Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:07:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngài là sĩ quan của Coongle  (Đọc 17921 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 05:54:17 pm »



NGÀI LÀ SĨ QUAN CỦA COONGLE
Truyện của Tô Đức Chiêu

Giới thiệu

Ở Viên Chăn, Coongle làm đảo chính rồi. Nhưng Coongle là ai? Một nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trên chính trường khiến bất cứ ai nghe nói đên tên ông là cũng lạ lùng và không thể nào không đặt ra những câu hỏi. Một bức điện từ căn cứ Sầm Nưa của Trung ướng Đảng Nhân Dân Lào vào Neo lào Hắt Xạt yêu cầu đoàn tù vượt ngục dừng lại, nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe và nhấn mạnh: Bất luận Coongle là ai thì việc đảo chính lật đổ chính phủ Chạu Xổmsanít do Phumi Nôsavẳn dựng lên đều là thời cơ cho cách mạng Lào.

Hãy đọc "Ngài là sĩ quan của Coongle" để biết thêm về những năm trường kì kháng chiến của nước Lào. Gian khổ, vất vả, hi sinh nhưng những người anh em ấy không bao giờ buông tay súng. Họ đã cùng với Việt Nam đổ máu giành lấy Độc Lập - Tự Do cho dân tộc.


Chương I

TIẾNG PHÁP – NGÔN NGỮ
CỦA TÌNH YÊU VÀ… BOM ĐẠN

Anh thấy như có một con đỉa lướt dưới bàn chân mình. Rồi nó bám lại. Hút máu. Rồi lại không phải đỉa mà là con rắn, hay con chuột, có răng, có mỏ, tỉa vào, nhót, nhót. Anh đạp mạnh một cái và choàng tỉnh. Thì ra mơ và thực lẫn lộn. Một chiến sĩ đứng ngay bên giường soi bóng mờ mờ. Chiến sĩ cào cào bàn chân anh thay cho lay gọi để khỏi đánh thức những người bên cạnh. Hòa nhận ra đó là chiến sĩ liên lạc của Thượng tá Hiệu trưởng nhà trường. Hả? – Anh hỏi – Mời Thượng úy lên gặp ngay Ban giám hiệu! – Rồi chiến sĩ nói thêm – Lệnh mang theo toàn bộ quân trang!

A! – Thử thách mình đây! – Di chuyển hả? Xem động tác của mình có gọn gàng, nhanh chóng đúng theo điều lệnh không hả? Một giáo viên chiến thuật như mình có gương mẫu không chứ gì? – Hòa vốn tính chin chắn nên anh không mỉm cười do có sự thử thách này. Nhưng anh chắc vị hiệu trưởng mà anh kính phục kia sẽ hài lòng. Mọi động tác của anh đều rất nhanh và không va vấp. Gỡ màn. Gấp màn. Gập chăn. Xếp rất nhanh vào ba lô. Buộc dây quai ba lô. Gỡ cái bát tráng men có khuy sắt ôm lấy đôi đũa cắm trong ống tre, vơ cái khăn mặt… Không thiếu một thứ gì, ba phút, theo chiến sĩ liên lạc bước ra… Nhưng… thật kỳ lạ… Phòng Thượng tá Trưởng ban giám hiệu nhà trường đèn sáng trưng và một chiếc xe commăngca đỗ ngay trước cửa. Anh lái đứng nghiêm bên cạnh cabin. Dường như đoán có tiếng chân người bước gấp, chính vị Thượng tá xuất hiện và không đợi Hòa tới chào theo điều lệnh. Điều kỳ lạ chưa bao giờ xẩy ra nữa là giọng ông hơi hạ xuống, như là bí ẩn, và đặc biệt nói bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ một thời của nhà nước bảo hộ…

- Đồng chí Thượng úy, được biết đồng chí vẫn nghiên cứu các tài liệu khoa học quân sự bằng tiếng Pháp, lại đọc cả nguyên bản tác phẩm của Anphôngxơ Đôđê nữa đúng không? Hòa ngẩn người. Anh định trả lời: Đúng vậy! Vâng! Anphôngxơ Đôđê, đặc biệt tác phẩm Những vì sao của ông quả thật tuyệt vời. Tôi đã đọc đi đọc lại cho bạn gái của mình, con một nhà trí thức có tên tuổi, là sinh viên năm cuối cùng của Học viện nông lâm. Nàng nghe và vô cùng thích thú. Ngôn ngữ của tình yêu mà! Thưa Thượng tá! Nhưng anh im lặng. Sao có sự kỳ lạ thế này? Ngôn ngữ mê hồn của một nền văn minh cũng là ngôn ngữ một thời bị coi là công cụ thực dân xâm lược sao lại được đưa ra lúc này. Anh đứng ngay đơ! Thượng tá không giận, không quở trách, mà tiến một bước tới trước mặt Thượng úy, hỏi tiếp: Tóm lại, tiếng Pháp, đồng chí vẫn sử dụng tốt chứ? – Báo cáo, vâng ạ! – Vậy thế này, không có thời gian nữa, đồng chí lên ô tô ngay và có mặt ở Bộ tư lệnh pháo binh sau một giờ nữa. Trên chỉ đích danh. Về Bộ sẽ rõ nhiệm vụ. Nói rồi, Thượng tá bước tới, đột ngột ôm chặt lấy anh thân thiết. Rồi khẽ đẩy anh lên ghé ngồi như một hành động tiễn biệt. Xe nổ máy, lao ra khỏi thị xã Sơn Tây phóng nhanh trên đường. Biết bao câu hỏi dồn dập xô lên kéo đến! Sương đêm mờ đục. Hàng cây hai bên xếp hàng nghiêm chỉnh vun vút chạy về phía sau. Làng xóm mơ màng và con sông Đáy quẫy mình như ánh mắt đưa tình của người con gái. Nương dâu bên sông xanh rờn rầm rì chớp sáng trong đêm. Xe qua Phùng, qua Nhổn, tới Cầu Giấy… Hòa chỉ có thể chắc rằng, đây là nhiệm vụ. Nhưng nhiệm vụ gì mà đặc biệt thế này? Hay là cướp chính quyền ở Sài Gòn? Ngô Đình Diệm đang lê máy chém khắp nơi với luật 10-59 làm nhân dân tức nước vỡ bờ? Hay là Xihanúc đồng ý cho ta mở mặt trận đánh từ Phnôm Pênh sang?... Mọi lập luận của anh chỉ tạo thêm sự rối rắm trong đầu. Lạ nữa là, xe vừa đỗ trong sân Bộ tư lệnh pháo binh, Hòa còn đang bước xuống, chưa kịp giơ tay lên vành mũ chào đã thấy Đại tá Nam Long - Tham mưu trưởng và Đại tá Hoàng Văn Thái - Chủ nhiệm Chính trị, bước ra đón. Một bàn tiệc bày sẵn với đầy đủ các món sang trọng thời bấy giờ: thịt gà rán, giò, nem, miến… lại có cả một chai sâm banh. Hòa biết các vị này giỏi tiếng Pháp nhưng cứ ngơ ngác chẳng hiểu tại sao các vị lại dùng tiếng Pháp để nói chuyện với mình. Rồi chạm ly xong, Đại tá Nam Long nói:

- Đồng chí biết tình hình Lào rồi chứ? Coongle liên tục đề nghị ta chi viện vô điều kiện. Đồng chí Caysỏn Phômvihản cũng đã hội đàm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvông cùng các đồng chí của ông đang trên đường tới khu giải phóng an toàn. Bất cứ hoàn cảnh nào và Coongle là người như thế nào thì hành động của viên Đại úy trẻ này cũng tạo ra một cảnh ngộ có lợi tức thì cho cách mạng Lào. Thời gian bây giờ liên tục bằng không. Đồng chí và một số đồng chí khác đóng vai sĩ quan của Coongle sang giúp bạn.

Ông Hoàng Văn Thái nói thêm:

- Nhiệm vụ tuyệt mật và một yêu cầu rất cao là không được sử dụng tiếng Việt. Nhất định phải dùng tiếng Pháp! Chỉ được nói tiếng Pháp!

Rồi một cán bộ pháo binh nữa, cấp Trung úy, có mặt. Hầu hết các vị trong Bộ tư lệnh tề tựu đưa tiến. Lúc ăn người ta không nỡ vội, nhưng chẳng ai có thể kéo dài cái sự ăn uống vào thời điểm và hoàn cảnh như thế này. Đại tá Nam Long giơ ly lên chạm ly với mọi người và tuyên bố - Ông nói bằng tiếng Việt:

- Anh Hoàng Văn Thái và anh Doãn Tuế sẽ đưa các đồng chí ra sân bay. Trên đường ra sân bay, đúng giờ X có mặt tại trụ sở Quân ủy Trung ương nhận nhiệm vụ cụ thể.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 01:27:22 pm gửi bởi ptlinh » Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #1 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 06:04:39 pm »

Các sĩ quan pháo binh đều bất ngờ khi thấy tại phòng khách Quân ủy Trung ương có mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vài đồng chí khác chưa quen biết. Anh cũng chưa tiếp xúc với Đại tướng bao giờ nhưng qua ảnh báo chí nên nhận ra ngay. Không khí dù thân tình nhưng rất nghiêm trang. Thượng tá Doãn Tuế nắm tay Hòa bóp chặt như nhắc nhở điều gì. Ông Tuế  với anh là chỗ thân tình từ ngày hoạt động pháo binh thời kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Hòa là học sinh vào bộ đội sau. Còn ông là pháo thủ hạng bét của Pháp đã dần dần trở thành cán bộ chỉ huy cao cấp về hỏa lực mặt đất của Quân đội nhân Việt Nam. Ông đi từ ngày thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô, 29 tháng 6 năm 1946, và qua Xuân Canh, Xuân Tảo, Sông Lô, Hòa Bình, đặc biệt là Điện Biên Phủ. Ông bóp mạnh tay Hòa lần nữa, khẽ hất hàm về phía người đàn ông đậm đà, trẻ trung, dáng dấp nhanh nhẹn và thì thào vào bên tai anh: Đồng chí Caysỏn Phômvihản! Vừa nãy đồng chí Nam Long đã nhắc tới tên, và bây giờ giáp mặt, nhưng thực ra, tới phút ấy, Hòa cũng mới chỉ biết, đây là nhân vật quan trọng của cách mạng và kháng chiến Lào. Thì ra gặp gỡ ở đây toàn yếu nhân: Đồng chí Caysỏn Phômvihản, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Song Hào, Trung tướng Chu Huy Mân, Đại tá Trần Hoài Ân Cục trưởng Cục cán bộ… Ngoài ra còn đồng chí Nguyễn Chính Cầu, và đồng chí Khanh, phó ban C của  Trung ương ta cùng tham dự.

Sau lời giới thiệu của Tổng tư lệnh quân đội nhân Việt Nam, đồng chí Caysỏn Phômvihản nói vắn tắt bằng tiếng Việt:

- Cách mạng Lào đang rất cần các đồng chí. Coongle làm đảo chính là cơ hội thuận lợi cho chúng ta. Nhưng kẻ thù đang từ nhiều hướng tìm mọi cách chiếm lại Viên Chăn. Chúng ta cố giữ thủ đô Lào trong tay lực lượng cách mạng càng lâu càng tốt. Từ lâu các bạn Việt Nam đã coi làm nhiệm vụ chiến đấu với kẻ thù chung trên đất Lào là nhiệm vụ của chính bản thân mình. Và tôi tin hôm nay cũng vậy!

Không ai vỗ tay nhưng mỗi lời nói của ông đều ngấm lòng người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp lời:

- Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã bàn bạc kỹ với đồng chí Caysỏn Phômvihản và Bộ Chính trị của bạn, cử đồng chí Chu Huy Mân, thay mặt Trung ương và Quân ủy Trung ương, cùng đồng chí Khanh, phó ban C của Trung ương sang giúp bạn.

Dừng một lát, Đại tướng nói tiếp:

- Mọi khó khăn đang bày ra trước mắt. Theo đề nghị của Cục cán bộ và ban C, Trung ương cử đồng chí Lê Kích sang giúp bạn về mặt quân sự. Các sĩ quan được phái đi phải chấp hành chỉ thị của đồng chí Lê Kích. Nhắc lại là tất cả các đồng chí sẽ được phát quân trang sĩ quan Coongle và chỉ được phép dùng tiếng Lào hay tiếng Pháp. Kẻ thù có thể đánh hơi các đồng chí là ai nhưng đấy là việc của chúng. Ngay sau đây các đồng chí ra sân bay. 19 giờ hôm nay hoặc chậm lắm là ngày mai, đại bác của quân đảo chính do Coongle chỉ huy phải trả lời tiếng pháo của quân Phumi Nôxavẳn, quân Thái Lan và quân Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm.

Sau những lời nói ngắn ngủi ấy, mọi người ôm chặt lấy nhau rồi chia tay. Nguyễn Hòa cùng tốp của mình đi trên một chiếc commăngca ra sân bay. Qua cầu Long Biên sương còn mờ đục trôi nhanh theo triền sông. Phố xá bên này và làng mạc bên kia vẫn chìm sâu trong giấc ngủ. Xa xa, tiếng chuông xe điện leng keng phố Hàng Lược hay cửa chợ Đồng Xuân vọng tới. Tiếng gà gáy le te từ các thôn Bắc Biên, Bồ Đề… bên những hàng tre rũ mình soi bóng. Một vài chiếc ô tô qua cầu theo hướng ngược trở lại vào thành phố. Dưới sông, đôi chiếc thuyền câu thả lưới đung đưa và ai đó, chắc là người đàn ông đứng tuổi, chủ của một trong hai chiếc thuyền, ca lên bài vọng cổ chậm rãi, u buồn.

Xe xuống dốc, chạy tiếp một đoạn thì rẽ về phía sân bay Gia Lâm. Chiếc barie nhấc lên. Xe lao vào và đỗ trước phòng chờ. Nguyễn Hòa chỉ thấy lòng rộn rã nhưng chẳng biết là vui buồn hay lo âu nữa. Chiều nay tiếng pháo ta phải nổ ở Viên Chăn mà lúc này người còn có mặt tại Hà Nội. Nhưng thế nào đây? Pháo ở đâu? Đạn ở đâu? Pháo thủ ở đâu? Trận địa thế nào? Hàng loạt vấn đề đặt ra. Và càng khó hỏi ai lúc này. Đồng chí Caysỏn cùng Thiếu tướng Chu Huy Mân  và đồng chí Khanh, đồng chí Lê Kích… đã lên máy bay IL bay chuyến đầu tiên. Hai chiếc IL khác vẫn nằm im trên bãi đỗ. Hòa cùng tốp cán bộ pháo binh nhìn nhau. Sẽ chiến đấu như thế nào nhỉ? Hay chính Coongle đã có đủ đội ngũ pháo thủ của các khẩu đội cùng với trang bị vũ khí, đạn dược? Nhưng ông Hoàng Văn Thái nói ngay:

- Không có gì cả! Mọi sự phải phát huy tính chủ động, Nhưng tôi nói ở đây  chỉ là dự đoán. Diễn biến các sự kiện đang xảy ra rất nhanh và khó hình dung trước được. Điều cơ bản và bất di bất dịch là: Không được quên vai trò là sĩ quan của Coongle và phải hết sức tranh thủ các tầng lớp trung lập yêu nước Lào.

Ông Doãn Tuế thêm vào:

- Pháo 105 ly tháo rời và súng cối 120mm đã được chở sang cùng anh em kỹ thuật lắp ráp. Sang bên đó, nếu pháo chưa lắp kịp, các anh phải cùng họ làm việc này. Bảo đảm sao nổ súng được cành nhanh càng tốt!

Nguyễn Hòa hỏi lại:

- Còn pháo thủ ạ? Thưa anh, nhất là pháo thủ số 1, số 2 và bộ phận trinh sát, kế toán, trắc địa.

Ông Tuế chỉ tay ra phía ngoài:

- Kia!

Đó là ba chiếc xe cam nhông chở đầy chiến sĩ. Xe ngụy trang và bám đầy bùn đất. Chiến sĩ với vòng ngụy trang trên vai và quần áo lấm lem nham nhở. Khuôn mặt người nào cũng hau háu và ngơ ngác. Rõ ràng lần đầu tiên trong đời họ tới sân bay. Rõ ràng họ chưa hiểu mình đi đâu và làm gì. Trước đây ít phút họ còn đang trên thao trường huấn luyện thực binh với sư đoàn 312 trên vùng đồi trung du Vĩnh Phúc. Họ bị nhặt từng người, yêu cầu bỏ hết quân trang và trang bị cá nhân lại và lên ô tô. Họ chỉ được trả lời chứ không có quyền hỏi: Pháo thủ số mấy? Bao nhiêu tuổi? Nếu là hạ sĩ khẩu đội trưởng thì đã học trường đào tạo thời gian nào? Nhận nhiệm vụ trên giao có thắc mắc gì không? - Có anh lính đùa tếu: Giải phóng  miền Nam hả thủ trưởng? Nhưng thấy nét mặt nghiêm trang của người chỉ huy, nụ cười trên môi anh ta tắt ngấm. Ô tô chồm lên chở họ qua cầu Đuống, qua cầu Chui, họ ngơ ngác nhìn nhau và không ai nói với ai một lời. Rồi một anh chợt kêu lên: Thôi chết rồi, mình còn nợ thằng ấy ba hào vay để mua bánh xà phòng. Anh khác kêu theo: Cái thư mình viết chưa kịp gửi… Những tiếng kêu ấy cũng lịm ngay khi ô tô rẽ ngang vào sân bay. Rồi họ nhẩy xuống, được lệnh vào nhà chờ, và lạ lùng thay là một vị Thượng tá, sĩ quan cấp như vậy họ chưa thường tiếp xúc bao giờ, đứng trước họ và nói:

- Các đồng chí nhận nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt. Một lát nữa tất cả những gì liên quan tới miền Bắc, tới gia đình, đều phải hủy hoặc gửi lại bộ phận lưu trữ. Bước lên máy bay, các đồng chí sẽ được nghe phổ biến nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Hòa! - ông quay về phía Hòa và anh bước tới - sẽ là chỉ huy của các đồng chí, cả về chính trị và quân sự cùng với một đồng chí nữa - ông giới thiệu sĩ quan pháo binh cùng đi với Hòa. Hai đồng chí này có quyền thống nhất, bàn bạc, cử trung đội trưởng, khẩu đội trưởng… Nhất định đánh là phải thắng. Bây giờ là 7 giờ. Trên ra lệnh 19 giờ phải nổ súng! Ai do dự thấy mình chưa sẵn sàng nhận lệnh cho ý kiến!

Không một ai không sẵn sàng nhận lệnh. Từng ấy con người đều lần đầu tiên bước lên máy bay. Khối chiến sĩ ấy được chia làm ba tốp, hai tốp cùng với trung úy lên một máy bay và cất cánh ngay. Nguyễn Hòa cùng hơn hai mươi chiến sĩ ở lại và nhận chuyển một số đồ dung, khí cụ trang bị, lên chiếc máy bay sau. Họ bay cách nhau chừng một giờ. Chiếc IL lăn trên đường băng, gần đến đê sông Hồng nó nhấc bổng mình lên, chỉ một loáng, mọi người thấy mình lạ lẫm lơ lửng trên không trung. Sông Hồng sắc đỏ! Những ngôi nhà mái ngói lô xô và phố xá chạy dài nhưng chỉ bóng dáng cầu Long Biên là đọng lại lâu hơn cả. Nhìn qua ô cửa sổ máy bay Nguyễn hòa cố xác định vị trí Học viện Nông lâm nhưng thấy rằng khó mà chính xác được. Tự nhiên anh đọc một câu bằng tiếng Pháp nguyên bản trong truyện ngắn Những vì sao của Anphôngxơ Đôđê làm mấy anh chiến sĩ ngơ ngác chẳng hiểu gì. Một chiến sĩ nhìn xuống chỉ thấy đồng ruộng và rừng cây thì sợ hãi túm lấy anh: Thủ trưởng ơi! Máy bay nó hạ cánh thế nào.

*
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 09:38:38 pm »

Cuộc họp hội đồng quân nhân kỳ lạ diến ra trong khoang máy bay. Khi người phi công Liên Xô lái IL thông báo qua anh phiên dịch tiếng Nga: Chúng ta sắp bay ngang trên không trung biên giới Việt-Lào. Hòa lảo đảo. Anh thấy hơi chóng mặt. Lần đầu tiên đi máy bay, vả lại từ đêm qua chưa hề chợp mắt. Những phút máy bay tụt hẫng có chiến sĩ chửi bậy. Phút ấy Hòa tỉnh, anh hiểu trách nhiệm nặng nề là phải nhanh chóng nắm vững hơn hai mươi con người cùng bay với mình, cùng nhiệm vụ với mình, tổ chức thành đơn vị chặt chẽ. Hễ đặt chân xuống đất là phải chiến đấu được. Anh đứng trước mặt mọi người và vừa lên tiếng: Các bạn! Lập tức tất cả im lặng và chờ đợi! - Giọng anh rành rẽ - Các bạn! Hai người một hãy kiểm tra lẫn nhau xem còn thư từ, tài liệu, kỷ vật gì đó dính líu tới Việt Nam. Lập tức từng đôi quay mặt vào nhau, sờ nắn túi quần áo nhau. Một chiến sĩ nói rõ to: Thủ trưởng ơi! Đồng chí này có ảnh! - Chiến sĩ nọ cãi - Ảnh riêng của tôi, bạn gái vừa gửi tặng! - Nhưng có cờ đỏ sao vàng bay sau hình người in trên ảnh. Nộp! Để hủy! - Đây là lệnh chiến đấu! - Hòa vừa nói xong, một chiến sĩ hỏi: Thủ trưởng ơi! Chúng ta đi Thái Lan hay Miến Điện ạ! - Xôn xao chừng dăm phút đồng hồ, giọng Thượng úy cất cao:

- Trong số các đồng chí ai có quân hàm Hạ sĩ, giơ tay!

Hai người giơ tay. Hòa nhẩm ngay trong bụng: Thế là có hai khẩu đội trưởng.

Chiến sĩ vừa hỏi chúng ta đi Thái lan hay Miến Điện liền thưa: Báo cáo thủ trưởng, đồng chí này là chuẩn Hạ sĩ, nghĩa là được đề bạt từ pháo thủ số một lên khẩu đội trưởng nhưng chưa được phong quân hàm. Đồng chí đứng lên cho tôi nhận mặt! – Hòa hỏi – Tên gì? Keo à? Cả họ nữa? Quê ở đâu?... Trước mắt hãy làm pháo thủ số một, đồng chí Keo nhớ! Chúng ta lập thành hai khẩu đội. Hai Hạ sĩ làm khẩu đội trưởng. Chưa thể hình dung ra tình huống chiến đấu sẽ như thế nào nhưng mọi sự tuyệt đối tin tưởng ở nhau. Khẩu đội một do Hạ sĩ… chỉ huy, khẩu đội hai do Hạ sĩ… chỉ huy. Mỗi khẩu đội hãy nhận lấy mười chiến sĩ. Ai chưa biết nhau thì làm quen với nhau đi. Phi công Liên Xô vừa cho biết chúng ta còn hai chục phút nữa để nhớ mặt và thuộc tên đồng đội. Chúng ta không bay sang Thái Lan hay Miến Điện như đồng chí nào đó vừa hỏi và không có quyền làm vậy. Chúng ta sẽ đổ bộ xuống sân bay Vạttay của thủ đô Viên Chăn – Vương quốc Lào để chi viện khẩn cấp cho lực lượng binh biến do Đại úy Coong le chỉ huy và lực lượng trung lập yêu nước. Quá trình tác chiến không được phép bộc lộ mình là người Việt Nam. Tôi là sĩ quan của Coongle còn các đồng chí là lính của Coongle.

Máy bay qua sông Mã vào xứ sở đất nước Triệu Voi. Mây trải ra trắng như bong, xốp như tuyết và núi đồi trên đất bạn dường như cao hơn, một vài đỉnh có mấy ngôi nhà mà trên máy bay khó xác định được con đường đi vào bản. Một con sông lớn hiện ra và mãi sau này, Hòa mới biết đó là con sông Nậm Lịch. Máy bay hạ thấp độ cao. Mọi người nhổm cả dậy. Ai cũng tỉnh. Dưới cánh bay bây giờ là những đồi thấp, làn làn, xen kẽ những cánh đồng rộng. Và kia, thành phố Viên Chăn hiện ra bên con sông Mê Công uốn lượn ôm lấy những bãi sa bồi. Thành phố dài nhưng hẹp. Nhà cửa xem ra thoáng đãng chứ không như bàn cờ úp như bên ta. Máy bay lướt sàn sạt trên một khu phố, xe cộ nhộn nhịp trên đường. Rồi càng máy bay hạ xuống và bánh từ từ lăn. Nó khẽ rung như lên cơn nấc nhẹ trước khi đỗ hẳn. Cửa mở. Hòa lảo đảo vịn vào khung cửa nhìn ra ngoài xem có ai tìm tới bắt liên lạc, đặc biệt bộ phận đi trước, hay phái viên của đồng chí Lê Kích chẳng hạn, hay phái viên của Coongle. Nhưng không một ai. Sân bay khá lộn xộn. Người và xe chạy lung tung. Có tiếng súng nổ đâu đó. Cả tiếng pháo, tiếng đạn cối, và tiếng súng các nhân.

Nguyễn Hòa hơi lạ. Nhưng đã xác định từ ở nhà là phải hoàn toàn chủ động. Một điều làm anh chú ý là trên vai hay trên mũ bất kỳ người nào, dù nam hay nữ cũng có một miếng vải đỏ. Con trai cũng như con gái đều mặc quần áo dù loang lổ, đeo súng xệ xuống, xem ra có phần rắn rổi, đôi khi như  là hơi căng thẳng, dữ dội. Một thoáng ngao ngán chạy qua trong đầu Hòa nhưng rồi anh lại lập tức lấy được thăng bằng. Màu đỏ kia nhắc nhở anh điều gì? Các phi công Liên Xô thúc giục người và hàng hóa xuống để máy bay cất cánh. Tiếng súng nổ, nghe gần. Có người chạy. Có người gọi nhau í ới. Hòa buộc lòng một mình bước xuống cầu thang thì một tốp người đi tới, trong đó có cô gái mặc áo tím, mũ đỏ đội nghiêng nghiêng. Cô còn trẻ. Nước da trắng, khuôn người cao ráo và khá xinh xẻo. Mấy anh con trai đi bên da đồng hun dãi nắng dầm mưa.
Hòa hỏi, tất nhiên bằng ngôn ngữ đã được quy định:

- Các bạn thân mến. Các bạn nói tiếng Pháp chứ?

Cô gái trả lời:

- Xin chào! Nhưng không thành thạo lắm – Ngài có yêu cầu gì?

Hòa nói rành rẽ:

- Tôi cần gặp một số người, chẳng hay các bạn có giúp đỡ liên lạc được không? Các bạn là quân đội chăng?

- Không hẳn vậy! Chúng tôi không phải là quân đội nhưng trong Đảng Thanh niên của Đại úy Coong le. Chúng tôi theo lệnh của Đại úy bảo vệ sân bay.

Lập tức có tiếng súng vang lên phía bên kia đường băng. Hòa hỏi:

- Ai bắn đó?

Cô gái thành thực:

- Không rõ. Có thể là ta. Có thể là địch. Bọn Nôxavẳn tấn công mười lăm phút rồi.

Nguyễn Hòa giải thích:

- Chắc chắn chúng tôi là một bộ phận của quân đảo chính do Đại úy Coongle lãnh đạo và quân đội trung lập yêu nước. Các bạn có thấy những người xuống từ các chuyến bay trước cũng như chúng tôi bây giờ không?

- Có thấy! Chúng tôi chỉ biết xe đã đến đón và đưa họ về địa điểm tập kết phía bắc Viên Chăn năm cây số.

Hòa đưa ra đề nghị cụ thể:

- Tôi muốn gặp ngài Nuhắc.

Cô gái nói nhanh:

- Ngài Nuhắc chắc chắn đã đi khỏi Viên Chăn sau khi Nôxavẳn tấn công.

Hòa kiên trì:

- Tôi xin gặp ngài Thao Chăn (bí danh của tướng Chu Huy Mân).

Cô gái đưa mắt nhìn quanh:

- Tôi không biết ngài Thao Chăn. Tôi chưa tiếp xúc với ngài bao giờ.

Nguyễn Hòa đánh liều:

- Tôi xin gặp ngài Lê Kích, một người Lào gốc Việt.

Cô gái lắc đầu quầy quậy:

- Tôi cũng không biết ngài này.

Vị chỉ huy pháo binh Việt Nam đưa ra con bài cuối cùng:

- Tình hình gấp lắm, như chính cô đã thấy. Nhờ các bạn báo ngay cho Đại úy Coongle biết là có một số người do máy bay Liên xô chở tới muốn gặp ngài.

Cô gái khẳng định:

- Vậy các ngài phải chờ. Chúng tôi thực hiện ngay yêu cầu này của ngài. Đại úy hiện có mặt tại sân bay nhưng đang kiểm tra bộ đội sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn rộng lớn. Không phải dễ dàng tìm thấy ông.

Tiếng súng vang lên khắp nơi. Bọn Phumi Nôxavẳn tấn công. Không thể để máy bay Liên Xô đỗ ở đây chậm vòng chuyên chở khác và biết đâu thành bia đỡ đạn. Đây là tình huống ngoài dự kiến mà bất cứ bài giảng kỹ thuật chiến thuật nào, của bất cứ trường quân sự danh tiếng nào, dù sáng tạo mấy cũng không hình dung ra nổi. Nó được xử lý đúng hay không đúng, phù hợp hay không phù hợp, hoàn toàn phụ thuộc vào tài trí cùng độ nhạy cảm nắm bắt hoàn cảnh, nắm bắt thời cơ của người chỉ huy. Trên máy bay, ngoài mấy chục chiến sĩ, còn có khí tài, kính số một, kính số hai, pháo đối kính, dỡ xuống thì bảo vệ thế nào, pháo và xe kéo pháo chưa thấy đâu, để máy bay chở đi thì lấy gì hoạt động sau này. Hòa quyết định và lập tức thay đổi ý kiến. Anh tiến tới cô thanh niên mặc áo rằn ri, váy tím, đội mũ đỏ của lính dù trình bày:

- Chúng tôi có một số dụng cụ kỹ thuật chiến đấu mang sang giúp Đại úy Coongle muốn đưa xuống, chở cho Đại úy, mà chẳng biết làm sao bây giờ.

Đôi mắt cô sáng lên:

- Thế thì quý quá. Tôi sẽ gọi các bạn đến giúp ngài.

Đến lượt Hòa ngạc nhiên:

- Dỡ xuống ngay đây à?

- Vâng!

- Địch đến thì sao? Là quân của Phumi Nôxavẳn ấy.

- Có chúng tôi mà! - Rồi thì dường như chính cô xem ra cũng không tin lắm ở lực lượng bảo vệ của mình nên cất giọng ngần ngừ - Vậy theo ý ngài thì nên như thế nào?

Nguyễn Hòa chớp lấy ý ấy:

- Tôi muốn cô giúp cho hai xe vận tải, chuyển hàng từ trên máy bay xuống, rồi đưa tất cả những thứ đó cùng anh em chúng tôi về vị trí tập kết của ngài Coongle.

Cô gái hồ hởi:

- Xe sẽ được điều động đến ngay và chính tôi sẽ đưa các ngài tới chỗ Đại úy.

Mọi việc diễn ra nhanh chóng. Hai xe GMC được điều tới. Tất cả lên ô tô. Trong khi cô gái lên cabin xe trước cùng mấy người lính Lào chẳng biết của Coongle hay thuộc phái trung lập, Hòa hội ý rất nhanh với hai Hạ sĩ: Mọi tình huống đều có thể xảy ra. Các cậu không được cứ ghếch mặt lên nghe cô gái và tôi nói tiếng Pháp thế nào, nghe chưa! Nếu họ là địch thì đây là quả lừa ngoạn mục và bao nhiêu khí tài cùng tính mạng từng này chiến sĩ sẽ ra sao? Nếu tôi hô, tất nhiên khi ấy bằng tiếng Việt để mọi người đều hiểu, phải lập tức tước ngay vũ khí của tất cả những người đang đi kèm chúng ta và trốn vào rừng. Trường hợp bất đắc dĩ này cũng là vì cách mạng Lào và vì tổ quốc Việt Nam chúng ta. May thay, dự phòng đó chỉ là điều có trong tưởng tượng. Xe đi trước dừng lại. Cô gái ngồi trên cabin nhẩy xuống, nâng mũ bê rê đỏ đội đầu, reo lên bằng tiếng Pháp:

- Đại úy! Các bạn của ngài đã đến tiếp sức cho ngài!

Thao Chăn, ông Lê Kích, người mà chỉ nhìn dáng điệu Hòa cũng đoán biết ngay là Coongle cùng một vài người khác chạy tới đón. Mừng vui khôn xiết nhưng chẳng còn một giây thăm nhau mà chạy ào tới chỗ hai khẩu pháo 105mm vừa được quân giới lắp xong.
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 05:17:43 am »

Chương II
MẬT LỆNH

Một ngày hè năm 1959 trước khi xẩy ra đảo chính Coongle ở Viên Chăn, Nguyễn Tài Phan đang dự lớp chuyên đề chính trị ở Học viện Nguyễn Ái Quốc do giáo sư Liên Xô giảng thì có lệnh về ngay Bộ Tổng tham mưu nhận nhiệm vụ mới. Xe commăngca chờ sẵn ở sân. Ông được đưa thẳng về Cục nghiên cứu gặp Cục trưởng và rồi sau mấy ngày gấp rút chuẩn bị, hai người được phép tới gặp Đại tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Xe đưa hai người tới nhà 30 phố Hoàng Diệu. Qua cổng sắt, chiếc commăngca lượn vòng theo rìa khu cây cối cùng mảnh vườn quang đãng rồi đỗ lại. Cục trưởng đưa Thượng úy bước tới một gian phòng rộng dường như chỉ có mỗi một bộ sa lông. Hai người chưa kịp ngồi thì cửa bên mở, Đại tướng bước đến và ông Phan chỉ kịp nhận ra vị Tổng Tư lệnh mặc áo sơ mi trắng khoác ngoài là một chiếc đại cán. Đôi mắt sáng, nét mặt nghiêm, nhưng nụ cười tạo không khí thanh thản, dễ chịu cho người tiếp cận. Giọng ông hơi nhỏ:

- Tôi vừa đi họp về. Tình hình khẩn trương lắm. Các đồng chí báo cáo đi.

Ông Phan nhìn trên giấy và bắt đầu trình bày:

- Tổ công tác đặc biệt này gồm 9 người. Đồng chí Nguyễn Ngôn phụ trách nhóm đặc công gồm bốn đồng chí. Đồng chí Diễn lái xe. Đồng chí Vinh báo vụ vô tuyến điện. Đồng chí Khiết cơ yếu. Tổ phó là đồng chí Trương Văn Quý. Tổ trưởng là tôi - Thượng úy Nguyễn Tài Phan!

Đại tướng nghe rất chăm chú nhưng Thượng úy vừa báo cáo xong ông hỏi ngay như giọng nói của một người phản biện:

- Đồng chí Phan đã ở hậu địch bao giờ chưa?

Thượng úy xăng xái:

- Thưa Đại tướng, rồi chứ ạ! Tôi đã ở hậu địch Viên Chăn tám năm, trong đó có thời gian tham gia Ban cán sự đảng tỉnh Viên Chăn. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954 vẫn nhận nhiệm vụ ở lại giúp bạn và năm 1958 mới về nước.

Đại tướng khẽ gật đầu rồi đưa ra nhận xét:

- Thế mà đồng chí lại vạch kế hoạch ra giấy thế kia! Ở địch hậu thì phải có thói quen không ghi chép. Bất cứ công việc gì, nội dung lớn nhỏ gì, cũng phải thuộc trong óc, nhớ trong đầu.

Cục trưởng vội đỡ lời:

- Thưa Đại tướng, đồng chí Phan lần đầu tiên gặp thủ trưởng báo cáo nên tôi bảo đồng chí ấy gạch đầu dòng ra giấy cho gọn và khỏi thiếu sót đấy ạ!

Đại tướng chìa tay đỡ tờ giấy trong tay Thượng úy Phan và nói:

- Vậy cho tôi xin bản kế hoạch này và đốt ngay ở đây nhé. Các đồng chí đừng tưởng rằng ở đất Hà Nội này mà không có phòng nhì và Intelligence Service. Đồng chí Phan đi chuyến này cần nhớ giữ bí mật được là thắng lợi một nửa rồi đấy. Đồng chí không được mang giấy tờ, tài liệu, không được ghi chép công việc trên giấy.

Rồi ông nói thêm:

- Công tác nghi binh sau khi giải thoát đồng chí Xuphanuvông và các bạn chiến đấu của Hoàng thân như vừa báo cáo chưa ổn. Đưa ra hướng tây mà nghi binh ở hướng đông, nếu tôi là địch, tôi sẽ tập trung truy lùng ở hướng ngược lại đấy. Vậy thì một là không nghi binh gì hết, hai là nghi binh nhiều hướng cùng một lúc, bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi ra khỏi nơi giam giữ phải xóa mọi dấu vết và tìm mọi cách buộc địch phán đoán lung tung, tiêu phí mất nhiều thời gian lùng sục vô ích để ta có điều kiện đưa Hoàng thân và đồng đội của ông tới vị trí an toàn.

Đại tướng kết luận:

- Kế hoạch chung đại để là được. Đồng chí Cục trưởng bố trí để đồng chí Phan đến Mường Xén ngay, kịp thời báo cáo với anh Bảy  đang có mặt ở đó.

Đột nhiên Thượng úy chần chừ rồi xin phép báo cáo:

- Thưa Đại tướng, có một tình huống tôi không dám gạch đầu dòng trên giấy và chưa nói ra là giả thiết Hoàng thân và các đồng chí của ông không nhất trí ra thì chúng tôi xử trí thế nào?

Đại tướng trả lời ngay:

- Thì thôi! Các đồng chí không phải làm gì nữa và rút về, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ - Ngừng một lát, giọng ông thêm nghiêm túc - Tôi nhắc lại, mọi chủ trương, phương án, kế hoạch thế nào, đều do Đảng bạn quyết định. Tình hình có thể thay đổi khi các đồng chí vào đến Viên chăn, vì vậy dựa theo phương án nào, có đưa ra hay không đều do lãnh đạo bạn quyết định. Đây là công việc hệ trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc quốc gia của bạn.

Mờ sáng hôm sau, xe commăngca đưa tổ công tác đặc biệt vào Nghệ an, ngược đường bảy tới Mường Xén, qua biên giới, sang căn cứ nước bạn, trình bày kế hoạch với đồng chí Caysỏn và đồng chí Khămtày Siphănđon. Hai đồng chí ở đây đã đón Tiểu đoàn 2 Pathét Lào vừa thoát vây từ cánh đồng Chum về căn cứ. Cả hai nhà lãnh đạo cách mạng Lào nghe rất kỹ những lời trình bày, rồi yêu cầu báo cáo thêm chi tiết về đường đi, thời gian. Thượng úy Phan nói tiếp:

- Sẽ chia tổ thành hai bộ phận. Một bộ phận do tôi phụ trách vào Quảng Bình, vượt Trường Sơn tới Mahaxay của Khăm Muộn miền trung nước Lào, vượt sông Mê Công phía nam Thà Khẹt sang đất Thái. Sẽ công khai đi ô tô ngược lên U Đon, Noong Khai, rồi vượt lại sông Mê Công bằng ca nô của dân vào nội thành Viên Chăn. Phải vào trước được Viên Chăn để móc nối liên lạc với các cơ sở bí mật, tìm hiểu tình hình, sau đó nhanh chóng tìm đến địa điểm tập kết là căn cứ của tỉnh ủy Viên Chăn ở Loong Tòn. Dự kiến nhanh nhất cũng phải mười lăm ngày. Bộ phận thứ hai do đồng chí tổ phó phụ trách cùng nhóm trinh sát đặc công mang theo điện đài và vũ khí nhẹ hành quân qua đất Xiêng Khoảng và Bôrikhamxay, ngược lên Nặm Nghiệp, Nặm Xăn, Nặm Lịch, vượt đường 13 ở Mường Phương tới Loong Tòn. Giữa mùa mưa nên đoàn này dự kiến phải mất ba mươi ngày.

Thượng úy Phan im lặng. Ông nhìn hai đồng chí lãnh đạo của cách mạng Lào và đợi phản hồi. Ông quen biết cả hai vị từ những ngày kháng chiến chống Pháp, đặc biệt trong những ngày tham gia ban lãnh đạo Tỉnh ủy Viên Chăn. Chính những năm tháng lăn lộn gian nguy đầy thử thách ấy các đồng chí càng thêm tin tưởng.
Ông Caysỏn nói thong thả, thân tình:

- Đồng chí Phan này, tôi yên tâm và tin tưởng đồng chí. Kế hoạch như vậy là chu đáo và ý kiến của anh Văn là xác đáng. Đồng chí lại quá thuộc địa hình nội, ngoại thành Viên Chăn. Hoàng thân Xuphanuvông cũng đã biết đồng chí thời kỳ ở Na Mèo. Hãy khẩn trương sang đất Thái. Kịp điện về cho tôi càng sớm càng tốt. Tôi sẽ trực tiếp chỉ đạo việc này.

Rồi bằng một giọng hơi trầm, ông nói tiếp:

- Cách mạng Lào đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Việc đồng chí Xuphanuvông cùng mười lăm nhà lãnh đạo bị bao vây, giam giữ, cùng với việc Tiểu đoàn 1 Pathét bị xóa sổ, Tiểu đoàn 2 Pathét phải thoát vòng vây, đặt nhiệm vụ cho cách mạng Lào lúc này phải kịp thời chuyển hướng hoạt động…

Thượng úy Nguyễn Tài Phan cùng tổ của mình vượt Trường Sơn sang Mahaxay - Khăm Muộn. Có lúc ngày đi đêm nghỉ. Có lúc ngày nghỉ đêm đi. Vai ba lô, bao gạo, bên hông ống muối toòng teng. Nhiều khi ngủ thiếp đi trên phiến đá giữa dòng suối rộng. Bảy ngày sau đến địa điểm bí mật tại một bản nhỏ phía nam Thà Khẹt bên bờ sông Mê công. Ngày hôm sau trút bỏ mọi thứ trên người, ông mặc bộ đồ cộc màu chàm, lưng quấn chiếc khăn rằn và vượt sông Mê Công trên con thuyền của dân đánh cá. Lúc đó khoảng chín giờ đêm. Tất cả diễn ra trong bóng tối, im lặng, nhanh chóng. Con thuyền áp bờ bên kia, người lên lặng lẽ, thuyền cũng nhẹ nhàng quay mũi trở về bến cũ. Không chào hỏi. Không bắt tay. Không tạm biệt.
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 05:21:24 am »

Đêm tối, Thượng úy Nguyễn Tài Phan dừng lại một giây nhìn dòng sông lặng tờ. Kỷ niệm dội về. Ngày ấy ông là chàng trai mới lớn, mười lăm, mười sáu tuổi đời, chứng kiến cuộc tàn sát đẫm máu do thực dân Pháp gây ra với người dân Thà Khẹt. Ngày 21 tháng 3 năm 1946 ấy người ta ước tính phải mấy nghìn người chết trong đó có khá đông Việt kiều. Chết trên đường phố, trong chợ buổi sáng đang họp thì máy bay ném bom, chết trên sông… Rồi sau này, ông mới rõ chính Hoàng thân Xuphanuvông chỉ huy trận đánh cũng đã bị thương nặng trên đường rút sang Thái Lan. Nhiều chiến sĩ Việt nam hy sinh. Hoàng thân Xuphanuvông lúc đó với tư cách là Bộ trưởng Bộ ngoại giao kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng Lào do chính phủ Itxala thành lập ở Viên Chăn ngày 12 tháng 10 năm 1945 và Hoàng thân anh Phệtsarạt làm Thủ tướng. Ông còn nhỏ, chạy theo gia đình, cùng bao nhiêu gia đình Việt kiều khác, cùng cả bà con Lào, nương nhờ bà con Thái và Chính phủ Pridi có cảm tình với kháng chiến Việt Nam và kháng chiến Lào tận tình giúp đỡ. Ông hoạt động trong phong trào yêu nước của Việt kiều ở Thái Lan từ trong ngày ấy. Chính phủ Priđi đổ từ năm 1949 và thời kỳ này quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhà cầm quyền Thái Lan không mấy tốt đẹp. Đời sống bà con ta khó khăn. Cán bộ ta hoạt động bất hợp pháp. Mặc dù vậy mọi người mừng rỡ khi gặp lại ông. Người ta chỉ biết ông sau hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương có hoạt động ở Lào một số năm và bây giờ sang Thái chắc chắn có nhiệm vụ quan trọng. Xa đất Thái nhiều năm nhưng ông vẫn không quên sinh hoạt, lối sống, phong tục, đường sá, tiếng nói, nên dễ dàng cho việc trà trộn. Hôm sau, ông ung dung mặc chiếc áo sơ mi kẻ sọc, quần ka ki cu cũ, đóng vai một thanh niên Thái thăm hỏi bà con và tìm công ăn việc làm, đón xe khách ở dọc đường cuối thị xã, qua tỉnh Sakon Nakhon, tới U Đon vào nhà một cơ sở cũ ngủ lại. Hôm sau nữa đi tàu hỏa tới Noongkhai rồi ngồi thuyền máy ngược tới Tha Bo, tìm trạm liên lạc cũ của tỉnh ủy Viên Chăn thời 1955-1957 mà ông là một thành viên trong ban lãnh đạo. Cơ sở cho biết ở thủ đô Lào, bọn Phủi Sananicon bắt bớ đàn áp rất dữ dội, người dân có cảm tình với Neo Lào Hắc Xạt đều bị đe dọa, có người bị tra tấn, bị thủ tiêu. Bằng mọi cách vẫn không nhận được hồi âm từ Tỉnh ủy Viên Chăn, không chờ đợi được nữa, ông tự mình vượt sang và vào thẳng trung tâm thủ đô nước Lào. Với dáng vẻ tự nhiên và giấy tờ hợp lệ, lại trà trộn vào với những người Lào, người Thái, người Hoa, làm ăn buôn bán nên chẳng ai chú ý. Ông thuê tắc xi đàng hoàng đến nhà cơ sở cũ của tỉnh ủy Viên Chăn ở Hoong Khà tìm một người thợ nề làm việc ở sân bay Váttay tên là Bốt. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thượng úy nhờ Bốt cử con gái mình đi Loong Tòn tìm gặp các đồng chí Tỉnh ủy Viên Chăn còn mình lúc thì đóng vai viên chức loại vừa vừa, áo quần nghiêm chỉnh, bri xăng tin chải đầu bóng mượt, cưỡi xe đạp mới coong dạo trên đường phố Viên Chăn. Những ngày tiếp theo, ông chuyển đến một cơ sở vững chắc hơn, đó là ngôi nhà nho nhỏ giữa khu vườn trại mênh mông của một giáo viên Việt kiều tên là Long. Nhà giáo có chiếc xe ô tô tự lái hai chỗ Renault hàng ngày đi dạy học, thăm đồng, và trang bị cho ông Phan chiếc xe đạp để dễ dàng ra phố. Chính thời gian này, ngày 26 tháng 7 năm 1959, Phủi Sananicon đã trắng trợn ra lệnh bắt giam Hoàng thân Xuphanuvông cùng đồng chí của ông là những cán bộ quan trọng của Mặt trận Lào yêu nước.

Tình hình được đẩy thêm một nấc thang mới. Nhận lệnh ở Hà Nội và Mường Xén, Hoàng thân cùng bạn chiến đấu của ông mới chỉ bị bao vây, quản thúc, nay chúng đã bắt giam các vị và đang ngày đêm hò hét đưa ra xét xử. Nhưng chúng giam các vị ở đâu, không phải nhà tù Săm Khê xây dựng kiên cố và có khu dành riêng cho tù chính trị, mọi cơ sở theo dõi đều khẳng định như vậy. Chúng sợ mọi người kéo đến. Chúng sợ nhân dân biểu tình. Uy tín của Hoàng thân và Neo Lào Hắc Xạt rất lớn nên chắc chắn chúng phải giam giữ các vị ở nơi kín đáo và dễ bề khống chế. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, trưởng tổ công tác đặc biệt đã biết nơi kẻ thù giam giữ Hoàng thân và các đồng chí của ông là ở Phôn Khêng. Ông đã quan sát rất ký và thuộc vị trí Phôn Khêng, nơi đóng trụ sở Bộ Tổng chỉ huy quân đội vương quốc. Nguyễn Tài Phan hoàn toàn như một người đàn ông Lào, lúc đi chợ mua sắm, lúc đi làm ruộng, làm vườn, lúc vào các xóm làng mé bên kia cánh đồng phía sau trại lính Phôn Khêng. Ông đã quan sát rất kỹ và thuộc vị trí Phôn Khêng khi đó, có ba dãy nhà sàn chạy dài là nơi làm việc, một sân cỏ rộng phía trước giữa có cột cờ và một bãi đá bóng. Chung quanh trại Phôn Khêng là hàng rào dây thép gai sơ sài. Xa xa phía sau một dãy nhà sàn thấp cho lính ở. Nhà giam chỉ là một dãy nhà tôn nằm ở góc gần vườn chuối cách xa các dãy nhà sàn khoảng gần hai trăm mét, tường bằng các tấm tôn ghép lại, mái cũng lợp tôn, chỉ có một cửa ra vào bịt tôn. Dần dà ông đã vẽ ra trong óc bản đồ của trại giam này, với tất cả chi tiết và đường đi lối lại cần thiết cho một cuộc tiềm nhập, hay một cuộc tập kích, hay một chuyến ra vào giả trang làm lính gác để thoát ngục…

Vẫn chưa liên lạc được với Tỉnh ủy Viên Chăn. Điều này tối quan trọng và Đại tướng đã căn dặn: Mọi việc đều phải do bạn quyết định! Giải thoát các đồng chí đang bị giam giữ ta không thể tự làm và nếu có thì làm bằng cách nào? Kẻ thù đã đóng cửa tờ báo Neo Lào Hắc Xạt và nếu chúng ta nhớ lại, thì thời gian này, ở miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm với luật 10-59 đã lê máy chém đi khắp nơi. Rồi người liên lạc với Tỉnh ủy Viên Chăn xuất hiện báo tin năm ngày nữa sẽ có liên lạc đến đón và mang theo lá thư ngắn viết bằng mực hóa học trên một tờ giấy báo bọc xôi. Đó là thư của bộ phận đồng chí Quý báo đã gặp Tỉnh ủy Viên Chăn. Ông lập tức cải trang thành dân buôn đi tìm nông, lâm thổ sản, ra bờ sông Mê Công, theo thuyền máy ngược lên, cách Viên Chăn ba mươi cây số, thuyền cập bờ. Ông Phan leo lên, cùng người dẫn đường leo núi, vượt rừng, sẩm tối hôm sau đến căn cứ gặp các đồng chí lãnh đạo thành phố Viêng Chăn đã là những người quen biết trước. Rồi gặp bộ phận đồng chí Trương Văn Quý. Họ đã đi bộ một tháng bảy ngày để đến nơi đây. Tỉnh ủy Viêng Chăn chưa biết nhiệm vụ của họ nhưng cứ nghe tin có những người anh em Việt nam từ Hà Nội sang theo đường dây cũ của Tỉnh ủy là đón. Anh em đi theo đường này vất vả hơn nhiều, núi cao, rừng sâu, mang vác nặng, tổ đặc công của đồng chí Nguyễn Ngôn thì còn súng đạn, trang bị…

Tập kết vẹn tròn người và trang bị là điều mừng vui khôn xiết!

*
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 05:24:37 am »

Ông Phan ôm chặt lấy các bạn Lào trong ban cán sự Tỉnh ủy Viên Chăn và Neo Lào Hắc Xạt tỉnh Viên Chăn, đặc biệt là Khăm Bang  - Ông vỗ vào lưng người bạn chí tình này và nhẩm nhẩm trong họng: Đây rổi! Bạn của tôi đây rồi! Đồng chí sẽ là một trong những hạt nhân giải thoát Hoàng thân cùng bạn bè đồng chí của Người.

Một bức điện được đánh đi báo cáo với đồng chí Caysỏn và Khămtày Siphănđon đang ở căn cứ Sầm Nưa và một bức điện về Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ở Hà Nội. Trung ương Đảng bạn chỉ thị thành lập ngay Ban giải cứu Chủ tịch Xuphanuvông cùng các đồng chí của ông do Bí thư Ban cán sự Tỉnh ủy Viên Chăn làm trưởng ban, trong đó có Khăm Bang và Nguyễn Tài Phan. Và máy vô tuyến của tổ công tác đặc biệt là phương tiện liên lạc duy nhất về Việt Nam đồng thời cũng là phương tiện liên lạc duy nhất giữa Ban cán sự Tỉnh ủy Viên Chăn với Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đồng chí Caysỏn thông báo tình hình rất khẩn trương, kẻ thù đang tung dư luận phải xử phạt nặng các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt cùng Hoàng thân Xuphanuvông… và chỉ thị: phương án nào cũng phải lấy việc bảo vệ an toàn cho Hoàng thân cùng các đồng chí của ông làm mục đích tối thượng.

Trước khi diễn ra cuộc họp ban lãnh đạo cuộc giải thoát, ông Phan nghĩ nhiều đến Khăm Bang. Khăm Bang dáng người thư sinh nho nhã, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1931, cùng lứa tuổi với Nguyễn Tài Phan. Quê ông ở Noong Booc gần thị xã Thà Khẹt thuộc tỉnh Khăm Muộn. Cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, Khăm Bang nuôi chí tự lập, vào chùa xin sư thầy nuôi cho ăn học và đã thi đỗ bằng cao đẳng tiểu học ở thị xã Thà Khẹt. Năm 1950 Khăm Bang được sư thầy Mahảkệt đưa lên Viên Chăn, nuôi ở chủa Vắt Ông Tự và năm 1953 thi đỗ vào trường trung cấp bưu điện học nghề báo vụ vô tuyến. Ra trường, Khăm Bang được nhận vào làm viên chức cấp thấp bưu điện thành phố Viên Chăn do viên chủ người Pháp quản lý. Bị chèn ép, bị coi thường là dân thuộc địa khiến Khăm Bang rất uất ức. Anh cùng với bạn bè cùng trang lứa tụ họp nhau đòi tăng lương, đòi đuổi viên giám đốc người Pháp thay bằng giám đốc người Lào. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương được ký kết, Mỹ nhảy vào thay Pháp. Khăm Bang cùng các bạn trong thành Viên Chăn sôi nổi hoạt động chống Mỹ. Họ rải truyền đơn phản đối việc lấn chiếm hai tỉnh tập kết của Neo Lào Hắc Xạt là Sầm Nưa và Phongsalì và đòi phải tôn trọng hiệp định đã ký kết. Một bữa, Khăm Bang táo tợn cùng các bạn mang hắc ín đến quét lên bức tường của ngôi chùa Phônxay ở trung tâm thành phố, tường của nhiều cơ quan công sở và viết lên đó hàng chữ Lào và chữ Anh “Kà Tày  bán nước! USA go home!”. Nhưng đến tường trạm biến thế điện thì bị cảnh sát truy đuổi. Tất cả trốn chạy. Khăm Bang sang Thái Lan, yên hàn lại trở về Lào và tạm trú tại bản Đon Mủn. Việc làm tự phát của nhóm thanh niên yêu nước Lào đã đến với ban cán sự của Tỉnh ủy Viên Chăn và Khăm Bang được móc nối đưa ra vùng căn cứ. Khăm Bang lần đầu tiên gặp người bạn chiến đấu Việt Nam trong cơ quan lãnh đạo tỉnh Viên Chăn và tình bạn bè chiến đấu của họ thủy chung nhất nhất cho đến mãi về sau.

Nguyễn Tài Phan báo cáo ban công tác đặc biệt tình hình nơi giam giữ Hoàng thân và các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt ở Phôn Khêng. Nhà giam đặc biệt này được cấp tốc cải tạo từ một chuồng ngựa. Vách, mái, tường ngăn đều bằng tôn. Chiều dài chừng ba mươi mét, chia thành hai dãy buồng, mỗi buồng rộng hai mét, dài ba mét. Buồng vệ sinh ở cuối dãy. Xung quanh nhà giam là ba lớp rào cũng bằng tôn và dây thép gai. Lực lượng canh gác trại giam và quản chế tù do một đại đội hiến binh đảm nhiệm vòng trong, một tiểu đoàn hiến binh đảm nhiệm vòng ngoài. Có hai xe bọc thép AM hàng ngày tuần tra liên tục, có hai đèn pha ở hai góc sân chiếu rọi ban đêm. Đó là chưa kể lực lượng bảo vệ mục tiêu cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đóng gần kề và cũng do Đại tá Lăm Ngơn chỉ huy. Và Nguyễn Tài Phan đề xuất:

- Không có khả năng tập kích giải cứu bằng đặc công vì đồng chí Caysỏn đã chỉ thị phải bảo đảm an toàn cho các lãnh tụ của cách mạng Lào là yêu cầu tối thượng. Khả năng duy nhất là móc nối liên lạc, chuẩn bị cơ sở bên trong, bên ngoài, rồi đưa các đồng chí ra bí mật, bất ngờ về căn cứ an toàn.

Mọi công tác chuẩn bị diễn ra lúc sôi động, lúc âm thầm lặng lẽ, bí mật tuyệt đối. Tổ đặc công do ông Nguyễn Ngôn phụ trách huấn luyện gấp một số chiến sĩ đặc công cho bạn, rồi diệt đồn Mường Phương ở ngoại thành Viên Chăn, bắt một số tù binh, thu toàn bộ vũ khí và phao tin khắp nơi rằng Tiểu đoàn hai Pathét, sau khi thoát khỏi vòng vây ở Cánh đồng Chum đã về tới Viên Chăn, sắp sửa tấn công thành phố. Nhân dân xôn xao phản đối bắt giữ Hoàng thân cùng các đồng chí của ông và ở các chùa chiền ngày đêm cầu nguyện cho các vị khỏe mạnh mau chóng thoát khỏi tù ngục. Trung ương Neo Lào Hắc Xạt còn vận động Hội luật gia quốc tế cử luật sư đến Viên Chăn để theo dõi và can thiệp. Một đường dây rất bí mật đã chắp nối được với bà Khămpheng Bupha, nữ nghị sĩ của Mặt trận Lào yêu nước trong Quốc hội Vương quốc và bà Khămsúc là vợ đồng chí Phumi Vôngvichit, rồi từ đó móc nối với các cơ sở khác tìm cách liên lạc vào bên trong trại giam. Bà Khămpheng Bupha đã vận động vợ con các vị đang bị giam giữ, trong đó có bảy nghị sĩ quốc hội đương chức và tám ủy viên Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, đến sứ quán các nước ở Viên Chăn, đến Ủy ban quốc tế, đến trụ sở Quốc hội, Chính phủ, Bộ quốc phòng, Bộ nội vụ, Tòa án… kêu khóc om xòm phản đối bắt giam các nghị sĩ, phản đối bỏ tù các nhà yêu nước, đòi phải cho vào nhà tù Phôn Khêng thăm nuôi và đưa quà… Chính thời gian này, chi bộ bí mật của nhà tù cũng đã được thành lập do đồng chí Nuhắc Phumsavẳn làm bí thư. Chi bộ quyết định phải giác ngộ anh em gác trại giam và lợi dụng cơ chế nhà tù đã được cải tạo phần nào để rèn luyện sức khỏe. Viên quản U Đon và On Sả sau này trở thành nhân mối rất quan trọng trong việc giải thoát Hoàng thân cùng các đồng chí của ông. Cả hai đi theo cách mạng, từng bước vững vàng, để rồi đều là Đại tá công an thuộc Bộ nội vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Rất nhiều mẹ, rất nhiều chị, rất nhiều ông, đã quên mình vì sự nghiệp lớn, như mẹ Phăn, sau ngày thành lập nước Cộng hòa đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lào, mẹ U Đom, mẹ Koong Khăm… đều là chiến sĩ thi đua toàn quốc…

Một việc không thể xem nhẹ là chuẩn bị đường rút cho đoàn tù vượt ngục. Khăm Bang dũng cảm, mưu trí, thông thuộc địa hình phụ trách việc này. Hàng tháng ròng, lúc ông đóng vai đi tìm bò lạc, lúc đóng vai người đi chăn trâu, lúc cùng tổ cốt cán đóng vai đi xẻ gỗ thuê, vượt qua cả những bọn lính tuần tra, canh gác, bí mật đánh dấu từng gốc cây, nhớ như in trong óc tới cả vạt cỏ, băng cánh đồng, vắt qua núi xưa nay chưa có đường mòn qua lại, từ cơ sở này nối tới cơ sở khác, từ điểm an toàn này nối tới điểm an toàn khác, chuẩn bị tới ba con đường đi theo ba hướng khác nhau. Gần ba tháng sau Khăm Bang báo cáo, Trưởng ban công tác đặc biệt của Ban cán sự Tỉnh ủy Viên Chăn và ông Phan đi kiểm tra và chọn con đường vượt qua quốc lộ 13 ở giữa bản Hủa Xạng và bản Na Son để vượt núi Phu Pha Năng.

Thấm thoát mười tháng đã trôi qua. Bọn phản động ra sức hò hét nhưng chưa dám đưa các vị ra xét xử vì quá lo sợ phong trào quần chúng sẽ nổi dậy thành đám cháy lớn. Ngay trong quốc hội, nhóm nghị sĩ theo xu hướng hòa bình trung lập do ông Kinim Phônsêna lãnh đạo cũng liên tục đấu tranh. Ngày 4 tháng 1 năm 1960, nhóm sĩ quan công chức trẻ trong cái gọi là Ủy ban bảo vệ quyền lợi quốc gia (CDIN) do tướng Phumi Nôsavẳn cầm đầu và do Mỹ giật dây đã làm đảo chính lật đổ Phủi Xananicon đưa Chạu Sổmcanít lên làm Thủ tướng. Số này đại diện cho bọn phản động cực hữu Lào chủ trương cứng rắn chống phá cách mạng Lào quyết liệt hơn.

Một ngày tháng 5 năm 1960, ông Phan và một cán bộ của ban lãnh đạo nhiệm vụ đặc biệt như hai người bạn viên chức nhỏ ở công sở cơ quan nào đó đạp xe như đi dạo trên đường phố Viên chăn. Đến khu quảng trường có đài Patuxay do người Pháp xây dựng bỗng thấy có một số người tụ tập và một người mặc sang trọng, thắt caravat đẹp, đứng lên bệ cao phát biểu. Hai người nán lại, làm như tham dự, nhưng là để biết. Ai đó nói với nhau và hai người nghe được - Đó là ngài Inpeng Sunhathay. Sunhathay hô hào:

- Chính phủ Sananikon đã nhu nhược để bao thời gian trôi đi mà chưa dám đưa cộng sản đang bị giam giữ ở Phôn Khêng ra xét xử. Đám người làm tay sai cho cộng sản Hà Nội đều đáng phải ghép vào tội phản quốc và áp dụng bản án cao nhất. Thưa các bạn, chính phủ Sổmsanít sẽ không nhẹ tay như vậy. Ngài Thủ tướng vừa nhậm chức của chúng ta sẽ kiên quyết. Tôi mong ngày đó đến nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu!

Một thanh niên dũng cảm vặn lại:

- Thưa ngài Inpeng Sunhathay, ngài cho phép tôi được nói ra ý mình chứ ạ? Tôi xin hỏi ngài, trên thành phố Viên Chăn của ta hiện nay, chẳng thấy binh lính Bắc Việt đâu cả, mà chỉ thấy các cố vấn Mỹ, các công sở Mỹ. Người Việt nam có mặt ở Viên Chăn chỉ là bà con kiều bào làm ăn sinh sống lâu đời trên đất Lào. Neo Lào Hắc Xạt lại tán thành hòa bình trung lập. Sao lại bảo họ là tay sai của Hà Nội?

Sunhathay lùi một chút và kiềm chế:

- Thế anh không thấy Xuphanuvông từng sang Hà Nội nhận chỉ thị à?

Thanh niên tỏ ra cứng rắn:

- Ồ, thưa ngài đại diện của Thủ tướng, ngài quên rằng Hoàng thân Xuphanuvông từng học ở hà Nội từ thuở thiếu thời. Tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp về, Hoàng thân tham gia nhiều công trình cầu đường, đập thủy lợi trên bán đảo Đông Dương, trong đó có khá nhiều ở Việt nam. Ấy là tôi chưa nói đến phu nhân của ngài cũng là người Việt Nam. Vậy thì người sang Hà Nội có gì là lạ!

Inpeng Sunhathay lại tiếp tục hò hét. Một số người lản tản và ông Phan cùng người bạn chiến đấu của mình cũng bỏ đi. Thời gian không còn nhiều. Ban lãnh đạo công tác đặc biệt họp lại kiểm điểm toàn bộ công tác chuẩn bị, đặc biệt đường dây giữa bên ngoài và trong nhà tù lúc nào cũng thông đồng bén giọt. Hoàng thân Xuphanuvông là linh hồn của đoàn tù cách mạng và kế hoach chi tiết do Nuhắc soạn thảo cũng đã chuyển ra ngoài. Tổ trung kiên trong số những lính canh gác gồm tám người nhưng phải làm sao để tám người đều có mặt trong cùng một phiên gác mà địch không nghi ngờ gì cả. Do tài trí của Nuhắc mà chiều ngày 23 tháng 5 năm 1960, năm anh em trung kiên trong số tám người được bố trí cùng một phiên gác. Ba người còn lại sao đây? Không thể để rơi họ. Vả lại nếu có ba người không nằm trong tổ trung kiên này thì việc sẽ bại lộ. Thế là người mà cho mình gác thay để mai mới tới phiên mình nhưng ngày mai nhà có việc, người thì để tớ gác hôm nay mai về quê… Tình hình được báo tới đồng chí Caysỏn và lệnh trở lại lập tức: Hành động ngay! Nhà bà nghị sĩ Khămpheng Bupha là địa điểm liên lạc tối quan trọng của Ban lãnh đạo nhiệm vụ đặc biệt. Ngay chiều hôm đó, quản U Đon được ông Nuhắc và Hoàng thân Xuphanuvông cử ra gặp đại diện ban lãnh đạo bên ngoài nhà tù.

Quyết định: Khởi sự không giờ ba mươi phút ngày 23 tháng 5 năm 1960. Yêu cầu bên ngoài chuyển ngay vào cho các đồng chí trong tù một đồng chí dẫn đường mang theo 30 ổ bánh mỳ, 30 tấm ni lông che mưa, 16 bộ sắc phục cảnh sát…

Giờ phút căng thẳng nhất của cuộc vượt ngục đã tới!
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 06:39:50 am »

Chương 3

PHÚT QUYẾT ĐỊNH

Nhà tù Phôn Khêng hình thành gấp gáp tạo ra khu biệt giam đối với các lãnh tụ của Neo Lào Hắc Xạt. Hoàng thân Xuphanuvông, lúc đó là nghị sĩ trong cuộc bầu bổ sung vào Quốc hội Lào với số phiếu tín nhiệm rất cao của cử tri Viên Chăn. Ông là ủy viên thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, Bộ trưởng Bộ kế hoạch trong Chính phủ Vương quốc do Hoàng thân Xuvanna Phuma làm Thủ tướng. Sau ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Lào, ông là ủy viên Bộ chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng và là Chủ tịch nước. Các đồng chí chiến đấu của ông bị giam giữ gồm:

1- Nuhắc Phumxavẳn, nghị sĩ quốc hội, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kế tiếp ông Caysỏn Phômvihản, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, rồi Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào kế tiếp Hoàng thân Xuphanuvông.

2- Phumi Vôngvichít, nghị sĩ, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi, ủy viên thường vụ Đảng Nhân dân Cách mạng lào, phó Chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước, sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

3- Phun Xipaxợt, nghị sĩ, ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, sau này là Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

4- Mừnsổm Vichít, ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, sau này là Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần Quân đội Nhân dân Lào, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Viên Chăn.

5- Makhảy Khămphithun , ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Quốc gia Lào.

6- Sisanạ Sisản, nghị sĩ, Trưởng ban tuyên huấn Trung ương Đảng, giám đốc Đài phát thanh Pathet Lào, sau này là Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Lào

7- Singkapô Xikhốt Chunnamaly, ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, Thiếu tướng quân đội Vương quốc Lào trong Chính phủ liên hiệp lần thứ hai, sau này là Bộ trưởng Bộ giao thông công chính, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Hữu nghị Lào.

8- Khămphải Bupha,, nghị sĩ, ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, sau này là Thứ trưởng Bộ ngoại giao, đại sứ Lào tại Việt Nam.

9- Mahả Sổmbunvông Nôbunthăm, ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, sau này là Phó chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước.

10- Sithôn Kômmađăm, nghị sĩ, ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sau này là Phó chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước.

11- Khămphết Phônsavẳn, ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, sau này là thứ trưởng Bộ ngoại giao, đại sứ Lào tại Việt Nam.

12- Phau Phimmachăn, cán bộ cơ quan Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sau này là Chủ tịch UBND thành phố Viên Chăn

13- Phu Khẩu, cán bộ tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, sau này là cán bộ tổ chức Trung ương Đảng.

14- Buasỉ Chalơnsúc, cán bộ văn phòng Trung ương Đảng, sau này là chánh văn phòng Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, đại sứ Lào tại Việt Nam.

15- Ma Ná, cán bộ tuyên truyền Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, mất sớm.

Nhà tù buổi chiều tối hôm đó âm thầm và rạo rực. Yêu cầu bên ngoài cử người vào dẫn đường và mang theo những thứ cần thiết là nhu cầu đòi hỏi nhưng cán bộ nhà tù và cá nhân Hoàng thân còn muốn kiểm tra công tác chuẩn bị ở bên ngoài ra sao. Thời gian trôi đi từng giây đồng hồ. Viên Chăn hôm ấy có nhiều hội lớn. Đón Bun hốt nặm mà! Kiểm tra lại thấy có một anh lính chưa thể tin cậy một trăm phần trăm, quản U Đon đã khôn khéo cho phép anh ta vào bản và nhảy múa đánh bạc qua đêm. Với bọn lính gác ở hai xe bọc thép, quản U Đon đã giao cho On Sả tổ chức một sòng bạc tại ngôi nhà gần đó, có thịt rừng thả cửa. Hai ngọn đèn pha không được tắt, vì nếu trục trặc là thợ đến sửa ngay lập tức, dứt khoát bị lộ. Chừng bảy giờ tối, rạp chiếu phim Bua Sạ Vẳn ở trung tâm thành phố khá đông người, có một thanh niên ăn mặc tề chỉnh - chính là Khăm Bang - vẫy tắc xi ung dung đi về phía Phôn Khêng. Chị chủ quán còn trẻ, vui tính, đối diện với trại lính mà U Đon  hay ra ăn uống, đon đả mời khách. Khăm Bang xách chiếc túi lớn đựng những thứ trong nhà tù yêu cầu bước vào, đặt hành lý lên bàn trống trong góc rồi gọi cà phê sữa và bánh ngọt. Quán ở khu vực này vào giờ này thường vắng khách, Khăm Bang ăn uống chậm rãi, chờ đợi, và chỉ sợ ăn uống xong chị chủ sẽ đóng cửa quán. May sao, đúng lúc ấy người đàn bà bắt chuyện:

- Chắc chú có hẹn chờ ai phải không?

Khăm Bang tính rất nhanh. Trả lời không là không ổn. Ông đáp: Vâng – Người đàn bà lại hỏi – Hẹn ai đó? – Thoáng nghĩ nếu trả lời hẹn gặp cô gái nào đó như chủ quán nghi ngờ và đang mỉm cười kia mà U Đon đến thì làm thế nào? Ông cất giọng đàng hoàng:

- Gặp ngài U Đon. Thầy U Đon ấy mà!

Chủ quán vui say đon đả:

- Chú với thầy U Đon là thế nào?

Sự khôn khéo lóe ra trong óc Khăm Bang:

- À! Trước đây tôi tu ở chùa Vắt Ông Tự. U Đon cũng tu ở đấy nên quen nhau. Hoàn tục, U Đon ra làm cảnh vệ ở đây, còn tôi trở về quê làm ăn nay có dịp trở lại Viên Chăn nên ghé thăm.

Vừa nói xong câu đó người đàn bà chủ quán đã chỉ tay và nói: Kia kìa! Bạn của chú đã ra kia kìa! Quả là U Đon ra thật. Hai người ngồi chuyện trò một lát rồi cùng đứng lên, trả tiền, chào chủ quán, bước ra. U Đon xách theo túi bánh mì đi trước. Qua cửa chắn thấy anh lính gác đang mải miết đọc thư dưới ánh đèn điện, U Đon liền lớn tiếng: Nhận được thư của người yêu hả? Anh lính ngẩng mặt lên nhìn U Đon mỉm cười. Tới cửa nhà giam, trước mặt tốp lính bồng súng đứng gác, U Đon khẽ nói: Người mình! – rồi mở cửa, đẩy Khăm Bang vào, đóng ngay cửa lại.

Bên trong nhà giam tối đen như mực. Khăm Bang lần mò từng bước. Có người chạy tới mà mãi sau này Khăm Bang mới biết đó là bác Nuhắc Phumsavẳn và bác Sisanạ Sisản. Hai người ôm lấy Khăm Bang và bác Nuhắc đặt tay lên ngực ông nói một câu khen ngợi: Hay quá! Tim đồng chí vẫn đập bình thường.
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 12:19:51 pm »

Bác Nuhắc hỏi liên tục. Câu hỏi cứ mỗi lúc một sâu thêm, gai góc thêm, nhưng Khăm Bang bình tĩnh trả lời rành rẽ. Đường đi thế nào? Qua những đâu, những đâu? Ở đó có trạm gác của đám lính Phumi Nôsavẳn không? Các cơ sở trên đường thế nào? Có thể tin cậy đến mức độ nào? Đến địa điểm tập kết đầu tiên bao xa? Đơn vị Pathét nào đi đón? Trung ương Đảng do đồng chí Caysỏn lãnh đạo chỉ đạo ra sao?... Khăm Bang trả lời rành rẽ. Những câu hỏi thể hiện sự chu đáo của người lãnh đạo nhưng phần nào cũng thể hiện sự lo lắng của chi bộ nhà tù. Hoàn toàn yên tâm, bác Nuhắc đi hội ý với Hoàng thân Xuphanuvông và chi ủy bí mật. Một số anh em khác vì lo lắng lại xúm tới Khăm Bang hỏi rối rít: Làm thế nào ra được? Đơn vị Pa thét đón ở vị trí nào? Lực lượng ta có đông không? Nếu địch truy đuổi thì có đánh chặn nổi không? Có khả năng rơi vào tình huống xấu như thế nào?... Khăm Bang thấy rõ có người hồi hộp, lo lắng. Và nếu ở phút này ai đó do dự có thể gặp nguy hiểm cho cả đoàn. Ông nảy ra ý định trả lời phóng đại:

- Cả tiểu đoàn hai vừa thoát khỏi vòng vây ra đón!

Lại hỏi:

- Tiểu đoàn hai hiện đang phục kích ở đâu?

- Gần Phôn Khêng.

- Nhưng lực lượng của Phumi Nôsavẳn đông hơn. Chúng có máy bay. Chúng có lính nhảy dù do viên Đại úy Coongle chỉ huy. Viên Đại úy Lăm Ngơn hôm qua trên đường đi kiểm tra chẳng đã nói lính dù của Coongle sẵn sàng nhận nhiệm vụ đó sao?

May quá là Khăm Bang có nghe nói việc viên Đại úy chỉ huy tiểu đoàn dù này trên đường đi Mỹ bồi dưỡng nghiệp vụ, mới đến Hawai thì có lệnh gọi trở lại Viên Chăn đối phó với tình hình đang nước sôi lửa bỏng.
Khăm Bang nói ngay:

- Hà Nội báo tin đã sẵn có một trung đoàn thiện chiến ở biên giới. Họ sẵn sàng nhảy vào và đã tuyên bố bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông cùng các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt là nhiệm vụ chính của họ. Bắc Việt Nam sẽ không bao giờ ngồi nhìn cho Phumi Nôsavẳn và Chạu Sổmsanít muốn làm gì thì làm.

Cuộc họp chi ủy bí mật trong tù đã xong, bác Nuhắc quay lại phổ biến nhiệm vụ cho mọi người rồi kéo Khăm Bang tới nhà vệ sinh ở cuối dãy, đẩy ông vào, và dặn: không được ho, không được va chạm để phát ra âm thanh, im lặng tuyệt đối. Không có đồng hồ nhưng Khăm Bang đoán chắc đã nửa đêm. Một vệt đèn soi năm pin sáng chói quét đi quét lại. Tiếng giầy lộp cộp. Tiếng người thì thào. Rồi cả mùi thuốc lá thơm Cô táp bay tới. Tiếng hỏi hách dịch của kẻ có quyền: Yên tĩnh hả? - Tiếng trả lời Khăm Bang nhận ra giọng quản U Đon: Thưa Đại tá, yên tĩnh! - Lời khen buông ra thõng thẹo: Tốt! Rồi ánh đèn pin soi rọi vào từng phòng giam. Giờ phút căng thẳng ấy trôi qua, bác Nuhắc quay lại kéo Khăm Bang tới chỗ mọi người đang dồn lại. Lần đầu tiên trong đời ông gặp một vị Hoàng thân nhưng chẳng còn thời gian, chẳng còn tâm trí đâu mà nhìn ngắm. Tất cả thay quần áo. Bác Nuhắc thay mặt lãnh đạo nhà tù quyết định:

- Chúng ta tổ chức thành ba nhóm và xuất phát theo từng nhóm. Bên ngoài đã chuẩn bị rất chu đáo nên chúng ta hoàn toàn yên tâm. Vũ khí nhẹ chúng ta có… nhưng tuyệt đối chỉ nổ súng khi có lệnh của tôi hoặc đồng chí Xuphanuvông. Điểm hẹn tập kết đầu tiên là gốc cây Sản Sả lớn ở cánh đồng đi Nặm Noong Tha. Đúng không giờ ba mươi phút, giờ yên tĩnh nhất, viên Đại tá Lăm Ngơn yên tâm ôm gái là chúng ta rút.
Sự thể diễn ra tuần tự như vậy. Tổ của Khăm Bang ra sau cùng có bác Singapô, bác Sithôn, bác Nuhắc, bác Phun Sipasớt… Họ băng qua hàng rào dễ dàng, lượn theo lối đi trường dạy tiếng Anh của quân đội. Một chiếc xe máy của ai đó có việc khẩn trong đêm, chiếu đèn tới. Khăm Bang đàng hoàng giơ tay ngăn lại và cảnh cáo: Đường cấm! Thanh niên thấy toàn là dân kiểm soát quân sự, quần áo tề chỉnh, mũ sắt viền đỏ, thì vội vàng xun xoe: Bẩm, tôi đi vội nên đi nhầm, thưa ngài! - Khăm Bang lệnh - Cho đi! Nhưng cấm quay lại! Đám lính ở hai xe bọc thép thì đã say bí tỉ, On Sả và anh em ta rút về lúc nào chúng cũng chẳng hay. Chúng ngả ngớn nói bậy nói bạ và khi thấy tốp tù thoát ngục mặc trang phục cảnh vệ thì mặc xác. Tuy vậy cũng có đứa gọi với theo rủ vào uống tiếp và nói những câu tục tĩu. Họ vòng qua trường dạy tiếng Anh của quân đội một cách dễ dàng nhưng tới vị trí tập kết đầu tiên thì thiếu vắng nhiều quá. Khăm Bang kéo U Đon quay lại đón thì tìm thấy Hoàng thân Xuphanuvông đang ngơ ngác. Thì ra bác bị giam giữ lâu ngày sức khỏe bị ảnh hưởng và quan trọng nữa là cái bàn viết cứ cành cành bên người. Cái bàn ấy có chân gập lại được, đi đâu bác cũng mang theo, ở đâu cũng có thể dễ dang làm việc. Người ta mang giúp bác không chịu. Nhưng lúc này khẩn thiết, Khăm Bang ra lệnh cho U Đon: Anh dắt bác chạy ngay tới điểm hẹn! Còn mình chạy đi tìm những anh em khác.

Trước đây, giữa Noongthatay và cánh đồng Noỏngphenha là rừng rậm, Khăm Bang đánh dấu trên những cành cây xác định lối đi, qua mấy tháng người ta phát cây làm rẫy, cây nằm ngả ngốn và chưa bị đốt, dấu cho lối đi bị mất. Nhưng hướng đi ông vẫn còn nhớ, song cây đổ chắn ngang, rất khó vượt. Nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu đi vòng sẽ mất rất nhiều thời gian và dễ bị lạc. Kế hoạch với ban lãnh đạo cuộc vượt ngục ở bên ngoài là trong đêm phải tới vị trí an toàn giờ đây khó thực hiện nổi. Khăm Bang lo đến thắt ruột. Mây đùn lên đen kịt và trời tối sầm. Rồi chẳng hiểu sao như là có tiếng súng nổ lớn phía nhà tù Phôn Khêng. Ai đó kêu lên hình như có tiếng súng cối. Mọi người cho là bị lộ. Khăm Bang liền hô: Đi mau! Lộ rồi! Địch đang đuổi theo! Mọi người như có sức mạnh thần kỳ chạy ùa qua tất cả, vượt hết gai góc, trướng ngại, tới cánh đồng. Mưa ập xuống, ào ào như trút. Sấm chớp vang lừng. Cánh đồng Noỏngphanha nước ngập trắng tinh, đoàn vượt ngục vào đến rừng thì mưa giảm dần. May thay! Trời cứu nguy đã xóa đi mọi dấu vết trên đường. Bác Sithôn lúc chạy trượt chân ngã, văng mất cái mũ, định quay lại tìm. Nhưng tình hình khẩn trương cấp bách, Khăm Bang giục đi không để bác quay lại. Giờ thì cái mũ ấy cùng vết chân giầy trên đất, trên cát bị nước làm cho mất tăm. Mọi người dừng một lát để thở, để chia nhau những miếng bánh mì và hớp nước hứng được trên lá.

Gà rừng gáy khắp nơi, theo kế hoach phải tới chân núi Bắc Kít, rồi đi bốn cây số nữa tới núi Phu Phạ Năng là điểm tập kết an toàn. Nhưng xem ra mới được hai phần ba đoạn đường tính từ Phôn Khêng. Khăm Bang hồi hộp, bắt mọi người đi nhanh cũng không được nữa. Bác Xuphanuvông bị chuột rút chân, anh em đang xoa bóp. Bác Thạo Ma bị chóng mặt… phải đi dích dắc. Nước suối Nặm Khêm dâng cao, mọi người dìu nhau bơi qua. Trời vừa sáng gặp ngay một phân đội Pathét đến đón. Tuy chưa hết hiểm nguy nhưng mừng không thể tả được. Một cuộc hội ý chớp nhoáng: Trời đã sáng, đã nhìn thấy trâu bò của dân thả nhởn nhơ quanh đây. Nếu hành tung của đoàn tù vượt ngục bị phát hiện sẽ rất nguy hiểm. Dứt khoát phải chạy tới cánh rừng Đồng Boong phía trước gần ba cây số. Phải chạy! Các chiến sĩ trẻ vừa dìu, vừa cõng bác Xuphanuvông, bác Sisanạ, bác Thạo Ma… Tới Đồng Boong, bộ đội gác chung quanh cẩn mật, còn tất cả lấy lá cây làm chiếu lăn ra ngủ li bì.

Lúc này không những sấm chớp, bom đạn, mà đến cả động đất mạnh cũng khó mà đánh thức nổi ai đó.

Bác Nuhắc cảnh giác, giao cho tổ chiến sĩ canh gác nếu thấy ai đó vào rừng đã phát hiện ra ta thì phải bắt giữ ngay, hôm sau đoàn đi xa mới được trả tự do cho họ, coi như đây là biện pháp tình thế của thời chiến. Phải xin lỗi họ và bồi thường cho họ ít tiền. Nhưng cũng may là không một người dân nào vào rừng Đồng Boong thời gian ấy. Mười bảy giờ tiếp tục lên đường. Từ Đồng Boong tắt sang Na Khun Nọi, tránh xa rìa làng Na Xai để cắt ngang cánh đồng rộng. Gần đến đường 13, một người lính giác ngộ được phái đi về phía trước tung ám hiệu để bắt liên lạc. Chiến sĩ hồi hộp hay đoảng tính chẳng rõ nữa mà nói sai quy định. Đại đội Pathét Lào nghi ngờ còn định nổ súng. May mà họ im lặng theo dõi. Họ cũng phỏng đoán là người của mình nhưng không lên tiếng đáp trả. Đoàn đã đến sát Hủa Sang và Phon Xẹt là nơi theo quy ước đơn vị Pathét phải có mặt. Hay là địch đang hoạt động ở khu vực này? Khăm Bang, người phụ trách dẫn đường và là trợ lý đắc lực cho bác Nuhắc căng thẳng đầu óc. Dù tình huống nào thì đoàn vượt ngục tới đây tức là gần Phu Phạnăng rồi. Trời đổ mưa! Cơ hội tốt để vượt qua đường cái trống trải. Khăm Bang đề nghị bác Nu hắc cho đoàn rời khỏi nơi ẩn nấp, dàn hàng ngang vượt thật nhanh. Các chiến sĩ đi đón đã thấy rõ là đoàn tù vượt ngục, nhưng không vội xuất hiện, sợ đột ngột anh em hoảng sợ có thể, vả lại dù là đêm tối gặp nhau giữa đường tay bắt mặt mừng rất dễ bị lộ. Mặc cho đoàn tù vượt ngục có người suýt dẫm lên đầu chiến sĩ mai phục nhưng họ vẫn im lặng. Đoàn vượt qua đường hết rồi họ mới bám theo sau. Đoàn vượt ngục hăng hái cố chạy tiếp tới núi Hin Lạt phát hiện có lực lượng truy đuổi phía sau liền dừng ngay lại bố trí đội hình chiến đấu. Đại đội đi đón liền hô rõ to mật khẩu. Nhận ra nhau. Lại đi tiếp. Qua Phu Phạnăng, tới Đàn Bắc Kít là vùng tương đối an toàn. Đoàn dừng lại ngủ để sáng mai tiếp tục lên đường. Từ đây đi đứng đàng hoàng hơn, không còn phải vội vàng phòng tránh như trước. Đến Huội Xai Nọi đã có những cơ sở trung kiên của Mặt trận Lào yêu nước do các đồng chí Ban cán sự tỉnh ủy Viên Chăn và Ban chỉ đạo nhiệm vụ đặc biệt chuẩn bị gấp rút lán trại tạm thời. Gặp nhau nước mắt ràn rụa. Mừng mừng tủi tủi. Một năm trời xa cách cũng là thời gian đen tối của cách mạng Lào. Bí thư Ban cán sự Tỉnh ủy Viên Chăn nắm lấy tay Hoàng thân Chủ tịch Xuphanuvông không nói lên lời. Điện gửi đi báo cáo với Trung ương Đảng bạn ở Sầm Nưa và báo về Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Rừng ở đây nhiều gà, chim các loại, nai, hoẵng, kỳ đà… đó là những thứ bổ dưỡng cho những người bị tù giam hãm khổ sở hơn ba trăm ngày qua. Những đôi bàn chân sưng vù được ngâm nước muối, được xoa bóp. Những căng thẳng, lo toan vơi nhẹ dần đi. Đồng chí Caysỏn điện đến đoàn tiếp tục lên đường đi về căn cứ Sầm Nưa. Giờ đây đi khá ung dung. Ở mỗi nơi dừng, bác Sisanạ Sisản lại mở radio theo dõi tình hình trong nước và thế giới, còn bác Xuphanuvông thì đặt cái bàn của mình xuống ghi chép. Nghe tin Viêng Chăn đang rối loạn mà buồn cười. Ngày 9 tháng 8 năm 1960, đoàn đến cánh rừng bản Buộc Taxeng cách huyện lỵ Casỉ gần hai mươi cây số, dừng chân tạm nghỉ. Bác Sisanạ lại mở radio để nghe đài phát thanh Viên Chăn như thường lệ. Bỗng bác tung mình lên, suýt hất cái radio lăn xuống đất và hét lớn để mọi người nghe cho rõ: Đảo chính rồi! Viên Chăn Coong le làm đảo chính rồi!

Mọi người quây tròn chiếc máy thu thanh bán dẫn, ngẩn ngơ, vui sướng!

*
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2016, 12:24:14 pm »

Những tháng năm này Viêng Chăn sôi động. Sau khi tướng Phumi Nôsavẳn lật đổ chính phủ Phủi Xananicon và đưa Chạu Sổmsanít lên làm thủ tướng tình hình càng rối. Tiểu đoàn hai Pathét Lào mà bọn chúng âm mưu xóa sổ đã về căn cứ an toàn. Nhân dân nhiều nơi từ bắc chí nam nổi dậy lập chính quyền mới. Bọn chúng hò hét nhanh chóng đưa Hoàng thân Xuphanuvông và các vị lãnh đạo của Neo Lào Hắc Xạt ra xử thì đánh đùng một cái các vị biến mất như có phép thần. Mãi tám giờ sáng, theo thường lệ, người phục vụ đưa thức ăn vào ngục thấy cửa phòng giam đóng nhưng không khóa, vội chạy đi báo cáo sĩ quan cảnh vệ ở Phôn Khêng. Viên đại tá Lăm Ngơn chết đứng vì lo lắng và sợ hãi. Hắn vẫy một viên quản cùng hai tên lính dẫn mình kiểm tra thực tế. Mặt viên đại tá gần như tái đi, nhưng vẫn nhún vai thán phục và kính nể trước hiện thực khó mà tin được bằng cách kêu lên một câu cửa miệng: Phà ơi!

Lăm Ngơn về ngay phòng làm việc, quay điện thoại gọi tứ tung. Tin tức lan truyền khắp các đường phố Viên Chăn đến tận mọi ngang cùng ngõ hẻm, nhất là những quán cà phê, những nơi tụ tập. Dư luận xôn xao, nửa tin, nửa ngờ. Có người khẳng định bọn Phumi Nôsavẳn và Sổmsanít đã đưa Hoàng thân và các bạn chiến đấu của ông đi thủ tiêu rồi bày ra trò hề này. Nữ nghị sĩ Khămpheng Bupha kéo vợ con các vị bị giam giữ, cùng họ hàng người thân của họ, tới các cơ quan chính phủ kêu khóc ầm ĩ. Chỉ có một mình bà là vui mừng biết rõ sự thật nhưng không dám nói ra còn tất cả mọi người là lo toan thật, khóc lóc thật, làm náo loạn cả thành phố Viên Chăn. Ngày hôm sau các báo đăng tin. Nơi nơi người ta mua đọc và bình luận.

Phumi Nôsavẳn gọi Lăm Ngơn tới. Viên tướng ngồi thừ trên ghế sô pha và cứ mặc kệ viên đại tá đứng báo cáo. Sau khi Lăm Ngơn kết thúc bằng câu: Xin chỉ thị của ngài thì hàng môi Nôsavẳn mấp máy:

- Ông đại tá tự biết lúc này phải làm gì rồi chứ?

Rồi đột nhiên Nôsavẳn hỏi:

- Đại tá, ông có tin tù nhân của ông đi xa đến tận nơi an toàn rồi không?

Viên đại tá rập gót giầy:

- Thưa ngài, tôi tin! Họ đã thoát được ra như thế thì họ cũng có cách về tới nơi họ cần về êm nhẹ trong đêm.

Đám quan chức dân sự bàn bạc và kết luận. Cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban bảo vệ quyền lợi quốc gia (CDIN) do Phumi Nôsavẳn cầm đầu biến thành cuộc cãi vã. Người thì: Các vị Neo Lào Hắc Xạt này làm sao đi nổi trong rừng từ đây tới biên giới Việt Nam? Và đi đến bao giờ? Ít nhất là có ô tô đón các vị ngay phía sau trường dạy tiếng Anh cho giới quân sự rồi! Một người khác nói: Không đi ô tô. Ông Hồ Chí Minh không đời nào để Hoàng thân Xuphanuvông đi ô tô. Hà Nội đã cho máy bay trực thăng đi đón các vị. Chắc chắn giờ này các vị đang uống cà phê bên bờ hồ Hoàn Kiếm rồi! Lại có tin: Ông Chănsúc Vôngsắc đã dẫn hai sư đoàn cảm tử quân Việt Nam về đóng ở Phu Khuột - Phu Xe và sẵn sàng tiến đánh Viên Chăn. Toàn những ý kiến lung tung làm Nôsavẳn bực mình. Ông ta giải tán cuộc họp và cho gọi viên Đại úy Coongle chỉ huy tiểu đoàn lính dù tới. Đây là tiểu đoàn dù duy nhất của quân đội Vương quốc được thành lập. Coongle là viên sĩ quan trẻ, rất xông xáo, hãnh tiến và ham hố dục vọng. Nôsavẳn mời Coongle ngồi, trịnh trọng, như bậc ngang hàng:

- Tiểu đoàn dù của ông có nhiệm vụ gấp!

Coongle trả lời: Vâng, thưa ngài!

- Anh cho quân nhảy xuống Hin Hợp, Phôn Xảo, Phu Khẩu Khoai, Xala Phukhun, đường số 7… Cái ve áo kia sẽ đổi khác.

Coongle ra về. Ông ta đã cho lính nhảy xuống chỗ nọ chỗ kia nhưng chính trong thâm tâm cũng chẳng hy vọng chút nào. Viên Đại úy cũng chẳng ưa gì Nôsavẳn và cả Chạu Sổmsanít. Những viên tướng hạng hai và những chính khách hạng bét này thì chẳng làm được trò trống gì. Đến nhà tù Phôn Khêng xem xét thực địa, Coongle càng thán phục các lãnh đạo của Neo Lào Hắc Xạt, đặc biệt ở đó lại có cả một vị Hoàng thân trí thức. Coongle nhún vai kêu lên khe khẽ: Thật là những người giời! Gặp viên Đại tá Lăm Ngơn, Coongle bực bội. Hắn cư xử y như vừa rồi Nôsavẳn đối với hắn. Không thèm mời ngồi, không thèm bắt tay, giọng rất kẻ cả:

- A! Người chỉ huy lính dù. Đại úy cứ trên máy bay kia nhòm xuống đất, phát hiện đoàn tù là cho quân nhảy xuống chụp gọn.

- Xin nói với ông, rừng Lào rậm lắm, không thể nhìn xuống được đâu.

Trở ra Coongle hậm hực nhìn Trung úy Đươn là cấp phó của mình đang đi ở bên.

Dường như đoán biết cấp trên có điều gì suy nghĩ quyết định, Đươn hỏi: Ta tính sao đây, Đại úy? - Coongle: Về cây số 42, trụ sở đóng quân của đại đội 2 do Trung úy chỉ huy. Chỉ ít phút sau, các sĩ quan được triệu tập và nhanh chóng lập ra ủy ban lâm thời do Đại úy Coongle làm Chủ tịch và Trung úy Đươn làm Phó chủ tịch.

Coongle phát biểu:

- Phumi Nôsavẳn và Sổmsanít cùng nhiều bộ trưởng đã đi dự lễ ở Hoàng cung Luông Prabang. Bọn cố vấn Mỹ thì quan tâm gì tới nước Lào mà chúng đang mải miết nhởn nhơ ở những nơi tụ họp, nếu chán thì sang Băng Cốc… Một mình Lăm Ngơn đang hung hăng lập công chuộc tội nhưng chỉ là trò “Con nai ăn quả mè ”! Tôi quyết định… Tham gia với chúng ta còn có một số lực lượng khác và đặc biệt là thanh niên sinh viên…

Ngày 8 tháng 8 trời mưa rả rích. Bảy giờ tối người ta thấy Trung tá Thao Phumi và Thiếu tá Chao Chăn tới rạp chiếu bóng Viêng Xamay. Đây là hai sĩ quan trẻ chỉ huy đơn vị thiết giáp đóng ở cây số 27 trên đường đi Pạc Xan. Thao Phumi 26 tuổi, đẹp trai, học sĩ quan tại Pháp, từng được Mỹ cho tham quan khối quân sự Bắc Đại Tây Dương và Tây Đức, bạn học của Coongle thời trung học Savannakhet.
Chín giờ tối người ta thấy Coongle xuất hiện ở quán rượu trên đường Ta lạt Mày gần chợ mới cùng với cả Thao Phumi và hai cảnh vệ. Qua đêm, đến ba giờ ba mươi phút ngày 9 tháng 8, các đơn vị nhất tề xuất phát đến chiếm các vị trí trọng yếu của Viên Chăn. Xe ô tô Mỹ chở quân. Cảnh binh thấy rầm rộ, hỏi: Đi đâu? – Câu trả lời ngắn gọn: Đổi gác!

Sáng ra chính quyền đã về tay Ủy ban lâm thời.

Đúng vào phút giây ấy, toán tù vượt ngục reo lên: Đảo chính rồi! Ở Viên Chăn Coongle làm đảo chính rồi! Nhưng Coongle là ai? Một nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trên chính trường khiến bất cứ ai nghe nói đến tên ông đều cũng lạ lùng và không thể nào không đặt ra những câu hỏi. Một bức điện từ căn cứ Sầm Nưa của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Neo Lào Hắc Xạt yêu cầu đoàn tù vượt ngục dừng lại, nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe và nhấn mạnh: Bất luận Coongle là ai thì việc đảo chính lật đổ chính phủ Chạu Sổmsanít do Phumi Nôsavẳn dựng lên đều là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Lào. Ngay sau đó đài phát thanh truyền đi lời tuyên bố của Neo Lào Hắc Xạt hoan nghênh và ủng hộ cuộc đảo chính, khẳng định đồng tình với quan điểm của Ủy ban lâm thời do ngài Coongle làm chủ tịch nêu rõ mục đích của cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Sổmsanít nhằm chống nội chiến, thực hiện hòa hợp với các lực lượng yêu nước Lào, chống sự can thiệp của Mỹ, xây dựng một nước Lào độc lập, trung lập và phồn vinh.

Bức điện thứ hai của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt nêu chỉ thị, đoàn tù vượt ngục sẽ chia làm hai bộ phận, một do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu về căn cứ trung ương ở Sầm Nưa, một do đồng chí Nuhắc Phumsavẳn dẫn đầu, với danh nghĩa Neo Lào Hắc Xạt, quay trở lại Viên Chăn, phối hợp với quân đảo chính, giữ vững thành phố càng lâu càng tốt trước sức tấn công phối hợp của Phumi Nôsavẳn có sự hà hơi tiếp sức của Thái Lan và quân Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm. Cùng lúc đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam điện sang, tổ công tác đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập tức chia làm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất do đồng chí Nguyễn Tài Phan, tên Lào là Khăm Sinh, phụ trách quay trở lại Viên Chăn, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nuhắc xây dựng lực lượng, đoàn kết với bộ đội Vương quốc trung lập yêu nước, bảo vệ thành phố Viên Chăn càng lâu càng tốt. Một bộ phận gồm các chiến sĩ đặc công tháp tùng Hoàng thân Xuphanuvông cùng các bạn chiến đấu của ông về căn cứ Sầm Nưa an toàn. Và lệnh tiếp theo: Tình hình rất khẩn trương, máy vô tuyến canh gác từng giờ, luôn luôn báo tình tình về nước, đặc biệt là xu hướng chính trị…

Nhiệm vụ tối mật hoàn thành. Giờ phút quyết định đã qua. Phút chia tay bịn rịn. Đoàn về tới Mường Phương thì đồng chí Nuhắc và các cán bộ cao cấp của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt có máy bay trực thăng của Coongle đến đón. Anh em còn lại hành quân bộ, cứ đường cái quan, ung dung, bắt liên lạc với Tỉnh ủy Viên Chăn. Tỉnh ủy cử một bộ phận vào ngay nội thành, trong đó có Nguyễn Tài Phan, tức Khăm Sinh, và Khăm Bang, cùng với danh nghĩa Neo Lào Hắc Xạt của tỉnh vào thành phố, liên lạc ngay với Coongle và Trung úy Đươn phối hợp tìm cách bảo vệ Viên Chăn. Một xe Jeep chở đầy súng các bin và quần áo lính dù trang bị cho một đơn vị bộ đội Pathét vừa được thành lập. Khăm Sinh, tức Nguyễn Tài Phan, cũng được nhận một bộ. Ông mặc lên người, xem ra rất oách. Quần áo rằn ri, mũ bê rê đỏ, giầy da mới đánh xi bóng loáng, súng lục đeo ngang thắt lưng, thêm cái tua vải đỏ phất phơ là dấu hiệu của lực lượng đảo chính.

Xe Jeep Mỹ chở các ông đi lại trên thành phố Viên chăn.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười Một, 2016, 06:02:20 am gửi bởi lính đường dây » Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 09:23:17 am »

Chương 4

VIÊN CHĂN BÙNG CHÁY

Phumi Nôsavẳn chuồn vội về cứ địa của mình ở Savannakhet tập hợp lực lượng tấn công lên Viên Chăn quyết xóa sổ lực lượng bé nhỏ cùng Ủy ban đảo chính của Coongle và phái trung lập. Viên Chăn ráo riết chuẩn bị chiến đấu. Ông Hoàng Xuvana Phuma bị nhóm Phumi Nôsavẳn và Chạu Sổmsanít đẩy sang làm đại sứ ở Pháp được mời về thành lập chính phủ mới. Chính phủ này lập tức được Việt Nam dân chủ cộng hòa, Liên xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa công nhận, nhưng Nô Sa Vẳn không đồng tình và kiên quyết tấn công lên phía bắc. Đại sứ Mỹ ở Viên Chăn tất tưởi gặp Hoàng thân Thủ tướng Xuvana Phuma thuyết phục ông mở rộng thành phần chính phủ để Phumi Nôsavẳn tham gia và chuyển trụ sở về Luông Prabang, gần nhà vua. Đề nghị ấy bị từ chối. Ngày 19/11/1960, hơn bốn trăm cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ đội lốt dân sự đã đến Savannakhet giúp Phumi Nôsavẳn xây dựng gấp lực lượng. Thái Lan cũng giúp Nôsavẳn huấn luyện gấp hai đại đội lính dù và một tiểu đoàn pháo binh 105mm cùng súng cối hạng nặng. Tướng Cupraxít - Tư lệnh quân khu 5 bấy lâu cho quân án binh bất động liệu bề theo đóm ăn tàn, nay thấy Phumi đã nhanh chóng xây dựng và củng cố lực lượng ở Trung và Hạ Lào thì thỏa thuận ngầm với Phumi sẽ làm đảo chính ở Viên Chăn. Thế là hai gọng kìm bắt đầu chuyển dịch. Một từ hướng Savannakhet và Thà Khẹt lên Nặm Ca Đinh và thị trấn Pạc San. Một từ căn cứ Chinaimô đều nhằm hướng Viên Chăn.

Những ngày này Coongle tỏ ra xông xáo và quyết liệt. Viên Đại úy 24 tuổi, con một gia đình nông dân dân tộc Phu Thay ở Mường Pha Lan, nguyên là học sinh trường trung học Savannakhet. Ông đã qua thử thách trong chiến đấu. Coongle đã từng được bổ túc quân sự ở Philippin và đang trên đường đi Mỹ. Mới đến Haoai thì bị gọi trở lại để làm nhiệm vụ truy kích tiểu đoàn hai Pathét Lào và truy bắt các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt vượt ngục. Giữa thời điểm nồi da nấu thịt ấy, ông ta đã làm đảo chính. Coongle rất có uy tín trong hàng ngũ quân đội trung lập và ở thời điểm hiện nay có vai trò quan trọng trong sự nghiệp của cách mạng Lào. Ông ta gọi viên phó của mình là Trung úy Đươn tới và quyết đoán:

- Trung úy, ông thấy rõ tình hình rồi. Lúc này không thể chậm trễ. Tôi muốn giao cho Trung úy một việc hệ trọng.

Đươn còn chưa hiểu sao thì Coongle hỏi luôn:

- Ông sang Hà Nội bao giờ chưa nhỉ?

Trung úy Đươn đã đoán ra phần nào nhưng vẫn còn đợi:

- Thì chính tôi cũng chưa sang bao giờ nhưng ta phải sang. Hà Nội hiện có hai sân bay: Gia Lâm chủ yếu là dân sự, Bạch Mai là sân bay hoàn toàn dùng cho mục đích quân sự. Ta sẽ xuống Bạch Mai. Một mình Trung úy! Đi ngay! Đây là thư của tôi cầu cứu các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu phải trả lời điều gì đó thì Trung úy phát biểu thay tôi.

Ngay buổi chiều hôm ấy, chiếc máy bay lạ xuất hiện trên bầu trời Hà Nội xin phép hạ cánh xuống Bạch Mai. Trung úy Đươn, với băng trắng trên tay và tiếng Pháp trôi chảy được gặp các vị có thẩm quyền. Sau đó mấy hôm, ngày 7 tháng 12 năm 1960, tướng Chu Huy Mân cùng một số cán bộ khác bí mật đi máy bay đáp xuống Váttay. Ông được giao nhiệm vụ đại diện chính phủ ta làm việc với chính phủ của Hoàng thân Xuvanna Phuma và cố vấn quân sự cho Coongle và Mặt trận Lào yêu nước. Mười lăm giờ máy bay hạ cánh. Sân bay vắng tanh. Chỉ loáng thoáng một số lính trong nhà ga. Vài ba người thấy máy bay đỗ thì phóng xe Jeep ra đón ở chân cầu thang rồi chở vào phòng chờ ngồi nghỉ. Phía bạn không ai biết tiếng Việt. Phía ta chưa biết các bạn là ai nên không để lộ mình từ Hà Nội tới. Những trục trặc là không thể tránh khỏi trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Đến chiều tối các đồng chí Phun Sipasớt và Sinhkapô mới đón được đoàn, đưa về nghỉ tạm ở Na Nhang, để ngày hôm sau tới gặp đồng chí Nuhắc Phumsavẳn.

Sáu giờ sáng hôm sau, ngày 8 tháng 12 năm 1960, Nguyễn Tài Phan, tức Khăm Sinh, trong bộ trang phục sĩ quan dù của Coongle tới chào tướng Chu Huy Mân, từ nay có tên là Thao Chăn. Họ đã gặp nhau ở Na Mèo năm 1956, khi Khăm Sinh là đại biểu tỉnh Viên Chăn về dự hội nghị tổng kết toàn Lào. Thao Chăn ngạc nhiên ngước nhìn Khăm Sinh từ đầu đến chân, đặc biệt chiếc mũ đỏ đội nghiêng và dải băng rôn màu đỏ. Ông hỏi: Sao cậu lại…?
Nhưng rồi hiểu ra, ông chuyển sang chủ đề khác: Cậu báo cáo đi, tình hình thế nào?

- Theo tôi, tình thế khá bất lợi cho quân đảo chính và lực lượng trung lập. Lực lượng của Phumi Nôsavẳn và Cupraxít đang áp đảo. Chúng chẳng những được Mỹ hỗ trợ mà còn cả Thái Lan và lực lượng Ngô Đình Diệm. Có thể hôm nay chúng bắt đầu tấn công nội thành Viên Chăn. Hiện trọng pháo của chúng là uy lực lớn dễ làm tan vỡ tuyến phòng thủ của lực lượng trung lập…

Cùng nghe Khăm Sinh báo cáo còn có các đồng chí Sinhkapô và Phun Sipasớt. Thao Chăn nói:

- Làm sao có đường dây liên lạc nối giữa tôi với Coongle bây giờ?

Chưa ai kịp nêu ý kiến thì một chiếc xe Jeep đã đến và đỗ xịch. Trung úy Đươn bước xuống, đúng điều lệnh quân đội Hoàng gia, dập gót giầy nghiêm chỉnh giơ tay lên vành mũ chào:

- Thưa, tôi Trung úy Đươn, đại diện cho Đại úy đến chào đoàn và báo cáo tình hình.

Thao Chăn:

- Tôi muốn gặp Đại úy càng nhanh càng tốt.

Đươn vẫn tiếng Pháp trôi chảy:

- Thưa ngài, Đại úy đang ở tiền duyên km số 4 trực tiếp chỉ huy chặn đánh địch. Kupa sít mới cho hai đại đội mặc áo lính dù đeo dải ruy băng màu trắng ở vai tiến vào nội thành Viên Chăn với danh nghĩa bảo vệ Thủ tướng Xuvana Phuma. Có thể đây là hành động thăm dò trước khi mở cuộc tấn công toàn lực. Đại úy đang chỉ huy chặn chúng ở km số 4. Tình hình cho phép, Đại úy sẽ tới chào và làm việc với ngài cố vấn ngay lập tức.

Thao Chăn đứng lên. Dường như ông có điều gì suy nghĩ. Rồi ông nói:

- Tôi chắc giờ này pháo binh ta có mặt ở Viên Chăn, nhưng chưa thể bắn được ngay. Pháo còn phải lắp, phải kiểm tra kỹ thuật. Các sĩ quan chỉ huy phải xem xét địa hình. Họ đang trên những chuyến máy bay đi sau tôi. Chúng ta giữ Viên Chăn càng lâu càng lợi cho cách mạng bạn. Nhưng chắc chắn không thể và không nên cố thủ. Có hỏa lực ta sẽ yên tâm hơn nhiều. Tôi cũng đã gặp các sĩ quan pháo binh của ta trước lúc ra máy bay sang đây. Đó là những con người đã qua thử thách chống Pháp, nhất là đã qua Điện Biên Phủ.

Ngày hôm sau, Hoàng thân Xuvana Phuma cùng các bộ trưởng đã đáp máy bay sang Phnôm Pênh của Campuchia và cử ông Kinim Phônsêna, bộ trưởng Bộ Ngoại giao ở lại làm đại diện. Thao Chăn chỉ thị: Khăm Sinh phải ở bên ông Kinim như một sĩ quan bảo vệ và liên lạc… Bốn giờ chiều hôm ấy, cuộc họp gồm các ông Nuhắc Phumsavẳn, Phun Sipasớt, Sinhkapô, Kinim Phônsêna… đang họp thì cả Coong le và Trung úy Đươn đến. Người ta hỏi Coongle: Liệu có thể giữ Viên Chăn được mấy ngày? - Viên Đại úy ngần ngừ: Thưa các ngài, có lẽ tối đa là ba ngày! Chúng ta đang bị bao vây và không có người bổ sung lực lượng.

Ông Kinim Phônsêna nói:

- Thưa ngài cố vấn, chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa sang gấp như nhảy dù chẳng hạn, vài ba trung đoàn chính quy được không?
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM