Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:19:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28110 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:19:34 am »


        IV. TÙ BINH VÀ THƯỜNG NHÂN BỊ GIAM GIỮ

        Điều 21. Việc tha và cho hồi hương những tù binh và những thường nhân bị giam giữ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, sẽ tiến hành theo những điều kiện sau đây:

        a) Tất cả tù binh và thường nhân bị giam giữ, quốc tịch Việt Nam, Pháp hoặc quốc tịch khác, bị bắt từ đầu chiến tranh ở Việt Nam trong những cuộc hành quân hoặc trong tất cả những trường hợp chiến tranh khác, ở trên toàn cõi Việt Nam, sẽ được tha trong một thời hạn là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thực hiện ngừng bắn thực sự trên mỗi chiến trường.

        b) Danh từ “thường nhân bị giam giữ” có nghĩa là tất cả những người đã tham gia bất cứ dưới hình thức nào vào cuộc đấu tranh võ trang và chính trị giữa đôi bên và vì thế mà đã bị bên này hay bên kia bắt và giam giữ trong khi chiến tranh.

        c) Cách thả sẽ tiến hành như sau: Mỗi bên trao trả cho nhà chức trách có thẩm quyền của bên kia toàn thể tù binh và thường nhân bị giam giữ. Nhà chức trách bên nhận sẽ giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể có được để họ về sinh quán, nơi cư trú thường xuyên hoặc về vùng họ lựa chọn.

        V. ĐIỀU KHOẢN LINH TINH

        Điều 22. Tư lệnh hai bên chú trọng trừng phạt thích đáng những người thuộc quyền mình mà làm trái bất kỳ một điều khoản nào của Hiệp định này.

        Điều 23. Trong trường hợp biết rõ nơi chôn cất và có mồ mả rõ ràng, Bộ tư lệnh mỗi bên sẽ cho phép nhân viên trông coi việc chôn cất của bên kia được vào trong vùng lãnh thổ Việt Nam đặt dưới sự kiểm soát của mình, trong một thời hạn nhất định, sau khi Hiệp định đình chỉ chiến sự bắt đầu có hiệu lực, để lấy thi hài của những quân nhân chết của bên kia, kể cả những tù binh chết. Ban Liên hợp sẽ ấn định phương thức thi hành việc này và thời hạn cần phải làm xong. Các Bộ tư lệnh mỗi bên sẽ cho nhau biết tất cả những tài liệu, tin tức mà họ có về mồ mả của quân nhân của bên kia.

        Điều 24. Hiệp định này áp dụng cho tất cả mọi lực lượng vũ trang của đôi bên. Lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng khu phi quân sự và lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bên kia và sẽ không có hành động hoặc hoạt động gì chống bên kia, hoặc một hoạt động phong tỏa bất cứ bằng cách nào ở Việt Nam.

        Danh từ “lãnh thổ” nói đây bao gồm tất cả hải phận và không phận.

        Điều 25. Trong khi thi hành nhiệm vụ định trong Hiệp định này, Ban Liên hợp và các Toán Liên hợp, Ban Quốc tế và các Đội Kiểm tra của Ban Quốc tế cần được sự bảo vệ, giúp đỡ và cộng tác của các Tư lệnh lực lượng hai bên.

        Điều 26. Các phí tổn cần thiết cho Ban Liên hợp và các Toán Liên hợp, Ban Quốc tế và những Đội Kiểm tra của Ban Quốc tế sẽ do đôi bên chia đều nhau mà chịu.

        Điều 27. Những người ký Hiệp định này và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ sẽ có nhiệm vụ đảm bảo sự tôn trọng việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định này. Các Tư lệnh hai bên, trong quyền hạn của mình, sẽ thi hành mọi biện pháp và mọi điều khoản cần thiết để họ, cả những phần tử và nhân viên quân sự dưới quyền họ, tôn trọng hoàn toàn những điều khoản của Hiệp định này.

        Những thể thức thi hành Hiệp định này, mỗi khi cần thiết, sẽ do Tư lệnh đôi bên nghiên cứu và nếu cần, do Ban Liên hợp định rõ thêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:20:17 am »


        VI. BAN LIÊN HỢP VÀ BAN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

        Điều 28. Trách nhiệm thực hiện Hiệp định đình chỉ chiến sự là thuộc về hai bên.

        Điều 29. Việc giám sát và kiểm soát sự thực hiện ấy do một Ban Quốc tế bảo đảm.

        Điều 30. Để làm dễ dàng cho việc thực hiện các điều khoản cần đến sự hoạt động phối hợp của hai bên, trong những điều kiện quy định dưới đây, sẽ thành lập một Ban Liên hợp ở Việt Nam.

        Điều 31. Ban Liên hợp gồm một số đại biểu bằng nhau của Bộ tư lệnh hai bên.

        Điều 32. Các trưởng đoàn đại biểu trong Ban Liên hợp là cấp tướng.

        Ban Liên hợp thành lập những Nhóm Liên hợp, số lượng bao nhiêu do hai bên thỏa thuận quy định. Các Nhóm Liên hợp gồm một số sĩ quan bằng nhau của hai bên. Hai bên sẽ căn cứ vào nhiệm vụ của Ban Liên hợp mà quy định nơi đóng của các Nhóm ấy trên giới tuyến giữa các vùng tập hợp.

        Điều 33. Ban Liên hợp bảo đảm sự thực hiện những điều khoản sau đây của Hiệp định:

        a) Ngừng bắn đồng thời và toàn diện ở Việt Nam cho tất cả các lực lượng vũ trang chính quy và không chính quy của hai bên.

        b) Sự tập hợp lực lượng vũ trang của hai bên.

        c) Sự tôn trọng giới tuyến giữa các vùng tập hợp và khu phi quân sự.

        Ban Liên hợp giúp hai bên theo phạm vi thẩm quyền của mình trong việc thực hiện các điều khoản kể trên, bảo đảm việc liên lạc giữa hai bên để khởi thảo và thi hành những kế hoạch áp dụng các điều khoản ấy, cố gắng giải quyết các mâu thuẫn có thể nảy ra giữa hai bên trong khi thực hiện các điều khoản ấy.

        Điều 34. Nay thành lập một Ban Quốc tế phụ trách giám sát và kiểm tra sự áp dụng các điều khoản của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Ban ấy gồm một số đại biểu bằng nhau của các nước sau đây: Ấn Độ, Ba Lan, Gia Nã Đại. Ban ấy do đại biểu Ấn Độ làm chủ tịch.

        16 Tháng Chín, 2008, 06:57:14 pm

        Điều 35. Ban Quốc tế đặt những Đội Kiểm tra cố định và lưu động, gồm một số sĩ quan bằng nhau do mỗi nước trong các nước trên đây đề cử ra.

        Những Đội cố định đóng tại các điểm sau đây: Vùng phía Bắc giới tuyến quân sự tạm thời: Lào Kai, Lạng Sơn, Tiên Yên, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới, Mường Sén. Vùng phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời: Tourane, Quy Nhơn, Nha Trang, Ba Ngòi, Sài Gòn, cửa Ô Cấp, Tân Châu.

        Sau này, những điểm đóng đó có thể thay đổi theo sự yêu cầu của Ban Liên hợp, hoặc của một trong hai bên, hoặc chính của Ban Quốc tế, do sự thỏa thuận giữa Ban Quốc tế và Bộ tư lệnh của bên hữu quan.

        Khu hoạt động của các Đội lưu động là những nơi gần các biên giới thủy, bộ của Việt Nam, đường giới tuyến giữa các vùng tập hợp và khu phi quân sự. Trong phạm vi đó, các đội lưu động có quyền tự do đi lại và được các nhà chức trách hành chính và quân sự địa phương cho mọi sự dễ dàng mà họ cần đến để làm tròn nhiệm vụ (cung cấp nhân viên, tài liệu cần thiết cho việc kiểm soát, triệu tập những người làm chứng cần thiết cho các cuộc điều tra, bảo vệ sự an toàn và sự tự do đi lại của các Đội Kiểm tra, v.v...). Các Đội lưu động dùng những phương tiện vận chuyển, quan sát và thông tin tối tân mà họ cần đến.

        Ngoài những khu hoạt động quy định ở trên, các Đội lưu động có thể, với sự đồng ý của Bộ tư lệnh bên hữu quan, đi lại những nơi khác, trong phạm vi nhiệm vụ mà Hiệp định này giao cho họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:22:51 am »


        Điều 36. Ban Quốc tế phụ trách giám sát việc hai bên thi hành những nhiệm vụ kiểm soát, quan sát, kiểm tra và điều tra có liên quan đến việc thi hành những điều khoản của hiệp định đình chỉ chiến sự, và nhất là phải:

        a) Kiểm soát những việc đi lại của các lực lượng vũ trang của hai bên, tiến hành trong phạm vi kế hoạch tập hợp.

        b) Giám sát giới tuyến, vùng tập hợp và vùng phi quân sự.

        c) Kiểm soát, những việc thả tù binh và thường nhân bị giam giữ.

        d) Giám sát, tại các cửa biển và sân bay cũng như trên các biên giới của Việt Nam, việc thi hành những điều khoản của Hiệp định đình chỉ chiến sự quy định việc đưa vào trong nước các lực lượng vũ trang, nhân viên quân sự và mọi thứ vũ khí, đạn dược và vật dụng chiến tranh.

        Điều 37. Ban Quốc tế hoặc tự ý của mình hoặc theo kêu cầu của Ban Liên hợp hay của một trong hai bên, sẽ dùng những Đội Kiểm tra nói trên tiến hành trong thời hạn ngắn nhất những cuộc điều tra cần thiết trên văn bản và tại chỗ.

        Điều 38. Các Đội Kiểm tra sẽ chuyển lên Ban Quốc tế những kết quả về việc kiểm soát, điều tra và quan sát của mình; ngoài ra, các Đội ấy làm những bản báo cáo đặc biệt mà tự họ nhận thấy cần thiết, hoặc do Ban yêu cầu. Trường hợp có sự bất đồng ý kiến trong các Đội, kết luận của mỗi một thành viên sẽ đưa lên Ban.

        Điều 39. Nếu một Đội Kiểm tra không giải quyết được một việc hoặc nhận thấy có sự vi phạm hay nguy cơ có một vi phạm nghiêm trọng đe dọa, thì sẽ báo cáo với Ban Quốc tế; Ban Quốc tế sẽ nghiên cứu báo cáo và kết luận của các Đội Kiểm tra và báo cho các bên đương sự biết những biện pháp cần thi hành để giải quyết việc đó hay để chấm dứt sự vi phạm hay tiêu trừ nguy cơ vi phạm.

        Điều 40. Khi Ban Liên hợp không đi đến thỏa thuận trong việc giải thích một điều khoản hay việc nhận định một sự việc, thì sẽ báo cáo Ban Quốc tế biết sự bất đồng đó. Những kiến nghị của Ban Quốc tế sẽ chuyển thẳng cho hai bên đương sự và thông tri cho Ban Liên hợp.

        Điều 41. Những kiến nghị của Ban Quốc tế thông qua theo đa số, trừ đối với những điều khoản ở điều 42. Trường hợp số phiếu hai bên ngang nhau, thì phiếu của chủ tịch là quyết định.

        Ban Quốc tế có thể đề ra những kiến nghị sửa chữa và bổ sung các điều khoản của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam nhằm đảm bảo việc thi hành có hiệu quả hơn Hiệp định nói trên. Những kiến nghị đó phải được toàn thể đồng thanh biểu quyết.

        Điều 42. Khi có những vấn đề có liên quan đến những sự vi phạm hay nguy cơ vi phạm có thể làm cho chiến sự lại xảy ra, như:

        a. Lực lượng vũ trang của một bên không chịu thi hành những cuộc vận chuyển đã định trong kế hoạch tập hợp.

        b. Lực lượng vũ trang của một bên phạm vào vùng tập hợp, vào hải phận hay không phận của bên kia, thì những kiến nghị của Ban Quốc tế phải được toàn thể đồng thanh biểu quyết.

        Điều 43. Nếu một bên không chịu chấp hành kiến nghị của Ban Quốc tế, thì các bên hữu quan hoặc tự Ban đó báo cáo cho các nước dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.

        Nếu Ban Quốc tế không đi tới được một kết luận đồng thanh trong những trường hợp nói trong điều 42, thì Ban đó sẽ đệ trình cho các nước dự Hội nghị một báo cáo của đa số và một hay nhiều báo cáo của thiểu số.

        Ban Quốc tế báo cáo cho các nước dự Hội nghị biết mọi việc trở ngại cho hoạt động của mình.

        Điều 44. Ban Quốc tế sẽ được thành lập ngay khi ngừng bắn ở Đông Dương để có thể làm tròn những nhiệm vụ nói trong điều 36.

        Điều 45. Ban Quốc tế giám sát và kiểm soát ở Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các Ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ở Miên và Lào.

        Một cơ quan gồm một số đại biểu bằng nhau của tất cả các nước có chân trong các Ban Quốc tế sẽ đặt ra để phối hợp hoạt động của ba Ban mỗi khi cần thiết trong việc thực hiện Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Miên, Lào và Việt Nam.

        Điều 46. Căn cứ vào tình hình phát triển ở Cao Miên, ở Lào và ở Việt Nam, Ban Quốc tế có thể với sự thỏa hiệp của cơ quan phối hợp, đề ra những kiến nghị về việc giảm bớt dần những hoạt động của mình. Những kiến nghị ấy phải được đồng thanh biểu quyết.

        Điều 47. Tất cả những điều khoản của Hiệp định này, trừ đoạn 2 của điều 11, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 24 giờ ngày 22 tháng 7 năm 1954 (giờ Giơ-ne-vơ).

        Làm tại Giơ-ne-vơ ngày 20 tháng 7 năm 1954, lúc 24 giờ, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt Nam cả hai bản đều có giá trị như nhau.

   Thay mặt Tổng tư lệnh                                    Thay mặt Tổng tư lệnh
Quân đội nhân dân Việt Nam                    Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương
                                                                  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
       TẠ QUANG BỬU                                            Thiếu tướng DELTEIL             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:26:50 am »


        II. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

        GỬI ĐỒNG BÀO NAM BỘ1

        Hỡi đồng bào Nam Bộ!

        Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.

        Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

        Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

        Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

        Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

        Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng.

        Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”.

        Nước Việt Nam độc lập muôn năm.

        Đồng bào Nam Bộ muôn năm.

                                                                                  Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1945

                                                                                                             HỒ CHÍ MINH

        THƯ GỬI NHỮNG NGƯỜI PHÁP Ở ĐÔNG DƯƠNG2

        Hỡi những người Pháp! Tôi muốn ngỏ vài lời cùng các bạn, không lấy danh nghĩa Chủ tịch nước Cộng hoà Việt Nam, mà lấy tình một người bạn chân thật của những người Pháp lương thiện.

        Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do. Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người.

        Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi.

        Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh.

----------------------
        1. Báo Cứu quốc, số 54, ngày 29-9-1945.

        2. Báo Cứu quốc, số 72 và 74. ngày 20 và 23-10-1945.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:27:20 am »

 

        Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp, cũng không nhằm đánh vào những người Pháp lương thiện, mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp. Các bạn cũng tự hiểu cái chủ nghĩa thực dân này đã lạm dụng danh tiếng tốt của nước Pháp để bắt chúng tôi chịu những tai họa lớn như thế nào: phu sai, tạp dịch, thuế muối, cưỡng bách mua thuốc phiện và rượu, thuế má nặng nề, không một chút tự do, khủng bố không ngớt, khổ cực tinh thần và vật chất, bóc lột tàn nhẫn... Hãy thử hỏi chúng tôi khổ sở như thế, ai được hưởng lợi? Có phải nước Pháp và dân chúng Pháp không? Không, nước Pháp không trở nên giàu có hơn bởi sự bóc lột thuộc địa, và sẽ chẳng vì thiếu sự bóc lột ấy mà nghèo khó hơn. Trái lại, những khoản chi tiêu về thuộc địa còn là gánh nặng chất thêm lên lưng dân chúng Pháp.

        Có phải các bạn nông gia, thương gia, kỹ nghệ gia Pháp ở Đông Dương được lợi không? Trước khi trả lời, tôi muốn các bạn hãy tự đặt vào địa vị chúng tôi một chốc lát. Các bạn sẽ đối phó như thế nào nếu có người ngoại quốc đến bắt các bạn phải chịu một chuỗi dài những tai họa và đau đớn ấy? Tôi quả quyết tin rằng các bạn sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống lại sự thống trị ấy. Vậy thì tại sao các bạn lại muốn chúng tôi phải nhận một cách nhục nhằn sự thống trị của Pháp.

        Các bạn cũng biết rằng sự thống trị ấy không có lợi cho nước Pháp cũng như cho dân Pháp. Nó chỉ làm giàu cho mấy con cá mập thuộc địa mà bôi nhọ danh tiếng nước Pháp.

        Có người nói nước Pháp muốn giữ thể diện nên cố níu lấy Đông Dương? Lầm biết bao! Các nước Đồng minh đã công nhận sự độc lập của Cao Ly1. Nước Mỹ đã tự ý trả độc lập cho Phi Luật Tân2. Các nước này có vì vậy mà mất thể diện không?

        Công nhận nền độc lập của Việt Nam không những không làm giảm uy tín của nước Pháp mà còn làm cho nó tăng cao trước thế giới và lịch sử. Cử chỉ này tỏ chung cho hoàn cầu và riêng cho người Việt Nam rằng nước Pháp ngày nay hoàn toàn khác nước Pháp đế quốc chủ nghĩa ngày trước. Nó sẽ được sự kính trọng của tất cả các dân tộc và lòng mến yêu của người Việt Nam vốn không mong gì hơn là Tổ quốc độc lập.

        Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hoà bình - một nền hoà bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư?

        Chúng tôi không sợ chết chính là vì chúng tôi muốn sống. Chúng tôi cũng như các bạn, muốn sống tự do, không có ai đè đầu bóp cổ. Bởi vậy chúng tôi đã phân biệt người Pháp tốt với người Pháp xấu.

        Tôi nhắc lại, chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của chúng tôi, chúng tôi chiến đấu chống sự đô hộ Pháp mà không chống những người Pháp lương thiện.

        Lúc này, bọn thực dân Pháp đã mở đầu sự tấn công chúng tôi ở Nam Bộ. Chúng đã bắt đầu giết bao đồng bào chúng tôi, đốt nhà cướp của của chúng tôi. Chúng tôi bắt buộc phải kháng cự lại lũ xâm lăng ấy để bảo vệ gia đình, Tổ quốc chúng tôi.

        Mặc dầu như vậy, trên khắp đất nước Việt Nam, sinh mệnh và tài sản của người Pháp vẫn được che chở và tiếp tục được che chở miễn là các người ấy chịu sống yên ổn và không tìm cách gây chuyện.

        Tôi trịnh trọng cam đoan rằng những người Pháp làm ăn lương thiện và sống yên ổn sẽ mãi mãi được chúng tôi trọng đãi như bè bạn, như anh em. Chúng tôi là một dân tộc ưa hoà bình, trọng quyền lợi và tự do của người khác.

        Những người Pháp ở Đông Dương! Bây giờ đến lượt các bạn phải tỏ ra rằng các bạn xứng đáng là con cháu những vị anh hùng vẻ vang xưa kia đã tranh đấu cho tự do, bình đẳng và bác ái.

        Chào tất cả các bạn.

        HỒ CHÍ MINH

----------------------
        1. Triều Tiên.

        2. Phi-líp-pin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:28:08 am »


        TRẢ LỜI CÁC NHÀ BÁO VỀ THÁI ĐỘ HIỆN THỜI CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRUNG HOA VÀ PHÁP

        Đối với Trung Hoa: Trung Hoa và Việt Nam có cái quan hệ mấy ngàn năm với nhau về mọi phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế. Cái quan hệ ấy càng ngày càng thêm sâu xa, mà có thể từng ngày càng thêm mật thiết.

        Nước Việt Nam được thắng lợi trong sự độc lập, thì sự thắng lợi ấy sẽ là một điều lợi cho Trung Hoa. Trung Hoa và Việt Nam có chung với nhau một biên giới rộng mấy ngàn dặm. Nay Việt Nam không phải là một thuộc địa của Pháp nữa, nước Trung Hoa sẽ bớt đi một lo ngại về miền Nam, vì trong dự định của một vài chính khách Pháp như P. Đu-me (P. Doumer) chẳng hạn, thì bọn thực dân Pháp vẫn ngấm ngầm định nhòm ngó mấy tỉnh trù phú miền Nam Trung Hoa như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây. Trung Hoa và Việt Nam có quan hệ như răng với môi vậy.

        Về một phương diện khác, nước Trung Hoa bao lâu nay bị khốn khổ vì các điều ước bất bình đẳng, hẳn đã biết những thống khổ của một dân tộc bị áp bức. Chính Tưởng Chủ tịch cũng đã nói thế trong cuốn “Trung Quốc vận mệnh”. Lẽ tất nhiên đối với nền độc lập Việt Nam, nước Trung Hoa phải sẵn có cảm tình.

        Nước Trung Hoa đã giúp đỡ gì chúng ta chưa? Về vật chất chưa giúp gì, nhưng về phần tinh thần có thể nói là đã giúp rồi vậy. Cuộc kháng chiến anh dũng của dân Trung Hoa trong 8, 9 năm trời chống phát xít Nhật đã làm cho chúng ta thêm tự tin ở mình, ở sự thắng lợi của cuộc chiến đấu của ta bây giờ với quân xâm lược Pháp trong Nam Bộ. Nhật gần Trung Hoa hơn Pháp gần nước ta nhiều, sức mạnh quân sự của Nhật lại hơn hẳn quân Pháp bao nhiêu bực. Vậy mà cuối cùng, dân tộc Trung Hoa đã đánh bại được Nhật. Tại sao chúng ta lại sẽ không đánh bại được Pháp?

        Các chính sách của Việt Nam đối với Trung Hoa lúc này tóm lại là phải thân thiện.

        Còn như trong buổi tiếp xúc đầu tiên này có những chuyện khó khăn xảy ra (như việc tiêu tiền quan kim1, việc xung đột thường ngày vì không hiểu ngôn ngữ nhau, v v ) thì đó là những chuyện không thể tránh được. Để giải quyết những chuyện ấy không những chỉ Chính phủ mà cả các nhà đương chức Trung Hoa ở đây cũng tận tâm giải quyết ổn thoả. Dân ta lúc này bị điêu đứng về những chuyện ấy, thì phải nhớ đến câu: muốn gánh được nặng, phải chịu được khó nhọc.

        Đối với Pháp: Đối với bọn thực dân Pháp cố tâm dùng võ lực lập lại chủ quyền của chúng ở đây, chúng ta nhất định chống lại chúng kỳ cùng, và nhất định chúng ta sẽ phải thắng lợi. Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam Bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sĩ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được.

        Nhưng chúng ta không chống tất cả nước Pháp, tất cả dân chúng Pháp. Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hoà bình (từ trước tới nay chưa có một cuộc điều đình như vậy, nhưng giả sử có, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ hoan nghênh) thì điều kiện căn bản của cuộc điều đình ấy là người Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Còn ngoài ra có thể có những sự thương lượng để dung hoà quyền lợi của cả hai bên. Có thể rằng: những cơ sở mà người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng ở đây từ trước đến giờ, nếu xét ra cần thiết cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam, sẽ được chúng ta chuộc lại dần dần. Có thể rằng: chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia.

        Nhưng, phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy thì không thể nói chuyện gì được cả.

HỒ CHÍ MINH        

----------------------
        1. Một loại tiền Trung Quốc lúc bấy giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:34:14 am »


        ĐIỆN GỬI THỐNG CHẾ TƯỞNG GIỚI THẠCH1

        Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1945

        Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam

        gửi Thống chế Tưởng Giới Thạch, Cộng hòa Trung Hoa

        Nhân danh Chính phủ lâm thời nước Cộng hoà Việt Nam, chúng tôi kịch liệt phản đối việc sử dụng các toán quân Nhật, do quân đội Anh - Ấn dưới sự chỉ huy của tướng Gra-xây và do quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Lơ-cléc trong việc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam ở Nam Đông Dương.

        Mượn cớ giải giáp quân Nhật, các tướng Gra-xây và Lơ-cléc đã phân tán các toán quân Nhật ra khắp các tỉnh nam Việt Nam làm quân tiên phong cho các toán quân Anh - Ấn và Pháp, với ý đồ tái lập sự thống trị của người Pháp đối với Đông Dương.

        Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu quyết liệt chống lại chủ nghĩa phát xít Nhật, và vừa mới lập nên chế độ dân chủ trên toàn đất nước, phẫn nộ tột bậc về sự xuất hiện lối xử sự không thể biện hộ được như vậy về phía Anh và Pháp.

        Vì thế chúng tôi mong Ngài lưu tâm và khẩn thiết yêu cầu Ngài:

        Thứ nhất, ban bố lệnh chấm dứt tàn sát một dân tộc đang bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo các nguyên tắc ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phran-xi-xcô.

        Thứ hai, công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Cộng hòa Việt Nam.

        Kính

HỒ CHÍ MINH       


        LỜI KÊU GỌI ĐỒNG BÀO NAM BỘ2

        Hỡi đồng bào trong Nam!

        Quân Pháp nấp đuôi bọn quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. Ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm đến nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu.

        Mặc dầu quân Pháp có đủ khí giới tối tân, tôi biết chắc không bao giờ chúng cướp được nước ta đâu. Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc.

        Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng. Quân Pháp đi đến đâu sẽ gặp cảnh đồng không nhà vắng, không người, không lương thực. Chúng ta quyết không cộng tác với chúng, không chịu sống chung với lũ thực dân Pháp..

        Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay, trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không đội xâm lăng nào đánh tan được.

HỒ CHÍ MINH       

----------------------
        1. United States - Vietnam Relations 1945-1967, U.S. government printing office, Washington, 1971, p. 91.

        2. Báo Cứu quốc, số 77, ngày 29-10-1945.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 03:53:59 am »

       
        LỜI KÊU GỌI KIỀU BÀO VIỆT NAM Ở PHÁP1

        Đồng bào thân mến,

        Dân tộc Việt Nam hết sức hoan nghênh tờ kháng nghị do các bạn nam nữ gửi cho Chính phủ Anh yêu cầu rút quân đội Anh - Ấn ở Nam Bộ về, tin tức các cuộc mít tinh của các bạn tổ chức để dân Pháp hiểu rõ tình thế hiện thời của nước nhà.

        Đã năm năm nay các bạn bị gián đoạn với Tổ quốc. Các bạn không khỏi bị thiệt thòi vì cô đơn ấy, và ngoại quốc đã lợi dụng cơ hội để tuyên truyền một cách dễ dàng. Những người sinh viên hay công nhân nào, khi bước chân ra khỏi xứ sở lại không thầm kín mong mỏi cho Tổ quốc một ngày kia sống lại trong vòng tự do và độc lập. Vì cuộc chiến đấu hiện thời của chúng ta chỉ là kết tinh của cuộc trường kỳ đề kháng mà ông cha, anh em chúng ta đã tiếp tục trong 80 năm Pháp thuộc.

        Chúng ta đã chiến đấu với thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chỉ những trang sử đẫm máu và chói lọi gần đây, chúng ta đã thấy bao nhiêu anh chị em đồng bào bị thiệt mạng vì bom đạn của đế quốc Pháp hồi 1940 trong Nam Bộ, năm 1941 ở Nghệ An, Lạng Sơn, Cao Bằng và tại nhiều tỉnh khác ở Bắc Bộ, từ 1940. Còn bao nhiêu anh chị em nữa đã gục chết trong nhà giam Côn Đảo và trong những trại giam ghê gớm hơn cả những nơi mà quân Đức dựng lên để hành hạ tội nhân.

        Tháng 8 dương lịch vừa rồi, sự thành công của Mặt trận Việt Minh và sự thoái vị của vua Bảo Đại đã ràng buộc chặt chẽ những năng lực của một dân tộc muốn được sống tự do và độc lập.

        Đồng bào hãy làm cho thế giới văn minh và nhất là dân tộc Pháp nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc. Các bạn hãy chiến đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi. Sau nữa, sự tuyên truyền ấy đứng sao vững trước những chứng cớ hiển nhiên của 80 năm Pháp thuộc và cách kháng chiến anh dũng của đồng bào chúng ta.

        Muốn quay lại áp bức dân tộc ta, bọn thực dân Pháp đã giết những đàn bà, trẻ con trong từng phố và từng làng. Chúng còn nhờ quân đội Anh - Ấn, Nhật giúp sức, chúng đã dùng phi cơ, xe tăng, đại pháo và tàu chiến. Nhưng một đạo quân dù tối tân, làm trò trống gì được trước thái độ cương quyết của cả một dân tộc.

        Chúng đi qua đâu, chúng sẽ thấy và chỉ sẽ thấy những đô thị trống không, nhà cửa bị đốt cháy và sự căm hờn của một dân tộc chỉ chờ cơ hội để đuổi chúng ra khỏi xứ… Vì dân tộc mà chúng tuyên truyền là giặc cướp đã tỏ cho thế giới biết sự hy sinh không bờ bến của mình.

        Lịch sử nước nhà chưa bao giờ trông thấy chúng ta đoàn kết chặt chẽ như ngày nay để biểu dương ý chí mạnh mẽ của một dân tộc thích chết tự do hơn là sống nô lệ.

        Chúng ta không hề thù ghét dân tộc Pháp. Chúng ta hiểu rằng: đã từng chiến đấu anh dũng với Đức, đã từng giữ vững tinh thần trong giai đoạn tối tăm của lịch sử, dân Pháp sẽ hiểu hơn ai hết những sự đớn đau và hy sinh của chúng ta. Dân Pháp sẽ can thiệp với chính phủ để ngăn cuộc đổ máu và giữ sinh mệnh cho những lương dân vô tội.

        Nếu chỉ vì quyền lợi của một vài viên quan cai trị và quân nhân hay tư bản thì dân Pháp sẽ không bao giờ để người ta phí phạm những sinh mệnh Pháp.

        Đồng bào hãy tỏ ra là xứng đáng với những anh em đang chiến đấu anh dũng ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà.

Ngày 5 tháng 11 năm 1945        
HỒ CHÍ MINH                

--------------------
        1. Đầu đề là của chúng tôi (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 03:56:58 am »


        DIỄN VĂN ĐỌC TRONG “NGÀY KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC”1

        Hỡi toàn quốc đồng bào!

        Trong mấy năm thế giới chiến tranh, bọn thực dân Pháp đã hai lần bán rẻ nước ta cho Nhật. Như thế là chẳng những chúng đã phản lại các nước Đồng minh, giúp sức Nhật để làm cho Đồng minh tổn hại rất nhiều.

        Đồng thời chúng cũng phản lại dân ta, làm cho nước ta sa vào vòng chiến tranh, bị bom đạn tàn phá. Như vậy là Pháp đã tự ra ngoài hàng ngũ Đồng minh, đã tự xé bỏ những điều ước mà chúng đã ép nước ta ký kết hồi trước.

        Mặc dầu bọn thực dân Pháp như vậy, toàn quốc đồng bào ta đã kiên quyết đứng về phe Đồng minh chống lại bọn xâm lược. Đến khi quân Nhật đầu hàng, thì dân ta đồng tâm nhất trí đổi nước ta thành một nước Dân chủ Cộng hoà, cử ra Chính phủ lâm thời để sửa soạn cuộc toàn quốc đại hội và thảo ra Hiến pháp của ta.

        Chúng ta làm như thế, chẳng những là hoàn toàn hợp với Hiến chương Đại Tây Dương, Cựu Kim Sơn, v.v... mà các nước Đồng minh đã trịnh trọng thề thốt tôn trọng quyền tự do, độc lập của các dân tộc, đồng thời lại hoàn toàn hợp với những tôn chỉ vẻ vang mà chính dân Pháp đã phụng thờ, tức là tự do, bình đẳng, bác ái.

        Thế mà bọn thực dân Pháp, khi trước đã phản Đồng minh, phản nước ta và đầu hàng Nhật, nay lại len lỏi dưới bóng cờ của quân đội Anh và ẩn núp sau lưng binh sĩ Nhật đánh Nam Bộ nước ta.

        Chúng phá hoại cuộc hoà bình mà các nước Trung Hoa, Mỹ, Anh, Nga đã hy sinh mấy mươi triệu người mới tranh được. Chúng chống lại những lời hứa hẹn về dân chủ, tự do mà các nước Đồng minh đã tuyên bố. Chúng tự xóa bỏ tôn chỉ tự do, bình đẳng của tổ tiên chúng.

        Bởi vậy, vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước, giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta. Chúng ta không ghen ghét gì dân Pháp, nước Pháp, chúng ta chỉ kiên quyết chống chế độ nô lệ và chính sách tàn nhẫn của bọn thực dân Pháp. Chúng ta không đi cướp nước ai. Chúng ta chỉ giữ gìn nước ta và chống lại bọn Pháp đi cướp nước. Vì vậy, chúng ta không cô độc. Những nước yêu chuộng hoà bình và dân chủ, những dân tộc nhỏ yếu trong thế giới đều đồng tình với ta. Vì toàn dân đoàn kết ở trong, vì nhiều bạn đồng tình ở ngoài, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi.

        Gần tháng rưỡi nay, bọn thực dân Pháp hoành hành trong Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ đang hy sinh tranh đấu một cách oanh liệt vô cùng. Dư luận các cường quốc Trung Hoa, Mỹ, Anh, Nga đã cất tiếng duy trì chính nghĩa.

        Vậy toàn quốc đồng bào ta, Nam Bộ thì ra sức kháng chiến, Trung Bộ và Bắc Bộ thì ra sức giúp đỡ đồng bào Nam Bộ và ra sức đề phòng.

        Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến. Vì dân Việt Nam tin chắc rằng thế nào cuộc kháng chiến này cũng thành công.

                              Toàn quốc kiên quyết kháng chiến.
                              Việt Nam độc lập muôn năm.



        LỜI HIỆU TRIỆU

        Hỡi toàn quốc đồng bào,

        Chúng ta phải hiểu rằng: có nhiều thứ chiến tranh: chiến tranh bằng sức người, chiến tranh bằng võ khí, chiến tranh bằng chính trị, chiến tranh bằng tinh thần, v.v...

        Hiện nay, ngoài chiến tranh bằng quân sự, bọn thực dân Pháp đang dùng cách chiến tranh bằng tinh thần, chúng giả danh dân ta phát truyền đơn, dán khẩu hiệu, phao tin nhảm, mong cho dân ta hoang mang nghĩ ngợi, lo ngại. Đó là nó tấn công tinh thần chúng ta.

        Người xưa có nói rằng: “Đánh vào lòng là hơn hết, đánh vào thành trì là thứ hai”. Vậy một dân tộc đương vận động như dân ta bây giờ ắt phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn luôn trấn tĩnh, kiên quyết sẵn sàng đối với mọi tình thế, không bao giờ rối trí sợ sệt. Chúng ta phải học gương anh dũng của dân tộc Trung Hoa trong hồi kháng chiến. Mất Thượng Hải, gìn giữ Nam Kinh, mất Nam Kinh, gìn giữ Hán Khẩu, mất Hán Khẩu, gìn giữ Trùng khánh, đến Trùng Khánh vẫn chuẩn bị để nếu cần thì giữ nơi khác, quyết kháng chiến.

        Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống khiến quân địch không có thức ăn, không có chỗ ở, không có đường đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn tranh đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang; vì thế ròng rã tám năm trời, quân Nhật không nuốt nổi Trung Hoa và ngày nay Trung Quốc đã thắng lợi.

        Kinh nghiệm của Trung Quốc bày cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia, sản xuất) bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.

        Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới giành được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn.

        - Toàn dân kháng chiến.

        - Toàn quốc kháng chiến.

        - Việt Nam độc lập muôn năm.

HỒ CHÍ MINH       

-------------------
        1. Để biểu thị sự ủng hộ cuộc chiến đấu oanh liệt của đồng bào Nam Bộ chống Pháp xâm lược, cả nước đã tổ chức “Ngày toàn quốc kháng chiến” vào ngày 5-11-1945. Tại cuộc mít tinh ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bài diễn văn trên (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2016, 03:57:48 am »


        BÁO CÁO VỀ VIỆC THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ KHÁNG CHIẾN TRƯỚC KỲ HỌP THỨ NHẤT QUỐC HỘI KHÓA I

        NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

        Thưa Quốc hội,

        Trước khi báo cáo về việc tổ chức Chính phủ kháng chiến, tôi xin nói để Quốc hội biết rằng một số đại biểu ở Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ đã ra đi nhưng chưa tới, một phần đông nữa vì công việc kháng chiến nên không ra họp được, vậy tôi xin Quốc hội gửi lời chào thân ái cho những vị ấy.

        Bây giờ tôi xin báo cáo về việc lập Chính phủ kháng chiến. Chắc Quốc hội cũng biết rằng Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới được nhanh chóng như thế.

        Bây giờ tôi xin giới thiệu những Bộ trưởng cử ra, đều là những người có tuổi tác, có danh vọng, đạo đức, một mặt có thể giúp ý kiến cho Chính phủ, một mặt có thể điều khiển quốc dân. Lại có thêm một Ủy ban kháng chiến.

        Tôi xin đọc tên từng người của Chính phủ để ra mắt Quốc hội:

        - Bộ Ngoại giao: ông Nguyễn Tường Tam.

        - Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng.

        - Bộ Kinh tế: một người đã bôn ba hải ngoại về công việc cách mạng: ông Chu Bá Phượng.

        - Bộ Tài chính: một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc: ông Lê Văn Hiến.

        - Bộ Quốc phòng: một thanh niên trí thức và hoạt động, quốc dân ta đã từng nghe tiếng: ông Phan Anh.

        - Bộ Xã hội, kiêm cả Y tế, Cứu tế và Lao động: một nhà chuyên môn có tiếng trong y giới: bác sĩ Trương Đình Tri.

        - Bộ Giáo dục: một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: ông Đặng Thai Mai.

        - Bộ Tư pháp: cũng là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: ông Vũ Đình Hoè.

        Trong 10 Bộ thì 2 Bộ Chính phủ định để dành cho đại biểu đồng bào Nam Bộ, chắc Quốc hội cũng đồng ý. Trong lúc đại biểu Nam Bộ chưa đến thì 2 Bộ đó do anh em trong các đảng phái thoả thuận cử những người mà quốc dân có tín nhiệm ra gánh vác:

        - Bộ Giao thông công chính: ông Trần Đăng Khoa quản lý.

        - Bộ Canh nông: ông Bồ Xuân Luật.

        Phó Chủ tịch do Quốc hội cử ra tức là cụ Nguyễn Hải Thần. Còn Chủ tịch là tôi đây.

        Về Cố vấn đoàn thì do Tối cao cố vấn Vĩnh Thụy đảm nhiệm.

        Về Kháng chiến ủy viên hội thì do hai người tuy là thanh niên nhưng về sự hoạt động thì phần nhiều đại biểu ở Quốc hội cũng đã biết:

        - Kháng chiến ủy viên chủ tịch: ông Võ Nguyên Giáp.

        - Kháng chiến ủy viên phó chủ tịch: ông Vũ Hồng Khanh.

        Thế là Chính phủ kháng chiến đã thành lập, và bây giờ tôi xin phép Quốc hội để cho Chính phủ, Cố vấn đoàn và Kháng chiến ủy viên tuyên thệ nhậm chức.

HỒ CHÍ MINH       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM