Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:14:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28131 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:02:55 pm »


        Căn cứ vào ý định tác chiến đó, Bộ chỉ huy Khu 11 ra mệnh lệnh tác chiến cho các liên khu và các đơn vị như sau:

        * Liên khu 1:

        Do đồng chí Nguyễn Hữu Mai làm bí thư Liên khu ủy, đồng chí Lê Trung Toản làm phó bí thư, kiêm chủ tịch Ủy ban kháng chiến, đồng chí Hoàng Siêu Hải làm ủy viên quân sự. Lực lượng có 2 tiểu đoàn vệ quốc quân (d145, d101), 5 đội quyết tử đánh tăng, một số tổ du kích đặc biệt, 1 đại đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, 7 đội tự vệ thành của 7 khu hành chính, 1 trung đội công an xung phong, có nhiệm vụ:

        a) Tiểu đoàn 101 sử dụng 1 đại đội vệ quốc đoàn, 1 trung đội tự vệ chiến đấu chặn đánh địch quyết liệt bảo vệ Bắc Bộ phủ, Nhà Hát Lớn, Tòa Thị chính, nhà Bưu điện, gây cho địch tổn thất lớn. Nếu cuối cùng không giữ nổi thì phá các nơi này và rút vào Liên khu 1 giữ dài ngày; Phải đánh một trận quyết liệt ở Bắc Bộ phủ không cho địch chiếm dễ dàng nơi này.

        b) Tiểu đoàn 145 cùng đội công nhân xung phong tiêu diệt địch và phá triệt để nhà máy điện, nhà máy nước, cầu Long Biên, nhà xăng; cùng tự vệ tiêu diệt các ổ chiến đấu độc lập của địch.

        Chủ lực của tiểu đoàn tiến công kiên quyết tiêu diệt bằng được địch ở trường Bưởi, sau đó cấp tốc chuyển sang tiến công Phủ Toàn quyền.

        c) 5 đội quyết tử đánh tăng phục sẵn ở một số đường trong liên khu mà xe tăng địch có thể đi qua được. Khi gặp tăng kiên quyết phá cho bằng được.

        * Liên khu 2:

        Do đồng chí Nguyễn Văn Đào làm bí thư Liên khu ủy kiêm chủ tịch Ủy ban kháng chiến, đồng chí Trần Vĩ làm ủy viên quân sự. Lực lượng có 2 tiểu đoàn Vệ quốc quân (d77, d212), 4 đội quyết tử đánh tăng, một số trung đội công an xung phong, có nhiệm vụ:

        a) Tiểu đoàn 77 được tăng cường một đại đội của tiểu đoàn 56 Hà Đông chiến đấu bảo vệ Trại Vệ quốc đoàn Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ty Liêm phóng, nhà pha Hỏa Lò, tiêu diệt địch ở nhà dầu Sen Khâm Thiên, cùng tự vệ diệt các ổ chiến đấu độc lập của địch.

        Chủ lực của tiểu đoàn chặn đánh địch từ Đồn Thủy tiến sang ga Hàng Cỏ (theo đường Trần Hưng Đạo) gặp quân trong thành đánh xuống.

        b) Tiểu đoàn 212 tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở Đồn Thủy, ở Stai-quai (Phà Đen), ở Viện Pa-xtơ, một bộ phận bố trí ở trường đại học đánh địch từ Đồn Thủy lên Bắc Bộ phủ, xong vận động về làm lực lượng dự bị ở khu vực trường mồ côi, Lò Lợn, Ô Cầu Dền.

        c) 4 đội quyết tử đánh tăng phục sẵn ở một số đường trong liên khu để kiên quyết đánh tăng đi qua.

        * Liên khu 3:

        Do đồng chí Đỗ Trình làm bí thư Liên khu ủy kiêm chủ tịch Ủy ban kháng chiến, đồng chí An Giao tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 523 làm ủy viên quân sự. Lực lượng có một tiểu đoàn vệ quốc quân (d523), 4 đội quyết tử đánh tăng, một số tổ du kích đặc biệt, 5 đội tự vệ thành của 5 khu hành chính. Trong đó:

        a) Tiểu đoàn 523 cùng các đội quyết tử đánh tăng và đội tự vệ chiến đấu chặn các ngả đầu phố Hàng Bột, Cửa Nam, nhà Đúc Tiền, ngã tư Khâm Thiên, đánh các đoàn xe địch tiến công, tiêu diệt địch ở nhà ga, nhà Đê-lê-vô cùng lực lượng tự vệ tiêu diệt các ổ chiến đấu độc lập của địch.

        b) 4 đội quyết tử chống tăng phục sẵn ở một số đường để kiên quyết diệt tăng.

        * Đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu:

        Do đồng chí Nguyễn Anh Bảo chỉ huy. Trừ 1 đại đội đã giao cho Liên khu 1. Còn 5 trung đội được giao nhiệm vụ như sau:

        a) Trung đội Ký Con bảo vệ khu Đấu Xảo thuộc Liên khu 2.

        b) Trung đội Phó Đức Chính bảo vệ Đài phát thanh Bạch Mai và giúp xây dựng khu căn cứ Bạch Mai thuộc Liên khu 2.

        c) Trung đội Trần Quốc Toản tách một tiểu đội tăng cường cho trung đội vệ quốc đoàn của tiểu đoàn 101 bảo vệ Nhà Hát Lớn. Còn chủ lực đánh địch tiến từ thành ra Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền, xong sẽ phối thuộc cho Liên khu 2.

        d) Trung đội Tô Hiệu đánh diệt địch ở nhà Lơ-mét, chặn đánh địch từ Cột Cờ đến.

        đ) Trung đội Hà Huy Tập giao cho Liên khu 3 chủ yếu đánh địch trên đường Khâm Thiên.

        * Tự vệ thành:

        Phối hợp với vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu đánh các vị trí địch trong từng tiểu khu, diệt các ổ tác chiến độc lập, phá hoại một số nhà máy, cắt dây điện thoại, đặc biệt là tiếp tục đắp ụ, chiến lũy, xây công sự, đào đường, ngả cây, ngả cột điện, thiết lập chướng ngại đường phố, phá các đường sá ra ngoài thành, tổ chức cho dân tản cư, tổ chức đội trừ gian, diệt thổ phỉ, tổ chức tiếp tế, tải thương.

        * 36 tổ du kích đặc biệt:

        Bố trí ở các ngã ba, ngã tư, các khu vực gần nơi địch đóng, các điểm địch hay đi lại để quấy rối, bắn tỉa, phục kích, nhằm tiêu hao địch và làm chúng hoang mang không dám đi lùng sục ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:04:10 pm »


        Trong mệnh lệnh của Bộ chỉ huy khu có hướng dẫn khi tiến công phải vận dụng tập kích, phục kích, quấy rối, đánh địa lôi, khi phòng ngự phải giữ từng nhà, từng đường phố, liên hoàn hỗ trợ để cơ động đánh địch, tránh mạnh đánh yếu, làm công sự lợi dụng địa hình địa vật để chặn địch. Nếu bị vây thì tập trung lực lượng đột phá một mặt, một gọng kìm mà thoát. Rút lui phải có tổ chức, phân lực, phân đoạn mà rút, rút xong đánh vào sau lưng địch.

        Trong những ngày chưa nổ súng, tổ chức nghi binh: sáng đưa quân từ ngoại thành và Hà Đông vào, tối bí mật đưa ra làm địch không phán đoán được ta.

        Phải tuyệt đối giữ bí mật, bắt ngay bọn Việt gian, thổ phỉ.

        Về thông tin liên lạc, Khu 11 liên lạc với Liên khu 1 bằng vô tuyến điện, với Liên khu 2, 3 và các tiểu đoàn của 2 liên khu này bằng điện thoại và thông tin vận động.

        Sở chỉ huy mặt trận bố trí từ Ngã Tư Vọng đến sân bay Bạch Mai.

        Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho 2 tháng. Riêng Liên khu 1 chuẩn bị dài hơn.

        Tổ chức các đội tải thương, hệ thống trạm cứu thương và trạm quân y tiền phương, trạm thu dung, trạm tiếp thu nhận lương thực, đạn dược, trạm sửa chữa súng đạn.

        In ấn truyền đơn, báo chí, làm dân vận, hoa vận, địch vận.

        Lệnh nổ súng: Phá nhà máy điện, đèn tắt toàn thành phố là báo động, 4 pháo đài cùng bắn vào thành là nổ súng. Vì pháo có thể không bảo đảm bắn kịp thời nên lấy tín hiệu tắt đèn là chủ yếu.

        Mọi công tác chuẩn bị xong vào ngày 18 tháng 12 năm 1946.

        2. Công tác chuẩn bị kháng chiến.

        Trong thời kỳ chuẩn bị kháng chiến, đi đôi với việc làm kế hoạch tác chiến, Hà Nội đã sớm triển khai việc làm các nhiệm vụ của mình do trên giao cho.

        Việc bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước được tiến hành từ đầu và trong điều kiện rất khó khăn phức tạp.

        Sau Cách mạng tháng Tám, biết bao kẻ thù trên đất Thủ đô muốn đánh đổ chế độ mới: Quân Tưởng đến với ý đồ “diệt Cộng, cầm Hồ”. Quân Pháp vào với âm mưu “kết thúc bằng một màn đảo chính”. Bọn Việt quốc, Việt cách đều có lực lượng vũ trang riêng, cũng muốn đảo chính để giành chính quyền. Bọn tay sai của Pháp muốn giúp chủ cũ lật đổ chính phủ cách mạng.

        Ta chỉ sử dụng một tiểu đoàn giải phóng quân ở Việt Bắc về để bảo vệ Bắc Bộ phủ, nơi làm việc của Bác, bảo vệ cơ quan Bộ Quốc phòng, cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Việc bảo vệ các cơ quan khác ở Hà Nội giao cho đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu vừa được thành lập. Lực lượng bảo vệ của ta rất yếu và rất mỏng. Khi một bộ phận vệ quốc đoàn phải rút ra ngoài thành để tránh xung đột với quân Tưởng, thì việc bảo vệ các cơ quan chủ yếu do đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu đảng nhiệm, cho nên lực lượng càng yếu và mỏng hơn. Thế nhưng ta đã làm tốt việc này.

        Việc bảo vệ lãnh tụ rất được coi trọng. Bộ đội, tự vệ chiến đấu cùng công an Hà Nội được giao làm nhiệm vụ này. Đồng chí Trần Việt Hùng - Khu phó Khu 11 được phân công chuyên trách. Thành ủy đã chọn 2 người tin cẩn trong đội tự vệ chiến đấu để làm vệ sĩ cho Bác. Nhiều đồng chí tốt trong công nhân, tự vệ được tăng cường cho đại đội bảo vệ Bắc Bộ phủ. Tuy Bác có nơi ở công khai là số 8 Lê Thái Tổ, nhưng nơi nghỉ tối của Bác được chọn riêng ở một cơ sở tốt, bí mật gần Cầu Mới, Ngã Tư Sở. Bốn người tin cẩn được chọn để bảo vệ nơi này.

        Khi thấy chiến tranh khó tránh khỏi, vấn đề chọn các an toàn khu để kịp thời di chuyển các cơ quan lãnh đạo là rất cần thiết. Sau khi ở Pháp về, Bác giao việc này cho đồng chí Trần Đăng Ninh, ủy viên Trung ương Đảng phụ trách. Đồng chí Ninh lấy một số cán bộ của Hà Nội và Bộ Tổng tham mưu tổ chức thành nhiều tổ “công tác đội” tìm an toàn khu trong phạm vi các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Chương Mỹ của tỉnh Hà Đông, các huyện Quốc Oai, Thạch Thất của tỉnh Sơn Tây. Một số đội được phái lên tìm các an toàn khu ở Việt Bắc. An toàn khu của Trung ương và của Hà Nội được khoanh riêng. Các tổ “công tác đội” theo sự giới thiệu của các tỉnh ủy, huyện ủy nói trên tìm đến các thôn xóm có cơ sở mạnh, phân chia từng nhà cho từng bộ phận cơ quan đóng. Đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp tìm an toàn khu cho Thường vụ và Bác ở. Các làng Vạn Phúc, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Chúc Sơn, Thạch Thán, chùa Thầy và nhiều thôn xóm khác được chọn.

        Khi tình hình trở nên căng thẳng, các bộ trưởng, thứ trưởng đã được Hà Nội giúp chuyển ra ở vùng Thái Hà Ấp, Hoàn Long.

        Trước khi kháng chiến bùng nổ, toàn bộ các cơ quan Đảng, quân, dân, chính của Trung ương và của Hà Nội, các lãnh tụ đều đã bí mật di chuyển đến các an toàn khu. Những cơ quan không liên quan đến việc chỉ đạo kháng chiến ở Hà Nội thì chuyển lên Bắc Cạn, Tuyên Quang.

        Bác, Thường vụ, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu đã luân chuyển đến các an toàn khu trong vành đai cách Hà Nội từ 10 đến 25km để trực tiếp chỉ đạo Hà Nội kháng chiến trong hơn 2 tháng rồi mới chuyển lên Việt Bắc.

        Bản thân các cơ quan của Hà Nội cũng di chuyển đến các an toàn khu trong vành đai gần hơn để lãnh đạo và chỉ huy Hà Nội tác chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:05:14 pm »


        Quân địch tìm mọi cách phát hiện cơ quan đầu não của ta để oanh tạc hoặc đem quân tiến công. Nhưng dựa vào dân, ta đã bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não, bảo vệ được các lãnh tụ nên đã duy trì được sự lãnh đạo chỉ huy liên tục, kịp thời.

        Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ, tuy việc này chủ yếu do Bộ và Trung ương tự đảm nhiệm.

        Nhiệm vụ động viên toàn dân Hà Nội sẵn sàng tham gia kháng chiến được Trung ương và Thành ủy Hà Nội hết sức chú ý. Chúng ta rất coi trọng động viên lòng yêu nước, luôn kịp thời vạch bộ mặt xâm lược của kẻ thù, giáo dục ý thức quốc phòng, tinh thần cách mạng cho toàn thể nhân dân Hà Nội.

        Trước những hành động khiêu khích ngày càng tăng của bọn thực dân, Hà Nội sôi sục căm thù.

        Nhưng để kéo dài thời gian hòa hoãn, tránh hành vi manh động nhằm chuẩn bị được tốt hơn, Thành ủy đã chỉ dẫn cho dân phải bình tĩnh, phải nín nhịn chờ lệnh Chính phủ. Sau khi địch gây chiến đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn vào ngày 20 tháng 11 năm 1946 thì ngày 21 tháng 11 năm 1946 báo chí Hà Nội đã đăng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản (với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác) như sau:

        “… Hỡi quốc dân đồng bào! Những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng, tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự bảo vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào. Mỗi người dân Việt Nam lúc này phải hăng hái gánh nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

        Đoàn kết, phấn đấu, chúng ta nhất định sẽ thắng”.

        Ngày 8 tháng 12, với danh nghĩa Thành bộ Việt Minh, Khu ủy Khu 11 chính thức kêu gọi nhân dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu cao độ.

        Đảng bộ Hà Nội sớm coi trọng tổ chức việc tản cư dân để bảo vệ tính mạng, tài sản của dân. Chúng ta biết trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, một số nước không tổ chức tốt việc tản cư dân Thủ đô nên khi chiến tranh nổ ra, tình trạng tản cư lộn xộn của dân đã cản trở hành động phòng thủ của quân đội. Vì thế, Thành ủy phân công một thành ủy viên, đồng chí Tạ Hoàng Cơ tổ chức, chỉ đạo việc tản cư. Ủy ban tản cư các cấp được thành lập trong chính quyền các cấp.

        Ban tản cư thành phố hướng dẫn ban tản cư các liên khu, khu phố và phố phải dựa vào các đoàn thể cứu quốc để vận động và tổ chức dân tản cư và giao cho ban tản cư các thôn, xã ngoại thành phải tổ chức bảo đảm vật chất và nơi tạm nghỉ dọc đường cho dân tản cư.

        Bác Hồ và Thường vụ rất chú ý chỉ đạo việc tản cư. Bác gửi thư cho đồng bào tản cư, trong đó nói: “Tản cư là yêu nước”, “tản cư cũng là kháng chiến”. Người kêu gọi đồng bào các địa phương hết sức giúp đỡ đồng bào tản cư: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Bác và Thường vụ nhắc nhở phải chú ý việc tổ chức tản cư cho các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Thường vụ giao cho Hà Nội danh sách các vị cần phải giúp đỡ tản cư. Với lòng yêu nước được nâng lên, lại được sự giúp đỡ của tổ chức, tuyệt đại bộ phận các vị đã ra vùng hậu phương căn cứ địa.

        Khó khăn nhất là việc động viên dân đi tản cư. Ta có thể vận động những người già và trẻ con đi tản cư trước. Nhưng đối với các người đang buôn bán, nhất là buôn bán lớn và gia đình khá giả, không phải họ dễ dàng bỏ lại toàn bộ gia sản để tản cư.

        Bên cạnh những người khá giả nói trên, còn có đông đảo nhân dân lao động làm thuê gánh mướn, kiếm ăn hàng ngày, chưa thể tản cư ngay. Ta cần tổ chức họ lại để khi nổ súng thì đưa họ ra.

        Tất cả những người ở lại đều phải đăng ký tên để khi đánh nhau có thể tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.

        Cho nên, trước khi kháng chiến bùng nổ, việc tản cư mới làm được một phần, sau khi nổ súng vẫn phải làm tiếp phần lớn.

        Nhiệm vụ di chuyển các kho tàng, nhà máy, nguyên vật liệu được làm sớm hơn, từ tháng 8 năm 1946. Sau khi về nước, Bác giao việc này cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng (tức anh Cả) chỉ đạo. Bác và Thường vụ chỉ thị phải chuẩn bị gạo, muối; đưa máy móc, nguyên vật liệu nhà in, đài phát thanh, kho bạc... ra an toàn khu. Gạo phải chuẩn bị ở nông thôn. Muối phải đưa từ biển lên. Còn các thứ khác thì đưa từ thành phố, thị xã, đặc biệt đưa từ Hà Nội ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:06:26 pm »


        Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo Hà Nội tổ chức di chuyển hàng nghìn tấn máy móc, nguyên vật liệu, các thiết bị chủ yếu của các xưởng A-vi-a, Boa-lô, Nam Phong... về Chi Nê và sau đó đưa tiếp lên Việt Bắc.

        Chi bộ nhà máy xe lửa Gia Lâm lãnh đạo công nhân đưa hàng trăm loại máy móc và nhiều tấn sắt thép vật liệu khác lên Phú Thọ, Yên Bái. Các thiết bị của xưởng làm thuốc nổ Đông Anh được chở lên Tuyên Quang, Bắc Cạn.

        Có thể nói các xưởng quân giới được hình thành ở Việt Bắc sau này chủ yếu là của Hà Nội đưa lên, cả máy móc, con người và nguyên vật liệu.

        Nhà máy in báo Đảng và nhiều nhà in khác được đưa vào căn cứ địa kịp thời.

        Kho bạc và nhà in giấy bạc tài chính được chuyển ra Chi Nê, sau đó đưa lên Việt Bắc.

        Đài tiếng nói Việt Nam ở Bạch Mai được chuyển một bộ phận ra chùa Trầm, một bộ phận lên Bắc Cạn. Bộ phận ra chùa Trầm sau cũng đưa lên Bắc Cạn.

        Trường đại học Y được di chuyển lên chiến khu với đầy đủ thiết bị, tài liệu, sinh viên và thầy giáo.

        Sau này, khoảng tháng 5 năm 1947, toàn bộ cơ quan Trung ương của Đảng, quân dân, chính đã lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn. Thủ đô đã chuyển lên Việt Bắc.

        Từ đầu tháng 12 năm 1946 công tác chuẩn bị tác chiến của Hà Nội được tiến hành gấp rút hơn.

        Cán bộ chỉ huy và lãnh đạo được điều chỉnh lại. Ta rút bớt lực lượng đã phân ra các nơi để tăng cường lực lượng tập trung, nhưng lực lượng này vẫn ít quá.

        Các ban chỉ huy tiểu đoàn, đại đội vệ quốc đoàn, tự vệ đi đến từng khu vực, từng nhà hướng dẫn bộ đội và tự vệ cách bố trí lực lượng, cách tập kích địch bất ngờ, cách chiến đấu phòng ngự từng nhà, từng đường phố, nơi xây dựng công sự, nơi đắp chiến lũy, nơi đào hầm đào hố, đào giao thông hào, nơi bố trí hỏa lực.

        Ủy ban kháng chiến Khu 11 cử đồng chí Trần Quốc Cư làm trưởng ban phá hoại khu. Một tiểu đoàn công binh được xây dựng do đồng chí Lê Khắc làm tiểu đoàn trưởng để đảm nhiệm việc phá hoại, phối hợp cùng trung đoàn công binh của Bộ do đồng chí Hoàng Đạo Thúy làm trung đoàn trưởng.

        Một kế hoạch phá hoại khá cụ thể được xác định sẵn để khi có lệnh là thực hiện.

        Ngày 9 tháng 12 năm 1946 sau khi có chỉ thị phá hoại của Bộ Tổng tham mưu, công tác phá hoại được triển khai khá tích cực.

        Các trục đường ra ngoại ô bắt đầu đắp ụ đất chữ chi nhiều tầng nhưng vẫn để xe qua lại. Riêng đối với trục đường Hàng Bột, đường di chuyển của cơ quan Trung ương mãi đến ngày 19 tháng 12, đồng chí Nguyễn Văn Trân mới lệnh cho đắp ụ ở đầu đường và đắp ở ngã tư Khâm Thiên.

        Trên khu vực dự kiến sẽ trụ lại dài ngày ở Liên khu 1, ụ đất được đắp chặn ngang các phố quân Pháp không qua lại hay ít qua lại và đắp ụ chữ chi ở những phố quân Pháp còn qua lại.

        Tự vệ và nhân dân các khu dùng xe xích lô, xe bò, xe ô tô chở đất cát, hoặc bao đất, bao cát xếp sẵn ở nhiều hè phố.

        Công nhân xe lửa, xe điện chuẩn bị sẵn các toa đổ đầy đá để khi nổ súng thì đẩy đến chặn ngang đường.

        Trong nhiều nhà, ở vị trí hiểm yếu đã đục lỗ châu mai, đào hố chiến đấu. Ở nhiều ban công cũng xếp bao cát để có thể đặt súng bắn dọc đường phố.

        Nhiều cây cối được cưa dở hoặc đục lỗ sẵn. Tủ, bàn, ghế được khiêng ra vỉa hè. Tường của nhiều nhà được đục thông từ nhà nọ sang nhà kia, nhất là ở Liên khu 1.

        Các tổ phá hoại công nhân đã có kế hoạch và chuẩn bị thuốc nổ, bom để phá nhà máy điện, nhà máy nước, nhà ga, cầu Long Biên, các kho tàng, nhà máy do Pháp làm chủ, Đài phát thanh Bạch Mai. Để phá cầu Long Biên, đồng chí Hoàng Đạo Thúy chỉ đạo sử dụng 10kg thuốc nổ bố trí ở cột trụ số 4.

        Vệ quốc đoàn cũng chuẩn bị sẵn phương tiện để phá các dinh thự, công sở.

        Ở các đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bài và trục Cửa Nam, Tràng Thi, Tràng Tiền do đường rộng, ít dân nên việc đắp ụ chưa làm được nhiều.

        Ở Cửa Nam, ta đào sẵn một đường ngầm chôn bom để đánh xe địch tiến về Bắc Bộ phủ. Từ Bắc Bộ phủ sang khách sạn Mê-tơ-rô-pôn, từ Trại Vệ quốc đoàn Trung ương sang rạp Ma-giét-tíc, từ trại mồ côi sang Đồn Thủy, ta đều bí mật đào đường hầm đặt bom sẵn để khi có lệnh là cho nổ bom, nhưng đào ra đến trường thì gặp cống chặn ngang không đào tiếp được. Từ Trại Vệ quốc đoàn Trung ương sang nhà Vĩnh Thụy (51 Trần Hưng Đạo) ta đào một đường giao thông ngầm nhưng không đào được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:19:24 pm »


        Địch lồng lộn. Chúng đòi ta phải phá các ụ đất và cho xe ra húc đổ nhiều ụ. Nhưng ngày địch phá, đêm ta đắp lại. Các bệnh viện được chuyển ra Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thủy. Điện thoại được mắc từ sở chỉ huy Khu 11 đến các sở chỉ huy Liên khu 2, Liên khu 3 và các tiểu đoàn. Đó là một số máy, dây thu nhặt được. Hà Nội chỉ có hai máy vô tuyến điện do nhặt nhạnh một số linh kiện cũ lập nên: một ở sở chỉ huy, một cho Liên khu 1.

        Nhân dân và bộ đội đã dự trữ lương thực, thực phẩm. Các đội tiếp tế, đội cứu thương, đội tuyên truyền được tổ chức gấp. Ủy ban tản cư hoạt động ráo riết tiếp tục vận động đồng bào đi tản cư. Cơ quan các cấp bí mật rút ra các an toàn khu.

        Tự vệ các tiểu khu đã kịp thời bắt giữ và đưa ra ngoài thành phố hàng trăm tên mật thám, Việt gian, phản động, các loại tay sai địch.

        Công tác động viên tinh thần được tiến hành mạnh mẽ. Các đội quyết tử quân làm lễ tuyên thệ. Công tác chính trị ở các đơn vị bộ đội, tự vệ, công an và cả với dân, với các đoàn thể quần chúng được tiến hành mạnh mẽ nhằm khơi sâu lòng căm thù giặc và ý chí “thà chết không chịu làm nô lệ”, “thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Cả Hà Nội sôi sục căm thù, nhưng Ủy ban kháng chiến vẫn kêu gọi đồng bào phải bình tĩnh, nín nhịn, chờ lệnh.

        Ngày 17, khi địch gây hấn ở phố Yên Ninh và phố Lò Đúc, theo chỉ thị của Thường vụ và của Bộ Tổng chỉ huy, khu trưởng Khu 11 ra lệnh tăng cường sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các đơn vị lực lượng vũ trang.

        Đứng trước các tối hậu thư của địch, ngày 18, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy Khu 11 ra mật lệnh như sau:

        Gửi toàn thể vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ và công an toàn thành.

        Mấy ngày nay, địch đã có một âm mưu khởi hấn. Chứng cớ là chúng đã chuẩn bị gấp về quân sự như đặt ổ súng ở các phố, các nhà tư nhân và vận chuyển lương thục, khí giới để tích trữ ở các nơi. Chúng chuyển quân đến các nơi như nhà thương Đồn Thủy, Trường Bưởi, khách sạn Mê-tơ-rô-pôn.

        Gần đây, ngày 17 tháng 12 năm 1946 chúng đã vây bắt các tự vệ phố Hàng Bún. Ngày 18 tháng 12 năm 1946 chúng chiếm Sở Tài chính và đòi tước vũ khí của bộ đội ta. Hơn nữa, chúng hạ tối hậu thư cho Chính phủ ta hạn tới 20 tháng 12 năm 1946 sẽ tước hết quyền trị an.

        Những sự chuẩn bị ráo riết và hành động khiêu khích của chúng như vậy là một triệu chứng mà chúng sắp đánh úp ta thục sự.

        Chúng ta vì danh dự của Tổ quốc, vì quyền lợi của dân tộc quyết không chịu lùi bước.

        Vậy chúng tôi hạ lệnh cho toàn thể vệ quốc đoàn, tự vệ toàn thành và công an xung phong từ giờ phút này phải chuẩn bị gấp để chờ lệnh. Bất kỳ giờ phút nào, nếu chúng tôi hạ lệnh thì toàn thể bộ đội cũng như tự vệ, công an phải triệt để tiến công vào vị trí địch như nhiệm vụ của từng đơn vị đã định trong kế hoạch.

        Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1946.


          Chủ tịch                                           Chính trị viên Khu 11
Ủy ban kháng chiến Khu 11                                    TRẦN ĐỘ
    NGUYỄN VĂN TRÂN

                              Khu trưởng kiêm phó chủ tịch
                               Ủy ban kháng chiến Khu 11
                                      VUƠNG THỪA VŨ

        Như vậy là quân dân Hà Nội sẵn sàng chờ lệnh.

        Vào lúc 14 giờ ngày 19 tháng 12, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ đã hạ lệnh tại Thái Hà Ấp cho Hà Nội và các thành phố, thị xã khác nổ súng vào 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:23:44 pm »


Chương 3

DIỄN BIẾN 60 NGÀY ĐÊM CHIẾN ĐẤU CỦA QUÂN VÀ DÂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI

        Đúng 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, Đài tiếng nói Việt Nam phát đi mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như sau:

        “Tổ quốc lâm nguy!

        Giờ chiến đấu đã đến!

        Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi ra lệnh cho bộ đội vệ quốc quân, dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy!

        Phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.

        Tiêu diệt thực dân Pháp.

        Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm!”


        20 giờ 3 phút, theo đúng lệnh do các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Vương Thừa Vũ, Trần Độ giao cho, tổ công nhân xung phong gồm 2 đảng viên cộng sản: đồng chí Nguyễn Giang (tức Quý) và đồng chí Dũng đã cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn toàn thành phố tắt. Pháo đài Láng bắn những phát đạn đầu tiên, tiếp đó là các pháo đài khác cùng bắn.

        Quân và dân Hà Nội nổ súng đánh địch mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Cuộc hội chiến Hà Nội kéo dài từ 20 giờ 3 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946 đến 24 giờ ngày 17 tháng 2 năm 1947, khi trung đoàn Thủ đô rút hết quân khỏi Liên khu 1, cộng tất cả 60 ngày đêm.

        1. Đánh địch trong thành phố (19-12-1946 - 23-12-1946).

        a) Đồng loạt tiến công, đánh phủ đầu địch ở nhiều vị trí.

        Sau khi đèn tắt và pháo bắn, các lực lượng vũ trang Hà Nội bắt đầu tiến công địch. Các trận tiến công được tiến hành theo kế hoạch đã đề ra, đâu tự động đánh đấy vì cấp trên chưa đủ phương tiện thông tin để chỉ huy trực tiếp.

        Ở Liên khu 1, vệ quốc quân và tự vệ công nhân diệt gọn tiểu đội địch gác chung ở nhà đèn Bờ Hồ, diệt địch đóng ở nhà in IDEO, ở nhà máy gạch SATIC nơi địch sửa chữa xe cộ quân sự, ở nhà thuyền Hồ Tây, ở cơ quan tình báo Ngọc Hà và một số ổ chiến đấu độc lập, đánh bật địch khỏi nhà bia Hô-men, nhà máy nước, tiêu diệt được một bộ phận ở nhà máy điện. Số địch ở nhà máy bia co lại ở trên gác nhà phái bộ Anh. Số địch ở nhà máy nước cùng số còn lại ở nhà máy điện cũng co lại trên gác nhà máy điện cố thủ, ta không đánh lên được.

        Ở Trường Bưởi, ta từ đường Thủ Khoa Huân (nay là đường Thụy Khuê) đánh vào, đồng thời một bộ phận vượt thuyền qua Hồ Tây đánh xuống. Địch co lên gác ta không lên được phải rút.

        Trung đội vệ quốc đoàn gác chung ở đầu tây cầu Long Biên tiến công địch, diệt được một số. Vì địch có hỏa lực nạnh chống trả, ta rút về khu Đồng Xuân. Trung đội gác ở Bãi Giữa cùng tự vệ đốt thuốc nổ phá cầu Long Biên tại trụ cầu số 4 nhưng chỉ làm tung một quãng ván, không đủ sức phá trụ cầu. Bọn địch gác chung lúc đầu hoảng hốt chạy tản ra, nhưng sau chúng trụ lại. Quân ta rút lên Bãi Giữa.

        Trung đội gác chung ở đầu đông cầu chưa nhận được lệnh bị địch đánh trước phải rút và nhập vào bộ đội Gia Lâm.

        Như vậy là kế hoạch diệt địch, phá cầu Long Biên không thực hiện được; ta chỉ phá tung được một quãng ván, địch nhanh chóng chữa được.

        Ở Bắc Bộ phủ, vì việc đào đường hầm không thực hiện được, ta không đặt được bom dưới khách sạn Mê-tơ-rô-pôn. Vệ quốc đoàn xung phong sang bị hỏa lực địch chặn lại.

        Trận tiến công vào nhà Moóc-li-e ở Hồ Gươm cũng không thành công, bọn địch xuống công sự chống lại.

        Ở phía đông Liên khu 1, sau khi chiếm nhà Sô-va (không có địch), ta chiếm tiếp nhà máy nước đá, địch đánh sang cửa hàng Mi-sô nhưng không vượt được tường và rào.

        Ở Liên khu 2 cũng đánh nhiều điểm.

        Từ Hỏa Lò và Quân Y viện (nay là Bệnh viện C), ta tiến sang tiêu diệt địch ở Viện Ra-di-um (nay là Bệnh viện K).

        Từ Trại Vệ quốc đoàn Trung ương, ta tiến công liên tiếp Rạp chiếu bóng Ma-giét-tíc trong ngày 20 nhưng không diệt được địch. Gần sáng ngày 21, sau khi được tăng cường một khẩu đại liên, ta bắn khá trúng rồi xung phong diệt được khoảng một tiểu đội địch.

        Một bộ phận tiểu đoàn 77 cùng tự vệ đánh vào nhà đại tá La-mi (nay là Đại sứ quán Pháp). Địch sắp ăn tiệc, Xanh-tơ-ni cũng đến dự. Địch phải cho xe tăng, thiết giáp đến đón Xanh-tơ-ny. Dọc đường về, Xanh-tơ-ny bị thương. Ta làm chủ khu nhà này.

        Một tiểu đội của tiểu đoàn 212 cùng tự vệ chiến đấu của Liên khu 2 tiến công địch ở Nha Khí tượng thủy văn. Vì địch tăng cường từ một tiểu đội lên một trung đội lại có xe tăng, thiết giáp đến đánh tập hậu, ta đánh trả quyết liệt đại bộ phận đã anh dũng hy sinh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:27:01 pm »


        Trung đội vệ quốc đoàn gác chung ở Ty Liên kiểm Việt - Pháp ở số 21 phố Mai Hắc Đế (nay là Bà Triệu), có hai tiểu đội đang ngồi xe đi tuần với Pháp. Địch định cho xe chở ta vào thành. Qua cầu chui Cửa Đông một số chiến sĩ ta đã kịp bám vào cầu và nhảy xuống. Số còn lại bị xe địch đưa vào thành. Bộ phận còn lại ở Ty Liên kiểm không được lệnh, bị địch tiến công trước đã chống trả quyết liệt, 4 đồng chí hy sinh, 9 đồng chí rút được sang Trại Vệ quốc đoàn.

        Một đại đội của tiểu đoàn 212 cùng một đại đội của tiểu đoàn 77 tiến công địch ở Đồn Thủy từ 20 giờ 30 phút, nhưng địch mạnh, có tường rào vây quanh, ta không vào được, đến 2 giờ sáng ngày 20 tháng 12 phải rút. Ta tiến công xưởng sửa chữa ô tô Pho cũng không thành công. Một bộ phận của tiểu đoàn 212 cùng tự vệ chiếm được Viện Pa-xtơ diệt khoảng một tiểu đội, phá 2 súng máy. Một bộ phận khác của tiểu đoàn cùng tự vệ Lò Đúc chiếm được khu Phà Đen. Trung đội lính thủy đánh bộ của địch rút về 33 Phạm Ngũ Lão.

        Một điểm đáng chú ý của Liên khu 2 là tiến công nhà tên đại tá pháo binh Lơ-mét, một vị trí hiểm yếu ở ngã năm Cửa Nam. Lúc đầu trong kế hoạch chưa có lực lượng đánh vị trí này. Một ngày trước khi nổ súng, theo đề nghị của Liên khu 2, Bộ chỉ huy mặt trận điều trung đội tự vệ chiến đấu Tô Hiệu đến. Tuy chuẩn bị gấp, địch có cổng sắt đóng chặt, nhưng cuối cùng ta cũng đột nhập được vào tầng dưới, địch co lên gác, ta không đánh được, đến 21 giờ phải rút.

        Liên khu 3 cũng tiến công nhiều điểm.

        Một trung đội của đại đội 29, tiểu đoàn 523 cùng một trung đội tự vệ tiến công địch ở nhà Đờ-lơ-vô (nay là số nhà 9 phố Cát Linh). Địch co lên gác ngoan cố chống cự. Ta đặt bom không nổ, đại đội trưởng Lưu Vân cùng một số chiến sĩ leo lên mái nhà dỡ ngói thả lựu đạn diệt được vài tên và gọi được một số ra hàng. Địch đưa xe cơ giới đến cứu viện. Khẩu ba-dô-ca của mặt trận cơ động đến kịp bắn hủy được 1 xe. Ngày 25, địch ở nhà Đờ-lơ-vô lên xe chạy thoát. Vì xe cắm cờ hồng thập tự, ta không bắn.

        Ở ga Hàng Cỏ và nhà dầu Sen đầu phố Khâm Thiên, quân ta ở đây tuy đã nhận được lệnh nhưng chưa kịp nổ súng, bị địch đánh trước buộc phải rút.

        Theo lệnh của mặt trận, Liên khu 3 dùng một đại đội của tiểu đoàn 523 đang ở khu vực Ngã Tư Sở, Bạch Mai lên phòng thủ trục đường Khâm Thiên và trước hết ngay trong đêm 19 tháng 12 năm 1946 phải tiêu diệt địch ở nhà Ga và nhà dầu Sen. Tuy chưa nắm được địch và địa hình địa vật, chưa có chuẩn bị, bộ đội vẫn tích cực đi đánh.

        Ở nhà ga, liên lạc được với tự vệ đường sắt đang vây địch, bộ đội nghe đâu có tiếng địch là đánh vào. Địch có hỏa lực mạnh lại chiếm vị trí cao bắn xuống, ta không tiến được, sau hơn một giờ phải chuyển sang bao vây.

        Ở nhà dầu Sen, đơn vị cũng liên lạc được với tự vệ rồi triển khai đội hình áp sát địch, ném lựu đạn. Địch bố trí hỏa lực ở nhà gác, đóng cửa sắt chặn đường. Ta không tiến được. Sau khoảng nửa giờ, địch cho xe cơ giới đến tăng viện, ta phải rút về đường Khâm Thiên.

        Việc diệt các ổ chiến đấu độc lập của địch được tiến hành tích cực ở cả 3 liên khu, nhất là ở Liên khu 2 và Liên khu 3.

        Một phần bộ đội và tự vệ chiến đấu, chủ yếu là tự vệ Thành đã bí mật bất ngờ đột nhập vào rất nhiều ổ này. Ở nhiều nơi địch chống trả quyết liệt, có nơi chiến đấu kéo dài cả một ngày. Ta đã diệt được nhiều ổ, diệt 25 tên, bắt sống 389 tên.

        Nói chung ta không diệt được nhiều ổ trong khu phố Tây và có thiếu sót không chú ý đến các ổ chiến đấu độc lập người Hoa. Chúng là bọn cơ sở của Tưởng cài lại hoặc bọn người Hoa làm tay sai cho Pháp. Tuy ngoài cửa treo cờ Thanh Thiên Bạch Nhật, nhưng chúng bắn lén những người làm nhiệm vụ giao thông liên lạc, tiếp tế và dân tản cư, chỉ điểm cho Pháp tiến quân, bắn pháo, ném bom. Vì thế ta phải sử dụng lực lượng trong mấy ngày liền để quét bọn này khá vất vả.

        Sân bay Gia Lâm lúc này chưa nằm trong Chiến khu 11 mà thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bộ Tổng tham mưu sử dụng một bộ phận trinh sát đặc biệt cùng bộ đội Bắc Ninh định bí mật luồn vào phá một số máy bay, nhưng bị lộ không thực hiện được.

        Như vậy là, trong đợt tiến công này, trừ hai nơi chưa kịp nhận lệnh, còn ở tất cả các nơi khác quân ta đều chủ động tiến công địch, buộc chúng phải lâm vào thế bị động đối phó, ở đâu cũng bị đánh, ở đâu cũng kêu cứu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:28:22 pm »


        Chúng ta mới diệt hoặc đánh bật được một số vị trí nhỏ. Nếu bom đạn ít bị thối, nếu kế hoạch được chu đáo hơn, thì kết quả còn khá hơn. Ta chưa biết cách đánh khi địch co lên gác. Việc chưa đánh được địch ở những nơi chúng tập trung quân lớn là khó tránh, vì trình độ quân ta còn kém. Việc chưa phá được cầu Long Biên cũng tất yếu, vì với 10kg thuốc nổ làm thế nào có thể phá một trụ cầu to lớn và vững chắc?

        Tuy nhiên, tổ chức được một đợt tiến công phủ đầu, bất ngờ, chỉ mấy giờ trước khi địch mở cuộc tiến công để đảo chính, là một đòn đánh có tính chất phản chuẩn bị như cách nói hiện nay, một thành công to lớn về nghệ thuật quân sự Việt Nam khi mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, và ta đã buộc địch phải bị động đối phó về chiến lược.

        b) Toàn dân Hà Nội đứng lên kháng chiến.

        Đi đôi với việc tiến công địch, vệ quốc đoàn, tự vệ cùng đông đảo nhân dân đã khẩn trương tiến hành việc đắp chiến lũy, đào hầm hố, đào giao thông hào, ngả cây, ngả cột điện, khiêng bàn ghế, sập, tủ, giường ra đường làm chướng ngại. Đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia. Nồi niêu, xoong chảo, xô, chậu, rổ rá... được úp xuống đường phố để nghi binh giả là mìn chống tăng.

        Tất cả các đường phố đi vào khu vực cố thủ của Liên khu 1 và các trục đường đi ra ngoại ô đều được chặn lại bằng nhiều tầng chiến lũy, hầm hố chống tăng. Nhiều đường phố khác cũng được làm như vậy. Việc đắp chiến lũy này đã tạo điều kiện phòng ngự, ngăn chặn địch dài ngày.

        Nhiều cây cối, cột điện được ngả ngang đường. Nhưng một số nơi, do chưa có kinh nghiệm đặt thuốc nổ, nên cây chỉ toác ra mà không đổ, hoặc đổ nhưng không chặn ngang đường. Một số nơi đường rộng, thưa dần nên việc đắp ụ, ngả cây làm kém, như ở các đường Tràng Thi, Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Quán Sứ, đường Hàng Bài...   

        Việc phá hoại cũng được gấp rút tiến hành. Sau khi đã chuyển được phần lớn các máy móc nguyên liệu ra hậu phương, công nhân một số nhà máy đã phá tiếp các bộ phận không thể chuyển đi được. Ở Đài phát thanh Bạch Mai, ta đã chuyển máy móc lần thứ nhất, sau khi nổ súng, còn tiếp tục chuyển thêm một số máy móc nguyên liệu và phá ngay những thứ không thể chuyển được, không cho địch sử dụng.

        Việc tản cư được đôn đốc mạnh mẽ. Ban tản cư các cấp, các đoàn thể cứu quốc đến từng nhà hướng dẫn nhân dân đi tản cư. Thanh niên giúp đỡ người già cả, cháu con vận động cha mẹ, ông bà. Chỉ trong mấy ngày mấy chục vạn người được đưa ra khỏi thành phố.

        Nhân dân các làng xã cùng lực lượng tự vệ ngoại thành tích cực giúp dân nội thành tản cư, cùng dân nội thành đào hào giao thông, hầm hố chiến đấu, tổ chức lực lượng vận tải, tiếp tế, cứu thương và đơn vị vũ trang để sẵn sàng vào nội thành đánh địch, chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cung cấp cho các lực lượng vũ trang và giúp dân nội thành tản cư.

        Chỉ trong một đêm 19 tháng 12 năm 1946, toàn quân, toàn dân Hà Nội đã đứng dậy. Cả Hà Nội đã biến thành một chiến trường. Nhiều người trước đây chưa từng tham gia một đoàn thể nào, nay tự nguyện xin làm cứu thương, liên lạc hoặc tự vệ. Đồng bào đã ủng hộ hàng chục tấn gạo, thực phẩm. Nhiều gia đình tản cư đã viết giấy giao lương thực, thực phẩm cho các lực lượng vũ trang. Nhiều người tổ chức việc nấu ăn cho bộ đội. Các nghệ sĩ đi đắp chiến lũy, nhiều nhà văn, nhà giáo xin gia nhập bộ đội. Các cụ già chưa kịp tản cư cũng hăng hái tham gia công tác tuyên truyền, cổ động kháng chiến, hoặc khiêng bàn ghế, tủ, giường ra đường. Các chị em vũ nữ, cô đầu tham gia đoàn thể cứu quốc cũng phấn khởi đi tiếp tế cứu thương hoặc trực tiếp cầm vũ khí trong đội tự vệ.

        Cuộc kháng chiến toàn dân đã được hình thành trên đất Thủ đô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:32:39 pm »


        c) Quân dân Hà Nội chặn đánh quyết liệt, địch tiến công nhiều mục tiêu hiểm yếu trong nội thành.

        Đi đôi với việc tiến công địch và tiến hành các công việc kháng chiến nói trên, ngay trong đêm 19, quân dân Hà Nội đã đánh trả hết sức anh dũng và quyết liệt quân địch tiến công ta.

        Vì đã có sẵn kế hoạch đảo chính vào sáng ngày 20 nên sau khi ta nổ súng, địch lập tức hình thành bốn cánh quân lần lượt từ trong thành tiến ra đánh chiếm một số mục tiêu.

        Chỉ mười lăm phút sau, cánh thứ nhất gồm khoảng ba chục xe chở quân, có xe tăng, xe háp-tơ-rắc dẫn đầu từ Cửa Bắc (có tư liệu nói Cửa Đông) theo đường Phan Đình Phùng để ra chiếm cầu Long Biên kết hợp với một mũi từ Gia Lâm trốn sang. Trên quãng đường khoảng 300m từ Tháp nước tròn đến cầu Long Biên đã diễn ra một số trận chiến đấu quyết liệt.

        Do có chuẩn bị chu đáo nên khi địch tiến quân đến, vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, tự vệ xí nghiệp, tự vệ thành, công an xung phong phục sẵn đã chặn đánh kiên quyết. Bom mìn chôn sẵn đã phá hủy xe tăng, thiết giáp địch. Quân ta từ công sự trong các ngôi nhà đã bắn chết nhiều địch. Tuy chỉ còn 200m, nhưng địch không thể tiếp tục tiến lên được.

        Cánh quân thứ hai gồm 10 xe tăng, xe bọc thép cùng một số xe vận tải từ Cửa Bắc tiến ra giải vây cho bọn ở nhà máy điện và một số vị trí trong khu Trúc Bạch, định tiến ra chiếm Yên Phụ. Nhưng trước tình thế đồng bọn ở Hàng Đậu bị chặn lại, cánh này phải theo đường đê tiến về cầu Long Biên, triển khai lực lượng ở đầu cầu hiệp lực với cánh quân từ Hàng Đậu đánh thông quãng đường này. Địch phải mất 3 giờ mới tiến được 300m đến cầu Long Biên, bị thiệt hại 2 xe bọc thép và 1 xe tăng, 1 xe gíp, bị thương vong hàng chục tên.

        Trận đánh ở Hàng Đậu là trận đánh đầu tiên đạt kết quả tương đối tốt.

        6 giờ ngày 20, địch ở Hàng Đậu theo đê và từ trường Bưởi theo đường Cổ Ngư tiến chiếm Yên Phụ. Tự vệ và bộ đội dựa vào chiến hào, hầm hố, chướng ngại chặn đánh tiêu hao một số địch. Đến 10 giờ, chúng chiếm được cửa ô này, khống chế được khu Trúc Bạch. Việc liên lạc của Liên khu 1 với ngoài trở nên khó khăn.

        Cánh quân thứ ba lớn nhất gồm 18 xe tăng, xe bọc thép và một số xe vận tải chở khoảng 300 quân lê dương xuất phát lúc 21 giờ từ Cửa Nam của thành theo đường Cột Cờ, Tràng Thi để tiến đánh Bắc Bộ phủ.

        Tuy ta phán đoán địch sẽ tiến theo đường này, vì đây là nơi tiếp giáp giữa Liên khu 1 và Liên khu 2, không có liên khu nào bố trí bộ đội ở đây.

        Trước khi nổ súng ít thời gian, mặt trận điều hai trung đội tự vệ chiến đấu Tô Hiệu, Trần Quốc Toản đến. Trung đội Tô Hiệu vừa đánh nhà Lơ-mét không thành công và rút lúc 21 giờ. Trung đội Trần Quốc Toản tăng cường một tiểu đội cho Nhà Hát Lớn.

        Chỉ có lực lượng tự vệ thành và 2 tiểu đội tự vệ chiến đấu cùng công an xung phong đánh địch trên đường Tràng Thi. Hơn nữa trên trục đường này, ta chưa thiết lập được nhiều ba-ri-cát, nhiều chướng ngại, cho nên khi tiến quân, địch không gặp sự ngăn chặn đáng kể.

        Tự vệ lợi dụng nhà cao bắn súng và ném lựu đạn diệt một số địch. Có 2 xe háp-tơ-rắc và 1 xe tăng từ Tràng Thi quay lại. Tự vệ chiến đấu kịp giật bom chôn ở trước hiệu thuốc của bà Hoàng Xuân Hãn (ở đầu phố Tràng Thi) làm nổ tung một xe tăng.

        Địch tập trung quân tiến công đồn Hàng Trống. Trung đội công an xung phong ở đây đã chiến đấu quyết liệt diệt khoảng 20 tên rồi rút.

        Địch tiến đánh Nhà Hát Lớn. Hai tiểu đội của tiểu đoàn 101 Liên khu 1 cùng một tiểu đội tự vệ chiến đấu của trung đội Trần Quốc Toản dũng cảm chống lại sự tiến công của một đại đội lê dương có nhiều xe tăng và xe bọc thép mở đường và pháo chi viện. Quân ta rút lên tầng 2 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Cuối cùng còn lại một tiểu đội bị địch bắt sống, địch dụ hàng không được đem bắn hết, chỉ một đồng chí bị thương giả chết sau chạy thoát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:34:02 pm »


        Đồng thời với trận đánh Nhà Hát Lớn, địch tập trung quân từ thành ra cùng với 200 tên ở khách sạn Mê-tơ-rô-pôn tiến công Bắc Bộ phủ. Trong quyết tâm của Bộ chỉ huy Hà Nội, ta định đánh một trận quyết liệt ở dây không để địch chiếm dễ dàng. Đại đội 1 tiểu đoàn 101 Liên khu 1 tổ chức phòng thủ ở khu vực này bao gồm cả phòng thương mại, nhà Bưu điện, khách sạn Gà Trống vàng, Rạp chiếu bóng Ê-đen. Riêng ở Bắc Bộ phủ 2 trung đội Vệ quốc đoàn quê ở Việt Bắc đã thề sống chết đánh địch tiến công vào nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Đây là trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất (gần 20 giờ). Địch tổ chức tất cả 6 đợt xung phong, đợt nào cũng có hỏa lực chuẩn bị rất mãnh liệt và đều bị ta đánh lui. Đợt đầu địch đánh vòng ngoài. Đợt hai địch dùng tăng bắn phá rồi dẫn bộ binh xung phong. Một chiến sĩ ta đâm bom ba càng phá một tăng, đồng chí hy sinh anh dũng. Đây là quả bom ba càng phá tăng đầu tiên. Một chiến sĩ khác đánh quả thứ hai không nổ, địch khiếp đảm lui quân. Đợt ba, 4 xe tăng, 8 thiết giáp xông vào hàng rào, bị hỏa lực tập trung diệt bộ binh, địch phải lui. Đợt bốn, 2 xe tăng dẫn 2 trung đội bộ binh xung phong. Cả hai xe tăng đều bị bom ba càng diệt, bộ binh ta phản kích đánh lui địch. Đợt năm, địch hướng tiến công từ vườn hoa Chí Linh vào sườn Bắc Bộ phủ và nhà Bưu điện Bờ Hồ. Bộ đội chặn đánh quyết liệt. Nam nữ nhân viên bưu điện anh dũng tham gia đánh địch. Sau 2 giờ chiến đấu ta đánh lui địch, giữ vững vị trí.

        Đến đợt sáu đạn dược ta gần hết. Ban chỉ huy Liên khu cho bộ đội rút. Nhưng một bộ phận còn trụ lại. Địch tiến vào sâu. Ta giật một quả bom giết một số địch và chặn được chúng. Địch lại chấn chỉnh lực lượng cho xe tăng dẫn đầu, xung phong tiếp. Ta giật quả bom thứ hai không nổ. Lập tức đồng chí Lê Gia Định, chính trị viên đại đội trực tiếp chỉ huy trận đánh Bắc Bộ phủ đã xông lên để đập kíp bom. Quân địch trông thấy khiếp sợ, cả xe tăng và bộ binh đều tháo chạy. Chưa kịp đập kíp bom, đồng chí đã trúng đạn địch. Người đảng viên cộng sản Lê Gia Định, quê xã Trúc Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, làm thợ giấy từ nhỏ ở Hà Nội đã hy sinh anh dũng.

        Địch không dám tiếp tục tiến, cho máy bay đến oanh tạc bắn phá dữ dội đến tối, khi quân ta đã rút lui.

        Chiếm được Bắc Bộ phủ, địch đã phải trả một giá rất đắt: 122 lính lê dương bị diệt, 4 xe tăng và thiết giáp, 1 xe gíp, 3 xe vận tải bị phá. Bên ta 45 đồng chí hy sinh.

        Trận đánh oanh liệt ở Bắc Bộ phủ là trận đánh phòng ngự điển hình. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của 45 đồng chí mà tiêu biểu là đồng chí Lê Gia Định mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của nhân dân Thủ đô.

        Trong ngày 20, tại Liên khu 1, địch cho máy bay thả xăng đốt cháy cả khu Long Biên ở ven bờ sông. Ủy ban khu, các đội cứu thương, tiếp tế phải xông ra cứu dân, di dân vào trong đê, sau đó tổ chức cho dân tản cư.

        Ở phía tây Liên khu, từ sáng sớm, xe tăng thiết giáp cùng bộ binh địch tiến chiếm các phố Hà Trung, Ngõ Trạm, Nguyễn Trãi (nay là phố Nguyễn Văn Tố), nhà thờ Tin lành rồi tiếp theo là Hàng Điếu, Hàng Gà, chiếm nhà buôn Nhật Si-mô-mu-ra, chùa Thái Cam. Địch tiến công rạp Ô-lanh-pi-a (nay là rạp Hồng Hà), bị ta đẩy lùi diệt 30 tên.

        Khống chế được đường Hàng Đậu ở phía bắc và đường Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền ở phía nam, Hàng Điếu, Hàng Gà ở phía tây địch bắt đầu hình thành thế bao vây Liên khu 1.

        Cánh quân thứ tư cũng từ Cửa Nam theo đường Cột Cờ tiến công chủ yếu trong phạm vi Liên khu 2. Chúng định tiến theo đường Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn) xuống để cứu viện cho bọn chúng ở nhà Ga và nhà dầu Sen. Đến ngã ba Hàng Lọng bị tự vệ chặn đánh. Công nhân xe lửa đã dùng toa tàu chở đá chặn ngang đường sắt. Không tiến được, địch phải theo đường Tràng Thi rồi rẽ sang đường Quán Sứ, chiếm Viện Ra-di-um, Hỏa Lò, Tòa án và đến gần sáng ngày 20, chiếm Sở hỏa xa Việt Điền (nay là trụ sở Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) rồi tiến công Nha Công an.

        Sáng ngày 20, địch đánh thông đường Hàng Lọng, cùng bộ phận từ nhà dầu Sen tiến lên giải vây bộ phận ở ga. Tiếp đó địch tiến công Nha Công an (nay là trụ sở Bộ Nội vụ) và trụ sở tự vệ chiến đấu ở 107 Trần Hưng Đạo. 140 công an xung phong dũng cảm đánh trả quyết liệt diệt khoảng một trăm địch, phá một xe, ta bị thương vong 30 người rồi rút sang khu Đấu Xảo cùng tự vệ chiến đấu giữ khu Đấu Xảo.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM