Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:20:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33487 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 08:46:47 am »


        Hàng ngày, Bác phải tiếp rất nhiều khách.

        Những người khách đó rất khác nhau. Những ông tướng của quân đội Tưởng đến để đòi gạo, đòi rất nhiều gạo. Nhưng không phải chỉ có gạo. Chúng còn cả tiền, đòi nhà ở, đòi từ chiếc bóng đèn, cân đường đến cả thuốc phiện, đòi tất cả những gì chúng còn chưa cướp được của nhân dân ta.

        Có khi đó chỉ là một tên liên trưởng1. Hắn khẩn khoản yêu cầu được gặp Hồ Chủ tịch vì một việc riêng mà hắn nhất định không chịu nói với người khác. Việc riêng mà hắn chỉ có thề trình bày với Bác đó là: hắn muốn bán vài trăm khẩu súng.

        Có khi là đại biểu của những phái đoàn “đồng minh”, Mỹ có, Anh có. Các cuộc đến thăm này mang những mục đích khác nhau. Nhưng tất cả đều không phải là thiện ý. Có khi là những nhà báo nước ngoài đến xin gặp để tìm hiểu phong trào Việt Minh, tìm hiểu đường lối, chính sách của Chính phủ ta. Cũng có khi là những kẻ giả danh nhà báo đến mượn cớ phỏng vấn đề thăm dò thái độ, điều tra tình hình.

        Nhiều nhất vẫn là khách trong nước. Đó là đại diện cho các đoàn thể cứu quốc, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ... Đó là những người đại biểu các tôn giáo, các tầng lớp công thương hoặc các nhân sĩ. Một đoàn cán bộ, chiến sĩ vừa ở Nam Bộ ra, xúc động đến trào nước mắt trong buổi đầu gặp Bác, mang theo tình cảm dạt dào của hàng triệu đồng bào ruột thịt đang chiến đấu. Một đoàn đại biểu của đồng bào các dân tộc miền núi đã san sẻ cháo bẹ, rau măng với cách mạng, ở Khu giải phóng về thăm Thủ đô... Có khi là một cụ già râu dài “nay nước nhà đã được độc lập đến để góp vài ý kiến xây dựng quốc gia”. Có khi chỉ là một người kiếm cớ đến xin giải thích một điều gì về chính sách để được gặp Bác.

        Nhiều buổi Bác mới tiếp khách, quá bữa mới xuống nhà ăn. Thấy Bác mệt và bận quá, có lần anh em chúng tôi đề nghị với Bác bớt những cuộc gặp gỡ không thật cần thiết. Bác nói:

        - Chính quyền ta mới thành lập. Đồng bào, cán bộ có nhiều điều muốn biết, cần hỏi. Đây cũng là dịp để nói rõ chủ trương, chính sách của Chính phù, của đoàn thể cho mọi người rõ. Ta không nên để đồng bào cảm thấy gặp những người trong Chính phủ bây giờ cũng khó khăn như đến cửa quan ngày trước.

        Các chiến sĩ Quân giải phóng làm nhiệm vụ cảnh vệ ở Bắc Bộ Phủ các đồng chí lái xe ở gần Bác là những người được hưởng nhiều sự chăm sóc. Đối với anh em, Bác không chỉ là đồng chí Chủ tịch nước. Bác còn là một người cha. Anh em đều thấy phần mình giúp đỡ được cho Bác quá ít so với phần Bác đã dành cho mình.

        Mặc dù bận, Bác vẫn dành thời giờ chuyện trò, hỏi han anh em, từ bữa ăn có đủ no không, đến những vui, buồn trong gia đình. Bác hay chú ý đến trật tự nội vụ và việc giữ vệ sinh của các chiến sĩ.

        Buổi tối, cơ quan không làm việc. Thấy các chiến sĩ nằm dưới nhà nóng, Bác bảo lên gác ngủ cho mát. Một hôm, anh em vật nhau làm vỡ chiếc mặt bàn đá. Đồng chí quản trị bực mình, bắt tất cả xuống dưới nhà. Bác về thấy vậy, lại gọi anh em lên. Bác nói:

        - Các chú là bộ đội, là thanh niên, phải sinh hoạt cho vui, cho khỏe. Chơi vật cũng tốt. Nhưng muốn vật nhau phải tìm bãi cỏ, chỗ rộng. Người ngã không đau và không làm đổ vỡ, thiệt hại đến của công. Lần này đã lỡ, phải rút kinh nghiệm cho lần sau. Hôm nào các chú có chơi vật dưới vườn, nói Bác đến coi cho vui.

        Đồng chí lái xe ít xem sách báo. Những buổi anh rỗi việc, Bác gọi lên, bảo ngồi ở buồng bên, rồi đưa sách báo cho đọc. Thỉnh thoảng, Bác qua kiềm tra. Có lần Bác vào, thấy tờ báo mở trên bàn, đồng chí lái xe tựa lưng vào ghế ngủ. Bác nhẹ nhàng đi ra. Lúc khác, Bác nói: “Mới đọc chưa hiểu, dễ buồn ngủ. Đọc ít lâu, hiểu rồi sẽ ham. Ham rồi sẽ không buồn ngủ nữa”.

        Mùa đông tới. Đoàn thể phụ nữ ở nhiều nơi đã nghĩ tới tấm áo ấm của Bác trong những ngày gió lạnh. Những cô gái Hà Nội, các chị phụ nữ cứu quốc ở Quảng Yên... mang đến Bắc Bộ Phủ những chiếc áo len dày dặn. Lần nào cũng vậy, Bác đều cảm ơn và bảo hãy mang hộ về cho một người già nhất và nghèo nhất ở địa phương.

        Một buổi sớm, trời rét. Một đồng chí đến làm việc với Bác, chỉ có chiếc áo mùa hè phong phanh. Bác vào buồng, lấy chiếc áo len của mình, đem ra đưa cho đồng chí cán bộ.

        Về Hà Nội ở Bắc Bộ phủ, trong cương vị Chủ tịch nước, cuộc sống của Bác vẫn giản dị, thanh đạm như những ngày hoạt động bí mật ở chiến khu.

--------------------
       1. Chức vụ trong quân đội Tưởng, tương đương với đại đội trưởng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:11:07 pm »


IX

        Tại Nam Bộ, tình hình đã trở nên căng thẳng từ đầu tháng Chín.

        Mồng 2 tháng Chín, hơn một triệu đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn rước cờ và giương cao những biểu ngữ chào mừng Ngày Độc lập. Bọn khiêu khích người Pháp đã bắn vào đoàn biểu tình.

        Bốn ngày sau, phái bộ Anh bắt đầu đến Sài Gòn. Chúng ra lệnh cho bọn Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố, và đòi các lực lượng vũ trang của ta phải nộp vũ khí. Ngay từ ngày đầu, quân Anh đã lộ rõ bộ mặt can thiệp.

        Những đơn vị quân Anh, Ấn đầu tiên thuôc sư đoàn 20, dưới quyền chỉ huy của viên tướng Anh Gơraxây. lục tục kéo đến bằng máy bay.

        Ngày 20 tháng 9, tướng Gơraxây ra bản thống cáo số 1. Y khẳng định quyền duy trì trật tự của quân Anh. Y ra lệnh cấm vũ khí và tuyên bố những ai vi phạm các quy định của y sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, kể cả xử bắn. Bọn Anh tới chiếm trại giam, thả tất cả những tên Pháp nhảy dù xuống Nam Bộ sau ngày khởi nghĩa bị ta bắt và giữ tại đó. Một ngàn rưởi lính lê dương Pháp của trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11. đã được bọn Anh đưa ra khỏi trại tù binh Nhật và trang bị lại.

        Sáng sớm ngày 23 tháng Chín, bọn lính Pháp của trung đoàn 11 cùng một đơn vị lê dương mới từ Pháp sang, được quân Anh, quân Nhật yểm trợ, đổ xô ra các ngả đường. Chúng đánh chiếm các đồn cảnh sát của ta và bắn giết đồng bào. Bọn quan cai trị cũ và những kiều dân Pháp được trang bị vũ khí. Những tên lính lê dương ở thuộc địa và những tên thực dân Pháp trước đây mấy tháng, ngoan ngoãn đầu hàng quân Nhật, đã tỏ ra vô cùng dã man trong việc tàn sát, ngược đãi những người dân tay không.

        Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ trên chiến trường Nam Bộ.

        Đồng bào Nam Bộ vừa giành được chính quyền chưa tròn một tháng, đã anh dũng đứng lên chống kẻ thù. Đó là những người dân đầu tiên của đất nước tự do đã đem xương máu thực hiện những lời thề trong Ngày Độc lập. Cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân miền Nam đến nay kéo dài một phần tư thế kỉ, đã  bắt đầu từ đó.

        Chiều ngày 23 tháng Chín, nhân dân Sài Gòn triệt để tổng đình công, bất hợp tác với giặc Pháp. Các công sở, hãng buôn, nhà máy đều đóng cửa. Chợ búa không họp. Xe cộ ngừng chạy. Chướng ngại vật mọc lên khắp nơi.

        Trong không khí căm thù sôi sục, các chiến sĩ tự vệ và đồng bào Sài Gòn với mọi vũ khí có trong tay, gậy tầm vông, súng khai hậu, súng bắn chim, lập tức chiếm các vị trí chiến đấu, kiên quyết đánh trả bọn xâm lược.

        Tại Hà Nội, cả ngày 25 tháng Chín cho đến thâu đêm, Bác và Thường vụ đã theo dõi từng giờ tình hình Nam Bộ, nhận được những báo cáo đầu tiên và ra những chỉ thị kháng chiến đầu tiên cho Đảng bộ và đồng bào Nam Bộ.

        Từ ngày 24 trở đi, một loạt nhà máy, kho tàng của địch ở Sài Gòn bì đánh phá, Điện, nước bị cắt. Các đội tự vệ xung phong công đoàn đột nhập sân bay Tần Sơn Nhất, đốt cháy tàu Pháp vừa cập bến, phá khám lớn Sài Gòn, giải thoát cho đồng bào bị giặc giam giữ.

        Ngày 26 tháng Chín, đứng trên vị trí chiến đấu của mình giữa thành phố, quân và dân Sài Gòn đã nghe những lời thống thiết của Hồ Chủ tịch được đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô Hà Nội truyền đi:

        “Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ.

        … Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ!

        Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng họ những chiến sĩ và nhân dân đương hi sinh đấu tranh để giữ vững nên độc lập của nước nhà.

        … Chúng ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa…”

        Cuộc chiến đấu để bảo vệ thành phố Sài Gòn đã mang một ý nghĩa mới. Không bao lâu, một khẩu hiệu được nêu lên: “Chiến đấu để bảo vệ Thành phố Hồ Chí Minh”, và rất nhanh chóng trở thành quyết tâm, thành hành động của mỗi người. Chính là từ tấm lòng, từ hành động của các chiến sĩ, của đồng bào tại mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn mà thành phố bắt đầu mang một tên mới vinh quang: Thành phố Hồ Chí Minh.

        Đầu tháng Mười, những đơn vị của Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 tiếp tục đến bằng đường biển. Mồng 5 tháng Mười, tướng Lơcléc tới Sài Gòn giữa lúc tiếng súng tạm im. Bọn thực dân Pháp, Anh đang dùng kế hoãn binh để chờ quân tăng viện. Chúng đã phải yêu cầu gặp đại diện của ta để điều đình. Theo sau Lơcléc, một binh đoàn xe bọc thép thuộc sư đoàn thiết giáp số 2 của Pháp, đổ bộ vào Sài Gòn. Bọn thực dân lại nổ súng. Chúng cố đánh rộng ra vùng ven.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:15:09 pm »


        Trung ương quyết định tăng cường lực lượng vào Nam Bộ để cùng quân và dân Nam Bộ chiến đấu, giành những thắng lợi đầu tiên cho cuộc kháng chiến chống xâm lược.

        Các đội quân Nam tiến tổ chức nhanh chóng, nhiều đơn vị Quân giải phóng cùng với những đồng chí chỉ huy ưu tú nhận lệnh lên đường. Nhiều đoàn cán bộ cũng được tăng cường cho Nam Bộ.

        Chủ trương của Đảng là triệt để áp dụng chiến tranh du kích, làm thất bại bước đầu âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù.

        Đi đôi với việc tăng cường lực lượng cho Nam Bộ là việc phát động một phong trào ủng hộ kháng chiến Nam Bộ sôi nổi trên cả nước, tích cực chuẩn bị đề phòng kể thù mở rộng chiến tranh.

        Cả nước hướng về Sài Gòn, sục sôi ý chí chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

        Trong những ngày cuối tháng Chín, tại Hà Nội, trước những loa phóng thanh, lúc nào cũng đông nghịt đồng bào đón đợi từng tin tức của Nam Bộ.

        Thanh niên nô nức tòng quân để được vào Nam chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Có những gia đình, hai cha con cùng một lúc viết đơn xin vào bộ đội. Có những nhà sư cũng cởi bỏ áo tu hành, đòi được đi giết giặc. Lực lượng Quân giải phóng phát triển rất nhanh.

        Từ các tỉnh miền duyên hải đồng bằng Bắc Bộ đến các tỉnh miền núi thuộc căn cứ địa Việt Bắc, từ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa thành lập đến Huế, kinh đô cũ của nhà Nguyễn, các chiến sĩ sôi nổi ra đi. Riêng tại miền Bắc, nhiều chi đội Quân giải phóng cùng một lúc lên đường.

        Thắng lợi mới của cách mạng đã làm cho những cuộc ra quân Nam tiến lần này rất khác trước. Không phải là những đội quân áo vải, chân đất được lệnh tiến về phía nam ngày Tổng khởi nghĩa. Chính quyền mới và nhân dân đã chăm sóc chu đáo cho những người con hôm nay lên đường ra trận. Những vũ khí tốt nhất của chúng ta lúc bấy giờ. Quân trang mới. Mũ ca lô rực rỡ sao vàng. Áo trấn thủ. Giày da.

        Biển người đưa tiễn tràn ngập các sân ga. Đồng bào miền Bắc, miền Trung cống hiến những giọt máu của mình cho miền Nam, gửi gắm vào những người con ra đi nghĩa tình ruột thịt.

        Cuộc Nam tiến vì miền Nam của cả dân tộc đã bắt đầu. Những chuyến tàu tốc hành chạy ngày đêm không nghỉ. Những chi đội Quân giải phóng Nam tiến đầu tiên đã đến kịp thời. Họ được giao nhiệm vụ giữ mặt trận đông bắc Sài Gòn. Cả đất nước đã sát cánh với đồng bào Sài Gòn, đồng bào Nam Bộ trong những ngày kháng chiến đầu tiên của dân tộc.

        Với sự trợ lực của quân Anh, Ấn và quân Nhật, bọn thực dân Pháp dự tính bình định Nam Bộ trong ba tuần.

        Quân và dân Sài Gòn mặc dầu không có thời gian chuẩn bị, được sự giúp đỡ của đồng bào các tỉnh Nam Bộ và sự chi viện của cả nước, đã anh dũng chiến đấu, kìm chặt kẻ thù suốt một tháng trong thành phố, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.

        Ngày 25 tháng Mười, Hội nghị toàn xứ Đảng bộ Nam Kỳ họp tại một địa điểm thuộc tỉnh Mỹ Tho. Bác Tôn, anh Ba1 và một số đồng chí vừa thoát khỏi nhà ngục Côn Đảo trở về, đã có mặt. Đây là cuộc hội nghị lớn của Đảng bộ Nam Bộ. Anh Hoàng Quốc Việt được Trung ương và Tổng bộ Việt Nam cử vào Nam từ trung tuần tháng Tám, đã dự hội nghị. Hội nghị đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng để lãnh đạo đồng bào Nam Bộ đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống xâm lược, và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang.

-------------------
        1. Đồng chí Lê Duẩn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:24:02 pm »


X

        Khi những tên “lam y” đầu tiên của quân Tưởng đến Hà Nội, chúng tìm tới cơ quan chính quyền ta, xin cấp giấy phép mang vũ khí. Trật tự nghiêm ngặt của thành phố đã làm chúng phải e nể. Anh em hỏi ý kiến Bác xem có nên cấp giấy cho chúng không. Bác nói “Làm một con dấu, cấp giấy cho chúng thôi. Sắp đến lúc chúng không cần đến giấy tờ của ta nữa đâu”.

        Lư Hán tới được vài ngày, lập tức đòi ta phải báo cáo quân số và tổ chức quân đội. Để che giấu lực lượng của ta, Bác chỉ thị đổi tên Quân giải phóng thành Vệ quốc đoàn. Chữ “Đoàn” gợi cho chúng ý nghĩ đến những tổ chức vũ trang nhỏ của địa phương, làm cho chúng bớt chú ý.

        Một số chi đội Vệ quốc đoàn được lệnh giãn ra vùng chung quanh Hà Nội để tránh va chạm với quân Tưởng. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác tại các cơ quan chính quyền và công sở thỉnh thoảng lại bị quân Tưởng tới khiêu khích. Có lúc chúng đến định tước vũ khí. Anh em rất căm tức, chống lại. Cuối cùng, ta phải giải quyết bằng cách cho anh em đứng lui vào phía trong hàng rào.

        Cuối tháng Chín, Lư Hán tuyên bố thời gian quân đội của hắn làm nhiệm vụ ở Việt Nam sẽ không có hạn định. Rõ ràng là bọn Tưởng vào đây không chỉ để giải giáp quân Nhật.

        Đầu tháng Mười, Hà Ứng Khâm cùng Mắc Lơrơ, viên chỉ huy lục quân Mỹ tại Trung Hoa, từ Trùng Khánh đáp máy bay đến Hà Nội.

        Cuộc diễu hành hoan nghênh phái bộ Đồng minh, với mục đích chính là để biểu dương lực lượng, chỉ kịp báo cho nhân dân biết trước vài giờ. Nhưng ba chục vạn người, đội ngũ tề chỉnh, với những băng cờ, biểu ngữ rợp trời, đã rầm rộ kéo qua phủ toàn quyền cũ, hô vang các khẩu hiệu: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời nướcViệt Nam dân chủ cộng hòa”, “Ủng hộ Việt Nam độc lập đồng minh”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”…

        Sự đón tiếp khá bất ngờ. Đứng trên bậc thềm đáp lễ đồng bào ta, viên tổng tham mưu trưởng mồ hôi nhỏ giọt.

        Sau này, bọn tay sai đã để lộ ra: Hà Ứng Khâm đến Hà Nội với chủ trương “diệt Cộng cầm Hồ” của Trùng Khánh. Nhưng tới đây, viên tổng tham mưu trưởng biết không thể dùng sức mạnh của hai chục vạn quân để thực hiện ý định này trong chốc lát. Hà Ứng Khâm rời Hà Nội vài ngày sau khi đã dặn dò bọn tướng lĩnh Tưởng ở Hà Nội những việc cần làm.

        Tiêu Văn bắt đầu công việc của hắn. Hắn đặt vấn đề phải cải tổ lại Chính phủ, đòi ta phải dành nhiều Bộ và chức vụ quan trọng cho Việt Nam Quốc dân đảng và Việt nam cách mệnh đồng minh hội.

        Bọn tay sai thấy không thể lặp lại được ở Hà Nội tất cả những việc chúng đã làm ở một số tỉnh lị miền biên giới. Việc đầu tiên của chúng là lập trụ sở, treo cờ, ra sức lôi kéo các phần từ phản động trong giai cấp địa chủ, bọn quan lại cũ và những tên côn đồ lưu manh. Chúng khống chế đồng bào Ngũ Xã và gọi đó là “khu tự trị”.

        Nguyễn Hải Thần cho người đi rải truyền đơn và dùng loa phóng thanh nói Việt Minh là độc tài, đã làm trái với những điều khoản thỏa thuận của các đoàn thể tại Liễu Châu.

        Ba năm về trước, trong một chuyến đi ra ngoài để tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác đã bị bọn Quốc dân đảng Trung Hoa bắt giữ. Chúng đã đưa Bác qua hơn ba chục nhà tù. Các đoàn thể chính trị trong nước đã kịp thời đấu tranh, đòi bọn Quốc dân đảng phải thả nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Tuy vậy, Bác vẫn bị chúng giữ lại Liễu Châu. Bác đã tìm ra vì đâu bọn Tưởng không trả lại tự do cho mình. Chính là vì ở Liễu Châu, bọn chúng có một tổ chức chính trị tay sai là Việt Nam cách mệnh đồng minh hội do Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần cầm đầu. Bọn này đã vu cho Bác sang đây để phá tổ chức của chúng.

        Sau một thời gian khá lâu, Bác mới được trả lại tự do. Bác đòi trở về nước và đưa theo vài hội viên của Cách mệnh đồng minh hội do mình lựa chọn. Trương Phát Khuê đồng ý. Nhưng Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần phản đối. Do đó, khi Bác trở về nước, không có người của bọn này đi theo.

        Nguyễn Hải Thần tuyên bố hắn được quân Tưởng nâng đỡ, nếu ta không cải tổ Chính phủ hiện thời, hắn sẽ dùng sức mạnh lật đổ. Để biểu dương sức mạnh đó, lão thầy đoán số tử vi này xuất hiện trên đường phố Hà Nội trong một chiếc xe ô tô con. Trên nóc xe, hai tên tay sai nằm phủ phục với khẩu trung liên. Ở đầu xe, hai tên khác ngồi trên chắn bùn với khẩu tiểu liên kẹp ở nách.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:24:26 pm »


        Hoạt động của bọn Việt Nam quốc dân đảng có phần nguy hiểm hơn. Dựa vào bọn tướng tá của Tưởng ở Hà Nội, chúng kiếm được một nhà in; chúng tập hợp một nhóm bồi bút, xuất bản tờ báo “Việt Nam”. Tiếp sau đó là một loạt những tờ báo khác: “Liên hiệp”, “Thiết thực”… xuất hiện. Bằng những luận điệu trắng trợn, láo xược, chúng khích động, chia rẽ nhân dân với tổ chức lãnh đạo của mình. Chúng tập trung mũi nhọn đả kích vào chính quyền ta, công kích mọi chủ trương, chính sách của Việt Minh và của Chính phủ. Chúng bắc một chiếc loa lớn ngay trước tòa báo “Việt Nam” tại đường Quán Thánh; mặc dầu không ai buồn nghe, chúng vẫn nói ra rả suốt ngày. Đi đôi với hoạt động tuyên truyền vu cáo là những hoạt động thổ phỉ: giết người, bắt cóc, tống tiền.

        Dần dần bọn Mỹ đã nhận ra chúng ta không phải là những người “quốc gia” thân phương Tây như chúng mong đợi. Mắc Lơrơ đã ra lệnh cho tất cả các võ quan Mỹ ở Hà Nội không được tham dự vào các cuộc hội họp đông người do Việt Minh tổ chức. Nhiều toán người Mỹ khác lục tục tới. Chúng viện lí do đến hỏi cung bọn tù binh Nhật và tìm xác những người Mỹ chết trong chiến tranh. Nhưng thực ra, chúng tìm cách thăm dò tình hình chính trị, tài nguyên của ta, nghiên cứu các đường giao thông chiến lược và những sân bay, bến cảng.

        Phải bộ Pháp được sự đồng ý của Mỹ và Tưởng, đã kiếm được một trụ sở không chính thức tại Hà Nội. Thời gian ở đó, người Pháp đã nhiều lần gặp Nguyễn Hải Thần và tìm cách liên lạc với bọn Việt Nam quốc dân đảng. Phái bộ Pháp cũng tìm gặp Vĩnh Thụy nhiều lần. Vì e ngại ta, Vĩnh Thụy đã lánh mặt.

        Quân Tưởng đóng rải khắp Thủ đô. Chúng bố trí những trạm canh gác, những trạm kiểm soát trên khắp các đường phố, các đầu ô. Tất cả xe ô tô qua lại đều phải mang giấy phép của chúng. Chúng ngang nhiên như tới để chiếm đóng thành phố.

        Một bữa, tôi có việc phải đi về phía Hà Đông. Mặc dầu trên kích chắn gió phía trước xe đã dán một tờ giấy phép đóng con triện sơn đỏ rất to do chúng cấp, đến Ngã Tư Sở, một tên lính Tưởng vẫn ra đứng ngáng đường, giơ súng chặn lại. Chúng lật đệm xe lên, lục soát. Chúng tìm thấy trong người đồng chí vệ sĩ một khẩu súng ngắn. Chúng lập tức giữ xe lại và đưa cả hai người vào một nhà dân, chúng đã chiếm làm trạm gác. Chúng hỏi tôi làm việc ở đâu. Không muốn nói rõ với chúng về công tác của mình, tôi đáp:

        - Ở Ban liên lạc Hoa - Việt.

        Khi đo có một người quen đi qua. Đồng chí này vội tìm người công tác tại ban liên lạc Hoa - Việt tới. Hai giờ sau, bọn lính Tưởng mới để chúng tôi đi.

        Hầu như đêm nào cũng có thư của bọn tướng tá Tưởng gửi cho chính quyền ta, khi thì hạch sách khi thì dọa dẫm.

        Bắc Bộ Phủ không còn là một nơi thật an toàn. Bác phải thay đổi chỗ nghỉ, thay đổi quy luật đi lại. Có hôm Bác nghỉ ở ngôi nhà số 8 Bờ Hồ, hôm Bác nghỉ ở Bưởi, hôm Bác nghỉ ở một ngôi nhà phía Ngã Tư Sở. Cả ba ngôi nhà này sau chiến tranh đều không còn nữa.

        Một buổi tối, xe của Bác vừa ra khỏi Bắc Bộ Phủ một quãng, thì đồng chí vệ sĩ báo cáo có một chiếc xe lạ theo sau. Bác bảo đồng chí lái xe:

        - Chưa ra ngoài vội. Cho xe chạy vòng quanh Bờ Hồ.

        Xe đi một vòng quanh Bờ Hồ. Nhìn lại phía sau, chiếc xe lạ vẫn bám sát. Bác bảo dồng chí lái xe cho xe đột ngột rẽ ngoặt sang một con đường ngang, trở về Bắc Bộ Phủ.

        Các đồng chí cảnh vệ mở cửa đón, không hiểu tại sao Bác vừa đi lại quay về. Tối đó, Bác nghỉ lại Bắc Bộ Phủ.

        Thù trong giặc ngoài, tình hình hết sức rối ren.

        Bác và Thường vụ đã nhìn thấy qua số quân đông và sự hung hăng bề ngoài của quân đội Tưởng, những chỗ yếu bên trong của chúng. Khó khăn lớn nhất của bọn chúng là trước sức mạnh đoàn kết nhất trí của nhân dân ta, chúng không thể tạo ngay được một chỗ dựa về chính trị. Chúng muốn lật ta, nhưng vẫn nhận thấy nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền ta, chúng không thể giải quyết được những nhu cầu rất lớn về vật chất cho đội quân đông đảo bị nhân dân ta xa lánh, căm ghét. Chúng còn phải tính đến những nguy cơ nghiêm trọng khác có thể xảy ra cho chúng.

        Một hôm, bộ tư lệnh quân đội Tưởng đề nghị Bác đến gặp. Bác về muộn, lặng lẽ ngồi vào bàn ăn. Bữa ấy, Bác buông đũa sớm hơn thường lệ. Thái độ đó, chúng tôi ít thấy ở Bác. Bác nói:

        - Về quá bữa, ăn mất ngon.

        Bác kể lại sáng nay bọn Tưởng đòi Bác kí giấy nhận cung cấp cho chúng một số gạo rất lớn. Bác đã từ chối. Chắc chúng còn tiếp tục làm rầy về chuyện gạo. Bác nói

        - Gạo đâu mà đưa chúng nhiều thế. Dân mình có đủ gạo ăn đâu!

        Thấy vẻ bất bình của chúng tôi, một lần nữa, Bác nhắc lại cần phỉ biết kiên nhẫn chịu đựng, giữ hòa hoãn với quân Tưởng để có thể tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính.

        Bác kiên quyết trong nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Và khi sách lược đã định ra rồi, Bác cũng rất kiên quyết thực hiện sách lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:30:53 pm »


XI

        Khi một sự việc đã xảy ra rồi, người ta thường dễ nhìn thấy những gì tất yếu dẫn dắt nó từ chỗ còn là khả năng đến chỗ trở thành hiện thực. Ta cũng dễ nói một cách đơn giản: Đúng là nó phải xảy ra như thế, không thể khác được.

        Thực ra, trong lĩnh vực xã hội, trong cuộc đấu tranh giữa những con người có ý thức, mỗi đổi thay đều trải qua những quá trình diễn biến thường là hết sức phức tạp. Người lãnh đạo cách mạng phải tìm ra được quy luật chung và quy luật riêng của sự vật giữa một mớ hỗn độn những hiện tượng giả, thật khó phân, giữa vô vàn mối liên hệ chằng chịt, tất cả đều vận động phát triển không ngừng. Việc dự kiến chính xác, khoa học chiều hướng phát triển của sự vật, những tình huống lớn sẽ xảy ra trong tương lai, vô cùng quan trọng trong công tác cách mạng. Thực tế cùng với thời gian sẽ là nhà kiểm nghiệm nghiêm khắc. Những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài.

        Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu. Quân đội phát xít Đức tràn qua nhiều nước châu Âu. Chúng ngốn gọn nước Pháp trong vài tuần. Nước Anh tơi bời dưới những trận mưa bom của các máy bay mang chữ thập ngoặc. Tại châu Á, quân phát xít Nhật đã chiếm đóng một phần đất đai rộng lớn trên lục địa Trung Quốc mênh mông. Chính vào thời kì cường thịnh nhất đó của chủ nghĩa phát xít, Bác Hồ và Đảng ta đã tiên đoán sự thất bại tất yếu của chúng và nhìn thấy cơ hội cho nước Việt Nam giành lại độc lập đang tới. Bác đã quyết định tìm cách trở về nước.

        Mùa xuân năm 1941, trong hang rừng ẩm lạnh Pắc Bó, Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp dưới quyền chủ toạ của Bác. Hội nghị đã nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.

        Trưng ương Đảng và Bác đã đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ cách mạng cần kíp. Trung ương đã chỉ ra những điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa thành công, trong đó có trường hợp quân Đồng minh tràn vào Đông Dương, và nêu lên: “Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và dân ta trong giai đoạn hiện tại!”.

        Mùa hè năm đó, phát xít Đức bất thần tiến đánh Liên Xô. Sức mạnh của chúng như vũ bão. Trong vài tuần, chúng tiến sâu vào quê hương Cách mạng tháng Mười hàng trăm kilômét.

        Sang mùa đông, phát xít Nhật tung quân ào ạt đánh ra vùng Thái Bình Dương. Trên nước Trung Hoa, Hồng quân đang cùng một lúc vừa phải chiến đấu với quân phát xít Nhật xâm lược, vừa phải đối phó với quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch phản bội. Cờ mặt trời mọc đã cắm trên Đông Dương thuộc Pháp, trên Hương Cảng, Miến Điện, Mã Lai thuộc Anh, trên Phi Luật Tân được “Huê Kỳ bảo trợ”. Trong những đêm đông lạnh, tránh bọn lính dõng đi lùng càn tại vùng Pắc Bó, Bác Hồ đã tiên đoán ngày cách mạng thành công:

        45, sự nghiệp hoàn thành.

        Đó là câu thơ kết thúc tập Việt Nam lịch sử diễn ca Bác đã làm, và được in đá từ hồi đó. Gần đây, các đồng chí sưu tầm của Viện bảo tàng Cách mạng đã kiếm được một tập trong ống bương của một ngôi nhà sàn ở vùng Pắc Bó. Chủ nhà vốn là một hội viên cứu quốc ngày trước.

        Bác không bao giờ nhắc lại câu thơ này. Từ đó đến nay, bị lôi cuốn vì công việc, anh em chúng toi cũng chưa ai có dịp hỏi Bác vì sao Bác đã có được một sự tiên đoán như vậy. Điều đó đã trở thành một trong những điều ta chưa hiểu hết được về con người và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại gần sáu mươi năm của Bác.

        Hôm nay giở lại những văn kiện của Đảng trong thời kì lịch sử này, chúng ta lại tìm thấy những lời tiên tri.

        Từ cuối năm 1941 và đầu năm 1942, nhiều thông báo, chỉ thị của Đảng đã bắt đầu nêu lên những sách lược đối với “Anh - Mỹ - Trung Hoa” và những thuận lợi, khó khăn khi quân Đồng minh kéo vào.

        Tháng Hai năm 1943, Thường vụ Trung ương chỉ thì “phải gấp chuẩn bị khởi nghĩa” để “cơ hội đến, kịp thời đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu”.

        Một đêm mùa xuân năm 1945, cuộc đảo chính Nhật - Pháp nổ ra. Cơ đồ tám mươi năm của thực dân Pháp ở Đông Dương phút chốc tan tành. Điều bất ngờ làm bọn Pháp trở tay không kịp, Đảng ta đã dự đoán trước đó một năm. Báo Cờ giải phóng số ra ngày 15 tháng Hai năm 1944 đã viết: “Nhật sẽ hành động để truất quyền Pháp”, sẽ “làm đảo chính bắt bọn thực dân Pháp và bọn Việt gian thân Pháp, giam lại”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:02:45 pm »


        Ba ngày sau cuộc đảo chính, Thường vụ Trung ương trong bản chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đã vạch rõ thời cơ tổng khởi nghĩa khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương và những trường hợp “dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”.

        Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp hồi trung tuần tháng Tư, trong khi nêu lên nhiệm vụ quân sự là quan trọng hàng đầu và những chủ trương cụ thể để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa, đã vạch ra việc quân Đồng minh vào Đông Dương là không thể tránh khỏi.

        Đảng ta đã xác định đường lối ngoại giao là phải “lợi dụng sự mâu thuẫn của Trung Hoa - Mỹ và Anh - Pháp Đờ Gôn”. Trong khi đó, về nội bộ, “phải tích cực chuẩn bị thực lực, không được ỷ lại vào người”.

        Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào ngày 14, 15 tháng Tám năm 1945 khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”.

        Về vấn đề “quân Đồng minh sắp vào nước ta”, Trung ương chủ trương:

        “Chống lại âm mưu Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương và âm mưu của bọn quân phiệt Trung Hoa định chiếm nước ta”.

        Đảng ta nhấn mạnh thêm việc cần phải lợi dụng mâu thuẫn giữa hai phe đồng minh Anh - Pháp và Mỹ - Tưởng về vấn đề Đông Dương, nhưng đồng thời chỉ ra:

        “Sự mẫu thuẫn giữa Anh - Pháp - Mỹ và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp để cho Pháp trở về Đông Dương”.

        Đảng chủ trương cần tránh trường họp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh cùng tràn vào và nhắc lại: “Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và Đồng minh”.

        Như lời Lênin đã nói: “Lịch sử nói chung và lịch sử cách mạng nói riêng luôn luôn diễn ra một cách phong phú hơn, nhiều vẻ hơn, nhiều mặt hơn, sinh động hơn, “tài giỏi hơn” so với sức tưởng tượng của các chính đang ưu tú nhất”, cuộc cách mạng trên đất nước ta, sau đó diễn ra đúng như vậy. Điều đáng cho chúng ta tự hào hôm nay là Đảng ta đã nhìn thấy trước chiều hướng phát triển cơ bản của tình hình. Những dự đoán kịp thời và những chủ trương chính xác của Đảng đã đưa cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đến thắng lợi, đưa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn trứng nước vượt qua những khó khăn to lớn buổi đầu. Tại miền Nam, âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp và bọn can thiệp Anh đã bước đầu thất bại. Trên miền Bắc và miền Trung, bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch và nhóm tay sai, với một số quân mấy chục lần đông hơn các lực lượng vũ trang của ta, trang bị bằng vũ khí Mỹ, đã không làm được việc lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ như chúng đã dự tính.

        Tuy vậy, khó khăn, nguy hiểm còn nhiều. Trước ngày giành chính quyền, trên đất nước chỉ có một đội quân nước ngoài là sáu vạn quân Nhật. Ta vừa giành được độc lập thì gần hai chục vạn quân Tưởng đổ xuống, nửa vạn quân Anh, Ấn kéo vào, mấy vạn quân viễn chính Pháp vẫn đang tiếp tục dồn sang. Hàng ngàn binh lính thực dân Pháp thua trận ở Đông Dương đang được trang bị lại; bọn lẩn trốn ở Trung Hoa cũng đang kéo về. Mấy vạn quân Nhật vẫn còn và cũng là một mối lo. Nước Nhật đã đầu hàng, nhưng quân Nhật tại Đông Dương chưa hề bị tổn thất nặng. Còn quân Tưởng, quân Pháp, quân Anh thì dù sao cũng là những đội quân vừa chiến thắng.

        Vào hạ tuần tháng Mười Một, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định tình hình và quyết định chủ trương trước tình thế mới. Trung ương đã ra bản chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đề ngày 25 tháng Mười Một năm 1945.

        “Việc giành chính quyền càng dễ bao nhiêu thì việc giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu. Chính phủ dân chủ cộng hòa mới thành lập đã phải đối phó với tình thế vô cùng phức tạp”.

        Trung ương đã nêu lên những nhiệm vụ trong nước lúc này là “phải củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”.

        Trong hoàn cảnh hết sức rối ren của đất nước, thù trong giặc ngoài bốn bề như rươi, việc xác định đâu là kẻ thù chủ yếu trở nên vô cùng quan trọng. Đảng đã phân tích tình hình của kẻ địch. Mỹ tuy miệng nói giữ thái độ trung lập trong vấn đè Đông Dương, nhưng đã ngầm giúp đỡ Pháp bằng cách cho mượn tàu chở quân sang ta. Trong quan hệ với Pháp, Anh - Mỹ gặp phải mâu thuẫn: một mặt muốn tranh giành quyền lợi ở Đông Dương và ở Đông Nam Á, một mặt lại muốn hòa hoãn để cùng lập mặt trận bao vây Liên Xô. Bọn Tưởng kéo quân sang ta với âm mưu lúc đầu là để lật đổ chính quyền do Đảng ta tổ chức ra, thay vòa đó một chính phủ bù nhìn tay sai. Nhưng chúng thấy toàn dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ, chúng đành phải đặt quan hệ với ta. Chúng vẫn sợ ta là cộng sản và sợ “cộng sản Đông Dương liên minh với cộng sản Trung Quốc xích hóa Hoa Nam”, nên chúng âm mưu cải tổ Chính phủ lâm thời, đưa tay chân của chúng vào.

        Trung ương đã nêu lên một nhận định mới:

        “… Trước sau, Trùng Khánh sẽ bằng lòng cho Đông Dương trở về tay Pháp, miễn là Pháp nhường cho Trung Hoa nhiều quyền lợi quan trọng”.

        Từ những phân tích, nhận định trên, nhiệm vụ của giai cấp vô sản và của dân tộc đã được xác định, đối tượng chủ yếu của cách mạng đã được chỉ ra rõ ràng:

        “Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”.

        Nhiệm vụ của Đảng đề ra là:

        “Động viên lực lượng toàn dân kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, phối hợp chiến thuật du kích với phương pháp bất hơp tác triệt để”.

        Tình hình còn đang diễn biến phức tạp và rất khẩn trương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:08:23 pm »

        
XII

        Tôi viết những dòng này vào những ngày tháng Năm năm 1970.

        Đã rất xa, cái ngày mà người nước ngoài không sao tìm ra nướcViệt Nam trên những tấm bản đồ. Tổ quốc có bốn ngàn năm lịch sử của chúng ta cùng với hai nước láng giềng Campuchia, Lào khi đó chỉ là một dải đất ở ven Thái Bình Dương, giữa Ấn Độ và trung Hoa, mang một cái tên mơ hồ do bọn thực dân đặt ra: Ấn Độ Chi Na thuộc Pháp.

        Cũng đã xa rồi, cái ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn là một hòn đảo của Tự do, hiện lên giữa những lớp sóng cồn, trên biển cả mênh mông của chủ nghĩa tư bản ở miền Đông Nam châu Á. Anh em bè bạn còn chưa mấy ai nhận ra ta. Cũng chưa mấy ai thấy hết ý nghĩa quan trọng của sự kiện lịch sử này.

        Thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua.

        Ngày nay, mỗi hành động kẻ cuớp của chúng trên bán đảo Đông Dương này, đều trở thành những bước đi phiêu lưu và không tránh khỏi bị trừng phạt. Mỗi tội ác của chúng gây ra tại đây đều động tới lương tri, tới tình cảm của hàng trăm triệu con người, ở các miền khác nhau trên trái đất. Mọi cách tô son trát phấn cực kì tốn kém của chủ nghĩa thực dân đối với bọn ngụy quyền tay sai đều hoài công, vô ích. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời giữa lửa đạn ác liệt, lập tức được sự hân hoan chào đón của cả loài người tiến bộ từ lâu đã trông chờ. Chính phủ vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia vừa công bố thành lập, đã được hàng chục nước gần xa công nhận.

        Ngày nay, khi mấy trăm vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa chỉ cỏn là những bóng ma trong dĩ vãng, Tưởng Giới Thạch sống nốt những ngày tàn trên đảo Đài Loan, ta thật khó hình dung lại những giờ phút hiểm nghèo khi gần hai chục vạn quân Tưởng từ mấy ngả ập vào miền Bắc.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới sinh, nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm, mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn. Trước hoàn cảnh gay go và cấp bách ấy, như Bác đã nói sau này, theo cách nói riêng của Người: “Đảng phải dùng những phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để cứu vãn tình thế”. Ở Người, mọi vấn đề, mọi chuyện của Đảng, của nước, của dân đều trở thành những rung động sâu xa trong tình cảm.

        Đảng của giai cấp công nhân mới mười lăm tuổi đã giành được chính quyền. Trên dải đất ông cha để lại, mùa xuân của dân tộc từ hôm nay, đã bắt đầu. Tin vui lớn đó, chưa thể báo với bè bạn xa gần một cách trọn vẹn.

        Tháng Tám năm 1945, Bác nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa. Đầu tháng Chín, Bác ra mắt nhân dân với danh hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một bí danh Bác đã dùng mấy năm trước để che mắt bọn Quốc dân đảng Trung Hoa. Những người cách mạng đã qua thời kì ẩn náu, lẩn tránh, để sống giữa đồng bào. Nhưng mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật. Những cán bộ của Đảng chưa ra làm việc công khai. Hầu hết các đảng viên đều công tác dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh. Đảng ta chủ trương hết sức tránh kích thích kẻ thù của dân tộc và của giai cấp. Nhưng, kẻ thù vẫn nhận ra ta.

        Chính quyền cách mạng thành lập nhiều ngày, vẫn chưa được nước nào công nhận. Bọn tướng lĩnh Tưởng buộc phải giao dịch với ta để có lương thực, có nhà cửa. Khi tới gặp Bác, trong lúc xưng hô, chúng phải dùng danh hiệu và chức vụ của Bác là Hồ Chủ tịch. Nhưng, trong mọi giấy tờ gửi Bác, chúng chỉ đề là: “Hồ Chí Minh tiên sinh” (Thưa ngài Hồ Chí Minh). Chúng coi chính quyền ta là một chính quyền chỉ tồn tại trên thực tê, không phải là một chính quyền tồn tại về pháp lí.

        Tình hình kinh tế hết sức khó khăn. Phần lớn ruộng đất ở Bắc Bộ bỏ hoang. Hết nạn lụt, đến nạn hạn hán kéo dài. Một số nhà máy Nhật trao trả chưa thể cho chạy được. Việc buôn bán với nước ngoài đình trệ. Nạn khan hiếm hàng hóa nghiêm trọng.

        Về tài chính, ta chưa phát hành được tiền Việt Nam. Kho bạc giành được từ tay chính quyền cũ, chỉ có một triệu bạc rách. Một triệu bạc tiền giấy đang xuống giá để xây dựng chính quyền và cuộc sống mới! Chưa kể đến ngân hàng Đông Dương của bọn Pháp luôn luôn gây rối loạn về mặt tiền tệ. Lại thêm quân Tưởng tung rất nhiều tiền quan kim trên thị trường, làm cho tài chính và việc buôn bán của ta càng nguy ngập.

        Đời sống nhân dân rất thấp. Số người không có công ăn việc làm tăng nhanh. Nhiều nơi, đồng bào phải ăn cháo. Lác đác, lại có người chết đói. Dịch tả đã phát sinh. Quân Tưởng vào, đem thêm dịch chấy rận.

        Cuộc xâm lăng của giặc Pháp nổ ra rất sớm tại Nam Bộ, làm cho tất cả những khó khăn trên càng thêm trầm trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:08:58 pm »


        Trong hoàn cảnh như vậy, ta phải làm những gì để xây dựng xã hội mới, một công việc còn khó khăn hơn là phá bỏ nền móng của xã hội cũ. Công việc đó, giai cấp công nhân lại chỉ mới bắt tay làm lần đầu.

        Dù sao, tình hình cũng đã khác trước. Cách mạng đã giành được chính quyền. Chính quyền đã cung cấp cho cách mạng những phương tiện, những khả năng mới để giữ gìn lấy nó.

        Vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là phải củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng.

        Từ thượng tuần tháng Chín, nhiều sắc lệnh, nghị định của Chính phủ lâm thời được ban hành.

        Hệ thống quan lại cũ bị giải tán. Bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến bị hoàn toàn đập tan. Chính phủ quyết định sẽ mở tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc dân đại hội. Tiếp theo đó, là sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp theo lối phổ thông đầu phiếu. Hội đồng nhân dân sẽ do chính nhân dân lựa chọn, trực tiếp bầu ra. Đó là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho nhân dân, vừa thay mặt cho Chính phủ. Qua những cuộc bàu cử này, chính quyền nhân dân được củng cố vững chắc ở cơ sở, vừa mở rộng khối đoàn kết toàn dân, vừa bảo đảm sự thực hiện công nông chuyên chính.

        Bản dự án Hiến pháp được công bố, để mỗi công dân đều có thể đóng góp ý kiến của mình vào Hiến Pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Chính phủ quyết định, địa chủ phải giảm tô 25%. Tất cả những món nợ lâu đời ở nông thôn đều xóa bỏ.

        Chế độ lao động ngày làm tám giờ được ban hành. Chủ xí nghiệp, chủ hãng buôn phải báo trước khi thải công nhân; tiền phụ cấp cho công nhân bị thải hồi được ấn định. Công nhân có quyền theo học các lớp huấn luyện quân sự và được hưởng lương trong thời gian học tập.

        Việc học chữ quốc ngữ trở thành bắt buộc và không mất tiền. Mọi sắc lệnh đặt ra Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam, lập cho thợ thuyền và nông dân những lớp bình dân buổi tối, bỏ tiền thì và tiền học ở tất cả các bậc.

        Ngay từ đầu tháng Chín, thuế thân, thứ thuế thực dân Pháp đánh hằng năm vào mỗi đầu người từ mười tám tuổi trở lên, cùng với nhiều thứ thuế vô lí khác bị bãi bỏ.

        Trong tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, Chính phủ làm thế nào để có tiền để giải quyết các khoản chi phí cần thiết, nhất là những chi phí to lớn về quốc phòng?

        Trước mắt, chỉ còn trông vào sự đóng góp tự nguyện của đồng bào.

        Ngày 4 tháng Chín, Chính phủ lập Quỹ Độc lập.

        Một tuần lễ sau, Bác kêu gọi đồng bào cả nước tích cực hưởng ứng Tuần lễ vàng. Nhiều người sốt sắng đem tới góp cả những vật kỉ niệm thân thiết nhất của mình. Đó là đôi khuyên của một cụ già đã sắm từ ngày còn con gái. Đó là hai chiếc nhẫn cưới của một cặp vợ chồng. Một cụ già tám nươi tuổi mang tới một gói lụa điều, bên trong là nén vàng gia bảo nặng mười bảy lạng. Có gia đình quyên góp toàn bộ tư trang của những người trong gia đình.

        Chỉ trong một thời gian ngắn, các tầng lớp nhân dân đã quyên góp vào Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng được hai mươi triệu đồng và ba trăm bảy mưoi kilôgam vàng.

        Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến việc xác định mối quan hệ giữa những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới và nhân dân. Tháng Mười, trong bức thư gửi cho các ủy ban nhân dân ở các tỉnh, huyện và làng, Người viết: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng là đầy tớ của dân”.

        Ngày xưa, Trần Hưng Đạo khuyên vua chúa giữ nước hay hơn cả là “lúc bình thời, khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Nguyễn Trãi chê Hồ Quý Ly để mất nước vì chỉ biết đóng cọc ngăn sông cản giặc, mà không biết lấy sức dân làm trọng. Các đấng anh hùng dân tộc lập nên công lớn, đều rất coi trọng sức dân để giữ nước chống giặc.

        Ngày nay, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người nói: Phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân”. Khác với người sưa, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: làm những việc đó là “để mưu hạnh phúc cho dân”.

        Trong thư gửi cho các ủy ban nhân dân, Người viết: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì”.

        “Hạnh phúc cho dân”, đó là điều Người đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

        Hạnh phúc mà Người muốn đem lại cho dân là một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc đó không chỉ ở những thành quả mà hôm nay cách mạng vừa dem lại cho toàn dân. Hạnh phúc đó còn đang tiếp tục đến với nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh để tiêu diệt tận cùng nguồn gốc mọi nỗi khổ đau của con người, xây dựng nên một xã hội mà mọi hiện tượng người bóc lột người đều hoàn toàn bị xóa bỏ. Trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, Đảng và Hồ Chủ tịch đã chọn cho nhân dân ta một con đường ngắn nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:10:42 pm »


        “Hạnh phúc cho dân”, đó là mục đích của việc giành lấy chính quyền và giữ vững, bảo vệ chính quyền ấy. Đó là lí tưởng của Người. Đó cũng là tấm lòng của Người.

        Trong bức thư gửi cho các ủy ban nhân dân, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra một số khuyết điểm của những người làm việc tại các cơ quan chính quyền như là: Trái phép, cậy thế, tư túng, kiêu ngạo… Người kết thúc lá thư: “Vì hành phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói: chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng…”.

        Tháng Một năm 1946, Bác viết một bài Tự phê bình cho đăng lên các báo.

        “Vì yêu mến tôi và tin cậy tôi mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc tuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân…

        “Tuy ta giành được quyền độc lập đã năm tháng, song các nước chưa công nhận ta.

        “Tuy các chiến sĩ ta đánh rất oanh liệt, song kháng chiến chưa thắng lợi.

        “Tuy những người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song các tệ thâm ô những lạm chưa quét sạch.

        “Tuy Chính phủ ra sức chỉnh đốn, song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào nề nếp.

        “Có thể cho rằng những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này lẽ khác.

        “Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi…”.

        Người dân lao động bình thường đã nhận thấy rõ Nhà nước hôm nay đúng là Nhà nước của mình. Đây là một điều hết sức mới lạ. Trong lịch sử đất nước, những triều đình phong kiến, những bộ máy đô hộ bao giờ cũng là công cụ của một số ít, những kẻ cầm quyền thuộc giai cấp bóc lột, để thực hiện sự thống trị với số đông là dân, là những người lao động. Nó bao giờ cũng chỉ mang lại lợi ích cho số ít, và đem lạ khổ nhục cho số đông. Ngày nay, Nhà nước đã trở thành của số đông, của nhân dân lao động. Nó đang hằng ngày, hằng giờ bảo vệ quyền lợi và mang lại hạnh phúc cho dân. Những gì hiện nay nó chưa làm được, thì nhất định nó sẽ làm được trong tương lại.

        Đồng bào ta đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước, của cách mạng, của chính quyền mới, chế dộ mới.

XIII

        Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thành từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

        Mùa thu năm ấy, câu nói đó mỗi lần vang lên từ máy thu thanh, cứ ngân nga mãi, đọng lại mãi một dư âm.

        Nước Viêt Nam đã tái sinh.. Những đám mây mù nặng trĩu của chế độ thực dân đã bị xua tan. Trời Việt Nam dân chủ cộng hòa xanh ngắt. Thủ đô Hà Nội bội phần đẹp hơn Thăng Long, Đông Đô xưa, tưng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng đương đầu với sóng gió.

        Những quyền tự do, dân chủ mới ban bố, giống như trận mưa rào tưới xuống cánh đồng khô hạn lâu ngày. Đồng bào ta đón những trái chính đầu mùa của cách mạng, như người “đang khát mà có nước uống, đang đói mà được cho ăn”. Trước kia, chỉ nhặt một tờ truyền đơn, hô một khẩu hiệu đấu tranh cũng đủ để bọn thống trị nhốt vào nhà tù. Hôm nay, treo lá cờ của Tổ quốc trước mái nhà, ngẩng cao đầu đi trên các đường phố đã là của ta, hát vang một bài ca cách mạng cũng đã là những niềm vui, có khi đến trào nước mắt.

        Ngày nào Bác và Đảng nhen ngọn lửa cách mạng, nay nó đã bừng cháy mãnh liệt trên cả nước. Người dân đã nhận thức được trách nhiệm đối với việc củng cố và bảo vệ chính quyền mới. Đó cũng chính là để bảo vệ lấy thành quả cách mạng, những quyền tự do vừa có được hôm nay, giữ gìn lấy những hi vọng, những ước mơ tươi sáng nhất của mình.

        Trong cao trào cách mạng sôi nổi đó của toàn dân, vấn đề lúc này là tiếp tục tổ chức quần chúng, tiếp tục đưa đông đảo quần chúng vào những cuộc đấu tranh ngày một cao hơn. Bác rất chú trọng tới công tác vận động, tổ chức công nhân, nông dân và trí thức. Ngay cả trong những bức thư gửi các cụ phụ lão ở Thủ đô, gửi giới công thuơng, gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường, Bác đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức giới của mình, phải tham gia vào các đoàn thể cứu quốc.

        Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục triệu đồng bào già, trẻ, gái, trai trên cả nước đã thành đội ngũ. Ngay cả những thành phố có quân Tưởng đóng, trước mũi súng của chúng, những tổ chức cứu quốc của ta vẫn rầm rộ phát triển. Từ thành thị đến làng quê, đâu đâu cũng cờ mở trống giong, ngày mít tinh, đêm khai hội. Vùng nông thôn Việt Nam lâu đời yên tĩnh chưa bao giờ sôi nổi, rộn ràng như vậy.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM