Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:14:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28217 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:08:39 pm »


        Một thực tế không thể tránh khỏi là cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã gặp những khó khăn buổi đầu vô cùng gay gắt. Với lực lượng vũ trang còn non yếu, ta không ngăn được sức tiến công của một đội quân nhà nghề trang bị đầy đủ. Quân xâm lược chiếm đóng được tất cả các thành phố, thị xã, đường giao thông quan trọng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và bắt đầu càn quét “bình định” vùng nông thôn Nam Bộ rộng lớn. Chính quyền và đoàn thể ở nhiều nơi tan vỡ. Bộ đội ta và lực lượng kháng chiến đang đứng trước tình hình hết sức khó khăn: vũ khí, gạo, quần áo, thuốc men đều thiếu gay gắt, nhất là ở miền Đông, có nơi phải ăn cháo, ăn củ rừng, giải phẫu phải dùng cưa thợ mộc... Thậm chí có nơi thanh niên tình nguyện tòng quân quá đông, vật chất không đủ đảm bảo buộc phải để anh em.

        Tất cả những điều đó chỉ nói lên tính chất gay go ác liệt của một thời kỳ lịch sử, bản chất của tình hình chính là ở chỗ cuộc kháng chiến lâu dài và tất thắng đã được đặt nền móng vững chắc. Chính trong những ngày gay go ác liệt này, các lực lượng vũ trang miền Đông và Nam Bộ đã xác định được phương hướng xây dựng, thống nhất củng cố và phát triển để trở thành một bộ phận quân đội nhân dân có đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, lực lượng chiến tranh nhân dân bắt đầu hình thành, bước đầu củng cố, phát triển để kháng chiến lâu dài. Cũng có địa phương chủ trương lánh xa để bảo toàn lực lượng nhưng thực tế phần lớn lực lượng vũ trang vẫn đứng lại được.

        Một hệ thống căn cứ kháng chiến đã hình thành. Có những khu áp sát đô thị và xen giữa vùng dân cư như: An Phú Đông (Gò Vấp), Phước Long Thôn, Dĩ An (Thủ Đức), Vườn Thơm (Trung Quận), Bình Mỹ (Hóc Môn), Rừng Sác (nhà Bè), Long Mỹ (Bà Rịa), Rừng Rong (Trảng Bàng)... Trong lúc đó các chiến khu lớn có khả năng tập trung lực lượng kháng chiến và làm căn cứ lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh, khu, miền như Lạc An (phát triển thành Chiến khu Đ). Các khu rừng Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, vùng núi ven biển Bà Rịa, Đồng Tháp Mười.

        Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hiệp định Sơ bộ giữa Pháp và Việt Nam được ký kết. Hiệp định thể hiện chủ trương “hoà để tiến” - một trong những chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, hoà hoãn với Pháp để đuổi Tưởng, gạt bớt kẻ thù, tạo điều kiện cho ta chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

        Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ ngày 11 tháng 3 năm 1946, Người chỉ rõ quân và dân miền Nam phải biết lợi dụng điều kiện thuận lợi sau Hiệp định Sơ bộ để tăng cường lực lượng, đẩy mạnh kháng chiến. Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng vào cuối tháng 5 năm 1946, có cán bộ từ chiến trường Nam Bộ ra dự đã phân tích âm mưu mở rộng chiến tranh của địch và nhấn mạnh “phải thống nhất chỉ huy”, “giữ quyền chủ động tác chiến”, “phát triển vũ trang tuyên truyền”, “quấy rối ở các thành phố”.

        Đến tháng 3 năm 1946, quân Pháp chiếm đóng gần như toàn bộ Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, tỉnh Lai Châu và một phần Sơn La, chiếm hầu hết Cam-pu-chia, khống chế vùng giao thông rộng lớn ở Lào. Mặc dù hiệp định đã được chính phủ Pháp phê chuẩn nhưng bọn chủ chiến trong chính giới Pháp vẫn tìm cách phủ nhận và dựng lên cái gọi là “vấn đề Nam Bộ” thực hiện âm mưu “chia để trị”. Chúng tuyên bố “bản Hiệp định Sơ bộ không hề ràng buộc Nam Bộ” và tách Nam Bộ thành một “xứ tự trị”... Do đó Nam Bộ (và cả nam vĩ tuyến 16), Pháp vẫn tiếp tục thực hiện có hệ thống vừa dùng biện pháp quân sự tàn bạo để “bình định” nông thôn, tiêu diệt các lực lượng kháng chiến, vừa thi hành thủ đoạn chính trị nham hiểm tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Chúng mua chuộc lôi kéo bọn tay sai lập “hội đồng tư vấn” chính phủ bù nhìn, tập hợp các đảng phái phản động, như Mặt trận quốc gia liên hiệp, Mặt trận toàn quốc, Việt Nam cách mạng dân chủ xã hội đảng, Liên minh dân chủ đảng... đưa bọn mật thám vào lũng đoạn lực lượng Bình Xuyên, nắm giáo phái, gây hằn thù giữa Việt Nam - Cam-pu-chia. Nguyễn Tấn Cương, Lê Văn Hoạch, Trần Văn Tỵ, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm... đều được Pháp sử dụng để lập ra “Đảng Đông Dương tự trị”, “Đảng Nam Kỳ”, dựng lên cái gọi là “Nam Kỳ quốc”.

        Trong tình thế khó khăn, phức tạp đó, quân và dân Nam Bộ vẫn tỏ rõ ý chí là một nước thống nhất, tranh thủ khẩn trương chấn chỉnh tổ chức, củng cố lực lượng, kịp thời nắm thời cơ đẩy mạnh phá tề, trừ gian, khôi phục chính quyền cách mạng, tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp và đẩy mạnh phong trào đô thị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:09:03 pm »


        Từ cuối tháng 3 năm 1946, các tỉnh Nam Bộ tiếp tục đưa hàng loạt cán bộ vào nội thành, xây dựng lại cơ sở, đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền. Các xưởng công binh của khu, tỉnh, của nhiều đơn vị được hình thành. Các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm đẩy nhanh việc thống nhất lực lượng vũ trang. Sau khi chi đội 1 ở Thủ Dầu Một được thành lập, nhiều chi đội mới tiếp tục ra đời. Khu 7 đã xây dựng được 17 chi đội trong số 25 chi đội toàn Nam Bộ.

        Chấp hành quyết định của Bộ tư lệnh Khu 7, ngày 1 tháng 3 năm 1946, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định triệu tập Hội nghị An Phú Đông, thống nhất lực lượng vũ trang Gò Vấp - Dĩ An - Thủ Đức thành chi đội 6. Chi đội trưởng là Nguyễn Văn Dung, chính trị viên là Phạm Văn Khung (Bí thư Tỉnh ủy Gia Định). Ngay sau khi được thành lập chi đội đã tham gia trận An Phú Đông diệt hơn 100 tên Pháp. Đại đội trưởng đại đội 15 thuộc chi đội 6 là Thái Văn Lung, một trí thức tiến bộ, một tín đồ công giáo kính chúa yêu nước, có uy tín đối với giới trí thức và đồng bào Sài Gòn, người chỉ huy dũng cảm, đã trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang Thủ Đức đánh nhiều trận ác liệt khi quân Anh - Pháp tiến chiếm Thủ Đức. Rơi vào tay giặc, anh giữ vững khí tiết trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn dã man của kẻ thù. Cuối cùng, địch thắt cổ anh chết trong khám đường rồi phao tin anh tự tử.

        Chi đội 6 có cơ sở hậu cần mạnh ở nội thành Sài Gòn, tổ chức “hội ủng hộ chiến sĩ” có đến hàng trăm cơ sở.

        Chi đội 13, lực lượng công đoàn Sài Gòn, đa số là anh em công nhân đã tham gia chiến đấu ở nội thành ngay từ đầu kháng chiến và Mặt trận tiền tuyến miền Đông, thành lập vào tháng 3 năm 1946, (Sau này chi đội trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Thìn tức Mười Thìn)

        Tháng 3 năm 1946, trước tình hình các lực lượng vũ trang tập trung ở miền Tây, miền Trung Nam Bộ bị phân tán, theo ý kiến cửa đồng chí Lê Duẩn, từ Quân khu 7, một cán bộ do đồng chí Trần Văn Trà dẫn đầu về củng cố, tình hình Khu 8 đang gặp rất nhiều khó khăn trước sức tiến công của quân Pháp. Sau một chuyến đi nghiên cứu tình hình trước, đồng chí Trần Văn Trà lên dẫn hai trung đội giải phóng quân liên quận trở xuống. Ở Khu 8 đồng chí Trần Văn Trà tổ chức xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười, khu bộ đóng ở Bắc Chan (Mộc Hoá), tập hợp lực lượng đầu tiên xây dựng chi đội 14 có hai trung đội do đồng chí Trần Văn Trà dẫn về cùng các lực lượng Nguyễn Văn Vịnh, Lê Chí Giảng (Mỹ Tho), Bảy Siêu (Trung Quận - Chợ Lớn), Lê Văn Tường (Thủ Thừa - Tân An) ra quân lần đầu đánh thắng ở ngã tư Lagorange.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1946, giải phóng quân liên quận trừ bộ đội Đức Hoà, thành lập chi đội 12 do đồng chí Tô Ký làm chi đội trưởng, Hoàng Tế Thế chính trị viên. Giải phóng quân Đức Hoà có tiểu đoàn 924 Vũ Văn Tần, tiểu đoàn 922 Nguyễn An Ninh giải phóng Cần Giuộc (Trương Văn Bang tiểu đoàn trưởng, Lưu Quang Tuyến chính trị viên). Tiểu đoàn 923 Nguyễn Văn Tiếp, giải phóng quân Trung Quận (tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chuyên, chính trị viên Lê Văn Ơn), thành lập chi đội 15, chi đội trưởng Huỳnh Văn Một, chính trị viên Nguyễn Văn Hượt, chi đội 15 còn 7 biệt động, mỗi đội khoảng một tiểu đội.

        Ban chỉ huy chi đội 15 thành lập ban vận động ủng hộ kháng chiến lên đến 18.000 người, sau đổi là “hội ủng hộ vệ quốc đoàn”, trung bình mỗi tháng ủng hộ 20.000 đồng.

        Chi đội 11 thành phố chủ yếu là lực lượng vũ trang Tây Ninh, một bộ phận do Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đưa lên tăng cường gồm một trung đội Cộng hoà vệ binh và một đội cảm tử quân Sài Gòn, thành lập ngày 4 tháng 4 năm 1946 tại xã An Điền (huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một), chi đội trưởng đầu tiên là Trịnh Khánh Vàng (về sau đầu hàng Pháp), sau đó là Nguyễn Văn Dùng, chi đội phó là Trần Văn Đẩu.

        Lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn trước có “đại bản doanh” ở Phú Thọ) sau khi ra ngoại thành, tháng 1 năm 1946 thành lập chi đội 9. Lúc này Bảy Viễn làm khu bộ phó, kiêm chi đội trưởng. Văn phòng “đại bản doanh” bị hai tên phòng nhì (Tài, Sang) lũng đoạn.

        Lực lượng Bình Xuyên do đồng chí Bảy Trân nắm ở Chợ Lớn, có tham gia mặt trận số 4, sau xuống xóm Tiều (xóm người Triều Châu) ở Rừng Sác, thành lập chi đội 21, Nguyễn Văn Cạnh làm chi đội trưởng.

        Chi đội 25 thành lập ở Đức Hoà, đứng chân ở Trảng Bàng, thành phần chỉ huy phức tạp, sau khi bị tước khí giới bộ phận còn lại chạy về Long Thành sáp nhập với bộ phận của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn đang làm khu bộ phó).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:09:30 pm »


        Bộ đội Hoàng Thọ hình thành vào đầu kháng chiến (chỉ huy là Hoàng Thọ), khoảng một đại đội, vẫn chống Pháp nhưng không chịu thống nhất lực lượng, lưu động khắp chiến trường. Ngoài ra, có chi đội 5 của Phạm Hữu Đức.

        Ta chủ trương xây dựng lực lượng Cao Đài, thành lập chi đội 8, nhưng bọn phản động Đại Việt đã nắm chỉ huy, ngấm ngầm hoạt động chống phá cách mạng. Ta không nắm được chi đội 8 nhưng công nhận về danh nghĩa để tranh thủ lôi kéo.

        Các chi đội tỉnh như chi đội 11 (Tây Ninh), chi đội 16 (Bà Rịa), chi đội 1 (Thủ Dầu Một) đang trong quá trình tiếp tục củng cố nội bộ. Về sau, Đảng tăng cường các chính trị viên và điều đồng chí Nguyễn Ngọc Dung thay Trịnh Khánh Vàng. Ở Thủ Dầu Một, Dàng Man Thao về thay Huỳnh Lim Trương làm chi đội trưởng chi đội 1, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục làm chính trị viên. Ở Bà Rịa, đồng chí Trần Xuân Độ về làm chính trị viên chi đội 16...

        Bọn phòng nhì Pháp tìm mọi cách lũng đoạn nội bộ lực lượng Bình Xuyên, nhưng được sự quan tâm của Đảng và đóng góp của nhiều đảng viên như các đồng chí Bảy Trân, Trương Văn Bang, Nguyễn Văn Mạnh, Từ Văn Ri, Nguyễn Văn Tư, Lê Ngọc Hiền... nên gần như toàn bộ lực lượng Bình Xuyên được chuyển hoá.

        Lòng tin tuyệt đối của quân dân Nam Bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, sự chi viện của lực lượng lãnh đạo từ Côn Đảo về, những chủ trương đúng đắn của Hội nghị Thiên Hộ và đặc biệt là thời cơ do Hiệp định Sơ bộ tạo ra... là nhân tố hết sức quý báu tạo nên bước phát triển mới của kháng chiến Nam Bộ - đặc biệt là lực lượng vũ trang. Nét nổi bật trong toàn bộ phong trào cũng như trong xây dựng lực lượng vũ trang là ta từng bước đã xác lập được sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Đảng đã huy động được lực lượng cơ bản, lực lượng chủ lực của cuộc kháng chiến là công nhân và nông dân, đồng thời tập hợp mọi thành phần yêu nước khác nhất là trong đấu tranh chính trị, vũ trang ở đô thị, vùng tạm chiếm.

        Trên chiến trường miền Đông, sư đoàn bộ binh số 3 (3e DIC) đã thay sư đoàn bộ binh số 9 (9e DIC). Lúc này phần lớn lực lượng Âu Phi bị điều ra phía bắc, lực lượng còn lại phải dàn mỏng trên “một chiến trường không trận tuyến”. Chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” của Pháp chẳng những không làm cho lực lượng kháng chiến tan rã mà trái lại càng được củng cố và phát triển.

        Đi đôi với xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng thoát ly, ta đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng nội thành và đẩy mạnh hoạt động sau lưng địch. Hoạt động này bao gồm vũ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng, diệt đầu sỏ, phản động, gián điệp, ác ôn, đánh phá kho tàng địch...

        Ngày 23 tháng 3 năm 1946, lực lượng công an xung phong bắn chết tên Trần Văn Phát, một trong những tên cầm đầu cổ động thuyết “Nam Kỳ tự trị”. Trong tháng 4 năm 1946, nhiều tên sĩ quan bị trừng trị ngay tại sào huyệt của chúng.

        Trước chợ Bến Thành, chị Nguyễn Thị Lan (tức Lan Mê Linh) bắn gục tên Hiền Sĩ, chủ nhiệm tờ báo Phục Hưng, một tờ báo phản động tuyên truyền chia rẽ Bắc - Nam và cổ động thuyết “Nam Kỳ tự trị” của Pháp. Lan bị rơi vào vòng vây một trung đội Âu Phi và bị bắt. Người thiếu nữ 16 tuổi ấy vừa qua lớp huấn luyện quân sự “Võ Nguyên Giáp” của trường quân sự Quân khu 7. Tuy bị bắt, tiếng súng trừng trị Việt gian và hành động dũng cảm của Lan đã cổ động mạnh mẽ người Sài Gòn và tác dộng mạnh đến tinh thần bọn tay sai thực dân. Tiếp theo Nguyễn Đình Chính (Chín Heo) thuộc ban công tác số 1 cùng một chiến sĩ cải trang đột nhập vào nhà tên Hiền - một tên đầu hàng giặc, phản bội cách mạng và dùng dao găm đâm chết. Cùng thời gian này, quân cảm tử đã tiến công kho đạn của địch ở Sài Gòn. Đây là một kho đạn lớn nhất của chúng ở nam Đông Dương. Kho đạn này đầy ắp súng đạn Nhật để lại và của Pháp mới chở sang. 10 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 4, cảm tử quân tấn công kho. Đạn nổ liên hồi kéo dài đến chập tối ngày 11 tháng 4 mới dứt. 6.000 tấn đạn và thuốc nổ biến thành tro bụi. Nhiều lính Âu - Phi chết.

        Tháng 4 năm 1946, có hơn 60 cán bộ Trường Quân chính Khu 7 được phái vào Sài Gòn để xây dựng tự vệ thành 13 đại đội và 30 trung đội. Mỗi trung đội phụ trách một khu lao động hoặc một xí nghiệp. Lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Ban quân sự thành phố do đồng chí Xuân Diệu phụ trách. Cơ quan đóng tại Vĩnh Hội. Khu 7 còn tổ chức khoa tình báo, các chi đội có ban trinh sát, ban hành động, ban thông tin Nam Bộ cũng được thành lập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:09:53 pm »


        Ở ngoại vi Sài Gòn, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá căn cứ và bị giáng trả nhiều đòn đau.

        Trên vùng căn cứ Phước An, Phước Thọ, Phước Long (Long Thành) các chi đội 2, 3, 7 Bình Xuyên bẻ gãy cuộc hành quân trên 1.000 quân Pháp - nguỵ và hàng trăm xe cơ giới có pháo binh, không quân yểm trợ, 7 tên lê dương bị bắt sống. Thời gian này, đại đội 10 chi đội 6 có các đồng chí Trần Thắng Minh, Đào Sơn Tây chỉ huy, lập trận địa phục kích đánh thiệt hại nặng lực lượng địch trong cuộc hành quân cấp trung đoàn vào Chiến khu C (bắc Thủ Đức). Lực lượng vũ trang Cần Đước phục kích đánh đoàn vận tải hậu cần của địch trên sông (gồm có tàu kéo, xà lan, ghe chài), thu nhiều súng đạn, diệt 17 tên địch.

        Đầu tháng 4 năm 1946, tại khu vực Gò Dầu, chỉ ba ngày sau khi thành lập, chi đội 11 đánh một trận vận động phục kích xuất sắc. Hàng trăm lính Âu Phi, nguỵ Khơ-me chia thành ba mũi tiến công bằng bộ binh xe cơ giới, tàu đổ bộ đều bị đánh tan tác tại các khu vực xóm Mới (xã Lộc Thuận), Bàu Gò, Sóc Khuất, Bến Đình. Đặc biệt tại Sóc Khuất, Bến Đình, trong tình thế bị địch bất ngờ thọc sau lưng, một số cán bộ chiến sĩ bị bắt; lực lượng của các đồng chí Tư Đấu, Nam Bằng được đại đội 3 chi viện và nhân dân phối hợp, đã linh hoạt, khẩn cấp vận động xoay ngược tình thế, giành chủ động, bao vây địch. Bốn phía quân ta ép vào, cùng với nhân dân bịt hết các lối ra. Cánh quân địch bị tiêu diệt gần hết. Cán bộ, chiến sĩ ta vừa bị bắt được giải thoát. Địch bỏ xác tại chỗ hơn 100 tên. Ta thu 21 súng (có một trung liên), nhiều đạn và lựu đạn.

        Trận đánh đã cho một bài học sinh động về sự linh hoạt vận động, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp quân dân trong chiến đấu. Ở các khu vực Xóm Mới, Sóc Khuất, Bến Đình, bà con trẻ già đã cầm dao xông ra cùng bộ đội vây ép và truy kích địch.

        Cuối tháng 4 năm 1946, nhằm biểu dương lực lượng, động viên khí thế đồng bào tạm bị chiếm, hạ uy thế địch, chi đội 11 lại huy động cả ba đại đội tổ chức tập kích đồng loạt nhiều mục tiêu trong thị xã Tây Ninh, gây cho địch nhiều tổn thất, gây thanh thế Vệ quốc đoàn. Đáng tiếc, do chỉ đạo chưa chặt chẽ, một số đơn vị trong khi đánh địch ở xóm Chàm đã phạm khuyết điểm đốt một số nhà đồng bào Chăm, gây ảnh hưởng không tốt về chính trị.

        Cũng trong tháng 4 năm 1946, địch tập trung lực lượng mở cuộc hành quân lớn đánh vào Chiến khu Lạc An (chiến khu Đ) căn cứ Bộ tư lệnh Khu 7. Nắm được tin đó ta có kế hoạch nghi binh chuyển trước toàn bộ cơ quan về Giồng Đinh, công binh xưởng khu giao lại cho chi đội 10, và chỉ bố trí đánh lẻ tẻ. Địch khép chặt vòng vây vào chỗ không người.

        Khu bộ Khu 7 lập Chiến khu Đông Thành ở khu vực Giồng Đinh (lúc bấy giờ thuộc huyện Đức Hoà Thành, Tân An - nay thuộc Long An).

        Cuối tháng 4 năm 1946, Hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hoà được triệu tập tại Cù Lao Vịt do đồng chí Nguyễn Đức Thuận chủ trì. Hội nghị phân tích tình hình, vạch rõ những âm mưu của địch, kiểm điểm việc thống nhất các lực lượng vũ trang... Đồng chí Trần Minh Trí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Biên Hoà. Hội nghị đề ra các công việc về xây dựng Đảng, nâng cao sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, nhất là đối với lực lượng vũ trang, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ được cử làm ủy viên quân sự tỉnh Biên Hoà.

        Sau Hội nghị Cù Lao Vịt tháng 5 năm 1946, tại xóm Đèn (một ấp thuộc xã Tân Hoà), Hội nghị quân sự tỉnh Biên Hoà được triệu tập, hội nghị quyết định hai việc lớn:

        1. Nhập Vệ quốc đoàn huyện Châu Thành (60 người 30 súng trường), du kích Sở Tiêu (40 người, 13 súng) với Vệ quốc Biên Hoà thành lực lượng thống nhất của tỉnh lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hoà.

        2. Xây dựng căn cứ Chiến khu Đ thành căn cứ chính thức của tỉnh Biên Hoà.

        Tháng 5 và tháng 6 năm 1946, liên tiếp hai lần nữa Pháp lại mở cuộc hành quân lớn, mỗi lần trên 1.000 quân, vào Chiến khu Đ. Chi đội 10 tổ chức đánh địch giết chết tên thiếu tá Bi-coóc-đi-ê, diệt 2 tiểu đội lê dương, bắn rơi một máy bay, bắn cháy một xe quân sự.

        Được tăng cường lực lượng, Vệ quốc đoàn Biên Hoà biên chế thành 3 phân đội. Trước tình hình khó khăn về cung cấp, ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà lại tổ chức ra “quận quân sự”: toàn tỉnh có chín quận, mỗi quận có từ một đến hai đội vũ trang phụ trách một số xã vừa làm nhiệm vụ của chính quyền vừa làm nhiệm vụ xây dựng dân quân du kích, thu thuế, vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Tại Chiến khu Đ, quận quân sự 1 được thành lập với năm xã căn cứ: Tân Hoà, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:10:13 pm »


        Tháng 6 năm 1946, Bộ chỉ huy Khu 7 mở hội nghị bàn việc thống nhất và chỉ huy các lực lượng vũ trang trong toàn khu, tiếp tục tổ chức các chi đội trên từng tỉnh. Ngay trong tháng 6, Vệ quốc đoàn Biên Hoà và Vệ quốc đoàn huyện Long Thành thống nhất lại thành lập chi đội 10, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng, lực lượng lên tới 1.100 người, 380 súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, một súng cối, được chia thành 3 đại đội A, B, C. Đến tháng 10 năm 1946, Vệ quốc đoàn Biên Hoà chi viện lực lượng cho Bà Rịa - Vũng Tàu để thành lập chi đội 16. Sau sự phá tan của Tân, Hiền, lực lượng Bà Rịa - Vũng Tàu được dần dần khôi phục và đến đây đã có chi đội; chi đội trưởng là Nguyễn Văn Đạo.

        Trước tình trạng vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất giữa hai nhóm đảng viên Tiên phong và Giải phóng, ngày 30 tháng 5 năm 1946, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cải tổ Đảng bộ Nam Bộ. Trong thư gửi các đảng viên Nam bộ, Thường vụ Trung ương Đảng nghiêm khắc phê phán những biểu hiện sai lầm, những xung đột giữa “Việt Minh cũ”, “Việt Minh mới”, việc kết nạp theo lối “tự do ghi tên”... Những hiện tượng đó làm cho Đảng rời rạc, gây ảnh hưởng xấu cho Đảng, cho chủ nghĩa cộng sản, tạo điều kiện cho bọn cơ hội, bọn khiêu khích chui vào Đảng, phá hoại.

        Sau khi quân Pháp mở rộng lấn chiếm ra toàn Nam Bộ, Xứ ủy hợp nhất ngày 15 tháng 10 năm 1945 lại bị phân tán, không còn sự lãnh đạo tập trung. Khoảng giữa năm 1946, sau khi củng cố các tỉnh ủy, tại kinh Năm Ngàn (Đồng Tháp Mười) đã diễn ra cuộc hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư. Sau đó Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ được củng cố, đồng chí Phạm Ngọc Thuần - Phó chủ tịch quyền Chủ tịch thay Chủ tịch Phạm Văn Bạch ra Bắc công tác. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến từ xứ đến tỉnh, huyện, xã trở lại thông suốt. Trước thái độ kiên quyết của ta và đòi hỏi của dư luận tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là dư luận tiến bộ Pháp, phía Pháp buộc phải thực hiện quy định của Hiệp định Sơ bộ và mở cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp tại Pa-ri. Tuy vậy, nhà cầm quyền Pháp vẫn cố trì hoãn bằng cách bày chuyện tổ chức hội nghị trù bị suốt ba tuần lễ từ ngày 19 tháng 4 tại Đà Lạt, nhưng không đạt kết quả vì Pháp vẫn giữ lập trường chia cắt nước Việt Nam, lập liên bang Đông Dương, không chịu ngừng bắn, không chịu tổ chức trưng cầu ý dân ở Nam Bộ, âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.

        Trước khi lên đường sang thăm Pháp vào ngày 31 tháng 5 năm 1946, theo lời mời của Chính phủ cộng hoà Pháp, với tư cách thượng khách, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Người khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

        Trong khi buộc phải thừa nhận đàm phán, nhà cầm quyền Pháp vẫn tiếp tục ra sức phá hoại hiệp định. Ngày 1 tháng 6 chỉ một ngày sau khi phái đoàn Chính phủ ta lên đường, Đác-giăng-li-ơ đổi “chính phủ Nam Kỳ tự trị” thành “Chính phủ cộng hoà Nam Kỳ tự trị”. Ngày 3 tháng 6, thủ tướng chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh cam kết bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Nam Bộ.

        Do lập trường hiếu chiến xâm lược của Pháp trong đó có vấn đề Nam Kỳ, cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp tại Phông-ten-nơ-blô (ngày 6 tháng 7 đến ngày 13 tháng 9 năm 1946) lại tan vỡ. Tuy nhiên để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến và làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp bản Tạm ước ngày 14 tháng 9, trong đó có điều khoản hai bên đình chỉ xung đột, Pháp phải cam kết thi hành các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ...

        Tuy chưa giải quyết được vấn đề chủ yếu quan hệ đến vận mệnh Tổ quốc, nhưng Tạm ước 14 tháng 9 là một thắng lợi về sách lược đấu tranh ngoại giao của Đảng và Chính phủ ta.

        Sau việc cải tổ Đảng ở Nam Bộ, chính quyền nhân dân, các đoàn thể cứu quốc được khôi phục ở hầu hết nông thôn Nam Bộ, có 1.000 xã trong tổng số 1.230 xã đã thành lập và khôi phục Ủy ban kháng chiến và các tổ chức quần chúng. Tự vệ và du kích ấp, xã được xây dựng lại. Nhân dân và lực lượng vũ trang các nơi kết hợp tác chiến, địch vận với nổi dậy, phá từng mảng hội tề, nhổ hàng loạt đồn bốt. Nhiều nơi có đội du kích khá mạnh như ấp 4 xã Vĩnh Lộc, Phú Thọ (Gia Định), Hoà Lam, Thanh Tuyền, Thới Hoà (Thủ Dầu Một).

        Phong trào đô thị, đặc biệt là ở Sài Gòn phát triển khá mạnh. Hàng ngàn người tham gia các ban công tác, đội tự vệ thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:10:49 pm »


        Ngày 14 tháng 7, cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện ở phủ toàn quyền cũ. Truyền đơn và khẩu hiệu chống Pháp xuất hiện ở nhiều nơi, đến mức địch phải ra lệnh giới nghiêm. Ngày 3 tháng 8, nhân dân Sài Gòn bãi công, bãi chợ, phản đối thực dân Pháp triệu tập Hội nghị liên bang Đông Dương ở Đà Lạt. Báo chí cũng công khai đưa ra các khẩu hiệu “Thống nhất Tổ quốc”, “Phản đối chính phủ tự trị”. Ngày 19 tháng 8, kỷ niệm ngày tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn lại nổ ra cuộc đình công lớn, nhân dân bày tỏ thái độ kiên quyết không hợp tác với Pháp.

        Từ đêm 18 rạng ngày 19 tháng 8, du kích lọt vào Sài Gòn, chiến đấu với quân Pháp. Suốt dọc đường từ Chợ Lớn đến cầu ông Lãnh, nhân dân chen chúc nghe các chiến sĩ xung phong diễn thuyết dưới cờ đỏ sao vàng. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, quân Pháp đến không dám làm gì lại trở về bót.

        Nhân dân ở các vùng tạm chiếm đưa con em ra bưng biền, gửi tiền bạc, quần áo, thuốc men ra chiến khu. Phong trào ủng hộ kháng chiến, chống âm mưu “tự trị” của giặc Pháp lan rộng trong các tầng lớp nhân dân, cả tư sản, công chức. Đối phó với tình hình đó, giặc Pháp giở khủng bố trắng xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 13 tháng 7 trong khi triệt hạ một làng ở Gò Vấp, bọn sĩ quan Pháp tuyên bố: “Ở đây không cần lập hội tề, chỉ cần bắn phá và chiếm đất”. Trong thời gian Pháp ban bố Tạm ước 14 tháng 9, khu trưởng Nguyễn Bình chủ trương chấn chỉnh lần nữa các lực lượng vũ trang nội thành, phân chia khu vực hoạt động ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Ban quân sự thành. Đến cuối năm 1946, các ban công tác 7, 8, 9 sáp nhập và rút lực lượng tự vệ ra thành lập thêm ba ban công tác. Ngoài ra còn có ban 145 thuộc khoa tình báo Khu 7 và ban công tác 12 do Hồ Thị Bi chỉ huy, hoạt động vùng Hóc Môn, Bà Điểm, trực thuộc chi đội 12.

        Sáu tháng cuối năm 1946, các chi đội Vệ quốc đoàn vừa tác chiến vừa củng cố, xây dựng lực lượng, bổ sung quân tăng cường huấn luyện. Các chi đội đều tổ chức xưởng quân giới, chủ yếu là chế tạo đạn, sửa chữa súng. Trường Quân chính Khu 7 tiếp tục mở các lớp đào tạo cán bộ trung đội đại đội. Riêng chi đội 6 có Trường Võ bị, vốn là của tỉnh Gia Định, làm nhiệm vụ huấn luyện bồi dưỡng cán bộ của chi đội.

        Trong thời gian này, Pháp tung 500 quân càn vào ấp 4 xã Vĩnh Lộc, chi dội 12 bí mật rút ra ngoài, chờ địch lọt vào ấp rồi trở lại vây đánh. Bị thiệt hại nặng, địch bỏ chạy. Sau đó biết chủ lực ta đã di chuyển, giặc Pháp lại càn vào Vĩnh Lộc bắn chết 380 đồng bào ta. Đó là vụ thảm sát lớn nhất của giặc Pháp ở Nam Bộ từ đầu kháng chiến đến nay.

        Tháng 7 năm 1946, không có đánh lớn nhưng chiến trường vẫn sôi động từ nội thành đến biên giới. Nổi bật là các trận đánh ở suối Đá, xóm Vịnh (Tây Ninh), Tuy An, Lộc Ninh, Bình Chánh (Thủ Dầu Một), Đức Hoà (Chợ Lớn),... Quân Pháp liên tiếp bị tiêu hao từ 5, 7 tên đến hàng trăm tên như trận đánh giao thông trên đoạn Bình Ước - Lái Thiêu, cả đoàn xe tải Pháp có một xe bọc thép yểm trợ bị bộ đội và du kích tiêu diệt chỉ còn một lái xe sống sót.

        Tại Đức Hoà (Chợ Lớn), ngày 23 tháng 7 quân Pháp huy động 1.000 tên có hải quân và không quân yểm trợ từ ba ngả Lương Hoà, Cầu Xáng, Đức Hoà kéo tới bao vây chi đội 4. Bộ đội ta vừa bố trí bảo vệ dân, vừa tổ chức chiến đấu phá gọng kìm bao vây của địch. Từ sáng đến 14 giờ, cuộc chiến diễn ra dữ dội, ta hy sinh 2, diệt trên 150 tên lính Pháp. Quân Pháp tiếp tục cho viện binh tới, nhưng bộ đội đã rút khỏi vòng vây an toàn.

        Tháng 7 năm 1946, lợi dụng những ngày mưa to nước lớn, quân Pháp hành quân chiếm Mộc Hoá.

        Khu bộ Khu 8 dời căn cứ về kênh Dương Văn Dương. Mặc dù địch chiếm Mộc Hoá, trên một khu vực lớn của Đồng Tháp Mười không còn bóng quân Pháp. Chiến khu Tháp Mười đã ổn định về thế và lực. Tháng 8, địch đánh vào đây, bỏ xác trên 70 tên. Cũng vào tháng 8, theo quyết định của Trung ương khu bộ Khu 8 được thành lập lại. Đồng chí Trần Văn Trà được chỉ định là Khu bộ trưởng, Nguyễn Văn Vịnh - Chính ủy, Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quang - Khu bộ phó, Nguyễn Văn Trí - Phó chính ủy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:11:38 pm »


        Ngày 26 tháng 9 năm 1946, Pháp tập trung 2.000 quân đánh vào Đức Hoà, Tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Chi đội 15 tổ chức phản kích trong một ngày diệt 25 xe vận tải, một xe tăng, một máy bay. Cuối năm 1946, trên chiến trường Tây Ninh diễn ra nhiều trận đánh tốt như trận đánh giao thông ngày 2 tháng 10 trên đường Bàu Đồn - Truông Mít, bộ đội ta diệt gọn 5 xe địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận đánh ở đông bắc Gò Dầu, đại đội C chi đội 11 diệt 50 tên, thu 20 súng (tháng 11 năm 1946). Đặc biệt trong tháng 11 năm 1946, đại đội C chi đội 11 đã đánh địch chạy tan tác trong trận càn vào ấp Xóm Mới xã An Tịnh (Trảng Bàng) có xe bọc thép gắn đại bác 20 ly yểm trợ. Toàn bộ xe bọc thép bị diệt trên cánh đồng trước bìa xóm Mới. Địch bỏ xác 50 tên, ta thu 1 trung liên, 10 súng trường, phá hủy 5 đại bác 20 ly. Trận đánh nổi lên tấm gương của Trần Minh Ngọc, một người chỉ huy giỏi, cũng là xạ thủ đại liên xuất sắc, đã lần lượt bắn chết 5 xạ thủ địch trên 5 xe bọc thép.

        Đồng bào An Tịnh phấn khởi, khao bộ đội ba con trâu. Từ đó khu vực trận địa này được nhân dân đặt tên mới là Rừng Năm Xe.

        Tháng 11 năm 1946, Hội nghị quân sự Khu 8 tại Gò Luỹ - Ấp Bắc, có mặt Bộ tư lệnh và các cơ quan khu bộ Khu 8 và đại biểu quân sự các tỉnh. Hội nghị ra quyết định phát động chiến tranh nhân dân toàn khu, thống nhất các lực lượng vũ trang Khu 8. Đến đây Khu 8 đã hoàn chỉnh về hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, thống nhất lực lượng. Toàn khu có năm chi đội (3.307 người).

        Ở các tỉnh khác, nhiều trận tập kích, chống càn cũng thắng lớn: trận Cầu Móng (Gò Công) diệt gọn một trung đội địch (tháng 4 năm 1946); trận tập kích chiếm thị trấn Cái Bè hơn 2 giờ (ngày 20 tháng 10 năm 1946); trận chống càn ở xã Tân Bình Điền (Gò Công) tiêu diệt hơn 150 tên lính Pháp (tháng 10 năm 1946).

        Trong buồi đầu kháng chiến do ấu trĩ, ta cũng có những vấp váp đáng tiếc. Trong việc phá tề, trừ gian, có địa phương vi phạm chính sách tôn giáo. Lợi dụng sai sót này, địch đã tuyên truyền kích động số người theo đạo Hoà Hảo, Cao Đài chống lại kháng chiến. Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy chỉ thị phải cấp bách và kiên quyết sửa chữa sai lầm trên, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ.

        Công việc sửa sai và vận động đồng bào các tôn giáo được khẩn trương tiến hành, mạnh nhất là ở các vùng Hoà Hảo, Cao Đài. Đây là quá trình đấu tranh quyết liệt với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch. Thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Bộ tư lệnh Khu 7 và Tỉnh ủy Tây Ninh chủ trương mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc, sẵn sàng kết nạp vào Mặt trận Việt Minh hoặc giao các chức vụ trong hệ thống tổ chức kháng chiến, hành chính đối với những người có đạo, yêu nước. Nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo và nhiều vị có chức sắc trong các tôn giáo dần dần hiểu rõ chính sách của Chính phủ, hăng hái tham gia kháng chiến. Ngày 12 tháng 10 năm 1946, ông Cao Triều Phát - Chủ tịch 12 phái Cao Đài tuyên thệ: “Trung thành với Chính phủ Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập và thống nhất Tổ quốc”. Khối đoàn kết toàn dân chống thực dân Pháp xâm lược ngày càng được mở rộng và củng cố.

        Sau 1 năm 2 tháng 27 ngày chiến đấu, nhân dân Nam Bộ đã hoàn thành sứ mệnh “đi trước” mà lịch sử đã giao cho.

        Từ khi nổ súng xâm lược, thực dân Pháp đã phải sử dụng cả lực lượng mà theo dự kiến ban đầu là để đánh chiếm toàn Đông Dương, nhưng vẫn không lập được xứ “Nam Kỳ tự trị”, không đè bẹp được tinh thần kháng chiến anh dũng, bất khuất của Nam Bộ, thành đồng của Tổ quốc Thắng lợi của quân và dân Nam Bộ trong hơn một năm đầu chống Pháp chẳng những đã góp phần làm xáo trộn cả kế hoạch chiến lược của Pháp mà còn tạo điều kiện chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài trên cả nước. Vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng, quân và dân ta đã nhanh chóng khắc phục những mặt sai, yếu, ấu trĩ, từng bước tôi luyện trưởng thành. Các đơn vị vũ trang và toàn thể nhân dân Nam Bộ được chuẩn bị sẵn sàng cùng cả nước tiếp tục tiến lên thực hiện nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc1.

-----------------
        1. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), Tư liệu Viện Lịch sử Đảng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:12:13 pm »

       
II. NAM TRUNG BỘ MỞ ĐẦU KHÁNG CHIẾN

        Ngay sau sự kiện quân Pháp gây chiến tranh xâm lược ở Sài Gòn, cuối tháng 9 năm 1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Trung Bộ đã triệu tập Hội nghị quân sự. Hội nghị dự báo tình hình giặc Pháp sẽ mở rộng chiến tranh ra Nam Trung Bộ và bàn kế hoạch đối phó. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban quân chính Nam Trung Bộ để chỉ huy chiến đấu tại địa bàn Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.

        Tuy chiến tranh lúc này chưa tới nhưng mọi hoạt động của quân, dân các tỉnh Nam Trung Bộ đã trong tình trạng thời chiến. Nhiệm vụ của Nam Trung Bộ là bảo đảm hành lang và vận chuyển lực lượng Nam tiến cùng vũ khí trang bị của Trung ương và các tỉnh phía Bắc vào Nam Bộ; đóng góp sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến; chuẩn bị lực lượng, các phương án và sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công của quân Pháp từ hướng nam, hướng tây và hướng đông từ biển vào cùng các hành động chống phá của quân đội Nhật đang còn đóng trên địa bàn.

        Trong khó khăn chung của cả nước, Nam Trung Bộ lại có những khó khăn, phức tạp riêng. Là địa bàn chiến lược quan trọng: án ngữ tuyến Bắc - Nam, gồm cả vùng ba biên giới, chiếm lĩnh điểm cao khống chế cả Nam Bộ... nhưng lại là địa bàn khó phòng thủ về quân sự: đất rộng, người ở vùng Tây Nguyên lại thưa, tiềm lực kinh tế, quốc phòng nhỏ bé, các hướng phòng thủ về quân sự đều khó khăn, chiến trường rộng, dễ bị chia cắt.

        Bằng sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, các tỉnh Nam Trung Bộ đều thành lập các chi đội, đại đội Vệ quốc quân, tự sắm vũ khí, trang bị, chuẩn bị các phương án chiến đấu.

        Mục tiêu quan trọng nhất đối với Nam Trung Bộ là đánh chiếm Nha Trang, từ đó chiếm vùng đồng bằng ven biển và đánh chiếm cả Nam Trung Bộ.

        Chưa đầy một tháng, sau khi gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lại Việt Nam, ngày 19 tháng 10 năm 1945, thực dân Pháp đổ bộ hơn 1.000 quân lên Nha Trang. Kết hợp với số quân Pháp được Nhật thả ra ở đây và được sự hỗ trợ của 9.000 quân Nhật, quân Pháp đã đánh chiếm nhiều vị trí trong thị xã Nha Trang.

        Nha Trang là một thị xã lớn, ở sát biển, án ngữ quốc lộ 1 và ngã ba lên Buôn Ma Thuộc. Với vị trí chiến lược như vậy, âm mưu của thực dân Pháp là chiếm Nha Trang làm bàn đạp mở rộng chiếm đóng ra cả tỉnh Khánh Hoà và cả vùng Nam Trung Bộ. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Trung Bộ bắt đầu với mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà.

        Do so sánh lực lượng quân sự, địch mạnh hơn hẳn ta, địa hình Nha Trang lại bằng phẳng, trống trải, địch có thể chi viện lực lượng và phi pháo từ biển vào, theo tình hình và chủ trương chung, chỉ huy mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà chủ trương chủ động tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực và giam chân địch trong thị xã, tạo điều kiện cho nhân dân tản cư về vùng sau, các cơ quan, kho tàng... đưa về căn cứ, sau đó rút lực lượng vũ trang chặn đánh địch từng bước và chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

        Chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban quân sự tỉnh là: “Chủ động tiến công đồng loạt quân Pháp và quân Nhật ở Nha Trang trước khi chúng hành động. Kiên quyết chiến đấu tiêu hao từng bộ phận địch, ngăn chặn bước tiến của chúng, bảo tồn lực lượng, bao vây chặt quân địch trong thị xã, đồng thời chuẩn bị điều kiện xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài”1.

        Thực hiện kế hoạch tác chiến của chỉ huy mặt trận, 3 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 1945, lực lượng vũ trang địa phương cùng các chi đội Nam tiến, được nhân dân giúp sức, đã chủ động tiến công vào tất cả các vị trí quân Pháp chiếm đóng trong thị xã Nha Trang. Quân Pháp tuy lực lượng đông, có phòng bị nhưng vẫn bị bất ngờ về thời gian và sức tiến công mạnh mẽ của quân ta nên lúc đầu chúng đối phó bị động, lúng túng. Chiến sự diễn ra ác liệt tại nhà Ga xe lửa, nhà Đèn, khu kho Bình Tân... Quân ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu vũ khí ở nhà Ga, tiêu diệt một số địch ở Bình Tân, phá hủy một số máy móc ở nhà Đèn... Quân Pháp lúc đầu chỉ lo chống trả, nhưng dần dần sức tấn công của ta có hạn, chúng tổ chức phản kích quyết liệt, đẩy được các lực lượng ta khỏi vị trí chiếm đóng của chúng và chiếm thêm một số vị trí khác nữa.

        Sau một ngày chiến đấu liên tục trong nội thị, đêm 23 tháng 10 năm 1945, được lệnh của Ban chỉ huy mặt trận, lực lượng vũ trang Nha Trang rút dần ra thị xã, củng cố tổ chức, phối hợp cùng lực lượng ngoại thị lập hệ thống phòng tuyến bao vây quân Pháp trong thị xã.

        Nhờ có phòng tuyến vững chắc và tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Khánh Hoà nên suốt một tháng từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 23 tháng 11, ta đã đánh bại nhiều cuộc tiến công nống ra của quân Pháp, giữ vững trận địa.

-----------------------
       1. Bộ chỉ huy quân sự Khánh Hoà, Lực lượng vũ trang Khánh Hoà - 30 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1992, tr. 54.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:15:50 pm »


        Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến cuộc kháng chiến của quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ngày 1 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL cử Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến làm Đặc phái viên của Chính phủ đến các tỉnh Nam Trung Bộ nắm tình hình và chỉ đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc ở đây. Đặc phái viên Chính phủ Lê Văn Hiến đã chuyển thư “Gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thư “Gửi bộ đội miền Nam” của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đến bộ đội và nhân dân Nha Trang - Khánh Hoà cổ vũ động viên tinh thần kháng chiến.

        Cuối tháng 12 năm 1945, sau khi được tăng viện lực lượng, quân Pháp mở những cuộc đánh lớn nhằm chọc thủng phòng tuyến của ta. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở các hướng bắc và tây bắc thị xã. Quân ta phải lui về xây dựng phòng tuyến mới cách thị xã khoảng 6km.

        Ngày 27 tháng 1 năm 1946, phái đoàn quân sự của Chính phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã vào kiểm tra tình hình kháng chiến ở chiến trường Nam Trung Bộ và truyền đạt chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ cho các chiến khu và các mặt trận. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Nguyễn Sơn - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam đã tới thị sát mặt trận Nha Trang, họp bàn kế hoạch với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính và chỉ huy mặt trận. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo phương hướng kháng chiến của Khánh Hoà thời gian tới là: “Rõ ràng khi địch tấn công ồ ạt, lực lượng chúng cũng hạn chế, việc lập phòng tuyến vừa đánh vừa chặn địch với quyết tâm cao là tốt. Song chỉ đạo sắp tới, thực dân Pháp sẽ tăng viện, mở cuộc tấn công mới, ta cần thấy trước và điều chỉnh ngay sự bố trí và cách tác chiến, không thể giữ mãi các phòng tuyến hiện nay mà phải chủ động rút ra một số bộ phận..., đồng thời tỉnh nên chủ động xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng Đồng Trăng”1.

        Nhờ giữ vững được phòng tuyến, ngăn chặn quân Pháp mở rộng chiếm đóng, đầu tháng 1 năm 1946, nhân dân Nha Trang - Khánh Hoà đã tích cực hưởng ứng, tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội thắng lợi. Trong ngày bầu cử, mặc dù bị máy bay quân Pháp ném bom, bắn phá ở nhiều khu vực, làm thương vong đồng bào, chiến sĩ ta nhưng hơn 90% cử tri đã đi bỏ phiếu. Tỉnh có 3 đại biểu trúng cử.

        Cuối tháng 1 năm 1946, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp huy động 15.000 lục quân có sự phối hợp của hải quân và không quân, mở cuộc hành quân Gô (Gaur) do đích thân Lơ-cléc - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, chỉ huy đánh chiếm các tỉnh Nam Trung Bộ với mục tiêu chính là Nha Trang - Khánh Hoà. Đây là một chiến dịch quy mô lớn, lực lượng mạnh, tiến công bằng nhiều mũi, từ nhiều hướng của địch.

        Ngày 25 tháng 1 năm 1946, quân Pháp dùng cơ giới xuất phát từ Biên Hoà hành quân lên Di Linh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuộc, chúng đã chiếm từ trước rồi quay lên đánh chiếm Phan Rang, Phan Thiết theo đường 1 và từ hướng Buôn Ma Thuộc theo đường 21 xuống.

        Ở Đắc Lắc, từ tháng 9 năm 1945, Ban quân sự tỉnh đã được thành lập. Ban quân sự tỉnh đã thành lập được một số đơn vị tập trung cấp đại đội, xây dựng lực lượng dân quân ở các buôn làng, lực lượng tự vệ ở một số đồn điền, vận động nhân dân vót chông, làm cạm bẫy... Một việc quan trọng của tỉnh là lập phòng tuyến mặt trận ba biên giới, phòng thủ địch đánh từ Nam Bộ lên và từ đất Cam-pu-chia sang. Cuối tháng 11 năm 1945, quân Pháp có quân Nhật dẫn đường, dùng cả máy bay, xe tăng theo hai hướng từ Nam Bộ và Cam-pu-chia đánh vào phòng tuyến ba biên giới, mặt trận của ta bị vỡ, địch chiếm được Buôn Ma Thuộc.

        Sau khi hành quân lên Tây Nguyên và chiếm được Phan Rang, Phan Thiết, quân Pháp theo hai hướng đánh vào Nha Trang. Trước sức mạnh của địch, lực lượng vũ trang ta vừa chặn đánh gây cho chúng nhiều tổn thất, vừa tổ chức cho đồng bào tản cư, di chuyển trận địa, rút lên căn cứ.

        Ngày 2 tháng 2 năm 1946, lực lượng vũ trang ta rút khỏi mặt trận Nha Trang - Khánh Hoà, kết thúc 101 ngày đêm chiến đấu gian khổ, kiên cường, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang.

        Đầu tháng 2 năm 1946, trên mặt trận kháng chiến Nam Trung Bộ, quân Pháp đã chiếm được các thị xã, thị trấn, các đầu mối giao thông quan trọng. Nhưng chính quyền cách mạng và các lực lượng vũ trang ta vẫn làm chủ các vùng nông thôn các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và phần lớn vùng rừng núi các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.

        Để củng cố khối đoàn kết các dân tộc, kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến, ngày 19 tháng 4 năm 1946, Đại hội “Đoàn kết đánh Pháp” các dân tộc ít người miền Nam Việt Nam được tổ chức tại thị xã Plây Cu. Trên 400 đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng tham dự. Trong lễ khai mạc, đại hội trân trọng đón thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta...”1.

        Từ Đại hội “Đoàn kết đánh Pháp” ra về, các đại biểu chuyển đến từng buôn làng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương đoàn kết toàn dân của Đảng. Khí thế đoàn kết đánh giặc lên cao. Nhân dân các dân tộc làm “lễ ăn thề” nêu cao quyết tâm đánh giặc và bàn bạc các phương án chống giặc.

        Có thể nói, tiếp sau Nam Bộ và gần như cùng với Nam Bộ, Nam Trung Bộ là một trong hai miền đất của Tổ quốc Việt Nam đã mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

-----------------------
       1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hoà, Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hoà, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2001, tr. 172.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:24:14 pm »

       
Chương 2

“CHÚNG TA MUỐN HOÀ BÌNH, CHÚNG TA PHẢI NHÂN NHƯỢNG”

        Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cục diện chính trị thế giới có nhiều chuyển biến to lớn, ảnh hưởng đến tình hình nước ta. Đế quốc Mỹ đã phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu. Mỹ cũng nhận ra rằng không thể kéo cách mạng Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của mình. Mỹ muốn Tưởng tập trung lực lượng đối phó với cách mạng Trung Quốc, lôi kéo Anh - Pháp lập mặt trận chung bao vây Liên Xô ở phía châu Âu, muốn dùng Pháp ngăn chặn làn sóng đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, cho nên Mỹ thoả thuận cho Pháp chiếm lại Đông Dương. Mắc Lơ-rơ đã không cho những sĩ quan OSS - Cục Nghiên cứu chiến lược Mỹ ở Nam Trung Quốc - cộng tác với ta nữa và đưa về nước những người Mỹ biểu thị cảm tình với cách mạng Việt Nam.

        Ngày 22 tháng 8 năm 1945, Đờ-gôn đến Oa-sinh-tơn hội đàm với Tru-man, trong đó đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ chính thức thừa nhận bằng văn bản chủ quyền của Pháp trên đất Đông Dương.

        Với Anh, ngày 24 tháng 8 năm 1945, một thoả hiệp Pháp - Anh về nguyên tắc và cách thức khôi phục chủ quyền của Pháp tại Đông Dương được ký kết.

        Nhận được sự thoả thuận của Mỹ và Anh, đó là sự cổ vũ lớn với Pháp. Tiếp theo, Pháp phải tính đến trở lực lớn là quân Tưởng hiện đang chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Cuối tháng 12 năm 1945, Xanh-tơ-ny gửi thư về Pa-ri: “Năm tháng ở Côn Minh phụ trách một vị trí quan sát đặc biệt và năm tháng ở Hà Nội từ 22 tháng 8 đến nay đã cho phép tôi khẳng định rằng việc đặt Bắc Kỳ trở lại dưới quyền của nước Pháp chỉ có thể thực hiện được với sự thoả thuận của Trung Hoa”. Xanh-tơ-ny phân tích: Nếu dùng vũ lực với những phương tiện cực kỳ lớn mạnh thì không có gì chứng tỏ có những phương tiện ấy và thấy không có quyết tâm. Nếu có làm cho Trung Hoa lùi bước thì họ sẽ ủng hộ lực lượng cách mạng Việt Nam qua đường biên giới sau này. Đó là khó khăn tốn kém. Nếu dùng biện pháp ngoại giao thì dẫn đến kết quả:

        1. Chúng ta sẽ được Bắc Kỳ mà không phải đổ máu.

        2. Làm cho Bắc Kỳ trở về với chúng ta nhanh hơn cách dùng vũ lực.

        3. Cho phép chúng ta ngay từ bây giờ khai khẩn một xứ đang hàng ngày vượt tới một trạng thái cực kỳ hỗn loạn.

        4. Xây dựng bước đầu sự xê dịch tiếp cận về kinh tế với Trung Hoa1.

        Về phía Tưởng Giới Thạch, trước sức mạnh của cách mạng Việt Nam và sự bất lực của bọn tay sai, trước những khó khăn ở ngay trong nước và phải theo lệnh Mỹ, buộc phải rút quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Tưởng còn đòi hỏi Pháp một số quyền lợi, và muốn trước khi rút quân dựng lên ở Việt Nam một chính quyền tay sai để ép Pháp và giữ được ảnh hưởng nhất định để chuẩn bị cho ý đồ bành trướng sau này khi có điều kiện. Cuộc mặc cả quyền lợi giữa Tưởng và Pháp diễn ra từ cuối tháng 8 năm 1945. Trong hồi ký của mình, Đờ-gôn viết rằng từ tháng 10 năm 1944, ông ta đã được tướng Pếch-cốp (đại diện Pháp ở Trùng Khánh) cho biết: “Tưởng Giới Thạch hứa sẽ giúp Pháp lập lại chủ quyền ở Đông Dương khi thời cơ đến”. Một năm sau, thông qua Tống Tử Văn, Trùng Khánh lại khẳng định với Đờ-gôn điều đó3. Bản thân Đờ-gôn đã hội đàm với T.V. Song, Chủ tịch Viện Hành pháp Trung Hoa vào cuối tháng 8 năm 1945 ở Oa-sinh-tơn và giữa tháng 9 năm 1945 ở Pa-ri. Hai bên đã đạt được những thoả thuận. Đến ngày 7 tháng 2 năm 1946 thì cuộc đàm phán chính thức tại Trùng Khánh bắt đầu. Ngày 28 tháng 2 năm 1946 Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết giữa Bộ trưởng ngoại giao Vương Thế Kiệt và đại sứ Pháp tại Trung Hoa Giắc May-e. Những điều khoản chính của Hiệp ước là:

        1. Phải bỏ hết các trị ngoại pháp quyền của Pháp trên đất Trung Quốc, trao trả cho Tưởng các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông, đất thuê Quảng Châu Loan.

        2. Pháp nhường cho Tưởng một khu đặc biệt ở cảng Hải Phòng. Ở đó Tưởng được tự do nhập hàng và có quyền kiểm soát hải quan.

        3. Pháp bán lại cho Tưởng đoạn đường sắt nằm trên đất Trung Quốc của con đường Hà Nội - Vân Nam.

        4. Tưởng không bắt Pháp phải chịu tiền phí tổn về việc quân đội Trung Quốc đóng ở miền Bắc Đông Dương.

        5. Những Hoa kiều ở Đông Dương sẽ được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt hơn trước.

        Hiệp ước Trùng Khánh không có khoản nào nói về Chính phủ Trung Hoa thuận cho Pháp vào thay quân đội Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16. Trong đàm phán, phía Tưởng chỉ hứa hẹn sẽ cho quân Pháp vào thay thế. Quá trình đàm phán sau đó mới đi đến một bản thỏa ước về quân sự giữa Bộ Tổng tham mưu Tưởng và Tổng chỉ huy quân Pháp ngày 13 tháng 3 năm 1946 công bố điều này. Thỏa ước quy định thời hạn quân Tưởng rút là từ ngày 15 đến ngày 31 tháng 3 năm 1946.

-----------------
        1. H. Adô: Hồ Chí Minh - cơ hội cuối cùng, Pa-ri 1968, Bản dịch, Tư liệu Viện lịch sử Đảng, tr. 141, 142.

        3. Trần Trọng Trung, Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1979, tr. 72.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM