Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:11:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:58 pm »


Về bố trí lại thế trận tác chiến phòng không:

Chúng tôi chủ trương dồn đội hình Trung đoàn cao pháo 224 chốt bảo vệ những địa điểm xung yếu: một tiểu đoàn chốt khu vực Lùm Bùm - Ka Tốc, một tiểu đoàn chốt khu vực Chà Là, 2 tiểu đoàn chốt khu vực cửa khẩu. Tiểu đoàn cao xạ 42 trực thuộc chốt bảo vệ khu vực Ta Lê.

Trung đoàn tên lửa 275 dồn lên tiếp cận cửa khẩu. Tổ chức cụm bảo vệ khu vực cửa khẩu vào Ta Lê rất mạnh, đủ khả năng chế áp máy bay B52 rải thảm, đánh máy bay AC 130 đánh lấn ra vùng cửa khẩu.

Về bố trí lại thế trận vận chuyển:

Chúng tôi dồn Binh trạm 26 Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần vươn cung trả hàng ở Km 54 và cụm C Km 71 Tiểu đoàn xe 781 lên trụ ở Km 54; đường ra, vào căn cứ xe và căn cứ kho là đường ra vào theo con suối, địch không thể phát hiện ra và điều một lực lượng của Tiểu đoàn xe 52 lên trụ ở cụm C trong cửa khẩu.

Trên cơ sở thế trận bố trí binh hỏa lực theo phương thức chiến đấu binh chủng hợp thành, Binh trạm vận dụng chiến thuật: vận chuyển tập trung, tác chiến tập trung, kết hợp đường hở và đường kín chủ động tấn công địch, chủ động phòng tránh, chủ động nghi binh thu hút địch.

Tên lửa và cao pháo, có khi có cả không quân phối hợp khống chế áp đảo địch ở khu vực cửa khẩu, đẩy máy bay địch lên cao và ra xa vòng ngoài, ném bom không trúng đường để đội hình xe lớn vượt sông Ta Lê bí mật luồn vào tuyến đường kín đưa hàng tới đích, hoặc đi thẳng vượt qua trọng điểm Chà Là, Ka Tốc đến Nậm Khừng. Đồng thời tổ chức nghi binh thu hút địch đánh vào, ngầm 20C đường 20Đ, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch.

Sau khi các tiểu đoàn xe giao hàng xong cho Binh trạm 32 tại Nậm Khừng, chỉ huy sở tiền phương của Binh trạm tổ chức cho xe quay vòng trên "đường hở" về đến Ka Tốc thì trời sáng. Đoàn xe chui vào "đường kín" QZ25 đi tiếp rồi trụ lại, hậu cần bảo đảm ăn, nghỉ cho lái xe, kiểm tra kỹ thuật xe, sức khỏe lái xe, bảo dưỡng kỹ thuật xe đến 4 giờ chiều chỉ huy đội hình xe bôn tập vọt tiến về căn cứ nhận hàng chuẩn bị xuất kích chuyến hàng tiếp theo.

Lợi thế của tổ chức chiến thuật vận chuyển của Binh trạm 14 trong mùa khô này là kết hợp đường hở và đường kín, kết hợp chạy cả ban ngày và ban đêm, chạy đội hình tập trung trên đường hở chỉ thu gọn lại trên 36 kilômét từ cửa khẩu đến nam sông Ta Lê, đường 20B và 20A được mở rộng, dưới sự khống chế áp đảo của pháo cao xạ, tên lửa và cả không quân, chỉ trong vòng 60 phút là đến đầu mút tuyến đường kín QZ25, vượt qua một đoạn đường hở ở Ka Tốc, rồi lại chui vào đường nửa kín, nửa hở QA7 đến đường kín 129B và đến đích trả hàng.

Mùa khô này địch vẫn đánh vào khu vực ATP thường xuyên theo bài bản của chúng và đánh vào tuyến 20C, 20Đ do ta nghi binh thu hút địch vào đó. Cường độ đánh phá của chúng vẫn không giảm so với các năm trước, sử dụng cả cường kích và B52, rải bom ngăn chặn vận chuyển của ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:16:38 pm »


Đầu tháng 10 năm 1971, binh trạm đã bảo đảm cho gần 5.000 xe, pháo nhập tuyến an toàn. Từ tháng 10, tháng 11, tháng 12 tháng nào binh trạm cũng đạt vạn tấn/tháng, thỏa mãn chân hàng cho binh trạm phía trước. Lần đầu tiên binh trạm đã thực hiện phương án vận chuyển vô hiệu hóa sự đánh phá ngăn chặn của địch, tuyệt đối bảo toàn lực lượng vận chuyển chiến đấu. Trong ba tháng đầu mùa khô ta không mất một xe, không hy sinh một người, đồng thời đã làm sáng tỏ hơn sự vận dụng nghệ thuật quân sự trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ.

Khi tôi cùng chỉ huy Binh trạm đang chuẩn bị cho đợt Tổng công kích thì nhận được điện thoại của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã quyết định điều anh vào làm Binh trạm trưởng Binh trạm 32 thay đồng chí Đặng Văn Ngữ bị thương về tuyến sau. Tối nay anh bàn giao mọi công việc cho Binh trạm 14, ngày mai vào Binh trạm 32, anh đi xe con vào cho nhanh, có người đón anh ở Lùm Bùm.

Điều này chẳng làm tôi bất ngờ vì tôi đã dự đoán mùa khô này chắc hẳn phải chia tay Binh trạm 14 sau khi đã chiến đấu ở đây tròn 4 năm.

Tôi truyền đạt quyết định của cấp trên cho tập thể Ban chỉ huy, bàn giao công việc và chia tay anh em để hôm sau lên đường.


*

Xe con của tôi chạy ban ngày từ cửa khẩu đường 20 vào Sư đoàn 472 theo lệnh của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Trên đường, đồng chí Nguyễn Thuận Quảng - Binh trạm phó Binh trạm 32 cho tôi biết tình hình Sư đoàn khu vực 472 như sau:

Theo nhận định của trên, đế quốc Mỹ đã chuyển tuyến ngăn chặn từ khu vực các cửa khẩu vào khu vực đường số 9 và sông Sê Băng Hiêng kéo dài từ Bản Đông đến Thác Hài, chủ yếu là dùng máy bay AC 130 không chế các điểm vượt, đồng thời dùng AC 130 bám riết, đánh phá các đội hình xe trên đường. Hơn nữa vào đầu mùa khô này thời tiết cũng diễn biến thất thường, đã xuất hiện 2 trận mưa cục bộ đầu nguồn trên các sông Sê Băng Hiêng, Sê Pôn làm cho nước các ngầm vượt sông đột ngột dâng cao.

Tuyến vận chuyển khu vực thuộc Sư đoàn 472 bị tắc nghẽn nhiều ngày. Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải cử Phó tư lệnh Phan Khắc Hy, Phó chính ủy Lê Xy xuống làm Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn 472 để tìm biện pháp giải quyết. Các đồng chí: Ngô Huy Biên - Sư đoàn trưởng, Lê Đình Truy - Chính ủy sư đoàn xuống làm cấp phó, các đồng chí khác trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 xuống trực tiếp chỉ huy các binh trạm: đồng chí Nguyễn Việt Phương xuống Binh trạm 34, đồng chí Phan Hữu Đại xuống Binh trạm 33, đồng chí Hoàng Trá - Tham mưu trưởng vận chuyển xuống Binh trạm 39. Tôi từ Binh trạm 14 vào Binh trạm 32.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:33 pm »


Con đường vào đường 9, sông Sê Băng Hiêng, đoạn ngoài vẫn là cung đường quen thuộc, bởi nhiều lần tôi đã qua lại để hoạch định và tổ chức thực hiện tuyến đường kín của Binh trạm 14 từ đèo Phu La Nhích đến Nậm Khừng. Tôi muốn đi đường hở để thị sát lại cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Chà Là, Ka Tốc nên mới bị máy bay địch đuổi đánh. Từ Lùm Bùm đi vào tôi đi theo đường kín anh em công binh đã ken dày, xe đi êm ả như đi trong một đường hầm tối dài hun hút, mái cây che khuất, mặc cho máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời.

Sau khi nhập tuyến, tôi nhận thấy: Binh trạm 32 có nhiều thuận lợi về địa hình, địa vật, thời tiết so với Binh trạm 14. Còn lực lượng thì hai bên xấp xỉ như nhau. Rồi tôi lan man nhớ lại quá trình vận chuyển chi viện chiến lược từ thuở mang vác gùi thồ đến vận tải cơ giới; từ vận tải cơ giới dân sự đến vận tải quân sự theo đoàn xe 3 của anh Phan Tây; từ vận tải quân sự đến vận tải quân sự thời chiến bằng đoàn xe 1 của anh Vũ Toàn đến vận chuyển theo đội hình hiệp đồng binh chủng: xe - công - pháo - kho của Binh trạm 14 đường 20 Quyết thắng. Đến bây giờ vận chuyển cơ giới trên tuyến Trường Sơn đã bước một bước khá dài, đã trở thành nghệ thuật quân sự độc đáo của quân đội ta. Dẫu đế quốc Mỹ có mở hành lang ngăn chặn gì đi nữa thì ta cũng nhất định thắng.

Trong chiến dịch Đồng Xoài, các binh trạm cửa khẩu đã bảo đảm đủ chân hàng, đủ cơ số trực tiếp, cơ số dự bị và cơ số dự phòng, nên sau hội nghị ngày 27 tháng 12 năm 1971, Bộ Tư lệnh 559 phát động chiến dịch Bình Giã, lấy Sư đoàn 472 làm lực lượng đột phá đẩy chân hàng vào tung thâm. Theo đồng chí Thuận Quảng cho biết thì Binh trạm 32 nhận hàng của Binh trạm 14 và Binh trạm 15 rồi đẩy hàng đi theo ba hướng: Binh trạm 33, Binh trạm 34, Binh trạm 39. Nếu như cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn giữa ta và Mỹ đã chuyển làn vào khu vực vượt đường 9 và Sê Băng Hiêng rồi thì Binh trạm 32 sẽ là nơi tranh chấp quyết liệt nhất trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Tư tưởng chỉ đạo vận chuyển của Bộ Tư lệnh 559 là chớp thời cơ đẩy được một khối lượng lớn hàng vượt các cửa khẩu, đó là nghệ thuật tranh thủ thời tiết phía ngoài khi mùa khô đến sớm. Có thể bọn Mỹ bị một cú bị động bất ngờ nên chúng buộc phải chuyển làn ngăn chặn dọc tuyến sông Sê Băng Hiêng và đường số 9. Từ Bản Đông đến tây Mường Phin, trong đó đánh quyết liệt ngầm Tha Mé và ngầm Thác Hài. Hơn nữa, như đồng chí Thuận Quảng nói thì đồng thời một đợt mưa cục bộ đầu nguồn sông Sê Băng Hiêng làm cho nước sông dâng cao rất khác với mọi năm. Đêm đêm máy bay AC130 khống chế các điểm vượt. Toàn bộ xe đều bị trời và địch chặn lại bờ bắc kéo dài đến hàng chục kilômét, nằm la liệt dọc đường.

Với kinh nghiệm vận chuyển chiến lược dây chuyền từ ngoài vào trong diễn ra như một cơn lũ, một cơn lũ cuốn liên tục, từ hậu phương vào tận các chiến trường, tôi nghĩ đến phương án phải khai thông sớm. Sự đình trệ ở tuyến chi viện chiến lược sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tấn công địch trên các chiến trường, ảnh hưởng đến tư tưởng chiến lược của ta: "Giành thắng lợi từng bước, đánh đổ địch từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:17:59 pm »


Tôi quyết định không vào sở chỉ huy Binh trạm 32, mà đến thẳng Sở chỉ huy Sư đoàn 472 ở Na Lai. Ở đây, tôi chỉ gặp được đồng chí Lê Đình Truy - Chính ủy sư đoàn, đồng chí Nguyễn Bích Ngọc - Chủ nhiệm chính trị, còn các đồng chí trong Bộ Tư lệnh sư đoàn đều xuống các binh trạm. Sau khi nộp giấy sinh hoạt Đảng, tôi xin phép đi thẳng xuống ngầm N1, lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều; gặp đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 và anh Phạm Văn Diêu - Tham mưu trưởng công binh. Lúc này, Chính ủy Đặng Tính và Tham mưu trưởng Phạm Văn Diêu vào thay cho đồng chí Phan Khắc Hy và đồng chí Lê Xy, (anh Hy đến trực tiếp làm Tư lệnh Sư đoàn 473, anh Lê Xy thì trở về Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559).

Chính ủy vừa bắt tay tôi, vừa vui vẻ nói - Cơ quan Bộ Tư lệnh 559 và cơ quan Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 có mặt ở đây trên chín mươi người, thế mà "bắt cóc" thêm đồng chí nữa đó, đồng chí là con số 99 đó. Anh cười sảng khoái nói tiếp: Làm Binh trạm trưởng tạm thời thôi, nghề của cậu là nghề chính ủy, nghề của mình cũng là nghề chính ủy thế mà có nhiều lúc cấp trên giao làm quân sự. Anh đã đoán trúng suy nghĩ của tôi... Còn anh Phạm Văn Diêu, người đồng hương miền Nam thì nói thẳng: Tớ và Tâm quê ở miền Nam, chúng ta phải “làm việc bằng ba vì miền Nam ruột thịt chứ không phải bằng hai đâu nhé". Lời nói chân thành và bức xúc của Chính ủy Đặng Tính, của Tham mưu trưởng Phạm Văn Diêu làm tôi thêm lo lắng về bài toán đang hết sức gay go. Tôi xin phép hai anh được xuống ngầm N1 xem xét. Tôi ghé vào Ban chỉ huy Tiểu đoàn công binh 31, gọi Tiểu đoàn trưởng Quyết cùng đi.

Trước mắt tôi hiện ra một cái ngầm to và rộng, đường xuống ngầm thoai thoải khác với ngầm Ta Lê, nó được công binh ngụy trang rất kín đáo. Nước thượng lưu đổ xuống mạnh, vươn qua ngầm làm nhô lên một gân nước võng lên một đường thẳng, nước sông đục ngàu, hiền hòa trôi, không gian nghe như yên tĩnh.

Tôi và Quyết chui vào hầm chỉ huy giao thông. Vừa ngồi xuống sạp, tôi hỏi: "Các đồng chí có ghi chép lại ngày giờ địch đánh ngầm không?". Đồng chí trợ lý tác chiến Binh trạm báo cáo: Thưa Thủ trưởng có ạ, rồi anh đưa sổ đăng ký cho đồng chí Quyết.

Tôi lấy trong xắc cốt một tờ giấy đã kẻ sẵn cột ngày, cột giờ còn sót lại, Quyết đọc, tôi ghi. Giờ có đánh thì gạch chéo, giờ không đánh thì bỏ trống, đến hàng thứ 20 thì xuất hiện một vệt trắng dài, đó là từ 17 giờ đến 20 giờ, từ 4 giờ sáng cho đến 7 giờ sáng. Tôi mừng quá, không nói năng gì, lật đật quay trở về sở chỉ huy Binh trạm, chỉ kịp quay lại dặn đồng chí trợ lý tác chiến một câu: "Khi máy bay AC 130 đến đánh, đồng chí gọi điện thoại về số máy Binh trạm trưởng cho tôi nhé!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:34:53 pm »


Tối hôm đó, chúng tôi họp Thường vụ Đảng ủy và Ban chỉ huy Binh trạm, không kịp triệu tập các đồng chí công tác ở các đơn vị về. Thành phần dự họp gồm Chính ủy Nguyễn Văn Hiểu, Phó chính ủy Lê Hợp, Binh trạm phó Thuận Quảng, Tham mưu phó Nguyễn Dũng và đồng chí Quyết - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn công binh 31.

Tôi nói: Theo dõi hai mươi ngày qua thấy có hai thời điểm địch không sử dụng AC 130 ở một thời điểm có khoảng 3 giờ. Ta phải tổ chức chỉ huy thật chặt chẽ để khai thác tối đa hai thời điểm đó. Muốn vậy cần làm các điểm sau đây:

- Một là, đại đội thông tin rải một mạng dây bọc nối liền nam - bắc ngầm N1, phải mở vòng thật rộng để địch đánh không đứt dây.

- Hai là, tăng cường ngụy trang che phủ tuyến đường từ phía sau đến bắc ngầm, từ phía nam ngầm đến Binh trạm 33 để cho xe ban ngày tiếp cận ngầm và chạy ngay vào Kho 33.

- Ba là, bố trí phục kích bên bờ bắc một máy húc, bờ nam một máy húc, có làm công sự bằng nứa, tre bảo vệ đầu máy để kéo xe sa rệ hoặc chết máy khi qua ngầm.

- Bốn là, gia cố hầm chỉ huy giao thông bờ bắc, bờ nam, hầm chỉ huy chưa đạt yêu cầu an toàn.

- Năm là, kiểm tra kỹ thuật thật kỹ các xe vượt ngầm, xe nào chưa bảo đảm kỹ thuật thì tạm dừng lại.

Các đồng chí dự họp đều nhất trí phương án vượt ngầm của tôi, đồng chí Hiểu phân công từng đồng chí đi triển khai các công việc.

Vừa họp xong, chuông điện thoại reo. Tôi cầm máy nghe, thì bên kia đầu dây đồng chí trợ lý tác chiến báo cáo địch đã đến đánh.

Tôi hỏi: - Có đúng 20 giờ không? Đồng chí ấy báo cáo. - Đúng 20 giờ Thủ trưởng ạ - Như thế việc đăng ký của anh em là chính xác, không sợ chệch thời gian nữa.

Hôm sau, tôi và Dũng đi kiểm tra việc triển khai các công việc, trên đường chúng tôi ghé vào sở chỉ huy Trung đoàn 591 cao xạ thăm anh Lê Lẫm - Trung đoàn trưởng và yêu cầu đơn vị anh tập trung đánh máy bay địch, bảo vệ ngầm. Thấy chúng tôi bước vào, Lê Lẫm chạy ra đón chúng tôi.

Anh nói: - Nghe tin anh mới vào đấây, chưa sang thăm anh được, lại được anh đến thăm, thật là hân hạnh. - Tôi thầm nghĩ anh chàng người Khu 4 này, bây giờ lại nói hay đáo để, rồi nói: Không đâu, tôi đến nhờ cậy anh đấy, đã đi nhờ phải đến tận nơi. Ba người cười vui vẻ.

Anh hỏi: - Chúng em phải bắn rơi hay bắn bảo vệ ngầm?

Tôi trả lời: - Cả hai mục tiêu, nhưng mục tiêu bảo vệ ngầm là số một.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:35:31 pm »


Đi một vòng trong suốt một ngày, thấy mọi công việc được triển khai khá tốt, phải công nhận cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 32 thiện chiến, mới một ngày thôi mà bộ phận nào công việc chuẩn bị cũng đã hòm hòm. Trong chiến tranh làm một người chỉ huy, công việc đầu tiên có ý nghĩa quyết định nhất là xây dựng lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, có cái đó là có tất thảy, dẫu gặp khó khăn, ác liệt mấy cũng có thể vượt qua một cách dễ dàng, tôi thầm cảm ơn Đảng ủy và Thủ trưởng Binh trạm 32 qua các thời kỳ đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ giỏi giang như thế.

Trước giờ "G" tôi và Dũng, Quyết đã có mặt tại hầm chỉ huy giao thông bắc ngầm N1. Những giây phút sắp thực hiện một quyết đoán quan trọng của người chỉ huy sao mà thiêng liêng vậy, thần kinh căng thẳng, vừa lo lắng, vừa tự tin, hai thái cực ấy nó quyện vào nhau làm cho tâm can mình xao xuyến. Ngoài hầm chỉ huy ánh sáng hoàng hôn của xứ Lào tỏa một màu vàng rực rỡ, hoàng hôn xứ Lào gần giống như rạng đông miền Trung Việt Nam. Một tốp máy bay trong đó có máy bay AC 130 lượn vòng trên bầu trời, một loạt đạn pháo 40 ly rồi 20 ly bắn xuống, nổ lộp bộp rồi chúng rút về phía tây. Không gian im ắng hẳn, chỉ còn lại tiếng nước sông Sê Băng Hiêng chảy mạnh vang lên tiếng reo lóc róc, lóc róc.

Tôi hạ lệnh cho xe xuất phát vượt ngầm rồi đứng đầu ngầm trực tiếp chỉ huy. Sau khi cho đi thử hai tốp để kiểm tra ngầm thấy ổn tôi cho xe vượt ngầm liên tục. Đoàn xe nối đuôi nhau lăn bánh, mặt ngầm rung chuyển, tiếng động cơ ô tô ầm ầm, tiếng còi xe gấp gáp, tiếng người gọi nhau loạn xạ, tiếng bánh xe lăn trên các cây lồ ô ngụy trang nổ lộp bộp...

Ầm ào quá! Không thể nghe tiếng máy bay địch, đồng chí Quyết gọi điện thoại lên đài quan sát nhắc nhở theo dõi chặt máy bay Mỹ.

Đến 20 giờ, chưa thấy máy bay địch tới, nhưng tôi hạ lệnh nhanh chóng cho một đợt nữa vượt ngầm. Chờ đến 20 giờ 30 phút máy bay Mỹ chưa tới, tôi thấy tiếc, tự trách mình nguyên tắc quá, lẽ ra dấn thêm chút nữa có tốt hơn không!

Theo kế hoạch cả tốp chỉ huy chúng tôi rút về sở chỉ huy, nhưng tôi cho Quyết và Dũng về trước, tôi ở lại để quan sát cách đánh của AC 130 ở đây như thế nào. Quyết và Dũng xin ở lại, tôi không đồng ý, ở nhà còn bao nhiêu việc, các đồng chí về nghỉ, ngày mai còn làm việc.

Quyết và Dũng đi chừng một lát thì một chiếc AC 130 lững thững bay ra, nó lượn một vòng ra ngoài đường 9 rồi quay lại, nghiêng cánh và bắn vào ngầm bờ bắc cách hầm chỉ huy giao thông chừng 30 mét, mảnh đạn bay rào rào xung quanh. Nó lại lượn vòng vào phía nam rồi quay lại bờ nam ngầm, bắn vài loạt vu vơ. Nó đang tìm mục tiêu. Đồng chí trợ lý tác chiến báo cáo: Báo cáo Thủ trưởng cho phép em thực hiện kế hoạch nghi binh lừa địch, ở đây ban tác chiến binh trạm có một trận địa nghi binh ở bờ nam. Tôi đồng ý. Đồng chí bấm vào một nút điện, thấy ở bờ nam có ánh sáng lập lòe, vừa sáng lên rồi lại tắt, thế là thằng AC 130 lao vào mục tiêu ngay, nó bắn đạn 40 ly và 20 ly loạn xạ vào "đội hình xe giả".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:36:12 pm »


Sau hai giờ đồng hồ, nó rút về phía tây, thì đã có một thằng AC 130 khác đến thay phiên, cùng đi một bài như thằng trước và bị Ban tác chiến Binh trạm 32 lừa vào mục tiêu giả. Thằng Mỹ đang say sưa, đắc thắng với ván bài AC 130. Tôi thầm nghĩ: chúng tao đang khơi sâu cái đắc thắng của chúng mày đây! Đắc thắng nữa đi để rồi đại suy sụp. Việc khống chế máy bay địch đánh phá trên ngầm N1 vẫn diễn ra như thế cho đến 4 giờ sáng thì kết thúc.

Như vậy địch vẫn giữ quy luật đánh phá như trước.

Cầm chắc phần thắng trong tay, tôi ra lệnh cho xe vượt ngầm liên tục. Bỗng dưng một xe bị sa rệ xuống ngầm, tôi lệnh hãy để đó kéo sau, cho xe vượt ngầm. Những chiếc xe cắn đuôi nhau vượt sông trông như một đoàn tàu dài. Đến 7 giờ sáng thì không còn xe nào ở bờ bắc nữa. Tôi cho máy húc kéo chiếc xe sa rệ lên bờ nam và cho công binh xóa dấu vết xe trên bờ ngầm, trên đường, ngụy trang che phủ hai bên bờ ngầm. Lúc này, xe của Binh trạm đã đến đón tôi trở về chỉ huy sở. Cuộc giải tỏa đã kết thúc tốt đẹp.

Tôi gọi điện thoại báo cáo Chính ủy Bộ Tư lệnh Đặng Tính, Chính ủy Sư đoàn Lê Đình Truy và Tham mưu trưởng công binh Phạm Văn Diêu báo việc giải tỏa ngầm N1 đã xong. Chính ủy Đặng Tính hỏi tôi: Liệu tiếp tục như thế được bao nhiêu ngày? Tôi báo cáo khoảng từ 10 ngày đến 15 ngày thì địch phát hiện ra, cho nên xin phép anh cho tôi đi tìm một nơi vượt sông khác. Mở một điểm mới vượt sông nhanh nhất cũng mất 10 ngày, tôi sẽ báo kết quả sau. Trong máy điện thoại nghe tiếng cười của anh và tiếng nói của anh với Phạm Văn Diêu: "Cậu Tâm nói đúng đấy, thế nào địch cũng thay đổi quy luật đánh".

Ban Tham mưu công binh đi theo tôi xuống sông. Tôi hỏi: - Ông Ngữ binh trạm trưởng là "vua vượt sông", chắc ông ấy có "phép" để lại cho các cậu chứ gì. Tớ biết ông này lắm phép lắm. Anh em có vẻ bí mật rằng: Ông Ngữ có chuẩn bị một điểm vượt sông lý tưởng, chúng tôi đưa thủ trưởng đến đó xem.

Xe con dừng lại ngoài đường tuyến, cả bọn rúc vào bờ sông, cây cối chằng chịt, mỗi người đi theo một hướng riêng nên anh nào cũng bị dây leo cản trở. Đến sát bờ sông thì hiện ra trước mắt mọi người một lạch rất đẹp, cực kỳ hẹp, nước chảy xiết, phía bờ nam là một doi đá không có cây cối gì. Bờ bắc thoai thoải, gần mép nước có hai cây cổ thụ tán lá xòe ra che phủ. Thực tình tôi mừng hết chỗ nói. Tôi hỏi chỗ này Đoàn 559 đã biết chưa? Anh em nói Thủ trưởng Ngữ chưa cho phép báo cáo vì đây là phương án dự phòng, gỡ bí của Binh trạm 32. Tôi thầm cảm ơn ông Ngữ, người chỉ huy Binh trạm láng giềng của Binh trạm 14 trong nhiều năm, vẫn biết ông ấy là "vua vượt sông" và cũng là con người lắm "phép", dám thách đố với Đoàn nhiều bận. Bao giờ ông ấy cũng được cuộc.

Tôi nói: Thôi nhé, chúng ta làm theo phương án của Binh trạm trưởng Đặng Văn Ngữ và đặt tên cầu phao này là cầu phao Đặng Văn Ngữ cũng được lắm chứ sao?

Một bất ngờ hơn nữa là ông Ngữ đã chuẩn bị ván, dầm và một xà lan kéo từ Bản Đông về đây trong mùa mưa. Chúng tôi chỉ lắp đặt là xong một cái cầu phao vượt sông tử tế. Việc của chúng tôi bây giờ là làm đường vào, đường ra ở bờ bắc và bờ nam. Tôi cho đường thọc sâu xuống phía nam 3 kilômét, rồi quay ngược lại đến một lùm cây cao, rộng, từ đó thọc vào đầu cầu phao, phía nam cũng làm như thế. Anh em đặt ngay một cái tên "đường chữ Z".

Tôi thầm nghĩ: Ông Đặng Văn Ngữ, một Binh trạm trưởng dũng cảm, tài ba đã chuẩn bị và để lại cho ta một phép màu hiệu nghiệm; bây giờ ông ấy đang điều trị ở đâu, nếu biết được địa chỉ ông ấy tôi sẽ viết thư báo tin mừng cho ông ấy khi chiếc cầu phao này đi vào sử dụng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:37:16 pm »


Một sự may mắn thật kỳ lạ! Vừa bắc được cầu xong thì xuất hiện một đợt mưa đầu nguồn, nước trên sông Sê Băng Hiêng cuồn cuộn chảy xuôi. Trên tuyến Tây Trường Sơn, cung đường của Binh trạm 32 và Binh trạm 27 nước sông dâng cao làm ngập con đường ô tô đi theo con suối Chà Lỳ, Binh trạm lập tức chuyển hướng cho xe chạy về phía cầu phao. Hậu cần Binh trạm dùng súc vải trắng kéo dọc hai bên cầu phao làm tiêu cho xe đi; xe vào cầu phải tắt đèn gầm. Bốn góc cầu để bốn ngọn đèn bão, chỉ để hai lỗ nhỏ cho ánh sáng ló ra, xe lên xuống cầu giữa hai chấm đèn ấy. Đến sáng, ta dỡ cầu đẩy theo dòng nước chảy về giấu ở hạ lưu, dưới một tán cây rừng rậm rạp ven sông. Chiều đến, bộ đội ta lại cho xe tời gá vào thân cây kéo ngược lên, lắp cầu vào vị trí. Mọi động tác phải rất nhanh và thật chính, xác. Công việc này cũng được tổ chức huấn luyện cẩn thận thành quy trình trước khi đưa cầu vào sử dụng.

Binh trạm chỉ thị cho ngầm N1 tiếp tục công việc nghi binh lừa địch, kéo địch về phía ấy. cầu phao không thể cho xe chạy ban ngày được nên chưa thực hiện được chủ trương của Bộ Tư lệnh 559 là kết hợp đường hở và đường kín, chạy ngày kết hợp với chạy đêm. Yếu tố hệ thống đường kín bảo đảm cho xe chạy ngày đang xuất hiện trên toàn khu vực Sư đoàn 472, các binh trạm 33, 39, 34 đang ra sức cải tạo đường hở thành đường kín để chuyển mọi hoạt động sang ban ngày, ban đêm chỉ chạy nghi binh thu hút địch. Việc làm một cái ngầm kín vượt sông Sê Băng Hiêng thôi thúc chúng tôi phải hoàn thành sớm bằng mọi giá.

Trở về Binh trạm bộ tôi như người mất trọng lượng, mắt hoa, chân run. Đêm đó, khi ra ngoài đi tiểu tôi bị ngất nằm lăn trên hố tiểu. Đồng chí công vụ thức dậy không thấy tôi, đi tìm mới thấy tôi nằm xoài, anh cõng tôi vào nhà.

Anh Hiểu - Chính ủy Binh trạm 32, anh Thuận Quảng Binh trạm phó và anh Lê Hợp - Phó chính ủy người đồng hương Quảng Trị đến thăm, khẩn khoản yêu cầu tôi không ra đường trực tiếp chỉ huy nữa...

Đến lúc này hệ thống đường kín đã hoàn chỉnh và khô ráo, cho phép các Trung đoàn xe 11, Trung đoàn xe 13 của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và ba tiểu đoàn xe của Binh trạm 32 đi đội hình tập trung, rất cần có ngay một cái ngầm kín chạy ngày để khai thác thời gian trong 24/24.

Thêm một lần nữa cùng Ban Tham mưu công binh lên đường đi làm ngầm kín. Từ cầu phao xuôi về hạ lưu, thấy một thác nước thấp và rất đẹp, hai bên bờ có cây to, bóng mát, giữa thác lô nhô những mỏm đá ken dày, nếu có đá tảng đưa vào xung quanh các mỏm đá tự nhiên ấy có thể tạo ra một cái ngầm kín tốt. Tôi đi ngược lên thượng lưu, cởi quần áo bơi ra giữa dòng sông nhìn bầu trời trong sáng, lơ lửng có những đám mây trắng toát, dòng sông trong trẻo và mát lạnh, bất ngờ gặp một dòng nước rất mạnh cuốn tôi xuống hạ lưu. Tôi hoảng quá, chồm người ra phía trước đón một mỏm đá, lấy hai tay ôm vít mỏm đá, hai chân kẹp hai bên mỏm đá, như đang cưỡi ngựa, rêu xanh rất trơn nên người tôi tụt xuống, tôi bấu chặt vào cái tai mỏm đá. Anh em vội vàng kiếm dây rừng buộc vào cái mũ cối rồi ném về phía tôi. Tôi với tay nắm được đầu dây, anh em kéo vào bờ. Thật là hút chết...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:37:40 pm »


Đi thêm 5 kilômét nữa, thì ông trời cho gặp một điểm tuyệt vời. Hai bên bờ bắc và nam đều thoai thoải giống như bến sông quê hương tôi. Men bờ là những tán lá cây rừng cao to, rậm rạp, dòng sông cạn nước chảy lững lờ. Tôi mừng vui quá đỗi và nói với anh em cùng đi: Đây sẽ là một cái ngầm kín lý tưởng. Thằng địch cho rằng đây là một đoạn sông sâu, chúng không chú ý. Ta đổ vào đây khoảng 500 mét khối đá thì sẽ có một cái ngầm kín có một không hai trên tuyến đường Trường Sơn này!

Làm sao để có 500 mét khối đá làm ngầm? Anh em cho biết Binh trạm 32 có máy khoan đá, có xe ben huy động ra làm thì chỉ một tuần là xong. Binh trạm 32 là Binh trạm chủ lực của Đoàn 559 nên được trang bị nhiều loại: máy húc, xe ben, xe téc, máy khoan đá loại nào cũng có. Tổ thông tin đi cùng mắc một đường dây bọc thông tin ra đường dây trần xuyên tuyến, gọi điện thoại về Binh trạm bộ. Tôi nói chuyện với đồng chí Nguyễn Hiểu - Chính ủy đề nghị họp ngay Thường vụ Đảng ủy bằng điện thoại. Đại đội trưởng thông tin liền nối dây vào ba máy: máy của tôi tại hiện trường, máy của Chính ủy và máy của Phó chính ủy Lê Hợp. Binh trạm phó Thuận Quảng ở máy trực ban. Tôi báo cáo việc tìm được địa điểm rất lý tưởng để làm ngầm kín, công việc phải làm, thời gian hoàn thành, triển vọng sử dụng công trình. Anh Thuận Quảng ở máy trực ban nói: Anh Tâm ơi, gần cầu phao phía phải theo hướng Bắc - Nam có một vỉa đá vôi rất tốt, có thể rất gần chỗ của anh. Anh Hiểu nói: Tôi sẽ trực tiếp huy động tất cả máy khoan đá, xe ben, các thứ gì trong kho có thể dùng được và đưa xuống. Một binh trạm có truyền thống tổ chức hành động, có truyền thống đoàn kết nhất trí là cái lý giải cho ngày hôm sau tất cả đã có mặt ở hiện trường. Tôi ôm lấy anh Hiểu vì cảm động và sung sướng quá! Anh Hiểu là một người chính ủy trông bên ngoài rất hiển lành, nhưng trong công việc lại rất xông xáo và sáng suốt, đối với anh tất cả là vì tập thể, vì chiến thắng, hơn thế nữa vì truyền thống của Binh trạm 32 - truyền thống mà biết bao cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm đã lấy xương máu của mình để hun đúc nên.

Một công trường khai thác đá bằng cơ giới giữa núi rừng Trường Sơn xa xôi hẻo lánh được khai trương; máy nổ, máy khoan đá chạy đều đều, lưỡi khoan thọc sâu vào lòng các tảng đá, bột đá bay tỏa trong không gian; những tiếng mìn nổ đùng đoàng, khói bốc cao rồi lan tỏa vào rừng cây, có từng sợi, từng sợi bay vắt vẻo trong tán cây. Những khối đá vỡ ra màu trắng ngà nhiều cỡ khác nhau lăn lóc. Xe ben áp sát, lực lượng công binh liên tục chuyển đá lên xe. Xe nổ máy tiến về hiện trường đổ xuống lòng sông, công binh xếp những khối đá tảng ở dưới, để chừa những lỗ trống để thoát nước, các cục đá ba ở các lớp trên, cứ thế cao dần từ bờ bắc vào bờ nam. Hai tốp công binh khác mở đường ra, vào ngầm theo công thức đường ra, vào lắt léo của cầu phao.

Cả công trường làm việc quên ăn, quên ngủ. Chỉ sau 10 ngày, ngầm kín N3 chạy ngày được hoàn thành. Từ đó hai trung đoàn xe: Trung đoàn 11 và 13, ba tiểu đoàn 60, 990, 102 đi cung dài vượt ngầm ban ngày chở hàng ra phía trước. Binh trạm vẫn để một đội hình xe nhỏ chạy đường hở, nửa kín nửa hở đi vào các binh trạm 33, 34 theo trục đường 22, nếu địch dùng AC 130 đánh phá thì chạy ngày, nếu địch dùng phản lực đánh phá thì chạy đêm để thu hút địch.

Ai đi qua các ngầm kín N3 ấy đều muốn dừng lại ngắm nghía chốc lát nhưng rồi phải đi ngay, bởi Binh trạm đã gắn một dòng chữ hai bên ra, vào ngầm: "Dừng lại lâu ở đây, ngầm sẽ bị lộ".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2016, 09:38:34 pm »


Anh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, dạo ấy dù công việc bận rộn đến thế mà vẫn mấy hôm lại phóng xe vào thăm chiếc ngầm kín ấy. Anh Đặng Tính - Chính ủy Bộ Tư lệnh 559, từ Sư đoàn 471 ra, cũng dừng xe lại. Anh ôm hôn tôi, và cười hài lòng. Anh tặng chúng tôi một tút thuốc lá Điện Biên và một gói ớt Hạ Lào. Tôi báo cáo anh: Ngầm này thi công bằng cơ giới hóa, đồ sộ thế mà chỉ trong 10 ngày, đêm là xong. Đề nghị anh từ nay trở đi việc thi công đường sá nên phát triển theo hướng cơ giới hóa. Tôi nghe tin anh Đinh Đức Thiện đem phương tiện cơ giới đổi nhân lực đưa vào chiến trường, trước đây hoàn toàn đúng, bây giờ nên đưa cơ giới hóa vào chiến trường thay nhân lực có lợi hơn. Anh nói: Ý kiến của cậu đúng đấy, Binh trạm 32 giỏi, giỏi thiệt. Một cái ngầm bình thường thôi, nhưng khi nó đáp ứng cho một chiến cuộc phát triển quy mô mới thì trở thành một cái ngầm mang tính huyền thoại. Cũng như con đường Trường Sơn chỉ là con đường đất bình thường phi tiêu chuẩn nhưng khi nó trở thành "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đáp ứng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn kéo dài trong nhiều năm, chịu gần 4 triệu quả bom các loại và hơn 400.000 loạt rốc-két, đưa hàng triệu tấn hàng quân sự, hàng triệu quân vào chiến trường thì con đường Trường Sơn trở thành con đường huyền thoại sống mãi trong lương tri của mọi người Việt Nam và loài người tiến bộ! Song con đường Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là vì nó được tựa vào sức mạnh đoàn kết, đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân ba nước Đông Dương; đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hình thái vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược đã phát triển đến một cục diện hoàn toàn mới: kết hợp chạy ngày và chạy đêm, kết hợp đường kín và đường hở, từ sự xuất hiện cục bộ năm trước nay đã xuất hiện đại trà trên tuyến Trường, Sơn - đường Hồ Chí Minh. Nhận biết cục diện mới xuất hiện, Đảng ủy Binh trạm 32 đã họp một cuộc họp bất thường. Đảng ủy nhận định rằng: Nghệ thuật vận chuyển chi viện chiến lược phát triển tới một đỉnh cao, đang ở xu thế tiến lên xây dựng một thế trận vận tải chi viện chiến lược đồng bộ từ cấp chiến lược, chiến dịch đến chiến đấu. Xây dựng ngày càng hoàn chỉnh tổ chức và lực lượng, sáng tạo hình thái nghệ thuật vận tải quân sự kết hợp tiến công và phòng ngự. Nghệ thuật vận chuyển chi viện chiến lược này khẳng định sự chiến thắng cuối cùng của ta và trong cuộc chiến đấu chống ngăn chặn. Lực lượng ta nhất định đánh sập hoàn toàn cuộc chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn, hiện đại nhất của Mỹ. Nhiệm vụ lịch sử của Binh trạm 32 và Sư đoàn 472 lúc này là phải dốc toàn sức, dồn toàn lực, tổng công kích toàn diện với mục tiêu vượt đường 9 - Sê Băng Hiêng. Riêng Binh trạm 32 phải đạt mức 2 vạn tấn/tháng. Để đạt được mục tiêu này ta phải tập trung làm tốt ba công việc sau:

Một là: Tất cả bảo vệ đường kín và chạy ngày, kiên trì chạy đường hở thu hút địch, đẩy mạnh nghi binh thu hút địch.

Hai là: Tất cả cho công tác đảm bảo kỹ thuật xe đạt hệ số kỹ thuật, hệ số sử dụng cao nhất.

Ba là: Tất cả cho sức khỏe bộ đội nhất là lái xe và công binh có sức khỏe dẻo dai chiến đấu liên tục ngày đêm.

Đảng ủy phân công anh Nguyễn Hiểu, anh Lê Hợp cùng cơ quan chính trị, hậu cần lo khâu sức khỏe cho bộ đội, động viên tinh thần bộ đội; tổ chức các quán ăn, các trạm truyền tin, đội văn nghệ biểu diễn phục vụ bảo đảm cho lái xe và công binh được ăn đủ, ngủ tốt, giải trí trên đường. Đồng chí Nguyễn Thuận Quảng và Ban Tham mưu vận tải tổ chức nâng cao đầu xe hoạt động. Tôi được giao phụ trách chung, trực tiếp là khâu cầu đường và đánh địch; có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn cao xạ 591, kéo địch ra đường hở để đánh địch nhằm bảo vệ đường kín, phối hợp với Binh trạm 30 tu chỉnh đường trên toàn tuyến 24.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM