Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:00:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43576 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 03:59:33 pm »


        Plây-me là một đồn lẻ chừng một đại đội trấn giữ ở một vị trí trọng yếu; phía bắc là đường 19B nối Đức Cơ với đầu phía đông là thị xã Plây Cu; phía đông là quốc lộ 14 từ Plây Cu xuống quận lỵ Phú Nhơn đi Buôn Ma Thuột.

        Dựa vào địa hình và tình hình địch lúc đó chúng tôi phán đoán, gần như chắc chắn, địch sẽ đưa quân vào giải tỏa cho Plây-me. Quả là như vậy. Sau mười ngày bao vây Plây-me một chiến đoàn ngụy mới dẫn thân vào trận địa ta mai phục, bị trung đoàn 320 của ta đánh thiệt hại nặng mà vẫn không giải tỏa được Plây-me.

        Sau đợt đánh ngụy, trung đoàn 33 rút về căn cứ cách Plây-me khoảng mười cây số về phía tây.

        Hành động của trung đoàn 33 và 320 ở Plây-me trở thành mối uy hiếp nặng nề đường 14. Quân chủ bài của quân ngụy đã bị vô hiệu không còn lực lượng nào có thể giải nguy cho Plây-me, buộc quân Mỹ phải xuất hiện.

        Mấy ngày đó bầu trời Tây Nguyên lúc nào cũng ầm ĩ tiếng bom, tiếng máy bay suốt ngày đêm không lúc nào ngớt. Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ đang hung hăng thực hiện chiến lược “tìm diệt”. Chúng đổ bộ xuống nam sông Ia-đrăng một tiểu đoàn, đổ xuống cạnh điểm cao 732 một tiểu đoàn, xuống cách Ia-mơ năm ki-lô-mét, đồng thời lữ dù Mỹ hành quân cơ giới đến Đức Cơ triển khai trên đường 19 kéo dài.

        Anh Chu Huy Mân chính ủy, anh Đặng Vũ Hiệp chủ nhiệm chính trị và tôi ở sở chỉ huy cơ bản đang chỉ huy chuẩn bị cho đợt 2 hoạt động đánh mục tiêu ở gần Plây-me. Nhận được tin liên tiếp từ các hướng báo cáo về, Mỹ đã đổ quân, chúng tôi cho lệnh đình lại việc đánh Chư Ho.

        Đảng ủy Mặt trận B3 chúng tôi họp khẩn cấp đánh giá tình hình và có chủ trương mới. Cuộc họp thống nhất đại ý rằng: Lữ kỵ binh bay số 3 Mỹ thực hiện chiến thuật “cóc nhảy” vào hậu phương ta hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Chúng ta đang nhử địch ra để diệt, Mỹ tự nhảy ra như vậy là đúng ý định của ta, ta có cơ hội để chuyển sang diệt Mỹ. Chúng ta cố gắng thu hút địch về phía tây nam Tây Nguyên để phối hợp với chiến trường Liên khu 5 và các chiến trường khác. Chỉ tiêu đợt hoạt động này: diệt gọn một, hai tiểu đoàn ngụy và một đến hai đại đội Mỹ.

        Phương châm tác chiến (do ta chưa nắm chắc các hoạt động của địch): ta phải đánh từ nhỏ đến vừa tiêu diệt gọn một bộ phận, tích cực bắn rơi nhiều máy bay địch. Đội hình bố trí theo chiều sâu, nếu địch thọc sâu ta có thể bao vây tiêu diệt. Đánh quân đổ bộ đường không đồng thời đánh quân đường bộ.

        Không khí trong cuộc họp cũng như khắp cơ quan Bộ tư lệnh B3 đều náo nức tự hào và tin tưởng: mình sớm trực tiếp đụng đầu với quân Mỹ so với các chiến trường khác, sau một vài trận mình sẽ rút được kinh nghiệm, tin rằng sẽ thắng Mỹ như đã thắng ngụy.

        Ngay từ khi nhận được tin Mỹ vào chiến trường này không phải trong đầu mọi người không có gì thắc mắc, trái lại có nhiều là khác, nhưng có thể quy mọi thắc mắc vào một câu hỏi “đánh Mỹ như thế nào?”. Đúng vậy, anh em cán bộ chiến sĩ của Tây Nguyên lúc đó tập trung theo một hướng “Đánh Mỹ như thế nào?” không hề có hơi thở hoảng sợ dù là len lỏi. Chính vì vậy câu giải thích giản dị của chính ủy Chu Huy Mân: “Ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu với quân Mỹ thì quyết tâm của ta vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Đánh đi rồi sẽ biết” đã được toàn quân ở Tây Nguyên tiếp nhận dễ dàng.

        Tôi nhớ mãi cuộc họp lịch sử ấy (13-11-1965). Cuộc họp gói gọn khoảng hai tiếng đồng hồ. Ý kiến của các cử tọa sôi nổi không giây phút nào ngưng nghỉ, vào sát phút cuối có ý kiến “cứ đánh đi, nếu địch co cụm cũng đánh, cơ động cũng đánh, nếu đổ tiếp nữa cũng đánh, vừa đánh ta vừa tìm hiểu địch và rút kinh nghiệm, bàn mãi mất thời giờ”.

        Tôi và anh Đặng Vũ Hiệp được phân công lập sở chi huy nhẹ để trực tiếp chỉ huy các trung đoàn 320, 66 và 33 (101B) tác chiến. Số người của sở chỉ huy nhẹ gồm một tiểu đội trinh sát trung đội công binh, một tổ điện đài và vài sĩ quan tham mưu... tất cả hơn ba chục người. Sáng 14 tháng 11 chúng tôi hành quân về phía dãy núi Chư Pông. Trên lối mòn còn lại nhiều vũng bùn, nước của trận mưa lớn từ mấy hôm trước.

        Thỉnh thoảng gặp vài chiến sĩ vận tải, hậu cần, cáng thương đi ngược chiều hoặc ở trong rừng ra, chúng tôi hỏi và được biết thêm một số tin tức cụ thể hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:03:27 pm »


        Ngày 10 tháng 11 quân Mỹ tập trung ở Bầu Cạn.

        Ngày 11 tháng 11 tiểu đoàn 952 tập kích vào Mỹ ở Bầu Cạn phá 10 máy bay trực thăng và làm địch thương vong 200 tên

        Ngày 14 tháng 11 tiểu đoàn 1 (lữ 3 kỵ binh bay) đổ bộ xuống đông bắc Chư Pông 3 ki-lô-mét, cách tiểu đoàn 9 (trung đoàn 66) của ta 200 mét. Cùng ngày chúng đổ hai tiểu đoàn (thiếu một đại đội), một đại đội pháo xuống tây nam Quynh-cơ-la 2 ki-lô-mét, và một trận địa pháo ở đường 19 kéo dài.

        Đến gần trưa chúng tôi dừng lại trên sườn nam núi Chư Pông. Tôi đang đứng chống gậy, mải ngắm nghía địa hình xung quanh không để ý gì khác, bỗng Đồng Thoại nằm xuống giật chân tôi, cùng lúc đó một tràng bom nổ như sấm sét chạy qua chỗ chúng tôi.

        Tôi nói vui với Đồng Thoại:

        - Đứng hay nằm ở đây cũng là ăn may thôi.

        Mắt tôi vẫn dõi theo những đám khói xám đang tan để lại một vệt dài dọc theo sườn núi những cây cối đổ ngang ngửa. Từ hồi còn ở ngoài miền Bắc tôi đã đọc nhiều tài liệu tham khảo về nền quân sự Hoa Kỳ, bây giờ tận mắt nhìn thấy và đang đụng đầu với nó. Một chiếc B.52 chở được 25 tấn bom, riêng ngày hôm nay chúng dùng 24 chiếc nối đuôi nhau quần xung quanh khu vực Chư Pông này. Tôi suy nghĩ về đối tượng tác chiến mới là một đội quân được trang bị rất mạnh, rất hiện đại mà đứng trước đối thủ là một đội quân “đói ăn” trang bị lạc hậu như vậy thì sự chủ quan “trong một thời gian ngắn sẽ đánh gãy xương sống Việt cộng” và việc đổ bộ ào ạt hiện nay để “cất vó” chủ lực của Tây Nguyên là điều dễ hiểu. Tôi ra lệnh dừng lạl khu vực địch vừa ném bom B.52 xong để nắm địch, nắm ta và chỉ huy trận đánh.

        Mãi tới chiều hôm ấy tôi mới gặp cán bộ chi huy trung đoàn 66 - anh Lã Ngọc Châu chính ủy trung đoàn. Châu cho biết đội hình trung đoàn bị địch chia cắt chưa liên lạc được, anh chỉ nắm được tiểu đoàn 7 và tình hình địch ở gần tiểu đoàn 7.

        Nắm được tình hình địch, tình hình ta qua chính ủy Châu và báo cáo của trinh sát, chúng tôi biết bọn địch đứng sát tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn 1 (thiếu) thuộc lữ 3 kỵ binh bay. Tôi và anh Đặng Vũ Hiệp chính ủy sở chỉ huy tiền phương hội ý chớp nhoáng quyết định dùng tiểu đoàn 7 cơ động nhanh đánh vào tiểu đoàn 1 Mỹ.

        Nghe tôi phổ biến nhiệm vụ xong, Châu báo cáo:

        - Thời gian như vậy gấp quá, vị trí địch tôi sẽ tổ chức nắm nhưng làm sao kịp phổ biến kế hoạch cho anh em để có thể đánh trong đêm.

        Tôi nói:

        - Khi hành quân tiến vào vị trí tập kết, anh gọi cán bộ đại đội đi gần anh, vừa đi anh vừa phổ biến nhiệm vụ, cách đánh cho cán bộ đại đội và tiểu đoàn, vào tới chỗ tập kết để bộ đội tập kết phía sau còn tất cả cán bộ đại đội, tiểu đoàn đi trinh sát và hiệp đồng ở thực địa. Địch vừa đi đổ xuống còn chân ướt chân ráo ta đánh ngay sẽ giành được yếu tố bất ngờ.

        Tiểu đoàn 7 đã nổ súng tập kích địch từ năm giờ rưỡi sáng 15 tháng 11. Khoảng 15 phút đầu địch hỗn loạn nhưng sau đó chống trả quyết liệt. Chúng tôi nghe khá rõ tiếng súng liên thanh, lựu đạn nổ dữ dội. Trên bầu trời kể cả ngày lẫn đêm không phút nào vắng sự gào thét của các loại máy bay, đây đó tiếng bom lấn át mọi âm thanh khác. Những chiếc C.130 bay lượn trên bầu trời ban đêm thả những chiếc pháo sáng soi rõ từng ngọn cỏ lối đi. Có chiến sĩ nói chơi: “Thằng Mỹ tốt thật, nó đang soi đèn cho chúng ta đi đấy”. Không gian chiến trường tưởng như trong nồi hơi, khí nén đã quá mức, lại còn tiếp tục dồn nén. Đầu óc, cơ thể mọi người dù chỉ là ngồi một chỗ cũng thấy căng thẳng như sợi dây đàn.

        Tiểu đoàn 7 tiếp tục tiến công địch. Khoảng 12 giờ máy bay địch tới bắn phá, thả bom na-pan trùm cả lên đội hình của quân Mỹ (* Tháng 10 năm 1993 khi trở lại thung lũng chết, trung tướng Ha-rôn Mua (Harold Moore) đã chỉ cho tôi nơi ông ta và tiểu đoàn bộ của ông bị 2 quả bom na-pan ném trúng và cảnh lính Mỹ giống như những bó đuốc sống vừa chạy vừa la thất thanh). Tiểu đoàn 7 để lại một đại đội làm nhiệm vụ bao vây không chế không cho địch rút chạy hoặc cơ động đi nơi khác. Số còn lại tạm rời trận địa lui lại phía sau để chấn chính đội hình.

        Sau một hồi lâu bắn phá, địch đổ bộ thêm một đai đội còn lại của tiểu đoàn 1.

        Ở sở chỉ huy tiền phương chúng tôi lúc này nắm được tình hình chắc hơn. Dưới trung đoàn 66 cho biết: tiểu đoàn 9 đã liên lạc được với tiểu đoàn 7. Như vậy tương quan lực lượng trong khu vực nhỏ này, mỗi bên có hai tiểu đoàn, nếu tính số lượng quân Mỹ trội hơn, chưa kể hai đai đội pháo và không quân chi viện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 01:57:12 pm »


        Tối 15 tôi lệnh cho chính ủy Lã Ngọc Châu (trung đoàn trưởng đi lạc chưa về) nhanh chóng củng cố lực lượng, cố gắng tập kích ở tọa độ X vào sáng ngày 16. Cùng thời điểm đó tôi cử Đồng Thoại trợ lý tác chiến đi bắt liên lạc với trung đoàn 33, gặp được tiểu đoàn nào thì giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn ấy tập kích vào hai trận địa pháo ở Quynh-cơ-la để phối hợp với trung đoàn 66.

        Một mặt cho một tốp trinh sát đem lệnh cho tiểu đoàn 8 (trung đoàn 66) nhanh chóng quay về đường cũ, sẵn sàng đánh địch đang hành quân ngược về phía tiểu đoàn 8.

        Tiểu đoàn 7 đã nổ súng khoảng 3 giờ sáng 17 tháng 11. Sau ít phút chiến đấu quyết liệt tiểu đoàn 7 đã đánh trúng tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 1 và đánh thiệt hại nặng đại đội A và đại đội B quân Mỹ. Tiểu đoàn 1 trung đoàn 33 bị lạc đường không thực hiện được ý định đánh vào trận địa pháo.

        Thấy tiểu đoàn 1 có nguy cơ bị tiêu diệt, lữ 3 kỵ binh bay hạ lệnh cho số còn lại hành quân bộ chạy về phía tây Ia-mơ co cụm ở gần trận địa pháo chờ lệnh.

        Tôi ra lệnh cho các đơn vị (tiểu đoàn 1 trung đoàn 33) để khỏi bị lạc đường phải liên tục đánh địch cả ban ngày và ban đêm; gặp địch là khẩn trương tổ chức đánh ngay bám thắt lưng địch mà đánh.

        Trưa ngày 17 tiểu đoàn 8 (trung đoàn 66) nhận được lệnh hành quân quay lại, đang nghỉ ăn cơm dọc sông Ia-đrăng thì có tin của trinh sát báo cáo: “quân Mỹ đang tới gần”. Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi bình tĩnh đôn đốc tiểu đoàn nhanh chóng triển khai đội hình chiếm trận địa có lợi trước mặt và hai bên, hình thành thế bao vây ép địch vào giữa hai gọng kìm của tiểu đoàn. Sau khi dùng hỏa lực súng cối chế áp ngắm vào đội hình địch, quân ta dũng cảm đồng loạt xung phong chia cắt đội hình và đánh giáp lá cà với địch. Cả đôi bên lúc này đội hình xen kẽ nhau đến độ chỉ cho phép dùng tiểu liên bắn găm, dùng lưỡi lê, lựu đạn mà chiến đấu.

        Nhà báo Gan-lâu Uây (Gallo Way) đã miêu tả trận đánh: “ Khi các khẩu súng cối của họ phát hỏa, quân chính quy Bắc Việt Nam đang vận động dọc theo đội hình quân Mỹ, lập tức quay vòng lại và tiến công. Ở trung tâm của đội hình, đại đội Sác-li (Charlie) phải chịu hậu quả tồi tệ nhất, bị chết 20 và bị thương một số còn đông hơn thế ngay từ phút đầu tiên. Một số quân ta bắn như điên như dại về tứ phía và có đại đội khác đã phàn nàn là họ đã bị bắn bởi chính hỏa lực của quân mình”.

        “Mãi đến lúc này, khi quân Bắc Việt Nam đang tăng cường sức ép tiến công mà Mắc Đết (Mc Dade) tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 lữ 3 Mỹ vẫn còn ngộ nhận tin rằng sự việc đang diễn ra chính là do quân Mỹ bắn loạn xạ vào nhau... Trung úy Slau-ren Guyn (Slawrence Gwin) đã viết kể lại là Mắc Đết đã gọi điện đài lệnh cho các đơn vị ngừng bắn. Tình hình đã xấu lại trở nên xấu hơn. Đến bây giờ quân Bắc Việt Nam đã có mặt ngay trong hàng ngũ quân Mỹ và trên các ngọn cây cao. Bất cứ ai vận động lên đều bị bắn chết. Thiếu tá Hen-ry và trắc thủ pháo binh đã cố gắng dùng điện đài của họ để gọi pháo binh và không quân chi viện. Điều này đã làm giảm bớt sự chết chóc, nhưng với đội hình kéo dài hơn 100 yard giữa bãi cỏ cao rậm thì các quả đạn pháo và na-pan sát thương quân Bắc Việt Nam đồng thời cũng sát thương cả người Mỹ. Đơn vị đi đầu, đại đội An-pha phân tán rải ra trải khắp đoạn rìa của khu vực phát quang trước khi bị tiến công đã bị mất đúng hai trung đội, 50 người trong những phút đầu. Đến lúc rút ra khỏi khu vực An-ba-ny này, nó chỉ còn lại 20 người trong tổng số 160 người. Đại đội Sác-li lúc tập hợp ở khu vực “tia X” để hành quân có 110 người thì lúc này đã bị chết 50 và bị thương 50”...

        Nhận được lệnh của tôi, trung đoàn 33 đã cho một tiểu đoàn hành quân cấp tốc ngược về phía Chư Pông. Trên đường hành quân tiểu đoàn 1 (trung đoàn 33) nghe thấy tiếng súng nổ phía trước mặt, biết chắc chắn quân ta đang chặn đánh địch, không ai bảo ai họ cế gắng vượt lên nhanh. Tới gần sát địch, một đại đội của tiểu đoàn 1 gặp địch đang chạy lui về phía Chư Pông. Thế là hai đơn vị phối hợp đánh mạnh vào sau lưng tiểu đoàn Mỹ. Sự hiệp đồng tuyệt đẹp của cả hai tiểu đoàn, khiến đội hình quân Mỹ đang rối ren, nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 01:57:36 pm »


        Trận đánh kéo dài suốt 14 giờ ngày 17 đến 20 giờ ngày 18 mới kết thúc. Theo nhà báo Gan-lâu Uây đi theo hai tiểu đoàn 1 và 2 lữ đoàn 3 quân Mỹ thì tiểu đoàn 2 bị giết 155 người, 125 người bị thương và 5 bị mất tích. Như vậy trong 3 tiếng đồng hồ tiểu đoàn 2 quân Mỹ đã mất 285 người trong tổng số 400, mặc dầu con số này còn xa sự thật. Ngay đại tướng Oét-mo-len cũng phải thừa nhận đây là một tổn thất rất nghiêm trọng.

        Trong ngày 18 địch vội vã điều động lực lượng tới nhiều nơi hy vọng sẽ giảm nhẹ sự nguy kịch của tiểu đoàn 2 kỵ binh bay đang có nguy cơ bị tiêu diệt.

        Ở Quynh-cơ-la địch đổ thêm tiểu đoàn 3 và 2 đại đội pháo.

        Hai trung đoàn dù ngụy nằm trong lực lượng tổng dự bị tức tốc được điều từ Sài Gòn tới cùng với một tiểu đoàn Mỹ hành quân bằng ô tô rồi tiến vào hướng đông nam Đức Cơ bắc dãy núi Chư Pông để yểm trợ phía sau đồng thời cố tạo ra một áp lực giả tạo làm thuốc an thần cho quân Mỹ. Rất tiếc trung đoàn 320 ở hướng đó chỉ đánh tiêu hao,  không diệt gọn được tiểu đoàn Mỹ nào.

        Ngày 19, hàng chục máy bay tới ném bom bắn phá hồi lâu xung quanh Quynh-cơ-la, rồi cho trực thăng xuống bốc toàn bộ số quân còn lại về Bầu Cạn. Cuộc hành quân lần đầu tiên của quân Mỹ vào Tây Nguyên đã kết thúc bi thảm.

        Kết quả cuối cùng ta đã giành được thắng lợi to lớn vượt xa dự kiến ban đầu, khoảng 1.200 tên Mỹ bị thương vong, ta tiêu diệt tiểu đoàn 1 và 2 của lữ đoàn 3 kỵ binh bay, tiêu hao nặng tiểu đoàn 3 và một số đại đội, bắn rơi 26 máy bay và thu nhiều súng đạn.

        Trận đánh ở Ia-đrăng đã làm chấn động đến toàn nước Mỹ, báo hiệu sự thất bại không thể tránh được của quân đội viễn chinh Mỹ. Tôi xin mượn câu nói của nhà báo Mỹ Gan-lâu Uây viết cho Tuần tin tức Mỹ sau đây: “Trận chiến đấu ở thung lũng Ia-đrăng đã làm cho nước Mỹ suy thoái vào một thập kỷ sa lầy dẫm máu, đã dẫn 58.000 người Mỹ vào những chiếc quan tài bằng nhôm sáng bóng do quân đội sản xuất, đã làm hỏng một đời tổng thống, đã mang lại vết nhơ sâu sắc cho các đời tổng thống khác và đẩy cả dân tộc đến chỗ đối lập với chính bản thân mình” và “bài học ở Ia-đrăng người Mỹ còn phải học đi học lại đến 550.000 lần trong một năm và hàng năm”. Đó là giai đoạn mở đầu của sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ. Khi Mỹ kết thúc chiến tranh Việt Nam sư đoàn kỵ binh bay số 1 đã bi ổn thất tới 30.000 người chết và bị thương, gấp hơn hai lần quân số biên chế của sư đoàn”.

        Năm sáu ngày đêm liền lúc nào cũng có tiếng máy bay, tiếng bom đạn nổ, mặt khác chúng tôi phải liên tục xử trí với những tình huống khẩn trương, nên ở sở chỉ huy tiền phương hầu như không có ai chợp mắt nổi vài giờ. Từ người chỉ huy đến anh bình nhì đều phải làm việc với cường độ cao nhất: trinh sát đi bám địch, trợ lý tham mưu xuống đơn vị tổ chức hợp đồng, thông tin tự đi móc nối với những đơn vị mất liên lạc... Không ít tình huống mệt mỏi căng thẳng như sĩ quan được phái đi bắt liên lạc với tiểu đoàn 8, đi biệt tăm không có tin tức trở về; như tin của trung đoàn 33 báo cáo: tiểu đoàn 1 cho đi tập kích trận địa pháo đã bị lạc đường, trong lúc đó bốn trận địa pháo của địch vẫn thả sức bắn phá về phía ta không có ai kiềm chế... Tuy căng thẳng, phức tạp vất vả dường ấy nhưng sở chỉ huy tiền phương chúng tôi vẫn lần lượt nắm vững sự tổ chức chỉ huy xuống các đơn vị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:01:27 pm »


*

*       *

        Sở chỉ huy cơ bản của B3 vẫn liên lạc chặt chẽ với sở chỉ huy tiền phương bằng vô tuyến điện. Biết chúng tôi đã nắm được cả hai trung đoàn 66 và 33 các anh yên tâm, luôn động viên cổ vũ nhắc nhở ý nghĩa quan trọng của trận đánh và phải kiên quyết đánh thắng.

        Khi chúng tôi ra trận lần này từ người chỉ huy cao nhất đến người lính đều mang theo mình câu hỏi “Đánh Mỹ như thế nào?” và mỗi người đều phải tự tìm lời giải đáp. Anh Chu Huy Mân gặp một số chiến sĩ từ trận đánh trở về, anh hỏi:

        - Các cậu thấy đánh Mỹ có đặc điểm gì?

        Anh em không nhận ra vị tướng của mình, vì anh không đeo quân hàm và không ai giới thiệu nên họ nói năng thoải mái. Một chiến sĩ nói:

        - Đánh nhau với bọn bộ binh Mỹ cũng dễ thôi, nhưng mẹ nó, nó lắm máy bay, lắm bom, lắm pháo quá, không lúc nào ngớt, nhức đầu nhức óc.

        Nhìn chung cả hai mặt trận đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nổi bật là trung đoàn 66. Trong trung đoàn có tiểu đoàn 7 và 8 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cả hai tiểu đoàn gặp địch chủ động đánh ngay, đánh liên tục bằng các hình thức tập kích vận động tiến công, bắn máy bay. Các cán bộ hết sức chủ động linh hoạt, anh Lã Ngọc Châu là chính ủy trung đoàn giỏi, đã chỉ huy đơn vị như một trung đoàn trưởng thực thụ, trong trận đánh không có thời gian chuẩn bị đã vừa hành quân vừa giao nhiệm vụ.

        Suy nghĩ về cách đánh Mỹ như thế nào, chúng trôi thấy câu trả lời đơn giản của chiến sĩ nói trên có phần đúng, nếu như ta tạm gác phần “hỏa lực mạnh” ra thì đánh Mỹ chẳng khác đánh ngụy là bao, thì ta sẽ thắng Mỹ như ta đã thắng ngụy.

        Từ trận đầu đánh Mỹ cho tới mãi về sau này chúng tôi vẫn giữ nhận định: Mỹ dựa vào binh khí kỹ thuật mạnh sinh ra chủ quan; binh khí kỹ thuật và tư tưởng chủ quan đều tác động tới chiến thuật và hành động chiến đấu của họ. Suy nghĩ kỹ điều này để ta có kế triệt tiêu cái mạnh và biết khoét sâu chỗ yếu của Mỹ, ta sẽ thắng.

        Nói thế không có nghĩa rằng “đánh Mỹ cũng dễ thôi” như cách nói của một số anh em. Người Mỹ thực dụng, họ rất chú trọng rút kinh nghiệm kịp thời và có phương tiện hiện đại để làm thay đổi tình thế và Mỹ cũng khôn ngoan và xảo quyệt, đôi khi họ có khả năng làm đảo lộn tình thế bất lợi đối với họ. Nhưng họ vẫn không thoát ra khỏi tư tưởng chủ quan khi đánh giá đối phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:05:03 am »

     
III

NHỬ ĐỊCH


1

        Năm 1965. Một năm Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh, chuyển cuộc "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam sang "chiến tranh cục bộ”, đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhưng mọi mục tiêu đế quốc Mỹ mong muốn vẫn xa vời vợi. Riêng ở miền Nam Mỹ đã đưa vào 25 vạn quân. Lực lượng này đã trở thành lực lượng chủ yếu, tiến hành những cuộc phản công khá quyết liệt để "đánh gãy xương sống” Việt cộng và "đẩy chủ lực của Việt cộng ra khỏi biên giới”… Nhưng đụng vào đâu quân Mỹ cũng để lại những dấu vết thất bại. Núi Thành, Vạn Tường, Plây-me, Ia-Đrăng là những chấm than đen đậm khó xóa trong chương đầu lịch sử của quân viễn chinh Mỹ vào Việt Nam. Không chỉ có thất bại ở chiến trường mà đế quốc Mỹ còn thất bại lớn về chính trị. Quân Mỹ vào miền Nam là tự bộc lộ bộ mặt xâm lược, và đã đụng vào cái phím đầy nhạy cảm - tình cảm dân tộc, lòng tự tôn và tự hào dân tộc của nhân dân ta. Tình cảm và lòng tự hào dân tộc đó càng cổ vũ nhân dân ta quyết tâm bảo vệ và giải phóng đất nước. Mỹ vào dễ dàng khơi dậy tinh thần dân tộc ngay trong nội bộ ngụy quân, ngụy quyền làm cho nội bộ chúng bị phân hóa và nhen nhóm tinh thần bài Mỹ, đẩy trách nhiệm cho Mỹ, điển hình như phong trào phật tử ly khai ở Huế đã mở rộng ra khắp các thành phố lớn ở miền Nam, trở thành cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần nửa năm 1966.

        Quân chủ lực của ta không hề lui “ra khỏi biên giới”, trái lại vẫn trụ vững ở khắp chiến trường miền Nam, và còn lớn mạnh hơn. Mỹ muốn giành lại ưu thế ở chiến trường buộc phải tăng quân nhanh hơn (kế hoạch: cuối 1966 nâng số quân Mỹ lên 391.000) và phải mở liên tục nhiều cuộc phản công. Tháng 1 năm 1966 đế quốc Mỹ huy động toàn bộ lực lượng quân Mỹ - ngụy và chư hầu mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam, mở 20 cuộc hành quân với lực lượng từ ba đến hai mươi tiểu đoàn Mỹ được chi viện rất lớn của không quân và pháo binh. Hai hướng phản công chủ yếu là miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Khu 5. Mục tiêu cuộc phản công nhằm đánh bại chủ lực ta hỗ trợ kế hoạch "bình định", củng cố ngụy quyền tay sai, giành lại chủ động trên chiến trường.

        Cuộc phản công của địch kéo dài cho đến tháng 4 năm 1966. Quân chủ lực của ta vẫn đứng vững ở căn cứ của mình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nhân dân trong khu vực, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tác chiến chặn đứng mũi phản công và gây cho địch thiệt hại lớn. Chiến trường Đông Nam Bộ trong trận Nhà Đỏ - Bông Trang (24-2-1966), sư đoàn 9 nhằm lúc quân Mỹ co cụm cạnh "ấp chiến lược" Nhà Đỏ đã bất ngờ tập kích đánh thiệt hại nặng một chiến đoàn (gồm sở chỉ huy, hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp). Tại huyện Củ Chi cách Sài Gòn 30 ki-lô- mét, về phía tây bắc đại đội 306 địa phương và du kích xã dùng các loại vũ khí tự tạo kết hợp với hệ thống địa đạo chỉ trong 12 ngày đêm chiến đấu đã diệt và làm bị thương 2.000 tên, phá 100 xe quân sự, bắn rơi và bắn hỏng 50 máy bay các loại... Chiến trường Khu 5, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lực lượng vũ trang địa phương, du kích đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực (sư đoàn 2 và 3) bẻ gãy nhiều mũi hành quân của địch và gây cho chúng nhiều thiệt hại. Đặc biệt là trận đánh luồn sâu vào An Khê của tiểu đoàn đặc công 467 (thuộc sư đoàn 3) đánh vào lữ kỵ binh bay Mỹ loại khỏi vòng chiến 520 tên, phá hủy 97 máy bay.

        Ở Mặt trận Tây Nguyên, mở đợt hoạt động Xuân, trung đoàn 320 đánh một số trận nhỏ ở phía bắc Công Tum. Cả mặt trận thời kỳ này tương đối yên tĩnh.

        Khoảng tháng 5, theo chủ trương của mặt trận thành lập sư đoàn 6 gồm các trung đoàn từ miền Bắc đang trên đường vào, tôi được phân công đi đón anh em rồi tổ chức huấn luyện, rèn luyện đơn vị mới làm quen với chiến trường. Trung đoàn 24 (ở miền Bắc là trung đoàn 42) do trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường chỉ huy, là đơn vị mới xây dựng, lính nghĩa vụ nhưng anh em rất hăng, vừa đặt chân tới chiến trường đã yêu cầu cho đánh. Chúng tôi tiếp nhận trung đoàn 24 ở đất Công Tum rồi cùng anh em tiếp tục hành quân và dừng lại ở phía bắc Đắc Tô, Tân Cảnh. Ở đây chúng tôi mở một lớp tập huấn mười lăm ngày cho cán bộ từ trung đội trở lên, chủ yếu cho anh em nắm được tình hình địch, địa hình và nhân dân, những kinh nghiệm thực tế nóng hổi của chiến trường. Bá Thường là một cán bộ rất khiêm tốn, ham học và có nhiều sáng tạo không rập khuôn. Tuy mới quen nhưng tôi rất quý mến anh.

        Học xong tôi bàn với chỉ huy trung đoàn thực hiện chiến thuật "vây điểm diệt viện" cho khoảng một đại đội vây quận lỵ Tu-mơ-rông (từ khi Mỹ và ngụy đã trở lại đóng khoảng hai đại đội ở Tu- mơ-rông) cố gắng nhử cho Mỹ ra, nếu trung đoàn 42 ngụy ở Tân Cảnh ra cũng diệt.

        Ta vây ngày 1 tháng 6 năm 1966, đến ngày 2 tháng 6 chúng tôi nhận được tin của trinh sát: "Có khoảng một tiểu đoàn của trung đoàn 42 hành quân từ Tân Cảnh ra đường 14, chúng đi rất thận trọng".

        Tôi phán đoán: ngụy đi ít thế này chỉ là sục sạo cho Mỹ đi.

        Lực lượng ta có tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 6 phục kích trên đoạn đường cách ngã ba đường 14 rẽ vào Tu-mơ-rông. Tiểu đoàn 5 (thiếu) làm lực lượng cơ  động.

        Mặc dù sục sạo dè dặt chậm chạp nhưng chúng vẫn dẫn nhau vào cái bẫy ta giương sẵn. Tôi hạ lệnh nổ súng. Trưng đoàn 42 ngụy vốn rất sợ là đánh này của ta, nên chỉ loạt tiếng nổ bất ngờ đầu tiên là đội hình đã rối loạn. Trận đánh diễn ra rất nhanh, trong vòng 30 phút ta đã diệt gọn tiểu đoàn bộ và hai đại đội, số còn lại tháo chạy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:11:29 am »

     
2

        Thấy bọn ngụy bị đánh đau, lập tức sáng hôm sau (3- 6) Mỹ đổ xuống tây bắc Đắc Hà (quận lỵ cũ) gần một tiểu đoàn dù (thuộc lữ dù 101). Cùng ngày Mỹ đổ quân ở nhiều điểm khác: Đắc Phồn 1 đại đội, Đắc Mông 1 đại đội, Đa-cơ-rông 1 đại đội.

        Linh cảm thấy quân Mỹ chuẩn bị giăng một vòng vây, tôi hạ lệnh cho trung đoàn 24 tối ngày 4 phải nhanh chóng vượt qua đường 14 về đứng chân ở bắc tây bắc Tu-mơ-rông. Các tiểu đoàn 4 và 5 thực hiện đúng thời gian, tiểu đoàn 5 tới đêm sau (5 - 6) mới vào được vị trí quy định.

        Tiểu đoàn Mỹ ở Đắc Hà sau khi củng cố xong căn cứ, ngày 8 chúng càn vào hướng trận địa cũ của trung đoàn 24 (nếu trung đoàn 24 còn ở đây, đã nằm trong vòng vây khép kín). Đại đội A (thuộc tiểu đoàn 1, lữ 1, sư đoàn dù 101) ở Đắc Mông cũng càn vào đó. Ta dùng tiểu đoàn 4 vận động tiêu diệt gần hết đại đội A, số còn lại lui về chỗ cũ.

        Phát hiện được lực lượng ta, ngày 8 và ngày 9 Mỹ đổ xuống thêm 4 đại đội ở phía sau sở chỉ huy của chúng tôi (tiền phương mặt trận) và tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5, cách khoảng 4 ki-lô-mét. Như vậy là địch nới rộng vòng vây chuẩn bị dồn trung đoàn 24 vào "vó".

        Ngày 9 tháng 6 chúng tôi dùng tiểu đoàn 5 tăng cường một đại đội mai phục ở Đắc Châm đón lõng hướng quân địch nống ra.

        Cùng trong khoảng mấy ngày địch đổ quân, đại đội cao xạ 12 ly 7 (ở gần sở chỉ huy) đã bắn rơi 3 máy bay trực thăng. Địch phát hiện có lực lượng ta ở Đắc Châm, chúng bắn tập trung hàng nghìn phát đạn pháo vào khu vực sở chỉ huy. Mùi thuốc đạn khét tanh luôn bám lấy lỗ mũi. Tiếng của đạn pháo bầy hàng chục viên cùng một lúc dội xuống, tiếng rít của đường đạn đi như muốn xé rách màng nhĩ. Một lần tôi đang đứng tay chống khẩu súng thể thao để quan sát xung quanh. Thình lình một viên đạn pháo nổ gần mảnh đạn cắt phăng cái biểu xích của khẩu súng thể thao găm vào đầu đồng chí Sĩ chủ nhiệm công binh mặt trận, làm anh ngã xuống và tắt thở ngay. Cách tôi vài mét mấy chiến sĩ Cảnh vệ, trinh sát bị thương Tôi vội vàng bước lại chỗ Sĩ. Một cán bộ đang đặt lại tư thế nằm của Sĩ cho ngay ngắn. Tôi ngồi xuống bên cạnh lặng lẽ vuốt cặp mắt khép hờ của Sĩ thay lời vĩnh biệt người đồng đội thân thiết của mình. Tôi vô cùng thương tiếc Sĩ - một cán bộ công binh giỏi, gan góc mà tôi hằng tin cậy, khi giao bất kể công việc gì.

        Mấy trợ lý tham mưu thấy địa điểm sở chỉ huy đã bị lộ và nằm trong vòng vây, đề nghị với tôi cho di chuyển sở chỉ huy. Tôi nói với anh em "lực lượng địch đã xen kẽ với lực lượng của ta, đi lúc này là mất chỉ huy” . Rồi tôi hạ lệnh cho toàn bộ sở chỉ huy: tăng cường công sự sẵn sàng chiến đấu chống bộ binh địch; lệnh cho anh Đồng Thoại trợ lý pháo ra nắm đại đội cao xạ 21 (12 ly 7) đánh máy bay và đánh cả bộ binh địch.

        Không khí trong sở chỉ huy vẫn giữ được bình tĩnh nhưng hết sức căng thẳng. Chuông điện thoại liên tục đổ, chốc lại có tin máy bay bắn vào đội hình, chốc lại có tin địch đổ thêm quân, địch sục sạo tới bộ phận cánh giới của ta... Một lần tôi nhấc ống nghe thấy tiếng trung đoàn trưởng Thường:

        - A lô! Anh Ân (mật danh của tôi) đó phải không?

        - Tôi đây, nói đi.

        - Anh em đã phục một ngày một đêm rồi rất sốt ruột. Tôi đề nghị cho "dê" 5 vận động ra đánh.

        - Cứ để "dê 5 ở đó. Kiên trì ở đó nhất định sẽ được đánh. Rõ ràng thằng Mỹ đổ quân xuống chia cắt đội hình ta rồi. Nó đổ xuống ngồi đó thì chẳng có tác dụng gì, dứt khoát nó sẽ nống ra. Động viên anh em kiên trì ở đó sẽ được đánh.

        Quả nhiên, ngày 9 hai đại đội (của tiểu đoàn 3 lữ l01) tiến vào Đắc Châm đúng cái hom đó ta đặt sẵn. Tiểu đoàn 5 đánh một trận phục kích xuất sắc. Trận địa của tiểu đoàn giữ được bí mật đến phút chót, khi ta nổ súng chúng cuống cuống kêu khóc đè lên nhau mà chạy. Tiểu đoàn 5 đã rượt theo tiêu diệt chúng.

        Cùng ngày mồng 9 Mỹ đổ thêm một đại đội xuống bắc Đắc Phồn 3 ki-lô-mét. Ngày 10 Mỹ đổ thêm phía sau lưng sở chỉ huy chúng tôi một đại đội. Như vậy là toàn bộ một lữ dù (l01) đã đổ xuống bâu xung quanh trung đoàn 24. Tôi nhắc trung đoàn trưởng Thường: "Các điểm nó đổ xuống phải chú ý theo dõi. Nhất định chúng sẽ lùng sục để tạo hợp điểm. Phái tổ chức tốt các trận địa mai phục chặt đứt từng mũi không cho chúng gặp nhau”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:12:08 am »


        Trung đoàn 24 mặc dù là đơn vị mới vào chiến trường nhưng ý thức tổ chức, tinh thần chiến đấu tỏ ra rất vững vàng. Trong đợt hoạt động ngắn đã chiến đấu 8 trận (ở cấp tiểu đoàn) diệt 4 đại đội và gây nhiều thương vong cho hầu hết các đại đội đã chạm trán. .

        Qua những thông tin thu được tại chiến trường, tôi phán đoán địch sắp rút mà khi rút rồi chắc chắn sẽ dùng B.52 rải bom hủy diệt. Nghĩ tới việc cho trung đoàn 24 nhanh chóng rút ra khỏi khu vực tác chiến trong điều kiện chưa quen địa hình e rằng sẽ bị lạc đường khi còn địch ở xung quanh sẽ bất lợi, tôi đã giao cho Đồng Thoại cán bộ tham mưu cùng toán trinh sát vượt qua ngăn chặn của địch tới gặp chỉ huy trung đoàn 24 để dẫn đường. Chuyến đi này rất khó khăn nguy hiểm, tôi không giấu họ điều đó, nhưng anh em không ai tỏ ra ngần ngại (tôi sẽ kể kỹ chuyến đi của họ ở đoạn sau).

        Ngay đêm 10 sở chỉ huy sư đoàn di chuyển, chúng tôi đến Ngọc-dơ-phan cách địa điểm cũ khoảng 2.500 mét. Ngày hôm sau địch đổ xuống một đại đội Mỹ (sư 101) cách chỗ chúng tôi 1.000 mét .

        Ngày 15, máy bay trực thăng, máy bay phản lực hoạt động liên tục đông hơn bình thường, trên bầu trời luôn luôn có hàng chục chiếc, bắn nơi này, rải bom nơi kia. Chúng có biểu hiện rút chạy. Đêm đó tôi hạ lệnh cho các đơn vị đang tham gia tác chiến nhanh chóng cơ động ra khỏi khu vực tác chiến, về khu căn cứ Đắc-rơ-lai (cách khoảng 12 ki-lô-mét).

        Suốt đêm tổ chức đôn đốc chỉ huy thu quân nhanh tránh B.52 cho tới gần trưa hôm sau, không lúc nào rảnh rang lấy vài chục phút, nếu có rảnh thì tiếng bom đạn, máy bay cứ nhồi vào tai không sao ngủ được. Mãi tới chiều hôm ấy tôi ngồi ôm khẩu các bin M.2 tựa vào gốc cây vừa chợp mắt khoảng mươi phút đã thấy người giật áo gọi “Thủ trưởng! Thủ trưởng!”, tôi choàng dậy hỏi:

        - Chuyện gì thế?

        Cậu liên lạc trả lời tôi bằng một câu hỏi:

        - Có một con nai vào rất gần, thủ trưởng có cho bắn không?

        Máu ham săn bắn của tôi ngang với ham đánh giặc. Nghe thấy có con mồi rất gần lập tức tôi tỉnh táo vác súng di theo cậu liên lạc. Mấy cậu cảnh vệ, trinh sát kỹ thuật đứng núp sau gốc cây chăm chú nhìn theo con nai đang ngơ ngác dưới mái nhà sàn vô chủ và đàn sói khoảng mươi cơn cách con mồi không xa, con nào cũng nhe nanh dữ tợn và đuôi dựng lên như những bông lau lớn. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy đàn sói với khoảng cách gần như vậy, quá lắm là 20 mét.

        Tôi núp vào gốc cây, giương súng ngắm vào con nai và nói:

        - Mình bắn nhé.

        Cậu trinh sát kỹ thuật đứng gần tôi, nói nhỏ:

        - Đừng… thủ trưởng. Bọn Mỹ vừa đổ xuống cách ta khoảng 600 mét.

        Tôi "suỵt" đuổi con nai thầm mong nó chạy thoát lũ sói, nhưng con nai vừa ra khỏi nhà sàn thì đàn sói lập tức rượt theo.

        Tôi xách súng trở lại chỗ cũ, anh N trợ lý tác chiến đã đứng chờ ở đó. N báo cáo:

        - Trung đội hữu tuyến đã về đầy đủ an toàn. Trung đoàn 24 vừa báo cáo: toàn đơn vị đã rút khỏi đơn vị tác chiến, đang trên đường về căn cứ, an toàn. Máy bay trực thăng rất đông hoạt động liên tục trong khu vực tác chiến, có hiện tượng bốc quân.

        Tôi trút hơi thở nhẹ nhõm, và tôi bảo N báo cho các đơn vị trực thuộc chuẩn bị hành quân về căn cứ theo kế hoạch đã định.

        Bộ phận nhẹ của sở chỉ huy chúng tôi ở lại sau để đôn đốc và kiểm tra việc thu quân của toàn mặt trận thật hoàn tất rồi mới rút. Chiều hôm ấy chúng tôi đang bước trên một con dốc nhỏ, ánh nắng chiều đã nhợt nhạt, lối đi trong rừng rậm đang chuyển gam màu từ sáng sang xám đậm. Không gian vang tiếng máy bay, tiếng bom đạn nổ. Hơn nửa tháng qua đến giờ mới thấy những phút tĩnh lặng, có chỗ cho thiên nhiên lên tiếng. Tai tôi không ngừng lắng nghe âm thanh xung quanh dội tới, tiếng gió rung cây lá rừng rì rầm sâu thẳm, tiếng đàn vượn thi nhau hú và những hồi âm hoang dã, tiếng đàn chim rừng gọi đàn... Trận đánh thắng đẹp và tiếng nhạc rừng khiến tâm hồn tôi thanh thản.

        Phía sau lưng chúng tôi bỗng nổi lên từng chuỗi dài tiếng nổ như sấm.

        Một tốp... hai tốp... .

        Cậu cảnh vệ đi sau lưng tôi đang đếm, tôi hiểu cậu ta đang đếm tốp B.52, mặc dù chẳng nhìn thấy chúng đâu nhưng cũng đứng như vậy. Điều dễ hiểu bởi nhiều lần chúng tôi bằng mắt thường đã nhìn thấy B.52 hai cánh dài thưỡn tám động cơ, cứ ba chiếc vào thả một đợt bom, cách độ 20 - 30 giây lại một tốp khác vào thả tiếp.

        Nghe bom của B.52 rải hết đợt này tới đợt khác ở khu vực tác chiến, anh em xì xầm bình luận:

        - Có đến chục tốp chứ không ít.

        - Kệ nó, cứ thả sức rải bom, rải bom nhiều cũng là thắng lợi của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:23:12 am »

        
3

        Lại nói về việc rút quân của trung đoàn 24.

        Tôi thấy mục đích của trận đánh, so sánh lực lượng ta, địch tại chỗ, thời gian tác chiến đến đây có thể kết thúc trận đánh là vừa.

        Trung đoàn 24 mới huấn luyện chưa qua chiến đấu, chưa quen chiến trường trận đầu thử sức quần nhau với toàn bộ lữ dù 11 (thuộc sư đoàn 101) loại lính sừng sỏ của Hoa Kỳ kéo dài nửa tháng trời, mà liên tiếp đánh thắng, xóa sổ 4 đại đội địch (kết quả trận đánh: diệt hơn 1.000 tên. bắn rơi 14 máy bay, thu nhiều vũ khí)1. Như vậy, nếu phân loại khiêm tốn trung đoàn cũng đạt loại giỏi. Không thể kéo dài thời gian hơn được nữa, bởi lương thực chỉ còn đủ ăn cho một hai ngày; tất cả các tiểu đoàn. tham chiến không còn lực lượng dự bị; đội hình ta với địch đan xen nhau, nếu chủ quan, sơ hở là trung đoàn 24 dễ dàng bị tổn thất, chui ngay vào vòng vây của địch.

        Chúng tôi thầm lo việc lui quân của trung đoàn. Trong chiến tranh không thiếu gì chuyện khi đánh thì thắng nhưng khi rút ra khỏi trận đánh lại bị thương vong bại hoại. Vì vậy việc tổ chức lui quân cũng phải khôn khéo bí mật bất ngờ như khi nổ súng tấn công.

        Đồng Thoại đi đánh chặn những toán địch sục sạo thăm dò vào sở chỉ huy vừa trở về, trên khuôn mặt tròn của Thoại đầy bụi đất và mồ hôi nhễ nhại. Tôi thân mật nói với Đồng Thoại điều mình đang suy nghĩ:

        “Thằng” 24 mới vào chiến trường, chưa có kinh nghiệm xử trí những tình huống phức tạp. Gạo hết rồi...

        Đôi mắt to sáng của đồng chí Thoại nhìn tôi không chớp, biểu lộ sự thông cảm về tầm quan trọng của câu chuyện tôi đang nói. Từ khi làm quen với chàng trai Hà Nội này, nhất là sau trận đánh Tu-mơ-rông, Đồng Thoại đã chiếm được niềm tin yêu của tôi. Đôi lúc rảnh rỗi chúng tôi thường tâm sự, chuyện nhà cửa quê quán với nhau và cho xem ảnh vợ con, té ra vợ Thoại cũng là người quen thân với gia đình vợ tôi. Sự thân thiết của hai gia đình làm cho tình bạn chiến đấu của chúng tôi càng gắn bó hơn. Đồng Thoại vóc người cao lớn đẹp trai và có cái đầu to tròn khá đặc biệt, nó giống hòn bi khổng lồ. Tôi thường gọi Thoại là “thằng đầu to". Không hiểu sao trước một công việc hết sức nghiêm trọng tôi không hề tỏ ra mình là cấp trên có quyền ra lệnh mà chọn cách nói tâm sự.

        Tôi nói tiếp:

        - Ý định bọn Mỹ là bao vây tiêu diệt trung đoàn 24, như cậu thấy đấy, nó chưa làm được. Trung đoàn 24 đã đánh thắng, thắng rồi nhưng rời khỏi khu vực tác chiến rất khó khăn. Giữ vững truyền thống quyết thắng của quân đội ta, chúng ta không thể để cho địch tiêu diệt ta dù chỉ là một phân đội, cậu có trách nhiệm đi giúp trung đoàn 24, dẫn nó ra khỏi vòng vây... Mình biết chuyến đi này cái chết rất gần, nhưng cậu không được chết. Phải đem cái “đầu to" ra để vượt vòng vây của địch tới được chỗ cậu Thường. Tôi cho cậu chọn nửa tiểu đội trinh sát để đi cùng.

        Khi Thoại đi rồi, chúng tôi cũng rời sở chỉ huy đến địa điểm mới. Suốt đên hôm đó tới hai ngày hôm.sau, mỗi lần nghe bom, đạn pháo nổ nhiều ở đâu đó, trong đầu tôi lại nhắc đến Thoại "không hiểu cậu ấy có đến nơi được không?". Mãi đến khi nhận được điện trời của trung đoàn 24 báo "Đồng Thoại đã đến nơi an toàn" tôi mới yên lòng.

        Khi về đến hậu cứ, Đồng Thoại kể cho tôi nghe diễn biến chuyến đi.

        "Anh giao nhiệm vụ xong rồi, tôi về kiểm lại lương thực dự trữ của ban tác chiến và trinh sát. Yên trí còn 9 bao gạo và hai hộp sữa, ngờ đâu lính đói lấy cắp chỉ còn 10 bơ gạo. Năm thằng lực điền ăn dè số gạo ra làm hai ngày hy vọng đến 24 sẽ có gạo. Tôi đã chọn cậu Nga (bẹc-giê) tổ trưởng tổ trinh sát đi cùng, chắc anh cũng biết nó. "Danh bất hư truyền", nó có cái mũi tuyệt vời chỗ nào nó "đánh hơi” thấy có bọn Mỹ y như rằng đúng. Từ chỗ sở chỉ huy ta đến chỗ trung đoàn 24 khoảng mười ba mười bốn cây số chứ mấy, thế mà đi miết hai ngày hai đêm, bởi gặp bọn Mỹ lại phải luồn, gặp chúng chặn có đến hàng chục lần cứ phải né. Chiều tối hôm ấy tới vị trí trung đoàn bộ của 24. Anh em thương binh đang nằm chờ chuyển đi. Tôi hỏi thăm, anh em cho biết sắp hết gạo phải ăn cháo rồi. Có cái kho gạo vừa bị bom na-pan địch đốt mất.

        Tôi tới sở chỉ huy, các anh ấy đang họp đảng ủy bàn kế hoạch rút. Tôi báo cáo: "Theo lệnh anh Hữu An, tôi chịu trách nhlệm dẫn đường cho đơn vị”. Thường trả lời: "Chúng tôi có kế hoạch rồi". Các anh ấy đã cho hai tiểu đội đi trinh sát tuyến đường các anh ấy chọn. Tôi chẳng có việc gì nữa, vì các anh ấy không cần. Hai ngày đêm thức trắng tôi rất thèm ngủ. Nghe Thường trả lời vậy, tôi ngồi dựa gốc cây nghỉ một lát chờ họ họp xong sẽ trình bày kỹ hơn ý của mình, nên chọn đường nào an toàn hơn. Vừa đặt vấn đề trong đầu chưa kịp suy nghĩ tới lý lẽ phân tích thì đã ngủ biến rồi. Chẳng biết đã ngủ được bao lâu tôi thấy người lay gọi hồi lâu mới nhận ra mình đang ở đâu. Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường và trung đoàn phó Võ Tấn Nam nói với tôi: "Chúng tôi đi theo anh. Anh cho biết ý kiến đi đường nào, tổ chức hành quân ra sao"... Mấy cán bộ trung đoàn nữa ra ngồi quây xung quanh tôi. Họ không giấu sự lo lắng. Có người nói đã cho 15 chiến sỹ trinh sát đi thăm dò, bị thương gần hết. Có người nêu "cứ chiếu thẳng về hậu cứ, tìm cách luồn né...". Tôi quen địa hình ở khu vực hơn mọi người, nhưng cũng thấy hơi bí, chỉ còn cách táo bạo đi dọc theo sống núi thẳng về Tu-mơ-rông, dù sao ta cũng chiếm điểm cao. Đội hình trung đoàn đi hàng dọc. Tôi trình bày ý của mình, được mọi người đồng ý.

        Mờ sớm hôm sau, tôi cùng một người địa phương cộng với 9 trinh sát dẫn đường cứ ngược dốc lên theo hướng đã định. Cả ngày đi không chạm địch. Chiều gần tối tới gần một trên địa pháo 105, nghe tiếng khóa nòng đóng “choang choang choang” và tiếng nổ đầu nòng ù tai. Đành chờ tối dẫn bộ đội vòng qua. Mọi khi pháo sáng thả khâu đêm, sáng như ban ngày, tối nay không hiểu sao tối như hũ nút, phải chờ tới 3 - 4 giờ sáng mới dẫn bộ dội qua được.

        Ngày hôm sau tới căn cứ tỉnh ủy, lính đói không phải là một ngày một đêm mà từ mấy hôm trước, nghe nói đã tới nơi tương đối an toàn họ nằm la liệt không chịu đi nữa. Chỉ có một mình tôi được vào căn cứ tỉnh ủy. Gặp anh Tìm bí thư tỉnh, tôi nói rõ tình hình. Anh Tìm lập tức báo cho cơ quan tỉnh ủy ngừng mọi việc, y tá y sĩ mang thuốc men bông băng ra băng bó, chăm sóc thương binh, rất cảm động. Anh Tìm báo cho cơ quan từ hôm nay không được ăn gạo, chỉ được ăn sắn, mang gạo ra cho thương binh ăn và báo cho trung đoàn 24 được phép nhổ sắn ở nương của dân ăn, tỉnh ủy nhận trách nhiệm bồi thường cho dân.

        Nghe thấy tôi là cán bộ tham mưu của sư đoàn 6 đến, một ông phóng viên thông tấn xã thường trú ở cơ quan tỉnh ủy tới gặp tôi để phỏng vấn, tôi nghe ông ta tự giới thiệu và những câu hỏi gợi ý xong thì cũng vừa lúc tôi lăn ra ngủ không còn biết gì nữa. Mãi tới khi có người gọi báo có điện của anh “dẫn đơn vị về hướng Đắc- rơ-lai, có anh Đức đón”... lúc đó tôi mới sực tỉnh.

----------------------
       1.Ta: trung đoàn 24 có 9 đại đội bộ binh, 6 đại đội trợ chiến và một số phân đội binh chủng trực thuộc, quân số 1.800.

        Địch: lữ 1 dù có 13 đại đội bộ binh,… quân số 3.000. Ba trận địa pháo binh (một trận địa 6 khẩu). Máy bay trực tiếp chi viện ít nhất hàng trăm lần chiếc/ngày.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2016, 11:31:36 am »

     
IV

CHIẾN DỊCH SÔNG SA THÀY

        Năm 1966 lực lượng của Tây Nguyên tăng rất nhanh. Các trung đoàn 24, 88, 101B và 95B được trang bị, huấn luyện khá tốt lần lượt từ miền Bắc đưa vào. Ý của Bộ Tổng tư lệnh định lập ra hai sư đoàn. Tư lệnh Mặt trận B3 giao cho tôi tổ chức sư đoàn 6 (như đã nói trên) nhưng đang dở dang thì ngừng lại, vì mặt trận chưa đủ sức bảo đảm cung cấp lương thực đạn dược… cho chừng ấy sư đoàn cơ động. Các cán bộ cấp sư đoàn như các anh Hoàng Phương, Hoàng Kiện... vào với ý định lập các sư đoàn mới lại phải trở ra.

        Vào khoảng đầu tháng 1 năm 1966 tôi lại nhận được sự phân công của Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 đứng ra tổ chức sư đoàn 1. Chuẩn bị cho ra đời sư đoàn lần này không mất nhiều thời gian, bởi các cơ quan, đơn vị đã có sẵn, chỉ lắp ghép lại là hình thành. Sư đoàn bộ nguyên là của sư đoàn 304 do đại tá Hoàng Kiện đưa vào. Các trung đoàn bộ binh gồm 66, 88 và 320. Bộ tư lệnh gồm: tôi tư lệnh phó B3 xuống làm sư đoàn trưởng, Hoàng Thế Thiện làm chính ủy. Tất cả anh em từ cán bộ cơ quan tới các cán bộ chỉ huy đã ở cương vị của mình một vài năm và khá thông thạo công việc chuyên môn của mình. Các trung đoàn 66, 320 đã dày dạn với chiến trường, còn 88 đã được thử thách vài trận. Thật lòng, tôi thấy sung sướng và tự hào được chỉ huy một sư đoàn đáng tin cậy như thế.

        Bước vào mùa chiến đấu đông xuân 1966 - 1967 lực lượng vũ trang Tây Nguyên ở tư thế đàng hoàng chững chạc. Thời gian chuẩn bị hàng tháng trời; tôi, Hữu Đức cùng một số cán bộ trung đoàn đi trinh sát thực địa từ Plây-giê-răng kéo dài tới biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia khoảng gần 60 ki-lô-mét. Chúng tôi tìm địa điểm "chốt" bố trí sẵn lực lượng, và bàn cách đánh ở thực địa, làm sao khi dẫn địch ra chốt A, chốt A phải dụ địch vào chốt B, chốt B phải dụ địch vào chốt C… cứ như thế tạo ra một chuỗi những trận đánh nối tiếp dẫn địch theo ý của ta vào quyết chiến điểm. Quyết chiến điểm ở sát biên giới chúng tôi chọn là một cái nương khá rộng tương đối bằng phẳng, nếu địch muốn chặn không cho ta vượt qua biên giới, buộc chúng ta phải đổ quân xuống đây với lực lượng không thể ít hơn một tiểu đoàn. Ở đây ta tập trung lực lượng lớn nhất, với toàn bộ trung đoàn 88 quyết tâm diệt gọn tiểu đoàn địch và cũng là trận đánh kết thúc chiến dịch.

        Vừa đi trinh sát vừa bàn bạc phương án tác chiến ngay thực địa, hầu hết những cán bộ đã đụng đầu với quân Mỹ hai năm qua đều có thể rút ra kết luận "dụ Mỹ ra không khó, nhưng để có thể diệt gọn một đơn vị của nó thì không dễ", vì lẽ đó chúng tôi cũng dễ dàng thống nhất ý kiến. Riêng trung đoàn 88, không có lý lẽ gì bác lại "kế dụ địch” nhưng qua thái độ của các cán bộ chỉ huy trung đoàn, tôi cảm nhận rằng trung đoàn chưa thật tin. Sau khi các đơn vị đã vào chiếm lĩnh trận địa, tôi tới kiểm tra trung đoàn 88 thấy không khí hơi chểnh mảng, tiểu đoàn cối 120 ly hỏa lực chủ yếu trong trận đánh chưa lấy xong phần tử bắn. Có cán bộ nói thầm với nhau: "Làm gì có Mỹ đến chỗ này mà đánh”. Một lần nữa chúng tôi họp để phân tích để anh em cán bộ trung đoàn thông suốt về cách đánh của ta và hiểu thêm tính chất quân Mỹ. Cuộc họp thảo luận có lúc hơi căng, tôi phải dùng tư cách chỉ huy "...nếu tôi không kéo được địch ra đây tôi chịu trách nhiệm trước Bộ tư lệnh Mặt trận, nếu địch ra đây các anh không đánh được các anh sẽ bị kỷ luật”.

        Chiến dịch này chuẩn bị song song với “chiến dịch trồng sắn”. Dùng cụm từ ấy không có gì là cường điệu đối với chiến trường Tây Nguyên. Chúng tôi thường nói vui với nhau “Gạo là thống soái”. Thật vậy, muốn mở một đợt chiến đấu dài ngày một chút, một trong những câu hỏi lớn: có đủ gạo không? (độ này mỗi ngày một người chỉ có hai lạng gao trộn với sắn). Việc Đảng ủy B3 đề ra chỉ tiêu đầu người/1.200 gốc sắn từ tư lệnh trở xuống không ai được miễn trừ là việc hết sức khắc nghiệt nhưng vẫn được anh em toàn mặt trận hưởng ứng nhiệt thành. Tôi đi trinh sát cũng kiếm ít hom sắn mang về, trồng xung quanh nơi ở của mình cho đủ chi tiêu.

        Đảng ủy Mặt trận thông qua phương án chiến dịch sông Sa Thày lần cuối cùng đã xác định:

        Mục đích chiến dịch: kẻo quân Mỹ ra để tiêu diệt, đồng thời góp phần đập tan ý đồ chiến lược phản công mùa khô của đế quốc Mỹ.

        Yêu cầu: phải nhử được một tiểu đoàn Mỹ vào quyết chiến điểm “C1”1 và tiêu diệt gọn tiểu đoàn này.

--------------------
       1. Tên ta đặt cho một nương rẫy, nơi dụ địch đổ bộ trực thăng xuống để tiêu diệt
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Một, 2016, 08:07:03 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM