Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:23:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28117 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 07:51:18 pm »


        Ở 107 Trần Hưng Đạo, ta chỉ có một tổ nhỏ đánh một lúc rồi rút. Tối 20 ta cũng rút khỏi Đấu Xảo, đem theo nhiều dân. Qua đường Nguyễn Du thì bị hỏa điểm bắn vào dân. Đây là ổ chiến đấu độc lập của địch còn sót lại ta chưa diệt được. Bộ đội, tự vệ chiến đấu phải tìm cách bắn bịt hỏa điểm địch, bảo vệ dân rút.

        Cũng sáng ngày 20, ở Liên khu 2, địch ở Đồn Thủy ra chiếm lại Lò Đúc, Viện Pa-xtơ, nhà Stai-quai (Phà Đen). Trong mấy ngày liền ta giành đi giật lại Stai-quai. Cuối cùng địch có lực lượng mạnh, ta phải rút. Con đường rút xuống phía nam của ta bị khống chế.

        Từ Đồn Thuỷ địch còn cho xe bọc thép cùng bộ binh ra giải vây cho rạp Ma-giét-tíc nhưng bị ta chặn lại ở trường Hàm Long không tiến được. Trận đánh ở trường Hàm Long kéo dài cả một ngày và đã đánh lui được quân địch.

        Ở Liên khu 3, ngày 20, địch ở Phủ Toàn quyền nống ra phố Ngọc Hà và phố Đội Cấn hòng đẩy quân ta ra xa nhưng bị ta đẩy lùi.

        Qua một ngày đêm chiến đấu đầu tiên, quân dân Hà Nội đánh trên 30 trận, diệt 300 địch, làm bị thương nhiều tên khác, bắt khoảng 400 tên, phá hủy 5 xe tăng, 2 xe gíp, 7 xe vận tải, phá hỏng 5 xe tăng, 5 xe bọc thép, tiêu diệt và đánh bật một số vị trí nhỏ và nhiều ổ chiến đấu độc lập

        Dù sao, trong điều kiện so sánh lực lượng quá chênh lệch, quân ta ở Hà Nội còn ấu trĩ, lần đầu tiên mới trực tiếp đánh địch, việc đạt được thành tích như vậy là rất tốt.

        Bị đánh phủ đầu bất ngờ, địch rất lúng túng. Kế hoạch làm đảo chính chiếm Hà Nội trong một thời gian gần nhất bị phá sản hoàn toàn. Các trận đánh oanh liệt của ta ở Hàng Đậu, ở Nhà Hát Lớn, ở Bắc Bộ phủ, ở Nha Công an đã làm địch không còn hung hăng coi thường ta như trước. Chúng trở nên khiếp sợ, sợ bom ba càng, sợ mìn, sợ lựu đạn, sợ tinh thần dũng cảm của ta.

        Theo thông báo của Bộ, trong đêm 19 tháng 12, địch ở nhiều thành phố thị xã khác cũng bị đánh. Do nhận được lệnh muộn, Nam Định nổ súng lúc 0 giờ 30 phút ngày 20, Huế lúc 2 giờ 30, Hải Dương lúc 3 giờ, Bắc Giang, Bắc Ninh lúc 3 giờ, Vinh lúc 3 giờ.

        Nhờ gần Trung ương, lại chuẩn bị tốt nên Hà Nội chấp hành mệnh lệnh đúng giờ quy định, có vinh dự nổ súng mở đầu kháng chiến toàn quốc.

        Toàn bộ lực lượng địch ở Hà Nội đã phải tung ra để đối phó và tiến công ta. Bộ chỉ huy địch ở Bắc Bộ và Bộ Tổng chỉ huy địch không còn lực lượng dự bị, trong lúc mọi nơi xin tăng viện, xin tiếp tế.

        Trước tình thế đó, Bộ chỉ huy địch ở miền Bắc đã lệnh cho quân ở Hải Phòng phải gấp rút đánh thông đường 5 đưa lực lượng tăng viện cho Hà Nội, đồng thời rút tiểu đoàn ở Bắc Ninh, Bắc Giang về để góp phần từ Gia Lâm đánh xuống mở thông đường 5. Va-luy đã kêu gọi binh lính: “Hãy nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt, chẳng bao lâu nữa, các bạn sẽ được tăng viện và tiếp tế”. Ông ta cố giật gấu vá vai để đưa quân từ miền Nam ra và điện về Pa-ri xin viện binh sang gấp.

        Về phía ta, một ngày đêm thử lửa đã làm vững tâm cán bộ chiến sĩ Thủ đô. Hiện tượng bỡ ngỡ, lo lắng của tất cả và sợ hãi, dao động của một số người đã qua đi. Anh em thấy rõ dù địch có ưu thế to lớn về binh khí kỹ thuật, dù bom đạn ác liệt, dù hỏa lực địch rất mạnh nhưng địch vẫn có nhiều điểm yếu, ta có thể đánh và trụ lại nhiều ngày. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đài phát thanh truyền đi và được đăng tải trên các báo Thủ đô là lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước nhắc nhở toàn dân Hà Nội và toàn quốc phải kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

        Sau khi đi thăm mặt trận Hà Nội ở phố Khâm Thiên vào sáng ngày 20, đồng chí Tổng chỉ huy chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu điều của Chiến khu 2 tăng cường cho Hà Nội một tiểu đoàn và đề nghị Bác và Thường vụ cho sáp nhập Chiến khu 11 vào Chiến khu 2 để mặt trận có một hậu phương rộng rãi làm chỗ dựa.

        Ủy ban kháng chiến Hà Nội cũng quyết định sáp nhập 2 khu Trúc Bạch và Lãng Bạc thành Liên khu Trúc Lãng để tiện việc chỉ huy tác chiến và tiếp tế cho Liên khu 1.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 07:53:45 pm »


        Về phía địch, ngày 21 chúng đánh chiếm trụ sở Bộ Quốc phòng (nay là trường Trưng Vương, 28 Hàng Bài) và Trại Vệ quốc đoàn Trung ương (40 Hàng Bài), ngày 22 chúng đánh chiếm Tòa Thị chính (nay là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội).

        Tại trụ sở Bộ Quốc phòng thuộc phạm vi Liên khu 2, ta có chuẩn bị tốt nên chặn được các mũi tiến công của địch. Chúng phải cho máy bay oanh tạc dữ dội. Quân ta đánh trả quyết liệt gây cho địch nhiều thương vong. Ở Trại Vệ quốc đoàn Trung ương, vừa diệt xong bọn địch ở Ma-giét-tíc quân ta phải chống lại cuộc tiến công của địch từ 2 mặt đông tây đánh tới, xe tăng thọc vào giữa sân, ta phải rút sang nhà Vĩnh Thụy (51 Trần Hưng Đạo).

        Trận đánh Tòa Thị chính thuộc Liên khu 1 diễn ra trong 15 giờ liền. Đây là một vị trí quan trọng ta không để địch chiếm một cách dễ dàng, Liên khu 1 điều trung đội vệ quốc đoàn vốn là giải phóng quân ở Việt Bắc làm nhiệm vụ gác nhà ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tăng cường để giữ Tòa Thị chính.

        Vì đã vấp phải sự kháng cự kiên quyết của quân ta ở Bắc Bộ phủ, trong trận này địch thận trọng hơn. Sáng ngày 22, chúng bắt đầu tiến công. Sau khi hỏa lực phi cơ, pháo binh chuẩn bị dữ dội, chúng cho 3 xe tăng và 5 xe bọc thép dẫn bộ binh xung phong. Quân ta chờ địch tiến gần mới bắn, đánh lui 3 đợt xung phong của địch. Trong suốt ngày 22 địch không đột phá được. Để bảo toàn lực lượng, tối ngày 22 ta chủ trương rút lui sau khi đã diệt khoảng 30 địch, thu được 10 súng trường và 2 tiểu liên. Sáng ngày 23 địch mới chiếm được Tòa Thị chính.

        Ngày 23, để dồn hẹp phạm vi của ta ở nam Liên khu 1, quân Pháp từ Tràng Thi theo các đường Cửa Nam, Quán Sứ phủ Doãn, Lý Quốc Sư tiến đánh Hàng Bông. Các đội tự vệ chặn đánh quyết liệt nhưng vì hỏa lực địch mạnh nên tự vệ dồn về phía Hàng Da, Hàng Nón. Do đó nhiều chỗ bị trống.

        Liên khu 1 kịp thời đưa một tiểu đội vệ quốc đoàn đến phòng thủ, nhất là để cố giữ cho được khách sạn A-si-a. Địch tập trung cố gắng đánh chiếm khách sạn, dùng pháo trên xe tăng bắn trúng các cửa ngõ. Nhưng bộ binh xung phong đều bị ta đánh bật. Một xe tăng địch húc tường chui vào tầng dưới bị chai xăng crếp của ta đốt cháy. Địch phải cố tìm cách kéo xe ra, vì nhà cháy ta phải rút, địch cũng không chiếm được khách sạn. Cuộc tiến công Hàng Bông lần thứ nhất của địch cơ bản bị thất bại.

        Trong thời gian này, địch đã có ý định nống ra khu vực nam và cửa ô thuộc Liên khu 2.

        Ngày 22, địch từ Đồn Thủy đánh ra Lò Lợn định đánh xuống Ô Đống Mác nhưng bị tự vệ khu Lò Đúc đánh vào sườn. Bị nhiều tổn thất, chúng phải cụm lại ở nhà Đúc tiền.

        Cùng ngày, một mũi từ Lò Đúc theo đường Nguyễn Công Trứ định tiến sang phố Duy Tân bị tự vệ Lò Đúc và đại đội của tiểu đoàn 56 (tăng cường cho tiểu đoàn 77) đánh chặn1.

        Cùng ngày, địch theo đường Lê Văn Hưu tiến sang đường Nguyễn Du đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu (nay là trụ sở Tổng cục Bưu điện). Cơ quan Bộ đã rút đi từ tháng 11 năm 1946. Trung đội vệ binh còn lại cùng tự vệ khu Chợ Hôm, tự vệ khu Bảy Mẫu chiến đấu quyết liệt đánh lui 5 đợt xung phong của địch. Hai chiến sĩ ôm bom ba càng xông lên bị đạn địch bắn trúng. Trung đội trưởng vệ binh của Bộ Tổng tham mưu là Trần Thành xông lên ôm bom ba càng đâm nổ tung một xe tăng, đồng chí bị thương, bọn địch xông lại định bắt nhưng anh đã cho nổ 2 quả lựu đạn diệt địch và hy sinh vô cùng anh dũng. Đến 20 giờ quân ta rút sau khi đã diệt được 45 tên địch, phá 1 xe tăng. Ta hy sinh 30 chiến sĩ vệ quốc đoàn, 18 tự vệ.

        Ngày 23, địch tiến công Ô Đống Mác lần thứ hai. Đến trưa chúng tiến đến ba-ri-cát, phá ba-ri-cát rồi chiếm chùa Thanh Lương. Buổi chiều, nhân lúc địch sơ hở, ta phản kích, đồng loạt ném lựu đạn, địch hốt hoảng bỏ chạy, ta truy kích buộc chúng phải bỏ Đống Mác, Thanh Lương rút về nhà thương (nay là cơ quan Bộ Lâm nghiệp). Ta cũng lui về giữ Đống Mác.

        Ngày 23, chúng dùng 6 xe tăng và xe bọc thép cùng một số xe chi viện bộ binh theo hai hướng: một từ ngã năm Hàng Kèn theo đường Bà Triệu, Huyền Trân Công Chúa; một theo đường Duy Tân để đánh chiếm chợ Hôm Đức Viên. Vệ quốc đoàn và tự vệ lợi dụng đường đục qua tường nhà, cơ động lực lượng, dùng bom ba càng, dùng bộ binh đánh vào sườn địch phá được 2 tăng, diệt 30 tên, đánh lui được địch. Chúng không thực hiện được ý định đánh chiếm chợ Hôm.

----------------
        1. Đại đội này được gọi là đại đội hải ngoại, vì gồm các binh sĩ người Việt trong quan lại Pháp trước đây đóng ở Thượng Hải (tô giới của Pháp ở Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch). Khi được tin nước nhà đã giành được độc lập, anh em đấu tranh đòi về nước. Pháp phải nhượng bộ, đưa về Hải Phòng. Đại đội này chiến đấu rất dũng cảm, bắn rất giỏi.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2016, 07:58:48 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 07:59:04 pm »


        Về phía ta, từ ngày 20, đi đôi với việc chặn đánh các đợt tiến công của địch, liên tiếp trong các tối, ta dùng lực lượng nhỏ tập kích quấy rối, tiêu hao nhỏ làm địch mất ăn mất ngủ, tiêu phí đạn dược. Ngày 21, ta tập kích trại Ngọc Hà. Trong các tối 21, 22, 23, ta liên tiếp quấy rối địch từ Yên Phụ đến cầu Long Biên. Tự vệ và bộ đội các khu đều có bộ phận nhỏ đánh du kích.

        Trong ngày 22, bằng cách bắn ngắm trực tiếp, pháo đài Láng đã bắn rơi một máy bay địch. Đây là chiếc máy bay bị rơi đầu tiên ở Hà Nội từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

        Tối 23, Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ cho tất cả các đơn vị phải mở một đợt đánh du kích, quấy rối đồng loạt nhiều vị trí địch.

        Các liên khu đã tích cực chấp hành mệnh lệnh. Địch bị đánh ở nhiều nơi. Riêng Liên khu 3 chủ trương tiến công một lần nữa để tiêu diệt địch ở nhà dầu Sen và nhà Ga nhưng đều bị chặn lại.

        Sau ba ngày chiến đấu, đến ngày 23 tháng 12, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định điều chỉnh lại lực lượng theo thế trận đã xác định từ trước. Các lực lượng Liên khu 1 co về khu vực cố thủ để đánh dài ngày. Liên khu 2 và Liên khu 3 bố trí lại lực lượng để đánh địch tiến công trên các trục đường ra cửa ô.

        Các liên khu tiếp tục tăng cường chiến lũy, công sự, hầm hố, giao thông hào, chướng ngại, tiến hành mạnh mẽ công tác chính trị, nắm vững bộ đội, tránh hoang mang dao động đi đến tan rã, tiếp tục tản cư dân, bổ sung đạn dược, lương thực.

        Khi các lực lượng vũ trang Liên khu 1 co về khu cố thủ, nói chung cán bộ, bộ đội có tinh thần vững vàng, nhưng Liên khu ủy phát hiện một số ít cán bộ, thậm chí cán bộ cấp tiểu đoàn sợ chiến đấu trong vòng vây, bàn tán với nhau cách phá vây. Liên khu ủy đã kịp thời lãnh đạo để toàn thể cán bộ, chiến sĩ kiên trì chiến đấu dài ngày trong vòng vây vì đây là một cách đánh mà trên đã xác định.

        Theo chỉ thị của Bác và Thường vụ, tối 23 tháng 12, đồng chí Trần Quốc Hoàn, đặc phái viên của Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo - Phó bí thư thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Việt Hùng - Khu phó Chiến khu 11, bí mật luồn vào Liên khu 1 nắm tình hình và nhận thấy ta có khả năng đánh dài ngày. Các đồng chí đồng ý báo cáo lên Thường vụ và Đảng ủy mặt trận cho rút ra ngoài vài ba cán bộ dao động. Sau đó việc này đã được thực hiện.

        Sự quan tâm sâu sắc của Trung ương đã động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Liên khu 1 kiên quyết chấp hành.nhiệm vụ đánh sau lưng địch và làm cho sự lãnh đạo và chỉ huy của liên khu càng vững mạnh kiên định hơn.

        Do lực lượng có hạn, địch không có khả năng đẩy ta ra ngoài cửa ô nhanh chóng mà chỉ nống ra một ít và chủ vếu cố siết chặt vòng vây Liên khu 1.

        Ngày 24, địch tiến công rạp Phi-lác-mô-níc (nay là rạp múa rối nước, phố Đinh Tiên Hoàng) định đánh Hàng Dầu thì bị ta chặn lại. Ngày 27, chúng chiếm khu vực Hàng Hành, Bảo Khánh, Hàng Trống ở phía nam Liên khu 1.

        Sau khi chiếm được khu vực này, địch tiến công Hàng Gai và đánh chiếm Hàng Bông lần thứ hai. Ở Hàng Gai, Ban chỉ huy Liên khu 1 đã tăng cường 5 tiểu đội vệ quốc đoàn, một đơn vị hỗn hợp tự vệ, tự vệ chiến đấu và công an xung phong. Địch cố chiếm hiệu thuốc Noóc-man, đình Hàng Gai. Ta giành giật từng gian nhà với địch, đưa lực lượng đến phản kích.

        Điều đáng tiếc là trong khi ta đang đánh địch quyết liệt ở Hàng Gai thì ở Hàng Bông ta bị đánh bất ngờ, ứng cứu không kịp, phải bỏ hết các vị trí bên dãy số lẻ sang giữ dãy số chẵn. Việc này ảnh hưởng đến việc chiến đấu phòng thủ ở Hàng Gai. Đến 18 giờ, địch cũng chiếm được dãy số lẻ trong đó có nhà Noóc-man và nhà Chí Lợi. Ta cũng buộc phải chuyển sang giữ bên số chẵn.

        Cũng trong 2 ngày trên địch chiếm Sở Thủy Lâm, Sở Giao thông công chính, Tòa án Hàng Tre ở phía đông liên khu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:01:45 pm »


        2. Chặn. đánh dịch ra các cửa ô, trụ bám Liên khu 1 để đánh trong lòng địch (24-12-1946 - 14-1-1947).

        Ở Liên khu 3, ngày 24 địch từ nhà Gian-đa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật) định đánh xuống Ô Chợ Dừa theo đường Hàng Bột nhưng bị quân ta ở khu Văn Miếu chặn đánh quyết liệt nên phải rút lui.

        Ở Liên khu 2, sau hai lần đánh ở Đống Mác bị đánh lui, ngày 24 tháng 12 địch tập trung lực lượng quyết đánh chiếm Ô Đống Mác. Để bảo toàn lực lượng, ta chặn đánh một thời gian ngắn rồi rút về Thanh Lương, tổ chức phòng thủ ở chiến lũy Ba Hàng.

        Ngày 25, bộ binh và cơ giới địch theo đường Lê Đại Hành cho một mũi định đánh thông đường Đại Cồ Việt nhưng bị quân ta đánh lui; một mũi tiến qua Vân Hồ định đánh ra Kim Liên để mở thông đường La Thành nhưng không tiến được, cũng buộc phải rút.

        Chấp hành lệnh của Tổng chỉ huy, Tổng tham mưu trưởng đã điều tiểu đoàn 56 của trung đoàn 13 Hà Đông (Chiến khu 2) tăng cường cho Hà Nội. Bộ chỉ huy Chiến khu 11 đã giao tiểu đoàn này cho Liên khu 2 để có thêm lực lượng ở vùng cửa ô. Tiểu đoàn đã được bố trí ở khu vực Đống Mác, Thanh Lương để đánh địch.

        Đồng chí Phùng Thế Tài, trung đoàn trưởng trung đoàn 13 đã được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy cả 3 tiểu đoàn 77, 212 và 56. Ba tiểu đoàn này theo quyết định của Bộ chỉ huy Mặt trận đã rút ra phòng thủ tuyến nam đường La Thành, đường Đại Cồ Việt và đường Trần Khát Chân.

        Cũng trong ngày 25, Thường vụ Trung ương đã quyết định sáp nhập Chiến khu 11 vào Chiến khu 2 để Hà Nội có thêm một hậu phương vững chắc, rộng rãi. Đồng chí Vương Thừa Vũ làm khu phó Chiến khu 2, đồng thời trực tiếp là chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội. Đồng chí Trần Độ làm phó chính ủy Chiến khu 2.

        Ngày 26, địch tiến công Ô Cầu Dền để đánh thông đường La Thành. Ở đây ta đắp một chiến lũy rất vững chắc. Đồng chí Phùng Thế Tài đã chỉ đạo xây một hỏa điểm đại liên trên nóc ba-ri-cát. Chờ địch đến gần, ta phát huy hỏa lực đại liên diệt trên một chục tên địch. Sau ba lần xung phong bị đánh lui, địch phải rút quân.

        Cũng trong ngày 26, địch theo đường Trần Khánh Dư và đường Ô Đống Mác, đê Thanh Lương định đánh xuống Vĩnh Tuy. Ta diệt nhiều tên buộc chúng phải rút lui.

        Ngày 28 địch tiến công Ô Cầu Dền lần thứ hai, lần này có xe tăng dẫn đường. Do phán đoán trước nên ta đã bố trí sẵn lực lượng. Khẩu ba-dô-ca cơ động của mặt trận được điều đến; ngoài ra, trên đường còn úp nồi niêu, xoong chảo để nghi binh. Xe tăng địch phải chạy chậm và cho bộ binh đi dò mìn trước. Ta bắn các tên dò mìn và bọn ngồi trên xe, còn ba-dô-ca do một chiến sĩ người Nhật sử dụng đã bắn cháy một xe tăng. Thấy ta có ba-dô-ca, địch khiếp sợ buộc phải tháo chạy, ý định chiếm Ô Cầu Dền bị thất bại. Thừa thắng, ta thọc lên đến trường Duy Tân diệt một số địch rồi rút về Ô Cầu Dền.

        Ở Ô Cầu Dền dựa vào chiến lũy khá kiên cố, ta giữ được vị trí khá lâu. Đồng thời, ở nam đê Bành Lao, ta đào một chiến hào bố trí lực lượng để chặn địch. Đồng chí Vương Thừa Vũ đã trực tiếp đến đây để rút kinh nghiệm việc đắp ụ chiến lũy Cầu Dền và động viên bộ đội. Trong một thời gian khoảng 20 ngày địch không đột phá nổi.

        Cũng trong ngày 28, địch lại theo hai hướng Trần Khánh Dư, Đống Mác, Thanh Lương tiến đánh Vĩnh Tuy lần thứ hai, có phi pháo chi viện mãnh liệt, có xe tăng dẫn đầu. Quân ta dựa vào chiến lũy Ba Hàng, dùng đại liên diệt nhiều tên, đánh lui địch. Riêng ở làng Thanh Lương lực lượng ta rút ra ngoài nhử địch vào rồi từ hai mặt phản kích, địch hốt hoảng tháo chạy, ta truy kích đến Đống Mác. Trận này ta diệt 50 tên địch, ta thương vong 16. Đây là một trận đánh dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.

        Một điểm đáng chú ý là khi tiến công, địch bắt dân đi trước, chúng cũng mặc áo dân tiến sau. Ta phải bắn chỉ thiên cho dân tản ra để đánh địch.

        Ngoài ra, địch phái bọn Việt gian, thổ phỉ ăn mặc giống ta trà trộn để bắn lén, chỉ điểm cho phi pháo. Các liên khu phải tổ chức bộ phận đặc nhiệm để quét bọn này.

        Về phía ta, sau đợt quấy rối tập kích đêm 23, Bộ chỉ huy mặt trận lại lệnh cho các liên khu phải tiếp tục đánh du kích, đồng thời chuẩn bị để đánh địch tiến công ra các cửa Ô khác.

        Trong các đêm 24, 25, 26 cho đến 29, tự vệ Trúc Lãng quấy rối địch từ Yên Phụ đến cầu Long Biên.

        Đêm 24, tự vệ Liên khu 1 quấy rối địch ở Hàng Đậu. Tự vệ khu Hoàn Kiếm và 1 tổ vệ quốc đoàn tập kích nhà Moóc-li-e, treo quốc kỳ ở Tháp Rùa.

        Đêm 25, một trung đội của tiểu đoàn 145 tập kích nhà Tiền diệt một số địch. Một bộ phận khác của tiểu đoàn tập kích địch ở chùa Một Cột, phá một xe gíp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:09:22 pm »


        Một đơn vị tự vệ Liên khu 3 tập kích vào nhà Gian-đa phá được 2 xe tăng. Cũng trong đêm 25, tiểu đoàn 523 Liên khu 3 lại đánh nhà Ga và nhà dầu Sen lần thứ ba. Riêng đơn vị đánh nhà dầu Sen được tăng cường một khẩu 37 ly với 6 viên đạn và một khẩu 12,7 ly với 175 viên đạn.

        Ở nhà Ga, ta đột nhập được vào sâu, ném một số lựu đạn, bị hỏa lực địch chặn không tiến lên được. Khi rút, ta ném lựu đạn phá được một xe thiết giáp.

        Ở nhà dầu Sen và quán cơm Hỏa Xa, lần này ta áp sát diệt được một ụ súng rồi bị hỏa lực địch chặn lại không vào được cổng. Mũi chiến đấu vào theo đường Khâm Thiên diệt được ụ súng thứ hai. Ta phát hiện một xe bọc thép đang bắn. Lập tức đồng chí Nguyễn Vũ Giáp, quân khí viên và các đồng chí Triệu, Quảng ném lựu đạn lên xe rồi chiếm xe, dùng khẩu 12,7 ly trên xe bắn vào các hỏa điểm ở tầng cao, lái xe ra bắn vào địch ở nhà chè Phú Xuân và vào ga. Cuối cùng bắn hết đạn vào nhà dầu Sen, các anh phá xe rồi rút. Anh em định tháo khẩu 12,7 ly nhưng không biết tháo.

        Đây là một trận đánh đạt kết quả khá, dũng cảm mưu trí diệt được 2 ụ súng, chiếm được 1 xe thiết giáp.

        Đồng chí Nguyễn Văn Trân và đồng chí Trần Độ đã đến đơn vị trực tiếp biểu dương bộ đội đánh tốt và trao tặng phẩm cho anh em.

        Liên khu 2 cũng cho 1 đại đội của tiểu đoàn 56 chia thành ba bộ phận vào tập kích địch ở các phố Mai Hắc Đế, Huyền Trân Công Chúa, nhà Diêm... Một tổ tự vệ chiến đấu phục kích ở phố Hàm Long diệt một ít địch.

        Liên khu 1 đã đánh du kích rộng rãi, nhiều tổ bắn tỉa săn Tây được hình thành, diệt và làm bị thương nhiều tên địch làm chúng rất khiếp sợ.

        Về phía địch, đến ngày 27 chúng đánh thông đường số 5 và đưa vào một bộ phận lực lượng đến tăng cường cho Hà Nội.

        Ngày 28 tháng 12, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội họp kiểm điểm tình hình tác chiến trong 10 ngày qua. Tổng chỉ huy và Tổng tham mưu trưởng cũng đến tham dự cuộc họp.

        Cuộc họp đánh giá, tuy ta có nhiều nhược điểm, nhiều thiếu sót nhưng trong 10 ngày đánh địch được như vậy là một thành tích lớn. Ta có thể đánh dài ngày hơn.

        Có thêm lực lượng, địch sẽ lần lượt đánh ra chiếm các cửa ô còn lại của Liên khu 2 và 3 để giảm bớt thế “nghẹt thở” - một từ mà đài phát thanh của chúng đã dùng, sau đó mới tập trung lực lượng đánh Liên khu 1.

        Các Liên khu 2 và 3 đã bố trí lại lực lượng, tăng cường công sự để sẵn sàng đánh trả. Còn Liên khu 1 phải tích cực đánh du kích, cố giữ vững khu cố thủ không cho địch dồn ép.

        Các tiểu đoàn lấy thêm tự vệ để bổ sung, đắp thêm chiến lũy, đào thêm công sự sẵn sàng đánh địch.

        Phòng chính trị mặt trận đã hướng dẫn các liên khu, các tiểu đoàn tiến hành công tác chính trị mạnh mẽ, chú ý biểu dương các gương chiến đấu dũng cảm kiên cường, nắm vững đơn vị, tránh tình trạng chạy dài, dẫn đến tan rã hàng ngũ, chú ý bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tác dụng gương mẫu của đảng viên, kết nạp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú vào Đảng, tăng cường công tác địch vận bằng gọi loa, kẻ khẩu hiệu, tung truyền đơn vào vị trí địch.

        Phòng quân nhu, phòng quân giới cũng kịp thời bổ sung lương thực, thực phẩm và đạn dược. Cái khó nhất vẫn là đạn dược, bom mìn thiếu thốn.

        Nhân dân các khu ngoại thành tận tình cung cấp lương thực, rau xanh, làm tiếp tế cứu thương, giúp dân nội thành tản cư và tiếp tục đào hầm hố, công sự để sẵn sàng đánh địch, sẵn sàng làm vườn không nhà trống khi địch tiến đến. Ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1946 địch mở cuộc tiến công để chiếm Ô Chợ Dừa (thuộc Liên khu 3) và khu vực Kim Liên (giáp ranh giữa hai Liên khu 2 và 3).

        Ngày 30, địch huy động 600 quân có 30 xe vừa tăng, thiết giáp và vận tải từ hai hướng: một hướng từ nhà Gian-đa theo đường Hàng Bột, một hướng từ nhà dầu Sen theo đường Khâm Thiên cùng tiến đánh Ô Chợ Dừa.

        Theo quyết định của Ủy ban kháng chiến Liên khu 3, Tiểu đoàn 523 bố trí 1 đại đội ở đường Hàng Bột và xóm Văn Chương, 1 đại đội dọc đường Khâm Thiên và xóm Thổ Quan, còn 1 đại đội chia ra 1 trung đội ở Kim Liên, 1 trung đội ở Ô Chợ Dừa và 1 trung đội ở Thịnh Hào.

        Từ 25 tháng 12 năm 1946, Va-luy chỉ thị: “Đừng ngần ngại gì mà không đánh mạnh bằng bom và pháo... phải sớm kết thúc, phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của các phương tiện của ta”1.

-----------------------
        1. Gioóc-giơ Sáp-pha, Bước mở đầu một cuộc chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:09:53 pm »


        Từ 5 giờ sáng, địch thực hành hỏa lực chuẩn bị rất lâu có cả máy bay oanh tạc. Bom nổ trúng vào sở chỉ huy của Ủy ban kháng chiến và tiểu đoàn 528 ở nhà máy Tóc. Đồng chí Đỗ Trình, chủ tịch uy ban bị sức ép của bom. Sở chỉ huy chuyển về Thái Hà Ấp.

        Tiếp đó, 300 bộ binh có 4 tăng, 2 thiết giáp mở đường tiến vào Hàng Bột. Ta không có pháo hay cối đánh vào đội hình địch, bộ đội cùng tự vệ dựa vào chiến lũy và công sự đào ở các nhà hai bên đường, dùng súng trường và lựu đạn chặn đánh. Địch dùng xe ủi phá các ba-ri-cát. Đến 10 giờ chúng vẫn chưa tiến được đến ụ ba-ri-cát thứ hai, nên cho một bộ phận có xe tăng dẫn đầu, từ nhà Tiền (nay là nhà in Tiến Bộ) tiến xuống xóm Thịnh Hào ở phía tây Hàng Bột. Ở đây, làng mạc, ao hồ nhiều, ta không chuẩn bị đánh tăng. Do đó, chỉ đánh được khoảng 20 phút và buộc phải rút. Địch từ Thịnh Hào thọc ngang ra đường Hàng Bột, bộ binh địch tiến theo sát các dãy nhà hai bên đường phố ném lựu đạn vào các công sự của ta. Ta rút về phía Nam Đồng.

        Trên đường Khâm Thiên, bộ đội, tự vệ, công nhân đường sắt dựa vào chiến lũy ngoan cường chặn địch. Chúng không tiến được. Địch lại cho một bộ phận từ Sinh Từ, sân thể thao Sép-tô tiến qua xóm Văn Chương xuống cắt ngang đường Khâm Thiên liên lạc với địch ở Ô Chợ Dừa tiến sang.

        Chiếm được Ô Chợ Dừa, quân địch bị diệt 30 tên trong điều kiện chiến đấu ác liệt, ta hy sinh 35 đồng chí, bị thương 20 người.

        Để đánh Kim Liên, địch đã tiến công nhiều lần nhưng đều bị đánh lui. Ngày 31, địch sử dụng 2 xe tăng, 4 thiết giáp dẫn 200 quân từ đầu phố Khâm Thiên tiến xuống và từ đường Đại Cồ Việt tiến sang.

        Một đơn vị của tiểu đoàn 523 cùng tự vệ dựa vào chiến lũy, công sự, giao thông hào chặn địch, chúng bị thiệt hại khá nhiều. Địch cho một số xe lội nước chở quân vượt hồ Bảy Mẫu đánh vào cách Kim Liên 600m. Ta rút lui, thương vong khoảng 40 người, trong đó có 1 cán bộ đại đội, 3 cán bộ trung đội, phần lớn do bị máy bay oanh tạc.

        Sau đợt đánh chiếm Ô Chợ Dựa và Kim Liên, ngày 3 tháng 1 năm 1947, tức 3 ngày sau, địch sử dụng 700 quân có 7 tăng, 10 xe thiết giáp, 70 xe vận tải chở 700 quân theo 3 trục: Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Thủ Khoa Huân đánh về phía tây của thành phố.

        Việc đánh địch trên đường Đội Cấn diễn ra quyết liệt nhất. Một đồng chí ôm bom ba càng xông ra đâm vào xe tăng, bom không nổ, đồng chí hy sinh, một đồng chí khác lại ôm quả khác xông lên phá được tăng địch. Ta trụ bám từng nhà, dựa vào chiến lũy, công sự hoặc từ gác cao ném lựu đạn, dùng súng trường bắn địch. Địch không tiến được. Cuối cùng chúng cho một mũi từ phố Sơn Tây tiến qua làng Vạn Phúc đánh vào Liễu Giai vu hồi vào phía sau, ta rút quân.

        Trên đường Hoàng Hoa Thám, đích từ vườn Bách Thú tiến đánh Hữu Tiệp rồi nhà bia Hô-men có xe tăng dẫn đầu. Ta chặn đánh diệt một số rồi rút.

        Trên đường Thủ Khoa Huân, xe tăng cùng bộ binh địch đánh nhà Xe điện. Tổ quyết tử đánh bom ba càng không nổ bị hy sinh. Địch tiến tiếp đến nhà máy giặt, ta lui về dốc Tam Đa.

        Trên cả ba mũi, nhất là trên đường Đội Cấn, địch bị tổn thất rất nặng, chết 116 tên, ta phá hủy 1 tăng, 2 xe vận tải, phá hỏng một thiết giáp. Ta hy sinh 30, bị thương 25.

        Chiều ngày 5 tháng 1, địch dùng 200 quân, 2 tăng, 4 thiết giáp tiến công tiếp Tam Đa. Ta chặn đánh trong 2 giờ rồi rút về Vĩnh Phúc.

        Đồng thời với việc tiến công trên 3 trục đường phía tây ở Liên khu 2, trong ngày 3 tháng 1, địch còn cho 1 đại đội 2 xe tăng, 3 thiết giáp cùng một số xe vận tải tiến công chiến lũy Ba Hàng và đê Thanh Lương ở hướng đông nam Lò Lợn. Đồng chí Vương Thừa Vũ có mặt ở đây đã trực tiếp điều động các phân đội đánh địch, chỉ huy cối 60 ly bắn hỏng một xe thiết giáp, dùng đại liên bắn địch, rồi cho bộ đội phản kích đuổi địch đến Lò Lợn. Trận này ta diệt 50 tên địch, bắn hỏng một thiết giáp. Ta hy sinh 12 người trong đó có 1 đại đội trưởng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:11:36 pm »


        Một trận đánh đáng chú ý là trận địch tập kích quân ta ngày 6 tháng 1 năm 1947 ở Giảng Võ. Một đại đội của tiểu đoàn 56 được điều đến làng này, tuy có phán đoán địch sẽ tiến công nhưng vì canh gác không cẩn mật bị địch đánh bất ngờ. Chúng bao vây làng rồi dùng pháo bắn mãnh liệt, đột phá vào làng. Đại đội trưởng Vũ Công Định tổ chức lực lượng, anh dũng chống cự quyết liệt gây cho địch nhiều tổn thất. Tuy bị thương nặng, đồng chí Định vẫn chỉ huy bộ đội đánh địch quyết liệt. Cuối cùng ta buộc phải đánh mạnh phá vây đưa một bộ phận lực lượng rút sang khu Thành Công. Kết quả ta hy sinh 40 người, trong đó có đồng chí Vũ Công Định, bị thương 10 người mất 15 súng trường. Địch chết 30 tên.

        Tấm gương hy sinh anh dũng của Vũ Công Định đã được đăng trên báo chí và phổ biến cho các đơn vị học tập. Một khóa Trường Quân chính Hà Nội đã lấy tên là khóa Vũ Công Định.

        Cũng trong ngày 6 tháng 1, địch tiến công rạp Phi-lác-mô-níc ở nam Liên khu 1. Tự vệ chiến đấu chống trả quyết liệt đánh lui địch, sau đó rút quân.

        Sau đợt đánh chiếm các cửa ô, lực lượng địch càng bị phân tán ra chiếm đóng nên không còn lực lượng để tiến công tiếp.

        Bộ Tổng tham mưu biết Chính phủ Pháp đã cử Ma-ri-ux Mu-tê, bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại và Đại tướng Lơ-cléc, Tổng thanh tra quân đội Pháp sang Đông Dương xem xét tình hình. Về nước, Lơ-cléc đề nghị tăng viện 2 vạn quân để kết thúc chiến tranh trước mùa mưa năm 1947. Chính phủ Pháp phê chuẩn. Bộ Tổng tham mưu Pháp cố vét quân và bắt thêm lính nhưng chỉ đưa được 14 tiểu đoàn sang và đợt đầu một số tiểu đoàn có thể đến Hải phòng vào đầu tháng 1. Như vậy là vào trung tuần tháng 1, quân tăng viện sẽ đến Hà Nội.

        Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội phán đoán địch có thể sẽ đánh ra ngoại thành trước, đẩy lực lượng ta ra xa hơn rồi mới quay vào đánh Liên khu 1.

        Để Hà Nội có điều kiện tiếp tục giam chân địch, Bộ Tổng chỉ huy quyết định giao nhiệm vụ cho Chiến khu 2 tăng cường cho mặt trận Hà Nội 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn 45 thuộc trung đoàn 9 Sơn Tây và tiểu đoàn 64 thuộc trung đoàn 13 Hà Đông.

        Căn cứ vào sự phán đoán nói trên, Ủy ban kháng chiến Hà Nội và Bộ chỉ huy mặt trận điều chỉnh lại sự bố trí để đánh địch tiến công ra ngoại thành.

        - Tiểu đoàn 145 do đồng chí Trác Vinh Nam làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên các trục đường đi Yên Phụ, Nhật Tân, đường Thủ Khoa Huân, đường Hoàng Hoa Thám - Bưởi, đường Đội Cấn - Cống Vị.

        - Tiểu đoàn 523 do đồng chí An Giao làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên các trục đường Sơn Tây Cầu Giấy, đường Đê La Thành, đường Ô Chợ Dừa - Ngã Tư Sở - Thái Hà Ấp.

        - Tiểu đoàn 64 do đồng chí Quốc Linh làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên trục đường Kim Liên - Cống Vọng và khu vực Việt Nam Học Xá.

        - Tiểu đoàn 212 do đồng chí Hồng Kỳ làm tiểu đoàn trưởng, đánh địch trên các trục đường Lò Lợn - Mai Động và dọc đê Đại Hà đi Vĩnh Tuy.

        - Tiểu đoàn 56 do đồng chí Nguyễn Anh Đệ làm tiểu đoàn trưởng, được điều động sang tăng cường cho Liên khu 3. Tiểu đoàn 77 do đồng chí Hoàng Kiện làm tiểu đoàn trưởng, sang thay tiểu đoàn 56 trên đường Ô Cầu Dền, đường Nam Bộ.

        - Tiểu đoàn 45 do đồng chí Tuấn Sơn làm tiểu đoàn trưởng làm đội dự bị chung của mặt trận, bố trí trên trục đường Thái Hà Ấp - Hà Đông.

        Rút kinh nghiệm của các trận chiến đấu vừa qua, đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ thị tất cả các đơn vị đều phải có bộ phận phòng ngự, bộ phận dự bị và bộ phận dùng để tiến công.

        Ủy ban kháng chiến Hà Nội quyết định sáp nhập khu Đống Đa với Liên khu 3 để tiện việc lãnh đạo và chỉ huy tác chiến trên một trục đường từ Ô Chợ Dừa ra Thái Hà Ấp. Đồng chí Đỗ Trình vẫn làm bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu 3 Đống Đa. Đồng chí Đỗ Đức Kiên, nguyên chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh, được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đại La.

        Một lần nữa, phòng chính trị và các chính trị viên các tiểu đoàn, các đơn vị tự vệ lại tiến hành công tác động viên chính trị để các lực lượng vũ trang kiên quyết chặn đánh địch tiến công ra ngoại thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:14:33 pm »


        3. Đánh dịch tiến công ra ngoại thành tiếp tục giữ Liên khu 1 để đánh địch (15-1-1947 – 5-2-1947).

        Ngày 15 tháng 1 năm 1947, mặc dù hai bên đã thỏa thuận ngừng bắn để đưa dân và ngoại kiều ở Liên khu 1 ra ngoài, nhưng địch vẫn sử dụng 1.000 quân, 150 xe các loại tiến công vùng ngoại thành ở phía nam. Chúng chia thành hai cánh lớn:

        - Một cánh xuất phát từ Lò Lợn (phố Lò Đúc), qua Ô Đống Mác, tiến đánh Lương Yên, Vĩnh Tuy, rồi tiến sang ngã tư Trung Hiền.

        - Một cánh xuất phát từ Ô Chợ Dừa, qua Kim Liên theo đường số 1 tiến công Ngã Tư Vọng rồi chia làm hai mũi: một mũi tiến công về phía đông đánh chiếm ngã tư Trung Hiền, một mũi tiến về phía tây đánh chiếm sân bay Bạch Mai và Ngã Tư Sở.

        Mục đích của địch là chiếm quãng vành đai từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.

        Do địa hình vùng ngoại thành trống trải, ít có phố xá hai bên đường, việc đắp chiến lũy, đào hào, lập chướng ngại ít tác dụng, nên địch tiến công theo các đường nói trên thuận lợi hơn. Để đánh chiếm ngã tư Trung Hiền, địch đã không tiến quân thẳng từ Ô Cầu Dền xuống để tránh các chiến lũy và chướng ngại của ta dọc phố Nam Bộ (nay là phố Bạch Mai), nhất là chiến lũy Ô Cầu Dền.

        Vệ quốc đoàn, tự vệ ngoại thành, có đông đảo nhân dân chi viện đã tích cực đánh địch.

        Trong đợt này có 2 trận đáng chú ý: Trận ở khu vực Vĩnh Tuy - ngã tư Trung Hiền và trận ở nhà thương Vọng (nay là Bệnh viện Bạch Mai).

        Trong trận thứ nhất, từ 4 giờ sáng, địch cho một số ca nô chở quân tắt máy trôi theo dòng sông Hồng đổ bộ quân, bí mật ém sẵn ở bãi ngô bờ sông Vĩnh Tuy, ta không phát hiện được. Một trung đội vệ quốc đoàn của tiểu đoàn 212 đã chặn đánh địch kịch liệt ở Lương Yên, diệt khoảng 20 tên. Tiếp đó từ lúc 7 giờ, địch cho 2 xe tăng, 2 xe thiết giáp, 15 ô tô chở quân theo đê đánh vào chiến lũy Ba Hàng, đồng thời cho ca nô đổ quân lên Vĩnh Tuy. Một bộ phận địch từ Lạc Trung xuống. Vì ba mặt có địch, ta buộc phải rút. Địch tiếp tục đánh ngã tư Trung Hiền. Một đại đội tiểu đoàn 77 cùng đại đội tự vệ khu Duy Tân (nay là phố Bạch Mai) chặn đánh địch ở nghĩa trang Hợp Thiện, Quỳnh Lôi, Minh Khai, trại Hàn Lân. Trong trận này có trung đội hy sinh quá nửa quân số vì giao chiến ở dã ngoại, ta ít có công sự. Trong số hy sinh có hai cặp 3 anh em ruột: Hoàng Văn Bút, Hoàng Văn Mặc, Hoàng Văn Nghiên và Nguyễn Như Nam, Nguyễn Như Tịch, Nguyễn Như Giao. Địch cũng bị tổn thất nặng.

        Chiếm xong ngã tư Trung Hiền, địch tiến sang nhà thương Vọng.

        Trận đánh nhà thương Vọng là trận đánh diễn ra rất ác liệt ở đây ta có đại đội 68 của tiểu đoàn 64 và 3 trung đội tự vệ, khoảng 100 nữ tiếp tế cứu thương ở các nơi dồn về. Tổng quân số lên khoảng trên 500 người. Địch sử dụng xe tăng, thiết giáp và khoảng 300 lính Xê-nê-ga-ne từ phía Kim Liên tiến xuống. Ta đánh lui hai đợt xung phong. Đợt thứ ba, chúng cho xe tăng thiết giáp dẫn bộ binh húc đổ tường phía nam bệnh viện rồi xông vào. Ta chặn đánh quyết liệt diệt nhiều tên. Vì hết đạn, bộ đội và tự vệ phải rút lui, một bộ phận khác chui xuống hầm. Đến nửa đêm, bộ phận này cũng rút được. Ta diệt khoảng 100 địch, phá hủy 2 xe tăng, 3 xe cơ giới. Nhưng tổn thất của ta rất lớn: 2 trung đội vệ quốc đoàn và 50 tự vệ hy sinh. Đây là trận đánh ta bị thương vong lớn nhất do không quán triệt tư tưởng bảo toàn thực lực để đánh lâu dài.

        Khi đánh xuống Ngã Tư Sở, địch có một mũi tiến từ Ô Chợ Dừa xuống bị 1 trung đội của tiểu đoàn 523 phục kích ở gò Đống Đa diệt khoảng 1 trung đội địch.

        Ngày 16 địch mới chiếm được Ngã Tư Sở.

        Cùng ngày, địch tiến đánh đường Tàu Bay (nay là đường Trường Chinh), đánh chiếm sân bay Bạch Mai và tiến công khu Việt Nam Học Xá. Ở khu Việt Nam Học Xá một đại đội của tiểu đoàn 77, một đại đội của tiểu đoàn 64, một đại đội tự vệ sinh viên và đại đội tự vệ Bảy Mẫu đã lần lượt chặn đánh địch trong 2 ngày 16 và 17. Riêng tự vệ sinh viên đã dùng đại liên diệt khoảng 50 tên địch. Đây là một thành tích đáng khen.

        Như vậy là với lực lượng khá lớn, địch phải mất 2 ngày mới chiếm được đoạn vành đai gần 6km từ Vĩnh Tuy qua ngã tư Trung Hiền đến Ngã Tư Sở. Quân ta trải qua gần một tháng đánh địch đã có ít nhiều kinh nghiệm nên đã chặn đánh tốt hơn, gây cho địch thiệt hại lớn hơn. Chính quyền các xã ngoại thành đã huy động tự vệ và nhân dân tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:17:58 pm »


        Ngày 18, địch ở khu vực Vĩnh Tuy đánh Nam Dư Thượng, Nam Dư Hạ vì chúng phát hiện pháo của ta ở Thổ Khối đã chuyển về đây. Hai đại đội của tiểu đoàn 212 đánh lui được địch diệt 50 tên, pháo bắn đắm 1 ca nô, 1 xe tăng bằng bắn ngắm trực tiếp.

        Sau đợt đánh địch chiếm quãng vành đai Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, ta phán đoán địch sẽ đánh tiếp quãng Ngã Tư Sở - Bưởi.

        Ngày 20 tháng 1 năm 1947, địch tập trung 1.200 quân trên 100 xe các loại, có 3 máy bay chi viện, mở đợt tiến công để chiếm hai mục tiêu Bưởi và Cầu Giấy.

        Ta có tiểu đoàn 145 và một bộ phận của tiểu đoàn 56 chặn đánh địch.

        Để tiến công Bưởi, địch chia làm hai mũi: một mũi khoảng 150 tên từ dốc Tam Đa, nhà máy thuộc da theo đường Thụy Khuê tiến lên. Một mũi khoảng 200 tên từ nhà máy bia theo đường Hoàng Hoa Thám tiến lên. Các mũi đều có xe tăng và xe cơ giới dẫn đầu. Ta chặn đánh ở Ngọc Hà, Vĩnh Phúc, Bưởi rồi rút về Nghĩa Đô, Cổ Nhuế.

        Để đánh Cầu Giấy địch tiến quân theo ba mũi: một mũi từ Liễu Giai theo đường Đội Cấn đánh lên Cống Vị, một mũi theo đường Sơn Tây đánh lên Thủ Lệ và Yên Lãng và một mũi từ Ngã Tư Sở theo đường Láng đánh lên Cầu Giấy. Ở Thủ Lệ, 1 trung đội Vệ quốc đoàn cùng tự vệ chặn đánh, dùng đại liên bắn mạnh diệt 30 địch. Trên đường Láng, mũi từ Ngã Tư Sở tiến lên bị ta phục kích ở Hòa Mục. Vì giữ được bí mật, đánh bất ngờ nên ta diệt 50 địch. Địch từ các mũi tiến đánh Cầu Giấy và Thủ Lệ. Ta chặn đánh quyết liệt, diệt trên 100 tên rồi rút về Mai Dịch. Địch đánh Yên Lãng, ta chặn đánh kiên cường, sau đó phải rút. Địch chiếm được pháo đài Láng.

        Chiếm được quãng vành đai từ Ngã Tư Sở qua Cầu Giấy đến Bưởi dài 6km, địch bị diệt khoảng 300 tên (không rõ số bị thương), bị phá 2 xe tăng, 2 xe gíp.

        Quân ta có nhiều tiến bộ, biết lợi dụng địa hình, địa vật, tổ chức công sự, chờ địch đến gần mới bắn, biết tổ chức phục kích, cán bộ nắm chắc bộ đội, biết sử dụng hỏa lực, biết ngụy trang giữ bí mật, biết tổ chức rút quân tốt nên tổn thất ít. Tuy nhiên vì thiếu bom ba càng, thiếu mìn nên kết quả đánh xe tăng chưa cao.

        Sau khi địch chiếm Cầu Giấy và Bưởi, Bộ chỉ huy tiền phương phán đoán địch sẽ đánh chiếm đoạn vành đai cuối cùng Bưởi - Nhật Tân, nên đã lệnh điều chỉnh lại lực lượng để chống địch: đại đội của tiểu đoàn 14 ở Tứ Tổng để 1 trung đội ở Phú Gia và đưa 2 trung đội về Nhật Tân.

        Ngày 25 tháng 1 năm 1947 địch tập trung khoảng 500 quân, 30 xe cơ giới đánh vào hai mục tiêu: một là Xuân Tảo, Trích Sài, hai là Nhật Tân.

        Ở mục tiêu thứ nhất, địch từ Nghĩa Đô vòng lên Cáo Đỉnh đánh Xuân Tảo và dùng ca nô chở quân qua Hồ Tây đổ bộ lên Trích Sài. Khi địch vào Xuân Tảo, 1 trung đội của ta rút từ Xuân Tảo ra Đông Khu rồi cùng trung đội ở Cáo Đỉnh phản kích diệt khoảng 30 tên. Địch chiếm Trích Sài rồi đánh sang Xuân Tảo, ta phải rút.

        Ở mục tiêu thứ hai, địch tiến quân từ Yên Phụ lên và dùng ca nô đổ bộ 1 đại đội lên Nhật Tân. Đại đội của tiểu đoàn 145 chưa kịp bố trí lại lực lượng theo lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, đã bị địch vây ở Tứ Tổng phải phá vây để rút, bị thương 10, hy sinh 18 đồng chí. Địch kết hợp hai đường thủy bộ chiếm Nhật Tân. Trong đợt tiến công này, địch bị ta diệt 140 tên chủ yếu là ở Xuân Tảo.

        Ở Tứ Tổng, vì không có tổ chức lãnh đạo, dân chạy tán loạn bị địch bắn chết và bị thương trên 100. Đó là một thiếu sót lớn.

        Như vậy là đến ngày 25 tháng 1 năm 1947 địch đã chiếm xong vành đai ngoại thành.

        Tuy nhiên chúng còn mở một số cuộc tiến công để đẩy lùi lực lượng ta ra xa hơn. Ngày 6 tháng 2, chúng đánh Giáp Bát, Yên Duyên; ngày 7 tháng 2, chúng tiến công Chèm, Cổ Nhuế, Hoài Đức, Mai Dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:19:38 pm »


        Trong khi đối phó với địch đánh ra vành đai ngoại thành, quân ta vẫn tích cực đánh địch ở nội thành. Đáng chú ý là những trận sau đây:

        Ngày 19 tháng 1, nhân kỷ niệm một tháng kháng chiến, ta mở một đợt tập kích, quấy rối đồng loạt vào rất nhiều vị trí địch trong toàn thành. Cờ đỏ sao vàng được treo ở nhiều nơi. Khẩu sơn pháo 75 ly của mặt trận được khiêng vào đặt ở Nghi Tàm bắn 20 phát vào địch ở Trường Bưởi.

        Ngày 25, ta cũng dùng pháo được khiêng vào đặt cách sân bay Gia Lâm 400m bắn cháy 2 máy bay vào lúc 14 giờ.

        Như vậy là tính từ 19 tháng 12 năm 1946 đến 25 tháng 1 năm 1947, Liên khu 2 và Liên khu 3 đã chống lại 8 cuộc tiến công của địch, đánh mấy chục trận, tiêu hao tiêu diệt hàng ngàn tên và điều quan trọng là làm chậm bước tiến của địch. Từ giữa thành phố đến vành đai ngoại ô khoảng 5km, địch phải mất 40 ngày, bình quân mỗi ngày chúng chỉ tiến được 120m. Đó là một thành tích rất quan trọng, vì nó làm chậm bước tiến của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên khu 1 đánh địch dài ngày hơn nữa.

        Trong lúc Liên khu 2 và Liên khu 3 đánh địch tiến công ra chiếm các cửa ô ngoại thành, Liên khu 1 đã phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn phức tạp.

        Trước hết, đó là vấn đề tổ chức lực lượng.

        Ở Liên khu 1, lực lượng vũ trang của ta rất đông nhưng lại có rất nhiều đầu mối, chưa có tổ chức và chỉ huy thống nhất.

        Muốn có sức mạnh, vấn đề mấu chốt là phải tổ chức lại lực lượng và tổ chức lại cơ quan chỉ huy và lãnh đạo.

        Liên khu ủy chủ trương thống nhất lực lượng Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an xung phong và bổ sung quân số để thành lập 1 trung đoàn, lấy tên là trung đoàn Liên khu 1. Chủ trương này được cấp trên phê chuẩn.

        Hội nghị quân sự toàn quốc họp tại Chúc Sơn (Chương Mỹ - Hà Đông) từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 1 năm 1947 quyết nghị tặng trung đoàn danh hiệu vinh dự “trung đoàn Thủ đô”. Đây là công tác chính trị rất kịp thời và đầy ý nghĩa, vì không những nó làm cho toàn bộ cán bộ chiến sĩ có lòng tự hào được chiến đấu ở trung đoàn này và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ vinh quang của mình, mà còn động viên toàn thể các đơn vị khác tích cực chiến đấu noi gương trung đoàn Thủ đô, động viên nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến.

        Quân số trung đoàn Thủ đô lúc mới thành lập lên đến 5.600 người. Thực ra chỉ có chưa đến 2 đại đội Vệ quốc đoàn của tiểu đoàn 101, còn phần lớn là tự vệ, một phần là công an xung phong và rất nhiều thường dân tình nguyện đầu quân, già trẻ, gái trai, công nhân, học sinh, người buôn bán, viên chức, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, người làm thuê, nhà tư sản... Tuy xuất thân khác nhau, ăn mặc khác nhau, nhưng có chung một lòng yêu nước, một quyết tâm chiến đấu trong vòng vây của địch.

        Đảng bộ Liên khu có 8 chi bộ, 32 đảng viên.

        Liên khu ủy chủ trương kết nạp thêm những cán bộ chiến sĩ có phẩm chất tốt, chiến đấu dũng cảm để tăng thêm sức mạnh của Đảng. Đến giữa tháng 1, số đảng viên lên tới 72 người, chưa kể số được rút ra theo chỉ thị của trên để nhận trọng trách khác.

        Với vai trò gương mẫu kiên cường và sự lãnh đạo sát sao đúng đắn của mình, Đảng bộ Liên khu 1 là hạt nhân, là linh hồn của cuộc chiến đấu ở Liên khu 1.

        Công tác chính trị được Liên khu ủy và các chi bộ rất coi trọng. Vấn đề mấu chốt là nâng cao tinh thần quyết trụ bám đánh địch trong vòng vây, khắc phục hiện tượng sợ hãi, dao động. Một số cán bộ chiến sĩ kém tinh thần đã được đưa ra hậu phương. Công tác cổ động chiến trường, báo chí, tuyên truyền rất được đề cao. Ban chính trị trung đoàn cho xuất bản tờ báo “Chiến thắng” để động viên cổ vũ tinh thần mọi người, nêu cao các gương chiến đấu dũng cảm, phổ biến các kinh nghiệm tác chiến.

        Nhiều khẩu hiệu được kẻ lên tường như: “Hà Nội mồ chôn giặc Pháp”, “Thà chết vinh còn hơn sông nhục”, “Quyết sống chết với Thủ đô”, “Hà Nội - Xta-lin-grát”, “Thà chết không chịu làm nô lệ”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM