Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:46:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28113 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:20:29 pm »


        Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 12, địch tiếp tục tiến công một số vị trí quan trọng khác: Trụ sở Bộ Quốc phòng (nay là trường Trưng Vương), trại Vệ quốc đoàn Trung ương (40 Hàng Bài), Toà Thị chính (Ủy ban nhân dân thành phố hiện nay), khu vực Hàng Bông, Ô Đống Mác, trụ sở Bộ Tổng tham mưu (nay là trụ sở Tổng cục Bưu điện)... Cuộc chiến đấu ở những nơi này cũng diễn ra quyết liệt. Ở Hàng Bông, Ô Đống Mác, ta chặn được các mũi tiến công của địch. Ở trụ sở Bộ Tổng tham mưu, cơ quan Bộ đã rút đi nhưng trung đội vệ binh cùng tự vệ đã đánh lui 5 đợt xung phong của địch, diệt 45 tên địch, phá hủy 1 xe tăng.

        Sau 3 ngày chiến đấu, quân ta phải rút khỏi nhiều vị trí quan trọng trong thành phố. Nhưng chính ở những nơi chúng chiếm lại được, ta tổ chức đánh du kích, từng nhóm nhỏ tập kích, phục kích, quấy rối địch. Cũng trong những ngày này, ta đã tổ chức cho khoảng 10 vạn đồng bào Hà Nội tản cư ra ngoại thành và các tỉnh lân cận an toàn.

        Tối 23 tháng 12 năm 1946, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn - đặc phái viên của Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Việt Hùng - Khu phó Chiến khu 11, bí mật vào Liên khu 1 nắm tình hình và nhận định ta có khả năng đánh dài ngày trong thành phố. Nhận định này được báo cáo lên Thường vụ Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và được chấp nhận.

        Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết định điều chỉnh lại thế trận và lực lượng theo phương án xác định từ trước là “trong đánh, ngoài vây”.

        Ta chủ trương lực lượng vũ trang ở Liên khu 1, do tiểu đoàn 101 làm nòng cốt, co về cố thủ, đánh địch dài ngày trong Liên khu. Các tiểu đoàn 77, 523, 145, 212 đánh địch ở khu vực Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Kim Mã, Yên Phụ, hình thành thế bao vây, không cho địch nống ra.

        Phía địch, do lực lượng có hạn lại bị tiêu hao nặng nên chỉ cố siết chặt vòng vây Liên khu 1, chỉ nống ra một vài điểm nhỏ. Tướng chỉ huy Va-luy phải kêu gọi binh sĩ: “Hãy nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt. Chẳng bao lâu nữa, các bạn sẽ được tăng viện và tiếp tế”; phải cố điều quân từ miền Nam ra và xin Pa-ri viện binh.

        Ngày 25 tháng 12, trước diễn biến tình hình mặt trận Hà Nội, Thường vụ Trung ương đã quyết định sáp nhập Chiến khu 11 (Hà Nội) vào Chiến khu 2 để Hà Nội có thêm hậu phương vững chắc. Chiến khu 2 gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La. Đồng chí Vương Thừa Vũ làm Khu phó Chiến khu 2, đồng thời trực tiếp làm Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội. Bộ Tổng tham mưu cũng điều tiểu đoàn 56 của trung đoàn 13 Hà Đông tăng cường cho Hà Nội.

        Từ ngày 24 tháng 12 năm 1946 trở đi, mặt trận Hà Nội đã hình thành rõ rệt hình thái “trong đánh, ngoài vây”.

        Liên khu 1 ở trung tâm Hà Nội gồm nhiều khu phố cũ, nhà cửa liền kề, có nhiều nhà cao tầng, ngõ phố quanh co thuận lợi cho việc cơ động, lập các ổ chiến đấu của ta, chặn đánh địch. Nhiều thiết bị chiến đấu đã được xây dựng trước đây như vật chướng ngại, tường nhà đục thông nhau làm đường “ngầm” chiến đấu... Vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu chia thành từng tổ, số lượng từ 3, 5 người đến 50 người tuỳ yêu cầu từng vị trí, từng trận chiến đấu, phát huy khả năng cơ động bí mật, chủ động bất ngờ, mưu trí sáng tạo, bằng mọi thứ vũ khí, bằng mọi cách đánh, liên tục tiến công địch, tiêu hao lực lượng chúng, giữ vững trận địa.

        Các cửa ô là những điểm giao cắt các tuyến chính vào nội đô. Vệ quốc quân và tự vệ được nhân dân ngoại thành đông đảo hỗ trợ, lập các chiến luỹ, các giao thông hào liên hoàn chốt chặn không cho địch nống ra ngoại thành, vây hãm, tiến công, luồn vào phía sau quấy rối địch... Các cửa ô tạo thành vành đai vây hãm, thành bàn đạp đánh vào quân Pháp trong thành phố.

        Ngày 24, 25, 26 tháng 12, địch liên tục mở nhiều đợt tiến công nhưng đều bị quân ta chặn đánh quyết liệt buộc phải rút lui. Ngày 28 tháng 12, địch lại tiến công Ô Cầu Dền, lần này địch dùng lực lượng đông hơn, có cả xe tăng mở đường, nhưng ta đã bố trí sẵn trận địa, có cả súng ba- dô-ca. Để cho địch tiến vào trận địa một đoạn, khi đó mới dùng súng bộ binh diệt bọn lính, súng ba-dô-ca bắn cháy xe tăng, địch phải bỏ chạy. Cũng trong ngày 28, địch tiến đánh Vĩnh Tuy từ nhiều hướng có pháo binh chi viện, có xe tăng dẫn đầu. Ta dựa vào chiến luỹ đánh chặn rồi phản kích, có trận diệt 50 tên, địch phải rút lui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:20:56 pm »


        Trong những ngày này, Liên khu 2 cũng cho một đại đội của tiểu đoàn 56 tập kích địch ở các phố Mai Hắc Đế, Huyền Trân Công Chúa, nhà Diêm... Một tổ tự vệ phục kích địch ở Hàm Long.

        Về phía địch, đến ngày 27 tháng 12, chúng đưa thêm một lực lượng vào tăng cường cho quân Pháp ở Hà Nội.

        Ngày 28 tháng 12, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội họp đánh giá tình hình chiến đấu 10 ngày từ ngày 19 đến 28 tháng 12. Cuộc họp có cả Tổng chỉ huy và Tổng Tham mưu trưởng dự. Cuộc họp đánh giá Hà Nội đánh như vậy là một thành tích lớn và rút ra nhận định ta có thể đánh dài ngày hơn. Tuy nhiên, do có thêm lực lượng, địch sẽ mở rộng đánh chiếm ra các cửa ô để phá thế bao vây của ta, sau đó sẽ tập trung đánh Liên khu 1.

        Từ nhận định này, Bộ chỉ huy mặt trận chỉ đạo các Liên khu 2 và 3 bố trí lại lực lượng, tăng cường công sự. Liên khu 1 tích cực đánh du kích, giữ vững khu vực cố thủ, không cho địch dồn ép. Các tiểu đoàn Vệ quốc đoàn lấy thêm tự vệ để bổ sung quân số. Phòng Quân nhu, Phòng Quân giới bổ sung lương thực, thực phẩm, đạn dược... nhân dân ngoại thành tận tình cung cấp lương thực, thực phẩm cho nội thành và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi địch đánh tới.

        Sau những ngày cuối năm 1946, đầu năm 1947 địch đánh ra các cửa ô, chúng có mở rộng chiếm đóng. Nhưng như thế lại phân tán lực lượng. Muốn tiếp tục mở rộng đánh chiếm ra ngoại thành và tiến công mạnh mẽ quân ta ở Liên khu 1 thì lại thiếu quân nghiêm trọng. Theo yêu cầu của chiến trường Bắc Bộ, trong đó trọng điểm là Hà Nội, Chính phủ Pháp quyết định tăng viện 2 vạn quân từ Pháp sang. Như thế, đến cuối tháng 1 năm 1947, viện binh Pháp sẽ đến Hà Nội.

        Tháng 1 năm 1947, Ủy ban kháng chiến và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội điều chỉnh lại sự bố trí lực lượng để vừa bảo đảm chiến đấu trong lòng Hà Nội, vừa chống địch tiến công ra ngoại thành.

        Ủy ban kháng chiến Hà Nội quyết định sáp nhập khu Đống Đa với Liên khu 3. Các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu công an xung phong của Liên khu 1 cùng một số lực lượng bổ sung thống nhất thành 1 trung đoàn, lấy tên là trung đoàn Liên khu 1. Quyết định này được Trung ương phê chuẩn. Hội nghị quân sự toàn quốc họp tại Chúc Sơn (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây) từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 1 năm 1947 đã quyết định tặng trung đoàn Liên khu 1 danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô”. Quân số trung đoàn Thủ đô lúc mới thành lập lên đến 5.600 người. Ngoài 2 đại đội Vệ quốc đoàn còn phần lớn là tự vệ, một số là công nhân, học sinh, dân nghèo, viên chức... mới tình nguyện tham gia chiến đấu. Theo chủ trương của Trung ương, ta sẽ đưa theo con đường bí mật khoảng 3.000 cán bộ chiến sĩ ra ngoài thành phố. Theo chỉ thị của trên, trung đoàn Thủ đô chỉ để lại 500 người, nhưng nhiều người đã trốn lại để chiến đấu nên quân số vẫn còn trên 1.200 người.

        Các đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ chiến đấu ở các cửa ô cũng được tổ chức thành trung đoàn 48 và trung đoàn 52. Mỗi trung đoàn có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Trung đoàn 48 được Ban Thường vụ Quốc hội tặng danh hiệu “Trung đoàn Thăng Long”.

        Nhân dịp Tết Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “Gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô”. Trong thư, Người biểu dương các chiến sĩ: “Các em là đội quyết tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”. Người khuyến khích các chiến sĩ: “Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em”.

        Từ ngày 15 tháng 1 năm 1947, sau khi đánh thông được quốc lộ 5 và đưa quân qua cầu Long Biên tăng viện cho Hà Nội, quân Pháp tập trung lực lượng mở cuộc tiến công lớn ra các cửa ô. Sau 4 ngày tiến công liên tục, bị quân ta chặn đánh quyết liệt, địch bị thương vong nhiều nhưng đã chiếm được đoạn vành đai Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và vành đai Ngã Tư Sở - Bưởi.

        Như vậy, từ ngày 15 đến 25 tháng 1 năm 1947, địch đã chiếm được vành đai ngoại thành với các cửa ngõ vào, ra hà Nội.

        Tranh thủ lúc địch tập trung lực lượng đánh ra ngoại ô, Liên khu 1 chấn chỉnh lực lượng, tăng cường phòng thủ. Lúc này địa bàn Liên khu 1 do ta kiểm soát đã bị thu hẹp, chủ yếu là khu phố cổ, phía nam là phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Dầu, phía đông là phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân), phía bắc là phố Hàng Khoai, Hàng Lược, phía tây là phố Hàng Da, Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Rươi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:22:16 pm »


        Sau khi đã rút ra ngoài, lực lượng chiến đấu còn lại của ta không nhiều. Ta cũng không có điều kiện tiến công hoặc phản công lớn. Vì thế cả Vệ quốc quân và tự vệ đều được chia thành từng tổ nhỏ. Cách đánh phổ biến là đánh du kích: quấy rối, bắn tỉa, tập kích, phục kích quy mô nhỏ. Cách đánh này vừa tiêu hao được lực lượng địch, làm chúng thường xuyên căng thăng, mất ăn, mất ngủ mà chúng ta ít bị thương vong.

        Ngày 26 tháng 1 năm 1947, đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đến sở chỉ huy của mặt trận Hà Nội nghe các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy mặt trận Hà Nội: Nguyễn Văn Trân, Vương Thừa Vũ... báo cáo tình hình và cùng bàn nhiệm vụ tác chiến sắp tới. Trên cơ sở nhận định tình hình do địch mở rộng địa bàn chiếm đóng mà quân số hạn chế, phải rải quân giữ địa bàn đối phó với cách đánh du kích của ta ở khắp nơi, mà viện binh địch chưa tới, do đó địch chưa có khả năng đánh chiếm ngay được Liên khu 1, ta có điều kiện kéo dài thời gian giam chân địch thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, phải chuẩn bị sẵn sàng phương án rút lực lượng ra theo đường sông sang phía bắc thành phố.

        Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 2 năm 1947, địch bắt đầu tiến công Liên khu 1 và các phố. Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Mành, Hàng Hòm, Bát Đàn, Hàng Quạt. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra quyết liệt, giành đi, giật lại, địch bị thiệt hại lớn cả người và xe cộ, quân ta vẫn giữ được trận địa, bảo đảm đường giao thông với phía sau.

        Ngày 14 tháng 2, địch chuyển hướng tiến công lên phía bắc, đánh vào khu vực chợ Đồng Xuân. Chúng dùng phi pháo oanh tạc dữ dội rồi dùng xe tăng, bộ binh tiến công từ nhiều hướng. Quân ta đánh lui hai đợt xung phong của địch. Đến đợt xung phong thứ ba, địch chiếm được chợ. Được chi viện lực lượng, quân ta phản kích chốt chặn địch ở phố Hàng Chiếu. Trận đánh ở chợ Đồng Xuân vô cùng quyết liệt. Nhiều chiến sĩ cảm tử dùng dao, kiếm đánh “giáp lá cà” với lính lê dương. Ta diệt khoảng 200 tên địch.

        Đến ngày 15 tháng 2, tình hình Trung đoàn Thủ đô trở nên cấp bách. Vòng vây của địch khép dần. Quân ta chỉ còn dự trữ lương thực dùng trong 5 ngày, mỗi khẩu súng chỉ còn 5 viên đạn, nước dùng cũng thiếu. Theo đề nghị của Quân ủy, sáng ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đồng ý cho Trung đoàn Thủ đô rút quân ra ngoài.

        Kế hoạch của ta là: 20 giờ ngày 17 tháng 2 sẽ tổ chức rút quân theo đường qua sông Hồng bằng thuyền, yêu cầu cao nhất của cuộc rút quân là bí mật, an toàn. Muốn đạt yêu cầu trên, phải có các hoạt động nghi binh, đánh lạc hướng địch.

        Sau nhiều ngày tiến công liên tục, địch tạm ngừng để củng cố lực lượng và chờ đến ngày 18 tháng 2, viện binh từ Hải Phòng lên. Tranh thủ thời gian đó, mặt trận Hà Nội tiến hành các cuộc tiến công nghi binh. Đêm l5 tháng 2, quân ta ở Liên khu 2 tiến công Ô Cầu Dền; Liên khu 3 tiến công vào Hàng Bột, Cầu Giấy, Kim Mã; tiểu đoàn 145 tập kích Đông Ngạc, Mai Dịch, Hoài Đức và cho một lực lượng luồn vào nội thành quấy rối. Đêm 16, các lực lượng ta tiếp tục tiến công quấy rối địch ở toàn thành phố. Ở Liên khu 1 ta cũng tổ chức tiến công và quấy rối một số vị trí địch.

        Đường rút quân đã được tính toán, thăm dò, bảo đảm bí mật, an toàn. Các phương tiện phục vụ việc rút quân cũng được huy động sẵn sàng.

        Đêm 17 tháng 2, một đêm trời tối, sương mù, giá lạnh, mặt trận im tiếng súng, giặc Pháp còn đang yên tâm tính toán cho cuộc tiến công lớn sắp tới, đúng 20 giờ theo kế hoạch đã định, trung đoàn Thủ đô bắt đầu rút quân.

        Cuộc hành quân thuận lợi, theo đúng kế hoạch, đến 24 giờ ngày 17, quân ta đã rút hoàn toàn khỏi Liên khu 1; đến 23 giờ ngày 18, tuyệt đại bộ phận trung đoàn đã đến Dâu Canh.

        Sáng 19 tháng 2, địch mới phát hiện quân ta đã rút khỏi Liên khu 1. Chúng huy động lực lượng đuổi theo. Trung đội trưởng tự vệ chiến đấu Nguyễn Ngọc Nại, người trực tiếp chỉ huy tiểu đội liên lạc đặc biệt từng chuẩn bị và đưa đường cho bộ đội rút, nay lại chỉ huy tiểu đội chốt cuối cùng, đã cùng một tổ chặn đánh và đánh lạc hướng quân địch, chiến đấu đến cùng, không để rơi vào tay quân giặc. Giặc Pháp mất dấu vết quân ta, đã điên cuồng tàn sát trên 50 dân lành ở Tứ Tổng và Tàm Xá.

        Sau 60 ngày đêm chiến đấu, giam chân địch ở Hà Nội, lực lượng vũ trang Hà Nội, trong đó có Trung đoàn Thủ đô đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ, bảo toàn lực lượng, rút lui an toàn để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.

        Kể từ đêm 19 tháng 12 năm 1946 đến đêm 17 tháng 2 năm 1947, 60 ngày đêm quân dân Hà Nội chiến đấu gian khổ, hy sinh, dũng cảm, mưu trí đã lập được thành tích xuất sắc, xứng đáng là địa phương mở đầu, là mặt trận quan trọng nhất mở đầu Toàn quốc kháng chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:23:04 pm »


II. HẢI PHÒNG BƯỚC VÀO CUỘC KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KỲ

        Sau khi trắng trợn tiến công chiếm thành phố Hải Phòng, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Với bản chất thực dân phản động, ỷ vào sức mạnh của quân đội nhà nghề, Bộ chỉ huy Pháp âm mưu chuẩn bị huy động toàn bộ lực lượng đánh úp các cơ quan đầu não ta tại Thu đô, tiêu diệt chính quyền cách mạng và nhanh chóng đánh chiếm cả nước ta bằng một hành động quân sự chớp nhoáng.

        Lực lượng của thực dân Pháp ở Hải Phòng lúc này tương đối mạnh, gồm trung đoàn bộ binh lê dương số 3, trung đoàn pháo binh thuộc địa Ma-rốc số 4, trung đoàn chiến xa cơ động, một bộ phận thủy quân, không quân...

        Bước vào cuộc chiến đấu với giặc Pháp từ trước ngày Toàn quốc kháng chiến, sau khi rút ra khỏi thành phố, các lực lượng vũ trang Hải Phòng tổ chức phòng tuyến chốt giữ các cửa ngõ, hình thành vòng đai bao vây địch. Quân ta đã chặn đánh các mũi tiến công thăm dò của địch ra ngoại vi; cảm tử quân nhiều lần đột nhập quấy rối, giết bọn địch đi tuần tiễu; tập kích vào các vị trí chúng đóng quân; phá trại giam cứu dân bị chúng bắt giữ, pháo của ta cũng hai lần nã đạn vào thành phố.

        Lực lượng tự vệ tuy đông nhưng trang bị thiếu thốn, chỉ có một số súng máy và súng cối, còn súng trường không đủ, lại nhiều kiểu, lựu đạn ít lại thường không nổ, một số chai xăng crếp, còn lại là giáo mác, dao găm, kiếm, mã tấu, gậy gộc...

        Lực lượng Vệ quốc đoàn - trung đoàn 41 (còn gọi là trung đoàn Hải - Kiến) trang bị khá hơn, có một số súng trọng liên 12.7, một khẩu ba-dô-ca, một khẩu pháo 37.

        Cơ quan chỉ huy trung đoàn đóng ở chân núi Cột Cờ (Kiến An) cùng một đại đội quyết tử và đại đội Ký Con mới ở Cát Bà rút về.

        Lực lượng ta bố trí rải rác ở các làng ven sông hướng sang Hải Phòng và trên các trục đường từ Hải Phòng ra. Các lực lượng vũ trang đóng tại đây đều cùng nhân dân địa phương rào làng đắp lũy xây dựng thành làng chiến đấu. Để ngăn cản không cho địch hành quân dễ dàng, ta phá sập 6 cầu xi măng trên các ngả đường từ nội thành ra và bóc đi 3km đường sắt Hai Phòng đi Hải Dương, từng đoạn xẻ những hào rộng, đắp ụ chiến đấu, chất đầy vật chướng ngại, xây dựng thành những chiến lũy đánh địch...

        Các đoạn sông Cổ Trai, Kinh Thầy, Giá, và các sông Văn Úc, Lạch Tray, Tam Bạc, Quý Cao, nhiều đoạn được cắm kè đổ đá để ngăn tàu chiến giặc. Nhân dân tự nguyện phá nhiều đình chùa, nhà gạch ven đường, không cho địch lợi dụng đóng quân nếu chúng đánh tới.

        Chính quyền các đoàn thể vận động nhân dân các làng phía sau xay giã gạo, tiếp tế thực phẩm cho các mặt trận và tổ chức quyên tiền ủng hộ quỹ “Mùa đông binh sĩ” để may áo ấm mùa đông cho ác chiến sĩ.

        Đội tuyên truyền tiền tuyến của Chiến khu 3, đội tuyên truyền kháng chiến của Trung đoàn 41 hoạt động phục vụ ngày đêm ngay tại chiến hào, ụ súng, động viên khí thế chiến đấu, tinh thần quyết tử “thà chết không trở lại đời nô lệ” của những người cầm súng ở chiến tuyến. Ngày đêm ăn ở ngay tại hầm hố, công sự, mưa gió rét buốt, thiếu thốn đủ thứ, nhưng không một ai chịu rời vị trí, quyết chiến đấu sống chết với quân thù.

        Cho đến ngày toàn quốc kháng chiến, vành đai bao vây thành phố của ta vẫn giữ vững.

        Thực hiện “Lời kêu gọi kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện An Dương đi đầu đẩy mạnh vận động nhân dân thực hiện vườn không nhà trống, triệt để phá hoại dọc đường 5. Các ga Dụ Nghĩa, Vật Cách, nhà Hàn Điềm, nhà máy gạch, nhà vuông, nhà máy chai, cầu Kim Sơn, cống Cách, cống Ngà đều bị phá hủy. Nhân dân đắp hơn 300 ụ trên một đoạn đường 4km, phá đổ các cột điện và cắt hết các dây điện thoại. Quân dân huyện An Dương đã thực hiện đúng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Phá cho rộng, phá cho sâu, phá cho bọn Pháp không lợi dụng được”.

        Mặc dù liên lạc được với quân của chúng ở Hải Dương, nhưng con đường huyết mạch giữa Hải Phòng - Hải Dương vẫn không sao thông suốt. Để đối phó lại hoạt động của ta, ngày 16 tháng 2 năm 1947, quân Pháp mở cuộc tiến công đánh rộng ra hai bên ven đường số 5 và chiếm huyện lỵ An Dương. Các chiến sĩ cảm tử quân của huyện, tự vệ nội thành (Hải Phòng) cùng với một bộ phận lực lượng chủ lực chặn đánh địch ở nhiều ngả, phục kích tiêu diệt nhiều tên địch cùng một số xe cộ. Địch lùng sục bắt dân đi làm phu sửa đường nhưng đi đến đâu chúng cũng chỉ gặp cảnh vườn không nhà trống, hoang vắng không một bóng người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:23:35 pm »


        Tấm gương kháng chiến, tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ” của quân dân mặt trận Cam Lộ - An Dương đã xứng đáng với sự biểu dương, nêu gương học tập tại Hội nghị quân sự toàn quốc.

        Ngày 7 tháng 2 năm 1947, địch mở cuộc hành quân đánh chiếm huyện Thủy Nguyên nhằm tạo nên một vị trí tiền tiêu án ngữ bảo vệ phía bắc thành phố, bảo đảm cho hoạt động của bến cảng Hải Phòng và từ đó chúng sẽ đánh chiếm Quảng Yên và đường 18, mở thông đường lên phía bắc. Ở đây còn có một đường máng nước đưa nguồn nước ngọt từ Vàng Danh, Uông Bí qua Thủy Nguyên về đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của thành phố Hải Phòng.

        Với lực lượng một trung đoàn, địch chia làm ba mũi: mũi một dùng tàu chiến đổ quân lên bến Đoan, cầu Giá, tiến về núi Đèo; mũi hai dùng tàu chiến đổ quân lên bến Kiền Bái đánh về Trịnh Xá; mũi ba qua phà Bính chia làm hai cánh nhỏ theo đường 10 và đường máng nước lên chiếm núi Đèo.

        Lực lượng ta bố trí ở mặt trận Thủy Nguyên có tiểu đoàn 182 thuộc trung đoàn 50 Vệ quốc đoàn, tiểu đoàn này đóng quân rải trên các thôn An Lư, Thanh Lãng, Phù Lưu. Tiểu đoàn Quang Trung của huyện bố trí dọc các tuyến đường giao thông.

        Các lực lượng vũ trang của ta đã chặn đánh kịp thời các mũi tiến công của địch. Trận đánh quyết liệt nhất là trận Cầu Sưa, thôn An Lư. Vệ quốc quân cùng với lực lượng địa phương đã kiên cường chặn bước tiến của giặc. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trong từng ngõ xóm, từng căn nhà. Địch phải trả một giá rất đắt, bị thương và chết hơn một trăm tên mới phá vỡ được phòng tuyến của ta. Trận Thủy Đường, một tiểu đội tự vệ đã dùng vũ khí thô sơ ngăn chặn hàng trăm quân địch với một tinh thần gan dạ, dũng cảm, còn một người cuối cùng vẫn kiên cường chiến đấu bảo vệ làng xóm.

        Chiều tối, vượt qua được các trận tuyến của ta trên các trục đường giao thông chính, các cánh quân của chúng liên lạc được với nhau. Địch chốt lại ở các vị trí: bến phà Kiền Bái, chùa Kiền Bái, chợ Trung Mỹ, Trịnh Xá, núi Đèo, bến Bính, cầu Giá và bến đò Rừng.

        Hôm sau, địch tiếp tục mở các cuộc càn quét vào các làng chung quanh vị trí. Đi tới đâu, địch cũng bắn giết trả thù, khủng bố nhân dân rất khốc liệt: hơn 60 đồng bào ta ở Mỹ Giang, Trại Kênh và trên 50 đồng bào ở Kiền Bái, Trịnh Xá bị địch mổ bụng, cắt đầu và bắn chết, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều nhà cửa bị đốt cháy trơ trụi.

        Vừa khủng bố, địch vừa lợi dụng những phần tử cường hào, phản động làm tay sai để vơ vét bắt người đưa vào nội thành làm phu cho chúng.

        Chiếm Thủy Nguyên xong, địch củng cố lực lượng tiếp tục đánh chiếm tuyến đường 18. Ngày 28 tháng 2, địch đánh chiếm thị xã Quảng Yên và Uông Bí; sau đó là Tràng Bạch, Đông Triều, Chí Linh...

        Tại Thủy Nguyên, địch đóng thêm các vị trí Phúc Liệt, Tràng Kênh, Đá Bạc để kiểm soát chặt chẽ đường máng nước từ Uông Bí về nội thành và khai thác đá Tràng Kênh cho nhà máy xi măng hoạt động trở lại.

        Mặc dù quân địch thực hiện được ý định đánh chiếm Thủy Nguyên nhưng chúng đã phải chịu tổn thất trước tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của quân và dân địa phương. Chỉ sau đó một thời gian, Thủy Nguyên nhanh chóng trở thành một địa bàn nóng bỏng đối với kẻ thù.

        Đêm 20 tháng 3 năm 1947, trong khi 7 tiểu đoàn quân Pháp đang hành quân càn quét vùng Đông Triều, Chí Linh trên đường 18, thực hiện chủ trương của Khu ủy và Bộ chỉ huy Chiến khu 3, các lực lượng vũ trang liên tỉnh Hải - Kiến đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở nội thành tiến hành một cuộc tập kích lớn vào quân địch trong thành phố Hải Phòng.

        Lực lượng gồm có 4 đại đội của trung đoàn 41, một đại đội cảm tử quân, 5 đội tự vệ và 1 đại đội cảnh vệ, tổng cộng tới ba ngàn quân. Ngoài ra còn một số lực lượng công an, các đội vũ trang tuyên truyền của khu và thành phố.

        Mặc dù đêm tối, trời mưa tầm tã, ta vẫn khắc phục khó khăn tiến công một loạt các vị trí địch ở Sở Dầu, Sở Đoan, Xi măng, Táp pi, trường bay Cát Bi... Các chiến sĩ tự vệ huyện Hải An đã đốt cháy một kho bom của giặc ở trường bay Cát Bi, tiếng nổ vang suốt đêm và cả ngày hôm sau. Ta thu được cả đại liên, ba-dô-ca, một số quân trang, quân dụng. Ta còn phá được một số trại giam cứu hơn 50 người dân bị chúng giam giữ. Các đội vũ trang tuyên truyền đã phân tán hoạt động, phát thanh Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch mặt bọn thực dân xâm lược Pháp, kêu gọi đồng bào ủng hộ kháng chiến.

        Cả thành phố Hải Phòng sục sôi khí thế kháng chiến, làm chủ thành phố của mình. Bọn địch hoang mang, chỉ lo bảo vệ phòng thủ tại chỗ, không đối phó lại được.

        Ngày 23 tháng 3, địch đã phải bỏ dở cuộc hành quân ở Đông Triều, Chí Linh, điều cấp tốc cả 7 tiểu đoàn về bảo vệ thành phố Hải Phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:25:35 pm »


        Mặc dù lực lượng của ta không mạnh, trang bị thô sơ, nhưng do nắm chắc tình hình địch, biết lợi dụng thời cơ và tổ chức hiệp đồng tốt nên ta đã bất ngờ, táo bạo tiến công vào hang ổ địch, buộc chúng phải bị động đối phó. Tuy không diệt được nhiều sinh lực địch, nhưng trận tiến công vào thành phố đã phối hợp kịp thời chặt chẽ với các lực lượng bạn, phá được cuộc hành quân càn quét đánh chiếm của địch trên đường 18.

        Trận tiến công vào nội thành Hải Phòng biểu hiện tinh thần đoàn kết hiệp đồng, kiên quyết tiến công địch của các lực lượng vũ trang liên tỉnh Hải - Kiến. Địch chiếm thành phố được 5 tháng, nhưng thành phố vẫn chưa phải là mảnh đất dung thân của chúng. Những người con của đất Cảng ngày đêm vẫn hướng về thành phố thân yêu của mình, sẵn sàng quyết chiến với quân thù.

        Ngày 25 tháng 4 năm 1947, lực lượng quân Pháp gồm 2 trung đoàn bộ binh thuộc địa số 23 và số 2, có sự phối hợp của thủy quân và không quân, được pháo binh yểm trợ chia thành nhiều cánh tiến đánh Đồ Sơn và Kiến An.

        Hướng Đồ Sơn, địch dùng tàu đổ bộ phối hợp với lực lượng đóng giữ từ trước, mở rộng đánh chiếm ra các khu vực xung quanh. Hướng Kiến An gồm: cánh từ huyện lỵ An Dương qua núi Voi đánh sang thị xã Kiến An; cánh vượt qua cầu Niệm tiến thẳng sang thị xã; cánh từ cầu Rào tiến sang Phúc Lộc, Tiểu Trà, Trà Khê, Phấn Dũng lên Phương Lung rồi tiến về Kiến An; cánh dùng ca nô, tàu chiến đổ quân lên bến Khuê, qua Mông Tràng Thượng, Sái Nghi, Nguyệt Áng, phối hợp với mũi từ bến Sòi qua An Luận, Liễn Luận, Xuân Sơn cùng đánh về Kiến An.

        Như vậy là các cánh quân của địch hình thành thế bao vây vu hồi và hợp điểm tại thị xã Kiến An, vì chúng cho rằng đây là nơi tập trung lực lượng kháng chiến của Hải Phòng - Kiến An.

        Cuộc hành quân mang tên “Giê-oóc-giơ” của địch nhằm bao vây tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta và đánh chiếm tả ngạn sông Văn Úc trùng hợp với thời điểm lực lượng vũ trang Hải - Kiến đang tập trung chuẩn bị đợt tiến công lần thứ hai vào thành phố Hải Phòng. Lúc này, Trung đoàn 41 đã được lệnh của Khu điều về Vĩnh Bảo để củng cố, chỉ còn lại ở Kiến An đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 90.

        Lực lượng vũ trang của ta tập trung ở thị xã Kiến An gồm có đại đội 4, lực lượng tự vệ tỉnh và một đơn vị quyết tử của thị xã. Đồng chí Trần Thành Ngọ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ liên tỉnh, Trung đoàn phó trung đoàn 41, được phân công chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang liên tỉnh Hải - Kiến. Các cánh quân của địch bị ta chặn đánh kịch liệt ở tất cả các hướng, nhưng vì quân địch đông, lại được phi pháo yểm hộ, cuối cùng chúng cũng hợp vây được thị xã. Lực lượng vũ trang của ta nằm trong vòng vây của địch đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng đến chiều thì ta phải rút về cố thủ tại núi Cột Cờ. Tại đây ta đã tổ chức trận địa đánh địch, hình thành tuyến phòng ngự vòng quanh sườn núi. Dưới sự chỉ huy dũng cảm của đồng chí Trần Thành Ngọ và đồng chí Lê Quốc Uy - Tiểu đoàn trưởng tự vệ Kiến An, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, quyết tử và tự vệ đã ngoan cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt xung phong ào ạt của địch, giữ vững trận địa.

        Chiều tối, lực lượng chiến đấu của ta giảm sút, súng máy bị hỏng hóc, đạn hết. Lợi dụng tình hình đó, địch tổ chức xung phong ồ ạt từ nhiều hướng. Quyết không rời trận địa, những đồng chí còn lại đã dùng lưỡi lê, bắn súng, dao găm, mã tấu đánh giáp lá cà vật lộn với quân địch và hy sinh anh dũng.

        Các lực lượng vũ trang Hải - Kiến đã nêu tấm gương sáng về tinh thần “trung dũng”, chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng chứ nhất định không chịu khuất phục kẻ thù.

        Địch bị tổn thất nặng nề, 360 tên đã phải đền tội.

        Thực dân Pháp tuy chiếm được một số huyện, thị ngoại thành, nhưng không đạt được ý định tiêu diệt lực lượng chủ lực và các cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở địa phương.

        Mỗi bước tiến của giặc Pháp ra ngoại vi thành phố đều vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân Hải - Kiến.

        Các cuộc hành quân của địch không phải là những cuộc “dạo mát” như chúng tưởng mà chỉ được chứng kiến cảnh vườn không nhà trống - tiêu thổ kháng chiến của nhân dân và phải trả giá đắt trước tinh thần chiến đấu trung dũng, bất khuất của các lực lượng vũ trang nhân dân Hải Phòng - Kiến An. Do trình độ và kinh nghiệm chiến đấu còn ít, trang bị thiếu thốn, các lực lượng vũ trang Hải - Kiến phải đương đầu với một kẻ địch mạnh, lại bị rơi vào thế bao vây vu hồi của giặc, nên cũng bị tổn thất một phần. Nhưng Cam Lộ, An Lư, Cột Cờ đã trở thành những pháo đài kháng chiến tiêu biểu trên các mặt trận An Dương, Thủy Nguyên, Kiến An - vòng đai thành phố, ngăn chặn các cuộc hành quân mở rộng chiếm đóng của giặc Pháp, mãi mãi là biểu tượng đẹp đẽ của ý chí “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của quân dân Hải - Kiến.

        Cùng với Cam Lộ, An Lư, Cột Cờ, cuộc tập kích lớn vào sâu trong thành phố cùng những cuộc đánh địch lẻ tẻ liên tục ở mọi nơi, mọi hướng đã thể hiện tinh thần chủ động đánh giặc để phối hợp với các chiến trường, góp phần tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, bước đầu làm thất bại âm mưu tiến công “chớp nhoáng” của thực dân Pháp, xây dựng được hậu phương kháng chiến cả một vùng nông thôn rộng lớn ở ngoại thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:26:45 pm »


III. NAM ĐỊNH PHÁT ĐỘNG TOÀN DÂN KHÁNG CHIẾN, TIẾN CÔNG GIAM CHÂN ĐỊCH TRONG THÀNH PHỐ

        Trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Ban chỉ huy Mặt trận gồm các đồng chí Đỗ Mười - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nam Định, Hà Kế Tấn - Chính trị viên Trung đoàn 34, Cao Xuân Hồ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 34, đã họp tại thôn Mỹ Trọng (ngoại thành Nam Định) nghe đồng chí Hoàng Sâm - Khu trưởng Khu 2 về truyền đạt mật lệnh và chủ trương của Trung ương Đảng; phổ biến kinh nghiệm tác chiến ở Hải Phòng, Lạng Sơn và Nam Bộ, bàn thống nhất kế hoạch tác chiến, chỉ rõ nhiệm vụ của quân dân Nam Định trong việc chuẩn bị khẩn trương mọi mặt để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

        Trong kế hoạch tác chiến, Ban chỉ huy mặt trận Nam Định đã xác định rõ quyết tâm chủ động tiến công bao vây quân Pháp trong nội thành Nam Định nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, tạo điều kiện cho địa phương góp phần với cả nước có đủ thời gian và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Lực lượng bộ đội đã được điều động ra các vị trí ngoại thành hình thành thế bao vây quân địch trong thành phố. Lực lượng tự vệ, dân quân của thành phố và các huyện lân cận được điều động tăng cường sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

        Hai mươi bốn giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, từ hướng đại đội trợ chiến (đóng ở bên kia sông Đào), hiệu lệnh tiến công bắt đầu bằng tiếng đạn pháo 75mm bắn vào nhà Băng - Nam Định. Lập tức, toàn mặt trận nổ súng đánh địch, cả thành phố rền vang tiếng súng.

        Tự vệ thành phố nổ mìn ngả cây to dọc đường Trần Hưng Đạo và từ ngã tư Cửa Đông đến Tòa Thị sảnh. Nhiều người dân thành phố đã không ngần ngại mang đồ đạc của mình (tủ, sập) ra đường làm vật chướng ngại chặn bước tiến của quân địch. Nhân dân các khu Nhà Lá (Văn Miếu), trại Con Gái (vợ lính khố đỏ) nổi lửa tự đốt nhà ở của mình. Những đám cháy bốc lên ở khắp nơi. Cả thành phố rực lên như một biển lửa. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục và quyết liệt.

        Bị quân ta tập kích bất ngờ và đồng loạt, quân địch hết sức hoang mang. Nhờ có ưu thế về vũ khí, trang bị, tường thành kiên cố, chúng đã chống đỡ, từng bước kiềm chế sự tấn công của ta. Ta chiếm được nhà này, chúng cố thủ nhà khác. Ta chiếm tầng dưới, chúng giữ tầng trên. Ta chiếm giữ một số vị trí trong đêm, chúng phản kích mạnh mẽ buộc ta phải rút ra lúc trời sáng. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, máy bay và pháo của địch giội bom và bắn phá nhiều đợt vào các trận địa của ta. Thành phố rung chuyển và chìm trong khói lửa. Bộ binh địch từ vị trí nhà máy sợi nổ súng phản kích chiếm lại vị trí nhà máy tơ và lấy xác binh lính của chúng bị chết trận trong đêm. Cùng lúc, chúng từ trại Carô theo đường Lê Quý Đôn nống ra định lấn chiếm nhà Ga nhưng bị quân ta chặn đánh, buộc phải quay lại.

        Sáng ngày 21 tháng 12 năm 1946, sau khi cho máy bay đến bắn phá, dịch tăng cường lực lượng có xe bọc thép mở đường, từ trại Carô tiến và quyết chiếm nhà Ga. Để bảo toàn lực lượng, đơn vị bảo vệ khu Ga được lệnh rút ra vòng ngoài, đến đêm lại cùng toàn mặt trận tiếp tục chiến đấu.

        Ngày 23 tháng 12 năm 1946, địch từ trại Carô tiến đến khu vực Năng Tĩnh và từ vị trí nhà máy sợi đánh thọc ra phía trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh (Tòa Thị sảnh cũ) hòng liên lạc với quân ở vị trí nhà Băng, nhưng đều bị lực lượng của ta đánh bật trở lại. Chiến sự diễn ra rất ác liệt tại nhà máy tơ, nhà máy sợi, nhà băng, khu vực ga. Tiểu đoàn 69, 75 cùng lực lượng tự vệ đánh giáp lá cà, giành giật với địch từng căn buồng, từng tầng gác. Đến hết tháng 12 năm 1946, ta và địch giành giật từng vị trí, từng đường phố và quyền chủ động chiến trường vẫn thuộc về quân dân ta.

        Để tập trung thống nhất sự chỉ đạo ở địa phương, thi hành chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 31 tháng 12 năm 1946 Ủy ban kháng chiến tỉnh Nam Định được thành lập, thay cho Ủy ban bảo vệ, do đồng chí Đỗ Mười - Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch. Các huyện, xã cũng lần lượt thành lập Ủy ban kháng chiến. Tháng 1 năm 1947 lại thành lập Ủy ban dân quân tỉnh để tham mưu trong việc chỉ đạo công tác quân sự, tổ chức huấn luyện tân binh bổ sung cho quân đội, xây dựng các đơn vị tập trung của tỉnh. Ngày 27 tháng 2 năm 1947, tại trụ sở của Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh đặt ở chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) đã tổ chức tiễn đưa 24 nhà sư trong đó có hai sư nữ tòng quân chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:27:11 pm »


        Cùng với các hoạt động tiến công, bao vây quân sự, chặn đứng âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng, Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ việc giữ gìn trật tự giao thông, trị an xã hội, đảm bảo tốt việc tản cư hết dân và ngoại kiều ra ngoài, chuyển máy móc, tài sản của Chính phủ về căn cứ; tổ chức việc tiếp tế, cứu thương, hỗ trợ cho mặt trận, thục hiện triệt để công tác phá hoại, nhất là triệt phá các tuyến giao thông quan trọng từ thành phố đi các huyện. Ngay từ lúc kháng chiến bùng nổ, các cấp ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo thực hiện việc hướng dẫn những người không có nhiệm vụ chiến đấu mà chưa kịp tản cư nay tản cư hết ra ngoài, với khẩu hiệu “Tản cư cũng là kháng chiến”. Các ngoại kiều còn ở lại cũng được bảo vệ tính mạng, tài sản và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Tuy từ thời bình chuyển sang thời chiến rất khẩn trương nhưng trật tự trị an xã hội vẫn đảm bảo tốt, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, mọi người đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau làm tốt mọi nhiệm vụ.

        Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn luôn hướng về thành phố sát cánh với lực lượng vũ trang cùng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Thanh niên, công nhân đã tình nguyện ở lại, đào thêm hào, đắp thêm ụ, đặt thêm chướng ngại vật ở những nơi địch sẽ lấn ra; phá hoại những nơi có thể có lợi cho quân địch. Nhiều người đã xung phong vượt qua hỏa lực của địch để chuyển thương binh, tử sĩ ra ngoài hoặc đến tận các tiểu tổ chiến đấu tiếp tế vũ khí, đạn dược và cơm ăn, nước uống cho các chiến sĩ. Nhiều bậc phụ lão đã đến nuôi dưỡng thương binh. Các bà, các chị chăm lo công việc cấp dưỡng, bảo đảm bữa ăn ngon cho các chiến sĩ, đưa cơm nước đến tận các chiến hào. Nhiều thiếu nhi đã tìm mọi cách ở lại, xin làm liên lạc hoặc tham gia canh gác giữ gìn trật tự an ninh, phòng gian bảo mật trong thành phố. Có trường hợp như Phan Đỗ Hải mới 13 tuổi là liên lạc của một đơn vị thuộc trung đoàn 34, đầu năm 1947 trong khi đi công tác, bị địch bắt nhưng đã kịp thời hủy tài liệu nên chúng không phát hiện được. Trong thời gian bị địch giam giữ Phan Đỗ Hải đã cảm hóa được hai lính Pháp cùng theo kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và tặng bài thơ khen ngợi thành tích. Nhân dân các huyện gần thành phố như Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc và Lý Nhân (Hà Nam) hăng hái tham gia đào đắp công sự, ổ tác chiến, giao thông hào, cắt đứt các tuyến đường từ thành phố đi các nơi. Hằng ngày có tới hàng vạn gánh rơm rạ được chuyển vào thành phố dùng để đánh hỏa công các vị trí địch, nhất là nhà Băng. Hàng vạn cây tre được cắm xuống dòng sông Đào. Hàng trăm chiếc thuyền được xếp đầy đá dìm xuống các cửa sông, cửa biển ngăn cản tàu chiến địch. Tuyến đường sắt qua Nam Định bị tê liệt hoàn toàn. Nhân dân nội thành còn tháo dỡ, vận chuyển máy móc của các xí nghiệp ra hậu phương để xây dựng công binh xưởng. Nhiều huyện còn cử những đội du kích vào nội thanh phối hợp chiến đấu. Các chiến sĩ du kích từ Nam Trực đã vượt sông Đào sang phối hợp tác chiến ở khu vực Nhà máy sợi C; từ Vụ Bản ra đã tham gia chiến đấu ở khu vực Đông An, Năng Tĩnh và nhà Ga; từ Mỹ Lộc, Lý Nhân (Hà Nam) phối hợp bao vây quấy rối tiêu hao lực lượng địch. Một số đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ tỉnh Thái Bình cũng được đưa sang cùng quân dân Nam Định đánh địch và để rút kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu.

        Khí thế chiến đấu không sợ hy sinh, một lòng một dạ giết giặc lập công như Đoàn Bạch Hạc - Chính trị viên trung đội (tiểu đoàn 69), Triệu Hàn - Tiểu đội trưởng (tiểu đoàn 69) dửng mãnh chỉ huy đơn vị chiến đấu dưới làu mưa đạn của địch, trong trận tấn công vị trí giặc ở khu vực ga và trại Carô, lập công xuất sắc; Phạm Sơn - công nhân vận chuyển - tự vệ nhà máy sợi mới tình nguyện vào bộ đội thuộc tiểu đoàn 75 - hai lần xung phong nhận nhiệm vụ đâm bom ba càng vào vị trí đóng quân của địch ở nhà Băng còn sống mãi trong lòng nhân dân địa phương.

        Qua nhiều lần phản kích không kết quả, quân số, vũ khí đạn dược bị hao hụt nghiêm trọng, các cơ sở điện, nước bị ta đánh phá không sử dụng được, quân Pháp tỏ ra rất hoang mang, có nơi phải xin ta ngừng bắn để đi kiếm nước và rau. Đa-bô-van điện về Hà Nội thừa nhận: “Quân viễn chinh Pháp đóng ở Nam Định đang lâm vào thế nghẹt thở và hoàn toàn bị cô lập”. Ngày 4 tháng 1 năm 1947, trong nỗi “lo ngại nhất” là đám quan quân dưới quyền đang khốn đốn trăm bề ở thành phố Nam Định, Lơ-cléc đã gửi cho Đa-bô-van bức công điện động viên “tỏ lòng khâm phục” với lời hứa rằng: Mọi nỗ lực đều nhằm vào việc giải tỏa Nam Định. Hai mươi bốn giờ sau, cuộc viện binh giải vây đầu tiên cho Nam Định được tiến hành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:27:42 pm »


        Ngày 5 tháng 1 năm 1947, địch liên tục cho máy bay khu trục đến bắn phá, ném bom xuống khu vực Năng Tĩnh, phố Khách (nay là đường Hoàng Văn Thụ) hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Song, do tổ chức phòng tránh tốt nên quân ta thiệt hại không đáng kể. Đến 8 giờ tối ngày 5 tháng 1 năm 1947, địch cho 6 máy bay Đa-kô-ta đổ khoảng 200 quân cùng hàng tiếp tế xuống các khu vực Nhà máy sợi C, nhà máy chiếu, Năng Tĩnh. Ban chỉ huy mặt trận kịp thời chỉ đạo các đơn vị dùng súng bộ binh sẵn có tiếp cận đánh địch. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 75 Trần Quang Thường lệnh cho tất cả súng máy chuyển lên nóc nhà tầng nhằm cửa máy bay - nơi quân dù nhảy ra đón bắn; dùng súng trường bắn thủng dù và hòm hàng. Địch hốt hoảng nên nhiều dù người, dù hàng rơi lạc xuống khu vực của ta. Bằng mọi cách, với mọi thứ vũ khí, các chiến sĩ đã dũng cảm xông ra diệt địch khi chúng vừa chạm đất. Nhân dân thành phố Nam Định hăng hái phục vụ bộ đội chiến đấu và nhiều người đã trực tiếp đánh quân dù.

        Cuộc chiến đấu chống quân dù kéo dài đến 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 năm 1947. Quân ta đã bắn bị thương gần 40 tên địch, bắt sống 6 tên, thu hàng chục khẩu súng các loại, hàng tấn đạn dược, lương thực và rất nhiều dù. Khoảng hai phần ba số quân dù thoát chết chạy vào vị trí Nhà máy sợi C.

        Sáng ngày 6 tháng 1 năm 1947, được tin địch có 3 ca nô và tàu chiến, được máy bay yểm trợ, chở 200 tên lính từ sông Hồng tiến vào sông Đào, Trung đoàn ra lệnh cho các tiểu đoàn 75 và 69 theo dõi triển khai lực lượng chiến đấu.

        Khoảng 6 giờ sáng, sương mù tan dần. Ca nô, tàu chiến của địch vào tới khu vực Đò Quan. Pháo 75 ly từ trận địa tiểu đoàn 75 bắn trúng đội hình địch. Cùng với súng các cỡ của quân ta từ hai bên bờ liên tiếp giội lửa xuống đoàn tàu của địch, làm một chiếc bốc cháy và đội hình của chúng trở nên rối loạn. Lúc này quân địch đóng ở nhà máy sợi, nhà máy chiếu, trại Carô đã nống ra phối hợp với lực lượng đổ bộ đường thủy. Cuộc chiến đấu càng quyết liệt, nhất là ở khu vực Bến Thóc, Cần Cẩu, nhà máy chiếu. Quân địch từ Đò Quan rút dần về vị trí nhà máy sợi nhưng đều bị quân ta chặn đánh kịch liệt. Địch từ phía Cửa Đông và nhà chủ Sói nống ra phản kích. Một xe thiết giáp bắn xối xả vào phía chùa Vọng Cung nhưng bị đạn sơn pháo của ta chặn lại, buộc phải quay lại. Khoảng 8 giờ, hai máy bay địch lao đến ném bom vào Cột Cờ và một số trận địa của ta.

        Địch cho tàu lùi ra ngã ba sông Hồng, sông Đào, dùng máy bay và pháo trên tàu bắn vào các điểm ở hai bờ sông Đào nghi có bộ đội ta chiếm giữ. Quân dù cũng được lệnh phối hợp phản kích. Trận chiến giữa ta và địch diễn ra giằng co quyết liệt. Các chốt của hai tiểu đoàn đều chiến đấu dũng cảm, giữ vững trận địa. Đặc biệt trong trận đánh quân dù, bộ đội và tự vệ thành phố đã tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí. Nữ chiến sĩ cứu thương Nguyễn Thị Ca gặp địch khi dù vừa chạm tới đất đã dùng chai thuốc bất ngờ đập vào đầu tên giặc, sau đó dùng vỏ chai vỡ đâm chết nó, thu một súng tiểu liên. Trên toàn mặt trận, quân và dân ta vừa đánh quân tăng viện, vừa quét sạch địch tại vị trí Nhà máy Tơ, dồn chúng vào Nhà máy Sợi. Cho tới 5 giờ chiều ngày 6 tháng 1 năm 1947, địch bị thiệt hại nặng nề, số còn lại phải tháo chạy vào các vị trí cố thủ của chúng.

        Cuộc chiến đấu chống thủy, lục, không quân địch của quân dân Nam Định đã kết thúc thắng lợi. Địch không thực hiện được mục đích giải tỏa mà chỉ tăng viện được một đại đội cho khu vực đang bị bao vây, tinh thần chúng càng hoang mang hơn. Ta đã tiêu diệt gần 100 tên, bắn chìm một ca nô và thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Trong cuộc chiến đấu không cân sức này, lực lượng và phương tiện chiến đấu của ta cũng bị tiêu hao một phần. Tiểu đoàn trưởng Văn Phong (tiểu đoàn 69) đã hy sinh anh dũng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:38:39 pm »


        Đây là một trận đánh có quy mô lớn đầu tiên của địch ở đồng bằng Bắc Bộ, có sự phối hợp của cả ba binh chủng (thủy, lục, không quân) nhưng đã bị quân dân Nam Định anh dũng đánh bại. Chiến thắng to lớn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Quốc hội và Chính phủ điện khen ngợi và quyết định tặng trung đoàn 34 danh hiệu Trung đoàn tất thắng. Ngày 7 tháng 1 năm 1947, tại Hội nghị cán bộ trung đoàn rút kinh nghiệm qua hai ngày chiến đấu chống viện binh của địch, các đồng chí Đỗ Mười, Hà Kế Tấn đã đọc điện và công bố quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị quân sự toàn quốc (họp từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 1 năm 1947) đã khen ngợi chiến công của quân dân Nam Định và nêu gương Anh dũng chống thủy, lục, không quân địch.

        Trên đà thắng lợi, Đảng bộ không ngừng giáo dục động viên nhân dân hăng hái tham gia mọi công tác kháng chiến cứu nước như đi dân công phục vụ tiền tuyến, tham gia dân quân tự vệ và bộ đội chiến đấu chống giặc, đóng góp mọi nhu cầu của kháng chiến. Tinh thần hăng hái của quần chúng đã cổ vũ quyết tâm của cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Tết Đinh Hợi (1947), cái Tết kháng chiến đầu tiên nhân dân càng náo nức hơn. Hậu phương đã cung cấp khá đầy đủ mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần cho tiền tuyến, mang đậm hương vị của Tết cổ truyền dân tộc, gửi thư chúc mừng, cử nhiều đoàn cổ vũ động viên các chiến sĩ nơi chiến hào, úy lạo anh chị em thương binh tại các quân y viện.

        Quân Pháp bị ta bao vây chặt, chỉ còn cố thủ ở trại Carô, nhà máy sợi C, nhà Băng, bị thiếu thốn mọi bề. Hằng ngày, máy bay của chúng phải đến tiếp tế cả lương khô và đạn dược. Riêng vị trí nhà Băng phải tiếp tế cả nước uống. Lực lượng của ta đã tận dụng mọi cơ hội để tiêu hao sinh lực địch.

        Thực hiện chủ trương của Đảng, quân dân Nam Định đã siết chặt vòng vây, tiêu hao địch. Tiểu đoàn 75 tổ chức biên chế đại đội Quyết tử quân gồm 100 đồng chí, chủ yếu là tự vệ thành chọn sang, có một phần ba quân số là Vệ quốc đoàn. Ban chỉ huy đại đội gồm: đồng chí Đặng Văn Thiết - Đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Lân - Đại đội phó, đồng chí Nguyễn Túc - Chính trị viên. Nhân dân thành phố đã chuẩn bị 350 tấn bánh chưng, 350 tấn bánh mật, 100kg gạo nếp rang và hàng trăm lưỡi tầm sét để đại đội Quyết tử quân sử dụng. Ban chỉ huy tiêu thổ kháng chiến được tăng cường. Nhân dân trong tỉnh, nhân dân các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm (Hà Nam) và cả một số xã thuộc huyện Thư Trì (Thái Bình) đã chuyển vào thành phố hàng vạn gánh rơm, rạ phục vụ cho công tác phá hoại sau khi đại quân rút khỏi thành phố.

        Mọi việc đang được gấp rút thực hiện thì ngày 6 tháng 3 năm 1947, địch điều 1.500 quân, 120 xe cơ giới các loại cùng một đại đội thủy quân lục chiến có 2 tàu chiến, 4 ca nô và máy bay yểm trợ, theo đường sông Hồng về giải vây Nam Định.

        Trên đường hành quân, địch bị quân dân Hà Nam chặn đánh liên tục ngày đêm. Mãi tới 19 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1947, chúng mới tiến tới Lý Nhân (Hà Nam), cách thành phố Nam Định khoảng 10km hội quân thủy, lục ở đây để triển khai đội hình. Sáng sớm ngày 10 tháng 3 năm 1947, địch chia thành ba mũi tiến về thành phố Nam Định:

        - Một mũi từ sông Hồng đổ lên đê Hữu Bị, theo đường 38.

        - Mũi thứ hai, từ sông Hồng đổ bộ lên Tân Đệ theo đường 10 và một lực lượng vẫn ở lại trên tàu xuôi sông Đào.

        - Mũi thứ ba, từ đê sông Hồng qua Đại Hoàng (Lý Nhân) sang Bảo Lộc, Như Thức, Phú Ốc (Mỹ Lộc) theo đường 21.

        Theo kế hoạch, quân ta chủ động rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Sáng sớm ngày 10 tháng 3, đại đội Quyết tử quân đã nổ pháo nghi binh và sử dụng súng trường bắn tỉa tiêu diệt địch. Buổi trưa, tiếp tục nổ pháo từ đường Đinh Tiên Hoàng tới Vị Xuyên. Sau đó, các tổ phân tán theo dõi bám đánh trả quân địch. Đêm đến, Quyết tử quân vừa chủ động tập kích các vị trí đồn trú, vừa cuốn bùi nhùi vào pháo cho nổ ầm vang ở các nơi, uy hiếp quân giặc, tạo điều kiện để quân ta rút lui.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM