Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:25:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28122 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:57:16 pm »


        Cố phá vòng vây, ngày 17 tháng 10, quân Anh lại dùng 8 xe chở lính, có thiết giáp yểm trợ, đánh lên Hóc Môn, khi đến cách Gò Vấp 5km, lọt vào trận địa phục kích của du kích do một lão đồng chí 60 tuổi chỉ huy. Hai bên giáp chiến dữ dội, quân Anh tháo chạy, bỏ lại 5 xe và một số xác chết. Đợt phá vòng vây của địch lên Hóc Môn bị bẻ gãy.

        Kho đạn Thị Nghè là kho dự trữ bom đạn từ bến tàu bốc lên dành cho các cuộc hành quân đánh chiếm các tỉnh. Kho đặt tại vườn thú, sau lưng là Thị Nghè, trước mặt là Đài phát thanh Sài Gòn. Lực lượng canh giữ là một đại đội Âu Phi, hệ thống chống xâm nhập gồm có tường hào, kẽm gai, đồn, tháp canh.

        Sau quá trình thăm dò, lân la làm quen với lính Âu Phi ở kho Thị Nghè, đêm 17 tháng 10, một đội viên thiếu niên cảm tử Sài Gòn đã lừa được bọn lính gác và lọt vào trong kho. Với một chai xăng, một bao diêm, em chạy thẳng vào khu xung yếu tưới xăng, châm lửa. Một tiếng nổ dữ dội, tiếp theo loạt nổ kéo dài, liên tục. Toàn bộ khu kho hoàn toàn bị phá hủy. Đại đội Âu Phi bị tiêu diệt. Đài phát thanh bị sập một mảng lớn. Em bé cảm tử hy sinh. Em tên là Lê Văn Tám. Lịch sử thành phố Sài Gòn gọi em là “Em bé đuốc sống”.

        Ở mặt trận Thị Nghè, quân Anh - Pháp đã nhiều lần giải toả nhưng đều bị đánh lui. Mặt trận này có lực lượng Nam tiến phối hợp với 50 tay súng và thanh niên vũ trang địa phương tổ chức phòng thủ theo lối trận địa chiến. Quân ta bố trí thành ba chiến luỹ, có con sông Thị Nghè chắn ngang phía trước. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 18 tháng 10, địch đã huy động tàu chiến, xe tăng, có pháo binh yểm trợ tiến đánh Thị Nghè. Nhân dân và lực lượng vũ trang do đồng chí Nguyễn Văn Bản chỉ huy đã chống giữ rất anh dũng. Hai đơn vị của đồng chí Hồ và Bảy Trường chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Quân địch nhờ xe tăng và hoả lực mạnh chiếm được một phần trận địa. Nhưng tiếp sau, ta bẻ gãy nhiều đợt tiến công và đánh bật quân Pháp ra khỏi Thị Nghè, giặc rút chạy tán loạn. Trận địa Thị Nghè được giữ vững, nhiều tên giặc bị diệt. Báo Cứu quốc ngày 19 tháng 10 ở Hà Nội bình luận: “Trận Thị Nghè sẽ ghi vào chiến sử Việt Nam”. Các phóng viên nước ngoài tại Sài Gòn thừa nhận quân cách mạng đạt một chiến thắng lớn.

        Ngày 19 tháng 10, lực lượng vũ trang Sài Gòn tiến công quân Pháp ở ga Năng-xi. Từ 20 đến 23 tháng 10, tự vệ và thanh niên xung phong liên tiếp tiến công ở đường Ga-li-ê-ni, khách sạn Công-ti-tăng-tan và nhiều điểm khác trong nội thành. Cho đến cuối tháng 10 năm 1945, nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn căng thẳng. Ban ngày quân Pháp phải huy động từng đại đội đi lục khám từng nhà dân, đêm lại co về vị trí, cuộc tiến công ban đêm của quân dân Sài Gòn vẫn tiếp diễn.

        Ở phía bắc, ta vừa tập hợp và xây dựng lực lượng giải phóng quân, xây dựng dân quân du kích xã, ấp, vừa liên tiếp chặn đánh ở cầu Tham Lương, cầu Bến Phân.

        Ngày 23 tháng 10, binh đoàn thiết giáp Mát-xuy đến miền Nam. Có thêm quân, Lơ-cléc chủ trương phá vòng vây xung quanh Sài Gòn, đánh chiếm một số thị xã miền Trung Nam Bộ, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Lực lượng huy động gồm một phần binh đoàn Mát-xuy, trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5e RIC), một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ. Từ cuối tháng 10 cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới. 

        Ròng rã hơn một tháng, với tinh thần “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi tấc đất là một chiến hào”, quân dân Sài Gòn đã giam chân địch trong thành phố. Quân Pháp bị dồn vào tình cảnh khó khăn, khốn đốn.

        Bất chấp sự chênh lệch về lực lượng, vũ khí, quân và dân ta đã bám địch cả ngày lẫn đêm, lúc tập kích, lúc phục kích, tiến công quân sự kết hợp với triệt nguồn tiếp tế, diệt quân viễn chinh xâm lược đồng thời trừng trị bọn tay sai. Hoạt động của các chiến sĩ cảm tử, tự vệ, công đoàn xung phong Sài Gòn đã đặt nền móng cho sự phát triển các hình thức hoạt động biệt động ở thành phố trong suốt cuộc chiến tranh ba mươi năm. Thắng lợi của hơn một tháng đầu kháng chiến biểu thị tinh thần kháng chiến để giữ vững nền độc lập dân tộc, nêu lên tấm gương sáng chói về tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng bào thành phố Sài Gòn, tinh thần đoàn kết thống nhất và đồng cam cộng khổ chiến đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên địa bàn miền Đông Nam Bộ và cả nước.

        Cuối tháng 10 năm 1945, quân Anh - Pháp phá vỡ được vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn và tiếp tục đánh chiếm toàn Nam Bộ. Nhiệm vụ chiến đấu của quân dân Nam Bộ chuyển từ kìm chân địch trong thành phố sang làm chậm bước tiến quân xâm lược và tiếp tục chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:57:47 pm »


        Đêm 26 rạng 27 tháng 10 năm 1945, tàu chiến Pháp đổ quân lên Cầu Nổi (Gò Công), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược ra các tỉnh Tây Nam Bộ. Quân dân các tỉnh Tây Nam Bộ đã từng sát cánh với các tỉnh miền Đông đánh Pháp, nay lại trực tiếp chặn bước tiến của địch. Tuy lực lượng quân sự nhỏ bé nhưng nhờ có cuộc chiến đấu của toàn dân nên đã làm thất bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

        Cuối tháng 10 năm 1945, Sa Đéc đã lập được Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Bí thư. Châu Đốc cũng lập được Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Phạm Thành Dân làm Bí thư. Long Xuyên cũng lập được Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Văn Hiểu làm Bí thư. Ở Mỹ Tho đã mở hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Dân Tôn Tử làm Chủ tịch...

        Hầu hết các tỉnh Nam Bộ đều lập được các công binh xưởng. Tỉnh Mỹ Tho, các huyện đều có công binh xưởng, liên xã có tổ sửa chữa và sản xuất vũ khí.

        Ngày 15 tháng 10 năm 1945, Xứ ủy triệu tập cuộc họp tại nhà ông Phước ở Cầu Vĩ ngoại vi thị xã Mỹ Tho để bàn về xây dựng Đảng, củng cố tổ chức Việt Minh và các tổ chức quần chúng cách mạng. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn... Hội nghị quyết định giải thể cả hai Xứ ủy Tiền Phong và Giải Phóng, thành lập một Xứ ủy thống nhất gồm 11 đồng chí trong đó có các đồng chí ở hai Xứ ủy cũ và các đồng chí ở Côn Đảo về. Hội nghị cũng đã chỉ định một số bí thư tỉnh ủy và quyết định thống nhất các tỉnh ủy ở những nơi có hai tỉnh ủy. Tổ chức Việt Minh cũng được kiện toàn thống nhất.

        Ngày 29 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ. Người xác định: “Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập Việt Nam”.

        Tình hình mới đang đòi hỏi cấp bách thống nhất, củng cố và phát triển lực lượng.

        Ngày 25 tháng 10 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ mở hội nghị đại biểu các tỉnh, thành gần chợ Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đây là cuộc hội nghị đại biểu Đảng đông đủ nhất của Đảng bộ Nam Bộ kháng chiến. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và nhiều đồng chí khác vừa ở nhà tù Côn Đảo về.

        Hội nghị nhận định tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo cuộc kháng chiến Nam Bộ sau Hội nghị Cây Mai (ngày 23 tháng 9 năm 1945) biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Các đại biểu đã chỉ ra những non yếu, lệch lạc trong việc xây dựng lực lượng vũ trang sau tổng khởi nghĩa, dự kiến sự phân hoá, tan rã tất yếu của những “sư đoàn dân quân cách mạng”. Hội nghị nhấn mạnh nguyên tắc Đảng phải xây dựng và nắm lực lượng vũ trang và đề ra hàng loạt biện pháp cấp thiết nhằm củng cố lực lượng vũ trang: đưa đảng viên ưu tú cầm súng đi đầu và làm nòng cốt cho các lực lượng vũ trang, tranh thủ những người tốt trong các “sư đoàn dân quân cách mạng”, tìm cách hạn chế những tác hại do tổ chức lực lượng vũ trang tập trung còn phức tạp gây nên. Hội nghị quyết định gấp rút xây dựng lực lượng, lấy du kích chiến là chính, làm vườn không nhà trống, đẩy mạnh công tác trừ gian, xây dựng cơ sở bí mật trong các thành phố, thị xã bị địch chiếm, khôi phục chính quyền ở những nơi bị tan vỡ.

        Để tăng cường lực lượng lãnh đạo, Trung ương Đảng quyết định phần lớn những đồng chí vừa ra tù ở lại Nam Bộ. Đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được phân công phụ trách Ủy ban kháng chiến chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Nhiều đảng viên, cán bộ, trong đó có khoảng 1.000 đồng chí vừa ở tù Côn Đảo về được phái đi các địa phương, đơn vị vũ trang làm nòng cốt cho phong trào kháng chiến.

        Hội nghị vừa họp xong, địch đã đánh tới, các mặt trận không liên lạc được với nhau một cách kịp thời, chỉ huy phân tán, việc triển khai quyết định Hội nghị Thiên Hộ phải tiến hành trong điều kiện kháng chiến Nam Bộ được chuyển sang một giai đoạn quyết liệt. Nhưng những quyết định của Trung ương và của Hội nghị Thiên Hộ, đặc biệt quan trọng là Đảng phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đảng viên ưu tú phải đi đầu trong chiến đấu dần dần thấm đến cơ sở, tạo điều kiện cho Nam Bộ phát triển lực lượng một cách vững chắc, đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến lâu dài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:58:30 pm »


        Sau khi binh đoàn thiết giáp Mát-xuy đến Sài Gòn, lực lượng Pháp ở Nam Bộ đã lên tới 6.000, bên cạnh đó 20.000 quân Anh, 40.000 quân Nhật, Lơ-cléc hoạch định chương trình “đánh nhanh, thắng nhanh” theo ba giai đoạn: đánh chiếm vùng trọng yếu (trước hết là Sài Gòn - Chợ Lớn như đã thực hiện); mở rộng chiếm đóng toàn bộ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, tiến hành bình định.

        Kế hoạch chuyển tiếp sau khi phá vỡ được vòng vây Sài Gòn là:

        - Quân Anh lấy danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật sẽ chiếm thị xã Biên Hoà, Thủ Dầu Một để Pháp tập trung lực lượng chiếm đồng bằng sông Cửu Long, vùng cao su Tây Ninh, Thủ Dầu Một và các mục tiêu quan trọng.

        - Tập trung bộ binh, thiết giáp, hải quân, đặc biệt là dùng sức mạnh đột kích của xe bọc thép nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu chính của miền Tây Nam Bộ.

        - Sử dụng sư đoàn thuộc địa số 9 (9e DIC) càn quét lực lượng đối phương trên vành đai Sài Gòn.

        Trong hai ngày 24 và 25 tháng 10, quân Anh đã thực hiện được kế hoạch chiếm lần lượt các thị xã Biên Hoà, Thủ Dầu Một.

        Cuộc hành quân về đồng bằng sông Cửu Long của quân Pháp, có hải quân Anh hỗ trợ, chọn mục tiêu hợp điểm đầu tiên là Mỹ Tho (cách Sài Gòn 71km). Lực lượng chủ yếu gồm đoàn bộ binh cơ giới, có xe tăng, xe bọc thép, chia làm nhiều mũi: một mũi theo quốc lộ Đông Dương sẽ hợp điểm với mũi tiến công theo đường sông Tiền tại thị xã Mỹ Tho; một mũi theo liên tỉnh lộ 5 Sài Gòn - Cần Giuộc - Cần Đước sẽ hợp điểm với mũi tiến công theo đường sông Soài Rạp - Vàm Cỏ ở khu vực Cần Giuộc - Cần Đước.

        Phán đoán địch mở rộng đánh chiếm về hướng tây Sài Gòn, các tỉnh Chợ Lớn - Tân An huy động nhân dân làm chướng ngại vật và các lực lượng vũ trang “dàn trận” đánh tiêu hao, làm chậm bước tiến của địch. Hàng ngàn người vác dao cuốc, xẻng ra quốc lộ Đông Dương, liên tỉnh lộ 5 chặt ngã cây, đào đường, đắp mô. Trên các kênh Nước Mặn và Rạch Cát có trên 50 ghe chài chở đất làm cản; từng đoàn xuồng, ghe ken dày trên sông rạch, kết lại bằng dây cáp sắt chặn ngang sông để chặn tàu giặc. Trạm tù, cầu Bình Điền và các trạm mõ dọc quốc lộ, tỉnh lộ làm nhiệm vụ báo tin tình hình tiến quân của địch.

        Các thị xã Tân An, Mỹ Tho thực hiện tản cư dân, chỉ để lại Hoa Kiều và người ngoại quốc, không “tiêu thổ kháng chiến” nhưng triệt phá những gì mà quân Pháp cần như điện, nước.

        Sau khi từ Sài Gòn - Chợ Lớn các mũi tiến công đã xuất phát, đêm 23 rạng 24 tháng 10 năm 1945 tại Cần Giờ, hàng chục tàu chiến Pháp trong đó có hai chiến hạm lớn Richelieu và Triomphant bắt đầu rời bến.

        Trên quốc lộ Đông Dương, mặt trận Chợ Đệm nổ súng khi địch vượt qua cầu Bình Điền. Bộ đội, du kích dàn trận đánh địch, nhưng súng nhỏ, gậy tầm vông không chặn nổi xe tăng, tuy có uy hiếp tinh thần và làm chậm bước tiến của chúng. Quân Pháp cho quân Nhật đi trước dọn đường nhưng một ngày rưỡi đầu chỉ tiến được trên 20km. Giặc sục vào các làng mạc hai bên đường cướp phá, đốt nhà, khói lửa ngùn ngụt hai bên quốc lộ. Lính Pháp mặc quân phục Anh sục vào từng nhà lôi người, đẩy đi sửa cầu đường.

        Ở cách đường sông hai chiến hạm Richeheu và Triomphant tiến vào sông Soài Rạp, tung quân ra đánh chiếm khu vực Gò Công, Chợ Gạo, Cần Đước, Cần Giuộc. Trận đầu chạm súng tại cầu Nổi, các lực lượng tự vệ, Cộng hoà vệ binh Gò Công, Cộng hoà vệ binh Nam Bộ, sau ba giờ địch mới đổ bộ được. Một chiến thuyền chìm, bốn lính Pháp chết. Thiệt hại của địch nặng nhất ở Gò Công bị diệt gần 100 tên, trong ba ngày mới chiếm được thị xã Gò Công, trong lúc đó một đoàn tàu chiến khác theo sông Tiền đã đổ bộ chiếm trước thị xã Mỹ Tho vào chiều 24 tháng 10 năm 1945.

        Cánh quân bộ theo quốc lộ 4 cũng đến thị xã Tân An sau khi chúng đã chiếm thị xã Mỹ Tho. Ở khu vực Cần Đước - Cần Giuộc, ta dàn trận đánh chặn địch cả trên bộ, dưới sông. Địch ít bị tiêu hao nhưng mất gần một tuần chúng mới ổn định, chiếm đóng được.

        Sau khi hai cánh quân thủy bộ hội điểm tại thị xã Mỹ Tho, địch tiếp tục theo hướng đường sông tiến chiếm Vĩnh Long (ngày 29 tháng 10), Cần Thơ (ngày 30 tháng 10), Cái Răng (ngày 2 tháng 11). Từ các vị trí vừa chiếm được, chúng tiếp tục tổ chức hành quân theo đường sông Cửu Long lên Cam-pu-chia.

        Ở vùng ven Sài Gòn, sư đoàn thuộc địa số 9 (9e DIC) chà đi xát lại vô cùng ác liệt, hòng làm tan rã lực lượng vũ trang của ta. Các trung đoàn thuộc địa số 21, 23 án ngữ phía bắc và tây bắc Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:59:06 pm »


        Khó khăn mới tăng lên. Đồng bào tản cư trong những ngày bao vây địch trong Sài Gòn, bây giờ cần phải trở lại để chuẩn bị đấu tranh lâu dài ngay trong vùng bị địch tạm chiếm, đảng viên, cán bộ, tự vệ nội thành một phần ra bưng biền, chiến khu, một phần ở lại cùng nhân dân nội thành xây dựng cơ sở kháng chiến. Qua tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, ta tập hợp quần chúng từ cơ sở đường phố, xí nghiệp, liên hộ, quận, các nhân sĩ trí thức có uy tín được mời tham gia Mặt trận Việt Minh, Thành ủy, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn được thành lập lại. Tờ báo “Cảm tử” của công đoàn Nam Bộ, “Chống xâm lăng” của Mặt trận Việt Minh ra đời cổ vũ kháng chiến lâu dài và lòng tin tất thắng.

        Trước thử thách mới, bên cạnh tinh thần quyết chiến rất cao của toàn dân, toàn quân, phong trào cách mạng vẫn còn những nhược điểm: có bề rộng, bề nổi nhưng chưa chắc bề sâu; sự thống nhất về quan điểm nhất là trong xây dựng lực lượng trong hai nhóm đảng viên, đang còn là quá trình, chưa phải đã được giải quyết toàn bộ, tính phức tạp trong các đơn vị vô chính phủ càng bộc lộ mạnh mẽ khi giặc phá được vòng vây Sài Gòn... Các lực lượng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ sư đoàn, bộ đội HT29... không chỉ phân hoá, chạy dài tan rã mà còn trở thành một tai họa cho nhân dân, trở ngại lớn cho kháng chiến.

        Ở phía nam thành phố, mặt trận số 4, lực lượng chiến đấu gồm nhiều đơn vị mang tên khác nhau. Bộ đội Cần Giuộc do đồng chí Trương Văn Bang - Tỉnh ủy viên Chợ Lớn chỉ huy, bộ đội Bảy Trân do đồng chí Nguyễn Văn Trân - Chủ tịch huyện Cần Giuộc chỉ huy, bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Tân Quy, bộ đội số 2 do các đồng chí Nguyễn Văn Mạnh và Mai Văn Vĩnh chỉ huy... Một lực lượng lớn với vũ khí mạnh là lực lượng Bình Xuyên - gồm các đơn vị của Dương Văn Dương, Tư Oanh, Mai Văn Vĩnh...

        Đã qua một thời xưng hùng, xưng bá của những giang hồ, hảo hán, dòng xoáy cách mạng đã cuốn hút lực lượng Bình Xuyên và đang chuyển hoá, phát triển thành những đơn vị Vệ quốc đoàn. Nhiều thủ lĩnh Bình Xuyên như Dương Văn Dương, Huỳnh Văn Trí, Mai Văn Vĩnh, Dương Văn Hà... là những người có uy tín, chân thành học hỏi các chiến sĩ cách mạng và quyết tâm phục vụ đất nước. Dương Văn Dương kêu gọi binh sĩ Bình Xuyên “hãy tỏ rõ mình là chiến sĩ cách mạng”, tước khí giới những nhóm giang hồ nào chưa chịu từ bỏ giang hồ, đặt hình phạt đối với những người rượu chè, bê tha, ức hiếp dân chúng.

        Sau khi mặt trận số 4 bị vỡ, lực lượng Bình Xuyên không chạy như đệ nhị, đệ tam, đệ tứ sư đoàn mà lần lượt lui xuống Rừng Sác lập căn cứ kháng chiến.

        Lực lượng Cộng hoà vệ binh (đệ nhất sư đoàn) do lãnh đạo nòng cốt không đủ mạnh, bị phân hoá trước thử thách mới, một phần ra bưng biền hoặc về các tỉnh gia nhập các đơn vị vũ trang kháng chiến, một phần trở lại hàng ngũ nguỵ binh.

        Trong khi phần lớn các lực lượng tự lập chạy dài, tan rã thì các lực lượng công đoàn, những đơn vị vũ trang tập trung, bán vũ trang, lực lượng nhân dân du kích do các đồng chí đảng viên xây dựng, chỉ huy vừa đánh địch vừa lôi kéo, thanh toán các đơn vị vũ trang vô chính phủ.

        Khi vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn bị vỡ, các lực lượng này phần lớn phải phân tán để bảo toàn lực lượng chuẩn bị đánh lâu dài. Do đó nội thành có yên tĩnh nhất thời, nhưng sang tháng 11 năm 1945, lúc mà địch đang dàn mỏng quân trên chiến trường, thì du kích lại trở vào hoạt động. Mục tiêu tiến công của du kích lúc bấy giờ là các công thự Pháp, quân Pháp đi lẻ, bọn tay sai của chúng. Tình hình căng thẳng đến mức chỉ huy Pháp đã phải ra lệnh cho binh lính và thường dân Pháp không được vào mua bán ở Chợ Lớn.

        Ngày 8 tháng 11, quân ta tiến công Tổng hành dinh Cao ủy Pháp (phòng thương mại cũ) khiến quân Anh, Nhật tại các tỉnh phải khẩn cấp về Sài Gòn để cứu vãn tình hình.

        Ngày 21 tháng 11 năm 1945, các vị trí quân Pháp ở Sài Gòn lại bị tiến công. Quân ta thu 15 đại liên, 72.000 viên đạn, quân Pháp phải dùng 5 xe tải chở xác chết và lính bị thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:59:25 pm »


        Đặc biệt ngày 8 tháng 12, lúc 21 giờ, lực lượng vũ trang mở trận tiến công lớn vào trại lính Pháp ở Đơ-ru-ê (nay là đường Hùng Vương). Bị đánh bất ngờ, hàng ngàn quân Pháp trong trại không kịp trở tay, chỉ còn cách nằm tại chỗ bắn vung vãi. Quân ta phóng lửa đốt trại, lửa bốc cháy hai giờ liền, trại lính Pháp bị thiêu hủy. Giặc chết hàng trăm tên, số bị thương nằm chật các bệnh viện Sài Gòn. Thông báo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ nhận định là “trận tiến công lớn lao nhất chưa từng xảy ra ở Nam Bộ”. Lực lượng vũ trang trụ cột ở nội thành gồm các đơn vị vũ trang và bán vũ trang của các xí nghiệp, các quận, hộ, các khu lao động. Khi Pháp mở rộng lấn chiếm, ở nội thành các đội “Cảm tử quân” đã có trước, hàng loạt tổ chức khác được thành lập: Ban trinh sát, ban hành động, ban quân báo, ban công tác, ban trừ gian, ban ám sát. Tiếp sau đó tổ chức tự vệ thành lần lượt ra đời. Cán bộ, chiến sĩ các tổ chức này ngoài công nhân, dân nghèo thành thị còn có học sinh, trí thức, các tầng lớp thanh niên nam, nữ. Thời kỳ đầu, toàn bộ đặt dưới sự chỉ huy của Ban quân sự thành, khẩu hiệu hoạt động là “diệt địch ngay trong tim gan chúng”, đối tượng trừng trị và phá hoại nhằm vào ác ôn, đầu sỏ, các cơ sở hậu cần của địch. Các căn cứ lõm bên trong dựa thế lòng dân, ngõ hẻm, đường phố, kết hợp với căn cứ bàn đạp bên ngoài có thế dân, thế đất bao quanh thành phố, bảo đảm tiếp tế, chỉ đạo, hậu cần bao gồm đường dây vũ khí lấy được của địch từ nội thành ra chiến khu.

        Hoạt động nội thành tiếp tục phát triển, thực sự trở thành một cuộc chiến tranh nhân dân ngay trong lòng địch. Thành phố địch đã chiếm đóng trở thành tiền phương, cũng là hậu phương của kháng chiến. Sài Gòn - cái nôi sinh ra các đội cảm tử, cũng là “quê hương biệt động”. Quân cảm tử, chiến sĩ biệt động tồn tại suốt chiến tranh ba mươi năm. Quá trình hoạt động của các lực lượng nội thành xây dựng thành “phương thức tác chiến biệt động” độc đáo của Sài Gòn, kết quả của sự kế thừa và phát triển truyền thống đấu tranh của thành phố mà kẻ thù đã ưu tiên tập trung xây dựng thành một trung tâm đầu não cai trị thuộc địa và điều khiển chiến tranh xâm lược.

        Để thống nhất các lực lượng vũ trang Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hoà, tháng 10 năm 1954 một cuộc hội nghị đã được triệu tập tại đình Mỹ Hạnh (Đức Hoà), có mặt nhiều đồng chí trong Xứ ủy và Tỉnh ủy giải phóng Gia Định, các đồng chí đảng viên thời Nam Kỳ khởi nghĩa như: Hoàng Dư Hưởng, Trần Văn Trà, Tô Ký, Cao Đức Luốc, Ba Súng, Năm Râu, Phan Văn Voi, Phan Đức, Sáu Ngói, Hoàng Tường, Ba Nhỏ (đại diện của Huỳnh Văn Một, chỉ huy trưởng lực lượng Đức Hoà gồm 3 đại đội)... Hội nghị phân tích yêu cầu phải có sức mạnh đối phó với việc mở rộng chiến tranh của quân Anh, Pháp, với diễn biến xấu của các lực lượng vô chính phủ, lực lượng vũ trang cách mạng phải được Đảng nắm chắc và thống nhất chỉ huy. Trước mắt, trên vùng ven tây bắc Sài Gòn, lực lượng vũ trang thống nhất lấy tên là giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, lực lượng này còn được giao nhiệm vụ làm nòng cốt thống nhất các lực lượng vũ trang.

        Bộ tham mưu (thực tế là Bộ chỉ huy) giải phóng quân gồm các đồng chí Tô Ký - Tư lệnh, Hoàng Dư Hưởng sau đó là Trần Văn Trà - Chính trị viên. Bốn chỉ huy phó là Cao Đức Luốc, Văn Một, Huỳnh Tấn Chùa, Hoàng Tế Thế; Nguyễn Đức Huy là ủy viên tuyên truyền. Ủy viên tiếp tế là Phạm Văn Voi. Các ban trực thuộc có: quân giới, vận chuyển, y tế, trinh sát tình báo. Theo chủ trương của Xứ ủy, Bộ tham mưu về đóng ở Mỹ Hạnh (Đức Hoà). Ngày 1 tháng 11 năm 1945, giải phóng quân làm lễ ra mắt tại xã Mỹ Hạnh trong không khí vui mừng phấn khởi của nhân dân.

        Các lực lượng du kích, tự vệ, các nhóm vũ trang vùng tây bắc Sài Gòn gồm cả Trảng Bàng, nơi có nhóm “Thanh niên Rừng Rong”, được thông báo giải phóng quân liên quận ra đời, đã lần lượt kéo về xin gia nhập. Trong lúc lực lượng vô chính phủ đang trở thành tai họa, bản chất “bộ đội nhân dân” của lực lượng vũ trang giải phóng càng sáng tỏ và sớm gây được lòng tin của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, nuôi dưỡng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:59:55 pm »


        Trước và sau khi thành lập, lực lượng giải phóng quân liên quận được các đồng chí Trung ương, Xứ ủy quan tâm chỉ đạo sát sao những yêu cầu về xây dựng chiến đấu và công tác. Công tác đảng, công tác chính trị ngày càng đi vào nền nếp. Từ cấp trung đội trở lên có chính trị viên. Ở Gia Định, các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu ở mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định luân phiên nhau đánh địch ở cầu Kiệu, cầu Bông, Dĩ An, Thủ Đức, chốt chặn ở Bình Triệu. Ngày 20 tháng 10, địch chiếm Gò Vấp, ta lập phòng tuyến từ ngã ba Chú Ia tới An Lập, Lái Thiêu gọi là chiến tuyến Tam thôn, chiến đấu với địch ròng rã hai tháng. Tham gia đánh địch ở đây có lực lượng Nguyễn Đình Thâu, Triệu Hải, lực lượng công đoàn. Khi mặt trận vỡ, phần lớn lực lượng về chiến khu Lạc An. Số còn lại thuộc lực lượng Gia Định, chủ yếu là Gò Vấp ở lại xây dựng và bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy An Phú Đông. An Phú Đông, Thạch Lợi - một mảnh đất nhỏ chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 4km theo đường chim bay, có kênh rạch như bàn cờ, vườn tược xanh tươi trở thành căn cứ Tỉnh ủy Gia Định (cũng là nơi ra đời chi đội 6 sau này).

        Từ tháng 11 năm 1945, ở Gia Định, đồng chí Khung thợ Ba Son - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chiêu - Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, đồng chí Dũng và Công cũng là công nhân Sài Gòn, Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến, đã đưa các cơ quan quân, dân, chính, Đảng về cù lao Hạnh Phú thuộc xã An Phú Đông. Cũng tại nơi đây Lý Chiến Thắng thư ký liên hiệp công đoàn Sài Gòn lập trạm đón tiếp công nhân từ thành phố ra và in báo “Cảm tử”. Hạnh Phú cũng là nơi xuất phát những đội du kích Lý Thường Kiệt, Ký Con, Trần Cao Vân, Quang Trung, Nguyễn An Ninh... ra đời trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến và hoạt động ở vùng Gò Vấp, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định. An Phú Đông đang đứng trước kế hoạch tấn công lớn của quân Pháp.

        Cuối tháng 11 năm 1945, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định quyết định tổ chức các đoàn thanh niên cứu quốc vũ trang thành các đơn vị chiến đấu. Ở Gò Vấp có 3 phân đội lấy phiên hiệu từ A16 đến A23, mỗi phân đội có 40 đến 50 người, có 25 đến 30 súng, về sau thống nhất lấy tên bộ đội Gò Vấp do Hứa Văn Yến làm chỉ huy trưởng. Ở Thủ Đức, luật sư Thái Văn Lung được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên vũ trang sau được tổ chức thành 3 đơn vị gọi là bộ đội 44, bộ đội 45, bộ đội 46. Một bộ phận ở Tân Bình rút lên nhập với Thủ Đức gọi là bộ đội 43. Ở Dĩ An, lực lượng thanh niên cứu quốc vũ trang của Đào Sơn Tây và Trần Thắng Minh về sau thống nhất lại gọi là bộ đội Dĩ An do Trần Thắng Minh chỉ huy.

        Ngày 8 tháng 11, đoàn xe Anh - Pháp 204 chiếc, trong đó có 16 xe tăng, xe bọc thép, tiến chiếm thị xã Tây Ninh, nông dân Trảng Bàng đã đào hào chống tăng, đắp ụ chiến đấu sau 12 ngày đêm đã chuẩn bị xong công sự, trận địa ở một khu vực gọi là “mặt trận Suối Sâu”. Tuy nhiên, ngoài mô ụ, chướng ngại, mặt trận chỉ có một ít lựu đạn, súng hai nòng, chai xăng và mủ cao su. Mặt trận Suối Sâu đã nổ phát súng đầu gây khói lửa uy hiếp tinh thần địch. Đoàn xe địch bắn xối xả hai bên đường rồi phóng qua trận địa. Phối hợp với quân đội từ Sài Gòn lên, địch tiến chiếm thị trấn Gò Dầu, lên thị xã Tây Ninh. 10 giờ trong ngày, trên quốc lộ 22, cách nam thị xã 10km, quân Pháp đã lọt vào trận địa phục kích của một bộ phận lực lượng vũ trang Tây Ninh, trong đó có nhiều chiến sĩ là công nhân cao su, do Nguyễn Văn Đẩu (Tư Đẩu), Trần Minh Ngọc, Nguyễn Đức Minh chỉ huy. Ta đã diệt gần 100 tên giặc và một số xe. Đến 16 giờ địch vào được thánh thất Cao Đài (Long Hoa).

        Chiếm xong các thị xã Tây Ninh và Thủ Dầu Một, quân Pháp thực hiện ngay kế hoạch chiếm vùng cao su miền Đông. Bộ binh cơ giới địch tiến từ thị xã Tây Ninh sang phía đông và từ Thủ Dầu Một theo quốc lộ 13 lên phía bắc. Trên quốc lộ 13, địch phải tạm dừng để củng cố vì liên tiếp đụng phải chướng ngại và trận địa phục kích. Lực lượng công nhân cao su chỉ có một ít súng và vũ khí thô sơ, nhưng có hàng trăm người tham gia phục kích. Tuy nhiên, với trang bị thô sơ, trận địa chiến của ta chỉ có thể làm chậm bước tiến của địch chứ không ngăn được chúng. Từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 11, quân Pháp lần lượt chiếm Quản Lợi, Lộc Ninh, Bù Đốp.

        Đến cuối tháng 11, địch đã kiểm soát được các trục giao thông chính, thị xã và các thị trấn của Tây Ninh, bắt đầu tổ chức hệ thống nguỵ quyền địa phương. Một số tên cơ hội phản động chui được vào chính quyền cách mạng trước đây bây giờ trốn ra làm tay sai cho giặc gây nhiều khó khăn cho cách mạng, trong đó có tên Ba Phu, nguyên chủ tịch Ủy ban hành chính Tây Ninh; Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba ủy viên nhân dân huyện Trảng Bàng; Cò Nam cảnh sát trưởng. Đặc biệt có tên Hen-ri Lực, ủy viên tài chính ra hàng giặc đã trở thành cảnh sát trưởng ác ôn khét tiếng. Chính quyền cách mạng tạm thời bị tê liệt. Một số cán bộ trở về nhà làm ăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:00:17 pm »


        Để bảo vệ lực lượng kháng chiến lâu dài, các cơ quan tỉnh quân tự vệ cuộc, lực lượng vũ trang rút về Bàu Đồn, Suối Nhánh, Bến Cầu, Thanh Điền. Quân Pháp bùng ra Thanh Điền bị lực lượng của Nguyễn Văn Đẩu chặn đánh trên đường số 7, diệt 2 xe, thu một số súng và nhiều đạn dược. Tuy chiến công chưa lớn nhưng trận đánh có sức cổ vũ mạnh.

        Các lực lượng tập trung khác của Tây Ninh lúc bấy giờ có mặt ở mặt trận Trẫm Vàng, mặt trận Cầu Quận, huyện Trảng Bàng, huyện Châu Thành. Sau trận Suối Sâu, lực lượng Trảng Bàng lập căn cứ Rừng Rong, đưa một trung đội đi nhập giải phóng quân liên quận. Bộ phận ở lại hoạt động binh vận thành lập một trung đội chiến đấu tại huyện Trảng Bàng. Ngoài ra còn có các bộ phận vũ trang lẻ tẻ được củng cố, bám tại chỗ chống càn quét, diệt trừ Việt gian, vũ trang tuyên truyền.

        Lực lượng thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành gồm có lực lượng tại chỗ của anh Nguyễn Văn Đẩu hai đại đội, 70 súng và lực lượng Sài Gòn lên có 2 tiểu đội Cộng hoà vệ binh và lực lượng cảm tử thuộc công an Sài Gòn do anh Sĩ chỉ huy đến 400 người, có 40 súng. Cuối tháng 11 năm 1945, lực lượng của anh Đẩu và Năm Bằng (hai tiểu đội chi viện mặt trận Tham Lương về) rút về xây dựng căn cứ ở Bến Cầu.

        Trong thời kỳ đầu chống Pháp ở Tây Ninh, ngoài nạn đệ tam, đệ tứ sư đoàn, bộ đội HT29 còn có nạn chi đội 8 Cao Đài. Nhiều cán bộ bị bọn này thủ tiêu, trong đó có Lê Thanh Vân và Phạm Đình Mỹ, chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh. Các lực lượng cách mạng vừa phải đánh Pháp, diệt bọn phản động, vừa phải đối phó với các lực lượng vô chính phủ và nạn “cáp duồng” của lính nguỵ Khơ-me do Pháp kích động chia rẽ Việt Nam - Cam-pu-chia.

        Sau các trận Suối Đá, Cây Cau (xóm Phan), các lực lượng bám trụ bàn nhau thống nhất lực lượng do anh Năm Bằng chỉ huy kéo về xây dựng căn cứ Rừng Nhum - Cây Chò sát biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Qua nhiều trận chiến đấu với nguỵ Khơ-me bảo vệ căn cứ và tài sản, tính mạng của nhân dân, Rừng Nhum - Cây Chò trở thành căn cứ lâu dài. Đó là căn cứ đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh. Về sau các cơ quan tỉnh lần lượt về đây.

        Trên mặt trận phía tây Sài Gòn từ giữa tháng 11 năm 1945, quân Pháp đánh rộng ra các vùng nông thôn, đặc biệt đánh mạnh vào các vùng Đức Hoà, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức. Ta vừa tổ chức các khu căn cứ, vừa cho dân tản cư về nhà cũ để ổn định thế kháng chiến lâu dài, kiên quyết chống lập hội tề, bảo vệ chính quyền cách mạng ở nông thôn. Một bộ phận giải phóng quân liên quận đã gây thiệt hại nặng cuộc hành quân có gần một trăm xe tăng của Pháp. Quân Pháp phải tiến công lại mới chiếm được thị trấn Đức Hoà.

        Trước ngày 23 tháng 11 năm 1945 (ngày giặc chiếm thị xã Thủ Dầu Một), đồng chí Nguyễn Bình, một cán bộ quân sự cao cấp được Bộ Tổng tư lệnh phái vào Nam đã tới thị xã Thủ Dầu Một. Đồng chí Nguyễn Bình vào trong tình thế chiến trường đang hết sức khó khăn, giặc Pháp đang mở rộng chiến tranh, các lực lượng vũ trang tập trung mới bước đầu thống nhất từng bộ phận, từng khu vực, đang tan rã và phân hoá những bộ phận Đảng không nắm được, đang thổ phỉ hoá những lực lượng cơ hội. Đòi hỏi cấp bách trước nhất bây giờ là nắm lại và tập hợp lực lượng thống nhất chỉ huy.

        Sau khi đề xuất chương trình hành động và được sự giúp đỡ của tỉnh Thủ Dầu Một, tại An Phú Xã, đồng chí Nguyễn Bình đã triệu tập một cuộc họp gọi là Hội nghị quân sự Nam Bộ (thực ra chỉ có đại biểu các đơn vị miền Đông Nam Bộ).

        Hội nghị bàn việc thống nhất lực lượng, thống nhất chỉ huy, vạch chương trình chống Pháp, phân chia khu vực hoạt động của các đơn vị vũ trang, chuẩn bị phát động chiến tranh du kích. Hội nghị nhất trí cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tổng tư lệnh giải phóng quân Nam Bộ; Vũ Đức (Hoàng Đình Dong) làm Chính ủy biên chế lực lượng vũ trang thành các chi đội. Trước mắt thành lập chi đội 1 ở Thủ Dầu Một. Tuy chưa thực sự thống nhất được các lực lượng vũ trang cả về tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, chưa ngăn chặn được sự tan rã, thổ phỉ hoá hoặc hàng giặc của các “sư đoàn dân quân cách mạng” nhưng Hội nghị An Phú Xã có tác dụng lớn: bước đầu thống nhất các lực lượng vũ trang trên danh nghĩa, động viên tinh thần kháng chiến chống Pháp xâm lược, củng cố niềm tin của cán bộ và quần chúng với Trung ương.

        Cho tới cuối tháng 11 năm 1945, giặc Pháp đã mở thông được các đường số 20 Sài Gòn - Đà Lạt, đường số 13 Sài Gòn - Lộc Ninh và đoạn đường số 14 Bù Đốp, đường số 1 và số 22 Sài Gòn - Tây Ninh, đường số 16A Sài Gòn - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Cần Thơ. Chiến tranh đã lan tới các tỉnh cực Nam Trung Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:00:56 pm »


        Trước tình hình khó khăn, phức tạp mới, ngày 25 tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng ra chi thị “Kháng chiến kiến quốc”. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ Nam Bộ ở miền Nam Trung Bộ là phong toả những thành phố đã lọt vào tay địch về kinh tế, chính trị, kết hợp tiến công quân sự, áp dụng chiến tranh triệt để, vận động nhân dân thực hiện vườn không nhà trống khi địch tới. Trung ương quyết định chia nước ta ra làm 9 chiến khu, trong đó Nam Bộ có 3 chiến khu là Khu 7, Khu 8 và Khu 9.

        Nhận được chỉ thị của Trung ương, Xứ ủy triệu tập hội nghị Xứ ủy mở rộng vào ngày 10 tháng 12 năm 1945 tại một xã bên bờ sông Vàm Cỏ Đông quyết định giải thể ủy ban kháng chiến Nam Bộ, thành lập ủy ban kháng chiến miền Nam do đồng chí Cao Hồng Lĩnh làm Chủ tịch. Hội nghị cũng chỉ định lại khu bộ, bàn biện pháp thống nhất các lực lượng vũ trang, xây dựng chiến khu Lạc An, Đồng Tháp, U Minh thành các chiến khu lớn, chỉ định cấp chỉ huy Khu 7 do các đồng chí Nguyễn Bình - Khu bộ trưởng, Trần Xuân Đô - Chủ nhiệm chính trị bộ, Dương Văn Dương - Khu bộ phó.

        Sau khi dự Hội nghị Vàm Cỏ Đông, đồng chí Nguyễn Bình ra thông báo bỏ chức tổng tư lệnh giải phóng quân Nam Bộ, thi hành Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy mở rộng ở Đức Hoà về việc thành lập Khu 7, đổi tên tổng hành dinh thành khu bộ. Chiến khu 7 gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định.

        Ngày 15 tháng 12 năm 1945, quân Pháp tiến công xã Mỹ Hạnh, lực lượng giải phóng quân liên quận tổ chức chống trả, nhưng Pháp chiếm được Mỹ Hạnh. Sau đó giải phóng quân liên quận tổ chức thành 6 đại đội, 3 đại đội ở lại Đức Hoà, 3 đại đội còn lại ở Hóc Môn - Bà Điểm.

        Ngày 1 tháng 12 năm 1945 đơn vị của đồng chí Tô Ký được điều lên chiến khu Lạc An phối hợp với lực lượng Biên Hoà, Thủ Dầu Một.

        Thủ Dầu Một, một tỉnh nằm ở bắc Sài Gòn, rộng 5.600 ki-lô-mét vuông, đứng thứ hai về diện tích ở miền Đông (sau Biên Hoà), đứng thứ ba về số dân (sau Chợ Lớn, Gia Định), đứng đầu về diện tích cao su. Sau khi có quyết định thống nhất lực lượng vũ trang, Thủ Dầu Một là một tỉnh đầu tiên thành lập chi đội (tháng 11 năm 1945) gọi là chi đội 1 gồm có bộ đội Lái Thiêu, Bến Cát, Bình Lý. Chi đội trưởng đầu tiên là Huỳnh Kim Trương. Về sau chi đội được bổ sung lực lượng và tăng cường thành phần Đảng trong ban chỉ huy. Đồng chí Lê Đức Anh, người đã xây dựng lực lượng vũ trang Lộc Ninh được Tỉnh ủy cử làm Chính trị viên chi đội.

        Suốt tháng 12 năm 1945, trung đoàn thuộc địa số 9 vẫn không phá nổi “vành đai đỏ” vây quanh Sài Gòn, lại mất một phần ba quân (một phần do bệnh tật). Trên vành đai Sài Gòn, các đội du kích Chợ Đệm, Cần Giuộc, Hóc Môn, Gò Vấp là những đơn vị lập được nhiều chiến công xuất sắc.

        Ngày 15 tháng 12 năm 1945, trận quyết chiến cũng là thử thách đầu lớn nhất đã xảy ra đối với chiến khu An Phú Đông.

        Quân Pháp và quân Anh huy động cả bộ binh, pháo, máy bay, tàu chiến thực hiện cuộc bao vây ấp Hạnh Phú. Lực lượng bảo vệ căn cứ anh dũng chiến đấu nhưng vì thiếu súng đạn, địch đổ bộ được lên cù lao, phá cơ quan, bắt được một số cán bộ, đốt nhà dân. Vấn đề bám lại hay rời căn cứ An Phú Đông đặt ra gay gắt. Hội nghị cán bộ tại Vườn Cau Đỏ (xã Thạnh Lộc) quyết định chỉ đưa một số ít quân đi huấn luyện, còn số lớn bám lại An Phú Đông, Thạnh Lộc dựa vào Quới Xuân, Tân Thới Hiệp, lấy Tân Mỹ, Bình Lý, An Phú Xã làm hậu vệ, An Nhơn, Hiệp Bình và Bình Lộc làm tiền vệ, bám dân mà ở, bám địch mà đánh. Các đội cảm tử tiếp tục ra đời. Khi đứng lại lực lượng ta chỉ có 50 súng, số người cứ tăng mà không có súng.

        Từ đầu tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương điện vào Nam Bộ cử đồng chí Lê Duẩn tham gia ban lãnh đạo Ủy ban kháng chiến miền Nam.

        Ngày 1 tháng 6 năm 1946, theo Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời về bầu cử trong cả nước, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được đi bầu đại biểu Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong những khu vực có chiến sự, vùng địch tạm chiếm, cuộc bỏ phiếu vẫn được tiến hành. Ngay trong thành phố Sài Gòn, dưới ách kìm kẹp nghiêm ngặt của giặc, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vẫn đạt tới 40.000 phiếu. 42 cán bộ đã hy sinh trong khi vận động bầu cử. Trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn. Nhân dân miền Nam vui mừng được tin 333 đại biểu đã được bầu vào Quốc hội đầu tiên, trong đó, tại Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử, Người đã trúng với số phiếu cao nhất (98,4%). Các tỉnh Nam Bộ có số đại biểu trúng cử như sau: Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn 5; Chợ Lớn 5; Gia Định 6; Bà Rịa 1; Biên Hoà 4; Thủ Dầu Một 3; Tân An 2; Mỹ Tho 4; Bến Tre 5; Trà Vinh 3; Vĩnh Long 3; Sa Đéc 4; Châu Đốc 3; Hà Tiên 1; Long Xuyên 4; Cần Thơ 6; Sóc Trăng 3; Gò Công 2; Rạch Giá 4; Bạc Liêu 31. Ngay trong những ngày gian khổ, ác liệt của buổi đầu kháng chiến, Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị đổi tên thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh1.

----------------------
       1. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1994, tr. 364 - 368.

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:06:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:06:42 pm »


        Biên Hoà lúc bấy giờ là một tỉnh lớn nhất miền Đông về diện tích (11.300 ki-lô-mét vuông), nằm trên hành lang chiến lược Bắc - Nam, một đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng ở phía đông Sài Gòn, rừng núi chiếm ba phần tư diện tích, hợp với rừng Thủ Dầu Một tạo thành một vùng chiến khu rộng lớn. Thị xã Biên Hoà chính là một đỉnh của tam giác Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Biên Hoà, mà Lơ-cléc đã có ý định đánh chiếm đầu tiên để tạo thế đứng trong kế hoạch lấn chiếm toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Khi quân Anh mượn danh nghĩa giải giáp quân Nhật chiếm Biên Hoà, lực lượng miền Đông do Lương Văn Tương chỉ huy không tổ chức đánh địch mà chạy về Xuân Lộc, Ủy ban kháng chiến tỉnh do đó cũng tan tác. Tháng 12 năm 1945, quân Pháp chiếm Tân Uyên, Long Thành. Trước tình hình đó, những người yêu nước đứng ra tập hợp lại lực lượng trên từng khu vực, tổ chức kháng chiến. Huỳnh Văn Nghệ, một người của Ủy ban kháng chiến miền Đông tập hợp được trên 30 người, có 30 súng rút về quê hương xã Tân Tịch (huyện Tân Uyên, lúc bấy giờ thuộc Biên Hoà). Ở đây có tiểu đội Tân Uyên, lực lượng Nguyễn Văn Quỳ (Chín Quỳ), một bộ phận lưu lại sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Các bộ phận này nhập lại lấy tên Vệ quốc đoàn Biên Hoà, lập trụ sở kháng chiến ở Tân Tịch, nơi khởi đầu và từ đó hình thành Chiến khu Đ nổi tiếng trong lịch sử. Vùng hoạt động ban đầu của Vệ quốc đoàn Biên Hoà thực tế chỉ có Tân Uyên và Châu Thành.

        Ở quận Long Thành có lực lượng Lương Văn Tho, Huỳnh Văn Đạo, Nguyễn Văn Lung, tổng cộng khoảng 30 súng. Quận Châu Thành có 4 tiểu dội, 30 súng do Lê Văn Ngọc chỉ huy.

        Về sau, anh em từ thị xã Biên Hoà, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn về cộng tác với Huỳnh Văn Nghệ ngày càng nhiều và phần lớn sau này trở thành những cán bộ nòng cốt trong lực lượng vũ trang miền Đông.

        Các mặt chiến đấu, xây dựng lực lượng, căn cứ, kho tàng, xưởng công binh, xưởng tiếp tế, quân y, diệt tề, trừ gian, vận động tòng quân được chú ý. Vấn đề gay gắt đặt ra là bộ đội phát triển nhanh, nhân dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nhưng vùng căn cứ nghèo, ít dân nên gặp rất nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng đó, ta tổ chức đường dây tiếp tế, mua bán từ vùng địch ra căn cứ, tổ chức thu thuế các nhà tư sản ngay tại Sài Gòn, thị xã Biên Hoà, các chủ khai thác gỗ, đồng thời vận động nhân dân vùng địch tạm chiếm ủng hộ bộ đội. Ngoài ủng hộ vật chất, rất nhiều người cho bộ đội mượn tiền với chỉ một cái giấy “Độc lập trả”.

        Các lực lượng vũ trang Long Thành và Châu Thành lúc này vẫn hoạt động độc lập.

        Trong tháng 11 năm 1946, lực lượng Bình Xuyên thành lập các chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25. Chi đội 2, 3 do khu bộ phó Dương Văn Dương chỉ huy.

        Chi đội 4 do Huỳnh Văn Trí (Mười Trí) chỉ huy trưởng, thành lập tháng 2 năm 1946 ở Bà Quẹo khoảng 100 người.

        Chi đội 7 của Nguyễn Văn Mạnh (tham mưu trưởng) Mai Văn Vĩnh (chỉ huy trưởng) ở Bà Trau (Cù Lao, Long Sơn, Bà Rịa).

        Đầu tháng 1 năm 1946, ta tổ chức tấn công địch ở thị xã Biên Hoà. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 10 phân đội Bình Xuyên của Dương Văn Dương, các phân đội thuộc các lực lượng Huỳnh Văn Nghệ, Tô Ký, Đào Sơn Tây, Huỳnh Kim Trương. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy toàn trận. Đêm 1 tháng 1 năm 1946, quân ta tiến công các mục tiêu công sở, nhà lao, trạm gác của địch. Ta diệt được một số địch, bắn cháy nhiều đồn địch, khói lửa ngùn ngụt tới sáng địch hoảng sợ báo động cả Sài Gòn và các tỉnh. Do lực lượng có hạn, ta không đạt được mục tiêu là chiếm thị xã Biên Hoà để gây thanh thế lực lượng kháng chiến, tuy nhiên cũng gây được tiếng vang. Đồng bào, đặc biệt là đồng bào đô thị rất phấn khởi.

        Trên vùng Chiến khu Đ, ngày 22 tháng 1, Pháp huy động hàng nghìn quân, có xe tăng, thiết giáp, máy bay chi viện theo đường bộ tiến vào căn cứ Tân Uyên nhằm diệt cơ quan chỉ huy và lực lượng vũ trang Khu 7. Các đơn vị vũ trang ở đây mới được tổ chức lại, nhưng chiến đấu ngoan cường, vận dụng lối đánh phục kích, tập kích, loại trên 200 tên giặc, phá hủy 6 xe, bắn hỏng 1 tàu chiến. Địch buộc phải bỏ dở cuộc hành quân. Ý đồ chiếm Tân Uyên của quân Pháp đã lộ rõ. Khu bộ Khu 7 chủ trương thực hiện vườn không nhà trống khu vực thị trấn. Cơ quan Khu 7 từ thị trấn Tân Uyên về Mỹ Lợi. Các đơn vị phòng vệ được bố trí ở nhiều khu vực để ngăn chặn địch từ xa. Các đội vũ trang tiếp tục củng cố công sự chờ địch đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 10:08:12 pm »


        Ngày 24 tháng 1, quân Pháp mở đợt tấn công lớn vào Tân Uyên bằng cả đường sông và đường bộ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Chiều ngày 24, quân Pháp dàn quân vây thị trấn, dùng pháo và máy bay hủy diệt thị trấn và bộ binh xung phong đánh bật ta ra ngoài. Tiến công chiếm thị trấn Tân Uyên quân Pháp đã bị tiêu diệt khoảng 220 tên, 6 xe tải, 2 xuồng.

        Cơ quan khu bộ rời Mỹ Lợi vào đóng ở Giáp Lạc, Bưng Kè, Lạc An. Ngày 20 tháng 2 năm 1946, khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An, quyết định bác bỏ các văn phòng và vũ phòng lập ra bộ tham mưu, văn phòng khu bộ và phòng chính trị khu đặt dưới sự chỉ huy của khu bộ trưởng và chủ nhiệm chính trị bộ. Hội nghị cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng nhằm củng cố bộ đội, phát động du kích chiến tranh, đặc biệt ở vùng đô thị và vùng cao su, tăng cường cán bộ và xây dựng căn cứ, tổ chức phòng thủ.

        Chương trình hành động cụ thể là:

        - Củng cố bộ đội.

        - Tiêu diệt phản động.

        - Nắm vững dân chúng.

        - Phát động du kích.

        - Phát động du kích hoạt động trong Sài Gòn - Chợ Lớn.

        - Phá hoại cao su.

        - Phát triển miền Trung Giang (Trung Nam Bộ).

        - Liên lạc với Ít-xa-rắc (Cam-pu-chia).

        - Thành lập các ban ám sát (hoạt động ở thành phố)

        Bà Rịa - Vũng Tàu trước kia Pháp tách làm hai tỉnh, trong tổ chức hành chính của ta là một tỉnh. Tam giác Sài Gòn - Bà Rịa - Biên Hoà có vị trí chiến lược là khu vực cửa ngõ quan trọng nhất thông ra biển của Nam Bộ; Bà Rịa là tỉnh Pháp chiếm sau cùng ở miền Đông.

        Sau khi giành chính quyền, về tổ chức ở đây rất phức tạp. Tên Lê Văn Huề tay sai của Pháp len vào hàng ngũ cách mạng leo lên đến chức chủ tịch tỉnh, tiếp tục ngấm ngầm làm tay sai cho Pháp. Khi Pháp mở rộng chiếm đóng, hai tên Tân, Hiền vốn là thân binh của Pháp, trước kia đang chỉ huy trung đội Cộng hoà vệ binh Nam Bộ chạy về Bà Rịa gây nhiều phiền nhiễu cho chính quyền và nhân dân. Tỉnh Bà Rịa sau ngày Nam Bộ kháng chiến chỉ còn một số đồng chí du kích vừa tập hợp để bảo vệ cơ quan.

        Quân Pháp chiếm Bà Rịa, lập lại các chi khu. Tên Huề mang hết vàng bạc quyên góp được trong “Tuần lễ vàng” ở Bà Rịa ra hàng Pháp. Trong khi đó ở Bà Rịa, ngoài lực lượng Nam tiến của đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), Vĩnh từ mặt trận Thị Nghè và lực lượng nhỏ tại chỗ đang lần lượt rút ra Bình Thuận, thì chỉ có lực lượng Tân, Hiền là lớn nhất. Lực lượng Tân, Hiền cũng rút ra Bình Tuy, bị Ủy ban kháng chiến miền Nam tước vũ khí và tan rã. Hai tên Tân, Hiền trở về Sài Gòn hàng giặc.

        Tình hình đó đòi hỏi phải ổn định, xây dựng tổ chức lãnh đạo ở Bà Rịa. Cuối tháng 3 năm 1946, tại xã Long Mỹ, nơi hội tụ những người yêu nước thoát ly đi kháng chiến của Bà Rịa, đồng chí Trần Xuân Độ, một đảng viên thoát ly đi kháng chiến nay về triệu tập cuộc hội nghị nhằm ổn định tình hình, xây dựng tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng. Tuy chưa lập được tỉnh ủy, đồng chí Độ được hội nghị giao nhiệm vụ đứng đầu về lãnh đạo ở tỉnh. Sau hội nghị, song song với việc thành lập hệ thống Mặt trận Việt Minh, các lực lượng vũ trang bắt đầu được tổ chức lại gồm các đội du kích (như đội du kích Quang Trung), các đội tuyên truyền xung phong làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, diệt tề, trừ gian. Đó là các bộ phận tiền thân của chi đội 16 này (thành lập tháng 10 năm 1946).

        Trước tình hình khó khăn, quyết liệt mới, ngày 22 tháng 2 năm 1946, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu động viên quân và dân miền Nam giữ vững và đẩy mạnh kháng chiến. Người chỉ rõ, kháng chiến của ta là phải toàn diện, lâu dài, triệt để vận dụng cách đánh du kích, đánh khắp nơi, “còn một tấc đất, còn một người dân thì còn chiến đấu”.

        Cũng trong tháng 2 năm 1946, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người thay mặt đồng bào cả nước tặng quân và dân Nam Bộ danh hiệu: “Thành đồng Tổ quốc”.

        Ở các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Hà Tiên, Trà Vinh... tuy bị giặc Pháp chiếm mất các thị xã, thị trấn và đường giao thông chính nhưng vẫn củng cố được lực lượng lãnh đạo kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang, đưa cán bộ trở về bám trụ trong thị xã, tổ chức diệt tề, trừ gian, tập kích, phục kích, đánh phá giao thông của địch.

        Ngày 5 tháng 2 năm 1946, trong cuộc họp báo, tướng Lơ-cléc tuyên bố: “Công cuộc bình định Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ đã hoàn thành”. Sự thật là, sau 5 tháng (tháng 9 năm 1945 đến tháng 2 năm 1946), quân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã chiến đấu hết sức anh dũng, làm thất bại kế hoạch “lấy Nam Kỳ trong 18 ngày” của Lơ-cléc và gây tổn thất cho địch đến mức độ chỉ huy Pháp phải thừa nhận sau hai tháng số chết, bị thương, ốm đau đã mất một phần ba quân số, quân viễn chinh đã phải đương đầu với một cuộc chiến tranh “kỳ lạ”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM