Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:13:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mở đầu toàn quốc kháng chiến  (Đọc 28135 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:44:35 pm »


     
        - Tên sách: Mở đầu toàn quốc kháng chiến
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản: 2006
        - Số hoá: ptlinh, chuongxedap

        Chủ biên:

        - VŨ NHƯ KHÔI
        - ĐÀO TRỌNG CẢNG

        Tham gia biên soạn:

        - PHẠM BÁ TOÀN
        - NGUYỄN ĐỨC HÙNG
        - HOÀNG ĐỨC NHUẬN
        - ĐẬU XUÂN LUẬN



TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
(Ngày 2 tháng 9 năm 1945)

        Hỡi đồng bào cả nước,

        “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong nhũng quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

        Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

        Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 cũng nói:

        “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

        Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

        Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

        Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào.

        Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

        Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

        Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

        Chúng dùng thuốc phiện, ruợu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

        Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.

        Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

        Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

        Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

        Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

        Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng: mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

        Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

        Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

        Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.

        Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

        Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

        Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam; tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

        Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

        Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

        Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

        Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

        Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

 
HỒ CHÍ MINH        
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tư, 2020, 04:18:17 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:49:39 pm »

     
Phần thứ nhất

TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN


Chương 1

NAM BỘ VÀ MIỀN NAM TRUNG BỘ MỞ ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

      
I. NAM BỘ MỞ ĐẦU KHÁNG CHIẾN

        Âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp đã được hoạch định ngay từ khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm và càng được ráo riết thực hiện khi quân Đồng minh thắng trận. Ngày 14 tháng 3 năm 1945, Đờ-gôn - lãnh tụ kháng chiến lưu vong, đã ra tuyên bố rõ ý đồ đen tối: “Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang gồm năm xứ (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên, Ai Lao), liên bang Đông Dương cùng với nước Pháp xây dựng thành khối liên hiệp Pháp mà quyền đối ngoại sẽ do Pháp đại diện”.

        Ngay trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp đã mở đầu kế hoạch tái chiếm Đông Dương bằng những cuộc nhảy dù biệt kích đưa bọn sĩ quan cai trị đến Việt Nam.

        Mười ngày sau cuộc nhảy dù đầu tiên xuống phía Bắc, đêm 22 tháng 8 năm 1945 máy bay không quân Hoàng gia Anh đã thả một tốp người xuống vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, trong đó có đại tá Xê-đi đã được Đờ-gôn trao chức ủy viên Cộng hoà tại Nam Kỳ.

        Trong khi toàn dân đang gấp rút chuẩn bị kháng chiến thì bọn thủ lĩnh của nhiều đảng phái ở trong nước chẳng những không hề nghĩ đến việc hợp sức với toàn dân, bảo vệ độc lập mà còn lợi dụng cơ hội ra sức phá hoại, gây rối, hòng tranh giành quyền lực, thậm chí tiếp tay cho giặc.

        Ở Nam Bộ, nhóm Trốt-kít đứng đầu trong các hoạt động phá hoại. Đi đôi với các hành động khiêu khích, gây chia rẽ mặt trận đoàn kết, bọn này ra công khai báo “Thợ thuyền”, “Tranh đấu” vừa gieo rắc bi quan hoài nghi, vừa hò hét “Vũ trang toàn dân”, “Tiêu diệt hết người da trắng”..., để tạo cơ hội nắm lực lượng vũ trang.

        Ngày 21 tháng 8 năm 1945, ở Sài Gòn, bọn cầm đầu thân Nhật trong lực lượng Cao Đài đã tập hợp hai vạn tin đồ nhằm biểu dương lực lượng, tính chuyện lâu dài.

        Ngay trong những ngày Cách mạng tháng Tám, bọn Quốc dân Đảng trong người Hoa tích cực hoạt động, hạ cờ đỏ sao vàng, treo cờ Quốc dân Đảng Trung Hoa để đón đại quân của Tưởng”.

        Song song với những cuộc tiếp xúc của Chính phủ ta với Xanh-tơ-ny ở Hà Nội, tại Sài Gòn, ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ tổ chức tiếp xúc với Xê-đi. Tuy bị choáng váng trước khí thế cách mạng đang sôi sục ở Sài Gòn, Xê-đi vẫn ngoan cố bám giữ lập trường thực dân của Đờ-gôn ngày 24 tháng 3 năm 1945.

        Các cuộc tiếp xúc trên đều không đi đến kết quả, nhưng qua đó ta tỏ rõ thiện chí và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta. Độc lập là nguyên tắc tối cao cho mọi chủ trương, chính sách và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam.

        Chỉ một thời gian ngắn sau khi giành chính quyền, Mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ phát triển rất mạnh. Các hội cứu quốc của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ được tổ chức thống nhất trên toàn quốc. Nhiều hội cứu quốc khác được thành lập đã thu hút nhiều thành phần trước kia còn đứng ngoài mặt trận, trong đó có Hội Phật giáo, Đoàn hướng đạo...

        Trong xây dựng lực lượng vũ trang, ta đã kế thừa một bộ phận lớn quần chúng vũ trang trong tổng khởi nghĩa, nghèo vũ khí nhưng tinh thần rất hăng hái, kiên quyết bảo vệ độc lập.

        Tại Gia Định - một tỉnh ven Sài Gòn, các lực lượng, trong đó phần lớn là công nhân và thanh niên tiền phong đã tham gia giành chính quyền, đứng đầu là các đồng chí Phạm Văn Khung, Nguyễn Văn Công (Gò Vấp), Thái Văn Lung, Đào Sơn Tây, Trần Thắng Minh (Gò Vấp, Dĩ An), Vũ Văn Mỹ (Thủ Đức)... đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng sau khi giành chính quyền.

        Ở các tỉnh khác thuộc miền Đông Nam Bộ, từ tỉnh đến xã lực lượng vũ trang được hình thành từ Cách mạng tháng Tám dưới hình thức tự vệ, dân quân... sau đó Cộng hoà vệ binh và những phân đội tập trung, không có chỉ huy chung.

        Ở Thủ Dầu Một, ngoài lực lượng vũ trang của công nhân cao su còn có lực lượng của đồng bào các dân tộc ở rừng núi. Ở Biên Hoà, ngoài lực lượng tự vệ về sau có lực lượng của ủy ban kháng chiến miền Đông, nhưng chỉ huy lại là Lương Văn Tương (Ủy viên trưởng Ủy ban kháng chiến miền Đông), một phần tử thân Nhật. Ở Long Thành, Châu Thành có “bộ đội” riêng. Tây Ninh là một trong những tỉnh có lực lượng vũ trang khá mạnh, bao gồm các lực lượng vũ trang của công nhân cao su, lực lượng của thị xã và các huyện. Bà Rịa là nơi lực lượng vũ trang tập trung có nhiều vũ khí hơn các tỉnh khác của miền Đông (chỉ sau Sài Gòn) - có khoảng 300 khẩu “mút” của Pháp, Nhật lấy ở Trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:50:46 pm »


        Về lực lượng tập trung, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ công nhận một đơn vị lớn mang tên đệ nhất sư đoàn và gọi là Cộng hoà vệ binh, thành phần gốc là ba lữ đoàn bảo an binh sau đó thu thêm thanh niên, công nhân, nông dân, học sinh, cựu binh sĩ, một số đảng viên cộng sản, có khoảng 10.000 người, 400 súng. Cộng hoà vệ binh có hệ thống xuống các tỉnh là những đơn vị bảo an binh cải tổ (trừ bốn tỉnh: Sa Đéc, Hà Tiên, Rạch Giá, Biên Hoà).

        Chỉ huy Cộng hoà vệ binh ban đầu là Kiều Công Cung sau đó là Trương Văn Giàu. Tuy nhiên, thành phần nòng cốt cũng như hệ thống chỉ huy trong lực lượng chưa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

        Sự tổn thất của Xứ ủy và bất đồng trong Đảng ở Nam Kỳ trước Cách mạng tháng Tám (giữa hai nhóm “Tiền phong” và “Giải phóng”) có ảnh hưởng đến việc xây dựng lực lượng vũ trang ở Nam Bộ trong buổi đầu kháng chiến, nhất là sự thiếu hoàn chỉnh về chính trị, tổ chức ở nhiều đơn vị. Trong lực lượng vũ trang không chỉ có những chiến sĩ du kích Nam Bộ, lực lượng vũ trang quần chúng, tự vệ, công đoàn xung phong, Cộng hoà vệ binh, mà còn có những bộ phận vũ trang lớn do các phần tử cơ hội, cát cứ cầm đầu.

        Trong các nhóm vũ trang tự lập, trừ những phần tử cơ hội và phản động thường ở cấp chỉ huy, phần lớn binh sĩ và số chỉ huy còn lại vốn sẵn tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc đã được dòng xoáy cách mạng cuốn hút theo tiếng gọi độc lập tự do mà chưa kịp nhìn ra kẻ giả, người thật. Gần gũi cách mạng nhất có lực lượng vũ trang Bình Xuyên, một lực lượng sẵn sàng sống chết với quân thù, nhưng còn nặng tính giang hồ, thiếu kỷ luật.

        Trước tình hình quân Anh - Pháp sắp gây hấn, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ chủ trương thừa nhận các lực lượng tự lập thành 4 sư đoàn “dân quân cách mạng” và tổ chức lễ tuyên thệ trung thành với Chính phủ.

        Cuối tháng 8 năm 1945, với danh nghĩa vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn xuống phía bắc vĩ tuyến 16, mang theo cả kế hoạch tập hợp các phần tử, các đảng phái phản động để thành lập chính quyền tay sai, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài; trong khi đó, cũng với danh nghĩa trên, sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh kéo theo quân Pháp chuẩn bị vào phía nam vĩ tuyến 16, giúp Pháp tái chiếm Đông Dương lập lại thuộc địa cũ.

        Trong tình thế phức tạp, khó khăn đó, Đảng ta kịp thời chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa các loại kẻ thù, để tránh xung đột, trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và điều cơ bản là “ta có mạnh họ mới đếm xỉa đến”, “chỉ có thực lực của ta mới quyết định sự thắng lợi giữa ta với Đồng minh”.

        Tướng Đa-glớt Grê-xi (Douglas D.Gracey), tư lệnh sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh, người trực tiếp thực hành việc giúp Pháp trở lại Đông Dương, muốn bóp chết chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng ngay trong trứng nước. Grê-xi đã vu cáo ta không giữ được trật tự và lệnh phương diện quân Nam của Nhật (thống chế bá tước Nhật Tơ-ru-chi) tăng cường lực lượng tại Sài Gòn (lúc này quân Nhật chưa bị giải giáp đang được quân Anh sử dụng với những mưu đồ đen tối). Ngày 4 tháng 9, các tiểu đoàn Nhật từ các tỉnh Nam Bộ kéo về Sài Gòn - Chợ Lớn. Việc đầu tiên của lực lượng này là đòi Ủy ban hành chính địa phương tước khí giới và giải tán các lực lượng vũ trang cách mạng. Hành động hỗn xược đó gây công phẫn trong mọi tầng lớp nhân dân. 22 giờ đêm, công nhân Sài Gòn kéo đến trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ, lập bàn thờ Tổ quốc, họp mít tinh, biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Là chiến sĩ xung phong công đoàn xin thề trước bàn thờ Tổ quốc quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”.

        Ngày 6 tháng 9 năm 1945, một đại đội gồm 120 lính Pháp của trung đoàn thuộc địa số 5 mặc quân phục Anh trà trộn cùng một đơn vị quân Anh đầu tiên đến Sài Gòn.

        Pháp kiều, trong đó số đông công chức, mật thám cũ, chủ nhà băng, chủ đồn điền... kéo nhau ra đón đoàn quân Pháp mặc quân phục Anh, cuồng nhiệt reo hò “nước Pháp đã trở lại xứ Đông Pháp”. Dựa vào quân Anh, được quân Nhật hỗ trợ và có thêm lực lượng, quân Pháp tiếp tục gây ra hàng loạt vụ khiêu khích. Bọn Trốt-kít, bọn lưu manh thừa cơ tụ tập gây ra những vụ kích động điển hình như vụ tàn sát người Pháp ở khu Hê-rôn - Tân Định. Lấy cớ đó bộ tư lệnh Anh ra lệnh cho tổng hành dinh quân Nhật buộc chính quyền ta phải giải tán dân quân, cấm biểu tình, cấm thường dân mang vũ khí, kể cả dao gậy. Quân Nhật được lệnh làm cảnh sát giữ trật tự trong thành phố.

        Tin quân Pháp trở lại và hành động tráo trở của quân Anh, quân Nhật làm sôi sục lòng dân từ Sài Gòn ra khắp Nam Bộ và cả nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:52:03 pm »


        Ngày 8 tháng 9 năm 1945, hai ngày sau khi quân Anh vào Sài Gòn, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa.

        Hỡi đồng bào!

        Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu”
1.

        Bên cạnh các vấn đề đối ngoại phức tạp buộc nhân dân ta phải tạm “dằn lòng” đợi lệnh trong hoàn cảnh thực tế đất nước đang cần thời gian để chuẩn bị thực lực.

        Trong lúc toàn dân đang ráo riết chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu thì ở Sài Gòn bọn phản quốc, bọn đầu cơ chính trị như Nguyễn Văn Thinh, Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm... lại rậm rịch ngóc đầu dậy chuẩn bị đón chủ cũ. Nguyễn Tấn Cường, một tên mật thám cũ, đứng ra lập “đảng Nam Kỳ”, Nguyễn Văn Tỵ lập “đảng Đông Dương tự trị”, thực hiện âm mưu của thực dân Pháp tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, lập xứ “Nam kỳ quốc”. Các tổ chức thân Nhật như Đại Việt Cách mạng đảng, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Duy tân đảng, Thanh niên Ái quốc đoàn, Việt Nam Phục quốc, Việt Nam Dân xã đảng... do Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm... cầm đầu, lúc này cũng ráo riết hoạt động.

        Ngày 10 tháng 9, đại diện phái bộ Anh ngang ngược đòi chiếm Nam Bộ phủ (dinh toàn quyền cũ).

        Liên tiếp từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 9 năm 1945, Grê-xi cùng một lữ đoàn thuộc sư đoàn 20 Hoàng gia Anh và hai đại đội còn lại của tiểu đoàn biệt kích thuộc trung đoàn thuộc địa số 5 của Pháp đổ bộ xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó một tiểu đoàn lính thuộc địa Anh Góc-kha đến Sài Gòn. Grê-xi cho quân chiếm luôn sân bay Biên Hoà.

        Trước tình thế phức tạp, Ủy ban nhân dân Nam Bộ phải nhượng bộ, dời trụ sở của mình về dinh đốc lý, giao Nam Bộ phủ cho quân Anh, bọn phản động gồm Đại Việt và Trốt-kít lại có dịp “kết tội” Chính phủ, tung ra khẩu hiệu đả kích Ủy ban nhân dân và Kỳ bộ Việt Minh thiếu kiên quyết bảo vệ chủ quyền.

        Phản bội lời hứa chỉ dùng dinh toàn quyền cũ cho phái bộ Đồng minh, Grê-xi đã trao ngay Nam Bộ phủ cho đại tá Pháp Xê-đi. Người Pháp không bỏ lỡ cơ hội biểu dương uy thế đã lỗi thời. Ngày 13 tháng 9 năm 1945, khi Sài Gòn đang âm ỉ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới, thì một lá cờ ba sắc đột ngột xuất hiện trước dinh toàn quyền cũ. Bên trong, một đại đội lính Pháp bồng súng chào. Bên ngoài, nhiều người Pháp đứng nghiêm hát “Mác-xây-e”. Đó là buổi lễ chào cờ đầu tiên của người Pháp ở Sài Gòn sau đêm Nhật đảo chính Pháp (9 tháng 3 năm 1945) và chỉ mới hơn mười ngày sau ngày lễ độc lập của nhân dân ta. Sự việc xảy ra ở ngay dinh toàn quyền cũ gợi lên hình ảnh một tên toàn quyền thực dân đang sống lại đầy thách thức. Đối với người Việt Nam, đó là điều không thể chấp nhận được. Đồng bào kéo đến trước dinh toàn quyền cũ mỗi lúc một đông. Bên trong hàng rào, quân lính Pháp đã sẵn sàng nổ súng. Trước nguy cơ đổ máu có thể xảy ra, có bốn thanh niên ở trần, mặc quần cụt vào xin đại diện Chính phủ ta cho trèo vào dinh toàn quyền cũ hạ cờ Tây. Được cấp báo tình thế nguy hiểm, Grê-xi tức tốc điện cho Xê-đi phải ra lệnh hạ cờ Pháp ở dinh toàn quyền.

        Lá cờ ba sắc ở dinh toàn quyền cũ đã buộc phải hạ xuống, nhưng tình thế đã hết sức khẩn trương. Chính trong ngày đó (ngày 13 tháng 9), lệnh tản cư chuẩn bị chiến đấu của Ủy ban nhân dân Nam bộ được ban hành. Trong lời kêu gọi tản cư có đoạn: “... Ai không có phận sự gì; ai có thể về tỉnh thì mau tản cư, thứ nhất là đàn bà, trẻ em và người già... Ta cố tránh sự xung đột có thể xảy ra, nhưng nếu người Pháp cố sức đem lại chế độ thực dân thì khi ấy, toàn thể quốc dân không còn chịu được nữa”.

        Tiếp theo lệnh tản cư, Ủy ban nhân dân Nam Bộ ban hành những quy định cụ thể về lệnh bất hợp tác với người Pháp trong các vấn đề làm công, dẫn đường, đi lính, bán hàng... đồng thời kêu gọi đồng bào trước khi “dùng vũ lực chống lại lựu đạn Pháp”, “quyết lập cho Đại hội mặt trận tinh thần và mặt trận kinh tế đặng cho quân địch phải kinh hoàng về sự đồng tâm đoàn kết của nhân dân Việt Nam”.

        Trong không đầy một tuần lễ tiếp sau lệnh tản cư, bầu không khí chiến tranh bao trùm cả Sài Gòn và sáu tỉnh do hàng loạt sự kiện liên tiếp xảy ra: ngày 14 tháng 9, Grê-xi ra thông báo cấm nhân dân mang vũ khí và biểu tình; kể đó từ ngày 17 đến 20 ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm; đình bán tất cả báo chí ở Nam Bộ. Sau khi nhận chức thống đốc Nam Kỳ, ngày 19 tháng 9 Xê-đi họp báo trắng trợn tuyên bố: “Việt Minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam, Việt Minh bất lực, Pháp có nhiệm vụ lập lại trật tự, sau đó sẽ thành lập chính phủ phù hợp với tuyên bố ngày 24 tháng 3...”.

-------------------
        1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 11.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:52:35 pm »


        Bất chấp lệnh cấm ngang ngược của Anh, những trạm tuyển quân của chính quyền cách mạng mọc lên ở nhiều địa điểm. Thanh niên nô nức ghi tên nhập ngũ. Bộ đội Cộng hoà vệ binh vẫn mặc quân phục canh gác công sở, tuần tra đường phố. Đang lúc hăng hái muốn ra trận, nhiều người không biết rằng, ngoài những địa điểm tuyển quân do cách mạng tổ chức, còn có những trạm do bọn phản động, bọn đội lốt tôn giáo tổ chức để mộ người vào đơn vị vũ trang của chúng, hòng gây thế lực, tính chuyện về sau. Do đó, một số người yêu nước đứng vào đội quân của chúng.

        Ngay trong ngày Xê-đi họp báo (ngày 19 tháng 9), Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra hịch truyền đi toàn Nam Bộ. Tờ hịch nêu rõ: “Nếu họ đem quân đội đánh cướp lấy xứ ta, toàn dân sẽ triệt để tổng bãi công; triệt để bất hợp tác với Pháp, kháng chiến đến toàn thắng”.

        Thực tế, trước đó nhân dân Sài Gòn đã tỏ rõ thái độ bất hợp tác với quân đội chiếm đóng. Ngày 17 tháng 9 đã diễn ra cảnh “tuy là chủ nhật, nhưng khu chợ vắng tanh, tàu điện đứng chết trên đường, vắng hẳn xe kéo, những người bồi cũng không thấy đâu, các cửa hàng đóng khoá, không có thư tín và cũng không có điện...”.

        Ngày 20 tháng 9, tiếp theo lệnh cấm báo chí ở Nam Bộ, phái bộ Anh tuyên bố giữ quyền kiểm soát Sài Gòn, đòi thả những người Pháp đang bị giam giữ, buộc quân ta rút khỏi thành phố, đòi đặt lực lượng quốc gia tự vệ cuộc (lực lượng cảnh sát ở Nam Bộ) dưới quyền chỉ huy của chúng.

        Ngày 21 tháng 9, Grê-xi ra lệnh thiết quân luật và thoả thuận với Xê-đi về việc “lập trật tự ở Sài Gòn”. Hành động đầu tiên sau thoả thuận này là việc kiểm soát khám lớn Sài Gòn. Ngày 22 tháng 9, quân Anh lặng lẽ thay thế quân Nhật tiếp quản khám lớn, thả tù binh Pháp.

        Ngày 22 tháng 3, tại trại lính trung đoàn thuộc địa số 11 (11e RIC) bị Nhật chiếm từ đêm 9 tháng 3 năm 1945 và làm nơi giam giữ lính Pháp, 1.500 tù binh Pháp khoẻ mạnh được tuyển chọn, phân phát khí giới, biên chế thành đơn vị, toả ra các địa điểm hiểm yếu ở trung tâm thành phố. Số còn lại được giữ tại trại để chờ lệnh.

        Chiều ngày 22 tháng 9, quân Pháp lại lặng lẽ thay thế quân Nhật, chiếm giữ nhiều đồn cảnh sát ở Sài Gòn.

        Cuộc chiến tranh sắp bùng nổ trong tình thế so sánh lực lượng không có lợi về phía quân và dân ta. Tính đến đêm 22 tháng 9 năm 1945, số quân địch ở Sài Gòn đã lên đến 10.000 gồm tiểu đoàn biệt kích thuộc 5e RIC (600 tên), tù binh của 11e RIC tái vũ trang (1.500 tên), “thường dân” Pháp có vũ trang (500 tên), một lữ đoàn quân Anh (2.500 tên) và khoảng 7 tiểu đoàn quân Nhật (5.000 tên). Thực dân Pháp còn có sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9e RIC) đang trên đường sang Đông Dương. Lực lượng hải quân, không quân sẵn sàng chi viện.

        Phía ta, tại Sài Gòn, sau khi lực lượng vũ trang tập trung rút ra ngoại ô ngày 20 tháng 9, ta chỉ còn trong nội thành ngoài một số Cộng hoà vệ binh tuần tra, canh gác công sở, khoảng 6.000 tự vệ xung phong công đoàn, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung phong, được chọn và tổ chức thành 320 đội xung phong với 120 súng các loại, 3.000 lựu đạn, còn lại là gậy tầm vông, giáo mác...

        Tuy nhiên, trước giờ Tổ quốc lâm nguy, quân dân ta có một ưu thế tuyệt đối không gì so sánh được. Đó là ý chí độc lập tự do của toàn dân.

        Đoán đúng âm mưu của giặc “mời” Chủ tịch ủy ban nhân dân Nam Bộ đến gặp để bàn bạc, thực chất là bắt giữ làm con tin để đánh úp trụ sở - Ủy ban nhân dân Nam Bộ nhận lời mời của chúng để đánh lạc hướng, nhưng đã khẩn trương dời toàn bộ cơ quan ra khỏi dinh đốc lý cũ.

        3 giờ sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp được quân Anh trợ lực tổ chức đánh úp Sài Gòn mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng loạt mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế chủ yếu của ta trong thành phố bị tiến công: Sở Cảnh sát, nhà Mật thám, Kho bạc, nhà Đèn... Các lực lượng bảo vệ của ta dũng cảm chống trả, nhưng vì lực lượng địch đông gấp bội, các trận địa trên đều lần lượt rơi vào tay địch.

        Được thể, sáng ngày 23 quân Pháp chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Chiến sĩ gác cổng hy sinh ngay từ đầu, lực lượng bảo vệ chiến đấu ngoan cường, phần lớn hy sinh, số còn lại bị bắt, Nam Bộ phủ mới rơi vào tay địch. Một trong những trận đánh lớn đầu tiên xảy ra ở cầu Mác-ma-hông. Sau khi chiếm cầu, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm các cầu trọng yếu trong thành phố như cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội... quân giặc bắn giết rất dã man; nơi nào có lính Pháp chết, nơi đó chúng tìm bắt, đánh đập hoặc bắn tại chỗ bất kỳ người Việt Nam nào, bất kể đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:53:22 pm »


        Trong lúc đó, ngay sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, tại căn cứ ở đường Cây Mai, Chợ Lớn, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ xúc tiến một cuộc họp quan trọng để đi đến quyết định hành động có tính chất sống còn trước diễn biến nghiêm trọng của tình hình. Tham dự cuộc họp, có đồng chí Hoàng Quốc Việt đại diện Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh 2. Đêm trước (ngày 22 tháng 9 năm 1945) Trung ương có điện gửi đồng chí Hoàng Quốc Việt và Xứ ủy hết sức tránh đụng chạm với quân Đồng minh.

        Hội nghị có hai ý kiến, một bên muốn “đánh ngay”, một bên muốn “chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác” để chờ. Địch đang lấn tới, lòng dân đang sôi sục đã đến mức không kìm lại được; tuy nhiên về thực lực, yếu tố chính trị, tinh thần, lực lượng vũ trang và cơ sở vật chất ta chưa đủ sức cho một cuộc đụng đầu quyết liệt. Khả năng hoà hoãn để chuẩn bị kháng chiến còn hay không là câu hỏi lớn đặt ra và lời giải đáp đúng sẽ là cơ sở cho một quyết định chính xác trong giờ phút lịch sử này. Cũng có ý kiến đề nghị tổ chức một cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia, bất chấp súng đạn của địch để tỏ rõ cho chúng biết: ta thà hy sinh tất cả chứ không để mất tự do, độc lập.

        Hầu hết các đồng chí lãnh đạo Nam Bộ đứng về phía muốn phát động ngay cuộc kháng chiến toàn dân, kịp thời trừng trị quân cướp nước. Với trách nhiệm lớn trước Trung ương Đảng, trước nhân dân và lịch sử, đồng chí Hoàng Quốc Việt là người quyết định ý kiến cuối cùng. Nhiệm vụ được giao cho phái đoàn Trung ương trước khi ra đi là cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng ở Nam Bộ tiến hành tổng khởi nghĩa và xây dựng chính quyền cách mạng, nhưng giờ đây mới giành chinh quyền được 28 ngày rưỡi, kẻ thù đã dồn nhân dân ta vào tình thế không còn con đường nào khác là cương quyết đứng lên, cầm vũ khí chiến đấu. Sau hai giờ bàn bạc căng thẳng, ý kiến ngã ngũ là đánh ngay nhưng phải lập tức báo cáo lên Trung ương. Đường dây liên lạc ra Hà Nội lại bị hỏng. Quyết định cuối cùng của Hội nghị: một mặt tìm cách điện báo gấp ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt Xứ ủy, Ủy ban nhân dân ra ngay lệnh kháng chiến. Cần tập trung chống bọn xâm lược Pháp, đồng thời vạch trần thái độ xấu xa của thực dân Anh. Cuộc họp bế mạc lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945.

        Chiều ngày 23 tháng 9, bản “Tuyên cáo quốc dân”, cũng chính là hịch kháng chiến được ban hành:

        “Đồng bào Nam Bộ!

        Vì coi quân đội Anh là đại biểu của Đồng minh tới đất nước chúng ta giải giáp quân Nhật để đem lại hoà bình cho dân chúng Đông Dương nên chúng tôi - Ủy ban nhân dân Nam Bộ - luôn giúp cho quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng. Mặc dù có nhiều điều bất mãn, đã nhiều lần chúng tôi kêu gọi quốc dân nén lòng căm giận để chờ đợi cuộc vận động ngoại giao với Đồng minh trên trường quốc tế nhưng do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, bọn thực dân Pháp đã làm nhiều điều quá đáng.

        …Không lẽ chịu nhục hoài, vì danh dự của dân tộc, chúng ta phải coi trọng quyền lợi quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Chính phủ Trung ương xin cho phép kháng chiến. Chúng tôi đã:

        1. Lập Ủy ban kháng chiến để lo việc quân sự.

        2. Hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với người Pháp.

        3. Truyền đi lục tỉnh thi hành kế hoạch phá hoại đường giao thông tiếp tế để bao vây quân địch.

        4. Kêu gọi đồng bào tố cáo Việt gian nguy hiểm...

        Đồng bào thân mến!

        Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”.


        Đi liền với quyết định kháng chiến là việc tổ chức bộ máy kháng chiến: Ủy ban nhân dân đổi thành Ủy ban kháng chiến, phân công một số đồng chí cùng với Thành ủy Sài Gòn và Ban chấp hành công đoàn lãnh đạo kháng chiến trong thành phố, nội thành được chia thành 16 khu vực tác chiến để đảm bảo việc chỉ huy và phục vụ chiến đấu nhanh chóng, thuận tiện, tiến hành tiêu thổ kháng chiến triệt để, đốt phá hết các nhà máy, kho tàng, không cho địch sử dụng.

        Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn đầu tiên gồm các đồng chí Nguyễn Văn Tư, Huỳnh Đình Hai, Từ Văn Ri...

        Tình thế hết sức khẩn trương nhưng việc chuẩn bị kháng chiến còn nhiều mặt lúng túng: phương thức tác chiến chưa cụ thể; chưa kịp thời xử trí bọn tay sai phản động; việc tổ chức nhân dân tản cư còn chậm, kho bạc không đưa được ra ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:54:45 pm »


        Tại Hà Nội, khi nhận được điện báo cáo về quyết định tại Hội nghị Cây Mai, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Hội nghị hạ quyết tâm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do và kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho nhân dân Nam Bộ. Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập những đơn vị Nam tiến chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

        Ngày 24 tháng 9, Chính phủ lâm thời gửi mệnh lệnh kháng chiến cho quân dân Nam Bộ.

        Trong lời hiệu triệu gửi đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi: Ai có dao dùng dao, ai có mác dùng mác, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi thước đất là một chiến hào... tất cả hãy xông ra bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mới phôi thai...

        Ngày 26 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến đồng bào Nam Bộ. Trong thư, Bác viết: “... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”..., “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”…, “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

        Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”1.

        Trong khi Sài Gòn đang sôi sục không khí chuẩn bị kháng chiến, ngày 22 tháng 9 năm 1945, một trong những chiếc thuyền đưa các chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ ở Côn Đảo về đất liền đã cập bến miền Tây Nam Bộ, trong đó có nhiều cán bộ quan trọng của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng...

        Đối với Xứ ủy Nam Bộ, vấn đề lãnh đạo và tổ chức nhân dân đánh giặc đang là vấn đề rất mới mẻ. Việc các đồng chí ở Côn Đảo, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ cốt cán của Đảng trở về không chỉ là nguồn tiếp sức vô cùng quý giá mà còn có ý nghĩa rất lớn trong vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo ở Nam Bộ trong suốt quá trình chiến tranh.

        Cho đến chiều ngày 23, quân Anh, Pháp đã chiếm được các mục tiêu trọng yếu ở hầu khắp thành phố, nhưng chỉ kiểm soát được từng khu vực. Đặc biệt, về đêm lực lượng cách mạng lại làm chủ hầu khắp thành phố.

        Mục tiêu của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lúc bấy giờ là kiềm giữ quân địch một thời gian tương đối dài, không cho chúng ra khỏi thành phố, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo, các cơ sở kháng chiến di chuyển về nông thôn và chuẩn bị triển khai kháng chiến ở các tỉnh.

        Trước tình hình nghiêm trọng, ngày 23 tháng 9, các tỉnh miền Đông và hầu khắp Nam Bộ khẩn trương tổ chức lực lượng chi viện cho mặt trận Sài Gòn. Khắp các ngả quốc lộ 1, 13, 4... có những đoàn quân tiến về mặt trận Sài Gòn. Những cây tầm vông vạt nhọn xuất hiện khắp đường đi, xóm làng, phố chợ... Đó là thứ vũ khí phổ biến nhất của quân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ngọn tầm vông, chiếc nóp đi vào lịch sử như một biểu tượng về tinh thần quyết chiến của nhân dân Nam Bộ trước hoạ xâm lăng. “Nói với giáp mang ngang vai”, “chân đi không” lên đường với lời “thề giết hết quân xâm lăng”. Những bài hát hào hùng ra đời đã thôi thúc hàng triệu người ra trận.

        Có biết bao cuộc cắt máu ăn thề. Ở mặt trận Chợ Đệm có một nhóm chiến sĩ góp máu cắt từ ngón tay mình vào ly nước chung, chuyền nhau uống, thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Có biết bao cuộc chia tay mà người ta không lường được là 30 năm sau mới gặp lại nhau. Trong thành phố, mọi thứ vật dụng từ bàn ghế, cột điện, cây cối... xe bò, xe kéo, xe thồ mộc đều được dùng làm lập chiến tuyến, chướng ngại ở các ngã ba, ngã tư. Trong các trận quyết tử nổi lên trận bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, sáng ngày 23 tháng 9, một đại đội quân Anh kéo đến cột cờ Thủ Ngữ định hạ lá cờ đỏ sao vàng, thay lá cờ ba sắc, đã đụng lực lượng bảo vệ cờ. Anh em chỉ có một tiểu đội, trang bị súng săn, dao găm, lựu đạn, chống chọi với một đại đội quân Anh có đầy đủ súng ống cho đến khi người cuối cùng ngã gục. Trước khi thay cờ, viên chỉ huy Anh đã phải tập hợp đại đội, bồng súng chào những người anh hùng của đối phương. Các chiến sĩ anh hùng ấy không để lại một di vật nào để từ đó có thể tìm ra tên tuổi. Họ trở thành những chiến sĩ vô danh mà sống mãi trong lòng dân.

----------------------
        1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 27.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:55:42 pm »


        Sau trận cầu Mác-ma-hông, cuộc phản công của quân dân Khánh Hội đêm 23 tháng 9 sau khi bốt cảnh sát Thương Khẩu ở đường Giăng Ê-đen (nay là đường Nguyễn Tất Thành) thất thủ, được coi là một trong những trận lớn nhất mở màn cuộc phản công của quân dân Sài Gòn.

        Ở khu chợ Bến Thành, các chị mua gánh bán bưng, các em nhỏ lăm lăm dao kiếm, gậy tầm vông, đòn gánh, hễ thấy một tên Pháp đi lẻ là lập tức xông tới.

        Ở Sở chữa lửa, một tiểu đội tự vệ công nhân chiến đấu cắm cờ trên tháp cao, người trước ngã, người sau tiến, quyết cắm bằng được. Bốn đội viên hy sinh anh dũng. Dưới chân cột cờ ở khu cầu Tháp Nước có thi thể của những em bé hy sinh, trong tay còn cầm gậy tầm vông.

        Ngày 25 có tin truyền: “Giặc chiếm khám lớn, bắt giam nhiều nhân viên Chính phủ”. Lòng người sôi sục. Ở khu gần khám lớn đồng bào mài dao, búa, vót tầm vông chất thành đống. Ngay đêm 25, diễn ra cuộc tiến công khám lớn. Búa tạ của các chiến sĩ dân quân đập tan cánh cửa khám. Hầu hết thanh niên và tù chính trị ở đây kịp tung cửa chạy ra.

        Trước hành động xâm lược trắng trợn, tàn bạo của thực dân Pháp, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đồng lòng, dốc sức chi viện cho cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam: “Phải trút toàn lực vào đó, hy sinh hết thảy vì mặt trận miền Nam”.

        Từ sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, cả nước đã theo dõi từng giờ, từng ngày những diễn biến và cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam Bộ. Những cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra sôi sục trên cả nước, biểu thị lòng phẫn nộ và quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của nhân dân. Khẩu hiệu đả đảo thực dân Pháp xâm lược, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”... giương cao khắp thành thị, nông thôn. Bên cạnh việc cổ động, xung phong vào các đoàn quân Nam tiến, các nơi còn tổ chức “tuần lễ ủng hộ Nam Bộ” bằng cả tinh thần và vật chất. Chùa chiền, nhà thờ cũng đánh chuông “làm lễ cầu nguyện cho chiến sĩ Sài Gòn, Nam Bộ, cầu siêu hương hồn liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do”. Lời ca “Tiếng súng vang sông núi miền Nam. Ầm đất nước Việt Nam... Ta muôn băng mình tới phương Nam xé xác quân hung tàn...”, ngày đêm thôi thúc, giục giã hàng triệu người xông lên cứu nước.

        Hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ lập “phòng Nam Bộ”, ghi tên những người tình nguyện vào đoàn quân Nam tiến. Danh sách tình nguyện có cả già, trẻ, gái, trai, công nhân, nông dân, thợ thủ công, học sinh, sinh viên, thầy thuốc, kỹ sư, nhà văn, nhà giáo, viên chức, Việt kiều, cựu binh sĩ... Một số nhà sư cũng tình nguyện cởi áo cà sa, lên đường giết giặc. Ba ngày sau khi quân Pháp khởi hấn ở Sài Gòn đã có đơn vị Nam tiến đầu tiên rời ga xe lửa Hàng Cỏ Hà Nội. Từ đó, không ngày nào không có những toa tàu chở quân Nam tiến hối hả băng về phương Nam. Trong lực lượng Nam tiến đợt đầu có nhiều đơn vị thuộc các chi đội giải phóng quân từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, đội du kích Ba Tơ...

        Suốt dọc đường Nam tiến, nhân dân mang cờ, băng khẩu hiệu, bánh trái chờ đón bộ đội. Nam tiến trở thành hình ảnh cả nước ra trận và nói lên ý chí “Nước Việt Nam là một”.

        Chỉ một thời gian ngắn, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều tổ chức mỗi tỉnh một đến hai chi bộ Nam tiến. Riêng Quảng Ngãi xin gửi ra mặt trận 10 chi đội.

        Đơn vị Nam tiến đầu tiên vào đến Sài Gòn kịp lúc ở đây đã hình thành các mặt trận tiền tuyến, một bộ phận đã chiến đấu trên mặt trận Thị Nghè, cầu Bông... Các lực lượng kế tiếp vào lúc quân Pháp đang mở rộng chiến tranh, phần lớn chiến đấu ở cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

        Lực lượng Nam tiến vào chiến trường đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu của quân dân miền Nam.

        Đêm ngày 26 tháng 9, ta chiếm lại được cầu Bông. Ngày 28 tháng 9, lực lượng Gò Vấp phục kích tại ngã ba Chú Ia bắn cháy một xe Jeép từ sân bay Tân Sơn Nhất chạy ra, giết chết viên đại tá Đơ-vai, đại diện cơ quan tình báo chiến lược Mỹ (CSS). Trong những ngày cuối tháng 9, các trận tiến công của quân ta thường diễn ra trên các trục giao thông ven Sài Gòn như các trận ở khu vực cầu Bình Lợi, cầu Chữ Y... Đặc biệt ngày 30 tháng 9, các đồng chí Trần Đình Xu, Hứa Văn Yến chỉ huy lực lượng Trường Quân chính Gia Định tiến công chiếm kho gạo, vải, thu 10 súng. Cho đến ngày 30 tháng 9, quân Pháp mới làm chủ được một dải hẹp từ bờ rạch Bến Nghé qua chợ Bến Thành đến chợ Tân Định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:56:22 pm »


        Những ngày vây hãm địch trong thành phố, lối đánh bất ngờ, đánh nhanh, rút nhanh, “xuất quỷ nhập thần” đã ra đời từ những đội cảm tử, những phân đội tự vệ, công đoàn xung phong.

        Cuối tháng 9, theo một cuộc họp ở Chợ Đệm do đồng chí Trần Văn Giàu chủ trì, ngoài mặt trận nội đô, Sài Gòn thành lập thêm ba mặt trận “tiền tuyến vòng ngoài” nhằm tiếp tục trong đánh ngoài vây, ngăn chặn bước tiến của quân Anh, Pháp ra khỏi thành phố.

        Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định còn gọi là mặt trận phía Bắc. Trận tuyến phía trước từ ngã ba sông Thị Nghè đến cầu Bông; giới tuyến bên trái dọc sông Sài Gòn, quốc lộ 13 từ ngã ba Thị Nghè, ngã ba Hàng Xanh, cầu Bình Triệu, giới tuyến bên phải từ cầu Kiệu ra ngã tư Phú Nhuận, ngã ba Chú Ia, ngã năm Chuồng Chó đến An Nhơn đi Lái Thiêu. Hàng ngàn đồng bào đã tham gia xây dựng chiến tuyến thành nhiều tầng, nhiều lớp có chiều sâu. Các lực lượng thay nhau chốt chặn các cửa ngõ, chiều sâu dựa trên ba trục: trục đường 13 (từ Thị Nghè, Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu), trục cầu Bông (Bà Chiểu, cầu Hang - Gò Vấp đến cầu Bến Phân), trục cầu Kiệu (xóm Thôn, ngã ba Chú Ia ra An Nhơn). Mặt trận này có lực lượng Nam tiến và các lực lượng vũ trang địa phương.

        Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, còn gọi là chiến tuyến phía Nam, hay mặt trận số 4 có lực lượng Nhà Bè, Tân Thuận, lực lượng vũ trang Bình Xuyên, bộ đội Ba Bang, bộ đội Bảy Trân. Trận tuyến kéo dài từ xóm Kinh Tẻ đến đầu cầu Chữ Y (Bình Đông) lực lượng được bố trí từ ngã ba Kinh Tẻ đến bến đò Tân Quy, từ cầu Chữ Y đến cầu Hiệp An.

        Mặt trận tiền tuyến phía Tây, Phú Lâm, Chợ Đệm án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ Đông Dương về đồng bằng sông Cửu Long.

        Thực tế qua diễn biến, Sài Gòn có thêm mặt trận tiền tuyến phía Tây Bắc, trận tuyến từ cầu Tham Lương án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ 1 lên Tây Ninh và Cam-pu-chia. Các trận đánh diễn ra quyết liệt ở khu vực cầu Tham Lương nên cũng gọi là mặt trận Tham Lương. Lực lượng của các đồng chí Huỳnh Tấn Chùa, Phạm Văn Ngói đánh địch cả phía trước, phía sau. Huyện ủy Hóc Môn tổ chức phong trào nhân dân tự vũ trang, lực lượng phát triển đều khắp, trang bị đủ các loại vũ khí, súng, gươm, gậy tầm vông, súng tự tạo. Từng nhóm lực lượng của các đảng viên “giải phóng” có từ ba đến năm khẩu súng: lực lượng Bảy Sanh, Sáu Sai, Hai Chiểu, Ba Tô Ký, Hai Bứa, anh Phầu, chị Năm Bi ở An Phú Xã; lực lượng Tư Luốc, Sáu Bằng ở Hóc Môn; lực lượng Nam Bồi, Tám Đào, Tám Dọn, Năm Thượt, Hai Chùa, Bảy Cứng ở khu vực Bà Điểm, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hoà, Bà Quẹo... Đây là lực lượng tiền thân của giải phóng quân liên quận sau này.

        Các mặt trận tiền tuyến không chỉ chốt chặn mà còn thực hiện thọc sâu phối hợp với lực lượng nội thành tiến công nhiều mục tiêu bên trong.

        Trong tuần lễ đầu sau ngày 23 tháng 9, ta đã phá hỏng, phá hủy 160 nhà kho, xí nghiệp, 80 tàu xuồng, 200 xe hơi, 20 đầu máy xe lửa.

        Những cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn không phải chỉ bằng gươm, súng. Chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban nhân dân, hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng công đoàn Nam Bộ, nhân dân thực hiện triệt để bao vây, triệt để vườn không nhà trống, triệt để mọi phương tiện sinh hoạt và nguồn lương thực, thực phẩm, triệt để bất hợp tác với quân xâm lược...

        Chỉ qua một đêm 23 tháng 9, Sài Gòn trở thành một phố chết: không điện, thiếu nước, thiếu lương thực, thực phẩm, không có hoạt động sản xuất, mua bán... Mặt trận này đã gây nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược. Chính một người Pháp trong cuộc đã phải than thở: “... Sống trong cảnh tối om, chúng tôi mỗi người đều tự hỏi điều gì đã xảy ra, ngày mai ra sao, bao nhiêu vấn đề đang thôi thúc...”. Một nhà báo Anh thừa nhận: “ Chúng tôi ở Sài Gòn rất nguy ngập về lương thực vì trên đất thì quân dân Việt Nam phong toả, mà trên mặt biển thì trước kia quân Nhật đã thả nhiều thủy lôi. Các kho gạo của Nhật trước đây đều bị người Việt Nam phá hoại bằng cách đốt cháy hết trận này đến trận khác... Càng ngày càng khó kiếm miếng ăn. Và nước, rất nhiều người khổ sở vì nạn khát, nếu không nhờ thỉnh thoảng có một trận mưa”.

        Chỉ sau một tuần lễ bị vây hãm, đã có những người Pháp tại Sài Gòn oán trách Xê-đi sai lầm vì đã gây hấn với Việt Nam.

        Đầu tháng 10, Ủy ban nhân dân Nam Bộ huy động lực lượng các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá, theo quốc lộ Đông Dương và Phú Lâm. Do nắm địch không chắc, chuẩn bị chưa kỹ, lực lượng có hạn nên trận đánh không đạt kết quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 09:56:51 pm »


        Trong khi quân viễn chinh Pháp chưa đến, thực dân Pháp không còn cách nào hơn là phải nhờ Grê-xi làm trung gian xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Biết dã tâm của địch là hoà hoãn để chờ viện binh nhưng để biểu thị lập trường chính nghĩa, đồng thời tranh thủ thời gian đưa nhân dân tản cư khỏi thành phố, củng cố lực lượng, chấp hành chỉ thị của Chính phủ lâm thời, Ủy ban nhân dân Nam Bộ đồng ý thoả thuận với Pháp ngừng bắn một tuần lễ để điều đình. Hai bên gặp nhau vào các ngày 6 và 8 tháng 10. Đồng chí Phạm Văn Bạch - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ và đồng chí Phạm Ngọc Thạch thay mặt chính quyền cách mạng, đòi Pháp công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đình chỉ xung đột và rút quân về các vị trí trước ngày 23 tháng 9. Chỉ cốt chờ viện binh, Pháp dựng ra hàng loạt vụ việc để vu khống cách mạng, lập luận ngang ngược, khăng khăng đòi ta chấp nhận bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 của Đờ-gôn.

        Trong lúc đó, ngày 3 tháng 10, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh số 5 (5e RIC) đổ bộ lên Sài Gòn. Cùng ngày, bất chấp điều khoản ngừng bắn, quân Pháp vẫn tung lực lượng ra chiếm cầu Bông nhưng bị lực lượng của mặt trận phía Đông chặn đánh, phải co lại. Ngày 5 tháng 10 tướng Lơ-cléc tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lập tổng hành dinh trong vòng rào của quân Anh. Trong những ngày ngừng bắn, bọn đầu cơ chính trị ra mặt, tuyên bố thành lập “chính phủ quốc gia liên hiệp” với lập trường thân Pháp. Chúng bị thanh niên xung phong lùng bắt tại Chợ Lớn.

        Sau ba lần tiếp xúc không kết quả, Pháp lại đề nghị kéo dài thời gian ngừng bắn thêm 48 giờ.

        Tranh thủ thời gian, ta tiếp tục tổ chức nhân dân tản cư, dời cơ quan, kho tàng, chuyển máy móc ra ngoài, nhanh chóng bổ sung và điều chỉnh lực lượng. Nhân dân Sài Gòn vẫn tiếp tục đình công, bãi chợ, bao vây kinh tế đối với địch.

        Trong thời gian ngừng bắn, lữ đoàn cuối cùng của sư đoàn 20 Hoàng gia Anh đến Sài Gòn. Tương quan lực lượng lại thay đổi lớn có lợi cho địch.

        Chiều ngày 10 tháng 10, thời gian ngừng bắn đã hết, quân dân ta mở đợt chiến đấu mới. Một trận tập kích diễn ra cách Sài Gòn 3km về phía tây - bắc, ta diệt một số địch trong đó có hai sĩ quan. Đêm đến, quân dân xóm Chiếu vượt cầu qua quận Nhì cùng với quân cảm tử đánh bót cảnh sát ở đường Bô-rét-xơ. Trong lúc đó, quân ta tràn qua cầu Bông, cầu Kiệu, tiến công các điểm đồn trú của Pháp ở khu vực Đa Bao. 11 giờ đêm, chiếc tàu A-léc của Pháp tại cảng Sài Gòn bị đốt cháy.

        Do lực lượng có hạn, ta không thể bao vây Sài Gòn dài ngày. Có quân tăng viện, lại được 2 lữ đoàn thuộc sư đoàn 20 Anh và quân Nhật tiếp sức, Pháp bắt đầu đánh nống ra phía bắc và đông bắc Sài Gòn.

        Từ ngày 10 tháng 10, Anh lấy danh nghĩa Đồng minh đưa quân đi tước vũ khí quân Nhật ở các thị xã thuộc miền Đông Nam Bộ nhằm giúp Pháp mở rộng chiếm đóng các tỉnh xung quanh Sài Gòn.

        Ngày 12 tháng 10, Pháp chọc thủng tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, chiếm khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Mỹ, quân Anh chiếm Gò Vấp, Gia Định. Lực lượng vũ trang chặn và bám địch, diệt một số tên.

        Ngày 15 tháng 10, quân ta bao vây và tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Lực lượng Anh đóng giữ sân bay phải huy động hai đại đội thiết giáp ra ngăn chặn. Trận đánh kéo dài suốt ba ngày liền. Trước sức phản công mạnh, ta tạm lui, đến đêm lại tiếp tục bao vây sân bay và tiến công mạnh vào các chốt của đội tuần tra Anh.

        Lúc 5 giờ sáng ngày 16 tháng 10, quân ta lọt vào Sài Gòn, cùng một lúc tiến công nhiều mục tiêu, đốt cháy kho chứa vỏ ruột xe và xăng dầu của quân Anh, lửa cháy từ sáng tới chiều. Kho lương thực của Pháp và hãng sơn Khánh Hội bị đốt cháy. Nhà máy điện, nước vừa khôi phục bị thiêu hủy.

        Ở hướng nam Sài Gòn, từ 21 giờ đêm ngày 16 đến 17 tháng 10, lực lượng vũ trang Bình Xuyên phối hợp du kích đánh địch ở xóm Dầu, tiếp tục đánh thẳng xuống bốt cảnh sát đường Ga-li-ê-ni (nay là đường Trần Hưng Đạo). Cùng ngày quân Pháp tiến công An Nhơn để phá vòng vây, bị quân ta chặn đánh diệt 7 xe thiết giáp và 3 xe khác. Trong ngày 16 tháng 10, mặt trận phía Đông bị phá vỡ, quân Pháp chiếm cầu Bông, Bà Chiểu. Vòng vây Sài Gòn bị vỡ một mảng lớn, quân ta rút về củng cố trận địa ở Gò Vấp, trục đường từ ngã ba Chú Ia đến An Phú Đông. Ngày 16 tháng 10, tại cầu Hang, một cánh quân Anh - Pháp bị đánh thiệt hại nặng, ta thu 2 xe thiết giáp.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM