Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:40:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28112 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:04:00 am »


        TẠM ƯỚC VIỆT - PHÁP (14-9-1946)

        Khoản 1. Những kiều dân Việt ở Pháp và những kiều dân Pháp ở Việt Nam đều được hưởng quyền tự do cư trú như người bản xứ và những quyền tự do tư tưởng, tự do dạy học, buôn bán, đi lại, nói chung là tất cả các quyền tự do dân chủ.

        Khoản 2. Những tài sản và xí nghiệp của người Pháp ở Việt Nam sẽ không phải chịu một chế độ khe khắt hơn chế độ dành cho tài sản và xí nghiệp của người Việt Nam, nhất là về phương diện thuế khóa và Luật Lao động. Đối lại, những tài sản và xí nghiệp của kiều dân Việt Nam tại các xứ trong khối Liên hiệp Pháp quốc củng cố được hưởng sự ngang hàng về chế độ như thế. Chế độ tài sản và xí nghiệp Pháp hiện có ở Việt Nam chỉ có thể thay đổi do sự thỏa thuận chung giữa nước Cộng hòa Pháp và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tất cả những tài sản Pháp đã bị Chính phủ Việt Nam trưng dụng hoặc những tài sản mà tư nhân hoặc xí nghiệp Pháp bị nhà chức trách Việt Nam tước, sẽ trả lại cho chủ nhân hay những người có quyền hưởng thụ. Sẽ cử ra một Ủy ban Việt - Pháp để định rõ cách thức hoàn lại.

        Khoản 3. Để nối lại ngay từ giờ những mối liên lạc về văn hóa mà cả nước Pháp và nước Việt Nam đều muốn phát triển, những trường học Pháp các cấp sẽ được tự do mở trên đất Việt Nam. Những trường ấy sẽ theo chương trình học chính thức của Pháp. Một bản thỏa hiệp riêng sẽ định rõ những trụ sở nào sẽ dành cho những trường học ấy dùng. Những trường ấy sẽ mở rộng cho cả học sinh Việt Nam.

        Những kiều dân Pháp sẽ được tự do nghiên cứu khoa học và mở những viện khoa học trên đất Việt Nam.

        Những kiều dân Việt Nam cũng được hưởng đặc quyền ấy ở Pháp. Tài sản và địa vị pháp luật của Viện Pa-xtơ (Pasteur) sẽ được khôi phục. Một Ủy ban Việt - Pháp sẽ định điều kiện cho Trường Viễn Đông Bác Cổ hoạt động trở lại.

        Khoản 4. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ dùng đến người Pháp trước nhất mỗi khi cần người cố vấn hoặc chuyên môn. Chỉ khi nào nước Pháp không cung cấp được nhân viên mà Chính phủ Việt Nam cần đến thì đặc quyền trên đây của Pháp mới thôi thi hành.

        Khoản 5. Ngay sau khi giải quyết vấn đề điều hòa tiền tệ hiện thời, sẽ chỉ có một thứ tiền duy nhất tiêu dùng trong những xứ thuộc quyền Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và những xứ khác ở Đông Dương. Tiền ấy là đồng bạc Đông Dương hiện nay do nhà Ngân hàng Đông Dương phát hành, trong khi đợi một viện phát hành tiền tệ. Một ủy ban gồm có đại biểu tất cả các nước hội viên của Liên bang Đông Dương sẽ nghiên cứu chế độ pháp lý của viện phát hành ấy. Ủy ban ấy lại có nhiệm vụ dung hợp tiền tệ và hối đoái đồng bạc Đông Dương thuộc về khối đồng Phrăng (Franc).

        Khoản 6. Nước Việt Nam cùng với các nước trong liêu bang họp thành một quan thuế Đồng minh. Vì vậy, sẽ không có hàng rào quan thuế nào trong nội địa Liên bang và thuế nhập cảng cùng xuất cảng ở mọi chỗ thuộc địa phận Đông Dương sẽ đánh đều nhau. Một ủy ban dung hợp quan thuế và ngoại thương sẽ nghiên cứu những phương sách thi hành cần thiết và sắp đặt việc tổ chức quan thuế Đông Dương, ủy ban này có thể là ủy ban dung hợp tiền tệ và hối đoái nói trên.

        Khoản 7. Một Ủy ban Việt - Pháp để điều hòa giao thông sẽ nghiên cứu những phương sách tái lập và cải thiện các đường giao thông giữa Việt Nam và các nước khác trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp: đường vận tải bộ, thủy và hàng không, sự liên lạc bưu điện, điện thoại, điện tín và vô tuyến điện.

        Khoản 8. Trong khi chờ đợi Chính phủ cộng hòa Pháp và Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam ký kết một bản hiệp định dứt khoát giải quyết vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam với ngoại quốc, một ủy ban chung Việt - Pháp sẽ ấn định việc đặt lãnh sự Việt Nam tại các nước lân bang và sự giao thiệp giữa nước Việt Nam với các lãnh sự ngoại quốc.

        Khoản 9. Vì muốn lập ngay ở Nam Bộ và nam phần Trung Bộ một nền trật tự cần thiết cho các quyền tự do, dân chủ được tự do phát triển cho thương mại được phục hồi, vì hiểu rằng sự đình chỉ những hành động xung đột và võ lực của cả hai bên sẽ có ảnh hưởng tốt cho những việc nói trên. Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng ấn định những phương sách sau đây:

        a) Hai bên sẽ đình chỉ hết mọi hành động xung đột và võ lực

        b) Những hiệp định của hai bộ tham mưu Pháp và Việt Nam sẽ định rõ điều kiện thi hành và kiểm soát những phương sách do hai bên cùng ấn định.

        c) Định rõ ràng những tù nhân hiện bị giam giữ vì lý do chính trị sẽ được phóng thích, trừ những người bị truy tố về những thường tội đại hình và tiểu hình. Những tù nhân bị bắt trong các cuộc hành binh cũng vậy. Nước Việt Nam bảo đảm sẽ không truy tố và sẽ không tha thứ một hành động võ lực nào đối với những người trung thành với nước Pháp. Đối lại, Chính phủ Pháp bảo đảm sẽ không truy tố và sẽ không tha thứ một hành động võ lực nào đối với những người trung thành với nước Việt Nam.

        d) Sự hưởng thụ những quyền tự do dân chủ đã định trong khoản thứ nhất sẽ được hai bên bảo đảm lẫn cho nhau.

        đ) Hai bên sẽ đình chỉ những sự tuyên truyền đối với nhaui không được thân thiện.

        e) Chính phủ Pháp và Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam sẽ hợp tác để những kiều dân các nước trước kia là thù địch không thể làm hại được nữa.

        g) Một nhân vật do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ định và được Chính phủ Pháp công nhận, sẽ được ủy nhiệm bên vị thượng sứ để xếp đặt sự cộng tác cần thiết cho việc thi hành những điều thỏa thuận này.

        Khoản 10. Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng tìm cách ký kết những bản thỏa thuận riêng về bất cứ vấn đề nào để thắt chặt dây liên lạc thân thiện và dọn đường cho một hiệp ước chung dứt khoát. Theo mục đích ấy các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947.

        Khoản 11. Bản thỏa hiệp này ký làm hai bản. Tất cả các khoản sẽ bắt đầu thi hành từ 30 tháng 10 năm 1946.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:06:39 am »


        NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ QUÂN SỰ TOÀN QUỐC CỦA ĐẢNG1.

        Ngày 19 tháng 10 năm 1946

        A. THỐNG NHẤT CƠ QUAN CHỈ HUY

        1. Thống nhất Quân ủy và Quốc phòng.

        Vì nhìn thấy sự phiền phức và trở ngại về mặt quân sự như: quân nhu, vũ khí, quân y, v.v... toàn thể Hội nghị quyết định phải thống nhất, nhưng theo nguyên tắc: giản dị, thiết thực và dự phòng sau này (tổ chức quốc phòng ủy viên hội) đồng thời phải phân quyền hạn, nhiệm vụ cho rõ ràng.

        2. Chỉnh đốn các cơ quan chỉ huy và công tác bàn giấy.

        …

        Về công việc bàn giấy, phải chỉnh đốn theo quy tắc chính quy. Phải giáo dục cho nhân viên và binh sĩ biết giữ bí mật.

        B. VẤN ĐỀ CÁN BỘ

        Kiểm điểm thấy trong một năm qua, cán bộ tuy có tiếng về công tác nhưng thường phạm phải những tính quan liêu, hủ hóa, đảng tính kém, hơn nữa một số cán bộ văn hóa kém tiến không kịp thời. Theo chỉ thị của Trung ương, toàn thể Hội nghị quyết định các cán bộ bắt buộc phải học tập.

        1. Về nguyên tắc và nội dung.

        a) Làm việc gì học việc ấy (học về chuyên môn).

        b) Học từ nhỏ đến lớn, từ những điểm thường thức đến những công việc to tát.

        c) Học về văn hóa, lý luận, chính trị, công tác đảng.

        2. Phương pháp thực hành.

        a) Trung ương Quân ủy phải phụ trách quy định chương trình học, cách thức học và kiểm tra sự học. Chương trình phải đi sát với công tác trung tâm.

        b) Phái những cán bộ đảng vào các trường huấn luyện để học tập thêm.

        c) Những cán bộ khi làm việc phải có tính sáng tạo, đặt ra các bài vở cho những cấp dưới mình học tập.

        3. Điều chỉnh cán bộ.

        a) Cần phải điều chỉnh những cán bộ từ tiểu đoàn trở lên cho hợp lý.

        b) Sau này Bộ Chính trị2 phải có một cơ quan phụ trách chuyên về cán bộ, nhưng trong lúc này Trung ương Quân ủy phải phái người đi kiểm tra.

        4. Thống nhất trường huấn luyện.

        Sau khi Quân ủy, Quốc phòng thống nhất thì các trường huấn luyện như Võ bị, Lục quân Quảng Ngãi, Trường bổ túc đều phải thống nhất. Về kế hoạch, chương trình cũng được quy định thống nhất.

        C. VẤN ĐỀ BỘ ĐỘI VÀ DÂN QUÂN

        Vì những lý do về chiến lược, chiến thuật, vũ khí kém, cán bộ thiếu, quân nhu thiếu, nên quyết định:

        a) Giảm bớt số quân xuống, nhưng đồng thời phải củng cố các đội cảnh vệ và tự vệ.

        b) Phải có một trường huấn luyện chuyên về cán bộ dân quân.

        c) Phải nâng cao chất lượng cho bộ đội bằng cách viết sách nhỏ và chương trình huấn luyện.

        d) Trung ương Quân ủy phụ trách nghiên cứu một kế hoạch chỉnh đốn.

        D. VẤN ĐỀ QUÂN NHU, VŨ KHÍ. QUÂN Y

        1. Vấn đề quân nhu.

        a) Để giảm bớt sự phiền phức về cách lĩnh tiền, cần phải yêu cầu với Bộ Tài chính hết sức làm giản đơn cách thức giấy má.

        b) Đề nghị sửa lại sắc lệnh, Bộ Tài chính chỉ có việc phát tiền còn về thu chi sẽ do Bộ Quốc phòng.

        c) Những nơi đắt đỏ thì theo thời giá tăng thêm.

        d) Số tiền hiện giờ Bộ Quốc phòng phát ra, phải phát hết cho các bộ đội; còn việc khấu làm tiền chung do các đơn vị đại đội hoặc trung đội độc lập tự quyết định lấy.

        đ) Những nơi bộ đội đóng, lấy đại đội hay trung đội độc lập làm đơn vị, bắt buộc phải tham gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi.

        e) Mở lớp huấn luyện cho cán bộ quân nhu.

        2. Vũ khí.

        a) Phải nghiên cứu cách phân phối vũ khí cho hợp lý.

        b) Các nhà máy chế tạo phải thống nhất và có một kế hoạch sản xuất những thứ cần thiết.

        c) Phải thu hút những nhân tài chuyên môn.

        3. Quân y.

        a) Định rõ sự quan hệ giữa bộ đội và ngành quân y

        b) Phải đi tới sự đào tạo những bác sĩ chuyên môn trong bộ đội.

        c) Phải kiểm tra thuốc men do Quân y phát cho bộ đội.

        d) Quy định thuốc quinine cho bộ đội ở những nơi nước độc.

        đ) Can thiệp với các bác sĩ phụ trách không được tự tiện cho binh sĩ giải ngũ.

---------------------
        1. Văn kiện Đảng 1945-1954, tập 1, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1978, tr. 86-94

        2. Tức Tổng cục Chính trị (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:08:52 am »


        Đ. VẤN ĐỀ CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ

        Các đồng chí chính trị viên các khu báo cáo rất dài và rất rành mạch, có một vài khu về thành tích chính trị rất khả quan, tinh thần bộ đội cao, được dân chúng tín nhiệm, về điều này xác nhận rằng công tác chính trị đã thắng nhiều trong giai đoạn khó khăn, đó là nhờ sự nỗ lực của các đồng chí chính trị viên.

        Toàn thể Hội nghị quyết định:

        a) Chỉnh đốn các cán bộ chính trị viên bằng cách đưa người có năng lực vào.

        b) Quy định rõ chế độ chính trị viên và các cơ quan chính trị trong bộ đội.

        c) Phải khai hội nghị cán bộ chính trị hàng tháng.

        d) Chấn chỉnh tờ báo Sao vàng.

        đ) Tổ chức việc phát sách báo Cứu quốc, Sự thật cho các bộ đội.

        e) Tổ chức thư viện trong bộ đội.

        g) Mở trường huấn luyện chính trị viên.

        h) Định kinh phí đầy đủ về mặt tuyên truyền và giáo dục trong bộ đội.

        Những công việc trên đây do Trung ương Quân ủy giải quyết

        E. ĐOÀN KẾT, KỶ LUẬT, TĂNG CƯỜNG ĐẢNG TÍNH

        Sau một lúc thẳng thắn phê bình, mỗi đồng chí đều thành thực nhận lỗi và những khuyết điểm đó bao gồm trong mấy điểm chính nêu ra sau đây:

        1. Hết sức tránh bao biện: vì tính bao biện hay đi tới cá nhân chủ nghĩa, độc lập chủ nghĩa (phản tập trung chủ nghĩa).

        2. Phải trọng tập đoàn chỉ huy, phản đối chủ nghĩa phân tán, cá nhân, phải tuyệt đối phụ tùng đoàn thể.

        3. Tôn trọng kỷ luật của Đảng, tôn trọng bằng cách thi hành những quyết nghị án, phục tùng Trung ương.

        4. Phải luôn luôn tự kiểm điểm, thấy có lỗi phải sửa, người khác phê bình mình có lỗi phải thành thật nhận.

        5. Cách phê bình cán bộ phải thành khẩn, thanh bạch, khéo léo, mục đích để cứu vãn và nâng đỡ cán bộ về mặt chính trị cũng như về mặt tư tưởng công tác.

        Đồng chí N1 kết luận: trước giai đoạn khó khăn, Đảng ta phải thống nhất ý chí, hành động và kỷ luật mới ứng phó mọi mặt quá trình đấu tranh dài dặc khó khăn và phức tạp; muốn thế, chúng ta, những người đảng viên phải đào luyện lấy mình, bỏ lợi ích cá nhân, phục tùng lợi ích Đảng, bộ phận phục tùng toàn Đảng. Phải có tổ chức mới có sinh hoạt, có sinh hoạt phải có tập đoàn chỉ huy, có tập đoàn chỉ huy mới tránh được sai lầm và chắc chắn đi đến thắng lợi.

        Đồng chí G2 nói thêm: trong lúc làm việc, tất nhiên không tránh khỏi những điều sai lầm, chúng ta phải dùng vũ khí tự phê bình và phương pháp học tập để sửa mình. Chúng ta có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều khuyết điểm, chúng ta còn cần phải sửa chữa.

        G. VẤN ĐỀ ĐẢNG TRONG BỘ ĐỘI

        1. Tổ chức đơn vị: mỗi đại đội hay một cơ quan từ tiểu đoàn bộ trở lên sẽ tổ chức một chi bộ.

        2. Hệ thống dọc và ngang: hệ thống dọc là hệ thống chính, còn ngang là để giải quyết vấn đề địa phương. Tuy vậy trong Trung ương Quân ủy chưa tiến hành kịp thì những tài liệu nghiên cứu tạm thời liên lạc với xứ.

        3. Kỳ hạn phát triển: trong hai tháng, những đại đội nào chưa có chi bộ phải tổ chức xong, những đại đội nào có chi bộ rồi phải phát triển tới các trung đội, mỗi trung đội một tổ.

        4. Hình thức phát triển: bí mật tổ chức những nhóm xung phong trong bộ đội.

        5. Kỳ hạn báo cáo: mỗi tháng một lần, các khu ủy phải báo cáo rành mạch số, chất lượng, thành phần công tác trong khu mình.

        Hiện nay, quân tiếp phòng chỉ là tạm thời, nên không tổ chức theo hệ thống dọc mà cứ liên lạc ngang với các khu như trước kia, nhưng vẫn phải liên lạc dọc và báo cáo về chính trị viên tiếp phòng.

        H. VÀI ĐIỂM NHẬN XÉT VỀ BẢN TẠM ƯỚC

        Thái độ của quân Pháp sau khi ký bản tạm ước thì đang chuẩn bị lấn về kinh tế, chính trị cũng như về quân sự, chúng dùng cục bộ quân sự để đòi thi hành bản tạm ước, mục đích chúng để ép ta phải ký một bản hiệp định mà ta sẽ phải thiệt thòi, tuy vậy nhưng còn do lực lượng của ta và tình hình chính trị của Pháp quyết định, chính quân địch cũng sợ ta tấn công, bởi vậy ta càng phải chống lại từng cục bộ nhưng nên nhớ nguyên tắc là hết sức tránh lan rộng. Vậy có mấy chỉ thị dưới đây:

        1. Hết sức thân thiết, tránh khiêu khích như việc bắt Việt gian công khai chẳng hạn, hoặc đối phó trong lúc chúng khiêu khích những chuyện nhỏ.

        2. Nếu cục bộ bị xâm chiếm thì cương quyết tự vệ đối phó lại, nhưng không để lan rộng.

        3. Phải bố phòng những địa điểm quân Pháp có thể chiếm đóng.

        4. Trong những nơi đã chiếm đóng, phải đề phòng những cơ quan chúng có thể đến đánh úp và nếu chúng đến đánh úp thì kiên quyết đề kháng, dù phải hy sinh.

        5. Khi quân tiếp viện đến, dùng barricades3 ngăn lại, nếu nó đánh vào, mình kiên quyết đối phó.

        6. Chuẩn bị đề phòng cuộc tổng tấn công sau này và lan dần cục bộ hiện giờ.

        Chú ý: Các cấp chỉ huy phải giải thích cho bộ đội hiểu rõ bản tạm ước chỉ là một cuộc thoả thuận tạm thời không dứt khoát, bởi vậy:

        a) Phải luôn luôn chuẩn bị đề phòng, đề phòng hơn trước kia.

        b) Phải học tập ráo riết về quân sự.

        c) Phải tự tin rằng tuy kém về kỹ thuật, vũ khí nhưng với một tinh thần dẻo dai bền bỉ, mình nhất định sẽ thắng.

        d) Phải nhận định nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp.

        đ) Phải đập tan những không khí thái bình cho rằng ký hiệp định rồi sẽ không còn đánh nhau nữa, quan niệm này hiện giờ đang biểu hiện trong các bộ đội bằng cách xin giải ngũ, xin ra học.

-------------------
        1. Đồng chí N: chúng tôi chưa rõ tên thật của người này (B.T).

        2. Đồng chí G: chúng tôi chưa rõ tên thật của người này (B.T).

        3. Barricades: vật chướng ngại. chiến luỹ (B.T).

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:09:53 am »


        TOÀN DÂN KHÁNG CHIẾN1

        Ngày 12 tháng 12 năm 1946

        I. CUỘC TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN CỦA DÂN TỘC TA

        1. Mục đích

        - Đánh phản động thực dân Pháp xâm lược; giành thống nhất và độc lập.

        2. Tính chất

        - Trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến.

        3. Chính sách

        - Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống phản động thực dân Pháp.

        - Đoàn kết với Mên, Lào và các dân tộc yêu chuộng tự do, hoà bình.

        - Đoàn kết chặt chẽ toàn dân.

        - Thực hiện toàn dân kháng chiến.

        - Bảo vệ dân; được lòng dân.

        - Nêu tên “Hội liên hiệp quốc dân” mà cổ động kháng chiến.

        - Phải tự cấp, tự túc về mọi mặt.

        4. Cách đánh.

        - Triệt để dùng du kích, vận động chiến.

        - Bảo toàn thực lực, kháng chiến lâu dài.

        - Phá hoại nhiều hơn bắn; triệt để làm cho địch đói, khát, què, mù, điếc, câm, tiêu hao, mệt mỏi, chán nản.

        - Vừa đánh vừa võ trang thêm; vừa đánh vừa đào tạo thêm cán bộ.

        5. Giai đoạn kháng chiến

        Ba giai đoạn:

        a) Giai đoạn phòng ngự: có thể vạn bất đắc dĩ phải tạm thời bỏ những thành thị lớn sau khi kháng chiến quyết liệt ở đó. Chú ý: phải luôn luôn quấy nhiễu những nơi tạm bỏ.

        b) Giai đoạn cầm cự: giữ vững vị trí, tiêu hao lực lượng địch, bồi bổ thực lực mình.

        c) Giai đoạn phản công: phản công toàn thể, lấy lại toàn bộ đất nước.

        II. CHƯƠNG TRÌNH KHÁNG CHIẾN

        1. Đoàn kết toàn dân.

        2. Thực hiện quân, chính, dân nhất trí.

        3. Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp.

        4. Đoàn kết với hai dân tộc Mên, Lào và các dân tộc bị áp bức trong khối Liên hiệp Pháp.

        5. Thân thiện với các dân tộc Tàu, Xiêm, Diến Điện, Ấn Độ, Nam Dương và các dân tộc yêu chuộng dân chủ, hoà bình trên thế giới.

        6. Động viên nhân lực, vật lực, tài lực, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến.

        7. Đánh Pháp, tiễu phỉ, trừ gian.

        8. Giành quyền độc lập, bảo toàn lãnh thổ, thống nhất Trung, Nam, Bắc.

        9. Củng cố chế độ cộng hoà dân chủ.

        10. Bảo vệ sinh mệnh và tài sản cho toàn dân và ngoại kiều.

        11. Tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc.

        12. Hết sức sản xuất võ khí.

        III. CƠ QUAN CHỈ ĐẠO KHÁNG CHIẾN

        1. Về đoàn thể: có “trung kiên chỉ đạo kháng chiến”.

        2. Về Chính phủ: trên có Chính phủ kháng chiến và Ban Thường vụ Quốc hội.

        Dưới có Ủy ban kháng chiến các khu, các tỉnh, v.v… gồm đại biểu quân, dân, chính họp thành.

        3. Về Mặt trận Dân tộc thống nhất: có “Ủy ban Liên hiệp quốc dân ủng hộ kháng chiến” cho toàn quốc, do “Hội Liên hiệp quốc dân” lập ra, bao gồm đại biểu các đảng phái, các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc.

        Nhiệm vụ của Ủy ban này là hiệu triệu nhân dân tham gia kháng chiến, cổ lệ binh sĩ và làm cho cuộc kháng chiến thật là của toàn dân.

--------------------------
        1. Lưu tại Kho lưu trữ Trung ương Đảng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:13:51 am »



        IV. NHỮNG ĐIỀU RĂN TRONG KHI KHÁNG CHIẾN1

        1. Dân

        1- Không đi lính cho Pháp.
        Không nộp thuế cho Pháp.
        Không bán lương thực cho Pháp.
        Không mua hàng của Pháp.
        Không dẫn đường cho Pháp.
        Không làm việc cho Pháp.
        Không lộ tin tức cho Pháp.

        2- Phải đoàn kết chặt chẽ.

        Phải đánh giặc, trừ gian.
        Phải tăng gia sản xuất.
        Phải ủng hộ Chính phủ kháng chiến.
        Phải tiếp tế bộ đội.
        Phải báo tin cho bộ đội.
        Phải giúp đỡ đồng bào tản cư.

        2. Quân

        1- Không hàng giặc.
        Không để mất súng.
        Không bắn phí đạn.
        Không xâm phạm tính mệnh, tài sản của dân.
        Không xâm phạm tín ngưỡng của dân.
        Không ngược đãi tù binh.

        2- Phải ủng hộ Chính phủ kháng chiến và Hồ Chủ tịch.
        Phải bảo vệ tính mệnh, tài sản cho dân.
        Phải kính trọng và giúp đỡ dân.
        Phải sĩ quan và binh lính một lòng.
        Phải tuân lệnh cấp trên.
        Phải phục tùng kỷ luật.

        V. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN

        1. Những khẩu hiệu chính

        1- Toàn dân đoàn kết!
        Kháng chiến lâu dài!

        2- Liên hiệp dân Pháp
        Đánh thực dân Pháp

        3- Bảo toàn lãnh thổ!
        Giữ vững chủ quyền!

        4- Đánh đổ chính quyền bù nhìn!
        Củng cố cộng hoà dân chủ1 !

        5- “Việt Nam nhất định độc lập!
        Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất!”

                                                      (Hồ Chủ tịch)

        2. Những khẩu hiệu lẻ tẻ

        a) Chính trị:

        1- Hãy gia nhập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam!
        2- Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh!
        3- Thà chết không trở lại đời nô lệ!
        4- Hoa - Việt tương trợ!
        5- Bảo vệ ngoại kiều!
        6- Việt Nam độc lập, thống nhất muôn năm!
        7- Quân dân một lòng!

        b) Quân sự:

        1- Toàn dân kháng chiến!
        Kháng chiến khắp nơi!

        2- Đuổi giặc, tiễu phỉ, trừ gian!
        3- Triệt để dùng chiến thuật du kích!
        4- Mỗi phố là một mặt trận!
        Mỗi làng là một pháo đài!

        5- Mỗi viên đạn một quân thù!
        6- Cướp súng giặc bắn giặc!
        7- Hết sức quấy rối quân địch!
        8- Giữ bí mật quân sự là cứu nước!
        9- Theo gương kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ!
        10- Kháng chiến nhất định thắng lợi!

        c) Kinh tế.

        1- Tăng gia sản xuất để kháng chiến!
        2- Giữ gạo nuôi lính!
        3- Vừa kháng chiến vừa kiến quốc!

        d) Văn hoá:

        1- Chống mù chừ, chống xâm lăng!
        2- Cần, kiệm, liêm, chính, kháng chiến thắng lợi!
        3- Văn nghệ sĩ giúp kháng chiến!

----------------------
        1. In thành biểu ngữ và truyền đơn đề dán và phát.

        2. Chỉ nơi nào Pháp lập chính quyền bù nhìn mới nêu khẩu hiệu này ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:14:43 am »


        THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG GỬI CÁC CHIẾN SĨ VỆ QUỐC ĐOÀN, TỰ VỆ VÀ DÂN QUÂN TOÀN QUỐC1

        Cùng Vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc,

        Các chiến sĩ yêu quý!

        Từ 19 tháng Chạp, thực dân Pháp đánh úp ta, các anh em là những người đầu tiên, lập tức đứng lên chiến đấu.

        Sau 85 năm nước ta bị chiếm, các anh em là những người đầu tiên đứng lên đánh thực dân Pháp, một cách nhất trí, khắp Bắc, Trung, Nam.

        - Vẻ vang thay! Cái nhiệm vụ của anh em. Ăn gió nằm sương, xung phong hãm trận, các anh em không quản gian lao. Máu trôi lửa cháy, mưa đạn rừng bom, các anh em không quản nguy hiểm. Các anh em chỉ biết đua nhau giết giặc

        - Oanh liệt thay! Cái tráng chí của anh em. Càng đánh càng mạnh, kinh nghiệm càng nhiều. Khi thắng không kiêu, khi lui không nản! Các anh em quyết kháng chiến cho đến thắng lợi.

        Mặc kệ tàu bay, thiết giáp, các anh cứ tiến lên, cứ xông vào!

        - Anh dũng thay! Lòng quyết thắng của anh em. Các chiến sĩ là đàn con anh hùng của Tổ quốc. Các chiến sĩ quyết đem xương máu để giữ vững non nước Lạc Hồng!

        Các chiến sĩ cứ tiến lên!

        20 triệu đồng bào đang hoan hô anh em và quyết làm hậu thuẫn cho anh em.

        Chính phủ luôn luôn nhớ đến anh em.

        Chiến sĩ anh hùng Việt Nam, tiến lên!

        Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!

        Thống nhất độc lập nhất định thành công.

        Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

----------------------
        1. Viết khoảng tháng 1-1947. Bản gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:15:08 am »


        HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM

        I. GIỚI TUYẾN QUÂN SỰ TẠM THỜI VÀ KHU PHI QUÂN SỰ

        Điều 1. Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy: lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến.

        Giới tuyến quân sự tạm thời quy định như trong bản đồ kèm theo.

        Hai bên đều đồng ý có một khu phi quân sự hai bên giới tuyến, mỗi bên rộng nhất là 5 ki-lô-mét kể từ giới tuyến trở đi, khu phi quân sự này dùng để làm khu đệm và để tránh những việc xung đột có thể làm cho chiến sự xảy trở lại.

        Điều 2. Thời hạn cần thiết để thực hiện việc di chuyển hoàn toàn các lực lượng của hai bên về vùng tập kết của họ ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời không được quá ba trăm (300) ngày, kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

        Điều 3. Khi giới tuyến quân sự tạm thời trùng với một dòng sông, thì thuyền bè của dân đều có thể đi lại trên khúc sông này mà mỗi bờ sông do mỗi bên kiểm soát. Ban Liên hợp sẽ quy định thể lệ đi lại trên những khúc sông ấy. Các tàu buôn và các loại thuyền bè khác của dân ở mỗi bên đều có quyền cập bến trong khu vực bên mình kiểm soát mà không bị hạn chế gì.

        Điều 4. Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến ấy, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam.

        Điều 5. Để tránh những sự xung đột có thể gây lại chiến sự, tất cả lực lượng, vật liệu và dụng cụ quân sự đều phải đưa ra khỏi khu phi quân sự trong thời hạn hai mươi nhăm (25) ngày kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

        Điều 6. Bất cứ người nào, hoặc quân nhân, hoặc người thường, đều không được vượt qua giới tuyến quân sự tạm thời, nếu không được phép rõ ràng của Ban Liên hợp.

        Điều 7. Bất cứ người nào, hoặc quân nhân, người thường đều không được vào trong khu phi quân sự, trừ những người có trách nhiệm về hành chính dân sự và về tổ chức cứu tế và những người được phép rõ ràng của Ban Liên hợp.

        Điều 8. Việc hành chính và tổ chức cứu tế ở trong khu phi quân sự, mỗi bên giới tuyến quân sự tạm thời thuộc vùng của bên nào thì do Tổng tư lệnh của bên ấy phụ trách. Số người, quân nhân và người thường của mỗi bên được phép vào trong khu phi quân sự để đảm bảo việc hành chính và việc tổ chức cứu tế đều do Tư lệnh mỗi bên ấn định, nhưng bất kỳ lúc nào cũng không được quá số người mà Ban Quân sự Trung Giã hay Ban Liên hợp sẽ quy định. Ban Liên hợp sẽ ấn định số nhân viên cảnh sát hành chính, số vũ khí của những nhân viên cảnh sát ấy. không ai được mang vũ khí nếu không được phép rõ ràng của Ban Liên hợp.

        Điều 9. Không có một khoản nào trong chương này có thể hiểu theo ý làm mất quyền hoàn toàn tự do ra vào hay đi lại trong khu phi quân sự của Ban Liên hợp, của những Toán Liên hợp, của Ban Quốc tế thành lập như quy định dưới đây, của những Đội Kiểm tra, cùng tất cả những người khác và vật liệu, dụng cụ đã được phép rõ ràng của Ban Liên hợp cho vào khu phi quân sự. Khi cần đi lại từ một điểm này đến một điểm kia trong khu phi quân sự mà không có đường thủy hay đường bộ nằm hẳn trong khu phi quân sự thì được phép dùng những con đường thủy hay đường bộ nối hai điểm ấy đi ngang qua vùng đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bất cứ một bên nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:15:54 am »


        II. NGUYÊN TẮC VÀ CÁCH THỨC THI HÀNH HIỆP ĐỊNH NÀY

        Điều 10: Các Bộ tư lệnh quân đội đôi bên, một bên là Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một bên là Tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương sẽ ra lệnh hoàn toàn đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cho tất cả lực lượng vũ trang đặt dưới quyền của họ, kể tất cả các đơn vị và nhân viên lục, hải, không quân và bảo đảm sự thực hiện đình chỉ chiến sự đó.

        Điều 11: Theo nguyên tắc ngừng bắn đồng thời khắp toàn cõi Đông Dương, sự đình chỉ chiến sự phải đồng thời trên toàn cõi Việt Nam, tại tất cả các chiến trường và cho tất cả mọi lực lượng của hai bên.

        Tính theo thời gian thực sự cần thiết để chuyển lệnh ngừng bắn tới những cấp thấp nhất của lực lượng chiến đấu đôi bên, hai bên đồng ý sẽ thực hiện ngừng bắn hoàn toàn và đồng thời, theo từng khoảnh lãnh thổ, trong những điều kiện sau đây:

        - Ở Bắc Bộ Việt Nam, đúng 8 giờ (địa phương) ngày hai mươi bảy (27) tháng Bảy (7) năm 1954.

        - Ở Trung Bộ Việt Nam, đúng 8 giờ (địa phương) ngày mồng một (1) tháng Tám (Cool năm 1954.

        - Ở Nam Bộ Việt Nam, đúng 8 giờ (địa phương) ngày mười một (11) tháng Tám (Cool năm 1954.

        Giờ địa phương nói trong điều này là giờ kinh tuyến Bắc Kinh.

        Kể từ khi thực hiện ngừng bắn thực sự ở Bắc Bộ Việt Nam, mỗi bên cam đoan không mở những cuộc tấn công lớn trên toàn thể chiến trường Đông Dương, không huy động lực lượng không quân ở các căn cứ miền Bắc Bộ Việt Nam ra ngoài địa hạt Bắc Bộ Việt Nam. Hai bên cam đoan gửi cho nhau để biết những kế hoạch chuyển quân của mình từ vùng tập hợp này sang vùng tập hợp khác, trongthời hạn hai mươi lăm (25) ngày kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.

        Điều 12: Tất cả những hành động và vận chuyển trong việc đình chỉ chiến sự và việc thực hiện cách tập hợp phải tiến hành trong trật tự và an toàn.

        a) Trong thời hạn một số ngày sau khi thực hiện ngừng bắn thực sự do Ban Quân sự Trung Giã định, mỗi bên có trách nhiệm cất dọn và làm mất hiệu lực những địa lôi và thủy lôi (kể cả sông và biển), những bẫy, những chất nổ và tất cả nhũng chất nguy hiểm khác mà bên ấy đã đặt trước. Trong trường hợp không kịp cất dọn và làm mất hiệu lực các loại nói trên, thì phải đặt những dấu hiệu rõ rệt. Tất cả những nơi phá hoại, những nơi có địa lôi, những lưới dây thép gai và những vật chướng ngại khác cho sự đi lại tự do của nhân viên Ban Liên hợp và của các Toán Liên hợp mà người ta tìm ra sau khi bộ đội đã rút đi, thì Tư lệnh các lực lượng của hai bên phải báo cáo cho Ban Liên hợp biết.

        b) Trong thời kỳ kể từ khi ngừng bắn cho đến khi tập hợp xong quân đội ở hai bên giới tuyến:

        - Ở những khu định giao cho bộ đội của một bên tạm đóng thì bộ đội của bên kia tạm rút ra ngoài những khu đó.

        - Trong khi lực lượng của một bên rút theo một đường giao thông (đường đất, đường xe lửa, đường sông hay đường biển) đi ngang qua địa hạt của bên kia (xem điều 24) thì lực lượng của bên kia phải tạm thời lùi xa hai bên đường giao thông mỗi bên 3 ki-lô-mét nhưng tránh làm trở ngại cho sự đi lại của thường dân.

        Điều 13: Trong thời kỳ kể từ ngày ngừng bắn đến khi chuyển quân xong từ vùng này sang vùng kia, các phi cơ thường và phi cơ vận tải quân sự phải bay theo hành lang nhất định nối liền các khu đóng quân tạm thời của quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Bắc giới tuyến với biên giới Lào và vùng tập hợp dành cho quân đội Liên hiệp Pháp.

        Những hành lang trên không, bề rộng của các hành lang ấy, hành trình an toàn mà các phi cơ quân sự một động cơ phải theo trong việc chuyển về phía Nam và những thể thức tìm kiếm và cứu nạn những phi cơ bị nạn sẽ do Ban Quân sự Trung Giã ấn định tại chỗ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:16:20 am »


        Điều 14: Những biện pháp chính trị và hành chính trong hai vùng tập hợp ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời:

        a) Trong khi đợi tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất nước Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản trị hành chính ở vùng ấy.

        b) Một địa hạt thuộc quyền của bên này sắp chuyển giao cho bên kia theo kế hoạch tập hợp thì vẫn do bên này tiếp tục quản trị cho đến ngày tất cả bộ đội của mình đã rời khỏi địa hạt đó để giao cho bên kia chịu trách nhiệm quản trị.

        Phải thi hành những biện pháp để tránh sự gián đoạn trong vấn đề chuyển giao trách nhiệm này. Để đạt được mục đích ấy, bên rút đi phải kịp thời báo trước cho bên kia để bên kia có những sự sắp xếp cần thiết, nhất là việc cử những nhân viên hành chính và cảnh sát đến để chuẩn bị tiếp nhận những trách nhiệm về hành chính. Thời hạn báo trước sẽ do Ban Quân sự Trung Giã ấn định.

        Sự chuyển giao ấy sẽ tiến hành lần lượt theo từng khoảnh đất đai. Sự chuyển giao quyền hành chính Hà Nội và Hải Phòng cho nhà đương cục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải hoàn toàn thi hành xong trong những thời hạn đã ấn định ở điều khoản thứ 15 về việc chuyển quân.

        c) Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ.

        d) Trong thời gian kể từ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này mà muốn sang ở vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển ấy.

        Điều 15: Việc tách rời bộ đội chiến đấu, việc rút quân, việc chuyển quân và vật liệu, dụng cụ quân sự, phải tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:

        a) Việc rút quân và chuyển quân, vật liệu dụng cụ quân sự của hai bên phải làm xong trong thời hạn ba trăm (300) ngày như đã định ở điều khoản thứ 2 của hiệp định này.

        b) Những cuộc rút quân tuần tự phải tiến hành trong mỗi địa hạt, theo từng khu vực, từng phân khu vực, hoặc từng tỉnh. Những cuộc chuyển quân từ vùng tập hợp này sang vùng tập hợp khác sẽ tiến hành liên tiếp từng đợt hàng tháng và tính theo tỷ lệ số quân phải chuyển.

        c) Hai bên phải đảm bảo sự thực hiện việc rút và chuyển tất cả các lực lượng theo đúng mục đích nói trong Hiệp định, không dung thứ một hành vi đối địch nào, không được làm bất cứ việc gì có thể trở ngại cho việc rút quân và chuyển quân của nhau. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau trong phạm vi có thể được.

        d) Hai bên không dung thứ bất cứ hành động nào hủy hoại hoặc phá hoại tài sản công cộng và xâm phạm đến sinh mệnh và tài sản của thường dân. Hai bên cũng không dung thứ bất cứ sự can thiệp nào vào nội chính địa phương.

        e) Ban Liên hợp và Ban Quốc tế theo dõi việc thi hành những biện pháp đảm bảo an toàn của bộ đội trong khi rút quân và trong khi chuyển.

        f) Ban Quân sự Trung Giã và sau này Ban Liên hợp sẽ cùng nhau ấn định những thể thức cụ thể về việc tách rời bộ đội chiến đấu, việc rút quân và chuyển quân căn cứ trên những nguyên tắc đã kể và trong khuôn khổ sau đây:

        1. Việc tách rời bộ đội chiến đấu, bao gồm sự tụ họp tại chỗ và các lực lượng vũ trang bất cứ thuộc loại nào, sự vận chuyển tới những khu đóng quân bên kia, phải làm xong trong một thời hạn không được quá mười lăm (15) ngày, sau ngày thực hiện ngừng bắn...

        Đường vạch những khu đóng quân tạm thời được ấn định trong phụ (bản địa đồ kèm theo).

        Để tránh mọi việc xung đột, không bộ đội nào được đóng dưới 1.500 thước cách giới hạn của những khu đóng quân tạm thời.

        Trong thời kỳ kể từ ngày Hiệp định bắt đầu có hiệu lực đến ngày chuyển quân xong, tất cả những đảo gần bờ biển ở phía Tây con đường định sau đây, đều thuộc chu vi Hải Phòng:

        - Kinh tuyến của mỏm phía Nam cù lao Kê Bảo.

        - Bờ biển phía Bắc của đảo Rousse (không kể hòn đảo ấy) kéo dài tới kinh tuyến Cẩm Phả mỏ.

        - Kinh tuyến Cẩm Phả mỏ.

        2. Những cuộc rút quân và chuyển quân sẽ tiến hành theo thứ tự và những thời hạn định (kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực) sau đây:

        Quân đội Liên hiệp Pháp:

        Chu vi Hà Nội tám mươi ngày.

        Chu vi Hải Dương một trăm (100) ngày.

        Chu vi Hải Phòng ba trăm (300) ngày.

        Quân đội nhân dân Việt Nam:

        Khu Hàm Tân - Xuyên Mộc tám mươi (80) ngày.

        Đợt thứ nhất của khu tạm đóng quân ở Trung Bộ Việt Nam tám mươi (80) ngày.

        Khu Đồng Tháp Mười một trăm (100) ngày.

        Đợt thứ hai của khu tạm đóng quân ở Trung Bộ Việt Nam một trăm (100) ngày.

        Khu Mũi Cà Mau hai trăm (200) ngày.

        Đợt chót khu tạnh đóng quân ở Trung Bộ Việt Nam ba trăm (300) ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:17:52 am »


        III. CẤM ĐEM THÊM QUÂN ĐỘI, NHÂN VIÊN QUÂN SỰ, VŨ KHÍ ĐẠN DƯỢC MỚI, CĂN CỨ QUÂN SỰ

        Điều 16: Kể từ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được tăng thêm vào nước Việt Nam mọi bộ đội và nhân viên quân sự.

        Tuy nhiên, sẽ cho phép việc thay thế những đơn vị, nhân viên, sẽ cho phép những quân nhân riêng lẻ đến Việt Nam làm một công việc nhất thời, những nhân viên riêng lẻ trở lại Việt Nam sau một thời hạn nghỉ phép ngắn hay một công vụ nhất thời ở ngoài nước Việt Nam. Sự cho phép ấy phải theo điều kiện sau đây:

        a) Sự thay thế đơn vị (định nghĩa ở đoạn c của điều này) và nhân viên, không được phép thi hành đối với quân đội của Liên hiệp Pháp đóng ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời định ở điều 1, trong thời kỳ rút quân nói ở điều 2 của Hiệp định này.

        Tuy nhiên, đối với những quân nhân riêng lẻ mới đến hoặc trở lại vùng phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời, vì một công vụ nhất thời, hoặc sau một thời hạn nghỉ phép ngắn hay có công vụ nhất thời ở ngoài Việt Nam, thì không được cho phép vào mỗi tháng quá năm mươi (50) người, kể cả nhân viên sĩ quan.

        b) Danh từ “thay thế” có nghĩa là thay những đơn vị hoặc nhân viên bằng những đơn vị ngang cấp hoặc nhân viên đến Việt Nam để làm nhiệm vụ hải ngoại thuộc phiên mình.

        c) Những đơn vị thay thế không bao giờ được lớn hơn một tiểu đoàn, nếu là không quân và hải quân thì cũng không được lớn hơn một đơn vị tương đương với tiểu đoàn

        d) Sự thay thế phải là một người thay một người. Nhưng số người được đưa vào Việt Nam để thay thế trong mỗi khoảng thời gian ba tháng không được quá một vạn lăm nghìn năm trăm (15.500) người thuộc ngành quân sự.

        e) Những đơn vị (định nghĩa ở đoạn c của điều này) và nhân viên thay thế cùng những quân nhân riêng lẻ nói trong điều này chỉ có thể vào và ra nước Việt Nam theo những cửa khẩu kể ở điều 20 sau này.

        f) Mỗi bên phải báo trước, ít nhất là hai ngày, cho Ban Liên hợp và Ban Quốc tế, tất cả những việc vận chuyển có thể đến: vận chuyển những đơn vị, nhân viên và quân nhân riêng lẻ đến Việt Nam hoặc từ Việt Nam đi. Những việc vận chuyển đơn vị, nhân viên và quân nhân riêng lẻ đến Việt Nam hoặc từ Việt Nam đi phải được báo cáo hàng ngày cho Ban Liên hợp và Ban Quốc tế biết.

        Mỗi một bản báo trước hoặc báo cáo kể trên đây phải nói rõ địa điểm và ngày tháng đi, đến và số người đi hoặc đến.

        g) Ban Quốc tế dùng những Đội Kiểm tra để giám sát và kiểm tra. Ở những cửa khẩu kể ở điều 20 sau đây, sự thay thế các đơn vị và nhân viên, sự đi hoặc đến của những quân nhân riêng lẻ được phép ra vào nói trên đây.

        Điều 17:

        a) Kể từ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm tăng viện vào nước Việt Nam mọi thứ vũ khí, đạn dược và những dụng cụ chiến tranh khác, ví dụ: phi cơ chiến đấu, đơn vị thủy quân, khẩu đại bác, khí cụ và súng ống phản động lực, khí cụ thiết giáp.

        b) Tuy nhiên, các dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược bị phá hủy, hư hỏng, mòn hoặc hết sau khi đình chiến sự có thể được thay thế một đổi một, cùng một loại với đặc điểm tương tự. Đối với những lực lượng của quân đội Liên hiệp Pháp đóng ở phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời định ở điều 1, trong thời hạn rút quân đã định ở điều 2 Hiệp định này, thì không được phép thay thế dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược.

        Các đơn vị hải quân có thể thực hiện việc vận chuyển giữa các vùng tập hợp.

        c) Những dụng cụ chiến tranh, những vũ khí và đạn dược để thay thế nói ở đoạn b điều này chỉ có thể đưa vào Việt Nam qua những cửa khẩu kể ở điều 20 sau đây. Những dụng cụ chiến tranh, vũ khí, đạn dược cần được thay thế chỉ có thể đưa ra ngoài nước Việt Nam qua những cửa khẩu kể ở điều 20 sau đây.

        d) Ngoài sự thay thế trong phạm vi quy định ở đoạn b của điều này, cấm không được đưa vào những dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược các loại, dưới hình thức từng bộ phận rời rạc, để đem lắp lại.

        e) Mỗi bên phải báo trước ít nhất hai ngày cho Ban Liên hợp, Ban Quốc tế tất cả những vận chuyển ra và vào của các dụng cụ chiến tranh, vũ khí và đạn dược thuộc các loại.

        Để chứng minh những yêu cầu đưa vào Việt Nam những vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh khác (định nghĩa trong đoạn a của điều này) để dùng vào việc thay thế, cần phải trình Ban Liên hợp và Ban Quốc tế một bản báo cáo, mỗi lần có vận chuyển vào. Bản báo cáo ấy nói rõ việc sử dụng các dụng cụ đã được thay thế như thế nào.

        f) Ban Quốc tế dùng những Đội Kiểm tra để giám sát và kiểm tra sự thay thế đã cho phép trong những điều kiện nói trong điều khoản này tại những cửa khẩu kể trong điều 20 sau đây.

        Điều 18. Từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, cấm không được thành lập, trong toàn cõi Việt Nam, những căn cứ quân sự mới.

        Điều 19. Kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của đôi bên; hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược.

        Điều 20. Những người thay thế và dụng cụ thay thế phải đi qua những cửa khẩu ra vào Việt Nam quy định như sau đây:

        Vùng phía bắc giới tuyến quân sự tạm thời: Lào Kai, Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hời, Mường Sen.

        Vùng phía nam giới tuyến quân sự tạm thời: Tourane, Quy Nhơn, Nha Trang, Ba Ngòi, Sài Gòn, cửa Ô Cấp, Tân Châu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM