Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:02:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những năm tháng không thể nào quên  (Đọc 33485 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:13:38 pm »


        Đất nước nằm giữa vòng vây của bọn đế quốc, từ các phía đều bị kẻ thù đe dọa. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã nhận định: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi”. Trong chỉ thị viết từ tháng Chạp năm 1944, Bác đã nêu rõ tính chất cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước của ta “là cuộc kháng chiến của toàn dân”, do đó “cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Chỉ thị của Người đã đề ra những điều cơ bản nhất trong đường lối kháng chiến và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Hội nghị Tân Trào trước ngày Tổng khởi nghĩa, đã đồng thời nêu ra nhiệm vụ “Võ trang nhân dân” và nhiệm vụ “Phát triển Quân giải phóng Việt Nam”.

        Qua thực tiễn của hai cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, đường lối kháng chiến, đường lối tổ chức lực lượng vũ trang của ta, trong đó có mối quan hệ giữa các lực lượng vũ trang của quần chúng và bộ đội tập trung, đã góp phần quyét định vào thắng lợi của dân tộc. Ngày ngay, ôn lại những nghị quyết, chỉ thị về các vấn đền này, chúng ta nhận thấy Đảng và Hồ Chủ tịch đã đề ra những phương hướng, chủ trương đúng ngay từ đầu.

        Việc quân sự hóa các đoàn thể cứu quốc trước ngày Tổng khởi nghĩa, chỉ mới thực hiện ở các chiến khu, nay được mở rộng ra cả nước. Các hội viên cứu quốc, đặc biệt là thanh niên, ngày đêm hăng hái học quân sự, luyện tập côn quyền.

        Phong trào tìm kiếm, chế tạo, mua sắm vũ khí rất sôi nổi. Những lò rèn ở nông thôn trở thành nơi sản xuất giáo mác, mã tấu cho các dội tự vệ, dân quân. Các em nhỏ đua nhau đi lượm sắt. thép vụn. Người lớn đem tới góp những đồ dùng hàng ngày trong nhà như mâm thau, nồi đồng…, cả những đồ thờ cúng như lư hương, đỉnh đồng để đúc thành vũ khí.

        Dưới thời đô hộ, mọi thứ vũ khí đều bị coi là đồ quốc cấm. Trong những cuộc lùng tìm cách mạng của bọn thống trị, một con dao găm để trong nhà có thể dẫn tới việc cả gia đình bị chúng tàn sát. Nói sao cho rõ được nỗi khát khao của mỗi người dân có được một vũ khí để bảo vệ nền độc lập vừa giành được.

        Với thanh mã tấu, ngọn giáo dài trong tay, tinh thần, khí phác thượng võ của dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giừo hết trong anh tự vệ hôm nay, đứng bên trống canh trạm gác đầu làng.

        Các tổ chức tự vệ, du kích có từ trước Cách mạng tháng Tám, đã phát triển rất manh.

        Hồ Chủ tịch đã coi đó là “bức tường sắt của Tổ quốc”, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào đụng vào cũng phải tan. Những ngày Tổng khởi nghĩa vưa qua, nó đã là lực lượng xung kích hỗ trợ cho nhân dân các địa phương nổi dậy giành chính quyền. Khi cuộc kháng chiến nổ ra ở Nam Bộ, về sau này bùng lan ra cả nước, nó đã biến mỗi đường phố, mỗi làng mạc thành một pháo đài.

        Đến cuối năm 1945, hầu hết các thôn, xã, đường phó, nhà máy đều có lực lượng tự vệ. Nơi nhiều, thì một, hai đại đội, nơi ít cũng có một trung đội. Lực lượng tự vệ được sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, được chính quyền giúp đỡ huấn luyện về quân sự, nhưng hoàn toàn tự cấp và tự túc về sinh hoạt và trang bị vũ khí. Từ những nơi chiến tranh chưa xảy ra, đó là một công cụ chuyên chính đắc lực của chính quyền cách mạng để bảo vệ các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các cơ sở kinh tế, quốc phòng, giữ gìn trật tự, trị an, trấn áp bọn phản động. Ở phần lớn vùng nông thôn, nạn trộm cắp không còn. Một cảnh tượng rất đẹp: những ngôi nhà ban ngày, người đi làm vắng, ban đêm, mọi ngừoi yên giấc ngủ say, cửa vẫn để ngỏ, cánh cổng chẳng cài then.

        Ở Hà Nội, tổ chức tự về thành thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên của Thủ đô. Anh em đã khéo tìm cách tự túc được khá nhiều loại vũ khí khác nhau, từ dao găm, súng săn đến bom ba càng, đại liên Nhật.

        Làm mòng cốt cho tự vệ thành có những đơn vị tự vệ chiến đấu. Đó là những chiến sĩ tuyển lựa từ các công nhân, dân nghèo, học sinh, sinh viên trong hàng ngũ thanh niên cứu quốc. Anh em được Bộ Quốc phòng trang bị vũ khí và trong tình hình lúc bấy giờ, phần lớn đều ở tập trung. Những nhu cầu về mặt sinh hoạt vật chất của tự vệ chiến đấu đều phải dựa vào đồng bào. Đi đôi với công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Mặt trận, Nhà nước, tổ chức và huấn luyện những đội tự vệ thành.

        Từ vệ ở Hà Nọi có một trường huấn luyện là Trường Tự vệ Hồ Chí Minh. Bác tới thăm trường nhiều lần. Anh Nhân và chúng tôi thường đến đây giảng bài. Nhiều đồng chí tự vệ chiến đấu sau này trở thành những cán bộ ưu tú của Quân đôi nhân dân Việt Nam.

        Đồng thời với việc phát triển các lực lượng vũ trang của quần chúng rộng khắp, chúng ta ra sức đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang tập trung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:34:30 am »


        Các đội cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Du kích Ba Tơ… thống nhất thành Quân giải phóng Việt Nam, đã trải qua một bước phát triển nhảy vọt, đã được tổ chức thành những chi đội, đại đội, phân đội trước này Tổng khởi nghĩa. Với chủ trương của Đảng, trong tình hình mới, bộ đội ta tiếp tục phát triển rất nhanh. Chỉ trong vòng một tháng, số lượng quân đội ta đã đông gấp mười lần Quân giải phóng trước ngày cách mạng vừa giành được chính quyền.

        Tất cả các đơn vị Vệ quốc đoàn đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua tổ chức Đảng trong quân đội, thông qua các chi bộ và những cán bộ là đảng viên giữ những vai trò quan trọng.

        Những cán bộ, đội viên các đội vũ trang đầu tiên của Đảng ngày trước, nay trở thành nòng cốt của các đơn vị Vệ quốc đoàn ở trung ương và ở địa phương.

        Trường Quân chính kháng Nhật mở từ hồi ở chiến khu, chuyển thành Trường Quân chính Việt Nam, quy mô rộng hơn, mỗi khóa huấn luyện tập trung hàng mấy trăm cán bộ. Bác thường đến trường nói chuyện. Để che mắt bọn Tưởng, Bác cho đỏi tên trường thành Trường Cán bộ Việt Nam.

        Phong trào tòng quân sối nổi khắp cả nước. Các hội cứu quốc tấp nập đưa những hội viên của mình vào bộ đội. Các đội tự vệ bổ sung cho Vệ quốc đoàn những chiến sĩ ưu tú của mình, ở một số địa phương, đã chuyển toàn đơn vị thành Vệ quốc đoàn. Tại Hà Nội, nhiều khu phố lập bàn thờ Tổ quốc, đón nhận những người muốn tòng quân. Không riêng thanh niên, mà có nhiều người lớn tuổi cũng tới tòng quân.

        Ngày Tổng khởi nghĩa, đã có những đơn vị bảo an binh đi theo Cách mạng. Chúng ta chủ trương thu nhận những cá nhân sĩ quan binh lính có tinh thần yêu nước, tự nguyện tham gia quân đội cách mạng. Nhiều người sau này đã trở nên những chiến sĩ, cán bộ của quân đội ta.

        Tại phần lớn các nơi, việc nuôi dưỡng bộ đôi vẫn phải dựa vào đồng bào. Đoàn thể Phụ nữ cứu quốc đóng góp một vai trò đặc biệt trong việc chăm sóc các chiến sĩ.

        Ta chủ trương tìm mọi cách để có được thêm nhiều vũ khí cho bộ đội. Ngoài số súng thu được tại các trại bảo an binh, hoặc của binh lính Nhật trong một số trận chiến đấu, chúng ta dùng tiền và vàng nhân dân đã quyên góp, mua thêm súng của Nhật và của quân Tưởng. Tuy vậy, vẫn không sao đáp ứng được những nhu cầu rất lớn về vũ khí và trang bị của quân đội đang phát triển từng ngày. Cùng với những khẩu súng tiểu liên nhỏ, nhẹ mới ra đời trong đại chiến lần thứ hai, do các quân đội nước ngoài vừa đem vào, là những khẩu súng trường nòng dài lêu nghêu, chế tạo từ hồi vua Nga còn tại vị, những khẩu súng kíp sản xuất trong những lò rèn thủ công. Nếu như ngày nay, bô binh ta đã được trang bị khá hiện đại với ba thứ súng bắn thẳng cùng một cỡ đạn thống nhất, thì hồi đó chúng ta đã phải dùng đến trên bốn chục thứ súng với nhiều cỡ đạn khác nhau. Riêng về súng trường, một bản thống kê đã nêu lên tới hai mươi loại súng do tám nước chế tạo:

        Việt Nam:

        - Súng trường Phan Đình Phùng không có khương tuyến,
        - Súng kíp.

        Pháp:

        - Súng Mútcơtông giáp ba,
        - Súng Mútcơtông giáp năm,
        - Súng Anhđôsinoa,
        - Súng khai hậu,
        - Súng Mát 7 li 5,
        - Súng Mát nửa tự động,
        - Súng trường Tờrôngbơlông phóng lựu đạn.
        - Súng săn cỡ 12,
        - Súng săn cỡ 16,
        - Súng săn cỡ 20.

        Nhật:

        - Súng trường Nhật nòng ngắn, dùng cho kị binh,
        - Súng trường Nhật nòng dài, dùng cho bộ binh,

        Anh:

        - Súng trường Anh 7 li 7.

        Mỹ:

        - Súng Rơmanhtông 1903,
        - Súng Rơmanhtông 1917.

        Nga (thời Nga hoàng):

        - Súng trường Nga nòng dài, 7 li 9.

        Trung Hoa (thời Tưởng Giới Thạch):

        - Súng Thất cửu.

        Đức (quốc xã):

        - Súng Môđe.

        Trên thao trường, mặc nắng cháy, mưa dầm, anh Vệ quốc, gậy nhiều hơn súng, say sưa ngày đêm luyện tập. Các mẹ, các chị khi mang nước, lúc đem cơm, hoa quả địa phương mùa nào thức ấy. Dọc đường hành quân ra trận, bộ đội đi dân nhớ, ở dân thương, tới đâu cũng được săn sóc, chăm nom với nghĩa tình ruột thịt.

        Một quân đội mới lần đầu xuất hiện trong lịch sử của dân tộc, quân đội con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, được nhân dân nuôi dưỡng, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội ấy do Đảng và Hồ Chủ tịch sáng lập, nên ngay từ những ngày đầu, nó đã mang đậm đà bản chất của Đảng và những đức tính của Người. Ngày nào, khì nói đến Đảng ta, Hồ Chủ tịch đã dịch hai câu thơ của Lỗ Tấn:

                                      Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,
                                      Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng.


        Và Người giải thích: “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ; cũng có nghĩa là những sự khó khăn, gian khổ. “Các nhi đồng” là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo; cũng có nghía là những công việc ích nước lợi dân.

        Đó cũng chính là hình ảnh của Quân đội ta. Anh Vệ quốc rất xứng đáng với những tiếng thân thiết mà đồng bào cả nước đã sớm dành cho mình: Bộ đội Cụ Hồ.

        Quân đội ta và các lực lượng vũ trang quần chúng ra đời trong ngọn lửa đấu tranh cứu nước của dân tộc, vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa nâng cao phẩm chất chính trị bằng sự giáo dục của Đảng, của Hồ Chủ tịch, vừa tôi luyện trong lửa đạn ác liệt của chiến trường mới. Các lực lượng vũ trang đó đã lớn lên từng ngày và đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi lớn lao, cấp bách của đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:40:32 am »

     
XIV

        Trong thời gian ở nước ngoài, Bác đã sống nhiều năm tại Trung Quốc. Mạng lưới dày của bọn đặc vụ Quốc dân đảng luôn luôn bủa vây đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng bị bọn Tưởng Giới Thạch tàn sát ở Quảng Châu. Người đã trải qua những ngày sống trong ngục tù của chúng. Sau khi Nhật đầu hàng, Mỹ thúc bọn quân phiệt Tưởng thanh toán gấp mối nguy cơ đối với chúng, là lực lượng Hồng quân ngày càng lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch đang chuẩn bị trận đánh cuối cùng, một mất một còn, hòng tiêu diệt cách mạng.

        Bác hiểu sâu sắc bản chất giai cấp của bọn Quốc dân đảng. Hơn ai hết, Người thấy rõ mối nguy cơ cho cách mạng Việt Nam khi quân Tưởng tràn vào miền Bắc. Chúng là những tên chống cộng cực kì tàn bạo. Trong khi cũng để giải giáp gần ba vạn quân Nhật tại miền Nam, Anh chỉ cần đến dăm ngàn quân, thì cũng với công việc ấy, ở miền Bắc, bọn Tưởng đã đưa vào đến mười tám vạn quân. Dã tâm của quân Tưởng đã rõ ràng. Chúng muốn tiêu diệt chính quyền cách mạng, muốn thôn tính nước ta.

        Sách lược của ta lúc này là hòa hoãn với Tưởng, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân Pháp cướp nước. Nhưng hòa hoãn với Tưởng không phải dễ dàng.

        Bác nhiều lần dặn cán bộ: “Phải hết sức tránh khiêu khích, không để xảy ra xung đột với quân Tưởng. Nếu đã xảy ra xung đột thì phải biến xung đột lớn thành xung đột nhỏ, xung đột nhỏ thành không có xung đột”. Không phải mọi người đều thấy ý nghĩa quan trọng của chỉ thị đó.

        Một số cán bộ của Đảng cũng chưa nắm vững được sách lược lúc này. Cũng vì vậy mà những vụ va chạm đáng lẽ không xảy ra, vẫn xảy ra. Những vụ này đã gây cho ta khá nhiều khó khăn trong việc dàn xếp. Bác có thái độ rất nghiêm khắc đối với những tư tưởng và hành động sai lầm chỉ thấy bộ phận, không thấy toàn cục, trong việc thực hiện sách lược của Đảng.

        Một mặt, ta cố tìm mọi cách hòa hoãn, hạn chế những hoạt động phá hoại của kẻ thù. Mặt khác, phát hiện những mâu thuẫn, những vết rạn nứt dù nhỏ trong hàng ngũ của chúng lúc này để lợi dụng, là rất quan trọng.

        Trong Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tích kiêm thêm công tác ngoại giao. Ngoại giao khi đó là một công việc cực kì phức tạp.

        Bọn tướng lĩnh Quốc dân đảng Trung Hoa vào miền Bắc, thuộc nhiều phe cánh khác nhau. Có những tên thuộc tập đoàn địa phương Vân Nam. Có tên thuộc tập đoàn địa phương Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây). Nhiều tên thuộc tập đoàn trung ương của Trùng Khánh. Chúng giống nhau ở chỗ cùng chống cộng. Nhưng, vì bên trong chúng cố mâu thuẫn, nên thái độ phản động của chúng đối với cách mạng Việt Nam cũng ít nhiều khác nhau.

        Ngoài ý định can thiệp vào Việt Nam, Trùng Khánh còn muốn nhân dịp này, thanh toán một số tên quân phiệt cứng đầu ở Tây Nam và Hoa Nam. Ngay từ khi Lư Hán kéo quân sang ta, Bác đã nói: “Đây là kế “điệu hổ li sơn” củaTưởng Giới Thạch. Nội bộ chúng không ổn định là một điều ta có thể lợi dụng”, Tưởng Giới Thạch từ lâu, muốn trị Long Vân, tỉnh trưởng Vân Nam.

        Chỉ sau đôi lần gặp Bác, Lư Hán đã tỏ ra cảm phục. Y ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng của Bác. Bác trao đổi với y về tình hình chính trị ở Việt Nam, ở Trung Hoa và trên thế giới. Bác làm cho y hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập và chủ trương Hoa-Việt thân thiện của ta. Đôi lúc, Bác cũng nói cho y biết phần nào những hoạt động xấu xa của bọn Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Lư Hán gọi Bác một cách trân trọng là Hồ Chủ tịch. Nghe báo tin Bác tới, y ra đón. Khi Bác về, y tiễn chân đến tận cửa. Dường như dã cảm thấy số phận bấp bênh của mình, y thường có vẻ tư lự.

        Tiêu Văn là chủ nhiệm chính trị của chiến khu thứ tư do Trương Phát Khuê chỉ huy. Y nắm một vai trò chủ chốt trong cái gọi là “Việt Nam cách mạng chỉ đạo thất” (Phòng chỉ đạo cách mạng Việt Nam) do Trương lập ra.

        Tưởng Giới Thạch vốn không ưa Trương và phe cánh của y. Nhưng Tưởng vãn phải dùng Tiêu Văn, vì Tiêu Văn theo dõi tình hình Việt Nam từ lâu và đang nắm bọn tay sai Nguyễn Hải Thần.

        Tiêu Văn vào Việt Nam với một sư đoàn quân Quảng Tây. Sư đoàn quân Quảng Tây vừa vượt biên giới thì được lệnh của Trùng Khánh quay trở về. Tiêu Văn hết quân, phải đi với các quân đoàn trung ương của Chu Phúc Thành. Theo sự chỉ định của Trung Khánh, Tiêu Văn có trách nhiệm giải quyết những vấn đề chính trị ở miền Bắc Việt Nam.

        Tại Hà Nội, chính quyền cách mạng đã thành lập, viên tướng “lam y” thấy mình bị đặt trước một việc đã rồi. Y rất bực bội.

        Bác đã bảo chọn cho Tiêu Văn một ngôi nhà sang trọng. Lúc đầu, y không chịu tới, đưa bọn tay sai về đóng tại nhà một viên bang trưởng ở phố Cửa Đông.

        Thấy Bác định đi thăm Tiêu Văn, nhiều anh ngăn. Y mới đến, ta chưa biết thái độ ra sao. Bác nói: “Nó vừa tới, chưa rõ tình hình, ta đến cũng có cái hay”. Trong việc giao tiếp, Bác thường hay chủ động và chú ý đến cái ấn tượng lúc ban đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:44:18 am »


        Bác chỉ định mấy đồng chí cùng đi. Thấy một đồng chí mang dép, Bác bảo về nhà thay giày. Bác nói: “Khi nào gặp “người ta”, tôi ăn mặc thế nào cứ mặc tôi, nhưng các chú thì phải cho tề chỉnh”.

        Mấy đồng chí theo Bác tới phố Cửa Đông. Đến nơi Tiêu Văn ở, Bác bảo hai đồng chí đợi bên ngoài, rồi cùng hai đồng chí đi vào. Qua hàng rào sắt, mọi người nhận ra ở đây ngoài bọn lính Tưởng, còn có thêm mấy tên tay sai Việt Nam quốc dân đảng. Chúng mặc quân phục, đeo súng, vào ra với vẻ mặt lầm lì.

        Tiêu Văn đang ở nhà trong. Nghe báo Hồ Chủ tịch tới, y lật đật đi ra. Chỉ sau vài câu thăm hỏi của Bác, y đã tỏ ra vui vẻ, niềm nở như gặp lại một người quen biết lâu ngày. Thái độ của Tiêu Văn đối với Bác, làm cho mấy tên tay sai Việt Nam quốc dân đảng ngạc nhiêu.

        Bác nhắc lại những chuyện ở Liễu Châu, rồi bảo Tiêu Văn hãy bỏ qua những hiểu lầm trước đây, hợp tác với ta để cùng giải quyết mọi vấn đè trong mối quan hệ Hoa - Việt. Tiêu Văn hứa sẽ đặt quan hệ với Chính phủ ta. Sau lần gặp này, Tiêu Văn dọn đến ở tại ngôi nhà ta đã dành cho y, gần hồ Bảy Mẫu. Bác đã dùng y giải quyết một phần nào những va chạm, mắc míu với quân Tưởng.

        Lư Hán đến Hà Nội được vài tuần thì Tưởng Giới Thạch đem quân đánh úp Vân Nam và lừa bắt Long Vân. Trùng Khánh tuyên bố: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam, Lư Hán trở về Vân Nam, sẽ thay Long Vân làm tỉnh trưởng. Nhưng chúng lại điều hai quân đoàn của Lư Hán về trước, đưa lên Đông Bắc đánh nhau với Hồng quân. Các quân đoàn này được quân trung ương sang thay thế. Cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ bọn quân phiệt Tưởng diễn ra quyết liêt.

        Bọn tướng lĩnh trực thuộc với Trùng Khánh, đứng đầu là Chu Phúc Thành, là những tên phản động nhất. Chúng đã trực tiếp điều khiển bọn tay sai trong những hoạt động phá hoại. Nhiều lần, chúng ra mặt bắt giữ một số cán bộ của ta. Tuy vậy, vẫn có những tên không thể bịt mắt trước thực tế to lớn của cách mạng Việt Nam. Viên sư trưởng sư đoàn 2 đóng quân tại Nam Định, có lần bày tỏ sự đồng tình với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Khi Bác về Nam Định, Bác ghé thăm y. Một viên sư trưởng khác đến nhờ ta cung cấp tài liệu, giúp y viết một cuốn sách về phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam.

        Trong hàng ngũ quân đội Tưởng, nhiều tên chỉ giữ chức phó quan hoặc xứ trưởng, là những chức thấp, nhưng lại có quyền hành và thế lực. Có tên nhờ người vợ đẹp, lịch thiệp, tiêm thuốc phiện khéo, các tướng lĩnh thường lui tới nhà nên trong nhiều việc, y đều trở thành người môi giới đắc lực. Không hiểu tại sao Bác phát hiện ra rất sớm những viên quan nhỏ thuộc loại này. Bác chỉ thị cho các cán bộ làm công tác ngoại giao có đối sách thích hơp với từng tên. Chính nhờ bọn này mà một số vụ va chạm với quân Tưởng đã được giải quyết.

        Với Bác, chân lí cách mạng là cụ thể. Vận dụng sách lược, cũng là cụ thể. Tuy tất cả bọn Tưởng đều là những tên phản động, nhưng với từng đối tượng cụ thể, ta cần có cách đối sử cụ thể. Đương nhiên, thực lực cách mạng là cơ sở của việc vận dụng mọi sách lược. Đây là một kinh nghiệm quan trọng Bác thường nhắc nhở cản bộ.

        Cao trào cách mạng đang dâng lên mạnh mẽ  trên khắp nước Trung Hoa. Quân Tưởng tiến đánh các khu giải phóng với ý định tiêu diệt Hồng quân, đã vấp phải những thất bại liên tiếp. Bọn quan quân được lệnh điều động về nước tỏ ra lo lắng. Những tên ở lại hoặc mới kéo sang, đều mang tâm trạng không ổn định.

        Với một sự nhạy cảm lạ thường, Bác dường như thấu hiểu mọi trạng thái tư tuỏng, tình cảm của kẻ thù. Bác đã vận dụng một cách vô cùng sắc bén những đối sách cụ thể với từng loại kẻ địch, với từng tên.

        Con người Bác là hiện thân sức mạnh của chính nghĩa. Nhiều chính khách nước ngoài gặp Bác hồi đó, cũng như sau này, đều nói lên ý nghĩ cảm phục. Ngay cả những kẻ thù, những tên khét tiếng chống cộng, khi tiếp xúc với Bác, đều phải tỏ ra kính nể. Đứng trước Bác, dường như chúng cũng bớt hung hãn đi nhiều.

        Nhiều người nước ngoài đã bàn về sức cảm hóa kì lạ trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người cho đólà do sự hiẻu biết sâu rộng, do tài trí thông minh tuyệt vời, do ý chí nghị lực phi thường của Người. Có ngừoi nói đó là do đức khiêm tốn, giản dị, do sự lạc quan, tin tưởng, do tính tình thẳng thắn, cởi mở, do sự từng trải, lịch thiệp… của Người.

        Những điều ấy đều đúng. Nhưng bao trùm lên tất cả ở Hồ Chủ tịch, chính là sự quên mình vì mọi người, chính là sự ham muốn, “ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc” của Người là làm sao mang lại thật nhiều hạnh phúc cho dân, cho nước. Cuộc sống hoàn toàn không một chút bận riêng tư, đã tạo nên ở Người một cái gì đó vô cùng trong sang.

        Với tấm lòng nhân ái bao la, ngay cả trong khi thực hiện sách lược, Người vẫn mong muốn thức tỉnh lại phần lương tri dù còn ít ỏi ở một số con người.

        Sức mạnh chính trị, tinh thần của nhân dân ta cùng với sự vận dụng tài giỏi đường lối sách lược của Đảng và của Hồ Chủ tịch, đã làm tê liệt một phần ý chí xâm lược của bọn quân phiệt Tưởng, có dưới tay gần hai chục vạn quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:50:58 am »


XV

        Không đầy một tuần sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, Chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh tổ chức tổng tuyển cử trên cả nước, để bầu ra Quốc dân đại hội.

        Trong lịch sử của các dân tộc vừa đấu tranh giành độc lập, chưa bao giờ một sắc lệnh về tổng tuyển cử được ban hành sớm như thế.

        Trước hết, đây là lòng tin của Đảng vào tinh thần yêu nước, vào trình độ giác ngộ của nhân dân. Đồng bào ta vừa trải qua gần một thế kỉ sống dưới ách độ hộ của thực dân Pháp. Tổng tuyển cử sẽ là một cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc. Qua việc thực hiện quyền làm chủ của mình, mỗi người dân sẽ nâng cao thêm ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Ở vào một tình hình trong, ngoài đều phức tạp, rối ren, một quốc hội do nhân dân chính thức cử ra, một chính phủ chính thức thành lập theo đúng nguyên tắc dân chủ sẽ có đủ uy tín, danh nghĩa và sức mạnh động viên tinh thần, lực lượng của nhân dân để kháng chiến, kiến quốc, để giao dịch vói các nước ngoài.

        Sắc lệnh ngày 8 tháng Chín của Chính phủ lâm thời đã ấn định cuộc tổng tuyển cử sẽ được mở trong vòng hai tháng. Pháp trở lại Nam Bộ. Chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Trở ngại lớn không chỉ có riêng cuộc xâm lược của giặc Pháp. Trên miền Bắc, bọn Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội chống phá tổng tuyển cử một cách điên cuồng. Chúng ngày càng biết rõ một cuộc tổng tuyển cử công bằng sẽ không mang lại gì cho chúng.

        Báo chí của bọn phản động đòi Chính phủ lâm thời phải từ chức ngay. Chúng lớn tiếng rêu rao chính quyền hiện nay là chính quyền độc tài của cộng sản. Chúng tìm mọi cách khích động một số nhà tư bản, quan lại cũ, địa chủ, phú nông, hòng lôi kéo họ theo chúng chống lại ta. Chúng hi vọng Trùng Khánh sẽ mạnh tay với ta hơn.

        Nhóm quân phiệt Tưởng ở Hà Nội đã nhận thấy việc dùng sức mạnh lật đổ chính quyền trung ương của ta lúc này, là không thể thực hiện được. Tiêu Văn đề nghị với Bác tổ chức một chính quyền gồm ba lực lượng Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng và Việt Minh. Y muốn có một chính phủ trong đó, bọn tay sai chiếm số đông.

        Ta đã nhiều lần nói rõ cho những người cầm đầu Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng, tổng tuyển cử là một việc nhất thiết phải làm. Đó là nguyện vọng và cũng là quyền lợi của quốc dân. Người của các đảng phái ra ứng cử, sẽ được tạo mọi cách dễ dàng để trình bày đường lối chính trị của mình. Ta cũng nêu rõ sự mong muốn đoàn kết với mọi lực lượng để xây dựng đất nước, và đẩy mạnh cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt ở miền Nam.

        Hạ tuần tháng Mười Một, cuộc họp liên tịch giữa các đảng phái được tổ chức. Những người cầm đầu Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng đến họp đã đồng ý: Sẽ thành lập chính phủ thống nhất quốc gia; sẽ thực hiện thống nhất quân đội; chấm dứt mọi sự xung đột; ngừng đả kích nhau trên báo chí.

        Nhưng chỉ vài ngày sau, chiếc loa mắc tại tòa báo “Việt Nam”, đường Quán Thánh, lại kêu ra rả ngày đêm, đòi Chính phủ lâm thời phải từ chức. Chắc các quan thầy Tưởng đã chỉ cho bọn phản động là chúng không được lợi gì, qua những điều mới thỏa thuận. Cùng với những hoạt động bắt cóc, giết người, tống tiền, chúng tiến lên tổ chức những cuộc biểu tình, gây hỗn loạn trong thành phố.

        Đồng bào Thủ đô căm phẫn, muốn Chính phủ thẳng tay trừng trị bọn phản động. Nhiều người viết thư, gửi bài đăng báo, tố cáo những hành động phá hoại và bất lương của chúng. Nhiều đơn vị tự vệ chiến đấu và tự vệ thành làm kiến nghị, ra tuyên bố quyết tâm trừng trị bọn chúng khi được lệnh.

        Lưỡi lê của quân Tưởng và những khẩu poọchoọc của những tên cảnh bị có mặt khắp nới trong thành phố, là chỗ dựa cho bọn phản động. Cho tới đó, vì đồng bào và các lực lượng vũ trang của ta cố tránh khiêu khích, nên bọn chúng chưa bị những vụ trừng trị đáng kể.

        Trước tình hình đó, Thường vụ chủ trương: Hết sức tránh khiêu khích, nhưng phải đưa quần chúng ra đấu tranh, vạch mặt và cô lập bọn phản động, làm cho những tên cầm đầu quân Tưởng nhận rõ: Chúng càng dùng bọn tay sai phá phách thì bọn này càng bị nhân dân phản đối.

        Anh Trần Quốc Hoàn cùng tôi bàn kế hoạch thực hiện chủ trương trên, nhằm ngăn chặn những hoạt động phá hoại đang hằng ngày gây rối loạn trong thành phố.

        Làm việc này cần phải cân nhắc kĩ. Bọn biểu tình bao giờ cũng có những tên mang vũ khí đi kèm. Chúng có chỗ dựa là binh lính Tưởng. Quân Tưởng lại đang tự cho chúng quyền giữ gìn an ninh trong thành phố. Ta phải trừng trị bọn phá hoại, nhưng nhất thiết phải hết sức tránh khiêu khích, tuyệt đối không để dẫn đến xung đột lớn.

        Chúng tôi thấy rõ có thể huy động lực lượng tự vệ chiến đấu cùng một số hội viên các đoàn thể cứu quốc làm công việc này. Tự vệ chiến đấu khi đi hoạt động, sẽ mặc thường phục, hòa lẫn vào đồng bào, giữ bí mật các vũ khí mang theo. Tốt nhất, ta nên tổ chức những cuộc đấu tranh xa nơi có binh lính Tưởng.

        Nhiệm vụ đánh một trận nhỏ đầu tiên để rút kinh nghiệm, được trao cho một tổ tự vệ chiến đấu.

        Bữa đó, anh em đang làm việc ở trụ sở chính của tự vệ chiến đấu tại phố Trần Hưng Đạo, thì có tin bọn khiêu khích vừa tập trung ở phố Hàng Đậu. Ba đồng chí được phân công, lập tức giắt vũ khí vào người, chạy đi làm nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:51:19 am »


        Tổ tự vệ chiến đấu tới Hàng Giấy, thì gặp bọn chúng. Chúng đông chừng vài chục tên, đang dùng loa kêu gọi và phân phát báo trước chợ Đồng Xuân. Hai đầu đường có bọn lính Tưởng đứng gác.

        Một đồng chí tự vệ xông vào giữa bọn chúng, hỏi một tên khiêu khích:

        - Báo gì đấy?

        Nó đáp:

        - Báo “Việt Nam”.

        - Việt Nam gì? Báo của chúng mày là báo Việt gian!

        Đồng chí tự vệ giật chồng báo trong tay nó, quẳng xuống đất.

        Cuộc xung đột bắt đầu. Đồng bào cũng chỉ chờ có thế, lập tức đổ xô lại. Bị trừng trị bất ngờ, bọn chúng chạy toán loạn. Nhiều đứa lao cả vào nhà dân để trốn. Một đồng chí tự vệ rượt theo một tên. Người trong nhà đưa mắt, chỉ cho anh chỗ nó nấp bên xó cửa. Anh tới lôi nó ra. Nó lạy van xin tha. Ông chủ nhà bảo nó:

        - Lần sau thì phải chừa đi! Cứ phá phách, nói xấu Chính phủ như thế thì dân phố người ta không để yên đâu!

        Những tên lính Tưởng đứng gác thấy náo động, giương súng lên trới bắn đoàng đoàng. Không đứa nào rời khỏi ụ cát.

        Bọn khiêu khích bị đánh tan. Máy đồng chí tự vệ chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ, làm như người đang dạo chơi, ung dung đi ngang các trạm gác của bọn Tưởng.

        Qua vụ này, ta đánh giá được tinh thần của bọn phản động. Ta cũng đo được chừng nào mức độ can thiệp của bọn lính Tưởng. Trước những hành động căm phẫn mà chúng tưởng là phản ứng tự phát của nhân dân đối với bọn tay sai, chúng đối phó một cách bị động và tiêu cực.

        Vài ngày sau, bọn phản động lại tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại Bờ Hồ. Lần này, lực lượng của ta huy động đông hơn. Chúng ta phát hiện ra chúng sớm. Nhưng bọn phản động cũng đã chuẩn bị đối phó. Chúng bắn một đồng chí tự vệ. Tội ác của chúng đã gây một sự phẫn nộ lớn. Đồng bào ầm ầm đổ tới. Ai nấy gặp gì, với cái ấy làm vũ khí, có người giật cả những chiếc khung xe đạp sơn dở trong cửa hàng, xông vào trừng trị bọn phản động. Chúng phải giấu súng, vứt cờ biển và loa, chạy tháo thân.

        Những cuộc biểu tình thưa đi.

        Nhưng bọn phản động lại tăng thêm những vụ bắt cóc, ám sát. Chúng nhằm những người sắp ra ứng cử, những đảng viên cộng sản, cán bộ Việt Minh, những người thuộc tổ chức của chúng nhưng lại tỏ ra có cảm tình với ta, hoặc là đã tách khỏi bọn chúng, đi theo cách mạng.

        Bọn quân phiệt Tưởng, sau những lần đề nghị không kết quả với ta về việc cải tổ Chính phủ, cũng ra mặt gây thêm áp lực.

        Cuối tháng Mười Một, một Pháp kiều bị bắn chết trước nhà máy Avia. Ta cho mở ngay cuộc điều tra. Từ trước, Chính phủ ta vẫn có một chính sách nhân đạo và khoan hồng đối với Pháp kiều. Trong bức thư gửi người Pháp ở Đông Dương hồi tháng Mười, Bác đã nói rõ những người Pháp làm ăn lương thiện và sống yên ổn sẽ được coi như bè bạn.

        Ngày hôm sau, bộ tư lệnh quân đội Tưởng gửi thư mời Bác tới. Các anh bàn xem Bác có nên đi không. Bác nói:

        - Nó đã mời mình, mình cứ tới. Lúc này, chúng chưa dám làm gì ta đâu!

        Chín giờ sáng, Bác lên xe đi cùng mấy đồng chí bảo vệ.

        Bác đến nhà Tiêu Văn. Chu Phúc Thành đã cho người đón, mời Bác tới chỗ làm việc của hắn ở phía nhà thương Đồn Thủy. Đến nơi, bọn sĩ quan quốc dân đảng yêu cầu các đồng chí  bảo vệ ngồi đợi phía ngoài, và mời Bác lên gác gặp Chu.

        Chúng tôi ở nhà đợi, đến bữa trưa, vẫn chưa thấy Bác về. Chúng tôi tin vào kinh nghiệm ứng phó của Bác, nhưng vẫn lo.

        Quá trưa, một đồng chí bảo vệ mang thư của Bác về. Thư để ngỏ, Bác viết tắt bằng chữ Hán: “Anh em ở nhà cứ làm việc. Tôi còn bận một chút!”.

        Rõ rằng là có chuyện rắc rối. Bác biết ở nhà sốt ruột, nên tìm cách báo cho chúng tôi hiểu qua tình hình. Đồng chí cầm thư về, nói Bác vẫn ngồi trên gác với Chu.

        Chúng tôi bàn cách đối phó trong trường hợp cần thiết, và cử người đến chỗ Chu theo dõi xem sao.

        Lát sau, các đồng chí cùng đi với Bác gọi điện thoại về, bảo đưa một chiếc xe đến đón. Không hiểu tại sao lại như vậy? Chiếc xe Bác đi sáng nay đâu?

        Mãi đến gần hai giờ chiều, Bác mới về. Mọi người mới hết lo lắng.

        Sự việc xảy ra cũng khá rắc rối. Sáng hôm đó, Chu Phúc Thành khăng khăng vu cho một cán bộ của ta đã bắn chết tên Pháp kiều. Người mà chúng buộc tội là anh Sơn, một cán bộ của của ta, có chân trong Ban lãnh đạo Việt Nam cách mệnh đồng minh hội từ hồi ở Liễn Châu. Bọn tay chân của Chu còn trắng trợn nói, chúng quả quyết rằng chiếc xe mà “hung thủ” đã dùng chính là chiếc xe của Bác.

        Bác đã vạch rõ những chỗ vô lí trong những lời vu cáo của bọn chúng. Người chúng nói là hung thủ thì từ bốn hôm nay, đã về Nam Định công tác. Chu chuyển sang trách cứ chính quyền ta không bảo đảm được trật tự, an ninh. Rồi hắn lại mang chuyện cung cấp gạo ra, phàn nàn ta không chiu giải quyết đủ số gạo hắn đã yêu cầu. Chu tìm cách dây dưa hết chuyện này đến chuyện khác, gây không khí căng thẳng.

        Cuối cùng, Chu đuối lí, phải kết thúc câu chuyện. Muốn cho đỡ bẽ mặt và cũng để kéo dài tình hình căng thẳng, hắn đặt vẫn đề giữ lại chiếc xe và cả anh Hảo, lái xe, viện lí đó là những chứng cớ để tìm ra hung thủ. Mặc dầu ta liên tiếp đấu tranh, mãi đến ba tháng sau, chúng mới chịu thả đồng chí lái xe, còn chiếc xe thì chúng vẫn giữ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:38:36 pm »


XVI

        Bác và Thường vụ thấy cần có một giải pháp với bọn Tưởng. Chúng không hi vọng gì nếu đưa lũ tay sai ra ứng cử. Nhưng vậy, nhất định chúng sẽ chống phá tổng tuyển cử đến cùng. Chúng đang đòi ta cải tổ Chính phủ. Ta có thể đồng ý thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời với sự tham gia của một số người trong bọn chúng. Điều kiện ta đặt ra là: Chính phủ này phải tổ chức tốt cuộc tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang lại và sẽ từ chức khi triệu tập Quốc dân đại hội. Còn việc Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội không dám ra ứng cử, thì ta sẽ đề nghị với Quốc hội sau này dành cho chúng một số ghế.

        Ta nêu những đièu kiện này với Tiêu Văn. Đang bí cách giải quyết, Tiêu Văn ưng thuận. Nguyễn Hải Thần cũng phải bằng lòng. Riêng bọn Việt Nam quốc dân đảng, lúc đầu không chịu nghe. Nhưng rồi khi ý kiến của tất cả các quan thầy đã là như thế, chúng cũng phải theo. Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam quốc dân đảng hứa sẽ không phá tổng tuyển cử nữa.

        Ngày 19 tháng Chạp, Chính phủ lâm thời công bố tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào mồng 6 tháng Giêng năm 1946.

        Chúng ta đã vượt qua một khó khăn lớn. Nhưng một số cán bộ không hoàn toàn thông suốt với cách giải quyết này. Có đồng chí khi nghe tin Nguyễn Hải Thần sẽ giữ một chức vụ cao trong Chính phủ, vội chạy tới, xin được gặp Bác, nêu thắc mắc. Bác không giải thích nhiều, chỉ nói:

        - Phân có dơ không? Nhưng dùng bón lúa tốt, thì có dùng không?

        Mồng 1 tháng Giêng năm 1946, danh sách Chính phủ liên hiệp lâm thời được công bố trên các báo chí. Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó chủ tịch. Người của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội giữ hai bộ: Bộ Kinh tế và Bộ Vệ sinh.

        Chiều hôm đó, Chính phủ mói làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại Nhà hát lớn thành phố.

        Bác đọc bản tuyên ngôn đoàn kết của các đảng phái, và nêu lên những chính sách của Chính phủ, trong đó có các điểm:

        - Làm cho cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc đạt được kết quả mĩ mãn.

        - Thống nhất các cơ quan hành chính theo nguyên tắc dân chủ.

        - Thống nhất các bộ đội vũ trang dưới quyền chỉ huy của Chính phủ. Các đảng phái không được có quân đội riêng.

        Trong lời tuyên bố ra mắt, Nguyễn Hải Thần nói: “Là một người lãnh đạo quốc dân mà ngày nay mới đoàn kết thực là có lỗi với quốc dân”. Y hứa “sẽ mang quân bản bộ vào Nam Bộ cùng đồng bào chống xâm lăng”.

        Ba vạn nhân dân Thủ đô đã kéo tới tập trung kín cả quảng trường Nhà hát lớn. Bác mời các vị trong Chính phủ ra cùng gặp đồng bào. Những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang lên không ngớt, khi Bác xuất hiện ở bao lơn.

        Bác chúc mừng đồng bào nhân ngày đầu năm dương lịch và nói về việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời. Sau đó, Bác giới thiệu vói đồng bào Phó chủ tịch mới.

        Nguyễn Hải Thần bước ra nói chuyện. Không hiểu lúng túng thế nào, y buột miệng tuôn ra mấy tiếng bạch thoại.

        Tôi đứng gần, giật áo y, hỏi:

        - Cụ nói cái gì thế?

        Anh Trần Huy Liệu cũng đứng đấy, kéo tay tôi, nói nhỏ: “Anh mặc hắn! Hắn nói gì cứ để cho hắn nói!”.

        Bác chỉ thị tìm ngôi nhà thật tốt cho Nguyễn Hải Thần. Bác nhường luôn cả cho y chiếc ô tô Bác vẫn dùng hằng ngày.

        Mấy hôm sau, Chính phủ liên hiệp lâm thời ra mắt các viên chức Nhà nước tại Bắc Bộ Phủ.

        Nguyễn Hải Thần đi xe tới. Theo sau y là một trung đội lính hộ vệ, súng cầm tay, đạn đeo đầy người, chân cũng quấn xà cạp y như quân của Lư Hán.

        Trong buổi tiệc trà liên hoan, bằng giọng thân mật, Bác nói:

        - Hôm nay, tôi trân trọng giới thiệu với cả gia đình ta một cô dâu mới: cụ Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần.

        Nguyễn Hải Thần đứng lên với vẻ thỏa mãn hiện ra mặt:

        - Tôi bôn ba hải ngoại mấy chục năm qua, giờ về đây, có cái nhà cao, cái cửa rộng lúc này thật sung sướng quá…

        Đang lúc say sưa, dường như cũng muốn mua vui cho mọi người, y lại nói:

        - Tới đây… tôi cũng ra mắt làm một quẻ bói giúp cụ Hồ Chí Minh xem hậu vận ra sao.

        Không một ai hưởng ứng câu nói lạc lõng của y.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:42:04 pm »


XVII

        Hà Nội tưng bừng chuẩn bị ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử đất nước.

        Các đoàn thể chính trị mở những cuộc tuyên truyền rầm rộ cho những ứng cử viên của mình. Khẩu hiệu vận động xuất hiện trên tường, trên các băng vải chăng khắp nơi. Những chiếc xe hoa làm rộn ràng cả thành phố. Trên xe, các nam nữ thanh niên mặc quần áo trá hình đánh trống, hòa nhạc, gọi loa giới thiệu các ứng cử viên với đồng bào. Báo chí liên tiếp ra những số đặc biệt vận động tuyển cử.

        Từ nhiều nơi, đồng bào viết thư về, đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước sẽ bỏ phiếu cử Bác và Quốc dân đại hội. Ai cũng muốn được ghi tên Bác đầu tiên trên lá phiếu của mình. Bác đã viết một bức thư ngắn trả lời đề nghị này:

        “… Tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định.

        Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa.

        Xin cảm tạ các đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

        Sáng mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Thành thị, xóm thôn, đâu đâu cũng rực rỡ cờ, đèn và hoa.

        Nhân dân không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai nô nức đi tới các noi bỏ phiếu.

        Chẳng phải một sớm một chiều mà có được lá phiếu hôm nay. Lá phiếu của tự do, giành được từ cuộc đấu tranh lâu dài, bằng biết bao nhiêu máu và nước mắt. Cho tới ngày hôm qua, vì những lá phiếu này, máu vẫn còn phải đổ. Bốn mươi hai cán bộ đã hi sinh tại miền Nam, trong công tác vận động tổng tuyển cử.

        Đó là ngày mà những người chủ mới của đất nước sử dụng quyền làm chủ thực sự của mình. Tại thị xã Phúc Yên, một cụ già ngót một trăm tuổi bảo cháu dắt tới nơi bầu cử. Cụ yêu cầu ban tổ chức kể cho nghe lai lịch và thành tích của từng ứng cử viên. Cụ nâng niu lá phiếu, cân nhắc hồi lâu, rồi mới quyết định bỏ cho những ai. Những người trẻ tuổi thấy giá trị lá phiếu của mình ở chỗ nó chứa đựng những hi vọng, những ước mơ, ở tất cả những gì nó sẽ đem lại trong tương lai. Người già còn biết thêm ý nghĩa sâu sắc của lá phiếu tự do với những nỗi tủi nhục của những năm dài sống cuộc đời nô lệ.

        Có người mù vẫn đòi đưa tới tận nơi bầu cử, để hưởng trọn vẹn niềm vui hạnh phúc, tự tay bỏ vào hòm phiếu, lá phiếu của mình.

        Tổng tuyển cử thực sự là ngày hội của mọi người. Nhiều nơi, đồng bào tổ chức những cuộc rước đèn, rước đuốc, rước ảnh Bác Hồ, diễn kịch, liên hoan.

        Tuy vậy, các lực lượng tự vệ vẫn phải ráo riết đề phòng bọn phá hoại.

        Ngay tại Hà Nội, mặc dầu đã thỏa thuận, bọn Việt Nam quốc dân đang vẫn mang cả tiểu liên đến Ngũ Xã, ngăn không cho đặt hòm phiếu. Chúng cấm cả nhân dân treo cờ. Đồng bào Ngũ Xã đã kéo sang khu phố Nguyễn Thái Học ở gần đó, để bỏ phiếu.

        Bác bỏ phiếu ở một ngôi nhà trước Trường Hàng Vôi, phố Bắc Ninh1, Hà Nội.

        Buổi sáng, trời se lạnh.

        Bác xuất hiện với bộ ka ki giản dị giữa những cử tri mặc quần áo mùa đông ngày hội. Người bước vào phòng bỏ phiếu, nét mặt tươi vui. Sau ba mươi lăm năm cùng với cả dân tộc lao mình vào cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, hôm nay, Người cùng với đồng bào nhận lá phiếu đầu tiên của người công dân một nước độc lập.

        Nghe tin Hồ Chủ tịch đến, chỉ phút chốc, nhân dân ở chung quanh đã kéo tới, đứng kín trước phòng bỏ phiếu. Khi Người bước ra, tiếngvỗ tay hoan hô nổi lên hồi lâu. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào, rồi tiếp tục đi thăm một số nơi bầu cử tại các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống và làng Hồ Khẩu ở ngoại thành. Người muốn hòa mình vào với đồng bào trong một ngày vui lớn của đất nước.

        Quyền lợi và nghĩa vụ công dân đó, Bác rất coi trọng. Tháng Ba năm ngoái2, Hà Nội tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân. Mặc dầu hồi đó Bác đã yếu, Bác vẫn cố gắng đi đến nơi đặt hòm phiếu tại khu phố Ba Định. Mội người ùa cả lại. Trước khi viết phiếu, Bác tuơi cười nói đồng bào hãy lui ra để đảm bảo nguyên tắc bí mật đã quy định. Người đã bỏ lá phiếu để tuyển lựa những đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố vào Mùa xuân lần thứ bảy mươi chín của Người.

        Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, Hồ Chủ tịch đã ứng cử tại Hà Nội và đã thu được 98,4% số phiếu.

        Nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam, đã cử ra 333 đại biểu vào Quốc dân đại hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

-------------------
        1. Nay là phố Nguyễn Hữu Huân.

        2. Năm 1969.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:02 pm »


XVIII

        Giữa tháng Giêng, tôi được Chính phủ cử vô Nam công tác một chuyến ngắn ngày. Để bảo vệ chính quyền còn non trẻ của ta, Trung ương nhận thấy cần phải đẩy mạnh kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, giành cho được những thắng lợi quan trọng. Đồng thời, nhân dân ta trong cả nước phải chuẩn bị thật tích cực cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đề phòng kẻ thù mở rộng chiến tranh. Chuyến đi này cũng là để truyền đạt quyết tâm lớn của Trung ương.

        Báo chí ở Hà Nội vừa ra số đặc biệt về một trăm ngày kháng chiến.

        Trước ngày 23 tháng Chín, bọn quan cai trị cũ tại Sài Gòn quả quyết: cứ nổ súng là dân “bản xứ” mà chúng biết rõ từ lâu, sẽ tan tác như bầy chim sẻ. Cũng với ý nghĩ đó, những tên lính bộ binh thuộc địa vừa ra khỏi trại tù của Nhật, lập tức xả súng bắn vào đồng bào ta. Một số tướng lĩnh thực dân coi cuộc hành quân tại bán đảo Đông Dương này chỉ là một cuộc diễu binh.

        Sự thử thách rất quyết liệt.

        Một bên, là đội quân nhà nghề của một tên đế quốc già đời, do những viên tướng có tiếng tăm của nước Pháp chỉ huy. Chúng có đủ vũ khí hiện đại: máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, đại bác, liên thanh. Cái “đội quân viễn chinh đẹp dường kia” như lời Đácgiăngliơ đã nói, lại được bọn can thiệp Anh và mấy vạn quân Nhật giúp sức.

        Một bên, là những người dân chỉ có vũ khí thô sơ và một quyết tâm chiến đấu đến cùng, để bảo vệ đất nước.

        Qua một trăm ngày trong lửa đạn, Nam Bộ và Nam Trung Bộ vẫn đứng vững. Gậy tầm vông vát nhọn của nhân dân ta dưới chính thể cộng hòa đã tỏ ra mạnh gấp bội những khẩu súng thần công của vua chúa triều Nguyễn.

        Trong cuộc cướp nước lần trước, quân Pháp chỉ cần dùng những viên đạn đại bác bắn thủng mấy bức thành, là có thể thu phục cả một vùng đất đai. Lần này, chúng đã vấp phải bức tường thép không thể phá vỡ của những người dân không chịu trở lại cuộc đời nô lệ.

        Với sức mạnh của những đoàn xe bọc thép, cúng có thể đi đến một số tỉnh tại Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Nhưng điều quan trọng là: cuộc kháng chiến không hề bị dập tắt. Nó vẫn nổi lên mạnh mẽ khắp nơi, nó tiếp diễn ngay ở trong lòng các thành phố, thị trấn mà địch tưởng đã thu phục được.

        Trước giờ phút sống còn của Tổ quốc, nhân dân ta đã nhanh chóng tìm ra cách đánh của mình. Kẻ thù ngơ ngác trước những hiện tượng mới của chiến tranh. Đó là những thành phố, thị trấn do chính bàn tay những người đã xây dựng nên phá trụi, những xóm làng dân cư thực hiện bất hợp tác triệt để, chỉ còn vườn không nhà trống, những chiếc cầu bị phá sập, những con đường bị băm nát. Đó là những chiến sĩ quyết tử chiến đấu bằng bất cứ thứ vũ khí gì họ có trong tay, mặc bom rơi, đạn nổ, vẫn bám sát từng góc phố, từng chiến hào. Điều khó chịu nhất đối với chúng là những địch thủ thường là vô hình, luôn luôn ở chung quanh, có thể bất cứ lúc nào kết liễu đời chúng.

        Vùng nông thôn rộng lớn ở Nam Bộ vẫn nằm trong tay ta. Nhiều khu căn cứ du kích được xây dựng. Ta đã có những căn cứ lớn tại vùng Đồng Tháp Mười và rừng U Minh. Một số căn cứ ở sát ngay các thành phố, đô thị.

        Quân địch đổ bộ ra Nha Trang hồi cuối tháng Mười Một, bị bộ đội và nhân đân địa phương cùng một số chi đội Nam tiến vây chặt trong thành phố. Âm mưu địch tấn công ra Khánh Hòa bị chặn đứng.

        Chiến tranh du kích diễn ra khắp nơi, ở mỗi làng, mỗi xóm, dọc các đường giao thông chiến lược, ở ngay cả những thành phố, thì trấn nằm sâu trong lòng địch.

        Một số nhà quân sự thực dân trước đây rất lạc quan đối với tiền đồ của cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng đã tin vào một bài toán số học: “Những người kháng chiến chỉ có rất ít súng. Về đạn dược, họ lại càng ít hơn. Khi họ bắn hết đạn - chắc là chỉ trong một thời gian ngắn - thì mọi cuộc chống cự sẽ kết thúc”. Qua hơn ba tháng trời chiếu đấu của nhân dân ta, tương lai đối với bọn xâm lược đã ngả sang màu xám. Chúng bắt đầu nhận ra thế nào là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên chiến đấu cho sự sống còn của đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:35 pm »


        Kẻ địch đã nhìn thấy nguy cơ của một cuộc chiến tranh kéo dài. Chúng đang xin gấp viện binh từ Pháp sang. Từ đầu năm 1946, địch liên tiếp mở những cuộc càn quét dữ dội vào vùng cơ sở của ta tại Nam Bộ. Chúng đang dồn sức để lấn chiếm thêm một số tỉnh ở Nam Trung Bộ, chuẩn bị thực hiện những âm mưu mới.

        Tội rời Hà Nội ngày 18 tháng Giêng, một buổi chiều có nắng ấm. Trước khi chúng tôi lên đường, một lần nữa, Bác dặn nhớ chuyển lời thăm của Bác tới đồng bào chiến sĩ, cán bộ, hẹn khi có dịp, Bác sẽ vô thăm. Bác dặn phải cảnh giác và giữ bí mật. Đó cũng là điều Bác thường nhắc nhở chúng tôi trước mỗi lần đi công tác.

        Ra khỏi Hà Nội, đã thấy không khí đổi khác. Vắng bóng lưỡi lê của quân Tưởng, đất nước hiện ra trong lành, rạng rỡ, chan hòa ánh sáng độc lập, tự do. Biểu ngữ, khẩu hiệu “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ” xuất hiện khắp nơi. Mặc dầu không phải ngày hội, nhưng các làng xóm, phố xá, trên cả những cánh đồng, đâu đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng. Ở mỗi ngã ba, thị trấn dọc đường đều có trạm gác của dân quân.

        Lâu ngày lại mới có dịp trở về phần đất ở phía Nam của Tổ quốc. Chuyến đi này khác với những chuyến vào Nam trước đây, hồi còn hoạt động bí mật. Cùng với cả nước, miền Nam đã đổi mới và đang chiến đấu. Xe phóng nhanh trên quốc lộ số 1. Mùi xăng, tiếng còi xe gợi nhớ những chặng đường xa. Nghĩ đến đồng bào, chiến sĩ đang lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù phía trước, mà lòng rộn ràng.

        Dọc đường, gặp nhiều đoàn quân Nam tiến. Những người con của miền Bắc, miền Trung vẫn tiếp tục ra đi. Cán bộ, chiến sĩ nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết các chiến sĩ trẻ măng. Với số đông, đây là lần đầu đi chiến đấu. Và chắc đây cũng là lần đầu, nhiều người được đi tới những miền xa xôi của đất nước. Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành những kỉ niệm không bao giờ phai lạt. Trên đường tới các sân ga, các chiến sĩ, súng đạn, hành lí trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở đầy bộ đội, ầm ầm chạy về phía Nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc. Nhiều lần, tôi dừng xe lại dọc đường, nới chuyện với anh em các đoàn quân Nam tiến.

        Hôm sau, tới Nghệ An. Sông Lam, núi Hồng Lĩnh đẹp như tranh. Khắp thành phố Vinh, đâu đâu cũng thấy tập quân sự, múa đại đao, ném lựu đạn, bắn súng. Già, trẻ, gái, trai, súng gỗ trên vai, sắp hàng đi đều “một, hai”. Phải chăng đây là những người xích vệ mười lăm năm trước, hôm này, đang đứng chung hàng với con em của mình.

        Các đồng chí ở Nghệ An đều hỏi thăm bao giờ Bác vô.

        Bác có một tình cảm rất sâu sắc đối với quê hương. Người yêu từ chiếc quạt lá cho đến hàng rào bông bụt của quê nhà. Chúng ta có thể đo được tình yêu đó, qua lần Bác trở về làng Sen. Sau năm mươi hai năm trời đằng đẵng xa quê, Bác vẫn tìm thấy con đường cũ, cái cổng ngày xưa giữa xóm làng, nhà cửa đang đổi mới. Bác nhớ từ cây cột treo cái võng trong nhà, mẹ vẫn thường nằm, đến vị trí của từng cây chanh, cây bưởi ngoài vướn.

        Tất cả chúng tôi khi đó không ai nghĩ còn phải tới mười hai năm sau, Bác mới có dịp trở lại quê nhà.

        Hôm sau, lên đường sớm. Qua Đèo Ngang, lại nhìn thấy những cánh đồng quen thuộc, dài và hẹp, những cồn cát trắng của Quảng Bình, những cồn cát rất đẹp, rất miền Trung.

        Đồng Hới nhỏ xinh, nhiều kỉ niệm, nằm bên dòng sông Nhật Lệ, đang rộn ràng tiếp đón những đoàn quân Nam tiến đi vô, và tiễn đưa chính con em của mình ra trận. Tại đây, gặp lại rất đông anh em, bà con. Chuyện nước, chuyện nhà suốt chiều và tối không dứt.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM