Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:28:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43348 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:31:10 am »


        Chưa đầy mười phút; đài quan sát báo cáo đã nhìn rõ mục tiêu. Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm lập tức nhấc tổ hợp máy điện thoại hạ lệnh: "Pháo... bắn“.

        Từng loạt, từng loạt,... đạn pháo nổ. Tiếng nổ đầu nòng và tiếng đạn chạm nổ gần như trùng nhau, thi nhau nổ đinh tai nhức óc. Bị hoả lực tấn công mãnh liệt bất ngờ, địch chỉ còn cách chui vào công sự chịu trận. Đến 6 giờ 40 phút pháo chuyển làn xuống Lương Điền, Mùi Né, Phú Lộc, Phước Tượng và săn xe diệt địch ở đường số 1, săn tàu địch ở vụng Cầu Hai.

        Trung đoàn 18 ở hướng chủ yếu dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Phạm Hồng Lẫm và chính ủy Hồ Sĩ Khuyên sau giờ đầu nổ súng đã chiếm các điểm cao 494, 520 và đồi Yên Ngựa. Riêng tiểu đoàn 9 đánh điểm cao 560, nơi có sở chỉ huy tiểu đoàn biệt động quân 61 ngụy mới chiếm được mỏm 1. Địch dựa vào công sự và những mỏm còn lại  ngăn chặn quyết liệt. Tiểu đoàn 9 xung phong nhiều đợt, thương vong nhiều nhưng buổi sáng 21 vẫn chưa dứt điểm.

        Cùng thời gian, ở hướng thứ yếu trung đoàn 101 dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giang và chính ủy Lê Văn Đam đánh chiếm các điểm cao 310 và 312. Phát triển tuy chậm vì có vài thiếu sót về bố trí hướng xung phong bị chệch và kỷ luật hiệp đồng không chặt ở vài phân đội, nhưng tới trưa ngày 21 trung đoàn 101 đã chiếm được dãy Kim Sắc.

        Hướng chủ yếu vẫn chưa dứt điểm điểm cao 560. Bộ tư lệnh sư đoàn 325 cử các anh An Gang phó chính ủy và Hóa tham mưu phó trung đoàn 18 chỉ huy lực lượng dự bị của sư đoàn (tiểu đoàn Cool cùng một bộ phận của tiểu đoàn 7 chi viện cho tiểu đoàn 9 đánh chiếm nốt những mỏm còn lại.

        Để phối hợp với hướng chủ yếu, tôi nhắc sư đoàn 325 lệnh cho trung đoàn 101 giao cho tiểu đoàn 2 đánh điểm cao 329 để hỗ trợ cho trung đoàn 18 dứt điểm điểm cao 560.

        Các đơn vị tiến đánh 560 đang vận động, bị bom pháo địch ngăn chặn, ta thương vong khoảng gần hai chục người nhưng đội hình tấn công vẫn giữ vững. Trong quá trình phát triển đã nảy nở nhiều tấm gương mưu trí dũng cảm như đại đội trưởng Thiều Chí Đinh và chính trị viên Đậu Văn Bạch, đã khôn khéo chỉ huy đại đội 7 bí mật vu hồi thọc trúng sở chỉ huy căn cứ địch rồi cùng các đơn vị bạn phát triển. Đúng 15 giờ ngày 21 tháng 3 quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn biệt động quân và làm chủ căn cứ 560.

        Cùng khoảng thời gian trên, hướng trung đoàn 101 đã tiêu diệt và buộc địch rút khỏi các điểm cao 329, 310 và 312. Hệ thống phòng thủ cứng nhất án ngữ phía tây đường số 1 của địch đã hoàn toàn bị phá vỡ.

        Vừa lúc đó tôi nhận được chỉ thị của đại tướng Võ Nguyên Giáp qua trung tướng Lê Trọng Tấn chuyển bằng điện thoại, đại ý: Địch bắt đầu rút khỏi Thừa Thiên - Huế, Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên phải khẩn trương chặn đường không cho địch rút; chia cắt, tiêu diệt cho được toàn bộ sư đoàn 1 của địch và các lực lượng khác, thu hồi toàn bộ trang bị của chúng, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế và chiếm lĩnh toàn bộ đèo Hải Vân. Phải cắt đứt ngay giao thông đường số 1 của địch từ Huế vào Đà Nẵng. Dùng tiểu đoàn 5 hải quân rải mìn và đưa lực lượng xuống bịt cửa Thuận An. Phải bao vây đánh mạnh trên tất cả các hướng không để cho địch kịp rút chạy. Về lực lượng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ tư lệnh Quân khu Trị - Thiên được phép sử dụng lực lượng của mình để tiêu diệt địch, kể cả pháo và tăng. Trong hai ba ngày tới Bộ sẽ tăng thêm lực lượng phía sau cho mặt trận.

        Sở chỉ huy tiền phương quân đoàn có tôi và các anh Công Trang, Hoàng Đan trao đổi ngắn để thực hiện chỉ thị của Tổng tư lệnh. Tiếp đó tôi thông báo cho anh Lê Linh đang thường trực sở chỉ huy cơ bản của quân đoàn biết, tình hình đang khẩn trương diễn ra ở phía trước. Chiều và đêm nay mưa lớn. Những giọt mưa rừng thi nhau gõ lên mái tăng bằng ni - lông, lộp bộp... lộp bộp thôi thúc như trống ngũ liên. Trong đầu tôi lúc này lớp lớp công việc đòi hỏi được giải quyết ngay. Tôi nhắc lại lệnh sáng ngày 21 đã phát: Trận địa pháo trên dãy núi Lưỡi Cái phải khống chế không cho xe địch lọt qua. Sư đoàn 325 tiến nhanh xuống đường số 1, lấy đường số 1 làm điểm hiệp đồng, một mặt cho trung đoàn 101 thọc xuống La Sơn để giảm áp lực của địch với sư đoàn 324 ở Núi Bông, Núi nghệ.

        Sư đoàn 325 với khẩu hiệu "Vị trí chỉ huy của sư đoàn, các trung đoàn và toàn đơn vị là đường số 1", "Hãy tiến ngay xuống đường số 1 lấy mặt đường làm điểm hiệp đồng". Các anh Phạm Minh Tâm, Lê Văn Dương, Bùi Đức Ngoan... trong bộ tư lệnh sư đoàn 325 tỏ ra hết sức năng động linh hoạt tổ chức chỉ huy hợp lý. Ngay buổi chiều và trưa hôm ấy những đơn vị trong sư đoàn nhận nhiệm vụ đánh xuống đường số 1 đã xuất phát ngay, vừa đi vừa tổ chức trinh sát né tránh giao chiến dọc đường. Mặc dù đêm tối, mưa trơn, mang nặng, anh em phải xé rừng, băng suối suốt đêm không nghỉ. Tảng sáng ngày 22 tôi nhận được báo cáo của sư đoàn 325 cho biết, tiểu đoàn 7 và 8 đã tới sát đường số 1; gặp địch án ngữ ở Bạch Thạch, điểm cao 200 và Dàn Bò chỉ tác chiến với bộ phận địch gây cản trở nhất rồi nhanh chóng chiếm mặt đường. Đến 10 giờ 30 phút sáng 22 tháng 3 bộ đội ta làm chủ đoạn đường 1 từ Bạch Thạch đến Dàn Bò. Hàng nghìn xe từ Huế định rút chạy về Đà Nẵng bị ùn tắc phải quay trở lại Huế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:32:50 am »


6

        Hệ thống phòng thủ Tây Nguyên hoàn toàn tan vỡ, như tiếng sét kinh hoàng, cộng với sự tấn công mãnh liệt của quân và dân Trị - Thiên trong chiến dịch „K.175“ làm cho toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân khu 1 ngụy rạn nứt, vỡ từng mảng và đang trên đà tan vỡ hoàn toàn. Thời cơ đến, Quân đoàn 2 chúng tôi đã "nhảy vọt" vượt qua các bước, các mục tiêu cơ bản của kế hoạch tác chiến chiến dịch, mà vẫn cảm thấy mình còn chậm trễ. Giá như trên Bộ đồng ý với đề nghị của Bộ tư lệnh  Quân đoàn, ngay từ đầu chiến dịch, cho một tiểu đoàn xe tăng và một tiểu đoàn pháo tầm xa vào sát đội hình của quân đoàn, bây giờ chúng trở thành thứ bảo bối vô giá. Mãi về sau tôi vẫn suy nghĩ vấn đề này: ở thời điểm ấy Bộ nên giao quyền rộng rãi sử dụng lực lượng cho quân đoàn, khi thời cơ đến chúng tôi dễ bề xoay xở, và chắc chắn tốc độ tấn công sẽ nhanh hơn.

        Dù sao chúng tôi cũng đã đánh chiếm được đoạn đường số 1 dài 4 ki-lô-mét, cắt đứt tuyệt đối giao thông của địch trên tuyến đường này, đúng như yêu cầu của Tổng tư lệnh. Hàng nghìn xe cơ giới các loại của địch và người di tản từ Huế vào Đà Nẵng bị ùn lại. Phần đông người di tản là gia đình sĩ quan, binh sĩ ngụy; họ khiếp sợ đến tột độ.

        Người di tản như dòng nước quẩn lại chen chúc nhau trở lại Huế. Họ đã trở thành chất xúc tác mạnh làm cho quân ngụy vốn đã hoảng hốt, đến lúc này trở thành sợ hãi không có gì kiềm chế nổi. Tinh thần “tử thủ thành Huế“ của trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng đang tan như bèo bọt.

        Ở sở chỉ huy của Quân đoàn 2 đóng tại Bàn Môn Hạ, chúng tôi đang hội ý, một chị cán bộ địa phương vào báo cáo xen ngang:

        - Địch tan rã chạy về làng bên nhiều quá, các anh cho em lực lượng để thu gom.

        Tôi nói:

        - Cho một tiểu đội đi với chị ấy thu vũ khí, giải thích chính sách rồi phóng thích.

        Tình hình chiến sự phát triển rất nhanh. Qua đài quan sát và các đơn vị báo cáo về, tôi thấy đội hình địch có hiện tượng rối loạn, mất chỉ huy, trên sóng vô tuyến chúng không còn dùng mật ngữ, chúng kêu cứu, chửi bớt tục tĩu...

        Ở sở chỉ huy tiền phương quân đoàn, chúng tôi thấy khả năng tiêu diệt sư đoàn 1 và một số liên đoàn biệt động quân nằm trong tầm tay của quân đoàn; giải phóng thành phố Huế chỉ còn là ngày một, ngày hai; phải chuyển tốc độ tấn công nhanh hơn nữa.

        Trong ngày 22 địch tung lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ, liên đoàn biệt động 15 mở hàng chục đợt phản kích, cố đẩy ta ra khỏi đoạn đường Dàn Bò - Bạch Thạch. Các tiểu đoàn 7 và 8 của trung đoàn 101 (325) ngoan cường chiến đấu liên tiếp bẻ gãy các đợt phản kích của địch; không những thế anh em còn mở rộng khu vực đã chiếm ra hai hướng Mũi Né và Lương Điền kéo dài gần mười ki-lô-mét. Bọn địch thấy không làm gì nổi, chúng quay đầu trở về Huế.

        Nếu quân ta giữ vững được đoạn đường số 1 này? Nếu địch thấy không còn khả năng giữ nổi Huế mà muốn co cụm về Đà Nẵng chỉ còn lối thoát ra biển qua cửa Thuận An và cửa Tư Hiền? Từ sự phán đoán đó chúng tôi xác định quyết tâm phối hợp với Quân khu Trị - Thiên giải phóng thành phố Huế và giao nhiệm vụ tác chiến tiếp theo cho các đơn vị:

        Sư đoàn 325 dùng một trung đoàn nhanh chóng phát triển tiến công tiêu diệt căn cứ Lương Điền, hợp cùng với sư đoàn 324 theo đường số 1 đánh lên Phú Bài và Huế. Một trung đoàn đánh vào phía nam diệt chi khu Phú Lộc, chiếm đèo Mũi Né, Phước Tượng, đưa lực lượng bịt cửa Tư Hiền và sẵn sàng bẻ gãy các lực lượng địch từ Đà Nẵng tiến ra giải tỏa đường số 1.

        Sư đoàn 324 Núi Bông, Núi Nghệ, 303 – Mỏ Tàu, nhanh chóng cho trung đoàn 1 và trung đoàn 2 tìm đường vòng cơ động thọc sâu xuống đồng bằng ven biển, hình thành thế bao vây chiến dịch từ phía đông và phía đông nam, không cho địch chạy ra cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Trung đoàn 3 được tăng cường một đại đội xe tăng của lữ 203 nhanh chóng tiến xuống diệt căn cứ La Sơn và phát triển về phía bắc phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt địch giải phóng Huế.

        Sư đoàn pháo binh 164 nhanh chóng di chuyển ít nhất được hai khẩu pháo 130 ly về chiếm lĩnh điểm cao 75 - 76 bắn xuống cửa biển Thuận An, Tư Hiền.

        Trung đoàn cao xạ 284 thuộc sư đoàn phòng không 673 khẩn trương di chuyển trận địa lên phía trước bảo vệ đội hình chiến đấu của quân đoàn tiến công giải phóng Huế.

        Lữ đoàn công binh 219 đưa một tiểu đoàn lên phía trước bảo đảm cơ động cho xe tăng và chuẩn bị cầu phà vượt sông Truồi, An Nông, Phú Bài.

        Đến lúc này Bộ mới cho phép Quân đoàn 2 sử dụng binh khí kỹ thuật, nhưng các đơn vị pháo tầm xa và xe tăng mới vào tới A Lưới, A Sầu, còn cách xa đơn vị phía trước vài ngày đường. Nhưng cũng rất may là chúng tôi đã bàn nhau chuyển một tiểu đoàn 130 ly và một tiểu đoàn xe tăng vào cách mặt trận có một ngày đường, nên điều động nhanh không mất thời cơ.

        Những trận mưa rào kéo dài cả ngày đêm làm cho con đường đất của ta mới làm ở miền rừng núi phía tây Thừa Thiên thành những vũng lầy nhào nhoét. Nhiều đoạn đường xe cơ giới đi không qua nổi. Công tác hậu cần trở thành vấn đề nhức nhối. Lấy quân đâu để gùi thồ gạo đạn từ trên rừng xuống đồng bằng?

        Một vài phân đội đã báo động nguy cơ thiếu gạo, đạn, nhưng các cánh quân vẫn như mũi tên lao lao thẳng xuống đồng bằng ven biển. Tài năng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao của Cục hậu cần đứng đầu là chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Thực đã tìm ra lời giải đáp thích đáng: súng đạn thì lấy của địch, còn cái ăn dựa vào dân và các kho tàng địch bỏ lại. Khi sở chỉ huy tiền phương quân đoàn tới đóng ở thôn Bàn Môn Hạ, chủ nhiệm hậu cần đoàn đã đưa tới một lực lượng hậu cần cơ động gồm một đại đội kho, một đội điều trị, một trạm sửa chữa xe, pháo do anh Phan Ba phó phòng tham mưu hậu cần quân đoàn phụ trách. Bộ phận “hậu cần cơ động" này hoạt động rất có hiệu quả, lấp được lỗ hổng của vấn đề nhức nhối nói trên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:34:23 am »


7

        Cuộc chiến đấu hành tiến thần tốc. Sau một đêm sư đoàn 324 rời ra vùng rừng núi (23-3), mũi thọc sâu của quân đoàn là trung đoàn 1 và 2 đã có mặt ở đồng bằng Phú Lộc và tiếp tục tiến về cửa Thuận An. Số quân còn lại của sư đoàn 324 (trung đoàn 3) bao vây Núi Bông, Núi Nghệ, 303; chiều ngày 23 tháng 3 được đại đội 4 xe tăng từ A Lưới vào chi viện cho tiểu đoàn 7 (trung đoàn 3) tiến công chiếm Núi Bông, Núi Nghệ và căn cứ 303. Tiếp đó trung đoàn 3 và đại đội 4 xe tăng lao thẳng xuống đường số 1.

        Trong đêm 22 tháng 3, theo nhiệm vụ của quân đoàn giao cho, sư đoàn 325 quyết định sử dụng trung đoàn 101 diệt căn cứ Lương Điền, sau đó phát triển về Huế theo trục đường số 1. Trung đoàn 18 đánh vào phía sau diệt chi khu Phú Lộc, chiếm Mũi Né, Phước Tượng, đưa lực lượng tới bịt cửa Tư Hiền và sẵn sàng đánh địch giải tỏa đường số 1.

        Rạng ngày 23 trung đoàn 101 đã phá vỡ căn cứ Lương Điền, mở được cửa phía nam về Huế, đồng thời hỗ trợ cho trung đoàn 3 sư đoàn 324 tiêu diệt địch ở 303, Núi Bông, Núi Nghệ, Mỏ Tàu. Sau khi dứt tiếng súng ở Lương Điền, trung đoàn 101 và tiểu đoàn 7 bộ binh tiếp tục đánh thẳng ra Phú Bài - Huế.

        Trung đoàn 18 tấn công vào căn cứ Mũi Né, sau sáu giờ chiến đấu quyết liệt đã tiêu diệt và bắt phần lớn số địch đóng trong căn cứ, số còn lại chạy thục mạng về chi khu Phú Lộc.

        Nắm thời cơ địch đang hoảng hốt, trung đoàn trưởng Phạm Hồng Lẫm cho tiểu đoàn 3 truy theo và đánh thẳng vào chi khu Phú Lộc. Tới 19 giờ ngày 23, trung đoàn 18 diệt xong chi khu và đánh tan tiểu đoàn 128 bảo an, rồi đưa tiếp đại đội 7 phối hợp với tiểu đoàn 21 bộ đội địa phương chiếm cửa Tư Hiền.

        Địch thấy không còn khả năng rút chạy vào Đà Năng bằng đường số 1, chỉ huy quân đoàn 1 ngụy quyết định chạy bằng đường biển. Một bộ phận qua cửa Thuận An, một bộ phận qua cửa Tư Hiền. Nhưng chúng chưa kịp thực hiện, chiều ngày 23 tháng 3 trung đoàn 1 và 2 (sư đoàn 324) đã chiếm cửa Thuận An, trung đoàn 18 (sư đoàn 325) cùng bộ đội địa phương đã áp sát cửa Tư Hiền. Thành phố Huế nằm trong gọng kìm lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên.

        Phía bắc Huế, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3 bộ đội địa phương Quảng Trị có đại đội 7 xe tăng (lữ đoàn 203) yểm hộ đã quét một loạt căn cứ, quận lỵ như Thanh Hương, Đại Lộc, Hướng Điền rồi vợt sông Mỹ Chánh tấn công Phò Trạch, Lương Mai; tiếp đó hình thành hai mũi, một mũi đánh chiếm Bao Vinh, một mũi chiếm bờ bắc cửa Thuận An.

        Trung đoàn 4 chủ lực của Quân khu Trị - Thiên ở hướng tây chọc thẳng xuống Lai Bằng, phá vỡ phòng tuyến Bắc Bình và truy kích diệt địch ở bắc sông Hương, tiếp đó trung đoàn chia thành ba mũi cùng lực lượng địa phương Quảng Trị chặn địch ở bắc cửa Thuận An và áp sát vào bắc Huế.

        Phía nam Huế, đêm ngày 24 rạng ngày 25 tháng 3, các tiểu đoàn 1 và 4 trung đoàn 164 pháo binh đã khắc phục khó khăn đưa pháo 130 ly vào chiếm lĩnh trận địa, cùng pháo của các sư đoàn nã đạn vào sở chỉ huy tiền phương vùng 1 của địch ở Mang Cá và các cửa biển Thuận An, Tư Hiền.

        Tiểu đoàn 5 hải quân đã rải mìn phong tỏa các cửa biển nói trên.

        Trên đường về Huế và ra cửa Thuận An luôn đông nghịt, dân, lính chen chúc hỗn loạn, binh lính sĩ quan mất hết sức chỉ huy, mạnh ai nấy chạy.

        Thời cơ giải phóng Huế đã xuất hiện. Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định sử dụng trung đoàn 101 (sư đoàn 325) nhanh chóng đánh chiếm Phú Bài mở đường cho quân đoàn tiến vào giải phóng Huế.

        Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn đã thực hiện đúng phương án chúng tôi vạch ra: dùng một tiểu đoàn vu hồi đánh chiếm quận lỵ Hương Thủy, đại bộ phận trung đoàn dưới sự yểm trợ hỏa lực của đại đội 4 xe tăng theo đường số 1 tiến công chính diện căn cứ Phú Bài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 01:35:03 am »


        Tảng sáng ngày 25 tháng 3 tiểu đoàn 3 đã nổ súng đánh chiếm quận lỵ Hương Thủy, cùng lúc trung đoàn 101 đánh vào Phú Bài. Địch bị bất ngờ tháo chạy hỗn độn, bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy. Đại đội 4 xe tăng của ta đã thu dụng ba chiếc xe tăng M.48, hai xe bọc thép M.113 để tăng cường lực lượng của mình.

        Sau khi giải phóng Phú Bài và Hương Thủy, trung đoàn 101, tiếp theo là trung đoàn 3 bộ binh có xe tăng đi cùng được nhân dân địa phương giúp phương tiện (xe lam, xe tải và cả xe hon đa) vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3 tiểu đội phó tiểu đội trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm cờ chiến thắng lên Phú Văn Lâu.

        Một bộ phận của trung đoàn 3 (sư đoàn 324) cùng xe tăng, chiều ngày 25 tháng 3 đã tiến vào sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá và tới giải phóng cho hơn 2.000 tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ...

        Cùng thời gian đó các lực lượng của Quân khu Trị - Thiên từ hướng bắc cũng tràn vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố.

        Chiều 25 tháng 3 sở chỉ huy tiền phương chúng tôi vào Mang Cá. Các cán bộ của sư đoàn 325 và trung đoàn 6 Trị - Thiên cũng có mặt ở đây. Một lát sau tôi gặp Tổng tham mưu phó Giáp Văn Cương và tư lệnh phó Trị - Thiên Dương Bá Nuôi. Chúng tôi vui mừng chào nhau bằng cái bắt tay siết chặt. Ai ai cũng tỏ ra vui mừng hồ hởi. Mới xa cách nhau một vài tháng, một vài tháng chiến trận căng thăng, mà cứ tưởng xa cách ngàn trùng. Anh Cương, anh Nuôi cùng chúng tôi trao đổi tình hình và cách xử trí tiếp theo khoảng một giờ. Chúng tôi dễ dàng thống nhất nhận định tình hình và cách giải quyết. Địch ở Trị - Thiên - Huế đã bị tiêu diệt và tan rã không còn khả năng cứu vãn1. Ở đây Quân đoàn 2 chỉ cần để một bộ phận cùng địa phương Trị - Thiên làm nhiệm vụ truy quét.

        Giao nhiệm vụ xong chúng tôi đi ra ngay cảng Thuận An kiểm tra tình hình. Địch đã đốt nhiều xe tăng bọc thép và ô tô rồi tháo chạy.

        Tôi và anh Cương trở lại Huế ngủ lại ở sở chỉ huy của trung tướng Ngô Quang Trưởng, đến sớm hôm sau mới về sở chỉ huy cơ bản.

        Địch ở Đà Nẵng đang hoang mang nhộn nhạo chuẩn bị rút chạy. Đại bộ phận Quân đoàn 2 phải khẩn trương phát triển vào Đà Nẵng. Tôi phân công trong Bộ tư lệnh: anh Bùi Công Ái trực tiếp giao nhiệm vụ cho trung đoàn 18 phát triển thẳng xuống dãy núi Vĩnh Phong tiêu diệt lữ thủy quân lục chiến không cho chúng rút. Nhiệm vụ tiếp sau sẽ tham gia giải phóng Đà Nẵng. Anh Hoàng Đan cùng sở chỉ huy nhẹ quân đoàn tới giao nhiệm vụ và trực tiếp đi với sư đoàn 325 xuống chiếm Lăng Cô. Tôi xuống trực tiếp tổ chức hướng dẫn phương án tác chiến tổ chức hiệp đồng cho trung đoàn 9 (sư đoàn 304) và một tiểu đoàn xe tăng tiến theo hướng đường 14 xuống tây bắc Đà Nẵng; một mặt điện cho Quân khu 5 đề nghị tổ chức phối hợp với Quân đoàn 2.

        Lúc này nhìn chỗ nào cũng thấy công việc mình phải làm ngay. Trên đường phố nườm nượp các đoàn tù binh; có tới hơn một nghìn sĩ quan tù binh cấp đại úy trở lên, anh em bộ đội dẫn về tập hợp ở các bãi cỏ gần Mang Cá. Nghĩ tới việc sử dụng số xe tăng và xe bọc thép ta thu được, tôi giao cho đại úy Nghìn cán bộ kỹ thuật xe tăng tập hợp số lính lái xe tăng, thiết giáp. Đại úy Nghìn tổ chức được 50 tay lái và qua họ đã thu được 80 chiếc xe tăng, thiết giáp còn tốt.

        Ngày 26 tôi nhận được điện do Phó tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh ký, phần đầu của bức điện nhắc lùng sục tù binh và thu vũ khí phương tiện kỹ thuật, phần sau chỉ thị: "Lực lượng B52 sau khi đã tiêu diệt hết các bộ phận địch còn chống cự lại, phải nhanh chóng thu quân chuẩn bị sẵn sàng chuyển vào đánh hướng Đà Nẵng. Kế hoạch tấn công sẽ có chỉ thị của anh Lê Trọng Tấn. B5 cần tăng cường thêm pháo ở khu vực Mũi Trâu cho đủ một tiểu đoàn với đầy đủ đạn, để khi có lệnh, đánh được ngay vào sân bay Đà Nẵng. Cần khắc phục địa hình làm sao đưa pháo lên phía trước để bắn tới cảng Đà Nẵng.

        Cho chiếm ngay điểm cao Thủy Tú để bảo vệ pháo và làm bàn đạp đánh Đà Nẵng...".

-----------------------------
        1.  Binh sĩ địch bị bắt và ra trình diện: 58.772, trong đó có 3.781 sĩ quan. Theo tin của địch hồi đó: sư đoàn bộ binh 1 ngụy chạy về Vũng Tàu còn 200 tên.

        2. B5: Quân đoàn 2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:24 pm »


8

        Sáng hôm sau, trên chiếc xe com-măng-ca, tôi và thiếu tướng Giáp Văn Cương về sở chỉ huy cơ bản của quân đoàn (ở Truồi). Đến La Sơn chúng tôi dừng lại. Gặp sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm, anh than phiền:

        Hàng vạn tên tù binh tập trung ở đây, không có gì để nuôi chúng. Ý của tôi là phóng thích. Đề nghị anh cho ý kiến.

        - Thế đã thả chúng chưa?

        - Thả rồi.

        - Thả rồi còn nói làm gì - Tôi mỉm cười nói tiếp - Tôi thấy chỉ còn một cách giao cho địa phương giáo dục chúng rồi cũng đến phải thả chúng thôi.

        Sau vài câu chuyện vụn vặt tôi nhắc lại nhiệm vụ sư đoàn 325 phải nhanh chóng chiếm đèo Hải Vân làm bàn đạp tiến vào Đà Nẵng. Việc này anh Đan quân đoàn phó đã tới trực tiếp chỉ đạo trung đoàn 101 và nhắc Tâm việc thu xe, pháo để sử dụng cho nhiệm vụ chiến đấu sắp tới.

        Đến sở chỉ huy quân đoàn, sau cái bắt tay, thiếu tướng Lê Linh nói ngay vào công việc:

        - Ngoài Bộ vừa điện vào về việc thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch để giải phóng Đà Nẵng. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các anh Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Lê Quang Hòa. Bộ dự kiến hai khả năng nếu địch co lại “tử thủ” Đà Nẵng tương đối vững chắc thì ta sẽ hiệp đồng lớn có chuẩn bị, lực lượng gồm Quân đoàn 2, quân khu 5 và Quân đoàn 1 sẽ vào tiếp. Nếu địch bị tan vỡ, bị tiêu diệt nặng và Đà Năng bị cô lập thì lực lượng tại chỗ nắm thời cơ nhanh chóng đánh chiếm.

        Qua kẻ địch bị tiêu diệt, tan vỡ ở Trị - Thiên - Huế và những tin tức các chiến trường khác chúng tôi thu lượm được, thấy khả năng thứ hai đã rõ. Và những gì chúng tôi đã làm là đúng hướng, chỉ cần tổ chức đôn đốc khẩn trương hơn.

        Bộ tư lệnh Quân đoàn hội ý khoảng một giờ, mục đích phân công và bàn giao lại một số việc cho địa phương. Tôi cùng Công Trang phó chính. ủy và tham mưu trưởng quân đoàn Bùi Công Ái trực tiếp chỉ huy cánh quân đường 14, gồm sư đoàn 324, trung đoàn 9 (sư đoàn 304) và tiểu đoàn xe tăng, đánh vào Phước Tượng sở chỉ huy sư đoàn 3 ngụy rồi phát triển xuống Đà Nẵng.

        Phó tư lệnh quân đoàn Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy cánh quân theo đường số 1 gồm trung đoàn 18 (sư đoàn 325) và lực lượng tại chỗ của Quân khu 5, đánh chiếm đèo Hải Vân và Đà Nẵng.

        Tôi điện cho sư đoàn 304 từ Thượng Đức đánh xuống tây nam Đà Nẵng; giao cho cơ quan tham mưu làm kế hoạch hiệp đồng nội bộ quân đoàn và hiệp đồng với Quân khu 5, giao cho hậu cần nhanh chóng thu hồi các cơ sở hậu cần của địch để kịp phục vụ cho các hướng tiến công của quân đoàn...

        Cách đánh chung cho các hướng: tiến công trong hành tiến.

        Tôi rất tự hào về đội ngũ cán bộ quân đoàn. Mỗi khi quyết tâm chung được xác định, hoặc một mệnh lệnh của tư lệnh phát ra là guồng máy cơ quan đồng cấp, trên dưới ăn ý nhau chuyển động rất nhịp nhàng.

        Khi có lệnh chuyển hướng tiến công về phía Đà Nẵng là ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của quân đoàn hướng ngay công việc vào phục vụ cho các cánh quân. Mấy hôm trước hậu cần còn chuyển vận gạo đạn… về phía bắc để giải phóng Huế, thì hôm nay chuyển vào phía nam. Chủ nhiệm hậu cần Nguyễn Ngọc Thực đã điều hành rất tốt cơ quan dưới quyền mình. Khi lực lượng hậu cần từ hậu phương còn bị tắc nghẽn ở đường 14, đường 10 và 74... hậu cần đã linh hoạt tập trung vào khai thác triệt để chiến lợi phẩm để kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ mới.

        Lữ đoàn công binh 219 khẩn trương sửa đường, bắc lại cầu Truồi để lực lượng cơ giới cơ động.

        Trung đoàn thông tin 463 nhanh chóng xây dựng mạng thông tin vô tuyến kịp thời cho tổ chức thông tin chỉ huy...

        Ở hướng đường số 1, trung đoàn 18 (sư đoàn 325) dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Hồng Lẫm và quân đoàn phó Hoàng Đan hết sức chủ động linh hoạt. Ngày 23 tiêu diệt chi khu Phú Lộc xong lập tức phát triển, ngày 24 tháng 3 đã đánh chiếm căn cứ lữ đoàn 258 lính thủy ở đèo Tượng, và ngày 26 trung đoàn tiếp tục diệt cứ điểm Thổ Sơn...

        Thấy nguy cơ Đà Nẵng bị uy hiếp, bộ chỉ huy quân đoàn 1 ngụy vội vã lệnh cho lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ và liên đoàn 914 bảo an phá cầu Thừa Lưu, rút về đèo Phú Gia, Lăng Cô, Hải Vân xây dựng trận địa lâm thời phòng ngự.

        Ngày 27 tháng 3 trung đoàn 18 tiến đánh đèo Phú Gia.

        Trung đoàn pháo binh 84 vừa mới xuống núi đã linh hoạt sử dụng ngay pháo của địch ở Phú Lộc, Phước Tượng chi viện cho trung đoàn 18. Đến lúc này mọi người mới thấy tác dụng của việc huấn luyện cho bộ đội biết sử dụng xe pháo và vũ khí của địch là cực kỳ quan trọng.

        Địch ở Phú Gia chống cự quyết liệt. Máy bay, pháo binh của chúng bắn phá dữ dội để chi viện cho bọn lính thủy đánh bộ bảo vệ vòng ngoài của Đà Nẵng, nhưng cuối cùng chúng vẫn phải rút chạy. Thừa thắng quân ta tiến lên giải phóng luôn Sơn Hải, An Hải và Loan Lý. Chiều ngày 28, bộ phận đi đầu của trung đoàn đã tới chân đèo Hải Vân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:05:48 pm »


        Trận đánh ở khu vực Lăng Cô chân đèo Hải Vân diễn ra căng thẳng giằng co (nhất là khu vực cầu Lăng Cô) gần hết một ngày, mãi tới 20 giờ ta mới hoàn toàn làm chủ. Và cũng từ giờ phút đó cửa vào Đà Nẵng đã mở xong.

        Trên hướng đường 14, khoảng cách từ điểm xuất phát tới vị trí tập kết khoảng 70 cây số, vừa đi vừa phải gỡ mìn, vừa phải xua bọn địch ở ven đường, nên mãi tới tối 28 trung đoàn 9 và các đơn vị phối thuộc mới tới khu tập kết. Các đơn vị đang chuẩn bị đánh Đá Đen, chưa kịp đánh địch đã rút chạy.

        Cùng ngày 28 có nhiều sự kiện quan trọng. Theo chỉ thị của Bộ, tôi hạ lệnh cho lữ đoàn pháo 164 cho trận địa pháo tầm xa đặt ở Mũi Trâu, cùng các trận địa pháo của toàn mặt trận bắn vào quân cảng, sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy và sân bay Đà Nẵng.

        Sau vài giờ pháo binh của ta phát hỏa, tôi nhận được nhiều tin. Tình hình thành phố Đà Nẵng trở nên rối loạn. Từng toán binh lính ngụy xông vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp. Sân bay bị tê liệt. Từng đoàn xe, đoàn người chầu chực chuẩn bị di tản, lại rồng rắn trở vế thành phố. Khu trung tâm thông tin ở Đà Nẵng bị phá hủy; liên lạc Đà Nẵng - Sài Gòn bị cắt đứt. Trên các làn sóng vô tuyến luôn chen chúc tiếng kêu cứu, tiếng chửi rủa của bọn lính ngụy...

        7 giờ sáng 25 tháng 3 Quảng Ngãi đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi thấy thời cơ tổng công kích vào Đà Nẵng đã tới, tôi hạ lệnh cho các đơn vị ở các hướng khẩn cấp tiến lên. Đơn vị nào có điều kiện tiến nhanh hơn thì vào sớm, không phải chờ đợi.

        Ở hướng đường số 1, ngay trong đêm 28 anh Hoàng Đan đã điều động đại đội xe tăng PT.85 tăng cường cho sư đoàn 325. Trung đoàn 84 pháo binh vừa hành quân tới đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa pháo 105 và 155 ly cua địch ở Lăng Cô và Phú Gia; chuẩn bị ngay phần tử bắn sẵn sàng chi viện cho bộ binh chiếm đèo Hải Vân.

        5 giờ sáng ngày 29 phó tư lệnh quân đoàn Hoàng Đan phát lệnh tiến công. Đạn pháo của trung đoàn 84 đồng loạt nổ liên hồi trong khu vực phòng ngự của lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ. Sư đoàn 325 cùng các đơn vị binh chủng phối thuộc ào ào chuyển động theo đường số 1. Pháo binh vừa chuyển làn, bộ binh, xe tăng của sư đoàn đã có mặt ngay trước trận địa địch. Địch bị bất ngờ, hoảng hốt chạy tan tác vào rừng. Khi ta tới đỉnh đèo, từng toán địch lẻ tẻ ra ngăn chặn. Được pháo binh và xe tăng yểm trợ đắc lực, các đơn vị đi đầu của sư đoàn vẫn giữ nguyên cách đánh trong hành tiến. Đại đội 6 dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Tiến Lai, liên tiếp tiêu diệt các toán địch chốt chặn, mở đường cho sư đoàn tiến quân. Tới 8 giờ, khi quân ta xuống gần chân đèo phía nam, gặp một cánh quân địch hành quân bằng cơ giới có xe tăng đi cùng. Một trận đụng độ quyết liệt diễn ra trong vài chục phút, cánh quân dịch hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã.

        9 giờ 30 phút sư đoàn 325 cùng các đơn vị binh chủng phối thuộc vào tới cầu Nam Ô. Đồng bào ào ra chào đón, đứng chật hai bên đường.

        10 giờ 30 sư đoàn 325 đã vào trung tâm thành phố chiếm cảng Đà Nẵng và tiến đánh bán đảo Sơn trà, cắt đứt hoàn toàn đường rút chạy của địch.

        Trên hướng đường số 14, tối 28 tháng 3 nhận lệnh cấp tốc hành quân tiến công vào sở chỉ huy sư đoàn 8 của địch ở Phước Tượng. Đến 12 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 trung đoàn 9 cùng các đơn vị phối thuộc đã đánh chiếm Phước Tượng, Hòa Khánh sở chỉ huy sư đoàn 3. Tiếp sau đó tiến xuống phối thuộc với trung đoàn 18 (sư đoàn 325) đánh chiếm Đà Nẵng. Tôi đi theo tiểu đoàn xe tăng ra chiếm bán đảo Sơn Trà. Tới đây tôi gặp quân đoàn phó Hoàng Đan, anh đang tổ chức cho pháo bắn theo tàu chiến của địch. Có tin trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng đã không chờ "Việt cộng bước qua xác" mà đang ở trong một con tàu nào đó chạy ra khơi.

        Trên hướng tây nam, sư đoàn 304 (trừ trung đoàn 9) đã đánh tan lực lượng địch ngăn chặn ở Ái Nghĩa và truy theo bọn tàn quân của lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ suốt dọc đường dài hơn 30 ki-lô-mét, rồi cùng các lực tượng của Quân khu 5 đánh chiếm sân bay, khu hành chính thành phố và nhiều mục tiêu quan trọng khác.

        Trải qua 26 ngày đêm, Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ cùng với Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5 chiến đấu liên tục, đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân đoàn 1, quân khu 1 và sư đoàn lính thủy đánh bộ của địch, thu toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng.

        Trải qua chiến dịch này, chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý giá. Quân đoàn đã hiểu đúng tình hình địch, ta và nhiệm vụ được trên giao, qua đó chọn đúng hướng tiến công chủ yếu, chọn đúng đối tượng và mục tiêu chủ yếu. Khi thời cơ xuất hiện đã kịp thời nắm bắt tận dụng thời cơ; kiên quyết liên tục, nâng cao tốc độ tiến công tạo thêm thời cơ mới. Chủ động linh hoạt sử dụng cách đánh thích hợp, từ cách đánh tiến công có chuẩn bị chuyển sang tiến công trong hành tiến đã làm cho quân địch không kịp trở tay…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:11:24 pm »

9

        Ngay sau khi quân ta quét sạch sự chống đối của địch ở Đà Nẵng, Quân đoàn 2 nhanh chóng bố trí lại đội hình, củng cố tổ chức, thu hồi triệt để chiến lợi phẩm, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

        Sư đoàn 324 đứng chân ở Huế. Sư đoàn 325, sư đoàn 304 cùng với sư đoàn 2 (Quân khu 5) đứng ở Đà Nẵng.

        Chúng tôi chủ trương thay một số loại xe pháo. Lấy pháo 105, 155 ly của địch thay cho pháo 122 ly và Đ.74 của ta, bởi các loại đạn pháo đó ta thu được rất nhiều; lấy GMC thay xe xích ATS của ta, vì GMC bánh lốp có tốc độ cơ động nhanh hơn. Các sư đoàn thu toàn bộ xe vận tải của địch và xếp lên xe lương thực đồ hộp, đạn dược... chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho một tháng chiến đấu liên tục.

        Ngày 4 tháng 4 cả Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tập trung ở Phước Tượng sở chỉ huy sư đoàn 3 ngụy. Các anh Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hòa cũng vừa mới tới đây. Chúng tôi nhận được thông báo cuộc họp Bộ Chính trị (31-3 - 1-4-1975) đã hạ quyết tâm: "... nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chi đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm”.

        Mệnh lệnh của Bộ ngày 1 tháng 4 năm 1975: Quân đoàn 2 chuẩn bị cho sư đoàn 325 và lữ đoàn 203 thiết giáp, một trung đoàn phòng không sẵn sàng cơ động vào Nam Bộ tăng cường cho quân đoàn 1 làm cho cán bộ chiến sĩ trong quân đoàn xôn xao kém phấn khởi. Ngay trong Bộ tư lệnh chúng tôi cũng có nhiều thắc mắc. Địch củng cố tuyến phòng thủ mạnh từ Phan Rang, Phan Thiết trở vào, Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn chưa dứt điểm được Xuân Lộc, Quân đoàn 2 có khả năng cơ động cao, tại sao không đưa toàn bộ Quân đoàn 2 tiến theo đường 1 đánh phá sự phòng thủ của địch ở miền duyên hải "chia lửa" cho Quân đoàn 4 và nếu phá vỡ sự phòng thủ của địch ở phía duyên hải, địch sẽ cơ bản mất khả năng "tử thủ Sài Gòn".

        Tối hôm ấy tôi và các anh Lê Linh, Công Trang, Hoàng Đan, Lê Khả Phiêu, Bùi Công Ái trao đổi với nhau vấn đế đó, rối kéo nhau đến gặp anh Lê Trọng Tấn.

        Anh Tấn đang ngồi trầm tư, tay cầm điếu thuốc cháy dở, mắt đăm đăm nhìn ra cửa. Thấy chúng tôi lục tục kéo đến, anh mỉm cười.

        - Có chuyện gì thế... mời ngồi .

        Tôi thay mặt anh em trong Bộ tư lệnh Quân đoàn phát biểu:

        - Về việc trên điều động sư đoàn 325, lữ đoàn xe tăng 203, trung đoàn phòng không của quân đoàn tôi cho Quân đoàn 1. Nếu chúng tôi đề đạt phương án khác sợ làm đảo lộn ý định của cấp trên. Tôi nghĩ trong chiến tranh khó tránh khỏi có sự đảo lộn...

         - Cứ mạnh dạn trình bày đi.

        Được anh Tấn khuyến khích, tôi nói một mạch những suy nghĩ chúng tôi đã chuẩn bị và nhấn mạnh vào sức cơ động của quân đoàn, có cơ giới, có tàu thủy, đường giao thông thuận lợi, có khả năng chiến đấu trong hành tiến.

        Anh Tấn tươi cười đáp:

        - Ý kiến của các cậu rất đúng. Mình cũng nghĩ thế. Được, tớ sẽ ra ngay Hà Nội báo cáo với anh Văn. Nếu anh Văn đồng ý mình sẽ điện ngay.

        Một mặt chờ điện của anh Tấn, một mặt chúng tôi vẫn tích cực xúc tiến việc chấp hành lệnh tách một số đơn vị tăng cường cho Quân đoàn 1 và tính toán công việc khi ở lại.

        Chiều ngày 5 tháng 4 tôi nhận được một bức điện rất ngắn:

        "Quân ủy Trung ương đồng ý.

         Ký tên

        Tấn".

        Bức điện nhanh chóng trở thành luồng gió ấm truyền khắp cơ thể của quân đoàn. Toàn quân đoàn phấn khởi sôi nổi chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng, trận đánh hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bộ tham mưu quân đoàn quên ăn quên ngủ nghiên cứu tình hình ta, tình hình địch, địa hình, đường sá, kế hoạch hành quân, phương án tác chiến... Cục chính trị lo động viên bộ đội, chuẩn bị nội dung hướng dẫn công tác chính trị trong hành quân chiến đấu đường dài , công tác chính trị trong vùng mới giải phóng... Cục hậu cần lo việc bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho quá trình chiến đấu dài ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:11:55 pm »


        Tuy chúng tôi đã ý thức được việc di chuyển đội hình lớn đi xa sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa lường hết khó khăn cụ thể như thế nào. Tới khi chính thức chuẩn bị lên đường vẫn còn gần nửa số xe, pháo của sư đoàn phòng không 673 và tiểu đoàn 2 lữ đoàn xe tăng 203 bị tắc nghẽn trên các đường số 14, 73, 74. Phần lớn lực lượng của trung đoàn cao xạ 245 và tiểu đoàn 3 lữ đoàn pháo binh 164 còn nằm ở Khe Sanh, Quảng Trị. Các đơn vị pháo vào chi viện cho sư đoàn 304 chiến đấu ở Thượng Đức, phải hành quân ngược ra phía bắc để đi theo đường 72 ra Huế. Phải tốn khá nhiều công sức và thời gian mới chuyển được những đơn vị ấy ra tới đường số 1.

        Khi xốc lại số phương tiện vận chuyển, kể cả số xe ô tô của sư đoàn 511 vừa được tăng cường mới chỉ đủ chở được hơn hai phần ba quân số. Trên đường quân đoàn phải qua 569 cầu, trong đó có 14 cầu bắc qua sông lớn; ta mới biết địch đánh sập các cầu Câu Lâu, Kế Xuyên, Bà Bầu, An Tân, nhưng lực lượng công binh cầu phà của quân đoàn quá nhỏ nhoi, chỉ đủ ghép bốn phà 50 tấn...

        Những khó khăn bề bộn tưởng chừng khó lòng khắc phục nổi đã được toàn quân đoàn từ tư lệnh tới người lính cùng ghé vai góp sức tích cực và được cấp trên quan tâm, được nhân dân giúp đỡ nên đã lần lượt vượt qua.

        Chỉ trong vài ngày lữ đoàn 203 đã thu hồi của địch bổ sung vào biên chế của mình hàng chục xe M.113 và M.48. Bộ đội pháo binh thu nhiều xe, pháo, đạn đồng bộ của địch để thay thế trang bị của mình. Tỷ lệ số pháo lên tới hơn một phần ba số pháo biên chế của đơn vị. Trung đoàn pháo binh 68 (sư đoàn 304), trung đoàn pháo binh 48 (sư đoàn 325) đã tổ chức thêm bốn đại đội pháo 105 ly. Lữ đoàn pháo binh 164 tổ chức thêm một tiểu đoàn pháo 155 ly. Các đơn vị còn thu và sử dụng hệ thống thông tin gắn trên xe của địch, có công suất lớn rất thuận tiện cho tổ chức chỉ huy.

        Các đơn vị bộ binh cũng chuyển đổi sử dụng nhiều loại vũ khí, kỹ thuật của địch. Hầu hết các đại đội, tiểu đoàn dùng máy vô tuyến PRC.25 của Mỹ. Riêng sư đoàn 325 mỗi tiểu đội được trang bị thêm một hai khẩu phóng lựu M.79.

        Thời gian này Cục hậu cần làm được nhiều việc có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo đảm cơ sở vật chất của quân đoàn. Căn cứ vào bản đồ kho tàng của địch để lại, Cục hậu cần đã tổ chức thu hàng nghìn tấn lương thực, đạn dược, xăng dầu, quân trang quân dụng; kết hợp gấp rút điều động hàng của ta từ Quảng Trị vào bảo đảm cho quân đoàn đủ dùng một tháng; vận động dân cho mượn xe. Cho tới trước ngày xuất quân, dân đã cho mượn hơn 100 ô tô vận tải cùng người lái. Các anh em lái và thợ sửa chữa tích cực thu hồi xe địch, tìm kiếm phụ tùng thay thế và tranh thủ sửa chữa để tăng thêm đầu xe, số xe thu của địch sử dụng được lên tới 487 chiếc. Quân đoàn mạnh dạn sử dụng số lính ngụy biết lái xe tăng, xe bọc thép, ô tô và thợ sửa chữa phục vụ cho cuộc hành quân.

        Cục hậu cần được sự giúp đỡ của Quân khu 5 phái một tổ đi trước tới thị xã Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang và Cam Ranh tìm nguồn xăng, xét nghiệm xăng dầu và thu hồi.

        Tại Đà Năng mỗi xe đã được cấp phát hai cơ số xăng mang theo xe. Đối với xe tăng, có 14 xe chở dầu đi theo, bảo đảm đủ cơ số thứ hai. Mỗi đoàn xe còn bố trí một số xe téc đi theo.

        Về phương tiện vận chuyển, trên Bộ đã tăng cường cho quân đoàn sư đoàn ô tô vận tải 571, trung đoàn 83 công binh cầu phà, và tàu biển của hải quân chở trung đoàn 9 (sư đoàn 304) từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn.

        Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị toàn quân đoàn, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm: thế là cơ sở vật chất đã tạm đủ để tiến vào Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:42 pm »


XII

CHIẾN ĐẤU TRONG HÀNH TIẾN


1

        Sở chỉ huy hành quân của quân đoàn đặt tại Khánh Hoa - ở doanh trại của sư đoàn bộ sư đoàn 3 ngụy, nằm sát đường số 1. Quang cảnh cuộc rút chạy hoảng loạn của quân đội "cộng hòa” diễn ra sống động trước mắt. Đây đó quần áo rằn ri mũ mão đủ các sắc lính, biệt động quân, lính dù, kỵ binh thiết giáp... Trên dọc đường từng tốp dăm bảy tên, lính đã trút bỏ hết quân phục, còn lại độc nhất cái quần xà lỏn, hoặc vận bộ đồ bà ba chật ních - chắc chúng đổi quần áo cho người dân nào đó. Gặp chúng tôi, chúng ngửa tay xin ăn "chúng con mấy hôm nay không được ăn... con xin các ông giải phóng ít cơm nguội...". Có anh em còn nắm cơm đã bẻ ra chia cho mỗi đứa một miếng. Bỗng một tên reo to: "Ôi! Ông anh... em vẫn gặp anh ở quán "hòa hợp dân tộc” ở Quảng Trị". Cậu đại đội phó trinh sát của chúng tôi mỉm cười gật đầu. Cuộc gặp gỡ hay thật.

        Bộ chỉ huy cánh đông của chiến dịch do trung tướng Lê Trọng Tấn, trung tướng Lê Quang Hòa chỉ huy đến đây sau chúng tôi một ngày (5 - 4 - 1975). Vừa xuống xe, chưa kịp uống chén nước. Anh Tấn đã cho người mời Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tới hội trường để nghe anh truyền đạt mệnh lệnh.

        Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 có mặt: tôi thiếu tướng quân đoàn trưởng, thiếu tướng Lê Linh chính ủy, đại tá Công Trang phó chính ủy, đại tá Hoàng Đan quân đoàn phó, thượng tá Bùi Công Ái tham mưu trưởng, thượng tá Lê Khả Phiêu chủ nhiệm chính trị, thượng tá Nguyễn Ngọc Thực chủ nhiệm hậu cần. Trời hôm nay oi bức. Chừng như nhiệt lượng trong cơ thể của anh Lê Linh cao hơn mọi người, chưa ai đổ mồ hôi, trán anh Lê Linh đã giọt dài, giọt ngắn. Tay anh khua đều đều mảnh các-tông thay quạt.

        Anh Tấn nói dõng dạc, khúc triết và thái độ kiên quyết lồng vào từng âm tiết:

        Sau khi bị mất quân khu 1, quân khu 2, địch đang cố gắng dồn lực lượng lập các tuyến phòng thủ bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn, như Xuân Lộc và đang điều động lực lượng ra Phan Rang. Theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chúng ta phải hết sức khẩn trương, phải giành giật từng giờ từng phút. “Thời gian là vàng ngọc", Quân đoàn 2 làm sao đúng ngày 7 tháng 4 khối đi đầu có thể xuất phát được. Vừa hành quân vừa tác chiến làm sao khuôn gọn vào 18 ngày; chỉ được phép trong vòng 18 ngày, toàn quân đoàn phải có mặt ở nơi tập kết - địa điểm tại Rừng Lá (Bà Rịa) cách Xuân lộc 20 ki-lô-mét.

        Chúng tôi căng mắt nhìn vào đầu que chỉ bán đồ để nhận dạng địa điểm quân đoàn mình sẽ tới. Anh Tấn chỉ thị tiếp về lực lượng của quân đoàn sẽ tham gia chiến đấu gồm: 3 sư đoàn bộ binh, trong đó có sư đoàn 3 (Quân khu 5), sẽ sáp nhập từ Phan Rang (sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế và làm dự bị); sư đoàn pháo phòng không 673, lữ đoàn xe tăng 203, lữ đoàn pháo binh 164, lữ đoàn công binh 219, trung đoàn thông tin 463, cơ quan quân đoàn và toàn bộ các đơn vị trực thuộc.

        Riêng lữ đoàn 203 được tăng cường thêm tiểu đoàn thiết giáp 5 (thuộc trung đoàn 574 Quân khu 5), hai đại đội của tiểu đoàn thiết giáp 3 sang tiểu đoàn 4. Khung cán bộ của tiểu đoàn 3 ở lại Đà Nẵng nhận và huấn luyện quân bổ sung từ phía sau lên.

        Sau đó Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn chúng tôi đã họp thông qua kế hoạch hành quân. Phương châm cuộc hành quân là: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Lực lượng được tổ chức thành năm khối bảo đảm nguyên tắc chiến đấu binh chủng hợp thành:

        Khối một, gồm sư đoàn bộ binh 325 được tăng cường trung đoàn cao xạ 284, tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp 4 và hai tiểu đoàn công binh. Chỉ huy khối này là sư đoàn trưởng sư đoàn 325. Khối một được tăng cường mạnh để đủ sức làm nhiệm vụ đánh địch mở đường. Dẫn đầu khối một là chi đội phái đi trước gồm một tiểu đoàn bộ binh của sư đoàn 325, một tiểu đoàn thiết giáp, hai xe PAP lội nước, một phân đội công binh, cùng một đội trinh sát làm nhiệm vụ trinh sát chiến đấu. Quân số khối một có 8.774 người.

        Khối hai, gồm sở chỉ huy cơ bản, cơ quan quân đoàn, các đơn vị trực thuộc, sư đoàn phòng không 673 và trung đoàn cao xạ 243. Tổng quân số của khối là 1.872. Tham mưu trưởng quân đoàn trực tiếp chỉ huy.

        Khối ba, gồm lữ đoàn xe tăng 203 (thiếu 1 tiểu đoàn), lữ đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh của lữ đoàn 219. Tổng quân số là 1.872, do lữ đoàn trưởng lữ đoàn 203 chỉ huy.

        Khối bốn, gồm sư đoàn bộ binh 304, được tăng cường trung đoàn cao xạ 245. Tổng quân số là 6.849, do sư đoàn trưởng sư đoàn 304 chỉ huy.

        Khối năm là sư đoàn 3 (Quân khu 5), sẽ sáp nhập vào đội hình hành quân của quân đoàn từ Phan Rang.

        Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp chỉ huy toàn bộ đội hình hành quân. Tổng số xe chở hàng, chở người của toàn quân đoàn lên tới 2.276 chiếc; xe tăng, thiết giáp có 89 chiếc (có 54 xe tăng); xe kéo pháo 223 chiếc. Tổng quân số có 32.418 người, chưa kể sư đoàn 3.

        Lần đầu tiên trong đời làm chỉ huy, tôi phải điều hành một đội hình hành quân lớn và dài có nhiều binh chủng mà hành quân xe cơ giới tới hàng nghìn cây số như vậy. Hành quân qua vùng giải phóng, chúng tôi tổ chức ra các đội tiền trạm, và các trạm điều chỉnh đội hình. Khi vào nơi địch đang án ngữ tổ chức các chi đội phái đi trước... Luôn luôn duy trì chặt chẽ mạng thông tin chỉ huy...

        9 giờ ngày 7 tháng 4, khối một của quân đoàn được lệnh xuất phát. Do xe của Đoàn 559 tới tăng cường chưa kịp, nên khối một phải tạm chia thành hai bộ phận, hành quân hai đợt. Vì vậy các khối sau phải xê dịch thời gian. Đây là cuộc hành quân có một không hai trong thời đánh Mỹ. Khi đoàn xe lăn bánh, nhân dân Đà Nẵng, Quảng Nam đứng chật ven đường vẫy tay lưu luyến và gửi gắm niềm tin yêu. Quân dừng ở nơi nào cũng được nhân dân giúp đỡ.

        Trên đoạn đường từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn có tám chiếc cầu bị địch phá. Các lực lượng công binh của quân đoàn, của Đoàn 559, của Quân khu 5 và được nhân dân địa phương giúp đỡ, đã nhanh chóng sửa chữa, hoặc mở hàng chục ki-lô-mét đường vòng tránh khi chưa sửa chữa kịp. Tôi nhớ tới một chiếc cầu hỏng, có một gia đình dân ở gần đó chuẩn bị gỗ làm nhà, bà con đã tự mang số gỗ đó giúp bộ đội sửa cầu. Trên đoạn đường từ Quy Nhơn vào Nha Trang khối bốn thiếu xe, nhân dân Bình Định đã huy động cho mượn 56 xe ca, xe vận tải, cả người lái... Nhờ vậy cuộc hành quân của quân đoàn vẫn bảo đảm tốc độ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 09:02:15 am »


2

        Khi sở chỉ huy tiền phương của chúng tôi tới Cam Ranh, cũng là lúc nhận được nhiều tin về tình hình địch trước mắt: Tướng Uây-oen tham mưu trưởng lục quân Mỹ đang trực tiếp đốc thúc quân ngụy dựng lên ở Phan Rang một lá chắn mạnh với hoài vọng chặn đứng "cánh quân Duyên Hải" của đối phương. Theo Uây-oen "tuyến phòng thủ Sài Gòn sẽ neo ở thị xã Phan Rang, lấy Xuân Lộc là mũi nhọn phòng thủ chính và Tây Ninh là rìa phía tây”.

        Ngày 2 tháng 4 năm 1975 chính quyền Sài Gòn quyết định sáp nhập phần đất còn lại của quân khu 2 vào quân khu 3, lập bộ tư lệnh tiền phương quân khu 3 đóng tại Thành Sơn (bắc thị xã Phan Rang 10 ki-lô-mét) do trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy. Lực lượng gồm có sư đoàn 6 không quân (150 máy bay ở sân bay Thành Sơn), lữ đoàn dù 2, sư đoàn bộ binh 2, liên đoàn biệt động quân 81 và các đơn vị bảo an của tiểu khu Ninh Thuận (cộng khoảng chục nghìn quân). Chúng chiếm giữ địa bàn có lợi ở Du Long, Suối Đá, Ba Râu, Hớt Diễn, Cà Đú, ấp Đái Sơn, ngã ba đường số 1 và 11… Lữ đoàn dù 2 ở khu vực sân bay Thành Sơn làm dự bị. Về hỏa lực chi viện, ngoài số lượng khá lớn pháo mặt đất chúng còn được pháo hạm của hải quân yểm trợ.

        Ngày 14 tháng 4 năm 1975 theo chỉ thị của trung tướng Lê Trọng Tấn tư lệnh cánh quân Duyên Hải, sư đoàn bộ binh 3 (Quân khu 5) và trung đoàn bộ binh 25 (Tây Nguyên) được pháo binh chi viện nổ súng tiến công thị xã Phan Rang. Cụm phòng ngự của địch ở phía bắc thị xã, áp sát sân bay Thành Sơn nhanh chóng bị phá vỡ. Chúng dùng không quân và tàu biển cùng lực lượng tại chỗ chống trả quyết liệt.

        Để nhanh chóng mở đường tiến, chúng tôi đưa sư đoàn 325 vào chiến đấu. Ngày 16 tháng 4 trung đoàn 101 (sư đoàn 325) lấy vị trí xuất phát từ sư đoàn 3 tổ chức binh chủng hợp thành, thành mũi thọc sâu theo đường số 1 đánh thẳng vào thị xã. Dẫn đầu đội hình là tiểu đoàn bộ binh 1 ngồi trên 20 xe tăng, thiết giáp. Tiểu đoàn 2 và 3 ngồi trên xe bánh hơi đi tiếp sau. Một số khẩu pháo nòng dài 85 ly và cao xạ 37 ly cơ động trong đội hình, sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu mặt đất và trên không. Lữ đoàn pháo binh 164 đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho đội hình thọc sâu. Phối hợp với mũi chính diện, trung đoàn 25 (Tây Nguyên) đã tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn. Trước đòn tấn công mạnh và bất ngờ của ta, quân địch nhanh chóng rối loạn không còn đủ sức chống cự. Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Một bộ phận lực lượng nhanh chóng tiến ra chiếm cảng Ninh Chữ và Tân Thành, bịt chặt đường rút của địch ra hướng biển. Một bộ phận phát triển theo đường số 1 đánh chiếm cầu Đạo Long và quận lỵ Phú Quý, khóa chặt đường bộ, không cho địch chạy về phía nam. Quân địch đã huy động hàng chục lần máy bay ném bom vào phía sau đội hình ta trên đường số 1; đồng thời đưa quân từ Thành Sơn ra phản kích. Trung đoàn 101 (sư đoàn 325) và sư đoàn 3 đã kiên cường đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, đồng thời sử dụng xe tăng thiết giáp chọc thẳng vào chiếm luôn sân bay Thành Sơn. Toàn bộ quân địch hơn một vạn tên ở Phan Rang đã bị tiêu diệt, bắt sống và tan rã. Hai tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang (tư lệnh sư đoàn không quân 6) cùng nhiều sĩ quan bị bắt. Ta thu 36 máy bay và 37 pháo lớn...

        22 giờ ngày 16 tháng 4, đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng ở Phan Rang. Đại tướng nhắc nhở các đơn vị khẩn trương củng cố lực lượng tiếp tục hành quân và phát triển tiến công thần tốc táo bạo, bất ngờ giành những chiến thắng mới.

        Mỹ - nguỵ sau khi mất quân khu 1 và 2 vẫn còn chủ quan đánh giá sai lầm về khả năng của quân ta. Chúng cho rằng đối phương phải để lực lượng giữ các tỉnh vùng mới giải phóng và đường xa, thiếu lực lượng cơ động nên chỉ có thể đưa vào miền Đông Nam Bộ nhiều nhất là một quân đoàn, thời gian nhanh nhất cũng phải mất hai tháng. Nhưng chỉ trong vòng 10 ngày (7 đến 16- 4) Quân đoàn 2 đã có mặt phá vỡ phòng tuyến ngay cửa ngõ miền Đông Nam Bộ. Và chỉ mất 15 ngày đêm Quân đoàn 1 được trang bị mạnh, hành quân bằng cơ giới, ngày 15 tháng 4 năm 1975 đã tập kết ở Bình Dương chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn từ hướng Bắc. Cùng ngày 15 tháng 4, Quân đoàn 3 hành quân từ Tây Nguyên vào đã đến Dầu Tiếng vừa giải phóng chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn từ phía tây bắc theo đúng kế hoạch.

        Đối với Mỹ - ngụy những tin tức ấy không khác quả bom nổ chậm đặt dưới chân, làm cho chúng vô cùng hoảng sợ; nhất là cánh quân Quân đoàn 2 đang như vũ bão tiến theo miền duyên hải đã phá vỡ phòng tuyến Phan Rang trong vòng vài giờ đồng hồ. Chúng vội vàng xử trí chắp vá, đêm 17 tháng 4 dùng tàu chiến chở một đại đội biệt kích đổ lên quận Tuy Phong (bắc Phan Thiết) để bắt liên lạc với tàn quân của lữ đoàn dù 3 trên núi Gio và các lực lượng địa phương quanh vùng để tổ chức ngăn chặn ta.

        Phát hiện được địch, phân đội trinh sát của sư đoàn 325 đi đầu đội hình đã tổ chức lùng quét. Sau hơn một giờ chiến đấu anh em đã tiêu diệt và bắt sống gọn cả đại đội biệt kích.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM