        Quảng Ngãi là nơi bộ đội đi chiến đấu đạt tỉ lệ cao nhất. Cứ một trăm chiến sĩ thì có tám mươi nhăm người đã đi các mặt trận, chỉ còn mười lăm người ở lại tỉnh.

        Tiếp sau buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Quảng Ngãi, là cuộc mít tinh rất sôi nổi của đồng bào địa phương tại sân vận động. Tối hôm ấy, tôi ghi vào nhật kí đi đường: “Đó là tinh thần độc lập bất tử của dân Việt. Với một dân khí như thế, nước Việt Nam ta nhất định phải hoàn toàn độc lập và thống nhất”.

        Quảng Nam và Quảng Ngãi rất phấn khởi kh nghe truyền đạt những chỉ thị mới của Bác và Trung ương. Đồng thời với việc tích cực chuẩn bị kháng chiến lâu dài khi chiến tranh lan tới, các đồng chí lãnh đạo ở hai tỉnh, bàn bạc ngay việc gửi thêm bộ đội ra mặt trận.

        Mỗi làng xóm nho nhỏ bên đường đều như trỗi dậy, quật cường hẳn lên với những hoạt động của dân quân.

        Đâu đâu cũng thấy dân quân. Áo vải, quần nâu bình dị. Trong tay khi thì khẩu súng, khi là thanh mã tấu, khi chỉ một cây tre vát nhọn, nhưng khí thế lạ thường.

        Ngày 23, tôi tiếp tục từ Quảng Ngãi đi vào cùng anh Dực. Gần gới Bình Định, thoáng thấy một đồng chí dân quân đứng chĩa súng bên đường. Chắc là ở đây có trạm gác. Xe đang chạy nhanh. Cũng nghĩ là qua lại đã quen, anh Dực bảo đồng chí lái cứ tiếp tục đi. Chợt nghe đạn réo và tiếng súng nổ phía sau. Biết không thể vội được, chúng tôi cho xe dừng lại.

        Mọi người vừa xuống xe thì hai anh dân quân chạy tới, hỏi tại sao dám vượt qua trạm gác, và đòi cho xem gấy tờ. Chúng tôi nhận khuyết điểm. Anh Dực đưa giấy giới thiệu, trong đó có ghi chức vụ của anh là Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ. Đồng chí dân quân cầm giấy xem hồi lâu, rồi hỏi với một giọng dường như vẫn còn bực:

        - Xã “Trung Bộ” ở mô?

        Chúng tôi phải giải thích một lúc. Khi nghe xong, anh dân quân mới dịu nét mặt, trả lại giấy tờ để chúng tôi đi. Lên xe vừa vui vừa cảm phục. Để nâng cao trình độ văn hóa cho những người dân vừa thoát khỏi chế độ nộ lệ, cách mạng còn phải có thời gian. Nhưng về mặt đem lại tinh thần, khí phách cho những người chủ mới, thì đúng là nó đã làm được khá nhiều.

        Phong trào tòng quân tại Bình Định rất sôi nổi. Trong thành phố Quy Nhơn, có cả một đơn vị thủy quân gần một trăm chiến sĩ. Nhiều thanh niên gái cũng vào bộ đội. Bình Định có hai xưởng chế tạo, sửa chữa vũ khí; một trăm rưởi công nhân làm việc ngày đêm.

        Tôi đi Ninh Hòa với anh T.21. Ở Ninh Hòa đã thấy không khí mặt trận. Giặc Pháp vừa huy động một vạn rưởi quân, trong đó có binh đoàn xe bọc thép, từ hai phía Sài Gòn và Buôn Ma Thuột tiến đánh Di Linh và Đà Lạt.

        Tôi tới trụ sở Ủy ban quân sựu Khu VI giữa lúc đồng chí Khu trưởng ra lệnh cho một đội dân quân cảm tử lên tăng việc cho mặt trận Mađơrắc. Suốt ngày hôm đó, địch tấn công. Những xe bọc thép của chúng đang định thọc qua Mađơrắc, tiến xuống Ninh Hòa. Các đơn vị ở mặt trận báo cáo về bằng điện thoại. Các đồng chí Nam Long và Hữu Thành đang chiến đấu tại Mađơrắc. Nghe tin tôi tới đây, đồng chí Nam Long gọi điện thoại về. Chúng tôi chưa kịp nói chuyện thì địch đánh tới, đường dây bị cắt.

        Hai ngày sau, chúng tôi tới Khánh Hòa vào buổi chiều.

        Giặc Pháp đang tấn công phía Nha Trang. Máy bay địch lượn ở Khánh Hòa, thả bom và bắn liên thanh xuống thành phố. Pháo cao xạ ta bắn lên. Các đồng chí chỉ huy mặt trận về báo cáo tình hình, bàn kế hoạch tác chiến, rồi lại vội vã ra đi. Nhà bên cạnh, một phân đội Vệ quốc đoàn hát Tiến quân ca. Trẻ con vẫn nô đùa trên sân. Chỉ những khi máy bay địch rít ngay trên đầu, các em mới chịu nhảy xuống những hố cá nhân đào còn nông hoẻn. Những chiếc xe vận tải ngụy trang bằng lá cây, chở bộ đội ra tăng viện. Các chiến sĩ ngồi trên xe hô vang khẩu hiệu: “Quyết chiến! Quyết chiến!”. Phía Nha Trang, đại bác địch vẫn nổ ầm ầm, xen lẫn những tiếng súng cối của ta bắn trả. Ở Khánh Hòa, chúng tôi đã nhận được thêm nhiều tin tức về tình hình khẩn trương của mặt trận Nam Bộ.

--------------------
        1. Đồng chí Phạm Kiệt.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Mười Một, 2016, 02:10:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2016, 02:10:34 pm »


        Đúng là địch đang tìm cách giải vây cho Nha Trang, cố gắng đánh chiếm thêm một số tỉnh dọc bờ biển Nam Trung Bộ, cắt con đường tiếp viện từ miền Bắc vào.

        Ở dây, đã thấy rõ vì sao Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã đứng vững qua bốn tháng trời trước lửa đạn. Về cách đánh địch, chúng ta đã rút ra được, và dĩ nhiên còn phải tiếp tục rút thêm, những kinh nghiệm xương máu. Nhưng điều đã thấy được rõ ràng, là cái tinh thần “thà chết tự do hơn sống nô lệ” ở mỗi người dân. Nam Trung Bộ đang ở vào những giờ phút khó khăn. Với tinh thần đó, nhất định Nam Trung Bộ sẽ cùng Nam Bộ mãi mãi đứng vững và chiến thắng.

        Tôi chỉ mới tới được Khánh Hòa thì có điện của Bác gọi quay ra.

        Trở lại Sông Cầu, tới Quy Nhơn, chúng tôi rẽ lên thăm mặt trận Tây Nguyên.

        Tới An Khê, một vùng cao nguyên mênh mông hiện ra trước mắt. Nơi đây, xưa kia, Nguyễn Huệ đã dựng cờ khởi nghĩa.

        Qua đèo Măng Giang, đến Plây Ku. Đồng bào tỉnh Plây Ku phần lớn là người dân tộc Gia Rai. Tại tỉnh lị, có nhiều người Kinh. Bộ đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đóng quân dã chiến ngoài hị xã. Chúng tôi dừng lại Plây Ku nói chuyện với đồng bào và bộ đội. Các chiến sĩ đều sục sôi khi nghe kể những gương chiến đấu ở mặt trận, và tỏ vẻ nóng lòng chờ đến giờ phút được tiêu diệt quân thù.

        Buổi trưa, đi tiếp, lên Kon Tum. Một năm trước, vùng núi non hiểm trở này còn là nơi giặc Pháp giam cầm những người hoạt động cách mạng. Đồng bào Kon Tum thuộc các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Xê Đăng… Bộ đội đóng quân một phần trong thị xã, một phần ở ngoài. Đông bào các dân tộc kéo tới gặp đại biểu Chính phủ ở tòa sứ cũ tại thị xã, cạnh một con suối. Trong những người đến dự mít tinh, có cả một linh mục. Mọi người đều nói đến Bok Hồ và hỏi thăm sức khỏe của Bác. Hình ảnh Bác Hồ đã đến sớm với đồng bào Tây Nguyên chất phác, và sẽ ngày càng sâu đậm trong lòng các dân tộc.

        Tại đây, tôi gặp lại đồng chí Đức Thanh, một thanh niên dũng cảm của núi rừng Pắc Bó, đã từng được Bác Hồ trực tiếp dạy dỗ. Anh tới Tây Nguyên với bộ đội Nam tiến. Ít lâu sau, được tin đồng chí Đức Thanh đã hi sinh trong một trận chiến đấu để cùng với các dân tộc ở đây bảo vệ rừng núi Tây Nguyên.

        Chúng tôi nghỉ tại Kon Tum đêm hôm đó; sáng sau, quay ra sớm theo đường An Khê.

         Tối ba mươi Tết, xe đến chân đèo Hải Vân. Nhìn qua cửa kính, là bể, là sương. Giữa cảnh biển trời bao la vộ định, lập lòe ẩn hiện một ánh đèn. Không biết đó là ánh đèn của một chiếc thuyền chài ra khơi về muộn hay là ngọn đèn của một túp lều tranh trên đảo Tiên Chà.

        Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa. Một bên là vực sâu. Một bên là vách đá dựng đứng. Gió rừng hun hút. Đèo này nổi tiếng hiểm trở: “Một người giữ ải, muôn người khó qua”. Trong thế kỉ trước, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thông, những sĩ phu yêu nước Việt Nam ôm hận chống Pháp không thành, khi qua đây đã đề thơ. Một tên lính Tưởng hiện ra bên đường, yêu cầu dừng xe lại để kiểm soát. Xem giấy xong, chúng để xe đi. Ở các tỉnh miền Trung này, các quân quan Tưởng đều giữ một thái độ phải chăng.

        Sương mù dày đặc. Trời mưa mỗi lúc một to. Đèn pha ô tô rọi không quá mũi xe năm, sáu mét.

        Chỉ mấy tháng trời mà biết bao đổi thay. Một người nước ngoài biết những hoạt động của ta tại chiến khu trước ngày Tổng khởi nghĩa, đã nói: “Cuộc đời của các anh thật là li kì, đẹp đẽ. Một tuần trước còn là những người bí mật, len lỏi trong chốn rừng xanh. Một tuần sau, đã về giữa Thủ đô, người làm việc này, người làm việc kia. Nếu tôi có tài viết văn, tôi sẽ viết câu chuyện của các anh”. Bánh xe lịch sử dường như quay tít. Đối với mỗi người cách mạng, mỗi ngày, mỗi giờ lúc này, sao quá ngắn. Bước chân của thời gian đang vội vã. Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên lưng đèo, trong đêm mưa.

        Không biết giờ này, Bác và các anh đang làm gì. Tết Độc lập đầu tiên ở Thủ đô chắc là vui lắm. Mười ngày trưóc, đã nghe thư Bác kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào chia sẻ cuộc vui chung với các chiến sĩ ngoài mặt trận, với gia đình các chiến sĩ. Chiều hôm nay, khi qua Đà Nẵng, được đọc thư chúc Tết của Bác, Bác đã dành những tình cảm thắm thiết cho các chiến sĩ đang “đốt thuốc súng để giữ gìn Tổ quốc trong khi đồng bào đốt pháo mừng xuân”. Trong thư, Bác có mấy câu thơ:

                                       Bao giờ kháng chiến thành công,
                                       Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
                                       Tết này ta tạm xa nhau,
                                       Chắc rằng ta sẽ Tết sau xum vầy.

        Lá thư đầu xuân Bác viết chung cho cả nước đó, mỗi người đọc, đều tưởng Bác viết cho chính mình.

        Hôm sau, ra tới Huế. Chúng tôi cùng dự buổi mít tinh lớn đón xuân của đồng bào tại bến Thượng Bạc. Rừng người, cờ và biểu ngữ bát ngát. Chiều xuân chan hòa nắng ấm. Tất cả Huế đều có mặt. Đồng bào Huế sôi nổi khi nghe nói tình hình mặt trận, quyết tâm của Hồ Chủ tịch và Chính phủ là đẩy mạnh kháng chiến, tích cực chuẩn bị kháng chiến lâu dài đề phòng địch mở rộng chiến tranh. Những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Chuẩn bị trường kì kháng chiến!”, “Ủng hộ kháng chiến Nam Bộ!” vang lên như sấm dậy kết thúc buổi mít tinh. Lần đầu trong lịch sử Huế, đồng bào ta đón mùa xuân bằng những lời hô “Quyết chiến”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2016, 02:13:06 pm »


XX

        “Một năm mở đầu bằng mùa xuân”. Bác đã viết ba lá thư gửi đồng bào, chiến sĩ, thanh niên và nhi đồng nhân dịp xuân Bính Tuất. Xuân này lại là xuân mở đầu của những mùa xuân độc lập, tự do trên đất nước. Tết này, theo ý của Bác, là Tết thực hành Đời sống mới, Tết chia sẽ niềm vui chung của mọi người từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, Tết nghĩ đến các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận.

        Tối 30 Tết, tại Hà Nội. Như thường lệ, những đêm cuối năm, hai bên hè phố, các ngôi nhà, cửa đều khép kín. Đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Nhưng không khí của Tết Độc lập đã đến với mỗi căn nhà.

        Dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng đều có một bàn thờ Tổ quốc, có cờ nước, chân dung Hồ Chủ tịch, có đèn và hoa. Không còn ai phải đến chuyển lễ Tết các “quan trên”, các nhà chức trách, mối lo phổ biến của những người dân thành thị dưới thời Pháp thuộc. Sau bữa cơm cúng gia tiên, các chuyện ở mỗi gia đình đã là những câu chuyện mới, chuyện chính trị, chuyện về cuộc mít tinh lớn toàn thành để mừng xuân ngày mai, chuyện kháng chiến ở miền Nam. Mấy hôm trước, các khu đội tự vệ đã viết những bức thư chúc Tết, nhắc nhở đồng bào luôn luôn nhớ tới các chiến sĩ đang đem xương máu hi sinh chiến đấu ở tiền tuyến, ăn Tết Độc lập thật tươi vui nhưng tiết kiệm, dành tiền gửi cho các ủy ban Ủng hộ kháng chiến Nam Bộ.

        Đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố vừa ăn cơm tối ở nhà riêng xong, thì Bác tới. Bác đến đột ngột, không báo trước. Bác muốn đi chúc Tết đồng bào Thủ đô nhân dịp năm mới.

        Trời mưa lâm thâm. Đường phố lúc này vắng vẻ, thơm mùi thuốc pháo. Những lá cờ ban đêm thắm lại dưới ánh đèn.

        Anh Hưng đưa Bác tới một gia định ở phố Cửa Nam. Chủ nhà là đại đội trưởng tự vệ. cả gia đình này đều hăng hái tham gia các hoạt động cứu quốc.

        Ở nhà này ra, Bác muốn đến thăm một xóm lao động. Bác nói hãy đưa Bác tới một gia đình thật nghèo. Người nghèo trong thành phố còn nhiều lắm, nhưng đưa Bác đến nhà ai bây giờ?

        Bác bảo dừng xe trước một ngõ nhỏ ở phố Sinh Từ: Ngõ Hàng Đũa. Những ngõ, xóm này là cái mặt sau của thành phố mà bọn thực dân gần một trăm năm qua, không bao giờ nghĩ đến chuyện sửa sang, dù chỉ là xây một chiếc máy nước, hay bắc một ngọn đèn.

        Trời tối. Đường mấp mô, lầy lội vì mưa. Những lá cờ treo trước các mái nhà lụp xụp, đụng cả vào đầu khách đi đường. Bác đi sâu vào trong ngõ. Một căn nhà cửa để ngỏ, có ánh đèn dầu. Bác dừng chân, rồi rẽ vào.

        Nhà khá đông người. Đây là nơi ở chung của  mấy gia đinh. Giữa nhà, trên vách có treo  quốc kì, ảnh Bác và những dây hoa giấy. Mọi người đang nói chuyện vui vẻ. Câu chuyện tạm ngừng khi ông một cụ mặc chiếc áo ka ki cao cổ, chống gậy bước vào.

        Thoạt đầu, ai nấy nhìn nhau, người gia đình này tưởng ông cụ là khách của gia đình kia. Bác hỏi thăm việc chuẩn bị Tết. Những người trong nhà trả lời Bác vui vẻ. Nồi bánh chưng đặt ở góc sân, nước đang sôi. Đôi mắt Bác hiện lên ánh vui, Bác nói mấy lời chúc Tết. Mọi người bỗng nhận ra cụ già hồn hậu đến với các gia đình họ tối nay, chính là Hồ Chủ tịch. Đúng như là một giấc mộng đẹp. Người từ trên ảnh treo kia, bước ra, đứng giữa ngôi nhà nghèo nàn của họ. Khác với khi Bác tới, lúc này không ai nói nên lời. Mọi cặp mắt đều ngước nhìn Bác. Người nói:

        - Nước nhà mới được độc lập. Miền Nam còn đang kháng chiến. Đồng bào lao động ta làm ăn bây giờ còn vất vả. Nhưng có độc lập rồi thì sẽ có tất cả.

        Bác đi ra giữa lúc những người trong nhà còn bàng hoàng vì xúc động. Họ đã quên cả mời Bác và các đồng chí cùng đi uống nước. Tất cả đổ ra sân, đứng trông theo.

        Tối hôm đó, Bác đi thăm khá nhiều nơi. Xuân độc lập đầu tiên, Người muốn mang lại niềm vui cho nhiều gia đinh trong thành phố. Khi Bác tới nhà một viên chức nghèo ở phố Hàng Lọng, thì trời đã khuya. Người trong nhà sửa soạn đi ngủ. Nhưng chiếc màn đã được căng lên. Chiếc dây thép chăng giữa nhà, đầy quần áo. Không ai trong gia đình nghĩ có khách tới giờ này, và đó lại là cụ Chủ tịch nước.

        Chương trình đi chúc Tết đồng bào của Bác đêm 30 đã xong. Ngày mai, mồng 1, Bác còn rất nhiều công viêc. Bác sẽ tiếp các đồng chí trong Trung ương, trong Chính phủ và các đại biểu đoàn thể tới chúc Tết. Bác sẽ đi dự cuộc mít tinh đầu xuân của nhân dân toàn thành tổ chức tại Nhà hát lớn. Bác sẽ đến thăm và nói chuyện với một đơn vị Vệ quốc đoàn, vui chơi với các cháu thiếu nhi tại Ấu trĩ viên, dự bữa cơm liên hoan với các chú cảnh vệ tại Bắc Bộ Phủ…

        Tiễn Bác về xong, đồng chí Chủ tịch Ủy ban quay trở lại nhà. Sắp đến giao thừa, anh ra Bờ Hồ đón xuân. Phố xá lúc buổi tối vắng vẻ, giờ đã trở nên đông đúc. Người nào cũng muốn được hưởng không khí trong lành của mùa xuân độc lập đầu tiên. Chưa bao giờ, ở Hà Nội lại có một đêm giao thừa đông vui, nô nức như vậy.

        Tiếng pháo đón xuân bắt đầu nổ ran khắp thành phố. Vui chân theo những người hái lộc, anh Hưng đến trước cổng đền Ngọc Sơn. Đang đi vào chùa, anh chợt nhìn thấy trong đoàn người tấp nập trên cầu Thê Húc, có một cụ già mặc áo dài, quấn chiếc khăn len quanh mặt. Chỉ thoáng nhìn đôi mắt sáng của ông cụ, anh đã nhận ra ngay đúng là Hồ Chủ tịch. Bác bước đi chầm chậm giữa những người đang chen chúc nhau vào chùa. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban lại thấy một người đứng gần đó, đưa mắt ra hiệu cho mình. Đó là đồng chí bảo vệ của Bác. Bác không muốn để người chung quanh nhận ra.

        Bác đã thấy mùa xuân tại một gia đình hăng hái tham gia cách mạng. Bác đã thấy mùa xuân ở một xóm lao động, ở gia đình một viên chức nghèo. Bác còn muốn biết những giờ phút đón xuân độc lập tại đây, giữa đồng bào, trên đường phố, trong một ngôi chùa rất thân thuộc với người Hà Nội, nằm giữa hồ Hoàn Kiếm.

        Đồng bào đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn đêm ấy, có thấy những cành xuân của mình hái năm nay đầy lộc?

        Những chuyện này khi trở về Hà Nội, tôi được biết qua lời thuật lại cảu các đồng chí cùng đi với Bác đêm 30 Tết. Và hậu như nhiều đêm 30 Tết sau này của Bác, cũng đều như vậy. Bác vẫn đi chúc Tết đồng bào. Những nơi Bác tới, vẫn là những gia đình có công với cách mạng, có con em đi bộ đội, những gia đình lao động, thường là những nhà neo đơn. Những cuộc đến thăm của Bác bao giờ cũng bất chợt. Người muốn đem lại cho các gia đình niềm hạnh phúc mà họ không chờ đợi. Người còn muốn hiểu không khí thật sự ở mỗi gia đình trong những ngày vui. Tất cả những việc làm đó đều đã trở thành những thói quen bình dị trong đời sống rất mực binh dị và vô cùng vĩ đại của Người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2016, 02:18:43 pm »


XXI

        Tôi trở lại Hà Nội giữa lúc đồng bào đang xôn xao, căm phẫn vì quân Pháp tràn vào Lai Châu. Đây làm đám tàn quân của Alétxăngđri chạy Nhật hồi đảo chính mồng 9 tháng Ba năm trước. Từ đó, bọn chúng vẫn bị chính phủ Tưởng Giới Thạch giữ ở một vùng gần biên giới Hoa - Việt. Thực ra, đám quân này đã qua biên giới từ cuối tháng Giêng. Ngay trong những ngày Tết âm lịch, một số đơn vị Vệ quốc đoàn đã nhận được lệnh tiến gấp lên Tây Bắc, ngăn chặn quân địch.

        Vào thời gian này, ngày càng có nhiều lời đồn đại tại Trùng Khánh, Pháp và Tưởng đang đàm phán về vấn đề Đông Dương. Tin đó do các hãng thông tấn phương Tây tung ra. Trùng Khánh vẫn giữ thái độ im lặng, không hề đả động đến chuyện đàm phán, nhưng cũng không cải chính.

        Báo chí ở Hà Nội kéo tới phỏng vấn Lư Hán. Lư Hán tuyên bố: Số binh lính Pháp vào Lai Châu đã được Trùng Khánh cho phép. Y nói thêm: Quân Pháp phải di theo đúng một con đường đã được ấn định trước. Khi các báo hỏi những tin tức về cuộc điều đình Hoa - Pháp là thực hay hư, Lư Hán trả lời: Không biết gì về chuyện này.

        Cũng vào lúc bấy giờ, phái bộ Pháp ở Hà Nội nhờ một người trung gian đề nghị ta cho gặp lại.

        Đầu tháng Chín năm trước, một hôm, có một người nước ngoài đến trước cửa Bắc Bộ Phủ, xin vào. Các đồng chí cảnh vệ tưởng là nhân viên trong phái bộ Mỹ. Khi được đưa tới phòng thường trực, người ấy tự giới thiệu là sĩ quan Pháp, có việc xin gặp một đại diện của Chính phủ ta. Anh Hoàng Minh Giám đã ra tiếp.

        Viên sĩ quan chuyển lời của Xanhtơni đề nghị được nói chuyện với một người thay mặt có thẩm quyền trong Chính phủ. Anh ta than phiền là Phái bộ Pháp gần như bị quân Nhật giam giữ tại phủ toàn quyền, anh ta phải tìm mọi cách mới ra được đến đây.

        Ta cũng thấy cần phải tìm hiểu thêm về thái độ của Pháp. Anh Giám đã tới tổng hành dinh của quân đội Nhật để gặp Xanhtơni. Y ngỏ ý muốn trình bày với Chính phủ ta lập trường của chính phủ Pháp về vấn đề Đông Dương.

        Ít lâu sau, theo lời đề nghị của Xanhtơni, anh Giám đưa y tới Bắc Bộ Phủ. Bác và các anh chỉ định tôi ra tiếp.

        Xanhtơni đã nêu ý kiến về mối quan hệ Pháp - Việt. Trong thái độ, y tỏ ra mềm mỏng, biết điều. Nhưng nội dung các lời lẽ thì vẫn không khác gì mấy so với những điều Đờ Gôn đã tuyên bố trước đây. Bữa ấy, Xanhtơni có phàn nàn với là khi đi qua cổng Bắc Bộ Phủ, người chiến sĩ đứng gác đã có một cử chỉ không thân thiện. Thực ra, đây là kiểu chào bằng súng có lắp lưỡi lê của bộ đội ta lúc ấy.

        Từ đó, những cuộc trao đổi ý kiến giữa phía ta và phía Pháp thỉnh thoảng lại tiếp tục.

        Lập trường của ta là: Nước Pháp phải công nhận nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trước khi bàn đến các vấn đề khác.

        Pháp trở lại xâm lăng Nam Bộ; chiến tranh ngày càng lan rộng. Có những lần, cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng. Bác thường nhắc nhở: Cần giữ lập trường chính nghĩa của ta, nói có lí lẽ phải trái, nhưng nên có thái độ ôn tồn. Các cuộc trao đổi không đi đến sự thỏa thuận nào, và đã bị gián đoạn.

        Lần này, gặp lại ta, phái bộ Pháp báo tin một bản hiệp ước Hoa - Pháp về vấn đề Đông Dương sắp được kí kết nay mai. Họ nói muốn thương lượng với ta một giải pháp chính trị; nếu ta không chấp thuận thì có thể xảy ra những chuyện phương hại dến mối quan hệ Việt - Pháp sau này.

        Ngày 20 tháng Hai, tại Pari, Mutê, bộ trưởng bộ nước Pháp ở hải ngoại, công bố những điều khoản của hiệp ước Pháp - Hoa. Điều khoản quan trọng nhất là: Trùng Khánh bằng lòng cho Pháp đem quân ra miền Bắc Đông Dương, thay thế quân Tưởng sẽ rút đi. Hãng Roitơ đưa tin này kèm thêm một lời dọa dẫm: “Có lẽ chính phủ Pháp sẽ không ngần ngại gì mà không dùng đến vũ lực, nếu Việt Nam không chịu nhận một bản thỏa hiệp”.

        Điều đã rõ là kẻ thù bắt đầu hòa hoãn với nhau. Việc Tưởng để cho một số quân Pháp trở về Lai Châu là một biểu hiện cụ thể.

        Chính phủ Pháp và cả phái bộ Pháp ở Hà Nội đang dùng hiệp ước Hoa - Pháp - đến lúc đó vẫn chưa được kí kết - để gây sức ép với ta trong khi nói chuyện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2016, 02:20:46 pm »


        Bọn Việt Nam quốc dân đảng đột nhiên có những hoạt động chống phá dữ dội.

        Chúng tung người đi rải truyền đơn khắp các phố, hô hào đồng bào Hà Nội tổng đình công, tổng bãi thị phản đối Chính phủ. Chúng đã nhận ra trong việc mua bán hiện nay, cả Trùng Khánh lẫn Pháp đều không đếm xỉa gì tới chúng. Chúng lại đánh hơi thấy Pháp muốn dàn xếp với ta. Trước tình hình mới, số phận tay sai của chúng đang bị đe dọa. Chúng giãy giụa bằng cách chĩa mũi nhọn về phía chúng ta. Đây còn là ý muốn của nhóm quân phiệt Tưởng trực tiếp chỉ huy bọn tay sai ở Hà Nội.

        Sáng ngày 20 tháng Hai, bọn côn đồ đứng chặn ở một số cửa ô. Chúng ngăn không cho bà con nông dân ngoại thành mang hàng vào bán trong thành phố. Có tên nhảy lên tàu điện, khóa máy lại, cấm người lái không được cho tàu chạy. Có tên tới công sở, giật chùm chìa khóa từ tay người gác, không cho mở cửa để các viên chức vào làm việc. Một số tên xông vào chợ Đồng Xuân. Chúng leo lên đứng trên những quầy hàng, hô hào mọi người đang mua bán hãy giải tán. Các chị em bán rau, quả rút đòn gánh đuổi đánh khiến chúng phải tháo chạy.

        Cũng sáng hôm đó, chừng một trăm tên đầu trâu mặt ngựa tập hợp tại đường Quán Thánh. Chúng trương lên một lá cờ vàng có hai chữ “dân chúng”. Rồi chúng vừa đi vừa hò hét. Những tên mặc quần áo ka ki, đèo kính râm, dận ủng, giơ súng bắt những người ở dọc đường phải đi theo. Chúng hô “Đả đảo Chính phủ”, “Đả đảo Việt gian thân Pháp”, “Thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của cố vấn Vĩnh Thụy”… Chúng lăng mạ những người đứng ở các nhà hai bên hè phố, đang nguyền rủa chúng hoặc nhìn chúng bằng cặp mắt khinh bỉ.

        Bọn phản động kéo ra Bờ Hồ, đi về phía Tòa thị chính.

        Đồng bào từ các ngả đường, đổ về quanh Bờ Hồ rất đông.

        Một thanh niên tới rút lá cờ đỏ sao vàng treo trước nhà Việt Nam thông tấn. Anh giương lá cờ lên. Mọi người ùa lại, tự động sắp thành đội ngũ. Một cuộc biểu tình hình thành, đông hàng ngàn người. Đồng bào vừa đi vừa vung tay hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ.

        Những tên vác chiêu bài “dân chúng” đã tới trước cửa Tòa thị chính. Chợt ngay trong đám người này, vang lên những tiếng hô: “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh!”, “Đả đảo bọn phá hoại!”. Đồng bào đứng chung quanh, lập tức hưởng ứng các khảu hiệu này bằng những tiếng hô vang dậy. Một cuộc ẩu đả nổ ra ngay trong hàng ngũ của chúng. Những người bị bọn phản động bắt ép đi theo, được đồng bào giúp sức, đã quay lại trừng trị chúng.

        Cũng lúc đó, đoàn biểu tình của đồng bào rầm rộ kéo tới. Bọn phản động hốt hoảng cuốn băng cờ, bỏ chạy. Đồng bào đi ngang Tòa thị chính, đén đầu phố Duy Tân, rồi tiến về Bắc Bộ Phủ. Thiếu niên, nhi đồng các phố quanh đó, cũng đã tập hợp kịp thời. Các em khua trông ếch, dẫn đầu đoàn người vừa chiến thắng.

        Đoàn biểu tình dồn đến trước Bắc Bộ Phủ mỗi lúc một đông.

        Bác Hồ xuất hiện ở cửa sổ. Bác giơ tay vẫy chào đồng bao. Những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” nổi lên như sấm rền không ngớt.

        Ngày 21, bọn Quốc dân đảng lại tổ chức một cuọc biểu tình nữa, khoảng vài trăm người. Chúng tiếp tục la hét, đòi Vĩnh Thụy lên nắm chính quyền. Chúng kéo tới trước cửa nhà Vĩnh Thụy tại phố Trần Hưng Đạo. Bọn phản động cử người vào xin yết kiến cố vấn để bày tỏ nguyện vọng của “dân chúng”. Vĩnh Thụy tránh không gặp.

        Tại các phố bọn phản động kéo qua, đồng bào đều treo cờ trước nhà và đóng cửa sầm sầm để tỏ thái độ. Những người đi đường hô khẩu hiệu phản đối chúng. Các em thiếu nhi tự động rủ nhau chạy trước đám biểu tình, hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Chộc chốc lại xảy ra một cuộc xô xát giữa đồng bào và những tên khiêu khích. Từ những ngõ hẻm, những tầng gác, từng lúc, gạch, đá lại bay vụt tới những tên đeo kính râm, dận ủng, đang giơ tay hò hét.

        Cũng có thể lúc bấy giờ, Vĩnh Thụy đã ấp ủ những ý đồ mờ ám, nhưng, đáp lại lời bọn phản động yêu cầu mình lên nắm chính quyền, ngày hôm sau, Vĩnh Thụy nói với các nhà báo: “… Tôi tưởng một nhóm người không thể thay mặt toàn thể dân chúng. Việc bầu Chủ tịch cho nước Việt Nam sẽ do Quốc hội định đoạt vì chỉ Quốc hội mới chính thức là đại biểu của dân chúng cả nước. Không phải một nhóm người muốn cho ai là Chủ tịch là người ấy được làm Chủ tịch ngay”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2016, 02:23:36 pm »


XXII

        Những hoạt động để chuẩn bị kháng chiến về mọi mặt đã được tiến hành từ trước, lúc này càng được đẩy mạnh.

        Khó khăn nhất hiện thời là làm thế nào cho nhân dân hiểu rõ hoàn cảnh hiểm nghèo mà không ảnh hưởng tới chí khí chiến đấu? Làm thế nào để động viên một tinh thần chuẩn bị kháng chiến thật cao mà vẫn tránh được những hành động khiêu khích đối với quân đội Tưởng? Làm thế nào cho nhân dân không hoang mang trước những luận điệu tuyên truyền xảo trá, rất nguy hiểm của kẻ thù từ bốn phía bay tới, vẫn vững niềm tin ở Chính phủ và bình tĩnh đối phó trước mọi tình hình rối ren, thậm chí nghiêm trọng, có thể xảy ra?

        Ngày 22 tháng Hai, dưới hình thức “Lời hiệu triệu giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến Nam Bộ”, Bác viết:

        “Hiện nay, ngoài chiến tranh bằng quân sự, bọn thực dân Pháp đang dùng chiến tranh bằng tinh thần, chúng phát truyền đơn, dán khẩu hiệu, phao tin nhảm, mong cho dân ta hoang mang nghĩ ngợi, lo ngại: đó là nó tấn công tinh thần chúng ta.

        “Người xưa có nói rằng: “Đánh vào lòng người là hơn hết, đánh vào thành trì là thứ hai”. Vậy một dân tộc đang chiến đấu như dân tộc ta bây giờ là phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn luôn trấn tĩnh, cương quyết, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế…

        “Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống, khiến quân địch không có thức ăn, không có chỗ ở không có đuờng đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu, lúc nào cũng sẵn sàng mà không bao giờ do dự hoang mang…”.

        Hồ Chủ tịch còn nêu lên các vấn đề cơ bản: cuộc kháng chiến phải lâu dài, toàn dân; ta phải đánh địch bằng cả quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao… Người nhấn mạnh: “Trước hết là bằng tinh thần, bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác…, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ”.

        Đây chính là lời Bác hiệu triệu đồng bào cả nước chuẩn bị sẵn sàng đi vào một cuộc chiến đấu trường kì, toàn dân, toàn diện chống mọi kẻ thù ở trước mặt, ở sau lưng và ở cạnh nách chúng ta.

        Các báo ở Hà Nội tới phỏng vấn Hồ Chủ tịch về bản hiệp ước Hoa - Pháp. Bác trả lời: “Một là Trung Quốc chưa tuyên bố, hai là tin này do hãng Roitơ đưa ra, nên chưa có thể phê bình…”. Người nhắc đến chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn và cuộc kháng chiến của nhân dân Trug Quốc để bảo vệ độc lập dân tộc. Tuy không trực tiếp lên án Tưởng Giới Thạch, nhưng Người đã vạch cho nhân dân ta thấy rõ việc làm lật lọng và phản động của Trùng Khánh.

        Trong những giờ phút khó khăn, báo chí của ta đã làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn dư luận. Về cuộc đàm phán với Pháp, báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng bộ Việt Minh viết: “chúng ta có được hoàn toàn độc lập là do sức chiến đấu của chúng ta ở mặt trận… Lúc Pháp đang muốn điều đình là lúc chúng ta phải chiến đấu kịch liệt, càng phải chuẩn bị chiến đấu co đầy đủ để đòi hoàn toàn độc lập… Chúngta không từ chối một cuộc điều đình, nhưng chúng ta quyết không nên để cho cuôc điều đình trở thành một kế hoãn binh có lợi cho quân địch. Chúng ta cũng quyết không để cho cuộc điều đình trở thành bài hát ru ngủ chí phấn đấu của dân tộc… Vận mệnh của dân tộc bao giờ cũng do sức chiến đấu của ta định đoạt…”.

        Tại Hà Nội, lực lượng tự vệ chiến đấu, các đội tuyên truyền của thành bộ Việt Minh và thanh niên cứu quốc chia nhau tới các khu phố. Anh chị em làm công tác giải thích cho nhân dân và cùng các đội tự vệ thành tiến hành chuẩn bị chiến đấu. Trong khi quân Tưởng có mặt ở khắp nơi, mọi hoạt động phải kín đáo. Ta chưa thể đào hào, đắp lũy trước mặt chúng. Các chiến sĩ tự vệ học cách dùng mìn, để có thể nhanh chóng tạo nên những vật chướng ngại trong thành phố nếu chiến tranh nổ ra.

        Các đơn vị Vệ quốc đoàn được lệnh kiểm tra mọi công việc chuẩn bị chiến đấu.

        Ủy ban hành chính Hà Nội vận động người già và trẻ em tạm rời khỏi thành phố. Báo chí và các đoàn thể lên tiếng kêu gọi đồng bào nông thôn có thái độ thân ái và hết sức giúp đỡ những người ở thành phố tản cư về địa phương của mình.

        Cùng với công cuộc chuẩn bị kháng chiến ở khắp nơi, ta vẫn xúc tiến việc thành lập Chính phủ liên hiệp để phát huy thắng lợi của Tổng tuyển cử. Cho tới đó, những cuộc hiệp thương với các đảng phái phản động vẫn không đạt kết quả. Bọn Việt Nam quốc đân đảng đòi ta phải dành cho chúng mười Bộ trong Chính phủ cùng với nhiều chức vụ quan trọng khác. Ngay cả các quan thầy của chúng cũng nhận thấy những yêu sách này là quá đáng.

        Ngày triệu tập Quốc dân đại hội sắp tới. Mặc dầu bọn phản động hằng ngày chống phá quyết liệt, ta vẫn nhẫn nại, cố gắng hạn chế những hoạt động khiêu khích của chúng. Tình hình hết sức khẩn trương. Một cuộc chiến tranh rộng lớn có thể bùng nổ nay mai. Bác đã gặp Tiêu Văn và tìm cách thuyết phục y. Ta nêu ra càn phải tổ chức ngay một chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm những người của các đảng phái và những người không đảng phái. Cuối cùng, Tiêu Văn cân nhắc thiệt hơn, thấy cũng chẳng còn cách giải quyết nào có lợi, bèn bắt ép bọn tay sai phải nhận giải pháp của ta.

        Chỉ còn không đầy một tuần là đến ngày họp Quốc dân đại hội. Khi đó bọn phản động mới chịu chấp thuận thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Chính phủ mới gồm mười Bộ. Hai Bộ quan trọng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng sẽ trao cho những người trung lập. Mặt trận Việt Minh và Đảng dân chủ giữ bốn bộ. Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng giữ bốn Bộ. Ngoài ra bọn chúng cũng đồng ý với ta thành lập Ủy ban kháng chiến toàn quốc và đoàn Cố vấn quốc gia.

        Cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời từ trong Trung ra để tham gia vào Chính phủ mới.

        Tôi được biết cụ Huỳnh từ hồi còn làm báo Tiếng dân ở Huế. Cụ là một nhà nho có tinh thần yêu nước cao, có khí tiết, nhưng chưa hoàn toàn tin tưởng ở đường lối cách mạng của Đảng ta. Một phần, vị cụ thấy mình tuổi đã quá cao. Một phần, vì cụ chưa hiểu những người lãnh đạo mới “thuộc lớp trẻ này” ra sao. Đến lúc nghe nói rõ Hồ Chủ tịch chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cụ mới quyết định ra Hà Nội. Cụ muốn biết nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mà cụ đã nghe tiếng từ lâu là người như thế nào.

        Tới Hà Nôi, gặp chúng tôi, cụ Huỳnh tỏ ý lo lắng về cái mà cụ gọi là tình hình “đảng tranh” hiện thời. Theo ý của cụ thì Việt Minh, Việt Nam cách mệnh đồng minh đều tranh đấu cho dân, các vị lãnh đạo đều là những người yêu nước đã bôn ba hải ngoại, giờ phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên, phải đoàn kết lại, không nên xung đột vì chuyện đảng phái.

        Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới, ôm lấy nhau; cả Bác và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt. Bác và cụ Huỳnh đã nhắc tới cụ phó bảng ngày xưa, bao phen lận đận ra Bắc vào Nam giữa những năm dài đen tối. Và ngay từ phút đầu, cụ Huỳnh đã thấy ở nhà cách mạng lừng danh mà từ lâu mình khát khao đượcc gặp, một người rất thân thiết. Sau buỏi gặp Bác, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn: “Dân ta có được Cụ Hồ, quả là hồng phúc”. Cụ đã đặt vào Người một sự tin cậy hoàn toàn. Mặc dầu cụ hơn tuổi Bác nhiều, nhưng mỗi khi nhắc tới Hồ Chủ tịch, cụ thường nói đó là vị “Cha già của dân tộc”.

        Cụ Huỳnh đã nhận giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiêp kháng chiến sắp thành lập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:53:02 am »


XXIII

        Những chuyển biến sâu sắc của xã hội Việt Nam cùng với cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào ta ở Nam Bộ, dần dần đã làm thay đổi suy nghĩ của một số người thức thời trong hàng ngũ các tướng tá Pháp. Những người này cảm thấy bản tuyên bố của Đờ Gôn ngày 24 tháng Ba năm 1945 đã lạc hậu  hàng chục năm so với tình hình tại đây.

        Theo tài liệu của Pháp, sau khi chiếm được một số tỉnh ở Nam Bộ, cơ quan tham mưu Pháp tại Sài Gòn đã dự thảo một kế hoạch quân sự để trở lại miền Bắc. Kế hoạch đó đại cương như sau: Dùng các đơn vị xe bọc thép của Mátxuy, những đơn vị khinh quân của Vanluy, với sự yểm hộ của pháo binh, đổ bộ vào Hải Phòng. Dùng lính nhảy dù chiếm một số địa điểm xung yếu tại Hà Nội, làm tê liệt chính quyền trung ương cảu ta, giải thoát năm ngàn binh lính Pháp bị cầm tù trong thành, nhanh chóng vũ trang lại cho chúng, giao cho chúng nhiệm vụ cùng với lính dù giữ Hà Nội đến khi các đơn vị xe bọc thép kéo lện; rồi từ đó, chiếm đóng tất cả các vị trí chiến lược…

        Nhưng bộ chỉ huy Pháp tỏ vẻ e ngại trước kế hoạch này. Nó mang nhiều tính chất mạo hiểm. Số quân viễn chinh Pháp tại Nam Bộ đã lên tới ba vạn rưởi người. Nhưng thực tiễn của cuộc chiến tranh đã chứng tỏ: dù các tướng lĩnh Pháp có một số quân đông gấp mấy lần, họ cũng không thể làm cho Nam Bộ trở lại tình trạng những ngày trước khi Pháp bị lật đổ.

        Trong tình hình đó, nếu mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam tức là phải đương đầu với sức mạnh của cả một dân tộc. Các tướng ta Pháp còn biết chắc chắn là sẽ gặp trên miền Bắc những lực lượng kháng chiến lớn mạnh gấp bội những lực lượng họ đã gặp ở miền Nam. Để khôi phục nền thống trị thực dân tại đây, Lơcléc tính phải cần tới một đạo quân viễn chinh ba mươi lăm vạn, gồm toàn người da trắng. Đó là một điều mà nước Pháp kiệt quệ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, không thể nào có được. Và dù cho có một đội quân lớn như thế, thì Lơcléc cũng vẫn nhận thấy việc xây dựng lại cơ đồ này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại lớn.

        Mặt khác, tại miền Bắc, hiện còn có mười tám vạn quân Tưởng đang làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Đưa quân ra Bắc, Pháp có thể đụng đầu với quân Tưởng. Như vậy sẽ hết sức nguy hiểm.

        Những tướng tá ít nhiều hiểu biết thức thời của Pháp đã nhận tháy giải pháp thích hợp với tình hình Đông Dương, phải là một giải pháp chính trị: Thương lượng với Trùng Khánh để Tưởng rút quân đi, cho quân Pháp vào thay thế; điều đình với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa để tránh cuộc chiến tranh lâu dài, khó tìm ra lối thoát.

        Chính phủ Pháp cũng đã sớm tìm cách thương lượng với Trùng Khánh. Làm việc này tuy gian khổ nhưng không phải chỉ toàn là khó khăn.

        Trước kia, Trung Hoa vốn cũng là một nạn nhân của để quốc Pháp. Ngày nay, Trung Hoa về danh nghĩa đã trở thành một trong năm nước mạnh trên thế giới. Nhưng trên thực tế, chính quyền Tưởng Giới Thạch vẫn phụ thuộc vào Mỹ về nhiều mặt. Pháp với Mỹ không ưa nhau. Nhưng cả Mỹ, Anh, Pháp đang có chung một mối lo: Đó là sự phát triển hùng mạnh của Liên Xô sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nguyên nhân của mối “hiểm họa” này, nhiều nhà chiến lược phương Tây đã chua chát cho là do quân Đồng minh đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong đại chiến lần thứ hai. Mỹ đang ra sức tập hợp lực lượng các nước tư bản ở châu Âu để đối phó với cái gọi là “nguy cơ Nga”. Như vậy Mỹ không thể quá thờ ơ với những quyền lợi của Pháp.

        Cuối tháng Tám năm 1945, Đờ Gôn qua Mỹ đã gợi ý Tơruman giúp đỡ Pháp trong vấn đề Đông Dương.

        Mặt khác, nội tình Trung Hoa cũng đang làm Tưởng bối rối. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng, trước phong trào cách mạng đang dâng lên mạnh mẽ, bọn quân phiệt Quốc dân đảng buộc phải kí với Đảng Cộng sản Trung Quốc bản “Hiệp định mồng 10 tháng Mười”. Đôi bên thỏa thuận: Tránh nội chiến, lấy thống nhất, đoàn kết, dân chủ, hòa bình làm cơ sở, mở Hội nghị chính trị hiệp thương. Hiệp định kí chưa ráo mực, Tưởng Giới Thạch đã tung một triệu tám mươi vạn quân ào ạt tiến đánh các khu căn cứ của cách mạng. Bằng hành động phản bội bất ngờ này, chúng hi vọng nhanh chóng đè bẹp lực lượng Hồng quân. Nhưng, chúng đã vấp phải sự phản công quyết liệt ở khắp các mặt trận. Chiến sự diễn ra trên mười một tỉnh. Trong vòng một tháng, mười một vạn quân Tưởng đã bị tiêu diệt. Ngọn lửa cách mạng bùng cháy trên khắp lục địa Trung Hoa. Tưởng lại buộc phải tìm kế hoãn binh để tiếp tục chuẩn bị lực lượng, bằng cách kí hiệp định đình chiến mồng 10 tháng Giêng năm 1946 và bắt đầu Hội nghị chính trị hiệp thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:54:06 am »


        Tưởng Giới Thạch đang gặp nhiều khó khăn. Có thể trong tình hình này, hắn sẽ phải rút một phần lớn số quân ở miền Bắc Đông Dương về, để lo củng cố hậu phương.

        Vào đầu tháng Giêng năm 1946, Lơcléc đã cử người thương lượng đến Trùng Khánh. Đó là tướng Xalăng, người được chỉ định thay thế Alétxăngđri, chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Xalăng đã đạt được kết quả đầu tiên, xin Trùng Khành cho số quân Pháp bị cầm giữ tại Trung Hoa trở về Lai Châu.

        Vào khoảng trung tuần tháng Giêng, nhân một phiên họp của Liên hiệp quốc, chính phủ Pháp đã phái Mutê đến gặp đại diện của Tưởng Giới Thạch để đưa ra các điều khoản thương lượng cụ thể. Tưởng Giới Thạch nhân được báo cáo, tỏ vẻ ưng thuận. Pari lập tức cử viên đại sứ mới, Meriê, tới Trung Khánh. Meriê nhận được chỉ thị của chính phủ Pháp, cố gắng đạt thỏa thuận trong thời gian ngắn nhất. Nhưng Trùng Khánh lại muốn kéo dài cuộc điều đình, lám sao để kiếm thêm lời.

        Điều đình với Tưởng, thì tất cả bọn thực dân Pháp đều nhất trí tán thành. Nhưng điều đình với ta, thì nhiều tên thực dân ra mặt phản đối. Đờ Gôn vẫn muốn duy trì đế quốc Pháp trong tình trạng gần như cũ. Ông ta không thể nghe lọt tai lời khuyên nhủ của những ngừoi có khuynh hướng  gọi là “tự do”. Đácgiăngliơ, cao ủy, là một tên tướng thực dân rất thủ cựu, trung thành với chủ trương, chính sách của Đờ Gôn, muốn giữ nguyên mọi đặc quyền đặc lợi của nước Pháp. Những tên thực dân Pháp có quyền lợi ở Đông Dương, đặc biệt là bọn quan cai trị cũ, đều tức tối khi nghe nói đến chuyện điều đình với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đối với chúng, chỉ có một vấn đề đặt ra là phải phục hồi chủ nghĩa thực dân cũ trước ngày 9 tháng Ba năm 1945. Chúng coi việc điều đình với ta là một sự đầu hàng nhục nhã.

        Ngày 20 tháng Giêng năm 1946, tình hình chính trị ở nước Pháp có sự thay đổi. Đờ Gôn từ chức. Phêlích Goanh, một đảng viên Xã hội, lên thay. Kế hoạch của Lơcléc về một cuộc thương lượng với Chính phủ Việt Nam được Pari coi là thích hợp. Đácgiăngliơ thấy cần trở về Pháp để bảo vệ chủ trương của mình. Ngày 13 tháng Hai, y rời Sài Gòn. Trong khi tạm thời thay thế Đácgiăngliơ, Lơcléc đã chỉ thị cho phái đoàn Pháp ở Trùng Khánh cố gắng thỏa thuận sớm với Tưởng, mặt khác, thúc Xanhtơni xúc tiến cuộc điều đình với Chính phủ ta.

        Lập trường thương lượng của chính phủ Pháp do phải bộ Pháp tại Hà Nội trình bay với ta lần này, đã có phần nào khác trước. Tuy nhiên, Pháp chưa chịu nhân nhượng những yêu cầu cơ bản của ta là: Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Thái độ trước sau như một, ôn tồn nhưng rất kiên quyết của Bác, đã làm cho những nhà thương lượng Pháp phải suy nghĩ.

        Tại Trùng Khánh, cuộc mặc cả giữa chính phủ Pháp với bọn Tưởng Giới Thạch cuối cùng đã ngã giá.

        Pháp đồng ý trả lại cho Tưởng các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông, trả lại đất mướn Quảng Châu Loan, bán lại đường sắt ở Vân Nam. Không đếm xỉa gì đến chủ quyền của ta, chúng nhận với bọn Tưởng là Hải Phòng sẽ trở thành một hải cảng tự do, hàng hóa của Tưởng vận chuyển qua miền Bắc sẽ được miễn thuế. Để đổi lấy những quyền lợi đó, Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân Pháp thay thế quân đội Tưởng tại miền Bắc Đông Dương, trong khoảng thời gian từ mồng 1 đến 15 tháng Ba, chậm lắm là 31 tháng Ba năm 1946.

        Đó là nội dung bản hiệp ước Hoa - Pháp được kí kết ngày 28 tháng Hai năm 1946, Hiệp ước kí xong, Xalăng vội vã quay về Hà Nội, chuẩn bị cho quan Pháp trở lại miền Bắc. Cơrêpanh ở lại Trùng Khánh, tiêp tục bàn với phía Tưởng về các thể thức tiến hành việc thay quân.

        Ngày 1 tháng Ba, Lơcléc nhân được tin từ Trùng Khánh báo về là mọi việc đều đã được thỏa thuận.

        Hạm đội Pháp đã đợi trên bến nhiều ngày.

        Cũng theo những tài liệu của Pháp mà sau này ta được biết, Lơcléc lập tức đặt bọn lính dù trong tình trạng báo động và ra lệnh cho đoàn tàu nhổ neo rời bến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:56:18 am »

        
XXIV

        Sáu tháng trước, Trùng Khánh đưa quân ào ạt vào miền Bắc. Sức mạnh chính trị, tinh thần của nhân dân ta cùng với đường lối, sách lược của Đảng và của Hồ Chủ tịch đã làm thất bại bước đầu âm mưu xâm lược của kẻ thù. Chúng vẫn là một nguy cơ. Nhưng, chính quyền cách mạng đã không ngừng được củng cố. Hòa hoãn được với Tưởng, về một mặt nào, ta đã biến quân đội của chúng thành một bức rào để tạm thời ngăn quân Pháp trở lại miền Bắc.

        Trong khi chuẩn bị đề phòng Pháp mở rộng chiến tranh, Bác và Trung ương đã chủ trương huy động sức mạnh cả nước để cùng với đồng bào miền Nam vượt qua những giờ phút khó khăn đầu tiên của cuộc kháng chiến. Nhân dân ta đã triệt để làm theo điều đã Đảng chỉ rõ trong Hồi nghị toàn quốc tại Tân Trào: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi”. Giành được những chiến thắng quan trọng trên mặt trận, đó là cách tích cự nhất để bảo vệ chính quyền cách mạng.

        Cùng một thời gian, kẻ địch mở một loạt những cuộc tiến công trên các mặt trận khác nhau. Về quân sự, chúng tăng cường những hoạt động “bình định” ở Nam Bộ, lấn chiếm thêm các tỉnh ở Nam Trung Bộ để giành lợi thế, đồng thời chuẩn bị kế hoạch trở lại miền Bắc. Về ngoại giao, chúng cố mặc cả với Tưởng, âm mưu đặt nhân dân ta trước một việc đã rồi. Trong khi nói chuyện với ta, chúng luôn tung ra những tin tức về Hiệp ước Hoa - Pháp, hòng lung lạc tinh thần nhân dân ta. Bọn phản động Việt Nam quốc dân đảng với ý đồ đen tối riêng của chúng, đã phối hợp hoạt động chiến tranh tâm lí của Pháp một cách khá chặt chẽ.

        Tình hình bắt đầu đổi khác.

        Trước kia, ta tìm mọi cách lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng để tập trung mũi nhọn chĩa vào Pháp. Nay, hai kẻ thù đã tạm dàn xếp. Chúng đã bắt tay với nhau trong một âm mưu mới chống lại ta.

        Cách mạng đang đứng trước một tình thế khó khăn cấp bách.

        Ngay sau khi hiệp ước Hoa - Pháp được công bố, Thường vụ nhận định, đây không phải là chuyện mua bán riêng giữa Tưởng và Pháp. Đây chính là sự tạm nhân nhượng giữa Mỹ, Anh, Tưởng với Pháp về vấn đề Đông Dương. Chúng tạm dẹp mâu thuẫn nội bộ để cứu vãn quyền lợi chung, đang bị những cao trào cách mạng đe dọa.

        Tưởng sẽ ép nhân dân ta phải nhận những điều khoản chúng đã kí kết với Pháp. Trước khi rút quân đi, chúng sẽ cố thay đổi thành phần trong Chính phủ ta, đưa bọn phản động tay sai của chúng vào. Mặt khác, nhóm tướng lĩnh của Tưởng tại đây, sẽ tìm cách ngăn cản cuộc đàm phán giữa ta với Pháp, để dây dưa ở lại miền Bắc, tranh thủ vơ vét.

        Rất nguy hiểm lúc này là bọn Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội. Chúng làm ra bộ những người cách mạng hăng hái nhất. Chúng cố tìm cách khích động quần chúng bằng những khẩu hiệu: “Không điều đình với ai hết”, “Thắng hay là chết”… Chúng muốn phá cuộc đám phán giữa ta và Pháp. Âm mưu của chúng là cố đẩy ta chống lại hiệp ước Hoa - Pháp. Đó chính là cái cớ cho cả Tưởng và Pháp câu kết với nhau để diệt cách mạng. Chúng sẽ vu cho ta là chống Đồng minh, chống hòa bình. Trong lúc ta ngăn quân Pháp tiến vào miền Bắc, bọn phản động sẽ nhanh chóng lập một chính phủ bù nhìn chống ta, và tùy cơ thay thầy đổi chủ. Quân Tưởng cũng sẽ nhân đó, nán ở lại Đông Dương1.

        Tình hình đổi thay mau lẹ.

        Nhưng, Đảng ta và Hồ Chủ tịch với cái nhìn xa rộng đã thấy trước sự biến chuyển này. Từ hạ tuần tháng Mười Một năm 1945, trong bản chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Trung ương đã nhận định là bọn đế quốc sẽ nhân nhượng với nhau, cho Pháp trở lại. Và sớm hơn nữa, điều này đã được nêu ra từ hội nghị toàn quốc của Đảng họp tạ Tân Trào, trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

        Đối với Bác và Trung ương, đây chỉ là một tình hình diễn ra đúng như ta đã dự kiến. Trong thời gian ngắn ngủi vừa qua, Đảng ta đã tích cực chuẩn bị để đối phó với tình thế đó. Dù muốn hay không, đế quốc Pháp cũng phải nhìn thấy một thực tế mới: Cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết đứng dậy trong cuọc chiến đấu một mất một còn chống lại kẻ thù xâm lược. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có một chính phủ có đầy đủ sức mạnh để động viên, tổ chức toàn dân kháng chiến, có đầy đủ thẩm quyền, uy tín và khả năng quyết định mọi vấn đề thuộc chủ quyền, tương lai, vận mệnh của dân tộc mình.

        Và thực dân Pháp đã không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự thật đó, ngay cả khi cuộc dàn xếp của chúng với Tưởng đã xong. Một dấu hiện rõ rệt là phái bộ Pháp ở Hà Nội, đã nhiều lần xin gặp chính quyền ta.

        Vấn đề lúc này là đánh hay hòa với Pháp.

        Câu trả lời đã được Bác và Thường vụ nêu ra:

        Có thể nói phứt ngay rằng: nếu Pháp giữ chủ trương Đông Dương tự trị theo bản tuyên ngôn ngày 24 tháng 3 năm 1945, thì nhất định đánh và rất có thể đánh dẻo dai theo lối du kích; nhưng nếu Pháp công nhận Đông Dương tự chủ thì có thể hòa, hòa để phá tan âm mưu của bọn Tưởng, bọn phản động Việt Nam và bọn phát xít Pháp còn lại, chúng định hăm ta vào tình thế cô độc, buộc ta phải đánh với nhiều kẻ thù một lúc…

        Lập trường của ta trong cuộc đám phán là giành cho được Độc lập, đồng thời có thể liên minh với Pháp. Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết cả ta và sự thống nhất quốc gia của ta. Ta có thể đồng ý cho Pháp tạm thời đưa một số quân vào miền Bắc để làm nhiệm vụ tiếp phòng, thay quân đội Tưởng rút đi. Nhưng quân Pháp chỉ đươc phép ở lại trong một thời hạn nhất định.

        Hòa với Pháp, ta sẽ “giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới, phốí hợp với cuộc chiến đấu của nhân dân Pháp, tiến tới giành được độc lập hoàn toàn”.

        Một điều quan trọng được Thường vụ nhấn mạnh:

        “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngưng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta ”.

        Từ những tư tưởng chỉ đạo đó của Trung ương, trong suốt quá trình đàm phán, quân và dân miền Nam đã không ngừng đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên các mặt trận. Đồng bào cả nước đã ráo riết chuẩn bị về cả tinh thần và tổ chức để đi vào một cuộc kháng chiến lâu dài, kể cả trong trường hợp xấu nhất, hai kẻ thù Pháp, Tưởng câu kết với nhau hòng tiêu diệt cách mạng.

---------------
        1. Xem chỉ thị “Tình hình và chủ trương” của Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 3 tháng 3 năm 1946.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM