Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:12:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28130 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:00:48 am »


        DIỄN VĂN KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ NHẤT QUỐC HỘI KHÓA I NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

        Thưa cụ Chủ tịch,

        Thưa các vị lai tân1,

        Thưa các đại biểu,

        Nhân danh Chủ tịch Chính phủ liên hiệp lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi kính cẩn tuyên bố khai mạc buổi họp.

        Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta; sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.

        Trong lúc toàn thể đồng bào đương tranh đấu thì những đồng chí cách mạng Việt Nam ở hải ngoại không có thì giờ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử của dân ta, vì thế muốn tỏ sự đoàn kết toàn dân, Chính phủ xin đề nghị với Đại hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa. 70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công.

        Vậy nên Chính phủ chắc rằng Quốc hội sẽ chuẩn y sự thỉnh cầu của Chính phủ, vì sự thỉnh cầu ấy rất hợp lý và tỏ ra là chúng ta trong ngoài nhất trí. Bây giờ tôi xin Quốc hội chuẩn y lời thỉnh cầu ấy.

        Trước hết tôi xin thay mặt Chính phủ lâm thời cảm ơn Quốc hội đã chuẩn y lời thỉnh cầu của Chính phủ. Hai là tôi xin thay mặt Chính phủ hoan nghênh tất cả các đại biểu các nơi.

        Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối.

        Bây giờ tôi xin nhân danh Chính phủ liên hiệp lâm thời báo cáo công việc Chính phủ đã làm trong 6 tháng nay.

        Việc của Chính phủ làm trong 6 tháng nay cộng lại thì chỉ có mấy điều:

        Sự đoàn kết của toàn dân đã thực hiện, vua cũng thoái vị để làm người bình dân của nước tự do. Vua Bảo Đại đã trở nên ông Vĩnh Thụy, Tối cao cố vấn cho Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam. Đó là một cái gương hy sinh, một cái gương ấy để mà gánh việc nước, để mà giữ nền độc lập, để mà kháng chiến, để mà kiến quốc. Tôi chắc rằng toàn thể Quốc hội sẽ cho phép tôi thay mặt cho Quốc hội để chào ông cố vấn của chúng ta.

        Nhờ sức đoàn kết mạnh mẽ của toàn dân, chúng ta đã giành được chính quyền. Nhưng mà vừa giành được chính quyền, vừa lập nên Chính phủ thì chúng ta gặp nhiều sự khó khăn, miền Nam bị nạn xâm lăng, miền Bắc bị nạn đói khó. Song nhờ ở sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được đôi việc:

        - Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.

        - Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.

        - Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử.

        - Việc thứ tư là do kết quả cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay.

        Đấy là về phần tôi trình bày trước Quốc hội những việc mà Chính phủ đã làm.

        Đồng thời Chính phủ cũng phải thừa nhận trước Quốc hội là còn nhiều việc lớn lao hơn nữa nên làm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên Chính phủ chưa làm hết. Gánh nặng do2 Chính phủ để lại cho Quốc hội, cho Chính phủ mới mà Quốc hội cử ra sau đây.

        Dù sao mặc lòng, tôi xin thay mặt chính phủ cũ mà trình với Quốc hội, với Chính phủ mới, với quốc dân là hết sức đem tài năng cống hiến cho Tổ quốc.

        Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến. Từ tháng 9 năm ngoái xảy nạn xâm lăng miền Nam. Một mặt Chính phủ đã hô hào quốc dân sẵn sàng chuẩn bị cuộc trường kỳ kháng chiến, và một mặt đã điều động bộ đội để tiếp viện những nơi bị xâm lăng.

        Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công.

        Bây giờ Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: một Chính phủ kháng chiến và kiến quốc.

        Lời báo cáo của tôi đến đây là hết.

        Tôi xin thay mặt Chính phủ cũ và thay mặt cho toàn thể quốc dân hô khẩu hiệu:

        - Toàn quốc đại biểu đại hội muôn năm!

        - Việt Nam độc lập muôn năm!

        - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!

        Sau hết tôi xin báo cáo với Quốc hội rằng cụ Nguyễn Hải Thần, Phó Chủ tịch, vì trong mình không khoẻ cho nên không tới dự buổi đại hội hôm nay được.

HỒ CHÍ MINH       

-------------------
        1. Quý khách.

        2. Có lẽ là “Gánh nặng đó” (B.T).

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:04:25 am »


        THƯ GỬI ĐỒNG BÀO NAM BỘ

        CHIẾN SĨ Ở TIỀN TUYẾN, VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH NAM BỘ

        Tôi xin báo để đồng bào và anh em chiến sĩ các bộ đội biết rằng: việc điều đình giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp đã đi đến một kết quả đầu tiên là hai bên đình chiến ngay để mở đường cho những cuộc đàm phán chính thức sau này. Đối với nước Việt Nam ta, sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ.

        Ấy cũng là nhờ ở sự tranh đấu anh dũng của tất cả đồng bào toàn quốc, nhất là đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ và của hết thảy anh em chiến sĩ khắp các mặt trận trong sáu tháng nay. Trong giờ phút này, tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng.

        Không phải là uổng, vì đây là:

        1. Bước đầu của cuộc đàm phán để đi đến sự thắng lợi.

        2. Cuộc đàm phán đầu tiên đã gây dựng được những điều kiện chính trị mà chúng ta phải biết lợi dụng để đạt tới cái mục đích Việt Nam hoàn toàn độc lập.

        3. Muốn được như vậy, Chính phủ cần được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Cho nên trong thời kỳ đình chiến này, nhất là trong lúc quân đội hai bên cần phải đứng lại trên vị trí hiện thời, sự chuẩn bị, sự củng cố lực lượng, sự tôn trọng kỷ luật là cần thiết hơn lúc nào hết. Và rồi đây, sau khi hoà bình đã thỏa hiệp được, thì tinh thần phấn đấu của anh em vẫn là những lực lượng quý báu để đảm bảo cho nền độc lập hoàn toàn của nước nhà sau này.

        Chúng ta cần phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc. Sự kiến thiết, sự tranh đấu chưa kết thúc, tinh thần hăng hái của đồng bào sẽ không bao giờ phải e là không có cơ hội hành động nữa.

        Trong giai đoạn mới của lịch sử nước nhà hiện nay, tinh thần đoàn kết của anh em sẽ đưa lại những kết quả tốt đẹp hơn nữa.

Lời chào thân ái       
HỒ CHÍ MINH         


        LỜI KÊU GỌI SAU KHI KÝ HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ

        Cùng các chính phủ và nhân dân thế giới,

        Cùng đồng bào toàn quốc Việt Nam,

        Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà.

        Nay vì tình hình quốc tế, vì muốn tỏ lòng tin vào nước Pháp mới và sự thành thực của những người đại diện cho Chính phủ Pháp, vì tin vào sự hoàn toàn độc lập tương lai của nước nhà, tôi cùng Chính phủ đã ký bản Hiệp định Sơ bộ với Chính phủ Pháp.

        Chúng ta đã ký thì chúng ta quyết thành thực làm đúng theo bản Hiệp định. Song muốn đi đến kết quả hoà hảo cho hai dân tộc thì phía Pháp cũng phải thành thực làm đúng theo bản Hiệp định ấy.

        Thế mà, mấy hôm nay có nhiều việc tỏ rằng về phía Pháp chưa thi hành đúng những điều đã ký kết. Thí dụ:

        Về việc đình chiến thì Pháp rải truyền đơn trong Nam Bộ bảo quân đội Việt Nam mang khí giới đến nộp cho người Pháp (theo báo “Caravelle”, cơ quan tuyên truyền của Bộ tham mưu Pháp ở Nam Bộ, số 14, ngày 10-3-1946).

        - Như sau khi đã đình chiến, quân Pháp lại đánh úp quân ta ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ.

        - Như trong bản Hiệp định đã nói, tất cả các cuộc điều động quân đội Pháp và các chỗ quân Pháp sẽ đóng phải được Chính phủ Việt Nam đồng ý trước, thế mà ở Hải Phòng họ đã làm trái điều đó.

        - Như trong bản Hiệp định Sơ bộ đã nói, cuộc đàm phán chính thức sẽ lập tức bắt đầu ngay sau khi ký bản Hiệp định Sơ bộ, thế mà bản Hiệp định Sơ bộ ký đã một tuần rồi mà bên Pháp vẫn chưa định rõ ngày nào sẽ mở cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê.

        Đồng bào đã tin tôi và Chính phủ mà tạm hoãn cuộc tranh đấu giành hoàn toàn độc lập, mà nhận chế độ tự chủ, mà bình tĩnh chờ đợi kết quả cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê.

        Nay vì sự dùng dằng bên phía Pháp mà đồng bào phẫn uất, tôi kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ.

        Tôi cũng thiết tha kêu gọi nhân dân và Chính phủ cả thế giới, nhất là nhân dân Pháp, hãy ủng hộ chính nghĩa làm sao cho bên phía Pháp thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ, để đi đến kết quả hoà hảo cho hai dân tộc và bảo vệ nền hoà bình thế giới.

Ngày 11 tháng 3 năm 1946         
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam       
HỒ CHÍ MINH                 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:07:00 am »


        NÓI CHUYỆN VỚI CÁC ỦY VIÊN TUYÊN TRUYỀN CÁC TỈNH BẮC BỘ

        Các báo và các ban tuyên truyền nên hướng dẫn lòng yêu nước và chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hoà, bình tĩnh, có lợi cho ngoại giao. Hơn nữa, cần phải giải thích cho toàn dân hiểu rõ con đường đi của Chính phủ khi ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ. Bản Hiệp định đó đã ký, Chính phủ cố hết sức làm theo đúng. Để gây một sức mạnh làm hậu thuẫn cho Chính phủ, dân chúng không quên chuẩn bị nhưng cũng không nên quên phải luôn luôn bình tĩnh để làm theo mệnh lệnh của Chính phủ. Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng có kỷ luật, dân chúng cũng như một đội quân, binh sĩ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên đội quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công.

        Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên cảm tình. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở địa vị khách quan.

        Mai kia đây, quân đội Pháp sẽ về Hà Nội. Đồng bào nên tránh mọi sự khiêu khích để đón tiếp họ một cách hết sức ôn hoà.

HỒ CHÍ MINH       


        LỜI KÊU GỌI NHÂN DÂN THI HÀNH ĐÚNG BẢN HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ VIỆT - PHÁP

        1. Tôi lấy làm tiếc, người Pháp có một vài hành động không đúng với Hiệp định đã ký như đánh úp bộ đội ta ở Nam Bộ và ở Phan Rang, v.v... Lời kêu gọi của tôi đã được nhân dân ủng hộ và toàn thế giới nghe thấy. Chính phủ ta quyết thi hành theo Hiệp định, vì chúng ta chắc thế giới và nhân dân Pháp sẽ ủng hộ chúng ta, vì chúng ta làm đúng chính nghĩa.

        2. Lòng yêu nước nhiệt liệt của nhân dân thật là đáng quý. Lời bình luận khảng khái của các báo thật là đáng khen.

        Nhưng trong lúc hai bên sắp đàm phán thì cần gây nên một không khí thuận tiện cho sự đàm phán. Vậy tôi mong rằng quốc dân giữ lòng kiên quyết nhưng bình tĩnh, các báo thì bình luận một cách chính đáng, những lời lẽ nên cân nhắc.

        3. Khắp cả nước đều có những cuộc biểu tình rầm rộ để ủng hộ Chính phủ và yêu cầu Chính phủ đòi mở cuộc đàm phán ngay, như đã nói trong bản Hiệp định. Đủ thấy dân ta hiểu rằng cuộc đàm phán chính thức mở sớm thì sự khó khăn càng bớt và sự hợp tác giữa hai dân tộc càng thuận tiện.

        Chính phủ cũng đồng ý như thế. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa: dân ta phải giữ thái độ bình tĩnh, tuyệt đối phải bảo vệ tính mệnh, tài sản của người Pháp cũng như của người Trung Hoa, để tỏ rằng dân ta là một dân tiên tiến, một dân có kỷ luật.

        4. Quân đội Pháp do tướng Lơ-cléc chỉ huy đến thay thế cho Hoa quân. Chúng ta phải làm đúng bản Hiệp định. Đối với họ tuyệt đối không được xung đột, đồng thời phải gây thiện cảm. Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hoà bình, tín nghĩa.

        5. Tương lai dù có sự khó khăn, Chính phủ có sự ủng hộ của toàn dân đoàn kết, chắc vượt qua khỏi những sự khó khăn, để lãnh đạo dân ta đi đến độc lập hoàn toàn.

HỒ CHÍ MINH       


        LỜI ĐÁP TRONG BUỔI TIẾP TƯỚNG P.M. LƠ-CLÉC1

        Thưa Ngài,

        Tôi lấy làm vui mừng kính chào Ngài, một người lính vĩ đại đã giúp cho công cuộc giải phóng nước Pháp rất nhiều.

        Trong cuộc bang giao giữa chúng ta, nếu Anh, Mỹ đã đi trước chúng ta vì đã hứa cho Ấn Độ và Phi Luật Tân được độc lập, thì chúng tôi cũng có thể tự hào rằng Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 đã cùng ký kết theo một tinh thần đó. Thực vậy, việc mà nước Pháp mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự do là một dấu đầu tiên để đưa nước chúng tôi tới độc lập hoàn toàn một cách chắc chắn.

        Thưa Ngài, tôi tin rằng uy quyền của Ngài và sự hiểu biết rộng rãi của Ngài sẽ làm nảy lòng tin tưởng thành thật giữa hai dân tộc chúng ta. Với những cuộc đàm phán sau này, chẳng bao lâu nữa, một kỷ nguyên hợp tác tự do và thành thật sẽ mở ra cho hai dân tộc chúng ta.

        Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau.

        Vậy trong khi thành thật cảm tạ Ngài đã quá bộ đến thăm, tôi mong ước rằng bắt đầu từ ngày nay, nước Pháp và nước Việt Nam sẽ liên lạc mật thiết với nhau để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hoà bình cho thế giới.

        Tôi xin nâng cốc chúc Việt - Pháp thân thiện và chúc Ngài khang an.

HỒ CHÍ MINH       

-------------------
        1. Chiều ngày 18-3-1946, ngay sau khi một bộ phận quân đội pháp tới Hà Nội, tướng Lơ-cléc đã đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:11:17 am »


        NÓI CHUYỆN CÙNG ĐỒNG BÀO TRƯỚC KHI SANG PHÁP1

        Cùng đồng bào yêu quý Trung, Nam, Bắc,

        Theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân, tôi cùng đoàn đại biểu sẽ đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức. Trước khi ra đi, tôi xin có mấy lời tỏ cùng đồng bào.

        Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân.

        Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó.

        Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó.

        Ngày nay, vâng lệnh Chính phủ, theo ý quốc dân, tôi phải xa xôi ngàn dặm, tạm biệt đồng bào, cùng với đoàn đại biểu qua Pháp - cũng vì mục đích đó.

        Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân.

        Đồng thời, tôi xin nhắc lại rằng, việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, quý tiện2, đều phải gánh một phần, đều phải ra sức giúp cho cuộc ngoại giao thắng lợi.

        Giúp cách thế nào?

        1. Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ.

        2. Ra sức cần kiệm cho khỏi nạn đói khó.

        3. Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.

        4. Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế ôn hòa.

        Làm đúng bốn điều đó, tức là giúp ích cho ngoại giao.

        Đồng bào thương tôi, chắc làm theo lời tôi nói.

        Nhân dịp này, tôi cũng có vài lời tỏ cùng các bạn người Pháp, người Tàu và các bạn kiều dân khác.

        Các bạn sống chung chạ với nhân dân Việt Nam, ra vào gặp nhau, no đói có nhau. Vậy nên nhân dân Việt Nam là bằng hữu của các bạn. Đất nước Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của các bạn. Các bạn cùng nhân dân Việt Nam phải tương kính tương thân, thành thật hợp tác, êm ấm thuận hòa, thực hiện chữ “Tứ hải giai huynh đệ”3. Nước Việt Nam được thịnh vượng thì các bạn cũng được hạnh phúc.

        Sau hai lần gặp nhau giữa Thượng sứ Đác-giăng-li-ơ với tôi, sau cuộc Hội nghị trù bị ở Đà Lạt, sau cuộc đón tiếp thân thiện của Chính phủ và nhân dân Pháp đối với đoàn đại biểu Quốc hội ta, tôi mong rằng cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ có kết quả tốt đẹp. Hai dân tộc Việt, Pháp sẽ đi đến cuộc cộng tác thật thà.

        Một lần nữa tôi và anh em đại biểu trân trọng hứa với đồng bào rằng: dù khó nhọc mấy, chúng tôi cũng cố gắng làm trọn nhiệm vụ mà Chính phủ và quốc dân giao phó cho chúng tôi.

        Đồng bào chớ lo ngại.

HỒ CHÍ MINH       


        THƯ GỬI ĐỒNG BÀO NAM BỘ

        Cùng đồng bào yêu quý Nam Bộ,

        Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam Bộ sẽ ra thế nào?

        1- Tôi xin đồng bào hiểu rằng nước Pháp mới không phải là đế quốc chủ nghĩa, đi áp bức, đi chia rẽ dân tộc và nước nhà người ta.

        2- Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước.

        Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ.

        Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.

        Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!

*

*       *

        Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang.

        Giấy vắn tình dài, trước khi lên đường đi Pháp, tôi xin gửi lời chào thân ái cho tất cả đồng bào Nam Bộ.

HỒ CHÍ MINH       

------------------
        1. Bài nói trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội, ngày 30-5-1946, tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian này, phái đoàn của Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn cũng lên đường đi Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp tại Hội nghị phông-ten-nơ-blô.

        2. Sang hèn.

        3. Bốn biển đều là anh em.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:14:59 am »


        ĐÁP TỪ TRONG BUỔI CHIÊU ĐÃI CỦA CHỦ TỊCH G. BI-ĐÔN1

        Thưa Chủ tịch,

        Sự đón tiếp mà dân chúng và Chính phủ Pháp dành cho tôi đã rung động đến chỗ sâu nhất của lòng tôi. Tôi xin gửi tới Chính phủ Pháp và dân chúng Pháp những lời cảm ơn thành thực của dân chúng Việt Nam, về những cảm tình và thân thiện mà dân chúng và Chính phủ Pháp đã dành cho tôi. Trước khi chính thức chào Chính phủ Pháp, tôi đã có dịp đi thăm xứ Ba-xcơ2, một miền rất đẹp của Pháp. Sự tiếp xúc với xứ Ba-xcơ đã cho tôi nhiều giáo huấn.

        Dân Ba-xcơ tuy vẫn giữ được những màu sắc riêng, ngôn ngữ riêng, phong tục riêng, nhưng vẫn là dân Pháp. Nước Pháp tuy có nhiều tỉnh khác nhau nhưng vẫn là nước thống nhất và không thể chia sẻ được. Ngày mai, khối Liên hiệp Pháp sẽ làm cho thế giới phải ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của mình. Khối Liên hiệp mà chúng ta sẽ xây dựng lên trên một căn bản dân chủ chỉ có thể thành lập dưới những dấu hiệu tốt đẹp. Chính ở Pa-ri này, cái thành phố anh hùng và rộng lượng xướng xuất ra những nguyên tắc tự do, bình đẳng, bác ái, cái thành phố có thói quen bênh vực sự bình đẳng của các dân tộc, chính ở thành phố này tôi trân trọng tuyên bố nước Việt Nam gia nhập vào cái sự nghiệp rất nhân đạo ấy.

        Pa-ri là thành phố đã tìm ra những lý tưởng bất hủ của Cách mạng 1789, Pa-ri vẫn trung thành với lý tưởng của mình trong cuộc đổ máu giữa khối dân chủ và khối phát xít.

        Pa-ri đã cống hiến không ít để cho nước Việt Nam và nước Pháp có thể hoà hợp với nhau trong khối Liên hiệp Pháp gồm những dân tộc tự do bình đẳng cùng ôm một lý tưởng dân chủ và cùng say mê vì tự do. Chính ở Pa-ri, nước Việt Nam sẽ tiến lên con đường độc lập, tôi tin rằng chẳng bao lâu nước Việt Nam sẽ đóng cái vai trò xứng đáng ở Thái Bình Dương là một nước độc lập làm vẻ vang lớn cho nước Pháp. Chắc hẳn nhiều sự khó khăn đang chờ đợi Hội nghị Phông-ten-nơ-blô có nhiệm vụ đặt nền móng cho sự giao thiệp giữa nước Pháp mới và nước Việt Nam mới. Nhưng sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”3. Tôi tin rằng, trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp.

        Thưa Chủ tịch, tôi tin rằng sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng, với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất. Thưa các ngài, tôi xin nâng cốc chúc mừng Chủ tịch và các nhân viên Chính phủ Pháp”.

HỒ CHÍ MINH       

---------------------
        1. Ngày 2-7-1946, G. Bi-đôn, lúc bấy giờ là Chủ tịch Chính phủ Pháp đã mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang thăm nước Pháp.

        2. Một địa phương trên cao nguyên phía Tây dãy núi Py-rê-nê, ở cực Nam nước Pháp, giáp biên giới Pháp - Tây Ban Nha.

        3. Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:18:20 am »


        DIỄN VĂN TẠI LỄ KỶ NIỆM QUỐC KHÁNH ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA (2-9-1946) TỔ CHỨC TẠI PA-RI1

        Thưa các ngài,

        Thưa các bà, các ông,

        Thưa đồng bào thân mến,

        Việc có mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng, với một cử toạ đông đảo như thế này, khiến cho buổi lễ trọng thể này có một ý nghĩa sâu sắc.

        Hôm nay, nhân dân Việt Nam kỷ niệm lần thứ nhất bản Tuyên ngôn long trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

        Các bạn thân mến! Sự có mặt của các bạn bên chúng tôi hôm nay thể hiện tình cảm hữu nghị của các bạn đối với nhân dân và đối với nước Cộng hoà của chúng tôi.

        Tôi xin bày tỏ sự biết ơn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với những đại diện của nước Pháp, những đại diện của các quốc gia dân chủ khác, cũng như đối với những đại diện nhân dân các nước là thành viên tương lai của Liên hiệp Pháp. Các bạn hãy tin tưởng rằng, nhân dân Việt Nam đánh giá cao mối thiện cảm đã được thể hiện bằng hành động của các bạn và sẽ giữ mãi kỷ niệm về nó.

        Trong ngày lễ kỷ niệm này, ý nghĩ của tôi hướng về đất nước của tổ tiên, hướng về Tổ quốc xa xôi với tất cả tấm lòng tôn kính và yêu mến.

        Tôi xin long trọng bày tỏ sự kính trọng đối với nhân dân Việt Nam anh dũng của chúng ta, đã nêu cao lý tưởng dân chủ và đã không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào để bảo vệ tự do của mình.

        Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình.

        Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào.

        Trong buổi tối hôm nay, làm sao chúng ta lại không nghĩ tới đồng bào Nam Bộ với một tình cảm trìu mến đặc biệt. Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân chân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được.

        Và, thưa đồng bào, tôi rất sung sướng nhận thấy rằng, đồng bào, những người đang sống trên đất Pháp, dù đến đây vì kế sinh nhai, để hoàn thành việc học hành hay để đóng góp cho cuộc kháng chiến của nước Pháp2, đồng bào đều biết xử sự như người con của một dân tộc đã có một nền văn hóa lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại. Tôi tin chắc rằng, với sự lịch thiệp và sự đối xử thân tình của mình, đồng bào có thể tranh thủ được sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam ta.

        Tình hữu nghị Pháp - Việt là điều kiện cho sự chấn hưng nước ta, cũng như cho sự phát triển ảnh hưởng của nước Pháp ở châu Á. Tôi tin chắc rằng một sự hợp tác chặt chẽ là có lợi cho cả hai bên. Chúng ta là hai dân tộc yêu chuộng công lý và tự do, quan tâm đến văn hóa, đến sự nảy nở của những tư tưởng đạo lý. Việc có chung những tình cảm trên làm hài hoà mối quan hệ của chúng ta, lý tưởng và lợi ích của chúng ta, tất cả đều khiến chúng ta xích lại gần nhau.

        Nhưng tình hữu nghị chỉ là tình hữu nghị thực sự, thành thật và phong phú chừng nào nó hoàn toàn tự nguyện. Chúng ta giả thử tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta cũng là tự nguyện.

        Tôi tin tưởng rằng, nước Pháp đã kháng chiến và giành được giải phóng sẵn sàng công nhận nền độc lập của chúng tôi, điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với các dân tộc khác.

        Nước Pháp mới đặt ra cho mình mục đích là giải phóng các dân tộc. Tại sao nước Pháp mới lại vô tình trước số phận của nhân dân các nước đang đeo đuổi những lý tưởng của chính mình?

        Vả lại, hoàn toàn độc lập quyết không có nghĩa là đoạn tuyệt. Nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng những lợi ích văn hóa và kinh tế của Pháp trên đất nước Việt Nam; hơn thế nửa, Việt Nam còn sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực. Việt Nam độc lập, chẳng những không làm hại đến lợi ích của Pháp, mà còn tăng cường vị trí và củng cố uy tín của Pháp ở châu Á.

        Sự đóng góp của Việt Nam cho sự vĩ đại của nước Pháp và cho sức mạnh của Liên hợp Pháp, điều đó tất nhiên tuỳ thuộc mức độ phồn vinh của Việt Nam, mà sự chia rẽ và chia cắt không thể mang lại phồn vinh. Thật là phi lý nếu toan tính dựa vào nước Việt Nam suy yếu, chia rẽ và bị chia cắt để đạt được sự hùng mạnh của Liên hiệp Pháp. Liên hiệp Pháp chỉ có được vai trò với điều kiện nó giữ được sự vững chắc, thống nhất và gắn bó của nó; và điều kiện đó chỉ có thể thực hiện được khi mỗi thành viên của nó cũng giữ được sự vững chắc, thống nhất và gắn bó của mình.

        Đó là cái giá phải trả cho tương lai của Liên hiệp Pháp. Chúng ta biết rằng nhân dân tất cả các nước ở Pháp quốc hải ngoại3 đều quan tâm đến việc thực hiện điều này. Thực vậy, việc liên kết các dân tộc tự do, bình đẳng và bác ái gắn bó bởi một trong những sợi dây mạnh mẽ nhất, một lý tưởng chung, đó là lý tưởng dân chủ; việc liên kết đó hấp dẫn biết bao.

        Liên hiệp Pháp sẽ có vai trò to lớn trong việc tổ chức xã hội loài người. Là một nước dân chủ, thành viên của Liên hiệp Pháp, nước Việt Nam mong muốn được đóng góp vào việc thiết lập và duy trì hòa bình và dân chủ trên thế giới, bên cạnh Liên hợp quốc.

        Để cho mọi hy vọng trở thành hiện thực, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một nguyện vọng cháy bỏng là mong mỏi Hội nghị Phông-ten-nơ-blô nhanh chóng đưa đến những kết quả cụ thể. Xin nhắc lại lời lẽ hùng hồn của chính Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Gioóc-giơ Bi-đôn là: “… Chúng ta có thể chờ đợi một cách chính đáng một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa hai nước chúng ta như một tấm gương lớn trên thế giới”.

        Mong sao tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam độc lập và thống nhất trở thành sự thực! Một tương lai biết bao xán lạn lẽ nào lại không mở ra trước hai nước chúng ta. Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới.

        - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!

        - Nước Pháp mới muôn năm!

        - Tình hữu nghị chặt chẽ, lâu dài và phong phú giữa Pháp và Việt Nam muôn năm!

-----------------
        1. Hội liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1946) đúng vào dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Pháp. Người đã tới dự và đọc bài diễn văn trên bằng tiếng Pháp (B.T).

        2. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói về những người lính thợ, những thanh niên Việt Nam bị đưa sang Pháp tham gia cuộc chiến tranh của Pháp chống phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai (B.T).

        3. Tên chung chỉ các xứ thuộc địa của Pháp (B.T).

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:24:19 am »


        LỜI TUYÊN BỐ VỚI QUỐC DÂN SAU KHI ĐI PHÁP VỀ1

        Hỡi đồng bào toàn quốc,

        Tôi đi Pháp đã hơn 4 tháng. Hôm nay về đến nước nhà. Trông thấy Tổ quốc, trông thấy đồng bào, lòng tôi thật là vui vẻ. Tôi có mấy lời báo cáo để đồng bào đều hay:

        1. Trong lúc tôi đi Pháp, lúc tôi ở Pháp, và lúc tôi từ Pháp về, vì muốn tỏ lòng cộng tác với Việt Nam, Chính phủ Pháp tiếp đãi tôi một cách rất long trọng. Vì thật lòng thân thiện với nhân dân ta, nhân dân Pháp đối với tôi một cách rất thân mật.

        Tôi xin thay mặt đồng bào, mà trân trọng cảm tạ Chính phủ và nhân dân Pháp.

        Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ.

        Tôi xin cảm ơn Chính phủ, Quốc hội và toàn thể đồng bào.

        Tôi cũng luôn luôn nhớ đến kiều bào ở hải ngoại, đã ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khó bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc.

        Nhờ sự hiểu biết sáng suốt của tướng Va-luy, tướng Moóc-li-e và người Pháp ở Bắc và Trung Bộ, gần đây những việc khó khăn giữa người Việt và người Pháp phần nhiều dàn xếp được.

        Tôi cảm ơn tướng Va-luy, tướng Moóc-li-e và quân dân Pháp. Mong rằng từ nay sự cộng tác giữa hai dân tộc mật thiết hơn nữa.

        Tôi không thể không nhớ đến bà con Hoa kiều và kiều dân các nước, ai cũng nhớ câu “Huynh đệ chi bang, đồng chu cộng tế”2.

        Lúc tôi đi qua các nơi, gặp anh em người Trung Hoa và người Ấn Độ, người Mỹ, người Anh, thì luôn luôn tay bắt mặt mừng rất là thân thiện. Bây giờ về đến đất nước Việt Nam cũng thế.

        2. Tôi qua Pháp, đáp lại thịnh tình của Chính phủ Pháp đã mời tôi, mục đích cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất. Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp, mà hai vấn đề chưa giải quyết được còn phải chờ. Nhưng không trước thì sau tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất.

*

*      *

        Thế thì trong mấy tháng giời ở Pháp, tôi và phái đoàn đã làm được việc gì?

        1. Chúng tôi đã đem lá quốc kỳ Việt Nam qua đến nước Pháp. Lá quốc kỳ ta đã được Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp trọng thị, đã được người các nước trọng thị.

        2. Chúng tôi đã làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp chú ý và hiểu rõ vấn đề Việt Nam hơn trước. Mà thế giới cũng chú ý và hiểu rõ vấn đề Việt Nam hơn trước.

        3. Chúng tôi đã làm cho số đông người Pháp trở nên bạn hữu của dân Việt Nam, hết sức tán thành Việt Nam độc lập và Việt - Pháp cộng tác một cách thật thà, bình đẳng.

        4. Chúng tôi đã làm cho địa vị các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và lao động Việt Nam được nâng cao thêm, vì các tổ chức thế giới đã công nhận các đoàn thể ta là hội viên.

        5. Hội nghị Việt - Pháp chưa kết thúc; tháng Giêng năm sau sẽ tiếp tục. Nhưng Thỏa hiệp tạm thời 14-9, một là làm cho hai bên Việt - Pháp dễ làm ăn, hai là dọn đường cho cuộc hội nghị sau này tiến hành được thân thiện.

*

*      *

        Bây giờ cho đến tháng Giêng, chúng ta phải làm gì?

        1. Chính phủ và nhân dân phải đồng tâm nhất trí, ra sức tổ chức, ra sức công tác, đoàn kết hơn nữa, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống mới khắp mọi phương diện. Bất kỳ gái, trai, già, trẻ, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, toàn thể quốc dân phải ra sức làm việc. Làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp trông thấy, làm cho toàn thế giới trông thấy rằng: dân Việt Nam ta đã đủ tư cách độc lập tự do, không thừa nhận ta tự do độc lập thì không được.

        2. Người Pháp ở Pháp đối với ta rất thân thiện thì người Việt ở Việt đối với người Pháp cũng nên thân thiện.

        Đối với quân đội Pháp ta phải lịch sự.

        Đối với kiều dân Pháp ta phải ôn hoà.

        Những người Pháp muốn thật thà cộng tác với ta thì ta thật thà cộng tác với họ, ích lợi cho cả đôi bên.

        Để tỏ cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh.

        Để cho số người Pháp ủng hộ ta càng thêm đông, sức ủng hộ càng thêm mạnh.

        Để cho những kẻ khiêu khích muốn chia rẽ, không có thể và không có cớ mà chia rẽ.

        Để cho công cuộc thống nhất và độc lập của chúng ta chóng thành công.

        3. Hỡi đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ.

        Trung, Nam, Bắc, đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Cũng như nước Pháp có vùng Noóc-măng-đi, Prô-văng-xơ, Bô-xơ.

        Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta.

        Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá, vững như đồng.

        Đối với gan vàng dạ sắt của đồng bào, toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên, Chính phủ không bao giờ quên.

        Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sĩ và xin lỗi những đồng bào đương khổ sở hy sinh.

        Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc.

        Chính phủ Pháp đã thừa nhận rằng đồng bào Nam Bộ sẽ bỏ thăm để quyết định số phận của Nam Bộ.

        Trong bản Thoả hiệp tạm thời ký ngày 14-9, Chính phủ Pháp đã nhận thi hành mấy điều chính sau này trong Nam Bộ:

        1. Thả những đồng bào bị bắt về chính trị và vì kháng chiến.

        2. Đồng bào Nam Bộ được quyền tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do viết báo, tự do đi lại, v.v...

        3. Hai bên đều thôi đánh nhau.

        Chính phủ Pháp đã ký thì chắc phải thi hành. Vậy thì đồng bào Nam Bộ phải làm thế nào?

        1. Bộ đội Việt cũng như bộ đội Pháp đồng thời phải thôi đánh nhau.

        2. Đồng bào phải hoạt động bằng chính trị theo cách dân chủ.

        3. Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ tức là yếu hèn.

        4. Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ. Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn. Nói lẽ phải họ tự nghe. Tuyệt đối không được dùng cách kịch liệt.

        Đó là những việc đồng bào phải làm ngay, để gây một không khí hòa bình và xây đắp con đường dân chủ để đi tới sự nghiệp Việt Nam thống nhất của chúng ta.
                                                                                                               
Lời chào thân ái               
Ngày 23 tháng 10 năm 1946     
HỒ CHÍ MINH               

------------------
        1. Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23-10-1946.

        2. Anh em trong một nước, cũng như người trong một chiếc thuyền, có nghĩa vụ cứu giúp lẫn nhau.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:30:00 am »


        CÔNG VIỆC KHẨN CẤP BÂY GIỜ1

        KHÁNG CHIẾN VÀ KIẾN QUỐC

           Một mặt phá hoại
           Một mặt kiến thiết
           Phá hoại để ngăn địch
           Kiến thiết để đánh địch
           Hai việc đều phải có người, có nhiều người.

        Người về quân sự:

           - Tổ chức bộ đội (tự vệ, dân quân).

           - Chỉ huy bộ đội (tự vệ, dân quân)

           - Làm khí giới

           - Cung cấp lương thực.

        Người về kinh tế:

           - Tăng gia sản xuất (gạo, muối)

           - Mua bán

           - Thủ công nghệ (vải, giấy, v.v...)

           - Vận tải.

        Người về chính trị:

            - Tuyên truyền

            - Tổ chức

            - Huấn luyện

            - Động viên dân chúng.

        Người về giao thông: Mục này nói riêng, phải đặc biệt chú ý. Vì giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ.

        Người ở đâu ra?

        1. Là các đảng viên nam, nữ hiện có.

        2. Trong lúc này tỏ ra nhiều phần tử hăng hái, hoặc trong lúc chiến đấu, hoặc trong công việc khác. Phải ra sức kéo họ (Phải làm khéo, vì người có hăng hái, nhưng không tán thành Đỏ).

        3. Phải chọn một số khá đông thanh niên để huấn luyện họ, đào tạo họ.

        Đảng viên:

        Cần phải rửa sạch những thói hẹp hòi, phu diễn2, tự đại, ỷ lại, lười biếng, nhút nhát, hủ hóa.

        Cần phải kỷ luật, hoạt bát, siêng năng, dũng cảm, có sáng kiến, làm kiểu mẫu.

        Trước hết phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe.

        Đó là các bảo đảm cho thắng lợi.


        TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN

        Ta phải hiểu và phải cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ.

        Dù địch thua đến 99% nó cũng rán sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang.

        Vì vậy, nó sẽ đem rất nhiều viện binh (cũng không quá số 10 vạn) tàu bay, xe tăng. Nó sẽ tàn phá khủng bố rất dữ dội. Mục đích là mong làm cho dân ta hoảng sợ, do hoảng sợ đến đầu hàng.

        Nhưng ta phải hiểu: Lực lượng địch chỉ có chừng ấy thôi. Ta kiên quyết chống chọi cho qua giai đoạn “chớp nhoáng” đó thì địch sẽ xẹp, ta sẽ thắng.

        Vì vậy, ta phải có, và phải làm cho dân ta có Tín tâm và Quyết tâm. Dùng lời lẽ giản đơn, rõ rệt mà giải thích cho quần chúng. Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân. Qua khỏi trận khủng bố ráo riết của địch thì ta sẽ thắng lợi.

*

*     *

        Tổ chức du kích khắp nơi.

        Tăng già sản xuất khắp nơi.

        Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần.

        Ta sẽ giữ tất cả thôn quê.

        Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật, leo lói trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân. Nam Bộ địa thế khó, chuẩn bị kém, mà kháng chiến đã hơn một năm. Ta địa thế tốt, lực lượng nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi.

HỒ CHÍ MINH       

------------------
        1. Viết ngày 5-11-1946. Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

        2. Phô trương hình thức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:33:31 am »


        TRẢ LỜI CÁC NHÀ BÁO TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI1

        - Về kết quả của cuộc Tổng tuyển cử bên Pháp, nhất là ảnh hưởng của nó đối với nước Việt Nam?

        - Người ta đã bàn tán nhiều rồi về sự thắng lợi của phái tả hay phái hữu trong cuộc Tổng tuyển cử này. Nhưng dù là phái hữu thắng hay phái tả thắng, nhân dân Pháp bao giờ cũng vẫn như trước: nghĩa là ủng hộ nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Điều đó tôi đã nhận thấy hồi tôi qua Pháp. Còn dân Việt Nam, thì dù phái hữu thắng hay phái tả thắng trong cuộc tuyển cử ở Pháp, dân Việt Nam cũng phải đòi cho được độc lập và thống nhất, tuy vẫn ở trong khối Liên hiệp Pháp. Người ta nói sự liên hợp làm nên sức mạnh. Vào trong khối Liên hiệp Pháp, cái đó vừa lợi cho nước chúng tôi và lợi cho cả nước Pháp nữa.

        - Về sự thi hành bản Tạm ước 14-9?

        - Như các ngài đã biết, chúng tôi nhất định thi hành thành thật những điều chúng tôi đã ký. Bản Tạm ước ấy sẽ dọn đường cho hai nước đi tới một sự hợp tác trên lập trường tự do có lợi cho cả hai nước. Tôi nhắc lại rằng những quyền lợi kinh tế, văn hóa, v.v... của người Pháp, chúng tôi đã hứa tôn trọng và chúng tôi sẽ tôn trọng. Cốt nhiên, chúng tôi mong rằng các bạn người Pháp hiểu cho như vậy và sự tôn trọng ấy phải có lợi cho cả hai bên. Một chứng cớ tỏ ra nhân dân Việt Nam muốn thân thiện với nhân dân Pháp đó là Hội Việt - Pháp vừa được thành lập. Mấy hôm nay, giọng các báo Pháp và của Đài phát thanh Sài Gòn có hơi thay đổi: tôi nghĩ rằng trong “tình yêu” (!) cũng có khi có những nhịp điệu lên xuống như vậy.

        - Những kết quả của sự thi hành Tạm ước từ 30 tháng 10 tới giờ?

        - Một vài kết quả nào đó, nhưng không phải những kết quả mà chúng ta chờ đợi. Thí dụ, chúng tôi đã đề nghị cử một vị đại diện Việt Nam ở bên cạnh viên Thượng sứ Pháp quốc Cộng hoà, nhưng chưa được trả lời. Chúng tôi đã sẵn sàng làm việc, vậy mà trừ tiểu ban quân sự, các tiểu ban khác đã định trong Tạm ước vẫn chưa thấy tới. Ngoài ra, trong vài bức thư của ông Thượng sứ Pháp mới đây có những câu mà thường thường từ trước tới giờ ông chưa dùng bao giờ. Ông nói những là “đình chỉ sự thi hành bản Tạm ước”, những là “các nhà cầm quyền Pháp ở Nam Bộ sẽ bắt buộc phải trừng trị, nếu...”. Tất cả những câu ấy không được. Người ta có thể là bạn với nhau được, nhưng không phải những câu như thế có thể giúp cho sự hiểu nhau. Có những thí dụ khác nữa mà tôi rất tiếc phải kể ra đây. Sự khủng bố ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ vẫn chưa dứt. Ngày 3 tháng 11, ở Gia Định, trong miền Tân Sơn Nhất, quân đội Pháp đến vây dân chúng Việt Nam và giết mất hai người. Ngày 4 ở Gò Công, dân chúng Việt Nanh đương biểu tình đòi thi hành đúng bản Tạm ước thì quân Pháp đến bắn xả vào, một người chết và nhiều người bị thương. Ở Bà Rịa cũng chuyện như vậy, hai người chết. Ở Nha Trang cũng thế, nhưng nghiêm trọng hơn: dân chúng mất bảy người chết. Còn nhiều việc đáng tiếc khác nữa. Sự giải phóng các chính trị phạm vẫn ngừng trệ và chỉ như có một tính cách tượng trưng, còn một số rất đông vẫn bị bắt bớ, giam cầm, vẫn bị đày đi ra Côn Đảo và các nơi khác. Ở Bắc Bộ, việc hàng hóa ra vào bị ngăn trở. Điều ấy không những có hại cho dân Việt Nam mà cho cả các bạn người Pháp và người Trung Hoa nữa. Tôi tin rằng những sự hiểu lầm ấy sẽ hết. Nếu sự buôn bán: làm lụng được dễ dàng hơn, cái đó không phải chỉ chúng tôi được hưởng không thôi, mà cả các bạn Pháp và Trung Hoa nữa.

        Còn về Liên bang Đông Dương, chúng tôi cũng muốn gia nhập vào đó như vào khối Liên hiệp Pháp. Nhưng chúng tôi vào đấy là để cùng giữ lợi ích chung, chứ không phải để chết ngạt trong đó. Nếu người ta muốn dùng chữ Liên bang Đông Dương để làm thành một cái gì giam trói, ràng buộc quyền tự do, quyền sinh hoạt của chúng tôi, nhất định không thể xong được. Bởi vì ai cũng muốn sống tự do. Và không ai nên tìm cách lừa bịp lẫn nhau.

        - Về sự giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Hoa?

        - Tôi lấy làm lạ rằng sao người ta lại còn phải hỏi một câu tôi đã trả lời bao nhiêu lần rồi. Về lịch sử, địa dư, văn hóa, kinh tế, Việt Nam và Trung Hoa bao giờ cũng vẫn có quan hệ với nhau, như môi với răng. Nhưng nếu các nhà cầm quyền Trung Hoa đã bàn về vấn đề có can dự đến Việt Nam mà dân Việt Nam không được biết thì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Tôi tin rằng theo chủ nghĩa của bác sĩ Tôn Dật Tiên và ý tưởng của Thống chế Tưởng Giới Thạch, không người Trung Hoa nào sẽ làm gì phạm tới chủ quyền và quyền lợi nước Việt Nam.

        - Sự giao thiệp của Việt Nam với Ấn Độ?

        - Rất thân thiện. Mới đây, tôi nhận được lời mời tham dự vào Hội nghị Liên Á họp ở Ấn Độ sang năm. Khi tôi qua Ấn Độ, các bạn Ấn đã tiếp đón tôi một cách rất thân mật.

        *

        *   *

        Để kết luận, tôi mong rằng những hiểu lầm giữa hai bên Việt - Pháp sẽ được tiêu tán đi, để cho hai bên sau đây sẽ cùng bước mau đến một sự hợp tác mà ai cũng muốn. Tôi yêu cầu các bạn Pháp tin ở chúng tôi; chúng tôi nhất quyết giữ lời hứa. Có người hỏi: Tại sao những giao tiếp cá nhân giữa người Pháp và người Việt Nam bây giờ rất hiếm? Chúng tôi không bao giờ làm gì ngăn trở, gây khó khăn cho những cuộc gặp gỡ ấy. Trái lại, chúng tôi còn muốn khuyến khích những sự tiếp xúc đó nữa. Vì những cuộc đó dễ làm tan những mối hiểu lầm và làm nảy nở tình thân thiện. Tôi mong rằng sau đây những cuộc giao thiệp gặp gỡ nhau ấy sẽ có luôn. Cái đó chỉ do các bạn người Pháp thật tâm muốn là được.

HỒ CHÍ MINH       

------------------
        1. Chiều ngày 16-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp báo để trả lời những câu hỏi gửi trước của các phóng viên trong nước và ngoài nước. Trên đây là một số câu trả lời của Người (B.T). Báo Cứu quốc, số 408, ngày 17-11-1946.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 04:37:31 am »

     
        GỬI ĐỒNG BÀO VIỆT NAM, NGƯỜI PHÁP VÀ NGƯỜI THẾ GIỚI1

        Cùng đồng bào Việt Nam,

        Cùng người Pháp và người thế giới,

        Vì vâng lệnh Chính phủ, mà nhân dân Việt Nam sẵn sàng cộng tác thật thà với nhân dân Pháp.

        Vì hiểu rõ đại nghĩa, mà nhân dân Pháp mong muốn cộng tác thật thà với nhân dân Việt Nam.

        Vì tôn trọng chữ ký, mà Chính phủ Việt Nam ra sức thực hành một không khí thân thiện. Tiếc vì một đôi nơi, như ở miền Nam nước Việt, ở Hải Phòng và Lạng Sơn, một số người Pháp không hiểu tâm lý dân Việt Nam, không làm theo ý nguyện dân Pháp, đã gây nên những cuộc xung đột đổ máu giữa hai bên... Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh.

        Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong.

        Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người.

        Trong hai cuộc đại chiến, Pháp hy sinh hàng triệu người, để chống bọn xâm lăng, để tranh lại quyền thống nhất, độc lập.

        Nước Pháp cách Việt Nam muôn dặm, Việt Nam thống nhất độc lập có động chạm gì đến người Pháp mà người Pháp lại muốn cản trở Việt Nam. Người Việt Nam sẵn sàng hoan nghênh và cộng tác với những người sĩ, nông, công, thương Pháp qua đây làm ăn. Những lợi ích hợp lý về tiền tệ và văn hóa của người Pháp ở đây sẽ được Việt Nam bảo vệ. Những người Pháp không muốn ai phạm đến chủ quyền mình thì phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam.

        Chính phủ Việt Nam đã ký Tạm ước với Chính phủ Pháp thì Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết làm đúng theo Tạm ước đó.

        Đồng thời, Chính phủ và người Pháp cũng phải làm theo Tạm ước đó. Đó là lợi ích cho cả hai bên.

        Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp. Song khi phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng phải kiên quyết hy sinh.

        Tôi thay mặt Chính phủ mà kêu gọi đồng bào toàn quốc sẵn sàng theo mệnh lệnh của Chính phủ.

        Tôi cũng kêu gọi người Pháp ở đây thôi những hành động khiêu khích và thành thật cộng tác với Việt Nam một cách bình đẳng thân thiện. Máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa. Vì lý lẽ gì, vì lợi của ai, mà đem máu quý báu của thanh niên Pháp (một thanh niên đầy những tương lai vẻ vang) đổ trên non nước Việt Nam. Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức:

        Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập.

        Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.

        Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho.

HỒ CHÍ MINH        


        LỜI KÊU GỌI VỀ VIỆC QUÂN PHÁP LẠI GÂY HẤN Ở HẢI PHÒNG2

        Tình hình Lạng Sơn chưa yên thì tình hình Hải Phòng trở lại nghiêm trọng. Chẳng những quân đội Pháp không thi hành những điều đại biểu tướng Moóc-li-e và đại biểu Chính phủ ta đã ký chiều ngày 20 tháng 11. Mà sáng nay họ lại yêu sách thêm những điều ta không thể nhận. Vì vậy lại bắt đầu xung đột.

        Tôi kêu gọi Đại tướng Va-luy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm chức Thượng sứ, và các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt.

        Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều.

        Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước.

        Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!


        LỜI KÊU GỌI GỬI QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ PHÁP3

        Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết lòng cộng tác thật thà như anh em với nhân dân Pháp. Vì vậy đã ký Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9.

        Song một số người Pháp ở đây làm trái với những điều ước đó, dùng võ lực để đối phó với Việt Nam.

        Việt Nam muốn tham gia trong khối Liên hiệp Pháp quốc, mà họ lại lập ra nước “Nam Kỳ” để chia xẻ Việt Nam.

        Việt Nam đã đình chiến theo Hiệp định ngày 6-3, mà họ cứ sai quân Pháp tiến công bộ đội Việt Nam và khủng bố nhân dân Việt Nam tại Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Họ phong toả cửa bể Bắc Bộ.

        Họ gây cớ để chiếm Lạng Sơn và Hải Phòng, dùng hải lục không quân đánh phá miền duyên hải Bắc Bộ.

        Họ gửi tối hậu thư trái với tinh thần các Hiệp định Pháp - Việt, xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam. Mặc dầu đại diện Việt Nam đã mấy lần đề nghị tổ chức ủy ban để tìm cách dàn xếp, nhưng họ vẫn không chịu. Họ lại để cho một số lính Pháp ngày đêm khiêu khích tại Hà Nội như cố ý làm cho cuộc xung đột lan rộng.

        Việc đổ máu tại Lạng Sơn và Hải Phòng đến nay đã hơn hai tuần mà chưa giải quyết.

        Vừa rồi Cao ủy Đác-giăng-li-ơ lại công bố rõ ràng rằng nước Pháp đã dùng và sẽ dùng võ lực để đặt lại quyền bính trên đất Việt Nam, làm cho dân Việt Nam phẫn uất và ngờ vực chính sách cộng tác thân thiện của nước Pháp mới.

        Họ lợi dụng độc quyền thông tin trong tay họ để báo cáo sai sự thực, để làm cho Quốc hội Pháp, Chính phủ và nhân dân Pháp không rõ tình hình Việt Nam.

        Người Việt Nam và người Pháp đã đổ máu nhiều rồi, đã chịu tai vạ chiến tranh nhiều rồi. Nếu tình thế này kéo dài nữa thì sẽ bị bọn khiêu khích lợi dụng phá hoại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp.

        Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài.

Lời chào trân trọng       
HỒ CHÍ MINH           

-----------------------
       1. Báo Cứu quốc, số 414, ngày 23-11-1946.

        2. Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc qua Đài tiếng nói Việt Nam hồi 12 giờ ngày 23-11-1946. Đầu đề là của chúng tôi (B.T). Báo Cứu quốc số 415, ngày 24-11-1946.

        3. Báo Cứu quốc, số 428, ngày 7-12-1946.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM