Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:19:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43309 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2016, 04:38:32 am »


11

        Hàng ngày, Tân trưởng ban tác chiến báo cáo với bộ tư lệnh sư đoàn những nét lớn phát triển của chiến dịch và tình hình của sư đoàn, rồi chúng tôi cùng chụm đầu suy nghĩ trên tấm bản đồ tác chiến.

        Lực lượng và thế trận giữa ta và địch được làm rõ trên bản đồ bằng các ký hiệu. Những lá cờ đỏ, chấm đỏ ở cả phía nam, phía bắc đường 9 - Nam Lào đang bao vây những lá cờ xanh và những dấu chấm xanh. Nhìn thế trận trên bản đồ đã thấy, nếu không muốn bị tiêu diệt thì Mỹ ngụy chỉ còn một cách: rút lui.

        Từ ngày 13 tháng 3 các đơn vị (trung đoàn 36, trung đoàn 64, một bộ phận trung đoàn 66 và một số binh chủng) được lệnh của Bộ tư lệnh Mặt trận áp sát Bản Đông, liên tục đánh ngày đêm bằng nhiều hình thức bao vây bắn tỉa, đánh tập kích vào hệ thống phòng thủ và cắt triệt để việc tiếp tế bằng đường không của địch; đồng thời sử dụng trung đoàn 24. Trung đoàn 102 đưa lực lượng cơ động áp sát đường 9 kiên quyết ngăn chặn tiêu diệt không cho địch chạy thoát cả người và xe.

        Từng ngày chúng tôi theo dõi và chỉ đạo hoạt động ở các chốt 351 và 311, nhất là chốt 311 đã phát huy tác dụng to lớn. Những điều đã ghi trong sổ nhật ký của Lê Việt Cường chính trị viên tiểu đoàn đã dũng cảm hy sinh vào ngày cuối chiến dịch càng chứng tỏ điều vừa nói.

        "Ngày 4 tháng 3 - trận đánh mở màn của tiểu đoàn diệt 11 xe tăng và xe vận tải.

        Ngày 5 tháng 3 đánh quân dù áp tải đi Tà Mây diệt gọn một đại đội bộ binh và một pháo đội.

        Ngày 6 tháng 3 bắt đầu những ngày ác liệt. Bom dội, pháo bắn lên chốt hàng giờ liền. Quy luật: một giờ nghỉ 15 phút. Trận địa vẫn đứng vững…

        Ngày 8 tháng 3 địch phản kích. Chốt vẫn đứng vững...

        Ngày 9 tháng 3 địch lại dùng máy bay oanh tạc. Lệnh đào hầm hào sâu rộng thêm.

        Ngày 10 tháng 3 địch cho xe chạy thử trên mặt đường. Chỉ có cối bắn.

        Ngày 11 tháng 3, một ngày bình thường.

        Ngày 12 tháng 3 địch đánh từ 6 giờ, đến 16 giờ chốt mới im tiếng súng. Cao xạ hạ một trực thăng. Khẩu đội trưởng súng 12,7 ly hy sinh thật oanh liệt.

        Ngày 13 tháng 3 địch lại oanh tạc. Cao xạ hạ một phản lực A.37. 17 giờ một đoàn xe địch chạy qua. Lệnh không cho chúng qua chốt. Bộ đội thực hiện nghiêm mệnh lệnh.

        Ngày 15 tháng 3 địch đưa bộ binh ra chiếm chốt. Ta diệt 15 tên.

        Ngày 18 tháng 3 địch vẫn lặp lại ngày hôm qua. Cao xạ hạ thêm trực thăng. Đại đội 7 xuống đường thay một bộ phận trên chốt”.

        Ghi tới đây Cường hy sinh. Cùng ngày 18 Bộ tư lệnh chiến dịch thông báo địch sẽ rút chạy.

        Đến ngày 21 tháng 3 địch phá vòng vây ở Bản Đông. Chúng chạy bộ theo đường rừng, một bộ phận chạy bằng cơ giới.

        Khoảng 60 xe các loại bị trung đoàn 24 đánh thiệt hại một số, còn lại đến chốt 311, chốt của trung đoàn 102 ngăn chặn, một số xe và bộ binh bị diệt, số còn lại bỏ xe chạy tản vào rừng (như tiểu đội trưởng Thơm đã kể).

        Tôi nhớ trong thư của Quân ủy Trung ương gửi các đơn vị tham gia chiến dịch đã xác định: "Nhất thiết phải đánh thắng trận này dù phải động viên sức người sức của, hy sinh như thế nào. Vì đây là trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược". Chúng tôi rất tự hào rằng đơn vị mình đã góp phần tích cực vào chiến thắng lớn lao ấy hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao.

        Trận đánh thắng "có ý nghĩa quyết định về chiến lược" này đã gây niềm vui mừng xúc động, và tăng thêm niềm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân dân hai miền. Gần cuối chiến dịch sư đoàn tôi nhận được hàng vạn lá thư từ hậu phương xa xôi gửi tới hoan nghênh cổ vũ tinh thần bộ đội.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu nhận định của Bộ Chính trị với chiến dịch: Ta đánh bại cuộc hành quân lớn kiểu "Việt Nam hoá chiến tranh” của lực lượng cơ động chiến lược tinh nhuệ của quân ngụy Sài Gòn với sự phối hợp của Mỹ bằng không quân, bằng các phương tiện cơ động ở phía trước và bằng lục quân ở phía sau. Thắng lợi của chúng ta còn là thắng lợi trong cuộc đọ sức rất quyết liệt giữa các lực lượng tinh nhuệ của nguy được Mỹ yểm trợ đọ sức với lực lượng dự bị chiến lược của miến Bắc. Trong cuộc đọ sức đó ta đã thắng to, địch đã thua to...

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Thắng lợi này là thắng lợi rực rỡ của đường lối chống Mỹ, cứu nước, của đường lối quân sự, của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, thắng lợi của sự chỉ đạo chiến lược, chiến thuật của Đảng ta trong điều kiện địch tiến hành "Việt Nam hoá chiến tranh". Thắng lợi của chiến dịch đường 9 – Nam Lào có ý nghĩa điển hình là chiến dịch tiêu diệt lớn nhằm đập tan về quân sự và chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ. Nó mang kiểu cách Việt Nam, nó phát triển một cách độc lập, sáng tạo trong cách đánh Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2016, 04:44:49 am »


IX

CHIẾN DỊCH "Z"


1

        Giữa cuộc họp của cán bộ cao cấp tổng kết chiến dịch đường 9 - Nam Lào, tôi đang chăm chú lắng nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu, ai đó giật áo, tôi ngoảnh sang thấy trung tướng Song Hào mỉm cười, khẽ hất hàm và nhét vào tay tôi một mảnh giấy. Tôi đọc lướt mấy dòng chữ nguệch ngoạc: "bị mất Cánh Đồng Chum rồi. Thường trực Quân ủy vừa họp quyết định anh sang Bộ chỉ huy 9591. Trước khi đi đến gặp anh Văn". Cái tin mới này không gây nỗi bất ngờ tới mức làm tôi phải xúc động, nhưng tư tưởng của tôi bỗng lạc về mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại ấy. Cánh Đồng Chum - nơi ấy, năm 1963 tôi đã sống cả năm trời. Với tư cách một cán bộ chỉ huy quân sự, tôi đã từng trèo lên đỉnh núi xung quanh nhìn xuống Cánh Đồng Chum phẳng phiu như một sân bóng khổng lồ ngút tầm mắt; tôi đã từng đi đi, lại lại trên lối mòn ngoằn ngoèo như ruột dê bên sườn Thẩm Lửng; tôi đã từng ngồi dưới bóng rừng dẻ, quả rụng đầy gốc, và nhìn lên chỏm cao nhất của Phu Theng Neng. Lúc đó thực chất là đi chuẩn bị chiến trường để phối hợp cùng bạn mở chiến dịch lấy lại Cánh Đồng Chum từ tay quân Coong Le và Phu Mi, nhưng tôi lại mang danh nghĩa làm cố vấn cho Quân khu Xiêng Khoảng. Những kỷ niệm của đời lính thời ấy, bây giờ trở thành niềm an ủi tôi trong chuyến đi sắp tới.

        Vài hôm sau tôi đến gặp anh Văn ở nhà riêng. Anh Văn nói sơ qua diễn biến chiến trường Cánh Đồng Chum rồi hỏi tôi:

        - Tôi đã chỉ thị cho Vũ Lăng đưa các điện từ Cánh Đồng Chum gửi về cho anh, anh đã đọc chưa?

        - Tôi chưa nhận được bức điện nào.

        Anh Văn hơi khó chịu:

        - Tại sao thế nhỉ? - Anh Văn lấy lại giọng bình tĩnh nói tiếp - Đã một lần chiến dịch Cù Kiệt2 ở đó ta mất bao nhiêu dân. Bây giờ anh sang tăng cường giúp anh Vũ Lập và cùng anh em lấy lại Cánh Đồng Chum.

        - Tôi xin hứa hết sức cố gắng.

        Anh Văn hỏi:

        - Từ đây sang đấy bao xa?

        - Mất chừng năm ngày.

        - Cố đi gấp rút bốn ngày thôi. Sang cho anh Lập về nghỉ một thời gian...

        Anh Văn tiễn tôi ra cửa, còn dặn với theo:

        - Mai vào Cục tác chiến… Tôi đã báo các cậu ấy chuẩn bị cho cả rồi.

        Sớm hôm sau tôi tới gặp Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng - cái ông bạn râu xồm ấy đã thay lời chào tôi bằng một câu chửi đệm:

        - Mẹ kiếp, cậu nói thế nào, để ông Văn "xạc" tao? Sao lại không nói "đọc rồi”.

        - À anh này là Cục trưởng tác chiến mà xui tôi nói dối Tổng tư lệnh. Lỡ ông ấy kiểm tra tôi, tôi nói thế nào.

        - Thôi chuyện đó cho xuống dòng. Bây giờ mày cần gì nào?

        - Mình vừa cho lái xe và y tá của mình đi phép. Bây giờ cho một cái xe tốt, mình phải đi gấp và cho cả lái xe, y tá nữa.

        Sốt rét rừng vẫn lẩn khuất trong cơ thể tôi, lúc này nó lại xuất hiện. Thấy mặt tôi tái nhợt (chắc thế) Vũ Lăng hỏi tôi:

        - Mày làm sao mà mặt mũi xám xịt thế kia?

        Lại một lần nữa tạm biệt vợ con để ra chiến trường. Chia tay lần này tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Vợ con tôi không phải ở cái chuồng chim nữa. Và những năm dài đầy khó khăn thử thách, Chi - vợ tôi đã tỏ ra một phụ nữ tần tảo và có nghị lực thay tôi nuôi dạy con cái khôn lớn.

        Tôi đi đúng bốn ngày đêm đến sở chỉ huy của 959. Đối với tôi bốn ngày đường, chẳng coi là đường xa, nhưng đang sốt cao vẫn phải leo đèo và bơi qua suối, nên đến nơi mệt mỏi quá, tưởng không gượng nổi.

-----------------------------
        1.  Mật danh Cánh Đồng Chum.

        2.  chiến dịch của bọn phản động Lào ra chiếm Cánh Đồng Chum lấy tên "Cù Kiệt".

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 05:57:29 am »


        Trong bộ chỉ huy lúc này gồm đại tá Vũ Lập tư lệnh trưởng, đại tá Huỳnh Đắc Hương chính ủy, đại tá Lê Linh phó chính ủy, đại tá Nam Hà phó tư lệnh, thượng tá Dũng Mã tham mưu trưởng. Người tiếp tôi là chính ủy Hương. Tôi và Hương cùng là cấp phó đã sống với nhau ở Tây Nguyên. Tính tình Hương vui vẻ cởi mở dễ gần. Hương thấy tôi sốt, anh bảo: “Hãy nằm nghỉ đừng đi đâu vội”. Nhưng dứt cơn sốt là tôi tới gặp anh Vũ Lập. Tôi với anh Vũ Lập đã sống với nhau nhiều năm ở Quân khu Tây Bắc. Anh Lập là một cán bộ quân sự trung thực, sống với cấp dưới bình đẳng, độ lượng được nhiều anh em yêu mến. Hơn bảy năm không gặp nhau, trông vóc người cao lớn của anh thay đổi nhiều, hai tròng mắt đầy bóng tối, cái lưng hơi võng xuống như ông lão sáu mươi1. Anh nói năng chậm rãi, vẻ mệt mỏi của người đang ốm. Sau vài phút chuyện trò thăm hỏi nhau những ngày xa cách, anh nói tóm tắt diễn biến hoạt động của địch, của ta. Lúc này địch đang lấn ra và đã hình thành một tập đoàn cứ điểm; ta đánh chặn địch nhùng nhằng, không có gì quyết liệt. Quân số của địch có thể lên tới ba mươi, ba mươi mốt tiểu đoàn ở cả các tuyến2, tuyến trước khoảng 19 đến 20 tiểu đoàn, kể cả quân Thái Lan và Mẹo - Vàng Pao. Quân Thái3 sẽ đưa ra tuyến trước.

        Về phía ta: Có sư đoàn 316, trung đoàn 165 của sư đoàn 312 vừa được tăng cường. Trung đoàn 866 quân tình nguyện và một trung đoàn pháo.

        Huỳnh Đắc Hương biết tôi đang sốt, có ý khuyên tôi nán lại sở chỉ huy ít ngày, tìm hiểu kỹ tình hình rồi hãy xuống đơn vị. Thấy việc nắm địch, nắm ta qua tài liệu của Bộ Tổng Tham mưu và ở đây như thế tạm đủ, tôi xuống ngay đơn vị để xem anh em làm ăn thế nào. Tôi dừng lại ở trung đoàn bộ 165 một ngày.

        Buổi chiều hôm ấy tôi tới trung đoàn 165 sư đoàn 312. Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông, trung đoàn phó Kiểng là người trung thực cởi mở dày dạn chiến trận. Chúng tôi dễ dàng thông cảm với nhau nhiều vấn đề. Nguyễn Chuông là người có cá tính mạnh mẽ, nói năng táo bạo. Tôi nhớ mấy bữa “đặc sản" anh thết tôi, dưa tàu bay anh muối đến khéo, chua ngon như dưa cải ngồng, tỏi ớt ướp muối và một ít mì chính. Thế mà bữa ăn ngon nhớ đời.

        Sau khi nghe ban chỉ huy trung đoàn báo cáo, tôi yêu cầu cho tôi thăm trận địa. Ý Nguyễn Chuông muốn bảo vệ tôi, anh khuyên đi vào buổi tối. Tôi thấy nếu lên vào buổi tối thì chỉ thăm anh em không quan sát được gì, tôi cần lên ban ngày xem có gì có thể giúp anh em.

        Sáng hôm sau trung đoàn phó Kiểng cùng với tôi lên trận địa. Anh em ở trận địa bình tĩnh như đang ở nơi bình yên, họ ngồi đan võng dù và đan rổ rá. Trung đội trưởng báo cáo với chúng tôi tình hình hoạt động của ta, của địch mấy ngày vừa qua. Tôi lên chỗ cao nhất nhìn ra xung quanh. Trận địa anh em mới đào được là những chiến hào ngắt quãng lộ thiên trên chỏm đồi. Những ngày qua địch đánh "ấm ớ" không gây cho ta thiệt hại gì, và ngược lại ở đây ta cũng đánh địch kiểu ấy.

-----------------------------
        1. Lúc này anh Lập khoảng năm mươi tuổi.

        2.: Tình hình địch khi đã lấn xong Cánh Đồng Chum chia làm bốn tuyến:

        - Phu Keng, Bản Tôn, Phu Theng Neng.

        - Phu Thông, Phu Seo, Na Van Nả Xu.

        - Tuyến trung gian: Lũng Mạt, Sao Phan, Bản Na, Sen Luông, Phu Pha Say.

        - Phu Mộc, Na Vang.

        3. Tiểu đoàn 606 Thái + 1 đại đội của 635 BA đóng ở Phu Keng. Nam Phu Keng tiểu đoàn BC 608, cạnh đó là sở chỉ huy GM 23 (ở Bản Sút), lực lượng GM 21 ở vùng tây nam Bản Sen, tiểu đoàn Thái 610 giữ cửa rừng Phu Thông, Phu Seo. Dãy đồi nam Phu Keng có BV 24 + 1 đại đội của tiểu đoàn 211 + 1 đại đội của tiểu đoàn 229 + 1 trung đội xe bọc thép. Bản Tôn: quân Thái Lan có tiểu đoàn 603 + tiểu đoàn 607 + 1 đại đội pháo của d 635 + 2d ĐB 229 + tiểu đoàn 227. Phu Theng Neng (Phu Tâng) có 1 đại đội pháo 636 + 1d 1/2 (BC 609) và 1 đại đội của d 605 quân của Thái. Hua Sạng có trận địa pháo d 635 + d 604. Tất cả cớ 7d Thái ở tuyến trước, chủ yếu phòng ngự dựa vào công sự.

        Các d đặc biệt: GM21 có BS201 + Bs202 + BS206 (là các đơn vị số một của quân đặc biệt Vàng Pao).

        GM 23 - 3d + BS208, BS209, BS210.

        Khu Căng Xeng có BS203, 204, 205 (đặc biệt có 9d ở lại căn cứ. 1d huấn luyện, còn đưa ra phía trước).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 05:58:14 am »


        Tôi đang đứng, có tiếng nổ của đạn cối 81. Khoảng chục viên nổ hụt tầm ở trước trận địa. Nhìn xuống dưới chân đồi có khoảng một đại đội địch, chúng dàn dội hình tiến lên một đoạn rồi nằm lại, bắn mấy loạt đạn liên thanh tượng trưng; một hồi lâu chúng lại bắn rộ lên rồi lui. Địch chỉ cách ba bốn trăm mét, nhìn mắt thường có thể đếm từng tên, quân ta không hề đáp lại dù chỉ một phát súng trường.

        Tất cả những gì nhận bằng trực giác trong vài giờ đồng hồ, đã hiện ra ngay trong đầu tôi những việc cần phải hướng dẫn ngay tại trận địa cho anh em: Tôi gọi trung đoàn phó Kiểng và đại đội trưởng chi huy đơn vị để chỉ dẫn trên thực địa. Tôi nói:

        - Tinh thần chiến đấu của anh em rất tốt, nhưng tổ chức phòng ngự chỉ tập trung ở sát đỉnh như thế này là bất lợi. Nếu địch bắn pháo, thả bom trúng đỉnh đồi rồi đổ bộ trực thăng, anh em sẽ phải tụt xuống, dễ bị địch chiếm mất trận địa, trên này ta chỉ nên để một bộ phận nhỏ quan sát thôi. Sườn đồi này ta có thể làm trận địa nhiều tầng. Tới chỗ hòn đá kia kìa, đào một lớp chiến hào nữa, tại sao lại không làm chiến hào, giao thông hào nối liền, và một số công sự có nắp tránh pháo.

        - Báo cáo thủ trưởng, ở đây nhiều đá lắm.

        - Chỗ nào lắm đá ta dùng sọt bỏ đất vào làm công sự nổi. Anh em có biết đan sọt không?

        - Có.

        Hướng dẫn xong việc làm công sự, tôi bàn với anh em cách đánh. Tôi hỏi đồng chí đại đội trưởng:

        - Vừa rồi tại sao anh em không nổ súng?

        - Báo cáo... chúng tôi thực hiện tư tưởng đánh gần.

        - Khoảng cách vừa rồi có nằm trong tầm bắn hiệu quả của trung liên không?

        - Thưa thủ trưởng, trong tầm bắn tốt rồi ạ.

        - Khoảng cách ấy bắn tỉa được không?

        - Được ạ.

        - Sao không thấy súng cối 82 của ta bắn vào chỗ địch tập trung.

        - Báo cáo... chúng tôi chưa được tăng cường súng cối.

        - Các cậu máy móc. Ta đã làm trận địa phòng ngự công khai thế này, ta phải làm thế nào phát huy được tối đa tính năng của các loại hỏa khí chứ. Nghĩa là phải hướng dẫn cho anh em biết đánh từ xa tới gần.

        Về sở Chỉ huy trung đoàn 165 tôi trao đổi toàn bộ những nhận xét ở ngoài trận địa với ban chỉ huy trung đoàn.

        Sau một tuần lễ, tôi gọi điện kiểm tra. Kiểng báo cáo đã làm xong đúng như tôi hướng dẫn.

        Tôi chuyển sang kiểm tra một trận địa ngăn chặn thuộc sư đoàn 316, cũng không khác bao nhiêu tình trạng của trung đoàn 165. Kiểm tra một ban chỉ huy tiểu đoàn, họ ngồi cả dưới chân núi, tôi hỏi từng người, chưa ai cùng anh em lên trận địa (đỉnh núi) chiến đấu một lần. Tôi thúc bộ tư lệnh 316, phải kiểm tra nghiêm khắc tình trạng khoán trắng cho cấp dưới.

        Tôi xuống kiểm tra một cái kho của mặt trận gần sư đoàn 316. Không ngờ có thể lộn xộn đến như thế. Thủ kho bất lực hoàn toàn. Anh ta hò hét, văng tục, giằng co với những người không có lệnh cấp phát vẫn sục vào kho thích cái gì lấy cái đó. Ồn ào như cái chợ.

        Người khệ nệ hai tay bê thùng bột trứng, người đeo cái bao đầy thịt hộp, người đeo bao gạo... Nhìn cảnh tượng ấy tôi giận quá, quát to:

        - Tất cả đem trả lại kho.

        Đi chiến trường không ai đeo quân hàm, thấy tôi quát ra lệnh, mấy anh lính bướng bỉnh mặt đanh lại, mắt trợn tròn nhìn tôi, có ý dò hỏi "anh là cái thứ gì mà ra oai thế".

        Tôi hạ lệnh :

        - Tất cả trả lại kho. Không nghe, tôi bắn ngay tại chỗ.

        Mọi người chừng như đã nhận ra một điều gì đó hết sức nghiêm chỉnh, không giống điều mình nghĩ. Họ im lặng lần lượt mang trả lại mọi thứ vào chỗ cũ, nhưng vẫn còn những cặp mắt ném cái nhìn bực bội về phía tôi.

        Với tôi từ ngày biết trách nhiệm của người chỉ huy, tôi coi trọng kỷ luật quân đội như sinh mạng mình và sinh mạng của toàn đơn vị. Tình trạng vô kỷ luật là mối nguy hiểm thường trực đáng ghê sợ. Tôi vào sở chỉ huy gặp Trần An (là người quen cũ) chính ủy trung đoàn 148, đang trực ở sở chỉ huy, nói lại tình trạng vừa rồi. Cuối cùng tôi nhấn mạnh:

        Cần chấn chỉnh lại ngay, bằng mọi biện pháp. Kỷ luật quân đội như thế không đánh được đâu, có thắng thì cũng chỉ là may rủi thôi.

        Và tôi nghiêm khắc phê bình công tác chỉ huy và quản lý của trung đoàn 148.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:01:44 am »

     
3*

        Trở về sở chỉ huy mặt trận. Lúc này anh Vũ Lập đang chuẩn bị về hậu phương nghỉ, anh Huỳnh Đắc Hương nói với tôi:

        - Anh, Nam Hà và Dũng Mà gặp nhau trao đổi, cử ra một người phụ trách chung.

        Tôi nói:

        - Việc này phải do Quân ủy quyết định chứ. Bầu bán thì các đơn vị dưới ai tin, làm sao mà chỉ huy được.

        Tôi toan nói thêm "Quân đội ta đã xây dựng chính quy hàng chục năm mà còn bầu bán chỉ huy như hồi mới khởi nghĩa ấy“ nhưng lại thôi không nói. E nói thêm gì lúc này dễ hiểu lầm nhau.

        Hương nói:

        - Thôi. Cứ bầu đi.

        Tôi hiểu Hương xử trí thế này là có ý nể nang, vì ở đây anh Nam Hà được coi là "phó một“ rồi, để tôi thay e mất lòng nhau chăng. Còn khía cạnh khác tôi chưa hiểu Hương. Hôm gặp anh Vũ Lập có nói: „Có điện quyết định của Quân ủy trung ương An tạm thay mình đi nghỉ, điện do anh Trần Quý Hai ký". Tại sao Hương không phổ biến điện đó nhỉ?

        Ngay từ lúc nhận nhiệm vụ về “959“ ở bên nước, tôi đã cảm nhận trong mối quan hệ sẽ có vấn đề phải phòng xa. Tôi nói với anh Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị:

        - Quân ủy giao nhiệm vụ tôi sẵn sàng đi, nhưng tôi thấy ở bên đó đã có bốn đại tá và một thượng tá rồi, tôi sang nữa là năm. Các anh tăng cường tôi sang lúc này là khó khăn cho tôi đấy. Các anh có nghĩ mấy anh ở bên đó suy nghĩ thế nào không? Tránh sao khỏi có ai đó cho rằng cấp trên không tin mình. Nếu có chuyện đó sẽ khó khăn cho tôi.

        Anh Song Hào tỏ thái độ tự tin, nói:

        - Hiểu rồi! Có dự kiến tất cả rồi! Không có cách nào khác nữa. Anh với anh Vũ Lập đoàn kết tốt, không có gì phải lo.

        Thế mà điều tôi phòng xa ấy vẫn đến. Ý của chính ủy Hương như vậy, ba anh em chúng tôi cũng họp nhau lại để bầu. Quân đội ta có điều lệnh hàng chục năm rồi, còn ngồi họp bầu người chỉ huy, mà không phải là bầu ở cấp chỉ huy phân đội, chẳng còn ra thể thống gì. Tôi không nói ra điều đó và sợ hiểu lầm là người ham hố địa vị. Thâm tâm tôi chẳng có gì tha thiết cái thứ "quyền rơm vạ đá" này. Ừ thì bầu. Tôi đề cử Nam Hà nhưng cả Nam Hà và Dũng Mã lại bầu cho tôi. Nghĩ lại, tới nay tôi vẫn thấy tức cười. Xét cho cùng cái lủng củng này cũng do công tác tổ chức từ cấp trên thiếu chặt chẽ và nghiêm cách. Cũng may chúng tôi mỗi người đều tự hiệu chỉnh cái đầu của mình để đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ.

        Tôi lại lao ra các đơn vị phía trước để nắm tình hình ta, tình hình địch và kịp thời hướng dẫn uốn nắn mọi hành động của cấp dưới. Khoảng hai chục ngày "nằm" với các đơn vị, tôi rút ra một kết luận: "Địch đánh chác chẳng có gì là mạnh mẽ hiểm hóc. Từ sư đoàn đến các phân đội của ta, chưa đơn vị nào rút ra được kết luận về chiến thuật của địch, và ta nên sử dựng chiến thuật gì. Vì vậy anh em tỏ ra lúng túng.Về tư tưởng, hầu hết tất cả các đơn vị đều cấn cái chưa thông suốt nhiều vấn đề đối với Bộ tư lệnh Mặt trận. Tôi đề nghị với chính ủy Hương nên mở ngay một đợt sinh hoạt chính trị phê bình và tự phê bình, để anh em tự do tư tưởng nói hết thắc mắc của mình, với mục đích đoàn kết và tăng thêm lòng tin lẫn nhau.

        Sinh hoạt chính trị đem lại kết quả rất tốt. Trên dưới cởi mở đoàn kết hơn, nhiều thắc mắc của các đơn vị được giải đáp thỏa đáng. Cộng với các chốt ở phía trước được củng cố vững chắc hơn, tình hình ở chiến trường chuyển biến rõ rệt. Ta đã hoàn toàn chặn đứng sự lấn chiếm của địch. Đại tá Nam Hà có ý biểu dương: “Hai mươi ngày cậu xông xáo tích cực cùng với các đơn vị đã đưa lại chuyển biến thật sự". Tôi vui lòng nhận lời biểu dương ấy, vì đó là sự thật.

-----------------
        * Từ mục 1 nhảy ngay lên mục 3. Không hiểu tại sao không có mục 2 - Giangtvx
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:13:57 am »


4

        Tôi luôn trăn trở suy nghĩ, theo dõi tình hình để tìm ra chiến thuật của địch, và làm sao giành lại thế chủ động chiến trường. Làm sao khống chế sự vận tải tiếp tế của địch. Ở Cánh Đồng Chum, việc vận tải tiếp tế bằng đường bộ xa xôi và hiểm trở. Địch phải dùng đường không để tiếp tế, đó là một nhược điểm rất lớn. Tôi điều một đại đội pháo 85 ly tới một vị trí thích hợp với nhiệm vụ khống chế sân bay Cánh Đồng Chum, không cho máy bay địch xuống. Hiệu quả thật không ngờ. Ngay ngày hôm sau, một chiếc máy bay C.130 vừa hạ cánh, thấy đạn pháo nổ gần, nó lập tức bay lên. Từ hôm đó không có một chiếc máy bay nào dám hạ cánh. Chúng dùng chiến thuật thả dù tiếp tế. Quân ta bắn tỉa bọn địch ra nhặt dù hàng. Việc tiếp tế bằng dù không đủ nhu cầu cho binh lính. Chúng tôi thu được những bức điện của các GM kêu ca phàn nàn vì đói khổ, gửi lên cấp trên của chúng, nhất là GM21 kêu nhiều. Có lúc chúng cáu tiết nói tục: Mỗi bữa được một nắm cơm bằng “quả trứng dái“ làm sao mà chiến đấu được.

        Việc đánh chác nhùng nhằng, không tiến thêm được một bước nào, đi đôi với việc quân lính thiếu thốn đói khổ, Vàng Pho thủ lĩnh quân Mẹo đã xin rút. Tình hình ấy buộc địch phải co cụm chuyển vào phòng ngự.

        Quân ta mấy tháng trời vừa qua bị động, bỏ cho địch chiếm hết điểm này đến điểm khác, nay đã giành lại thế chủ động tiến công địch. Khoảng đầu tháng 11 trên Bộ tăng cường thêm một trung đoàn nữa (của sư đoàn 312) và thúc "chuyển sang phản công đi".

        Chúng tôi thấy “một trung đoàn chân ướt chân ráo vừa tới", đề nghị với trên “hãy khoan". Tranh thủ thời gian giao thời, tôi trực tiếp tổ chức một lớp tập huấn cho các cán bộ từ đại đội trở lên với mục đích yêu cầu: Thống nhất chiến thuật, thống nhất nền nếp báo cáo, thống nhất các quy định hành quân trú quân, chấn chỉnh tác phong kỷ luật bộ đội v.v... Tài liệu huấn luyện do cơ quan tham mưu soạn và phân công nhau mỗi người chịu trách nhiệm một khoa mục.

        Cuối tháng 11 trên Bộ Tổng Tham mưu lại có điện gợi ý "chuyển sang phản công". Chúng tôi thấy chuẩn bị chưa đủ, đánh sẽ dở dang. Các đơn vị vẫn tiếp tục dùng các phân đội nhỏ tập kích, buộc địch phải co vào phòng thủ. Thời gian này chúng tôi tranh thủ xây dựng xong phương án tác chiến.

        Tôi nhận lệnh về Hà Nội báo cáo quyết tâm chiến dịch trước Quân ủy Trung ương. Cuộc họp ở hội trường nhỏ của Quân ủy Trung ương bên trên "sân rồng", có các anh Văn, Lê Trọng Tấn, Song Hào, Lê Quang Đạo, Trần Quý Hai tham dự. Phương án tác chiến của chiến dịch do tôi trình bày được mọi người tán thành, không có ý kiến bổ sung hoặc thay đổi lớn nào.

        Chiến dịch mang mật danh “Z" được Bộ tăng cường cho toàn bộ sư đoàn 312, trung đoàn bộ binh 335, một tiểu đoàn pháo 130 ly và Đ.74, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn xe tăng và 2.500 dân công. Đợt 1 của chiến dịch "Z" giải phóng Cánh Đồng Chum. Sư đoàn 312 được tăng cường một tiểu đoàn của trung đoàn 866, đánh vào quân Thái Lan đóng ở Phu Tâng, Phu Tôn và Phu Seo. Sư đoàn 316 đánh vào quân Vàng Pao ở dãy đồi phía nam Phu Keng. Trung đoàn 335 đánh vào Phu Keng, có một tiểu đoàn Thái, và một đại đội của 635 BA. Trung đoàn 866 cùng với một số phân đội của Quân giải phóng Lào nghi binh ở phía Bom Lọng; Quân giải phóng Lào giải phóng khu vực phía bắc và đông bắc Cánh Đồng Chum phát triển về hướng Mường Sủi.

        Cuối cuộc họp anh Văn nhắc đi nhắc lại, có ý nhấn mạnh: "Phải bảo đảm chắc thắng. Khi chuẩn bị vào Loong Chẹng phải nhớ làm đường vận tải tiếp tế hậu cần trước”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2016, 06:16:53 am »


5

        Qua trinh sát nghiên cứu về địch tôi thấy quân Thái phòng ngự giống quân Mỹ. Công sự bao cát tương đối kiên cố. Mỗi tiểu đoàn có hai khẩu cối 106,7. Nếu ta diệt được Phu Tâng và Phu Tôn (quân Thái đóng), khả năng phòng ngự của chúng ở Cánh Đồng Chum sẽ tan vỡ. Vì vậy, chuẩn bị chiến đấu tôi dành nhiều thời gian đi cùng với trung đoàn 165 (sư đoàn 312) là đơn vị được phân công đánh vào Phu Tâng (còn gọi Phu Theng Neng). Tôi tới từng vị trí của các đại đội trưởng trở lên, trao đổi ngay tại thực địa với họ về cách đánh. Qua nhiều ý kiến giống nhau, anh em muốn được cấp trên dùng pháo Đ.74, 130 ly bắn yểm trợ cho đơn vị mình.

        Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông và trung đoàn phó Kiểng là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm và khá sắc sảo về chiến thuật. Tôi đem ý kiến trên trao đổi với các anh. Phu Tâng gồm những mỏm núi nhọn, liệu pháo lớn bắn có trúng không, có phá tung được công sự không. Chúng tôi nhất trí với nhau: Dùng pháo bắn thẳng để phá hủy công sự của địch. Các anh đã đồng ý với tôi nên dành pháo lớn bắn vào Phu Tôn là sở chỉ huy, trận địa pháo của địch, nơi đó địa hình tương đối bằng phẳng dễ phát huy được hiệu quả của đạn pháo lớn. Ý kiến này được mở rộng ra toàn sư đoàn 312.

        Tôi tham dự xây dựng kế hoạch tác chiến của trung đoàn 165 từ đầu tới cuối. Chúng tôi thống nhất sử dụng chiến thuật bao vây tiến công địch trong công sự có hiệp đồng binh chủng. Kinh nghiệm của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào được vận dụng ở đây. Cuộc họp phổ biến kế hoạch cho cán bộ từ đại đội trở lên, anh em nêu ra một loạt câu hỏi. Khắc phục chướng ngại vật, rào thép gai, bãi mìn thế nào trong quá trình tiến công? Ban đêm làm sao quan sát được bắn cho chính xác? Nhiều đoạn dốc đá dựng đứng khắc phục thế nào để vận động?... Có câu hỏi chúng tôi giải đáp được, có câu hỏi chỉ đáp lại bằng những gợi ý để anh em tự suy nghĩ tìm cách khắc phục.

        Tôi trở về sở chỉ huy mặt trận để thông qua kế hoạch chiến dịch lần cuối. Bộ Tổng tư lệnh đã điều động tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn sang trực tiếp chỉ huy chiến dịch "Z". Thú thật được anh Tấn sang làm tư lệnh tôi thấy vững tin, vì anh là người chỉ huy có tài, có đức, tin tưởng và chịu khó lắng nghe ý kiến cấp dưới. Anh Vũ Lập, tôi và Nam Hà là phó tư lệnh, Huỳnh Đắc Hương là chính ủy, Lê Linh phó chính ủy. Cuộc họp do anh Tấn điều hành thông qua tất cả những yếu tố của chiến dịch: Hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu, kế hoạch hành động, các bước 1, 2, 3... Các vấn đề thông qua đều xuôi lọt. Còn những mắc mớ không lớn lắm, do một hai ý kiến thuộc sư đoàn 312 cho rằng: "Ta có pháo lớn tại sao không chi viện trực tiếp cho đơn vị", "thời gian cho đợt 1 chiến dịch khoảng ba ngày là quá ngắn không thể thực hiện được".

        Câu hỏi thứ nhất, ở trung đoàn 165 tôi với các cán bộ trung đoàn đã giải đáp thỏa đáng, đến hội nghị, một vài cán bộ đơn vị khác lại khó thông. Câu hỏi thứ hai, có người đổ vào đầu tôi là: Tư tưởng chủ quan không sát thực tế. Khi nghỉ họp ra ngoài hành lang, có một ông bạn ở sư đoàn 312 nói với tôi : "Tôi xin tướng trẻ hăng vừa vừa thôi. Đây là đánh quân Vàng Pao chứ không phải Mỹ - ngụy". Tôi hơi ngạc nhiên vì ông bạn đã quên rằng, tôi là người khá quen thuộc và đã chiến đấu ở chiến trường này gần chục năm.

        Tôi được anh Tấn phân công đi với sư đoàn 312 hướng chủ công. Đường xuống 312 đi bộ mất vài giờ, qua cánh rừng tương đối bằng phẳng. Lúc này tôi mới chú ý, cánh rừng đã sang xuân sớm. Sương mù vừa tan, rừng hoa quỳ vàng rực rỡ bên lối đi. Sườn núi bên kia hoa đào rừng nở đầy sắc hồng trên thảm lá xanh, và đây đó những chùm hoa trắng ngần… Hiếm có vùng rừng núi nào có nhiều hoa phong lan rực rỡ như rừng Xiêng Khoảng này. Mải suy nghĩ mông lung về cảnh về người, về công việc của chiến tranh, tôi tới đích lúc nào không biết. Bộ tư lệnh sư đoàn 312 gồm các anh Thái Hoà sư trưởng, Phạm Sinh chính ủy, Nguyễn Duy Hàn tham mưu trưởng... Khách cấp trên có tôi và anh Vũ phó tư lệnh xe tăng. Tất cả cùng ở trong các hang đá có sức chứa khoảng một đại đội.

        Nhờ nắm khá kỹ tình hình các đơn vị từ trước, nhất là trung đoàn 165, nên tôi hoà nhập ngay với anh em như người cùng đơn vị. Chúng tôi theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của trung đoàn chủ công 165.

        Ngày 16 tháng 12 năm 1971 trung đoàn 165 làm lễ xuất quân phát động thi đua, trao cờ "quyết chiến quyết tháng" cho đại đội chủ công của tiểu đoàn chủ công. Không khí chiến đấu sôi sục. Các đại đội 1, 9, 7, 2 tham gia chiến đấu 100% quân số, nhiều chiến sĩ đang sốt hoặc vết thương chưa lành hẳn vẫn nằng nặc xin đi cùng đơn vị.

        18 giờ tối 17 tháng 12 các tiểu đoàn nâng đội hình lên thực hiện vây lấn (tiểu đoàn 6 bám đánh mỏm 1, tiểu đoàn 5 bám mỏm 3, tiểu đoàn 4 bám mỏm 2). Sở chỉ huy trung đoàn đưa vào vị trí tác chiến cách Phu Tâng 1.000 mét đường chim bay. Anh Kiểng trung đoàn phó được tôi chỉ định đi theo hướng tiểu đoàn chủ công, và đôn đốc việc đưa ĐKZ.75 vào cách hàng rào địch 200 mét, bắn phá vào các lô cốt bao cát ở hướng cửa mở. Kiểng là một cán bộ còn trẻ, hăng hái dũng cảm. Anh thích tranh luận và luôn đề xuất những vấn đề mới Tôi rất quý những cán bộ như vậy.

        Khoảng 20 giờ pháo địch bắn nhiều xung quanh đồn, nơi chúng nghi ngờ. Đồn địch bắn và ném lựu đạn nhiều.

        Sau một ngày tôi được nghe nhiều chuyện trên trận địa bao vây. Anh em vào cách hàng rào địch hơn 100 mét, nghe rõ tiếng địch nói trong đồn. Đại đội 1 (tiểu đoàn 4) do đại đội trưởng Kim chỉ huy đã dẫn các xạ thủ B.40 vào sát bờ rào, chỉ điểm bắn. Các xạ thủ Cường, Hợp, Sâm, Quyền lần lượt thay nhau phá hỏng lô cốt đầu cầu và các hoả điểm địch. Phi chỉ mục tiêu cho ĐKZ bắn. Sau hàng chục phát đạn ĐKZ bắn vào các hoả điểm, từ lúc đó đồn địch câm bặt.

        Từ 6 giờ sáng ngày 18, trận địa tiến công của ta đã khống chế đồn địch ở mỏm số 2. Anh em đại đội 11 kể lại "ở trận địa mà giống như bãi tập". Đại đội trưởng Phi cho các xạ thủ B.40, B.41 lần lượt thay nhau lên bắn vào lô cốt địch. Khi phát hiện được cột ăng-ten, một phát B.40 đã hạ được. Từ lúc mất ăng-ten, không thấy máy hay và pháo bắn vào trận địa vây ép của ta. Tới sáng ngày 19 lại thấy đạn pháo địch nổ gần trận địa, anh em quan sát thấy ăng-ten điện đài của địch thò lên ở phía sườn núi. Lệnh của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 "tìm mọi cách phá hủy ăng-ten… Ai phá được coi như diệt bốn tên địch". Đại đội trưởng Phi phổ biến lệnh ấy các xạ thủ kể cả xạ thủ trung liên cũng xung phong nhận nhiệm vu. Phi lại lần lượt dẫn các xạ thủ lên để chỉ mục tiêu, mọi người đều ngắm thử một lần, nhưng mục tiêu thấp không sao bắn được.

        Kỳ, xạ thủ B.40 là một chiến sĩ dũng cảm gan góc xin được sử dụng B.40 với hai quả đạn sẽ bắn trúng. Khoảng 12 giờ trưa Kỳ bò lên, tựa súng vào cột rào thép gai, rồi bắn một phát. Không trúng, Kỳ phóng qua cửa mở chạy vào đồn địch tựa vào tường (bao tải đất) lô cốt bắn một phát nữa. Vẫn không trúng. Địch phát hiện quẳng ra một quả lựu đạn rơi gần chỗ Phi nằm. Nếu Phi không kịp lăn xuống thấp thì khó tránh khỏi hy sinh. Phi không chịu bỏ qua cái cần ăng-ten ấy. Anh thấy khả năng khẩu súng cối 60 ly của mình có thể làm được việc đó. Phi lại dẫn xạ thủ súng cối lên quan sát mục tiêu. Và cuối cùng mất sáu quá đạn cối 60 ly cần ăng-ten đã biến mất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 08:55:43 am »


6

        Sở chỉ huy sư đoàn nhận được nhiều tin tức từ trận địa đáng khích lệ. Năm giờ ngày 18 các cửa mở đã mở, các trận địa vẫn giữ vững và khống chế địch.

        Dự kiến của tư lệnh sư đoàn: 5 giờ sáng ngày 19 cho tiểu đoàn 4 và 6 đột phá dứt điểm mỏm 1 và 2. Sau khi kiểm tra lại, thấy tiểu đoàn 6 gặp nhiều khó khăn, đành phải lui việc dứt điểm vào ngày 20.

        Năm giờ sáng 19 pháo cối 120 của sư đoàn bắn 100 quả vào mỏm 1. Sau do tiếp tục bắn cầm canh. Địch đánh bom, pháo dữ dội vào giữa mỏm 1 và 2. Buổi chiều tiểu đoàn 4 báo cáo "Kỳ xạ thủ B.40 vào đồn địch bắn cần ăng-ten, địch phản ứng yếu ớt. Có hiện tượng địch muốn rút chạy". 16 giờ 30 phút sư đoàn hạ lệnh cho tiểu đoàn 6 đột phá. Khoảng 24 phút, tiểu đoàn 6 báo đã làm chủ mỏm 1 là mỏm cao nhất. Cùng khoảng thời gian đột phá với tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 4 đã tiêu diệt hoàn toàn mỏm 2 trong vòng 25 phút.

        Các tiểu đoàn trong chiến đấu đã nảy nở rất nhiều tấm gương chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những trang viết hạn chế này tôi chỉ có thể đơn cử một mảng nhỏ trong hàng trăm hình ảnh sinh động của tiểu đoàn. Tiểu đội trưởng tiểu đội 2 kể:

        Chiến sĩ thông tin báo cáo với đại đội trưởng Kim: "Lệnh tiểu đoàn: Còn 30 phút nữa nâng đội hình lên". Đạn pháo của ta vẫn dồn dập dội vào đồn địch. Anh em chúng tôi thu đội hình thành hàng dọc, cách cửa mở khoảng 20 mét, đại đội trưởng Kim hô "xung phong". Tất cả trung đội 1 chúng tôi vừa chạy vào cửa mở vừa hét "xung phong” át mọi âm thanh. Tôi thấy một chớp lửa chói mắt ở cửa mở. Cậu Hằng đi đầu ngã xuống. Đại đội tạm dừng lại nằm dán mình xuống mặt đất. Tiếp theo hai chớp lửa nữa, đất đá phủ lên đầy người. Một tảng đá khá lớn đè lên cánh tay trái tôi. Thấy tay bị tê dại, tôi tưởng mình bị đứt một tay trái. Nhìn quanh tôi thấy anh em phía trên, phía dưới của tiểu đội 1 bị thương và hy sinh gần hết. Trung đội phó Phường trung đội 1 cầm cờ, bị thương nặng. Anh Phường đang cố gượng giương lá cờ thấm đầy máu để đứng dậy nhưng lại ngã vật xuống. Tiểu đội trưởng tiểu đội 4 Nguyễn Xuân Quang nhảy lên giật lá cờ từ tay Phường, Quang vừa chạy được vài bước bị trúng đạn hy sinh. Lá cờ trên tay Quang ngả lên hàng rào thép gai.

        Tôi mím môi chịu đau giật hết sức, cánh tay trái tôi tuột khỏi tảng đá. Một khẩu đại liên từ ụ bao cát bắn như điên, như cuồng. Tôi vượt qua chỗ Quang lên ép mình vào ụ bao cát, áp sát cái nòng đại liên đỏ lừ đang phụt lửa. Tôi dùng răng giật nụ xoè, quăng liên tục hai quả thủ pháo vào trong ụ súng. Hai tên địch bị thủ pháo hất ra ngoài. Lựu đạn ở đâu đó ném ra tới tấp như sung rụng phía trước chỗ tôi đứng. Một tên địch chạy ngang trước mặt, tôi ném theo một quả thủ pháo, hắn đổ xuống tại chỗ . Cậu Bước xạ thủ B.40 vượt lên, bắn một phát diệt được hoả điểm bên phải. Tôi ngoảnh lại thấy đại đội trưởng Kim đang giật cờ từ tay Phường và hô to: "Vì thắng lợi tất cả dũng cảm xông lên!”. Anh em đại đội 1 vượt qua cửa mở rồi toả ra hai gọng kìm (như đã tập trên sa bàn).

        Sợ anh Kim cầm cờ xông lên sẽ hy sinh, không còn người chỉ huy, tôi chạy lại gần nói to: “Cắm cờ là trách nhiệm của b1". Lúc này Kim đã bị thương, máu đầm đìa một vạt áo, tôi cũng bị thương nhẹ vào cả hai chân. Kim nói với tôi: "Cứ để mình cắm cờ". Không nói gì thêm, tôi lao lên phía trước, ném thủ pháo vào một ụ súng. Anh em trong đại đội đang lướt từ hai bên sườn. Sau khi diệt xong được ụ súng tôi đã liên lạc được với đại đội 3 từ hướng tây đánh lên.

        Đại đội trưởng Kim đã cắm cờ lên điểm cao nhất. Tôi thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy dáng người nhỏ bé của Phường và Cường đang phát triển đánh ở hoả điểm và các hầm trú ẩn của địch".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 08:58:31 am »


7

        Địch ở mỏm 3 vẫn bị tiểu đoàn 5 vây chặt. Thấy hai mỏm bên bị tiêu diệt, bộ phận lính Thái ở đây hoảng sợ, đêm 19 rạng ngày 20 chúng bỏ chạy. Vừa chạy khỏi hàng rào gặp đại đội 7 (tiểu đoàn 5) bị diệt 5 tên đi đầu, bọn phía sau quay lại đồn. 8 giờ tiểu đoàn 5 xung phong, trong vòng 3 phút quân ta đã làm chủ mỏm 3. Sương mù còn dày đặc, tầm nhìn rất hạn chế. Thấy quân ta xung phong bọn địch chạy tung toé vượt qua hàng rào, nhiều tên nằm chết trên hàng rào. Bộ phận vây lỏng của tiểu đoàn 5 truy quét trong buổi sáng ngày 20, đã tiêu diệt và bắt sống hết số địch của mỏm 3 định tháo chạy.

*

*       *

        Thông báo đều đặn của cơ quan tham mưu mặt trận đã giúp tôi nắm vững cục diện chiến dịch. Ngày 17 một đơn vị bạn Lào bao vây đánh chiếm Mường Sủi. Trung đoàn 174 được xe tăng yểm hộ đã đánh ban ngày chiếm Bản Quang, Na Him, Na Mon. Ngày 18 tháng 12 trung đoàn 209 bộ binh tiêu diệt BS 227; trung đoàn 141 bao vây BC 603, BC 609 và BC 165. Ngày 20 trung đoàn 335 dứt điểm Phu Keng và cũng trong ngày 20 ta hoàn toàn làm chủ cụm Phu Tôn.

        Chiến dịch diễn ra tốc độ nhanh, sát với dự kiến của chúng tôi khi xây dựng kế hoạch. Ta đã đánh tiêu diệt lớn bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ đã đánh tan tuyến phòng ngự chủ yếu, phía ngoài của Sảm Thông, Loong Chẹng; tiêu diệt và đánh tan 20 tiểu đoàn địch. Pháo binh của ta bắn rất giỏi, ngay từ giờ phút mở đầu chiến dịch, đã chế áp tê liệt bốn trận địa pháo địch, địch còn lại hai trận địa khác cũng chỉ bắn được lẻ tẻ. Các mũi, các hướng bộ binh của ta hiệp đồng chặt với pháo, với tăng đánh công sự dã chiến, đánh vận động đều phát triển nhanh, vững chắc. Trận đánh nào cũng thắng. Chiến thuật bao vây tác chiến hiệp đồng đã chứng tỏ hiệu quả đáng tin cậy. Trung đoàn 335 (thiếu 1 tiểu đoàn) đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn 606, 608 Thái và 2 đại đội (thuộc BA 636).

        “Trận đánh xuất sắc nhất - anh Lê Trọng Tấn nhận xét trong sơ kết chiến dịch - là trận đánh vào Phu Tâng của trung đoàn 165 (sư đoàn 312). Ít có trận đánh đẹp đến thế. Chỉ trong vòng một giờ tiêu diệt hai mỏm 1 và 2, còn mỏm 3 địch bỏ chạy. Tiêu diệt gọn BC 609. Trận này phá vỡ mảng cứng nhất của tuyến phòng ngự, nó có giá trị chiến thuật chiến dịch rất lớn. Mất Phu Tâng cứ điểm Phu Tôn bị cô lập và uy hiếp buộc chúng phải bỏ chạy”.

        Chiến dịch này có rất nhiều ưu điểm: chọn cách đánh phù hợp với tinh thần địch, địa hình phát huy được sức mạnh binh chủng hợp thành, dùng lực lượng lớn triển khai phát triển nhịp nhàng; phối hợp chặt chẽ hướng chính hướng phụ hỗ trợ nhau; dùng nhiều hình thức chiến thuật sáng tạo, gắn bó nhau và chuyển hóa linh hoạt; tổ chức chuẩn bị hậu cần đường sá cơ sở vật chất tốt, kết hợp xây dựng và tác chiến chặt chẽ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 09:02:25 am »

           
8

        Đợt 1 của chiến dịch "Z” đã tiêu diệt và đánh tan rã hoàn toàn tuyến 1 và 2 của địch. Vẫn ở thế thắng như chẻ tre, quân ta tiến thẳng vào tuyến trung gian. Tôi đi với sư đoàn 312 (có trung đoàn 165 và 141), có một đại đội xe tăng phối hợp.

        14 giờ ngày 9 tháng 1 năm 1972 ta đã chiếm được 2 điểm cao quan trọng cách tây Sảm Thông hai ki-lô-mét.

        Đến 10 giờ ngày 10 tháng 1 ta chiếm được khu trung tâm Sảm Thông. Bọn địch chạy về phía nam, ta truy theo tới Ta Can. Ta đánh Ta Can, Nậm Trá không thành công, chủ trương của Bộ tư lệnh Mặt trận vây chúng tại đó, để cùng giải quyết với Loong Chẹng.

        Thời điểm này anh Vũ Lập ở cương vị tư lệnh (anh Tấn đã về Hà Nội). Thấy tôi bị ốm, anh Lập gọi tôi về sở chỉ huy cơ bản ở hang Phu Nhu, để anh ra sở chi huy tiền phương ở hang Loa Kèn (trên tuyến đường vào Loong Chẹng).

        Không khí sở cứ huy cơ bản lúc này tỏ ra hết sức lạc quan, mọi người đều suy nghĩ rằng: Mất Sảm Thông địch ở Loong Chẹng sẽ bị uy hiếp nặng nề, nhiều nhất là 20 ngày nữa ta có thể chiếm được Loong Chẹng.

        Lúc còn đang ở sư đoàn 312 tôi đã được tin: ý của trên (không rõ trên là ai?) phải thừa thắng tiến nhanh vào Loong Chẹng, nếu chậm địch sẽ chạy mất.

        Từ Cánh Đồng Chum tới Loong Chẹng có hai con đường, một chếch về phía bắc qua Sảm Thông theo tuyến đường ven sông Nậm Ngừm. Tuyến đường 1 này ta sẽ gặp nhiều chốt ở các điểm cao khống chế như Ta Can, Nậm Trá không dễ dàng vượt qua. Tuyến đường khác chếch về phía nam qua Phu Pha Xay là đường mòn, lực cản của địch không đáng kể nhưng không thể triển khai binh khí kỹ thuật được. Bộ tư lệnh Mặt trận đã quyết định chọn con đường này để đưa lực lượng vào chiếm Loong Chẹng. Khoảng cách từ Cánh Đồng Chum vào Loong Chẹng phải mất bảy đến tám ngày đường bộ. Mọi việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho đợt chiến đấu này trông vào đôi vai người lính. Các đơn vị tham chiến hầu như hoàn toàn phải tự lo công tác hậu cần. Với khoảng cách xa như vậy nếu trận đánh kéo dài khoảng nửa tháng, là gạo, đạn của các đơn vị sẽ hết sạch, mọi kế hoạch khác đều tắc nghẽn. Nhưng lúc này chẳng mấy ai nghĩ tới, địch sẽ ngoan cố chống đỡ và vẫn còn đủ sức chống đỡ, vì chúng đang hoảng loạn tan rã như bèo bọt trong cơn nước lũ.

        Về sở chỉ huy cơ bản, ngày hôm sau tôi dự cuộc họp Đảng ủy. Tôi nhớ tới buổi thông qua kế hoạch chiến dịch ở Hà Nội, anh Võ Nguyên Giáp có căn dặn: Đánh xong Cánh Đồng Chum dừng lại mở đường cho xe cơ giới xong hãy đánh Loong Chẹng. Trong không khí lạc quan của cuộc họp, đặt ra việc dừng lại làm đường lúc này là không thích hợp, tôi đắn đo chưa nói ra điều đó. Đến bữa ăn mọi người vừa ngồi quây xung quanh chậu cơm và chậu thức ăn, tôi bộc lộ điều đó với ý thăm dò.

        Chính ủy Huỳnh Đắc Hương nói luôn:

        - Đừng dao động quyết tâm.

        Tôi hơi nóng tai, cố ghìm giữ giọng nói ôn hoà:

        - Không nên dùng danh từ dao động. Chúng ta là người chỉ huy chiến địch... là người trực tiếp ở chiến trường đánh được thì ta đánh, chưa đủ yếu tố chắc thắng ta đề nghị với trên Bộ, cho tạm dừng chuẩn bị thêm. Ta nên cho một bộ phận lực lượng lấn đánh vào Bom Loọng. Đại bộ phận dồn sức vào làm đường để xe tăng có thể vào được và thuận lợi cho việc tiếp tế vận tải. Nếu như hiện tại vào Loong Chẹng mỗi người chỉ vác được một quả đạn 120 ly, đi bảy tám ngày đường, lương thực mang chỉ đủ cho một mình ăn, nếu có tình huống xấu không xoay xở được. Địch không chạy ngay đâu. Ở Cánh Đồng Chum chúng như con chó ra đường xua gậy là nó chạy, Ở Loong Chẹng như chó đã chui vào gầm giường, coi chừng nó đợp cho.

        Mọi người đã đồng ý với phương án đánh gấp rồi, nên ý kiến của tôi trở thành lạc lõng tan biến vào thinh không. Câu chuyện trong bữa cơm được lái sang hướng khác.

        Kế hoạch đánh chiếm Loong Chẹng đã được vạch ra. Để giữ tính chất bất ngờ và khẩn trương, ta sử dụng một tiểu đoàn đặc công đánh chiếm những điểm cao quan trọng như Phu Mộc, điểm cao 1433.. Đặc công đánh xong cố giữ được một, hai ngày để sư đoàn 316 kịp vào thay thế.

        Diễn biến chiến đấu của đặc công trong khu vực Loong Chẹng đáng khích lệ. Ngày 8 tháng 1 tập kích nhà Vàng Pho, phá kho bom nổ ba giờ liền. Cùng đêm đội 4 đánh chiếm điểm cao 1433. Ngày 9 tháng 1 đội 1 đại đội 27 phá kho xăng, diệt 1 tiểu đội địch. Ngày 13 tháng 1 đội 18 tập kích điểm cao 1070 diệt 36 tên...

        Từ ngày 7 tháng 1 đến 13 tháng 1 năm 1972, trung đoàn 174 đã đánh chiếm được Phu Mộc - điểm cao trọng yếu nhất bảo vệ thung lũng Loong Chẹng, diệt tại chỗ 159 tên, bắn rơi 4 máy bay, thu nhiều vũ khí.

        Vốn lối đánh đặc công đã mang tính chất mạo hiểm, nhưng trong nhiều trận ở Loong Chẹng, nổi bật là trận chiếm điểm cao 1433 của đội 4 vào đêm ngày 8 tháng 1 là một câu chuyện ly kỳ mạo hiểm.

        Tiểu đội phó Phan Giám kể lại:

        Đội 4 chúng tôi đã bám điểm cao 1433 từ mấy đêm trước. Vách núi đá thẳng đứng không có đường nào lên. Chiều cao của vách núi khoảng 40 mét. Hàng ngày địch lên xuống bằng ba cái thang tre bắc nối tiếp nhau, mỗi thang có mười bậc. Bốt gác trên đầu thang, khi có động địch thả lựu đạn xuống. Trên điểm cao có bề mặt tương đối bằng phẳng rộng khoảng 300 mét vuông. Địch có khoảng 40 tên phòng ngự và bảo vệ đài thông tin quan sát.

        Đội tôi có sáu người leo lên được hai ba bậc thang đã bị lộ. Địch quăng lựu đạn xuống như mưa. Một tên gác ở trạm gác đang cúi mình xuống để thả lưu đạn. Cậu Chiến một tay bám thang, tay kia đưa súng ngược lên bắn một loạt. Tên đứng gác ngã lộn cổ xuống. Chúng tôi lúc này chỉ còn ba người nhanh chóng vượt lên rồi chia thành hai mũi. Hoàng Văn Đá và Chiến thành một mũi vòng sườn. Tôi một mũi đánh thẳng vào hầm chỉ huy. Sau khi diệt xong hầm chỉ huy tôi vòng lại thấy Đá và Chiến đã hy sinh. Tôi lấy bốn quả thủ pháo của Đá và Chiến còn lại tiếp tục đánh.

        Lựu đạn, thủ pháo và tiếng súng nổ, tai tôi ù đặc, không rõ địch có bắn lại mình không cứ thấy bóng người chạy trước mắt, cứ thấy có ánh lửa loé sáng trước mặt là bắn một loạt đạn, hoặc quẳng một quả thủ pháo vào đó. Tới lúc hết sạch đạn, hết sạch thủ pháo, tôi vào cái hầm có mấy thằng lính Mẹo chết lấy được hai hòm lựu đạn Mỹ. Thật mừng! Tôi ném thả cửa. Chạy chỗ này ném vài quả, chạy chỗ kia ném vài quả. Vừa ném vừa hò hét "mũi này tiến", " mũi kia tiến"... cứ làm như mình đang chỉ huy cho một đội quân. Bọn địch bị dồn xuống mỏm dưới, tôi dùng khẩu đại liên quét vào bọn đang chạy trốn. Không còn lối thoát thân, chúng liều mạng nhảy xuống vực đá. Tôi kiểm tra các hầm hố không tên nào còn sống, mới quay lại thu gom các tử sĩ vào một chỗ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM