Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:49:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43305 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:41:39 am »


*

*      *

        13 giờ cùng ngày chúng tôi hội ý nhận định: các mục tiêu của chiến dịch đã đạt được, đã đánh bại lữ 173, diệt gọn hai tiểu đoàn và đánh thương vong nặng các tiểu đoàn khác của Mỹ, đánh bại chiến dịch Mác Ác-tuya của địch. Thời gian chiến dịch diễn ra đúng mười chín ngày, ta ở thế thắng, tinh thần sĩ khí hăng hái vững vàng nhưng cơ sở vật chất đã cạn. Chúng tôi báo cáo về Bộ chỉ huy Mặt trận B3 đề nghị kết thúc chiến dịch.

        Đêm ngày 22 tháng 11 tôi hạ lệnh cho các đơn vị trong sư đoàn rời khỏi khu vực tác chiến, để lại một bộ phận hỏa lực khống chế không cho địch lấy xác ở 875, hai trung đoàn 66 và 320 để lại một bộ phận ngăn cản không cho địch tấn công lên 875. Những bộ phận nói trên khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ rút sau.

        Trong chiến tranh, nhất là gặp đối thủ có phương tiện cơ động hiện đại và hỏa lực mạnh như quân đội Mỹ, dù mình là người thắng trận nhưng tổ chức lui quân không bí mật khôn khéo rất dễ bị địch gây cho thiệt hại khôn lường, có khi chiến đấu thương vong ít nhưng khi lui quân lại tổn thất nặng hơn.

        Chúng tôi đã tổ chức lui quân bí mật và hợp lý, các trung đoàn lần lượt rút về hậu phương êm thấm. Phái tới ba mươi sáu giờ sau khi ta rút, bọn lính kỵ binh bay mới lên chiếm "chốt 875". Đêm hôm ấy tôi nghe đài BBC nói: "Một thiếu tá kỵ binh bay đã chỉ huy tiểu đoàn của mình chiếm được trận địa 875. Ông ta báo cáo về lữ đoàn. Đại tá lữ đoàn trưởng không tin rằng sự việc lại diễn ra dễ dàng như vậy. Ông đại tá đã hỏi đi hỏi lại tới ba lần mới tin là sự thật".

        Chúng tôi về Mặt trận B3 dự hội nghị sơ kết chiến dịch. Thật hiếm có cuộc họp mặt nơi chiến trường nào lại vui vẻ hồ hởi đến thế. Bạn bè quen và chưa quen đều siết chặt tay nhau chúc mừng chiến thắng. Sự tươi tắn rực rỡ trên gương mặt mọi người phản ánh các hướng của chiến dịch đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Trong hội nghị sơ kết, ý kiến thật sôi nổi, nhưng dễ dàng nhất trí.

        Nhận định kết quả chung của chiến dịch:

        - Cùng với thắng lợi Lộc Ninh của chiến trường Nam Bộ, thắng lợi "Đắc Tô 1” đã góp phần có ý nghĩa vào chiến thắng chung của hai miền; đẩy đế quốc Mỹ lún sâu trong thế bế tắc về chiến lược, chiến thuật, đầy chiến lược “tìm diệt" của Mỹ tới thất bại.

        So với chiến dịch Plây-me, sông Sa Thày, chiến dịch này cả ta và địch đều tung vào lực lượng lớn và tinh nhuệ. Lữ 173 con cưng sừng sỏ của quân đội Mỹ, có truyền thống từ đại chiến thế giới lần thứ II phải bỏ dở cuộc càn ở Phú Yên để đưa lên Tây Nguyên cứu nguy cho sư bộ binh 4 Mỹ và đã bị ta đánh quỵ.

        - Qua thử thách của “Đắc Tô 1”, quân chủ lực và quân địa phương của Tây Nguyên trưởng thành rõ rệt về đánh tập trung lớn, hiệp đồng lớn, rút ra được những bài học bổ ích về nghệ thuật quân sự, khôn khéo trong việc điều động địch vào khu vực ta chuẩn bị sẵn để tiêu diệt.

        - Về tri thức quân sự cụ thể: đã xây dựng và vận dụng tương đối hoàn chỉnh chiến thuật "vận động kết hợp chốt” và rút ra được nhiều bài học tốt trong việc phối hợp chặt chẽ các cách đánh truyền thống như tập kích, tập kích bằng hỏa lực, tổ chức mạng lưới hỏa lực phòng không hạ máy bay địch.

        Chúng tôi cũng rút ra một bài học: về quyết tâm cao và chính xác; về biết tập trung lực lượng trên hướng chính tạo ra trận then chốt chiến dịch; về giải quyết đúng đắn giữa chiến thuật và chiến dịch; về mọi công tác bảo đảm làm tốt.

        Nhớ lại dịp đi trinh sát chuẩn bị cho chiến dịch này, tôi với tham mưu trưởng Đức đã dừng lại xem nơi địch cụm ở chiến dịch sông Sa Thày. Chúng tôi nhòm ngó, xem đi xét lại kéo dài hàng giờ liền, hết công sự đến hàng rào thép gai, chỉ còn nước đếm từng bao cát, để nghiên cứu tìm ra cách đánh, nhưng rồi nhìn nhau mỉm cười và lắc đầu. Nếu đánh thằng Mỹ ở thời điểm đó mà để chúng có đủ thời gian làm công sự dã chiến thì quân ta cũng khó nuốt trôi. Trước khi đổ quân xuống có ý định trụ lại, chúng dùng B.52 chà đi xát lại làm cho rừng rậm cũng trở thành bãi trống, rồi đổ luôn máy ủi xuống san phẳng hoặc đào hào, đổ công binh xuống dùng máy cưa cây cắt thành từng đoạn để xây lắp các công sự lô cốt. Các lô cốt có bao cát bao quanh và xếp trên nóc. Xung quanh căn cứ có dây thép gai lò-xo, hai vòng đặt dưới một vòng đặt trên, dưới dây thép gai đặt mìn đè nổ và mìn định hướng. Mọi thứ chúng làm đã được huấn luyện kỹ, chỉ trong vòng 4 giờ là xong.

        Nếu ta đánh, dùng đạn cối 82 thả xuống lô cốt của nó thì không khác gì gãi ghẻ, nếu dùng B.40, B.41 cũng rất tốn kém; đánh mỗi lô cốt bỏ rẻ cũng phải hai phát, nếu đánh vào một tiểu đoàn (800 quân), mỗi lô cốt bố trí 3 tên lấy đạn ở đâu?.. Tôi và Đức suy nghĩ nát óc không tìm ra cách nào đánh được nó với chiến thuật tập kích và bằng vũ khí mang vác trên vai.

        Sau chiến dịch “Đắc Tô 1” chúng tôi thở phào. Chiến thuật “vận động kết hợp chốt" và sự khôn khéo lừa địch là cứu cánh cho chúng tôi gạt được cái mạnh của quân Mỹ sang bên lề.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:46:10 am »

         
VI

MẬU THÂN

        Cuối tháng 12 năm 1967 cán bộ cao cấp của B3 mới nhận được lệnh chuẩn bị tổng công kích và tổng khởi nghĩa; trên chưa cho biết ngày N nhưng anh em chúng tôi thầm đoán nó sẽ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân. Các mục tiêu chiến lược của cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa gồm:

        "Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”.

        "Tiêu diệt một phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng”.

        "Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc và ta đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”.

        Khi phổ biến nhiệm vụ này xuống các phân đội, chưa cần làm công tác động viên, tinh thần anh em đã náo nức khác thường. Một điều dễ hiểu: ngày hôm trước mọi người nhìn khói lửa chiến tranh mờ mịt không biết tới bao giờ kết thúc, hôm nay nghe cái mệnh đề kép “tổng công kích và tổng khởi nghĩa” mở đầu cho việc giao nhiệm vụ cụ thể, dội vào cảm giác của mọi người sự lớn lao, bất ngờ làm sao tránh được sự suy diễn. “Ngày giải phóng miền Nam, ngày được sống trong hòa bình sắp tới rồi”. Mặc dầu các cấp khi giao nhiệm vụ cho nhau đã giới hạn cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa lần này là “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quết định”. Nhưng khái niệm "giành thắng lợi quyết định” thường được mở rộng kích thước theo niềm tin tưởng lạc quan của mọi người.

        Vào thời điểm cuối năm 1967, Mỹ đưa quân và vũ khí, kỹ thuật vào miền Nam lên tới đỉnh cao, quân số Mỹ lên tới 48 vạn, nếu cả quân ngụy đã lên tới một triệu. Cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá khắp nơi trên miền Bắc, tình hình chung hết sức phức tạp. Đứng trước tình hình như vậy, trung ương Đảng ta vẫn hết sức bình tĩnh vững vàng, sáng suốt và lạc quan chỉ ra rằng: "Ta đang ở thế thắng, thế chủ động và có nhiều thuận lợi; địch đang ở thế thua, thế bị động và chúng đang gặp nhiều khó khăn".

        Liên hệ với chiến trường Tây Nguyên, ngoài số quần ngụy như cũ địch đã tăng thêm sư đoàn bộ binh 4 Mỹ và lữ đoàn 173 kỵ binh bay; về phía ta, lực lượng không có gì thay đổi (cho tới khi bước vào chiến dịch). Mặc dầu sự so sánh về số lượng rõ ràng địch hơn ta, nhưng đánh giá sức mạnh tổng hợp, chúng tôi hoàn toàn nhất trí như Trung ương. đã đánh giá tình hình chung.

        Trải qua hai mùa chiến dịch (1965 - 1966, 1966 - 1967) đụng đầu với quân đội Mỹ với tư tưởng chiến lược “tìm diệt” rất hung hăng, dùng bom đạn hủy diệt và lực lượng cơ động nhanh của máy bay lên thẳng ào ạt đổ sau lưng đối phương để thực hiện chiến thuật "cất vó” và cuối cùng quân ta đã giáng cho quân Mỹ những đòn đau và rất đau, như chiến dịch "Đắc Tô 1”. Trung tướng tư lệnh sư đoàn bộ binh 4 Mỹ đã phải rên rỉ: "… Sau này sẽ không cho sư đoàn mình đánh sâu vào hậu phương của đối phương như thế nữa”. Cũng có nghĩa rằng: Quân Mỹ tới thời điểm này đang gặp bế tắc cả chiến thuật lẫn chiến lược.

        Thời gian thử sức trực tiếp với quân đội Mỹ giúp cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên phát triển về nhiều mặt: thứ nhất là, đã tìm ra cách đánh thích hợp và có hiệu quả đối với một đối phương rất mạnh về vũ khí và kỹ thuật như quân đội Mỹ; thứ hai là, tự rút ra nhiều bài học sống động thiết thực bổ ích để tiếp tục làm cuộc chiến tranh giải phóng; thứ ba nữa là, xây dựng được niềm tin vững chắc rằng không những ta có thể đương đầu với quân đội Mỹ mà nhất định sẽ đánh thắng chúng.

        Thời gian tới ngày N còn khoảng trống, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Tây Nguyên chủ trương lấp khoảng trống ấy bằng đợt hoạt động "đệm”. Mục tiêu của đợt "đệm" là: đưa lực lượng ta áp sát vào các thị xã, thị trấn, uy hiếp các tuyến giao thông quan trọng phá lực lượng kìm kẹp của địch ở ngoại vi thị xã, thị trấn; tạo điều kiện cho bộ đội làm quen với địa hình; tiêu diệt một bộ phận Mỹ - ngụy; thu hút và kìm giữ địch tạo diều kiện thuận lợi cho toàn miền bước vào chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:48:41 am »


        Đệm khoảng 15 ngày các đơn vị đã hoạt động đều khắp. Các tỉnh Gia Lai, Công tum, Buôn Ma Thuột mở nhiều trận đánh giao thông tập kích sân bay và căn cứ địch. Riêng sư đoàn 1 hoạt động trên đường 18 Plây Cần đã quần nhau với một lữ của sư bộ binh 4 Mỹ tiêu hao chúng. Toàn đợt trên diện rộng. Mặt trận Tây Nguyên đã đạt mục tiêu đề ra và tập dượt cho các đơn vị chuẩn bị bước vào cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa.

        Đến ngày 29 Bộ tư lệnh B3 điện xuống hỏi bộ tư lệnh sư đoàn 1 "ý kiến của trên hoãn N một ngày nữa, có thể cho lui đội hình ra được không?". Chúng tôi đề nghị: "Báo cáo lên Bộ không thể hoãn được nữa, lui ra lộ hết. Và làm sao thông tin kịp xuống huyện xuống xã” (nghe đâu do lịch miền Bắc và lịch Sài Gòn chênh nhau một ngày đã gây ra cái trục trặc này). Thực tế tình hình nhiều đơn vị đã chiếm lĩnh vị trí chuẩn bị tấn công từ ngày 28, 29 âm lịch, có nơi quần chúng đã nổi dậy làm sao hoãn cho kịp.

        Sư đoàn 1 vẫn thực hiện kế hoạch cũ, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 174 phối hợp với lực lượng địa phương đúng 0 giờ 30 phút nổ súng vào thị trấn Tân Cảnh. Tiếng súng ở Tân Cảnh thay pháo hiệu cho cuộc tấn công đồng loạt của Mặt trận Tây Nguyên.

        Tuy chiến trường rộng lớn nhưng sự hợp đồng tương đối ăn khớp. Buôn Ma Thuột nổ súng lúc 0 giờ 45 phút, Plây Cu nổ súng lúc 0 giờ 55 phút, Công Tum nổ súng lúc 1 giờ 15 phút.

        Ở hướng sư đoàn 1 sau khi nổ súng vài chục phút, quân ta đã làm chủ thị trấn Tân Cảnh, đồng thời bao vây khống chế sân bay.

        Tiểu đoàn 2 cùng lực lượng địa phương làm chủ khu vực hành chính của thị trấn Tân Cảnh được ba ngày rồi rút, nhằm mục đích nhử địch ra ngoài, nhưng lữ bộ binh thuộc sư đoàn 4 Mỹ đóng ở Tân Cảnh vẫn “án binh bất động”.

        Sư đoàn 1 chúng tôi bố trí ở đường 18 Plây Cần, cách Tân Cảnh khoảng ba giờ hành quân bộ, đã bố trí sẵn chờ địch tới. Chờ đợi kéo dài bốn ngày không thấy tăm hơi chúng đâu. (Sau này chúng tôi mới biết trung tướng sư trưởng sư đoàn 4 Mỹ sau khi bị thua đau ở Đắc Tô 1", y đã tuyên bố sẽ không đưa quân vào sâu hậu phương của đối phương).

        Kế nhử địch không thành, chúng tôi đành phải chủ động đưa lực lượng chủ lực của sư đoàn áp sát vào chiến đấu giành giật với định trên dãy núi bao quanh Tân Cảnh. Những trận đánh nhỏ diễn ra hàng ngày nhùng nhằng, tỏ ra hai bên đều muốn bảo toàn lực lượng. Thực ra sau “Đắc Tô 1” sức chiến đấu của sư đoàn 1 đã giảm, không còn đủ sức “nuốt trôi” một lữ bộ binh Mỹ đóng trong công sự vững chắc trên điểm cao, vì vậy phải đánh nhau cầm chừng.

        Hàng ngày, bất kể giờ nào đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh Giải phóng và hầu hết các đài phát thanh của phương Tây phát tiếng Việt đều đưa tin chiến sự của chiến trường toàn miền Nam, nhất là tin chiến sự ở Huế, quân ta đã đánh chiếm và trụ giữ ở đó… Không khí đưa tin thật sôi sục, nếu như lúc đó nghe đài chỉ bằng tình cảm, thiếu sự suy xét lý trí, thì dễ liều lĩnh dồn hết sức lực đánh chiếm và trụ lại ở thị xã, thị trấn nào đó không cần tính tới hậu quả.

        Tôi nhớ tới một cuộc họp của Bộ tư lệnh B3, vào giữa đợt 1 của chiến dịch, có lúc tranh luận căng thẳng về vấn đề đánh chiếm và trụ lại trong thị xã. Có ý kiến “ở Huế anh em đánh chiếm và trụ lại được, tại sao ta không trụ lại được?". Một câu hỏi nhức nhối, dường như chúng tôi đang mắc lỗi.

        Chúng tôi điểm lại toàn bộ tình hình chiến trường Tây Nguyên. Ở Buôn Ma Thuột anh em đã chiếm được đài phát thanh, tòa thị chính, sở cảnh sát, khu cư xá Răng-ca-lo. Đồng bào các huyện 6, 8 và Buôn Hồ đã nổi dậy, hàng trăm người giương cao cờ, biểu ngữ tiến vào thị xã, và đã bị máy bay địch ném bom bắn chặn, gây thương vong không thực hiện được mục tiêu kết hợp giữa tấn công và nổi dậy. Anh em đã trụ lại trong thị xã được sáu ngày đêm.

        Ở Plây Cu ta dùng đặc công phá hủy 15 máy bay, 35 xe, 21 khẩu pháo, hàng nghìn tấn đạn dược, hàng vạn lít xăng, phá 3 nhà tù giải phóng hơn 2000 tù nhân. Tiểu đoàn đặc công 21 đã đánh chiếm khu hành chính và cảnh sát. Tiểu đoàn 408, đánh chiếm sân bay Cù Hanh, AVA, pháo kích vào trung tâm thị xã. Trung đoàn 95 đánh giao thông diệt 26 xe.

        Kết hợp với mũi tấn công, thị xã Plây Cu đã phát động được 11.000 dân nổi dậy đấu tranh với địch, phá "ấp chiến lược" lập chính quyền cách mạng. Ở các huyện 4, 5, 6 đã giải phóng 14.000 dân khỏi ách kìm kẹp của "ấp chiến lược" đưa dân về bản cũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 05:50:52 am »


        Ở Công Tum lực lượng ta có trung đoàn 24 và các tiểu đoàn 304 và 406. Ta chiếm tiểu khu Công Tum, khu hành chính, một phần biệt khu 24, diệt 1.800 tên, phá hủy 250 xe nhiều kho tàng... và đã trụ lại được vài ngày.

        Trong cuộc họp không ít người nhận thức việc chiếm giữ thị xã, thị trấn nào đó dài ngày là phi thực tế, nhưng e phát biểu ra sẽ bị quy là thiếu quyết tâm hoặc quan điểm này nọ. Thật ra đánh chiếm một khu vực nào đó trong đô thị ở thời điểm này không khó, nhưng trụ giữ dài ngày khi ta chưa tiêu diệt được sinh lực địch, lực lượng chủ lực của địch vẫn nguyên vẹn sung sức, địch sẽ liên tục phản kích, tất yếu ta sẽ bị tiêu hao, như vậy tình thế dẫn đến bất lợi cho ta; mặt khác cơ sở vật chất gạo, đạn của ta rất hạn chế và phải vận chuyển từ xa đến, không đủ sức tiếp tế cho việc trụ bám lâu dài được. Vận động nhân dân địa phương nổi dậy khi quần chúng tập hợp đội ngũ thị uy đã bị địch dùng bom đạn tàn sát, không đạt hiệu quả như cảm nghĩ ban đầu.

        Trong cuộc họp này cũng nghĩ tới việc điều động sư đoàn 1 sang Công Tum, nếu để nó ở Tân Cảnh đánh nhỏ kiểu ấy, không sử dụng hết lực lượng mà đánh lớn thì không đủ sức. Bàn đi tính lại, chặng đường từ Tân Cảnh tới Công Tum khoảng 60 cây số, qua bao nhiêu sông suối chưa có chuẩn bị gì, sẽ không bảo đảm được thời gian, nên đành giữ nguyên hiện trạng.

        Sự nỗ lực của bộ đội và nhân dân Tây 'Nguyên xem ra đã tới đỉnh cao, nhưng so với các mục tiêu tổng công kích – tổng khởi nghĩa của Trung ương nêu ra vẫn còn xa lắc xa lơ, chứng tôi rất lo mặt trận mình không hoàn thành nhiệm vụ. Mãi tới khi được chỉ đạo "Tổng công kích – tổng khởi nghĩa là một quá trình” và anh Thế Môn đi họp ở Bộ tư lệnh B2 về giải thích thêm ý của trên “quá trình là thế nào”, không nói rõ quá trình là bao nhiêu thời gian, nhưng chúng tôi hiểu là thời gian không gian co giãn rộng ra, như vậy là mừng rồi.

        Sau Mậu Thân tôi bàn giao sư đoàn 1 cho sư đoàn trưởng Vương Tuấn Kiệt và chính ủy Hoàng Thế Thiện. Tôi về nhận chức tham mưu trưởng B3.

        Trên toàn Mặt trận Tây Nguyên ta vẫn tiếp tục tiến công nhưng về quy mô và cường độ giảm dần.

        Khoảng tháng 2 Bộ tăng cường cho B3 trung đoàn 209, chuyển quân bằng ô tô. Trung đoàn này được trang bị mạnh, cả tiểu đoàn đều trang bị mũ sắt, quân số đủ, khá đông trong số quân nhân được tuyển trong nhà máy gang thép Thái Nguyên thể lực tốt, tinh thần hăng hái. Lúc đó người chỉ huy nào nhìn thấy cũng đều trầm trồ ước ao. Tháng 3 năm 1968 một tiểu đoàn của trung đoàn 209 được đưa vào thí nghiệm chiến thuật "vây lấn" ở Chư Tâng, đơn vị bị thương vong khá nặng nhưng đã trở thành bài học tốt cho việc thực hiện chiến thuật “vây lấn" sau này.

        Tháng 4 năm 1968 Bộ tăng cường cho B3 sư đoàn 325C (thiếu một trung đoàn) do sư đoàn trưởng Chu Phương Đới và chính ủy Ân chỉ huy. "325C” thay cho sư đoàn 1 hoạt động trên đường 18 về phía tây Công Tum. Tôi đã xuống sư đoàn này chỉ đạo cách đánh và giúp cho anh em làm quen với chiến trường. Trong tháng 5 sư đoàn 325C đã đánh một số trận tốt loại khỏi vòng chiến hơn 1.000 tên Mỹ - ngụy, đánh thiệt hại nặng 5 đại đội Mỹ, phá hủy 22 đại bác, 32 xe quân sự. Trận đánh hay nhất diễn ra ở Ngọc Pơ đã diệt gọn một đại đội Mỹ.

        Hoạt động của địch sau khi lực lượng ta giãn ra khỏi các đô thị, thay thế các cuộc phản kích lớn bằng những cuộc hành quân cảnh sát càn quét triền miên, tàn sát cơ sở của ta bị lộ trong Tết Mậu Thân, đóng thêm đồn bốt, rải chất độc hóa học phát quang cây xanh, tạo thành vành đai trắng xung quanh các đô thị. Chúng liên tục đổ xuống hậu phương ta những toán biệt kích, thám báo để phát hiện lực lượng và kho tàng của ra rồi dùng máy bay thông thường hoặc B.52 tới oanh tạc.

        Tôi nhớ một lần ở sở chỉ huy sư đoàn 325C, chúng tôi đang ngồi quây quần xung quanh cái bàn làm bằng tre đặt dưới tán lá rừng, trao đổi với nhau chuẩn bị cho trận đánh vào Ngọc Hồi, bỗng nhiên có nhiều loạt đạn liên thanh nổ, cành lá lả tả rơi xuống mặt bàn.

        Tôi hỏi mấy cán bộ đứng gần đó:

        - Đạn ở đâu bắn?

        Mấy cán bộ còn đang ngơ ngác chưa kịp trả lời, hai ba chiến sĩ cảnh vệ hớt hơ hớt hải từ phía suối chạy lên cho biết:

        - Chúng tôi xuống lấy nước bị bọn biệt kích bắn bất ngờ.

        Ngay khi có tiếng súng nổ, một tiểu đội cảnh vệ của ta đã truy theo bọn biệt kích, nhưng rừng rậm quá đã bị mất hút. Khoảng 15 phút sau chúng tôi đã nghe thấy phành phạch tiếng trực thăng; chúng đổ xuống đón nhau đi, chỉ cách chỗ chúng tôi chừng một cây số.

        Sự liên tục quấy phá hậu phương ta cộng với các hoạt động khác đang diễn ra biểu hiện địch đã thay đổi chiến lược "tìm diệt" sang chiến lược "quét và giữ" thực chất là phòng ngự. Nhiều anh em ta thấy đời sống vật chất của mình thiếu thốn hơn, cơ sở quần chúng bị địch phá vỡ nhiều hơn, đối phó với địch căng thẳng hơn so với trước "Mậu Thân" sinh ra tư tưởng bi quan, đánh giá địch mạnh và cho rằng, chúng đã giành được chủ động.

        Để có nhận thức đúng thực chất những gì đang diễn ra ở chiến trường và xây dựng ý chí quyết tâm mới, toàn B3 đã mở một đợt học tập chính trị, dựa vào 7 điểm Bác đã dạy để kiểm điểm nhận thức tư tưởng.

        Sau học tập chính trị, B3 mở một đợt hoạt động mới, lực lượng chủ yếu là sư đoàn 1, hướng hoạt động ở Buôn Ma Thuột. Việc chuyển sư đoàn 1 vào đó được bàn đi bàn lại. Sau Tết Mậu Thân địch đã củng cố không còn sơ hở như trước, đánh thế nào? Đánh vào đâu?... Chúng tôi tính toán kỹ mọi khả năng, thuận lợi, khó khăn của ta, của địch và hạ quyết tâm: sư đoàn 1 sẽ tiêu diệt một số đồn bốt cô lập ở sát biên giới Cam-pu-chia để giải phóng hành lang vào Nam Bộ.

        Ngày 23 tháng 8 năm 1968 sư đoàn 1 nổ súng. Sau mười ngày chiến đấu quyết liệt khẩn trương sư đoàn đã đánh chiếm một loạt đồn bốt gồm: Đức Lập, Đắc Sắc, Đắc Sao, Đắc Pét, Sa Pa; tiêu diệt 1.790 tên, diệt gọn 18 đại đội ngụy; phá hủy 32 xe, 10 đại bác, hạ 42 máy bay (diệt tướng Trương Quang An và một đại tá cố vấn Mỹ).

        Phối hợp với sư đoàn 1, các hướng của toàn Mặt trận B3 hoạt động mạnh trên các đường 14, 19, 21...
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:41:44 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:45:37 am »

         
VII

TRỞ VỀ HẬU PHƯƠNG


1

        Tháng 8 năm 1968 có lệnh của Bộ triệu tập tư lệnh Hoàng Minh Thảo, chủ nhiệm chính trị Đặng Vũ Hiệp và tôi ra miền Bắc. Được trở về hậu phương, hy vọng chắc chắn sẽ có dịp về thăm vợ con và người thân của mình, xa cách thấm thoát đã gần năm năm rồi còn gì, trong lòng tôi xốn xang niềm vui và cũng chỉ là vui thêm thôi. Tôi chắc các anh Thảo, Hiệp cũng có niềm vui ấy, nhưng lúc này không ai nói tới chuyện riêng tư mà dồn mọi suy nghĩ tới những tình huống trên con đường về. Cục tác chiến điện báo cho chúng tôi biết: “Tới Bài Hà gặp anh Vương (dân ở đây thường gọi ông chủ Vương), cho xe tới một trạm hậu cần của B2 gặp anh Sáu Chí. Anh Sáu Chí sẽ tổ chức cho các anh đi Phnôm Pênh, đến Phnôm Pênh có người của đại sứ ta ở đó đón...”.

        Chúng tôi đã trải qua cuộc hành quân trên tuyến đường mòn Trường Sơn. Mệt mỏi, đói khổ và cả nguy hiểm nữa còn chưa phai trong trí nhớ, nhưng chuyến trở về được đi theo tuyến đường đặc biệt, chúng tôi có thể dừng lại nghỉ ngơi tham quan Phnôm Pênh, thủ đô của nước bạn đang sống trong bình yên, và có thể từ đó đi máy bay qua Quảng Châu (Trung Quốc) rồi trở về Hà Nội, chẳng phải lo gì đói khổ, mệt mỏi và nguy hiểm, như thế còn gì vui mừng hơn. Những năm qua mở mắt ra là leo núi, mở mắt ra là nghe tiếng bom đạn thì chuyến đi này đáng giá như thế nào. Đúng là một chuyến du lịch nghỉ ngơi tuyệt vời.

        Chúng tôi đã tới trạm của anh Sáu Chí ở biên giới Cam-pu-chia. Anh Chí cho chúng tôi mượn cái xe con mác "Lăng-rô-vơ" cũ kỹ đầy bụi đất và cậu lái xe trẻ măng, mới học ba tháng lái xe ở hậu phương rồi được cử vào đây. Con đường kỳ quái đầy thung lũng, dốc lên dốc xuống, xe đi như rùa bò, thỉnh thoảng xe lại chết, tôi thấy tay côn chân ga của cậu ta chưa phối hợp tốt và rõ ràng tay lái chưa quen loại đường phức tạp này. Tôi bảo cậu ấy nhường tay lái cho tôi. Cũng may những tháng năm huấn luyện chính quy ở miền Bắc, tôi tập lái khá thành thạo các loại xe trên các loại đường xấu, nên ngồi sau vô lăng một lát là đâu vào đấy. Xe chạy một mạch xuôi về hướng tây nam mất gần một ngày mới đến trạm hậu cần của B2. Vừa xuống xe, anh Sáu Chí đã ra đón. Anh cho biết tuyến đường bí mật của ta về Phnôm Pênh bị địch phục kích liên tục. Chúng tôi đành nán lại trạm hậu cần này ít ngày. Ở đây, một khu rừng nguyên sinh, nếu như không có chiến tranh, có lẽ không ai đặt chân đến. Những cây cổ thụ nếu đứng cách gốc trăm mét, ngửa mặt lên nhìn không thấy ngọn. Những tán lá chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp, thật hiếm hoi những khoảng trống cho ánh nắng mặt trời rọi xuống. Người mới đến thường có cảm giác ngộ nghĩnh: ở đây giống như thời hồng hoang. Con người sống bằng hái lượm, săn bắt. Anh Chí cho một tổ đi săn, bộ phận cấp dưỡng ở nhà đun sẵn nồi nước sôi và đặt sẵn một chảo mỡ. Sau hơn một giờ họ đã khênh một con hoẵng héo mũm. Loáng một cái đã làm thịt xong, và những miếng thịt thái mỏng to bằng nửa bàn tay vun lại thành từng đống nhỏ trên những tàu lá chuối rừng. Các thực khách ngồi xung quanh chảo mỡ đang sôi cứ việc gắp thịt hoẵng nhúng vào cháo mỡ rồi ăn. Ai ăn được bao nhiêu tùy ý. Thịt hoãng rất mềm và ngọt, ăn kiểu ấy có thể ăn no được. Ngày nào cũng ăn thịt thú rừng; chán hoẵng đến thỏ, chán thỏ đến nai… Thú rừng bị bom đạn ở các nơi dồn về đây, chúng sống đông đúc như trong vườn thú, vào rừng gặp không loài này thì loài kia, ăn mãi thịt thú rừng cũng chán. Anh Sáu Chí chiều khách, cho một tổ ba người ra sông Pô Cô đánh cá, chỉ trong vòng hai giờ họ gồng gánh về khoảng hai chục ki-lô-gam.

        Vốn có máu mê của thợ săn, mấy ngày trời mưa ngồi trong lán buồn như chấu cắn, tôi vác khẩu súng thể thao lội ra rừng. Lũ thỏ rụt đầu ngồi dưới tán lá trú mưa, tai và mũi chúng bị mưa làm mất nhạy cảm phát hiện tiếng động và hơi người từ xa... Có lần tôi đến gần chúng không đầy chục mét, giương súng bắn chết con thứ nhất, con thứ hai ngơ ngác chưa hiểu nếu gì xảy ra lại tiếp tục bị dính đạn. Đi săn là môn thể thao thú vui dễ quên mọi việc đang xảy ra xung quanh. Nhưng khi trở về lán, không khí sốt ruột của chuyến đi. lại thôi thúc. Chờ đợi cả tuần lễ rồi còn gì. Chúng tôi điện vào B2 nhờ anh Hoàng Văn Thái (thời kỳ đó là trung tướng tư lệnh B2) chỉ thị cho một đơn vị nào đó bảo vệ tuyến đường cho chúng tôi qua nhưng cũng không xong. Vì bọn địch chặn đánh mọi ngả đường, chúng tôi đành quay lại chỗ cũ, đi theo binh trạm đường bộ của Đoàn 559. Thế là niềm hy vọng một chuyến du lịch nhàn hạ tan ra mây khói. Tôi nói đùa với anh Thảo và Hiệp:

        - Cái số tôi nó thế, cứ bước tới ngưỡng cửa của sự an nhàn thì lại lật lại. Chuyến đi này vì tôi mà các anh vất vả lây.

        Mọi người cười, thông cảm với những chuyến "du học ngoại quốc" bị hụt của tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:47:36 am »


        Qua vài cung đường đi bộ tới binh trạm vận tải. Chúng tôi được xếp ngồi trên xe vận tải cùng với số cán bộ chiến sĩ ở tuyến trong đi ra. Ngồi trên xe tải đi đêm trên đường Trường Sơn chắc các bạn, các đồng chí đã nghe nói nhiều lần, ngoài sự căng thẳng vì bom đạn ra, là những cú xóc triền miên tưởng các khớp xương của mình muốn rời ra được. Chuyến đi của chúng tôi được anh em Đoàn 559 tổ chức bảo đảm rất tốt. Đi theo tuyến vận tải tôi hiểu thêm được nhiều điều. Khi tôi vào Nam mới chỉ có giao liên đường mòn, bây giờ xe vận tải đã vào tới đất Tây Nguyên. Anh em làm công tác giao thông vận tải trên đường Trường sơn vất vả khó nhọc và nguy hiểm không khác những người lính bộ binh ở chiến trường. Trên các trọng điểm mỗi lần máy bay vừa ném bom, bay đi là trai gái bộ đội, thanh niên xung phong cười nói ào ra sửa đường.

        Đêm ngồi trên ô tô tải bị xóc quăng quật, không riêng gì tôi, ít ai có thể ngủ được vài chục phút, nhưng tới ban ngày anh em thường ngủ bù được, còn tôi có bệnh không ngủ được vào ban ngày, dù cố nhắm mắt lại tìm mọi phương pháp để tới giấc ngủ nhưng vẫn vô hiệu. Khoảng gần hai tuần lễ đi trên đường Trường Sơn, tôi sút đến bốn năm ki-lô.

        Ra tới Đồng Lộc chúng tôi được đi xe com-măng-ca rộng rãi và đỡ xóc hơn. Đêm nào cũng vậy, hàng trăm xe nối đuôi nhau trên đường. Một lần đang đi bỗng ùn lại, tất cả đoàn xe tắt đèn. Máy bay địch bay vụt qua và có ánh pháo sáng khá xa ở phía trước. Chờ hàng giờ tôi sốt ruột xem đồng hồ, thấy kim giờ đã chỉ vào số 4. Như vậy là sắp sáng rồi. Tôi đi lên phía đầu đoàn xe xem chuyện gì xảy ra. Đêm yên tĩnh lạ thường. Dường như quanh đây không có cuộc sống, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng rên rỉ. Tôi đập tay vào cửa ca-bin mấy chiếc xe đi đầu rồi hỏi to “có ai trong đó không?", không ai trả lời. Tôi lắng nghe một lát, thấy tiếng ngáy đều đều. Hầu như mọi người trên đoàn xe này đều ngủ cả. Chúng tôi cho xe của mình lách lên phía trước. Tới một cái cầu nhỏ, đã rút hết ván, xe của các anh Thảo và Hiệp lăn bánh qua được. Xe của tôi vừa ra tới giữa cầu thì rầm một tiếng, tôi thấy mắt mình nổ đom đóm. Trong giây lát bất thần, chưa hiểu việc gì vừa xảy ra, chỉ thấy đầu mình và mặt mình vừa va rất mạnh vào cái gì đó, máu trên trán trên mặt đang túa ra. Tôi cố căng mắt nhìn ra ngoài để kiểm tra xem đôi mắt của mình còn nguyên vẹn không. Nhìn thấy mảnh trời sao lấp lánh, tôi mừng, tự đánh giá vết thương không có gì nghiêm trọng.

        Chúng tôi đành bỏ cái xe bị sập cầu ở đó, dồn vào đi một xe. Sáng hôm ấy về tới binh trạm Z, đúng ngày đoàn thể phụ nữ, các mẹ ở địa phương tới thăm anh em thương binh ở chiến trường ra. Đầu mặt tôi băng kín chỉ còn hở ra đôi môi sưng vều và đôi mắt. Vì vậy tôi cũng được xếp vào ngồi cùng chỗ với anh em thương binh để nhận lời thăm hỏi an ủi của các mẹ, các chị em.

        Anh Hiệp là người rất vui tính, nhìn khuôn mặt tôi sưng vù méo mó, anh lại cười lắc lắc cái đầu rồi tán:

        - Bao nhiêu năm chinh chiến ở rừng núi Tây Nguyên, được ngày ra thăm em, có cái để thơm em thì sưng mẹ nó lên thế kia, còn nước non gì!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:50:41 am »


2

        Cuối tháng 8 năm 1968 chúng tôi ra tới Hà Nội. Cái nhà khách số 36 phố Lý Nam Đế chỉ dành riêng cho khách của chiến trường “B” ra, quanh năm cửa đóng then cài như cách biệt với cuộc sống nhộn nhịp xung quanh đã đón nhận chúng tôi. Vì yêu cầu giữ bí mật rất cao nên vị khách nào đã được xếp ở đây, rất hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Ba anh em chúng tôi đều có gia đình ở Hà Nội, nhưng tới vài ngày sau mới được đưa vợ con vào.

        Tôi nhận được tin Cục cán bộ cho biết gia đình tôi mới được chuyển về một căn hộ trên tầng 4 nhà 5 khu tập thể Nam Đồng. Một căn hộ được nhà nước cấp, những hai mươi  tám mét vuông, chưa kể hành lang và công trình phụ. Mừng ơi là mừng, như người ta vừa có một lâu đài không bằng. Thật sự là như vậy. Ai đã từng ở nhờ nhà người khác mới có sự đồng cảm với tôi lúc đó. Trước khi tôi đi "B”, vợ và hai đứa con tôi phải ở một gian vẻn vẹn có mười hai mét vuông. Tôi nhớ một lần anh Thiện (anh ruột vợ tôi) tới thăm chúng tôi, tối ngủ cả nhà chỉ có một cái giương đôi, không còn chỗ cho khách. Tôi loay  hoay nghiêng ngó thấy chỉ còn một chỗ đặt cái giường cũi của cháu nhỏ, nếu chịu khó bỏ chân xuống đất đặt đầu và mình vào cũi là có thể ngủ được. Đại loại những khó khăn vụn vặt như thế xảy ra thường ngày, nhưng rồi cũng qua đi.

        Khi tôi đi bé Hương con gái tôi mới lên năm, cháu trai lên ba và cháu út mới chưa đầy một tuổi. Bây giờ đứa lên chín, đứa lên bảy tuổi chúng mở to mắt nửa mừng nửa dò hỏi nhìn tôi. Mẹ các cháu phải giới thiệu:

        - Bố An của các con đó.

        Cháu Hương sà vào lòng tôi, rồi bé Anh cũng dè dặt đứng sát vào tôi. Vợ tôi chắc xúc động nhiều lắm, cô pha nước trà cho tôi uống rồi đứng nhìn bố con tôi chuyện trò. Cuộc chiến tranh đã đến đỉnh cao của sự quyết liệt và đẫm máu. Cùng với tin tức chiến thắng từ chiến trường tràn về hậu phương, về khắp đồng quê, ngõ phố là những tin không vui làm nặng lòng những người phụ nữ có chồng, có con đang ở chiến trường. Tôi biết vợ tôi lúc này nhìn tôi với niềm vui vô hạn nhưng chưa dứt ra khỏi nỗi âu lo của những tháng năm xa cách.

        Thời gian được qua lại thăm nom gần gũi gia đình dù rất ít ỏi, nhưng tôi coi đó là sự may mắn hơn nhiều các bạn còn đang ở chiến trường.

        Nhiều công việc phục vụ cho chiến đấu lại lôi chúng tôi đi. Báo cáo trước Ban Bí thư và nhiều cán hộ cao cấp của Đảng do anh Thảo đại diện, với đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tôi trực tiếp báo cáo diễn biến cách đánh của địch của ta. Anh Giáp hỏi rất tỉ mỉ về chiến thuật "vận động kết hợp chốt” và chiến thuật tập kích đánh vào quân Mỹ. Mấy tuần lễ nghe chúng tôi báo cáo xong, anh Giáp căn dặn tôi: "...là người chỉ huy chiến dịch phải giỏi chiến thuật nhưng cần có tầm nhìn chiến lược nữa".

        Khoảng tháng 10, ba chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng hành lý để trở lại chiến trường Tây Nguyên. Đột nhiên, Cục cán bộ báo cho riêng tôi ở lại nhận nhiệm vụ mới. Tôi đề nghị lên Bộ cho tôi trở lại Tây Nguyên, ở đó tôi đã quen thung thổ và cấp trên, cấp dưới đã hiểu tình cảm, tác phong của nhau, nhưng trên Bộ vẫn y lệnh.

        Tôi chuyển về Quân khu Hữu Ngạn nhận chức tham mưu trưởng quân khu. Từ một người chỉ huy đơn vị chủ lực cơ động ở chiến trường, chuyển về làm công tác quân sự địa phương ở hậu phương, tôi lường trước để tránh có khoảng cách về tác phong, phương pháp làm việc giữa tôi và đồng đội của mình sắp tiếp xúc. Tôi dành hơn một tháng để đi các tỉnh trong toàn quân khu để nghiên cứu địa hình và kế hoạch bố phòng.

        Quân khu đang chuẩn bị diễn tập. Xuất phát từ nhiệm vụ và địa hình của quân khu và sự hiểu biết của bản thân, tôi đề nghị quân khu nên diễn tập quy mô nhỏ rồi nâng dần lên, nên tập trung huấn luyện diễn tập đánh quân đổ bộ bằng trực thăng và đổ bộ đường biển. Ở Tây Nguyên chúng tôi đụng đầu quá nhiều với bọn Mỹ đổ bộ bằng trực thăng, có thể vì thế mà tôi nhấn mạnh việc chống lại chiến thuật này của địch, nên bị một, hai đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân khu không đồng ý cắt ngang ý kiến:

        - Ông Hữu An thì cái gì cũng trực thăng đổ bộ!

        Có lẽ vì cương vị và sự mới mẻ nên tiếng nói của tôi không đủ sức nặng, vì vậy cuộc diễn tập lớn binh chủng hợp thành có xe tăng tham gia vẫn diễn ra ở thành phố Nam Định. Đồng chí Lê Duẩn đứng ở vị trị tham quan nhìn thấy dân quân nhảy lên xe tăng để tiến đánh vào thành phố, ông lắc đầu: “Đánh như thế, đến chủ lực còn chưa có xe tăng lấy đâu cho dân quân”.

        Buổi họp rút kinh nghiệm cho cuộc diễn tập, nhiều đại biểu tới tham quan tỏ ra thất vọng. Đại tá Nam Thắng nói: "Tôi cảm ơn các anh về sự đón tiếp rất chu đáo, nhưng bảo nhận xét kết quả diễn tập, tôi chỉ có một câu: Chẳng học được cái gì”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2016, 05:53:14 am »

        
3

        Ở Quân khu Hữu Ngạn tôi chưa kịp làm được việc gì, đã có lệnh (1-1969) chuyển đi nhận chức sư đoàn trưởng sư đoàn 308 thay đại tá Vũ Yên.

        Về chỉ huy một đơn vị mới mà mọi cảm nghĩ của tôi như về một đơn vị mình hằng sống chiến đấu nhiều năm, đã có nhiều đồng đội bạn bè từng chia ngọt sẻ bùi. Tôi vững tin khi về "308" sẽ gặp nhiều thuận lợi, vì nó có đội ngũ cán bộ được tôi luyện dày dạn trong chiến đấu, và là một đơn vị có chiều dày truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp.

        Quả như tôi cảm nghĩ, xe của tôi lăn bánh chầm chậm theo con đường đất đỏ vào làng thẳng tắp đầy bóng râm của hai hàng phi lao và các bụi tre; nhìn qua cửa xe thấy những nếp nhà ngói xen lẫn nhà tranh nhưng quy củ, sạch sẽ. Thỉnh thoảng có cán bộ, chiến sĩ đi ngược chiều giơ tay chào tôi và gương mặt quen thuộc tươi cười gọi “Thủ trưởng Hữu An”. Xe vừa dừng trước nơi ở và làm việc của bộ tư lệnh sư đoàn, nhiều cán bộ đã xúm lại đón tôi tay bắt mặt mừng thân thiết. Cuộc họp mặt của bộ tư lệnh trong một cái đình làng làm hội trường nhỏ gần sát nơi ở. Đại tá chính ủy Hoàng Phương giới thiệu tôi với các cán bộ trong sư đoàn.

        Bộ tư lệnh gồm tôi, đại tá Hoàng Phương, thượng tá Hùng Phong phó chính ủy, thượng tá Trương Đình Mậu tư lệnh phó, trung tá Nguyễn Bá Lục tham mưu trưởng. Các cán bộ trung đoàn gồm trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Tý (trung đoàn 102), Thận (trung đoàn 88), Chử Văn Chắc (trung đoàn 36)... Chúng tôi dễ dàng thân nhau, bởi trong số cán bộ từ trung đoàn trở lên có tới một nửa đã quen biết tôi từ hồi chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Tôi hòa nhập vào mọi việc bề bộn của sư đoàn đang huấn luyện chuẩn bị cho diễn tập. Khỏi phải bàn bạc nhiều, chúng tôi đã thống nhất quan điểm huấn luyện xây dựng đơn vị với nhau là: phải sát với chiến đấu và có phát triển...? Nghĩa là phải tác chiến hiệp đồng được đúng như nhiệm vụ và tính chất của binh đoàn chủ lực cơ động.

        Về yêu cầu cụ thể trong huấn luyện, trong chúng tôi lúc đầu vẫn còn vài điều chưa gặp nhau. Việc rèn luyện đôi vai, tôi và anh Hoàng Phương nêu yêu cầu dứt khoát phải mang đủ cơ số lương thực, đạn dược cho hai mươi ngày. Và cán bộ từ sư đoàn trưởng trở xuống cùng rèn luyện với anh em. Số không ít cán bộ nêu ra: “Chỉ nên rèn luyện mang đủ ăn và chiến đấu một tuần”. Cuối cùng việc rèn luyện đôi vai, toàn sư đoàn đã thực hiện được yêu cầu của chúng tôi nêu ra.

        Việc huấn luyện chiến thuật cũng phải bàn đi bàn lại, chọn cách đánh nào phù hợp với tính chất của sư đoàn cơ động. Thực tế chiến trường miền Nam thời kỳ này trong bộ đội chủ lực đã có khuynh hướng "đặc công hóa” sư đoàn. Tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện mang sư đoàn chủ lực của mình đánh theo kiểu xé lẻ, nhưng đánh tập trung hiệp đồng lớn như thế nào để phù hợp với thực tế, cái thực tế khắc nghiệt rằng: ta còn kém rất xa địch về binh khí kỹ thuật, còn là vấn đề nhức óc, không thể dễ dàng gỡ ra một lần.

        Chúng tôi thống nhất với nhau (cả với Cục quân huấn) chọn cách đánh “vây lấn” sau đó chuyển sang tấn công có hiệp đồng binh chủng.

        Giữa mùa nắng trên đồi núi Xuân Mai, huấn luyện hiệp đồng kết hợp chiến thuật mới phải sửa đi sửa lại nhiều lần, cả cán bộ chiến sĩ đều hết sức vất vả, cuối cùng diễn tập đã thu được kết quả nhất định mặc dầu sự đánh giá cuộc diễn tập có khác nhau.

        Tôi nhớ ngay sau buổi diễn tập, đơn vị tập hợp trên bãi tập, có đồng chí phát biểu: "Thời kỳ này mà mang pháo, xe tăng ra đánh nhau với quân Mỹ là không thích hợp, chỉ gây thương vong lớn cho ta mà thôi”.

        Tôi đáp lời rằng: "...xây dựng sư đoàn chủ lực phải có cách đánh của nó. Tôi không coi thường việc dùng chiến thuật phục kích, tập kích đánh nhỏ, lẻ nhưng nếu chỉ dừng ở cách đánh đó thì không sao phá vỡ được tập đoàn cứ điểm của địch. Chúng ta những ai đã đánh địch ở Nà Sản thời kỳ chống Pháp chắc chắn chưa quên tại sao có những trận tập kích và công kiên lẻ tẻ của ta không đem lại hiệu quả... Việc diễn tập này là thí nghiệm, chúng ta còn phải bổ sung”.

        Phó tổng tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ ủng hộ tôi, anh nói: "Nội dung diễn tập như thế là được nhưng cần phải sửa vài điểm, cần phải để vài ba ngày vây lấn ngoại vi cho nó rệu rã ra rồi ta tấn công có hiệp đồng vào tung thâm tiêu diệt quân địch, nhưng cũng không kéo dài thời gian vây lấn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:46:36 am »

     
VIII

HƯỚNG CHỦ YẾU CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO


1

        Tình hình chiến tranh sau 'Mậu Thân" đã có bước chuyển biến quan trọng, buộc đế quốc Mỹ phải từng bước thay đổi chủ trương chiến lược, “xuống thang” cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Giôn-xơn tuyên bố "phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh" rút bớt quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam1. Khi lên làm tổng thống nước Mỹ, Ních-xơn đã đưa ra học thuyết "Việt Nam hóa chiến tranh" thay đổi chiến lược quân sự “tìm và diệt” bằng chiến lược "quét và giữ”, thực chất là một bước thụt lùi của Mỹ từ phản công chuyển sang phòng ngự. Để bơm tinh thần cho quân ngụy, từ cuối năm 1969 đến hết năm 1970 chúng liên tục tung hỏa mù sẽ tiến công bằng quân bộ ra miền Bắc. Các tướng lĩnh Mỹ, ngụy đi lại như con thoi ra trinh sát đường 9 và chĩa ống nhòm ra bờ bắc sông Hến Hải. Máy bay trinh sát bay suốt ngày thâu đêm trên bầu trời Quảng Trị. Khu trục hạm, tuần dương hạm và cả hàng không mẫu hạm... diễu võ giương oai trên vịnh Bắc Bộ; sư đoàn dù nguy, sư đoàn A-mê-ri-cơn Mỹ lần lượt chuyển từ Nam Bộ ra Đông Hà - đường 9. Tình hình ngày một căng lên, như nồi hơi bị nén tới cực điểm chỉ chờ giây phút nổ tung.

        Tháng 10 năm 1969 sư đoàn 308 chúng tôi được lệnh của Bộ chuyển vào Nghệ An với nhiệm vụ: cùng với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức trận địa phòng thủ sẵn sàng đánh địch đổ bộ vào Quân khu 4.

        Thời gian này (1970) nếu ta đi dọc đường số 1, vào tới Vĩnh Linh nhìn lên núi đồi hai bên đường, sẽ thấy bộ đội, dân quân đi lại đào công sự chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh trên bộ của Mỹ khẩn trương như thế nào. Sư đoàn 308 chúng tôi cũng làm việc trong không khí chung ấy. Chúng tôi làm phương án tác chiến đánh quân địch đổ bộ bằng đường biển, đường không và tranh thủ huấn luyện cán bộ, đơn vị theo phương án.

        Tuy chưa thật đủ yếu tố để khẳng định âm mưu của địch trước mắt sẽ diễn ra thế nào? Chúng sẽ đưa quân bộ đánh ra miền Bắc; đánh ra vùng ba biên giới Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào; hay đánh ra đường 9 - Nam Lào? Quân ủy Trung ương họp nhận định, đã nghiêng về khả năng thứ ba. Từ lâu đế quốc Mỹ đã thực thi cuộc chiến tranh "bóp nghẹt", dùng hỏa lực lớn kể cả B.52 đánh phá ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược 559, dùng con bài Lôn- nôn đảo chính Xi-ha-núc phá tuyến vận tải từ cảng Xi-ha-núc-vin về Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ, đưa quân Mỹ - ngụy sang Cam-pu-chia "xoá đất thánh"... để buộc "cuộc chiến tranh của Việt cộng phải tàn lụi". Tất cả thủ đoạn, hành động đó đều “chưa đáp lại mong mỏi của Hoa Kỳ”. Cuộc chiến tranh "bóp nghẹt” như món nợ lớn đối với giới quân sự Mỹ chưa trả được. Từ lâu họ luôn dõi theo con "đường mòn” Hồ Chí Minh, thấy đoạn đường 9 – Nam Lào địa hình bị thu hẹp lại - hình cổ chai, họ đã có ý tưởng dùng quân bộ để “đóng nút" chai, nhưng tình thế chưa cho phép. Đến nay tình thế đã thay đổi, rất có thể Mỹ đẩy quân ngụy tới mở chiến trường này để đạt "một phát tên bắn hai đích” vừa thí nghiệm học thuyết “Việt Nam hoá chiến tranh" vừa “đóng nút chai".

        Ngày 20 tháng 3 năm 1970 chúng tôi nhận chỉ thị của Bộ nếu địch đánh ra đường 9 - Nam Lào, 308 sẽ ở hướng chủ yếu, phải đi trinh sát địa hình trước khi địch tới.

        Vùng đất sắp sửa thành chiến trường mà sư đoàn 308 sẽ ở hướng chủ yếu đối với tôi còn rất mới mẻ xa lạ. Tôi cùng với tham mưu trưởng Trịnh Tráng phải nằm bò ra trên tấm bản đồ quân sự tỷ lệ l/100.000 cả mấy ngày trời để xác định khu vực, các tuyến và các điểm phải trinh sát.

        Đoàn cán bộ từ tiểu đoàn trưởng trở lên và các bộ phận phục vụ khoảng 200 người, do tôi trực tiếp chỉ huy đi trinh sát giữa mùa mưa. Chúng tôi phải lội qua sông Sê Băng Hiêng, sông Sê Pôn và bao nhiêu con suối chảy xiết rất nguy hiểm. Chúng tôi phải leo lên tụt xuống không biết bao nhiêu con dốc, các loại vắt lá, vắt đất, ruồi vàng thay nhau bám theo làm chúng tôi bận bịu vất vả thêm. Ai nấy suốt ngày này qua ngày khác quần áo ẩm ướt hôi hám, đôi vai không rời súng đạn và ba lô nặng hàng chục ki-lô-gam. Chúng tôi trinh sát bừa đi bừa lại trên khu vực rộng từ Làng Vây, Lao Bảo, Huội San ra tới Sê Pôn. Nhiều lần gặp bọn thám báo phải hạ ba lô xuống để nổ súng, nhiều lần bom "tọa độ" nổ trúng hoặc sát đội hình. Đoàn trinh sát chúng tôi bị thương vong một số người. Hơn một tháng hành quân trinh sát rất gian khổ, chúng tôi đã có cơ sở để hạ quyết tâm sơ bộ.

        Về Nghệ An, chúng tôi xây dựng tương đối hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến, để thông qua Bộ tư lệnh Binh đoàn 70 (10-1970 thành lập binh đoàn 70 gồm các sư đoàn 304, 308, 320), sau đó tôi được lệnh về Hà Nội gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp.

        Tôi gặp anh Giáp tại nhà riêng. Thấy tôi đến, anh Giáp đứng dậy rời khỏi bàn làm việc, thân mật tới siết chặt tay tôi. Lần gặp nào cũng vậy, tôi cũng được nghe tiếng cười nói ấm áp chân tình của Tổng tư lệnh. Anh hỏi thăm sức khỏe của tôi và anh em vừa ở chiến trường ra. Thái độ cởi mở bình đẳng của anh đã xoá đi khoảng cách cấp trên, cấp dưới. Tôi báo cáo những nét chủ yếu nhất mà chúng tôi thu lượm được trong chuyến trinh sát xong, anh Giáp đặt ra một số câu hỏi (nhiều câu hỏi của anh trùng với những điều suy nghĩ của chúng tôi, trong khi đi trinh sát): "Theo cậu thì thằng Mỹ sẽ đặt căn cứ ở chỗ nào để chi viện cho nguy? Liệu nó sẽ đánh ra Khu 4 hay ra trường 9 - Nam Lào?...". Anh Giáp tỏ ý hài lòng khi tôi trả lời những câu hỏi ấy.

        Vài phút cuối của buổi gặp mặt, anh Giáp căn dặn tôi:

        - Phải chuẩn bị cả hai nơi nhưng nên tập trung nhiều hơn về hướng Nam Lào. Nếu địch ra Khu 4 ta phải đánh thắng chúng tại đây và cũng phải luôn luôn sẵn sàng, khi địch ra đường 9 – Nam Lào là đơn vị có thể cơ động được ngay.

        Sau đó anh gọi đồng chí chụp ảnh đến chụp một "pô" làm kỷ niệm.

------------------
        1. Đến tháng 4 năm 1969, 11 vạn quân chiến đấu Mỹ đã rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2016, 01:53:05 am »


2

        Tất cả còn nằm trong dự đoán. Dù mới là dự đoán thôi, cũng không thể lơ là việc chuẩn bị chống địch ra tấn công ra miền Bắc. Sau ít ngày ở đường 9 ra, chúng tôi cấp trưởng trong tư lệnh sư đoàn và trung đoàn cùng Phó tổng tham mưu trưởng Vương Thừa Vũ đi nghiên cứu địa hình suốt từ Diễn Châu (Nghệ An) dọc theo đường số 1 vào tới Quảng Bình. Tất cả khe lạch, cửa sông nơi nào có thể thành bến bãi địch đổ bộ, tất cả ngọn núi, ngọn đồi có ý nghĩa chiến thuật chúng tôi đều đến tận nơi xem xét đánh dấu vào bản đồ và trí nhớ. Nhiều câu hỏi giả định được đặt ra: "Nếu Mỹ đổ một lữ chiếm đèo Lý Hòa, một lữ chiếm đèo Ngang nhằm mục đích nghi binh cho đại quân của chúng ra đường 9 - Nam Lào thì cách đánh thế nào? Nếu...".

        Hầu hết những giả định quan trọng đặt ra, chúng tôi đều phải suy nghĩ tìm cách giải đáp hợp lý, không chỉ bằng lý thuyết mà bằng một loạt công tác tổ chức, biện pháp hành động từ tư lệnh đến từng người lính. Nhìn lên dải đồi núi hai bên đường số 1 suốt từ Nghệ An vào Quảng Bình thời gian này, không mấy ngọn đồi, ngọn núi vắng bóng người. Đây là trận địa cao xạ, kia là bộ binh chủ lực và kia nữa là lực lượng vũ trang địa phương... Một tuyến phòng thủ liên hoàn kéo dài hàng trăm cây số, nhìn ra biển và nhìn về phương nam sẵn sàng. Tuyến phòng thủ vẫn nằm dưới bầu trời bình yên và cuộc sống bình yên. Ở đây vẫn nghe tiếng chim hót trong lùm cây, tiếng cười nói líu lo của mấy cô dân quân và tiếng sóng biển rì rầm. Ở đây không có tiếng bom đạn, nhưng không khí chiến tranh ngày thêm ngột ngạt đè nặng trong lòng mọi người. Những người dân đứng tuổi lầm lũi làm việc nhà, lầm lũi tham gia việc chuẩn bị chiến tranh dường như không biết mệt mỏi. Tôi cảm nhận ở trong mắt họ nỗi lo lắng xa xôi: Chiến tranh trên bộ ở đây sẽ thế nào? Bao giờ kết thúc?

        Vào cuối năm 1970 tới tháng 1 năm 1971, những điều Mỹ muốn giấu kín cũng lần lượt bộc lộ, chứng minh nhận định của Quân ủy Trung ương là rất sáng suốt.

        Ta nắm được tin: Ngày 3 tháng 2 năm 1970 Ních-xơn đã ký với Nguyễn Văn Thiệu bảo đảm sẽ yểm trợ tối đa, cho cuộc hành quân của quân ngụy qua đất Ai Lao lấy tên: Ni-uây-ke-ni-ơn (sau đổi tên là Lam Sơn – 719).

        Ngày 21 tháng 11 năm 1970 Mỹ tập trung hàng trăm máy bay các loại ở sân bay Tân Sơn Nhất.

        Ngày 30 tháng 1 năm 1971 sư đoàn dù do trung tướng Dư Quốc Đống chỉ huy được máy hay vận chuyển ra Đông Hà. Rồi tiếp sau đó là sự điều động ồ ạt, chỉ trong vòng vài tuần lễ các liên đoàn biệt động ở Đà Nẵng, các thiết đoàn 3, 11, 7, 17 ở Quảng Ngãi, ở Huế, sư đoàn dù 1 Mỹ, sư đoàn A-mê-ri-cơn, sư đoàn bộ binh 5 Mỹ và nhiều đơn vị hậu cần, công binh lần lượt kéo ra ở chật các căn cứ từ Ái Tử, Đông Hà đến Lao Bảo.

        Ngày 2 tháng 2 năm 1971 địch mở cuộc họp ở Đông Hà có trung tướng Mỹ Su-jấc-len, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, trung tướng Dư Quốc Đống... dự bàn việc triển khai chiến dịch. Kế hoạch chiến dịch chia làm bốn bước:

        1. Từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 triển khai xong lực lượng ở khu vực tập kết.

        2. Từ ngày 8 tháng 2 đến ngày 14 tháng 2 chiếm ngã ba Bản Đông và Sê Pôn.

        3. Từ ngày 15 tháng 2 đến ngày 13 tháng 3 lùng sục càn quét phá hủy kho tàng.

        4. Từ ngày 13 tháng 3 đến tháng 5 đánh xuống phía nam A Sầu, A Lưới.

        Bọn tướng lĩnh Mỹ - ngụy cho rằng quân Bắc Việt bị mắc lừa, còn phòng thủ ở Khu 4, nếu biết cuộc hành quân ra đường 9 - Nam Lào mới nhổ trại thì chúng làm xong mọi việc.

        Khi chúng ồ ạt đổ quân ra Đông Hà, trong anh em cán bộ chúng tôi vẫn còn có những câu hỏi: "Liệu nó ra miền Bắc hay sang Lào”. Phần lớn cán bộ của sư đoàn 308 sau khi được đi chuẩn bị chiến trường đều khẳng định địch đánh đường 9 - Nam Lào. Khi ta được tin một cách chắc chắn địch bắt đầu tiến quân vào Nam Lào, lúc đó sư đoàn mới nhận lệnh (trưa ngày 1-2) hành quân vào chiến dịch.

        Quân ủy Trung ương xác định nhiệm vụ của chiến dịch:

        - Tiêu diệt lớn và làm tan rã thật nhiều quân ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quân Mỹ, đánh cho chúng một đòn đau.

        - Giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, bảo vệ tốt kho tàng của ta. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, một điểm đặc biệt của chiến dịch cần hết sức coi trọng và quán triệt đầy đủ trong thựchành.

        Phối hợp với các chiến trường, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch toàn diện, nhất là đánh phá "bình định” của địch.

        - Bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hậu phương lớn luôn luôn vững vàng trong mọi tình huống.

        Nhiệm vụ sư đoàn tôi ở hướng chủ yếu đột phá cánh bắc mở màn cho chiến dịch, sau đó sẽ tiến xuống đường 9 cùng các đơn vị bạn đột phá vào lữ đoàn đặc nhiệm ngụy, cánh quân trung tâm của cuộc hành quân “Lam Sơn - 719" trên đoạn đường từ Lao Bảo tới Bản Đông.

        Thời gian chuẩn bị cuộc hành quân (với đơn vị đi đầu) không đầy năm tiếng đồng hồ. Đúng 17 giờ (1-2-1971) đoàn xe đầu tiên của binh trạm đã có mặt ở ngã ba Quán Hành đón toàn bộ cơ quan sư đoàn bộ, các tiểu đoàn 14, 16, 18 và tiểu đoàn 9 (của trung đoàn 102) lên đường. Bộ phận còn lại của cơ quan sư đoàn và trung đoàn 102 đúng 17 giờ hôm sau đi tiếp. Trung đoàn 88 từ Thạch Bàn đã nhận điện tự tổ chức đi trước. Ngày 6 tháng 2 trung đoàn 36 đóng ở Hà Tĩnh lên đường đợt cuối cùng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM