Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:51:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến trường mới  (Đọc 43300 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2016, 08:43:36 pm »

        
        - Tên sách: Chiến trường mới  
        - Tác giả: Thượng tướng Nguyễn Hữu An
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân, Thể hiện: Nguyễn Tư Đương
        (in lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung)
        - Năm xuất bản: 2002
        - Số hóa: ThanhBinh

Mục lục

       I. Đi chiến trường

        II. Plây-me – Ia-đrăng nơi đụng đầu quân Mỹ

        III. Nhử địch

        IV. Chiến dịch sông Sa Thày

        V. Chiến dịch “Đắc Tô 1”

        VI. Mậu Thân
 
        VII. Trở về hậu phương

        VIII. Hướng chủ yếu chiến dịch Đường 9 – Nam Lào

        IX. Chiến dịch “Z”

        X. Chiến đấu ở Quảng Trị

        XI. Chớp lấy thời cơ mới

        XII. Chiến đấu trong hành tiến

        XIII. Tiến vào hang ổ cuối cùng của địch





LỜI GIỚI THIỆU

        Viết lời giới thiệu cho cuốn hồi ức của thượng tướng, phó giáo sư Nguyễn Hữu An tôi càng xúc động thương tiếc người đồng chí, bạn chiến đấu gần gũi, tin cậy qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

        Thu đông năm 1947 quân viễn chinh Pháp tấn công lên Việt Bắc, tôi gặp Hữu An là chính trị viên trung đội... ở chiến trường Bắc Cạn, Hữu An được chuyển sang làm đại đội trưởng, chiến đấu khá tốt. Từ chiến trường Cao-Bắc-Lạng qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch. đến Biện Biên Phủ lịch sử Hữu An là trung đoàn trưởng trung đoàn 174 thuộc đại đoàn 316 đánh đổi A1. Mùa hè năm 1958 Hữu An mang quân hàm trung tá, rồi thượng tá tham mưu phó Quân khu Tây Bắc. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại gặp nhau ở Tây Nguyên, Hữu An mang quân hàm đại tá, phó tư lệnh Mặt trận B3. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng mùa Xuân 1975 lại phổi hợp với nhau và sau đó thiểu tướng Hữu An chỉ huy Quân đoàn 2 thuộc cánh quân phía đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn. Có thể nói không sao nhớ hết những lần gặp nhau trên chiến trường, trong các cuộc họp.

        Trên 50 năm hoạt động, chiển đấu lớn, nhỏ, ác liệt khẩn trương, khó khăn thiếu thốn chung niềm vui và nỗi lo; tôi thấy Hữu An là người trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội của Đảng; trung thực với tổ chức. đồng chí, đồng đội bạn bè; trung kiên trong chiến đấu chống kẻ thù ở bất kì hoàn cảnh, thử thách nào với tinh thần trách nhiệm cao. Có ý chí và nghị lực tự học tự rèn.Trên cơ sở đó Hữu An là một tướng lĩnh có tài năng, xây dựng và huấn luyện các binh đoàn bộ đội, tổ chức, chỉ huy, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, linh hoạt, sáng tạo. Với kinh nghiệm được tích lũy phong phú, với học hàm phó giáo sư, thượng tướng Nguyễn Hữu An xứng đáng với trọng trách giám đốc Học viện Quốc phòng đào tạo cán bộ quân sự cao cấp của quân đội; qua nghiên cứu, giảng dạy, đúc kết góp phần vào kho tàng lý luận quân sự của Đảng.

        Cuốn hồi ức chưa nói hết mọi trận chiến đấu ác liệt, đời sống thiếu thốn, gian khổ, phải nỗ lực phi thường mới vượt qua được, nhưng đó là kinh nghiệm phong phú của cuộc đời binh nghiệp lâu dài góp phần vào nền khoa học, nghệ thuật quân sự của cách mạng Việt Nam.

Đại tướng CHU HUY MÂN        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:54:30 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2016, 08:49:05 pm »

   
I

ĐI CHIẾN TRƯỜNG


1

        Bữa liên hoan nhẹ chia tay, gồm vài bạn thân và người trong gia đình tôi. Mọi người đều tỏ niềm hân hoan chúc mừng chuyến đi học nước bạn của tôi thành công. Thật lòng, được cấp trên cử sang Trung Quốc học quân sự lần này tôi rất phấn khởi, bởi đây cũng là lần đầu được đi học dài ngày. Khoảng gần chín giờ tối, khách đã về hết, tôi và nhà tôi đang kiểm tra lại  hành lý lần cuối cùng xem thiếu đủ thế nào, để sớm mai ra tàu khỏi cập rập.

        Nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi nghĩ "lại có anh bạn nào trong đoàn hỏi gì chăng?”, bởi số anh em đi học ở Trung Quốc được tổ chức thành đoàn, anh Hoàng (điếc) là đoàn trưởng, tôi là đoàn phó, khi cầm ống nghe đặt vào tai có tiếng nói:

        - Anh An phải không? Tôi trực ban của Tổng cục Chính trị đây… Lệnh anh Mậu, anh lên gặp anh Mậu ngay. Có việc gấp.

        Lại có việc gì gấp nữa đây. Hộ chiếu có rối, giờ tàu số toa có rồi…, đoàn đội đã sinh hoạt cả rồi... sao anh Mậu không gặp Hoàng lại gặp mình. Tôi thoáng nghĩ chuyến đi này lại có trục trặc gì đây? Chẳng có lý chuẩn bị đẩy đủ mọi thứ, chỉ còn lên tàu nữa thôi mà lại ngừng. Quay sang phía nhà tôi, tôi nói: thôi đừng thu xếp nữa, hình như có trục trặc gì rồi đấy em ạ!

        Tôi vừa bước vào cửa phòng làm việc của thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, anh đã cười “khà khà". Tiếng cười cởi mở dễ dãi của anh báo động cho tôi chuẩn bị đón nhận điều bất ngờ.

        - Không đi học nữa – anh Mậu vừa cười vừa nói - Đi đánh nhau nhá. Quyết định của Quân ủy anh đi ngay vào Quân khu 4 nhận chức tư lệnh sư đoàn 325, gấp rút chấn chỉnh bổ sung trang bị rồi đưa vào miền Nam chiến đấu.

        Tinh thần phấn chấn về chuyến “du học” ở nước ngoài như quả bóng xì hơi, trong tôi lại phải sắp xếp lại cái trật tự tư duy bình thường của người chiến binh, nghĩa là chuẩn bị tư tưởng hành quân xa mang nặng, là chiến đấu liên tục, là gian khổ đói khát... hoàn toàn không giống việc đi học ở một đất nước đang sống bình yên. Lúc này trong tôi xuất hiện hai luồng suy nghĩ: không đi học thì cũng tiếc, nhưng đi đánh nhau vẫn khoái hơn nên tôi chấp nhận một cách thoải mái.

        Tôi đang mang bệnh trĩ ngoại, ngồi cũng đau, đi lại cũng đau... Tôi tính đi học để kết hợp chữa chạy, nhưng bây giờ đi chiến đấu lại là vấn đề hoàn toàn khác. Tôi nói với thiếu tướng Mậu:

        - Cho tôi xin dừng lại một tuần lễ để chữa trĩ, hiện nó đang ra máu.

        - Anh còn phải gặp anh Dũng giao nhiệm vụ cụ thể, vẫn còn thời gian đi chữa không lo.

        Thế là thêm một chuyến đi học hụt. Năm ngoái (1963) tôi được học nửa năm tiếng Nga ở trường văn hóa Lạng Sơn. Để đi Liên Xô học, hộ chiếu đã cầm tay, đang nghỉ phép để chuẩn bị lên đường lại nhận lệnh “thôi không đi học”, “đi chiến trường Lào”. Mãi sau này mỗi lúc ngồi ôn chuyện cũ mấy anh bạn tôi thường nói đùa "cái số cậu vất vả”.

        Sau một, hai hôm thiếu tướng Mậu báo “thôi không đi học” tôi được văn phòng Bộ Tổng Tham mưu gọi điện “tới gặp thủ trưởng Dũng”. Tôi đếm bước trên chín cái bậc đá có hai con rồng đá chầu hai bên, rồi ngước mắt nhìn những cây xoài cổ thụ có tán lá rộng phủ bóng xuống cái sân gạch khá rộng – sân rồng của triều Lê đó, và địa điểm của văn phòng Bộ Tổng Tham mưu. Cũng vì lẽ đó mà anh em thường gọi hài hước: Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu là “Sân rồng“.

        Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm tổng cục Hậu cần Nam (đen) và một cán bộ tham mưu đã ngồi bên chiếc bàn khá rộng, trước mắt là tấm bản đồ khổ lớn. Tôi vừa ngồi xuống ghế, anh Dũng nói ngay vào lý do cuộc gặp và căn dặn tôi những vấn đề chung cho tính chất chiến lược. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng việc “lần đầu tiên ta đưa một sư đoàn đầy đủ từ miền bắc vào chiến trường miền Nam. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho sư đoàn, anh Dũng cho biết Bộ đã giao cho Quân khu 4 chịu trách nhiệm".

        Tôi hỏi việc tiếp tế dọc đường hành quân, anh Nam (đen) trả lời:

        - Gạo ở các kho trên dọc đường đủ cung cấp cho một sư đoàn, gạo để lâu bị mọt nhưng vẫn ăn được.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Một, 2016, 08:58:26 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:33 pm »


        Khoảng giữa tháng 9 năm 1964 Bộ Tổng tham mưu cho xe đưa tôi vào Đồng Hới. Mấy ngày nắng gió tây nồng nực, không còn cảm giác thời gian này đang là mùa thu, lưng áo tôi lúc nào cũng thấm ướt mồ hôi. Doanh trại sư đoàn bộ bằng tre, dựng trên ngọn đồi đất tương đổi bằng phẳng ở phía bắc thị xã Đồng Hới. Những hàng rào phi lao cằn cỗi chưa đủ sức tạo ra bóng mát cho những đoạn đường đất đỏ nối tiếp các nhà trong khu doanh trại.

        Các anh Quách Sĩ Kha chính ủy, Hữu Anh phó chính ủy, Trần Văn Trân phó tư lệnh, Cao Long tham mưu trưởng... trong Bộ Tư lệnh đã nhận được tin tôi vào nhận chức sư trưởng. Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Theo nền nếp cũ, ai làm việc nấy, đơn vị vừa huấn luyện bổ sung vừa chuẩn bị trang bị cho cuộc hành quân. Thời gian chuẩn bị gấp, Quân khu 4 không đủ quân trang để trang bị cho sư đoàn đành phải động viên nhau "có gì dùng nấy”. Những đợt đi "B" trước, anh em được trang bị ba lô con cóc, tăng, võng, áo len, quần áo ka ki, tiền của ngụy. Lần này đi sư đoàn 325 mỗi người được trang bị hai bộ quần áo, một cái võng bạt, không áo len, và vẫn giữ cái ba lô vuông cũ. Trang bị thiếu thốn ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của anh em suốt dọc đường hành quân, và điều đó cũng làm cho các cán bộ chỉ huy trực tiếp vất vả hơn.

        Tôi, Minh Đức (mới về thay anh Quách Sĩ Kha) cùng một số cán bộ của trung đoàn 101 và một đội trinh sát, tất cả khoảng hơn 100 người đi trước (khoảng tháng 11) để chuẩn bị chiến trường. Qua vài binh trạm giao liên ở ngoài Bắc, tôi hỏi thăm xem vào tuyến đường trong kia có khó khăn, thuận lợi gì. Có anh em nói nửa đùa, nửa thật: "Hành quân xa thêm một cái cúc áo cũng cảm thấy nặng hơn. Khi vượt qua tây Trường Sơn rồi không cần mang theo nhiều lương thực, thực phẩm dự trữ cho nặng, các đơn vị đi trước họ vất đầy ven đường chịu khó nhặt cũng đủ ăn...". Tôi mỉm cười nghi ngờ chuyện lạ lùng đó.

        Đơn vị hành quân đến trạm 40, chúng tôi đã bắt đầu nếm mùi gạo mục. Nhưng vẫn chưa đến nỗi nào, khi nấu lên dù mùi hôi có xộc ngay vào mũi vẫn có thể gọi là cơm được. Và lúc này còn thức ăn khô nên bữa ăn mọi người vẫn cảm thấy bình thường.

        Sớm hôm ấy chúng tôi lội qua con suối đá khá rộng, rồi đi vòng vèo theo ven bờ lên chân dốc của ngọn núi "một ngàn lẻ một". Đây là một ngọn núi cao đầu tiên để vượt từ phía đông sang phía tây Trường Sơn. Tôi ngửa mặt nhìn con dốc cao mất hút trong vòm lá xanh, nhiều đoạn anh em giao liên đã tạo ra những bậc thang bằng đất dựng đứng 80 - 90 độ, những dây song hoặc cành cây buộc nối tiếp làm tay vịn qua tay nhiều người đã bóng loáng như phủ quang dầu. Nghĩ tới trung tá Tô Đình Khản vóc người còm nhom đang ốm cõng cái ba lô nặng mười bốn, mười lăm ki-lô-gam gò từng bước, từng bước một mà tôi ái ngại, tưởng như mình đang mắc lỗi gì đó.

        Mặc dầu Khản chỉ ké vào cuộc hành quân này để vào bổ sung cho trung đoàn 320, nhưng trong lòng tôi vẫn canh cánh không yên. Tôi quyết định đeo ba lô của mình và bảo cậu công vụ đeo ba lô giúp Khản. Từ lúc đó cho tới suốt chặng đường dài "con ruồi đậu nặng một đồng cân" nhưng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản.

        Vượt qua phía tây Trường Sơn, vẫn con đường mòn không thể đi sóng đôi được ấy, nhưng những con dốc hiền hòa hơn, không còn tình trạng đầu người đi sau đụng vào ba lô của người đi trước như ngày hôm qua. Đến cung đường này tôi chú ý nhìn hai ven đường, kiểm tra ý kiến của mấy anh cán bộ binh trạm ngoài Bắc nói lương thực, thực phẩm "...vất đầy ven đường, chịu khó nhặt cũng đủ ăn... ". Quả thật, cũng có chuyện vứt bỏ bừa bãi nhưng rải rác chỗ này vài vỏ đồ hộp, chỗ kia vài cái quần áo rách làm gì có thứ ăn được lại vất đi!

        Càng đi sâu vào các cung đường phía nam, việc nuôi quân càng kém hơn. Ở đây dù cán bộ hậu cần có tài năng thế nào cũng "vô kế khả thi". Mỗi ngày đầu người được hưởng hai lon sữa bò gạo mục, sau rút xuống còn một lon cộng với sắn. Anh em lĩnh gạo ở kho về, tôi bốc một nhúm đưa lên mũi ngửi. Trời ơi! Không còn gọi là gạo nữa mà nó vừa hôi vừa mốc, một thứ mùi hỗn hợp thật khó chịu. Có cách gì chữa chạy để giảm bớt mùi khó ngửi ấy không. Các chiến sĩ nuôi quân có hạng cũng lắc đầu, bó tay. Nếu đem xuống suối vo, gạo sẽ thành bột và chỉ còn lại là những con mọt trên rá. Đành cứ như thế mà đổ vào nồi vậy.

        Để khắc phục cái mùi khó ngửi kia, anh nuôi thường làm món cơm canh hỗn hợp, nghĩa là kiếm được mớ rau rừng (phổ biến là rau môn thục) thì cho luôn vào nồi rồi đảo trộn với gạo nấu đến nhừ thì thôi. Bữa ăn xới từ trong nối ra bát, cái gọi là cơm nó deo dẻo màu lá cây phủ ra mùi hăng hăng, nồng nồng. Nhưng lúc bụng đói cồn cào, ai để ý màu sắc, mùi vị làm gì, miễn rằng cái thứ đó vừa xúc vào bát của mình có thể nuôi sống người và cứ thế lùa cho đầy dạ dày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2016, 08:57:47 pm »


        Lương thực, thực phẩm hậu cần phải cung cấp trên dọc đường chỉ trần trụi có mấy thứ: gạo, muối và mắm kem. Gạo như đã nói trên, còn muối thì sao? Quản lý chia đầu người/ngày một gạt miệng hộp cao sao vàng. Bữa ăn như vậy, nên sau bữa ăn mọi người cảm thấy hau háu thòm thèm cái gì đó. Giá như được một bữa rau muống luộc có nước chấm đàng hoàng, giá như được một cốc nước chanh, giá như được một bữa thịt luộc ăn thoải mái...

        Đi tới gần Tây Nguyên tình cờ gặp trung tá Nguyễn An là bạn học tiếng Nga ở Lạng Sơn cũ, binh trạm trưởng nơi chúng tôi vừa hành quân tới. Nguyễn An thết tôi một bữa cơm cá chép nấu canh chua. Ôi! Sao mà ngon đến như vậy. "Miếng ngon nhớ lâu”, sau này tôi đã từng dự liên hoan, nhưng thật khó có một bữa nào ngon tuyệt vời như vậy.

        Sự thiếu thốn trang bị, lương thực, thực phẩm trong hành quân so với tính chất quan trọng mà Bộ Tổng Tham mưu nêu ra, khi trao nhiệm vụ cho sư đoàn tôi, tôi thấy trong đó có cái gì thiếu cân xứng. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho một sư đoàn vào chiến trường (ở thời điểm ấy) có lẽ không nên giao cho cấp quân khu. Bộ (* Khái niệm “Bộ” có nghĩa là Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng có khi cả Quân ủy Trung ương.) trực tiếp và có kiểm tra cụ thể chắc chắn bộ đội đỡ cực hơn, và sức khỏe sẽ tốt hơn.

        Nhìn cán bộ, chiến sĩ người nào cũng xanh xao vàng vọt hốc hác, đã thôi thúc tôi khi đến nơi phải viết ngay bức thư nói rõ, những suy nghĩ của mình về thực tế cuộc hành quân, sư đoàn vừa trải qua để Bộ rút kinh nghiệm.


2

        Khi tới Công Tum, tôi, anh Nguyễn Minh Đức chính ủy và một số anh em trong bộ tư lệnh sư đoàn rẽ vào Đắc Un, nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận B3 (* Mật danh chỉ Mặt trận Tây Nguyên.). Tưởng Bộ chỉ huy Tây Nguyên là ai xa lạ, hóa ra quen thuộc cả. Các anh Nguyễn Chánh tư lệnh, anh Đoàn Khuê chính ủy, Hà Vi Tùng tham mưu trưởng. Riêng chính ủy Đoàn Khuê là người tôi mới gấp lần đầu. Mọi người mới cũ đều tỏ ra vui mừng xúc động thăm hỏi nhau.

        Chúng tôi được nghỉ ngơi vài ngày ăn chế độ "bối dưỡng”, nghĩa là được ăn no, mỗi ngày ba lon gạo còn thức ăn tự kiếm ở rừng, chủ yếu là măng và môn thục, thỉnh thoảng cũng được bữa cá do anh em đánh ở suối.

        Tranh thủ thời gian, Bộ chỉ huy Mặt trận họp phổ biến tình hình chung của chiến trường và cho chúng tôi biết chỉ thị của Quân ủy và của Bộ. Tôi và Minh Đức bổ sung vào Đảng ủy Mặt trận. Về chính quyền tôi là phó tư lệnh, Minh Đức là phó chính ủy của Mặt trận B3; một số cán bộ cơ quan sư đoàn 325 sẽ nhập vào cơ quan Bộ tư lệnh B3. Trung đoàn 95 và trung đoàn 18 xuống đồng bằng Quân khu 5. Trung đoàn 101 Ở lại Tây Nguyên. Đến đây thực chất sư đoàn 325 đã bị giải thể, nhiều cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn tôi chưa kịp làm quen đã phải chia tay.

        Mặt trận Tây Nguyên trực thuộc Quân khu 5 gồm ba tỉnh Công Tum, Plây Cu, Buôn-Ma-Thuột, trung đoàn 320 và 101, bộ binh, tiểu đoàn đặc công và ba đại đội địa phương tỉnh.

        Chủ trương của Mặt trận thời gian này là: đưa trung đoàn 101 vào tham gia tác chiến ngay để làm quen với chiến trường, cách đánh: sử dụng chiến thuật "vây điểm diệt viện".

        Đối với tôi chiến trường này hoàn toàn mới mẻ vả xa lạ, nên sau mấy.ngày nghỉ, tôi và Minh Đức cùng cán bộ của trung đoàn 101 tranh thủ đi trinh sát dọc theo đường 14 xem địa hình các điểm Đắc Sút, Đắc Long, Pô Cô, Đắc Tô, Tân Cảnh rồi lên phương án tác chiến. Chúng tôi hạ quyết tâm vây Đắc Long đánh địch viện từ Tân Cảnh tới.

        Trung đoàn 101 đang chiếm lĩnh trận địa vây Đắc Long và mai phục đoạn đường từ Đắc Sút về Đắc Long được hai ngày thì nhận được lệnh “rút quân” của Bộ tư lệnh Mặt trận, với lý do vừa nhận được điện của Bộ: "Không bộc lộ lực lượng sớm, để nuôi cho địch chủ quan sơ hở…”.

        Trong thâm tâm tôi chưa thật thoải mái: “Địch chưa biết ta có lực lượng mới, tại sao ta không giành thế bất ngờ mà lại chờ nuôi cho nó chủ quan…”, nhưng tôi vẫn nghiêm chỉnh chấp hành, và hạ lệnh cho trưng đoàn 101 rút quân. Nhận được lệnh rút, anh em có xì xầm bàn tán, thậm chí có người tỏ vẻ bực mình nữa. Loại tình huống này đối với tôi không phải mới gặp lần đầu. Tôi và Minh Đức biết khá rõ sự phản ứng của anh em. Chúng tôi bàn và đề ra công tác lãnh đạo tư tưởng cho anh em quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh.

        Tôi rời bộ phận bao vây Đắc Long tới sở chỉ huy trung đoàn 101, cách khoảng mươi mét đã nghe tiếng tranh luận có vẻ gay gắt.

        … Trung đoàn trưởng Mót nói:

        - Tôi cho các đơn vi rút thật nhanh ra khỏi trận địa đề phòng địch dùng phi pháo.

        Minh Đức nóng nảy cắt ngang:

        - Nhanh không có nghĩa là ẩu tả thiếu tổ chức chặt chẽ. Tại sao anh không hạ lệnh cho thứ tự từng đơn vị, đội hình rút, đề phòng tình huống có thể gặp...

        Thấy tôi anh Minh Đức ngừng lại hất cầm thay lời nói "anh xem đó". Tôi thấy điều anh Minh Đức nói hoàn toàn đúng nên cũng nhắc Mót: chú ý thêm động tác tổ chức chỉ huy cho chặt chẽ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 08:19:27 am »

   
3

        Mấy hôm sau chúng tôi về họp Bộ tư lệnh Mặt trận để quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ qua bức điện nói trên. Cuộc họp phần đông ý kiến tán thành sự chỉ đạo của Bộ. Họp xong tôi báo cáo với anh Đoàn Khuê: “Đề nghị anh đánh điện về Bộ nói rõ đó là ý kiến của Nguyễn Hữu An rằng: nếu vì nuôi cho địch chủ quan sơ hở thì không cần thiết phải làm như vậy. Địch đang chủ quan, ta đưa lực lượng lớn vào trong lúc chúng bị bất ngờ ta mở ngay trận đánh lớn, đánh vừa để tiêu diệt sinh lực địch mở rộng thêm vùng giải phóng và giải quyết khó khăn về hậu cần có hơn không”.

        Anh Đoàn Khuê viết điện cho tôi xem rồi gửi lên Bộ. Tôi thầm cảm ơn anh Khuê.

        Trong thời gian chờ điện của Bộ chỉ đạo, Mặt trận tiếp tục cho các đơn vị đánh các bốt nhỏ và đánh vào một số ấp chiến lược để phá kế hoạch bình định của địch. Nhưng qua thực tế đánh nhỏ lẻ, mỗi ấp chiến lược vài chục hộ dân cũng phải đưa tới một tiểu đoàn đánh trầy trật, có khi thương vong nhiều. Mỗi huyện mấy chục ấp chiến lược, đến bao giờ mới nhổ hết? Chúng tôi đã diệt một vài đồn nhỏ như đồn Đắc Long, Pô Cô... Nhưng chúng không hề đưa viện binh tới. Cách đánh như vậy chưa trúng “huyệt”, tôi đề nghị với Bộ tư lệnh: “Tập trung nhổ quận lỵ thì ấp chiến lược sẽ tan...”. Các anh trong Bộ tư lệnh B3 đồng ý. Mặc dầu Bộ chưa trả lời ý kiến của tôi, nhưng chúng tôi vẫn chấp hành mệnh lệnh rất nghiêm chỉnh.

        Minh Đức và tôi được Bộ tư lệnh Mặt trận phân công trực tiếp chỉ huy trung đoàn 101 bao vây quận lỵ Tu-mơ-rông (Đắc Hà).

        Tu-mơ-rông cách Đắc Tô khoáng 10 ki-lô-mét, nằm trong tầm yểm hộ pháo binh của căn cứ Đắc Tô, Tân Cảnh; lực lượng ở đây có một tiểu đoàn thiếu, 1 đại đội dân vệ và một trung đội pháo 105 ly hai khẩu.

        Dân xung quanh quận lỵ là người chí cốt với cách mạng, quanh năm ăn sắn, ngô không có gạo, muối. Mặc dù muối của chúng tôi thiếu (tiêu chuẩn ngày có chiến sĩ đếm được mấy chục hạt muối nhỏ), nhưng chúng tôi vẫn chia sẻ phần khó khăn với đồng bào.

        Bao vây được bốn ngày, địch không đưa quân viện, chúng tôi lại nhận được tin trinh sát qua thông tin lệnh cho Tân Cảnh: “Việt Cộng dùng kế “điệu hồ ly sơn”, phải cố thủ tới cùng đừng mang lực lượng giải vây, nó hết gạo tất phải rút”. Địch đã phán đoán chính xác, chúng tôi chỉ còn ba ngày gạo nữa. Nếu chúng xử trí kiểu lỳ như vậy sẽ vô hiệu hóa chiến thuật “vây điểm diệt viện” sở trường của chúng tôi.

        Để đạt mục đích đã định, một mặt chúng.tôi cho hậu cần đi đào sắn (nương sắn CM)  (* Nương sắn cách mạng: do nhân dân Tây Nguyên tự giác trồng để nuôi bộ đội và cán bộ cách mạng.) thu sắn khô, ý dĩ để có thêm lương thực trụ kéo dài ngày hơn; mặt khác điện về sở chỉ huy cơ bản: xin cho tiêu diệt địch ở quân lỵ Tu-mơ-rông.

        Mấy ngày ăn sắn khô trộn ý dĩ mồm miệng nhạt thếch, Minh Đức cười nói với tôi:

        - Hộp sữa “dự trữ chiến lược” bây giờ đưa ra sử dụng được rồi đó.

        Tôi không hiểu Minh Đức moi đâu ra được hộp sữa đã quá hạn ba năm, đem về khoe với tôi trước ngày vây Đắc Long rồi giao cho chiến sỹ vệ binh mang. Lúc này anh hỏi chiến sĩ vệ binh kia. Cậu vệ binh trả lời một cách tự nhiên:

        - Em thèm quá trót ăn hết rồi!

        Chúng tôi nhìn nhau cười xòa: “nó trẻ, háu đói hơn mình...”.

        Nhưng tôi cũng nói thêm vừa chữa ngượng cho đồng chí chiến sĩ vừa để giáo dục ý thức kỷ luật: “Lần sau nếu có thèm ăn thì phải xin, chính ủy đồng ý cậu mới được ăn hiểu chưa?”. Cậu ta cười một cách ngượng ngùng.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:27 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 08:19:54 am »


        Ở sở chỉ huy cơ bản tỏ ra băn khoăn chưa thật tin rằng 101 có thể tiêu diệt được quận lỵ Tu-mơ-rông. Tôi và Minh Đức bàn với nhau cùng ký tên vào một bức điện “… chúng tôi xin bảo đảm đánh thắng”. Thấy chúng tôi trình bày hợp lý và có quyết tâm cao, lúc này các anh Nguyễn Chánh và Đoàn Khuê đồng ý.

        Theo kế hoach, trận đánh nổ súng vào 11 giờ. Hướng chủ công một tiểu đoàn do tiểu đoàn trưởng Tam đảm nhận thực hiện cường tập. Hướng thứ yếu của một tiểu đoàn thiếu, do tiểu đoàn trưởng Đồng Thoại đảm nhiệm bí mật khắc phục chướng ngại vật.

        Tiểu đoàn của Tam triển khai ở phía trước khu gia binh vừa xong được vài giây thì có tiếng súng nổ dữ dội. Chưa tới giờ “G” mà đã ồn ào như vậy chắc đã chạm trán với địch. Tôi quay máy điện thoại mấy lần ý muốn hỏi Tam xem tình hình thế nào. Tay quay máy còn nặng, rõ ràng đường dây không bị đứt, không hiểu sao không có ai trả lời. Tiếng súng liên thanh và cả tiếng lựu đạn nổ dồn dập hơn trước, khẳng định trận đánh đã bước vào tình huống quyết liệt.

        Nghe tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhấc ống nghe đặt lên tai. Có tiếng thở hổn hển và tiếng nói khàn khàn của Tam:

        - Báo cáo… thủ trưởng An đó phải không?

        - An đây. Nói đi.

        - Chúng tôi vừa triển khai xong, gặp một toán địch mở cổng phụ để đi tuần. Tôi cho nổ súng rồi truy theo toán địch, hiện nay đã chiếm được một lô cốt, địch tập trung hỏa lực đối phó quyết liệt.

        - Cho điều hỏa lực lên, phát triển nhanh không để địch phản kích hoặc co cụm. Tôi gửi lời biểu dương đại đội 1 đã linh hoạt và sáng tạo.

        - Vâng.

        Tôi mừng thầm, cán bộ và chiến sỹ của đơn vị mình hết sức dũng cảm ứng biến rất linh hoạt, nắm thời cơ giành thắng lợi giảm tổn thất.

        Hướng thứ yếu lâm vào thế bị động lúng túng khi thấy trong đồn địch nổ súng loạn xạ, mà chưa mở xong chướng ngại vật. Tôi nhắc chỉ huy trung đoàn phải thúc hướng Đồng Thoại đưa đội bộc phá lên mở cửa. Một hồi lâu không thấy báo cáo kết quả, tôi trực tiếp gọi điện nói với Đồng Thoại. Nghe tiếng tôi gọi Thoại nói có vẻ hấp tấp:

        - Báo cáo anh thằng Lương đại đội trưởng, thằng Mơ đại đội phó và cán bộ của đại đội 9 chết hết rồi.

        Tôi nói:

        - Lúc này hãy gác chuyện thương vong lại đã. Phải tổ chức thật nhanh việc mở cửa đưa lực lượng vào phối hợp với đơn vị bạn. Hướng cậu Tam đã chiếm được lô cốt đầu cầu, đang bị địch ngăn chặn không cho phát triển, cậu phải nhanh lên thu hút bớt hỏa lực cho cậu Tam. Nghe rõ không?

        - Rõ!

        Từ lúc đó trở đi mất một thời gian khá lâu tôi không còn liên lạc được với tiểu đoàn trưởng Đồng Thoại, mỗi lần gọi chỉ có chính trị viên tiểu đoàn trả lời nhưng không biết Đồng Thoại đang ở đâu sao lại không ở vị trí chỉ huy. Với Đồng Thoại tôi quen chưa bao lâu, nhưng tôi tin chàng trai gốc Hà Nội, có học vấn, có lòng tự trọng ấy không thể có gì nghi ngờ được. Chắc có sự trục trặc trong chỉ huy. Tôi biết Thoại là giáo viên pháo “tép” ở trường lục quân, vào đây nhận vai tiểu đoàn trưởng bộ binh là chéo giò. Trước trận đánh này khi trao nhiệm vụ, tôi phải lấy đá sỏi xếp quân cờ, nói một số động tác chủ yếu của tiểu đoàn trưởng từ khi bắt đầu tiến công tới khi kết thúc trận đánh, để bổ sung vốn liếng chiến thuật ít ỏi của Đồng Thoại.

        Tới gần sáng tiểu đoàn của Tam đã cơ bản đè bẹp sự đề kháng của địch, tôi mới nghe thấy tiếng Đồng Thoại báo cáo trong máy. Tôi hỏi:

        - Hướng tiểu đoàn cậu tình hình thế nào mà sao không có báo cáo?

        Thoại nói:

        - Lúc anh lệnh đưa tổ hộc phá lên, từ lúc đó tôi lên với nó, bây giờ mới cho máy điện thoại lên được. 

        - Đang ở đâu?

        - Tôi đã chiếm được mỏm B, đang ở lô cốt số 3.

        Tôi nhắc Đồng Thoại:

        - Bắt liên lạc ngay với Tam, tổ chức lùng sục thật kỹ, tiêu diệt, bắt sống không được để lọt một tên nào.

        Trời đã hừng đông. Ánh sáng lan tỏa khắp rừng, soi rõ gương mặt của mọi người đang đứng ngồi kế bên tôi. Từ ánh mắt, tiếng cười tếu lây sang nhau một niềm vui, niềm vui mà từ lâu mọi người chờ đợi. Lần đầu tiên kể từ ngày đặt chân tới miền đất này trung đoàn 101 mới đánh một trận xứng với tầm vóc mình. Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên tiêu diệt căn cứ quận lỵ của địch, lúc này chúng tôi cũng chưa lường hết sức chấn động của nó.

        Tiêu diệt đồn mới là một, còn một mục tiêu nữa là đánh quân cứu viện, mục tiêu này có phần quan trọng hơn. Chúng tôi động viên đơn vị kiên nhẫn mai phục chờ địch đến. Ba ngày đêm nữa ăn chực nằm chờ không thấy có dấu hiệu viện binh địch tới. Chúng sợ mắc kế “điện hồ ly sơn” nên đã bỏ rơi bọn địch trong đồn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:07 am »


4

        Số lương thực thu ở Tu-mơ-rông không nhiều, vì địch tiếp tế hàng tuần nhưng cũng tạm đủ cho chúng tôi chuẩn bị đánh một trận nữa. Tôi và Minh Đức trao đổi với nhau: Củng cố nhanh lực lượng để đánh tiếp quận lỵ Đắc Tô. Một chủ trương khá táo bạo vì Đắc Tô nằm sát ngay căn cứ Tân Cảnh nơi trung đoàn 42 ngụy đồn trú.

        Đắc Tô là quận lỵ lớn, đông dân trên trục đường 14 lại gần căn cứ Tân Cảnh gần đó cũng phải điều quân ứng cứu. Tôi sơ bộ lập phương án đánh rồi báo cáo về sở chỉ huy cơ bản. Phương án được duyệt ngay. Về sử dụng lực lượng chỉ gói gọn có trung đoàn 101. Dùng hai tiểu đoàn đánh chiếm quận lỵ, một tiểu đoàn mai phục đón đánh địch từ Tân Cảnh tới ứng cứu. Phương châm: đánh nhanh gọn trong đêm. Sau khi thống nhất mọi việc với anh Đức xong tôi nhận được điện phải ra ngay Bộ nhận nhiệm vụ mới. Ngày hôm sau tôi cùng đồng chí công vụ và hai vệ binh lên đường về B3 để ra Bắc. Khi chia tay với anh Đức tôi cảm thấy bịn rịn không muốn rời nhau vì chúng tôi sống với nhau rất hợp tính nết. Tôi biết anh sẽ vất vả với trận đánh sắp tới, nhưng tôi tin là anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, Vì anh là một chính ủy vững vàng.

        Thực tế diễn ra khá sát với dự tính. Trung đoàn 101 đã tiêu diệt gọn địch ở quận lỵ Đắc Tô trong một đêm (tiêu diệt và bắt sống khoảng 300 tên gồm hai đại đội bộ binh, một trung đội pháo 105, một trung đội cối). Tới mờ sáng trung đoàn 42 ngụy có cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy đưa quân đi ứng cứu dẫn nhau đúng vào trận địa mai phục của ta. Trận đánh diễn ra nhanh mạnh như giông bão, tiểu đoàn 101 đã diệt sở chỉ huy trung đoàn 42 (giết trung đoàn trưởng) và tiêu diệt gọn hai đại đội ngụy.

        Trong vòng một tuần lễ ta đánh chiếm hai quận lỵ và một trận đánh viện thắng giòn giã. Cả ta và địch đều không thể ngờ tới hoặc không đánh giá hết được kết quả tiếp theo của những trận đánh, cái kết quả ấy có khi còn lớn hơn những thắng lợi tại chỗ, đó là: hệ thống ấp chiến lược xung quanh hai quận lỵ tự nó đồng loạt tan rã.

        Sau chiến thắng Đắc Tô của ta, địch đoán biết có lực lượng quân chủ lực ở miền Bắc mới vào, chúng hành động dè dặt hơn. Các quận lỵ còn lại, chúng vội vàng tăng cường lực lượng. Hai đại đội biệt kích đặc biệt do Mỹ trực tiếp huấn luyện và chỉ huy được điều động đến Đắc Sút.

        Trung đoàn 101 lui về Đắc Un chấn chỉnh tổ chức, bổ sung cơ sở vật chất chuẩn bị chiến đấu tiếp.

        Vừa đặt chân tới Bộ tư lệnh B3 tôi lại nhận lệnh của Bộ ở lại vị trí cũ không ra Hà Nội nữa.

        Tôi nhớ lại một loạt lệnh chuyển nhiệm vụ làm đảo lộn sự sắp xếp đời sống riêng của mình. Năm 1963 tôi được đi học nửa năm tiếng Nga, học xong đã làm hộ chiếu để chuẩn bị đi Liên Xô học quân sự ở Học viện Vô-rô-xi-lốp, lại có lệnh của Tổng cục Chính trị về ngay Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Về tới cái tổ ấm 12 mét vuông ở phố Lê Đại Hành đã thấy thiếu tướng Bằng Giang ngồi chờ ở đó. Vừa thấy tôi bước vào cửa tướng Bằng Giang nói ngay: “Anh không đi học nữa. Tôi đã trao đổi với Tổng cục Chính trị rồi. Anh sang làm nhiệm vụ ở Cánh Đồng Chum thôi…”. Rồi đến cuối năm hoàn thành nhiệm vu ở Cánh Đồng Chum (Lào) trở về Tổng cục Chính trị lại cắt đứt quân số ở Tây Bắc để sang Trung Quốc học quân sự. Chuyến “du học ở ngoại quốc” lần này tưởng như chắc bằng gạch, ấy thế mà đến giờ chót lại thay đổi.

        Lệnh nào cũng vậy, “đi” hoặc “thôi không đi nữa” đối với tôi cũng được chấp hành như nhau, vui vẻ không thấy có gì phiền hà. Tai tôi dường như văng vẳng câu hát vui vẻ hơi hài hước của mấy bạn lính tình nguyện trẻ “lệnh trên truyền xuống... nhất nhất reo hò tiến lên”.

        Thấy tôi nhận lệnh ở lại các anh trong Bộ tư lệnh B3 tỏ ra vui mừng. Có ai đó nói đùa: “có mấy con gà định liên hoan mừng chiến thắng và tiễn anh An, bây giờ không tiễn nữa mà mừng anh ở lại”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:50 am »


        Ở chiến trường này thật hiếm hoi mới được một bữa ngon miệng, no nê và vui vẻ như vậy. Vừa ăn các anh vừa kể một câu chuyện vui xảy ra hôm trước. Hai cậu lính công vụ người Tày (Cao Bằng) xin đi săn để cải thiện bữa ăn. Các cậu ấy ra rừng gặp một con hổ khá lớn đang ngủ say. Thật may mắn quá chừng! Hai cậu nấp vào gốc cây bàn xem nên bắn vào đâu cho chắc ăn. Một loạt đạn bắn ra, hổ không chết ngay mà hung dữ chồm lên lao tới. Các cậu cảnh vệ ba chân bốn cẳng bỏ chạy, về tới cơ quan mặt xám ngoét nói không ra hơi. Tưởng có chuyện gì thật nghiêm trong, một hồi lâu anh em trong cơ quan mới hiểu “con hồ đã bị thương, đuổi theo"” Nghe thủng câu chuyện, có cán bộ hô lên: Anh em toàn cơ quan nếu không đang bận việc gì, ra rừng tìm hổ. Thế là, người cầm chậu, người xách thùng theo sau hai cậu cảnh vệ, vừa đi vừa gõ râm ran rồi dàn thành hàng  ngang để kiếm. Có lẽ con hổ dã chết ngay sau cú chồm theo mấy cậu công vụ, anh em đến đã thấy nó nằm nghiêng xoải thẳng bốn chân ra rồi.

        Tôi ở lại đây cũng được ăn mấy bữa thịt hổ, bõ cả tháng ăn măng luộc chấm muối. Đặc biệt là được ăn món hổ bao tử ngon tuyệt trần.

        Điều tội cảm nhận được rằng: niềm tin cậy lẫn nhau và tình cảm gắn bó trong Bộ tư lệnh chúng tôi hơn trước rõ rệt. Trong một cuộc họp bàn nhiệm vụ chiến đấu tiếp, tôi nêu ý kiến:

        - Ở phía bắc Tây Nguyên địch có ba quận lỵ, ta đã diệt hai còn lại Đắc Sút (không kể Đắc Pét ở sâu hơn). Nếu chúng ta tiêu diệt Đắc Sút nữa, chắc chắn sẽ mở ra vùng giải phóng rộng lớn. Khả năng ấy vẫn còn nhiều điều kiện để trở thành hiện thực.

        Chúng tôi gặp ý của nhau đánh Đắc Sút khó khăn nhiều hơn, nhưng vẫn còn nhiều khả năng giành phần thắng. Mọi người đều xoáy vào bàn thuận lợi, khó khăn và hiện pháp giải quyết, không có ý nào ngãng ra. Tôi lại được tập thể phân công trực tiếp nắm trung đoàn 101 chuẩn bị đánh Đắc Sút.

        Với lực lượng một trung đoàn đã qua chiến đấu ba trận liên tục “diệt điểm” ở một quận lỵ để câu viện là một việc làm quá sức, nhưng không thể tập trung lớn hơn thế được, bởi thiếu lương thực. Vì vậy trong thời gian “101” đánh Đắc Sút, trung đoàn 320 phải đi về Lệ Thanh để đánh giao thông.

        Tôi trở lại trung đoàn 101. Anh em thấy tôi đến, họ thì thầm với nhau “sắp có việc làm”. Đơn vị đã nghỉ ngơi củng cố được một tuần lễ. Tiếp xúc với một số cán bộ, chiến sĩ tôi thấy khí thế hăng hái và tinh thần kỷ luật của trung đoàn xứng đáng gửi gắm sự tin cậy. Chúng tôi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị. Tôi cùng với các cán bộ cấp đại đội trở lên đi trinh sát theo hướng được phân công trên sa bàn từ ở nhà. Sau khi trinh sát về anh em bàn cách đánh trên sa bàn. Mọi người đều tỏ ra tin tưởng rằng “đánh được”.

        Trận đánh của 101 diễn ra trong quận lỵ thuận lợi, khi phát triển đụng vào hai đại đội biệt kích do thiếu tá Mỹ chỉ huy ở phía dưới đồi, đã bị chúng chống lại quyết liệt. Mãi tới bốn giờ sáng ta vẫn chưa giải quyết xong. Tôi lệnh cho trung đoàn trưởng Hà Hữu Thừa trực tiếp đem theo hai khẩu ĐKZ và hai khẩu đại liên vào đồn tiêu diệt hỏa điểm địch cho bộ binh phát triển; ban chính trị trung đoàn phải vào cửa mở kiểm tra từng cáng thương, không được lấy quân số chiến đấu cáng thương, vận động thương binh nhẹ tự đi để duy trì lực lượng chiến đấu trong tưng thâm. Khoảng sáu giờ sáng mới dứt tiếng súng.

        Địch sợ dùng quân bộ đi ứng cứu sẽ gặp quân mai phục của ta, chúng dùng trực thăng để đổ bộ. Khoảng 12 chiếc trực thăng vừa bay tới. Lẽ ra theo kế hoạch ta phải đánh đổ bộ đường không nhưng vì chưa giải quyết xong thương binh tử sĩ trong đêm nên tôi hạ lệnh bắn máy bay không cho địch hạ cánh. Gặp hỏa lực mạnh của ta, chúng vội vàng rút chạy. Kết quả ta chiếm được quận lỵ Đắc Sút, tiêu diệt và bắt sống toàn hộ địch.

        Đúng như chúng tôi dự đoán: tất cả các ấp chiến lược tan rã hết. Vùng giải phóng của ta mở rộng từ đông sang tây mấy chục cây số tạo nhiều thuận lợi cho giao thông liên lạc giữa Tây Nguyên và khu 5.

        Trước khi đánh Đắc Sút, tôi nhớ lại trận Tu-mơ-rông, Đắc Tô ta chiếm được đồn mà không sao lấy được mấy khẩu pháo 105 ly đi được, thật tiếc! Tôi biết rất rõ giá trị của một khẩu pháo, không phải là pháo 105 mà chỉ một khẩu ĐKZ khênh vác vào tới chiến trường này tốn công phu nhường nào, chưa kể giá trị tính bằng tiền, thật ra có tiền ở đây cũng không sao mua được. Nếu như sau này ta mở được đường sá, đánh lớn, hai khẩu 105 tác dụng không nhỏ. Tôi đã điện về sở chỉ huy cơ bản cho xin tám thợ pháo. Khi nhận được tin “chiếm được trận địa pháo” tôi cho số thợ pháo vào lập tức tháo mỗi khẩu rời từng bộ phận, rồi huy động lực lượng khênh vác, chôn giấu ở ngoài quận lỵ. Ít ngày sau Bộ tư lệnh Mặt trận đã dùng hai tiểu đoàn do tiểu đoàn trưởng Đống Thoại chỉ huy khênh vác hai khẩu pháo ấy tới sát biên giới Cam-pu-chia.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 03:49:12 pm »

        
5

        Sau trận Đắc Sút, trung đoàn 101 tiếp tục tiêu diệt mấy đồn lẻ.

        Phản ứng với thất bại liên tiếp vừa qua, quân ngụy mở cuộc hành quân lấy tên “Quyết thắng – 129” (23/3 – 11/4) với những lực lượng sừng sỏ hòng đẩy chủ lực ta ra xa khu vực tác chiến. Cuộc hành quân xuất phát từ Tân Cảnh. Trung đoàn 42 sư đoàn 22 tiến theo trục đường 14 rồi mở rộng càn quét ra hai bên đường. Tiểu đoàn biệt động quân 21 tiến theo sống núi Ngọc Dơ Lang, Ngọc Bia, Ngọc-chăm-pút tới núi Cơn. Tiểu đoàn 3 (trung đoàn 40) án ngữ ở Pô Cô.

        Địch biết ta ở phía tây đường 14.

        Ý định của chúng, khi tiểu đoàn 21đã đến núi Cơn, trung đoàn 42 sẽ đánh từ ấp chiến lược Đấc-lai-pui lên sẽ tạo thành vòng vây vây chặt trung đoàn 101.

        Chủ trương của ta: kiềm chế thật chặt trung đoàn 42, tập trung lực lượng tiêu diệt tiểu đoàn biệt động quân 21.

        Ngay ngày đầu ra quân (23-3) trung đoàn 42 đã phải giao chiến và thiệt hại khá nặng làm cho tiến trình hành quân chậm lại .

        Chúng tôi biết địch hành quân bao giờ cũng sục sạo rất kỹ, nếu phát giác có lực lượng phục kích chúng phản phục kích hoặc né tránh rồi dùng hỏa lực tiêu hao ta. Tôi nhớ lại vài trận phục kích từ thời đánh Pháp, điển hình là trận Bông Lau - Lũng Phầy trên đường số 4. Lúc đó tôi là tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn tôi là lực lượng xung kích chủ yếu. Trận địa phục kích của chúng tôi cách xa đường hành quân của địch khoảng gần một cây số. Qua đài quan sát, biết địch đã lọt vào trận địa, đội hình của tiểu đoàn tôi chuyển dịch dần lên theo tốc độ của đoàn xe địch. Chưa bao giờ phục kích lại mang theo cả sơn pháo 75 ly để yểm hộ. Thế mà chúng tôi vẫn giữ được bí mật. Vào tầm hỏa lực chúng tôi nổ súng xung phong, bọn địch bị bất ngờ đội hình rối loạn. Riêng tiểu đoàn tôi đánh chiếm được 54 xe vũ khí, quân trang, lương thực trang bị cho một trung đoàn. Cách đánh ấy tránh được sự sục sạo phát giác của địch, giữ được thế bất ngờ cho tới khi nổ súng.

        Tôi vận dụng những kinh nghiệm cũ vào trận đánh này. Chờ cho tiểu đoàn biệt động quân 21 lọt vào khu vực chúng tôi lựa chọn trước, lúc đó trung đoàn 101 (thiếu một tiểu đoàn) từ xa khoảng gần hai cây số vận động tới. Trời hôm đó mưa lớn, đội hình quân ta vào sát địch trong tầm bắn gần, chúng vẫn cắm cúi đi. Tiếng thét “xung phong” và tiếng đạn nổ thình lình như trời giáng làm cho chúng phải hoảng loạn không biết đâu mà đối phó. Khi chúng nhận thức được cái gì vừa xảy ra thì tổ chức chỉ huy đã bị rối loạn.

        Tiểu đoàn biệt động quân 21 là đơn vị chọn lựa những tên khát máu và được huấn luyện khá tốt. Khi lấy lại được bình tĩnh chúng tỏ ra ngoan cố lỳ lợm, trận đánh chuyển sang trạng thái quyết liệt. Đôi bén dùng lưỡi lê, lựu đạn, thậm chí vật lộn. Kéo dài từ sáng đến trưa hai tiểu đoàn của “101” mới tiêu diệt gọn được tiểu đoàn biệt động quân ngụy 21.

        Trong quá trình trận đánh, địch cho máy bay phản lực bắn phá xung quanh để uy hiếp tinh thần quân ta và cho máy bay lên thẳng xuống lấy xác chết. Trời mù, có chiếc máy bay lên thẳng húc cả vào ngọn cây rơi xuống.

        Buổi chiều hôm đó tôi đến hiện trường, còn thấy hàng trăm xác chết đã gói trong túi ni lông, chúng không lấy kịp.

        Thế là chỉ trong vòng một tháng, trung đoàn 101 đã đụng đầu với đủ loại quân ngụy: bảo an đồn trú, bộ binh cơ động, biệt động quân cơ động, biệt động đặc biệt do Mỹ huấn luyện và chỉ huy, quân dù dự bị chiến lược... và tất cả loại quân - nơi hy vọng nhiều nhất của Mỹ - ngụy đặt ở đó đều chịu thất bại cay đắng và tỏ rõ chúng không đủ sức đương đầu với quân chủ lực của ta. Cũng trong vòng một tháng ấy kế hoạch chiến lược "bình định" của Mỹ - ngụy phải tốn bao nhiêu công của xây dựng đã đồng loạt sụp đổ. Cũng trong vòng một tháng ấy, các loại chiến thuật “trên đe dưới búa”, “phượng hoàng vồ mồi” được chúng coi như bửu bối cũng mất thiêng luôn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 03:55:22 pm »


II

PLÂY-ME - IA-ĐRĂNG NƠI ĐỤNG ĐẦU QUÂN MỸ

        Trận chiến từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965 nhìn rộng ra chiến trường toàn miền Nam ta thấy: quân giải phóng đang ở thế mạnh, thế áp đảo, thế thắng và đang trên đà phát triển, ngược lại quân ngụy đang bị áp đảo, đang ở thế thua khó bế gượng dậy nổi.

        Mùa thu 1964 phong trào đồng khởi được vũ trang hỗ trợ của Liên khu 5 đã phá tan hàng nghìn ấp chiến lược, giải phóng hàng trăm xã. Có nhiều vùng 15 đến 20 xã liên hoàn dân làm chủ sát đường số 1 nối với căn cứ miền núi, tạo thế cho lực lượng vũ trang chủ lực đứng chân. Tháng 12 năm 1964 trung đoàn bộ binh 2, tiểu đoàn đặc công 409 đồng loạt tiến đánh ba cứ điểm và 11 đồn bốt hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá 38 ấp chiến lược, huyện An Lão hoàn toàn giải phóng. Tiếp đến chiến dịch Ba Gia (hè 1965) trung đoàn 1 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã vận dụng nhiều cách đánh diệt 5 tiểu đoàn chủ lực ngụy, hỗ trợ nhân dân các xã của các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bông, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng gần 20 vạn dân. Đây cũng là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam quân ta tiêu diệt chiến đoàn - đơn vị ứng chiến lớn nhất của quân ngụy.

        Tại chiến trường Nam Bộ, lần đầu tiên quân ta mở chiến dịch với quy mô tương đối lớn ở nơi xa căn cứ. Chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa) từ ngày 2 tháng 12 năm 1964 đến ngày 3 tháng 1 năm 1965 đánh nhiều trận cấp trung đoàn, tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn chủ lực ngụy và một chi đoàn xe bọc thép; diệt 7 đại đội bảo an, làm tan rã hầu hết các ấp chiến lược trong khu vực chiến dịch trên ba huyện Long Thành, Đất Đỏ, Nhơn Trạch... Đáng lưu ý là một trong hai tiểu đoàn ngụy bị tiêu diệt nằm trong lực lượng dự bị chiến lược.

        Những chiến dịch thắng lớn liên tiếp của bộ đội chủ lực ở Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài hỗ trợ mạnh cho các cao trào nồi dậy của quần chúng ở nông thôn đồng bằng và miền núi, phong trào đấu tranh ở đô thị dâng cao làm cho ba chỗ dựa chủ yếu của đế quốc Mỹ trong cuộc “chiến tranh đặc biệt” (*Nghị quyết Hội nghi lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3 năm 1965.) bị sụp đổ hoặc lung lay mạnh khiến trong một thời gian ngắn đã có nhiều nhân vật trọng yếu của Hoa Kỳ qua lại như con thoi để kiểm tra tình hình Nam Việt Nam. Sau chuyến đi Mắc Na-ma-ra bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã thú nhận “Mỹ đã thất bại quân sự ở Nam Việt Nam”, còn tướng Oét-mo-len thì nói cụ thể hơn: “Nếu tình hình tiếp tục phát triển theo chiều hướng này, chính phủ Việt Nam cộng hòa (ngụy) không thể tồn tại được trong vòng sáu tháng...”.

        Tình hình ấy nếu không chịu bỏ cuộc, đế quốc Mỹ chi còn một cách lựa chọn là đưa quân ồ ạt vào miền Nam mở rộng cuộc chiến tranh, tức là buộc Mỹ phải tự làm lấy cuộc chiến tranh cửa mình, phương thức chiến tranh mà đế quốc Mỹ hoàn toàn không muốn lựa chọn.

        Tháng 7 năm 1965 Giôn-xơn chấp nhận chiến lược “tìm diệt” và kế hoạch ba giai đoạn                Giai đoạn 1: ngăn chặn chiều hướng thua của quân ngụy.

        Giai đoạn 2: mở rộng cuộc chiến tranh trong 6 tháng đầu năm 1966 ở các vùng đặc biệt ưu tiên để diệt lực lượng đối phương và tổ chức lại các hoạt động xây dựng nông thôn.

        Giai đoạn 3: nếu đối phương ngoan cố, cần đến một năm rưỡi tiếp sau giai đoạn 2 để đánh bại và tiêu diệt các lực lượng còn lại của đối phương ở các khu căn cứ.) của tướng Oét-mo-len, dùng quân Mỹ là lực lượng chủ yếu để “đánh gãy xương sống của Việt cộng” và là chỗ dựa của quân ngụy. Cho tới cuối tháng 12 năm 1965 lực lượng quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam đã lên tới 18 vạn quân.

        Oét-mo-len tư lệnh lực lượng Mỹ ở miền Nam coi mối đe dọa trước mắt nghiêm trọng là cao nguyên miền Trung. Do đó lính Mỹ và chư hầu bố trí ở Khu 5 tới 13 vạn tên, gồm hai sư đoàn thủy quân lục chiến ở Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài, lữ dù 101, và một sư đoàn “Đại Hàn” đóng ở Quy Nhơn, Cam Ranh; sư đoàn không vận 1 và lữ 3 của sư đoàn 25 ở An Khê (Plây Cu).

        Những tin tức về quân Mỹ vào miền Nam không hề gây chấn động, không hề gây sự ngập ngừng bước tiến mà chúng tôi đã đạt được ở chiến trường. Chúng tôi vẫn tiếp tục đánh quân ngụy theo cách đánh truyền thống của mình.

        Lúc Mỹ vào đóng ở An Khê, trung đoàn 33 (*Sau trận sắc Sút trung đoàn 101 vào B2. trung đoàn 33 mới vào lấy phiên hiệu là 101B.) đang làm nhiệm vụ vây đồn Plây-me để dụ viện binh của địch tới mà đánh.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM