Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:04:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28348 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:25:09 pm »

        Với Hiệp ước Hoa - Pháp, mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc Anh - Pháp và Mỹ - Tưởng tạm hoà hoãn. Nhưng những mâu thuẫn mới giữa Tưởng và Pháp lại nảy sinh. Pháp muốn nhanh chóng đẩy quân Tưởng ra, đưa quân Pháp vào miền Bắc trót lọt. Tưởng lại muốn kéo dài thời hạn rút quân để đòi Pháp thêm quyền lợi. Nhất là bọn tướng lĩnh chỉ huy quân Tưởng ở Việt Nam, muốn tiếp tục ở lại để thực hiện mưu đồ cát cứ. Theo Ph. Đờ-vi-le, tại cuộc tiếp xúc này, “Ông Võ Nguyên Giáp không hề tỏ ra một chút gì thù địch cả. Ông chỉ trình bày giản dị rằng Việt Minh hiện nay là người làm chủ nước Việt Nam, rằng Việt Minh vừa thành lập một Chính phủ lâm thời và ông hy vọng nước Pháp sẽ quan tâm, lưu ý đến thực tế đó”. Trái lại, Xanh-tơ-ny tỏ ra cứng rắn, nhắc lại rằng Đông Dương vẫn nằm dưới quyền của Pháp và nước Pháp đợi xem những người lãnh đạo mới sẽ hành động ra sao để quyết định họ có xứng đáng được ủng hộ hay không. “Xanh-tơ-ny báo cho ông Giáp biết quân Trung Quốc sẽ tới để giải giáp quân Nhật và đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì chắc chắn còn lâu mới mời được họ rút lui”1. Sau đó ngày 12 và 15 tháng 10, Xanh-tơ-ny và Pi-nhông gặp Nguyễn Hải Thần, nhưng thấy không tác dụng gì, tìm gặp Vĩnh Thuỵ nhưng Vĩnh Thuỵ sợ ta mà tránh mặt. Họ nhận ra người cần phải gặp không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuối cùng, tất cả mọi việc đều dẫn tôi đến Cụ Hồ Chí Minh. Đó là con đường chúng ta cần phải gặp, chúng ta phải thương lượng với con người ấy”2.

        Ngày 28 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tướng A-lêch-xăng-đri và Pi-nhông. Chủ tịch thuyết phục họ về quyết tâm tìm kiếm một sự dàn xếp. Cuộc hội kiến đầu tiên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xanh-tơ-ny được ủy nhiệm thay mặt Cao ủy Pháp, vào ngày 15 tháng 10 lăm 1945. Yêu cầu của Chính phủ Pháp là Việt Nam thừa nhận việc quân đội Pháp trở lại Bắc Kỳ thay thế quân đội Trung Hoa. Xanh-tơ-ny viết: “Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, ngày 15 tháng 10 năm 1945, tôi đã khẳng định một cách vừng chắc cũng như A-lêch-xăng-đri và Pi-nhông rằng, Cụ Hồ Chí Minh là một nhân vật hạng nhất, chẳng bao lâu sẽ nổi bật lên ở mặt trước sân khấu chính trị châu Á”3. Ngày 25 tháng 2 năm 1946, lại có cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xanh-tơ-ny. Trong cuộc gặp đó Chủ tịch nêu rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà là “độc lập và hợp tác với Pháp”. Xanh-tơ-ny cũng khẳng định: Chính phủ Pháp sẵn sàng công nhận Việt Nam có quyền có chính phủ, có nghị viện, có quân đội, có tài chính riêng, đồng thời ở trong khối Liên hiệp Pháp. Hai bên đều công nhận: phải có một không khí bớt căng và hoà hảo thì mới có thể mở cuộc điều đình có kết quả. Vì vậy, điều kiện thứ nhất là khi bắt đầu mở cuộc điều đình chính thức, hai bên phải đình chiến ngay khắp các mặt trận.

        Ngày 5 tháng 3 năm 1946, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Lành Canh (nay thuộc xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) quyết định hoà hoãn với Pháp.

        Về phía thực dân Pháp, sau chiến tranh thế giới thứ hai, hiện tình nước Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 3 triệu người chết, bị thương và bị bắt, nửa triệu nhà cửa, công trình kiến trúc bị phá hủy hoàn toàn, một triệu rưỡi công trình khác bị thiệt hại nặng, hàng triệu héc-ta đất bị bỏ hoang, ngân sách năm 1945 thiếu hụt 55%, đồng Frăng mất giá, 6 triệu người không có nhà ở, 40 vạn người thất nghiệp hoàn toàn. Theo báo cáo của Đờ-gôn đọc trước Quốc hội ngày 2 tháng 3 năm 1945, tổng quân số Pháp có 1,2 triệu, phần lớn gồm những đơn vị mới tan rã, hầu hết sĩ quan và binh lính mới thoát khỏi các trại tù binh của Đức vừa tập hợp, trang bị thiếu thốn.

        C.Pelát, tác giả cuốn Hai mươi năm xâu xé nước Pháp nhận xét: “Sau giờ phút phấn khởi khi cuộc chiến tranh kết thúc, người dân Pháp cảm thấy lòng đầy chua xót. Không những người ta thấy rất rõ đất nước đã suy đồi mà ai nấy đều đang chứng kiến một đường lối chính trị rối ren, chẳng có gì hứa hẹn một tương lai thanh bình sáng sủa”4. Thực trạng của nước Pháp như vậy đã hạn chế sức mạnh và khả năng quân Pháp ở Việt Nam, buộc chúng phải tính toán kỹ phương sách nào có thể thực thi trong việc chiếm lại Bắc Kỳ.

----------------
        1. Ph. Đờ-vi-le, Sđd, tr. 119-120.

        2, 3. Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao, Sđd, tr. 92.

        4. Trần Trọng Trung, Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1979, tr. 29.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:31:31 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:34:21 pm »


        Trong lúc còn đang thương lượng với Trung Hoa, Bộ Tham mưu nước Pháp đã vạch kế hoạch xâm nhập miền Bắn nước ta bằng quân sự: một mặt, cho quân đổ bộ Hải Phòng, đồng thời nhảy dù xuống Hà Nội phối hợp với thực dân Pháp có mặt ở đây, rồi sau đó hai bên đánh thông với nhau, mặt khác, cho người liên lạc với bọn Việt gian, dùng bọn này làm nội ứng cho việc xâm nhập của chúng vào miền Bắc. Nhưng tướng Lơ-cléc - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương nhận định: kế hoạch dùng quân sự xâm nhập vào miền Bắc không thể nào thực hiện được, vì khó khăn nhất là quân số. Lơ-cléc thú nhận cần phải có 10 vạn quân mới “bình định” được Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi chúng chỉ có 3 vạn rưỡi. Thế mà lại phải đánh ra miền Bắc nữa thì càng thiếu quân nghiêm trọng. Lơ-cléc đề đạt với Chính phủ Pháp ba mục tiêu cần đạt được:

        - Thứ nhất là phải đặt chân lên một số thành phố quan trọng để tạo cho Chính phủ Pháp mọi ưu thế trong việc điều đình và đặt điều kiện.

        - Thứ nhì tìm cách để cho quân Pháp kiều kể cả quân sự lẫn dân sự được trả lại tự do.

        - Thứ ba tìm cách làm cho quân đội Tàu rút khỏi xứ này.

        Để đạt được những mục tiêu đó, chỉ có thể bằng con đường thương thuyết với Việt Nam1.

        Ủy viên cộng hoà Pháp ở Bắc Đông Dương Xanh-tơ-ny cũng có cách đánh giá tình hình và chủ trương tương tự Lơ-cléc: Không thể đặt vấn đề đổ bộ vào Bắc Kỳ bằng vũ lực theo kiểu thực dân cũ. Vì như thế quân đội Pháp không những sẽ vấp phải cuộc kháng chiến của người Việt Nam, mà còn phải đương đầu với 24 vạn quân Trung Hoa với ý đồ bám chắc vào đất này càng lâu càng hay. Ngoài ra Pháp còn lo ngại sự chống lại của 3 vạn quân đội Nhật và sự sống còn của 30 ngàn người Pháp đang sống ở Bắc Kỳ và Trung Bắc Kỳ2.

        Nhưng Cao ủy Pháp tại Đông Dương Đác-glăng-li-ơ là một phần tử hiếu chiến, lại không tán thành đàm phán, nếu phải rút cũng còn nấn ná vì muốn vơ vét thêm của cải. Đến giữa tháng 5 quân Tưởng mới bắt đầu rút khỏi Thanh Hoá, giữa tháng 6 mới rời Hà Nội và đến tháng 9 năm 1946 quân Tưởng mới rút hết khỏi nước ta3.

        Tuy nhiên, Tưởng và Pháp cũng có điểm giống nhau là đều muốn dàn xếp với ta, để ta chấp nhận Hiệp ước Hoa - Pháp.

        Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là điều bất ngờ với Đảng ta. Đó chỉ là biểu hiện cụ thể của sự phát triển tình hình Đảng ta đã dự kiến từ trước. Chỉ mấy ngày sau khi Hiệp ước ký kết chính thức, ngày 3 tháng 3, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tình hình và chủ trương”. Bản Chỉ thị phân tích âm mưu của bọn đế quốc và chỉ rõ: “Hiệp ước Hoa - Pháp không phải là chuyện riêng của Tàu Tưởng và Pháp. Nó là chuyện chung của phe đế quốc và bọn tay sai của chúng ở thuộc địa. Dù nhân dân Đông Dương muốn hay không muốn, nhất định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy”4.

------------------------
        1. Bộ Tổng tham mưu (quân đội Sài Gòn), Quân lực Việt Nam cộng hoà, Sài Gòn, 1972, tr. 17, 18.

        2. J.Xanh-tơ-ny, Sđd, tr. 57, 58.

        3. Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr. 425, 426.

        4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 41.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:36:54 pm »


        Nhưng, “Từ chỗ Hiệp ước đó được ký kết đến chỗ Hiệp ước đó được thi hành còn có dân tộc Việt Nam hiện nay đang chiến đấu”. Vậy chủ trương của ta nên đánh hay nên hoà khi quân Pháp vào miền Bắc? Trong nhân dân ta lúc bấy giờ, tinh thần chống Pháp rất sôi sục. Phong trào Nam tiến, luyện tập quân sự sôi nổi từ thành thị đến thôn quê. Mọi tầng lớp nhân dân đều hăm hở sẵn sàng đánh Pháp. Nhưng với trọng trách trước vận mệnh đất nước, trước sự sống còn của cách mạng, Đảng phải sáng suốt, cân nhắc lợi hại của mỗi chủ trương, không thể thuận theo tình cảm bột phát của quần chúng. Chỉ thị của Trung ương chỉ rõ:

        “Vấn đề lúc này không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình, biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lợi hại trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”1.

        Hiện tại, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn. Bên trong, bọn phản động đang hoạt động chia rẽ. Bọn Việt quốc, Việt cách lúc này trước tình cảnh bị Tưởng bỏ rơi, một mặt cầu xin quân Tưởng ở lại, một mặt cố phá cuộc đàm phán giữa ta và Pháp. Chúng kêu gào “Không điều đình với ai hết”, “đánh đến cùng”, “thắng hay là chết”. Chúng vu cáo Chính phủ ta là “Việt gian thân Pháp” và hô hào thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Vĩnh Thuỵ... Chúng định lợi dụng lúc ta đánh Pháp, bọn đế quốc sẽ vu cáo ta là chống hiệp ước của Đồng minh, là phiến loạn chống lại hoà bình, cô lập ta và lập chính phủ bù nhìn. Bọn Trốt-kít cũng tuyên truyền vu cáo ta là bán nước. Trong khi đó, Pháp đã mở rộng chiếm đóng và có thêm viện binh, lại được Anh, Mỹ giúp sức làm cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ gặp nhiều khó khăn. Bản huấn luyện của Bộ Tổng chỉ huy về phương châm quân sự Nam Bộ chỉ rõ: Quân địch đã áp dụng chiến lược tốc chiến tiến công dồn dập chiếm lĩnh các đô thị và các đường giao thông quan trọng, rồi lan tràn ra khắp thôn quê. Quân ta sau một thời gian chiến đấu anh dũng tại Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng lân cận, trước cuộc tiến công mãnh liệt của địch, bị tan vỡ hầu hết các mặt trận. Việc sản xuất lương thực còn nhiều khó khăn. Lực lượng vũ trang còn yếu kém về nhiều mặt, nhất là trang bị vũ khí, trình độ chỉ huy chiến đấu.

        Trong tình hình ấy, nếu ta đánh Pháp khi chúng ra Bắc, lực lượng sẽ tiêu hao, chính trị bị cô lập, tạo thời cơ cho bọn phản động cướp chính quyền, bán nước cho đế quốc. Hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chủ trương hoà cũng có điều nguy hiểm là thực dân Pháp sẽ lợi dụng để đưa quân vào miền Bắc, sau đó phát triển lực lượng và bội ước đánh ta, bọn phản động lợi dụng việc ta hoà với Pháp để vu cáo ta là “bán nước”... Trong hai điều phải lựa chọn một ấy, hoà hoãn với Pháp vẫn là điều đúng đắn. Hoà với Pháp ta sẽ phá tan được dã tâm của Tưởng và tay sai, loại bỏ được kẻ thù nguy hiểm này. Đối với Pháp, ta cố tranh thủ khả năng giải quyết bằng con đường hoà bình, nếu cuộc chiến đấu phải nổ ra thì ta cũng dành được thời gian chuẩn bị thêm lực lượng.

        Đảng ta vạch ra những nguyên tắc căn bản cho việc đàm phán giữa ta với Pháp là độc lập và hợp tác với Pháp trên cơ sở bình đẳng.

        Trong quá trình đấu tranh ngoại giao với Pháp, không bao giờ ta xa rời mục tiêu độc lập, thống nhất. Nhưng trong tình thế bất lợi và để đạt được hoà hoãn, ta phải nhân nhượng, mềm dẻo, có thể nhân nhượng quyền lợi kinh tế văn hoá với Pháp, có thể nền độc lập thống nhất lúc đầu chưa được toàn vẹn. Lập trường của phía Việt Nam là mềm dẻo và thiện chí. Phía Pháp chấp nhận thì có hoà hoãn, Pháp bác bỏ, áp đặt chế độ thực dân thì hoà hoãn bế tắc và tan vỡ.

        Đế quốc Pháp cũng phải thừa nhận rằng muốn trở lại miền Bắc Việt Nam, không phải chỉ cần sự đồng ý của Trung Hoa, mà còn cần có sự thoả thuận của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Xanh-tơ-ny - người Pháp am hiểu tình hình Việt Nam bậc nhất lúc đó, khẳng định: Để có thể đưa quân ra miền Bắc, “không những phải có một Hiệp ước Pháp - Hoa thoả thuận quân Trung Hoa rút đi, mà mặt khác, cũng phải có một Hiệp định Pháp - Việt, trong đó Việt Minh thoả thuận cho quân đội Pháp trở lại đóng trên lãnh thổ mà họ đã kiểm soát hầu như hoàn toàn. Cố nhiên hiệp định ấy đã chính thức hoá sự có mặt ở Hà Nội một chính phủ đáng lo ngại thật, nhưng dẫu sao một chính phủ ở ngay tại chỗ và đang cùng ta thương lượng thì đỡ sợ hơn là họ rút vào rừng để tiến hành chiến tranh du kích chống lại chúng ta”2. Cho nên, ngay trong quá trình thương lượng với Trung Hoa, Chính phủ Pháp đã phải cử đại diện tiếp xúc với Chính phủ ta. Xanh-tơ-ny theo phái bộ Mỹ do Pát-ti dẫn đầu đến Hà Nội ngày 22 tháng 8 năm 1945, thì ngày 27 tháng 9, do Pát-ti tổ chức, Xanh-tơ-ny đã gặp gỡ Chính phủ ta là Võ Nguyên Giáp và Dương Đức Hiền để thương lượng, vì đàm phán với Chính phủ Việt Nam tức là “hợp pháp hoá và công nhận” chính phủ ấy. Chính phủ Đờ-gôn cùng quan điểm này, vẫn tiếp tục kéo dài cuộc xâm lược bằng quân sự. Chính vì thế Chính phủ Đờ gôn càng mất tín nhiệm trước nhân dân trong nước và thế giới. Chính phủ này đổ, trong đó có lý do không giải quyết được vấn đề Đông Dương. Chính phủ Phê-lích Goanh lên thay. Đây là chính phủ liên hiệp giữa ba đảng: Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Phong trào Cộng hoà bình dân. Lập trường về vấn đề thuộc địa nói chung và vấn đề Đông Dương nói riêng về căn bản không thay đổi. Nhưng do bế tắc của hoạt động quân sự và trước sức ép của dư luận, Chính phủ Goanh phải chấp nhận kế hoạch đàm phán của Lơ-cléc.

----------------
        1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 43, 44.

        2. J.Xanh-tơ-ny: Đối diện Hồ Chí Minh, Pa-ri, 1970, Bản dịch, Tư liệu Viện Hồ Chí Minh, tr. 58.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:38:54 pm »


        Cuộc tiếp xúc, đàm phán giữa ta và Pháp kéo dài. Phía Pháp, sau khi ký hiệp ước với Tưởng, đã huy động toàn bộ sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9, một phần sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3, binh đoàn cơ động thiết giáp, nhiều máy bay theo hàng không mẫu hạm Bê-ác (Béarn) cùng nhiều chiến hạm tiến ra Bắc Bộ và ngày 2 tháng 3 năm 1946 tới Vịnh Hạ Long. Quân Pháp vào cảng Hải Phòng lúc 7 giờ 45 phút ngày 6 tháng 3. Pháp yêu cầu cho đổ bộ quân lên. Quân Tưởng lấy cớ không có Hiệp ước Pháp - Việt, sợ để quân Pháp vào, người Việt Nam căm tức trả thù Hoa kiều, và cũng chưa nhận được lệnh cấp trên, nên không chấp nhận. Tiêu Văn thấy tình hình căng thẳng, sợ ta đánh Pháp thì Tưởng mất mặt vì Hiệp ước Trùng Khánh mất hiệu lực và chiến tranh nổ ra, chúng sẽ mất hết của cải nên giục ta ký kết hiệp định với Pháp. Lơ-cléc và Va-luy - Tư lệnh quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương - thấy rằng không ký với ta thì không thể đưa quân vào Hải Phòng. 11 giờ 45 phút, Lơ-cléc gọi điện cho Xanh-tơ-ny đang đàm phán với Chính phủ ta, giục ký kết. Ph. Đờ-vi-le lúc đó là sĩ quan tham mưu dưới quyền Lơ-cléc kể lại:

        “Những cuộc bàn cãi với những người Trung Hoa ở Hà Nội đều vất vả khó khăn và không đưa đến kết quả gì. Trong đêm 4 rạng 5 tháng 3, trong suốt bảy tiếng đồng hồ, tướng Xa-lăng và các đại tá Rơ-pi-tông và Lơ-công-tơ đều vấp phải một sự từ chối lễ độ và kiên quyết của người Trung Hoa... một cảm giác bất hạnh bao trùm lấy ngày 5 tháng 3. Buổi sáng hôm ấy, Bộ Tham mưu quân đội Trung Hoa ở Hà Nội sắp nhượng bộ thì nhận được điện của Hà Ứng Khâm ra lệnh phải phản đối cuộc đổ bộ của chúng ta. Thế cho nên lúc ấy nhất thiết phải đi đến một thoả thuận với ông Hồ Chí Minh”1.

        16 giờ 30 ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt được ký kết tại ngôi nhà số 38 phố Lý Thái Tổ (nay là Cung thiếu nhi Hà Nội) giữa đại diện Chính phủ cộng hoà Pháp là Xanh-tơ-ny và đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đặc ủy viên của Hội đồng các Bộ trưởng Vũ Hồng Khanh. Hiệp định gồm 3 khoản chính và 4 phụ khoản đính theo. Cũng trong dịp này, hai bên đã ra tuyên bố chung Lơ-cléc - Hồ Chí Minh về việc quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật từ phía bắc vĩ tuyến 16.

        Những văn bản trên đây thể hiện sự nhân nhượng của hai bên: “Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phủ của mình, tài chính của mình và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp”.

        Về việc thống nhất 3 kỳ của nước Việt Nam, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận những quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết.

        Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện đón tiếp quân đội Pháp vào thay thế quân đội Trung Hoa.

        15.000 quân Pháp (kể cả số lính Pháp hiện đã đóng ở miền Bắc Việt Nam). Số quân Pháp này sẽ rút khỏi Việt Nam trong vòng 5 năm, mỗi năm một phần năm quân số.

        Sau đó, ngày 3 tháng 4 năm 1946, Hội nghị tham mưu họp theo quy định của Phụ khoản đính theo Hiệp định Sơ bộ. Phía Việt Nam do Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh, phía Pháp do Xa-lăng - Phó Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương và Va-luy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, dẫn đầu. Hai bên ký kết Hiệp định tạm thời quy định cụ thể những địa điểm đóng quân của các lực lượng Pháp và Việt Nam làm nhiệm vụ tiếp phòng quân Tưởng.

        Các địa điểm đóng quân của Pháp:

        - Hà Nội (gồm cả 1.000 lính ở sân bay) 5.000 binh sĩ.

        - Hải Phòng 1.750 binh sĩ.

        - Nam Định 825 binh sĩ.

        - Đà Nẵng 225 binh sĩ.

        - Hải Dương 650 binh sĩ.

        - Điện Biên Phủ 850 binh sĩ.

        - Các vùng biên giới 2.775 binh sĩ.

--------------------
        1. H. Adô, Sđd, tr. 181, 182.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:41:06 pm »


        Hai Chính phủ thoả thuận lực lượng thay thế quân đội Trung Hoa gồm có:

        10.000 quân đội Việt Nam thuộc quyền các nhà chức trách quân sự Việt Nam.

        Việc ký kết Hiệp định Sơ bộ làm một số người do lòng yêu nước bồng bột mà không bằng lòng. Họ sẵn sàng hy sinh đánh Pháp, quyết không cho Pháp trở lại. Ngày 7 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với hàng chục vạn đồng bào Thủ đô trong cuộc mít tinh nghe giải thích Hiệp định Sơ bộ. Chủ tịch kết thúc bằng những lời cảm động:

        “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”1.

        Ngày 9 tháng 3 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Hoà để tiến” nêu rõ thắng lợi bước đầu của ta và vạch ra ta cần phải hoà với Pháp để:

        “l. Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động.... trong khi các lực lượng khác hoà bình, tự do và tiến bộ trên thế giới như Liên Xô, phong trào cộng sản ở Pháp, cách mạng thuộc địa) chưa thể trực tiếp giúp ta được.

        2. Bảo toàn thực lực giành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào.

        Tóm lại, để chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”.

        Chỉ thị cũng phê phán những sai lầm, không muốn hoà hoãn với Pháp, khuynh hướng hữu chưa đánh giá thật đầy đủ bản chất phản động của đế quốc Pháp dễ lơ là mất cảnh giác. Chỉ thị vạch rõ chủ trương mới của ta với Pháp là giữ thái độ bình tĩnh, nhã nhặn với binh lính Pháp, nhưng phải đấu tranh buộc Pháp thi hành Hiệp định và “phải tiếp tục chuẩn bị những việc kháng chiến lâu dài”. Chỉ thị còn dự kiến diễn biến tình hình phức tạp sau Hiệp định và vạch ra những biện pháp đề phòng:

        “Hiện nay bọn Nguyễn Hải Thần cùng phái Tàu trắng phản động nhất ở Việt Nam, âm mưu một cuộc phân liệt chia cắt đất nước Việt Nam hay “đảo chính”. Phải đề phòng hành động của chúng và bóc trần thủ đoạn hại nước của chúng cho nhân dân hiểu.

        Còn bọn Việt gian thân Pháp thì có thể nhân cơ hội ta hoà với Pháp để ngóc đầu dậy, hành động bán nước cho thực dân Pháp, ngấm ngầm giúp thực dân Pháp phá cách mạng, trì hoãn cuộc giành độc lập hoàn toàn của ta, chúng ta phải tìm cách ngăn ngừa chúng làm hại cách mạng.

        Đối với các phái thân Tàu Tưởng, phải nhân lúc chúng hoang mang vì cảm thấy sắp bị Tàu Tưởng bỏ rơi và lập trường của chúng lung lay sau khi bản Hiệp định Việt - Pháp đã ký mà chia rẽ nội bộ chúng, kéo lấy những phần tử trung thực về phe ta, chỉ cho quần chúng thấy bọn lãnh tụ “Việt Nam Quốc dân Đảng” chẳng qua là một bọn cơ hội đê hèn, vì chúng chỉ biết vâng lệnh nước ngoài và đặt quyền lợi riêng lên trên quyền lợi dân tộc”.

        Ngày 11 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các chính phủ và nhân dân thế giới cùng đồng bào cả nước. Lời kêu gọi có đoạn:

        “Nay vì tình hình quốc tế, vì muốn tỏ lòng tin vào nước Pháp mới và sự thành thực của những người đại diện cho Chính phủ Pháp, vì tin vào sự hoàn toàn độc lập tương lai của nước nhà, tôi cùng Chính phủ ta ký bản Hiệp định Sơ bộ với Chính phủ Pháp...

        Tôi cũng tha thiết kêu gọi nhân dân và chính phủ trên thế giới, nhất là nhân dân Pháp hãy ủng hộ chính nghĩa làm cho bên phía Pháp thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ để đi đến kết quả hoà hảo giữa hai dân tộc và bảo vệ nền hoà bình thế giới”2.

        Ký Hiệp định Sơ bộ, ta đuổi được quân Tưởng về nước. Bọn tay sai cũng rút chạy theo quân Tưởng và tan rã. Quân Anh, quân Nhật cùng rút về nước. Bọn nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai Pháp hoang mang. Quân Pháp phải điều ra Bắc sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9, binh đoàn cơ động thiết giáp và một số bộ phận khác, lực lượng bị phân tán. Ở miền Nam chỉ còn sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 thiếu và yếu. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quân ta đã lợi dụng được tình thế hoà hoãn và lực lượng Pháp bị dàn mỏng mà phát triển lực lượng, củng cố sự tin tưởng trong dân chúng.

        Ngày 18 tháng 3 năm 1946, 1.200 quân Pháp được phép đến Hà Nội thay thế quân Tưởng. Khi quân Pháp vào, chúng ta thực hiện chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ta theo đúng Hiệp định, nhưng không khiêu khích quân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban bố một bản nghiêm lệnh: “Tuyệt đối cấm chỉ mọi sự khiêu khích đối với kiều dân và quân đội Pháp”. Lần lượt 15.000 quân Pháp vào miền Bắc một cách hoà bình trước thái độ bình tĩnh, cảnh giác và bất hợp tác của nhân dân ta.

        Tuy buộc phải ký kết, nhưng quân Pháp vẫn khiêu khích, phá hoại việc thi hành Hiệp định. Ta phải kiên trì đấu tranh để duy trì hoà hoãn. Cao ủy Đác-giăng-li-ơ không bằng lòng với việc ký Hiệp định. Ngày 8 tháng 3, khi Va-luy nhân danh tướng Lơ-cléc đến thông báo về bản Hiệp định Sơ bộ, Đác-giăng-li-ơ nói: “Tôi ngạc nhiên, thực vậy tướng quân ạ! Tôi ngạc nhiên là nước Pháp có một đội quân viễn chinh đẹp dường kia mà những vị chỉ huy thì chỉ thích điều đình không muốn đánh”. “Anh nói lại đại tướng Lơ-cléc, coi chừng ông ấy đang đi tới một cuộc đầu hàng kiểu Mu-ních”3.

------------------
        1. Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr. 388.

        2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 201, 202.

        3. Bộ Tổng tham mưu (quân đội Sài Gòn), Sđd, tr. 22.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:51:14 pm »


        Tuy nhiên, theo thoả thuận trước đó của Lơ-cléc với ta, Đác-giăng-li-ơ vẫn tổ chức cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vịnh Hạ Long ngày 24 tháng 3. Trong cuộc gặp này, Cao ủy Pháp bày ra nhiều việc để trì hoãn Hội nghị Pháp - Việt chính thức, như việc họp Hội nghị trù bị Đà Lạt, phái đoàn Quốc hội ta sang thăm Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rõ âm mưu của y, nhưng để giữ không khí hoà hoãn, tiến tới hội nghị chính thức, Người cũng đồng ý với Pháp:

        1. Vào trung tuần tháng 4, một phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện của Quốc hội và nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân Pháp.

        2. Cùng trong thời gian đó, một phái đoàn gồm độ mười người từ Pháp qua Việt Nam để sửa soạn những tài liệu cần thiết.

        3. Hai bên sẽ mở Hội nghị trù bị ở Đà Lạt để trao đổi ý kiến trước khi mở Hội nghị chính thức.

        Sau đó, nhằm mục đích hạ thấp vị trí Hội nghị chính thức Pháp - Việt và để bưng bít dư luận, Pháp cử một phái đoàn gồm đại biểu các Bộ Kinh tế, Tài chính, Hải ngoại và Quốc phòng do Đác-giăng-li-ơ làm Trưởng đoàn sang Việt Nam đàm phán với Chính phủ ta. Ta đấu tranh đòi Hội nghị chính thức họp ở Pa-ri. Lập trường của ta được dư luận nhân dân Pháp đồng tình. Bọn phản động bị cô lập. Cuối cùng, Chính phủ Pháp phải nhận mở Hội nghị trù bị ở Đà Lạt và sau đó tiến tới mở Hội nghị chính thức ở Pa-ri.

        Ngày 16 tháng 4 năm 1946, phái đoàn Quốc hội ta do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu lên đường sang thăm nước Pháp.

        Ngày 19 tháng 4, tại Trường Trung học Yecxanh ở Đà Lạt, Hội nghị trù bị cho Hội nghị Việt - Pháp chính thức khai mạc. Phái đoàn Việt Nam gồm 13 người do Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn, Võ Nguyên Giáp làm Đoàn phó. Nhưng thực tế phái đoàn do Võ Nguyên Giáp lãnh dạo. Phái đoàn Pháp gồm 12 người do Đác-giăng-li-ơ làm Trưởng đoàn và Mác Ăng-đrê - Đoàn phó. Bọn này hầu hết là những tên thực dân kỳ cựu ở Đông Dương, những tên tướng, hoặc những tên có chân trong tập đoàn tư bản tài chính của Ngân hàng Đông Dương nên chúng quyết tâm phá Hội nghị. Hội nghị Đà Lạt với tính chất là hội nghị trù bị nên có nhiệm vụ trao đổi ý kiến về mọi vấn đề phải giải quyết trong cuộc đàm phán chính thức. Đó là các vấn đề: chế độ chính trị của Việt Nam, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước ngoài, vấn đề Nam Bộ, quan hệ kinh tế văn hoá giữa ta và Pháp, vấn đề quân sự. Các vấn đề trên đều diễn ra đấu tranh gay gắt trong Hội nghị.

        Về chính trị, lập trường có tính nguyên tắc của ta là: nước Việt Nam phải là một nước tự do. Liên bang Đông Dương chỉ mang tính chất kinh tế, không được phương hại đến những quyền cơ bản của Việt Nam. Về quyền ngoại giao giữa Việt Nam với nước ngoài, ta chủ trương Việt Nam phải có quyền đặt quan hệ ngoại giao. Pháp đòi quyền ngoại giao của Việt Nam do Liên hiệp Pháp đảm nhiệm, thực chất là tước quyền ngoại giao độc lập của ta.

        Về kinh tế, ta chủ trương giữ vững những quyền lợi kinh tế cơ bản, bảo đảm điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển, đồng thời có những nhân nhượng nhất định đối với quyền lợi kinh tế Pháp ở Đông Dương.

        Về vấn đề Nam Bộ, ta nêu rõ mục đích bỏ phiếu trưng cầu ý dân không phải là để đòi hỏi chủ quyền Nam Bộ thuộc về đâu, vì lãnh thổ Việt Nam gồm đủ ba kỳ. Cuộc đầu phiếu chỉ nhằm hỏi ý kiến nhân dân Nam Bộ có muốn giữ giới hạn “Kỳ” trong khuôn khổ nước Việt Nam thống nhất hay không. Pháp chủ trương bỏ phiếu trưng cầu ý dân để hỏi chủ quyền Nam Bộ thuộc về đâu. Mục đích của pháp là tổ chức cuộc đầu phiếu ở vùng chúng kiểm soát, chúng sẽ dùng lê, dùng súng bắt mọi người bỏ phiếu theo ý chúng; để tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam.

        Các vấn đề thảo luận, chỉ riêng về quan hệ văn hoá giữa ta và Pháp là đạt được một số thoả thuận. Còn tất cả các vấn đề khác đều bất đồng và được kết luận “hãy ghi lại sự bất đồng ý ấy”.

        Ngày 10 tháng 5, Hội nghị thất bại.

        Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp với tư cách là thượng khách của nước Pháp. Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đi dự cuộc đàm phán chính thức tại Pháp cùng đi trong chuyến này. Không khí chính trị ở nước Pháp đang nóng bỏng. Cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị đang diễn ra gay go. Ngày 2 tháng 6 năm 1946, trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, Đảng Xã hội do không hưởng ứng lời kêu gọi liên minh của Đảng Cộng sản để chống phái hữu nên đã bị mất nhiều phiếu so với lần tuyển cử trước. Phong trào Cộng hoà bình dân của các giới tư bản tài phiệt phản động giành được thêm nhiều ghế. Phong trào Cộng hoà bình dân của Đờ-gôn chiếm 166 ghế, Đảng Cộng sản 150 ghế, Đảng Xã hội 125 ghế. Ngày 24 tháng 6, Chính phủ mới được thành lập do Bi-đôn - lãnh tụ Phong trào Cộng hoà bình dân làm Thủ tướng. Trong Chính phủ, Phong trào Cộng hoà bình dân chiếm 9 ghế, Đảng Cộng sản 7 ghế, Đảng Xã hội 6 ghế. Tuy Đảng Cộng sản còn giữ được vị trí trong Quốc hội và trong Chính phủ như trước, nhưng Chính phủ mới này đã ngày càng ngả sang phía hữu, tìm cách phá hoại Hiệp định Sơ bộ, phá hoại cuộc đàm phán Pháp - Việt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:52:49 pm »


        Ngày 12 tháng 6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp. Vì Chính phủ Pháp lúc này chưa thành lập nên Người còn ở tạm Bi-a-rít. Ngày 24 tháng 6, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pa-ri, mở đầu cuộc đi thăm chính thức nước Pháp. Trong diễn văn đọc ngày 2 tháng 7, nhân buổi chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bi-đôn nói: “Chúng ta sẽ làm việc với nhau một cách thành thật dựa vào sự hiểu biết lẫn nhau và những lý tưởng nhân đạo. Ở đây, Khổng giáo và triết học Tây phương sẽ gặp nhau để tạo nên một quan niệm mới mẻ về những quan hệ giữa những người tự do và có liên quan với nhau trong sự theo đuổi lẽ tiến hoá của loài người”.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Nước Pháp tuy có nhiều tỉnh khác nhau, nhưng vẫn là nước thống nhất và không thể chia sẻ được... Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”1.

        Trước sự đấu tranh mềm dẻo, kiên quyết của ta, trước áp lực của dư luận nhân dân Pháp và dư luận quốc tế, Chính phủ Pháp buộc phải mở hội nghị đàm phán chính thức với ta. Nhưng chúng cố tình đặt địa điểm hội nghị ở lâu đài Phông-ten-nơ-blô cách Pa-ri 60km và cử trưởng đoàn ở cấp thấp làm giảm tầm quan trọng của cuộc đàm phán.

        10 giờ 30 ngày 6 tháng 7 năm 1946, Hội nghị Phông-ten-nơ-blô khai mạc. Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 12 thành viên: Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Bửu Hội, Trịnh Văn Bính, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Chu Bá Phượng, Huỳnh Thiện Lộc. Đoàn Pháp gồm 12 thành viên do Mác Ăng-đrê nguyên Đoàn phó đàm phán ở Đà Lạt làm Trưởng đoàn. Hầu hết đoàn viên vẫn là thành viên trong Hội nghị Đà Lạt như Buốc Goanh, Xa-lăng, Pi-nhông, Đắc-si... Để hạn chế sự chỉ trích của dư luận, Chính phủ Pháp đưa vào đoàn đại biểu 3 nghị sĩ của 3 chính đảng là Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Phong trào Cộng hoà bình dân. Đại biểu cho Đảng Xã hội là Giáo sư Pôn Ri-vê, một người có tư tưởng tiến bộ. Nhưng Pôn Ri-vê sau khi dự buổi trao đổi riêng của đoàn Pháp trước hôm khai mạc hội nghị đã rút lui. Ông nói là không muốn trở thành đồng loã với những kẻ phản bội các điều khoản của Hiệp định 6 tháng 3. Đoàn Pháp chỉ còn 11 thành viên. Việc cử Mác Ăng-đrê, một người có chân trong tập đoàn tư bản tài chính của Ngân hàng Đông Dương làm Trưởng đoàn và đoàn viên là những tên thực dân kỳ cựu ở Đông Dương, những tên tướng chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược, cũng đã chứng tỏ phía Pháp không có ý định đưa cuộc đàm phán đến kết quả thực sự.

        Những vấn đề đưa ra thảo luận trong Hội nghị là:

        1. Vấn đề Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và những quan hệ của nó với nước ngoài.

        2. Tổ chức Liên bang Đông Dương.

        3. Vấn đề thống nhất ba kỳ và trưng cầu ý kiến ở Nam Bộ.

        4. Các vấn đề kinh tế, quân sự, văn hoá.

        5. Thảo một dự án hiệp ước.

        Ngày 12 tháng 7, trong cuộc họp báo tại Pa-ri, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 6 điểm trong lập trường đàm phán của ta như sau:

        1. Việt Nam đòi quyền độc lập nhưng không phải hoàn toàn tuyệt giao với Pháp mà ở trong Liên hiệp Pháp, vì như thế, có lợi cho cả hai nước về mặt kinh tế và văn hoá, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.

        2. Việt Nam quyết không chịu có một Chính phủ Liên bang.

        3. Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam, không ai có quyền chia rẽ, không lực lượng nào có thể chia rẽ.

        4. Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo Luật Lao động của Việt Nam và Việt Nam giữ quyền mua lại những tài sản có quan hệ đến quốc phòng.

        5. Nếu cần đến cố vấn, Việt Nam sẽ dùng người Pháp

        6. Việt Nam có quyền phái đại sứ và lãnh sự đi các nước.

        Người kết luận: chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác thật thà, bình đẳng thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước.

---------------------
        1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 226, 267.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:55:07 pm »


        Lập trường đúng đắn của ta được dư luận tiến bộ Pháp và các nước hoan nghênh. Trái lại, lập trường của Pháp hết sức ngoan cố phản động. Chúng vẫn chủ trương thông qua cơ cấu Liên bang Đông Dương để giữ Việt Nam trong khuôn khổ phụ thuộc vào Pháp. Chúng vẫn tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam thống nhất, coi Nam Bộ là đất của chúng. Hội nghị bế tắc, ngày 1 tháng 8, thay mặt đoàn đại biểu ta, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tuyên bố đình chỉ cuộc họp. Trong suốt tháng 8, Hội nghị không họp lại được do lập trường hai bên không thay đổi. Các giới chính trị đại biểu quyền lợi tư bản phản động Pháp coi việc công nhận quyền độc lập thống nhất của Việt Nam là một thảm hoạ đối với nước Pháp, chúng sẽ làm mọi việc để tránh cho được thảm hoạ đó. Lợi dụng tình hình nước Pháp chưa có chính phủ chính thức, bọn thực dân phản động Pháp thực hiện chính sách vừa đàm phán, vừa lấn dần về chính trị, quân sự ở Đông Dương. Chúng tính nước sẽ thắng trong cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp vào cuối năm 1946 để thẳng tay thi hành chính sách phản động ở thuộc địa. Ngày 12 tháng 9 năm 1946, Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tan vỡ. Hôm sau, phái đoàn ta rời Pháp về nước.

        Cánh cửa hoà bình như đã đóng chặt. Quan hệ hai nước rất căng thẳng. Cuộc chiến tranh lớn có thể nổ ra một sớm một chiều. Để cứu vãn tình thế, dành thêm một thời gian nữa để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy đã hết thời hạn ở thăm nước Pháp với cương vị thượng khách của Chính phủ, Người vẫn ở lại Pháp trong một gia đình quen biết từ trước, để tiếp tục vận động cho một giải pháp hoà bình, dù là tạm thời và mỏng manh. Điều đó đã đạt được. Ngày 14 tháng 9 năm 1946, tại nhà riêng Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mu-tê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Mu-tê - đại diện Chính phủ Pháp - một bản tạm ước có 11 khoản gồm những nội dung chính sau:

        Bảo đảm quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp ở Việt Nam và quyền lợi kiều dân Pháp.

        Đình chỉ mọi hoạt động xung đột về võ lực giữa hai bên.

        Phóng thích tù binh và tù nhân chính trị.

        Vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam sẽ do một ủy ban chung Việt - Pháp ấn định.

        Ghi nhận cuộc thương thuyết vẫn còn tiếp tục và hiện trạng chưa bị phá vỡ hoàn toàn. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất là vào tháng 1 năm 1947.

        Chiều 15 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo ở Pa-ri, Người nói: “Sau 3 tháng ở Pháp đã đem lại cho tôi bản Tạm ước. Bản Tạm ước này đối với tôi có phải đã thoả mãn không? Có và không. Được rất ít nhưng có còn hơn không. Ký Tạm ước này, chúng tôi muốn một tinh thần rộng mở trong sự hoà giải. Chúng tôi sẽ thi hành Tạm ước nghiêm chỉnh và sẽ tìm ra khả năng để vượt qua những thoả thuận riêng về địa phương sau khi làm thuận lợi cho việc thương thuyết ở Hội nghị Phông-ten-nơ-blô. Chúng tôi hy vựng phía Pháp cũng thi hành nghiêm chỉnh Tạm ước đã ký với chúng tôi”1.

        Báo Sự thật ngày 20 tháng 9 năm 1946 viết về Tạm ước này: “Ý chí của Hồ Chủ tịch trong khi ký bản Thoả hiệp tạm thời là nhất quyết làm cho cuộc bang giao Việt - Pháp tiến bộ hơn ngày 6 tháng 3, tình giao bang giữa hai dân tộc dân chủ thân mật hơn và để thực hiện điều khoản của bản Thoả hiệp tạm thời có thể hoà hoãn những gay go giữa Việt - Pháp và dành thêm thời gian để bồi bổ thực lực và đón lấy một tình thế tốt hơn, để tỏ cho nhân dân Pháp thấy rằng dân tộc ta rất muốn thoả thuận với nhân dân Pháp (Hội nghị Phông-ten-nơ-blô bỏ dở là lỗi bọn tài phiệt Ngân hàng Đông Dương và tay sai của chúng, chứ không phải tại ta) và do đó tăng thêm tình cảm của dân Pháp và các dân tộc tự do khác đối với nước ta”2.

        Một nhà sử học Pháp, G. Cnaphác nhận xét có lý rằng: “Văn kiện bảo đoàn này che đậy sự thất bại của cuộc thương thuyết ở Phông-ten-nơ-blô về nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam. Cả hai bên đều cứu vãn được một thời gian ngắn, nhưng tương lai có vẻ đen tối, nguy hiểm của một cuộc chạm trán tàn bạo không phải là không có thể xảy ra”3.

        Ngày 18 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Pháp. Ngày 20 tháng 10 Chủ tịch về đến Hà Nội. Trong lời tuyên bố với quốc dân ngày 23 tháng 10, Người nói:

        “Tôi qua Pháp đáp lại thịnh tình của Chính phủ Pháp đã mời tôi, mục đích cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập cùng Trung Nam Bắc thống nhất. Vì hoàn cảnh hiện thời của nước Pháp mà hai vấn đề chưa giải quyết được, còn phải chờ. Nhưng không được thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung Nam Bắc nhất định thống nhất”4.

--------------------------
        1. Nguyễn Thành: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp, Tạp chí Thông tin lý luận, H. 1988, tr. 204.

        2. Báo Sự thật, ngày 20-9-1946.

        3. G.Cnaphác, Hai cuộc chiến tranh Việt Nam, tập 1, Bản dịch, Tư liệu Học viện Quốc phòng, tr. 3.

        4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 417.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:56:36 pm »


        Rõ ràng là khi ký Hiệp định Sơ bộ ta còn đặt hai khả năng: có thể giải quyết quan hệ Pháp - Việt bằng biện pháp hoà bình, hoặc cũng có thể chiến tranh sẽ nổ ra. Nhưng khí ký Tạm ước 14 tháng 9 thì tinh thần lại khác: khả năng hoà bình hầu như không còn, đây chỉ là phương sách làm chậm nổ ra cuộc chiến tranh không tránh khỏi. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, một mặt ta thi hành đầy đủ những điều khoản đã ký kết, tránh khiêu khích quân Pháp, kiên quyết đấu tranh chống Pháp vi phạm Hiệp định, mặt khác tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (19-10-1946) xác định “Bản Tạm ước chỉ là một cuộc thoả thuận tạm thời”, bởi vậy:

        a) Luôn luôn chuẩn bị đề phòng, đề phòng hơn trước kia.

        b) Phải học tập ráo riết về quân sự.

        c) Phải tự tin rằng tuy kém về kỹ thuật, vũ khí, nhưng với một tinh thần dẻo dai, bền bỉ, mình nhất định sẽ thắng.

        d) Phải nhận định nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp.

        đ) Phải đập tan những không khí thái bình, cho rằng ký Hiệp định rồi sẽ không còn đánh nhau nữa...”1.

        Đế quốc Pháp tuy ký Tạm ước 14 tháng 9, nhưng vẫn ráo riết tấn công về quân sự hòng bắt ta nhượng bộ nhiều hơn, hòng đặt lại tuyến thống trị trên khắp nước ta. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quân đội Pháp liên tiếp vi phạm các điều khoản đã ký kết, tiến công quân ta và khủng bố nhân dân rất dã man. Ở miền Bắc, chúng gây ra những vụ khiêu khích xâm phạm chủ quyền nước ta như đòi kiểm soát thuế quan và ngoại thương ở cảng Hải Phòng. Ngày 21 và 30 tháng 10 năm 1946, Pháp vạch kế hoạch đánh chiếm Hải Phòng bằng hai mật lệnh 13706 R/38 và 938 PC. Ngày 20 tháng 11, lấy cớ bảo vệ Hoa kiều, thực hiện quan thuế liên bang, thực dân Pháp nổ súng vào bộ đội ta và chiếm đóng ga Hải Phòng. Quân dân Hải Phòng kiên quyết chiến đấu chống lại hành động gây chiến trắng trợn này. Cuộc xung đột xảy ra. Ngày 21 tháng 11, phái bộ Pháp - Việt từ Hà Nội xuống dàn xếp. Hai bên đồng ý ngừng bắn. Nhưng phía Pháp vẫn không chịu thi hành. Chúng lấn tới theo kế hoạch xâm lược đã vạch ra. Ngày 22 tháng 11, Va-luy hiện là Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương (thay Lơ-cléc bị triệu hồi về làm Tổng thanh tra quân đội) và quyền Cao ủy Pháp, chỉ thị cho Moóc-li-e - Tư lệnh quân đội Pháp và quyền ủy viên Cộng hoà Pháp ở miền Bắc Đông Dương:

        “Không chậm trễ, ông phải khai thác triệt để vụ rắc rối này để củng cố vị trí của ta ở Hải Phòng... Triệt thoái khỏi Hải Phòng các lực lượng chính quy Việt Nam và tất cả thành phần bán quân sự, nhất là tự vệ... để quân đội ta hoàn toàn tự do chiếm đóng, không chấp nhận một hạn chế nào”.

        Tướng Moóc-li-e cho rằng làm như thế “có nghĩa là Hiệp ước 6 tháng 3 và Tạm ước sẽ tan vỡ hoàn toàn và gần như chắc chắn chiến cuộc sẽ lan rộng tới tất cả các đồn trại của chúng ta ở Bắc Kỳ”. Moóc-li-e kết luận rằng sự kiện ở Hải Phòng chứng tỏ một cách cụ thể rằng nước Pháp “đã chọn chính sách dùng vũ lực”. Chúng tiếp tục nổ súng đánh chiếm toàn bộ thành phố Hải Phòng, giết hại hàng nghìn đồng bào ta. Cùng ngày, thực dân Pháp ở Lạng Sơn tìm cớ đi tìm xác binh lính Pháp bị Nhật giết, để do thám các vị trí đóng quân của ta, cho xe tăng đi thị uy, cho binh lính đánh chiếm một số vị trí quân ta. Bị lực lượng vũ trang ta chống lại, chúng nổ súng đánh chiếm nhiều công sở. Mặc dù ta cố gắng dàn xếp, nhưng chúng vẫn không chịu rút quân, còn khủng bố dã man đồng bào ta.

        Đó là những hành động mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Chính phủ ta cố gắng dàn xếp để chấm dứt cuộc xung đột. Ngày 23 tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới. Người nêu rõ:

        “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp. Song khi phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng phải kiên quyết hy sinh...

        Người Việt Nam và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức:

        Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập.

        Người Việt Nam và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc cho cả hai dân tộc.

        Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho”1.

---------------
        1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Sđd, tr133

        2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 458.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:01:25 pm »


        Ngày 27 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương ngang ngược đòi ta phá bỏ những vật chướng ngại để quân Pháp được tự do đi lại trên đường Hải Phòng - Đồ Sơn.

        Ngày 6 tháng 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Quốc hội Pháp nhắc lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam muốn thành thật hợp tác với nhân dân Pháp. Người tố cáo các giới thực dân Pháp ở Đông Dương theo đuổi chính sách dùng vũ lực, vi phạm trắng trợn bản Tạm ước 14 tháng 9 và yêu cầu Pháp phải rút quân về các vị trí trước ngày 20 tháng 11, thực hiện các điều khoản của Tạm ước. Cùng ngày, Chính phủ ta cử đại diện gặp Xanh-tơ-ny trao đổi ý kiến. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hội kiến với Xanh-tơ-ny, đi đến thoả thuận 3 điều:

        1. Giải quyết một cách ổn thoả những cuộc xung đột đang tiếp tục xảy ra ở Hải Phòng và Lạng Sơn.

        2. Thi hành nhanh chóng bản Thoả hiệp tạm thời.

        3. Tránh tất cả những vụ xung đột có thể tạo ra một bầu không khí gay go.

        Ngày 15 tháng 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thông điệp cho Chủ tịch Chính phủ mới ở Pháp Lê-ông Bơ-lum nhắc lại lập trường xây dựng của Việt Nam, nêu một số điều kiện cụ thể để cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang ngày càng xấu đi do thực dân Pháp gây ra.

        Những cố gắng của ta để duy trì hoà hoãn, ngăn cản cuộc chiến tranh không được phía Pháp đáp lại. Trái lại chúng càng lấn tới.

        Ngày 16 tháng 12, tại Hải Phòng, những nhân vật chủ chốt của thực dân Pháp ở Đông Dương họp bàn kế hoạch xâm lược miền Bắc nước ta. Ngày 17 tháng 12, chúng trắng trợn gây ra nhiều vụ khiêu khích ở Hà Nội. Quân Pháp bắn vào trụ sở tự vệ ta, gây ra vụ thảm sát hết sức dã man đồng bào ta ở phố Yên Ninh và Hàng Bún. Ngày 18 tháng 12, quân Pháp chiếm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Trong ngày 18, Pháp chuyển cho ta hai bức thư, lời lẽ như những tối hậu thư đòi phá hủy những chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự do đi lại, đòi tự đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội... Phía ta vẫn tự kiềm chế.

        Ngày 18 tháng 12, Xanh-tơ-ny điện cho Sài Gòn thừa nhận điều này: “Dẫu sao, cái quyết tâm (của Chính phủ Việt Nam - VNK) không phát động một cuộc đổ vỡ hoàn toàn vẫn được ghi nhận cho tới hôm nay”1.

        Ngày 19 tháng 12, Chính phủ ta cử Hoàng Minh Giám đến gặp Xanh-tơ-ny và chuyển một lá thư ngắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những ngày vừa qua, tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thực là rất đáng tiếc. Trong khi chờ đợi quyết định của Pa-ri, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giám tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”2.

        Hoàng Minh Giám yêu cầu gặp Xanh-tơ-ny vào chiều hôm 19. Xanh-tơ-ny khước từ. Trong thời điểm hết sức căng thẳng này, Đảng ta khẳng định: “Sự thật đã chứng minh rằng: thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”3.

        Khả năng hoà hoãn đã hết, ngày 18 tháng 12, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (nay thuộc thị xã Hà Đông) dưới sự chủ toạ của đồng chí Hồ Chí Minh, nhận định thời kỳ hoà hoãn đã qua và quyết định cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp vào đêm 19 tháng 12 năm 1946.

        Sáng 19 tháng 12, Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi các mặt trận khu 1, 2, 3, 4, 11, 12 và Đà Nẵng bức thư điện sau:

        “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 12 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng, Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”.

        Chiều 19 tháng 12, từ Bộ Tổng tham mưu, một bức điện gửi cho các mặt trận như sau:

        “Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21 tháng 12 năm 1946, hàng mang mã số A+2 và B-2, chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”. A là giờ, B là ngày, tức là 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 19464.

----------------------
        1. Ph.Đờ-vi-le, Sđd, tr. 407.

        2. Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr. 575.

        3. Báo Sự thật, ngày 29-2-1946.

        4. Hai bức điện lịch sử trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Sự kiện và nhân chứng, tháng 1-1994.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM