Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:25:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44285 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 08:54:36 am »


        Binh đoàn 16, trước đây do anh Hà Thiệu làm Tư lệnh, nay là anh Nguyễn Doãn Não, được thành lập vừa tròn 10 năm. Mặc dù điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhưng Binh đoàn cũng đã đón nhận gần 9.000 hộ dân; trong đó có trên 1.000 hộ dân từ Bến Tre lên và 480 hộ dân từ Thanh Hóa vào khu kinh tế quốc phòng Easúp (Đắc Lắc); định canh định cư cho trên 300 hộ đồng bào Mông và gần 100 hộ đồng bào Dao di cư tự do; tuyển trên 2.000 lao động trẻ, hình thành được trên 1.200 hộ gia đình, sắp xếp ổn định, tạo việc làm cho gần 5.000 hộ gia đình di cư đến vùng dự án. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, năm 2005 binh đoàn đón bà con từ Bến Tre lên, từ Thanh Hóa vào lập làng mới Xuân Khao vào đúng thời điểm hạn hán kéo dài hơn 8 tháng, nên hàng trăm gia đình đã bỏ về quê. Vào làm việc với Bộ Tư lệnh Binh đoàn thời điểm đó, tôi động viên anh em không vì thế mà nản. Có những điều thuộc về tự nhiên ta chưa cưỡng lại được. Trong kháng chiến, nhiều khi vì điều kiện thời tiết nên tác chiến không hiệu quả, thậm chí tổn thất, tôi đã phải thốt lên: “Giặc đánh không bằng trời đánh”. Nay thì xã mới Xuân Khao thuộc khu kinh tế quốc phòng Easúp đã phát triển tốt. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm đầy đủ. Canh tác nông nghiệp trồng rừng của mấy trăm hộ dân đã ổn định.

        Với Binh đoàn 16, tôi đặc biệt lưu ý anh em nên nghiên cứu điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nhanh chóng chuyển đổi dự án trồng điều cao sản sang trồng cây khác. Qua khảo sát hàng nghìn héc-ta, đất khô khát, bạc màu, thấy những gốc điều khẳng khiu đang tranh sống với những cây dầu, cây khộp già nua hàng trăm tuổi, tôi thấy hết sức ái ngại…

        Khu kinh tế quốc phòng Mường Chà của Quân khu 2 thuộc tỉnh Điện Biên, đã xây dựng được 15 cụm bản điểm tại các xã Chà Nưa, Chà Càng, Nà Hỳ (huyện Mường Lay) và các xã Mường Toong, Mường Nhé (huyện Mường Nhé), sắp xếp ổn định cho trên 2.500 hộ dân làm ăn sinh sống.

        Khu kinh tế quốc phòng Bình Liêu - Quảng Hà - Móng Cái thuộc tỉnh Quang Ninh (Quân khu 3), đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, di dân, tách hộ được 2.841 hộ dân, trong đó Đoàn kinh tế - quốc phòng 327 đã sắp xếp đón nhận được trên 800 hộ dân lên địa bàn sát đường biên, riêng quân nhân đã có 74 hộ gia đình lên đây lập nghiệp.

        Các khu kinh tế quốc phòng hình thành, phát triển đã tạo cho thế trận quốc phòng - an ninh ở những địa bàn chiến lược trọng yếu ngày một vững chắc.

        Tại dự án khu kinh tế quốc phòng Bắc Hải Sơn, tỉnh Quảng Ninh thuộc Quân khu 3, có 3 xã Thán Phún, Pò Hèn, Lục Phủ hoàn toàn “trắng” dân vào những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay đã khôi phục được hai xã, lấy tên mới là Bắc Sơn, Hải Sơn.

        Khu kinh tế quốc phòng Bình Liêu - Quảng Hà - Móng Cái là vùng thường xuyên xảy ra tình trạng cư dân bên kia đường biên xâm canh xâm cư, khai thác lâm sản, thủy sản trái phép; đặc biệt xã Lục Lầm bị xóa tên vào những năm 80 thế kỷ trước, thì nay Đoàn 327 Quân khu 3 đã đưa 150 hộ dân ra làm ăn sinh sống, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển sản xuất, tạo nên vành đai bảo vệ biên giới tại những điểm trống dân cư sát biên giới và thành lập lại đơn vị hành chính xã.

        Địa bàn khu kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thuộc Quân khu 1, gồm 12 xã giáp đường biên. Sau khi chiến sự nổ ra vào năm 1979, hầu hết các thôn bản ở đây đều “trắng” dân; cơ sở hạ tầng không còn; trong lòng đất lại nhiều bom mìn… Sau khi dự án khu kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn được triển khai, đến năm 2007 đã phục hồi hoàn tất 5 bản; số thôn bản khác đang được khôi phục. Khu kinh tế quốc phòng Bảo Lạc - Bảo Lâm (Cao Bằng) cũng khôi phục được 5 bản sát đường biên.

        Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc là khu vực phức tạp về an ninh chính trị. Nhưng với bề dày truyền thống và nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ binh đoàn trong việc tổ chức ổn định, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo được niềm tin của dân, nên thế trận quốc phòng - an ninh ở những vùng có dự án ngày càng ổn đỉnh, vững chắc. Điều đó được minh chứng qua sự kiện các thế lực thù địch kích động, gây bạo loạn chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên vào đầu năm 2001 và đầu năm 2004, số lao động là đồng bào dân tộc ít người vào làm việc tại các công ty của Binh đoàn 15, không có ai tham gia biểu tình, gây rối.

        Nói về vai trò của quân đội trong lĩnh vực làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, hay hiệu quả của những khu kinh tế quốc phòng, tôi xin dẫn đánh giá của Đảng ủy Quân sự Trung ương qua Nghị quyết 71/NQ-ĐUQSTW (ngày 22 tháng 4 năm 2002): “Quân đội đã thật sự là lực lượng xung kích giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn trong quá trình xây dựng đất nước, góp phần làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn hết thống nhất dân tộc Việt Nam, bảo vệ biên giới và chu quyền vùng biển của Tổ quốc, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu chống phá từ bên trong của các thế lực thù địch”.

        Xây dựng khu kinh tế quốc phòng là một quá trình lâu dài, phức tạp, khó khăn; nhưng với truyền thống tốt đẹp của những người “khai sơn phá thạch”, với những thành tựu, hiệu quả đạt được bước đầu trên tất cả các mặt, với những quyết sách, chủ trương cụ thể hiện nay của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, quân đội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đang, Nhà nước giao; phấn đấu để những khu kinh tế quốc phòng là một nguồn nội lực của đất nước góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội trên những địa bàn chiến lược.

        Giờ đây, nếu có dịp ngắm nhìn, hay đi giữa những cánh rừng cao su ngút ngàn tầm mắt của Binh đoàn 15, Binh đoàn 16; đi giữa những vườn cà phê trĩu quả trên vùng đất đỏ, cao nguyên, nghe râm ran tiếng nam thanh nữ tú chuyện trò trong mùa thu hoạch; hay đứng ở công trường thủy điện, ngắm người lính thợ của Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Thành An điều khiển những chiếc cần cẩu vươn dài “cánh tay” bạt núi ngăn sông như Sơn Tinh chế ngự Thủy Tinh trong thế kỷ XXI… mới thật sự vững tin vào thực tại và tiềm năng, tương lai của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế - quốc phòng, vững tin vào đất nước từng ngày từng ngày mạnh giàu hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 08:55:59 am »


THAY LỜI KẾT

        Thưa cùng bạn đọc!

        Ông bà chúng ta từng dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Với tôi, chỉ ngần ấy thôi mà học đến chót cuộc đời vẫn chưa tới. Mở đầu tập hồi ký viết gì và “gói” lại bằng gì, thật chẳng dễ chút nào.

        Trên bảy chục tuổi đời, 55 tuổi quân, đồng hành cùng những người lính Cụ Hồ, cùng đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, rồi xây dựng đất nước, xây dựng quân đội theo đường lối đối mới…, nay tôi đã được Đảng, Nhà nước cho “gác súng, treo gươm”. Ở điểm dừng này, ngoái nhìn cuộc đời mình - đời chiến sĩ, có biết bao kỷ niệm buồn - vui, sướng - khổ; đối mặt và vượt lên biết bao khó khăn thách đố dữ dằn… để trưởng thành như ngày hôm nay.

        Hạnh phúc biết bao khi được là con của đất Việt, của quê hương Kinh Bắc trải mấy nghìn năm bất khuất anh hùng mà đậm đà sâu lắng chất nhân văn. Truyền thống hào hùng của đất nước quê hương, gia đình nguồn cội, mục tiêu lý tưởng của Đảng quang vinh… là tố chất quyết định, tôi luyện nên thế hệ chúng tôi - những người lính Cụ Hồ suốt đời chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì đạo lý, lẽ phải trên đời.

        Khi ngồi trước trang giấy để ghi lại những dòng hồi ức của mình, những mong góp một chút gì đó có ích cho đời, dù chỉ nhỏ nhoi thôi, thì trong tôi lại hiển hiện biết bao hình bóng thân thương, từ những đấng sinh thành, bạn bè thuở chăn trâu cắt cỏ ở đồng đất Phù Lãng, đến đồng chí đồng đội chiến đấu bên nhau suốt những năm dài chiến tranh; bà con cô bác khắp mọi vùng quê từng cưu mang, đùm bọc chở che…

        Cảm ơn độ lùi thời gian cho phép tôi cảm nhận cuộc đời được sâu lắng, đa chiều hơn. Nhưng cũng buồn, vì thời gian như chính kẻ thù của ký ức. Cuộc đời, với ngót ba chục năm chinh chiến và trên hai chục năm công tác, có biết bao sự kiện, tình tiết rất đáng nhớ đan cài, mà trí nhớ lại có hạn. Vậy nên, điều tôi nhớ được, viết lại trong tập hồi ký này chỉ là thiểu số so với thực tế những gì tôi đã sống, đã trải nghiệm. Chỉ biết rằng, hết thảy những điều tôi có được như ngày nay là kết quả tôi rèn, dung dưỡng của Đảng, quân đội, nhân dân. Cảm ơn Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã cho tôi ý chí, niềm tin để chiến đấu, cống hiến vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.

        Tôi cũng muốn qua những dòng hồi ký của mình bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đồng chí, bạn bè, bà con cô bác từng gắn bó với tôi suốt những năm chiến tranh đầy gian khổ hy sinh; từng chia nhau niềm vui, nỗi buồn, nhận hy sinh về mình, dành cho tôi sự sống và sự giúp đỡ, động viên trong những tháng năm sau này.

        Cảm ơn gia đình, với người mẹ “mang nặng, đẻ đau”, nuôi dạy tôi nên người anh chị em ruột rà, vợ và các con cháu…, luôn là điểm tựa về tinh thần, giúp tôi dồn hết tâm sức cho chí làm trai thời trận mạc và cả khi bóng chiều đổ xuống cuộc đời.

        Xin được dành một vài dòng ngắn ngủi cảm ơn tập thể Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương – Văn phòng Bộ Quốc phòng và các cộng sự gần gũi nhất là Hà Huy Nguyên, Đào Văn Tân - thư ký, Nguyễn Hữu Nam - bác sĩ, Khổng Văn Tường - trợ lý bảo vệ; Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Long lái xe…, đã làm việc với nhiệt tình, trách nhiệm cao, giúp tôi giải quyết biết bao công việc hằng ngày, lo cho tôi mỗi bước đi xa, từng bước đi gần; viên thuốc, lọ dầu… khi trái gió trở trời, vì dù sao tôi cũng mang trên mình năm, bảy vết thương.

        Cảm ơn Đại tá Nguyễn Duy Tường, chỉ trong một thời gian ngắn, điều kiện tiếp cận thực tế khai thác tư liệu hạn hẹp, đã giúp tôi hoàn chỉnh tập hồi ký, cho dù cả tôi và anh đều ý thức được còn nhiều điều cần chỉnh sửa, bổ khuyết.

        Cuối cùng, xin được cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Công ty Him Lam, Tổng công ty Viễn thông quân đội… đã giúp đỡ, tài trợ để những dòng hồi ký của tôi đến được đông đảo bạn đọc gần xa.

Hà Nội, ngày cuối Đông - Mậu Tý       

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM