Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:23:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28121 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:44:45 pm »


        HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ

        Một bên là Chính phủ Cộng hòa Pháp do ông Xanh-tơ-ny (Sainteny), người thay mặt và có ủy nhiệm chính thức của Thủy sư đô đốc Đác-giăng-li-ơ (Georges Thierry d’Argenlieu), Thượng sứ Pháp thụ nhiệm ủy quyền của Chính phủ Cộng hòa Pháp, làm đại biểu.

        Một bên là Chính phủ Cộng hòa Việt Nam do Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đặc ủy viên của Hội đồng các Bộ trưởng là ông Vũ Hồng Khanh, làm đại biểu.

        Hai bên đã thỏa thuận về các khoản sau này:

        1. Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia tự do có Chính phủ của mình, nghị viện của mình, quân đội của mình, tài chính của mình, và là một phần tử trong Liên bang Đông Dương ở trong khối Liên hiệp Pháp. Về việc hợp nhất ba “kỳ”, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận những quyết định của nhân dân trực tiếp phán quyết.

        2. Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện, tiếp đón quân đội Pháp khi nào quân đội ấy chiểu theo các hiệp định quốc tế đến thay thế quân đội Trung Hoa. Một Hiệp định phụ khoản đính theo Hiệp định Sơ bộ này sẽ định rõ cách thức thi hành công việc thay thế ấy.

        3. Các điều khoản kể trên sẽ được tức khắc thi hành. Sau khi ký hiệp định, hai Chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ ngay cuộc xung đột, để giữ nguyên quân đội hai bên tại vị trí hiện thời và để gây một bầu không khí êm dịu cần thiết cho việc mở ngay cuộc điều đình thân thiện và thành thực. Trong cuộc điều đình ấy sẽ bàn về:

        a) Những liên lạc ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài.

        b) Chế độ tương lai của Đông Dương.

        c) Những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam.

        Các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Pa-ri có thể được chọn làm nơi hội họp cuộc Hội nghị.

        Làm tại Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1946

 HỒ CHÍ MINH                        VŨ HỒNG KHANH                         XANH-TƠ-NY


        PHỤ KHOẢN

        Đính theo Hiệp định Sơ bộ của Chính phủ Cộng hòa pháp và Chính phủ Việt Nam

        Hai Chính phủ kể trong bản Hiệp định Sơ bộ đã thỏa thuận các khoản sau này:

        1. Những lực lượng quân bị thay thế quân đội Trung Hoa sẽ gồm có:

        a) 10.000 quân Việt Nam với các sĩ quan Việt Nam thuộc quyền điều khiển của các nhà chức trách quân sự Việt Nam.

        b) 15.000 quân Pháp, trong số đó đã kể số lính Pháp hiện nay đã đóng trong cõi Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16.

        15.000 lính Pháp ấy phải là những người Pháp chính tông, trừ những đội phụ trách canh phòng tù binh Nhật Bản.

        Tổng cộng các lực lượng kể trên sẽ đặt dưới quyền của Tư lệnh Pháp do các đội viên Việt Nam cộng tác.

        Khi các đội quân Pháp đã đổ bộ, một hội nghị tham mưu gồm các đại biểu của Bộ tư lệnh Pháp và Bộ tư lệnh Việt Nam sẽ định rõ sự tiến triển, sự du nhập, và cách sử dụng các đội quân Pháp và các đội quân Việt Nam đã kể trên.

        Sẽ lập ra những ủy ban binh vụ Pháp - Việt ở tất cả các cấp quân đội để chuyên việc liên lạc binh sĩ Pháp và Việt Nam theo tinh thần cộng tác thân hữu.

        2. Những đội quân Pháp dùng để thay thế quân đội Trung Hoa sẽ chia ra làm 3 hạng:

        a) Những đội phụ trách việc canh phòng tù binh Nhật Bản - Các đội này sẽ rút về Pháp ngay khi nào nhiệm vụ của họ đã xong, nghĩa là sau khi tù binh Nhật Bản đã được đem ra khỏi xứ này; dù sao thời gian ấy không được quá 10 tháng.

        b) Những đội quân cùng với quân đội Việt Nam phụ trách về việc công an và phòng vệ đất nước Việt Nam - Cứ mỗi năm một phần năm (1/5) các đội quân sẽ về Pháp để quân đội Việt Nam thay thế. Vậy trong 5 năm, quân đội Việt Nam sẽ thay thế toàn số quân đội Pháp này.

        c) Những đội quân phụ trách việc phòng vệ các căn cứ hải và không quân - Thời hạn của nhiệm vụ giao cho các đội này sẽ do các cuộc hội nghị sau quyết định.

        3. Ở các nơi đồn trú có quân đội Pháp và quân đội Việt Nam đóng giữ, những khu vực riêng biệt cho đôi bên sẽ được định rõ.

        4. Chính phủ Pháp cam đoan không dùng các tù binh Nhật vào những việc có mục đích quân sự.

        Làm tại Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1946

  HỒ CHÍ MINH                           VŨ HỒNG KHANH                      XANH-TƠ-NY
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:48:52 pm »


        CHỈ THỊ CỦA BAN T.V.T.W1 HOÀ ĐỂ TIẾN

        Ngày 9 tháng 3 năm 1946

        I. HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ VIỆT - PHÁP

        Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Chính phủ ta đã ký với đại biểu Pháp ở Hà Nội bản Hiệp định Sơ bộ (Convention preliminaire) gồm có ba khoản đại khái như dưới đây:

        a) Nước Pháp công nhận nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam là một nước tự do có ba kỳ, đứng trong... khối Liên hiệp Pháp.

        b) Nước Việt Nam thuận để quân đội Pháp vào Bắc Việt Nam, thay quân đội Tàu, hạn quân Pháp ở Đông Dương không quá 5 năm.

        c) Hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức và trong khi đàm phán, quân hai bên đóng đâu vẫn cứ đóng đấy.

        Như thế là nhờ sự chiến đấu anh dũng của chúng ta trong mấy năm nay và nhất là trong mấy tháng kháng chiến gần đây và nhờ tinh thần yêu chuộng tự do, chính nghĩa của dân Pháp, Chính phủ Pháp đã phải công nhận quyền tự chủ và sự thống nhất quốc gia của ta. Hiệp định Việt - Pháp có được là vì nước Việt Nam mới có lực lượng chiến đấu mới và nước Pháp mới cũng có tinh thần tự do mới.

        Chúng ta hoà với Pháp để:

        1- Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động (thực dân Pháp, Tàu trắng, bọn phản cách mạng trong nước), chúng sẽ đúc thành một khối và được bọn đế quốc Anh, Mỹ giúp sức để đánh ta trong khi các lực lượng hoà bình, tự do và tiến bộ trên thế giới (như Liên Xô, phong trào cộng sản ở Tàu và Pháp, cách mạng thuộc địa) chưa thể trực tiếp giúp ta được.

        2- Bảo toàn thực lực dành lấy giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí mới đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào. Tóm lại để chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới.

        Do Hiệp định ngày 6 tháng 3 năm 1946, nước Pháp chưa chịu nhận Đông Dương hoàn toàn độc lập ngay, nhưng cũng không giữ chủ trương lạc hậu của Chính phủ De Gaulle trước đây chỉ nhận cho Đông Dương tự trị theo Bản Tuyên ngôn ngày 24 tháng 3 năm ngoái.

        Thật thế, nước Pháp nhận nước Việt Nam là một nước tự do (Etat libre) có Chính phủ tự chủ (Self Gouvernement), có nghị viện, có quân đội và tài chính riêng, v.v... còn hai nước nhỏ trong Đông Dương như Ai Lao thì nước Pháp chưa bàn đến và Cao Miên thì đã tuyên bố nhận quyền tự trị rồi.

        Tóm lại, ba nước... không thể trở lại chế độ thuộc địa như trước chiến tranh nửa, nhưng cũng chưa được độc lập nghĩa là hoặc được tự trị như Cao Miên hoặc được hưởng một chế độ rộng rãi hơn tự trị như Việt Nam.

        Song Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 chỉ là bước đầu. Cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, lấy bản Hiệp định Sơ bộ làm nền tảng.

        Nhiệm vụ của chúng ta là hậu thuẫn cho Chính phủ trong cuộc đàm phán chính thức nay mai.

        II. CHUYỂN HƯỚNG MỚI VỀ CHIẾN THUẬT

        Sau bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp, Đông Dương chưa được hoàn toàn độc lập, cho nên cuộc cách mạng dân tộc giải phóng Đông Dương chưa hoàn thành. Mục đích của giai cấp tiền phong - giai cấp công nhân - ở Đông Dương trong giai đoạn này vẫn là hoàn toàn giải phóng cho Tổ quốc, thống nhất dân tộc và hoàn thành củng cố chế độ cộng hoà dân chủ. Muốn hoàn toàn giải phóng cho Tổ quốc phải chống chủ nghĩa thực dân. Song lúc này chính thực dân Pháp đã bỏ tham vọng đô hộ ta như trước và nhận nguyên tắc tự chủ và thống nhất dân tộc của ta. Kẻ thù cụ thể trước mắt ta lúc này là bọn phản động Pháp (La Réaction Française) nghĩa là bộ phận đế quốc phát xít Pháp còn sót lại. Bọn này ở Pháp đang dùng nhiều cách ngăn cản phong trào tân dân chủ Pháp và liên lạc với phe phản động Anh, Mỹ bao vây Liên Xô và ở Đông Dương chúng định đặt lại ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Pháp lên cổ dân tộc ta như cũ, phá sự thống nhất dân tộc của ta và ngăn cản cuộc tranh đấu của ta giành hoàn toàn độc lập.

        Bởi vậy Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược phải đổi thành Mặt trận dân tộc thống nhất chống phản động và giành độc lập hoàn toàn.

        Sau khi ký bản Hiệp định Sơ bộ với Pháp, phải xem xét lại những khẩu hiệu tuyên truyền cổ động. Những hình thức tổ chức và tranh đấu, đặng kịp thời thay đổi cho hợp với tình hình mới. Những khẩu hiệu “kháng chiến” phải nhường chỗ cho khẩu hiệu “kiến quốc”. Khẩu hiệu “chống thực dân Pháp xâm lược” phải nhường chỗ cho khẩu hiệu “liên hiệp bình đẳng với nước Pháp mới” và “hai dân tộc Việt - Pháp liên hiệp lại chống bọn phản động Pháp”, v.v...

        Phải lợi dụng những khả năng mới mà thành lập những tổ chức mới và sửa chữa điều lệ các hội cứu quốc cho thích hợp với hoàn cảnh mới đặng thu nạp đông đảo quần chúng vào Việt Minh, Ai Minh2, v.v...

        Cuộc tranh đấu về quân sự phải chuyển thành cuộc tranh đấu về chính trị, kinh tế và văn hóa (đành rằng thực lực quân sự vẫn phải duy trì bồi cấp và việc chuẩn bị quân sự đề phòng mọi bất trắc vẫn phải xúc tiến như thường).

---------------------
        1. T.V.T.W: Thường vụ Trung ương (B. T).

        2. Tức là Ai Lao độc lập Đồng minh (B. T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:49:29 pm »


        III. PHẢI LÀM GÌ SAU KHI KÝ BẢN HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ

        Một chủ trương mới phải kèm theo những công tác mới. Muốn cho Hiệp định Việt - Pháp có kết quả chúng ta phải làm tròn những nhiệm vụ dưới đây:

        Thứ nhất: khai hội, làm mít tinh, căn cứ vào bản “tình hình và chủ trương” (3-3-46) mà giải thích cho mặt trận và cho quần chúng không tổ chức hiểu rõ tại sao giảng hòa với Pháp trong những điều kiện của bản Hiệp định Sơ bộ là đúng.

        Và phải kiên quyết chống lại những xu hướng của quần chúng như sau này:

        a) Hậm hực vì nỗi đang bắn hay chưa được bắn thực dân Pháp mà đã phải hòa, hoặc không tin chủ trương hòa với Pháp là đúng, những xu hướng này có thể xuất phát ở lòng yêu nước chính đáng nhưng nó nông nổi và rất dễ đẩy người ta hành động vô nguyên tắc, vô chính phủ và dễ bị bọn phản động khiêu khích.

        b) Ngây thơ tưởng rằng Hiệp định Việt - Pháp làm cho dân tộc ta tránh được mọi khó khăn rồi. Xu hướng này làm cho ta lơ đãng, không chuẩn bị đối phó với mọi bất trắc, không sẵn sàng chiến đấu khi cần nó làm cho dân ta bị đánh bất thình lình nếu bọn thực dân Pháp giở giáo.

        Thứ nhì: đề phòng thực dân Pháp bội ước, hoặc giải thích Hiệp định Sơ bộ chệch đi, hoặc lợi dụng những chỗ không được chặt chẽ của bản hiệp định ấy mà hành động theo ý muốn. Sau khi đổ bộ và đóng tại các nơi căn cứ rồi, rất có thể bọn thực dân Pháp quay ra kiếm chuyện tiến công ta để lật đổ chính quyền nhân dân, cho bọn bù nhìn Việt gian thân Pháp lên thay. Bởi vậy, vẫn phải tiếp tục những việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài, nhưng phải làm kín đáo để tránh mọi sự hiểu lầm giữa ta và Pháp.

        Nơi nào quân Pháp đến đóng thì nên giữ thái độ bình tĩnh và nhã nhặn đối với lính Pháp và tổ chức những ủy ban liên lạc giữ việc giao thiệp, nhưng đồng thời phải gia khẩn việc vận động lính Pháp và quần chúng địa phương để một mặt kéo lính Pháp về ảnh hưởng của mình và một mặt bao vây quân đội Pháp bằng một vòng vây Việt Minh mạnh mẽ.

        Thứ ba: đối với Tàu cho khéo. Sau bản Hiệp định 6 tháng 3 năm 1946, Tàu có cảm giác giống như quyền lợi của mình ở Đông Dương không được bảo đảm, mặc dầu Chính phủ ta đã tự ý tiếp nhận những khoản trong bản Hiệp ước Hoa - Pháp ngày 1 tháng 3 năm 1946 quan hệ tới Việt Nam. Cho nên quân Tàu chực kéo dài thời gian đóng ở Đông Dương và do đó chực biến Đông Dương thành một xứ bị quốc tế quản trị.

        Thứ tư: chống lại những hành động của các đảng phái phản động. Bọn chúng phản tuyên truyền Hiệp định Việt - Pháp để phỉnh dân gây ra những cuộc lộn xộn để ly gián ta, Tàu và Pháp hòng phá Hiệp định Việt - Pháp cho thực dân Pháp nhưng cố để lấn bước đối với ta hoặc xí xóa những điều đã ký kết với ta.

        Đối với các phái thân Tàu, phải nhân lúc chúng hoang mang vì cảm thấy sắp bị Tàu bỏ rơi và lập trường của chúng lung lay sau khi bản Hiệp định Việt - Pháp đã ký mà chia rẽ nội bộ chúng, kéo lấy những phần tử trung thực nhằm kéo chúng về phe ta, chỉ cho quần chúng thấy bọn lãnh tụ “Việt Nam Quốc dân Đảng” chẳng qua là một bọn cơ hội đê hèn vì chúng chỉ biết vâng lệnh nước ngoài và đặt quyền lợi riêng lên trên quyền lợi dân tộc.

        Hiện nay bọn Nguyễn Hải Thần đang cùng phái Tàu trắng, phản động Nhật ở Việt Nam, âm mưu một cuộc phân liệt chia cắt đất nước Việt Nam hay “đảo chính”, phải đề phòng mọi hành động của chúng và bóc trần thủ đoạn hại nước của chúng cho nhân dân hiểu.

        Còn bọn Việt gian thân Pháp thì có thể nhân cơ hội ta hoà với Pháp mà ngóc đầu dậy, hành động bán nước cho thực dân Pháp, ngấm ngầm giúp thực dân Pháp phá cách mạng, trì hoãn cuộc giành độc lập hoàn toàn của ta, chúng ta phải tìm hết cách ngăn ngừa chúng làm hại cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:51:09 pm »


        VẤN ĐỀ NỘI BỘ

        Muốn làm tròn những nhiệm vụ trên đây, phải lợi dụng triệt để lúc giảng hoà với Pháp mà nối lại các dây liên lạc các xứ (Trung, Nam, Bắc) và các Đảng (Việt, Mên, Lào) cho chặt chẽ, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở quần chúng, củng cố phong trào.

        Chú ý mấy việc này:

        a) Bài trừ mọi chủ trương hành động của các cán bộ có tính cách khiêu khích, chia rẽ ta với Tàu, ta với Pháp, làm khó dễ cho Chính phủ, phá công cuộc ngoại giao giữa ta và Tàu, Pháp, phá chính sách của đoàn thể.

        b) Bài trừ những xu hướng bi quan cho rằng hiệp định này chỉ là một thủ đoạn tạm thời hoà hoãn chứ chẳng có kết quả gì và ta ký với Pháp là vì không đủ điều kiện đánh nên phải hàng Pháp hoặc xu hướng quá lạc quan tưởng rằng hợp tác với nước Pháp tân dân chủ là xong cả, bọn thực dân Pháp sẽ không làm gì được, v.v...

        c) Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ chính trị và quân sự để lãnh đạo phong trào mới và điều khiển đạo quân một vạn do ta mộ như “phụ khoản” của hiệp định đã nói.

        d) Phát triển và kiện toàn các tổ chức của Đảng. Đề phòng bọn khiêu khích tay sai của Pháp chui vào Đảng để phá hoại.

        đ) Ra sức tuyên truyền Tây và gây cơ sở đảng trong đám người Tây ở Đông Dương. Đồng thời mật thiết liên lạc với những phần tử hay đoàn thể cấp tiến Pháp ở Đông Dương và ở Pháp.

        e) Mở rộng sự hoạt động của “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”ở Đông Dương để thu hút đông quần chúng về ảnh hưởng Đảng và xúc tiến việc tranh đấu chống “chủ nghĩa Các Mác cải lương” hay “chủ nghĩa cộng sản thuộc địa” và “chủ nghĩa cơ hội” của những phần tử “cộng sản một mùa” hay những phần tử xã hội dân chủ Pháp ở Đông Dương.

        Đối với Nam Bộ

        Bọn thực dân Pháp đối với vấn đề Nam Bộ có ba dã tâm:

        1) Chúng cho rằng bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp chỉ áp dụng một phần lớn cho Trung Bộ, Bắc Bộ, còn Nam Bộ thì chúng coi như một việc đã rồi, quân Việt Nam ở đó chỉ nên mau “quy thuận” và hưởng hoà bình dưới quyền người Pháp, không nên yêu sách gì hơn nữa.

        2) Chúng bằng lòng trưng cầu ý kiến nhân dân Nam Bộ xem tán thành chế độ nào, nhưng trước khi trưng cầu ý kiến như thế, chúng muốn dành thời gian, củng cố lực lượng khiến cho cuộc trưng cầu ý kiến sau này mất tính cách tự do.

        3) Chúng muốn lợi dụng tình hình không rõ rệt trước khi hiệp định đình chiến được thực tế thi hành trong Narn Bộ, mà lấn bước về quân sự và tiến công về chính trị, khiến cho đồng bào ta trong đó chán nản, để tiện cho bọn phản cách mạng (phái tự trị của Đốc tờ Thinh, đệ tam sư đoàn của Nguyễn Hoà Hiệp, v.v... và bọn cải lương (phái “Duy Tân” của Đốc tờ Tùng) gây thêm thế lực trong quần chúng.

        Một mặt, chúng ta phải đòi bọn Pháp thi hành ngay hiệp định đình chiến và phải thừa nhận quyền hợp pháp của Việt Minh trong các thành phố ở Nam Bộ do quân Pháp đóng trong khi chờ đợi hiệp ước chính thức giữa ta và Pháp; một mặt, phải lợi dụng những phút nghỉ ngơi mà bí mật phái cán bộ vào các thành phố do Pháp đóng để gây một phong trào mạnh mẽ đòi thống nhất với Trung, Bắc Bộ. Đồng thời phải giải thích ráo riết cho đồng bào Nam Bộ và các chiến sĩ ngoài mặt trận nhận rõ chiến thuật “hoà để tiến” của ta và vui lòng theo kỷ luật phục tùng Chính phủ do Hồ Chủ tịch lãnh đạo.

        VẤN ĐỀ AI LAO

        Mặc dầu Việt Nam đã ký kết với Pháp, liên quân Lào - Việt vẫn chiến đấu hăng hái, nhưng cuộc chiến đấu anh dũng ấy rõ ràng bị cô độc. Vậy chúng ta chủ trương Chính phủ Việt Nam đứng làm trung gian đề nghị với Pháp mở cuộc đàm phán thẳng với các nhà lãnh tụ phong trào giành độc lập ở Lào để mau đi đến chỗ kết thúc chiếc tranh ở Lào với những điều kiện có lợi cho dân tộc Lào.

        Các đồng chí!

        Tổ quốc gặp những bước khó khăn. Nhưng con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới. Chúng ta “hoà” với nước Pháp để dành thời gian, bảo toàn thực lực, giữ vững lập trường càng mau tiến tới độc lập hoàn toàn.

Quyết thắng                         
BAN THƯỜNG VỤ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:52:14 pm »


        LỜI KÊU GỌI QUỐC DÂN CỦA NHỮNG NGƯỜI MÁC-XÍT ĐÔNG DƯƠNG1

        Ngày 28 tháng 3 năm 1946

        Hỡi quốc dân đồng bào!

        Hôm 24 tháng 3 năm 1946, Đại sứ Pháp Đác-giăng-li-ơ đã tiếp Hồ Chủ tịch ở Vịnh Hạ Long một cách rất niềm nở. Ông đã đồng ý với Hồ Chủ tịch rằng: Quốc hội Việt Nam sẽ cử một đoàn đại biểu sang Pháp, cũng như Quốc hội Pháp sẽ cử một đoàn đại biểu sang Việt Nam; rồi sau đó đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam sẽ sang Pháp mở cuộc đàm phán chính thức để ký một bản Hiệp ước Việt - Pháp chính thức.

        Cuộc ngoại giao Việt - Pháp đã ghi được một bước tiến bộ. Nhưng một mặt những hành động trái Hiệp định 6 tháng 3 năm 1946, cứ tiếp tục xảy ra luôn. Quân Pháp vẫn bắn quân Việt Nam trong Nam Bộ. Máy bay Pháp lại nã bom xuống Rạch Giá. Ngoài Bắc, ở ngay Hà Nội hôm 27 tháng 3 năm 1946, quân đội Pháp ngang nhiên chiếm đóng Sở Giám đốc Tài chính Trung ương, hạ cố Việt Nam ở đó. Đồng thời, lính Pháp tự tiện mang xe thiết giáp trên lắp súng liên thanh đi diễu các phố và đeo súng ra ngoài khu vực của họ.

        Những việc trên đây chỉ cho ta thấy gì?

        Nó chỉ cho ta thấy rằng:

        1) Những đại biểu Pháp bên trên vẫn tỏ thái độ thân thiện, tử tế, song những người dưới vẫn được lệnh làm bừa. Chính sách của người Pháp là,vừa thoa vừa đấm.

        2) Đối với bản Hiệp định Sơ bộ, họ tỏ ra lời nói và việc làm không được thống nhất; họ thích nhượng tay nọ, đánh tay kia.

        3) Mặc dầu đã có ủy ban liên lạc Việt - Pháp và bộ tham mưu hai bên vẫn năng gặp nhau, người Pháp vẫn dùng chính sách “việc đã rồi” để lấn bước.

        4) Lúc nào hay nơi nào, thế họ còn kém thì họ nhũn nhặn; nhưng lúc nào và nơi nào lực lượng họ gia tăng thì thái độ họ găng ngay.

        5) Một số Pháp phản động còn cho rằng nước Pháp đã quá nhân nhượng với Việt Nam; họ lo xa cho quyền lợi ích kỷ của họ, nên họ chực khiêu khích dân ta để có dịp xóa bản Hiệp định Sơ bộ đã ký.

        Tóm lại, một số người Pháp ở Đông Dương đối với ta không trọng tín nghĩa, không được thành thực. Chính sách của họ, về việc giao thiệp Việt - Pháp chưa tiêm nhiễm được tinh thần tân dân chủ của nước Pháp đệ tứ cộng hoà.

        Chúng ta kịch liệt phản đối những hành động phi tín nghĩa của phái phản động Pháp. Đó là những phần tủ thực dân ngoan cố nhất, những phần tử đế quốc phát xít, phản bội nước Pháp và đầu hàng Nhật, chúng đang tìm hết cách phá hoại công cuộc giao hảo mới bắt đầu giữa nước Pháp mới và nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam. Chúng rắp tâm giật lại đặc quyền đặc lợi đầy tội lỗi của đế quốc Pháp trên đất Đông Dương. Chúng luôn luôn hành động trái với ý nguyện của nhân dân Pháp.

        Chúng ta phải đoàn kết nhất trí, tích cực chuẩn bị, làm hậu thuẫn cho Chính phủ, ủng hộ Hồ Chủ tịch trong cuộc giao thiệp Việt - Pháp.

        Chúng ta phải tỏ ra cho phái phản động Pháp biết rằng: dân tộc Việt Nam cam kết trung thành với Hiệp định Việt - Pháp và rất yêu chuộng hoà bình, nhưng dân tộc Việt Nam sẵn sàng hy sinh hết thảy để phá tan mọi mưu mô phản phúc và đê hèn của phái phản động Pháp.

        Được rèn luyện trong cuộc tranh đấu giải phóng liên miên và gian khổ ngót một thế kỷ nay, dân tộc Việt Nam đã đủ tinh thần và nghị lực chặn đường phái phản động Pháp, và dân tộc Việt Nam sẽ thắng vì đã có một thứ võ khí mạnh hơn máy bay và thiết giáp của người Pháp. Đó là: sự đoàn kết thống nhất bất diệt của hai mươi triệu đồng bào.

        - Tích cực chuẩn bị nhưng kỷ luật chờ lệnh Chính phủ Hồ Chí Minh!

        - Hai dân tộc Việt - Pháp liên hiệp lại chống phái phản động Pháp!

        - Người Pháp phải thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ!

        - Phản đối đánh úp ở Nam Bộ và Lào!

        - Nam Bộ của nước Việt Nam!

        - Quân Pháp phải lập tức rút ra khỏi những nơi đã chiếm đóng vô lý.

        NHỮNG NGƯỜI MÁC XÍT ĐÔNG DƯƠNG

--------------------
        1. Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:52:58 pm »


        NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI NGHỊ CÁN BỘ TRUNG ƯƠNG

        Từ 31 tháng 7 đến 1 tháng 8 năm 1946

        I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

        1. Cuộc tranh đấu giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa tiếp diễn trên một cơ sở mới.

        a) Vô sản giai cấp mạnh hơn trước chiến tranh, nhiều nơi đã nắm được chính quyền hoặc đã thành lực lượng quyết định (Pháp) và ở các nước khác có điều kiện tiến tới.

        b) Nhiều nước đế quốc suy vi (Anh, Pháp) hoặc có bộ phận bị tiêu diệt hẳn (Đức, Ý, Nhật). Chiến tuyến đế quốc thu hẹp lại và một mặt tập trung vào vài đế quốc (Mỹ, Anh). Mỹ trội hẳn lên và cầm đầu các nước đế quốc chủ nghĩa;

        c) Lực lượng các dân tộc thuộc địa mạnh lên có nơi đã giành được chính quyền (Syrie, Liban, Việt Nam);

        d) Lực lượng Liên Xô cũng mạnh lên nhiều, ảnh hưởng chính trị và quân sự Liên Xô lan rộng trên thế giới.

        2. Lực lượng xã hội chủ nghĩa tương đối mạnh nhưng vẫn chưa đủ sức đập tan hệ thống tư bản, chưa thể trực tiếp lập chính quyền vô sản trên toàn thế giới.

        3. Các nước đế quốc chủ nghĩa cần phải một thời kỳ ổn định để băng bó các vết thương, củng cố địa vị, dự bị cuộc tiến công Liên Xô và các lực lượng dân chủ tiến bộ và phong trào dân tộc giải phóng ở các thuộc địa.

        4. Cả đôi bên đều lợi dụng những điều kiện mới để củng cố lực lượng của mình, tạm thời hoà hoãn với nhau nhưng vẫn tìm cách lấn át lẫn nhau.

        5. Địa vị của Đông Dương hiện nay trở nên rất quan trọng trên trường cách mạng.

        a) Bên cạnh nách trung tâm điểm cách mạng Á châu;

        b) Trong phạm vi trung tâm điểm những mâu thuẫn giữa các nước đế quốc chủ nghĩa (trước ở Trung Quốc, nay chuyển xuống Đông Nam Á);

        c) Là nơi đế quốc Anh, Mỹ, Pháp chú trọng dàn xếp để bố trí chiến tuyến chống cộng và uy hiếp phong trào cách mạng giải phóng của các nhược tiểu dân tộc.

        6. Đông Dương hiện bị hãm trong vòng vây của đế quốc chủ nghĩa, nhiệm vụ là phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, đặc biệt với các nước lân cận để củng cố công cuộc cách mạng của mình.

        Kết luận

        - Lực lượng so sánh giữa Liên Xô và đế quốc chủ nghĩa: Liên Xô mạnh gấp bội, đế quốc chủ nghĩa suy nhược đi rất nhiều.

        - Lực lượng so sánh giữa các đế quốc chủ nghĩa và các thuộc địa: đế quốc chủ nghĩa đã phải thi hành chính sách nhân nhượng đối với thuộc địa, phong trào giải phóng ở các thuộc địa rất bồng bột nhất là ở Cận Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á châu.

        II. TÌNH HÌNH ĐÔNG DƯƠNG

        Quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, từ khi phái đoàn Chính phủ đi Pa-ri, chính sách chung của Pháp:

        a) Chuẩn bị nếu cần và có cơ hội thì lật đổ Chính phủ ta, nhưng chưa có triệu chứng tổng tấn công gì cả;

        b) Gây những chuyện nhỏ để lấn những chuyện to về chính trị hay quân sự (mật lệnh của Valluy cho quân đội: “Nếu xảy ra chuyện gì thì cương quyết đối phó nhưng đừng làm lan ra”.)

        Về chính trị:

        a) Lập quốc hội Nam Kỳ;

        b) Triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt;

        c) Lập ra xứ Tây Kỳ (Tây Nguyên) và dự định lập ra xứ Nùng (gồm Móng Cái, Lạng Sơn) và xứ Mường (gồm Hòa Bình và năm phủ, châu ở Thanh Hoá);

        d) Liên lạc với đảng phái Việt gian, với quân Tàu Tưởng ở Móng Cái và thổ phỉ tìm cách mua chuộc những thổ ty, quan lang nhà họ Vi (Vi Văn Định);

        đ) Dự định lập lại chi nhánh Xã hội Pháp ở đây (SFIO) và cho một bộ phận gia nhập Việt Minh và tìm cách vào chính phủ. Lôi kéo một số công giáo định lập lại Liên đoàn Công giáo và liên lạc với các cố đạo để mưu tính biến liên đoàn thành chi nhánh của Cộng hoà bình dân Pháp.

        Về quân sự:

        a) Đi đôi với chính trị;

        b) Củng cố các vị trí đóng quân, diễu võ giương oai, giữ gìn quân kỷ và uy hiếp tinh thần dân chúng Việt Nam;

        c) Nếu bị thiệt hại thì tìm cách trả thù gấp 10 (Móng Cái) nhưng hạn chế lại không cho lan rộng sang địa phương khác;

        d) Chuẩn bị sẵn sàng để khi có lệnh tấn công là có thể chiếm ngay các vị trí quân sự của ta. Đặc biệt chúng điều tra và đột kích các nhân viên trọng yếu của Chính phủ;

        đ) Đòi kiểm soát bộ đội tiếp phòng;

        e) Có mật lệnh đánh từ Lạng Sơn sang Móng Cái để lập một xứ Nùng tự trị.

        Về kinh tế:

        a) Lấn về quan thuế, đóng Sáu Kho;

        b) Dự định lập khu Liên bang tự trị ở Hải Phòng;

        c) Sẽ bắt Chính phủ bồi thường cho tài sản của Pháp bị thiệt hại.

        Về ngoại giao:

        a) Đối với Chính phủ Việt Nam vẫn tỏ vẻ quân tử, mặc dầu vẫn tìm cách lấn át;

        b) Ở Phông-ten-nơ-blô tuy mình được tả phái và quần chúng ủng hộ, nhưng chúng vẫn kéo dài để tìm cách lấn ta;

        c) Việc thuyên chuyển Lơ-cléc đi nơi khác tỏ ý không đánh hẳn ta. Moóc-li-e sẽ thay Va-luy ở Bắc.

        Tình hình giữa ta với Tàu Tưởng, Mỹ:

        a) Trước kia Tàu Tưởng cùng Quốc dân Đảng quấy mình, bây giờ tỏ vẻ lãnh đạm (Nguyễn Tường Tam sang Trung Quốc không có thế lực gì);

        b) Tàu Tưởng có chỉ thị cho Hoa kiều: bây giờ Quốc dân Đảng không có thế lực nữa phải chú ý liên lạc gây cảm tình với Việt Minh và Chính phủ. Mặt khác vẫn đề phòng về quân sự ở biên giới. Cho một bộ đội vào Móng Cái;

        c) Mỹ rất chú ý đến nội bộ của mình, thăm dò ý kiến Tàu Tưởng, Mỹ vẫn liên lạc với Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:55:31 pm »


        III. TÌNH HÌNH CHUNG TRONG NƯỚC

        Chính trị:

        a) Chính sách của ta tỏ vẻ thân thiện với Pháp và các ngoại quốc khác;

        b) Nhưng trong khi giao thiệp phải cố gắng được chừng nào hay chừng ấy;

        c) Và luôn luôn phải tích cực sẵn sàng về quân sự và chính trị để đối phó với những bất trắc có thể xảy ra;

        d) Phải tranh đấu thống nhất ba kỳ, thống nhất các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo;

        - Đối với việc thống nhất, đã cố gắng nhiều về mọi mặt;

        - Chưa chú ý lắm đến các dân tộc thiểu số... ;

        - Thống nhất các đảng phái, các giai cấp có Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, nhưng chưa có kết quả thực tế mấy;

        - Đối với Quốc dân Đảng không thể dàn xếp được, mặc dầu đã hết sức nhân nhượng (cải tổ lại Việt Nam Quốc dân Đảng);

        - Có một phần Công giáo rất phản động, lập ra Liên hoàn Công giáo và sửa soạn đi tới một chi nhánh của MRP (Cộng hoà bình dân) của Pháp; Quốc dân Đảng liên lạc với Công giáo phản động;

        đ) Gần đây chấn chỉnh được công an, nên uy tín của Chính phủ được tăng lên.

        Quân sự:

        a) Tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quân sự hoạt động hơn trước;

        b) Tại Tây Nguyên, đồng bào Thượng chuẩn bị nhiều, nhưng đánh được ít (thất bại);

        c) Tại Bắc Bộ vẫn có những cuộc xung đột địa phương (Sơn La, Lạng Sơn, Móng Cái).

        Tài chính:

        a) Kinh tế - xã hội bê trễ. Phong trào lập hợp tác xã mới chỉ có thành tích nhất thời;

        b) Xuất nhập cảng chưa làm được, các nhà buôn lớn còn hoang mang vì tình thế chưa dám kinh doanh;

        c) Việt Minh mang tiếng buôn (có một vài mối lợi, một vài hãng buôn để lộ dân chúng biết);

        d) Tài chính rất nguy ngập. Đồng bạc Đông Dương có thể hại về tương lai.

        Chính phủ trung ương:

        a) Những phần tử trung lập nghiêng về ta;

        b) Mấy bộ của “Việt quốc” bị tê liệt:

        - Ngoại giao nhảy đầm,

        - Kinh tế đục khoét,

        - Y tế thối nát.

        c) Giữa chuyên môn và hành chính điều hoà hơn trước, nhưng mâu thuẫn giữa hành chính với tư pháp càng tăng lên (di hoạ);

        d) Công chức lừng chừng, một số cố ý làm sai chính sách của Chính phủ, phá hoại, hối lộ;

        đ) Giáo giới có nhiều phần tử phản động.

        IV. TÌNH HÌNH NỘI BỘ

        1. Đối ngoại: gần gũi lực lượng hoà bình dân chủ, chống phản động quốc tế.

        2. Đối nội: Chống thực dân phản động Pháp và tay sai. Để thực hiện chủ trương trên, kế hoạch của ta:

        a) Hoà hoãn bên trong, toàn dân đoàn kết (chưa thực hiện được thiết thực và rộng rãi)...

        b) Hành động đối với quốc dân Đảng vừa rồi là việc bất đắc dĩ để bảo vệ chính quyền nhân dân lúc đó và phá âm mưu 14 tháng 7 của chúng1. Về thái độ đối với Quốc dân Đảng có hai chủ trương sai:

        - Tiêu diệt hết (tả),

        - Dung túng (hữu).

        3. Đối với dân tộc thiểu số, chính sách địa phương sai lầm, không biết nâng đỡ những tầng lớp trên của họ (nhất là ở Trung Bộ);

        4. Kinh tế và tài chính: không kế hoạch;

        5. Hợp tác xã: đi quá trớn (tả).

        1. Chủ trương trong nội bộ.

        1. Hẹp hòi cô độc về dùng người, về chính sách dân tộc thống nhất, về khẩu hiệu;

        2. Bè phái, đối với nhau có thành kiến (nhất là ở Trung Bộ);

        3. Cách làm việc không đúng điệu, thiếu tinh thần thiết thực và sức phấn khởi Nga;

        4. Thiếu kỷ luật, hình thức chủ nghĩa, đi đôi với quan liêu hóa, hủ hóa.

        2. Đối với Quốc dân Đảng.

        1. Vì nội trị và ngoại giao, chưa tiêu diệt lúc này (chưa bắt mấy thằng...);

        2. Vẫn đi hội nghị liên tịch với chúng;

        3. Gây phong trào cải tổ thực mạnh (chọn người có uy tín và thực tế giúp họ);

        4. Phải phản tuyên truyền chúng trên báo chí và trong quần chúng (nhưng chú ý đừng để Pháp lợi dụng những tài liệu ấy)

        3. Đảng Dân chủ cấp tiến (của Linh Trác Thiện).

        Chủ trương kéo trí thức thành thị và gom góp những phần tử thân Nhật, thân Pháp đội lốt để đi hoạt động (đang xin phép, có thể kéo dài việc cho phép).

-----------------------
        1. Bọn Quốc dân Đảng, Đại Việt cùng quân Pháp âm mưu làm đảo chính Chính phủ ta nhân ngày Quốc khánh của Pháp, nhưng ta biết và đối phó kịp thời nên chúng không thực hiện được (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2016, 07:57:22 pm »


        4. Đảng Xã hội Việt Nam.

        1. Để phá mưu mô của Pháp định cho tái lập chi nhánh Xã hội Pháp (SFIO) để kéo bọn thân Pháp;

        2. Để chặn ảnh hưởng của nhóm “Dư luận” định tổ chức chính đảng, bây giờ kéo họ vào Đảng Xã hội Việt Nam;

        3. Phải giúp đỡ họ kéo phú hào, trí thức chưa vào đảng phái nào;

        4. Ra đời giữa lúc bọn Quốc dân Đảng vừa bị đập, để cho tư sản trí thức có chỗ dựa.

        5. Dân chủ Đảng.

        Hết sức giúp đỡ họ mọi phương diện...

        6. Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam.

        1. Tổng bộ Việt Minh sẽ viết thư xin gia nhập, sau khi các đảng phái khác xin gia nhập (Dân chủ Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn thanh niên Việt Nam, Tổng hội Sinh viên, Quốc dân Đảng, Đoàn phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Công giáo, Cách mệnh Đồng minh Hội…)

        2. Các báo, sách và đài phát thanh phải hết sức cổ động cho Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, phát thanh cả những cuộc hội họp;

        3. Sẽ thông cáo cho các đoàn viên xin gia nhập;

        4. Các tỉnh thành lập chi nhánh rồi phải đánh điện về cho Ban Trung ương ở Hà Nội.

        7. Công giáo.

        1. Con chiên có lòng ái quốc, nhưng nhiều đồng chí ta sai lầm khám xét, nghi ngờ bao vây, làm cho họ xa ta;

        2. Sự tuyên truyền có màu sắc “đỏ” quá, khiến họ khiếp sợ;

        3. Có mâu thuẫn giữa cha tây và cha ta;

        4. Cố Drapier, khâm sai toà thánh ở Huế rất phản động, chống ta theo luận điệu: “Chính phủ là Việt Minh, Việt Minh là cộng sản”.

        5. Kế hoạch sửa chữa:

        - Làm cho quần chúng đừng có thành kiến với công giáo;

        - Các nhân viên Chính phủ nên đi dự những buổi lễ nhà thờ để gây thiện cảm; Đào tạo cán bộ công giáo ngay trong công giáo, nên chọn những người đứng tuổi;

        - Tuyên truyền yêu nước nhưng phải tôn trọng Chúa, cố kéo các cha ta, đừng để Pháp lợi dụng;

        - Tổ chức những ủy ban, những ngày lương giáo đoàn kết;

        - Những nơi đông công giáo nên chú ý đưa họ vào Ủy ban hành chính.

        - Chính phủ chú ý cải thiện đời sống ở một vài địa phương công giáo một cách khéo léo để làm tượng trưng cho sự tuyên truyền chung;

        - Điều hòa quyền lợi giữa con chiên nghèo với các cha;

        - Nâng đỡ hội nghị cán bộ công giáo (kiểm điểm sai lầm khuyết điểm).

        8. Dân tộc thiểu số.

        1. Dùng kinh tế như muối, vải, diêm để chinh phục họ1.

        2. Ở những nơi có nhiều dân tộc, tổ chức những Ủy ban dân tộc đoàn kết;

        3. Phải bảo tồn văn hóa, phong tục của họ, tôn sùng những vị anh hùng dân tộc của họ;

        4. Không nên gọi họ là mọi, thổ, v.v... hay người Việt Nam mới, gọi hẳn họ là người Việt Nam...

        5. Phải khôn khéo kéo những người trùm dân tộc thiểu số (tăng, thổ ty, châu, phìa, v.v...) đưa họ vào Ủy ban hành chính, cho họ có địa vị, đồng thời vận động những người cấp tiến bên dưới, đào tạo họ thành những người trùm mới;

        6. Chính trị phải đi đôi với vũ trang để chinh phục họ2.

        7. Đánh vào lòng mê tín của họ, cấp cho họ bằng sắc, chức tước;

        8. Nên giảm hoặc miễn thuế cho nơi nghèo quá hoặc mất mùa (Cao - Bắc - Lạng);

        9. Tập trung cán bộ vào những nơi phải đối phó với chính sách chia rẽ của Pháp (Lạng Sơn, Sơn La);

        10. Nên tổ chức những đoàn du lịch về Thủ đô vào những dịp kỷ niệm (kỷ niệm Cách mạng tháng Tám).

---------------------------
        1, 2. Nên hiểu là “để vận động họ” (B.T).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:02:57 am »


        V. CÔNG TÁC NỘI BỘ

        1. Những khuyết điểm.

        1. Cô độc, hẹp hòi, tả khuynh (nặng nhất ở Trung Bộ):

        - Không biết nâng đỡ cán bộ lên, làm cho cán bộ mới nếu có năng lực cần phải vượt qua cán bộ cũ để tiến lên;

        - Chặt chẽ quá với người cảm tình, quần chúng và người ngoài (nghi ngờ không dám dùng họ). Nhưng có chỗ lại dùng bừa bãi quá;

        - Thiếu cán bộ trí thức, không tiếp xúc nhiều với trí thức nên khó kéo họ;

        - Không dám giới thiệu người vào hội, lo trách nhiệm;

        - Lập luận sai lầm của một số đồng chí Trung Bộ:

        a) Chính phủ Trung ương có thể mở rộng, nhưng bên dưới cần thu hẹp lại;

        b) Phong trào Trung Bộ cao, có nhiều bọn tư sản là phản động.

        2. Biệt phái:

        - Có một số cán bộ sẵn ác cảm với nhau trong tù;

        - Có thành kiến (cán bộ trí thức ít thấy khuyết điểm của mình, thường chỉ biết khuyết điểm của các giới khác và các giới khác thì trái lại);

        - Cán bộ cũ với cán bộ mới, đồng chí cũ với đồng chí mới hiểu nhầm nhau, mâu thuẫn nhau;

        - Thường có cảm tình cá nhân với nhau, do đó dễ gây bè phái.

        3. Kỷ luật không nghiêm:

        - Thi hành kỷ luật không nghiêm đối với các đồng chí có lỗi;

        - Điều động cán bộ thường có những điều khó khăn (thường yêu cầu ở lại);

        - Có vài đồng chí vô chính phủ, không tuyệt đối phục tùng đa số, phản đối bừa bãi;

        - Không biết coi nghị quyết chung là một kỷ luật tối cao của Đảng (không kiên quyết thi hành);

        - Bộ đội không theo kỷ luật của thượng cấp (việc đắp ụ ở đường, v.v...).

        4. Làm việc không đúng điệu:

        - Thiếu tập đoàn chỉ huy;

        - Nhiều việc quan trọng không thảo luận ở chi bộ (vì gấp quá);

        - Không quen óc tổ chức, gặp đâu làm đấy, theo lối cũ kỹ;

        - Không làm đến nơi đến chốn việc tự chỉ trích;

        - Thiếu sự kiểm soát từ trên xuống dưới;

        - Liên lạc giao thông chưa được nhanh chóng.

        Nguyên nhân những khuyết điểm trên một phần lớn là do những chính sách Đảng không được phổ biến thấu triệt trong hàng ngũ, nhất là trong số đông cán bộ.

        2. Vấn đề tổ chức.

        1. Bộ máy chỉ đạo: tán thành kế hoạch tổ chức mới của Trung ương.

        2. Củng cố và phát triển Đảng:

        - Trong một tháng tới đây (kể từ ngày nhận được chỉ thị) mỗi đồng chí chính thức phải ít nhất giới thiệu một người vào Đảng (đặc biệt chú ý những địa phương đông quần chúng quá mà ít đồng chi);

        - Mỗi đồng chí chính thức phải luôn luôn có ít nhất một người dự bị đưa vào Đảng;

        - Điều kiện gia nhập theo như điều lệ chung nhưng phải châm chước những chi tiết đặc biệt, chú trọng đối với các phần tử thợ thuyền, chuyên môn, trí thức.

        3. Khôi phục đảng tịch cho các đồng chí cũ:

        - Chú ý đưa vào Đảng những đồng chí cũ trong thời kỳ bí mật vì cớ này cớ khác xa Đảng, hoặc về quá khứ đã phạm lỗi nhẹ, nhưng nay đã biết hối cải và chịu khó hăng nái làm việc;

        - Trong những trường hợp đặc biệt, muốn khôi phục đảng tịch cho những đồng chí đã lầm lỗi quá nặng, cần phải có sự thẩm tra và đồng ý của thượng cấp (Trung ương sẽ ra thông cáo lập các tiểu ban thẩm tra).

        4. Đào tạo cán bộ:

        - Ra những tập sách nhỏ, phổ thông để các chi bộ có tài liệu nghiên cứu;

        - Hàng tháng, các cấp bộ trên phải viết những kinh nghiệm gửi cho các cấp bộ dưới;

        - Viết những bài đăng báo theo một chương trình huấn luyện;

        - Cấp bộ trên phải mở lớp huấn luyện cho cấp bộ dưới (Trung ương huấn luyện Xứ ủy và các xứ ủy viên phụ trách ở đâu phải mở lớp huấn luyện ở đấy), v.v...;

        - Chú ý chọn những đồng chí tốt đưa ra làm cán bộ theo những điều kiện này:

        a) Gần quần chúng và quần chúng phục;

        b) Có sáng kiến, có năng lực;

        c) Trung thực.

        - Phải nâng đỡ những cán bộ bên dưới;

        - Nên nâng đỡ cho những cuộc họp cán bộ, hội nghị các cấp;

        - Trao đổi những tài liệu kinh nghiệm giữa các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (trao đổi lẫn cho nhau);

        - Gây phong trào học tập (Trung ương ra chương trình, giới thiệu sách cho các đồng chí học);

        - Phải dám giao việc cho những cán bộ không phải là đảng viên ở mặt trận và ở các cơ quan hành chính;

        - Tóm lại, chú ý sửa chữa hẹp hòi về cán bộ:

        a) Đề bạt cán bộ.

        b) Huấn luyện.

        c) Kiểm tra.

        3. Dân vận.

        - Lập Ban Công vận toàn quốc;

        - Đổi tên “Công nhân cứu quốc” ra “Công đoàn”, vận động cho Tổng Liên đoàn Lao động, giải thích trên báo chí, trong các cuộc mít tinh, bỏ biển Công nhân cứu quốc ở các trụ sở; cử đại biểu vào các cấp bộ Việt Minh và đồng thời xin gia nhập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam;

        - Chú ý kéo lao động công giáo vào Tổng Liên đoàn;

        - Chú ý giúp đỡ cải thiện sinh hoạt cho lao động;

        - Phải kéo đa số thợ vào Tổng Liên đoàn (nhất là ở Bắc Kỳ).

        4. Phụ vận.

        - Phải đào tạo cán bộ phụ nữ lớp trên để kéo họ;

        - Mở những lớp huấn luyện riêng cho phụ nữ (các xứ phải mở);

        - Chú ý đời sống cán bộ phụ nữ;

        - Hình thức tổ chức phải cho thích hợp, không cần nêu hai chữ “cứu quốc”, như hội “áo chiến sĩ”, “xã tế”, v.v... giúp cho Đoàn phụ nữ Việt Nam phát triển;

        - Cho tái bản tờ Tiếng gọi phụ nữ nhưng phải viết cho thiết thực, phải có những mục thiết thực với phụ nữ;

        - Tìm cách liên lạc với phụ nữ quốc tế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2016, 01:03:40 am »


        5. Thanh vận.

        - Thanh niên cứu quốc phải liên lạc mật thiết với Nha Thanh niên;

        - Phải chú ý tổ chức học sinh;

        - Đừng làm cho Đoàn thanh niên Việt Nam thành ra của Chính phủ;

        - Bí mật tổ chức những nhóm thanh niên mác-xít để làm công tác cho Đảng.

        6. Văn hóa vận động.

        - Chấn chỉnh Văn hóa cứu quốc đoàn. Phái người vào phụ trách;

        - Phải có những bài phê bình về văn hóa lông bông, không thực tế;

        - Phải nêu một người lãnh tụ văn hóa;

        - Phải triệu tập một cuộc hội nghị các nhà văn hóa cứu quốc để phê bình văn hóa, tiếp thụ những nhà văn hóa cảm tình;

        - Ra khẩu hiệu: dân tộc, khoa học, đại chúng, nhưng phải đưa ra cho khéo;

        - Tổ chức những nhóm “bạn văn hóa”;

        - Giúp đỡ những nhà văn nghèo, có nhân tài.

        7. Quân sự, kinh nghiệm.

        - Tổ chức không thống nhất;

        - Thiếu những bộ máy cần yếu cho bộ đội: trinh sát, liên lạc, v.v...;

        - Cán bộ quân sự không nắm được bộ đội, kém không biết điều khiển, chỉ huy không biết chiến thuật, không biết giữ sức cho quân đội;

        - Thiếu công tác chính trị trong quân đội, nhất là công tác đảng;

        - Không có một chiến lược bao quát (thiếu sự hiểu biết địa dư) để đề phòng bố trí trước kế hoạch tấn công của địch;

        - Công tác phá hoại kém vì không liên lạc với các nhà chuyên môn mật thiết;

        - Trong khu vực chiến tranh không phá hoại đường giao thông triệt để;

        - Thất bại trong việc vận động dân tộc thiểu số (Trung Bộ);

        - Không biết bảo tồn chủ lực, đem tất cả tiêu phí vào việc giữ gìn một vài tỉnh lớn (Sài Gòn);

        - Không giữ được thế chủ động;

        - Quá tin vào Hiệp định Sơ bộ, không tích cực chuẩn bị tấn công;

        - Không biết tổ chức đội chuyên môn đoạt vũ khí của địch.

        8. Tài chính.

        - Lập hợp tác xã sản xuất tại các tỉnh;

        - Mở nhà băng thương mại có các chi nhánh ở các tỉnh;

        - Tìm cách giữ lấy quyền xuất cảng để lấy tiền ngoại quốc làm cho đồng bạc Việt Nam có giá trị.

        - Nghiên cứu một chính sách tài chính (tham khảo tài liệu của Trung ương).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM