Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:43:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43304 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:04:24 am »


9

        Tin phá huỷ kho bom, tin ta chiếm Phu Mộc, tin bọn Vàng Pao đã bỏ hang ổ chạy về phía Pa Khảo... tin thắng trận đưa đến niềm phấn khởi tràn ngập hang Phu Nhu. Không ít người lúc đó có cảm nghĩ: Việc chiếm Loong Chẹng dễ dàng như trở bàn tay. Trong sở chỉ huy, mặt ai nấy tươi rói. Mấy anh bạn người dân tộc thiểu số, không hiểu kiếm ở đâu ra cái bi đông "cuốc lủi” và mớ rau cải tươi nguyên, cùng làm một "chầu" liên hoan. Những ngày này đúng vào dịp tết. Hương xuân, hương chiến thắng quyện vào nhau tưởng chừng như không khí trận mạc đã bị đẩy lùi xa.

        Sự lạc quan quá đà ấy diễn ra không đầy hai tuần. Nhiều tin tức của các đơn vị chiến đấu ở xung quanh Loong Chẹng tiếp tục tràn về sở chỉ huy cơ bản, nhưng ít dần những tin tức đáng khích lệ. Các đơn vị yêu cầu chuyển lương thực vào gấp, bộ đội đã phải dừng tới lương khô, mỗi bữa cho được một phong; yêu cầu pháo chi viện; yêu cầu tiếp thêm đạn cối... Đơn vị chiếm giữ Phu Mộc mấy hôm nay bị máy bay địch đánh phá liên tục ác liệt, lực lượng cao xạ của ta không đủ sức chống lại, thương vong mỗi ngày một tăng.

        Tôi đốc anh Thuyền chủ nhiệm pháo cho pháo 130 ly bắn chi viện. Anh Thuyền trình bày: Đã đẩy pháo vào hết con đường cụt, cho pháo bắn liều nguyên mà vẫn đuối tầm.

        Lại yêu cầu khẩn cấp tiếp gạo, đạn. Lại yêu cầu pháo bắn chi viện. Có đơn vị đòi bổ sung quân số... Toàn những thứ đòi khẩn cấp nhưng đường xa như vậy làm sao đáp ứng được.

        Một hôm chính ủy Huỳnh Đắc Hương nghe tin địch đã chiếm lại Phu Mộc và quân ta chỉ còn hai ngày gạo.

        Hương hỏi tôi:

        - Bây giờ làm thế nào?

        Tôi trả lời:

        - Tốt nhất là cho rút lui.

        Mặt Hương xịu xuống tỏ vẻ buồn. Tôi lấy làm tiếc, bởi điều mình đã biết sẽ vấp mà chưa thuyết phục được mọi người để tránh nó.

        Đợt 3 của chiến dịch nhùng nhằng kéo dài đến mùa mưa. Sức chiến đấu của ta cạn dần, địch được dịp phản kích nống ra chiếm lại một số điểm cao ở Loong Chẹng và Sảm Thông, khu trung gian...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:07:05 am »

         
X

CHIẾN ĐẤU Ở QUẢNG TRỊ


1

        Khoảng cuối tháng 6 năm 1972 tôi lại chia tay với bạn bè ở chiến trường Cánh Đồng Chum (Lào) về Hà Nội nhận lệnh mới. Niềm vui, nỗi trăn trở, tình đồng đội đã từng chia sẻ trên mảnh đất đầy máu lửa ấy vẫn nguyên vẹn đeo đuổi tôi, cho tới khi Cục cán bộ báo "anh chuẩn bị sang nghỉ ở Cộng hòa dân chủ Đức một thời gian" chúng vẫn chưa kịp thoát ra khỏi đầu tôi. Thật lòng tôi chưa tin lắm, cái phần thưởng đáng giá đó lại đến với một chiến binh "không có số xuất ngoại" như tôi. Quả là như vậy, trang phục của tôi chưa kịp giũ sạch bụi đường, Cục cán bộ lại báo cho tôi một tin hoàn toàn khác, rằng: "tình hình chiến trường Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn. . . ý của Bộ anh ở lại nhận nhiệm vụ mới".

        Anh Văn cho người gọi tôi tới gặp anh ở nhà riêng. Anh Văn nói rất tóm tắt tình hình Quảng Trị, và giao cho tôi nhiệm vụ: "Cậu vào đó nắm "308", tìm hiểu xem nó mắc mớ gì. Địch ra nhiều thế mà không đánh được trận tiêu diệt nào. Xem nó khó khăn gì đẩy nó lên".

        Sau khi gặp anh Văn, tôi sang Bộ Tổng Tham mưu gặp Cục trưởng tác chiến Vũ Lăng để tìm hiểu tình hình mới nhận từ chiến trường và sư đoàn 308.

        Vũ Lăng cầm một tập điện báo cáo, đẩy trên bàn, trước mắt tôi:

        - Xem đi cần gì tớ sẽ nói thêm.

        Tôi tập trung tư tưởng đọc một lèo gần ba giờ liền hết tập báo cáo. Những dòng chữ ngổn ngang trên tập giấy màu xanh được cô lại trong đầu tôi mấy điều. Địch đông hơn và phản kích rất mạnh. Ta phải bỏ kế hoạch tấn công vào Huế và mất dần vùng đất mà đợt đầu chiến dịch đã chiếm được. Hoả lực B.52, các loại pháo ở hạm đội, pháo trên bộ bắn phá ngày đêm gây cho ta nhiều thương vong. Quân số của ta hao hụt không kịp bổ sung. Đạn dược, lương thực vì địch bắn phá ngăn chặn, vận chuyển không kịp...

        Vũ Lăng hất cái cằm râu xồm hỏi tôi một câu cụt lủn:

        - Cậu thấy thế nào?

        - Thế nào à. Mình phải đến tận nơi mới trả lời cậu được.

        Nói vậy nhưng tôi vẫn nói lại vài điều mình khái quát. Vũ Lăng bổ sung vài điều và phổ biến cho tôi về chủ trương "phản công" của Bộ. Khi tôi đứng dậy bắt tay, Vũ Lăng còn dặn thêm:

        - Ông vào xem vì sao không diệt gọn được một đơn vị nào của chúng.

        - Được có gì tôi sẽ điện ra.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:17:13 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:25 am »

     
2

        Thời gian chuẩn bị cho chuyến đi rất khẩn trương. Vợ tôi thay công vụ chuẩn bị giúp tôi. Cô nhét vào cái ba lô cóc nào kẹo, nào đường, nào thuốc lá, bánh mì... Thôi thì đủ thứ, làm cho cái ba lô chật cứng, không có thể nhét thêm thứ gì nữa mới thôi.

        Độ này máy bay địch lại đánh phá dọc đường. Tôi đã đả thông cho lái xe nhiệm vụ gấp, phải cho xe đi cả ngày, đêm không nghỉ. Cậu lái xe và tôi thay nhau lái để có thời gian nghỉ. Mấy ngày đêm gặp may không bị địch chặn đánh, nhưng đến sông Gianh, mấy anh lính công binh gác ba-ri-e chỉ chỗ giấu xe và nói: "Phà bị đánh phá hết rồi".

        Tôi nghỉ ở sở chỉ huy bến phà. Tôi đưa lệnh "hỏa tốc" cho trưởng bến xem, và năn nỉ anh em tìm cách gì cho sang sông nhanh hơn. Trước sau trưởng bến chỉ nói một câu: "Thủ trưởng thông cảm, không còn phà thì chúng tôi biết làm sao được".

        Tôi biết anh em ở bến phà ngày đêm chịu đựng bom đạn vật lộn với sông nước, nhìn người nào cũng gầy guộc đen đúa. Họ không phải là những người ngần ngại trước nguy hiểm khó khăn, nhưng sông rộng mênh mông, nếu không có phà, tài thánh cũng không đưa ô tô qua được. Một ngày trôi qua. Ngày thứ hai dừng ở đây tôi bồn chồn không yên, lúc đứng ngắm trời ngắm nước, lúc ngồi chuyện  trò vui vẻ. Chợt nhớ trong ba lô của mình có nhiều thứ, tôi lôi ra làm bữa liên hoan nhẹ, chuyện trò bù khú để đốt cháy thời gian.

        Trong lúc uống trà hút thuốc, bến trưởng thổ lộ:

        - Chỉ còn một chiếc phà nữa giấu cách bến bảy tám cây số. Ở khoảng ấy máy bay địch đã thả mìn, chúng tôi không dám đi, chỉ có bộ phận phá mìn của hải quân đi rà phá mới hy vọng.

        Tôi hỏi:

        - Anh em hải quân có ở gần đây không?

        - Gần. Thủ trưởng đi chúng tôi đưa đi.

        Buổi chiều chúng tôi tới bộ phận rà phá mìn của hải quân. Tổ trưởng rà phá là một trung úy trẻ rất nhiệt tình. Anh nhận lời của chúng tôi. Anh nói:

        - Chúng tôi chỉ có một cái ca nô phóng từ, máy bị hỏng, rất may là vừa sửa chữa được - phải đến tối. Muốn lái phà sang đây cũng phải mờ tối mới đi được.

        Xe của tôi lăn bánh tới vị trí chờ đợi. Tôi đứng bên cánh cửa xe ngóng về phía sông. Những hàng cây phía trước nhòe dần vào bóng đêm, có một tiếng nổ trầm đục, giống tiếng bom nổ dưới nước, làm tôi lo lắng. Nếu xe không qua được, phải đi bộ vào chiến trường; công việc, sức khỏe sẽ ra sao...

        Có tín hiệu của bến báo: "Có phà". Nỗi lo của tôi vơi đi được bảy tám phần. Xe tới bến, xuống phà rồi tôi mới hoàn toàn yên tâm. Tôi hỏi người lái phà về tiếng nổ vừa rồi. Anh trả lời tỉnh khô:

        - Mìn nổ gần, phà xây xát tý chút.

        Tai lắng nghe và mắt tôi quét một nửa vòng cung đường chân trời, theo thói quen cảnh giác của người lính. Mây đen đặc kín cả bầu trời, không có một ánh sao nào lọt nổi xuống trái đất. Đêm yên tĩnh chỉ nghe tiếng ca nô ùng ục đều đều và tiếng sóng va vào mạn phà. Đến giữa sông thì một quả mìn nổ cách phà độ 30 mét làm phà tròng trành, và một cột nước bắn lên tung tóe. Hú vía! Phà vẫn từ từ tiến vào bờ.

        Qua sông Gianh được bình an, xe của tôi chạy một cung đường gian khổ nữa, qua Bãi Hà đến sở chỉ huy Mặt trận B5.

        Bộ tư lệnh Mặt trận B5 lúc này có thiếu tướng Trần Quý Hai tư lệnh, thiếu tướng Cao Văn Khánh phó tư lệnh, trung tướng Song Hào chính ủy, đại tá Hoàng Văn Thái phó chính ủy, đại tá Doãn Tuế tư lệnh pháo binh, đại tá Ngô Hùng tham mưu phó.

        Anh Qúy Hai đang ốm. Anh Cao Văn Khánh nói cho tôi diễn biến về địch, về ta trên toàn bộ chiến trường, và tình hình cụ thể của sư đoàn 308. Hơn một ngày nghe ở đây cụ thể hơn ở Bộ Tổng Tham mưu, có đủ yếu tố để tôi có thể khái quát hiện thực nó là cái gì, mình phải làm gì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 11:52:46 am »


        Xe của tôi lại tiếp tục lăn bánh ra tiền tuyến. Mùa mưa đã đến, những trận mưa rào dài lê thê, hết ngày qua đêm dội xuống mặt đường. Từ sở chỉ huy B5 các loại xe qua lại đào bới, trở thành những hố bùn nối tiếp. Không sao tả nổi sự vất vả của người ngồi trong xe, với những cú xóc nhồi lên, nhồi xuống. Lắc ngang, lắc dọc, làm cho xương rão ra. Sức khỏe của tôi cũng khá, ấy thế mà đôi lúc muốn nhảy xuống đi bộ. Nếu như công việc không đòi hỏi khẩn trương, có lẽ tôi đã làm như vậy... Cuối cùng, xe của tôi cũng bò qua được ngầm Bến Than. Tới bờ nam sông Bến Hải tôi tạm nghỉ ở trạm giao liên. Ở đây tôi gặp bộ chỉ huy "cánh" gồm các anh đại tá Giáp Văn Cương, đại tá Hồng Sơn, đại tá Hoàng Mình Thi. Sư đoàn 308 đã cử người đến đón tôi. Anh em binh trạm đổi cho tôi chiếc xe "Zeep" tương đối mới. Đêm hôm sau tôi đi tiếp đến động Ông Do. Chiếc xe "Zeep" thật hoàn hảo, nó cơ động nhẹ nhàng và lội nước sâu hơn hẳn com-mang-ca, nếu không có nó chưa chắc tôi đã tới đích gọn trong đêm.

        Trời vừa hửng đông, ánh sáng đang trải rộng dần trên mặt đất. Đứng trên sườn đồi nhìn qua ống nhòm tôi thấy từng đoạn đường số 1 đen mờ vắt qua núi đồi giống con trăn khổng lồ đang trườn bò; những hố bom, đạn pháo lỗ chỗ trên những cánh đồng hoang; những ánh chớp trắng của đạn pháo đang nổ chi chít từ phía Ái Tử dần ra Đông Hà. Nghe rõ cả tiếng nổ đầu nòng của hàng chục khẩu pháo từ phía biển. Đạn pháo nổ mỗi lúc một gần, về chỗ tôi đang đứng. Tôi nói đùa với một cán bộ đứng gần: "Chúng bắn chào tôi đó" (hôm nay gần 10 tàu chiến địch bắn vào Thành Cổ - Quảng Trị hai vạn quả đạn pháo).

        Đúng đêm ngày 20 tháng 7 tôi tới sở chỉ huy 308. Trực ở nhà có chính ủy Hùng Phong, phó chính ủy Hoàng Kim, và đại tá Hồng Sơn tư lệnh phó B5 trực tiếp chỉ huy sư đoàn. Trừ phó tư lệnh Đào Sung đang ở phía trước, còn ở đây kể cả anh em ba cơ quan của sư đoàn, đều là người quen biết, đón tiếp tôi rất chân tình, cởi mở. Không phải hỏi han gì nhiều, cứ nhìn hố bom, hố đạn rải ra khắp khu vực sở chỉ huy và những gương mặt gầy guộc khắc khổ, những cặp mắt chứa đầy ưu tư, cũng đủ thấy cuộc chiến ở đây quyết liệt thế nào.

        Tôi được cấp trên chỉ định vào thường vụ đảng ủy. Sau thủ tục giao tiếp cần thiết, các anh cho tôi biết tình hình chung và những vấn đề đang nóng bỏng trong đơn vị.

        Bộ phận chỉ huy ở các trung đoàn cơ bản không có gì thay đổi so với hồi "1970 - 1971" tôi có mặt ở sư đoàn. Trung đoàn 102 do Hoàng Ngọc Tý trung đoàn trưởng, Nguyễn Hữu Ích chính ủy, trung đoàn 88 do đồng chí Thận trung đoàn trưởng, Hòa chính ủy; trung đoàn 36 do Nguyễn Văn Đáng trung đoàn trưởng, Hồ Lực chính ủy.

        Đại bộ phận sư đoàn đã vượt sông Mỹ Chánh đứng trấn ở huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên đang chuẩn bị tấn công Huế, đùng một cái được lệnh (28-6) lui về bảo vệ Quảng Trị. Dọc đường rút lui sư đoàn đã chịu sự ác liệt ghê gớm của pháo bầy và B.52 của địch gây cho ta nhiều thương vong. Khoảng một tuần lễ việc lật cánh của sư đoàn đã hoàn tất. Từ ngày 2 tháng 7 trung đoàn 102 đã đánh một số trận ngăn chặn sư đoàn dù ngụy trên dãy Trường Phước, tiêu diệt khoảng ba đại đội địch, phá hủy hai xe tăng. Trung đoàn 36 đã tiến xuống bờ nam sông Nhùng phối hợp với trung đoàn 102 tiến công vào bộ phận đi đầu của lữ dù 2. Ngày 6 tháng 7 trung đoàn 36 dùng hai tiểu đoàn do trung đoàn phó Triệu Thơ và chính ủy Hồ Lực chỉ huy đã đánh tiêu hao nặng tiểu đoàn 9 dù trên khu đồi 4 làng Thượng Nguyên. Cùng khoảng thời gian đó, trung đoàn cử tiểu đoàn 2 vượt qua tuyến ngăn chặn của quân dù nguy, tiểu đoàn đã phá hủy cầu Nhùng, cắt đứt đường số 1.

        Các trung đoàn 102, 36 đã trấn giữ khu vực Thượng Nguyên trên dãy Trường Phước gần nửa tháng trời. Đêm 12 tháng 7 sư đoàn nhận lệnh của Bộ tư lệnh Mặt trận: giao lại cho đơn vị bạn, chuyển vế đánh địch ở tuyến tây nam Thành Cổ - lại một cuộc hành quân lật cánh nữa trong bão táp bom đạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 11:53:22 am »


        Tiểu đoàn 4 đi đầu vượt qua lưới lửa ngăn chặn của địch tiến vào làng Tân Mễ Phường (cách thị xã Quảng Trị 7 ki-lô-mét). Sáng hôm sau tiểu đoàn tiếp tục đánh đại đội viễn thám (thuộc tiểu đoàn biệt kích dù) bật ra khỏi làng Như Lệ. Tiểu đoàn nhanh chóng tiến xuống Tích Tường, Gia Long, La Vang gặp tiểu đoàn 11 dù ngụy vừa hành quân đến. Ta kịp thời nổ súng đánh thẳng vào sở chỉ huy tiểu đoàn địch. Trận đánh diễn ra quyết liệt khoảng một giờ ở khu đồi phi lao làng La Vang hạ, buộc địch phải rút lui. Địa bàn đứng chân của trung đoàn 102 đã có thế vững chắc.

        Theo hành lang ven sông Thạch Hãn từ miền tây xuống vừa được mở, trung đoàn 88 (20-7) đã từ động Ông Do tiến xuống Tích Tường, cầu Sắt, vùng đất tiếp giáp với khu vực nam thị xã Quảng Trị .

        Cách vài ngày sau, trung đoàn 36 hành quân xuyên rừng, từ Thượng Nguyên vượt qua sông Nhùng tiến tới trụ ở Phú Long, Tân Téo.

        Lúc tôi đang tiếp xúc với cán bộ chỉ huy và cơ quan của sư đoàn để tìm hiểu tình hình cũng là lúc toàn sư đoàn trụ trên dải đất hẹp ở ven sông Thạch Hãn, đang chiến đấu quyết liệt với quân dù và thuỷ quân lục chiến là hai sắc lính tinh nhuệ nhất của ngụy.

        Lúc này lực lượng của toàn mặt trận gồm các sư đoàn 320, 304 và 308, hầu như đấu lưng với nhau để giữ vững khu vực Thành Cổ - Quảng Trị. Giữ một đống gạch vụn, không dân, không có ý nghĩa gì về chiến thuật, chiến lược quân sự, nhưng lại rất có ý nghĩa chính trị trên bàn ngoại giao ở Pa-ri.

        Nắm tình hình đơn vị xong, đêm hôm ấy tôi trao đổi suy nghĩ của mình về chủ trương của mặt trận (28-6) "chuyển từ tấn công sang chiến dịch phản công tiêu diệt địch giữ vững vùng giải phóng. Đánh bại cuộc hành quân của địch, phát triển tấn công vào thời cơ có lợi".

        Tôi đặt câu hỏi: tại sao ta từ tấn công lại chuyển sang phản công?

         Tôi liên tưởng tới chiến dịch Cánh Đồng chum, chỉ khác ở đây về quy mô và cường độ, còn cái ruột diễn biến, gần giống nhau. Cũng lúc đầu chiến thắng ào ạt, tiến rất nhanh vào hậu phương địch bỏ trống vùng mình vừa giải phóng. Lực lượng của ta xa hậu phương đánh liên tục không kịp bổ sung, càng chiến đấu càng yếu. Địch có phương tiện cơ động nhanh. Sau cú đầu choáng váng chúng đã hồi phục, liền cơ động về phía sau ta, và chiếm lại vùng đã mất. Đáng lý với lực lượng chừng ấy ta chỉ phát triển tới sông Mỹ Chánh, dừng lại chuyển sang củng cố khu vực đã chiếm.

        Trước mắt quân ta lúc này là sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ và sư đoàn bộ binh số 1 nguy, được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh của không quân và pháo của hạm đội 7 Mỹ. Về phía ta, sư đoàn 308 đã mất sức chiến đấu, quân số của một đại đội chỉ còn 20 đến 30 người là cùng. Gạo, đạn tiếp tế kiểu ăn đong. Tôi nhớ, ngay lúc tới đây đã nghe cán bộ hậu cần phàn nàn: "Hậu cần mặt trận tiếp cho sư đoàn một số đạn pháo 105, hậu cần của "304" đã nẫng tay trên". Các sư đoàn 304 và 320, tình hình chung không khác gì sư đoàn 308.

        Sự so sánh này rõ ràng là địch "ăn hiếp" ta. Tôi còn gợi ý: ta có nên chuyển vào phòng ngự chăng?

        Tất cả sự đánh giá tình hình, anh Hồng Sơn đều đồng ý nhưng tới việc chuyển vào phòng ngự, anh im lặng không tỏ thái độ.

        Ngày hôm sau tôi lại mang nội dung ấy để trao đổi với chính ủy Hùng Phong, khi tôi nói "nên chuyển sang phòng ngự", Hùng Phong không nhất trí.

        Khoảng hơn 11 giờ khuya tôi cầm tổ hợp định gọi chủ nhiệm trinh sát, nghe thấy có người vừa nhắc tên mình, tôi lắng nghe xem chuyện gì. Tôi nghe rõ tiếng Hùng Phong đang nói với người phía đầu dây bên kia là đại tá Lê Tự Đồng.

        - Vâng - Hùng Phong nói - anh Hữu An tỏ ra không thông với chủ trương của Quân ủy Trung ương, nhất là ở thời điểm này... Dạ ... ý của anh ấy muốn chuyển sang phòng ngự.

        Anh Lê Tự Đồng nói:

        - Tôi đã cùng anh An sống với nhau ở một đơn vị. Anh ấy là người chỉ huy có trình độ vững vàng, mọi ý kiến đều có suy nghĩ với tinh thần trách nhiệm. Theo tôi, ý kiến của anh ấy, ta phải lắng nghe và trân trọng nghiên cứu.

        Nghe tới đó tôi đặt tổ hợp xuống, và suy nghĩ về những điều mình vừa tình cờ nghe được. Ngay sáng hôm sau tôi nói thẳng với Hùng Phong điều mình nghĩ:

        - Tớ tình cờ nghe được - tôi nói - chuyện đêm qua cậu phản ảnh với cấp trên. Vấn đề đó để mình suy nghĩ tiếp, tự mình sẽ làm báo cáo lên trên.

        Sau đó một tuần tôi đã báo cáo cho anh Song Hào những đánh giá tình hình của tôi và kiến nghị; tôi biết anh Song Hào có đưa báo cáo của tôi cho cơ quan nghiên cứu và báo cáo lại với anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 11:56:30 am »

     
3

        Hàng nửa tháng liền, không mấy ngày được nắng ráo; nhiều trận mưa kéo dài, trong hầm hào lúc nào cũng ngập ngụa bún nước. Sư đoàn tôi vẫn giữ vững tuyến ngã ba Long Hưng, khu tam giác Đệ Ngũ, đồn Gia Long, La Vang, Phước Môn, Tân Téo, Như Lệ, Tích Tường. Ngày đêm bom B.52, pháo mặt đất, pháo hạm của địch dội xuống ác liệt. Anh em phải chiến đấu liên tục, không có thời gian làm công sự, phần lớn các phân đội mới làm được hố bắn và chiến hào ngắt quãng. Công sự mỏng yếu nên số thương vong vì bom, pháo tăng lên. Chiến đấu kéo dài liên tục trong ác hệt và mưa gió lầy lội, nên sức khỏe bộ đội giảm sút, ảnh hưởng nhiều tới sức chiến đấu. Tôi nhắc các đơn vị trong nhiệm vụ "phản công" phải chú ý các trận địa chốt và lực lượng dự bị phải có công sự chống đỡ được bom pháo địch, ý muốn nói phòng ngự giữ địa bàn nhưng không hề đả động đến hai chữ “phòng ngự”... Nhiều cán bộ chỉ huy không thông với lệnh "phản công" và cho rằng: dừng lại phòng ngự thì giữ được đất và đỡ thương vong, nhưng họ sợ nói ra điều đó lúc này sẽ bị "quy chụp" cho là "dao động không có tư tưởng tiến công“.

        Trong đầu tôi không ngày nào dứt ra khỏi câu hỏi: “Tại sao khi ta thất thế trong tấn công, không chuyển sang phòng ngự? Tại sao lại phản công...?".

        Một đêm, đã khuya lắm rồi, tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhấc ống nghe và áp vào tai, nghe tiếng Nghi Lộc chọ chẹ của đại tá Hoàng Đan trong máy, tôi rất mừng. Trong lúc này có bạn tri kỷ để tâm sự, còn gì quý bằng, nhất là gặp cây tiếu lâm này chắc sẽ có nhiều chuyện vui.

        Hoàng Đan hỏi:

        - Có thiếu thốn gì không? Chắc đi đường tới đây thì mọi thứ cạn láng rồi phải không? Thiếu đường, thuốc lá mình gửi cho.

        Tôi nói vui:

        - Ở đây cái gì cũng thiếu. Có hảo tâm, cứ viện trợ đừng hỏi.

        - Ông vào đây cả tuần rồi, đã hiểu chiến thuật Quảng Trị chưa?

        - Chiến thuật gì?

        - Chiến thuật "ba chưa, một ngay".

        - Thế là cái gì, mình chưa biết.

        - Ba chưa là: thứ nhất, chưa nắm được địch; thứ hai, chưa nắm được địa hình; ba là, chưa có quân bổ sung, chưa có gạo, đạn. Còn một ngay, nghĩa là '"phải đánh ngay“.

        Tôi cười to sảng khoái:

        - Nghe cái chiến thuật lạ tai đấy.

        Sau vài câu nói vui, chúng tôi trao đổi vào công việc nghiêm túc. Tôi hiểu ý Hoang Đan cũng chưa thông với tư tưởng “phản công" vào lúc này.

        Vài tối sau vào giờ khuya, Hoàng Đan lại gọi điện nói chuyện với tôi. Anh tỏ thái độ tâm đắc việc đánh giá tình hình, và chọn cách đánh của tôi nói chuyện lần trước. Anh nói:

        - Tình hình này rõ ràng là địch đã giành được quyền chủ động, chúng đang uy hiếp ta, ta chuyển sang phản công tiêu diệt địch là điều hơi khó. Nếu ta chuyển hẳn sang phòng ngự chặn đứng được địch, giữ vững được vùng giải phóng là giỏi rồi. Mình thấy cán bộ trong sư đoàn cũng có ý nghĩ ấy, nhưng không dám nói.

        Tôi tỏ ra vui mừng vì Hoàng Đan đã cho tôi lượng thông tin có ích. Tôi nói:

        - Mình cân nhắc thêm. Thế nào mình cũng sẽ điện lên trên những suy nghĩ đã trao đổi với nhau.

        Ngay hôm sau tôi bắt tay viết bức điện gửi ra Cục tác chiến, nhờ đại tá Cục trưởng Vũ Lăng chuyển cho đại tướng Võ Nguyên Giáp (đồng gửi B5). Nội dung bức điện đó có đoạn viết: “Tôi thấy nó giống chiến dịch “Z”… Chỉ khác không gian, thời gian, quy mô và cường độ. Tôi thấy không nên ham tấn công mà nên chuyển vào phòng ngự. Ở đây công tác chỉ đạo, chỉ huy vẫn ham tấn công và phản công, trong tình thế địch mạnh hơn đang ăn hiếp ta; lực lượng ta đã suy giảm và đang rơi vào bị động. Tôi nghĩ rằng: sức ta yếu hơn địch, ta chuyển vào phòng ngự là cần thiết. Nhưng ở đây hễ nói tới phòng ngự thì cấp trên lại cho rằng đó là tư tưởng hèn nhát thụ động, như vậy là không đúng với tình hình thực tế. Đề nghị với Bộ quyết tâm dứt khoát chuyển vào phòng ngự. Tình hình này ta muốn tiêu diệt gọn một tiểu đội, một trung đội cũng khó”.

        Sau Hiệp định Pa-ri tôi về Hà Nội, ghé thăm anh Văn. Nói lại chuyện gay go giữ thành Quảng Trị, anh Văn thân mật hỏi:

        - Nếu tôi cho cậu chuyển sang phòng ngự, cậu có giữ được không?

        Tôi nói:

        - 100% thì không được, chứ 90% đến 95% có thể bảo đảm giữ được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:01:03 pm »


4

        Tôi tìm hiểu tình hình ta trong Thành Cổ. Phương thức tác chiến không dứt khoát, theo lệnh “phản công tiêu diệt sinh lực địch” để giữ thành, nên không có công sự trận địa phòng ngự chu đáo. Hỏa lực của địch gồm hàng trăm nòng pháo, hàng ngày trung bình 35 đến 40 lần chiếc B.52 bắn phá, thả bom, chủ yếu gây thương vong cho ta trong Thành Cổ. Quân số chiến đấu của ta trong Thành Cổ mỗi ngày tiêu hao không ít. Nhiều chiến sĩ đưa vào bổ sung, chưa kịp biết mặt cán bộ phân đội của mình đã thương vong hoặc mất sức chiến đấu.

        Các trung đoàn của sư đoàn 308 vẫn kiên cường trụ vững ở ngã ba Long Hưng, khu tam giác Đệ Ngũ, đồn Gia Long, La Vang, Phước Môn, Tân Téo, Như Lệ, Tích Tường phối hợp chặt với sư đoàn 320 giữ Thành Cổ - Quảng Trị, hàng ngày chiến đấu giành giật với địch từng tấc đất. Nơi quyết liệt nhất là Tích Tường, Như Lệ.

        Tích Tường, Như Lệ là hai làng lớn sát nhau, tựa lưng vào sông Thạch Hãn, phân chia bởi con suối nhỏ gọi là khe Như Lệ chảy từ động Ông Do tới. Con đường ô tô từ Quảng Trị tới đây đã bị bom Mỹ đánh sập. Dựa vào địa hình có lợi của đồi Chè, đồi Cháy, đồi Cây Mít, đồi “Thám báo” ở sát làng Như Lệ, anh em bố trí đội hình phòng ngự, nhìn ra một cánh đồng, xa hơn một chút là khu đồi Phước Môn. Khi suối Như Lệ ít nước, xe tăng có thể cơ động từ Phước Môn tới đây.

        Tích Tường nhìn ra phía trước là cánh đồng hẹp nối với dải đồi thấp bốn mỏm, gọi là đồi Cây Dừa. Bên phải đồi Cây Dừa là hồ Tích Tường, tiếp giáp hồ là một cánh đồng hẹp nữa.

        Nhận nhiệm vụ xây dựng cụm trận địa “chốt” thực chất là phòng ngự ở địa hình nói trên, trung đoàn 36 đã đứng ở một “điểm nóng" của toàn mặt trận. Đây là một địa bàn có ý nghĩa chiến thuật quan trọng. Địch muốn lấn chiếm vùng giải phóng phía tây và Thành Cổ phải qua nơi đây. Ngay từ lúc đưa quân tới đây trung đoàn 36 đã chịu đựng sức ép của địch, của địa hình thực tế hết sức nặng nề. Lữ dù 2 ngụy mạnh và đông hơn đã chiếm các đồi cao hơn khống chế ba phía, còn phía sau lưng trung đoàn 36 là sông Thạch Hãn nước lũ dâng cao.

        Địch hạ quyết tâm chiếm thị xã Quảng Trị, kế hoạch sẽ thực hiện từ 17 tháng 9 đến ngày 3 tháng 11 phải hoàn thành.

        Ngày 19 tháng 9 tiểu đoàn dù 1 ngụy mở màn cuộc tiến công, có xe tăng và phi pháo yểm hộ đánh từ đồn Gia Long xuống cụm “chốt” đồi Cây Đùa, đồi bốn mỏm ven hồ Tích Tường. Mờ sáng pháo của chúng bắn dồn dập nhằm che tiếng động cơ xe tăng và yểm hộ cho bộ binh tiến vào đồi Cây Dừa. Đại đội 10 chốt tại đây đã kịp thời phát hiện, tiêu diệt 20 tên và phá hủy một xe tăng. Bọn còn lại phải tháo chạy.

        Chín giờ, tiểu đoàn dù 1 tăng cường một đại đội tiếp tục tiến công một đợt nữa, lại bị đại đội 10 đẩy lùi.

        Khoảng hai giờ chiều máy bay, pháo binh của địch oanh tạc dữ dội vào "chốt" Cây Dừa, đồng thời xe tăng bộ binh địch cho triển khai vào vị trí xung phong. Nắm chắc thủ đoạn của địch đại đội 10 sử dụng hai tổ có trang bị mạnh do trung đội trưởng Chung chỉ huy, lợi dụng khói bom bí mật vận động lên "chốt phụ" phía sườn địch. Xe tăng và bộ binh địch đang lò dò chậm chạp, bất thần bị đánh vào sườn. Chúng hoảng hốt dừng lại đối phó.

        Trong ngày, ba lần tấn công của tiểu đoàn dù 1 đều thất bại. Không thực hiện được lấn đất bằng bộ binh, chúng lại sử dụng bài vở quen thuộc. Pháo binh, không quân của địch không ngừng bắn phá trên dải đất hẹp của sư đoàn đang chốt giữ.

        Trong mấy ngày đó anh Đào Sung phó tư lệnh sư đoàn xuống trực tiếp chỉ huy trung đoàn 36 và 88. Anh Sung nói với tôi qua điện thoại: “Bom pháo của chúng đánh tan nát hết cả công sự. Sở chỉ huy không biết đặt chỗ nào để có thể yên ổn lấy vài phút”.

        Ngày 22 tháng 9 địch mở cuộc hành quân đánh chiếm điểm cao 367, động Ông Do, Tích Tường, Như Lệ. Cuộc chiến rất quyết liệt, hàng ngày nhiều trận đánh diễn ra giành giật nhau từng tấc đất.

        Tới ngày 3 tháng 11 địch chiếm được điểm cao 367, uy hiếp động Ông Do. Sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn. Lữ dù 2 đã chiếm được Gia Long, La Vang, Tân Téo, chúng liên tục tấn công vào Tích Tường, Như Lệ hòng đẩy ta qua bờ bắc sông Thạch Hãn trước khi có Hiệp định Pa-ri. Các phân đội của trung đoàn 36 rất kiên cường mưu trí đã đẩy lùi tất cả các đợt tấn công của lữ dù 2.

        Tôi nhớ ngày 20 tháng 11 diễn ra một trận đánh hết sức quyết liệt ở Tích Tường. Hầu hết công sự trên trận địa chốt của ta bị bom, pháo và mưa lũ san bằng, anh em nằm trơ trên các gờ đất được ngụy trang bằng những cành cây khô. Điển hình nhất là trận địa chốt của đại đội 1, do đại đội phó Trần Minh Tuân chỉ huy. Một đại đội lính dù ngụy bì bõm tiến vào một "chốt phụ" của đại đội 1. Ở chốt này có năm người đã bị thương mất ba, còn lại hai chiến sĩ vẫn dũng cảm nổ súng chặn địch. Thấy "chốt phụ" bị uy hiếp, từ "chốt chính" đại đội phó Tuân dẫn bốn chiến sĩ sang chi viện. Vừa ra khỏi chốt đã bị thương bốn người, chỉ còn một mình, Tuân vẫn dũng mãnh lao lên. Anh đã cùng với một chiến sĩ còn lại của "chốt phụ” linh hoạt sử dụng các loại vũ khí của những người hy sinh và bị thương để lại. Lúc bắn trung liên, bắn tiểu liên, lúc bắn B.40... họ đã đẩy lùi hàng chục đợt xung phong của đại đội địch. Cuối cùng hai dũng sỹ đó đã kết hợp cùng trận địa cối của tiểu đoàn, của trung đoàn và các trận địa chốt của các đơn vị bạn, đánh bật cuộc tiến công của tiểu đoàn dù 9 ra khỏi làng Tích Tường, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

        Tôi đã gọi điện thoại biểu dương Trần Minh Tuân và phổ biến kinh nghiệm giữ chốt của Tuân tới các đơn vị khác.

        Một lần tôi tới làng Như Lệ, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 dẫn tôi đi xem trận địa. Qua khu vực nhà cửa bị cháy trụi, đổ nát không còn hình dung được thôn xóm cũ, chúng tôi chui qua một đoạn đường hầm, tới đầu làng nhìn chếch về phía sau thấy tên lính ngụy vận đồ rằn ri đang đứng gác. Tôi hỏi anh tiểu đoàn phó:

        - Sao lại có thằng ngụy gác ở đó?

        - Báo cáo nó vừa lấn ra đó.

        - Các cậu đưa mình đi thế này không sợ nó bắn tỉa à?

        - Thủ trưởng yên trí. Tôi đã bố trí những tay thiện xạ, nếu nó định giở trò gì là anh em "phơ” luôn.

        Tôi thầm khen cán bộ, chiến sĩ dưới quyền mình. Họ xứng đáng được Đảng và nhân dân gửi gắm niềm tin cậy.

        Khi ở sở chỉ huy nghe báo cáo các chốt ở Tích Tường, Như Lệ ta vẫn giữ vững, tôi nghĩ làng Như Lệ vẫn thuộc về ta; đến đây thấy làng Như Lệ dài hàng cây số, địch đã lấn ra cắt một đoạn ở sát bờ sông.

        Qua kiểm tra các trung đoàn, nhiều chiến sĩ giữ tiểu liên chỉ còn một băng đạn, nhiều khẩu cối 82 chỉ còn một, hai quả đạn. Phần lớn các đại đội quân số chỉ còn 15 đến 20 người. Bộ đội phải chiến đấu liên tục kéo dài không được nghỉ ngơi, anh em nói đùa chua chát "chiến dịch gì mà chó đẻ hai lứa vẫn không dứt…”. Sức khỏe của bộ đội giảm sút rõ rệt. Lúc này (tháng 11 năm 1972) sư đoàn 312 đã vào. Tôi đề nghị với Bộ chỉ huy Mặt trận cho sư đoàn 308 rút về phía sau củng cố.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 12:03:20 pm »


5

        Tôi nhận lệnh của Bộ về làm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Mặt trận Trị - Thiên (trong bộ tư lệnh có các anh Cao Văn Khánh tư lệnh trưởng, đại tá Lê Tự Đồng chính ủy, đại tá Hoàng Văn Thái phó tư lệnh chung) vào thời điểm có nhiều sự kiện không lấy gì làm vui. Sau gần ba tháng chiến đấu đẫm máu để giữ Thành Cổ Quảng Trị cuối cùng ta phải rời nó (ngày 16-9) trở về phía bắc sông Thạch Hãn. Ngày 22 tháng 9 địch mở cuộc hành quân “Lam Sơn - 72A” được các pháo hạm, B.52 của Mỹ yểm trợ với mục tiêu chiếm lại toàn bộ vùng đất Quảng Trị ta vừa giải phóng.

        Ngay sau khi rời Thành Cổ đã có chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giải thích "đại ý”: Ta rút lui khỏi thị xã Quảng Trị là cuộc rút lui có tính chiến thuật... Phương hướng chung nhiệm vụ sắp tới tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, giam chân phần lớn lực lượng cơ động của chúng, giữ vững và cải thiện thế trận của ta, bao vây chia cắt địch củng cố hậu phương chiến dịch, vừa tác chiến vừa chấn chỉnh lực tượng.

        Quân ta được động viên giáo dục rằng: bằng mọi giá giữ thị xã Quảng Trị để phục vụ cho Hiệp nghị Pa-ri, mà bây giờ phải rời bỏ nó, khó tránh khỏi tâm trạng hụt hẫng. Giữa lúc đó địch mở cuộc hành quân “Lam Sơn - 72A" lấn ra phía tây Quảng Trị.

        Trong bộ tư lệnh chúng tôi quyết định nhanh chóng điều chỉnh lại đội hình của toàn mặt trận, chia làm bốn khu vực: một là, phía tây bắc Mỹ Chánh đến sông Thạch Hãn; hai là, phía đông Thành Cổ - Quảng Trị kéo ra đến bờ biển; ba là, khu giữa (Ái Tử, Đông Hà); bốn là, sau lưng địch. Khu giữa là khu phòng ngự chủ yếu.

        Hình thức tác chiến: chốt giữ vững các trận địa kết hợp với vận động phản kích bảo vệ vững chắc từng khu vực; đánh nhỏ rộng khắp tiêu hao lực lượng địch; tổ chức những trận đánh tiêu diệt từng đại đội, từng tiểu đoàn địch; đẩy mạnh đánh sau lưng địch.

        Muốn nói gì thì nói, thực chất hình thái tác chiến của Mặt trận Trị - Thiên thời kỳ này là phòng ngự, nhưng mọi người ngại nói hoặc sợ nói tới từ “phòng ngự” có lẽ bởi đã in dấu rất đậm trong đầu mọi người rằng "Cách mạng chỉ có tiến công” do đó ai nói tới phòng ngự, dễ bị chụp mũ là "tư tưởng tiêu cực". Tôi cũng như một số cán bộ chỉ huy ở đây hiểu phòng ngự, hay tấn công là hai phương thức chủ yếu của chiến tranh, nó được mang ý nghĩa tư tưởng nào đó (tích cực hay tiêu cực) là do người chỉ đạo chiến tranh hoặc người chỉ huy có sử dụng nó đúng chỗ không?... Nhưng lúc đó chẳng ai có thời gian tranh luận và thật ra cũng ngại nói tới vấn đề này. Chúng tôi không nói tới phòng ngự, nhưng vẫn chỉ đạo cho các đơn vị làm trận địa có hệ thống công sự liên hoàn, cách cơ động phản kích giữ trận địa v.v... tất cả mọi việc của chiến thuật phòng ngự. Dù không nói, cấp dưới vẫn phái phòng ngự vì nhiệm vụ giao cho họ là phải giữ trận địa, mất họ sẽ bị kỷ luật.

        Phần lớn các trận đánh ngăn chặn địch lấn đất, các đơn vị đã dựa vào công sự trận địa chuẩn bị từ trước, do đó ta dùng lực lượng nhỏ vẫn hạn chế được bước tiến của địch.

        Cuộc hành quân lấn chiếm phía tây của sư đoàn dù suốt từ 22 tháng 9 đến ngày 3 tháng 11, giằng đi giật lại với sư đoàn 312 của ta từng tấc đất, cuối cùng chúng chỉ chiếm được điểm cao 367 uy hiếp động Ông Do.

        Trong lúc địch, ta chiến đấu giành giật quyết liệt ở xung quanh chân động Ông Do, chúng lại tập trung quân mở cuộc hành quân mang tên “Sóng thần - 9" (đến 1-11) nhằm vào Nhan Biều, Ái Tử. Phát hiện sớm âm mưu của địch, chúng ta đã dùng pháo bắn phá nơi tập trung quân chuẩn bị xuất phát tiến công của chúng. Cuộc hành quân "Sóng thần - 9" đã bị phá vỡ từ trong trứng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 08:50:33 pm »

       
6

        Mùa mưa lụt lội gây ra trăm thứ khó khăn. Trong các chiến hào lúc nào cũng sóng sánh nước, bùn. Một vài giờ không tát nước ra, là ngập vào hầm trú ẩn, không còn chỗ nào để nghỉ ngơi. Pháo của địch vẫn bắn, bom vẫn rải suốt ngày đêm. Có đơn vị bị lụt lội không còn chỗ nấu cơm, mấy ngày liền phải ăn lương khô. Con sông, con suối nước lũ chảy lồng lên như ngựa phi, tạo ra sự chia cắt giữa khu vực này với khu vực khác, làm cho việc tiếp tế vận tải thêm tốn công, tốn sức mà vẫn không đáp ứng kịp yêu cầu của đơn vị. Anh em phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng cực khổ đói rét, bẩn thỉu và bệnh tật, nhưng quyết tâm chiến đấu không hề suy giảm. Ở phía tây lực lượng ta với địch xen kẽ quần nhau dưới sườn động Ông Do. Ở phía đông sư đoàn 320, trung đoàn 101 và trung đoàn 27 liên tục đánh ngăn chặn, không để địch lấn thêm dù chỉ là một tấc đất. Tình hình đó kéo dài tới khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Tôi nhớ, trước hiệp định ký kết ít ngày, Bộ tư lệnh chiến trường Trị - Thiên có thay đổi về nhân sự. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn làm tư lệnh (anh Trần Quý Hai yếu về nghỉ), trung tướng Song Hào chính ủy; đại tá Cao Văn Khánh, đại tá Doãn Tuế và đại tá Hoàng Văn Thái phó tư lệnh (số cấp phó cũ trong bộ tư lệnh không thay đổi); đại tá Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi là phó chính ủy.

        Bộ tư lệnh chúng tôi họp bàn công việc trước khi có ngừng bắn. Tôi báo cáo tóm tắt tình hình chung. Về địch, qua tin tình báo ta nắm được, chúng chuẩn bị mở những cuộc hành quân "Hỏa Sơn”, “Kinh Hoàng" để lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Mục tiêu lấn chiếm có thể là Ái Tử hoặc Cửa Việt. Tình hình ta, quân số chỉ còn 30% đến 50%, chưa kịp bổ sung, tư tưởng bộ đội muốn nghỉ ngơi, hy vọng mình được bình yên qua Hiệp định Pa- ri ra quân về sum họp gia đình. Việc tiếp tế gạo, đạn vẫn ở tình trạng “ăn đong”. Việc bố trí đội hình: sư đoàn 312 ở cánh tây đang giằng co với địch ở chân động Ông Do. Ở cánh đông có sư đoàn 320, sư đoàn 304 và hai trung đoàn địa phương 27 và 101. Tôi vừa xuống cánh đông ba ngày cùng với các sư đoàn 304, 320 chuẩn bị phương án ngăn chặn địch.

        Tôi báo cáo xong, có cử tọa phát biểu: ta nên tranh thủ đánh trước khi chúng thực hiện kế hoạch "Hỏa Sơn”, giao cho sư đoàn 320 đánh chiếm chợ Sãi để mở thêm vùng giải phóng.

        Tôi nói:

        - Nên tập trung vào đối phó với kế hoạch “Hỏa Sơn” của chúng, không nên tấn công chợ Sãi vì nó không có giá trị gì về chiến thuật.

        Trong bộ tư lệnh có đồng chí cắt ngang ý kiến của tôi:

        - Giờ phút này còn ngồi đó phòng ngự sao? Tất cả các nơi người ta tranh thủ mở rộng vùng giải phóng.

        Thấy không khí tháo luận căng thẳng, anh Song Hào đề nghị cuộc họp nghỉ mười phút.

        Tôi lặng người đi vì bị xúc phạm. Giờ nghỉ cũng trao đổi vấn đề ấy nhưng mọi người nói với tôi bằng thái độ ôn hòa hơn.

        Sau cuộc họp nói trên một tuần, trong lúc ta chuẩn bị tấn công chợ Sãi, có tin của tình báo từ vùng địch báo cáo ra (26-1): địch tập trung 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn, 4 tiểu đoàn pháo, 4 tàu chiến (LCU) tổ chức thành lữ đoàn đặc nhiệm lấy khu vực Long Quang, Bồ Xuyên và Cảng Ngụy theo dọc bờ biển là hướng đột phá; hướng vu hồi vào khu vực Thanh Hội, Gia Đẳng và Cảng Mỹ.

        Bộ tư lệnh Mặt trận lập tức điện cho sư đoàn 320 hủy bỏ lệnh tấn công vào chợ Sãi và ra lệnh cho các đơn vị "cánh đông" sẵn sàng tiêu diệt cánh quân địch tiến ra Cửa Việt.

        Lúc này đội hình chiến đấu của cánh đông gồm: trung đoàn 27 (trực thuộc mặt trận) ở khu vực Nại Cửu, An Tiên; trung đoàn 64 (320) ở khu vực An Lộng, Bồ Liên, Văn Hoa; trung đoàn 48 (320) ở khu vực Long Quang; trung đoàn 101 (325) ở khu vực Lệ Xuyên, Gia Đẳng. Lực lượng dự bị của cánh đông nằm ở Gio Cam gồm các trung đoàn 102, 88 (308), 52 (320). Quân số mỗi trung đoàn này nếu dồn lại theo quân số biên chế cũng được hơn một tiểu đoàn, vì vậy nhiệm vụ của nó vừa sẵn sàng chiến đấu vừa phải củng cố tổ chức.

        Nhận được lệnh của mặt trận đêm 27, tư lệnh "cánh đông" đã giao ngay nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị dưới quyền, đồng thời xin mặt trận tăng cường cho một tiểu đoàn tên lửa chống tăng B.72, một tiểu đoàn pháo chống tăng và một đại đội tăng T.54.

        Khoảng một giờ sáng ngày 27, lợi dụng lúc thủy triều xuống, lúc gió bấc mưa phùn và ồn ào sóng biển, xe tăng và bộ binh địch tiến theo hướng cửa Việt.

        Một phân đội của trung đoàn 101 đã phát hiện địch ở ngoài tầm bắn, nên anh em không nổ súng. Chiếc thiết giáp PT.85 của ta ở gần đó đã bắn cháy 3 thiết giáp của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2016, 08:51:18 pm »


        Khi trời sáng một phân đội nhỏ của hải quân ta phát hiện địch, anh em đã chiến đấu rất kiên cường buộc chúng phải dừng lại cách Cảng Mỹ 500 mét. Tới lúc này lực lượng, hướng tiến của địch mới bộc lộ hoàn toàn. Trước mặt trung đoàn 48 có khoảng hai tiểu đoàn và hơn 30 xe tăng; trước mặt trung đoàn 101 cũng có lực lượng địch tương tự. Kể cả lực lượng dự bị, tổng cộng lực lượng địch ra phản kích có khoảng 5 tiểu đoàn và 150 xe tăng thiết giáp (M.48, M.41, M.113). Trong quá trình tiến quân chúng đã dùng 29 lần chiếc B.52, 100 lần/chiếc máy bay phản lực, hơn 100 khẩu pháo và 9 khu trục hạm bắn phá vào trận địa ta1.

        Tất cả các cánh quân của địch đều bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Tới khoảng 10 giờ cả bốn tiểu đoàn thê đội 1 của địch bị đánh thiệt hại nặng. Mũi tiến sâu nhất của địch vẫn phải dừng trước Cảng Mỹ 500 mét. Đội hình địch có triệu chứng nổi loạn, trên sóng vô tuyến địch bỏ mật ngữ và tiếng lóng, giữa pháo binh bộ binh chửi nhau văng tục loạn xạ.

        Cùng thời điểm ấy cánh đông của ta cũng lộn xộn không kém. Trung đoàn 101 báo cáo: "Quân tôi đã giáp với quân địch. Địch đã cắm cờ không thể bắn được nữa". Chỉ huy cánh đông chỉ còn cách kêu trời, không sao hiểu nổi điều gì đang diễn ra ở phía trước. Sau trận đánh mới biết rõ khoảng 12 giờ giữa lúc hai bên đang nổ súng, bỗng nhiên địch cắm cờ và tiếng loa rất to: “Đã đến giờ Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, tất cả hai bên ngừng bắn”. Tiếng hô ấy có hiệu quả thực sự, giống như ta vặn công tắc cái đài cát-sét vậy, "tách" một cái là mọi âm thanh im tắp lự. Không thể tưởng tượng nổi, sau tiếng hô ấy, nơi đang diễn ra trận chiến nóng bỏng nhất không còn một tiếng nổ nào nữa. Lính ngụy mang rượu, thuốc lá ra mời bộ đội ta. Hai kẻ thù giáp mặt nhau liên hoan mừng hòa bình.

        Đứng trước tình huống đặc biệt đó, tư lệnh cánh đông tỏ ra lúng túng.

        Sở dĩ địch chọc thủng tuyến phòng ngự cánh đông và bộ chỉ huy cánh đông có sự lúng túng như vậy là do nắm địch tại chỗ còn yếu, pháo và B.52 tập trung lớn gây khó khăn cho ta từ đầu. Do chuẩn bị tấn công chợ Sãi nên phân tán việc đối phó lấn chiếm. Do phổ biến Hiệp định Pa-ri quá muộn (sáng ký đêm mới phổ biến), đáng ra phổ biến sớm để chuẩn bị tư tưởng anh em được kỹ hơn.

        Thấy bộ chỉ huy cánh đông tỏ ra chậm chạp lúng túng, anh Lê Trọng Tấn phân công anh Cao Văn Khánh xuống tăng cường chỉ huy. Anh Tấn căn dặn: chính chúng đã phản bội hiệp định trước. Không có hòa hợp dân tộc gì ở chỗ này, “phải đánh ngay không được dừng lại”. Tinh thần chỉ thị ấy của anh Tấn đồng thời được điện xuống sở chỉ huy cánh đông, nhưng trong ngày 27 các đơn vị vẫn chưa tổ chức thực hiện được.

        Đêm ngày 27 địch dồn đội hình thành ba cụm. Cụm thứ nhất nằm phía nam Cảng Mỹ. Cụm thứ hai ở đông bắc Thanh Hội 500 mét. Cụm thứ ba ở nam Long Quảng. Lực lượng ở mỗi cụm trên dưới hai đại đội và hai mươi xe bọc thép.

        Suốt từ đêm 27 cho tới đêm 30, bộ tư lệnh chúng tôi hầu như thức trắng. Mọi người đều bận rộn lo lắng đến công việc điều động lực lượng và điều chỉnh đội hình ở phía trước. Cánh đông yêu cầu tăng cường một tiểu đoàn tăng T.54, một tiểu đoàn tên lửa chống tăng, một tiểu đoàn pháo chống tăng. Khó khăn nhất là cơ động lực lượng xe tăng, cách sông cách đò và đường sá lụt lội, dù cố gắng hết sức cũng khó có thể đáp ứng được mong muốn.

        Mãi một ngày sau bộ chỉ huy cánh đông mới báo cáo quyết tâm lên Bộ tư lệnh mặt trận. Nhiệm vụ các đơn vị được phân như sau: Hướng trung đoàn 48 phải đẩy địch về vị trí cũ. Trung đoàn 101 tiêu diệt địch tại chỗ, không cho địch tiến vào Cảng Mỹ. Trung đoàn 64 sẵn sàng tiến đánh địch ở Thành Hội. Tiểu đoàn pháo 85, tiểu đoàn tên lửa chống tăng B.72 tăng cường, bố trí phía bắc sông Cửa Việt sẽ nổ súng trước vào đội hình xe tăng của địch. Trung đoàn 24 (304) của mặt trận tăng cường, tấn công vào chính diện quân địch (trung đoàn 24 quân số chỉ còn một tiểu đoàn).

        Các đơn vị bộ binh theo nhiệm vụ được giao, đêm 30 tháng 1 năm 1973 sẽ bí mật tiếp cận tới khoảng cách an toàn của đạn pháo, dừng lại. Sau khi dứt pháo hỏa chuẩn bị, bộ binh lập tức xung phong, dùng hỏa lực bản thân tự yểm trợ và tiêu diệt địch.

        Lệnh nổ súng đúng 6 giờ 30 phút ngày 31 tháng 1 năm 1973. Hai phát tên lửa chống tăng thay pháo lệnh đã phá hủy một xe tăng địch. Liền theo đó các loại đạn pháo của ta dội liên hồi xuống trận địa của địch, riêng tiểu đoàn pháo chống tăng đã phá hủy 10 xe tăng của địch. Đại đội xe tăng chỉ có một chiếc tham chiến, được bộ binh dẫn đường đã dũng mãnh xông vào đội hình địch, liên tiếp phá hủy 3 xe tăng. Các đơn vị bộ binh xung phong tràn ngập vào trận địa các cụm địch, nhiều chỗ diễn ra đánh giáp lá cà, kéo dài mãi tới trưa mới kết thúc. Bọn địch phản kích định chiếm Cửa Việt đã bị tiêu diệt và bị bắt sống, còn rất ít tên chạy thoát.

-----------------------------
        1.  Theo lời khai của tù binh: dự tính hỏa lực mạnh như vậy, chúng sẽ sát thương khoảng 30% -50% lực lượng ta.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM