Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:24:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43312 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:30:31 am »


        Trên đường qua căn cứ Nguyễn Huệ, tôi nghe thấy tiếng đạn súng cối, tiếng xa tiếng gần, nhưng đội hình hành quân vẫn giữ nhịp độ không hề thay đổi. Dọc đường lác đác có một hai chiếc xe tăng của ta bị địch bắn cháy, xác chiến sĩ bộ binh nằm vắt ngang trên xe, lòng tôi se lại.

        Đến ngã ba rẽ vào Thủ Đức, tôi thấy xe bọc thép của ta triển khai bắn vào trường huấn luyện sĩ quan tham mưu, quân báo và cảnh sát của địch. Tôi xuống hỏi xem đơn vị nào. Anh em cho biết đơn vị đang triển khai là tiểu đoàn thiết giáp 5. Tôi gọi tiểu đoàn trưởng tới hỏi tại sao dừng lại đây? Mục tiêu đánh chiếm của anh ở đâu? Đồng chí ấy biết mình sai, nói lúng túng vài câu. Tôi lệnh cho tiểu đoàn trưởng thu quân và tiếp tục bám đội hình lữ đoàn 203 vào thành phố.

        Đến gần cầu Rạch Chiếc, pháo địch bắn tới tấp, quả xa quả gần dọc theo đội hình của ta. Tôi xuống xe quan sát và lệnh cho đại đội pháo 85 đưa pháo lên bắn thẳng vào các ụ súng và tàu chiến cặp ở bờ bên kia đang bắn về phía ta. Những viên đạn pháo nổ gần đinh tai nhức óc, làn khói khét lẹt đang tan, lại có làn khói khác bốc lên. Tiếng quát tháo nhắc nhở nhau hoặc truyền đạt mệnh lệnh ở phía bên kia đường.

        - Báo cáo thủ trưởng, có một đại đội địch ra hàng ở xóm gần đây.

        Tôi bảo một trợ lý chính trị ngồi gần đó:

        - Cậu lấy một tổ cảnh vệ tới thu súng của chúng, rồi tha cho chúng đi. Dặn chúng vài ngày nữa ra trình diện với cán bộ địa phương.

        Đang bấn bíu việc xử trí với bọn địch trước mặt, thiếu tướng Nam Long phái viên của Bộ tới và đại tá Hoàng Đan vừa ở phía sư đoàn 325 trở về, tôi không có thì giờ nào để tiếp các vị khách mới đến.

        Dập tắt các ổ hỏa lực của địch, chúng tôi vượt qua cầu an toàn. Nhưng tốc độ như rùa bò, xe chỉ đi được chừng mươi mười lăm ki-lô-mét/giờ, vì những thùng phuy 200 lít đổ đầy đất làm chướng ngại vật địch đã xếp gấp khúc chữ chi la liệt trên mặt đường. Đến đây đã có phố xá, phần lớn là nhà lợp mái tôn lụp xụp nằm ven đường. Các nhà đóng cửa im ỉm, không một bóng người qua lại trên đường phố.
*

*       *

        Cánh quân sư đoàn 325 sau khi mở đường đưa pháo binh tầm xa vào trận địa Nhơn Trạch vẫn tiếp tục phát triển. Trung đoàn 46 được tăng cường xe tăng tiến công Thành Tuy Hạ. Sau sáu tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt, đến 18 giờ ngày 29 tháng 4 ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch. 18 giờ 40 phút sư đoàn đã chiếm lĩnh mố cầu phà bắc Cát Lái. Tàu thuyền địch tháo chạy về phía nam sông, bỏ rơi hàng trăm tên địch còn chờ ở bờ bắc trong nỗi khiếp sợ.

        Bên bờ nam còn hơn 2.000 tên địch với hàng trăm tàu thuyền neo đậu ở Tân Cảng và trên sông Nhà Bè . Sư đoàn 325 phải vượt sông rộng 800 mét dưới sự ngăn chặn bằng hỏa lực rất mạnh của địch. Bộ tư lệnh sư đoàn 325 hạ quyết tâm vượt sông Cát Lái và quận 9 Sài Gòn. Từng tổ trinh sát đã vượt sông nắm địch. 10 khẩu pháo lớn đã chiếm trận địa ở sát mép nước, sẵn sàng chi viện cho tiểu đoàn công binh chuyên chở lực lượng của sư đoàn qua sông. Xe tăng và pháo 85 cũng được điều lên để bắn ngắm trực tiếp vào các mục tiêu bên kia sông. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, khi ta nã pháo vào Tân Sơn Nhất, cuộc tiến công vượt sông của sư đoàn 325 cũng bắt đầu.

        6 giờ ngày 30 tháng 4 bộ tư lệnh hải quân ngụy liều lĩnh mở cuộc phản kích. Chúng tập trung 1 đoàn tàu chiến chở đầy binh lính theo sông Nhà Bè tiến ra, vừa đi vừa bắn loạn xạ vào nơi chúng nghi ngờ.

        Những khẩu pháo của ta đã lấy sẵn phần tử bắn lập tức nhả đạn. Năm chiếc tàu chìm tại chỗ và hàng chục chiếc bốc cháy, bỏ chạy rồi cùng lần lượt chìm nghỉm. Sư đoàn kịp thời lệnh cho trung đoàn 101 vượt sông. Trung đoàn 101 đã nhanh chóng chiếm được căn cứ Cát Lái, bắt sống hơn 100 tàu, xuồng quân sự của địch; sau đó tiến vào đánh chiếm quận 9 Sài Gòn và bộ tư lệnh hải quân ngụy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:31:15 am »


7

        Sau khi có lệnh tổng tấn công, phía Quân đoàn 4: Sư đoàn 341 và sư đoàn 6 (Quân khu 7) vòng qua Hố Nai đánh vào Biên Hoà. Đội hình thọc sâu của Quân đoàn 4 gồm hai trung đoàn bộ binh 141 và 165 sư đoàn 7 cùng các tiểu đoàn xe tăng, pháo cao xạ tiến công theo đường số 1. Quân địch tại sân bay Biên Hòa và căn cứ Hóc Bà Thức chống cự quyết liệt. Do phải đột phá nhiều khu vực phòng thủ của địch, đến tối ngày 29 tháng 4 Quân đoàn 4 chưa vượt qua được thị xã Biên Hòa.

        Hướng bắc, Quân đoàn l: Sư đoàn 312 tiến công căn cứ Phú Lợi. Trung đoàn 209 (sư đoàn 312) chốt chặn trên đường số 13 và đường liên tỉnh 14 diệt cánh quân địch rút chạy từ Lai Khê - Bến Cát về thị xã Bình Dương bắt sống 200 tên. Đại bộ phận sư đoàn 5 ngụy. buộc phải quay lại vị trí cũ. Đội hình thọc sâu của quân đoàn gồm hai trung đoạn bộ binh 27 và 48 (sư đoàn 320B) và các tiểu đoàn binh chủng nhanh chóng chiếm chi khu Tân Uyên, căn cứ Lái Thiêu, mở đường xuống Gò Vấp.

        Hướng tây bắc, sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) tiến công căn cứ sư đoàn 25 ngụy tại Đồng Dù. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt. Sau sáu giờ liền, bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng ta đã làm chủ căn cứ. Nắm thời cơ địch đang hoang mang sau khi mất Đồng Dù, sư đoàn 316 chuyển từ bao vây ngăn chặn địch sang tiến công tiêu diệt và làm tan rã hai trung đoàn 46 và 49 (sư đoàn 25 ngụy) tại Phước Hiệp, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ... Sư đoàn 25 ngụy, lực lượng chủ yếu phòng thủ cửa ngõ tây bắc Sài Gòn bị tiêu diệt. Các lực lượng vũ trang và chính trị địa phương kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi.

        Lực lượng thọc sâu của quân đoàn gồm sư đoàn 10 bộ binh và các đơn vị binh chủng tiến theo đường số 1 vượt qua cầu Bông do trung đoàn 198 đặc công chiếm giữ từ trước, nhanh chóng vượt qua Hóc Môn, tiêu diệt quân địch tại trung tâm huấn luyện Quang Trung. 24 giờ ngày 29 tháng 4 lực lượng thọc sâu tiến thẳng xuống ngã ba Bà Quẹo, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.

        Hướng tây và tây nam, Đoàn 232: Sư đoàn 3 phối hợp với xe tăng pháo binh giải phóng thị xã Hậu Nghĩa. Tàn quân địch tháo chạy theo đường số 8 liên tỉnh bị trung đoàn Gia Định 1 chặn đánh bắt sống hơn 1.000 tên. Lực lượng thọc sâu của Đoàn 232 gồm sư đoàn 9 và một số đơn vị binh chủng tiến đến vùng ven thành phố. Trong khi đó, bộ đội đặc công - biệt động phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục đánh lui địch phản kích, giữ vững các cầu qua sông và đã chiếm được các chi khu Tân Túc, Tân Hoà, căn cứ Phú Lâm, chặn đánh bọn tàn binh địch chạy về nội thành.

        Đêm ngày 29 tháng 4 tất cả các hướng, các mũi tiến công của quân ta đã bao vây áp sát kín xung quanh thành phố Sài Gòn. Tinh thần chủ động tích cực thi hành mệnh lệnh, kỷ luật hiệp đồng, ý thức tranh thủ thời cơ của các binh đoàn thật tuyệt vời. Chỉ có ý chí cao, kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện của đội quân cách mạng mới làm được việc long trời lở đất trong thời gian ngắn như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:32:53 am »


8

        9 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1975 phân đội đi đầu của lực lượng thọc sâu do lữ trưởng xe tăng thiết giáp 203 chỉ huy đã tiến sát cầu Sài Gòn. Giống tình huống cầu Xa Lộ (Đồng Nai), cầu Sài Gòn cũng được bộ đội đặc công bảo vệ không cho địch phá. Nhưng bọn địch vẫn còn dày đặc ở phía nam cầu và đùng chướng ngại vật để ngăn bước tiến của quân ta. Khi phát hiện lực lượng ta, địch dùng hỏa lực của tám chiếc xe M.113, bốn xe M.41 và hỏa lực của sáu chiếc tàu chiến đậu ở Tân Cảng, kết hợp với bộ binh ở phía tây đường chống cự quyết liệt. Ngay những phút đầu ta đã bị thiệt hại, hai chiếc xe tăng bị bắn cháy, một số cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên cầu. Để dập tắt các ổ hỏa lực hiểm ác của địch, tiểu đoàn 9 (trung đoàn 66) thuộc sư đoàn 304 đã nổ súng tiêu diệt bọn địch co cụm ở gần ngôi chùa phía tây xa lộ. Pháo 85 của trung đoàn 68 cùng với ĐKZ của trung đoàn 66 bắn cháy 2 tàu chiến. Được hỏa lực pháo chi viện đắc lực, trung đoàn 66 cùng với xe tăng của lữ đoàn 203 đã đột phá qua cầu trong khoảng 30 phút.

        Mười giờ đội hình thọc sâu đã tới cầu Thị Nghè. Bốn chiếc xe tăng địch phục kích ở đây, chưa kịp hành động ngăn chặn, đã bị các chiến sĩ của ta dùng súng chống tăng bắn cháy.

        Đội hình hàng trăm xe các loại của lực lượng thọc sâu gầm thét tiến theo đường Hồng Thập Tự. Bọn lính nguỵ vội vã thi nhau vứt súng, cởi bỏ quân phục quay đầu chạy trốn.

        Nhân dân lúc đầu vài người lấp ló ở vỉa hè, rồi lần lượt chạy ào ra hoan hô quân giải phóng. Người người lớp lớp như những đợt sóng tràn ngập mặt đường bám sát thành xe, bắt tay các anh bộ đội. Cánh tay phải của tôi muốn rời ra vì chìa ra nắm lấy hàng nghìn, hàng vạn bàn tay của đồng bào Sài Gòn. Vui mừng sung sướng, mà ai nấy nước mắt trào ra ướt đầm trên má.

        Ở dinh Độc Lập khoảng giờ đó Dương Văn Minh đang chủ trì cuộc họp để chuẩn bị ra mắt tân nội các dự định sẽ tiến hành vào 10 giờ sáng. Nhận được tin quân giải phóng đã tràn ngập bốn phương vào nội đô Sài Gòn. Minh vội đưa ra bản tuyên bố phát trên đài phát thanh Sài Gòn, "xin ngừng bắn để cùng thảo luận về việc bàn giao chính quyền”.

        Đến lúc này rồi làm gì có chuyện "ngừng bắn để cùng thảo luận”. Xe tăng, xe bọc thép của Quân đoàn 2 đang như vũ bão tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Chiếc xe thứ nhất vòng sang sườn trái dinh, chiếc xe thứ hai mang số 843 tiến thẳng húc đổ cổng chính vào giữa cửa dinh. Bọn lính dù còn đầy súng ống đứng trước dinh sợ dạt sang bên trái, không dám chống cự. Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng một số chiến sĩ của trung đoàn và cán bộ lữ đoàn 203 vượt lên gác, vào hội trường nơi nội các Dương Văn minh đang có mặt đông đủ. thấy Phạm Xuân Thệ vào Dương Văn Minh đứng dậy lên tiếng: Thưa ngài chỉ huy, chúng tôi đã sẵn sàng để bàn giao lại chính quyền cho quý vị. Phạm Xuân Thệ đã trả lời dứt khoát bắt Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

        Cùng lúc đó đại đội trưởng Bùi Quang Thận cán bộ xe 843 cùng tiểu đội phó Trần Đức Tình trèo lên tòa nhà lớn treo lá cờ Mặt trận giải phóng. Lá cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh tung bay trên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút, báo hiệu Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng.

        Mỗi lúc người một đông thành dòng chảy về phía dinh Độc Lập. Tôi bảo cậu lái xe cố lách lên phía trước, nhưng không thể được, đành phải nằm trong đội hình xe một hàng dọc. Mãi khoảng nửa giờ sau, xe của tôi mới qua nổi cái cổng sắt vừa bị xe tăng húc đổ. Xuống xe, tôi nhìn quang cảnh xung quanh, không thể tưởng tượng được sự lộn xộn. Ở phía bức hàng rào thép cao hơn đầu người, hàng nghìn người bám vào những chấn song thép, như muốn đè bẹp nó xuống. Hàng trăm nhà báo, nam có, nữ có trèo leo công kênh trên vai nhau vượt qua hàng rào. Có một sĩ quan giữ trật tự không nổi đã bán mấy phát đạn chỉ thiên, nhưng vẫn vô hiệu. Các nhà báo có gan chiến sĩ vẫn tiếp tục nhảy vào, rồi quây lấy cán bộ, chiến sĩ của ta để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn.

        Tôi nói với một cán bộ trung đoàn: "Nhắc anh em không được nổ súng hăm dọa, rồi cùng với anh Công Trang lên trên gác. Một cán bộ bảo vệ dẫn chúng tôi tới nơi tập trung nội các ngụy. Nhìn những gương mặt lo lắng sượng sùng, không thấy Dương Văn Minh, tôi hỏi anh cán bộ bảo vệ, anh cho biết: Phạm Xuân Thệ trung đoàn phó trung đoàn 66 và Bùi Văn Tùng chính ủy lữ đoàn 203 đã dẫn Minh đến đài phát thanh kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng. Công Trang sợ sổng mất Dương Văn Minh, anh nổi nóng hói: “Ai giao cho các cậu làm việc đó?". Tôi phải giật áo Công Trang: "Đằng nào anh em cũng làm rồi, bình tĩnh đợi xem sao"'.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:33:41 am »


        Ý thức cảnh giác của anh em cán bộ trung đoàn 66 và lữ đoàn 203 rất khá. Sau khi chiếm được dinh Độc Lập anh em đã đặt nhiều vọng gác. Ngay cửa ra vào nội các ngụy có một vọng gác và có cán bộ bảo vệ trực tiếp. Ai không có nhiệm vụ không được vào.

        Tôi cùng anh Duyến phó phòng tác chiến đi sóng đôi bước xuống thềm dinh, ra sân. Cái sân cỏ rộng phẳng phiu có tới mấy nghìn mét vuông. Bọn tù binh đã bị tước vũ khí, ngồi xếp hàng ở giữa sân.

        Chúng tới thả từng bước một về phía tù binh. Trong đầu tôi mênh mang vô cảm. Tôi buột miệng hỏi Duyến:

        - Cậu đang nghĩ gì lúc này?

        - Anh hỏi điều gì kia?

        - À là hỏi thế thôi.

        Có lẽ trong trận đánh liên tục, khẩn trương, dài ngày và thắng lợi vĩ đại này, có thể tinh thần, tình cảm của con người tôi đã quá tải. Đúng vậy. Cái gì cũng quá mức. Mệt mỏi quá. Căng thẳng quá. Lo lắng quá. Vui mừng sung sướng quá! Tất cả những cái "quá mức” ấy đến lúc này, chiến tranh đã kết thúc, trong đầu tôi tự nghĩ: tuy chiến tranh kết thúc rồi nhưng chưa phải là đã được thảnh thơi đâu anh bạn ơi, còn có hàng trăm hàng nghìn công việc đang đợi anh đấy, hãy sẵn sàng chuẩn bị mà lên đường tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước!

        Giữa lúc nhìn cuộc sống xung quanh hư hư, thực thực ấy, mấy quả đạn cối 82 (hoặc 81) nổ liên tiếp ngay trên sân cỏ. Duyến ôm lấy mặt kêu lên "tôi bị thương rồi”. Tôi bảo chiến sĩ gác cho tù binh chạy vào trong hầm.

        Mấy quả đạn cối nổ, chỉ có mình cậu Duyến là chẳng may hỏng một bên mắt. Tôi hỏi một sĩ quan tù binh xem xung quanh đây còn lực lượng nào dám kháng cự nữa không. Không có. Như thế là "quân ta bắn quân mình” thôi. Chiến tranh khó tránh hết được cái chuyện quái gở ấy. Nhưng nhờ có vài viên đạn súng cối, trật tự được thiết lập nhanh chóng. Các nhà báo thôi không trèo leo nữa. Các vị đã vào trong sân rồi, cũng vui lòng ra ngoài.

        Quân đoàn 2 bàn giao dinh Độc Lập và những phố xá vừa giải phóng cho Quân đoàn 4 rồi lui về khu vực Thủ Đức.

*

*       *

        Giặc đã tan, cuộc sống trở lại bình yên. Đã lâu lắm rồi, tôi mới được ngủ một đêm tròn giấc. Buổi sáng tràn đầy ánh nắng phương nam rọi qua cửa sổ. Tôi thức dậy, ngồi một mình trong cái phòng ngủ khá rộng đầy đủ tiện nghi của viên tướng ngụy. Sau khi uống một ly trà Thái Nguyên đặc sánh, tâm hồn tôi thấy sảng khoái. Bao nhiêu kỷ niệm trong cuộc chiến tranh ba mươi năm ào ạt kéo đến. Bạn bè kẻ mất, người còn. Những năm tháng gian khổ hy sinh vì đủ thứ bom đạn, bệnh tật... những trận thắng đẹp đã ghi những nét vàng son trong lịch sử mà tôi vinh dự được ghé vai: Bông Lau, Đông Khê, Thất Khê, Mộc Châu, Bình Liêu, A1 Điện Biên Phủ, Nậm Thà, Mường Xinh, Plây-me, sông Sa Thày, Đắc Tô, Đường 9 - Nam Lào, Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng... cho tới bây giờ.

        Dừng lại sự kiện vĩ đại còn nóng hổi trong tôi có nhiều điều tâm đắc: Điều trước tiên là người chỉ huy phải luôn luôn giữ tinh thần chủ động, dám chịu trách nhiệm, nhất định đơn vị mình sẽ vươn tới chiến công lớn lao hơn.

        Sau chiến thắng Đà Nẵng, nếu Quân đoàn 2 thụ động chấp hành mệnh lệnh ở lại Đà Nẵng làm lực lượng dự bị, chắc chắn sẽ không có những trận đánh trong hành tiến đầy hào khí qua Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân... Bộ tư lệnh quân đoàn chúng tôi đã hiểu đúng sức lực của đơn vị mình có thể đảm đương được nhiệm vụ nặng nề hơn, nên đã chủ động mạnh dạn đề nghị với cấp trên thay đổi chủ trương nói trên, để cho quân đoàn đảm nhận đánh dọc theo quốc lộ 1... và đã trở thành hiện thực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2016, 12:34:14 am »

            
        Khi giao nhiệm vụ cho các hướng trong chiến dịch Hố Chí Minh, Bộ chỉ huy chiến dịch giao việc chiếm dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4. Giao nhiệm vụ ấy cho Quân đoàn 4 là hợp tình, hợp lý. Nhưng Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 chúng tôi đã đặt một câu hỏi: Nếu Quân đoàn 2 vào sớm, có được chiếm dinh Độc Lập không? Trung tướng Lê Trọng Tấn một lần nữa đứng về phía ý kiến của Quân đoàn 2 và trả lời ngay "nếu vào sớm, tại sao lại không Chiếm" và kết quả là Quân đoàn 2 đã vào sớm nhất.

        Việc Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 đề nghị nổ súng vào ngày 26 tháng 4 cũng được trung tướng Lê Trọng Tấn ủng hộ, và Bộ chỉ huy chiến dịch đồng ý. Được phép nổ súng sớm (26-4) đã giúp Quân đoàn 2 tiến vào đúng thời gian để phối hợp với các quân đoàn bạn và đánh chiếm các mục tiêu đúng thời hạn Bộ chỉ huy chiến dịch yêu cầu.

        Tôi rời khỏi phòng ngủ, đi tản bộ qua cái sân khá rộng, rải rác trên sân đủ loại trang phục nhà binh, giấy tờ công văn vất bừa bãi; nhìn ra phía đường cái, xe cộ nườm nượp qua lại, đủ loại xe tải, xe lam... Xe nào cũng đầy ắp người và đồ đạc. Đó, cuộc sống đang tự được sắp xếp lại. Bà con ở các địa phương di tản vì sợ bom đạn chiến trận lan tới và vì sợ "Việt cộng tràn tới sẽ tàn sát trả thù” đang lần lượt trở lại quê quán của mình.

        Tôi vung vẩy cánh tay làm vài động tác thể dục, chẳng ngờ cánh tay phải còn rất mỏi, khiến tới nhớ đến những cái bắt tay quá nồng nhiệt của đủ các tầng lớp nam, phụ, lão, ấu ngày hôm qua. Trên khuôn mặt của các bà già, cô gái… đầy nước mắt, cùng với những nụ cười tỏ niềm vui mừng vô bờ bến, họ bắt tay, níu kéo không muốn rời. Đồng bào Sài Gòn đã đón mừng chúng tôi - những cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, như đón mừng người ruột thịt của mình đi xa lâu ngày trở về. Ai là kẻ "giết tróc trả thù?" Nghĩ mà nực cười về những luận điệu tuyên truyền phản động của một số đài, báo phương Tây và Sài Gòn.

        Trước khi quân ta tiến vào Sài Gòn họ thường lặp đi lặp lại cái điệp khúc "Sài Gòn sẽ tắm trong máu vì sự giết tróc trả thù", "Sài Gòn chỉ còn là một đống gạch vụn"... Tôi không có ý định bình luận về những điều này, vì sự thật tự nó đã giải đáp quá đủ. Tôi muốn nói điều mình tâm đắc nhất và cũng là niềm vui nhất ở thời điểm lịch sử ấy. Đó là việc quân đội ta đã giành lại từ móng vuốt của kẻ thù một thành phố đã từng được chúng mệnh danh là thủ đô mà vẫn nguyên vẹn, không hề có chuyện tàn phá thành "đống gạch vụn". Đó là điều kỳ diệu hiếm thấy ở các cuộc chiến tranh khác. Điều kỳ diệu ấy đã được tạo ra trong những trận đánh "thần tốc, thần tốc, táo bạo"... và tinh thần kỷ luật rất nghiêm minh của quân ta khi chiếm lĩnh một thành phố lớn.

        Những ai đã từng trong cuộc chiến này đều biết: địch đã huy động hết lực lượng mạnh nhất, tinh nhuệ nhất còn lại ra đứng chắn ở tuyến phòng ngự vòng ngoài thành phố, và tại đây quân ta đã cho chúng một đòn "đo ván". Thấy tình hình vô phương cứu chữa, Bộ Tổng Tham Mưu - bộ não của quân ngụy tự nó vữa ra. Riêng ngày 27 tháng 4 năm 1975 một loạt sĩ quan cao cấp gồm đại tướng Cao Văn Viên tổng tham mưa trưởng kiêm tư lệnh lục quân, chuẩn tướng Trần Đình Tho trưởng phòng 3 bộ tổng tham mưu, đại tá Hoàng Ngọc Lung trưởng phòng 2 TM/QLVNCH xin từ chức, từ nhiệm... Cũng ở thời điểm đó nhiều sĩ quan của bộ tổng tham mưu ngụy tự ý bỏ trốn nhiệm sở, đưa vợ con di tản. Như thế cũng đủ rõ trận quyết chiến chiến lược phân rõ thắng bại ta đã làm xong ở tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Quân ta vào thành phố với đội hình chiến đấu trong hành tiến vẫn đè bẹp được hành động kháng cự của bọn tàn quân địch. Được nhân dân giúp đỡ, quân đội ta đã nhanh chóng khôi phục mọi sinh hoạt bình thường của thành phố.

Ngày 18 tháng 2 năm 1995.        

HẾT
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 01:39:39 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM