Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:11:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28221 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:21:45 pm »


        Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm theo dõi tình hình tác chiến của trung đoàn Thủ đô. Nhân dịp Tết Đinh Hợi, Người đã gửi thư động viên. Trong thư, Bác viết:

        “Các em là đội quyết tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp thụ cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

        Lời động viên cổ vũ thiêng liêng của Bác đã thấm sâu vào trái tim khối óc của từng cán bộ chiến sĩ Thủ đô. Họ quyết chiến đấu đến cùng để đáp lại lòng ước mong của Bác.

        Nhiều lễ tuyên thệ quyết tử được tổ chức. Nhờ có công tác chính trị mạnh mẽ, tinh thần hăng hái chiến đấu được nâng cao trong toàn trung đoàn.

        Tuy ban chỉ huy trung đoàn được thành lập, các bộ phận của cơ quan đoàn bộ được hình thành, nhưng vì còn dân, còn có quan hệ đối ngoại nên Ủy ban kháng chiến Liên khu vẫn được duy trì để điều hành các công việc đối nội, đối ngoại.

        Việc hình thành trung đoàn Thủ đô đã tạo nên một sức mạnh vật chất và tinh thần rất to lớn.

        Bên cạnh vấn đề tổ chức lại lực lượng là vấn đề tiếp tế (ngày nay ta nói là vấn đề bảo đảm hậu cần). Vấn đề tiếp tế phải giải quyết gấp rút vì khó khăn rất nhiều ngay sau khi địch chiếm Yên Phụ, khống chế khu Trúc Bạch, đốt cháy khu Long Biên và chiếm hẳn vị trí Phà Đen.

        Đồng chí Nguyễn Văn Trân chỉ thị cho đồng chí Tạ Hoàng Cơ phải chở gạo, đạn, thuốc men đến khu Trúc Lãng và giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Mai - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trúc Lãng phải tổ chức việc tiếp tế từ liên khu mình vào Liên khu 1. Đồng chí Vũ Yên - ủy viên tác chiến Liên khu 1 cũng ra liên lạc với đồng chí Vị Hải - ủy viên quân sự khu Trúc Lãng đề nghị tổ chức khâu tiếp tế này.

        Vấn đề thứ ba cần giải quyết là 4 vạn dân chưa kịp tản cư trong đó có gần 1 vạn người Hoa và mấy chục người Ấn Độ, Liên khu phải bảo vệ tính mệnh, tài sản cho họ và phải chia cả lương thực, thực phẩm, nước ăn và chất đốt cho họ.

        Phải tìm cách đưa dân ra ngoài. Bằng đường bí mật, Ủy ban kháng chiến Liên khu đã đưa được một số nhưng rất có hạn.

        Để tản cư, phần lớn các dân còn lại, qua trung gian lãnh sự Trung Hoa dân quốc Vương Tử Kiên, một cuộc gặp gỡ giữa ta và Pháp đã được tổ chức ở Ô Chợ Dừa ngày 13 tháng 1 năm 1947 với sự có mặt của các lãnh sự Mỹ, Anh và Trung Hoa. Hai bên thỏa thuận 15 tháng 1 sẽ ngừng bắn để dân tản cư ra theo đường Hàng Than, Yên Phụ.

        Ngày 15, việc tản cư dân đã được thực hiện. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn. Vì sợ địch lật lọng, dân không dám đi. Các đoàn thể cứu quốc và Ủy ban kháng chiến các cấp phải giải thích kỹ lưỡng, dân mới tin và chịu ra đi.

        Công tác Hoa vận phải tiến hành khá vất vả người Hoa mới chịu nghe để chuyển ra nơi an toàn.

        Trong lần tản cư này, ta kết hợp đưa ra theo đường bí mật và công khai hàng nghìn cán bộ chiến sĩ để đỡ phải bảo đảm lương thực, thực phẩm. Đáng chú ý Liên khu ủy đã tổ chức đưa ra theo đường bí mật cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội, bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Nguyễn Cao Luyện, nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, những vị nằm trong danh sách cần đưa ra nhưng chưa ra kịp.

        Ngày 20 tháng 1, theo thỏa thuận giữa hai bên, 3.000 dân lại được đưa ra tiếp. Ta cũng đưa tiếp theo đường bí mật khoảng 3.000 cán bộ chiến sĩ. Theo chỉ thị của Bộ và Bộ chỉ huy mặt trận, trung đoàn chỉ để lại 500 người. Nhưng nhiều người đã trốn ở lại để chiến đấu nên tổng quân số của trung đoàn vẫn còn trên 1.200 người.

        Vì đang tiến hành chiến tranh nên việc giữ gìn trật tự an ninh trong khu vực ta kiểm soát vẫn phải đặc biệt quan tâm. Địch tung gián điệp, Việt gian, đặc vụ, thổ phỉ, người Việt có, người Hoa có thâm nhập để nắm tình hình, quấy rối ta. Thỉnh thoảng chỗ này, chỗ khác vẫn có tiếng “tắc bọp” của đạn “đum đum” bắn lén. Ban quân pháp và tình báo do đồng chí Trần Xuân Trường phụ trách đã sử dụng một đội quân pháp (tức đội quân cảnh) để tiến hành vây bắt. Theo sáng kiến của Liên khu 1, một số phiên tòa quân sự mặt trận đã được lập để xét xử những tên phạm tội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:24:36 pm »


        Vấn đề thứ tư là tác chiến để giữ vững khu cố thủ, đánh du kích tiêu hao, tiêu diệt địch để phối hợp với Liên khu 2, Liên khu 3 đánh địch tiến công ra các cửa ô và ngoại ô.

        Phạm vi Liên khu 1 ở phía nam là dọc phố Hàng Bông, Hàng Gai (địch ở số lẻ, ta giữ số chẵn), phố Cầu Gỗ, đến đầu Hàng Dầu; ở phía đông dọc phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân); ở phía bắc, địch khống chế đường Hàng Đậu, ta chốt ở nhà khách sạn Hoa Nam và đóng ở Hàng Khoai, Hàng Lược; ở phía tây dọc Hàng Da ta chốt ở mậu sơn Géc-ko và rạp Ô-lanh-pi-a, giữ Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Bút, Hàng Vải Thâm, Hàng Rươi. Trong quá trình tác chiến, phạm vi này bị thu hẹp dần.

        Lợi dụng lúc địch tập trung quân đánh ra các cửa ô và ngoại thành, Liên khu 1 tranh thủ chấn chỉnh lực lượng, điều chỉnh, bố trí và tăng cường công sự, chiến lũy, chướng ngại phòng ngự, chặn đánh địch, dồn hẹp phạm vi tích cực đánh du kích bằng những trận nhỏ.

        Lực lượng trong từng trận là từng tổ nhỏ, nhiều lắm là tiểu đội. Cách đánh được vận dụng là quấy rối, bắn tỉa, tập kích, phục kích. Việc quấy rối làm địch mất ăn mất ngủ và bắn rất tốn đạn. Địch rất sợ bị bắn tỉa không dám thò mặt ra, không dám đi lại nghênh ngang. Vì bị ta từ rạp Ô-lanh-pi-a bắn tỉa dọc Ngõ Trạm, địch phải dùng thiết giáp để tiếp tế cho nhà thờ Tin Lành. Nhiều nơi chúng phải che cót, che bạt ngang đường để khi cơ động tránh được bắn tỉa của ta.

        Nhiều nơi ta cho từng tổ nhỏ leo ống máng, cạy cửa, lật ngói thả lựu đạn diệt địch đang ngủ hoặc diệt ụ súng địch ở sân thượng. Có chiến sĩ ôm chăn bông đổ xăng, đốt phòng địch ngủ trên gác, vì thế có tên phải nhảy liều xuống để khỏi bị thui.

        Ở hiệu thuốc Noóc-man, đồng chí Lại, công nhân sửa chữa ô tô bò vào đặt mìn, ngòi ẩm không nổ phải bò ra bò vào thay ngòi 17 lần mìn mới nổ, diệt được một tiểu đội địch, hủy được 1 trọng liên 12,7 ly.

        Ở phố Hàng Giấy, ta đặt một trung liên ở khách sạn Hoa Nam (gần rạp Bắc Đô) phục sẵn chờ xe lửa địch chạy qua. Nhiều lần bị ta bắn, địch chết hàng trăm tên. Chúng phải đưa lực lượng tiến công hòng tiêu diệt hỏa điểm mai phục của ta, nhưng bị đánh lui. Mãi sau khi ta rút chúng mới chiếm được.

        Ở phố Hàng Khoai, có mấy điểm ngày địch đóng, đêm rút. Ta đưa lực lượng vào phục ban đêm, sáng địch tới ta nổ súng diệt nhiều tên.

        Ngày 16 tháng 1 năm 1947, một tổ súng trường của tiểu đoàn 102 do đồng chí Bạch Ngọc Liễn chỉ huy bắn rơi 1 máy bay khu trục của địch. Với thành tích này, tổ được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.

        Nhân ngày Tết âm lịch, ta đã treo quốc kỳ trên đỉnh Tháp Rùa và ở nhiều nơi.

        Phóng viên AFP đã viết về cách đánh du kích của ta như sau:

        “Trong cuộc chiến tranh kỳ dị này, người ta có thể chết một cách dễ dàng ở bất kỳ nơi nào, lúc nào mà người ta không thể biết... Ban đêm họ len lỏi vào các phố một cách nhanh nhẹn, không một tiếng động, không một bóng người. Từ trên gác cao, quân Pháp ném lựu đạn xuống. Họ vẫn tiến công một cách hăng hái và bền bỉ với những tiếng hét rùng rợn. Đến sáng, họ lại biến như mây khói. Còn ban ngày thì họ ẩn nấp ở nơi chắc chắn, chĩa súng vào đối phương. Tiếng súng nổ ban ngày không phải ở nơi phân giới tuyến mà cả trong khu Pháp đã tảo thanh. Tiếng súng nổ ở bất kỳ nơi nào, ngay cả ở trung tâm thành phố”.

        Như vậy là cán bộ chiến sĩ Liên khu 1 đã vận dụng những cách đánh du kích trong thành phố làm địch rất khiếp sợ.

        Trong quá trình này, vì lực lượng địch còn tập trung để đánh chiếm các cửa ô và ngoại ô, chúng chưa có lực lượng lớn để đánh Liên khu 1, nhưng các cuộc tiến công nhỏ để lấn chiếm và khép chặt vòng vây hầu như xảy ra hàng ngày ở nhiều phía, nhất là ở phía bắc và phía đông.

        Ở phía bắc, từ phía Hàng Đậu, địch tiến xuống theo một số đường phố Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Thiếc để tiến sát dần đến Hàng Khoai. Vì khách sạn Hoa Nam là một vị trí hiểm yếu, nên chúng cố đánh chiếm cho kỳ được.

        Ở phía đông Liên khu 1, địch cố vít cho kỳ được quãng từ đầu phố Bắc Ninh lên đến gần cầu Long Biên.

        Ở quãng này, theo chỉ thị của Bộ và của Bộ chỉ huy mặt trận, Liên khu giao cho tiểu đoàn 103 quyết giữ cho kỳ được hai vị trí hiểm yếu là nhà Xô-va và Trường Ke.

        Địch đã nhiều lần từ nhà Bác Cổ tiến lên định đánh chiếm để bịt đường tiếp tế vận tải của Liên khu 1 nhưng đều bị đánh lui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:24 pm »


        Trong thời gian này, Thường vụ và Bộ Tổng chỉ huy theo dõi tình hình địch và ta trên toàn quốc để chỉ đạo các mặt trận cùng phối hợp đánh địch.

        Ở Tây Bắc, địch chiếm được Sơn La, Hát Lót và Yên Châu. Ở Thượng Lào, chúng chiếm tuyến sông Mã và đang bắt liên lạc với một số lang đạo ở nam Hòa Bình và tây bắc Thanh Hóa. Ở Đông Bắc, địch đã nối Tiên Yên, Đình Lập với Lạng Sơn và đang tiến từ Đình Lập xuống Phả Lại. Chúng tập trung 1 trung đoàn trên đường 9 Trung Lào và điều một lực lượng từ Tây Nguyên xuống Nha Trang để đi tàu thủy ra Đà Nẵng.

        14 tiểu đoàn tăng viện từ Pháp sang sẽ đến vào cuối tháng 2.

        Bộ phán đoán địch sẽ từ Đà Nẵng đánh ra và từ Sê-pôn theo đường 9 đánh xuống để giải vây Huế, đồng thời từ Lào và từ Yên Châu địch sẽ đánh chiếm vùng Mộc Châu và tây bắc Thanh Hóa.

        Ở Hà Nội, chúng sẽ tiếp tục đánh vùng ngoại thành và sau khi viện binh đến sẽ đánh chiếm Liên khu 1 chiếm hẳn Thủ đô của ta rồi đưa quân giải vây cho Nam Định.

        Để đối phó với tình hình mới, Bộ chủ trương:

        1 - Kiên quyết nắm quyền chủ động chuyển sang đợt tác chiến mới trên mọi mặt trận. Tránh chuyển sang đợt mới một cách bị động dễ lâm vào tình trạng rối loạn, tan rã, hoang mang, mỏi mệt.

        2- Không đưa chủ lực đối chọi với địch để bảo toàn lực lượng đánh lâu dài, nhưng phải đánh du kích và tập trung một phần lực lượng đánh tiêu diệt nhỏ, nên luôn giành thắng lợi nhỏ để động viên toàn dân kháng chiến.

        3- Tổ chức mặt trận Tây Tiến, phá thế uy hiếp của địch ở phía tây hậu phương của ta, nắm quyền chủ động chiến lược buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó.

        4- Đối với các thành phố đang đánh địch cần tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu thêm một thời gian, nhưng phải có kế hoạch đánh địch giải vây; chủ động rút lui đúng lúc để bảo toàn thực lực.

        Để lập mặt trận Tây Tiến, Bộ quyết định điều của Chiến khu 3 một tiểu đoàn, Chiến khu 2 một tiểu đoàn và Hà Nội một tiểu đoàn. Dự kiến sẽ điều tiểu đoàn 212 của Hà Nội, một đơn vị đã có ít nhiều kinh nghiệm tác chiến. Tiểu đoàn sẽ là nòng cốt cho mặt trận Tây Tiến.

        Sáng ngày 28 tháng 1, đồng chí Tổng chỉ huy và đồng chí Tổng tham mưu trưởng một lần nữa lại đến sở chỉ huy của Mặt trận Hà Nội đặt ở Tây Mỗ để cùng các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Vương Thừa Vũ, Trần Độ nghiên cứu tình hình và đề ra nhiệm vụ tác chiến trong bước sắp tới. Các đồng chí đều nhất trí địch còn phải đẩy lùi lực lượng ta ra xa vành đai ngoại thành và rải quân ra đóng khu vực mới chiếm, nên phải chờ viện binh đến mới có quân đánh Liên khu 1. Vì thế, trung đoàn Thủ đô vẫn có thể tiếp tục duy trì việc đánh trong vòng vây, nhưng phải chuẩn bị để có thể rút ra ngoài được an toàn vào thời cơ thích hợp. Đồng chí Tổng chỉ huy nhấn mạnh phải giữ cho được hai vị trí Xô-va và Trường Ke ở phía đông thành phố và phải chuẩn bị thuyền đò sẵn để khi cần thì rút ra theo đường sông. Đồng chí Nguyễn Văn Trân đã giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Mai, lúc này là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu Trúc Lãng và đồng chí Trần Quốc Cư, trưởng ban phá hoại của mặt trận chuẩn bị thuyền đò ở khu vực Tứ Tổng và Tàm Xá sang Phúc Yên và ở khu vực Khuyến Lương sang Hưng Yên.

        Như vậy, đây là lần thứ ba Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy mặt trận quyết định kéo dài thêm một thời gian giam chân địch ở Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:29:32 pm »


        4. Đánh địch tiến công Liên khu 1 (6-2-1947 – 14-2-1947).

        Từ ngày 6 tháng 2 năm 1947, địch tập trung lực lượng để tiến công quyết tiêu diệt trung đoàn Thủ đô ở Liên khu 1. Bắt đầu chúng đánh nhà Xô-va rồi Trường Ke ở phía đông và Hàng Thiếc ở phía tây nam Liên khu.

        Ngày 6 tháng 2 năm 1947, địch tiến công một lần nữa nhà Xô-va để quyết chiếm cho kỳ được. Lần này chúng sử dụng khoảng 90 tên lê dương, một số tăng và thiết giáp.

        Ta chờ bộ binh địch tiến gần mới dùng lựu đạn và súng trường chặn đánh suốt 2 giờ, đánh lui bốn đợt xung phong ở cả hai hướng tiến công của địch. Địch dùng pháo bắn thẳng phá tường rồi vào lọt ở góc tây nam nhà Xô-va. Ta buộc phải co lên gác cố thủ. Địch định xông lên. Ta dùng chai xăng crếp đốt cháy cầu thang bằng gỗ rồi men theo cành cây si ở ngôi đền phía bắc nhà Xô-va để rút.

        Trung đoàn lệnh cho một trung đội đã chuẩn bị sẵn ra phản kích, đồng thời còn điều thêm lực lượng dự bị từ tiểu đoàn 102 sang.

        Trung đội dự bị do tiểu đoàn phó Đỗ Hiếu Liêm (tức Vũ Lăng) trực tiếp chỉ huy đã dùng lựu đạn ném vào đội hình địch ở trong nhà, địch hoảng hốt tháo chạy, ta diệt và làm bị thương khoảng 40 tên địch, đốt 1 tăng, 1 thiết giáp.

        Trận đánh nhà Xô-va thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng vì ta bảo vệ được con đường vận tải liên lạc của trung đoàn Thủ đô về phía sau.

        Ngay tối ngày 6 tháng 2 năm 1947, Tổng chỉ huy đã gửi điện khen đơn vị đã chiến đấu phòng giữ và phản kích lấy lại nhà Xô-va.

        Sau khi bị thất bại, địch tập trung quân đánh Trường Ke để cắt đường tiếp tế hậu phương của ta vì Trường Ke ở bắc Cột Đồng Hồ khoảng một cây số. Rút kinh nghiệm, lần này địch dùng xe tăng - thiết giáp bịt các ngả ta có thể tăng viện. Tám lần địch xung phong đều bị ta đánh lui, tuy viện binh ta không đến, nhưng đơn vị phòng thủ Trường Ke vẫn kiên trì giữ vững vị trí suốt ngày.

        Thắng lợi ở nhà Xô-va ngày 6 tháng 2 và ở Trường Ke ngày 7 tháng 2 là những chiến công rất có ý nghĩa của trung đoàn Thủ đô về tác chiến phòng ngự ở thành phố Trung đoàn đã thực hiện được chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy Hà Nội là giữ vững đường giao thông liên lạc với phía sau.

        Cũng ngày 7 tháng 2 năm 1947 địch tiến công mặt trận tây nam Liên khu 1. Máy bay và pháo ném bom bắn phá dữ đội vào các phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Mành, Hàng Hòm, Bát Đàn, Hàng Quạt làm sụp đổ rất nhiều nhà cửa. Địch giội xăng đốt cháy từng dãy phố. Chúng chia làm hai mũi, có xe tăng dẫn đầu: một từ Bát Đàn đánh xuống, một từ Hàng Quạt đánh quặt lên phố Hàng Thiếc, dùng ba-dô-ca bắn và ném lựu đạn hơi ngạt vào vị trí ta. Một trung đội của tiểu đoàn 102 đã ngoan cường đánh trả địch, giành giật từng căn nhà, góc phố, đoạn đường, ụ đất.

        Tối ngày 7, quân ta phải bỏ dãy số chẵn sang cố thủ dãy số lẻ, chỉ cách địch khoảng chục mét.

        Trong suốt 4 ngày tiếp theo, địch giành giật với ta từng căn nhà, thước đất, chúng phun xăng đốt. Ta dùng chậu hứng xăng, tối đến đem xăng đốt địch. Địch tổn thất gần một trăm tên. Ta vẫn giữ vững dãy nhà số lẻ.

        Địch đồng thời cũng tiến công phố Hàng Quạt, ngõ Tô Tịch, đầu phố Cầu Gỗ và đều bị ta chặn lại.

        Như vậy là cuộc tiến công của địch vào phía đông Liên khu 1 bị thất bại, cuộc tiến công vào phía tây nam cũng bị chặn lại.

        Địch chuyển hướng tiến công lên khu vực Đồng Xuân ở phía bắc. Ban chỉ huy trung đoàn Thủ đô lệnh cho tiểu đoàn 101 phải kiên quyết chặn từng bước tiến của địch, tích cực tiêu hao, làm thất bại âm mưu của chúng. Tuy là một tiểu đoàn nhưng ta chỉ có 110 người trực tiếp chiến đấu. Tiểu đoàn lấy trọng điểm phòng ngự là chợ Đồng Xuân và tổ chức một điểm tựa làm gấp để chặn địch ở đấy.

        Trận phòng ngự khu vực Đồng Xuân diễn ra rất ác liệt trong suốt ngày 14 tháng 2 năm 1947. Địch dùng phi pháo oanh tạc mãnh liệt, tổ chức ba đợt xung phong từ nhiều hướng có xe tăng thiết giáp dẫn đầu đánh vào khu chợ. Hai đợt đầu bị ta đánh lui. Đồng chí Nguyễn Văn Bật dùng trung liên diệt 60 tên, đồng chí Phạm Luật cũng dùng trung liên diệt 40 tên, cả hai đồng chí đều hy sinh anh dũng.

        Đến đợt xung phong cuối cùng địch chiếm được chợ và dãy số chẵn phố Hàng Chiếu. Ban chỉ huy trung đoàn trực tiếp xuống tiểu đoàn để chỉ đạo. Trung đoàn đã kịp thời tăng cường lực lượng phản kích chiếm lại dãy số chẵn phố Hàng Chiếu, chặn hẳn quân địch lại. Trong trận này ta tiêu diệt khoảng 200 địch. Ta hy sinh 15, bị thương 19.

        Các anh hùng ở trận khu vực Đồng Xuân đã góp phần làm rạng rỡ cho truyền thống của Thủ đô Hà Nội anh hùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:36:58 pm »


        5. Rút trung đoàn Thủ đô ra khỏi Liên khu 1, tích cực đánh địch ở ngoài để phối hợp (15-2-1947 - 18-2-1947).

        Sau trận Đồng Xuân, trung đoàn Thủ đô chỉ còn 5 ngày lương thực, mỗi khẩu súng còn 7 viên đạn. Mức nước ở nhiều giếng còn rất thấp. Tối 14 tháng 2, Quân ủy hội ý cấp tốc rồi đề nghị Bác và Thường vụ cho rút trung đoàn Thủ đô ra ngoài.

        Sáng 15, Bác và đồng chí Trường Chinh đều đồng ý cho rút, nhưng phải tổ chức rút chu đáo, an toàn, bí mật. Bác nói, cần chuyển lời khen ngợi của Bác: “Các chú giarn chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

        Cùng trong thời gian này, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội hội ý và được Bộ phê chuẩn cho rút trung đoàn Thủ đô. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bộ chỉ huy mặt trận cũng như Bộ Tổng chỉ huy đều đã điện cho Liên khu 1 tổ chức cho trung đoàn Thủ đô rút lui.

        Chiều 15 tháng 2 năm 1947, Liên khu ủy 1 khi chưa nhận được lệnh trên, cũng họp mở rộng, có Ủy ban kháng chiến Liên khu, ban chỉ huy trung đoàn cùng các trưởng ban, các bí thư chi bộ, các ban chỉ huy tiểu đoàn tham gia, đánh giá tình hình và đề ra chủ trương kế hoạch đối phó mới.

        Tuy cũng có ý kiến nên tiếp tục đánh, nhưng sau khi phân tích tình hình mọi mặt, hội nghị đi đến chủ trương rút quân ra khỏi vòng vây của địch để bảo tồn lực lượng.

        Vả lại, trước khi tác chiến, khi giao nhiệm vụ cho Liên khu 1, Ủy ban kháng chiến Hà Nội và Bộ chỉ huy Khu 11 đã nêu rõ: ta cố đánh giam chân địch càng lâu càng tốt nhưng việc rút lui của Liên khu 1 sẽ tùy tình hình cụ thế mà liên khu có thể tự quyết định cho thích hợp.

        Để nghi binh, Bộ chỉ thị mặt trận Hà Nội phải tổ chức tiến công ở phía tây và nam thành phố trong đêm 16 và 17.

        Nhưng rút theo đường nào, đó là vấn đề hóc búa nhất. Không thể rút theo đường Yên Phụ - Nhật Tân ở phía tây bắc và đường Bác Cổ - Vĩnh Tuy ở phía nam vì ở hai hướng này địch đã đóng nhiều điểm. Đường giao thông tiếp tế từ Lãng Bạc vào bị tắc nghẽn từ sau khi địch chiếm Nhật Tân (25-1). Đường cống ngầm ra Vĩnh Tuy có dùng vài lần nhưng bị địch phát hiện đã bịt lại và canh gác cẩn mật. Vả lại hàng nghìn người và thương binh không thể đi theo đường này.

        Chỉ còn đường vượt sông Hồng. Nhưng địch canh gác kỹ cầu Long Biên, có đèn pha chiếu sáng, bên kia cầu là Gia Lâm địch đóng. Lại phải qua hai, ba lần sông, chưa biết có thuyền đò để chở một lúc hàng nghìn con người không.

        Chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội, 23 giờ ngày 15 tháng 2, tiểu đội liên lạc đặc biệt do trung đội trưởng tự vệ chiến đấu Nguyễn Ngọc Nại trực tiếp chỉ huy đưa được một chuyến tiếp tế vào. Đường liên lạc bị tắc nghẽn từ sau Tết được nối lại.

        Sau khi nắm đường vào của tiểu đội và biết ta có chuẩn bị thuyền đò, sáng 16 tháng 2 Liên khu ủy quyết định sẽ bí mật rút ra theo đường ấy và giữ tiểu đội liên lạc để dẫn đường.

        Kế hoạch rút tóm lại như sau:

        Thời gian rút: 20 giờ ngày 17 tháng 2. Rút vào ngày 17 là phù hợp nhất vì theo phán đoán của ta, kể từ ngày 14 đánh Đồng Xuân địch còn phải mất 5 ngày mới mở được đợt tiến công khác.

        Thứ tự rút: tiểu đoàn 101 đi đầu, tiếp sau là trung đoàn bộ, rồi đến tiểu đoàn 102, tiểu đoàn 103 đi cuối. Tiểu đoàn 101 cho một trung đội bí mật chốt ở dưới đầu cầu Long Biên để bảo vệ đường rút. Tiểu đoàn 103 cho một trung đội chốt ở khu vực Cột Đồng Hồ để bảo vệ sau lưng.

        10 giờ ngày 17 mới phổ biến kế hoạch này cho các ban chỉ huy tiểu đoàn để tiểu đoàn kịp đặt kế hoạch phổ biến cho cấp đại đội. 17 giờ mới ra mệnh lệnh rút đến chiến sĩ, coi như một mệnh lệnh chiến đấu.

        Một việc đột xuất xảy ra. Trưa ngày 16 tháng 2, Tổng lãnh sự Trung Hoa dân quốc đề nghị giúp lương thực, chất đốt cho người Hoa và ngừng bắn vào ngày 18 hoặc 20 để rút hết người Hoa ra khỏi Liên khu 1.

        Biết rõ Vương Tử Kiên muốn nhân thể thăm dò giúp người Pháp, nhưng tương kế tựu kế, ta đồng ý sẽ giúp 5 tạ gạo, 2 tạ ngô và có thể ngừng bắn vào ngày 18 tháng 2 nếu phía Pháp cũng đồng ý làm theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:44:43 pm »


        Chấp hành mệnh lệnh của Bộ, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội ra lệnh cho các liên khu đánh mạnh ở ngoài. Đêm 15 tháng 2, lực lượng Liên khu 2 tiến công ở Cầu dền, các đơn vị Liên khu 3 đánh vào Hàng Bột, Cầu Giấy, Kim Mã, vận dụng các cách đánh quấy rối, tập kích, biệt kích, nghi binh.

        21 giờ ngày 15 tháng 2, tiểu đoàn 145 tập kích Đông Ngạc, Mai Dịch, Hoài Đức và cho một số tổ luồn vào nội thành quấy rối.

        Đêm 16, theo lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, các đơn vị lại tiếp tục nổ súng trên toàn ngoại thành.

        Đêm 16, Liên khu 1 cũng đánh một số vị trí địch vừa chiếm đóng và quấy rối một số nơi khác.

        Ngày 17, cơ bản không có đánh nhau lớn. Địch đang chuẩn bị đợt tiến công mới vào Liên khu 1. Sáng 18 viện binh địch mới từ Hải Phòng lên.

        20 giờ tối 17, theo kế hoạch đã định, ta bí mật bắt đầu rút quân từ đình Phất Lộc ra Cột Đồng Hồ vượt đê, dọc theo bờ sông vượt gầm cầu Long Biên thẳng lên rồi lội qua sông sang Bãi Giữa. Tại trạm gác cầu Long Biên tuy còn đèn sáng nhưng sương mù dày đặc, địch không phát hiện được. Cho đến 24 giờ, đồng chí Hoàng Phương - Tham mưu trưởng chỉ huy bộ phận cuối cùng rút khỏi Liên khu 1.

        Sang Bãi Giữa, bộ đội đi đò sang Tứ Tổng, Tam Lạc, Tàm Xá. Từ Tàm Xá, bộ đội phải vượt sông sang Dâu Canh thuộc địa phận Đông Anh. Việc vượt sông được chuẩn bị chu đáo. Theo lệnh của ban chỉ huy mặt trận, đồng chí Trần Quốc Cư đã cùng với chính quyền địa phương vận động nhân dân các xã Tứ Tổng, Tam Lạc, Tàm Xá... đem thuyền tam bản mà nhà nào cũng có ra chở bộ đội suốt đêm. Đến khoảng 11 giờ đêm ngày 18 tuyệt đại bộ phận của trung đoàn sang tới Dâu Canh.

        Sáng 19 tháng 2, khi địch phát hiện quân ta đã rút khỏi Liên khu 1, chúng liền huy động thuỷ lục không quân đuổi theo hòng tiêu diệt trung đoàn Thủ đô.

        Nghe có tiếng súng nổ ở phía Tứ Tổng, đồng chí Nguyễn Ngọc Nại liền trèo lên một cây cao ở chùa Tàm Xá nơi đóng quân của đội liên lạc đặc biệt để quan sát và phát hiện địch đang truy kích. Đồng chí lập tức lệnh cho 2 đội viên tiếp tục dẫn đường cho tiểu đội sau cùng của trung đoàn vượt sông1, còn bản thân mình chỉ huy số còn lại vừa chặn đánh vừa rút sang phía tây làm lạc hướng địch. Đồng chí Nại chỉ huy đội liên lạc chiến đấu anh dũng. Khi còn lại 2 người (đồng chí Nại và đồng chí Lực) và một quả lựu đạn, địch xông vào bắt sống, đồng chí Nại đã cho nổ lựu đạn, 2 đồng chí hy sinh, một số địch chết theo. Địch lồng lộn tàn sát trên 50 người dân lành ở xã Tứ Tổng và Tàm Xá. Cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của 8 đồng chí trong đó có tấm gương lẫm liệt của đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại, cùng nhiệm vụ chở đò vô cùng vất vả và sự hy sinh đau thương của nhân dân Tứ Tổng, Tàm Xá đã tạo điều kiện cho toàn bộ trung đoàn Thủ đô rút lui an toàn.

        Trong 60 ngày đêm đánh địch, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tích to lớn:

        Thứ nhất, góp phần rất quan trọng bảo vệ cơ quan đầu não được an toàn.

        Địch muốn tiêu diệt các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến để thắng nhanh. Nhưng ngay từ sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội đã làm tốt việc bảo vệ cơ quan đầu não trong tình thế thù trong giặc ngoài hết sức phức tạp. Khi kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ, Hà Nội đã góp phần rất quan trọng vào việc tìm an toàn khu, di chuyển cơ quan đầu não kịp thời bí mật, an toàn, nhờ đó duy trì được sự lãnh đạo và chỉ huy kịp thời, liên tục của Thường vụ và Bộ Tổng chỉ huy, không những đối với Hà Nội, mà đối với toàn quốc. Đây là một thành tích hết sức quan trọng.

        Thứ hai, tiêu hao tiêu diệt khá nhiều lực lượng tinh nhuệ của địch. Với binh lực ít hơn địch nhiều lần, trang bị kém, trình độ bộ đội, cán bộ còn thấp, lại đánh địch trong thế cơ bản phải phòng ngự, Hà Nội vừa tiêu hao tiêu diệt được khá nhiều địch, phá hủy phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Số địch bị diệt là gần 2.000 tên. Tổng số xe bị phá là 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải. Ta còn bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay địch, bắn chìm 2 ca nô.

        Lực lượng địch bị tiêu hao tiêu diệt thuộc những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất đã từng tham gia giải phóng nước Pháp, giải phóng Pa-ri, đã từng đánh chiếm Tây Đức.

        Đó là một kết quả tiêu hao tiêu diệt địch đáng được khen ngợi khi mở đầu kháng chiến trong thời điểm quân ta còn ấu trĩ, chưa hề có kinh nghiệm tác chiến.

        Thứ ba, giam chân địch được 60 ngày đêm vượt mức yêu cầu trên giao.

        Tuy ta cố gắng đánh địch trong một tháng (trong mệnh lệnh chỉ nói trong 15 ngày) nhưng trên thực tế Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy mặt trận đã ba lần chủ trương kéo dài thêm thời gian và quân dân Hà Nội đã đạt được mục tiêu đó.

        Đúng như lời Bác khen: “Giam chân địch ở Hà Nội được một tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội hai tháng là đại thắng lợi”.

------------------------
        1. Tiểu đội này đi lạc nên đến sáng 19 tháng 2 mới tới khu vực Tàm Xá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:46:08 pm »


        Giam chân địch trong thời gian vượt mức yêu cầu là kết quả quan trọng nhất. Nhưng có bảo vệ được cơ quan đầu não và tiêu hao, tiêu diệt địch làm cho chúng bị tổn thất ngoài dự kiến mới đạt được kết quả giam chân địch.

        Thứ tư, giữ gìn và làm lớn mạnh lực lượng ta.

        Qua 60 ngày đêm chiến đấu liên tục, Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn thực lực để kháng chiến lâu dài. Tuy có một số nơi ta chủ trương chiến đấu quyết liệt để ngăn chặn địch như ở Bắc Bộ phủ, Tòa Thị chính... nhưng nhìn chung ta không sử dụng lực lượng quyết chiến, địch chỉ tiêu diệt được một phần lực lượng của ta. Mặc dù chiến đấu dưới bom đạn khá ác liệt của địch nhưng số hy sinh không lớn.

        Không những ta bảo toàn được lực lượng mà sau 60 ngày đêm lại lớn mạnh thêm rất nhiều. Từ một số tiểu đoàn lúc đầu ta đã phát triển thành một số trung đoàn. Trung đoàn Thủ đô vốn là 2 đại đội của tiểu đoàn 101 được bổ sung thêm tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, công an xung phong và cả dân thường nên trở thành một trung đoàn quân chính quy. Sau này với phiên hiệu 102, trung đoàn nằm trong biên chế của Đại đoàn Quân Tiên phong 308. Sau 60 ngày đêm, các tiểu đoàn 523, 155, 77 của mặt trận Hà Nội được tập hợp lại thành trung đoàn 80 (trung đoàn Thăng Long). Mấy năm sau trung đoàn này lại được chấn chỉnh thành trung đoàn 48, một trung đoàn chủ công của Đại đoàn Đồng bằng 320.

        Tiểu đoàn 212 của Hà Nội chiến đấu trong phạm vi Liên khu 2 đã được điều đi làm nòng cốt cùng tiểu đoàn 62 (Ký Con) của Chiến khu 3 và một tiểu đoàn mới xây dựng của Chiến khu 2 để thành lập mặt trận Tây Tiến, mấy tháng sau đổi thành trung đoàn 52 (trung đoàn Tây Tiến), một trung đoàn của Đại đoàn 320 sau này.

        Tiểu đoàn 56 của Hà Đông tăng cường cho mặt trận Hà Nội, trải qua thử thách trong chiến đấu đã trở thành cốt cán để xây dựng trung đoàn 35 có nhiệm vụ đánh địch trên đường số 6 Hà Đông - Hòa Bình.

        Tiểu đoàn 45 của trung đoàn 13 (Hà Đông) và tiểu đoàn 69 của trung đoàn 9 (Sơn Tây) được rèn luyện trong khói lửa của mặt trận Hà Nội, đã cùng một tiểu đoàn mới xây dựng để trở thành trung đoàn 37 có nhiệm vụ đánh địch trên trục Hà Nội - Sơn Tây. Hai trung đoàn 35 và 31 sau được sáp nhập thành trung đoàn 66 - trung đoàn chủ công của đại đoàn 304.

        Một điểm cần chú ý là nhiều bộ phận tự vệ thành, tự vệ chiến đấu đã được bổ sung cho các tiểu đoàn vệ quốc đoàn hoặc được tổ chức thành một số đơn vị dân quân du kích đánh địch ở các quận ngoại thành hoặc trở thành những đội biệt động nội thành.

        Điều quan trọng hơn là trong 60 ngày đêm chiến đấu, bộ đội Hà Nội đã được thử thách trong khói lửa. Từ chỗ chiến sĩ cán bộ chưa hề có kinh nghiệm, họ đã được đọ sức với địch trong nhiều trận nảy lửa, đã hiểu được địch một phần, có lòng tin có thể đánh thắng địch.

        Trong những ngày chuẩn bị và mở đầu Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Hà Nội, kể cả quân chủ lực của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy đóng trên địa bàn Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng trực tiếp bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương khác. Khi chiến tranh sắp nổ ra, quân dân Hà Nội lại góp phần quan trọng di chuyển cơ quan đầu não kịp thời, an toàn lên ATK, bảo đảm duy trì sự lãnh đạo và chỉ huy kịp thời, liên tục của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy; Hà Nội tổ chức tản cư được trên 10 vạn đồng bào trong thành phố ra vùng kháng chiến; trong đó có nhiều người hoạt động chính trị xã hội, những trí thức nổi tiếng. Đây là cái vốn quan trọng của công cuộc kháng chiến. Hà Nội lại di chuyển một khối lượng lớn hàng ngàn tấn máy móc, kho tàng, nguyên vật liệu lên ATK, làm cơ sở ban đầu hết sức quan trọng cho các công binh xưởng và các cơ sở công nghiệp khác trong kháng chiến.

        Trong 60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Hà Nội đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch: diệt và bắt hơn 2.000 tên địch, phá 22 xe tăng, xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi, bắn hỏng 7 máy bay, bắn chìm 2 ca nô. Đây là địa phương diệt địch lớn nhất cả nước. Về phía lực lượng vũ trang ta, hy sinh khoảng 800 người. Riêng trung đoàn Thủ đô hy sinh 160 người. Lực lượng căn bản của ta được bảo toàn và rút lui an toàn. Trong điều kiện lực lượng của địch đông hơn, vũ khí trang bị hiện đại, đó là đội quân tinh nhuệ, thiện chiến bậc nhất của nước Pháp, còn lực lượng của ta phần lớn mới gia nhập lực lượng vũ trang, chưa được huấn luyện quân sự, vũ khí trang bị quá thô sơ và thiếu thốn, chứng tỏ hiệu suất chiến đấu cao, chủ trương không đánh trận địa với địch, chủ yếu đánh theo kiểu chiến tranh du kích, tiêu hao, giam chân địch, bảo toàn lực lượng và rút ra kháng chiến lâu dài là đúng đắn.

        Giam chân địch ở Hà Nội 60 ngày là “đại thắng lợi” không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. Bao vây một lực lượng chủ lực lớn của Pháp trong thành phố Hà Nội tạo điều kiện hết sức quan trọng để các địa phương khác trong cả nước, nhất là ở Bắc Bộ mở đầu thắng lợi cuộc Toàn quốc kháng chiến cũng như chuẩn bị thêm mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

        Thắng lợi của quân dân hà Nội còn là thắng lợi tinh thần to lớn đối với quân dân cả nước. Qua thực tiễn cuộc chiến đấu ở Hà Nội đã đem lại niềm tin vững chắc cuộc kháng chiến trường kỳ trên phạm vi cả nước nhất định thắng lợi. Niềm tin đó đã nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân ta, làm chuyển biến nhận thức của những ai còn sợ địch, đánh giá thấp lực lượng ta và chưa tin vào thắng lợi. Đây là điều hết sức quan trọng trong tình hình tư tưởng lúc đó.

        Về mặt quân sự, thực tiễn chiến đấu của Hà Nội cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về cách đánh địch cụ thể trong từng trận chiến đấu cũng như chiến lược quân sự chung trong điều kiện địch có các ưu thế về lực lượng - nhất là về vũ khí, trang bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:49:52 pm »

     
Phần thứ ba

CÁC TÀI LIỆU CỦA ĐẢNG VÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN


I. VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

HỘI NGHỊ CÁN BỘ BẮC KỲ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG1
Ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1945

        NGHỊ QUYẾT ÁN

        1. Tình hình thế giới.

        Nga thắng trận ở Âu châu và ở Á châu là một cuộc thắng lợi quan trọng riêng cho Liên Xô và chung cho cộng sản chủ nghĩa toàn thế giới.

        Mặt trận dân chủ trên thế giới càng ngày càng dân chủ hóa (phong trào dân chủ càng ngày càng mạnh mẽ ở Pháp, Anh, Tàu, Mỹ).

        Các dân tộc trên thế giới đang tranh đấu để mở rộng nền dân chủ mới hoặc giành quyền độc lập cho dân tộc.

        Giai đoạn cách mạng trên thế giới hiện tại vẫn là giai đoạn dân chủ tự do và dân tộc độc lập. Mặt trận dân chủ trên thế giới do Nga lãnh đạo đang củng cố và mở rộng để kiến thiết nền hoà bình cho nhân loại.

        2. Tình hình Đông Dương.

        a) Cuộc tổng khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi:

        Nhật đầu hàng, điều kiện khách quan và chủ quan đã đầy đủ cho một cuộc cách mạng chín muồi (nền móng của phát xít hoàn toàn tan rã, đại đa số dân chúng nghiêng về phe cách mạng, đội tiền phong cương quyết và hy sinh).

        Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng trong Mặt trận Việt Minh.

        Thái độ trung lập của Nhật có lợi cho ta.

        Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi là do kết quả của bao nhiêu cuộc tranh đấu trong mấy năm trời đổ máu, chứ không phải một cuộc đảo chính như người ta lầm tưởng. Chúng ta đã tiến một bước dài trên con đường lịch sử, đánh đổ đế quốc và chế độ phong kiến phải kiến thiết một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

        b) Những bước khó khăn hiện tại:

        - Thiếu nhân tài và cán bộ, lúng túng về vấn đề chính quyền.

        - Sự hoạt động của bọn Cách mạng đồng minh hội, Đại Việt và bọn Trốt-kít (đảng xã hội thợ thuyền).

        - Nạn lụt, dân chúng đói khổ làm cho đường giao thông bị gián đoạn, nền tài chính kinh tế gặp nhiều khó khăn, thương mại và kỹ nghệ đình đốn, ngân quỹ bị thiếu hụt.

        - Quân đội tổ chức chưa được chu đáo.

        c) Vấn đề ngoại giao:

        - Đối với Pháp, Đờ-gôn đã mưu mô chiếm lại Đông Dương nên chúng ta cương quyết hành động chống và chỉ giao thiệp khi nào bọn thực dân Pháp đã bỏ dã tâm xâm lược Đông Dương và chính thức công nhận nền độc lập nước Việt Nam. Tuy vậy, đối với Pháp kiều chúng ta nên tỏ lượng khoan hồng và bảo đảm tính mệnh của họ, cả tài sản họ, nhưng bao vây, giám thị và đề phòng họ.

        - Đối với Tàu từ trước đến giờ thất bại tuy vậy chúng ta cần phải lôi họ về ta; nhưng nếu ngoại giao trong lúc đầu không có kết quả hoặc quân đội Tàu có những hành động khiêu khích thì chúng ta cũng nên tránh xung đột quân sự mà chỉ xung đột bằng chính trị (tổ chức quần chúng biểu tình phản đối, Chính phủ thì dùng ngoại giao) và thi hành chính sách vườn không nhà trống. Cần phải tổ chức tiểu ban vận động Hoa kiều và binh lính Tàu.

        - Đối với Mỹ, việc ngoại giao mới có đôi phần kết quả còn cần phải tiến tới để Mỹ chóng chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và giao hoà với chúng ta.

        - Đối với Anh, chúng ta chưa giao thiệp gì và thái độ của họ giúp bọn thực dân Pháp trở lại chiếm Đông Dương (việc Nam Bộ nên ta phải phản đối thái độ của họ).

        - Đối với Nhật, họ hoàn toàn thay đổi thái độ với chúng ta, họ không còn là kẻ thù nữa nên chúng ta càng phải biết lợi dụng họ để có lợi cho ta.

        - Đối với các nhược tiểu dân tộc Á Đông, ta phải tìm cách ủng hộ phong trào độc lập bằng cách dùng những hình thức mít tinh, biểu tình, đánh điện tín, v.v... (có chỉ thị riêng để thi hành).

        Nói tóm lại, về ngoại giao chúng ta phải lợi dụng những mâu thuẫn giữa Tàu, Mỹ và Anh để có lợi cho chúng ta.

        3. Nhiệm vụ chính trong lúc này.

        Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập.

        Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để chống mọi sự xâm lăng.

------------------
       1. Lưu tại kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:02:51 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:51:27 pm »

        
        4. Vấn đề chính quyền.

        a) Về mặt chính trị:

        1. Huy động các hạng nhân tài và chính trị phạm ra giúp việc

        2. Cấp tốc tổ chức các Ủy ban nhân dân các làng các phố, việc tổ chức các Ủy ban công sở hay nhà máy của Chính phủ nên kéo hết thảy những tầng lớp ở trong đó tham gia, nên chú ý tránh sự đụng chạm đến những vấn đề chuyên môn của những người có trách nhiệm. Tổ chức các Ủy ban công nhân ở các sở hay các nhà máy của tư nhân.

        Khuyết điểm trong sự tổ chức của các ủy ban trên hẹp hòi cô độc quan liêu để cho bọn phản động đầu cơ chui vào, tổ chức đông quá. Phương pháp củng cố và chấn chỉnh lại. Phải mở rộng ủy ban cho các từng lớp nhân dân ngoài tổ chức Việt Minh tham gia. Chính quyền là của toàn thể nhân dân chứ không phải là của đoàn thể Việt Minh. Tẩy trừ những bọn phản động trong ủy ban, cần lấy những người đúng đắn và có tín nhiệm đưa vào. Coi chừng những bọn đầu cơ lén lút ăn tiền của nhân dân. Bài trừ những ông quan cách mạng, tổ chức Ủy ban nhân dân từ năm đến bảy người, những bộ máy quan hệ mình cần phải nắm giữ.

        Đối với tổng lý và quan cai trị cũ, nếu họ không phải là phản động thì nên đưa vào hoặc làm cố vấn cho các tiểu ban nhu cứu tế để lợi dụng hết những khả năng của họ và để tránh những sự chia rẽ không có lợi.

        Ủy ban nhân dân tỉnh phải liên lạc mật thiết với các công sở để cho bộ máy hành chính ăn khớp và chạy đều.

        Thống nhất giữa các Ủy ban (sự chỉ huy nhân dân xã, phủ) tỉnh và Bắc Bộ.

        Bỏ cấp bộ Ủy ban nhân dân tổng cho công việc được nhanh chóng. Ủy ban nhân dân tỉnh phải phái người đi kiểm soát các Ủy ban nhân dân huyện và làng. Mở các lớp huấn luyện cách thức tổ chức Ủy ban nhân dân ở làng và ở huyện.

        3. Việc thi hành chung trong chương trình Việt Minh phải cho thống nhất và do Chính phủ định đoạt. Việc bãi bỏ các thứ thuế trong chương trình Việt Minh thì hiện nay chỉ nên bỏ các thứ thuế thân và các thứ thuế lặt vặt, thuế đò, thuế chợ, thuế hè... Cố giữ ngân quỹ hàng tỉnh cho thăng bằng trong khi chờ mỗi một thứ thuế công bằng và nhẹ.

        4. Việc tiễu trừ Việt gian và Pháp gian phải căn cứ vào hành động chính trị phá hoại nền độc lập mới gọi là Việt gian và Pháp gian, còn những phần tử từ trước tới nay thường áp bức bóc lột dân chúng thì không phải là Việt gian hay Pháp gian. Đối với bọn lãnh tụ Việt gian thì phải bắt và nghiêm trị, đối với bọn làm theo thì phải thuyết phục. Đối với bọn Việt gian thường ít nguy hiểm thì cảnh cáo trước mắt dân chúng, bao vây dò xét tẩy chay, mỗi khi bắt được một tên Việt gian nào thì phải tuyên bố tội trạng của nó trước mắt dân chúng. Với Pháp gian thì bắt và giam giữ rồi đưa lên Chính phủ định đoạt, quyền bắt Việt gian và Pháp gian của Ủy ban nhân dân địa phương chứ không phải của V.M1. Việt Minh chỉ có quyền dò xét và tố cáo. Mỗi khi bắt được Việt gian hay Pháp gian phải đưa lên Ủy ban nhân dân tỉnh để quyết định. Đối với Pháp gian thì Chính phủ định đoạt, không được bắt bớ vợ con cha mẹ Việt gian hay Pháp gian.

        5. Việc tịch thu của Việt gian hay Pháp gian (tài sản) phải thi hành cho đúng đắn, những nhà cửa đồ đạc khi tịch thu phải niêm phong để bán đấu giá rối bỏ tiền vào quỹ của Ủy ban nhân dân địa phương hoặc dùng vào trong công việc chung. Cấm ngặt cá nhân không được lấy để dùng bừa bãi, về ruộng đất nếu có ít thì để vào của chung, nếu có ấp và đồn điền thì những phần đất nào bị bao chiếm của làng nào thì giả2 về làng ấy. Còn các phần đất tư của bọn Việt gian hay Pháp gian thì dân các ấp hoặc dân làm đồn điền ở đây được cày cấy Có thể lấy một phần nhỏ địa tô để đưa vào quỹ địa phương nếu dân ở đây vui lòng. Việc tịch thu tài sản và sử dụng những tài sản ấy phải báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh biết để chuẩn y. Những đồn điền, những ấp của những bọn không phải là của Việt gian thì lãnh đạo nhân dân tranh đấu phải giả lại những phần đất bị bao chiếm và đòi giảm một phần tư địa tô. Sự tịch thu tài sản của Việt gian hay Pháp gian phải để một phần cho vợ con họ đủ sống.

------------------
        1. V.M: Việt Minh (B.T).

        2. Giả: trả (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:56:16 pm »


        6. Đối với sự kiện tụng trong địa phương phải đặt một Ban tư pháp xét xử những việc lặt vặt, còn những việc quan hệ thì tư lên Ủy ban nhân dân tỉnh. Hơn hết trong lúc này những việc kiện tụng nên dàn xếp cho qua đi và chú ý vào vấn đề chính quyền.

        b) Về vấn đề quân sự:

        Phải đặc biệt tổ chức các đội tự vệ chiến đấu các làng.

        Mỗi làng phải cử ít nhất một người lên tỉnh học trường quân sự thường thức để về huấn luyện cho đội viên tự vệ.

        Mỗi phủ huyện ít nhất phải có một trung đội canh gác, ăn mặc theo giải phóng quân và tổ chức sáp nhập với giải phóng quân tỉnh. Đối với bảo an binh (binh lính và sĩ quan) chọn lọc và sa thải những phần tử hủ hoại rồi sáp nhập với giải phóng quân. Và cấp tốc mở lớp huấn luyện nâng cao trình độ chính trị của họ trong một thời gian ngắn.

        Các bộ đội mới, cũ đều phải có chính trị chỉ đạo viên, sẽ có những sách nghiên cứu về chiến thuật du kích và chiến sự trong bộ đội.

        Phải xóa bỏ hàng rào chia rẽ giữa giải phóng quân và bảo an binh, giữa sĩ quan và chính trị viên.

        Phải thống nhất chỉ huy quân sự đến Bắc Bộ.

        Phải có Ủy ban thay người trông nom việc mua và cho võ khí cũng như các đoàn thể sẽ tổ chức những đoàn đi thăm và úy lạo quân giải phóng.

        Phải làm cho dân chúng và quân đội có sự liên lạc và hợp tác chặt chẽ với nhau bằng cách tổ chức những đoàn thể thâm nhập vào dân chúng, tuyên truyền và giúp đỡ dân chúng.

        Thực hiện hoàn toàn khẩu hiệu quân dân nhất trí.

        Phải dùng các hình thức tuyên truyền vận động để nâng cao trình độ tinh thần của quân đội về mọi phương diện. Mở lớp huấn luyện tại chỗ về quân sự và chính trị, lập câu lạc bộ cho quân đội ở mỗi tỉnh.

        c) Vấn đề hình tế và tài chính:

        Đối với vấn đề kinh tế, Chính phủ đang trù tính những kế hoạch toàn quốc. Các tỉnh phải lo lấy nền kinh tế riêng tỉnh mình nghĩa là phải tự tạo lấy một nền kinh tế độc lập tự cung. Lập hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ ở các tỉnh và phủ, huyện.

        Phải hết sức tiết kiệm. Phải thống nhất quỹ độc lập.

        Vì muốn để cho sự chi tiêu cho công quỹ nên phải cho sa thải dần dần và khôn khéo các công chức ngồi không của đế quốc thâu nạp vào.

        Khuyến khích sự chăn nuôi giồng giọt1 (ngô, đỗ, sắn, khoai ở từng làng, từng vùng bằng cách lập những khu chăn nuôi).

        d) Vấn đề xã hội:

        Đặc biệt tổ chức cứu tế nạn lụt: giúp mạ hay hạ giá mạ để các nông gia có thể cấy tái gia. Tìm hết cách giải quyết vấn đề công nhân thất nghiệp. Kêu gọi nhà tư bản địa chủ địa phương đứng ra mở mang đồn điền kỹ nghệ để thu hút nhân công thất nghiệp.

        Về việc chống nạn mù chữ, mở lớp dạy chữ Quốc ngữ ở các làng, các địa phương.

        Phải truy tầm và nghiêm trị bọn cướp trộm.

        e) Vấn đề văn hoá:

        Lập hội văn hóa cứu quốc ở các tỉnh.

        Giúp đỡ cho Phật giáo hội quốc đoàn, Công giáo cứu quốc đoàn phát triển nhưng đồng thời phải giải thích dị đoan.

        f) Vận động các giới:

        Mở cuộc vận động các giới thật rộng rãi, đặc biệt chú ý những giới công nhân, thanh niên, phụ nữ.

        Về công nhân mỗi tỉnh phải lập một tiểu ban công nhân tỉnh, và toàn xứ phải thành lập một tiểu ban công vận toàn xứ do Xứ ủy chỉ huy.

        Về thanh niên cứu quốc từng làng lên đến tỉnh để tiến tới toàn kỳ và thành lập một ban toàn kỳ của thanh niên cứu quốc do đấy phong trào thanh niên mới được phát triển mạnh mẽ.

        - Về phụ nữ cũng như về thanh niên.

------------------
        1. Giồng giọt: trồng trọt (B.T).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM